Trang 1/1
Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Thứ ba 24/05/16 09:45
bởi Hoàng Vân
-
Vũ nữ ở Izu
_____________________________________
Nguyên tác Izu no Odoriko (1926) của Kawabata Yasunari
(伊豆の踊子 - 川端康成)
Nguyễn Lương Hải Khôi dịch

1
Khi tôi đến gần đèo Amagi hơn, chỗ con đường trở nên ngoằn ngoèo, thì cũng là lúc cơn mưa vừa đuổi theo tôi từ phía chân núi với một tốc độ đáng sợ vừa nhuộm trắng cả khu rừng tuyết tùng.
Tôi 20 tuổi, đội chiếc mũ lưỡi trai của học sinh trung học, mặc quần hakama trong bộ kimono vải xanh đen loáng thoáng những chấm trắng, khoác trên vai chiếc cặp học sinh. Đã là ngày thứ tư một mình tôi trong chuyến lữ hành đến Izu. Tôi trọ lại một đêm ở suối nước nóng chùa Shujen (Tu Thiện tự), trọ hai đêm ở suối nước nóng Yugashima, và rồi bắt đầu leo đèo Amagi bằng đôi guốc gỗ cao [1]. Dù mùa thu nơi thung lũng sâu, nơi cánh rừng nguyên sinh và núi non trùng điệp rất cuốn hút, nhưng tôi đang ôm ấp một ước mong thầm kín nên vẫn gấp gáp trên đường. Cơn mưa nặng hạt cũng sớm bắt đầu đuổi kịp. Tôi chạy lên con đường đèo đột ngột gấp khúc. Cuối cùng thì tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi đến được cái quán trà nhỏ nơi cửa bắc của con đèo, và đứng co ro ở cửa ra vào. Thật là tuyệt vời hơn cả mong đợi. Các du nghệ nữ đang nghỉ ở bên trong ấy.
Cô vũ nữ trẻ nhìn thấy tôi đang đứng ngây ra, bèn lật ngược tấm đệm đang ngồi, rồi đặt ở phía tôi. [2]
Tôi chỉ biết nói – “Ôi” – rồi ngồi xuống.
Vì ngạc nhiên và hơi thở còn hổn hển khi chạy trên đường dốc, lời nói “Cảm ơn” của tôi như bị ngắc ngứ trong cổ họng, không bật ra được.
Ngồi đối diện và gần với người vũ nữ trẻ, tôi bối rối lấy thuốc lá ra từ tay áo kimono. Nàng vũ nữ bèn lấy cái gạt tàn thuốc trước mặt một cô gái khác và đẩy gần về phía tôi. Rốt cuộc tôi vẫn không nói gì.
Nàng trông chừng mười bảy. Nàng kết mái tóc thật to và lạ, theo một phong cách xưa mà tôi không biết. Mái tóc ấy vừa hài hòa một cách đẹp đẽ với khuôn mặt trái xoan và đoan trang của nàng, vừa làm khuôn mặt ấy như nhỏ lại, gợi tôi nhớ đến tranh chân dung những người con gái trong truyện truyền kì, vẽ mái tóc vô cùng ấn tượng. Đi cùng với nàng vũ nữ ấy là một phụ nữ khoảng tứ ngũ tuần, hai người phụ nữ trẻ khác, và một thanh niên khoảng hai lăm, hai sáu, mặc trang phục của lữ quán suối nước nóng Nagaoka.
Cho đến lúc này, tôi đã gặp những vũ nữ ấy hai lần. Lần đầu tiên, khi đang trên đường đến Yugashima, ở gần cây cầu Yuga, tôi gặp họ đang đi đến chùa Shujen. Lần ấy, có ba người phụ nữ trẻ nhưng riêng cô gái này thì đeo một chiếc trống. Tôi cứ ngoái lại, ngoái lại nhìn, và cảm thấy mình đã thấm những cảm xúc lữ hành. Rồi sau đó, vào cái đêm thứ hai ở Yugashima, tôi đã chìm vào không khí của lữ quán. Trên bậc cầu thang, tôi đã cúi người xuống, chăm chú xem nàng múa ngay ở phòng lát gỗ ở cửa trước. Tôi thầm nhủ rằng nếu ngày hôm đó ở chùa Shujen, tối nay ở Yugashima, chắc hẳn ngày mai sẽ vượt qua đèo Amagi về phía nam, đến suối nước nóng Yugano. Chắc sẽ chạy theo họ trên sơn đạo Amagi dài 7 dặm [3]. Vừa mơ ước hão huyền như vậy vừa gấp gáp trên đường, nhưng, ở quán nước tránh cơn mưa, gặp lại họ, tôi đã trở nên mất bình tĩnh.
Không lâu sau, bà lão chủ quán đã dẫn tôi vào một phòng và hướng dẫn chu đáo. Dường như phòng ít được sử dụng, không có cả cửa giấy. Nhìn xuống dưới, cái thung lũng đẹp sâu đến đến nỗi mất hút cả tầm nhìn. Tôi đang lạnh đến nỗi nổi cả da gà, răng đập vào nhau kêu lách tách, và người run rần rật. Lạnh thì lạnh đấy, nhưng tôi được bà lão – trở lại và mang theo trà – vừa thân thiết vừa lịch sự nắm lấy tay mời đến phòng riêng, và nói
- “Ôi, quý khách đã ướt sũng hết cả rồi. Hãy lại đây một chút, hong khô quần áo đang mặc”.
Căn phòng đó có lò sưởi, khi mở cửa phòng, hơi nóng phả mạnh. Tôi lưỡng lự đứng bên ngưỡng cửa. Một ông già toàn thân xanh như thể chết khô đang ngả lưng vắt chân bên ngạch lò sưởi. Ông hướng con mắt như đã bị hoại vàng đến tận con ngươi về phía tôi một cách mệt mỏi. Xung quanh ông là cả một núi túi giấy và thư từ cũ mà nếu nói là ông bị chôn vùi giữa đống giấy lộn ấy thì cũng được. Tôi cứ đứng phỗng ra như cây gậy mà nhìn chằm chằm vào cái đống hỗn tạp khó có thể nghĩ là một cơ thể sống ấy.
- – Ồ, đã để quý khách nhìn bộ dạng xấu hổ ấy… Đó là cụ già của nhà này, xin đừng lo lắng gì cả. Ông ấy không thể cử động được đâu. Xin quý khách hãy cố thông cảm giúp vậy.
Theo như câu chuyện bà kể, ông lão đã bị bại liệt nhiều năm, toàn thân không thể cử động như ý muốn. Cái núi giấy kia là thư từ chỉ dẫn về cách dưỡng sinh dành cho người bại liệt và túi giấy đựng thuốc chữa bại liệt, được gửi đến từ khắp mọi miền. Ông lão dường như mong mỏi tìm được thuốc thang và những liệu pháp chữa bại liệt từ khắp nơi nên không bỏ sót bất kì lời nào của những lữ khách qua đèo và những quảng cáo trên báo. Ông không vứt bỏ bất kì một lá thư hay một giấy gói nào cả, mà đặt xung quanh mình, vừa nhìn chúng vừa sống cho đến bây giờ. Trải qua năm tháng, đống giấy ấy vừa mục nát đi vừa cao lên như núi.
Tôi không có lời nào trả lời bà lão, cúi xuống bên bếp lò [4]. Một chiếc xe hơi qua đèo làm rung chuyển ngôi nhà. Tôi nghĩ dù mới mùa thu mà lạnh thế này, và chẳng mấy chốc nữa, tuyết sẽ nhuộm trắng cả con đèo, tại sao không đưa ông lão xuống dưới núi?
Hơi nước tỏa ra từ kimono của tôi và ngọn lửa mạnh đến nỗi làm tôi như đau đầu. Bà lão bước ra ngoài quán nói chuyện với những người vũ nữ:
- – Chà, cô bé đi cùng các vị trước đây bây giờ đã lớn như thế này rồi. Thật là ra dáng một thiếu nữ. Đẹp như thế này rồi nhỉ. Cô gái lớn nhanh quá.
