Phan

Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5468
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ăn Với Nói…

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Ăn Với Nói…




    Đời nay cho rằng việc ăn nói là một nghệ thuật. Ăn sành điệu, nói lịch thiệp là chìa khóa của thành công trong giao tiếp xã hội. Việc ăn, nói của một người thể hiện giai tầng của người ấy. Con người thì ai cũng phải ăn để mà sống, nói để người khác biết mình muốn gì. Nhưng cuộc sống cũng lắm người sống để mà ăn và nói không cần ai hiểu, tạo thành xã hội phức tạp nhất hành tinh là xã hội loài người.


    Nên không phải bây giờ mà từ xa xưa, ông bà ta đã dạy con cháu phải, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Còn nhớ khi nghe cô giáo giảng về câu tục ngữ trên cho cả lớp nghe như vịt nghe sấm vì đám trẻ trâu thì biết gì ngoài khoai lùi, ốc luộc. Đào được củ khoai thì lùi vào tro bếp còn ấm cho chín để ăn, bắt được vài con ốc thì luộc với lá sả là có ăn. Cuộc sống dân dã không làm khó chân quê bằng chữ nghĩa mơ hồ trong ca dao, tục ngữ một thời. Nhưng vẫn nhớ cô giáo dạy ăn phải biết “ăn coi nồi ngồi coi hướng”. Ngồi vào bàn ăn phải biết vai vế của mình để chọn chỗ ngồi thích hợp. Khi ăn phải xem chừng nồi cơm vơi đến đâu rồi, thức ăn trên mâm còn nhiều hay ít để sẵn sàng buông đũa ngay khi chưa no, để nhường nhịn cho những thành viên trong gia đình vì chung một mái nhà, là người thân ruột thịt của nhau. Nhường nhịn cho những thành viên chung mâm khi đã trường thành, ra ngoài xã hội vì “miếng ăn quá khẩu thì tàn”, miếng ăn không phải là vấn đề gì lớn để hay cần tranh đua.


    Ăn không buông thả cho việc khoái khẩu vì nếu cứ chăm bẩm vào món ngon, không nhường nhịn người lớn kẻ nhỏ là ăn hỗn, thể hiện sự thiếu giáo dục khiến người khác chê cười cha mẹ không biết dạy. Khi trưởng thành, ra ngoài xã hội cũng không được ai coi trọng với cách ăn uống hàm hồ, thiếu tế nhị. Lịch sự khi ăn cũng là nét văn hoá như khi muốn chan canh thì gác đôi đũa xuống cạnh mâm để cầm cái vá múc canh, không vừa cầm đũa vừa cầm vá trên tay cùng lúc mà quơ hết mâm cơm, cản trở người khác gắp thức ăn là bất lịch sự, thể hiện sự thiếu giáo dục gia đình về cách ăn uống. Bữa ăn của người châu Á nói chung, người Việt nói riêng thường ăn chung mâm nên vật dụng dùng chung như cái vá múc canh thì không cho vào miệng mình, không thọc đũa riêng vào khay thức ăn, rổ bún, hũ gia vị đã có đôi đũa, hay cái thìa dùng chung như hũ ớt xay, hũ đồ chua…


    Khi nói phải biết, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Không nói lời miệt thị người khác, không nói lời điêu ngoa, không dựng chuyện để xúc phạm hay gây tổn thương người khác. Phải hiểu tục ngữ ca dao là tinh hoa, là văn hoá chắt lọc nên không tùy tiện dùng mà phải suy xét, cân nhắc bối cảnh, quan hệ trước khi dùng đến câu tục ngữ “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Khi nào phải lựa lời mà nói, khi nào không ngại nói ra sự thật là bản lĩnh của người có văn hoá, kinh nghiệm của người từng trải.


    Cũng đừng khéo nói quá tới sáo rỗng, lố bịch. Nói lời tâng bốc cho vui lòng người đối thoại cũng đừng tâng bốc quá lố thành trơ trẽn, nịnh bợ, không làm tăng giá trị người được tâng bốc nhưng làm hạ thấp giá trị người nói lời tâng bốc quá trớn.

    Nói lời thật lòng cũng phải tùy người, tình thân, quan hệ ở mức độ nào? Không nên nói thật lòng với người quen sơ, sẽ tác dụng ngược với sự thật hiển hiện là sự phũ phàng như thấy một người quen biết sơ, ăn mặc không phù hợp với tang lễ thì cứ mặc họ, đừng nói thẳng vào mặt họ là về nhà thay đồ đi cha nội. Ở đây là đám ma chứ không phải đám cưới. Nếu người ấy hiểu biết thì đã không ăn mặc như thế đi viếng đám ma, nếu cô nọ có hiểu biết thì đã không ăn mặc hở hang đến Phật chau mày khi cô viếng chùa. Khi tình thân không đủ thì đừng nói thẳng với họ về việc ăn mặc không phù hợp của họ, bởi chỉ tạo ra một trận cãi vã không cần thiết vì nếu hiểu biết thì họ đã không ăn mặc như thế đi viếng chùa hay viếng đám ma. Là người hiểu biết thì họ không cãi cối cãi chày, ngụy biện cho hành vi khiếm nhã của họ.


