Trang 7/13
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Chủ nhật 23/03/25 18:12
bởi Hoàng Vân
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Chủ nhật 23/03/25 18:25
bởi Hoàng Vân
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ tư 26/03/25 19:24
bởi Hoàng Vân
người đàn bà ngụ bên bến sông
_____________________
Trang Y Hạ
Ngày chị dời nhà về bên bến sông
đất ở nơi đây, lây cái nghèo của chị
nuộc lạc buộc lá dừa làm tấm vách thật kỹ
chị sợ tốc bay khi gió chướng vỗ về
chiếc xuồng neo chòng chành bên cọc kè
chị cũng có một thời – cứ cho là sung sướng
con chị được cắp sách đến trường
chồng chị đi lính đến tháng lãnh lương
anh gởi tiền đều đều về cho chị
không nhiều lắm
nhưng cái tình mới thật là đáng quí
khi anh về phép chị hết mình chăm lo…
ngày “hòa bình” chị chở xác anh qua đò
chạy thẳng tuốt vô đồng – bên quê nội!
nhìn ba đứa con trong lòng như tơ rối
chị giấu giọt nước mắt trong tâm.
◙
Chị về ngụ bên bờ sông nầy đã mấy năm
chiếc xuồng trôi mòn theo con nước
bìm bịp – chị nghe quen tai – mỗi ngày xuôi ngược
những đứa con ngấm hạt phù sa, lớn khôn.
giọt mưa đêm thấm qua vách lá, bồn chồn
chị nhớ anh!
nhớ ngày anh bôn ba hành quân đi đánh giặc
về phép – anh đưa chị qua phía bên kia bắc…
anh mua cho chị,
cho con – chiếc áo mới đón xuân
chị nhìn anh ngập ngừng – anh hiểu ý…
đời lính bọn anh quần áo có thiếu chi
rồi chồng chị ra đi – ra đi không bao giờ trở lại
kỷ niệm về anh – chị nhớ mãi
“…lấy chồng đời chiến binh…”
vắng anh, cái chòi mẹ con chị ở – mãi chùng chình
bởi thiếu bàn tay người đàn ông cầm giữ
chị thương các đứa con thiếu chữ
giọt nước mắt tuôn rơi!
chiếc nhẫn cưới ngày nào cũng bán để tiêu rồi
chị cảm thấy – quả thật là có lỗi.
◙
Thăm thẳm đêm màu tối
bốn mẹ con nắm tay nhau ra bờ sông
leo lên thuyền xuôi dòng
chị nhìn lên bầu trời cầu mong…
rạng rỡ các vì sao!
lênh đênh trên sóng biển – nước mắt chị lại trào
anh ơi – hãy phù hộ
cho mẹ con em được xuôi chèo mát mái
qua bên nớ các con sẽ tìm lại
thời hào hùng đi giữ nước trong anh.
(Trang Y Hạ)
https://tonthattue.blogspot.com/2025/03 ... -y-ha.html
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:05
bởi Hoàng Vân
Ngày Quân Đoàn I "tan hàng"
______________________
Trần Lý

Trên đây là những tựa đề của một số bài viết về sự tan rã của Quân Đoàn I trong những ngày cuối tháng Ba năm 1975.
Phạm vi của bài này xin chỉ giới hạn trong những ngày cuối cùng của Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I và bộ máy hành chánh VNCH tại Đà Nẵng qua những tài liệu trong các tập sách, các bài chuyên khảo, hồi ký Việt-Mỹ viết về chiến Tranh VN. Một số chi tiết được cung cấp qua các buổi mạn đàm của Tác giả và Trung Tá Nguyễn Phú Đức, Chánh Văn Phòng của Tướng Ngô Quang Trưởng.
'Saigon, Nam Việt Nam, Chủ Nhật 30 tháng Ba: Một phát ngôn viên của Chính Phủ Sàigòn cho biết là ngày hôm nay, các liên lạc vô tuyến giữa Saigon và Đà Nẵng, đang bị bao vây, đã bị gián đoạn. và đây là dấu hiệu cho thấy Đà Nẵng đã thất thủ' (Malcolm Brown, The NewYork Times, March 30.1975).
Ký giả Brown cho biết thêm: 'Một nguồn tin đáng tin cậy ở cấp cao hơn cho biết vẫn còn có liên lạc vô tuyến giữa Trung ương vả những quan sát viên VN từ một chiến hạm ngoài khơi Đà Nẵng ; tuy nhiên đây rõ rệt là Chính Phủ Saigon đã mất Đà Nẵng'.
Đài BBC Luân Đôn, ngay tối 29 tháng 3 năm 1975 đã loan báo Đà Nẵng thất thủ với 100 ngàn quân bị bắt làm tù binh.
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, trong 'Can Trường Trong Chiến Bại' viết: ' Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 29, Tướng Trưởng, khoác áo phao, cùng Đại Tá Trí, Phó TL TQLC bơi ra biển, được Chiến Hạm HQ 401 vớt. Khi khoác áo phao, Tướng Trưởng thốt ra một câu: 'Coi như đây là một cuộc tự thoát !'.
Các vị chỉ huy cao cấp nhất tại Quân Đoàn I (khi rã hàng):
Tư Lệnh Quân Đoàn I: Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
Tư Lệnh Phó / Hành qQuân: Tr/ Tướng Lâm Quang Thi
Tư Lệnh Phó/ Lãnh Thổ: Thiếu Tướng Huỳnh văn Lạc
Tham Mưu Trưởng: Đại Tá Hoàng Mạnh Đáng
Chỉ huy Trưởng Pháo binh: Đại Tá Phạm Kim Chung
Trưởng Phòng 2 Q/Đ: Đ/ Tá Nguyễn văn Phô
Phòng 3: Đ/ Tá Lê Bá Khiếu
Tư Lệnh và Phó Tư Lệnh các Sư Đoàn:
- SĐ 1 BB: Chuẩn Tướng Nguyễn văn Điềm / Đ/Tá Trương Tấn Thục
- SĐ 2 BB: Ch/Tướng Trần văn Nhựt / Đ/Tá Hoàng Tích Thông
- SĐ 3 BB: Ch/Tướng Nguyễn Duy Hinh / Đ/Tá Ngô văn Lợi
Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải: Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại / Tư Lệnh phó: HQ Đ/Tá Nguyễn Công Hội.
Sư Đoàn 1 KQ: Chuẩn Tướng Nguyễn Đức Khánh
Không đoàn 41: Đ/Tá Thái Bá Đệ
Không đoàn 51: Đ/Tá Đặng Văn Phước
Không đoàn 61: Đ/Tá Nguyễn Văn Vượng
Các đơn vị khác tại Đà Nẵng:
- SĐ Thủy Quân Lục Chiến: Tư Lệnh: Th/Tướng Bùi Thế Lân / Phó: Đ/Tá Nguyễn Thành Trí.
Các Tỉnh Trưởng và Thị Trưởng:
- Quảng Trị: Đ/Tá Đỗ Kỳ
- Thừa Thiên/ Huế: Đ/Tá Nguyễn Hữu Duệ
- Quảng Nam: Đ/Tá Phạm Văn Chung
(Thị Trưởng Đà Nẵng: Đ/Tá Đào Trọng Tường)
- Quảng Tín: Đ/Tá Đào Mộng Xuân
- Quảng Ngãi: Đ/Tá Lê Văn Ngọc
Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát QG Vùng I: Đ/Tá CS Nguyễn Văn Lộc / Chỉ Huy Phó: Tr/Tá CS Hồ Quang Khâm
Diễn biến của các sự kiện:
Ngày 28 tháng Ba, năm 1975
Tại phi trường Đà Nẵng (theo Song Chùy 213 - Một Thời Để Nhớ)
Không Đoàn 41 CT với các phi cơ khu trục và vận tải đã được lệnh di tản từ trước, chỉ còn lại KĐ Yểm Cứ/ Kỹ Thuật Và Kiến Tạo cùng KĐ 51 CT với 6 Phi đoàn trực thăng 213, 233, 239,253, 257 và 247 cố thủ.
Suốt ngày 28 tháng 3, cầu không vận từ Sài Gòn đã chấm dứt nên không còn chuyến C-130 nào ra đáp. Từ sáng đến chiều, HQ không yêu cầu một phi vụ nào nên phi trường vắng bóng phi cơ lên xuống. Một chuyến Boeing đặc biệt vào đáp chỉ để đón một mình gia đình Tr/Sĩ Phát (?), phi cơ chỉ taxi vào hậu trạm dân sự gần PĐ 257 rồi quay trở ra liền, vừa taxi chầm chậm trên phi đạo vừa mở cửa, có chiếc jeep chạy theo đưa người lên (Song Chùy 213).
8 giờ tối: Cộng quân bắt đầu pháo kích vào phi trường. Trận đại pháo khốc liệt với hàng loạt hỏa tiễn 130 ly liên tục rót vào phi trường Đà Nẵng. phi trường trở thành tê liệt hoàn toàn! Không cấp chỉ huy thẩm quyền nào dám trực tiếp ban hành lệnh rút lui nên khi pháo kích tới mọi người tự động coi đó là hiệu lệnh cuối cùng, mạnh ai nấy cất cánh mà đi. Sau đợt pháo đầu tiên vừa tạm ngưng, anh em tự động phóng ra khu bãi đậu, quay máy và các trực thăng bốc thẳng lên như bướm vỡ tổ, di tản sang phi trường Non Nước ở hướng Đông cạnh Ngũ Hành Sơn (Marble Mountains Airfield) và từ đây một số đã tự động bay đêm vào Phù Cát (một số phi cơ đã bị mất tích).
Trong ngày 28 tháng 3, các nhân viên dân sự Hoa Kỳ cùng thân nhân và một số nhân viên VN làm việc cho CORDS (Civil Operations and Rural Development Service) đã được di tản bằng 4 chuyến bay của Air America dùng các C-46 và C-47 đáp xuống phi trường Non Nước. Cũng tại phi trường này 4 chuyến bay DC-4 của Air Việt Nam đã được thực hiện.
Tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I:
Sáng 28 tháng 3, Trung Tướng Lê Nguyên Khang, phụ tá của Đ/Tướng Viên bay ra Đà Nẵng để nghiên cứu tình hình tại chỗ (Máy bay riêng của Tướng Khang đáp tại phi trường Non Nước). Một buổi họp được triệu tập gồm tư lệnh các sư đoàn, tỉnh trưởng, KQ và HQ để duyệt xét tình hình (Tướng Lạc vắng mặt, ở lại Sài Gòn sau khi từ chối không đi cùng Tướng Khang trở ra Đà Nẵng). Sau cuộc họp, Tướng Khang bay trở về Saigon, ghi nhận tình trạng hỗn loạn đang diễn ra tại Đà Nẵng. Tướng Trưởng sau đó dùng trực thăng để bay đi xem xét tình hình.
Khoảng 5 giờ chiều 28 tháng 3: Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn I, với sự hướng dẫn của Đ/Tá Đáng, Tham Mưu Trưởng đã di chuyển sang Bộ chỉ huy 1 Tiếp Vận tại Mỹ Khê gặp Đ/Tá Ngô Minh Châu (Chỉ Huy Trưởng) để di tản. Sau đó toàn bộ đi về Sơn Chà và dùng tàu kéo do Trung Tá Trần Bá Tuấn, Chỉ Huy phó Sở Công Tác thuộc Nha Kỹ Thuật Bộ TTM chuẩn bị sẵn để di chuyển về Nam. Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn I tan hàng! Đại Tá Hoàng Mạnh Đáng đã mô tả tình trạng của Bộ TL QĐI như sau: '.tại Bộ TL QĐ I, mọi người đều rã ngũ. Tài xế, nhân viên truyền tin, binh sĩ thuộc Đại đội Tổng hành dinh... đều bỏ chạy.'
Tại Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn I, Trung Tá Đức, Chánh văn phòng của Tướng Trưởng vẫn chờ lệnh, và nhận được điện thoại của Tướng Trưởng gọi sang căn cứ HQ Non Nước, Ông ra ngoài. Bộ Tư Lệnh QĐ hầu như bỏ ngỏ. Các sĩ quan đã tự động rã hàng. Tr/Tá Đức chỉ kịp lấy chai 'rượu thuốc' của Tướng Trưởng cùng cặp sách trong có tấm chi phiếu 1 triệu đồng của QĐI chưa kịp lãnh và cùng một tài xế chạy sang Non Nước. Bộ Tư Lệnh QĐ I hoàn toàn bỏ ngỏ.
Cũng khoảng 5 giờ chiều, Tướng Trưởng mời các Tướng Lân, Phó Đề đốc Thoại đến họp tại Bộ Tư Lệnh TQLC ở Non Nước. Tại đây có cả Ông Albert Francis, Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Đà Nẵng, bàn về việc rút các Lữ đoàn TQLC còn lại (458 và 369) cùng Bộ Chỉ Huy ra khỏi Đà Nẵng. Sau cuộc họp, Tướng Trưởng tiếp tục dùng trực thăng bay đi thị sát, Phó ĐĐ Thoại bay về căn cứ HQ có Ô Francis cùng đi theo.Tại căn cứ HQ, Ô Francis cùng 2 nhà báo Úc (?) đã dùng chiến đỉnh riêng của Phó ĐĐ Thoại để ra tàu HQ 5 ngoài khơi. (Nhà báo Alan Dawson, trong tập sách 55 days- The Fall of South Viet Nam, trang 175, đã viết theo óc 'tưởng tượng' là Ô Francis đã dìu Tướng Trưởng để bơi ra tàu!)
Khoảng 8 giờ 30, Tướng Trưởng đáp trực thăng xuống căn cứ HQ và dùng hệ thống viễn thông của HQ để 'nói chuyện' trực tiếp với Tướng Viên và sau đó với TT Thiệu. Tướng Lân cùng đoàn tùy tùng cũng dùng trực thăng đến căn cứ HQ.
9 giờ tối: Cộng quân bắt đầu pháo kích vào căn cứ HQ bằng đại bác 130 ly và hỏa tiễn từ phía Nam Ô và từ chân đèo Hải Vân. Dân tràn vào căn cứ HQ. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại Hầm Chỉ huy trong căn cứ HQ Tiên Sa với sự có mặt của các Tướng Trưởng, Thi, Lân, Hinh, Thoại (thiếu các Tướng Điềm còn ở Đặc khu, Khánh mất liên lạc khi cộng quân pháo vào phi trường) và trong buổi họp này, Tướng Trưởng đã quyết định rút quân toàn diện khỏi Đà Nẵng. Buổi họp chấm dứt lúc 10 giờ 30. Tướng Thi đề nghị và được chấp thuận lập một bộ chỉ huy hành quân lưu động cho QĐ I từ tàu HQ ngoài khơi, nên dùng trực thăng cùng HQ Đ/Tá Nguyễn Xuân Sơn (Tư Lệnh Hạm Đội) bay ra tàu lúc 10 giờ 45. (Trực thăng này do Tr/Úy Tâm điều khiển. Lần đầu tiên bay đáp xuống một LST ban đêm,ngoài khơi). Sau đó Tướng Thi và Đ/Tá Sơn chuyển sang chiến hạm HQ 405. Bộ Tham Mưu của HQ Vùng 1 Duyên Hải, dưới quyền chỉ huy của HQ Đ/Tá Hội, Tư Lệnh phó di chuyển bộ về bãi biển Tiên Sa để ra Dương vận hạm ngoài khơi, cùng trong đoàn di tản có Đ/Tá Quế, Tham Mưu trưởng TQLC. Tại căn cứ, còn lại các Tướng Trưởng, Tướng Lân, Phó Đề Đốc Thoại. Trực thăng riêng của Tướng Trưởng đã bị hư hại do đạn pháo kích nên Ông gọi một trực thăng từ SĐ1 KQ đến thay thế. Trực thăng này do Đ/Tá Đặng văn Phước, Không đoàn Trưởng KĐ 51 lái, đáp xuống và đón Tướng Trưởng, đi theo có Đ/Úy Hòa, cận vệ. Trực thăng rời căn cứ lúc 11 giờ 15 tối, đích thân Phó Đề Đốc Thoại đưa tiễn Tướng Trưởng (Bài viết của tác giả Phiến Đan ghi lại một cách bi thảm nhưng 'kém chính xác' hơn: “các đơn vị đã di tản, không còn liên lạc để kêu chiếc trực thăng khác được. Đột nhiên trên trời xuất hiện một chiếc trực thăng không biết của đơn vị nào. Đ/Úy Hòa phải dùng đèn pin chiếu lên phi cơ rồi chiếu vào chiếc cặp samsonite ông đang cầm để cho phi công trực thăng biết là ở dưới có cấp chỉ huy cao cấp.' Trực thăng của Tướng Trưởng bay về Đài kiểm báo Sơn Chà và Ông gặp Tướng Khánh, Đ/Tá Vượng. Sau một phiên họp ngắn, tất cả bay trở lại Tiên Sa, nhưng căn cứ lúc này đã trống vắng, nên trực thăng bay về căn cứ Non Nước , nơi đặt Bộ TL TQLC (trong lúc này, Tướng Lân và Phó Đề Đốc Thoại cùng đoàn tùy tùng, sau khi biết là tất cả các trực thăng riêng đều đã bị hư hại do pháo kích, đã di chuyển khỏi hầm chỉ huy tại căn cứ HQ Tiên Sa ra một bờ biển nhỏ phía sau núi để tìm cách gọi chiến hạm vào đón). Tại căn cứ TQLC chỉ còn Đ/Tá Trí, Phó Tư Lệnh TQLC), và tại đây, Tướng Trưởng cho phép các SQ KQ, và BB tùy nghi di tản, dùng chiếc trực thăng sau cùng này để tìm đường tự thoát. Ông quyết định rút theo TQLC. Khoảng 10 giờ 30 sáng ngày 29 tháng 3, các chiến hạm HQ 401, 402 và 404 đã vào đón TQLC. Do tàu nhỏ không thể vào bãi nên Đ/Tá Trí, Đ/Úy Hòa đã giúp Tứớng Trưởng choàng áo phao để cùng bơi ra tàu nhỏ và sau đó được đưa lên HQ 401 và chuyển sang HQ 404. (Tác giả Phạm Bá Hoa, trong Đôi dòng ghi nhớ, ghi lại theo lởi kể của Đ/Tá Trí, có một chi tiết'thiếu chính xác' là 'Tướng Lân đã rời SĐ TQLC và ra khơi lên chiến hạm của Hải quân từ chiều 28 tháng 3 (?), trên thực tế Tướng Lân và tùy tùng.vẫn còn ở căn cứ HQ cùng Phó Đề Đốc Thoại). Trên HQ 404 đã có mặt Đ/Tá Nguyễn Xuân Hường, Tư Lệnh Lữ đoàn 1 Kỵ Binh.
