Trang 1/1
Lý Chánh Trung
Đã gửi: Thứ tư 23/03/16 19:37
bởi Quy Nam
- Giáo sư Lý Chánh Trung qua đời
__________________________________
BBC - 14 tháng 3, 2016

Lý Chánh Trung
Giáo sư Lý Chánh Trung qua đời ngày 13/3 tại nhà riêng ở Thủ Đức, hưởng thọ 89 tuổi.
Ông sinh năm 1928 trại Trà Vinh, là một cây bút nổi tiếng tại Sài Gòn với các tác phẩm triết học và những bài báo viết về thanh niên Việt Nam trước 1975. Ông Lý Chánh Trung từng giảng dạy đại học tại Văn Khoa Sài Gòn, dạy triết học tại Viện Đại học Huế và Đà Lạt.
Những tác phẩm nổi tiếng của ông trước 1975 như Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức, Tìm hiểu về nước Mỹ, Bọt biển và sóng ngầm, Tôn giáo và dân tộc.
Ông Nguyễn Quốc Thái, biên tập tờ Tạp chí Đất Nước năm 1966 nói ông Trung là người “có tư tưởng rất cách tân”. Khi đó ông Lý Chánh Trung làm chủ nhiệm tờ này. Trả lời BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn, ông Thái mô tả: - “Cái nhìn của anh Trung được sự chú ý của giới trí thức trong nước, giới Công giáo và người ngoài Công giáo. Nhiều bài của anh gây ấn tượng với Hội đồng Giám mục lúc đó."

Giáo sư Nguyễn Đình Đầu và ông Nguyễn Quốc Thái (phía sau) tại lễ viếng
- "Những bài viết của anh Lý Chánh Trung về dân tộc, sau này tập hợp trong quyển "Tìm về dân tộc" đã đánh rất mạnh vào tâm thức, tình tự dân tộc của sinh viên, học sinh và trí thức. Và ngay cả cá nhân tôi, làm việc với anh Trung nhiều năm. Qua những bài viết của anh, tôi rất xúc động và phần nào ảnh hưởng quan niệm của tôi về mặt xã hội."
Những bài báo của ông bàn nhiều về chủ đề dân tộc, yêu nước, chiến tranh. Một số bài được tập hợp và in trong các tập Ba năm xáo trộn, Tìm về dân tộc, Cách mạng và đạo đức...
Một trí thức 'bao dung'
Ông Thái nhận định: - “Anh Trung là một nhà trí thức có uy tín. Các bài viết anh đặt ra có một sắc thái và tính cách riêng trong hoàn cảnh xã hội lúc đó, gây ấn tượng rất sâu sắc trong giới sinh viên học sinh, vốn đang đứng giữa một cuộc chiến tranh. Vào thời kỳ từ 1966 - 1969, anh Trung viết những bài khiến nhà cầm quyền lúc đó không vừa ý lắm. Nhưng cách đặt vấn đề của anh rất tình cảm. Anh nghiêng về ngôn ngữ đằm thắm với dân tộc, chứ không nghiêng về chủ nghĩa. Cách viết của anh thuyết phục được rất nhiều người.”
Giáo sư sử học Nguyễn Đình Đầu cùng với ông Lý Chánh Trung sáng lập tờ Sống Đạo từ năm 1962 – 1970. Ông Đầu nhận định: - “Ông Lý Chánh Trung viết những bài có tính cách đời thường, giọng văn sâu sắc, hấp dẫn, về những vấn đề chiến tranh, hòa bình, về sự tranh đấu cho giáo dục tiếng Việt và tranh đấu cho người nghèo."
Nói với BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Đình Đầu nói ông Trung là một giáo sư triết học với “tinh thần bao dung”, “yêu dân tộc”và “tha thiết với Tiếng Việt”.
Ông Trung xuất hiện nhiều trong các phong trào học sinh, sinh viên xuống đường trước 1975. Ông Quốc Thái cho biết: - "Anh Chung xuống đường với sinh viên. Khi cảnh sát có thái độ mạnh tay với Đại học Văn Khoa thì ông đứng ra phản đối công khai. Trước 1975, ở miền Nam có quyền tự trị đại học. Cảnh sát xông vào khuôn viên một trường đại học mà nếu giáo sư và ban giám hiệu trường phản đối thì cảnh sát phải ra khỏi trường. Anh Lý Chánh Trung rất quyết liệt bảo vệ sinh viên xuống đường lúc đó”.
“Cho đến hôm qua tôi vẫn thấy một số sinh viên xuống đường thời đó đến viếng ông Lý Chánh Trung.”