    Không nói với người phụ nữ, “nhìn chị với con gái chị như hai chị em”. Bởi được lòng bà mẹ một thì mất lòng cô gái tới mười. Không bông đùa nhìn hai vợ chồng nọ như cha con vì tự ái cá nhân không phân biệt nam nữ, già trẻ… Tóm lại nghệ thuật nói thì người câm là thầy của những bậc thầy. Bởi không nói, chả ai bảo mình bị câm thì hà cớ gì cứ phải nói nhiều cho thêm đắc tội.

    Đến việc học gói mới nhiêu khê, nhìn đòn bánh tét tròn đều, dây buộc thẳng thớm như buộc bằng máy, nhìn vuông bánh chưng vuông vức như đúc bằng khuôn, dây lạt buộc đều như dùng thước kẻ để phân ô đủ biết người thực hiện khéo tay và kỹ tính dường nào mà học hỏi họ vì đó là một nét văn hoá trong xã hội về việc của cho và cách cho. Bảo người hàng xóm: Tôi biếu ông bà cặp bánh chưng ăn tết, nhưng cặp bánh không ra hình hài nên người được cho cũng không muốn nhận vì ngộ nhận mình bị xem thường.


    Học gói ngoài nghĩa cụ thể để gói quà khi cho tặng ai, hình thức không phản ánh nội dung bên trong nhưng nói lên sự tôn trọng. Mà sự tôn trọng không thể mua bằng tiền, muốn người khác tôn trọng mình thì không có cách khác là mình tôn trọng họ trước. Học gói trong cõi phàm không phí thời gian, không uổng công sức với bản chất con người thích được tôn trọng. Học gói mang nghĩa bóng trong ca dao tục ngữ là sống phải biết gói ghém, liệu cơm gắp mắm. Người không biết gói ghém cuộc sống cho phù hợp với hoàn cảnh sẽ lâm cảnh phóng túng, tùy tiện; cuộc sống thiếu trước hụt sau là không thể tránh khỏi.


    Học gói không hề dễ khi tìm hiểu ý nghĩa trong tục ngữ ca dao, “khéo gói thì no khéo co thì ấm”. Nên học mở cũng nhiêu khê không kém. Nhìn một người lột trái chuối từ tốn thành ba hay bốn mảnh vỏ chuối xoè ra như đóa hoa trên tay, khẽ bóc mấy sợi gân chuối mang vị chát bỏ đi, rồi bẻ trái chuối lấy một lóng vừa miệng, ăn hết lóng này bẻ lóng khác cho đến hết trái chuối. Cũng là ăn hết trái chuối, nhưng mở trái chuối thanh nhã, từ tốn và lịch thiệp, ăn trái chuối ngoài việc ngon miệng, no bụng người ăn nhưng không làm chướng mắt người nhìn. Nếu phải nhìn một người bẻ trái chuối, rồi tước vỏ nham nhở, ngấu nghiến thô bỉ. Họ cũng ăn hết trái chuối ngon miệng, no bụng, bỏ mặc sự tởm lợm của người chứng kiến họ ăn mà thành một thành phần không được xem trọng trong xã hội loài người.


    Học mở ở một cảnh giới nào đó là học cách thưởng thức nghệ thuật gói. Thiên nhiên ban tặng trái chuối thì người ăn chuối phải biết quý trọng sự gói tinh tế của tạo hoá, sự hình thành quả chuối có thẩm mỹ cao của tự nhiên. Mở gói quà tặng của người bạn, ngoài ý nghĩa, giá trị vật chất của món quà tặng, còn mở ra tâm tư, tình cảm của người gói từ việc chọn quà, chọn màu giấy, loại giấy gói quà; cách gói quà mang nhiều thông điệp tới người nhận nên người xé toạc gói quà để mau chóng biết được món quà tặng bên trong là gì, sẽ không bao giờ nhận biết được thông điệp, tâm tình của người gói quà, người tặng quà.


    Màu giấy gói, màu mực viết lời chúc mừng, chia buồn… nét chữ viết rất quan trọng trong việc tặng quà nên ông bà xưa mới dạy lại con cháu việc học ăn học nói học gói học mở. Gói trọn tâm tình qua món quà đơn sơ nhưng có ý nghĩa, việc gói quà mang thông điệp qua màu giấy gói nhã nhặn, cách gói cẩn trọng như sự tôn trọng… biết đâu người nhận mở quà xúc động với chân tình sẽ mở lòng từ bi, rộng lòng tha thứ. Nếu chỉ là món quà bình thường trong quan hệ bình thường thì sự coi trọng nhau cũng đã nâng lên tầm cao mới.