Chừng một giờ sau, tôi nghe thấy tiếng họ chuẩn bị lên đường. Tôi mất bình tĩnh, ngực tôi đập mạnh, và không đủ dũng khí để đứng lên. Tôi vừa buồn bực bên bếp lửa vừa nghĩ rằng dù những vũ nữ ấy quen đi bộ đi nữa nhưng vì là bước chân của phụ nữ nên tôi vẫn có thể chạy theo kịp sau khoảng hơn 1 km đến hơn 2 km [5]. Nhưng, khi những người vũ nữ không còn bên cạnh, trí tưởng tượng của tôi lại bắt đầu nhảy múa những câu hỏi. Tôi hỏi cụ bà khi cụ quay lại.
- – Những người vũ nữ ấy tối nay sẽ trọ lại ở đâu?
– Loại người như vậy thì mình có thể biết được sẽ trọ lại đâu sao, thưa quý khách! Nếu có khách, có chỗ biểu diễn là họ sẽ trọ lại thôi. “Cái trỗ trọ đêm nay” là cái gì vậy nhỉ?
Mặc dù lời lẽ của bà lão chứa đầy sự khinh miệt ghê gớm, nhưng tôi vui đến nỗi nghĩ rằng nếu như vậy thì tối nay cô bé vũ nữ sẽ qua đêm trong phòng mình.
Cơn mưa rào đã dịu dần, đỉnh đèo trở nên quang đãng. Dù nếu đợi thêm mười phút nữa đất trời sẽ rất đẹp và tôi hoàn toàn có thể đợi được, nhưng thực tình tôi không thể cứ ngồi yên như vậy. Tôi đứng lên và nói bằng tất cả trái tim mình.
- – Cụ ông, xin cụ hãy giữ gìn sức khỏe. Trời sắp lạnh rồi…
Cụ ông di chuyển đôi mắt vàng một cách nặng nề và khẽ gật đầu.
- – Quý ông! Quý ông! – Bà lão vừa chạy đuổi theo tôi vừa gọi –
Nhận như thế này thì quả là quá nhiều. Vô cùng xin lỗi quý ông!
Và rồi cụ giữ lấy cái cặp của tôi, cố trao lại số tiền tôi đã trả, và dù tôi đã từ chối đến mấy lần, bà vẫn không chịu đồng ý, cứ đi bên cạnh tôi đòi trả lại. Đã đi cả 200 mét, cụ bà vẫn thoăn thoắt và lặp đi lặp lại một lời:
- – Số tiền này thật quá nhiều! Tôi thật không xứng nhận. Tôi sẽ nhớ khuôn mặt của quý khách. Lần sau có đi lại trên đường này tôi sẽ xin đáp lễ. Lần sau xin hãy ghé qua. Tôi sẽ không quên đâu.
Dù ngạc nhiên và cảm động đến chảy nước mắt vì vốn chỉ trả một tờ 50 xen [6], nhưng tôi lại đang muốn chạy theo cô vũ nữ thật nhanh nên những bước chân bối rối của bà lão làm tôi khổ sở. Rốt cục, bà lão theo đến tận đường hầm của con đèo.
- – Xin cảm ơn cụ. Cụ ông đang một mình, xin cụ bà hãy quay về.
Tôi nói, và bà lão buông cái cặp tôi ra sau khi đi theo tôi cả một quãng đường dài.
Khi bước vào đường hầm tối, những giọt nước lạnh rơi xuống tí tách. Cửa hầm để đi về phía nam Izu nhỏ và sáng lên ở phía trước.
( ... Còn tiếp ...)
Dịch bởi:
Nguyễn Lương Hải Khôi
Chú thích :
[1] Guốc gỗ:
guốc làm bằng gỗ, dưới đế có hai chân guốc, cũng có loại chỉ có một chân hoặc không có chân, thường làm từ gỗ cây mộc lan (tên khoa học là Magnolia Obovata hoặc M.hipolueca).
[2] “lật ngược tấm đệm đang ngồi, rồi đặt ở phía tôi”:
một cử chỉ có tính lễ nghi của văn hóa Nhật truyền thống (trao đệm mình đang ngồi cho người đối diện, lật ngược tấm đệm ấy để người đó ngồi ở lên mặt nệm mới).
[3] Một dặm Nhật khoảng bốn km.
[4] Bếp sưởi trong phòng truyền thống kiểu Nhật:
giữa sàn gỗ, cắt một hình vuông, hõm xuống, làm nơi đốt lửa sưởi ấm, khi sưởi thì cúi mặt xuống.
(lò sưởi kiểu phương Tây thường là dựng thẳng đứng, đặt ở bên tường).
[5] Nguyên văn là:
sau khoảng 10 chou hoặc 20 chou.
Chou (町): đơn vị đo khỏang cách của Nhật xưa, bằng 109,09 mét. 10 chou (町) thì khoảng hơn 1 km.
[6] Xen:
đơn vị tiền tệ của Nhật đương thời, một Xen bằng 1/100 Yên đương thời.
Yasunari Kawabata (1899-1972)
... chụp tại nhà, Kamakura, 1938 ...
Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Thứ ba 24/05/16 22:21
bởi Hoàng Vân
-
Vũ nữ ở Izu
_____________________________________
Nguyên tác Izu no Odoriko (1926) của Kawabata Yasunari
(伊豆の踊子 - 川端康成)
Nguyễn Lương Hải Khôi dịch
(... tiếp theo đoạn 1 ...)
Từ cửa hầm, tôi thấy con đường đèo được dệt thêm một hàng rào màu trắng bên đường, trông như một tia chớp sáng. Ở phần phía cuối của cảnh đẹp như tranh vẽ ấy là hình bóng những người vũ nữ.
Thêm khoảng hơn nửa km, tôi đã đuổi kịp họ. Nhưng không thể đột ngột đi thong thả cùng với họ, tôi bèn vượt qua họ bằng điệu bộ thản nhiên, tuồng như lơ đãng. Người đàn ông đi trước chừng 10 mét đứng lại nhìn tôi.
- – Đi nhanh thật đấy! Mà may quá, trời đã đẹp lại rồi…
Tôi bắt đầu nhẹ nhõm đi cùng với người đàn ông. Anh ấy hỏi tôi hết chuyện này đến chuyện khác. Nghe hai chúng tôi nói chuyện, từ phía sau, những người phụ nữ cũng lao xao tiến lại gần.
Người đàn ông đeo trên lưng một cái hòm hành lý Yanagigori [1]. Người phụ nữ tứ tuần ôm con chó nhỏ. Hai chị thì ôm những túi hành lý lớn, chị lớn tuổi thì ôm tay nải, chị nhỏ hơn thì đeo Yanagigori. Cô vũ nữ đeo cái trống và giá đỡ. Người phụ nữ cao tuổi thỉnh thoảng nói một chút với tôi.
- – Học sinh trường trung học đấy nhỉ! – người chị lớn thì thầm với cô bé vũ nữ.
Khi tôi quay lại nhìn thì cô bé vừa cười vừa nói:
- – Ừ đúng rồi! Ba cái chuyện như vậy thì em rõ rồi. Học sinh thường hay đến đảo mà.
Họ là những người ở cảng Hafu của đảo Oshima. Họ nói đã sống đời du lữ từ khi rời đảo vào mùa xuân, nhưng vì không chuẩn bị gì cho mùa đông, nên sẽ nán lại chừng 10 ngày ở Shimoda, rồi trở về đảo từ suối nước nóng Ito. Nghe nói đến Oshima, tôi liếc mắt nhìn mái tóc rất đẹp của cô bé vũ nữ, lòng dâng lên một cảm xúc thi vị. Tôi hỏi họ rất nhiều về hòn đảo ấy.
- – Rất nhiều học sinh thường hay đến bơi đấy! – Cô bé vũ nữ nói với chị bên cạnh.
– Vào mùa hè nhỉ! – Tôi ngoái nhìn lại.
– Cả mùa đông nữa… – Cô bé vũ nữ trả lời, tôi cảm thấy, bằng một giọng rất nhỏ, nhanh và bối rối.
– Cả mùa đông cũng?
Nàng nhìn người phụ nữ bên cạnh và cười.
– Cả mùa đông cũng bơi sao? – Khi tôi hỏi lại một lần nữa, nàng khẽ gật đầu, khuôn mặt đỏ ửng lên và rất nghiêm trang.
– Ngốc! Cái con bé này! – người phụ nữ cao tuổi bèn cười.