Ông Nguyễn Quốc Thái đã cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đến tiễn đưa ông Lý Chánh Trung chiều 13/3. Cả ba người từng là những đồng nghiệp tại tờ Tạp chí Đất Nước từ 1966.
nguồn: bbc.com
Re: Lý Chánh Trung
Đã gửi: Thứ tư 23/03/16 20:24
bởi Quy Nam
- Hiện Tượng Lý Chánh Trung
_____________________________________
Nguyễn Quang - 16/03/2016
Miền Nam tự do trước đây có những nhân vật xuất hiện không phải là biểu tượng của sinh viên, trí thức,
nhưng là hiện tượng nổi lên vào thời đó như Phạm Công Thiện
và ở đây xin ghi lại vài hành vi trong sinh hoạt chính trị của giáo sư Lý Chánh Trung,
nếu nói theo duy vật biện chứng, qua hiện tượng để hiểu bản chất,
hy vọng với các dấu chỉ nầy có thể hiểu được phần nào bản chất con người thật của Ông Trung.
- Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, giáo sư Lý Chánh Trung phụ trách môn đạo đức học thuộc Khoa Triết, tôi là sinh viên ban triết học nên thường xuyên gặp giáo sư tại giảng đường. Những bài giảng của Ông không có gì đặc biệt, ngoài trừ trong lối diễn giải của ông khi chiếc ống tẩu thuốc lá từng hơi, nhíu môi, nhịp nhàng với những lời châm biếm về những bạo chúa sau luôn hơn hẳn các bạo chúa trước. Hình ảnh còn lại của Ông với sinh viên, đó là chiếc tẩu luôn trên tay như giúp che lấp phần nào cái mũi hểnh, trống trải của ông.
Bên sau sự trống trải bề ngoài đó ẩn sâu một con người đăm chiêu với nhiều toan tính mà mắt thường chúng ta không mấy ai nhận ra, ông đang có những âm mưu gì, ngoài sự nhận xét chung trong những năm tháng tại Văn Khoa Sài Gòn: Ông chỉ là cái bóng của Giáo sư Nguyễn Văn Trung.
- Thời gian Ông Lý xuất hiện tại Phong trào Pax Romana, trụ sở tại Tân Định, Lm Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Cha sở về sau là Giám mục, giáo sư có những phát biểu bênh vực người nghèo, vấn đề Tôn giáo và Dân tộc được đặt lên qua nhiều lần phát biểu của Ông tại đây, nhưng để ý một chút ai cũng nhận ra, sau những bài phát biểu của Ông là cần phải dẹp ngay cái chế độ Miền Nam, thối nát tham nhũng, tay sai của Đế quốc Mỹ.
Thật vậy, cho đến khi cái ngày gọi là “Báo chí đi ăn mày”, Ông Lý xuất hiện nhào ra phía trước như giới văn nghệ sĩ sắp chết đói đến nơi, khi nhìn lại thực tế người dân miền Nam có mấy ai chết đói, nhất là tại các vùng Quốc gia, khiến mọi người suy nghĩ về những âm mưu chính trị của những trí thức như Ông, nhằm lật đổ chế độ tự do miền Nam với sự xuất hiện của thành phần thứ ba mà sau đó Ông rất hãnh diện, nếu tôi không nhầm, đã từng nghe trực tiếp về sự tự nhận của ông ở thành phần thứ ba này.
Sinh viên chúng tôi đọc sách của Ông, đều cảm nhận rất nóng, nhưng chỉ đọc đến lần thứ hai, thế là không muốn đọc thêm nữa vì nó mang tính nhất thời không có các giá trị phổ quát như sách của giáo sư Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Duy Cần.

- Những khát vọng tìm về dân tộc của Ông như nét đặc thù của Lý Chánh Trung được trả lời sau ngày cộng sản chiếm miền Nam, nó lộ hẳn bản chất dân tộc này, khi Ông là một trong số các nhân vật trí thức miền Nam được tuyển chọn đưa ra miền Bắc đầu tiên và sau chuyến đi khi trở về Ông tường thuật:
- “Chúng tôi đã ôm nhau thắm thiết khi gặp trí thức miền Bắc và cùng nhau trong nổi vui mừng, nhảy múa đồng ca bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng… Chúng tôi cũng được tặng các bộ sách quý như Mác Lê Nin toàn tập….”