    Những gì học từ nhỏ không phải hiểu từ đó mà chính cuộc sống về sau mới dần hiểu ra những dạy bảo đơn giản nhưng mang triết lý sống phong phú của tiền nhân. Bây giờ nhìn người lớn ngoài nhà hàng, khi vào ăn thì họ biết kéo ghế ra ngồi, nhưng khi ăn xong thì mấy người còn nhớ được bài học công dân giáo dục thuở nhỏ là đẩy cái ghế vào gầm bàn lại. Nhìn hầu hết những đứa trẻ bây giờ thường xé toạc gói quà để mau chóng lấy được món quà tặng bên trong, bởi cha mẹ chúng cũng làm thế trước mắt chúng từ khi chúng có ý thức. Nên ở nhà, chúng kéo cái ghế ra ngồi ăn. Ăn xong xách đít đi, đứa biết dọn cái tô chúng ăn bỏ vào bồn rửa chén đã được khen là ngoan vì cha mẹ chúng cũng đã làm thế với bà ngoại, bà nội của chúng. Ngoài nhà hàng là việc của những người phục vụ phải sắp xếp lại bàn ghế sau khi thực khách rời đi.


    Nhìn từ góc độ đạo đức xã hội thì con người ngày càng suy đồi từ khi không còn môn học “công dân giáo dục” trong trường tiểu học. Nhưng con người hiện đại luôn tự tin là người xưa quá rắc rối, rườm rà… Nhưng họ lại đối xử khác với người bạn ghé nhà chơi, sau khi uống ly trà, ly rượu. Anh bạn cáo từ ra về với việc đẩy cái ghế anh ta kéo ra ngồi vào vị trí cũ, người gia chủ sẽ nói lời thật lòng, “lúc nào anh rảnh, ghé nhà tôi chơi nữa nha…” Khác với người bạn ghé nhà chơi tới lúc ra về cứ xách đít đi thôi. Gia chủ sẽ nói, “Cảm ơn anh ghé thăm.” Quan hệ không khá hơn mà tệ đi so với trước kia vì gia chủ mang suy nghĩ, một thực khách ngoài nhà hàng gom góp rác thải của mình cho gọn lại trên bàn ăn, đẩy cái ghế ngồi vào vị trí cũ sau khi ăn xong bỗng thấy họ tử tế, có giáo dục hơn hẳn người ăn mặc sang trọng nhưng chỉ vứt vài đồng tiền típ xuống bàn ăn, xuống đống rác của họ để lại, mặc kệ cái ghế họ ngồi cản trở lối đi của người khác vì cái ghế đã hết giá trị lợi dụng đối với họ.


    Học ăn học nói học gói học mở đã thay đổi theo trào lưu tiến hoá hay đạo đức suy đồi là tùy theo mắt nhìn, góc nhìn của mỗi người. Mỗi ngày đi làm về, tôi thường phải đẩy một hoặc hai cái ghế bàn ăn vào vị trí cũ cho những người vô tư của thời đại mới, thời đại con người chỉ cần quan tâm đến việc kiếm tiền. Gia phong, gia giáo, truyền thống, nhân văn… đều là lạc hậu đối với họ.

    Cho đến hôm qua tôi mắc cười với câu chuyện nhỏ trong hãng. Người bạn Huế thường càm ràm người bạn Nam bộ, “ông ăn nói gì kỳ vậy, ông ăn nói cẩn thận hơn chút đi, làm ơn…” Chuyện chả có gì lớn khi giờ nghỉ, chúng tôi thường nghỉ tại chỗ làm vì phòng ăn, phòng nghỉ quá xa nên lười đi. Người bạn Nam bộ móc túi ra ba viên kẹo dừa, anh ta nói, “nè, mỗi người một cục, kẹo dừa Bến tre quê tui ngon vô địch thiên hạ.” Anh ta dúi vô tay viên kẹo, tôi cảm ơn, rồi để lại trên bàn. Anh ta dúi vào tay người bạn Huế viên kẹo dừa, bảo “Làm cục đi, ngon lắm”. Người bạn Huế trừng mắt, “kẹo thì gọi là viên, viên kẹo. Sao cái gì ông cũng gọi là cục. Tôi không ăn cục.”


    Vậy là họ cãi nhau tới khi trên bàn chỉ còn một viên kẹo dừa. Người Bến tre hỏi người Huế, “Ông đớp hông? Không đớp tui đớp hết à nha…” Họ lại cãi nhau về từ “ăn” với từ “đớp”. Anh Bến tre cãi không lại anh Huế nên nói ngang, cãi theo luật rừng, “ông khó chịu hơn nẩu, cái gì ăn được mới ăn chứ, cục kẹo, cục thịt mới ăn chứ ai ăn cục cứt. Tự ông nghĩ như vậy rồi bắt bẻ tui. Ông nói có ai nghe được hết đâu, nhưng có ai bắt bẻ ông không? Tại sao tui phải nói là viên kẹo khi từ cha sanh mẹ đẻ, hết xóm làng tui gọi là cục kẹo. Ông nghe được thì nghe, không nghe được thì thôi, không đớp thì nhịn thèm.”