Sau khi Tướng Trưởng quyết định ở lại với TQLC và cho phép các SQ thuộc cấp tự di tản, Tướng Khánh đã cùng những SQ tháp tùng bay trở về Sơn Chà, kiếm xăng, chuyển từng nón sắt từ các trực thăng khác bị bỏ lại đang còn tại bãi đáp và định bay ra ngoài khơi vùng Non Nước để tìm đáp xuống một chiến hạm, nhưng trời mù và các chiến hạm lớn lại tập trung ở Mỹ Khê. Ông đành quyết định trở lại bãi biển Non Nước và cùng tùy tùng bơi ra biển để sau cùng lên HQ 404 (trong đoàn còn có Đ/Tá Vượng, Phước KQ, Đ/Tá Duệ Tỉnh Trưởng Thừa Thiên). Trong khi đó, một toán khác (21 người) gồm Tướng Hinh, tùy tùng và một số SQ KQ đã được tiếp cứu sau khi gửi tín hiệu khẩn cấp và được HQ 802 đưa tàu nhỏ vào đón kịp. Tướng Lân và Phó Đề Đốc Thoại, sau những trục trặc về liên lạc viễn thông, cuối cùng nhờ may mắn đã liên lạc được với HQ 802 và được tàu nhỏ vào vớt trong đêm (khoảng 3 giờ rạng sáng ngày 29 tháng 3). Tướng Lân và Phó Đề Đốc Thoại được chuyển lên HQ 802 vào 8 giờ sáng 29 tháng 3.
Đoàn chiến hạm HQ, chở đầy binh sĩ và dân di tản đã trực chỉ Quy Nhơn và Cam Ranh. HQ 2, HQ3 đi về Quy Nhơn, các chiến hạm chở quân đa số thuộc SĐ2 BB và SĐ TQLC như HQ5, HQ 401, HQ 402, HQ 404 và HQ 802 đi về Cam Ranh. Các chiến hạm còn lại di chuyển dọc bờ biển để tìm vớt những đơn vị còn lạc lại.
(Kể từ trưa 31 tháng 3, 1975 tất cả các chiến hạm rời khỏi vùng I và Vùng I cùng QĐ I chính thức tan hàng.)
Thành phố Đà Nẵng:
Đà Nẵng đã trở thành một thành phố vô trật tự và rối loạn. Người dân từ các nơi trong Vùng I chạy về tìm nơi tạm trú, người dân Đà Nẵng tìm đường chạy đi. Binh sĩ từ các đơn vị tan hàng với võ khí trong tay tự động cướp bóc. Lưu thông trong thành phố bị ứ đọng, mọi di chuyển đều bị trở ngại (Tổng Y viện Duy Tân đã không thể đưa được 340 thương bệnh binh ra phi trường). Hơn một triệu dân tị nạn chiếm ngụ các công thự và cao ốc và sinh hoạt tại bất cứ nơi nào còn chỗ trống. Bộ Chỉ Huy Quân Trấn Đà Nẵng được lệnh rõ ràng: Bất cứ kẻ nào dùng súng đạn cướp bóc, xâm phạm tính mạng và tài sản của dân chúng sẽ bị lực lượng an ninh, quân cảnh bắn hạ tại chỗ'. Tuy nhiên lệnh Thiết quân luật cũng không còn được thi hành. Với tình trạng này, Đà Nẵng sẽ tự sụp đổ, không cần Cộng quân tấn công. Tổ chức hành chánh của VNCH đã hoàn toàn tự tan rã, công chức, cán bộ các cấp từ Tỉnh xuống đến xã ấp đều tự động tìm đường thoát thân. Cảnh sát và các cán bộ an ninh đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn và vô lương tâm nhất.
Tình trạng tại bến tàu Đà Nẵng: Đây là lối thoát duy nhất cho những người muốn rời Đà Nẵng. Sự hỗn loạn cũng không kém bên trong thành phố. Dân chạy loạn thuê mướn ghe thuyền nhỏ để tự di chuyển từ bờ ra ngoài khơi nơi một số sà lan và tàu chuyên chở của Hoa Kỳ thả neo chờ. Mỗi tàu sẽ nhổ neo về Cam Ranh khi số người lên đến chừng 10 ngàn. Ba chiếc tàu của Hoa Kỳ The Pioneer Commander, The Pioneer Contender và chiếc USNS Miller, một chiếc tàu vận tải của HQHK do một thủy thủ đoàn dân sự điều khiển đã được sử dụng trong chiến dịch di tản và di chuyển được hàng chục ngàn người vào Cam Ranh.
Hoạt động của Cộng quân:
Ngay từ rạng sáng 28 tháng 3, Bộ chỉ huy cộng quân tại Đà Nẵng đã công bố lệnh tổng tấn công và nổi dậy cho toàn bộ quân và cán bộ thuộc Quảng Đà. Đài phát thanh Hà Nội đã cho phát thanh những lệnh hành quân cho quân của họ, và xúi giục cuộc nổi dậy của dân chúng. Tuy nhiên trên thực tế Đà Nẵng đã hoàn toàn tê liệt và dân chúng đã biết chắc là thị xã sẽ lọt vào tay cộng quân, chỉ biết tìm đường tự thoát bằng mọi cách.
Các lực lượng quân sự của CS tại Quảng Nam- Đà Nẵng trước tình hình 'tự tan rã' của chính quyền VNCH đã tổ chức 3 mũi tiến quân vào Đà Nẵng:
- Mũi thứ 1: các Trung đoàn 96 và 97 CSBV từ hướng Đông Hòa Hải tấn công vào căn cứ Non Nước, phi trường Nước mặn và từ đó ra An Hải, Mỹ Khê, Sơn Chà.
- Mũi thứ 2: Các Tiểu đoàn 1 (R20), 2, Đặc công 89 cùng SĐ 2 CSBV theo Quốc lộ 1 vào Cầu đỏ đễ tiến về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 VNCH, Tòa Thị Chính Đà Nẵng.
- Mủi thứ 3: SĐ 304 CSBV cùng các Tiểu đoàn 89, 35 và 575 từ Tây Bắc Hòa Vang tấn công từ hướng Sùng Mây, Phước Tường về phi trường Đà Nẵng.
Liên tục trong suốt ngày/đêm 28 tháng 3, cộng quân dùng pháo binh của QK 5CSBV, và các Tiểu đoàn Pháo 575, 577 liên tục pháo kích vàc phi trường Đà Nẵng và căn cứ HQ Sơn Chà.
Ngày 29 tháng 3, 1975:
Phi trường Non Nước:
Sau khi phi trường Đà Nẵng bị pháo kích và trở thành không thể sử dụng, các trực thăng còn lại đều về đáp tại Non Nước và không còn nhận được lệnh từ các cấp chỉ huy! Các phi công tùy nghi hành động và tự quyết định.
Phi công Song Chùy ghi lại: '…Cuối cùng mệt mỏi vì cả ngày chưa ăn uống gì, tôi đáp xuống Non Nước tắt máy, tìm giấc ngủ dưới bụng phi cơ trên bãi cỏ bên cạnh phi đạo. Sáng 29/3, sau giấc ngủ ngon lành, tôi thưc dậy khi trời mờ sáng thì bạn bè đã bỏ đi hết. Trên phi đạo Non Nước còn mấy chục trực thăng xếp hàng dài như sắp cất cánh hành quân mà không có pilot.' Phi công SC sau đó tìm mọi cách đổ thêm xăng, kể cả dùng ruột xe làm ống dẫn và cuối cùng cất cánh rời kho dầu Chợ Mới lúc 5 gìờ chiều. Có thể nói đây là chiếc trực thăng cuối cùng của SĐ 1 KQ, mang số 107, rời không phận Đà Nẵng.
Tập Quân Sử Không Quân VNCH ghi lại (trang 193-194):
'Ngày 27/3, tình hình rối loạn tại Đà Nẵng càng trở nên nguy hiểm hơn khi VC bắt đầu pháo kích vào thành phố và phi trường. Ngay trong đêm đó, Thiếu Tướng Võ Xuân Lành, Tư Lệnh phó KQVN từ Tân Sơn Nhứt đã bay ra để lượng định tình hình' Tướng Lành nhận định KQ phải rút khỏi Đà Nẵng để bảo toàn lực lượng, nhưng không đủ thẩm quyền quyết định nên chỉ cho 8 chiếc C-130 từ Sàigon bay ra ngay trong đêm để bắt đầu di tản binh sĩ và gia đình, ưu tiên cho các chuyên viên kỹ thuật. Bước sang ngày 28/3, vì VC gia tăng pháo kích, Ch/Tướng Khánh, Sư Đoàn Trưởng SĐ 1 KQ đã ra lệnh cho tât cả mọi phi cơ còn có thể bay được, rời Đà Nẵng càng sớm càng tốt. Trong ngày 28 và sáng 29, các phi công đã đưa được 130 phi cơ về TSN, tuy nhiên SĐ 1 KQ đã mất đến 180 phi cơ (để lại hoặc bị rớt trong khi di tản) trong đó có trọn hai phi đoàn C-7 Caribou đang đình động và một số A-37.' (theo Phi Công Phạm văn Cầu, PĐ 427, thì một số Caribou khả dụng đã về được Sàigòn, trong đó có chiếc Caribou do chính ông điều khiển. Chiếc C-7 này bay được về TSN hoàn toàn không có vô tuyến liên lạc vì phi hành đoàn không ai mang theo headset, phòng lái không có điện, đồng hồ xăng bất khiển dụng. Một chiếc C-7 khác cũng không có vô tuyến nên đã phải lắc cánh khi bay xả qua trước trạm không lưu.)
Tác giả Robert Mikesh trong 'Flying Dragons, The South Vietnamese Air Force' , trang 143-44 ghi rõ hơn là SĐ 1 KQ đã bỏ lại 33 chiếc A-37, các phi cơ Caribou C-7 (khoảng 40 chiếc-LTG) do thiếu cơ phận và bảo trì đang được đóng gói cẩn thận. Cũng trong tập sách này, Tr/Úy Phạm Quang Khiêm, hoa tiêu phụ cho Đ/Úy Nguyễn văn Chuân, cùng bay 1 chiếc C-130 từ Saigon ra giúp di tản cho biết chuyến phi cơ của ông đã chở đến 350 người (trong khi con số dự trù tối đa là 200 người). Đ/Úy Vĩnh Phổ, phi công của một AC-119, thuộc Biệt đội 831, đang biệt phái công tác tại Đà Nẵng, ghi lại là phi cơ của ông khi rời bãi đậu phải lăn bánh qua cả 100 xác người, chết vì pháo kích, để ra phi đạo.
Trong lúc hỗn loạn, các phi công không thể cất cánh an toàn, phi cơ bị rơi trong khi bay thoát vì trục trặc kỹ thuật hoặc hết nhiên liệu. Trong khi di tản bằng trực thăng, một số sĩ quan cao cấp của SĐ1KQ đã bị mất tích do phi cơ rơi hay do bị bắn hạ như Đ/Tá Nguyễn Bình Trứ KĐ Trưởng KĐ 10 Bảo trì & Tiếp liệu. Trung Tá Hùng, Trung tâm Hành quân SĐ 1, tự bay 1 chiếc L-19 cùng 2 con nhỏ về Nam. Chiếc Chinook CH-47 do Đ/Úy Hoàng Bôi (PĐ 247) làm phi công chinh và Tr/Úy Nguyễn văn Tám phi công phụ, chở theo 17 người không gặp may đã bị bắn hạ khi bay qua không phận Sa Huỳnh, phi cơ phải đáp khẩn cấp xuống xã Vĩnh Tuy, Phú Thạnh. Cả hai đã tự sát vì không muốn bị bắt làm tù binh. Một chiếc Chinook khác do Đ/Úy Phạm văn Kiến làm phi công chính, Tr/Úy Nguyễn đình Hương phi công phụ, Đ/Úy Nguyễn Anh Dũng, hoa tiêu chở theo gần 60 người, do trọng tải quá nặng, phải bay ở cao độ thấp, cũng bị trúng đạn khi bay qua vùng Sa Huỳnh, tại Xã Phổ Châu, quận Đức Phổ. Phi công phụ bị thương nặng. Đ/Úy Kiến đã buộc phải hạ cánh. Đại Úy Dũng đã bắn Tr/Úy Hương theo yêu cầu của Hương và tự sát sau đó.
Theo Malcolm Brown của NewYork Times thì trong buổi sáng sớm 29/ 3, 10 chiếc UH-1 cuối cùng của KQVN đã chở các nhân viên KQ còn kẹt lại bay khỏi Đà Nẵng, mỗi phi cơ chở ít nhất là 20 người bay về Non Nước để tìm xăng, nhưng đa số đã không gặp may: Một phi cơ hết xăng phải đáp xuống Cù lao Ré, một chiếc khác phải đáp xuống Chu Lai đã bị VC chiếm đóng từ 2 ngày trước,4 chiếc khác bị trúng đạn phòng không của cộng quân gần Chu Lai và chỉ 4 chiếc về được Sài Gòn (trực thăng của Tướng Điềm cũng hết xăng và rơi trong vùng Sa Huỳnh, tất cả mọi người trên phi cơ tử nạn ngoại trừ Phi Công Bình sống sót).
Trưa ngày 29, một phi cơ dân sự Hoa Kỳ, chiếc Boeing 727 của Công ty World Airway do quyết định liều lĩnh của phi công và do may mắn đã bất ngờ đáp xuống phi trường Đà Nẵng, bốc được khoảng 268 người (trong đó có 150 binh sĩ thuộc ĐĐ Hắc báo SĐ1BB, đã dùng vũ khí để dành được chỗ trên phi cơ), trước sự ngỡ ngàng của cộng quân đang có mặt tại phi trường. Khi phi cơ cất cánh, súng bắn theo, cửa bánh đáp để mở vì có 4 người nằm bên trong, 1 đã chết khi phi cơ đáp tại Biên Hòa. Chiếc 727 thứ nhì, bay vòng trên không phận Đà Nẵng đã không dám đáp xuống và đành trở về Saigon.
Thành phố Đà Nẵng:
Ngay từ đêm 28, Đà Nẵng đã trở thành 'vô chánh quyền', dân chúng tiếp tục dùng đủ mọi phương tiện di chuyển về phía Tiên Sa và bến cảng. Sáng sớm ngày 29, Th/Tá Phan Đức Minh, Phó Ủy viên Chính Phủ Toà án Mặt trận Vùng I, do bất ngờ 'kẹt' tại Quân Lao Đà Nẵng, đã tự quyết định làm lệnh thả hết các quân phạm, độ 1000 người và giải tán các quân nhân cơ hữu của Quân Lao.
