Âm Nhạc và Chính Trị
Đã gửi: Thứ tư 10/06/20 17:26
-
Âm Nhạc và Chính Trị (1)
____________________________
Đào Viên _ 26.10.2016
1. Âm nhạc ảnh hưởng vào Chính trị
If I were not a physicist, I would probably be a musician.
I see my life in terms of music. I get most of my joy in life out of my violin.
Albert Einstein
Tháng Tư năm 1958 Mạc Tư Khoa (Moscow) là mùa Xuân, trời đã lạnh. Một chàng thanh niên người Hoa Kỳ, 23 tuổi, đã lặn lội từ Nữu Ước đến phi trường Mạc tư khoa.
Xuống đến nơi, một người phụ nữ Nga đã có mặt đón người khách lạ. Bà chào bằng tiếng Anh, một thứ tiếng Anh của người Nga, rất khó nghe: “Welcome to Moscow, Mr. Van Cliburn”. Người thanh niên Hoa Kỳ một lúc sau mới biết là bà ta đang nói với mình. Người phụ nữ này tên là Henrietta Vileava, về sau trở thành một người bạn thân của Van Cliburn.
Người thanh niên Hoa kỳ, tên Van Cliburn, đến Mạc Tư Khoa, là để tham dự cuộc thi độc tấu dương cầm có tên là The International Tchaikovsky Competion, mở ra lần đầu tiên cho mọi dương cầm thủ thế giới. Về phương diện thời gian thì kỳ thi này rất có lợi cho nước Nga, còn có tên là Cộng Hòa Liên Bang Sô viết, dưới quyền điều khiển cuả lãnh tu Nikita Khrushchev.
Quả thật vậy Nga Sô lúc đó đang dẫn đầu thế giới trong cuộc đua chinh phục không gian.
Chỉ trước đó ít lâu, ngày 4 tháng 10, 1957 người Nga đã phóng lên không gian vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 bay quanh trái đất, vừa bay vừa phát tín hiệu cho toàn thể thế giới thấy – kể cả Hoa Kỳ – báo hiệu một kỷ nguyên mới: Kỷ Nguyên Không Gian.
Sputnik 1 trên bầu trời năm 1957
Ngày 3 tháng 11, 1957, Sputnik 2 lại được phóng lên qũy đạo. Lần này vệ tinh nhân tạo Nga đã mang theo một con chó có tên là Laika, lúc trở về trái đất, Laika vẫn còn sống làm toàn thế giới rất vui mừng.
Chính quyền Sô Viết mở cuôc thi âm nhac International Tchaikosky Competition cũng có ý nhằm mục đích tỏ ra cho thế giới biết dân Nga không những giỏi về khoa học mà còn giỏi cả về nghệ thuật âm nhạc nữa.
Tại Hoa kỳ, khi nghe tin này, Van Cliburn đã quyết định sang Nga tham dự.
Van Cliburn là ai? Ông tên thật là Harvey Lavan Van Cliburn, sinh ngày 12 tháng Bẩy 1934, tại thành phố Shreveport, tiểu bang Louisiana. Mẹ ông là nhạc sĩ dương cầm Rildia O’Bryan Bee. Ngay khi mới 3 tuổi, Van Cliburn đã được mẹ dạy chơi dương cẩm. Ba năm sau, cả gia đình dọn về Kilgore, tiểu bang Texas. Tại đây, khi ấy mới 12 tuổi, Van Cliburn dành giải nhất cuộc thi dương cầm cho toàn tiểu bang, thế là chàng trai này được mời vào đoàn Houston Symphony Orchestra. Năm năm sau, ở tuổi 17, Van Cliburn vào học trường âm nhạc Juilliard, Nữu Ước, được trông nom và huấn luyện bởi bà Rosina Lhévinne. Bà Lhévinne là một dương cầm thủ chuyên chơi âm nhạc cổ điển, nhạc phái lãng mạn Nga. Khi được 20 tuổi, Van Cliburn thắng giải Leventritt, từ đó ông trở thành vai chính dương cầm thủ tại Carnegie Hall.