    Anh Huế lại phân bua. Tôi thành trọng tài của cuộc đấu khẩu diễn ra hầu như mỗi ngày và đề tài hôm qua là “ăn nói”. Anh Huế hỏi tôi ăn nói là gì, anh có ăn nói quá khó không? Tôi trả lời, “ăn nói là bệnh tật. Ăn nói đúng đắn là ăn và nói sao cho đừng bệnh tật.” Anh ấy bảo tôi khùng, rồi bỏ đi.

    Nhưng giấu đầu lòi đuôi anh chàng ưa để bụng, ấm ức chịu không nổi nên giờ nghỉ sau anh nói tôi giải thích cho anh nghe. Tôi nói, “đơn giản thôi, cái gì ăn vào là bệnh, lời nào nói ra là tật. Hết tội lỗi trên trần gian này vừa khớp với hai chức năng của cái miệng là ăn và nói. Ăn viên kẹo dừa vào miệng là ăn đường, chất béo, hai thứ dẫn tới bệnh tiểu đường và mỡ máu. Nói ra bệnh tiểu đường và cao mỡ máu từ viên kẹo dừa là tật, tật hay nói. Tôi không nói, đâu ai bảo tôi câm. Có phải vì tôi đã nói ra nên bây giờ anh Bến tre ghét tôi vì đã nói kẹo dừa quê anh là mầm bệnh tiểu đường, béo phì và cao mỡ máu. Còn anh thì ghét tôi từ ban sáng vì nói ra điều anh không hiểu. Tại sao ăn nói là bệnh tật.


    Bây giờ anh ghét tôi hơn vì anh đuối lý với giải thích: cái gì ăn vô là bệnh, nói ra là tật, trong khi anh rất thích ăn nói để chứng tỏ mình, anh bắt bẻ anh Bến tre ăn nói gì kỳ mà không hiểu đó là bệnh nan y của anh ấy. Anh ăn nói cầu kỳ hơn hơn bệnh tật của anh khó trị hơn. Còn tôi ăn nói khùng điên như anh nhận định nên bệnh tật của tôi thất thường…

    Anh Huế cứng họng, anh Bến tre cười khoái chí, còn tôi tê dại với phát giác ăn nói là bệnh tật, nhưng sao không khép miệng lại được mà cứ ăn với nói cho chúng ghét…


    Phan

    https://nguoiphuongnam52.blogspot.com


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

ra giêng anh cưới em…

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    ra giêng
    anh cưới em…

    _____________
    23/02/2024 _ Phan





    Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.

    Ở cái trường Chuồng bò mái tranh vách đất nhìn y như cái chuồng bò của người dân tộc trên cao nguyên, nhưng an ủi phần nào khi học sinh ở Sài gòn như tôi cũng khá đứa bị tống cổ về quê làm trò cười cho bạn bè dưới quê. Chúng tôi là những đứa trẻ lõ mắt nhìn con trâu đen xì, đi chung đường làng với nó nên không dám rời mắt khỏi hai cái sừng cong cong và nhọn, không rời mắt để sẵn sàng chạy khi nó tấn công. Con bò thuộc loài nhai lại nhưng chỉ là học trong sách giáo khoa thôi. Bây giờ mới tận mắt thấy con bò nằm nhai lại mớ cỏ nó đã ăn vào bụng từ trước đó… Thấy chiếc xuồng dưới sông như chiếc lá trên dòng sóng dữ lúc trời mưa giông, nhưng hú tim hú vía cho người chèo xuồng thì nó vẫn không chìm dù vừa chèo vừa phải tát nước mưa từ trời trút xuống, tát nước sông do sóng ập vô chiếc xuồng con…

    Nhưng rồi sớm quen thôi vì tuổi nhỏ dễ thích nghi hơn người lớn, theo bạn bè đi mò cua bắt ốc riết cũng quen; tới mò trong vũng bùn mà bắt được con cá thì móng chân đã vàng phèn, hai bàn chân trắng như bột mì vì mang giày bata suốt khi còn ở Sài gòn đã thành quá khứ.

    Tôi còn nhớ từ đó về sau, khi bạn bè muốn qua Sài gòn là rủ tôi theo vì hang cùng ngõ hẻm nào tôi cũng biết, Sài gòn Chợ lớn đã đời lưu manh như thơ Bùi Giáng là tôi, kẹt xe đường lớn thì đi đường hẻm cũng tới đích muốn đến, có tôi đi cùng thì không sợ lạc đường nên bạn bè chừa cho tôi chút hỉnh mũi - con chuột nhắt của Sài gòn.

