Trang 1/2
S ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Chủ nhật 14/06/15 20:34
bởi Hoàng Vân
-
xóm RẠCH GỐC
nhà Ngoại tôi
_______________________________________________________________________________________
l o n g t u y ề n . n g u y ễ n p h ư ớ c t r a n g
Theo lời má tôi kể lại thì tôi được sanh ra dưới chái hè (mái che nghiêng dọc theo hông nhà) do ông ngoại tôi cất tạm cho má tôi “nằm chỗ”. Vì cử kiêng theo dị đoan hơn là vì thiếu phương tiện hay hoàn cảnh khó khăn. Dị đoan vì thời bấy giờ, người xưa nghĩ rằng sự sanh nở có thể mang xui xẻo đến nhà. Quan hệ hơn nữa, các cụ e rằng máu me của sản phụ làm ô uế, xúc phạm đến thần thánh và hương linh ông bà “khuất mặt khuất mày ở cõi trên”. Má tôi sanh tôi ở chái hè như vậy, thì sẽ giữ được sự tinh khiết của các nơi thờ phượng trong nhà, mặc dù ông bà tôi vẫn tin chắc rằng thần linh cũng như tổ tiên đều “thấy biết hết mọi việc”. Thiên lý nhãn, thuận phong nhĩ mà! Sá gì một tấm vách lá hay vách gổ? Chắc chắn không phải vì hoàn cảnh khó khăn; bởi má tôi là con gái đầu lòng, mà tôi là cháu đầu tiên dù là cháu ngoại. Vì bấy giờ, ông ngoại tôi là Hương Chánh, một hương chức đứng hàng thứ năm trong Ban Hội Tề làng Thới Luông, có địa sản, có thần thế ở vào bực trung, tuy không giàu có, nhưng cũng không phải nghèo nàn.
Xin nhắc qua rằng:
cho đến 1945, Ban Hội Tề trong làng có 12 vị Hương chức: - Hương Cả,
- Hương Chủ,
- Hương Sư,
- Hương Trưởng,
- Hương Chánh,
- Hương Giáo,
- Hương Bộ,
- Hương Quản,
- Hương Thân,
- Hương Hào,
- Xã Trưởng (giữ con dấu và thâu các loại thuế như thuế thân, thuế điền)
- và Chánh Lục Bộ (giữ Sổ Bộ Đời: Hôn thú, khai sanh, khai tử v.v.).
Hương Cả đứng đầu Ban Hội Tề, nên chữ Cả được kiêng. Là đứa con trai đầu trong gia đình, thay vì được gọi là thằng cả Trang, tôi đương nhiên bị hạ xuống thành “thằng hai Trang”. Sanh ra trán đã dồ cao (gồ), mấy cậu tôi liền thêm cho một chữ, tôi lại thành thằng Trang dồ, còn gọi tắc là “thằng hai dồ”.
Ngày ghi trên khai sanh của tôi khác với ngày giờ ghi trên lá số tử vi của tôi. Vốn ông ngoại tôi là một Hương Chức trong Ban Hội Tề, thuận ngày ông ra “nhà việc” (trụ sở sau này), gặp được Chánh Lục Bộ thì nói để ghi vào sổ bộ đời ngày đó. Hơn nữa, theo tục lệ thời bấy giờ, ai có con thường chờ qua đầy tháng, thấy nuôi được mới đi khai sanh. Bởi chắc gì tôi được ở với ba má tôi lâu dài, có khi ông bà cõi trên kêu tôi về sớm!? Hồi thập niên 1930 con nít sanh ra không biết có nuôi được hay không, có nhiều nhà chờ qua 3, 6 tháng hay một vài năm mới khai sanh. Do đó, mà sau này, khi đi học có nhiều anh chị cùng học lớp với tôi, cũng sanh năm 1932 theo giấy tờ, nhưng tuổi thật lớn hơn tôi có khi 3 hay 4 tuổi.
Mà ông ngoại tôi cũng có lý, vì tôi đã toan trở về cõi trên khi vừa tròn tháng. Vẫn được nghe kể lại rằng: hôm tôi được chào đời, bà mụ vườn đã loay hoay buộc cắt thế nào, khiến tôi bị thúi cuống rún, khóc suốt đêm, cả tháng trời không cho làng xóm lân cận ngủ nghê. Bà Sáu Hương, má của Phó Hương Quản Lái ở nhà kế bên, nói với bà ngoại tôi: - “Con nít khóc đêm lâu quá, không biết có bịnh hoạn gì không?”
Khi được bà ngoại tôi cho hay việc này, chiều đó, ông ngoại tôi ẳm tôi ra hiên cho sáng sủa, vén áo vạch bụng tôi xem kỹ, thì thấy da thịt chỗ cuống rún của tôi đã chuyển sang màu xanh. Vốn là danh y của Tổng Thới Bảo, đêm đó, ông thức khuya, xem sách tánh dược. Đến khi nghe chuông chùa điểm công phu sáng, ông sữa soạn xong đi thẳng vào chợ Ô Môn, đến tiệm thuốc Bắc quen, chọn lấy mấy vị thuốc rồi nhờ tán nhỏ tại chỗ. Xong ông đem về rắc ngay vào chỗ rún thúi của tôi. Đêm đó, tôi không “khóc trường canh” nữa và sau đó lần hồi bớt khóc đêm, vì rún tôi lần lần lành lại. Má tôi kể lại chuyện này rất nhiều lần, mỗi khi nhắc đến ông ngoại tôi. Tôi nhớ nhập tâm về tài chữa bịnh ngặc của ông ngoại tôi. Sau này, năm 1944, ông ngoại tôi còn cứu tôi một lần nữa, khi tôi đau ban đen (thương hàn) mê sảng, ba ngày trước khi nhập thi bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’Études Primaires Complémentaires Indochinoises). Âu cũng vì “nặng nợ trần ai”, tôi mới còn sống sót sau trận đau thúi rún đó.
Tùy theo hoàn cảnh nghèo nàn chìm nổi của ba má tôi, anh em tôi theo má tôi sống, khi ở bên nội khi ở bên ngoại. Quê nội thì tôi không nhớ được nhiều, vì khi phải rời quê nội, tôi hãy còn quá nhỏ (chưa đầy 4 tuổi)! Từ khi biết nhận xét và ghi nhớ, tôi thường ở bên ngoại nhiều hơn, nên quê ngoại gần gũi với tôi hơn.
Bà ngoại tôi quê ở thôn Vạn Lịch, có 3 mẫu đất, nằm trên bờ kinh Giáo Dẫn vùng Ba Se. Khi thành hôn, bà về sống ở quê chồng.
Ông ngoại tôi người gốc Bằng Tăng, làng Thới Luông, mồ côi cha từ nhỏ. Khi 4, 5 tuổi, được theo má tôi về thăm viếng hay ăn giỗ, tôi còn gặp bà cố ngoại tôi (bà nội của má tôi) mấy lần. Bấy giờ, bà hơn 80 tuổi, bị trướng bụng rất to; nhưng những người đa sự dị đoan trong làng đồn đãi bà mang thánh thai! Chừng ba năm sau, bà chết: vì già quá cũng có, mà vì bịnh nan y (đau gan?) này cũng có! Ông cố ngoại tôi (ông nội của má tôi) đến xóm Lung Tượng, thôn Bằng Tăng khẩn hoang được hơn trăm mẫu ruộng tốt dọc bờ kinh Ba Rít. Ông mất sớm, bà cố tôi ở vậy nuôi 7 người con trai gái cho đến khi 7 vị này trưởng thành và lập gia thất.
Ông ngoại tôi thứ sáu trong nhà. May mắn hơn tất cả anh chị em, ông thông Nho học, sành đông y tánh dược, lại thêm giỏi chữ quốc ngữ và một số chữ Pháp. Với vốn liếng học hành như vậy, lại thêm là con nhà có điền sản do ông cố tôi để lại, ông ngoại tôi từng làm xã trưởng làng Thới Luông. (Thới vì kiêng húy chữ Thái trong vương hiệu của vua Thành Thái; Luông vì kiêng húy chữ Long trong đế hiệu của vua Gia Long?) Lần hồi ông tiến chức trong Ban Hội Tề lên làm Hương Chánh. Trong hưng thời xã trưởng, vì trách nhiệm về thuế khóa cộng thêm luật lệ douane (quan thuế) gắt gao, ông đã dự vào việc “bắt rượu đế “, gây ít nhiều ân oán với những tay nấu hèm lậu trong làng.