Còn khoảng 3 dặm nữa, đi dọc theo một thung lũng có dòng sông Kawazu, là đến Yugano. Sau khi vượt qua đèo là có thể cảm nhận được sắc thái phương Nam của bầu trời và núi non. Tôi và người đàn ông vẫn nói chuyện không dứt, cuối cùng đã trở nên thân thiết. Khi vượt qua hai ngôi làng nhỏ, dường như là Nashimoto và Oginori, có thể nhìn thấy chân núi với những mái nhà tranh của vùng Yugano, tôi bèn mạnh dạn nói rằng tôi muốn đi cùng họ đến Shimoda. Anh rất vui vẻ.
Trước cửa nhà trọ kiểu kichinyado [2] ở Yugano, khi nét mặt người phụ nữ tứ tuần tỏ ra như muốn nói lời tạm biệt, anh ấy đã nói giúp tôi.
- – Quý cậu đây có nhã ý muốn đi cùng chúng ta!
– Ôi, thật quý hóa quá! “Hành trình có bạn đường, cuộc đời có sẻ chia”. Ngay cả với những kẻ hèn như chúng tôi đi nữa, cũng có thể làm cho chuyến đi bớt phần nhàm chán. Mà thôi, chúng ta hãy vào quán và nghỉ ngơi đi. – Bà trả lời một cách tự nhiên.
Hai người phụ nữ còn lại thoáng nhìn tôi, nhưng nhìn có vẻ ngượng ngùng và im lặng với một nét mặt tuyệt nhiên không nói lên điều gì.
Tôi cùng họ lên phòng ở tầng hai [3], bỏ hành lý xuống. Chiếu tatami [4] và cửa giấy fusuma [5] đã cũ và dơ. Cô vũ nữ bưng trà từ dưới lên. Nàng ngồi xuống trước mặt tôi, khuôn mặt đỏ ửng, đôi tay run run lắc lắc, làm ly trà suýt rơi xuống từ cái đĩa. Ly đã không rơi, nhưng trong cái nhịp đặt ly trà xuống chiếu tatami thì trà lại đổ tràn ra ngoài. Tôi có lẽ cũng vô cùng xấu hổ, và kinh ngạc đến mức không nói được gì.
- – Ôi ôi! Kì cục chưa! Con bé này đã đến tuổi để ý đến con trai rồi đấy nhỉ. Này… này…
Nói đoạn, người phụ nữ lớn tuổi ném chiếc khăn giấy, cúi sập mí mắt xuống như thể xấu hổ ghê gớm. Nàng nhặt miếng khăn lên, nặng nhọc và chậm chạm, lau khô chiếc chiếu.
Vì những lời lẽ khác thường này, tôi đột nhiên phản tỉnh. Tôi cảm thấy cái niềm háo hức hão huyền mà bà lão ở đỉnh đèo đem đến cho tôi đã gãy cái bụp. [6]
Đột nhiên người phụ nữ tứ tuần nói: - – Loại vải kongasugi [7] của thư sinh trông thật tốt nhỉ!
Và nhìn kĩ vào tôi. - – Vải kimono của vị này rất giống của thằng Tajimi nhỉ! Ừ, đúng vậy. Chẳng phải là rất giống sao!
Người phụ nữ bên cạnh xác nhận cho tôi điều đó nhiều lần.
- – Chúng tôi để thằng bé ở lại đi học ở quê nhà. Bây giờ tôi nhớ nó. Bởi vì cậu cùng màu áo kimono với nó. Dạo này kongasugi giá cũng đắt, rõ khổ.
– Nó học lớp mấy?
– Lớp 5.
– Ồ, lớp 5…!
– Nó đi học trường ở Kofu. Chúng tôi chuyển đến Oshima lâu rồi nhưng quê cũ thì là Kofu ở Kai [8]
Sau một giờ nghỉ ngơi, người đàn ông dẫn tôi đến một quán trọ suối nước nóng khác. Cho đến lúc đó thì tôi vẫn còn nghĩ rằng mình sẽ trọ chung nhà với các du nghệ nữ. Từ con phố, chúng tôi đi xuống bậc thang đá và con đường lát đá nhỏ, khoảng hơn 100 mét, băng qua cây cầu nằm ngay cạnh một suối nước nóng công cộng, chỗ một dòng sông nhỏ. Đối diện với cây cầu là khu vườn của nhà trọ suối nước nóng.
Sau khi tôi xuống suối, người đàn ông cũng theo sau cùng vào. Anh nói về những chuyện như là mình đã 24 tuổi, đã hai lần mất con vì vợ sẩy thai và đẻ non. Vì anh mặc đồng phục của suối nước nóng Nagaoka, tôi đã nghĩ rằng anh là dân Nagaoka. Lại thêm cái vẻ bề ngoài của anh, cái cách nói chuyện, cũng như những hiểu biết tương tự khác, tôi bèn đoán rằng vì hiếu kì mà thích một người trong các du nghệ nữ kia, nên anh đi theo để khuân vác hành lý.
Từ suối nước nóng lên tôi liền đi ăn trưa. Lúc rời khỏi Yugashima là 8 giờ mà đến lúc ấy đã là 3 giờ rồi.
Trên đường về anh ngước nhìn lên chào hỏi tôi từ dưới vườn.
Tôi nói: - – Chỗ này hãy mua vài thứ hoa quả gì đó như hồng vàng chẳng hạn. Xin thất lễ vì ném từ lầu hai.
Tôi ném phong bì xuống. Anh từ chối, dường như định bỏ đi, nhưng vì phong bì vẫn đang còn nằm ở dưới vườn nên anh quay lại nhặt lên.
- – Xin đừng làm một việc như thế này!
Anh ném lên. Phong bì rơi xuống mái tranh. Tôi lại ném xuống một lần nữa, anh bèn nhặt lên và ra về.
Mưa xối xả từ lúc chiều tối. Hình bóng những ngọn núi bị nhuộm trắng, không còn phân biệt được xa hay gần, dòng sông nhỏ trước mặt trong phút chốc bùn khấy lên vàng khè, tiếng mưa cũng to hơn. Tôi nghĩ rằng mưa to thế này thì các vũ nữ chắc không đi tìm khách, nhưng vì không thể ngồi yên nên tôi lại xuống suối tắm đến hai ba lần. Căn phòng đã tối mờ. Chỗ vuông góc trên rãnh trượt kamoi [9] của cánh cửa giấy fusuma giữa phòng tôi và phòng bên, treo một chiếc đèn điện, chiếu sáng cho cả hai phòng.
Tùng… tùng… tùng… từ xa xa trong tiếng mưa nặng hạt, thoang thoáng âm hưởng của tiếng trống. Tôi mở toang cánh cửa chớp chắn mưa, như thể giật tung nó ra, rồi toài người ra ngoài. Tiếng trống như đang lại gần. Mưa và gió quất vào đầu tôi. Mắt tôi nhắm lại, tai giỏng lên nghe, cố nhận biết xem tiếng trống đi về phía nào. Phút chốc, chợt nghe thấy tiếng đàn Samisen [10]. Nghe thấy tiếng the thé kéo dài của phụ nữ. Nghe thấy tiếng cười huyên náo. Tôi hiểu rằng như vậy là các du nghệ nữ đã được một căn phòng zashiki [11] trong nhà hàng đối diện với lữ quán kichinyado gọi đến. Có thể nghe được tiếng của ba hoặc bốn người đàn ông, của hai hoặc ba người phụ nữ. Tôi chờ mong sau khi kết thúc chuyện ấy thì họ sẽ đến chỗ tôi. Thế nhưng tiệc rượu đã vượt quá không khí vui vẻ mà trở thành náo loạn. Tiếng kêu chói tai của phụ nữ thỉnh thoảng lại thé lên rất to trong bóng tối như một tia chớp. Tôi thì thần kinh trở nên căng thẳng, cứ để đèn sáng mà ngồi suốt như thế. Mỗi lần nghe thấy tiếng trống, tôi thực sự cảm thấy an tâm một chút.
- – Ôi, nàng du nữ còn ngồi trong tiệc. Nàng vẫn còn ngồi và đánh trống.
Khi tiếng trống ngừng lại, tôi như muốn phát điên. Tôi chìm xuống tận đáy sâu của tiếng mưa rơi.