    Nên tết tới năm học lớp mười, bạn bè rủ nhau đi chơi tết bên Sài gòn cho biết. Tôi vui như trở về nhà, niềm vui đền đáp được cho bạn bè dạy tôi đi chân không trên bờ ruộng lúc trời mưa thì nghéo ngón chân làm sao, bấu ngón chân xuống đất trơn trợt làm sao cho không bị chụp ếch; bạn bè dạy tôi trèo cây dừa khác trèo cây me, dạy chèo ghe, giăng lưới, quăng chài... Tôi vui cơ hội được dẫn đường cho bạn bè bên Sài gòn đèn xanh đèn đỏ để trả ơn họ dạy tôi đã nhiều. Nhưng đám bạn do mê sơn đông mãi võ bán thuốc lang băm, không theo kịp tôi làm hoa tiêu dẫn đường. Nhìn lại còn mỗi tôi với Thùy, tôi dắt cái xe đạp len lỏi trên đường Lê Lợi, Thùy không nói một lời, cứ nhìn xuống đất, không nhìn ai vì sợ, cứ chốc chốc lại nắm cánh tôi ghị lại chứ cũng không nói, “đi chậm lại, chờ tôi với…”

    Đường Lê Lợi thì tôi lạ gì vì đã từng làm học trò không sách vở cầm tay trước ’75 nhiều rồi, nhưng với Thùy thì tất cả lạ lẫm nên tuy sợ chỗ đông người nhưng vẫn muốn xem kỹ mọi thứ. Tôi biết rồi nên chậm lại cho Thùy mãn nhãn lần đầu du xuân Lê Lợi, cũng đổng thời đợi bạn bè phía sau vì chúng cũng như Thùy, thích xem kỹ hết mọi thứ mới thấy lần đầu.

    Đến gian hàng của người vẽ tranh bằng bút điện trên gỗ thông thì Thùy mê mẩn nên tôi kiên nhẫn chờ. Cuối cùng Thùy chọn miếng gỗ thông cắt vạt như lát bánh mì, sơn bóng dầu thông vàng vàng, trên ấy người ta vẽ hình ngôi nhà lá rất quê, sau nhà là bụi tre lúc chiều tà, bước ra ngõ trước có cây mai vàng nở rộ, cái cầu ván nhỏ xuống sông, để xuống chiếc ghe đang neo đậu… những nét vẽ đơn sơ, tượng trưng thôi nhưng rất có hồn. Thùy thích vì nó hệt cảnh nhà thật của Thùy đang sống cùng gia đình, thích câu thư pháp như phượng múa rồng bay, “Chiều Xuân quê ngoại…”

    Thùy nhờ tôi hỏi mua xem bao nhiêu? Tôi không còn nhớ giá bán chính xác, nhưng vẫn nhớ giá tiền chừng hai ly nước mía lúc bấy giờ. Thùy không mua vì mắc quá! Nhưng tôi người Sài gòn mà, liền đẩy đưa với người bán. Nghe chú nói giọng Huế, người chú cao gầy, da hơi ngăm, tóc dài dợn sóng, đội cái kết nỉ rất lãng tử như người Đà lạt. Tôi nói, “chú rất giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…” tôi khen chú trước để lấy lòng nên chú cười hiền. Còn gì nữa mà không tấn công luôn, tôi nói tiếp, “Chú rất giống Trịnh Công Sơn khi cười…” thấy chú tôi lên mây rồi nên tôi gút giá nhanh lúc người ta lâng lâng, “… Nhưng tụi con là học sinh, chú bán cho tụi con nửa giá thôi chú. Tụi con đâu có nhiều tiền…” Chú ấy gật gù, dí ngón tay lên trán tôi trách yêu, “lanh quá đi…” Tôi móc tiền túi ra trả và tặng luôn cho Thùy, nhất định không lấy tiền Thùy gởi lại cho tôi.

    Đám bạn mê sơn đông mãi võ ở phía sau đã lên đến, chúng tôi nhập bọn và đi chơi tiếp. Đi chơi tết mà, không ít thì nhiều, các bạn gái cũng mua được vài món quà theo túi tiền có được. Bọn con trai nghèo từ thời Adam cua bà Eva đã hết vốn nên chả mua gì, chỉ giỡn phá lung tung… Hồi quay về Phở Hoàng Diệu theo kế hoạch mà tôi đã tính toán trước vì phở ở đó ngon mà lại rẻ. Ăn xong uống nước trà không tính tiền rồi về cầu Tân Thuận uống nước mía cho ngon và cũng rẻ, có gió sông mát rượi…