8 giờ sáng ngày 29 tháng Ba, từ Chùa Pháp Lâm, đường Ông Ích Khiêm, tổ chức mệnh danh là 'Lực lượng Hòa-hợp Hòa giải Thị bộ Đà Nẵng' đã tổ chức hai đoàn xe do các tu sĩ Phật giáo ngồi trên xe, cắm cờ Phật giáo và cờ MTGP đi theo 2 ngã, một về phía Hòa Mỹ hướng ra đèo Hải Vân và một về phía Phước Tường phía Hòa Cầm để đi vào Quảng Nam, Tam Kỳ để đón quân CSBV vào thành phố.
Đến 1 giờ trưa ngày 29 tháng 3, đoàn xe trở lại Đà Nẵng cùng với các xe thiết giáp và xe chở binh sĩ CSBV theo sau. (Hàn giang Trần Lệ Tuyền: 30 tháng 4-75 Máu và Nước Mắt).
Theo thông báo chính thức của CSBV thì họ 'hoàn toàn giải phóng' Đà Nẵng vào lúc 11 giờ 30 ngày 29 tháng 3 năm 1975.
- Những sự kiện, kết cuộc:
Con số chính thức do CSBV công bố thì họ bắt được làm tù binh tại Đà Nẵng là 73 ngàn quân-cán chính VNCH trong đó 54 ngàn binh sĩ, 9800 Điạ Phương Quân, 5600 Nghĩa Quân và 3100 Cảnh Sát. Số sĩ quan bị bắt gồm 10 Đại Tá, 70 Tr/Tá, 260 Th/Tá, 1300 Đ/Úy, 1900 Tr/Úy, 2000 Th/Úy và 2300 Chuẩn Úy. (Tư liệu của Bộ Chỉ huy Quân sự QN-DN cũ)
Ngay từ trưa 29 tháng 3, Lực lượng Hòa giải (?) Phật giáo đã hướng dẫn bộ đội CSBV đến tiếp quản các trụ sở hành chánh và căn cứ quân sự của VNCH, kêu gọi treo cờ Phật giáo. Đội 'An ninh Phật giáo' đi lùng bắt các nhân viên an ninh, cảnh sát VNCH và đã bắn chết tại chỗ một số nạn nhân.
TĐ 9 TQLC, thuộc Lữ Đoàn 269, trú đóng tại Đại Lộc, Quảng Nam được lệnh rút quân vào 6 giờ chiều ngày 28 tháng 3 để về Non Nước. Gần 11 giờ trưa, ngày 29 đơn vị tiền phương của TĐ mới đến được Sông Hàn và quá trễ để được di tản, đành tan hàng vào trưa 30 trên bãi biển An Hải.
Trong đêm 30, rạng 31 tháng 3 các chiến hạm HQ 7 và HQ 403 tuần tiễu trong vùng Sơn Chà và Bãi Bắc, vớt được 45 TQLC, 8 thuộc SĐ3, 18 BĐQ.
- Tài liệu sử dụng và ghi chú:
Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa (Cao Văn Viên, bản dịch của Nguyễn Kỳ Phong). Tập sách viết một cách tổng quát về một số dữ kiện khi QĐ I tan hàng. Tác giả Trọng Đạt đã viện dẫn nhiều chi tiết để dùng trong bài Tuyến Đầu Thất Thủ của ông.
Can Trường Trong Chiến Bại (Hồ Căn Kỳ Thoại): Đây là tập sách có thể được xem như một tài liệu chính xác nhất về cuộc 'tan hàng' tại Vùng I. Tướng HQ Hồ văn Kỳ Thoại đã ghi lại rất nhiều chi tiết về những giờ phút cuối cùng tại căn cứ Tiên Sa cùng các Tướng Chỉ huy khác của Quân Đoàn I. Những chi tiết do Tướng Thoại cung cấp đã giải thích được nhiều'khúc mắc', và giải đáp được một số 'câu hỏi' do các bài hồi ký khác đặt ra như Tướng Thoại đã xác nhận là không có lệnh di tản SĐ 3 BB.
Các bài hồi ký của các chiến sĩ Hải Quân:
- Cơ xưởng hạm Vĩnh Long HQ 802, Những ngày cuối trên biển Đông của Hạm Trưởng Vũ Quốc Công: Bài hồi ký có những chi tiết rất chính xác trong việc cứu vớt các toán KQ đi cùng Tướng Hinh, và việc đón Tướng Lân, Tướng Thoại và các tùy tùng đi theo khi rời hầm chỉ huy tại căn cứ HQ Tiên Sa, các chi tiết phù hợp với lời kể của Tướng Thoại.
- Đà Nẵng, Di Tản Buồn của Hạm Trưởng HQ 402 Nguyễn Thiện Lực (trong Đặc San Đệ Nhứt Song Ngư Họp mặt 2000): Bài hồi ký có những chi tiết về việc đón TQLC ở bãi biển Sơn Chà, kể cả việc Tướng Trưởng khi được đón lên chiến hạm đã tu vài hớp Cognac do SQ tùy viên đưa cho ông.(?)
- Những Ngày Cuối Tháng Tư của Tâm U (cũng trong Đặc San trên) có một đoạn (trang 212) ghi lại một số chi tiết kinh hoàng khi Chiến hạm HQ 402 đón quân dân rút chạy: '… Ngày 28 tháng 3, dân chúng và quân nhân các đơn vị BB và TQLC đông nghẹt trên bãi biển Tiên Sa, Đà Nẵng. Tàu được lệnh ủi bãi để cứu. Tàu chưa vào tới bãi, dòng người đã túa ra, bơi lội lõm bõm chung quanh tàu, giành giựt leo lên. Tàu vào sát hơn nữa, có thể đè chết một số người dưới lườn tàu mà trên tàu không hay. Cửa ramp vừa mở, dân chúng và binh lính bu đen đặc. Trên bãi một đoàn thiết giáp ầm ầm phóng xuống, cán bừa lên những người không kịp tránh dạt ra. Hạm Trưởng phải dùng loa, cho hay sẽ đón hết, trật tự mới tạm yên. Khi tàu đầy nhóc người từ trong lòng tàu đến các ổ súng và khắp các ngỏ ngách, Hạm Trưởng ra lệnh đóng cửa ramp và rút bãi. Nhiều người hốt hoảng bơi ra ngoài với hy vọng lên được tàu. Máy lùi mà tàu không nhúc nhích. Hạm Trưởng lo sợ tàu mắc cạn, cho lệnh tăng tốc độ máy tối đa. Nước cuồn cuộn sôi sục dưới sức quay của chân vịt, cuốn cả những người đang bơi lội quanh tầu trong lúc tuyệt vọng. Máu loang đỏ mặt nước. Súng nhỏ trên bờ bắn ào ào xuống tàu, khiến Hạm Trưởng ra lệnh tầu quay gấp để hướng ra khơi. Nhiều người nữa bị chân vịt hút vào và chém chết. Xác người nổi lềnh bềnh quanh thân tầu như rong biển.'
Tập Hải Sử Tuyển Tập do Tổng Hội Hải Quân & Hàng Hải ấn hành, dành một Chương về 'Cuộc Rút quân tại Đà Nẵng ' do Điệp Mỹ Linh viết (trang 503 đến 509). Bài viết có nhiều chi tiết về vai trò của Hải Quân trong cuộc rút quân nhưng cũng có nhiều vấn đề cần phối kiểm nhất là về ngày giờ của các sự kiện như:
Tác giả viết: 'Thời gian này, hai đơn vị TQLC và Nhẩy Dù đang ở trên các chiến hạm, sẵn sàng rời ĐN theo lệnh TT Thiệu. Không hiểu sự dằng co giữa Tưóng Trưởng và TT Thiệu như thế nào nhưng 2 SĐ Dù và TQLC đã lên các Dương vận Hạm HQ 504, 505 và 500 hai ngày rồi mà các chiến hạm vẫn chưa được lệnh tách bến. Quá khuya ngày 29 tháng 3, một Đại Tá từ QĐ 1 xuống chiến hạm, truyền lệnh TT cho Hạm Trưởng HQ 500 , HQ Trung Tá Lê Quang Lập rời bến, tiếp theo là HQ 504 và 505 cũng được lệnh rời bãi Quân vận Đà Nẵng' Sự kiện kể trên hoàn toàn do sự tưởng tượng của tác giả, vì SĐ Dù đã rút khỏi Vùng I từ giữa tháng 3,1975 và cuộc rút TQLC của Vùng I diễn ra trong 2 ngày 28 và 29 tháng 3.
Tác giả viết về cuộc bơi ra chiến hạm của Tướng Trưởng như sau:
'12 giờ 30 khuya 29 rạng 30 tháng 3 Hạm Trưởng HQ 404 HQ Trung Tá Nguyễn Đại Nhân nhận được mật lệnh từ Sàigon: chỉ thị cho HQ 404, đúng 4 giờ sáng 30 tháng 3 , vào cách bờ 5 hải lý để đón Tướng Trưởng'. Tác giả cũng kể thêm nhiều chi tiết như HQ 404 chờ nhận lệnh trực tiếp từ Bộ TTM trong khi thả trôi chờ Tướng Trưởng. Các diễn tiến trên khác hẳn với những sự kiện do Phó Đề Đốc Thoại ghi lại, và không phù hợp với các bài hồi ký khác. Đà Nẵng thật sự thất thủ từ 11 giờ 30 trưa ngày 29 tháng 3 và theo Tướng Thoại thì Tướng Trưởng và Tư Lệnh phó TQLC, Đ/Tá Trí đã bơi ra tàu vào 10 giờ 30 sáng 29 tháng 3, lên HQ 401 rồi sau đó mới chuyển sang HQ 404. Tướng Thoại cũng không hề nói đến mật lệnh từ Sài Gòn. (?)
Các chi tiết về cuộc 'di tản hỗn loạn' của SĐ 1 KQ được ghi chép qua các tài liệu như:
- Flying Dragons The South Vietnamese Air Force của Robert Mikesh, trang 143. Tác giả đã ghi lại lời kể của Tr/Úy Phạm Quang Khiêm về chuyến bay C-130 từ Sàigòn ra Đà Nẵng đêm 27-28 tháng 3. Con số phi cơ bị bỏ lại được ghi là 130 chiếc.
- Tập Quân Sử Không Quân VNCH, trang 193-194 ghi con số phi cơ bị mất lên đến 180 chiếc.
Một Thời Để Nhớ (Song Chùy 213) Tháng 4-2009 trên website CanhThép. Tác giả đã kể lại tình trạng hỗn loạn, không còn chỉ huy, khi phi trường bị pháo kích vào đêm 28. Các phi công không hề nhận được lệnh di tản mà tự quyết định. Song Chùy 213 cũng ghi lại tình trạng bi thảm khi phải tự kiếm xăng để có thể tự thoát.
Chuyến bay cuối cùng của Trần Ngọc Toàn, trên website CánhThép cùng những điện thư (e-mail) trao đổi giữa các cựu Phi công của PĐ 247 Chinook ghi lại những trường hợp hy sinh, tự sát của 2 phi hành đoàn khác nhau tại vùng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi.
Phi Đoàn 427 Không Vận Chiến Thuật của Phạm văn Cần về các chuyến bay sau cùng của một số phi cơ C-7 Caribou khiển dụng khi di tản khỏi Đà Nẵng. Tuy nhiên trong bài Hồi ức Tháng Tư của Nguyễn Duy Ân, một phi công của PĐ 427 thì: ' Ba giờ sáng đạn pháo kích mới thưa rồi ngưng hẳn, quá mệt mỏi tôi nằm chợp mắt trên chiếc bàn trước phi đoàn, chợt có người đánh thức tôi dậy, giọng hốt hoảng 'Tr/t C. dọt rồi', tôi chưa kịp hỏi thì T/u T nói 'Ông lấy chiếc N bay mất rồi'. Tôi cau mày bối rối. Cả phi đoàn chỉ có hai chiếc khả dụng, một chiếc về nằm ở Tân Sơn Nhất, còn chiếc này ưu tiên cho tất cả nhân viên của PĐ trong giờ cấp bách, anh em nằm chịu trận pháo suốt đêm, thế mà.' Phi công ND Ân sau đó cùng một số nhân viên cơ khí tìm cách chữa cấp tốc một C-7 khác nhưng không thành công. Ông cũng thử một AC 47 của Biệt đội Hỏa Long, bỏ lại trong hangar nhưng cũng không xong nên đành chạy sang Mỹ Khê bơi ra canô và được kéo lên để sau cùng lên được chiến hạm HQ.
Những chi tiết quan trọng và đặc biệt về Tướng Khánh Sư Đoàn Trưởng SĐ 1 KQ trong những ngày Quân Đoàn 1 tan hàng, lại do Tướng HQ Hồ văn Kỳ Thoại ghi chép lại trong tập Can Trường Trong Chiến Bại. Tướng Thoại ghi lại, trang 282-283:
'Về phần Không Quân: trong đêm 27 thì địch đã pháo kích lai rai vào phi trường. Việc phòng thủ và chống pháo của căn cứ thì có Chỉ huy Trưởng căn cứ lo. Các phi vụ oanh tạc lại do Trung tâm Hành quân của Quân Đoàn chỉ thị thẳng xuống Trung tâm HQ của SĐKQ. Tự ông, Tướng Khánh không thể ra lệnh tấn công các mục tiêu địch được. Các phi cơ vận tải thì đậu tại Sài Gòn và do Bộ TTM cùng Bộ TL KQ điều động. Sáng 28, Tướng Khánh được lệnh di tản các F-5 về Phù Cát. Các trực thăng thì được phân tán đi các doanh trại để tránh thiệt hại có thể xẩy ra do pháo kích. Theo ĐTá Vượng, KĐ Trưởng thì số phản lực A-37 khiển dụng còn đến ít nhất là 40 chiếc: Như thế mà Quân Đoàn không có điều động một phi vụ oanh kích nào để giải tỏa áp lực của địch. Có thể vì không có vị Tướng nào có mặt tại TTHQ Quân Đoàn, chỉ còn sĩ quan tham mưu không có thẩm quyền ra quyết định?!
Khi Tướng Khánh rời phòng họp với các tướng lãnh khác, sáng ngày 28 và khi ông về họp ban tham mưu của ông thì chỉ thị vẫn là tử thủ. Tướng Khánh chỉ nghĩ là phi trường sẽ bị pháo kích nặng, có thể một số phi cơ sẽ bị thiệt hại, nhưng không bao giờ ông nghĩ đến việc phải di tản toàn bộ SĐ 1 KQ, vì việc bảo vệ phi trường đã có BB và Địa phương quân đảm trách. Cũng vì thế khi Tướng Trưởng đến gặp ông tại Đài Kiểm Báo Sơn Chà và nghe Tướng Trưởng ra lệnh rút hết và di tản khỏi phi trường: ai bay được thì bay, những người còn lại chạy về Nam Ô sẽ có HQ rước. Tướng Khánh đã phải hỏi lại lần thứ 2 vì quá bất ngờ: ' Xin Trung Tướng xác nhận lại, tất cả phải rời phi trường, ai bay được thì bay, ai không có phi cơ thì đi bộ về phía bờ biển Nam Ô, có phải vậy không?' Tướng Trưởng xác nhận là đúng như vậy. Tướng Khánh định dùng điện thoại báo về Bộ TLKQ Sàigòn nhưng nhân viên đài Kiểm Báo đã phá hủy tổng đài, đành dùng hệ thông liên lạc nội bộ để gọi về Bộ Tư Lệnh SĐ 1 KQ cho lệnh tự động di tản. (Lúc này đã quá trễ vì các phi công đã tùy nghi di tản ngay trong đêm khi phi trường bị pháo kích- ghi chú của Tác giả). Sau đó Tướng Khánh cùng Tướng Trưởng và tùy tùng bay xuống căn cứ HQ đã trống, rồi xuống Bộ TL TQLC tại Non Nước. TQLC chỉ cho mình Tướng Trưởng và Tướng Khánh vào bên trong Bộ TL. Sau đó Tướng Trưởng quyết định ở lại với TQLC và cho Tướng Khánh cùng đoàn tùy tùng tùy nghi di tản'.