Khi tôi biết chút đỉnh, thì thời vàng son của ông ngoại tôi đã qua rồi. Ông từ chức Hương Chánh làng Thới Luông, dở nhà dọn hết gia đình về xóm Rạch Gốc, làng Thới An, phía Đông cây Cầu Trắng chừng 200 thước. Về đây, ông cất nhà trên khu đất mới. Tôi còn nhớ: thợ mộc đẻo hơn 20 cây gổ lớn bằng ôm tay của tôi, làm bộ cột nhà ba căn lợp lá vách lá ba bề, không có cửa hậu, trọn mặt tiền và hai “đầu xông” toàn bằng ván gổ đóng mắt cáo; cửa cái gồm 12 thanh song cây vuông. Nhà khá rộng và chắc chắn vì năm đó, bà ngoại tôi còn thâu được lúa ruộng ở Vạn Lịch.
Rồi khoảng tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”; ông ngoại tôi “biết mệnh trời”, khi cậu tám tôi học xong lớp nhứt và thi đậu bằng Tiểu học (C.E.P.C.I.). Ông ngoại tôi xách giỏ “cao, đơn, huờn, tán”, đi bộ từ thôn này qua xã khác, tới đâu nghe ai có bịnh thì “coi mạch trị bịnh hay ra toa thuốc” dùm bà con. Ông phiêu du khắp các tỉnh dọc hai bờ sông Hậu, những làng mạc xa xôi đèo heo hút gió, hang sâu dốc thẳm vùng Thất Sơn. Gót chưn ông thông thuộc nhiều chòm xóm hẻo lánh hai miền U Minh Thượng Hạ. Sau này, vào khoảng năm 1938-1944 lâu lâu ông ghé lại chợ quận bổ thêm thuốc, thì ông kể lại cho má tôi (và tôi) nghe về những nơi ông đã đi qua.
Ông ngoại tôi đi rồi, hoàn cảnh gia đình ngoại tôi bấy giờ suy sụp: 3 mẫu ruộng của bà ngoại tôi ở Vạn Lịch bị đem “cố 3 năm” (cố tức là cầm); nên bà ngoại tôi không còn thâu được lúa ruộng. Vì bị hoàn cảnh đẩy đưa, vào lúc này, má tôi lại mang anh em tôi 3 đứa: Trang, Điểm, Hồng về bên ngoại, sống nhờ vào bà ngoại và cậu dì trong ngôi nhà xây cất nói trên. Bà ngoại tôi, má tôi và dì Sáu tôi phải ra mấy cánh đồng trong làng, mót lúa ruộng luôn ba mùa, để lấy gạo nuôi sống cả gia đình gồm 5 người lớn và 3 trẻ con. Khi mãn hạn cố 3 năm, bà ngoại tôi lấy lại 3 mẫu đất, thâu được lúa ruộng, và hai cậu tôi đủ tuổi để bắt đầu mở lớp “dạy riêng” con nít trong xóm, thì hoàn cảnh khá hơn. Năm đó, tôi được hơn 4 tuổi, bắt đầu biết nghe chuyện, nên còn ghi nhớ được nhiều điều về quê ngoại.
... (còn tiếp) ...
nguồn: eTetet.net
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ ba 16/06/15 11:09
bởi Hoàng Vân
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ tư 17/06/15 10:25
bởi Hoàng Vân
... (tiếp theo) ...
Từ trong nhà ngoại tôi nhìn ra, đầu xông phía tây, kế vườn trầu là một ngọn rạch cùn, nhánh của rạch Cầu Trắng cách đấy hơn 400 thước. Ngọn rạch cùn chạy dọc dưới sàn nước, ven theo vườn trầu, ra đến con đường lộ đá thì gần cạn; dù nước ròng cũng chỉ sâu chừng một thước. Có gần đủ loại cá bơi lặn dưới đoạn rạch cùn nầy: cá lóc, cá trê, cá sặc, cá rô, cá thòi lòi. Khi nước lên, tôi nhìn cá đớp bóng để biết nhiều hay ít. Khi nước cạn, cứ tìm trong mấy vủng nhỏ mà đếm cá còn kẹt lại, mỗi thứ vài con. Nhiều nhứt là bầy cá thòi lòi từ trong hang bò ra, “phùng mang trợn mắt” rượt nhau trên bùn hay trên mấy cái bộp dừa.
Một hôm, khi nước lớn, cậu bảy tôi câu được bốn con cá rô lớn bàng bàn tay tôi. Vì bị chê ít hay bị chê nhỏ lại không sạch vì ở mương cạn, cá không bị đánh vảy mổ bụng như mọi khi khác. Cậu lượm bốn trái mù u sọ (khô tróc vỏ) đem dùi lổ. Cậu kiếm bốn khúc dây chì (kẻm): một đầu xỏ ngang lổ mù u, một đầu xỏ ngang kỳ trên cá rô, rồi móc ngoéo hai đầu dây chì lại. Bốn con cá rô bị xỏ dây chì mang trái mù u trên lưng được đem thả ngoài sông rộng. Tôi rất vui thích khi thấy bốn con cá rô lôi trái mù u chìm xuống một chút, rồi bị mù u lôi trở lên mặt nước. Loanh quanh trồi hụp chừng 5, 6 lần, rồi bốn cá con cá rô xâu mù u bị nước cuốn không còn thấy nữa! Sau này nghĩ lại thì thấy trò chơi này hơi ác: cá chắc không chết, nhưng không bơi lặn thung dung được. Không biết chúng sống được bao lâu? hay cũng bị người khác thấy rồi vớt lên kho nướng chung với những con cá khác?
Khúc sông Ô Môn trước nhà ngoại tôi rộng chừng 50 thước, mỗi ngày đêm nước ròng nước lớn hai lần. Khu đất nhà ngoại tôi bề ngang cũng khoảng 30 thước dọc bờ sông. Ngoại tôi có làm một cái “xẻo cá”. Nó giống như một cái ao nhỏ khi nước lớn đầy sông, khi nước ròng thì cạn trên mắt cá. Xẻo xoay mặt ra sông, có cửa làm bằng phên tre. Khi nước lớn thì kéo cửa treo lên, thả một nắm cám làm mồi nhử cá. Khi thấy cá ăn móng nhiều thì hạ cửa xuống, chận giữ cá lại bên trong xẻo. Các ngỏ ngách quanh cửa xẻo và phên tre đều được che bít kín đáo, không cho cá thoát lọt trở ra sông. Khi nước ròng sát thì xẻo gần cạn, cứ xuống xẻo dùng rổ con mà xúc vớt. Thường thì chỉ được cá lòng tong, cá thiểu, cá trắng là loại thích mồi cám. Lâu lâu, mới được một con cá lóc lớn bằng cườm tay theo bầy cá lòng tong kiếm mồi; có khi được một con cá trê đi lạc! Một lần chận xẻo như vậy, thường thì được một tô cá, đủ cho cả nhà ăn một ngày.
Còn một cách bắt cá trắng khác, dãn dị hơn, là chờ cơn nước lớn, giăng ngược một cái mùng, cách miệng xẻo chừng ba thước, dùng bốn cục đá bằng cườm tay dằn chìm bốn góc mùng, mí mùng kéo khỏa chìm dưới mặt nước chừng một gang tay, bốn góc buộc vào bốn cọc cây. Thả một chén cám vào giữa mùng rồi chờ cho cá vào ăn móng khá nhiều, thì hai người nâng bốn góc cho mí mùng lên khỏi mặt nước khi cá còn mê mồi. Mùng được chầm chậm cuốn gom lại cho tới khi vừa tầm tay thì chỉ còn lấy rổ mà vớt cho hết. Bắt cá kiểu này không nhiều và chỉ được cá nhỏ như cá linh, cá thiểu, cá lòng tong hoặc cá rằm.
Hai bên bờ đất miệng xẻo là hai cây dừa sai trái, đủ cho cả nhà dùng quanh năm.
