Trang 1/1

Trợ Tử

Đã gửi: Thứ năm 17/03/16 19:57
bởi Bạch Vân
  •           

    TRỢ TỬ - BS Đặng Ngọc Thuận



    Lời nói đầu : Bài viết này đã được tác giả thuyết trình tại Câu Lạc Bộ SAIM Montreal ngày 18 Sept năm 2015, khi đạo luât 52 về Trợ Tử của tỉnh bang Québec vùa được Quôc Hội biểu quyết chấp thuận nhưng chưa được ban hành vì cơ chế tổ chức để thi hành cần nhiều thời gian chuẩn bị. Trên nguyên tắc thì đạo luật này phải được khả thi kể từ ngày 10 Nov năm 2015 song dường như cho tới nay chưa có một trường hợp trợ tử nào đã được áp dụng. Xem vậy thì ta thấy vấn đề trợ tử “nói thì dễ song làm thì rất khó”. Với bài viết này, tác già ráng trình bầy mọi khía cạnh phức tạp của vấn đề song e rằng vẫn còn thiếu sót. Dẫu sao cũng là cả một mạng người!
    <!->


    John Keats, một thi sĩ người Anh hồi đầu thế kỷ thứ 19, chết khi mới 25 tuổi sau nhiều năm lao phổi nặng. Cuộc sống thê thảm, muốn chết mà không được, đến độ có lúc bừng ngủ dậy ông òa lên khóc vì thấy mình còn sống mà vẫn chưa được chết. Ông diễn tả ước muốn được chết êm ả ấy bằng một đoạn thơ tuyệt cú trong Ode to a Nightingale :

    Darkling I listen; and for many a time
    I have been half in love with easeful death
    Called him soft names in many a mused rhyme,
    To take into the air my quiet breath;
    Now more than ever seems it rich to die,
    To cease upon the midnight with no pain ...

    Dịch nghĩa đen :

    Trong đêm tối ta lắng nghe; và hơn một lần
    Ta nửa như ham muốn một cái chết êm ả,
    Nhẹ nhàng gọi chết bằng nhiều vần điệu nên thơ,
    Để đưa vô không gian hơi thở yếu nhẹ của ta;
    Giờ đây hơn bao giờ hết, dường như chết là báu vật
    Chấm dứt ra đi giữa nửa đêm không chút đớn đau ...

    Dịch thành thơ (Lộc Bắc) :


    Trong tối tăm ta nghe mãi bao lần
    Lòng thiết tha về một thứ bình an
    Thơ giai điệu, dịu dàng mời Thần Chết
    Mau mang dùm hơi thở nhập không gian
    Nỗi chết hơn bao giờ như báu vật
    Giữa đêm khuya giải thoát tiếng kêu van

    Dịch thành thơ (Bùi tiến Rũng) :

    Đêm thâu ta đã bao lần
    Nửa như mê gặp Tử Thần thảnh thơi,
    Xin thần bằng nhạc bằng lời
    Cho ta nhẹ thở vào trời thinh không.
    Thần này phong phú vô cùng,
    Canh ba tắt nghỉ không phần đớn đau.


    Như vậy John Keats đã cho ta một khái niệm về euthanasie (trợ tử) từ gần 100 năm nay, trước khi ý niệm này được phổ biến và tranh luận gay go trên thế giới tự do và tiến bộ ngày nay, không khác gì vấn đề phá thai và hôn nhân đồng phái.

    Bản thân tôi trải nghiệm vấn đề trợ tử ra sao ? Dĩ nhiên khi còn là bác sĩ ở VN, tôi không hề bao giờ nghĩ đến chuyện chấm dứt cuộc sống của con người. Nghề y sĩ là nghề cứu mạng chứ không phải nghề sát nhân. Thêm nữa truyền thống VN bao giờ cũng là “Còn nước còn tát”. Khác hẳn phong tục một vài bộ lạc Eskimos; người già nua bệnh tật bỗng một ngày được mang bỏ rơi nơi đồng không mông quạnh cho đói rét mà chết dần. Đúng là một hình thức trợ tử tiêu cực.

    Cho đến khi sang Canada học lại để lấy giấy phép hành nghề y sĩ đi làm nội trú thực tập ở Montreal General Hospital hồi đầu thập niên 80, tôi thấy ngành Y tại Bắc Mỹ quả là tiến bộ vượt bực, thậm chí quá mức vì kỹ thuật cấp cao High Tech đã thay cả Ý Trời như máy thở, tim nhân tạo... Và quan niệm sống chết cũng khác với dân tộc mình.