Phút chốc, thỉnh thoảng dồn dập tiếng những bước chân loạn xạ, như thể họ đang nhảy múa theo vòng tròn hay đang chơi đuổi bắt lẫn nhau. Rồi lại trở nên khá yên tĩnh. Tôi căng mắt ra, cố nhìn xuyên qua màn đêm để xem tại sao lại có sự im lặng này. Tôi đau khổ rằng liệu đêm nay của nàng du nữ ấy có bị vấy bẩn hay không?
Đóng cửa chớp, lên giường nằm, ngực tôi vẫn đau. Bèn lại xuống suối. Vùng vẫy loạn xạ dưới suối. Mưa tạnh, trăng ló rạng. Đêm mùa thu được cơn mưa tẩy trần nên trọn vẹn sáng trong. Tôi định chân trần đi đến phòng tắm nhưng rồi nghĩ rằng thế nào đi nữa cũng không thể được. Quá 2 giờ sáng rồi.
( ... Còn tiếp ...)
Dịch bởi:
Nguyễn Lương Hải Khôi
Chú thích :
[1] Hòm Yanagigori:
loại hòm làm từ vỏ cây sấy khô, dùng đựng hành lý đường xa.,
[2] Nhà trọ Kichinyado (木?宿 = mộc nhẫm túc):
loại nhà trọ rẻ tiền, khách tự mang theo thực phẩm, khi nấu nướng thì chỉ trả thêm tiền củi. ,
[3] Cách tính tầng lầu ở Nhật giống miền Bắc của Việt Nam: “tầng hai” tương đương với “lầu một” trong cách gọi ở trong Nam.
[4] Chiếu tatami (畳):
chiếu truyền thống của Nhật, làm bằng rơm, hình chữ nhật, thường dùng để tính diện tích căn phòng, tùy địa phương mà có diện tích khác nhau, riêng vùng Kanto (Tokyo và lân cận, trong đó có bán đảo Izu), diện tích thường là: 880 mm x 1.760 mm. ,
[5] Cửa giấy fusuma ( ? = áo):
cánh cửa trong phòng gỗ truyền thống kiểu Nhật, làm bằng giấy, mở ra đóng vào theo cách trượt trên một thanh gỗ, khi mở cửa vẫn không làm choán diện tích.,
[6] Niềm háo hức rằng cô gái có thể sẽ qua đêm trong phòng mình,
[7] Vải kongasugi (紺?白 = cám phi bạch):
vải màu xanh đen, có những chấm trắng loáng thoáng,
[8] Kai:
tên cũ tỉnh Yamanashi
[9] Rãnh trượt kamoi (?居 = áp cư):
thanh gỗ nằm ngang, gắn ở cửa trượt fusuma, để kéo cửa ra vào.,
[10] Đàn shamisen = 三味線 = tam vị tuyến (những sợi dây có 3 phong vị):
đàn truyền thống ở Nhật, ra đời khoảng thế kỷ XVI, có một cần, một bầu đàn hình vuông và 3 dây. ,
[11] Phòng zashiki (座敷 = tọa phu):
phòng truyền thống kiểu Nhật, có một “tokonoma” (床の? = sàng gian = nơi góc phòng thụt vào trong, sàn cao hơn bình thường, làm nơi treo câu đối, cắm hoa, đồ mỹ nghệ trang trí…), thường dùng để tổ chức tiệc tùng, tiếp khách, mời các geisha đến biểu diễn. ,

Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Thứ tư 25/05/16 07:14
bởi Hoàng Vân
-
Vũ nữ ở Izu
_____________________________________
Nguyên tác Izu no Odoriko (1926) của Kawabata Yasunari
(伊豆の踊子 - 川端康成)
Nguyễn Lương Hải Khôi dịch
(... tiếp theo đoạn 2 ...)
Quá chín giờ sáng hôm sau, anh ấy qua chỗ trọ của tôi. Tôi, vừa thức dậy xong, bèn rủ anh xuống suối tắm.
Trời nam Izu nắng ấm, trong xanh và đẹp đẽ (tựa như lúc tháng 2 âm lịch của mùa xuân), dòng sông nhỏ nước đang dâng, dưới chân núi Yudono, nhận lấy những tia nắng ấm áp. Cảm thấy nỗi đau khổ đêm qua giờ tựa một giấc mơ, nhưng tôi hỏi anh:
- – Đêm qua vui đến tận khuya nhỉ!
– Gì cơ? Nghe thấy à?
– Nghe thấy mà.
– Dân vùng này mà! Dân vùng này hết sức ồn ào. Chẳng có gì thú vị cả.
Anh ấy tỏ ra không có vấn đề gì cả, tôi bèn im lặng.
- – Họ đến cái suối nước nóng đối diện kìa. Ơ, họ thấy chúng mình mà không thèm cười.
Tôi nhìn về phía nhà tắm công cộng bên kia sông theo anh chỉ. Dưới suối, bảy tám người thân trần hiện lên mờ mờ.
Đột nhiên, từ sâu trong phòng tắm tối mờ mờ, có bóng dáng một cô gái khỏa thân chạy vụt ra, xuống đến chỗ mép bờ sông, nơi thay quần áo, rồi ra sức vẫy tay và gọi to gì đó. Khăn tắm cũng không có, khỏa thân hoàn toàn. Đó chính là nàng vũ nữ! Nhìn tấm thân trần trắng trẻo, đôi chân thon dài mảnh khảnh như cây bào đồng, tôi cảm thấy một dòng nước thanh khiết như tràn trong tim, thở ra một hơi thật dài, và bật cười hạnh phúc. Đó là nàng vũ nữ! Là nàng vũ nữ,… khi nhìn thấy chúng tôi, đã sung sướng để cả tấm thân trần mà chạy ào ra giữa ánh sáng mặt trời, dường như hết sức mình nhón ngón chân lên thật cao. Tôi lại tiếp tục cười sung sướng với một niềm hạnh phúc rạng ngời. Đầu tôi như được tẩy sạch. Nụ cười ấy mãi vẫn không thể dừng lại được.
Có lẽ vì mái tóc nàng vũ nữ quá dày, nên tôi cảm tưởng nàng đã mười bảy, mười tám. Hơn thế nữa nàng lại được trang điểm như những chị gái đi cùng, nên tôi đã nhầm lẫn khủng khiếp.
Khi tôi cùng trở về phòng với người đàn ông thì chẳng bao lâu sau người chị lớn hơn đến trước sân ngắm vườn cúc. Nàng vũ nữ đã băng qua nửa cây cầu. Người phụ nữ tứ tuần nhìn về phía hai người vừa đi ra khỏi nhà tắm công cộng. Nàng vũ nữ rụt mạnh đôi vai, quay gót, và cười như muốn nói rằng nàng quay lại vì sợ bị mắng.
Người phụ nữ tứ tuần đến bên cầu, gọi tôi:
- – Xin mời sang đây chơi ạ!
– Xin mời sang đây chơi ạ!
Người chị lớn tuổi cũng nói vậy, và những người phụ nữ ấy quay trở về. Người đàn ông rốt cục ngồi lại chỗ tôi cho đến tối.
Buổi tối, khi đang chơi cờ Gô [1] với một người bán giấy dạo, đột nhiên tôi nghe thấy tiếng trống ở trước sân. Tôi toan đứng dậy:
- – Những du nghệ nữ đến đây tìm khách!
– Ừ! Thật chẳng ra gì, cái bọn ấy! Này, này, đến phiên anh đánh cờ. Tôi đánh ở chỗ này! –
Người buôn giấy di chuyển quân cờ trong trạng thái mải mê quyết thắng với ván cờ.
Tôi đang bồn chồn thì dường như những du nghệ nữ đã ở ngoài đường để quay về, người đàn ông gọi với từ trước sân:
Tôi ra hành lang, đưa tay ra dấu gọi lại gần. Những du nghệ nữ sau khi thì thầm với nhau một chút gì đấy ở ngoài sân thì quay trở lại cửa trước phòng tôi. Họ lần lượt theo sau người đàn ông theo thứ tự tuổi tác.
- – Xin chào! – Họ đứng trước hành lang, đưa tay thi lễ theo cách của geisha.
Tôi chợt nhận ra mình sắp thua ván cờ Gô.
- – Thế này thì hết cách rồi. Chịu thua mà!
– Đâu phải như vậy! Tôi kém hơn mà. Đằng nào cũng không sao cả.