Sinh viên khoa Triết khi nghe lại tường thuật đều rất ngạc nhiên về hình ảnh những vị giáo sư triết học khả kính, mô phạm của mình nay cũng nhảy nhót và hát như khỉ nhại lời. Văn phòng khoa Triết cũng vắng dần từ đây khi các hình ảnh giáo sư, giảng viên của mình phải khệ nệ bưng bê từng thùng mì tôm, thịt, cá…nhu yếu phẩm chia nhau tại phòng Khoa Triết. Tôi còn nhớ hình ảnh Giáo sư Lê Tôn Nghiêm mang thùng mì từ lầu một lên lầu ba và thở hổn hển, thật tội nghiệp và thay vì đi xe hơi như trước kia nay đều dùng xe đạp mi ni.

Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi
- Một sự kiện khác với giáo sư Lý Chánh Trung, đó là không lâu sau biến cố 1975, trước sự hoang mang của sinh viên miền Nam, Lm Hoàng Sỹ Quý, Dòng Tên, đã mời Ông Lý đến trung tâm Đắc Lộ để nói chuyện, tại đường Yên Đổ, sau đó bị chiếm đoạt thành tòa soạn báo Tuổi trẻ, phần tôi với tư cách là Chủ tịch sinh viên Công Giáo Cư xá Đắc Lộ đã tổ chức cho sinh viên Sài Gòn tham dự. Theo dự định buổi thuyết trình sẽ kéo dài hai giờ, khoảng một ngàn sinh viên tham dự, nội dung nói về chế độ mới và vai trò của giới trẻ. Tất cả mọi người tham dự đều quan tâm, theo dõi một cách nghiêm túc và căng thẳng. Sự kiên nhẫn của sinh viên vì ai cũng kính trọng các Cha Dòng Tên và cố gắng giữ im lặng dù bắt đầu đã có phản ứng khó chịu từ khách tham dự.
Đến phần đặt câu hỏi, sinh viên đã nêu những câu hỏi mà Ông Lý không trả lời được, những câu hỏi tôi còn nhớ, đó - hình ảnh thực tế khi việt cộng vào chiếm miền Nam,
- về lời hứa đi học tập mười ngày sẽ trở về,
- sinh viên được tiếp tục học hành nhưng chỉ đến ca hát nghe tuyên truyền rồi trở về,
- cuộc sống vô cùng khó khăn
- và những người miền Nam bị tước đoạt nhà cửa, bị xô đuổi lên vùng kinh tế mới….
Những câu hỏi như những tiếng nói khiến người trí thức có lương tri phải động lòng. Thế nhưng, giáo sư Lý Chánh Trung như đã leo lưng cọp, Ông ta đỏ mặt, nổi cáu, vì không trả lời được câu hỏi nào dù là biện hộ, Ông đã nổi nóng và dứng dậy đưa tay hô to như các lãnh tụ cộng sản hay làm, Ông nói: - “Bây giờ chỉ có hai con đường, một là theo Cách mạng, hai là sẽ bị nghiền nát…”.
Đến đây cũng là lúc những vật gì có thể ném, liền tới tấp bay vào người Ông, khiến tôi và Lm Quý mỗi bên kè Ông ta, quần áo tả tơi, đưa nhanh vào phòng riêng. Sinh viên vẫn chạy theo với những lời nguyền rủa không tả xiết về sự vạch mặt một trí thức luôn luôn nói về dân tộc nhưng nay theo cộng sản vô thần, vô tổ quốc….
Dòng Tên Sài Gòn có lẽ bị bao vây cô lập từ ngày ấy, cho đến khi toàn bộ chúng tôi bị chụp mũ, bị bắt về tội tuyên truyền chống phá cách mạng. Cho đến hôm nay, Dòng Tên Việt Nam vẫn hãnh diện vào thuở đó, không một linh mục, tu sĩ nào thân cộng, cũng không có một sinh viên Dòng Tên nào là nội ứng cho cộng sản. Chúng tôi tự hào vì sống dưới chế độ tự do và cuộc chiến chỉ là một sự tự vệ chính đáng để bảo vệ nền dân chủ còn non trẻ ấy, mới nảy sinh những hiện tượng như Lý Chánh Trung.
- Bên dòng lịch sử, khi đất nước thống nhất, Ông Lý trở thành đại biểu, phó chủ tịch quốc hội cộng sản. Tại Ba Đình, ông đã đọc bài diễn văn nói về khoa học kỹ thuật như tiền đề phát triển chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới. Tiếng nói của Họ Lý, như lý thuyết gia của chế độ, được nghị trường dưới sự chứng kiến của Lê Duẩn, bí thư trong số các bí thư, ông vua trong các vua cộng sản, tán thưởng nhiệt liệt. Nhưng cũng sớm như tiếng kêu trên đồng vắng, một nền giáo dục Ki tô giáo mà ông đã được thụ hưởng, được ưu đãi để thành danh và nay lọt vào trong đám vô sản lưu manh.