- Đôi Dòng Ghi Nhớ của Phạm Bá Hoa. Tập sách ghi lại ở những trang 236-238, lời kể lại của Đ/Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh phó SĐ TQLC (kể lại vào ngày 14 tháng 1 năm 1995) về những giờ phút chót của cuộc di tản Bộ Chỉ huy TQLC và cuộc chạy ra tàu của Tướng Trưởng. Những lời kể lại này có một số điểm mâu thuẫn và khó hiểu khi đối chiếu lại với một số tư liệu và hồi ký khác như 'Tướng Lân đã rời SĐ và ra khơi lên chiến hạm của HQ từ chiều 28 tháng 3; trên thực tế Tường Lân vẫn ở lại căn cứ HQ Tiên Sa cùng Phó Đề Đốc Thoại và chỉ được cứu thoát vào phút chót cùng Tướng Thoại! Đoạn viết khi ông hỏi Tướng Trưởng lúc chiến hạm vào đón (6 giờ sáng 29 tháng 3): Thưa Trung Tướng, tôi không biết do lệnh từ đâu mà chiến hạm chờ tôi và họ đang đón chúng tôi (?) Đối chiếu với những diễn biến do Phó Đề Đốc Thoại ghi lại trong 'Can trường trong Chiến bại' thì lệnh di tản TQLC do chính Tướng Trưởng quyết định và giao cho HQ thi hành (trang 241) Vị Tư Lệnh Phó TQLC có lẽ đã không liên lạc với Tướng Lân Tư Lệnh của Ông (?) để cũng bị bất ngờ khi được HQ vào di tản?
Các bài hồi ký của các chiến sĩ TQLC:
- 'Tháng Ba Buồn Hiu!' của Tiểu Cần (từ website nguoivietboston): Tiểu Cần là bút danh của người sĩ quan mang máy vô tuyến riêng của Tướng Lân. Bài ghi lại nhiều chi tiết diễn ra trong Hầm Chỉ Huy HQ ở Tiên Sa trong lúc bị pháo kích và cuộc di tản của Tướng Lân cùng Tướng HQ Thoại, kể cả việc Tướng Thoại phải dùng PRC 25 của TQLC để gọi tàu vào cứu! Mũ Xanh Tiểu Cần ghi lại: 'Đi vòng dưới chân núi Sơn Chà chừng 2 tiếng thì chúng tôi ngồi nghỉ. TL/HQ làm tín hiệu bằng đèn pin cho tàu vào rước, có lẽ đến hơn 30 phút sau mà cá lớn cá nhỏ vẫn lặn mất tiêu, không có tàu nào vào đón cả, nên TL/HQ nhờ tôi liên lạc bằng TT. Trời đất? Một giới chức đứng đầu vùng I duyên hải mà không có một âm thoại viên (ATV) hay hệ thống liên lạc TT đi theo?
Cũng may là trưa nay, trong lúc rỗi rảnh chờ lệnh mới và qua nhiều năm tháng trong nghề đã dạy tôi những kinh nghiệm và lanh lợi nên tôi xin được tần số nội bộ của HQ nên bây giờ tôi vô tình lại kiêm nhiệm thêm vai trò một ATV của TL/HQ nữa, một ATV, hai TL. Chuyện hi hữu như các tướng lãnh họp hành quân mà không có Tướng KQ, như TL/HQ mà phải hành quân bộ trong đêm bên bờ biển! Sau khi liên lạc được với HQ, họ gửi vào 2 tàu chiến loại nhỏ và vì có nhiều đá ngầm và sóng biển nên tàu chỉ đậu cách xa bờ chừng 10m nên chúng tôi phải bơi ra tàu. Th/Tướng TL, Tr/Úy Hạnh và tôi ngồi trên boong, cuối đuôi tàu, bộ quân phục ướt sũng, gió thổi mạnh. Tiểu Cần cũng ghi thêm ' sự thật nó vậy mà. Điển hình là khi Phó Đề Đốc TL/HQ phải nói rõ tên thì 'tầu trưởng' mới tin và cho tàu vào đón. Điển hình là sau khi họp xong, tại sao Phó Đề Đốc không đi ra hướng cầu tàu ngay trong Bộ TL/HQ mà phải đi bộ, mò mẫm trong đêm dưới chân núi Sơn Chà? Vì cầu thì có, mà tàu thì không!’. Những sự kiện do Tiểu Cần ghi lại rất chính xác, khi đối chiếu lại với bài viết của Hạm Trưởng HQ 802 (trong việc gửi tàu nhỏ vào đón Tướng Thoại), và với những sự kiện do chính Tướng Thoại ghi lại trong 'Can trường trong Chiến bại', kể cả việc Tướng Thoại đã gửi chiến đỉnh riêng để đưa Lãnh sự Francis ra Soái hạm HQ 03 và không trở vào được đã mang theo một trong 2 đặc lệnh truyền tin HQ, đặc lệnh thứ 2 do Tr/Úy Ngọc, tùy viên giữ thì Tướng Thoại lại ra lệnh cho Tr/Úy Ngọc đi theo TL Phó HQ ra tàu trước.
- 'Trận chiến sau cùng của T/Đ 9 TQLC' của Đoàn Văn Tịnh (Trưởng Ban 3 TĐ) ghi lại cuộc rút quân từ Đại Lộc, Quảng Nam về điểm hẹn Đà Nẵng để được di tản. Tuy TĐ 9 TQLC vẫn giữ được đội hình di chuyển và chạy theo sau TĐ còn có thêm đoàn xe của Trung đoàn 56 BB/ thuộc SĐ3BB đóng tại Duy Xuyên (Đ/Tá Trung Đoàn Trưởng cho biết đơn vị của ông bị bỏ rơi hoàn toàn: 'Cùng lúc đó, một cánh quân hỗn loạn vừa BB vừa PB từ Duy Xuyên chạy xuống. ĐĐ 4 chận lại ngoài tuyến, ĐĐT chỉ huy đưa vào gặp tôi là một vị Đại Tá, Trung Tá Khai Trung đoàn phó và một Th/Tá Tham Mưu. Tr/Tá Khai chào và hỏi:- anh là đơn vị Trưởng?- Không tôi là Trưởng ban 3. Tôi là Tr/Tá Khai, Tr/Đ phó, bây giờ các anh đi đâu, có thể cho chúng tôi đi tháp tùng được không? Tôi nhìn các anh gật đầu. Ông Đại Tá Trung Đoàn Trưởng tỏ vẻ giận dữ: 'Xin lỗi anh nghe. Đ. mẹ chúng nó bỏ hết chúng ta rồi.- Đ/Tá không nhận được lệnh gì sao? -Xin lỗi Đ/Úy, lũ khốn nạn chẳng có lệnh lạc gì cả?'. Đoàn xe sau nhiều trở ngại đã đến được điểm hẹn, nhưng quá trễ. 11 giờ trưa 29 cánh quân đầu mới tới bờ sông Hàn. 12 giờ trưa vượt sông và đến được Chủng Viện Sơn Trà để sau cùng tan hàng trong uất hận.
(Quyết định lui binh SĐ 3 chỉ được Tướng Trưởng ra lệnh cho Tướng Hinh vào lúc 10 giờ 30 đêm ngày 28 tháng 3 trong buổi họp tại Hầm Chỉ Huy ở căn cứ HQ Tiên Sa. Tướng Hinh hoàn toàn bất ngờ, xin Tướng Trưởng cho thời gian chuẩn bị nhưng không còn nữa. Phó Đề Đốc Thoại ghi lại: Sau khi xin 72 giờ để chuẩn bị, rồi xuống 48 và cả đến 24 giờ cũng không được. Ông Thoại nói với Ông Hinh:' Th/Tướng hãy về sắp xếp công việc SĐ rồi cùng Bộ Tham Mưu bay ra bãi Bắc lúc 4 giờ sáng ngày mai, tôi sẽ cho tàu vô đón Thiếu Tướng'. Vị Tư Lệnh nhìn tôi sững sờ, biết là tình hình đã tuyệt vọng'. SĐ 3 BB được xem là bị bỏ rơi hoàn toàn. Tướng HQ nhiều lần xác nhận là không có lệnh di tản SĐ 3. Bộ Tư Lệnh SĐ chỉ có 6 giờ để bỏ chạy cho kịp Tướng Hinh tuy cố gắng nhưng chỉ liên lạc và đưa được gần 1000 binh sĩ tại Hòa Cầm ra khỏi Đà Nẵng. Phần ông và một số tùy tùng đã được HQ 802 vớt trong lúc kêu cứu tuyệt vọng từ bờ biển.
- Bài 'Trung Tướng Ngô Quang Trưởng' qua lời thuật của Nguyễn Tường Tam' do Phiến Đan thực hiện, trích từ Nguoi-viet Online . Bài viết có đoạn ngắn ghi lại lời kể của Đ/Úy Hòa, tùy viên của Tướng Trưởng về những phút cuối cùng của Tướng Trưởng tại Đà Nẵng, kể cả việc phải dùng phao tự tạo để bơi ra tàu.
Tình trạng hỗn loạn tại thành phố Đà Nẵng được ghi chép lại từ:
- 'Giờ Phút Hấp Hối Của Thành Phố Đà Nẵng: Cuối tháng 3-1975' của Phan Đức Minh, Th/Tá Phó Công Tố Tòa Án Mặt Trận Vùng I Chiến Thuật.
-'30-04-1975: Máu Và Nước mắt' của Hàn Giang Trần Lệ Tuyền, tập bút ký đăng trên hon-viet.co.uk . Tập bút ký mô tả tình trạng hỗn loạn tại Đà Nẵng cùng với vai trò và hoạt động của Lực lượng Hòa giải Phật giáo trong việc xúi giục dân chúng nổi dậy và những vụ thanh toán tìm giết các phần tử quốc gia ngay từ trước khi cộng quân vào Đà Nẵng. Tài liệu ghi rõ tên các nạn nhân và nơi bị giết hại.
Các tài liệu từ sách, báo Mỹ:
- 'Nước Mắt Trước Cơn Mưa' bản dịch của Nguyễn Bá Trạc từ 'Tears before the Rain ' của Larry Engelmann; Tập sách đã dành 3 bài của 3 người Mỹ khác nhau (trang 28 đến 46) viết về chuyến bay cuối cùng của chiếc Boeing 727 của Hãng World Airway đáp xuống phi trường Đà Nẵng vào trưa ngày 29-3 (lúc Cộng quân đã tiến chiếm phi trường) với những chi tiết bi thảm như binh sĩ bắn giết dân chúng để giành chỗ trên máy bay, máy bay gần hết xăng, không đóng được cửa sau, xác chết kẹt trong phòng chứa bánh đáp, một bên cánh bị toác vì lựu đạn và những nguy hiểm khi phi cơ hạ cánh. Tuy nhiên, theo Wolf Lehmann, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tại VN (trang 72) thì đây là một chuyến bay 'gây tai họa', tự ý cất cánh, không được chính quyền VN cho phép và Tòa ĐS Hoa Kỳ cho rằng đây là một hành động vô trách nhiệm, bốc đồng của Ed Daly gây ra nhiều phiền phức; tuy đưa được một số người ra khỏi Đà Nẵng nhưng cũng đã giết chết nhiều người trên phi đạo.
- 55 Days The fall of South VietNam của Alan Dawson: Tập sách dành một số trang (từ 161 đến 188) để viết về tình trạng thành phố Đà Nẵng trong những ngày sau cùng. Một số chi tiết khá sống động về sự hoảng loạn trong thành phố, tình trạng hầu như 'vô chính phủ' và câu chuyện của những người Mỹ có vợ Việt bị kẹt lại cùng vai trò của Tổng Lãnh Sự Francis. Một số chi tiết quân sự, có lẽ do nghe kể lại nên không chính xác như đoạn viết về một sĩ quan tên Tâm, liên lạc bằng điện thoại về Sàigòn với cấp chỉ huy để xin tự đào ngũ (?) trong khi liên lạc vô tuyến giữa Saigon và Đà Nang đã gián đoạn, các liên lạc phải dùng hệ thống viễn liên của Hải Quân.
- New York Times, March 30, 1975: Bài viết của Ký giả Malcom Brown về Sự 'thất thủ' của Đà Nẵng và tan rã của QĐ I VNCH.
- The Fall of South Vietnam: Statements by Vietnamese Military and Civilian Leaders do tổ hợp Rand xuất bản. Tập sách tổng hợp nhiều ý kiến rất đa dạng, nhiều lời giải thích về trường hợp Đà Nẵng tan hàng (trang 218-228), ghi lại một số 'lời kể' của các giới chức 'có thẩm quyền' như của Tướng Trưởng, Tướng Hinh. Tác giả Nguyễn Đức Phương đã dùng một số chi tiết của tập sách này để viết trong chương ‘Cuộc Lui Binh Của Quân Đoàn’ 1 trong tập ‘Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập’ (tác giả đã dùng những lời kể lại của Đ/Tá Nguyễn Thành Trí với Đ/Tá Phạm Bá Hoa trong ‘Đôi dòng ghi nhớ’ nên không chính xác về trường hợp di tản của Tướng Lân).
- The Twenty-Five year Century (Lam Quang Thi), tập sách viết bằng Anh Ngữ. Tập sách có một số chi tiết về buổi họp tại Hầm Chỉ Huy Tiên Sa, ghi lại chuyến bay trực thăng của Tướng Thi ra hạm đội trong đêm, để lập một bộ chỉ huy nhẹ lo việc di tản SĐ TQLC (?)
Trần Lý
https://hon-viet.co.uk/TranLy_NgayQuanDoanITanHang.htm
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:09
bởi Hoàng Vân
-
Bãi biển Non Nước:
Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt!
_________________
Mũ Xanh Lê Đình Đơn
Khoảng giữa tháng 3 năm 1975, Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) với các Tiểu Đoàn 2, Tiểu Đoàn 6 và Tiểu Đoàn 9 di chuyển đến Thường Đức, Đà Nẵng để thay thế các đơn vị Nhảy Dù. Cổ Thành và các vị trí đóng quân ở phía Tây Quốc Lộ 1 bàn giao lại cho Biệt Động Quân và các Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ.
Nhìn đoàn quân xa chuyển quân cùng các đơn vị Truyền Tin, Pháo Binh nối đuôi nhau theo Quốc Lộ 1 (QL1 ) xuôi Nam người dân Quảng Trị đã thảng thốt kêu lên: Thủy Quân Lục Chiến rút khỏi Quảng Trị rồi! Đường từ thị xã Huế đến chân đèo Hải Vân đông nghẹt xe cộ. Những chiếc xe đò chất đầy khách trong xe, đồ đạc cao ngất ngưởng trên mui, đang hối hả, chen chúc, chờ qua đèo.
Đại đội của tôi được lệnh sẽ thay thế vị trí đóng quân của đại đội Nhảy Dù đang trấn đóng ở cao điểm 1062.
Đoàn xe đưa chúng tôi đến điểm đổ quân ngay trên con đường ủi sát chân núi chạy dài theo hướng Tây Nam mà từ xa đã nhìn thấy. Từ đó chúng tôi sẽ di chuyển theo con đường này cho đến khi gặp đơn vị Dù. Báo cáo xuống xe, bố trí, chờ lệnh di chuyển, thì ngay tức khắc địch quân đã chào đón bằng những tràng thượng liên dòn dã cùng những quả súng cối rải rác rất gần. Bám theo từng mô đá, bụi cây sát chân núi, đại đội di chuyển thật chậm, nắng chiều đã tắt, địch ngưng bắn, chúng tôi đến được điểm đóng quân thì trời đã tối.
Tôi cho đại đội bố trí dọc theo đường tiến quân, vào gặp đại đội trưởng để nhận vị trí bàn giao. Đại đội trưởng Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 6 Dù là một niên trưởng khóa 22 VKTĐ. Thật nhanh, anh cho tôi biết đã chuẩn bị sẵn những liên lạc viên của 15 vị trí để thay thế cùng những cao điểm trọng yếu đã được đánh dấu trên bản đồ. Anh nói: “Tôi biết quân số đại đội của bạn dư sức để trám tuyến đại đội của tôi và anh cũng cho biết thêm với kinh nghiệm hoán đổi nhau nhiều lần ở đây, địch quân lúc nào cũng sẵn sàng rình rập tìm cơ hội phản công, đặc biệt là những lần đổi quân.”
Các trung đội, từng toán lần lượt theo liên lạc viên đến vị trí bàn giao với lời dặn : việc trước tiên là phải báo động tại vị trí tác chiến, không được làm gì khác, quan sát động tĩnh, canh gác cẩn thận đề phòng địch tấn công bất ngờ. Một cao điểm vô cùng quan trọng ở xa, là nơi địch luôn quấy phá, được tăng cường gấp đôi quân số (14 người ) có máy truyền tin được giao cho trung sĩ Điểu, một hạ sĩ quan dày dạn kinh nghiệm đảm trách.