    Bạn bè vừa uống nước mía vừa khoe nhau những gì mua được. Mọi người hỏi đến Thùy thì Thùy trả lời là không mua gì, nên ai cũng thắc mắc là không mua sao có quà trong túi xách tay? Thùy không trả lời ai hết, và cái uy của Thùy trong lớp cũng đủ để mọi người không hỏi nữa. Nhưng học trò là nhóm đứng thứ ba sau qủy với ma nên chúng nháy mắt nhau ra chiêu…

    Thế là thằng Đạo chích của lớp ra tay, nó trộm từ trong túi xách của Thùy được gói quà gói bằng giấy báo. Nó lén mở ra xem nhưng khi mở ra thì nó la làng, nó trình làng luôn… “Bà con ơi… Bà con ơi! Ra Giêng Anh Cưới Em… Ra Giêng Anh Cưới Em… Ra giêng, chúng ta được ăn đám cưới rồi… vui quá… vui quá…”

    Đàn ong vỡ tổ bên bờ sông Sài gòn, tranh nhau xem, tranh nhau nói, tranh nhau cười, tranh nhau hỏi không biết bao nhiêu câu hỏi, hỏi không cho người được hỏi nói câu trả lời. Tôi chỉ thấy mặt Thùy nghiêm lại, không đanh, chỉ nghiêm lạ thôi. Cách nghiêm mặt của Thùy trong lớp thì tôi quen rồi vì Thùy hiền lành, tốt bụng với bạn bè, học giỏi, được cô chủ nhiệm lớp chọn làm phó lớp học tập là quyết định đúng đắn nhất và duy nhất của cô giáo ngoài bắc vào vì làm cô giáo nhưng không lo dạy học, chỉ lo trồng rau muống dưới sông và nuôi heo trên bờ. Cô chủ nhiệm lớp giao cho Thùy nhiệm vụ giúp đỡ tôi từ việc học tới đạo đức nên tôi bị Thùy nghiêm mặt với tôi hoài. Lúc Thùy nghiêm mặt là lúc tôi thích nhìn thẳng vào mặt Thùy nhất vì rất đẹp, nhưng Thùy hiểu sai là tôi chống cự, đối kháng, không phục…Tôi tin có ngày Thùy hiểu ra thôi, tôi rất ngoan, và hơn thế nữa… Nhưng lần nghiêm mặt này lạ ngộ với hai dòng nước mắt thả xuống hư không… làm bạn bè im hết.

    Đường về hết vui vì mỗi xe lặng lẽ đạp, cứ con trai thì chở con gái như hồi đi, những cô bạn nhỏ chòi chân lên đạp phụ đường về, là quê hương đem theo cho đời lưu lạc. Đám thứ ba sau qủy với ma hết nói chuyện chung, nhưng từng xe nói chuyện riêng với nhau không cần đoán cũng biết chủ đề. Thùy vẫn ngồi sau xe tôi là điều tôi nể phục tới giờ vì lẽ ra con gái khi mắc cỡ, khi giận thì đã sang xe người bạn khác để chở về, đâu thèm đi chung xe với tôi nữa. Nhưng Thùy, là câu hỏi lớn nhất đời tôi!





    Hết năm lớp mười, thêm hai năm lớp mười một với lớp mười hai, cả trường biết chuyện: ra giêng anh cưới em... Cứ hễ rảnh rỗi là bạn bè lại lôi ra chọc ghẹo tôi với Thùy, thậm chí thầy thể dục thể thao khi đi tập banh với đội banh của trường cũng ghẹo tôi là anh hùng vì chính thầy cũng không dám làm thế với bạn gái của thầy, trước mặt bạn bè, thanh thiên bạch nhật… Ông thầy vui tính hơn học trò của tôi.

    Mùa hè năm lớp mười, một người bạn trong lớp tôi ghé nhà, cô ấy nói tôi đến nhà cô ấy, mẹ cô ấy có việc nhờ tôi. Tóm tắt là cha cô ấy đã đi ra nước ngoài từ ba mươi tháng tư nên bây giờ mới có tiền đô gởi về cho vợ con. Mẹ cô ấy muốn chia cho em chồng là cô ruột của bạn tôi vài trăm đô để sinh sống, làm ăn. Mẹ bạn tôi nhờ tôi chở bạn tôi lên chợ Hóc môn để giao tiền cho cô vì đường xa, mẹ bạn tôi sợ…

    Tôi đồng ý vì bác gái là bạn của mẹ tôi, tôi cũng đồng ý luôn vì bác gái hào phóng quá, cho tôi tiền đi thay hai cái vỏ xe đạp mới, thay ruột xe luôn nha con cho an toàn… Chúng tôi lên đường từ sớm hôm sau để về trong ngày, nhờ lộ phí đường xa bác cho cũng nhiều, hai đứa ăn hủ tiếu tới bốn tô nên đạp sung. Tới chợ Hóc môn cô lại cho ăn cơm sườn bì chả no cành hông, cho tiền uống nước, ăn vặt thả ga nữa mới sướng…