Tôi biết Ông có nhiều dằn vặt ưu tư vào cuối đời, tuy vậy trong một hoàn cảnh nào đó, cách nay gần chục năm, tôi vẫn còn thấy một lần Ông xuất hiện cùng Trần Văn Giàu trên tivi và ca tụng đạo đức của Hồ Chí Minh. Điều này quả thật là lạ với một giáo sư phụ trách môn đạo đức học vì ngày nay với các con trẻ khi gõ vào Google đều biết ông Hồ dâm dật, giết vợ, từ con và hãm hại bao nhiêu phụ nữ… là kẻ sát nhân nhất nhì của thế kỷ hai mươi. Ông Lý Chánh Trung ca tụng một cách ngọt ngào: Hãy sống và nói gương theo Hồ Chủ Tịch…!
Giáo sư Lý Chánh Trung có gia đình, và theo S. Freud, để hiểu con người, - phần ý thức chỉ có ba,
bảy phần còn nằm ở tiềm thức.
Ông vẫn sống đến cuối đời trong căn biệt thự, trên mảnh đất do nền Đệ Nhất Cộng Hòa cấp cho các giáo sư Đại học miền Nam, gọi là làng đại học Thủ Đức. - Ông có người con là đại úy việt cộng,
- vợ ông là em ruột bà Bùi Thị Mè, một thứ trưởng trong chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, tất nhiên là đảng viên cộng sản,
có lẽ chỉ có vợ con Ông, nữ anh hùng cách mệnh Thị Mè là hiểu Ông nhiều nhất.
Nguyễn Quang
(Nguyễn Quang Hồng Nhân)
nguồn: vietbao.com
Re: Lý Chánh Trung
Đã gửi: Thứ năm 24/03/16 05:58
bởi Quy Nam
- Giáo sư Lý Chánh Trung
__________________________

- Ông Lý Chánh Trung sinh năm 1929 ở Trà Vinh,
- theo đạo Công Giáo vào khoảng năm 1949,
- năm 1950 sang Bỉ học tại Đại Học Louvain, một đại học Công Giáo, ở cách thủ đô Brussells khoảng 30 cây số.
- Lý Chánh Trung học rất thông minh, tuy nhiên vào năm 1956 khi mới lấy xong Cử Nhân Tâm Lý Học và Cử Nhân Chính Trị Học, chưa đậu Tiến Sĩ, ông về nước.
- Tuy có trình độ kiến thức cao và vững vàng, tính tình hòa nhã, nhưng bước đường sự nghiệp của Lý Chánh Trung rất lận đận.
- Ông có người anh là Lý Chánh Đức, làm Giám Đốc Nha Học Liệu tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục, đã xin cho ông vào làm Công Cán Ủy Viên của Bộ này.
- Về sau, ông được bổ làm Giám Đốc Nha Trung Học Công Lập.
- Ngoài ra, Lý Chánh Trung cũng được mời dạy triết học tại các Viện Đại Học Huế và Đà Lạt.
- Sau năm 1975, ông là
- Ủy viên Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh.
- Vốn là một giáo sư triết, tôn thờ Mounier và Karl Jasper, Lý Chánh Trung luôn nhìn vấn đề chính trị Việt Nam dưới lăng kính của một triết gia. Điều này thể hiện rất rõ qua các tác phẩm và bài báo của ông.Tác phẩm:
- - Cách Mạng và Đạo Đức (1966)- Ba Năm Xáo Trộn (1967)- Tìm Về Dân Tộc (1967)- Tìm Hiểu Nước Mỹ (1969)- Những Ngày Buồn Nôn (1972)- Tôn Giáo và Dân Tộc (1973)

Ông Lý Chánh Trung năm 2011
nguồn: tatrungtravinh.blogspot.com
Re: Lý Chánh Trung
Đã gửi: Thứ năm 24/03/16 07:21
bởi Quy Nam
Thân phận dư thừa của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba (I) (P1.1)
Đã gửi: Thứ năm 24/03/16 18:41
bởi Quy Nam
- Thân phận dư thừa
của một người trí thức thiên tả, thành phần thứ ba
(P1.1)
____________________________________________________
Nguyễn Văn Lục - 14-07-2015

Lý Chánh Trung
Ông ăn thóc nhà Chu mà chửi nhà Chu.
Hoặc ông rập khuôn cái tinh thần: Nắng được lúc nào thì cứ nắng
như trong một bài viết của cụ Phan Khôi chăng?