    Một bữa tôi trực gác tại khu Cấp Cứu tiếp nhận một ông cụ Québécois pure laine, già nua tuổi tác bị nhiễm trùng máu khá nặng. Sau khi thử nghiệm kỹ càng, tôi muốn truyền tĩnh mạch một thứ kháng sinh cực mạnh rất đắt tiền song theo thủ tục phải trình với anh thường trú trưởng thì anh ta nói rằng :

    • - You chữa đúng đấy nhưng không cần !
      - Tại sao lại không cần ?

    Anh ta khẽ nhún vai không trả lời. Bực mình,tôi hỏi lại lần nữa, anh ta mới nói :

    • - Ông ta 85 tuổi rồi ! You hiểu hay không, tôi không nói gì thêm đâu !


    Dĩ nhiên tôi hiểu song rất ngạc nhiên và bứt rứt vì thái độ mà tôi cho là vô cảm của anh, một bác sĩ còn trẻ măng. Sau này dần dà tôi mới biết là trong y giới Quebec lúc đó như đã có một thỏa thuận ngấm ngằm về trợ tử rồi, dù là thụ động (có nghĩa là không làm gì cả)

    Trong gần 40 năm hành nghề ở Quebec, tôi chứng kiến nhiều vụ euthanasie passive tương tự tuy không gây chấn động mạnh cho tôi như lần đầu. Song có một sự việc tôi không thể quên được vì nó cho tôi thấy quan niệm sống chết khác với truyền thống VN nhiều. Hồi đó tôi làm y sĩ điều trị ở Mount Sinai Hospital. Một đêm trực gác tôi phải chứng tử cho một bà cụ chết vì già yếu. Theo quy định của bệnh viện, tôi phải gọi điện thoại thông báo cho gia quyến ngay. Nào ngờ người con trai bà cụ ở đầu giây bên kia la lối tôi “ You không thể chờ đến sáng mới báo tin hay sao ? You có biết bây giờ là 3 giở sáng không ? Vậy mà you đã dám đánh thức tôi dạy !” Đạo đức Khổng Mạnh chưa kịp lan tới Phương Tây “Trời đã thu sạch” chăng, song quả thật đây là một “cú sốc văn hóa” cũng khá mạnh ?

    Sau hết cách đây gần 2 năm, chính cơ thể con người tôi dính dáng trực tiếp với trợ tử thụ động. Ông BS chuyên khoa tiết niệu thường theo dõi tôi vì một cái nang tiền liệt tuyến một năm 2 lần để xem cái nang đó có ung thư hoá không, nói với tôi rằng :

    • - Giữa vous và tôi cùng là y sĩ, tôi nói thẳng : Năm nay vous 80 tuổi rồi, cái nang không biến chuyển gì. Vous khỏi đến thăm tôi nữa làm gì. Mất thì giờ cho cả vous lẫn tôi. Lại còn phí của công quỹ nữa. Dù cái nang có thành ung thư thì tôi cũng dám quả quyết với vous là vous sẽ chết vì bệnh khác rồi !


    Tôi hoàn toàn chấp thuận quyết định trên không chút áy náy vì đã quen với cách nhìn và suy nghĩ của nghiệp Y ở xứ này rồi. Không có chuyện “lương y như từ mẫu” mà chỉ có Code de Déontologie mà empathie là căn bản. Không hài lòng, bệnh nhân có toàn quyền; chuyện to thì kiện ra toà, chuyện nhỏ thì than phiền với Collège des Médecins. Do vậy mà lệ phí bảo hiểm nghề nghiệp mới ngày càng đắt và chuyện bị treo bằng được coi là một rủi ro nghề nghiệp (un risque du métier)

    Một thí dụ điển hình của chính sách trợ tử thụ động hợp pháp là từ 70 tuổi trở lên, bộ Y Tế Quebec không nhận cho phụ nữ làm mammographie và Pap smear hàng năm nữa, phái nam thì khỏi thử PSA ... Đúng là “Thất thập cổ lai hy !”song chỉ riêng biện pháp này cũng tiết kiệm được cho ngân sách chính phủ bộn tiền rồi !