Bàn giao hoàn tất, người đại đội trưởng Dù bắt tay từ giã “Chúc bạn may mắn, chúng tôi được lệnh về Sàigòn” . Người về hậu phương yên bình, kẻ vào vùng binh lửa hiểm nguy đối với chúng tôi quá quen thuộc. Biết bao lần hoán đổi như thế này trong những ngày tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị giữa các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến(TQLC) với nhau và giữa TQLC và Nhảy Dù.
Nhưng người niên trưởng Dù không về Sàigòn như anh nói, đơn vị của anh đổ vào Khánh Dương, Nha Trang, quần thảo khốc liệt cùng địch quân và anh may mắn thoát hiểm trở về được Vũng Tàu gặp lại tôi khi đại đội tôi chịu trách nhiệm tuần tiễu thị xã Vũng Tàu.
Tiểu Đoàn 6 TQLC đóng giáp tuyến với tôi về phía Tây Nam đụng nặng. Địch quân tấn công mỗi đêm. Người bạn cùng khóa Võ Đăng Tâm vào được tần số nội bộ của đại đội tôi cho biết “tình hình không được sáng sủa, mày với tao ráng giữ liên lạc để có gì còn cứu nhau!”. Tôi cho biết tình hình chỗ tôi vẫn yên tĩnh, địch cố bám sát, thăm dò nhưng bị phát giác, giao chiến nhỏ rồi rút lui, không có tổn thất. Tuy nhiên chúng nhảy vào tần số truyền tin của mình khiêu khích, tuyên truyền, hăm doạ, mặc dù mình thay đổi tần số nhiều lần vẫn bị chúng bám theo. Trong những giờ phút thật rảnh rang chờ địch, bỗng dưng chợt nhớ: hôm nay là ngày 27 tháng 3, sinh nhật của người mình thương yêu! Thật buồn! Nhưng biết làm sao bây giờ!
Người hiệu thính viên báo cáo tiểu đoàn vừa ra lệnh tất cả các đại đội sẵn sàng giấy bút nhận công điện. Nghe và ghi chép thật kỹ, không được gọi lại hỏi tới, lui! Tôi linh cảm sẽ có chuyện quan trọng xảy đến. Công điện nhận được gần nửa trang giấy.
Chi tiết của một Lệnh rút quân!
Tuyến phòng thủ Tiểu Đoàn 6 TQLC lại đụng nặng, tôi nghe được tiếng đạn nổ liên tục. Tôi cũng biết pháo binh, không yểm rất khó khăn, hạn chế trong lúc này!
Còn 2 tiếng nữa đúng giờ G, tôi sẽ kéo Trung Đội 2 ở xa nhất về đại đội. Khó khăn nhất là vị trí của trung sĩ Điểu. Địch từ những cao điểm gần đó luôn canh chừng, theo dõi, quấy phá, để tìm cách nhổ cho được trọng điểm tiền đồn này. Phải làm cách nào để địch không phát giác được. Chỉ có cách duy nhất là dùng liên lạc viên để chuyển lệnh đến từng trung đội trưởng rồi cứ theo đó tiến hành, tuyệt đối không được dùng máy truyền tin. Còn vị trí của trung sĩ Điểu đành phải bỏ lại lều chõng!
Thời gian như dài thêm từng giây phút từ lúc trung đội 2 bắt đầu di chuyển. Sự yên lặng, căng thẳng hiện trên từng khuôn mặt, bất cứ một tiếng súng nổ nào từ hướng đó là dấu hiệu kế hoạch rút quân bị lộ.
Tôi thở dài nhẹ nhõm khi người khinh binh trung đội 2 vừa đến tuyến đại đội. Xiết chặt tay Th/u Lê Kim Minh Cảnh, người trung đội trưởng trẻ nhưng quá phong trần, đêm nào cũng trắng đêm chờ địch tại giao thông hào, tôi cho trung đội vượt qua đại đội bố trí tại điểm tiếp tế chờ đại đội.
Trung đội 3 của Ch/u Hào cũng đã đến trám vị trí đại đội.
Bây giờ Trung đội 1 của Th/u Lê Viễn Hồng trở thành tuyến đầu, sẵn sàng khi có lệnh sẽ đoạn hậu, rồi nối đuôi theo đại đội. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn toán quân sẽ quay ngược lại chiến đấu cùng Trung đội 1 và đại đội sẽ phòng thủ chu vi tại điểm tiếp tế để chờ Trung đội 1 nếu bị tập kích.
Rất may, đúng theo lệnh rút quân, toàn bộ đại đội rút ra khỏi vùng đóng quân suông sẻ. Giờ đây nếu đối mặt giao chiến với địch quân, tôi có toàn bộ đại đội để đánh nhau chứ không phải phân tán hơn 15 vị trí, mỗi một vị trí chỉ khoảng 8 đến 10 người!
Rời vị trí đóng quân được khoảng 3 cây số thì được lệnh tiểu đoàn tìm một chỗ đóng quân gần đường rồi gởi số nhà về tiểu đoàn. Qua đêm, tình hình vô sự, chúng tôi được lệnh tiếp tục di chuyển về Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn (BCHLĐ) 369.
Đến chiều vượt qua vị trí đóng quân của đại đội Trương Chí Công Tiểu Đoàn 9 đang giữ mấy khẩu pháo dọc theo đường. Thấy tôi anh nói : “Anh chơi vậy, chơi với ai, đi trước bỏ đàn em ở lại.” Nhưng đấy chỉ là giỡn chơi với nhau mà thôi. Cảnh gặp nhau như thế này, kẻ ở lại chịu trận, người rút ra vùng an toàn đối với chúng tôi như một chấp nhận rất tự nhiên. Thản nhiên như đến phiên trung đội lãnh trách nhiệm đi đầu trong thời gian hành quân ở Giồng Trôm, Kiến Hòa. Mìn bẫy khắp nơi, dẫm theo bước chân người khinh binh mở đường mà đi. Chệch một bước chân có thể đạp lên khối nổ của trái đạn 105 ly.
Đại đội đến BCHLĐ 369 thì trời vừa sập tối. Toàn bộ lữ đoàn đã di chuyển. Tôi được lệnh đóng quân tại vị trí BCHLĐ. Vừa hoàn tất rải quân trám tuyến phòng thủ thì được báo Tiểu Đoàn 9 đang đến. Tôi gặp Tân An (Đ/u Đoàn Văn Tịnh) Trưởng Ban 3 Tiểu Đoàn 9. Anh nói “bạn sắp di chuyển, cho tôi gởi mấy thằng em theo, tụi nó bị thương đi không nổi.” Tôi nói chưa được lệnh, thì lập tức ngay sau đó tiểu đoàn báo sẵn sàng tại chỗ, xe sẽ đón ra Đà Nẵng.
Ngày 29 tháng 3 năm 1975
Xe chạy suốt đêm, vào thành phố Đà Nẵng khoảng 3 giờ sáng. Tiểu đoàn cho biết tôi sẽ gặp tiểu đoàn tại bãi biển Non Nước.
Cầu Trình Minh Thế đã bị giật sập, chúng tôi phải lên tàu nhỏ để đến bãi biển. Khi đại đội tập trung đầy đủ thì trời vừa sáng. Trời càng sáng tỏ, tôi thảng thốt khi nhìn thấy suốt dọc theo bãi biển đông nghẹt là người! Quân lính đủ mọi binh chủng, dân chúng đông không đếm xuể.
Có một chiếc tàu cặp sát bờ khoảng 100 mét đang kéo một số người lên tàu bằng lưới, xong từ từ lui ra biển. Trên bờ số đông nhốn nháo đang lội theo, một đợt sóng lớn dập tới đánh bật mọi người té lăn trở lại bãi!
Một chiếc thiết vận xa chìm nghỉm còn nhô pháo tháp cách bờ khoảng 100 mét, sợi giây thừng từ pháo tháp kéo vào bờ vẫn còn dập dềnh trên mặt nước.
Tàu đã rời xa bãi biển, thả neo, im lìm, bất động.
Người trong bờ ngóng nhìn, mong đợi!
Một chiếc trực thăng xuất hiện, đảo một vòng bãi biển, ai cũng thấy rõ phi công ở trần, mặc quần đùi. Trực thăng bay thấp gần tàu, cả phi công và trực thăng đều lao xuống biển!
Đại bác 130 ly đã pháo tới. Đạn rớt ngoài biển, trên bờ ,mọi người chạy tới, chạy lui vô cùng hỗn loạn.
Tôi nhìn thấy Đại Bàng Phúc Yên ( Trung tá Nguyễ Xuân Phúc ) LĐT/LĐ369. Đại Bàng Thái Dương ( Trung tá Đỗ Hữu Tùng ) LĐP/LĐ369. Đại Bàng Hà Nội (Thiếu tá Trần Văn Hợp ) TĐT/TĐ2 đang ngồi trên bãi biển, cạnh một chiếc xe jeep, đang viết, vẽ những gì trên bãi cát. Tôi tiến lại gần chào, các vị ngẩng đầu nhìn tôi im lặng.
Tôi đã từng phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đại Bàng Thái Dương khi ông giữ chức vụ Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 5. Đại đội tôi có lần về trình diện Đại Bàng Phúc Yên để nhận trách nhiệm phòng thủ Lữ Đoàn. Cho nên cả hai vị đều biết tôi.
“Thưa Thiếu tá, pháo đã bắn tới nơi, xin cho tôi đem đại đội đi tìm chỗ bố trí!”
Cả 3 vị đều im lặng, cho đến khi Thiếu tá Hợp bảo tôi: “Ông muốn làm gì thì làm!”
Bây giờ thì tôi đã hiểu rõ. Tàu sẽ không bao giờ vào bờ để đón người nữa vì sóng gần bờ quá lớn. Người phải bằng cách nào ra tới ngoài kia, nơi tàu đang bỏ neo để lên tàu!
Tôi nhìn đại đội vẫn còn đang tập họp trong đội hình để chờ lên tàu mà ứa nước mắt. Bao nhiêu gian khổ, khó nhọc, còng lưng để mang đủ vũ khí, đạn dược, mặt nạ, áo giáp…một chốc nữa đây sẽ vất bỏ tất cả xuống biển.
Từng toán trở ngược lại phi trường Non Nước để lấy ruột xe làm phao. Có toán đi dọc theo biển đến xóm chài đế tìm thuyền.
Trên mặt biển nhấp nhô không biết bao nhiêu người. Pháo đã được điều chỉnh chính xác hơn. Tiếng kêu la, than khóc vang dội!
Trung úy Hiền rủ tôi tìm phao bơi ra tàu. Tôi nói tàu xa quá tôi chỉ biết bơi bì bõm chắc ra không nổi! Anh bảo “đừng lo, tôi sẽ cột phao ông chung với phao tôi, tôi là dân miền biển bơi rất giỏi, chúng ta sẽ bơi được ra tới tàu.” Chúng tôi 4 người, Tôi, Tr/u Hiền, Dũng, Nam, đi dọc theo bãi biển về phía xóm chài, xa chỗ tập trung đông người khoảng hơn cây số thì gặp một anh công binh TQLC đang loay hoay với chiếc xuồng đã bị lật úp gần bờ. Anh đang cố gắng lật trở lại nhưng không nổi. Chúng tôi phụ lật trở lại, tát nước và kéo lên bờ. Anh cho biết sáng nay toán công binh 6 người dùng xuồng để ra biển nhưng mấy lần không qua nổi đợt sóng gần bờ, lần nào cũng bị sóng đánh lật úp! Các bạn của anh nản chí đã bỏ đi hết rồi!
Chúng tôi rủ anh mình làm thử lần nữa biết đâu thoát được. Cũng may, ngoài tôi ra ai cũng bơi rất giỏi. Tất cả đồng ý cho tôi lên trước ngồi ở giữa xuồng, còn lại mỗi bên 2 người, bơi đẩy xuồng cố gắng vượt qua được đợt sóng lớn rồi mới lên xuồng. Sóng dập mạnh phủ chụp lên xuồng, con xuồng lắc lư sắp lật mấy lần, nhưng nhờ các anh kềm nổi, chúng tôi qua được đợt sóng lớn, tất cả reo lên: thoát rồi! Cả bọn thi nhau tát nước, mỗi bên một chèo, thay phiên chèo tay hướng về tàu, anh công binh thì cố gắng để sửa máy tàu.
Trời đã về chiều, khoảng cách đến tàu còn quá xa. Nhưng lại một lần nữa, sự may mắn lại đến với chúng tôi, cuối cùng máy đã nổ, chiếc xuồng phăng phăng lướt sóng đến tàu.
Lên được tàu, chúng tôi được hướng dẫn thẳng xuống hầm tàu đã đông nghẹt lính. Chỉ khác với chúng tôi, họ còn quân phục chỉnh tề, giày trận đầy đủ. Tôi không biết họ lên tàu lúc nào và bằng cách nào!
Xa xa nhấp nhô trên mặt biển rất nhiều người đang ôm phao bơi đến. Những chiếc thuyền nhỏ không biết phát xuất từ nơi nào trên bãi biển, đưa người ra tàu rồi quay trở lại để tiếp tục làm chuyến khác. Đèn pha trên tàu bật sáng cả một vùng biển, là cái đích để mọi người đang bơi trên biển tìm tới.
Cho đến khuya thì không còn thấy ai nữa!
Tàu nhổ neo xuôi Nam. Bãi biển Non Nước, thành phố Đà Nẵng xa khuất dần cho đến khi mất hẳn!
Bộ đồ trận thấm ướt nước biển đã khô, toàn thân vô cùng ngứa ngáy khó chịu. Tôi được cho vào phòng tắm để tắm rửa, giặt bộ đồ duy nhất để mặc lại. Các bạn Hải Quân trên tàu đã lo cho mọi người thật chu đáo, từ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh với một số người quá đông đảo. Tôi và Hiền len lỏi trong đám đông người để tìm kiếm có ai trong đại đội, tiểu đoàn lên được tàu. Tôi gặp Trần Đình Công ĐĐT/ĐĐ4, tôi hỏi người bạn cùng khóa: “mày có gặp được ai khác?”. Có Đại úy Nghiêm ĐĐT/ĐĐCH và Thiếu tá tiểu đoàn trưởng. Nó đã quần khắp mọi nơi tìm kiếm nhưng không còn ai khác!
Tiểu đoàn 2 TQLC đã tan tác rồi! Không đánh nhau mà tan hàng trong nỗi cay đắng, uất nghẹn!
Trên đường từ Thường Đức di chuyển ra Đà Nẵng, Trung úy Thanh ĐĐT/ĐĐ1 liên lạc với tôi nhờ báo với tiểu đoàn là đại đội của anh lạc mất tiểu đoàn và giờ này còn kẹt trong núi. Anh đã cố gắng liên lạc với tiểu đoàn và các đại đội khác mà không được. Tôi báo ngay cho tiểu đoàn biết và liên lạc nhiều lần với anh sau đó nhưng không được!
Thiếu tá Tiểu đoàn phó, Đại úy Huỳnh Văn Trọn ĐĐT/ĐĐ5 chắc còn kẹt lại trên bãi biển.
Tàu đổ xuống quân cảng Cam Ranh tiếp nhận tân binh, vũ khí, quân trang, quân dụng.
Tiểu đoàn 2 TQLC bây giờ chỉ có tiểu đoàn trưởng, trưởng ban 3 và 2 đại đội trưởng.
Bãi biển Non Nước: Một kết thúc tức tưởi, oan nghiệt!
Mũ Xanh Lê Đình Đơn
https://hon-viet.co.uk/MuXanhLeDinhDon_ ... Nghiet.htm
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:12
bởi Hoàng Vân
Hồi ký chiến trường năm xưa
__________________________
Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập
Tái chiếm Quảng Trị xong, Sư đoàn Nhảy Dù tiếp tục đóng chốt trên dãy Trường Sơn làm thành một tuyến dài Bắc Nam từ bờ Nam sông Thạch Hản về đến căn cứ Bastongne Tây bắc Huế, lúc này Hiệp định Paris đã ráo mực với những đợt xâm nhập của Cộng sản Bắc Việt theo đường mòn Hồ Chí Minh nằm sâu trong dãy Trường Sơn âm u, chúng định cắt Quân khu I làm đôi nên nhả bớt hoạt động nhưng vẫn duy trì áp lực để cầm chân hai Sư đoàn Tổng trừ bị Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tại Quảng Trị để đánh vào Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam, nên Lữ đoàn 3 Nhảy Dù được điều động làm thành một phòng tuyến kéo dài từ Hòa Thanh sát với Đèo Hải Vân đến bờ sông Thu Bồn để bảo vệ Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 tại Đà Nẵng. Bộ Tư Lệnh Sư đoàn Nhảy Dù cũng rút về đóng tại phi trường Non Nước.