Lý Chánh Trung, Tố Hữu, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Đình Thi
Bức hình trên đây chụp các ông Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi là những thành phần đại biểu của lực lượng thứ ba của miền Nam ra Bắc trong ngày 2 tháng chín năm 1975. Đây là một vinh dự có chọn lọc và cân nhắc đắn đo lý lịch, thành tích các vị được mời của lãnh đạo Đảng trước khi quyết định ai được mời ra Bắc.
Phần những người được mời đều cảm thấy đây là một vinh dự hiếm hoi cho họ. Bởi vì còn biết bao nhiêu thành viên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) đã không có mặt, đã không được vinh dự ấy.
Sự không có mặt của những Trương Như Tảng, Dương Quỳnh Hoa, Lữ Phương là có chủ đích của đảng. Chủ đích đó là loại trừ một số tham vọng của các thành viên MTDTGPMN như bà Dương Quỳnh Hoa muốn dành một vị trí đặc biệt cho miền Nam và đồng thời muốn triển hạn việc thống nhất đất nước. Vai trò trái đệm và bù nhìn của MTDTGPMN trước đây đã đến lúc cần chấm dứt vì sẽ là một chướng ngại vật cho tiến trình thống nhất đất nước. Nói cho cùng, đây là trò đểu cáng chính trị của Hà Nội, dựng lên lá bài MTDTGPMN để lừa bịp thế giới và khi chiếm xong miền Nam thì MTDTGPMN trở thành dư thừa và như một chướng ngại vật! Sự loại trừ phần đông các thành viên MTDTGPMN ra khỏi phái đoàn là một tính toán hiểu được. Việc thống nhất hai miền mà mời đại diện như bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa thì sẽ nát việc.
Thành phần dư thừa thứ nhất có tên là MTDTGPMN và sau đó có những người thấy rõ mặt trái của cộng sản và đã rời bỏ hàng ngũ Mặt trận Giải phóng như Trương Như Tảng, bác sĩ Dương Quỳnh Hoa và chồng, cùng Lữ Phương.
Những kẻ còn ngồi lại, ngậm bồ hòn, im lặng, nhẫn nhục.
Nhưng dù sao thì cứ bề ngoài, phái đoàn miền Nam ra Bắc cũng được kể là tuần trăng mật giữa hai miền Nam Bắc, giữa các nhà chính trị, nhà văn miền Bắc và các thành phần trí thức thiên tả miền Nam.
Cái vấn đề là chúng ta thử xem tuần trăng mật ấy kéo dài được bao lâu hay rồi cũng giống như số phận sau này dành cho MTDTGPMN cũng như Câu lạc bộ những Người Kháng chiến Cũ?
Để tạo ra một cái không khí tưng bừng, ăn mừng ngày hội lớn, hầu hết những nhân vật tai mắt của cộng sản miền Bắc lúc bấy giờ đều có mặt. Người ta nhận ra sự có mặt đầy đủ các các thành phần lãnh đạo cộng sản tiêu biểu như các ông Tố Hữu, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chính, Xuân Thủy, Hoàng Văn Hoan, Lê Thanh Nghị, Hoàng Tùng, thiếu tướng Tô Ký, đại tướng Võ Nguyên Giáp và chủ tịch Tôn Đức Thắng!
Họ cũng vận động một số nhà văn miền Bắc có uy tín hàng đầu có mặt như các ông Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Hải Triều, Nguyễn Công Hoan, Bảo Định Giang, Tô Hoài, Nguyễn Khắc Viện (chủ báo Le courrier du Viet Nam). Yên Thao và Hồ Đan Tâm, báo Hà Nội mới và giáo sư Phạm Huy Thông.
Về thành phần phái đoàn miền Nam, người tinh ý một chút sẽ thấy Trưởng đoàn miền Nam không phải Lý Chánh Trung hay ai khác. Cộng sản đã cài đặt người của họ là ông Sáu Tường, Nguyễn Vĩnh Nghiệp (người của đảng). Người Phó Trưởng Đoàn là ông Ba Ca, nguyên Bí thư tỉnh ủy Gia Định(1).
Điều này cho thấy mọi quyết định, mọi chương trình ra thăm viếng ngoài Bắc nhất nhất đều do Đảng sắp xếp và cài đặt tổ chức và kiểm soát.
Còn những thành viên khác thì toàn là những gương mặt tranh đấu, xuống đường rất quen thuộc của miền Nam trước 1975 như Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Ni sư Huỳnh Liên, Vũ Hạnh, bà Ngô Bá Thành, luật sư Trần Ngọc Liễng, thầu khoán Nguyễn Văn Hạnh, hòa thượng Thích Trí Thủ, Nguyễn Ngọc Lan, Chân Tín, Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, linh mục Nguyễn Huy Lịch, nghệ sĩ sân khấu Kim Cương(2).