    Hợp pháp vì lý do bệnh lý biến chuyển tự nhiên gây tử vong. Ngay trong bệnh viện, bệnh nhân hết đường cứu chữa BS cũng thôi không tích cực chữa chạy gì, thậm chí không tiếp nước biển hay nước đường gì nữa, đề nghị với thân nhân cho tháo gỡ máy thở, tim nhân tạo, máy lọc thận v.v... để người bệnh có thể tự nhiên ra đi.

    Các đơn vị điều dưỡng giảm đau chờ chết (Palliative Care Unit) cũng được quan niệm trong cùng một chiều hướng euthanasie passive như vậy. Đúng, người ta dùng mọi phương cách kể cả animalothérapie hay musicothérapie, thuốc tranquilisants và antidépressants để bệnh nhân lên tinh thần, đỡ trầm cảm. Quan trọng nhất là giảm đau, thậm chí chuyền vào tĩnh mạch thuốc ngủ như Barbiturates hay giảm thống như Morphine cho bệnh nhân bất tỉnh để rồi dần dần ra đi. Tuyệt nhiên không dùng một phương pháp trị bịnh tích cực nào. Tóm tắt là không kéo dài cũng không rút ngắn cuộc đời còn lại của bệnh nhân, chủ yếu làm sao cuộc sống còn lại có phần nào phẩm chất.

    Còn một lý do khiến trợ tử thụ động được coi như hợp pháp là lý do kinh tế. Với nhửng tiến bộ vượt bực của ngành Y, với những cải thiện về điều kiện sinh sống, con người ở Bắc Mỹ ngày nay sống đến 75-85 tuổi là chuyện thường. Mặc dầu có kế hoạch gia đình, dân số vẫn tăng trưởng song lớp người trẻ khỏe mạnh có khả năng lao động sản xuất cao lại ít hơn người cao niên thuộc lớp baby boomers, đã hưu trí lại nhiều bệnh lắm tật rất tốn kém cho ngân quỹ y tế.

    Thêm ý kiến quần chúng cho rằng cách chữa giảm đau chờ chết (soins palliatifs) không đạt yêu cầu với những tiêu chuẩn mới nữa. Thứ nhất là cần đổi tên thành Săn sóc cuối đời (soins de fin de vie) sau cần hoàn chỉnh cho hợp với quan niệm mới về nhân quyền, nhất là quyền định đoạt về cái chết của bản thân. Chết sao cho đúng lúc nghĩa là khi quá đau đớn, khi mất hết tự chủ, cuộc sống không còn phẩm chất. Chết cho đủ nhân cách (mourir dans la dignité) Đến con chó con mèo ta còn không nở để chúng quần quại đau đớn, nói chi con người.

    Muốn thế, phải để bệnh nhân có quyền định đoạt số phận mình chết lúc nào, thế nào... và phải có sự giúp đỡ của BS để kết liễu đời mình (aide à mourir) Đấy là euthanasie active (trợ tử tích cực), cho đến giờ phút này, ngày hôm nay, vẫn còn là bất hợp pháp.

    Nhân đây xin lưu ý đừng lầm euthanasie với suicide assisté vì tự vẫn có sự giúp đỡ của người ngoài luôn luôn bất hợp pháp. Trái lại trợ tử tích cực (thường gọi ngắn gọn là euthanasie mà thôi) có sự giúp đỡ của BS sắp trở thành hợp pháp với đạo luật 52 mới được Quốc Hội Quebec phê chuẩn ngày 10 tháng 06 năm 2014 song 18 tháng sau này mới được ban hành nghĩa là phải tới ngày 10 tháng 11 năm 2015.

    Không phài một sớm một chiều mà ta có được một đạo luật tân tiến như vậy. Dòng dã bao năm trời với bao nhiêu tranh luận, bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiều cuộc thăm dò ý kiến, bao nhiêu kiến nghị, bao nhiêu vụ kiện cáo, bao nhiêu hội đoàn tổ chức đấu tranh thân hay chống euthanasia, bao nhiêu ủy ban nghiên cứu, xét tới xét lui mà Québec mới là 1 trong 11 xứ trên thế giới có một đạo luật hợp pháp hoá euthanasie. Québec là tỉnh bang độc nhất của Canada có một đạo luật như thế.

    Thế nhưng ngày 06 tháng 02 năm 2015 Tối Cao Pháp Viện Canada đã phán quyết bác bỏ các điều khoản của đạo luật hình sự (Droit Criminel du Canada) cấm đoán mọi sự trợ tử y khoa (aide médicale à mourir) vi coi những điều khoản đó là phạm hiến. Song Tòa treo bản án này một năm. Nói một cách khác, kể từ ngày 06 tháng 02 năm 2016, toàn thể dân Canada khi cuối đời đều mới có quyền xin trợ tử tương tự như người dân Québec.