    Chúng tôi về tới Sài gòn trời chưa tối vì năng lượng tràn đầy. Tôi ghé lại chỗ hôm trước tết tôi với Thùy đã mua miếng gỗ thông viết chữ “Chiều Xuân quê ngoại” nhưng không hiểu sao mở ra lại là hàng chữ “Ra Giêng anh cưới em…” Tôi mua không cần gói giấy báo để chắc chắn bỏ nhờ vô giỏ xách của bạn đi cùng là hàng chữ “Chiều Xuân quê ngoại”. Tôi nói với bạn đường, “bà làm chứng cho tôi là tôi mua hôm nay nhưng tôi đợi tới khi nào chúng ta học hết lớp mười hai tôi mới gởi tặng cho Thùy. Tôi sẽ viết thơ giải thích kèm theo vì ra trường là khó có cơ hội gặp lại nhau…”

    Người bạn hay chọc ghẹo tôi nhất đã tin tôi thành tâm tâm sự với cô ấy. Tôi không lường gạt Thùy, tôi không đủ gan để đùa giỡn chuyện người lớn, tôi mua tặng Thùy món quà Thùy rất thích lại vừa túi tiền tôi có cũng là một may mắn hiếm có trong đời tôi chẳng mấy khi có tiền. Tôi thật sự muốn trả ơn Thùy đã giúp tôi nhiều trong việc học, không phải tôi học dở nên cần giúp mà là tôi ham chơi nên lơ là việc học. Rồi Thùy bị cô chủ nhiệm lớp cằn nhằn hoài cũng vì tôi chứ bản thân Thùy là gương mẫu của cả lớp mình rồi… Còn việc gói hàng lộn, trao hàng lộn cho khách mua tôi chỉ nghĩ ra được sơ sài... Trước hết phải nói tới việc hàng bằng kích cỡ nhau thì đồng giá. Miếng gỗ có hàng chữ Chiều Xuân quê ngoại với miếng Ra Giêng anh cưới em cùng kích thước, bằng giá, vậy người bán gạt tôi làm gì? Hơn nữa có đáng để lừa gạt không, bà cũng đã gặp chú nghệ nhân ban nãy rồi đó, chú không phải loại người lường gạt, nhất là lường gạt trẻ nhỏ như bọn mình. Vậy sự nhầm lẫn là vô tình của người bán chứ không phải tôi. Bà có tin tôi không là tôi không cố ý vì tôi hoàn toàn không cố ý, ngay ý không có trong tôi thì làm sao cố…

    Bạn tôi là con gái, mà con gái bằng tuổi con trai thì con gái khôn hơn nên bạn tôi nghĩ… Chợ tết có mấy ngày, ai cũng mua những miếng gỗ có chủ đề tết như: Chiều Xuân quê ngoại, Xuân đã về, Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa, Xuân kỷ niệm, Xuân này con không về… Chú nghệ nhân làm sao vẽ kịp để bán, trong khi những miếng gỗ mang chủ đề mùa hè, mùa thu thì ai mua? Nên tôi nghĩ là gói nhầm cố ý cho khách hàng lơ là. Ông được miếng gỗ Ra Giêng anh cưới em là may rồi và cũng có hơi hướm tết chứ bộ, chỉ là tụi mình còn nhỏ quá nên chuyện trở thành mắc cười, thành chuyện cười…






    Tôi làm đúng điều tôi đã nói với bạn tôi. Cuối năm lớp mười hai, tôi viết gần hết cuốn tập mới năm mươi trang để giải thích với Thùy. Bỏ trong phong bì lớn chung với miếng gỗ thông “Chiều Xuân quê ngoại” Tôi đến nhà Thùy tối hôm trước thì sáng hôm sau chúng tôi có bữa tiệc nhỏ chia tay trong lớp. Tôi chọn thời điểm trao quà theo suy nghĩ riêng, không giải thích với cô bạn đồng minh nên trong bữa tiệc chia tay, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu… lại là tôi.

    Cho tới hai năm sau, tôi tình cờ gặp lại Thùy đang tung tăng với bạn học ở khu trường Trung học Sư phạm Sài gòn. Tôi mời Thùy và mấy người bạn đi uống nước, họ rất dễ thương và tế nhị vì khi uống nước xong, họ liền cáo từ về trường, nói Thùy ở lại trò chuyện với tôi vì bạn cũ đã mấy năm không gặp, phần buổi học chiều đó cũng không quan trọng. Nhưng Thùy là người có biết trốn học bao giờ nên cô ấy tạm biệt tôi chứ không chia tay bạn học.