Cạnh xẻo, còn một cây mù u lão, có hoa trổ theo mùa. Hoa mù u trắng mượt nhụy vàng, rất đẹp và rất thơm. Trái mù u rụng lang thang trên mặt đất và cả trên mặt sông, nương tấp theo mấy đám lục bình. Những trái khô rụng trên bờ thường được lượm gom lại. Khi được khá nhiều, thì đem chà sạch vỏ ngoài thành mù u sọ; phơi khô, đập bể sọ đi, lấy hột xắt mỏng thành lát. Dùng que tre, hay cọng dừa, xỏ những lát mù u tròn thành xâu, đem phơi khô, dành đốt làm đèn. Mấy năm 1943-1945, dầu lửa khan hiếm, đèn mù u khá thông dụng. Ánh sáng đèn mù u không rực rỡ, nhưng khói mù u có mùi thơm dễ chịu mà cũng rất khó quên.
Trên bãi sình trước miệng xẻo có mấy cây bần, mà cậu Tám tôi dựa theo sách gọi là thủy liễu. (Hình như tên này có từ thời Gia Long tẩu quốc). Đêm có trăng, nước sông đầy, ánh trăng xuyên qua nhánh bần cũng thướt tha mê hoặc. Đêm không trăng, từ những lá bần, hằng ngàn con đom đóm lập lòe, khiến bờ sông thêm huyền bí hơn, nhắc nhở những chuyện cũ về con sấu ma, và cặp cá hộ thần lớn bằng chiếc xuồng.
Nhưng những cây bần mang lại cho tôi một hình ảnh khác, khiến tôi say mê hơn. Không phải những trái bần chua khi còn xanh, trở thành ngòn ngọt khi vừa chín, nếu hái kịp trước khi mùi rụng. Mà là những rể bần, oái oăm mọc ngược đầy bãi. Công dụng duy nhứt của rể bần mà tôi biết là được phơi khô, cắt thành khúc ngắn, làm nút chai rất kín và bền. Gọi là rể bần, nhưng thật ra chúng là phần ngoi lên khỏi mặt đất cứng trong bờ, ngoi lên khỏi mặt sình ngoài bãi. Chúng chen nhau thành đám lởm chởm mọc không thứ tự, lớn nhỏ cao thấp không đều, không hề có rể phụ, mà chỉ có thân rể khởi lớn từ gốc rồi nhỏ lần cho đến khi thành ngọn nhọn hoắc. Khi nước lớn hay nước ròng, tôi thường ngồi hằng giờ để nhìn đám rể bần ngăn nước rẻ thành những làn sóng nhỏ lan rộng dần rồi tan mất. Khi nước chảy mạnh thì rể bần lao chao run rẩy. Khi nước lên cao thì rể bần dần dần chìm xuống theo thứ tự, thấp chìm trước cao chìm sau. Sau đó mấy năm, khi lên học lớp tư, trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị do trường cho mượn, tôi đọc bài sử ngắn nói về Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán của Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng. Từ bấy, mỗi lần nhìn nước đùa đám rể bần, tôi tưởng tượng đấy là những cọc gổ nhọn bọc sắt do quân binh Ái châu đã cắm ngược giữa lòng sông làm chìm thuyền bè quân Nam Hán và bắt thái tử Hoằng Thao.
Nhưng sau này nữa, hình ảnh oai hùng của rừng cây nhọn cắm giữa lòng sông chờ giặc còn được kèm theo một tràng cười không kềm được. Số là, khi lên lớp ba, thầy Lưu Nhơn dạy chúng tôi tìm một số câu đối Nho như :
- Thiên tăng tuế nguyệt, xuân tăng thọ
Xuân mãn càn khôn phước mãn đường
thì tôi lật sách ra tìm để chép:
- Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung
Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu
nhưng khi tìm những câu đối nôm thì bí, loay hoay cả buổi mà chưa thấy câu nào. Nhằm lúc ông ngoại tôi ghé về, tạm nghỉ để bổ thuốc làm cao, đơn, huờn, tán cho cuộc phiêu du kế tiếp; nghe tôi tìm câu đối nôm. ông vuốt râu mỉm cười thong thả đọc cho tôi nghe:
- Nước chảy c..rể bần run bây bẩy
Gió đưa d..nụ mít dảy tê tê
thì tôi cười ha hả không nín được, mà cũng không dám chép nộp Thầy. Khi gió đưa mấy cây mít sau hè, nhánh mít oằn thư thế nào, và tất nhiên những nụ mít non “dảy” như thế nào tôi đã nhìn thấy rõ. Những rể bần “oai hùng” mọc tùm lum dưới bãi, run như thế nào khi nước lớn hay nước ròng, tôi cũng theo dỏi tường tận lâu nay. Hai chữ “tê tê” thì hơi nhộn, chưa chính xác; nhưng hai chữ “bây bẩy” thì đúng bon, rất hiện thực.
Khi được đọc thêm sách vở, tôi còn được biết thêm bài thơ của ông Nhiêu Tâm (?) đã ngạo nghễ trước uy quyền của vị quan của triều đình theo Pháp, Tổng Đốc Lộc hách dịch bắt ông Nhiêu Tâm vịnh cây bần với thái độ khinh khi thân phận hèn mọn của học trò nghèo. Ông Nhiêu đã hạ một bài thất ngôn bát cú với lời lẻ ngổ ngáo châm biếm mà tôi chỉ còn nhớ một câu duy nhứt, trong đó ông đã văng tục với tên mãi quốc một cách tài tình:
- C..rể trổ chẳng kiên gò đất cứng”
(Vị nào còn nhớ trọn bài thơ này, xin nhắc lại dùm. Thậm cảm)
... (còn tiếp) ...
nguồn: eTetet.net
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Chủ nhật 21/06/15 15:29
bởi Hoàng Vân
... (tiếp theo) ...
Tôi sống trong ngôi nhà ngoại tôi từ ngày tôi được sanh ra. Tùy theo hoàn cảnh đẩy đưa, tôi theo má tôi về bên nội sống ít lâu, không được lại phải trở về đây.
Năm 1937, ba má tôi cất nhà trong xóm Ngã Ba Thới An, cho tôi đi học được gần trường.
Đến cuối năm 1945, tôi theo má tôi tản cư mấy tháng, khi trở lại được thì căn nhà này bị lính Tây đốt mất; má tôi dẫn anh em tôi về sống trong nhà ngoại tôi.
Cho đến năm 1946, tôi rời nhà ngoại tôi xuống Cần Thơ nhập học. Quê ngoại từ đó, càng ngày càng xa vời. Con đường Ô Môn Cần Thơ thường bị gián đoạn. Du kích đắp ụ, đốn cây chặn nẻo lưu thông liên miên. Mỗi sáng, quân đội Pháp phải mở đường thông thương rồi mới cho xe hành khách chạy. Chi đội thiết giáp do đại úy Nhỏ chỉ huy bắt đầu từ Ô Môn chạy xuống, nếu bình yên thì dừng lại khoảng trên cầu Rạch Nọc, hoặc khu rừng tràm năm xưa, gần ngã ba đi Ba Se chờ đội thiết giáp từ Cần Thơ lên tới gặp tại đây. Vì rừng tràm gần điểm hẹn của 2 toán thiết giáp mở đường, cách lộ non trăm thước, nên thỉnh thoảng du kích núp trong đó bắn ra. Lẽ tất nhiên khu này liền bị càn quét và sau đó, dân ở gần bị sung công đốn bớt tràm. Rừng tràm chỉ rộng chừng 5 mẫu ta, khoảng trên vài ngàn cây tràm. Lúc bình yên, chưa chiến tranh, thì chim cò tựu về mỗi chiều hàng ngàn con kêu hót vang lừng. Sau chừng chục lần chạm súng, lính Pháp và partisans bắt dân đốn bớt tràm gần sát gốc. Rừng lần hồi hẹp lại, tràm bị hạ thưa đi. Du kích mất chỗ để phục kích, chim cò cũng mất chỗ làm ổ, mất luôn chỗ xôn xao buổi sáng, mất chỗ tựu về mỗi chiều. Khu này chỉ còn môn và lác mọc lang thang, lâu lâu cũng bị phát dọn cho quang đảng, đề phòng du kích núp trong lùm bụi bắn sẻ.
Sau 1946, làng Thới An không còn bình yên nữa, hôm nay lính Tây đen “bố”; ngày mai Pạc-ti-dăng (partisans) làm “ráp” (rafle); lại còn những cuộc ruồng bắt bất thường của các đội Hòa Hảo võ trang. Vì cậu Tám tôi theo kháng chiến, bà ngoại tôi tản cư theo cậu Tám tôi vào khu Thới Lai Cờ Đỏ. Ngôi nhà bị lính Tây đốt; sau người khác về đó cất nhà. Vật đổi sao dời!