    Trên thế giới tổng cộng 11 xứ có luật trợ tử, nhưng ngày ban hành và các điều kiện được trợ tử mỗi xứ mỗi khác :
    • 1) Hoà Lan : Ban hành ngày 01/04/2002 luật Trợ Tử cho các bệnh nhân hết cách chữa trị và đau đớn không thấu. Bệnh nhân phải làm đơn xin có suy nghĩ kỹ càng.

      2) Bỉ Quốc cũng trong năm 2002 xác nhận quyền của mỗi bệnh nhân được chọn lựa về cuộc sống và cái chết của mình, miễn là người đó hội đủ các điều kiện theo luật định.

      3) Lục-Xâm-Bảo năm 2009 cho phép trợ tử những ai làm đơn có suy nghĩ chin chắn và ở trong một tình trạng y tế vô vọng, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, thường trực không chịu nổi và không mong gì khá hơn được.

      4) Oregon từ năm 1997 đã ban hành đạo luật “Chết Có Nhân Cách” khiến các bệnh nhân ở giai đoạn chót được phép tự vẫn bằng cách uống tử dưọc (lethal drugs) do bác sĩ đặc cách ghi toa.

      5) Washington năm 2008 cho phép trú nhân tiểu bang đó chỉ còn sống được 06 tháng xin bác sĩ viết toa cho họ những thứ tử dược để tự kết liễu đời mình.

      6) Montana không có luật trợ tử song năm 2009 Tối Cao Pháp Viện tiểu bang này đả phán quyết là không có luật nào cấm đoán bệnh nhân đòi hỏi bác sĩ giúp đỡ mình được chết êm ả.

      7) Vermont năm 2013 ra đạo luật “ Sự chọn lựa và kiểm soát của bệnh nhân lúc cuối đời” Các bệnh nhân ở giai đoạn chót chỉ còn 06 tháng nữa để sống có thể xin trợ tử sau khi đã tham khảo ý kiến của 2 bác sĩ.

      8) California mới tuần qua đã ra đạo luật gần giống như Oregon nhưng chỉ có hiệu lực trong 10 năm sau đó Quốc Hội sẽ xét lại.

      9) Thụy Sĩ có đạo luật dễ dãi nhất ban hành từ năm 1942, có thể nói không phải là trợ tử mà là tự vẫn có giúp đỡ. Luật hình của Thụy Sĩ cho phép trợ giúp bất cứ một vụ tự vẫn nào miễn là không có ý đồ vị kỷ, nghĩa là không có lợi nhuần nào dính dáng đến cái chết của người xin được chết. Hơn nữa một sắc lệnh của Toà Án Liên Bang còn xác nhận “mỗi con người có khả năng nhận định đều có quyền tự quyết được Hiến Pháp và Giao Ước Liên Bang bảo đảm”

      10) Đức Quốc Xã từ năm 1939 có đạo luật trợ tữ và giúp đỡ tự vẫn dã man và tàn ác nhất do Hitler ban hành, dưới chiêu bài “Vệ Sinh Giống Nòi” song thật ra là với mục đích “gây giống tốt” hay eugénisme do cơ quan đặc trách Aktion T4 điều hành và binh chủng SS thi hành. Kết quả là khoảng vài triệu người bỏ mạng do “merci killing” vì là người Đức bệnh hoạn, diên khùng, tàn tật hay chỉ vì là người gốc Do Thái mà bị bắn giết, chôn sống hay thiêu sống (holocauste).

      Dĩ nhiên ngày nay những chuyện đó không còn nữa. Đức Quốc hiện tại không có luật trợ tử và bệnh nhân Đức ở đường cùng thường sang Thụy Sĩ để xin trợ tử, mệnh danh là suicide tourism cũng như nhiều “Việt Kiều” chúng ta về VN vì sex tourism.