Xin ghi lại đây những phát biểu đầy kịch tính của hai phái đoàn Sài Gòn và Hà Nội. Có những câu phát biểu rất ấn tượng, rất mủi lòng như thể thương nhớ bao nhiêu năm nay mới gặp lại:
- Ba chục năm qua một phút này!
Mặc dầu Hồ Ngọc Nhuận cũng đã cố gắng che đấu nhiều sự thật chẳng nên nói ra, nhưng không thể che hết, do sơ hở vô tình đã để lộ nhiều khe hở. Chẳng hạn họ được ở khách sạn Giảng Võ, khách sạn ba sao nên tường vách đều thủng lỗ, vào ban đêm nghe gió mùa lọt qua cửa sổ vi vu giấc ngủ. Khách sạn ba sao nên ly tách chắc đều là ‘thứ tốt’ nên khách nhận một cái ly đều phải ký vào giấy mượn. Cái cung cách phục vụ ấy làm những người Sài Gòn lần đầu ra viếng thăm Hà Nội không thể không thấy lạ! Uống một ly nước phải ghi sổ vì sợ khách ăn cắp ly! Tình trạng ấy gián tiếp phơi bầy một cuộc sống nghèo nàn, khốn khổ. Trong khi đó, các phái đoàn ngoại quốc lớn như Liên Xô, Trung cộng thì ở riêng, chỗ đặc biệt đâu đến nỗi ban đêm phải nằm nghe gió lùa vào vách tường?
Xin ghi lại vài nhận xét vắn vỏi từ sách của Hồ Ngọc Nhuận:
- Linh mục Nguyễn Ngọc Lan được mời ăn hết tiệc lớn tiệc nhỏ, ông phát biểu: Đi đâu cũng tiệc là tiệc. Cuối cùng ông quyết định rủ Hồ Ngọc Nhuận đi ăn chui. Họ đi đến rã cẳng mà kiếm không ra một nhà hàng để ăn, vì đều là tiệm ăn quốc doanh hay công ty hợp doanh phải có giấy mới được vào. Cuối cùng may mắn gặp nhà văn Hải Triều đưa đến một ‘tiệm ăn chui’. Nó nằm ngay trong một quán nhà, có người ở, không bảng hiệu, kín đáo mà chỉ khách quen mới biết được. Đó là biểu tượng cho một Hà Nội chui. Cái gì cũng chui cả.
Hình ảnh người trí thức ‘Tìm về dân tộc’ Lý Chánh Trung, miệng ngậm tẩu thì đứng nghe anh Xuân Thủy đọc thơ. Một vinh dự lớn cho Lý Chánh Trung vì được nghe một nhà chính trị ngâm thơ! Tôi được biết sau chuyến đi thì mọi người đều phải có một bài báo cáo về chuyến đi khi trở về Sài gòn..một lần ở rạp Rex cũ do Ủy Ban Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng khu Saigòn Gia Định tổ chức và một buổi nữa ở Đại Học.
Theo Lý Chánh Trung kể cho tôi nghe thì phái đoàn trong Nam ra đi đến đâu cũng được dân chúng túa ra đón tiếp nồng hậu. Ông được đi tham quan xã Như Quỳnh, cách Hà Nội 20 cây số, trên đường đi Hải Phòng, thuộc tỉnh Hưng Yên cũ. Ở đây, ông bị một chị trong hợp tác xã đột ngột hỏi:
- – Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung không?
– Thưa phải.
– Thế thì hân hạnh được gặp giáo sư vì tôi đã có đọc bài của giáo sư viết trước đây.
Lý Chánh Trung chắc là phải ngỡ ngàng thôi.
Khi về lại Hà Nội, cũng một lần cả đoàn đang đi thì có một thanh niên chạy vội lại hỏi to:
- – Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung cho tôi gặp mặt.
– Lý Chánh Trung lại tách ra khỏi đoàn trả lời: Tôi đây, tôi là Lý Chánh Trung đây.
– Thưa giáo sư tôi kính phục giáo sư vì trước đây có được đọc bài của giáo sư.
Ông Lý Chánh Trung ngây thơ nhận xét, ngoài Bắc, dù có chiến tranh, nhưng trình độ văn hóa miền Bắc kể là cao hơn miền Nam nhiều lắm. Một người dân thường mà cũng có thể đọc bài viết của Lý Chánh Trung từ trong Nam gửi ra. Nghe chuyện này của Lý Chánh Trung, tôi chỉ cười. Vậy mà tôi được biết có lần Võ Văn Kiệt nhận xét cán bộ của ta biết đọc biết viết đã là may. Mấy người đã có cơ hội đọc Thép đã thôi tôi thế đấy, Rừng thẳm tuyết dày.