Quê ngoại từ 1947 chỉ còn trong ký ức chứa đầy kỷ niệm ấu thơ. Bốn cội mai già, gốc tròn hai gang tay, cao gần 5 thước, không biết còn được cây nào đứng nguyên chỗ cũ, hay đã bị đốn rụi hết rồi? Mong sao còn lại một cây, vì trên cây đó, tôi đã bắt chước tiểu thuyết, khoét vỏ, khắc chử T lớn bằng bàn tay hồi cuối 1944, trước mùa thu Nam Bộ kháng chiến!!!
L o n g T u y ề n
Houston, ngày 8 tháng 9 năm 2004
nguồn: eTetet.net
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Chủ nhật 21/06/15 15:49
bởi Hoàng Vân
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ hai 22/06/15 21:05
bởi Hoàng Vân
... (tiếp theo) ...
Vài nét về ông Bảy Lá. Ông thứ bảy, còn tên thật ông là gì tôi không biết. Thời đó, con nít mà tìm biết tên người lớn thì thường bị rầy, bị cho là hỗn hào, tọc mạch. Nhưng vì ông có vựa lá bó và lá chằm duy nhứt từ lâu trong làng Thới An, nên bà con cứ chuyền nhau gọi ông là ông Bảy Lá. Mỗi năm cứ sau mùa lúa, thì nhiều ghe lớn chở lá dưà nước được bó thành bó từ miền biển Bạc Liêu, Cà Mau, đem lên bán cho ông. Các bó lá được chất dọc bờ sông, thành đống vuông vắn, mỗi bề 10 bó, lên cao khỏi đầu tôi vói hết tầm tay mà chưa tới (chừng 2 thước tây). Có năm, bờ sông trên phần đất của ông không đủ chỗ, phải gởi qua khoảng trống trước nhà ngoại tôi. Khi các ghe buôn lá lui rồi, ông cho mua cây cau, mướn ngươi cắt thành khúc dài 3 thước, chẻ thành thanh nhỏ gọi là hom. Ông gọi bà con trong xóm, ai muốn làm công, thì đến chằm lá mướn cho ông. Ông trả tiền công tính theo từng trăm tấm lá chằm rồi. Lá chằm xong, được chất thành đống có thứ tự, rồi ông lần hồi bán quanh năm cho những ai cần lá lợp nhà, nghĩa là bà con xa gần từ các làng kế cận (trừ vùng quanh chợ quận Ô Môn, vì ở đây đã có trại lá chằm của ba má Nguyễn Phước Cương).
Nhà cửa của ông rất khang trang. Bên này bờ lộ, khi làm ăn khá giả, ông cho xây thêm một ngôi nhà ba căn gạch nền đúc mái ngói cao ráo rộng rãi, có vườn cây ăn trái bao quanh. Hồi lập nghiệp, ông đã cất một dảy nhà sàn cây lợp lá khá lớn, ngay trên bờ sông làm nơi buôn bán. Các ghe lá từ Bạc Liêu, Cà Mau lên đều neo dọc theo các trụ gổ cắm sâu xuống đáy sông, dọc nhà sàn, chờ đến phiên trống bến hầu xếp những bó lá lên bờ. Tuy nhiên, ông vẫn chừa một khoảng trống rộng chừng 10 thước, ngay chỗ cây cầu rửa bún trước đây, để làm một cái bò kéo cá. Bò kéo này giống như một cái chuồng lớn bằng cây, có phên tre che kín bốn phía, chạy lưu động trên hai thân cây dài chừng 7, 8 thước, nằm trên bãi sình từ trong bờ ra giữa sông. Trong chuồng ông cho chất đầy những nhánh cây lớn nhỏ gọi là chà cho cá vào ở. Bò thả ngâm chìm dưới nước. Cứ hai hay ba ngày, ước chừng trong bò đã có nhiều cá, ông cho hai người kéo bò lên gần khỏi bờ. Khi bò được chèn cứng chắc chắn, một người giở bớt chà gần miệng bò; một người mở cửa nhỏ, thò tay vào lùa cá tôm các loại các cỡ vào rổ. Đây là cách bắt cá khá tân kỳ vào thời đó; nhưng cần có hai người giứp việc lực lưỡng mới kéo nỗi cái bò lên bờ; rồi khi bắt cá xong lại đẩy nguyên cái bò với chà chôm xuống sông chờ lần kế tiếp sau đó vài ngày. Có thể ông không có thì giờ câu cá dù nhà sàn ông nằm ngay trên sông, nên ông bày cái bò kéo này để một công hai việc: vừa giải khuây vừa bắt cá làm món ăn nuôi những người làm công trong ngày.
Không biết bà Bảy mất hồi nào, chỉ thấy ông sống với ba người con: cậu hai Xìn không học hành làm ăn gì giúp ông mà chỉ rông rải cờ bạc quanh năm rồi vướng bịnh ho lao héo mòn chết sớm. Kế đến là cô ba Điệp, từng nổi danh tài sắc một thời ở quận Ô Môn. Sau chót là cậu tư Bính. Cậu học hết chương trình tiểu học trường quận Ô Môn rồi ở nhà lo giúp cha buôn lá. Đến mùa tiêu thổ kháng chiến 1945, trại lá này bị đốt ra tro, ông Bảy qua đời, cô ba Điệp theo chồng xiêu lạc phương nào tôi không rõ. Duy cậu tư Bính thì tôi còn gặp lần chót năm tôi học Première Année Phan Thanh Giản khoảng 1946. Cậu ghé lại nhà thăm má tôi. Cậu thấy bộ Thiếu Lâm Trường Hận của Hải Bằng mà tôi rất nâng niu, vì không ai có mà cũng không còn kiếm đâu ra được. Cậu hỏi mượn để đọc và hứa trả lại cho tôi khi cậu xuống thăm má tôi vào chuyến xe Ô Môn Cần Thơ kế tiếp. Bộ kiếm hiệp này thất lạc luôn, vì cậu tư Bính trở vào bưng rồi tuyệt tích giang hồ luôn từ bấy đến giờ.
Cạnh nhà ông bảy Lá là cậu năm Biên. Cậu cũng thuộc hàng khá giả trong làng, tuy không phải giàu có lớn. Cậu chuyên giăng câu trên sông mỗi đêm; sáng hôm sau mợ đem cá tôm vào chợ quận bán, nên tiền bạc rộng rãi. Nhà cậu ba căn hai chái, vách ván, nền lót gạch tàu vuông. Vườn tược trước sau luôn dọn dẹp quét tước sạïch sẽ. Khi tôi biết thì mợ năm bị bịnh ngặc chết sớm, cậu ở lại nuôi cô con gái (lớn hơn tôi nhiều). Vốn là một tay mê cổ nhạc, trong nhà cậu có cây đờn kìm, lúc mợ Năm còn sống, thỉnh thoảng cậu cũng đem đờn ra hiên một mình rỉ rả hò xự xang xê cống. Nay mợ mất, nhà vắng vẻ, cậu sanh buồn, bèn mời thêm mấy tay sành nhạc tựu lại. Bấy giờ thì có thêm đờn cò, đờn gáo, đờn tranh, chiều chiều tựu lại bốn năm cây đờn hòa nhau cho những người khác ca theo. Thôi thì đủ thứ: vọng cổ, xàng xê, bình bán, trường tương tư, nam xuân, nam ai... Qua các bài bản nghe lóm được, tôi bắt đầu quen với các nhơn vật Khổng Minh, Châu Du; Tần Thúc Bảo, Đơn Hùng Tín; Triệu Khuông Dẫn, Đào Tam Xuân, Cao Hoài Đức trước khi đọc được Tam Quốc, Thiết Đường, Phi Long diễn nghĩa...Qua khỏi nhà cậu năm Biên chừng 50 thước thì tới Cầu Trắng sườn cây lót ván bắt ngang một con rạch nhỏ. Tại đầu cầu, có cây sa kê nhiều trái như trái mít nhỏ, nhưng xẻ ra không có múi như mít. Vào sâu trong vườn chừng 30 thước là nhà cậu Ba Đắc, có sân tập võ đằng trước sát bờ rạch. Bà con lứa tuổi với cậu (khoảng trên dưới 20) thường tụ lại đây tập đánh quyền múa roi. Roi tức côn (nói theo võ hiệp) thường là gậy tầm vông (khúc gốc) dài chừng ba thước. Vì là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, cậu treo lá trần điều trên trính nhà để thờ. Khi Việt minh nắm quyền, họ buộc cậu phải tháo lá trần điều này xuống.