Lần đầu tiên vào đại nhạc viện Tchaikovsky dự thí, Van Cliburn không khỏi hồi hộp, khi thấy ban giám khảo, rất đông, được giới thiệu là những nhạc sĩ nổi tiếng của Nga như các ông Shostakovich, Emil Gilels, Sviatoslav Richter, Kabalevsky, Oborren…
Cliburn với ngón tay dài
Dân Nga không hề gặp Van Cliburn trước bao giờ. Họ chỉ thấy một chàng trai cao ráo, hơi gầy, tóc bù xù không chải, nhưng đôi bàn tay với những ngón tay rất dài, hứa hẹn một màn trình diễn dương cầm độc đáo. Cuộc thi bao gồm nhiều màn đôc diễn dương cầm, tận cùng bằng hai bản Concerto: Tchaikovsky’s Piano Concerto No. 1 và Rachmaninov’s Piano Concerto No. 3, vào ngày 13 tháng Tư, 1958.
Van Cliburn trình diễn Tchaikovsky Concerto No. 1
Trước đây người Nga vẫn nghĩ ông Lev Vlassenko, 29 tuổi, nhà đại dương cầm thủ của Liên Bang Sô Viết sẽ thắng giải này. Nhưng, khi Van Cliburn ngổi xuống trình diễn song hai bản Concerto đó với ban nhạc đại hòa tấu, người Nga mói thấy đây mới thực là một thiên tài về dương cầm. Tất cả khán giả hôm ấy đều đứng dậy hoan hô tán thưởng tài nghệ âm nhạc chàng trai Van Cliburn rất lâu, trong 8 phút.
Toàn thể ban giám khảo , gồm những nhạc sĩ danh tiếng nhất nước Nga như các ông Shostakovich, Emil Gilels, Sviatoslav Richter, Kabalevsky, Oborren… đều công nhận người thắng giải phải là chàng thanh niên Hoa Kỳ 23 tuổi Van Cliburn. Nhung họ thấy rằng, trong tình thế hiện tại, họ không thể đơn phương quyết định được. Ông trưởng ban, Dimitri Shostakovich phải đích thân đến gặp lãnh tụ Nikita Khrushchev để xin chỉ thị có nên cho người thanh niên Hoa kỳ giải nhất không. Khrushchev hỏi lại: “Tên này có là người giỏi nhất không?” Khi được trả lời đúng vây, ông Krushchev phán ngay: “Vậy thì trao giải hạng nhất cho hắn“.
Van Cliburn trình diễn Rachmaninoff Concerto No. 3
Tin này loan ra làm sửng sốt tất cả mọi người, từ Liên bang Sô viết đến Hợp Chủng Quốc Hoa kỳ.
Tại Nga Sô người dân đón nhận tin này như là một vinh dự: một nhạc sĩ dương cầm, bất luận là người nước nào, đã biểu diễn tuyệt vời hai bản nhạc của người Nga Tchaikovsky và Rachmaninov, hay chưa từng thấy. Tinh thần nghệ thuật âm nhạc Nga đã thể hiện trên Van Cliburn. Van Cliburn chính là hiện thân của nền âm nhạc Nga, đại diện bởi Tchaikovsky và Rachmaninov.
Kể từ ngày ấy, người Nga đều gọi ông với một tên Nga rất thân thương là Vanya
Tiếp rước Cliburn tại New York
Trở về Hoa kỳ, ông Van Cliburn được đón tiếp rất trong thể. Tin này được đăng trên trang Nhất của báo chí. Tờ Time đăng ảnh ông lên bìa ngoài cùng, Ông được người dân Nữu Ước mời lên xe đi diễu hành trên các đại lộ để người dân xem mặt.
Chân dung Cliburn trên báo Time
Với danh tiếng này nhạc sĩ Van Cliburn đã được mời đi biểu diễn nhiều nơi, cho nhiều vị nguyên thủ quốc gia: Tổng Thống Harry Truman, Tổng thống George W Bush và sau cùng là Tổng thống Barack Obama.
Ông Van Cliburn đã trở lại Nga nhiều lần theo lời mời của chính phủ Nga. Năm 1962 trở lại Liên bang Sô Viết, Vanya Cliburn biểu diễn dương cầm cho ông Nikita Krushchev và Chính phủ của ông ta, trong số này có ông Andrei Gromyko là Ngoại trường đương thời. Năm 1972 Van Cliburn lại sang Nga, chơi đàn với ban đại Hòa tấu Moscow Orchestra của nhạc trưởng Kondrashin, trình diễn bản nhạc Brahms Piano Concerto No. 2 và Rachmaninov Rhapsody on a Theme of Paganini. Cũng trong năm ấy, về lại Hoa Kỳ, ông đến dinh Spaso House là tư dinh của Đại sứ Nga. Nhân dịp này, ông Đại Sứ mời luôn Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng William P. Roger đến tham dự.