    Thế nhưng trở về xứ Quebec hiền hòa, ta có thể nói là đạo luật trợ tử 52 khá khắt khe, hoàn hảo, không phải hoàn thành trong vài tháng mà công tác được khởi sự từ năm 2009 với một ủy ban đặc nhiệm của Quốc Hội Quebec với rất nhiều cuộc tham khảo chuyên môn, rất nhiều buổi thuyết trình công cộng, rất nhiều cuộc thăm dò dân ý trên mạng ... cho mãi đến năm 2012 ủy ban đặc nhiệm mới nộp đạt phúc trình song ông bộ trưởng Tư Pháp chưa toại nguyện và đòi hỏi ý kiến của một ùy ban đặc biệt nữa gồm 3 luật sư chuyên môn trứ danh về pháp tụng y khoa. Sau một năm nghiên cứu bản phúc trình của 3 vị luật sư này, công việc soạn thảo mới khởi sự và đến ngày 10 Juin 2014 thì đao luật được Quốc Hội phê chuẩn, tổng cộng sau 5 năm làm việc song cũng phải 1 năm rưỡi nữa mới được ban hành (nghĩa là nhằm ngày 10 tháng 11 năm 2016) để có thời gian giải quyết mọi chi tiết thực dụng cụ thể song khá nan giải vì dù sao đây cũng là mạng sống của một con người !

    - Nói chung thì luật 52 gồm 2 mặt (volets) :

    I) Mặt thứ nhất là công tác săn sóc cuối đời (soins de fin de vie) sao cho quãng đời còn lại của người chờ chết càng nhiều phẩm chất càng tốt. Điều cần thiết là thuyên giảm tối đa hiện tượng đau đớn về thể xác cũng như tinh thần. Đấy là trợ tử thụ động (euthanasie passive) song cần thích hợp với từng cá nhân, nhất là không khiến mau chết cũng như không làm chuyện tử vong chậm lại

    Trợ tử thụ động được thực hiện trong những đơn vị giảm đau ở các bệnh viện song cũng có trong những trung tâm chuyên điều trị giảm thống (maison de soins palliatifs) hay làm ngay tại gia bệnh nhân.

    Điều mới mẻ trong luật 52 là phương pháp giảm đau liên tục gây cho người bệnh bất tỉnh cho đến khi tắt thở từ nay cần có thỏa thuận trên giấy tờ của bệnh nhân và bác sĩ điều trị phải theo đúng thủ tục thiết lập bởi cơ quan có thẩm quyền như Collège des Médecins chẳng hạn. Kết quả việc điều trị cũng phải được thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Phương pháp này đúng là coi như borderline giữa trợ tử passive và active.

    Thế nhưng điểm quan trọng nhất của luật 52 là trợ tử tích cực nghĩa là giúp cho bệnh nhân kết liễu cuộc đời trong nhân cách, không đau đớn ( Aide médicale à mourir dans la dignité).Trợ tử được luật 52 đóng khung đặt mốc rất nghiêm khắc cho nên chỉ người thỉnh cầu một cách tự do (có nghĩa là không bị ai bắt buộc) và sáng suốt minh bạch (có nghĩa là hiểu rõ điều mình yêu cầu) mới được chấp thuận.

    Muốn vậy lại còn phải hội đủ các điều kiện sau đây :

    • - Phải có Thẻ Mặt Trời (chứng nhận có bảo hiểm sức khoẻ của chính phủ Quebec). Mục đích là để tránh hìện tượng “suicide tourism” như ở Thụy sĩ.

      - Phải thành niên và đủ khả năng để chấp nhận cách điều trị

      - Phải ở cuối đời (sắp chết)

      - Phải mắc một bệnh nặng hết phương cứu chữa.

      - Bệnh trạng phải có nét suy sụp nhiều và bất cập cho khả năng sinh tổn

      - Phải thấy đau đớn cho cả thể chất lẫn tâm thần với tính cách thường trực, hết chịu đựng nổi mà cũng không thể nào giảm nhẹ hơn được nữa.


    Thủ tục xin trợ tử bât di bất dịch phải được làm cho đúng, với 2 điều tối cần thiết :

    • - Người sắp chết phải tự tay làm đơn theo một mẫu in sẵn và ký tên trước mặt một nhân viên chuyên nghiệp của ngành Y hay cơ quan Xã Hội.

      - Người sắp chết phải nhắc đi nhắc lại yêu cầu của mình trong nhiều lần tiếp cận vấn đáp khác nhau với bác sĩ của mình.

      Người đã lỡ làm đơn xin trợ tử có quyển tự do bất cứ lúc nào và cách nào cũng có thể thay đổi ý muốn của mình :

      - Hoặc là rút đơn xin trợ tử

      - Hoặc là xin trì hoãn việc thi hành trợ tử.