Người buôn giấy không hề nhìn về phía những du nghệ nữ, đếm từng quân cờ trên bàn cờ, tập trung càng lúc càng sâu hơn. Những người phụ nữ bèn đặt trống và đàn shamisen ngăn nắp ở góc phòng, bắt đầu sắp xếp bàn cờ Gô theo kiểu Gomoku [2]. Trong lúc ấy, tôi đã để thua ván quân cờ mà tôi sắp thắng. Người buôn giấy cố nài:
- – Xin một ván nữa đi. Một ván nữa đi nào.
Nhưng tôi chỉ cười một nụ cười vô vị. Người buôn giấy đành đứng dậy.
Những người phụ nữ đến gần bàn cờ của tôi.
- – Tối nay, từ nơi này sẽ ghé qua nơi nào?
– Có chỗ để ghé đến, nhưng mà…
– Vậy đi mà! Cho nghỉ một tối để chơi đi mà.
– Vui quá! Vui quá!
– Không muốn bị mắng à?
– Sao nhỉ, vả lại, có đi tìm nữa thì cũng không có khách.
Và thế là sắp bàn cờ gô, kiểu đơn giản, chơi cho đến quá 12 giờ đêm. Khi những du nghệ nữ đã ra về, đầu óc tôi rất hưng phấn nên không cảm thấy quá buồn ngủ, tôi bèn ra ngoài hành lang, gọi:
- – Bác buôn giấy. Bác buôn giấy.
– Ơi…! –
ông già gần sáu mươi vọt từ trong phòng ra, trả lời đầy khí thế.
– Tối nay chơi cờ suốt đêm nhé. Chơi đến sáng.
Tâm trạng tôi lại đầy hiếu thắng.
( ... Còn tiếp ...)
Dịch bởi:
Nguyễn Lương Hải Khôi
Chú thích :
[1] Cờ Gô (碁):
loại cờ Trung Quốc, truyền đến Nhật qua ngả Triều Tiên, bàn cờ rộng 43 cm x 43 cm, gồm 19 đường ngang và dọc, tạo thành 361 giao điểm, có hai loại quân cờ trắng (180 quân) và đen (181 quân). ,
[2] Cờ Gô kiểu Gomoku (Gomoku-narabe: 五目並べ):
người chơi lần lượt đặt quân cờ vào các giao điểm trống, người thắng là người trước tiên xếp được 5 quân cờ liên tiếp theo chiều dọc, ngang hoặc chéo (có thể chơi bằng bút, trên giấy),
Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Thứ tư 25/05/16 21:09
bởi Hoàng Vân
-
Vũ nữ ở Izu
_____________________________________
Nguyên tác Izu no Odoriko (1926) của Kawabata Yasunari
(伊豆の踊子 - 川端康成)
Nguyễn Lương Hải Khôi dịch
(... tiếp theo đoạn 3 ...)
Tám giờ sáng ngày hôm sau là lúc chúng tôi hẹn nhau rời Yugano. Tôi đội cái mũ lưỡi trai phẳng mua ở chỗ nhà tắm công cộng, nhét cái mũ học sinh vào sâu trong cặp, đi đến nhà trọ kichinyado ở dưới phố.
Vì cánh cửa trượt ở tầng hai mở toang nên tôi điềm nhiên đi thẳng lên. Các du nghệ nữ vẫn còn trên giường. Tôi bối rối đứng ở hành lang.
Nàng du nữ, nằm trên nệm ngủ ngay dưới chân tôi, khuôn mặt chợt đỏ bừng và đưa đôi bàn tay che mặt. Nàng nằm chung nệm ngủ với người chị sau. Những nét trang điểm đậm đêm qua vẫn còn lưu lại. Màu hồng của đôi môi và đuôi mắt vẫn còn thấm đượm. Dáng ngủ đầy gợi cảm của nàng làm cả lồng ngực tôi ngập tràn cảm xúc. Dường như bị chói mắt, nàng lật người, vẫn hai tay che mặt, trườn ra khỏi tấm nệm ngủ, ra ngồi hành lang:
- – Em cảm ơn anh, tối hôm qua…
Lời cảm ơn của nàng thật đẹp, làm tôi cứ đứng trân trân bối rối.
Người đàn ông và người chị lớn ngủ chung giường. Cho đến tận lúc nhìn thấy cảnh ấy, tôi hoàn toàn không biết hai người ấy là vợ chồng. Người phụ nữ tứ tuần ngồi dậy trên giường, nói với tôi:
- – Xin lượng thứ cho chúng tôi ạ. Đã định hôm nay sẽ đi, nhưng có thể tối nay sẽ được khách gọi đến, nên chúng tôi muốn nán lại một ngày nữa. Dù gì đi nữa ngày mai cũng sẽ khởi hành, xin phép được gặp lại ở Shimoda ạ. Chúng tôi sẽ trọ tại nhà trọ Koshuya, rất dễ tìm ạ!
Tôi cảm thấy như bị bỏ rơi.
- – Cậu lưu lại đến mai được không? – Người đàn ông nói
– Mẹ đã không nói trước là ở lại thêm một ngày nữa mà. Có thêm bạn đường thì hay quá. Ngày mai ta cùng đi với nhau nhé.
Người phụ nữ tứ tuần cũng thêm vào:
- – Kính mong cậu cùng đi. Thật ngại quá khi cậu hạ cố đi cùng với loại người như chúng tôi, nhưng mà… Dù gì đi nữa ngày mai nhất định chúng tôi sẽ khởi hành. Ngày mốt là bốn mươi chín ngày của thằng bé chết trên đường lữ thứ. Đã từ lâu rồi chúng tôi luôn tâm niệm phải làm giỗ ở Shimoda lúc bốn mươi chín ngày của nó. Chúng tôi nhất định sẽ đi gấp đến Shimoda trước ngày ấy. Một việc như vậy…, thật là vô cùng thất lễ, nhưng quả có một cái duyên đặc biệt, nên xin phép được gặp nhau vào ngày mốt.
Tôi quyết định hoãn ngày đi, và xuống lầu.
Khi tôi vừa nói chuyện với mấy người của nhà trọ ở chỗ tiếp tân bẩn thỉu vừa để đợi mọi người thức dậy hết, thì người đàn ông đến mời tôi đi dạo. Đi về phía nam thị trấn một chút thì có một cây cầu rất đẹp. Tựa vào lan can cầu, anh bắt đầu nói về cuộc đời mình. Anh đã từng có lúc tham gia vào một đoàn kịch theo phong cách Tân phái ở Tokyo. Kể cả bây giờ anh vẫn thỉnh thoảng diễn ở cảng Oshima. Cái vật nhô ra như cẳng chân từ hành lý của anh chính là một vỏ kiếm katana, và ngay cả trong phòng trọ zashiki anh cũng cho khách xem những biểu diễn mô phỏng việc diễn xuất trên sân khấu. Còn trong cái rương yanagigori là những đồ dùng sinh hoạt như là quần áo bát đĩa.
- – Tôi đã ngộ nhận về bản thân, sai lầm trong cách sống, và rốt cục làm hỏng đời mình! Anh trai tôi được thừa hưởng một gia đình tuyệt vời ở Kofu. Và vì thế tôi là một thân phận không thể bước vào đấy.
– Tôi cứ nghĩ rằng anh là người của nhà trọ suối nước nóng Nagaoka.
– Vậy à?
Người chị lớn kia là vợ tôi đấy. Cô ấy mười chín tuổi, kém anh một tuổi đấy. Cô ấy sẩy thai hai lần trên đường lữ thứ, đứa con sống được một tuần rồi tắt thở, đến giờ cô ấy vẫn chưa khỏe. Còn bà cụ kia là mẹ đẻ của vợ tôi. Cô bé vũ nữ là em gái ruột của tôi.
– Ồ, anh đã nói là có một em gái mười bốn tuổi…
– Nó đấy!
Tôi đã trăn trở nhiều lắm vì không muốn đứa em gái duy nhất làm những việc loại này. Có nhiều môi trường khác với môi trường như thế ấy mà.
Và rồi anh cho tôi biết anh tên là Eikichi, vợ là Chiyoko, em gái tên là Kaoru [1]. Còn một cô gái là Yuriko, mười bảy tuổi, sinh ra ở Oshima, là người làm thuê. Eikichi trở nên xúc động mạnh, nét mặt như sắp ứa nước mắt, đăm đăm nhìn xuống chỗ cạn của đáy sông.