Tháng 10 năm 2004 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời ông sang Mac tư Khoa biểu diễn. Tổng thống Putin đã tặng ông huy chương Tình Hữu Nghị (the Order of Friendship) là huy chương cao quý nhất của Nga dành cho một công dân dân sự nước ngoài.
Dân Nga chào đón Vanya Cliburn
Nhiều người cho rằng nhờ có ông Van Cliburn, Chiến Tranh Lạnh giữa Nga Sô và Hoa kỳ đã giảm nhiệt độ rất nhiều, nguy cơ gây chiến không còn nữa.
Âm nhạc, đại diện bởi Van (Vanya) Cliburn, trong thời gian và không gian đó quả thật đã ảnh hưởng đến, tác động tốt đẹp vào Chinh Trị. Điều này không chắc đã đúng trong một thời gian và không gian khác.
Người chơi dương cầm giỏi như ông Cliburn tất nhiên phải có một cây đàn dương cầm thật tốt. Công ty làm dương cầm tốt nhất thế giới là Steinway & Sons, một người Đức làm ăn tại Hoa Kỳ (New York, quận Queens). Mỗi cây đàn Steiway & Sons đều có một số danh bạ riêng.
Cây đàn của ông Cliburn có số danh bạ là 157754. Hai ông bà thân sinh ra Van Cliburn đã mua cây đàn này năm 1923, khi đó đã cũ 11 năm rồi. Ông Van Cliburn tập đánh dương cầm từ nhỏ trên cây đàn này, đến khi ông vào học trường âm nhạc Juilliard. Năm 1956 cây đàn 157754 được đem về xưởng Steinway & Sons để tu bổ lại.
Hai năm sau, năm 1958, sau khi thắng giải International Tchaikovsky Competition, trở về Hoa Kỳ, ông Van Cliburn có ngay một số đàn đại dương cầm (Grand piano) của Steinway & Sons gửi tặng. Trong đời, trước khi mất, ông Van Cliburn đã sở hữu 25 cây đại dương cầm Steinway & Sons.
Đàn dương cầm của Van Cliburn mang ra đấu giá
Những cây đàn đại dương cầm của ông Van Cliburn – kể cả cây đàn 157754 nay đã 100 tuổi – đươc trưng bầy tại Rockefeller Center, Nữu Ước trước khi nhà buôn Christie mang ra bán đấu giá . Christie ước lượng cây đàn 100 tuổi trên sẽ bán được từ $ 40,000 đến $ 60,000 đô la.
Nghe tin này, nhiều dương cầm thủ tài tử đã đến Rockefeller Center chơi đàn trên những cây đàn quá tốt của Van Cliburn. Trong số những tài tử này có một thanh niên Việt Nam. Cậu này thấy có cây đàn của Van Cliburn, thích quá chơi đàn quên cả ngày giờ, từ sáng đến trưa. Chơi nhạc của Bach, Mozart, Chopin, Brahms, Litz. Khán giả nghe tiếng đàn hay kéo đến, vây quanh, từ trên lầu xuống đến sàn nhà vỗ tay khuyến khích. Một quang cảnh ít thấy.
Bán đấu giá xong, ông Cliburn sẽ trích ra một số tiền để tặng trường Juilliard và trường âm nhạc Moscow Conservatory tai Mạc Tư Khoa.
Phỏng theo tổ chức International Tchaikovsky Competition của người Nga, trường Đại học Texas Christian University ở Houston, cũng đứng ra tổ chức những cuộc tranh tài về dương cầm, đặt tên là The Van Cliburn International Competition (VCIC) để vinh danh người nhạc sĩ này.
Cuộc thi này chỉ mở ra bốn năm một lần, đúng vào những năm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Những ứng viên thắng giải, chính thức hay dự khuyết, đều được giải thưởng bằng hiện kim, và được mời đi trình diễn tài nghệ của mình tại nhiều nơi trên thế giới.
Khi ông Van Cliburn còn tại thế, ông không trực tiếp tham dự cuộc thi mang tên ông – kể cả việc ngồi trong ban giám khảo hay giúp tiền bạc – nhưng ông vẫn đến, có mặt, dể khuyến khích những nhạc sĩ trẻ tăng tiến nghề nghiệp, hầu giúp nền âm nhạc Hoa kỳ được thế giới biết đến nhiều hơn.
Nhạc sĩ Van Cliburn, mất ngày 27 tháng Hai, 2013, tại tư thất, Fort Worth, Texas, hưởng dương 78 tuổi.
__________________________________________________________________
Tháng 11, 2016
https://daovien.wordpress.com/2016/10/2 ... inh-tri-1/