Tiểu đoàn 2 Pháo binh Nhảy Dù của chúng tôi về đến Quảng Nam giữa tháng 2 năm 1975. Sau gần ba năm hành quân ngoài Trung, lần này tôi có cảm tưởng đây là cuộc hành quân xuôi Nam lần cuối rồi giả từ vĩnh viễn miền Trung. Trung đội tôi đóng sát chân núi chỉ cách đồi 1062 độ 8 cây số để yểm trợ cho nhiều trận đánh ác liệt tại đây, Tiểu đoàn 6 Dù rồi Tiểu đoàn 3 Dù thay nhau tái chiếm ngọn đồi máu này. Gần Tết, pháo binh Thủy Quân Lục Chiến đến thay. Trung đội tôi rút ra đóng chung với Bộ chỉ huy một Tiểu đoàn Địa Phương Quân tại một ngọn đồi thoai thoải phía trước quận Đại Lộc, ngó xuống Cầu Gảy. Nhiệm vụ bây giờ chỉ là yễm trợ tổng quát tăng cường cho các đơn vị bạn, nên chúng tôi có thì giờ đi vào làng dân thăm hiểu tình hình luôn tiện làm công tác dân sự vụ. Mặc dù không phải là nhiệm vụ chính của đơn vị tác chiến như chúng tôi, nhưng thấy tình cảnh đồng bào nghèo khổ tội nghiệp quá, đau yếu thuốc men gì cũng không có, nên tôi bảo Y tá có bất cứ loại thuốc gì có thể cho thì cho đồng bào rồi báo cáo xin lại sau, và gạo sấy thì tặng cho bà con hết, kể cả một số gạo thặng dư hàng ngày thay vì bán để mua thêm thức ăn cho Trung đội, tôi cũng bảo đem cho hết. Ngày 30 Tết, Ban đại diện ấp và bà con đem bánh tét và bánh tổ là một loại đặc sản Quảng Nam đến tặng cho Trung đội tôi ăn Tết, tình nghĩa Quân dân thật thắm thiết, nghĩ lại câu nói bạc như dân bất nhân như lính mà tôi nghe trước đây thật đúng là xuyên tạc. Viên Trưởng ấp nói với tôi Quân đội mình tốt quá, ở đây thường mất an ninh, nếu Nhảy Dù mà rút đi chắc bà con chúng tôi cũng bỏ làng đi theo. Câu nói này đã in sâu vào lòng tôi nhiều năm sau này, và tôi tiếc là khi chúng tôi rời Quảng Nam vài ngày sau đó để về Nam thì đồng bào Đại Lộc không theo chúng tôi được.
Khi Thủy Quân Lục Chiến hoàn toàn thay thế Nhảy Dù tại mặt trận Thường Đức thì Sư đoàn Nhảy Dù được lệnh về hậu cứ, chúng tôi hoàn toàn không ngờ đây là một cái lệnh bỏ Quân Khu 1. Tôi được Tiểu đoàn điều động ở lại sau chót để thu dọn quân dụng lên Hải vận hạm 505 về Saigon. Sau gần hai ngày lênh đênh trên biển, thay vì về Saigon, tàu đưa chúng tôi vào Quân cảng Cam Ranh rồi quân xa chở chúng tôi về Dục Mỹ. Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đã có mặt ở Khánh Dương để chận bước tiến của đại quân Cộng sản sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu có ý định bỏ nốt Quân Khu 2. Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Ngọc Triệu giao cho tôi nhiệm vụ làm Sĩ quan liên lạc Lữ đoàn 3 Dù, nếu tôi về trước đó một ngày thì có lẽ không bao giờ có việc cầm bút viết lại Hồi ký này vì tôi sẽ được thay thế cho Đại úy Tuấn, Pháo đội Trưởng A2 bị bệnh nên Đại úy Tống văn Tùng, khóa 26 Thủ Đức, và cũng là bạn học cùng lớp với tôi suốt 4 năm Trung học Trần Lục, nay là Phụ tá Ban 3 vào thay, sau trận Khánh Dương, Tùng bị bắt, và bị bọn Cộng sản Bắc Việt, đem ra Sân vận động Nha Trang xử tử.
Theo nhiệm vụ, tôi được quyền xin toàn bộ hỏa lực của Trường Pháo Binh Dục Mỹ gồm một pháo đội 105 ly, một pháo đội 155 ly, và một Liên đội 175 ly gồm 3 khẩu để tác xạ tăng cường cho Lữ Đoàn 3 Nhảy dù gồm các Tiểu đoàn 2,5, và 6 Nhảy dù đóng từ Khánh Dương tức cửa ngõ vào tỉnh Ban Mê Thuột chạy dài đến phía Bắc của Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn. Còn Tiểu đoàn tôi yễm trợ trực tiếp cho các đơn vị tác chiến thuộc Lữ Đoàn 3 Nhảy dù với gồm 18 khẩu đại bác 105 ly kiểu M102 kích nòng bắn cực nhanh mà chính pháo binh Hoa Kỳ cũng không được trang bị, vì chỉ dành riêng cho Pháo binh Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa là đơn vị duy nhất xử dụng loại vũ khí này cho thích hợp với đặc tính di động nhẹ. Sau khi Ban Mê Thuột thất thủ, toàn bộ các đơn vị đồn trú rút hết về Nam qua Quốc lộ số 21, và bây giờ Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù phải một mình ngăn chận các Sư đoàn 3 và 10, và một số đơn vị khác của Cộng quân tại đây, tương quan lực lượng cỡ một chống mười làm tôi nhớ lại ngày nào Tiểu đoàn 11 Dù tử thủ Charlie tại Kontum, nay sẽ giống hệt như Lữ đoàn 3 Dù tại Khánh Dương. Cộng quân áp lực khắp nơi từ cả hai mặt Đông và Tây núi non hiểm trở, còn quốc lộ 21 thì cộng sản không dám theo đường bộ tràn xuống, Bộ binh và xe tăng của địch theo những đường mòn trong rừng núi đánh ra đến đèo Phượng Hoàng (M’Rack) thì bị chận lại, hàng trăm xác Việt cộng bị bỏ thây tại đây cùng với một xe tăng T54, tình hình chiến sự đè nặng lên vai bố già Lữ đoàn trưởng, Đại Tá Lê Văn Phát. Không ai bảo ai, mọi người đều biết tình hình này khó thể kéo dài nếu không có quân tiếp viện, suốt trong một tuần lễ và nhất là trong hai ngày 29 và 30 tháng 3 năm 1975, các đơn vị Lữ đoàn đụng độ liên tục với Cộng quân, pháo binh Nhảy Dù cùng pháo binh Cộng quân đấu pháo hầu như liên tục. Có lẻ tôi là một pháo thủ duy nhất lần đầu tiên được sử dụng toàn bộ hỏa lực của Trường Mẹ để yễm trợ chiến trường ác liệt cách Trường Pháo Binh không xa, tôi đã gọi bắn gần như liên tục ngày đêm các mục tiêu phản pháo hoặc tiêu hủy với đại bác 175 ly, và nhiều tuyến cản với đại bác 155 ly và 105 ly, ngoài các mục tiêu mà các Sĩ quan liên lạc từ các Tiểu đoàn Dù xin bắn, tôi còn phải chấm thêm nhiều tuyến cản để tác xạ. Cộng quân không pháo kích Bộ chỉ huy Lữ Đoàn mà chỉ đánh các Tiểu đoàn Dù bằng pháo kích với pháo binh và xe tăng xong rồi Bộ binh xung phong theo chiến thuật cổ điển tiền pháo hậu xung, Không Quân của ta từ phi trường Thành Sơn lên yểm trợ cũng không được hữu hiệu lắm đối với các chiến trường xé lẻ và tiếp cận hàng chục thước như thế này.
Đến tảng sáng ngày 31/3/1975 thì toàn thể các đơn vị tác chiến kể cả các pháo đội Pháo binh Dù bị tràn ngập, và trước khi rút đi đã phá hủy hết đại bác. Không hiểu sao Trường Pháo Binh nghe được và tự động ngưng tác xạ, tôi gọi mãi để chuẩn bị nếu các đơn vị bạn yêu cầu thì bắn ngay trên đầu cùng chết với địch tức là đồng ư quy tận, nhưng không có một đài nào trả lời hết. Độ nửa tiếng sau tôi nghe tiếng động cơ nổ liên tục tại Trường Pháo Binh mà sau cùng là tiếng xích sắt của các khẩu pháo 175 ly. Có lẽ Trường Pháo Binh đã nhận lệnh di tản từ ở đâu đâu trước đây nên tự động tan hàng, kế đến là Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ nằm sát bên cũng tự động rút đi, và sau cùng là Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn. Một số các đơn vị thuộc Lữ đoàn 3 Nhảy dù hiện đang im lặng vô tuyến rời bỏ vị trí, chỉ biết là hầu hết bị địch tràn ngập, không một Đề lô nào cũng như Sĩ quan liên lạc pháo binh lên máy, mà có liên lạc được giờ phút này cũng không còn hỏa lực pháo binh yễm trợ nửa. Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 3 Dù ra lệnh rút và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 2 Pháo binh Dù phải di tản theo về Đèo Rù Rì, độ một tiếng sau là gở toàn bộ căn cứ di tản ra khỏi phi trường Dục Mỹ, tôi được lệnh ở lại căn cứ với một máy truyền tin PRC 25, một tài xế, và một chiếc xe Dodge. Trung Tá Trần Đăng Khôi, Lữ Đoàn Phó dặn tôi cứ ở tại phi trường chờ ông bay trực thăng quan sát xong sẻ quay trở lại bốc tôi đi, việc để lại tài xế với chiếc xe Dodge này mang ý nghỉa nếu ông không về đón thì tôi sẻ cùng đệ tử chạy về Đèo Rù Rì tìm Lữ đoàn. Giờ này thì cả huấn khu rộng lớn và phi trường Dục Mỹ chỉ còn có một mình tôi và người đệ tử. Tôi nhìn về hướng Tây Bắc nơi hình Núi Vọng Phu vươn lên trên bầu trời nhạt nắng mai, người chinh phụ cùng đứa con hóa đá kia đã bao năm sắt son đứng đợi chồng về vẫn còn đứng đó, và ở dưới chân Bà, nhiều thế hệ sau đang viết tiếp một chương bi thảm của những người đi chinh chiến không về, lịch sử là một sự lặp lại không ngừng. Trong niềm đau thương u uất đó, tôi mong nghe có tiếng gọi của đồng đội tôi thuộc bất cứ đơn vị nào tìm đường ra Quốc lộ, tôi sẽ hướng dẫn như đã làm trong quá khứ, nhưng không thấy ai lên tiếng. Gần một tiếng rồi không thấy trực thăng của Trung tá Khôi bay về, tôi mở các tần số gọi liên tục, vô vọng, kể cả tiếng Trung tá Khôi cũng không thấy trả lời. Tôi lên xe bảo người tài xế mở máy trực chỉ về Nha Trang.
Dọc đường, đồng bào bằng đủ mọi phương tiện xe đò, Honda, xe bò, kể cả đi bộ, có người trên vai gánh cái gia tài vô giá là hai người con nhỏ ngồi hai đầu, họ cũng xuôi Nam theo chân Quân đội Quốc gia, họ đi theo đường Quân đội rút, để tìm tự do. Để phục vụ cho âm mưu phản chiến, bọn phóng viên khốn nạn nước ngoài chỉ giỏi loan báo những tin thất thiệt xuyên tạc cuộc chiến tranh tự vệ của Quân dân miền Nam, chúng không bao giờ có thì giờ tìm hiểu tại sao những người dân lành lánh nạn Cộng sản, tại sao đồng bào tôi lại theo chân Quân đội Quốc gia về miền đất hứa bằng đôi chân tự do như thế này. Xế trưa thì tôi về đến Đèo Rù Rì gần Nha Trang gặp lại Tiểu đoàn, tôi trình với Thiếu Tá Triệu là không nghe bất cứ đài nào gọi. Độ nửa tiếng sau, Trung Tá Khôi cũng bay về, ông hỏi tôi sao không đợi, tôi trả lời cả một huấn khu to lớn như thế rút hết, chỉ còn hai thầy trò tôi và không liên lạc được ai nữa nên phải về đây. Lúc này tôi cũng không rõ Lữ đoàn sẽ đi đâu, vào Nha Trang hay về Saigon theo đường bộ. Sau đó thì có lệnh rút về Quân cảng Cam Ranh. Về đến cổng Quân cảng thì cả một rừng quân xa của nhiều Binh chủng và dân xa đủ loại đã bít kín hết cổng ra vào, xe cộ đậu dài cả chục cây số. Những người lính Quân cảnh gác Cảng chỉ biết lắc đầu nói không có tàu, tình cảnh này mà mở cổng thì có trời cũng không cản nổi cảnh hỗn loạn.
Lúc gần chiều thì Đại Tá Phát, Lữ đoàn trưởng quyết định rút về Phan Rang theo đường bộ, khi đoàn xe của Lữ đoàn trở đầu ra khỏi Quân cảng thì toàn thể rừng xe cộ kia cũng tự động nối đuôi, cặp bên hông là xe gắn máy của đồng bào, hàng ngàn xe cộ, dân xa, chiến xa, đại bác, và Quân xa của một phần Quân khu 2 đông cỡ chục ngàn người theo sau đoàn quân Mũ Đỏ cỡ trên một trăm người mở đường tiến về Nam. Giửa cái khung cảnh bi hùng như thế, tôi có cãm tưởng giống hệt như ngày xưa ông Môi Sen dẩn dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ tìm về miền đất hứa lánh nạn quân Ai Cập. Xe chạy khá chậm để phía sau theo kịp, thỉnh thoảng phải dừng lại để quan sát dò đường. Mỗi lần ngừng lại, chúng tôi năn nỉ đồng bào đừng chạy xe gắn máy cặp sát xe chúng tôi, lỡ bị phục kích thì bị chết oan, nhưng đồng bào cương quyết nói “Nhảy dù đi đâu chúng tôi đi theo, có chết chúng tôi cũng chịu”, đành phải để cho bà con chạy theo như thế. Trong đời lính, nếu các bạn đã từng nghe được chính miệng những người dân lành vô tội đã đặt hết sinh mạng và tài sản vào tay Quân đội Quốc gia trong giờ phút tuyệt vọng như thế này, mới thấy được sự hy sinh của người lính chúng ta không phải vô ích. Ngồi trên xe, nhớ lại ngày mồng 2 Tết năm 1973, tôi đi đề lô cho Tiểu đoàn 2 Nhảy dù của Thiếu Tá Nguyễn Đình Ngọc, có Đại đội 1 Hắc Báo là một Đại đội Bộ binh nổi tiếng nhất của Sư đoàn 1 Bộ binh do một viên Thiếu Tá làm Đại đội trưởng tăng cường đi chiếm lại làng An Lỗ nằm sát ngay Quốc lộ số1 Thừa Thiên, Việt cộng vi phạm Hiệp định Paris, dành dân lấn đất, chúng đã lợi dụng ngưng bắn, chiếm trọn làng này, và dùng đồng bào làm bia đỡ đạn. Tôn trọng lệnh ngưng bắn, chúng tôi không sử dụng pháo binh để yểm trợ, Hắc Báo làm trừ bị, Nhảy Dù dàn hàng ngang làm nổ lực chính, cẩn thận chiếm lại từng ngôi nhà với lệnh cố gắng tối đa bằng mọi giá không làm thiệt hại đến tính mạng và nhà cửa của đồng bào, chiếm đến đâu giao cho Hắc Báo giữ đến đó. Khi chiếm lại toàn bộ xã, bắt sống cũng như hạ tại chỗ nhiều địch quân, nhà cửa của đồng bào hầu như còn nguyên vẹn, không một người lính Dù và đồng bào nào bị tử thương, còn hơn là phép lạ.
Đến Du Long thì trời đã tối, nhìn lại phía sau, cả chục cây số đèn pha sáng trưng, nguyên một góc trời đèn xe như một con giao long đang uốn khúc, sáng long lanh trong đêm hoa đăng bi thảm, đêm nay đồng bào Khánh Hòa bỏ phiếu cho tự do, không cần biết về đâu miễn Quân đội Quốc gia đi đâu thì đồng bào đi theo đến đó. Cũng may, không một tiếng súng nào nổ thêm trong đêm này và toàn bộ đoàn Quân dân về đến Phan Rang bình an vô sự.