Khi chúng tôi trở về, nàng vũ nữ, mặt đã rửa sạch phấn trang điểm, đang bên vệ đường vuốt ve đầu con chó. Tôi bèn rủ em đến phòng mình.
- – Mời em đến chơi!
– Vâng! Nhưng mà, đi một mình thì…
– Vậy thì đi với anh trai.
– Em sẽ đi ngay ạ.
Một lát sau, Eikichi đến phòng trọ của tôi.
- – Mọi người…?
– Các cô con gái đang bị mẹ rầy.
Nhưng khi chúng tôi chơi cờ gô được một chút thì các cô ào ào băng qua cầu và kéo lên tầng hai. Họ ngại ngùng ngồi ở hành lang, thi lễ một cách lịch sự như mọi lần, và rồi Chiyoko đứng dậy vào trước.
- – Đây là phòng tôi mà. Ôi, xin mời, xin đừng ngại, xin vào đi ạ.
Chơi được chừng một giờ, các du nghệ nữ đến suối nước nóng trong nhà trọ tôi ở. Tôi được họ mời đi cùng rất nhiệt tình, nhưng vì có những ba cô gái trẻ nên tôi bèn nói dối là sẽ đi sau. Và nàng vũ nữ lập tức lên gác một mình.
- – Chị em nói ông hãy đi tắm chung vì chị sẽ kì vai cho ông.
Nàng truyền lại lời Chiyoko.
Không đi tắm, tôi chơi cờ vây với nàng vũ nữ. Nàng chơi cờ giỏi đến không ngờ. Khi chơi với tinh thần quyết thắng, tôi dễ dàng đánh bại Eikichi và những phụ nữ khác. Nếu chơi cờ vây kiểu Gomoku, tôi có thừa khả năng đánh bại những người bình thường. Cố ý thả vài nước cờ cho đấu thủ nhưng nếu vẫn không bị đánh bại thì thật là khoan khoái. Vì chỉ có hai người, lúc đầu nàng thường vươn tay đặt viên đá xuống từ xa, nhưng rồi dần dần quên bẵng chính mình, say mê nàng cúi rạp xuống bàn cờ. Mái tóc đen của nàng, đẹp đến nỗi như không còn là tự nhiên nữa, gần như chạm vào ngực tôi. Đột nhiên khuôn mặt nàng đỏ bừng:
- – Em xin lỗi! Bị mắng mất!
Bỏ viên đá xuống, nàng vụt chạy. Bà mẹ đang đứng trước nhà tắm công cộng. Cả Chiyoko và Yuriko cũng từ suối nước nóng vội chạy lên, không ghé lên tầng hai mà thoát vội về nhà.
Ngày hôm ấy Eikichi cũng chơi từ sáng đến chiều tối ở phòng tôi. Bà chủ nhà trọ đã tử tế một cách thiếu tế nhị, khuyên tôi rằng mời cơm hạng người như anh thì thật phí.
Tối, khi tôi đi về hướng nhà trọ kichinyado, nàng vũ nữ đang tập đàn shamisen với bà mẹ. Nhìn thấy tôi, nàng ngừng lại, nhưng bị bà mẹ nói, nàng lại ôm đàn shamisen nâng lên. Mỗi lần giọng ca của nàng cao hơn một chút, bà mẹ lại nói:
- – Đã nói là không được lên giọng mà.
Từ chỗ ấy có thể nhìn thấy Eikichi trên một phòng trọ kiểu zashiki ở tầng hai một nhà hàng phía đối diện đang hò la gì đó khá ồn ào.
- – Chuyện gì thế nhỉ.
– À, đang diễn ca ấy mà.
– Ca lạ nhỉ.
– Vì là vai diễn yadoya [2] nên không dễ biết anh sắp diễn gì đâu.
Một người đàn ông ước chừng trên dưới bốn tuổi, buôn bán gia cầm, trọ ở giữa hai phòng kichinyado, mở cánh cửa trượt, mời các cô gái sang dùng bữa. Nàng vũ nữ cùng Yuriko cầm đũa sang phòng bên, ăn món thịt gà hầm. Trong lúc đứng lên cùng trở về phòng bên này, người buôn chim khẽ chạm vào vai nàng. Bà mẹ nét mặt giận dữ:
- – Này! Đừng có chạm vào con bé. Nó còn là một cô bé trong trắng.
Vừa gọi “ông ơi”, “ông ơi”, cô bé vừa nhờ người buôn chim đọc “Chuyện lãng du của Lãnh chúa vùng Mito”. Nhưng người ấy lập tức đứng lên bỏ đi. Không thể trực tiếp nhờ tôi đọc nốt chuyện, nàng nói đi nói lại là muốn bà đọc cho.
Tôi cầm lấy cuốn chuyện, ôm ấp một niềm hy vọng. Cuối cùng, nàng vũ nữ nhẹ nhàng đến gần bên tôi. Tôi đọc, và nàng ghé đầu gần như chạm vào vai tôi, nét mặt đoan trang, đôi mắt sáng long lanh như hút hồn nhìn vào trán tôi không chớp mắt. Đó dường như là thói quen của nàng khi được ai đó đọc sách cho nghe. Nét mặt nàng có lẽ cũng như vậy khi bên cạnh người buôn chim lúc nãy. Tôi nghĩ đến điều ấy. Đôi mắt với tròng mắt đẹp, to, đen huyền và sáng rỡ này là vẻ đẹp đẹp nhất của nàng. Đường nếp hai mí mắt của nàng thì đẹp không thể tả được. Và rồi nàng cười như một bông hoa. Nói rằng nàng cười như hoa là nói thật, không phải là cách nói ví von.
Một lúc sau, một cô giúp việc của nhà hàng đến đón nàng vũ nữ. Nàng lấy trang phục diễn và nói:
- – Em sẽ quay lại ngay đấy. Chờ em và đọc tiếp cho em nghe nhé.
Và nàng bước ra hành lang, quỳ xuống thi lễ thể hiện tấm lòng nhờ cậy và biết ơn.
- – Em đi và sẽ trở lại ạ.
– Không được hát đâu đấy! – Bà mẹ nói
Nàng đặt trống xuống, khẽ gật đầu. Bà mẹ hướng về phía tôi
- – Vì dạo này nó bắt đầu vỡ giọng mà!
Nàng lên tầng hai của nhà hàng, ngồi xuống ngay ngắn và đánh trống. Tôi nhìn thấy dáng người nàng phía sau, từ phòng zashiki bên cạnh. Tiếng trống làm lòng tôi rộn ràng và trong trẻo.
- – Có thêm tiếng trống, bữa tiệc vui hơn nhỉ… – Bà mẹ nhìn sang bên kia
Chiyoko và Yuriko cùng đến phòng zashiki.
Chừng một giờ sau cả bốn người ấy cùng về.
- – Chỉ có thế này thôi. –
Nàng vũ nữ hồn nhiên thả số tiền năm mươi xen từ bàn tay đang vo tròn của mình vào bàn tay mẹ.
Tôi lại đọc truyện “Chuyện lãng du của lãnh chúa vùng Mito”. Những người kia lại nói chuyện về đứa trẻ chết trên đường du lãng. Đứa trẻ ấy lúc mới sinh ra trong suốt như nước. Không có sức để khóc vậy mà có thể thở suốt một tuần.
Không tỏ ra hiếu kỳ cũng không tỏ ra khinh thị, như đã quên luôn rằng họ chỉ là loại người gọi là du nghệ nữ, tình cảm thân thiết của tôi dành cho họ đã thấm sâu vào ngực tôi một cách tự nhiên. Chính tôi cũng không rõ là tự lúc nào tôi đã quyết định sẽ đến nhà họ ở Oshima. Họ nói với tôi những điều họ thảo luận với nhau một cách đồng tâm nhất trí, chẳng hạn như:
- – Nếu ở nhà ông cụ thì hay quá. Nếu chọn nơi ấy nhé, rất rộng này, và nếu cho ông già đi chỗ khác thì rất yên tĩnh. Nếu anh hạ cố đến chỗ chúng tôi thì hay quá. Ở đấy cũng có thể học tốt ạ.
– Chúng tôi có hai ngôi nhà nhỏ. Ngôi nhà trên núi thì còn trông rất là sáng sủa ạ.
Thêm nữa, họ muốn tôi sẽ giúp họ biểu diễn kịch ở cảng Habu vào dịp năm mới.