(Sau đó ít lâu, thì nhà cậu Năm Biên hết hát xướng đờn ca và sân trước nhà cậu Ba Đắc cũng thôi tập võ, vì khởi mùa Nam Bộ kháng chiến cuối 1945. Bà con làm ăn càng ngày càng khó khăn. Lâu lâu người đi làm ruộng gặp thây ma “mò cá rô” trườn lên bờ đìa. Thỉnh thoảng thợ câu giăng kéo trúng thằng chổng “mò tôm” chưa nổi vướng vào. Bà con nhốn nháo kinh hoàng. Rồi lịnh của Ủy Ban Kháng Chiến ban ra, mạnh ai nấy lo tản cư.)
... (còn tiếp) ...
nguồn: eTetet.net
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ tư 24/06/15 08:54
bởi Hoàng Vân
... (tiếp theo) ...
Hàng xóm đầu xông phía Đông nhà ngoại tôi là nhà bà Sáu Hương. Bà ở chung với con gái và rể với bầy cháu ngoại. Rể bà là ông phó Hương Quản Lái. Chức vụ Phó Hương Quản thời bấy giờ khá quan trọng trong làng; nên ông được “kêu tưng” là Hương Quản. Đôi khi có việc kiện tụng, thì ông bận áo dài quần bà ba đen ngồi để tay trên ghế nghi, đặt ngay đầu bộ ngựa gỏ giữa nhà. Lúc đó, nhìn ông oai nghiêm khác ngày thường. Khi không có việc quan, ông cũng ở trần, mặc quần ngắn, lo việc ruộng nương rẩy bái. Dưới bờ sông, nhà ông có cây cầu ván nhỏ, để neo một chiếc ghe tam bản. Ông dùng chiếc tam bản nầy chở những bó cây điên điển do ông trồng quanh năm trong đồng; cứ vừa cỡ dùng được thìa ông đốn đem về. Những bó điên điển dựng dọc bờ sông lần hồi được chặt thành khúc, làm củi nấu bếp ít khói mà lửa rất đượm, mau tàn vì than nhẹ mà xốp. Than điên điển tán nhỏ trộn với các thứ thuốc như lưu hoàng diêm sinh làm pháo Tết, nên than bán rất được tiền vào tháng chạp. Pháo thuộc loại hàng kiểm soát chặt chẽ trong làng, mà ông là phó hương quản, ông theo dỏi thường xuyên những nhà nào có trồng nhiều điên điển. Ông có hai cô con gái, một cậu con trai. Chị hai Kim học hết 6 năm tiểu học rồi ở nhà chờ ngày lấy chồng. Chị ba Hường vào trường trước tôi, nhưng bị đứng lại ở lớp ba. Chị đậu lên lớp nhì một năm một lượt với tôi và học chung với tôi ba năm cho tới lớp nhứt. Chị rất siêng học nên tôi bị bà ngoại tôi rầy la hoài. Số là, mỗi tối, khi nhà chị lên đèn, thì chị bắt đầu học bài. Chị đọc rất lớn mấy bài cần phải thuộc lòng. Còn tôi, thì lén kiếm chỗ kiếm hiệp “loại 3 xu” rất phổ thông vào thời đó: Thiếu Lâm Trường Hận của Hải Bằng, Hồng Sa Tru Tiên Kiếm của Thanh Đình Lê Văn Giới, Long Hình Quái Khách của Lý Ngọc Hưng v.v. Khi tôi vào mùng ngủ thì vẫn nghe chị học bài. Tôi đọc thầm theo chị cho đến lúc ngủ thiếp đi. Nhờ đó, hôm sau, khi bi dọn bài thì thôi trả thuộc lòng trơn tru; còn chị thì thường ngập ngà ngập ngừng. Chị rất tức vì chị biết tôi không thức đêm học bài như chị, mà mỗi khi bị kêu tôi đều thuộc bài hơn chị. Tức cũng có mà ghét cũng có, cho tới ngày chị biết không cách gì chị học hơn tôi được, chị mới thôi háy nguýt. Em trai chị, tên Tám Sanh, cũng vậy. Học hành không khá nên phá ngang nửa chừng ở nhà. Ông phó hương quản muốn con trai duy nhứt tiếp tục học hành vì nhà ông khá giả, nhưng không hiệu quả, ông đành chịu thua. Kế xảy ra vụ tản cư vào khu kháng chiến, gia đình ông dọn lên một chiếc ghe khá rộng. Bấy giờ chị hai Kim đã có chồng trong Vàm Nhon, cũng theo cha mẹ hai bên chèo ghe vào vùng Cờ Đỏ. Ghe xuồng tản cư đậu chen nhau nhiều quá, bị máy bay “bà già” của Pháp thấy được, chỉ cho phi cơ giặc dội bom. Gia đình ông phó hương quản Lái chết gần hết trong tai vạ này. Sở dĩ tôi nhắc nhiều đến gia đình ông; một là vì ông là láng giềng kế cận quen biết lâu đời của bà ngoại tôi; hai là vì má vợ ông là bà sáu Hương đã chịu nói với bà ngoại tôi khi tôi “mới sanh” bị bịnh khóc đêm; nhờ đó ông ngoại tôi mới lo tìm phương thuốc chữa bịnh cho tôi được sống cho đến bây giờ.
Cạnh nhà ông phó hương quản là nhà bà năm Thạnh. Đây là một nhà giàu có trong xóm vì nhà ba căn nền đúc rộng rãi cao khỏi cổ tôi. Trước nhà bà có sân bằng phẳng rào dậu đàng hoàng. Dưới bờ sông, có cầu tàu lớn (gọi là cầu tàu vì tàu đò đạp Sa Đéc Cần Thơ hay ghé rước khách tại đây). Vì tôi không thường léo hánh đến nhà giàu, nên chỉ biết bên ngoài. Lần duy nhứt tôi vào trong nhà bà Năm là lúc Thanh Niên Tiền Phong họp sơ khởi không hạn chế năm 1945, tôi nghỉ học ở nhà tò mò theo coi cho biết. Cậu tư Từ, con bà Năm bấy giờ “làm báo” tham gia kháng chiến, được Ủy Ban Kháng Chiến Tỉnh Cần Thơ cho về làng nhà công tác. Hôm đó, cậu tư Từ “diễn thuyết” khá trôi chảy, nhưng chậm chạp và không mấy hùng hồn vì giọng nói của cậu hơi nhừa nhựa; lại thấy có một người đứng sau lưng nhắc chừng mỗi khi cậu ngập ngừng. Nhưng sau đó, không thấy cậu tư Từ xuất hiện thêm, có thể vì cậu thuộc thành phần con điền chủ; lại thêm nghe nói cậu là “đệ tử của Phù Dung” (giống ông thầy địa lý ở trọ gần nhà ba má tôi trong chợ quận sau này).
Kế tiếp, là nhà dì năm Phi chuyên làm bánh hỏi và bánh bò trong. Lò bánh hỏi nhỏ hơn lò bún; mùi bánh bò trong thơm, át mất mùi bột bánh hỏi. Rồi đến nhà ông Bố, lớn con lực lưỡng, quanh năm ở trần đi từ làng trên xuống xóm dưới, lãnh làm những việc nặng nhọc lấy công. Khi vắng mặt ông, tôi nghe mấy anh lớn nói lén với nhau: “Bố căng ky; bố khỉ khì” rồi cười với nhau có vẻ như nhạo báng. Cho tới bây giờ tôi vẫn không hiểu nghĩa 6 chữ này!
Một tiệm hàng xén khá khang trang cột cây vách ván lợp ngói là điểm hội của trẻ con trong xóm từ sáng tới chiều. Tôi đi học mỗi ngày nên lâu lâu mới có dịp xuống đây một lần khi bà ngoại hay má tôi sai xách chai đi mua dầu lửa hay nước mắm. Ban đêm tiệm này có đốt đèn măng-sông (manchon) sáng rực một khoảng đường đá lộ làng trước tiệm.