Lý Chánh Trung hãnh diện là phải, vì thế cộng sản mới thắng được đế quốc Mỹ.

Sau tháng 4, 1975 nghệ sĩ Sài Gòn, Năm Châu, Phùng Há, Thẩm Thúy Hằng, v.v. -
xếp hàng chào mừng quân cộng sản Bắc Việt - kẻ thắng cuộc.
- Hình ảnh chị Kim Cương ngồi ngoan ngoãn nghe đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về vở kịch Lá Sầu Riêng của mình. Chắc là chị phải khóc thôi trước tấm lòng ưu ái của Đảng?
- Cụ Tôn Đức Thắng giọng nói run run của ông Già Nam Bộ bị bỏ ngồi một xó nay phát biểu:
- một cuộc Bắc Nam xum họp một nhà cảm động và đầy đủ nhất.
Muốn hiểu bộ mặt thật của ông già Nam Bộ thì phải đọc Nguyễn Văn Trấn mới được.
- Ni sư Huỳnh Liên ngồi xếp bằng, nghiêm chỉnh nghe Tổng Bí Thư Lê Duẩn nói chuyện. Cuối cùng thì bà đứng lên thật thà phát biểu:
- “Ông nói gì từ nãy giờ tôi không hiểu!”
Ông Lê Duẩn trả lời: - “Chắc tại tôi nói tiếng Quảng Trị, lại nói lắp nữa!”
- Phần Hồ Ngọc Nhuận được dẫn đi thăm một xã tiên tiến, điển hình là Như Quỳnh. Xã có 7000 dân thì có 700 bộ đội mới được giải ngũ về. Hồ Ngọc Nhuận nhận thấy nhà nào cũng có một cái chum làm bằng xi măng, nhưng không biết bên trong đựng cái gì. Hỏi ra thì nay người dân xã không còn đói ăn nên mỗi nhà có lúa để dành. Trong Nam chỉ có vựa lúa hay bồ lúa nên không thể ngờ ngoài Bắc đựng lúa vào một cái chum nhỏ, chứa vài chục kilô thóc. Khi về như khám phá ra điều gì mới, ông viết:
- Tôi khoái nhất là những chum đựng lúa. Sự khác biệt là trong Nam là cái bồ, ngoài Bắc là cái chum.
Nói rồi ông cười ha hả(3).
Trước tấm thịnh tình đầy tình nghĩa anh em của miền Bắc, phía miền Nam cũng bắt buộc mỗi người phải lên phát biểu một lần để đáp lễ lại.
Ông Lê Hiếu Đằng là một trong những người trẻ ở trong Nam ra phát biểu hăng say nhất với nhan đề một bài viết, Những giây phút cảm động đó. Trong đó, ông viết:
- “Những cái hôn thắm thiết, những bàn tay xiết chặt tưởng chừng như không muốn rời ra, những tràng cười thoải mái, cởi mở. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình nghĩa đồng bào, đồng chí!”
Có lẽ Lê Hiếu Đằng là người thuộc bài nhanh nhất khi ông viết!
Quả thật, tuần trăng mật Nam-Bắc kéo dài chẳng dược bao lâu.
- Linh mục Chân Tín vốn là Ủy Viên Trung Ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và phó chủ tịch Mặt trận thành phố.
Vậy mà có lần cỡi xe Lambretta vẫy tay một người bạn, ông nói to: Có nghĩa, ông đã bị đuổi ra khỏi Mặt trận. Ông cũng lên tòa giảng yêu cầu đảng phải biết sám hối và cuối cùng ông bị giam lỏng ở Cần Giờ.
- Nguyễn Ngọc Lan với bài viết khi tham quan Hà Nội trên Đứng Dậy, Hà Nội tôi thế đó!
Với bài viết gây ngộ nhận, nó đã làm tiêu ma sự nghiệp chính trị của ông, báo Đứng Dậy bị đình bản sau đó. Từ đó Nguyễn Ngọc Lan trở thành người viết đối lập với nhà nước cộng sản.
- Hồ Ngọc Nhuận nay ra khỏi Mặt Trận Tổ quốc và viết lại như sau:
- Và tôi nữa, sau 25 năm, khi đọc lại chính mình, tôi tìm thấy được bao nhiêu phần trăm của tôi hôm nay trong đó? Trong những gi mình viết, suy nghĩ, khẳng định năm xưa?(4)
Ông vốn là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, ông đã xin từ chức và viết bài Phá Xiềng để ủng hộ luật sư Lê Hiếu Đằng.