Bây giờ tôi đã hiểu rằng tâm hồn những người sống đời du lãng này không hề khô cằn và lạnh lẽo như tôi tưởng ban đầu mà ngược lại rất lạc quan và không hề mất đi hương thơm của ruộng đồng. Tôi cảm nhận được mối gắn bó đầy tình nghĩa máu mủ ruột rà của tình anh em, tình mẫu tử của họ. Chỉ có cô Yuriko là cô gái đi theo làm thuê, có vẻ đang ở độ tuổi hay ngượng ngùng, lúc nào đứng trước mặt tôi cũng lặng im không lộ ra điều gì.
Tôi rời nhà trọ kichinyado vào lúc quá nửa đêm. Các cô tiễn tôi ra về. Nàng vũ nữ lại xoay đôi guốc gỗ cho tôi. Nàng ló đầu ra từ cửa sổ, nhìn bầu trời sáng trăng.
- – Aaa, có trăng. Ngày mai sẽ ở Shimoda. Vui quá. Giỗ bốn mươi chín ngày của bé, mẹ sẽ mua cho em cây lược, rồi sẽ có rất nhiều thứ để làm. Dẫn em đi xem phim nhé.
Cảng Shimoda, với những du nghệ nữ phiêu lãng quanh những dòng suối nước nóng vùng Izu như Sagami, là một thành phố có cái hồn riêng, như là nỗi hoài hương nơi phương trời lữ thứ.
( ... Còn tiếp ...)
Dịch bởi:
Nguyễn Lương Hải Khôi
Chú thích :
[1] Kaoru viết chữ Kanji là 香,
nghĩa là “hương thơm”,
[2] Vai diễn yaoya (八百屋 = bát bách thất):
vai phụ trong sân khấu truyền thống Nhật (như kịch Nô, Kyogen…), diễn trò vui vẻ, huyên náo một cách ngẫu hứng.
Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Thứ năm 26/05/16 11:11
bởi Hoàng Vân
Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Thứ sáu 27/05/16 07:14
bởi Hoàng Vân
-
Vũ nữ ở Izu
_____________________________________
Nguyên tác Izu no Odoriko (1926) của Kawabata Yasunari
(伊豆の踊子 - 川端康成)
Nguyễn Lương Hải Khôi dịch
(... tiếp theo đoạn 5 ...)
Nhà trọ kichinyado có tên là Koshu nằm ngay cửa phía bắc Shimoda. Tôi theo sau các du nghệ nữ lên tầng hai, trông như một cái gác xép sát mái. Không có trần nhà, nên khi tôi ngồi xuống bên cửa sổ hướng xuống phố, đầu tôi như chạm vào mái sau.
- – Con có đau vai không?
– Tay con có đau không?
Bà mẹ hỏi han nàng mấy lần. Nàng làm như cánh tay duyên dáng đang đánh trống:
- – Không đau mà. Con đánh trống này, đánh trống này…
– Ừ, được rồi…
Tôi thử nhấc cái trống.
Nàng cười:
- – Nặng hơn anh tưởng đấy. Nặng hơn cái cặp của anh.
Các du nghệ nữ và những người cùng nhà trọ chào hỏi nhau huyên náo. Cả một đoàn, hình như cũng đều là những người biểu diễn rong, những người buôn bán rong ở các lễ hội đền thờ Thần đạo. Cảng Shimoda tựa như một cái tổ chim dành cho những cánh chim phiêu lãng theo mùa. Mấy đứa trẻ trong nhà trọ vừa chạy lon ton đến, nàng vũ nữ liền cho chúng mấy đồng xu. Khi tôi tỏ vẻ như muốn ra ngoài, nàng chạy trước ra cửa, vừa sắp xếp đôi guốc gỗ cho tôi vừa như thì thầm với chính mình bằng một giọng nói rất nhỏ:
- – Anh sẽ dắt em đi xem phim, nhé anh…
Eikichi và tôi được một người đàn ông nhìn có vẻ không đàng hoàng dẫn đường nửa chừng đến một nhà trọ mà chủ nhân là thị trưởng cũ. Tôi đi tắm suối nước nóng, rồi ăn trưa với Eikichi, những con cá còn tươi.
- – Xin dùng số tiền này mua hoa chẳng hạn để cúng giỗ ngày mai.
Nói đoạn tôi trao cho Eikichi một gói tiền nhỏ. Tôi phải quay trở lại Tokyo bằng tàu biển sáng mai. Tiền đã gần hết. Tôi nói rằng phải về để kịp đến trường, nên ngay cả việc chào hỏi qua loa các du nghệ nữ cũng không thể được.
Từ lúc ăn trưa cho đến khoảng trước ba giờ chiều, tôi một mình băng qua cây cầu phía bắc Shimoda, leo lên ngọn Shimoda Fuji, nhìn về phía cảng. Trên đường về, tôi ghé qua nhà trọ Koshu, các du nghệ nữ đang ăn gà hầm. Bà mẹ lấy bát đũa từ gói hành lý, sai Yuriko đi rửa.
- – Xin dùng thử ạ, một miếng thôi cũng được. Đàn bà con gái chúng tôi đã vọc đũa thì không còn sạch nữa nhưng cũng là một chuyện vui mà.
Dù họ lại nói một lần nữa là hãy dành thêm cho họ một ngày phiêu lãng cuối cùng, vì sáng mai là giỗ bốn chín ngày của đứa bé, nhưng tôi đã không đồng ý, viện cớ chuyện học hành.
Bà mẹ lặp lại một lần nữa:
- – Vâng, nếu vậy thì vào kỳ nghỉ mùa đông, hết thảy chúng tôi sẽ đi đón cậu ở tận thuyền. Xin hãy báo ngày cho chúng tôi biết. Chúng tôi xin chờ ạ. Cậu sẽ không ở nhà trọ. Chúng tôi sẽ đến tận thuyền để đón.
Khi chỉ còn lại Chiyoko và Yuriko trong phòng, tôi mời họ đi xem phim, Chiyoko ấn tay vào bụng, khuôn mặt xanh xao, gần như kiệt sức:
- – Người tôi rất mệt, nếu đi bộ như vậy nữa sẽ rất yếu.
Yuriko thì cúi gằm đầu xuống.
Nàng vũ nữ đang chơi đùa ở tầng dưới với mấy đứa trẻ trong nhà trọ. Trông thấy tôi, nàng liền nhõng nhẽo bà mẹ xin phép được đi xem phim. Nhưng rồi nét mặt trở nên vô biểu cảm, nàng lặng lẽ đến bên tôi, xoay lại cho tôi đôi guốc gỗ.
- – Cái gì vậy nhỉ…! Được dẫn đi xem phim một mình thì tốt thôi chứ sao…
Eikichi đã xen vào câu chuyện, nhưng bà mẹ vẫn không chấp thuận. Tôi thực tình không hiểu vì sao nàng đi một mình thì không được. Khi tôi chực ra khỏi cửa, nàng vuốt ve con chó nhỏ, nét mặt nghiêm nghị đến mức tôi không thể nói một lời. Dường như nàng không còn đủ sức ngước lên nhìn tôi.
Tôi đi xem phim một mình. Một phụ nữ đọc lời thuyết minh phim bên ngọn đèn dầu [1]. Tôi lập tức ra ngoài, bỏ về nhà trọ, chống khuỷu tay bên ngưỡng cửa mà nhìn mãi vào phố đêm. Thành phố tối om. Tâm hồn tôi bỗng như nghe thấy tiếng trống mơ hồ vọng lại không dứt từ xa xăm. Không biết vì lẽ gì, nước mắt rơi lã chã.
( ... Còn tiếp ...)
Dịch bởi:
Nguyễn Lương Hải Khôi
Chú thích :
[1] Phim thời đầu thế kỷ 20, chưa có tiếng, chỉ có hình, khi chiếu thì cần có người thuyết minh đọc lời đối thoại và dẫn chuyện.
Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Chủ nhật 29/05/16 13:17
bởi Hoàng Vân
-
Vũ nữ ở Izu
_____________________________________
Nguyên tác Izu no Odoriko (1926) của Kawabata Yasunari
(伊豆の踊子 - 川端康成)
Nguyễn Lương Hải Khôi dịch
(... tiếp theo đoạn 6 ...)