Kế đó, là lò hủ tiếu và giá sống. Ông bà chủ (không biết tên gì) có cô con gái lớn tên Lan; một cậu con trai mà bọn con nít tụi tôi bấy giờ cứ gọi “thằng hai hủ tiếu”. Nó có cặp chưn mày rất lạ: đen rậm và xoắn thành xoáy hai bên đàu mày, nên trán nó rất hẹp. Không ai kêu ông bà chủ lò hủ tiếu này là ba má cô Lan; mà cứ kêu rằng “ba má thằng hai hủ tiếu”; lâu riết thành danh. Lò hủ tiếu và giá sống này cung cấp cho cả chợ quận và mấy chợ làng chung quanh mỗi ngày. Đặc biệt, cái bến của lò này là nơi có nhiều tôm cá bu lại để ăn giá sống và bột hủ tiếu rơi rớt; nhiều nhứt là cá lưỡi trâu. Cứ xúc đại sâu dưới nước là thường được vài con cá lưởi trâu bằng bàn tay. Lọai cá này không mấy ai thích, nên ngoài chợ bán ít người mua. Nhưng đối với tôi, chim trời cá nước, con nào vô rổ là bắt luôn. Đem về mổ bụng mới biết cá lưởi trâu méo miệng hai con mắt nằm chung một bên lưng có vảy, kho nấu gì cá cũng bở rệp. Sau này đi Pháp, mới biết món ăn này khá đắc tiền! Vì mùi bột chua lưu cữu và mùi đậu xanh ngâm làm giá liên miên trong mấy chục cái hủ sành; nên khi phải đi ngang đây, người trong xóm đều ráng đi mau trên khoảng đường lộ làng duy nhứt, cho tới cầu Rạch Gốc mới bớt mùi. Qua khỏi cầu Rạch Gốc chừng 100 thước thì tới nhà hương hào Quí, có người con trai tên Khương học cùng lớp với tôi.
... (còn tiếp) ...
nguồn: eTetet.net
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ năm 25/06/15 12:10
bởi Hoàng Vân
... (tiếp theo) ...
Con đường lộ làng tráng đá chạy dài từ vàm rạch Ô Môn ngoài sông cái Hậu Giang vào ngã ba trong chợ quận, trổ thẳng vào con đường tráng nhựa Cần Thơ – Long Xuyên. Mỗi sáng có một chuyến xe ngựa chở khách từ ngoài vàm, qua Bà Sự, Rạch Gốc vào chợ; rồi giữa trưa lại trở về. Xe ngựa không bóp kèn mà đánh chuông boong bong. Đếm cả ngày, may ra được non hai chục chiếc xe máy (xe đạp); phân nửa là của mấy anh chị học lớp lớn (con quí vị hương chức trong làng) như anh ba Lữ, anh Đồng (sau theo kháng chiến luôn), anh Thời (đang ở Úc), anh út Kiệt, anh Được, chị Yến, “chị Lệ môi hồng”, chị chín Còn, chị Hồng Y, chị Dự, chị Đính v.v. Phần còn lại là của những người đi làm trong chợ quận như ông thầy bảy Quảng, cậu ba Du v.v.
Đường rộng chừng 5 thước, được sửa chửa vài năm một lần. Khi thấy những chiếc ghe chài chở khẩm toàn đá cục lấy từ Châu Đốc (?), ghé bến, xúc đá đem đổ thành nhiều đống dọc bờ sông, thì biết Sở Trường Tiền sắp đem hủ lô (rouleau) vào làng khởi công. Trước tiên, nhóm phu lục lộ xúc đá trải đầy những chỗ hư hỏng trên mặt đường. Xong cho xe hủ lô chạy chầm chậm cán lên. Xong lại thấy mấy người phu nấu nhựa đen (asphalte) xông mùi khó chịu, dùng gáo cán dài múc vào thùng, xong xách từng thùng đầy nhựa đen tưới lên mặt đá. Chờ qua một vài ngày cho kho cứng, mới cho xe ngựa chạy. (Xe đạp thì phải leo lề mà đi, tránh chỗ đang làm). Sau khi được sửa chữa, đường khá bằng phẳng dễ lưu thông cho đến mùa mưa năm sau.
Họa hoằn mới có một chiếc xe hơi từ Cần Thơ lên theo đường đá này ra Thới An thăm một nhà quyền thế trong làng. Đấy là một dịp cho dân làng trầm trồ cả tháng. Thỉnh thoảng còn có một chiếc xe máy dầu (moto) của một thanh niên dưới tỉnh đưa vợ về thăm nhà. Xe nổ bành bành phun khói mù trời, lại là một dịp khác cho trai gái trong làng bàn tán; mà cũng là một thích thú cho bầy trẻ nít, trong đó có tôi. Có lần, xe bị hư; anh rể quý này phải sửa chữa xe ngay trong sân nhà cha mẹ vợ. Chuyện hi hữu này được tụi tui chiếu cố tận tình; vây chung quanh dòm ngó, chỉ chỏ, theo dỏi, bàn tán; vì món nào tháo ra hình thù cũng lạ mắt, không biết dùng vào việc gì. Khi mọi sự đều xong xuôi, chỗ hư tháo ra đã được ráp lại, chủ nhân leo lên xe ngồi, đạp máy thử. Những tiếng nổ “păng păng” ròn rã vang lên. Người thử xe cười khoái chí đã đành, mà tụi tui cũng reo lên (hồi đó chưa đứa nào biết vổ tay tán thưởng).
Dọc con đường lộ đá, có nhiều cây che tàng lớn, cũng có nhiều cây ăn trái như xoài, mận, có những khúc quanh rợp bóng mát, có những cây cầu ván do Sở Trường Tiền bắt ngang cho xe chạy: như cầu ông Cả Được (vì gần nhà ông Cả Được), cầu Trắng (gần nhà bà ngoại tôi), cầu Rạch Gốc, cầu Bà Sự (cầu nầy 3 nhịp khá lớn) v.v. Mùa hè nghỉ học, tôi theo bạn, lén đi chơi từ chợ quận ra vàm thấy sông cái, nên có biết và còn nhớ mang máng. Cũng trong vài dịp đi chơi hoang này, nên tôi có nhiều dịp cùng bạn học tắm sông không có người lớn kiểm soát. Có lần chúng tôi bày một trò chơi hào hứng. Lúc nước ròng, sông cạn bớt đi, lòng sông hẹp lại, để lộ hai bãi sình xoải dốc khá dài. Đứa thì dùng một tấm mo cau; đứa thì tìm một tấm ván mỏng thả trên sình từ trong bờ, rồi ngồi lên mo cau hay đứng trên ván; cho chạy chùi xuống lòng sông. Ban đầu vài ba đứa; sau nhiều đứa thi nhau. Có hôm cả hai bên bờ cùng đua nhau trong trò chơi lấm lem này; la hét vang cả khúc sông. Bị hàng xóm cho hay, nên khi về nhà, tôi bị má tôi thưởng cho cả chục roi vì trốn khỏi nhà không xin phép mà còn dự vào trò chơi mà má tôi cho là nguy hiểm (!). Có hôm, chúng tôi đi theo người lớn học “móc cá chạch” hay “thụt cá bống”. Với một cái rổ sâu lòng kèm bên cạnh, người “móc cá” bươi sình bằng hai tay. Khi chạm hay thấy cá chạch thì lanh tay hốt nó cho mau bỏ vào rổ, chứ không thể nắm đầu hay móc mang như các con cá khác. Cá chạch mà chui vào sình thì nhanh vô cùng, thoáng một cái là nó đi mất luôn. Đúng là “lẩn như chạch”. Cá bống tương đối dễ bắt hơn. Cứ thấy hang nào có nước đục, thì cứ thọc tay xuống, đụng cá thì lưa bàn tay nắm đầu là bắt được. Dọc theo mấy thân cây dừa, mà nhiều nhà thả nằm dài trên sình từ trong bờ ra giữa sông làm cầu, cũng là nơi cá bống nằm chờ cơn nước lớn kế tiếp.