    Tôi muốn gặp người bạn đồng minh hết sức, nhưng cô ấy đã đi bảo lãnh sang Mỹ, không còn ở Việt nam. Nhiều năm sau, tôi được ngồi ở patio nhà cô bạn đồng minh bên Cali, nhắc chuyện xưa như mới hôm nào khi đã có tóc bạc. Tôi đã nghĩ là bạn tôi đúng khi nghĩ về những người bán quà vặt trên đường Lê Lợi, họ vì miếng cơm manh áo mấy ngày giáp tết nên phù phép gói nhầm cho khác mua lơ là như tôi. Bạn tôi cũng tin tôi không đùa giỡn nên chúng tôi nhớ lại, tìm hiểu thái độ của Thùy ngay hôm đi chơi tết với nhau, thái độ từ đó tới hết lớp mười hai ra trường, thái độ hôm gặp lại tôi cũng là lần cuối…

    Tôi lấy hết cam đảm để nói thật lòng mình với người bạn mà tôi tin tưởng từ nhỏ. Thật lòng tôi cũng có rất nhiều tình cảm với Thùy, nhưng hoàn cảnh tôi lúc bấy giờ không có từ bạn gái trong tự điển vì tay trắng mộng đầy, tương lai mù mịt… Ngay khi còn trong trung học đã có cảm tình, và tình cảm ấy không phai lợt sau mấy năm không gặp, tình cảm đậm đà hơn sau lần gặp lại nhưng tôi vẫn dặn lòng là không ghé nhà Thùy vì tương lai vô định trước mắt tôi quan trọng hơn, chuyện cần giải quyết nhất, nếu không thì tôi phải đi Campuchia đánh Pôn Pốt. Tôi không muốn.






    Tết rồi bạn Cali của tôi về Việt nam, về thăm bạn bè chơi thôi vì đại gia đình của cô ấy đã sinh sống ở nước ngoài hết rồi. Có bạn bè ở nước ngoài về thì nhóm bạn cũ còn trong nước, cón bao nhiêu cũng mở tiệc chung vui. Tôi trò chuyện với Thùy mà cứ ngỡ gặp lại bà ngoại của Thùy khi còn đi học,
    “Thùy vẫn khoẻ chứ?”
    “Ơn ông. Tôi còn sống tới bây giờ là nhờ ông đi chứ ông còn ở Sài gòn thì chắc tôi chết lâu rồi…”
    “Thùy chết thì chung ngày đám giỗ với tôi là cùng vì bên đây hễ gặp khó, nhức đầu là tôi nghĩ đến Thùy, không cần bác sĩ, thuốc men cũng sẽ qua mọi chuyện. Thôi bây giờ mình nói chuyện bạn bè trông mong đã mấy chục năm rồi… Con giặc Cali nó về thăm bạn bè lần này, nó bắt tôi phải bắt điện thoại để ba mặt một lời…”
    “Tôi có gì để phải ba mặt một lời? Với ai? Chuyện gì?”
    “Thùy lên chức bí thư chưa? Tôi chỉ muốn gặp lại Thùy của lớp tôi năm xưa. Thùy của…”
    “Trời sinh ông ra vô duyên từ lọt lòng mẹ hay sao…?”
    “Ơn Thùy tôi mới sống tới hôm nay. Thần chết mẻ búa vì Phật bà không cho bửa…”
    “Muốn nói chuyện gì thì nói nhanh lên. Tôi lên tăng xông là cúp phôn đó.”
    “Thùy còn giữ miếng gỗ… Ra Giêng anh cưới em không?”
    “Nghe thôi đủ sôi máu. Tôi giữ mấy chục năm để phải trả lời liền câu hỏi của ông?”
    “Thùy ơi! Thùy không có tuổi…”
    “Đừng lầm. Thùy khờ hồi xưa chết rồi. Thùy đầu bạc đang hiện nguyên hỉnh trêm màn hình laptop của ông đó!”
    “Tôi kèm nhèm rồi nên thấy ngoại trên màn hình. Tôi thương ngoại tới chết không quên. Thắp dùm tôi nén hương trên mộ ngoại nha Thùy…”
    “Lẻo mép…”
    “Ngoại giận tôi thì ngoại cũng chừa cho tôi đường về vì ngoại hiểu tôi còn hơn tôi. Thùy nhớ hông, tôi được lòng ngoại nhất đó nha…”
    “Tui nói không lại. Hết đời này cũng nói không lại. Muốn biết còn không thì về đây mà xem…”




    Bạn bè đồng ca… ra giêng anh cưới em… ra giêng anh cưới em…





    Ngoài kia mây trắng bay như tóc Thùy gặp lại trên màn hình, nhớ bài bolero gì hay nghe trên YouTube, ‘giờ hai người tóc bạc như nhau’ Tôi không đủ can đảm nhìn màn hình nữa vì Thùy lại khóc… Chứng minh cho cố vấn, đạo diễn, biên kịch nào cũng đã sai khi cho Thùy đối thoại với tôi bằng người thật nhưng không phải Thùy, người tới chết cũng không nói lời khó nghe với ai bao giờ…





    Phan
    https://vietbao.com/a318314/ra-gieng-anh-cuoi-em-
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”