Xe của Nhảy dù chạy đi đâu thì đoàn xe khổng lồ phía sau cũng nối đuôi, đến khoảng 3 giờ sáng ngày 01/4/1975 thì vào đến Phan Rang, xe chạy ra sát biển thì dừng lại, còn đoàn xe đã tháp tùng chúng tôi thì tiếp tục cuộc hành trình vô Nam và đến Phan Thiết trong ngày hôm đó. Lữ đoàn 3 Dù nhận được lệnh mới vào phi trường Thành Sơn nay do Bộ Tư lệnh Sư đoàn 6 Không Quân với con phượng hoàng Phan Rang, một vị tướng mặt trận, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang trấn nhậm, còn vị Tỉnh trưởng Phan Rang, Đại Tá Trần Văn Tự thì đang tá túc trong phi trường đến ngày 07/4/1975 mới trở về nhiệm sở. Sáng hôm sau ngày 02/4/1975, một Trung đội thuộc Đại đội chỉ huy của Lữ đoàn 3 Dù do một Trung sĩ hướng dẫn đi theo một viên Đại Úy Địa Phương Quân, vị này nguyên là Trưởng Ban 2 quận Châu thành, Phan Rang nay được đề cử giữ chức tân Quận Trưởng và được Nhảy Dù hộ tống đi trấn an dân chúng. Tôi được lệnh đi theo với nhiệm vụ chính là tìm đại bác 105 ly nào của ta bỏ lại còn sử dụng được thì sẽ kéo về phòng thủ phi trường, nhưng tất cả đại bác kể cả 155 ly đều bị phá nòng để lỡ rơi vào tay địch thì không sử dụng được. Tại Tiểu khu Ninh Thuận, tôi đã gặp người thay thế ông Tỉnh đang tá túc ở trong phi trường là vị Trung Tá Tiểu khu phó, đang liên lạc bằng tiếng Anh với một chiếc trực thăng bay vòng vòng trên đầu nghe nói là của một cựu cố vấn Mỹ đang hỏi thăm tình hình. Trong lúc chờ đợi, tôi đi vòng vòng quanh tỉnh thì gặp một toán Thám Sát Tỉnh (tiếng Anh là Province Recon Unit gọi tắt là PRU), anh em này nhận ra tôi là cựu Huấn luyện viên CT tiền thân của PRU, tay bắt mặt mừng, anh em cho biết tình hình trong tỉnh vẫn tương đối yên ổn tuy có vài vụ cướp bóc, còn Việt cộng thì chưa vào được thành phố. Tôi nói Nhảy Dù về giữ Phan Rang, nếu thuận tiện anh em thông báo cho dân chúng biết. Xong tôi từ giã và tiếp tục đi theo xe của Trung đội Nhảy Dù chạy vòng quanh Thị xã tìm súng đại bác, rồi ra đến ngoại ô, đến nơi đâu viên Đại úy Quận Trưởng đều bắc loa nói Nhảy Dù đã về Phan Rang xin bà con trở lại sinh hoạt bình thường. Chỉ trong vòng một buổi sáng, đã thấy sinh khí có vẽ đã trở lại với Phan Rang, vùng đất mà từ nay đã trở thành địa đầu giới tuyến, nhưng tôi vẫn không tìm được khẩu đại bác nào còn nguyên vẹn, pháo binh quyết định chiến trường, không có pháo thì việc phòng thủ phi trường càng thêm khó khăn.
Tại cửa biển Phan Rang, sát một làng chài lưới, đồng bào báo cáo có một bọn cướp có súng, lợi dụng tình hình sôi động đã cướp bóc nhũng hại dân lành cả tháng nay, hiện bọn này đang nằm ở nhà, xin Quân đội đi bắt, viên Đại Úy không còn quân này xin Nhảy Dù đi bắt cướp, tôi đề nghị viên Trung sĩ Trưởng toán Nhảy Dù cho đi, và đã bắt được hai tên cướp này thật dễ dàng, rồi trói lại rồi đưa ra ngay cửa biển nơi có chiếc ghe của gia đình tên chánh đảng cướp đang neo tại bến. Bà con nghe tin kéo đến thật đông, viên Đại úy hỏi ý kiến bà con xử trí như thế nào, mọi người đều hô to xử tử, nhanh như chớp viên Đại úy Quận Trưởng lập tức giơ M16 nhắm vào tên Chánh đảng đang quỳ cách đó khoảng chục thước và bắn ba phát, tên Chánh đảng vừa giãy chết thì chiếc ghe kia cũng mở máy chạy. Còn lại tên thứ hai thì có một vị bô lão nói là con và xin tha, vì con ông chỉ là đồng bọn bị ép buộc, nay dân chúng cũng xin bảo lãnh tha tội chết, tôi cũng nói thêm vào xin Đại úy tha cho nó, và thật giống như là xi nê, tên này được viên Quận Trưởng cởi trói và tha tại chỗ giống như “Not guilty” tại phiên tòa xử vô tội tại Mỹ. Chuyện này về sau xem phim Hồng Kông, tôi có ý nghỉ ngộ nghĩnh là Nhảy Dù dẫn Bao Công đi xử án tại Phan Rang.
Về đến Tiểu đoàn, tôi báo cáo mọi chuyện, Thiếu tá Triệu cắt tôi tiếp tục làm Sĩ quan liên lạc Lữ Đoàn đặt cạnh Bộ chỉ huy hành quân chiến cuộc của Không Quân, và nhờ phương tiện liên lạc tốt của Không Quân, tôi đã liên lạc được Hải pháo Hoa Kỳ ngoài khơi Hải phận Việt Nam qua một Sĩ quan liên lạc hải pháo người Việt. Tôi trình bày mọi việc và yêu cầu yễm trợ hải pháo khi đụng trận, vì hiện nay chúng tôi không còn pháo binh, họ chấp thuận yêu cầu trên nguyên tắc, nhưng sau đó đã lờ đi vì Hoa Kỳ vĩnh viễn phủi tay với người bạn đồng minh. Ngày 9/4/1975 đã diễn ra một cuộc bốc quân cuối cùng và vĩ đại nhất của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, Không đoàn 72 chiến thuật của Trung tá Lê Văn Bút đã dùng 40 trực thăng UH 1B cộng với 12 trực thăng võ trang, và 8 chiếc trực thăng Chinook từ phi trường Biên Hòa ra bay ngược về Khánh Dương bốc “Một slick duy nhất” được gần hết các Quân nhân Lữ đoàn 3 bị thất lạc gần 600 người mà đa số là Tiểu đoàn 5 Nhảy dù của Trung Tá Bùi Quyền và một số anh em Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 6 Dù, còn riêng các pháo đội Nhảy dù thì sau này có người tìm ra được Quốc lộ và cuối cùng về đến đơn vị chỉ được vài người, còn lại ngoài số bị tử trận, một số bị bắt làm tù binh như Đại úy Nguyễn Thái Chân hàng chục năm sau mới được trả tự do. Vài ngày sau, khi toàn bộ Lữ đoàn 2 Dù ra thay Lữ đoàn 3 xong, và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi ra làm Tư lệnh mặt trận Phan Rang, thì Tiểu đoàn tôi được lệnh trở về hậu cứ Nguyễn Huệ để bổ sung lực lượng sau gần 3 năm tham chiến tại miền Trung.
Qua cửa phi cơ nhìn xuống Phan Rang, Quốc lộ số 1 với những hàng dừa ngút ngàn chạy song song với biển Thái Bình Dương, tôi còn hình dung được hơn một tuần trước, ở phía dưới kia đã diễn ra một đêm hoa đăng bi thảm soi đường cho một cuộc di tản trong vòng trật tự, vì tự do, vì đồng bào, chúng tôi đã ngồi dậy, và cầm súng tiếp tục chiến đấu.
Mũ Đỏ Nguyễn Văn Lập
(Đêm Hoa Đăng Bi Thảm) “Night of the Flowered Lanterns”
https://hon-viet.co.uk/MuDoNguyenVanLap ... NamXua.htm
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:14
bởi Hoàng Vân
Anh về
từ Thung Lũng Tử Thần Ashau
______________________
Đinh Văn Tiến Hùng
*Ngày Quốc Hận vẫn dày vò thân xác,
Tiếng Quê Hương còn đau xót tâm hồn,
Tổ tiên xưa quyết chống Tàu giữ Nước,
Con cháu nay phải dẹp Cộng tham tàn.
(Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4, để ghi nhớ công lao và tinh thần hy sinh cao cả của các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây trích trong Nguyệt san Bốn Phương/Lực Lượng Đặc Biệt năm 1969)
Dáng người nhỏ, da đen sạm, 25 tuổi, độc thân, sinh tại Hà Tây, Quảng Ngãi, thuộc bộ lạc Hả, 8 tuổi lính, từ Bộ Binh qua Biệt Kích rồi Thám Kích Tiền Phong. Đó là những nét đầu tiên tôi ghi nhận nơi Đinh Đó, người toán phó Thám Kích/Lực Lực Đặc Biệt, bị Cộng quân giam giữ suốt 45 ngày nhưng đã can đảm thoát vùng tử địa và hướng dẫn oanh kích sào huyệt Cộng quân gây tổn thất nặng nề cho địch.
Trong không khí yên lặng buổi ban mai đẹp trời, nơi chiếc ghế băng ngoài sân TTHQ/Delta, tôi được Đinh Đó kể lại quãng thời gian 45 ngày chung sống với Cộng quân trong thung lũng tử thần Ashau.
Cuộc đối thoại không mang tính cách phỏng vấn, mà là một buổi trao đổi tâm tình cởi mở.
Nhảy vào vùng tử địa.
Ashau nằm cách biên giới Lào Việt không đầy 10 cây số và cách thị trấn Huế trên 40 cây số về phía Tây.
Với địa thế núi rừng hiểm trở, mây mù bao phủ quanh năm, tiện đường chuyển vận quân và vũ khí của Cộng quân. Qua nhiều năm CSBV dùng nơi đây làm sào huyệt xuất phát những trận đánh phá nhiều tỉnh thuộc Vùng I Chiến Thuật, nơi Cộng quân cho là bất khả xâm phạm với địa thế lòng chảo, một tiền đồn và một phi trường bỏ hoang còn ghi dấu lại. Nhưng đối với các chiến sĩ Lực Lượng Đặc Biệt và BKQ thì danh từ ‘vùng tử địa’ hay ‘bất khả xâm’ cũng bị xóa bỏ. Chính nơi thung lũng tử thần này, tháng 3/68, các Chiến sĩ Tiểu Đoàn 91 Biệt Kích Dù đã phục kích phá tan đoàn xe Cộng quân gồm 8 chiếc chuyển vũ khí lương thực xâm nhập miền Nam. Đến nay trong khuôn khổ hành quân Delta vẫn còn nối tiếp, các toán Delta và Thám Kích Tiền Phong luôn được tung vào hoạt động trong vùng rừng núi tử thần này.
Trưa ngày 2/4/69, một toán Thám Kích Tiền Phong gồm: Toán Trưởng Nguyễn văn Son, Toán Phó Đinh Đó và hai toán viên Lê Văn Bang cùng Đinh Đức, được trực thăng thả bằng thang giây xuống hoạt động tại vùng thung lũng Ashau. Bốn chiến sĩ được trang bị súng AK, y phục Kaki, đi dép râu, đầu trần giống như Cộng quân. Buổi trưa bầu trời quang đãng không có những lớp mây mù giăng phủ như thường ngày, nhưng khí rừng vẫn xông lên hơi lạnh ẩm ướt. Đứng dưới hố bom. Toán trưởng mở bản đồ để xác nhận lại vị trí và ra lệnh cả toán gióng hướng Bắc 32 độ. Núi rừng âm u, tàn cây che kín chỉ để lọt xuống những khoảng nắng nhỏ, im lặng đến nỗi nghe rõ từng tiếng chim gõ mõ từ xa vọng lại và cả tiếng chân mình khua động lá rừng cùng hơi thở đồng đội. Ở đây núi đồi không cao lắm, chỉ dưới ngàn thước, nhưng đường đi chênh vênh dốc và vướng mắc nhiều rễ cây rất khó di chuyển. Mồ hôi đã thấm lưng áo, nhỏ giọt từ trán xuống, bốn người dừng nghỉ. Rừng chiều xuống, những đám mây giăng trên đầu và sương rừng bắt đầu rơi lạnh. Son ra hiệu cho các bạn tiếp tục lên đường để tìm một vị trí an toàn nghỉ đêm. Màn đêm chụp xuống thật mau, xóa nhòa cảnh vật chung quanh. Bốn người dò dẫm đi gần nhau, vì chỉ một khúc quanh, một hốc núi, một gốc cây là lạc nhau. Son đứng lại và cả toán dừng theo. - ‘Đêm nay nghỉ tạm trong hốc núi này!’.
Son ghé tai nói với Đinh Đó, anh gật đầu đồng ý và cả toán dừng theo.
Đêm rừng huyền bí lạ. Bốn bề yên lặng nghe rõ tiếng côn trùng rên rỉ dưới cỏ, sương rơi trên lá. Những con đom đóm rừng bay vật vờ ma quái. Tiếng vỗ cánh của con chim say ngủ. Khí lạnh từ trong lòng đất và hang đá toát ra khiến mọi người rùng mình vội kéo tấm áo lạnh khoác vào người. Đêm đầu tiên dựa vào nhau mà ngủ cho ấm và để dễ liên lạc. Một người ôm súng canh chừng cho ba người ngủ. Cứ thế thay phiên nhau tới khi những tia nắng đầu tiên lọt qua khe đá dội xuống. Cả bọn tiếp tục lên đường. Cứ ngày đi đêm nghỉ băng qua nhiều đồi núi. Tới ngày thứ ba, cả toán đang đi bỗng trời xám dần, rừng cây lay động mạnh. Những cơn gió ào ào xoáy lốc giật lá cây trút xuống, những tia chớp loé lên kèm theo tiếng nổ vang động núi rừng. Cơn mưa đổ như trút nước. Bốn người nép mình vào hốc đá vẫn không tránh khỏi ướt sũng. Trận mưa dai dẳng kéo dài suốt đêm. Một đêm giấc ngủ chập chờn với những tiếng động ầm ầm của đất trời và núi rừng.
Hai lần thoát chết trong gang tấc.
Sáng ngày 5/4/69, trận mưa đêm dứt hẳn, nhưng lá cây còn ướt sũng, thỉnh thoảng rùng mình trút nước dưới những cơn gió ào ào. Một dòng suối róc rách chảy đâu đây, cả toán tiếp tục lên đường. Đổ đồi thật vất vả, ướt và trơn tượt, phải níu vào rễ cây mà đi xuống. Đó dừng lại, chú ý đám cỏ thấp nghiêng rạp hai bên. Anh giơ tay chỉ một nhánh cây non mới bị bẻ gẫy. Dấu người vừa đi qua gần đây, anh nhìn khả nghi lùm cây phía trước, đưa mắt ra hiệu đồng bạn thận trọng. Bỗng một tràng AK từ trên đồi dội xuống, Đó lăn mình vào hốc cây, ria một băng đáp trả. Rồi từng loạt đạn từ bốn phía thi nhau nổ giòn. Địch hình như phát giác được quân số phía toán. Tiếng đạn rít lên từng hồi, tiếng hô xung phong bắt sống, phá tan bầu khí yên tĩnh ban mai núi rừng. Bốn tay súng can đảm chống trả, nhưng không thể cầm chân địch từ bốn phía tràn lên.Vài tên gục ngã, tiếng rên bi thảm.Tiếng súng dưới chân đồi thưa dần, chứng tỏ địch đã cận kề. Phải mở một đường máu liều chết để thoát ra ngoài. Son ra hiệu dồn hoả lực về phía trước để cầm chân địch. Bốn khẩu AK nổ giòn. Cả toán lăn nhanh xuống đồi như những con sóc rừng. Từng loạt đạn vút theo. Hai tiếng hét phía sau: Bang và Đức trúng đạn chúi xuống, một loạt đạn bồi theo. Toán Trưởng Son và Toán Phó Đinh Đó biết là hai toán viên đã bị hạ, nhưng không sao tiếp cứu nổi, vì những loạt đạn vẫn nối tiếp đuổi theo với tiếng hò hét phía sau. Son và Đó thoát xuống chân đồi, lẩn vào khu rừng kế cận. Tiếng súng xa dần…
Nắng lên cao, nhưng hai người vẫn không dám dừng chân nghỉ, vì biết địch còn bám sát phía sau.
Gói cơm chiều hôm trước còn dở hai người chia nhau vừa đi vừa ăn. Đó hỏi Son:
- Bây giờ tính sao?
- Chúng ta đã mất hai, còn hai lạc hướng không thể nào tiếp tục như kế hoạch đã định trước.
Máy truyền tin mất, phải tìm một vị trí dựng ‘pano’ báo hiệu phi cơ đến tiếp cứu.