Cũng nhơn một dịp đi chơi hoang này, mà tôi theo dỏi được một bầy vịt hảng từ ngoài vàm về tới xóm. Người lùa vịt bơi xuồng chậm chậm thả trôi theo cơn nước lớn. Bầy vịt vừa lội vừa kêu cạp cạp vang sông. Khi bầy vịt tới gần thì thấy hàng ngàn con vịt lứa (chưa lớn) chen chúc nhau bơi lội hổn loạn, nhưng vẫn phải theo hướng của người lùa, đưa lần về khu ruộng cầm. Bầy vịt được giữ và chăn trong ruộng nầy cho đến khi lớn vừa làm thịt, thì có người đến mua sĩ về đem chợ bán lẻ lấy lời. Người cầm vịt cất chòi trong ruộng mà ở có khi gần hai tháng; trong khoảng thời gian này, vịt mái đến lứa đẻ lang thang ngoài ruộng. Trẻ nhỏ tụi tui lượm được cả trăm trứng vịt, chú cầm vịt thưởng cho tụi tui mỗi đứa mấy trứng đem về; còn bao nhiêu thì chú bán rẻ cho bạn hàng quen hay nấu chè đãi bà con trong xóm.
Dù trốn nhà theo bạn đi hoang đầu làng cuối xóm, ra đồng lượm trứng vịt hảng để được thưởng công, hay tắm sông thi nhau ngồi mo cau hay đứng ván chạy trên bãi sình; không bao giờ tụi tui dám léo hánh đùa giởn ở hai bên sông khúc gần cầu ông Cả Được. Một là ở đây, ngay đầu cầu có cái miểu lớn, nhang đèn không tắt vì ông Cả Được sợ bị quở phạt, tụi tui cũng ngán không dám phá phách; hai là vì tại đây có cây gừa rể phụ chồm xa khỏi bờ, cành lá sum xuê, tàng che rợp bóng, gây cảnh tượng thâm u dễ sợ, ngay cả ban ngày “không có ma”. Thêm một lý do quan trọng hơn nữa, là tụi tui dù biết lội nhưng không phải là những tay cừ, mà tại khúc sông này còn có cái xoáy nước rất nguy hiểm do kinh Ba Rít đổ vào sông Ô Môn. Xoáy lớn rộng giữa rún rút rất mạnh, đứng trên bờ nhìn ra thấy trủng xoay tròn sâu hoáy, lại có tiếng nước kêu. Tại vàm kinh này, có bến đò đưa khách qua lại lấy tiền. Thầy giáo và học trò qua đò miễn phí (chữ sau này). Tôi có mấy anh bạn ở bên kia sông (như Trần quang Hội, Nguyễn Long Giao, Nguyễn Thị Xuyến), thỉnh thoảng vào lớp trễ vì kẹt đò. Có một hôm, mấy anh đã đến trễ mà còn bị ướt loi ngoi. Ông Đốc Tường xuống tận lớp hỏi thì biết đò bị xoáy nước nhâïn chìm; may mà còn gần bờ và mấy anh chị đều lội khá, nên không chết ai. Ông Đốc còn hỏi: “Các trò ở đây, còn mấy đứa con gái đâu?” Anh Hội lớn nhứt vừa cười vừa thưa: “Dạ, mấy chĩ, bị ướt áo quần, nên trở về nhà, nghỉ luôn bữa nay!”.
Cái xoáy nước này là đề tài cho nhiều chuyện được kể ra giữa những người lớn với nahu; đám con nít vừa lắng nghe vừa sợ hải. Nghe kể rằng xoáy nước này khởi đầu đường ngầm ăn thông tới xoáy nước trên Vàm Nao (?). Nó là đường đi của ông Đạo Cậy vì ông biết độn thủy (?). Nó là hang của con sấu mủi đỏ (?) đã từng hiện hình người ở trần chỉ có manh chiếu nhỏ quấn quanh lưng. Năm 1944, tôi có thấy một người đờn ông có râu mang khố chiếu đứng giữa chợ (không phải Trần Miên khố chuối trong tập thơ lục bát rất phổ thông trong xóm nhà nghèo). Tôi còn thấy vài người (đờn ông và đờn bà) chỉ bận quần xà lỏn may bằng bao bố tời hay chỉ vấn chiếu, đứng dựa hông nhà lồng chợ. (Mấy năm đói kém trước 1945, dân miền ruộng Hậu giang không có áo quần lành lặn là chuyện thấy hằng ngày).
Lại còn nghe kể rằng đem một trái bưởi có đánh dấu đề ngày thả vào khu nước xoáy vàm kinh Ba Rít, mấy ngày sau có người vớt được trái bưởi này trên vùng Xoáy nước Vàm Nao (?). Người lớn bàn tán với nhau như vậy, nhưng ai thấy và thấy hồi nào thì không ai nói rõ ràng. Có điều tôi biết chắc về xoáy nước này là khi nước lớn thì xoáy nước không nguy hiểm như khi nước ròng. Khi bơi xuồng về thăm xóm Lung Tượng, tôi tiếp má tôi bơi mũi và má tôi bơi lái. Lần đi, chờ cơn nước lơn, kinh đầy và thuận giòng. Má tôi bơi xuồng qua sông khi còn cách xoáy nước chừng 200 thước và giữ cho xuồng trôi gần bờ sông rồi rẻ vào kinh. Tôi chỉ thấy nước vận nhẹ giữa sông mà không cuốn hút dữ dằn như mọi khi. Lần sau, chuyến trở về, nhằm cơn nước ròng, xuồng trôi băng băng trên kinh, không cần bơi nhiều, mà đến vàm kinh rất mau. Cẩn thận hơn chuyến đi, khi vừa ra khỏi kinh vào vàm, má tôi giữ cho xuồng theo sát bờ sông, cách xa xoáy nước. Nhờ ngồi trước mũi xuồng, tôi vừa bơi vừa nhìn thì thấy xoáy nước rất sâu và rộng; nước rút kêu như hú, thật nguy hiểm dễ sợ.
Sau này, khi lên lớp nhứt, được thầy Trần Văn Sửu giảng cho biết rằng: “Khi nước lớn, luồng nước chia đôi: phần lớn chảy thẳng theo sông Ô Môn, phần nhỏ chảy rẻ vào kinh Ba Rít. Vì giòng nước chia đôi, nước không xoáy mạnh mà chỉ cuốn quanh lờ đờ. Vào cơn nước ròng, sông Ô Môn vừa gom luồng nước của hai nhánh Rạch Phê và Rạch Tắc Ông Thục đổ ra; lại gặp liền luồng nước từ kinh Ba Rít thẳng đứng tuôn xuống. Hai luồng nước chảy mạnh, gặp nhau theo góc vuôn thước thợ, nên quện vào nhau gây thành xoáy tròn vừa siết vừa rộng, cuốn theo rác rến, lục bình, có lúc trung tâm hủng xuống rất sâu tạo thành tiếng hút nghe rùng rợn. Xoáy nước mạnh đến mức có thể lôi ghe xuồng vào trủng mà nhận chìm và từng làm chết nhiều người. Bà con trong tổng Thới Bảo, nhứt là dân các làng Thới An, Thới Long và Thới Thạnh đều biết “xoáy nước nguy hiểm này”. Khi phải qua lại vàm Ba Rít bằng ghe xuồng vào cơn nước ròng, bà con đều men sát theo bờ, cách xa xoáy nước chừng 10, 15 thước, thì được bình yên vô sự.
L o n g T u y ề n
xong 04:30 sáng, ngày 5 tháng 10 năm 2004
nguồn: eTetet.net
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ sáu 26/06/15 18:54
bởi Hoàng Vân
Re: s ư ơ n g b á m c ỏ m a y
Đã gửi: Thứ hai 16/11/15 18:32
bởi Hoàng Vân
... (tiếp theo) ...
Thời tôi đi học trường quận 1938-1945, thì mỗi tuần đều được nghỉ thứ năm và Chủ Nhựt. Nhân những ngày nghỉ này, tôi thường về nhà bà ngoại tôi ở Rạch Gốc, nên thỉnh thoảng được thấy chiếc “đò đạp Sa-Đéc” theo nước lớn xuôi giòng từ ngoài vàm vào chợ Ô Môn, rồi chừng hơn một giờ sau lại xuôi theo con nước vừa ròng thì từ chợ trở ra vàm.