    Công tác bắt buộc phải làm của người thầy thuốc :

    1) Người thầy thuốc phải tìm hiểu để biết chắc bệnh nhân muốn chết thỏa mãn những điều kiện xin trợ tử, nhất là :

    • - Tính cách tự nguyện tự giác của mình chứ không phải từ những sức ép ngoài cuộc.
      - Tính cách minh bạch của đơn xin, nhất là đã được thông báo tiến trình của căn bệnh,
      khả năng các cách điều trị đã tính và hậu quả của các cách điều trị đó.

      - Tính cách thường trực đau đớn của bệnh nhân và ý chí nhấc nhở nhiều lần muốn xin trợ tử. Ngưởi thầy thuốc cần gặp và nói chuyện với bệnh nhân nhiều lần vào những lúc khác nhau. Những cuộc hội vấn ấy cần có khoảng cách xa gần tùy theo tiến trình của tình trạng bệnh nhân.

      - Bàn cãi về đơn xin trợ tử của bệnh nhân với các nhân viên trong cùng toán thường xuyên săn sóc bệnh nhân.

      - Bàn cãi đơn xin của bệnh nhân với những ngưởi thân thuộc, nếu bệnh nhân muốn.


    2) Người thầy thuốc cần biết chắc bệnh nhân đã có dịp bàn cãi đơn xin trợ tử với những người bệnh nhân muốn tìm gặp.

    3) Người thầy thuốc cần có được ý kiến của một bác sĩ độc lập, xác nhận những điều kiện xin trợ tử đã được tôn trọng.

    Công tác trợ tử chỉ khả thi khi đã hoàn tất các thủ tục tôn trọng các đỏi hỏi đối với bệnh nhân cũng như đối với thầy thuốc.

    Trong trường hợp một bác sĩ thực thi trợ tử một bệnh nhân, ông ta sau đấy phải chuyển một thông báo đến cơ quan hữu quyền như Ủy Ban Y-Nha-Dược trong cơ sở ông ta phục vụ hay Y Sĩ Đoàn Québec. Giấy khai tử nên ghi lý do tư vong là bệnh nguyên thủy tự nhiên của bệnh nhân chứ không nên ghi là “Trợ Tử”, một điều khoản để giữ kín đáo đời tư con người (tối quan trọng trong lãnh vực bảo hiểm nhân mạng chẳng hạn)

    Một thông báo cũng phải gửi đến Ủy Ban Đặc Trách về Công Tác Săn Sóc Cuối Đời (Commission sur les soins de fin de vie). Ủy ban này do luật 52 đặt ra, sẽ do Bộ Y Tế quản trị để đặc trách coi xét công tác săn sóc cuối đời và trông chừng việc áp dụng những đòi hỏi đặc biệt về trợ tử.

    Sau hết song không nhỏ là sự kiện bác sĩ nào cũng có quyền từ chối công tác trợ tử vì lý do tư duy, quan điểm cá nhân. Song bấy giờ ông ta phải lo cho có liên tục trong việc săn sóc bệnh nhân đúng theo luật y nghiệp của ông ta và ý nguyện của bệnh nhân. Ông ta cũng cần thông báo càng sớm càng tốt cho tổng giám đốc cơ sở ông phục vụ để ông này tìm một bác sĩ khác thực thi đơn xin trợ tử của bệnh nhân

    II) Mặt thứ 2 của luật 52 là quyền cho trước những chỉ dẫn điểu trị (Directives médicales anticipées) Quyền này cho phép bất cứ ai dù khỏe mạnh cũng được chọn định trước những phương pháp chữa trị hợp pháp mình muốn chấp thuận hay bác bỏ.

    Những điều định trước này được ghi trước tiên trong hồ sơ bệnh lý cá nhân nhưng sau này sẽ có một Sổ Bộ do bộ Y Tế quản trị. Chi tiết sẽ được quy định khi luật 52 đươc ban hành (Registre des directives médicales anticipées)

    Điều luật này tránh cho chúng ta khỏi tốn tiền nhờ các ông bà Chưởng Khế làm cho cái testament-vie để dặn trước các ông bà bác sĩ đừng có acharnement thérapeutique mà dí điện cho tim tôi đập lại (défibrillateur), đừng máng buồng phổi tôi vào máy giúp thở (respirateur) … khiến tôi phải sống một cuộc đời như cây cỏ, vô phẩm chất. Ý Trời đã định, xin cho tôi vâng mệnh Trời !

    Tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta nên biết những điểm chính yếu sau đây :

    • - Trong chỉ dẫn định trước, chúng ta chỉ có quyền chấp nhận hay từ chối những phương pháp điểu trị đã được Luật Bảo Vệ Sức Khỏe nhìn nhận mà thôi. Thí dụ như ta có quyền từ chối tiếp máu, từ chối điều trị ung thư bằng hoá chất song chấp nhận được chữa bằng điện tuyến-phóng xạ, châm cứu …

      - Chúng ta dứt khoát không có quyền đòi hỏi chữa trị bằng phương cách nào, dù là luật pháp đã nhìn nhận, nói chi đến các phương cách bất hợp pháp. Thí dụ theo truyền thống VN có bệnh thì vái tứ phưong, chúng ta đòi hỏi được gặp thầy vá, thầy véo, nước lạnh, nước nóng chẳng hạn … !

      - Sau hết và cũng quan trọng hơn hết, chúng ta không thể dùng Registre des
      directives médicales anticipées để thay thế cho Demande de l’aide médicale ả mourir.


    Nhất định là phải theo đúng thủ tục dành riêng cho dịch vụ quá ư hệ trọng này !

    Để đúc kết câu chuyện, xin kể một vài nhận xét sau đây :

    - Nói thì dễ nhưng làm mới thật là khó : Bác sĩ thấy bệnh nhân đau đớn, ai chẳng có empathie, muốn giúp đỡ song mấy ai dám nhận chích thuốc cho bệnh nhân vong mạng !

    Tại bệnh viện cháu trai tôi phục vụ, ông Tổng Giám Đốc gửi e-mail cho từng bác sĩ kêu gọi ghi danh nhận làm euthanasie. Vậy mà cả mấy chục bác sĩ hành nghề tại đấy, không một ai ‘‘uầy’’ cho một tiếng !

    Cũng may mà trên báo La Presse số ra ngày 05 tháng 09 mới đây có một số bác sĩ công khai xung phong làm euthanasiens với nhiều lý lẽ cá nhân khác nhau. Đặc biệt là có một ông chuyên giải phẫu não bộ muốn là một Henry Morgentaler chuyên ngành Trợ Tử và mong muốn đuợc chích mũi thuốc trợ tử đầu tiên ở Quebec! Điều nực cười tên ông là Georges L’Éspérance. Song phải nhìn nhận là chết vì bướu não bộ thường đau ghê gớm, muốn chết luôn ! Phài chắc chắn ông ta đã chứng kiến nhiều cảnh hấp hối quá thương tâm như vậy nên mới mong muốn có cái hân hạnh được chích mũi thuốc trợ tử đầu tiên.

    Cũng trong số báo đó, La Presse loan tin toàn thể 29 trung tâm săn sóc bệnh nhân cuối đời ở Québec đồng thanh lên tiếng không nhận làm trợ tử vì không có bác sĩ nào chịu làm. Như vậy chỉ có cách đóng cửa vì luật 52 coi trợ tử là việc tiếp nối (continuum) của công tác săn sóc cuối đời. Bệnh nhân muốn được chết với nhân cách, trung tâm phải tìm cách thực thi ý nguyện chính đáng đúng luật của bệnh nhân

    - Phương cách trợ tử thường là chuyền một giây nước biển vô tĩnh mạch người bệnh có cái chạc 3 ngành sẵn 3 ống chích chứa 3 loại thuốc khác nhau:

    • * Mũi đầu tiên thường là thuốc ngủ rất mạnh loại barbituriques như Sodium Thiopental làm bệnh nhân ngủ ngay đến dộ bất tỉnh.
      * Mũi thứ 2 là Potassium Chloride liều rất cao làm tim ngưng đập tức khắc. Bệnh nhân coi như tử vong rồi.
      * Mũi thứ 3 là Pancuronum Bromide làm tê liệt các cơ bắp khiến bệnh nhân không bị co giật, chết tức khắc và êm ả.


    Vậy mà theo báo chí phương pháp chích thuốc này áp dụng cho tủ nhân bị án tử hình bên Mỹ có người hấp hối cả giờ mới chết ! Làm sao giải nghĩa điều này ? Một là liều lượng không đúng. Hai là những tên đại gian ác này lực lưỡng phi thường đến độ thuốc trợ tử cũng kém hiệu quả ! Ba là quả báo nhỡn tiền, chúng phải chêt thảm khốc, hấp hối cực đã, mới đủ đền tội ác chúng phạm!