- Lê Hiếu Đằng cũng là Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và nhiều chức chức vụ chỉ có danh khác nữa – tuyền là những chức vụ hờ, chỉ có tiếng – khi ngã bệnh trước khi qua đời đã chính thức tuyên bố trên đài BBC, ngày 5-12-2013:
- tuyên bố công khai ra khỏi Đảng Cộng sản vì Quốc Hội chỉ là bù nhìn.
- Và tiếp theo sau đó còn nhiều người đã nối đuôi nhau ra khỏi đảng mà danh sách mỗi ngày một dài như trường hợp các ông: Ngô Công Dức, Châu Tâm Luân, v.v.
Đã thế, ngay trong nhóm thiên tả miền Nam, người ta cũng thấy sự chia rẽ, đố kỵ trầm trọng.
Nhưng xem ra trong số những thành phần thứ ba – trừ những thành phần cắc ké như dân biểu Kiều Mộng, Nguyễn Chức Sắc, Lê Tấn Trạng, Đinh Xuân Dũng vv.. có lẽ chỉ còn sót lại một người là Lý Chánh Trung, cố bám trụ, cố theo đảng tới cùng- mặc dầu, chức vụ cao nhất của ông cũng chỉ là được cho đắc cử vào một Quốc Hội bù nhìn và sau đó cho nghỉ hưu.
- Nhận xét của tôi về chuyến công du Bắc Kỳ này của đám trí thức thiên tả Sài Gòn là rất quan trọng. Bởi vì đây là màn kịch cuối cùng mà cộng sản Bắc Việt muốn nhóm trí thức này phải đóng tuồng cảnh Nam Bắc thống nhất một nhà.
- Điều thứ hai là hầu hết đám trí thức thiên tả này đều không biết dụng ý cũng như kịch bản do Hà Nội đạo diễn. Họ trở thành những tên hề ngớ ngẩn, bị lợi dụng và sau đó lần lượt trở thành những thành phần dư thừa, cùng lắm dùng làm cảnh cho chế độ.
Thật vậy, không một ai trong đám trí thức thiên tả, lực lượng thứ ba này được có một vai trò trong guồng máy cai trị của đảng. Hầu hết đều nắm những chức vụ hữu danh vô thực như đại biểu quốc hội bù nhìn và nhất là các chức vụ phó chủ tịch trong Mặt Trận tổ quốc. Một thứ Mặt trận bù nhìn cho một thứ dân chủ giả hiệu.
Riêng Lý Chánh Trung là đối tượng của bài viết này rất thiển cận chỉ nhắc nhở tới những vinh dự bịp mà họ dành cho ông. Ông không dám bày tỏ hoặc nhận xét gì về thực trạng xã hội miền Bắc trong chuyến thăm viếng này.
Bài viết này, với chủ đích rõ ràng là tìm hiểu con người Lý Chánh Trung trong suốt hành trình từ thời sinh viên đến lúc trở thành dân biểu quốc hội như một người trí thức tiêu biểu thuộc thành phần thiên tả- hay lực lượng thứ ba của miền Nam!
Trong một bài biên khảo nhan đề, 20 năm giới trí thức miền Nam, tôi đã có dịp đề cập đến trường hợp Lý ChánhTrung như một biểu tượng của trí thức thiên tả miền Nam trước 1975.
- Nhưng nay ông vào tuổi xế chiều mà thời gian còn lại cho ông không còn bao nhiêu nữa.
Vinh danh và quyền lực của đảng cộng sản dành cho ông như chức tước đại biểu quốc hội bù nhìn cũng đã đến lúc trắng tay. Ông trở thành kẻ hết thời hay thứ dư thừa dưới mắt người cộng sản. Số phận những người theo cộng sản thì phải nhận lấy những hậu quả tương tự.
Điều chính yếu là bạn bè, đồng chí của ông đã quên ông. Cuộc sống của ông hiện nay lúc cuối đời xem ra thanh bạch, đạm bạc mà nhiều phần là túng thiếu.
Còn nhớ vào những năm tháng ấy, sau 1975 – quyền lực trong tay cũng có – vậy mà Lý Chánh Trung cảm động và khoe một cách hãnh diện là vừa có học trò cho một bao gạo. Đại biểu Quốc Hội leo đến chức phó chủ tịch Quốc Hội mà phải ngửa tay nhận một bao gạo bố thí của học trò thì hiện trạng đất nước ấy phải được hiểu là thế nào?
Bao gạo ấy đượm tình nghĩa thầy trò của người miền Nam, nhưng nó tố cáo một cách gián tiếp chế độ bất nhân ấy.
(Còn tiếp)
nguồn: kinhtevimo.org