Buổi sáng lên đường, lúc bảy giờ sáng, khi đang ăn sáng thì Eikichi gọi tôi từ dưới đường. Anh mặc bộ haori [1] màu đen. Dường như là để tiễn tôi [2]. Không thấy những người phụ nữ. Tôi đột ngột cảm thấy buồn cô độc.
Eikichi lên phòng và nói:
- - Mọi người rất muốn tiễn anh ạ. Nhưng tối qua họ thức khuya, sáng nay không thể dậy nổi, đành chuyển lời xin thất lễ với anh. Xin phép đợi anh đến mùa đông…
Những ngọn gió sáng mùa thu thổi lạnh thành phố nhỏ. Eikichi mua cho tôi bốn gói thuốc lá Shikishima, một ít quả hồng vàng và mấy viên kẹo ngậm cho thanh miệng, hiệu “Kaoru”.
- - Vì tên em gái tôi là Kaoru mà… - Anh khẽ cười và nói tiếp:
- Đi tàu biển thì ăn cam không tốt. Nhưng hồng thì tốt nếu bị say sóng, ăn được đấy ạ.
- Tôi tặng anh cái này được không?
Tôi cởi chiếc mũ săn chim, đội lên đầu Eikichi.
Cả hai cùng cùng cười, tôi lấy trong cặp ra chiếc mũ học sinh, vuốt cho phẳng.
Khi gần đến bến tàu, lồng ngực tôi như nhảy ra ngoài: nàng vũ nữ đang ngồi quỳ bên mép nước.
Tôi đến bên cạnh, nàng vẫn lặng yên. Chỉ gật đầu trong im lặng. Những nét trang điểm còn lưu lại từ đêm qua làm tôi xao xuyến. Khóe mắt hồng hồng làm nét mặt tươi trẻ và đoan trang của nàng như đang giận dỗi.
- - Mấy người kia có đến không? - Eikichi nói. Nàng lắc đầu.
- Mọi người vẫn đang ngủ à? Nàng gật đầu.
Lúc Eikichi đi mua vé tàu và vé tiễn, tôi thử nói chuyện với nàng, nhưng nàng không nói một lời, chỉ nhìn thẫn thờ xuống chỗ dòng kênh chảy vào biển, khẽ ngả về trước gật đầu trước khi tôi dứt lời. Một người đàn ông mang dáng vẻ dân lao động đến gần tôi và nói với về phía kia:
- - Bà cụ ơi, người này có vẻ là người tốt đây! -
Thưa anh học trò, có phải anh đi Tokyo không ạ? Dạ thưa, chúng tôi có việc muốn nhờ anh ạ. Nhờ anh dẫn bà cụ này đến Tokyo ạ. Một bà cụ rất tội nghiệp. Con trai cụ làm việc ở mỏ bạc Rendaiji. Trong đợt dịch cảm hàn này, cả con trai và con dâu cụ đều mất. Để lại ba đứa cháu. Đã cố hết sức nhưng không thể nên chúng tôi bàn bạc nhau là phải đưa cụ về quê cũ. Quê cụ ở Mito. Cụ không biết gì về Tokyo đâu ạ, nên khi đến cảng Reiganjima, xin đưa cụ đến ga Ueno, giúp cụ lên tàu điện.
Thật là phiền phức cho anh quá, nhưng chúng tôi chắp tay xin anh giúp đỡ. Xin anh trông chừng tình trạng của bà cụ. Bà cụ rất đáng thương anh ạ.
Bà cụ đứng đó, nét mặt thất vọng, địu trên lưng đứa cháu độ tuổi còn bú sữa, hai tay thì giữ hai đứa khác, đứa lớn chừng năm tuổi, đứa bé khoảng lên ba. Tôi nhìn bó quần áo và đùm cơm nắm lòi ra từ gói hành lý dơ bẩn. Năm sáu công nhân mỏ đang an ủi cụ. Tôi đồng ý sẽ chăm sóc cho bà. Anh em công nhân lần lượt chào hỏi tôi.
- Hoặc là: - Vâng, xin nhờ anh.
Hoặc là: - Cảm ơn anh. Đáng ra chúng tôi phải đưa cụ đến Mito nhưng chúng tôi không thể.
Chiếc thuyền nhỏ chở khách ra tàu lớn bỗng chòng chành. Nàng cứ mím chặt môi mà nhìn về một hướng. Lên tàu, tôi nắm lấy cái thang làm bằng dây thừng và ngoái đầu nhìn lại, nàng như định nói lời tạm biệt nhưng rồi lại chỉ khẽ gật đầu. Chiếc thuyền nhỏ đã quay trở lại. Eikichi vẫy chiếc mũ săn chim mà tôi tặng anh lúc nãy. Còn nàng, bắt đầu từ lúc tàu khởi hành, cứ vẫy mãi một cái gì màu trắng.
Tôi ngồi tựa lan can, cứ trân trân nhìn Shimoda xa khơi, cho đến khi con tàu rời vùng biển ấy, bỏ lại sau lưng miền phương nam bán đảo Izu. Trong tâm hồn tôi, niềm chia phôi với nàng du nữ Izu bỗng trở thành một dĩ vãng xa xăm. Tôi nhìn vào khoang tàu, xem bà cụ có ổn không nhưng đã có rất nhiều người đang vây quanh an ủi thăm hỏi cụ. Tôi an tâm, bèn vào buồng bên cạnh. Vùng biển Sagamida sóng rất mạnh. Ngồi xuống mà đôi khi cũng bị chao đảo. Một thuyền viên đi vòng quanh phát những chiếc chậu kim loại nhỏ. Tôi lấy cặp làm gối, ngả lưng. Tâm tôi vô niệm. Đến cả thời gian cũng không còn cảm thấy nữa. Nước mắt lã chã chảy xuống cặp đến mức tôi lật cái cặp lại vì một bên má bị lạnh.
Một chú bé ngủ cạnh tôi. Cậu là con trai một ông chủ xí nghiệp ở Kawadu, đến Tokyo để chuẩn bị nhập học, nên có vẻ cậu cảm thấy thích tôi, một người đội mũ học sinh trung học. Sau một lúc nói chuyện, cậu hỏi:
- - Anh gặp chuyện bất hạnh à? -
Không! Anh đã chia tay một người.
Tôi đã nói quá đỗi chân thành. Và thản nhiên, ngay cả khi cậu bé thấy những giọt nước mắt.
Tôi không suy nghĩ một chút gì, bình yên ngủ trong niềm thanh thản dịu êm và trong sáng nhất. Biển đã hoàng hôn tự lúc nào. Đèn sáng phía Ajiro và Atami. Chớm lạnh và đói bụng. Cậu bé mở những cuộn cơm thon thon gói trong vỏ trúc. Tôi hồn nhiên ăn những nắm cơm cuộn ấy như quên mất rằng đó là cơm của người khác. Và sau đó thì chui vào trong cái áo khoác học sinh của cậu bé. Lòng tôi vô niệm, như trở thành một trống không đẹp đẽ, đến mức nhận lấy lòng tốt ấy bằng một sự hồn nhiên đến vô cùng. Tôi cảm thấy cũng hết sức tự nhiên khi đến sáng sớm mai dẫn bà cụ đến ga Ueno, mua cho cụ vé tàu về Mito. Mọi thứ như đã quyện hòa làm một. Đèn trong khoang đã tắt. Mùi muối và mùi cá tươi chất trong thuyền bỗng trở nên đậm đà. Trong bóng tối mịt mùng, cơ thể cậu bé sưởi ấm tôi, và nước mắt tôi dâng lên tựa thủy triều không dứt. Đầu óc tôi trở thành một dòng nước chảy, cứ lã chã từng giọt rơi, và sau đó trở nên hài hòa dịu ngọt như thể không còn gì lưu lại.
... Hết ...

Dịch bởi:
Nguyễn Lương Hải Khôi
Chú thích :
[1] Bộ haori (羽織 = vũ chức):
áo ngoài ngắn, thường mặc bên ngoài kimono, dùng trong dịp lễ, trang trọng.
Có từ thời Muromachi (thế kỉ XIV – XVI). ,
[2] Ở đây, Eikichi mặc haori vì hôm ấy giỗ 49 ngày của bé.
Nhân vật “tôi” ngộ nhận.
Re: Vũ nữ ở Izu
Đã gửi: Chủ nhật 29/05/16 14:38
bởi Hoàng Vân