    • - Tử dược (Lethal drugs) : Bên Mỹ nhiều tiểu bang có luật trợ tử cho phép bác sĩ ra toa độc dược cho bệnh nhân uống để tự vẫn giải thoát cái hấp hối đau đớn của mình. Điều này giúp cho công việc bác sĩ dễ dàng hơn là vì chích thuốc thấy bệnh nhân chết ngay trước mắt, chứ bệnh nhân tự uống thuốc chết ở đâu không đưọc, khuất mắt trông coi !
      Tử dược hữu hiệu nhất là thuốc viên Sodium hay Potassium Cyanide gây cái chết trong giây phút vì làm não bộ ngưng hoạt dộng vả tim ngưng đập tức thì. Song đa số bác sĩ đều pha chế những potions lẫn lộn nhiều vị thuốc như Seconal, Codeine, Valium, Dalmane, Dilaudid, Demerol, Gardenal, Darvon, Morphine … dễ kiếm trên thị trường thuốc men.

      - Máy trợ tử (euthanasia devices, hay đúng ra là assisted suicide) do các death docters nổi danh từng vào tù ra khám như Jack Kevorkian và Philip Nitschke … chế tạo có nhiều tên đặc chế gợi hình khác nhau (Thanatron, Mercitron, Delivrance Machine, Death Van…) song cũng xài thuốc như IV Barbiturates hay độc khí Carbon Monoxyde Mask…Có loại máy xử dụng computer để người tự vẫn tự điểu khiển cái chết của minh. Rồi còn loại máy có tên là Death Coaster dùng cơ chế montagnes russes để tìm cái chết, không êm ả mà có thể nói là bạo hành nửa !

      - Nhận xét sau cùng là luật 52 thật là cả một công trình tiến bộ dân chủ tự do, phát sinh từ chính phủ Péquiste song thành tựu là nhờ chính phủ Libéral. Một điều đáng ghi nhận nhất là Thủ Tướng Philippe Couillard, một bác sĩ chuyên về phẫu thuật não bộ, đã cho các đảng viên Libéraux xử dụng ‘’vote libre’’để chấp thuận hay gạt bỏ dự luật euthanasie này tùy theo quan điểm riêng tư của mình hay cử tri đã bầu mình ra.

      - Tin giờ chót : Ngày 01 tháng 12 năm 2015, chính phủ liên bang ở Ottawa yêu cầu chính phủ tỉnh bang Quebec hoãn thi hành đạo luật 52 về Trợ Tử để chờ Quốc Hội Canada tu chính đạo luật Hình Sự (Code Criminel) hòng thống nhất vấn đề này. Đồng thời Tòa Thượng Thẩm Quebec (Cour Supérieure) cũng ra một án lệnh treo (có nghĩa là hoãn thực thi) đạo luật nói trên.


    Cả nữ dân biểu thuộc đảng Parti Québécois bà Véronque Hivon (người được coi như mẹ đẻ của đạo luật 52) lẫn bộ trưởng Y Tế là bác sĩ Gaston Barrette thuộc đảng Libéral đều lên tiếng phản đối biện pháp trì hoãn này vì coi như thế là không tôn trọng quyền tự quyết của người dân Quebec.

    Song phản đối chắc chắn chẳng đi đến đâu vì ngành Tư Pháp luôn luôn muốn cho guồng máy tư pháp Canada được thuần nhất. Và xem vậy chúng ta thấy vấn đề trợ tử không giản dị mà trái lại rất phức tạp khó khăn cả về mặt đơn thuần y tế lẫn mặt pháp lý.

    - Dân chủ pháp trị : BS Gaston Barrette kháng cáo án lệnh của Tòa Thượng Thẩm và ngày 09 tháng 12 năm 2015, Tòa Phá Án (Cour d’Appel du Québec) phán quyết hủy bỏ án lệnh của Tòa Thượng Thẩm. Hai ngày sau, Thủ Tướng Liên Bang Justin Trudeau và Thủ Tướng Tỉnh Bang Philippe Couillard cùng xuất hiện trên đài truyền hình để đồng công bố Luật 52 về Trợ Tử của Quebec có hiệu lực ngay tức khắc trong tỉnh bang Québec thay vì phải chờ Liên Bang Canada tu chính đạo luật Hình Sự.

    Nói một cách khác, người dân Quebec đã được phép và quyền tiến một bước trước phần còn lại của Canada (thường được gọi là ROC, the Rest of Canada)

    Đặng Ngọc Thuận


    Nguồn:http://nhinrabonphuong.blogspot.com.au