Khoảng 8 giờ sáng thì nghe tiếng tù-và âm trầm từ xa vẳng lại. Cũng nên nói qua một chút về cây tù-và. Đấy là một dụng cụ quen thuộc trong vườn để kêu gọi nhau, khi có chuyện cần nhóm họp, hoặc kêu cứu, tuỳ theo việc huởn đãi hay cấp bách mà phát âm. Nó là chiếc sừng trâu cắt bằng hai đầu được trao chuốt trơn láng, có cái dùng quá lâu ngày thì thành bóng lưởng. Khi cần thì thường một người có hơi dài, kê đầu nhỏ vào miệng, phùng mang thổi. Âm thanh thoát từ tù-và vọng xa thê thiết u hoài. Không biết tại sao chủ đò lại dùng tù-và để gọi khách? Có thể vì không có còi tàu (súp-lê) nên dùng âm thanh tù-và gần gụi với dân quê hơn, mà nghe cũng hấp dẫn, cũng đủ thôi thúc mà cũng gợi ý kẻ ở người đi, dù giữa ban ngày? Nghe tiếng tù-và, tôi xuống đứng ở bờ sông để chờ xem đò đến.
Đò là một chiếc thuyền cỡ lớn đi trên sông chở được 20, 30 người ngồi đứng tới lui trong khoang. Cuối thân thuyền (thay vì bên hông thuyền như trong các phim trên sông Hoa Kỳ), có bánh xe lớn chìm gần phân nửa dưới nước. Bánh xe có nhiều tấm ván gắn ngang. Hai người vạm vỡ hai tay níu một thanh gổ ngang, dùng chân di chuyển bàn đạp để xoay một cần trục. Họ thường mặc áo ngắn tay và quần xà-lỏn (quần đùi). Nhìn họ kéo buông đôi tay, đầu nhô lên hụp xuống, đôi chân rắn chắc nhịp nhàng bước trên những bàn đạp nhỏ, chầm chậm đẩy lui các bàn đạp về phía sau. Nhờ một hệ thống đơn giản bánh xe răng ở hai đầu trục này, mà bánh xe ngâm dưới nước xoay tròn, đưa những tấm ván quạt nước một chiều, đẩy chiếc đò đi tới (hoặc đi lui khi cần). Đò có thể ghé lại đưa hay rước khách bất cứ bến nào, miễn là có chỗ bắt đà ván dài từ đò lên bến cho hành khách xuống lên. Khi đò di chuyển có trớn, thì nước tuôn ào ào ra phiá sau lái. Đò cũng rẻ sóng mà lướt trên mặt sông, dù chỉ là sóng gợn.
Nói đến sóng trên đoạn sông này, khiến tôi lại nhớ những chiếc tàu. Thỉnh thoảng, có một chiếc tàu vào chợ Ô Môn rước hay đưa khách.
Tàu nầy có súp-lê hẳn hoi, nên khi nó vừa vào khỏi vàm thì cả xóm đã biết. Đối với tôi, năm đó, chiếc tàu chở hành khách chạy trên sông là một sự việc lạ mà xa vời, thấy được nhưng không dám ước mơ sẽ bước chưn xuống đó. Tàu đi trên sông ban ngày đã là một kỳ thú, vì nó sang trọng tân kỳ quá, nó còn đùa những lượn sóng lớn dạt vào vổ mạnh hai bờ sông . Nhưng tàu chạy trên sông ban đêm lại đáng xem hơn, vì đèn đuốc trên tàu sáng choang, người đi lại trong khoang tàu lại càng rộn rịp dễ thấy, hấp dẫn hơn ban ngày.
Lâu lâu, lại có chiếc một chiếc tàu giòng những ghe chài lúa của đồn điền Cờ Đỏ từ chợ Ô Môn ra vàm để lên Chợ Lớn.
Đứng nhìn chiếc tàu chạy cà xình cà xình kéo theo hằng chục chiếc ghe chài đầy lúa gạo, có giây đỏi dài nối đuôi ghe trước vào mũi ghe sau, tôi mê mẩn nhìn những người bắt ghế ngồi trên sàn trước mũi (vì khỏi phải bơi chèo), hay các bà lui cui nấu cơm chỗ khoảng sân nhỏ phiá sau (chỗ người giữ tay lái thường đứng). Tôi nghĩ suy không biết tàu theo sông rạch nào để kéo mấy chiếc ghe chài gạo lên Chợ Lớn, dù có biết tên Chợ Lớn trong bài học địa dư, và ao ước được đi một lần cho biết. Máu giang hồ trong tôi có lẽ khởi dâng từ ngày đó. Chiếc tàu giòng này hình thù quen thuộc, nó phải kéo nhiều ghe chài nặng, chạy chậm, nên sóng có lan ra cũng chỉ vổ nhẹ vào bờ.
Có lần, tôi thấy chiếc tàu này chạy thật mau, rẻ nước phăng phăng, sóng dâng cuồn cuộn, làm cho những chiếc xuồng đậu dọc hai bên sông nhồi hụp lung tung, nước bị đẩy tràn lên mé. Đó là vào mùa thu cuối 1945, khi chiếc Annamite 72 của quân xâm lăng Pháp lên xuống thượng lưu Hậu -giang (do cậu Tám tôi theo kháng chiến cho biết), có hôm chạy chậm lại như muốn đậu ngoài vàm, nả vài phát đại bác thị uy, hăm doạ quận Ô Môn. Bốn năm anh kháng chiến có súng lục bên hông, súng dài cầm tay, bị đeo lưng, từ Bình Xuyên xuống, điều khiển cho chiếc tàu này xông pha trên sông Ô Môn, từ tuốt trong Rạch Phê ra vàm, diệu võ dương oai, như để trấn an đồng bào rằng: có ta ở đây, Tây không dám vào. Tôi xem chiếc tàu giòng này chạy ra chạy vào như vậy được hai ba lần, thì dân làng được lịnh tản cư!!!
Khúc sông này bây giờ sâu cạn ra sao tôi không được biết, chỉ biết nó còn tươi mát luân lưu trong giòng kỷ niệm ấu thơ của tôi với thật nhiều nhắc nhở! Còn đâu nữa thời thơ ấu của một học sinh trường tiểu học quận Ô Môn mong đến thứ năm, Chủ Nhựt để về nhà bà ngoại, chờ nước ròng lấy sào cắm sẳn xuống bãi sình, đợi nước lớn thì ráng nín hơi (tự tập) lội từ bờ ra để nắm cho được cây sào, rồi vừa vuốt mặt thở vừa cười hí hửng! Đã xa xôi lắm rồi, thời hồi cư sống phập phồng vì sợ những “thằng chổng” trôi lên trôi xuống năm bảy ngày không ai dám vớt, bởi bản án nhòe nhoẹt chữ còn máng trên cổ tử thi trôi lang thang theo đám lục bình, có khi cùng tấp vào bờ vì vướng những rể bần, bên cạnh gốc mù u! Mấy cây bần già với cây mù u lão xì vặn vẹo nghiêng nhánh ra mé sông năm xưa còn đứng đó, hay đã chết rụi lâu rồi?! Năm tháng trôi đi, nhưng kỷ niệm xa xưa còn đọng lại chưa phai!
Chừng nào thì quên được ánh trăng vàng soi bóng trên mặt sông phẳng lặng lúc đêm tàn, hay ánh nắng mai nhấp nhô theo sóng gợn khi gió đùa!? Dọc nẽo lưu vong, có hôm nhớ quắt quay tiếng chày giả gạo tay ba, từ xóm nhà bên kia sông, chốc chốc đệm thêm một nhịp nhồi kiểu cọ vẳng lên. Thỉnh thoảng, lại còn được nghe tiếng hò trên sông vang vọng trong đêm, vâng, tiếng hò của ai năm xưa đã đã lộng theo gió khuya như thiết tha mời gọi, như chứa thầm ước hẹn:
Bớ... ớ... ớ... chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Qua khúc sông này... hò ơ... bờ bụi tối tăm
và quá quắt, trớ trêu hơn, là câu hò của một khách sông hồ chừng như mệt mỏi, thành ra hơi phóng túng, nhưng trử tình biết bao nhiêu:
Hò... ơ... Gió đưa con buồn ngủ... hờ... ơ ờ... lên bờ
Mùng ai có rộng... hà ơ hờ. . .xin cho ngủ nhờ... ơ ờ... ngủ nhờ một đêm!!!
L o n g T u y ề n
11 giờ sáng, ngày 20 tháng 05 năm 2001
nguồn: eTetet.net