Đó chỉ ngọn núi phía trước, hai người trực chỉ. Phải lên tới đỉnh núi trước khi trời tối mới hy vọng.
Ngọn núi trông xa sườn thoai thoải, nhưng tới gần dốc đứng, lên thật vất vả, vô ý một chút là trượt chân té xuống vực. Gần 5 giờ hai người mới lên tới đỉnh. Sương mù xuống lạnh, giăng giăng trên đỉnh che khuất ánh nắng chiều. Cố lắng nghe tiếng phi cơ từ xa vọng lại, nhưng im vắng bao phủ triền miên núi rừng. Hai người tháo ba lô lấy thức ăn. Gói cơm lạnh ngắt, mùi cá hộp tanh nồng nhưng cố nuốt. Thèm một ngụm cà phê, một điếu thuốc biết chừng nào! Nhưng giữa cảnh núi rừng này, tìm đâu ra. Son giơ ‘bi đông’ nước lên uống một ngụm, dòng nước chưa kịp trôi xuống cổ họng thì anh bị một viên đạn bắn trúng đầu gục xuống. Nhanh như cắt, Đó chụp lấy khẩu AK ria một loạt về phía tên Cộng quân vừa từ dưới bò lên. Tên địch chới với lăn xuống phía dưới. Đó vội giựt khẩu AK trên đùi Son rồi biến mất. Anh không kịp mang ba lô theo và biến vào sương chiều đang vây phủ núi rừng. Có tiếng nói lao xao phía trên. Anh nép mình vào hốc đá và thoáng nghĩ “đây là lần thứ hai mình phải bỏ đồng đội ở lại. Thế là mất ba, chỉ còn một mình, chắc khó thoát. Nhưng dù sao cũng phải cố gắng ra khỏi vùng này ngay trong đêm nay”.
Đó lần mò trong bóng đêm. Một hòn đá lăn dưới chân, một con đom đóm đêm cũng đủ làm anh giật mình. Thật là một đêm kinh hoàng nhất trong đời quân ngũ. Anh đã từng xông pha nguy hiểm nhiều lần, nhưng chưa bao giờ anh phải chiến đấu đơn độc như lần này, nói đúng hơn là anh phải tự bảo vệ cho mình.
Khi tiếng chim rừng hót vang anh mới biết trời đã sáng. Anh nhớ bao đạn đã tuột mất và khẩu AK đã bắn hết viên đạn cuối cùng.Thật là vô dụng mang theo thêm nặng, anh tìm một hốc đa vùi xuống và lấp lá cây lên. Giờ thì nhẹ nhõm, nhưng mạng sống đành trao cho số mệnh. Lúc này có thể gặp bất cứ ai bạn hay thù.
Người toán phó Thám Kích cứ lầm lũi đi theo bóng mặt trời lên. Người mệt lả, bụng đói vì hết lương thực, mắt mờ đi, tay chân bủn rủn….
45 ngày sống với Cộng quân.
Buổi trưa, Đó dừng lại đang lấy tay vục nuớc uống từ một dòng suối chảy qua khe đá, bỗng có tiếng quát lớn phía sau:
- Giơ tay lên!
Như một cái máy, anh quay lại từ từ đứng lên giơ tay cao. Lúc này không còn thoát được nữa. Hai người mặc Kaki vàng cầm súng AK từ sau hốc đá nhảy vọt ra. Chúng lục soát người anh thấy không tìm được gì quan trọng, liền bắt anh cởi bỏ quần áo, chỉ cho mặc chiếc quần cụt và dùng giây trói tay quặt về phía sau.
Không đầy một phút sau, một toán chừng 20 tên kéo đến. Tất cả đều ăn mặc và trang bị giống như hai tên trước. Tên mang khẩu Colt Trung Cộng - chắc là cấp chỉ huy - lên tiếng hỏi:
- Bắt được có một tên hay sao?
- Vâng chỉ có một tên thưa đồng chí! Tên kia đã bị bắn chết trên núi, chỉ còn tên này trốn thoát.
Nghe tên kia trả lời, Đó biết là chúng đã cho một Trung đội theo sát Son và anh trong mấy ngày nay. Tên chỉ huy hỏi anh:
- Mày là lính Biệt Kích Mỹ?
- Không, tôi là Biệt kích Việt Nam.
- Súng đạn đâu?
- Tôi đánh mất tất cả.
- Tên mày và chức vụ?
- Đinh Đó, toán phó Thám Kích.
Hỏi mấy câu vắn tắt rồi hắn hất hàm ra lệnh:
- Thôi giải hắn đi!
Toán người do tên chỉ huy hướng dẫn đi trước và Đinh Đó được bốn tên áp giải theo sau. Đoàn người theo đường mòn mà đi, hình như chúng đã thông thuộc với những lối đi quanh co này. Trưa hôm đó tới một căn nhà dùng làm trạm giao liên. Đây không có người ở, chỉ dùng làm chỗ dừng chân nghỉ ngơi. Cả bọn ăn cơm và một tên mang đến cho Đó một chến cơm với ít muối. Ăn xong chúng ngồi nói chuyện một lúc rồi tiếp tục lên đường. Khi trời vừa tối tới trạm giao liên thứ hai. Trạm này có chừng một trung đội đang đóng giữ. Sau khi trao đổi vài câu cùng trưởng trạm, chúng nghỉ đêm tại đây… Cứ như thế, tiếp tục ngày đi đêm nghỉ và tiến về hướng đông. Dọc đường anh để ý cứ hai trạm bỏ trống tới một trạm có người, mỗi trạm cách nhau từ 2 tới 3 cây số. Anh được biết trong câu chuyện chúng trao đổi: Đơn vị này thuộc Tiểu Đoàn 50 CSBV và chúng đang áp giải anh về Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn.
Qua ngày thứ ba, anh được lãnh mỗi ngày nửa lon gạo và một gói muối nhỏ, trong khi chúng lãnh mỗi người 1 lon gạo kèm 1 gói đồ ăn khô. Giờ chúng để anh thong thả hơn vì đây là vùng hoạt động của chúng.
Ban ngày anh được cởi trói, tự nấu lấy cơm dưới sự giám sát của 4 tên. Đêm đến chúng trói lại và nằm cạnh để canh giữ….
Năm ngày qua đã tới Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn của chúng. Nơi đây không một hàng chữ, không một cổng ra vào vì bốn phía đều trống trải. Năm dẫy nhà mỗi dẫy chừng 10 căn cách nhau từ 50 đến 100 mét. Nhà dựng sơ sài bằng cây, lợp lá rừng trông đã cũ. Anh thấy những người lính qua lại còn rất trẻ chừng 15,16 tới 21, 22 tuổi là nhiều. Đứa mặc quần áo, đứa cởi trần, tỏ ra rất thong thả. Có vài người chống nạng hay bó tay chân. Anh thoáng thấy có cả nữ cán bộ, nhưng không biết họ làm nhiệm vụ gì ở đây. Các cô mặc quần đen, áo nâu, chít khăn theo lối người miền Bắc. Nhưng một đặc điểm là bọn này người nào cũng gầy gò da vàng bủng. Anh đoán chừng đây là cơ sở hậu cần Trung đoàn. Những người qua lại đưa mắt tò mò nhìn anh rồi bỏ đi.
Một tên bước tới hỏi:
- Mày là lính ở đâu?
- Lính Việt Nam Cộng Hòa.
- Đi lính có sướng không?
- Không đến nỗi khổ cực.
- Quần áo và ăn uống thế nào?
- Đầy đủ.
- Hút thuốc này?
Tên cán bộ vừa nói vừa giơ điếu thuốc cuốn theo lối đồng bào Thượng thường dùng.
- Không! Tôi hút Salem.
- Ồ khá nhỉ!
Hắn thoáng lộ nụ cười với nét mặt nham hiểm và ra lệnh:
- Đưa vào khu 1, không cho tiếp xúc với Bộ đội.
Chúng dẫn anh vào phồng số 1 trong khu đầu tiên.Trong nhà không có giường chiếu, không bàn ghế, chỉ có bóng tối tràn ngập… Anh bị giam tại đây đúng 5 ngày. Chỉ được ra ngoài giờ ăn và lo vệ sinh cá nhân, có người đi theo giám sát. Đó đã nghĩ đến cách trốn thoát, nhưng vì bị kiểm soát chặt chẽ và anh cũng chưa định ra vị trí nơi mình bị giam nên chưa thể quyết định được. Qua ngày thứ 6, chúng tiếp tục áp giải anh đi về hướng đông. Anh bỡ ngỡ không hiểu chúng đưa mình đi đâu…
Vào cuối tháng, cả trung đội tới trạm giao liên nằm dưới chân ngọn đồi và xa xa phía bên kia là một con sông chảy ngang qua. Trong khi dừng đợi anh đã nhận ra vị trí nơi đây. Cách một tháng trước anh đã bay qua vùng này khi Toán Thám Kích của anh ngồi trên trực thăng tìm vị trí đổ quân. Đó là dòng sông chia đôi vùng ranh giới giữa Quốc Gia và Cộng Quân, thuộc quận Đức Dục, cách thị xã An Hòa chưa đầy 20 cây số. Trong những cuộc hành quân trước đây những toán Delta và Thám Kích đã quen thuộc địa thế vùng này.
Một tia hy vọng loé trong đầu, anh phải tìm cách trốn thoát. Cần chờ thời gian thuận tiện và lúc địch sơ hở.
Đây là trạm tiếp liên, chúng chờ tiếp tế hơn 10 ngày. Vào một buổi sáng, chúng bắt anh đi vác gạo từ bờ sông về. Chắc gạo được chuyển từ vùng Quốc Gia vào đây. Được tiếp tế rồi chúng vẫn đóng lại chờ lệnh.
Thoát vùng tử địa.
Trong những đêm nằm tại đây, Đinh Đó để ý thấy bốn tên áp giải càng ngày càng tỏ ra không lưu tâm đến anh như trước. Nhiều lúc trông coi anh qua loa và đêm đến lại nằm cách xa. Hai tuần trôi qua. Vào một đêm tối trời, sau khi một tên trói anh lại và tìm một góc tối nằm ngủ. Anh giả vờ nhắm mắt, rồi một lát sau ngáy gỗ. Về khuya, bốn bề im lặng chỉ còn nghe tiếng côn trùng và tiếng người thở đều đều. Anh mở rộng đôi mắt nhìn vào màn đêm, những bóng đen bất động. Bọn chúng đã ngủ say như chết. Đó khẽ cựa mình trút bỏ sợi giây buộc tay lỏng lẻo. Anh tìm một cục đá ném về tên áp giải nằm gần, không có phản ứng gì. Anh từ từ bò về phía trước rất nhẹ và nín thở. Thoát chốc anh đã lẩn vào bóng đêm tiến về phía sông. Con sông không rộng lắm nên chỉ một lúc sau anh đã sang tới bờ bên kia. Thế là yên tâm, vì bên này vào vùng kiểm soát của Quốc Gia. Xa xa có ánh lửa, anh lầm lũi về phía đó. Một ngôi nhà nhỏ có tiếng từ trong vọng ra. Có cả tiếng radio. Anh cố gắng lắng nghe những bài ca và giọng nói quen thuộc Đài Quốc Gia. Anh vững tâm gõ cửa. Tiếng bên trong hỏi vọng ra:
- Ai ngoài đó?
- Thưa tôi.
- Tôi là ai?
- Tôi đi lạc đường.
Tiếng dép lẹp xẹp, một người đàn ông chừng ngoài 40 ra mở cửa:
- Mời vào trong.
Ông đưa mắt nhìn bỡ ngỡ vì thấy người anh còn ướt và mặc độc nhất chiếc quần đùi. Anh vội lên tiếng:
- Thưa ông đây là đâu?
- Vùng Quốc Gia kiểm soát.
- Có Quân đội…
- Không có lính bên kia, chỉ có Quân đội VNCH đóng thôi. Vậy anh là…?
- Thưa ông tôi là lính Cộng Hòa bị bắt, trốn thoát và đi lạc. Tôi đói ông có gì cho ăn…
- Được anh ngồi đợi đó.
Rồi ông xuống bếp lấy cơm và đồ ăn mang lên. Vì đói nên anh ăn rất ngon lành không cần khách sáo.
Anh rất cảm động về thái độ ông đối với mình:
- Chắc anh bị lính bên mặt trận bắt và tìm cách trốn?
- Dạ vâng.
- Thế giờ anh định về đâu?
- Tôi sẽ nhờ Chính quyền địa phương giúp trở về đơn vị ở Đức Dục, gần khu Kỹ Nghệ Nông Sơn.
- Thôi để trời sáng, tôi sẽ đưa anh lên trình diện Hội đồng xã, quận Đức Dục gần đây.
- Cám ơn ông nhiều.
Sáng sớm người đàn ông dẫn anh lên trình diện Hội đồng xã. May mắn dọc đường anh gặp một chiếc xe nhà binh, anh nhận ra ngay chiếc xe Toán Delta thường lên Quận. Xe dừng lại đưa anh về căn cứ hành quân Đức Dục.
Cấp chỉ huy và đồng đội rất ngỡ ngàng khi thấy anh trở về. Họ tưởng anh mất tích hay đã chết rồi. Đồng đội hân hoan bao quanh hỏi thăm sức khoẻ và tin tức. Anh cảm động biết bao khi gặp lại mọi người trong tình huynh đệ nồng nàn đầm ấm.
Người Chiến sĩ Thám Kích Tiền Phong ghi công đầu.
Ngay trưa hôm ấy, Đinh Đó ngồi trên trực thăng cùng Thiếu tá Chỉ huy trưởng Trung Tâm Hành Quân Delta đi thám sát khu vực địch đóng quân anh đã ghi nhận đêm trước. Căn cứ địch đóng phía bên kia sông cách làng An Hòa chưa đầy 10 cây số, nằm dưới chân một ngọn đồi. Anh đã nhận ra vị trí. Chiếc HU 1B bay lượn vòng phía trên, rồi lao xuống thấp dần. Dấu vết Cộng quân được xác nhận. Một loạt AK phía dưới vọt lên, hai khẩu đại liên từ trên phi cơ đáp trả giòn vang.
Vài tiếng sau chiều hôm ấy 18/5/69, pháo binh ta đã nã vào vùng địch hàng trăm trái đạn. Tiếp theo là những phi vụ B52 oanh kích rung chuyển núi đồi… Chắn chắn những phi vụ oanh kích và trọng pháo đã gây cho địch tổn thất nặng nề. Đó cũng là nhờ công lao của:
- Toán Phó Đinh Đó.
- Người Chiến sĩ gan dạ Thám Kích Tiền Phong, đã hai lần lọt vào tay Cộng quân (lần trước bị bắt giam 7 ngày trong cuộc hành quân Delta năm 1967, anh cũng trốn thoát)
- Một lần bị thương trong cuộc hành quân Tết Mậu Thân tại Nha Trang.
- Chính tay anh trong đời binh nghiệp đã hạ 30 tên Việt Cộng,
Nhưng anh đã san sẻ vinh dự cho đồng đội và chỉ nhận một số huy chương thật khiêm tốn gồm một Ngôi Sao Bạc - một Chiến Thương Bội Tinh, cùng một số tiền thưởng do Thiếu Tá Phan Văn Huân chỉ huy trưởng/Trung Tâm Hành Quân/Delta trao tặng trong dịp trốn thoát vừa qua.
Tôi nhìn huy hiệu anh mang trước ngực: Chiếc dù mở rộng phía trên đôi cánh chim đại bàng bạt gió, chiếc sọ người dấu tử thần cùng lưỡi lửa biểu hiệu lòng nhiệt thành quả cảm, ba tia sét tượng trưng 3 lối xâm nhập: Không - Thủy - Bộ và hàng chữ dưới cùng Thám Kích Tiên Phong.
Anh nở một nụ cười tươi trong dáng điệu còn mỏi mệt vì đang thời gian nghỉ tịnh dưỡng sức khỏe.
Tôi ghi nhớ câu anh nói khi chia tay tạm biệt:
- Nghỉ ngơi sau ít ngày phép, tôi sẽ trở về cùng đồng đội tiếp tục cuộc sống như cũ.
Nghĩa là anh lại đi toán vô rừng, tiếp tục gian khổ và có thể lại bị bắt, thất lạc, mất tích hay ra đi vĩnh viễn… nhưng anh chấp nhận tất cả, vì cuộc sống của những Chiến sĩ Delta hay Thám Kích Tiền Phong Lực Lượng Đặc Biệt luôn là thế. Huy hiệu Anh và các bạn mang trên ngực áo đã nói lên lòng quả cảm và sự hy sinh của tuổi trẻ dâng hiến cho Quê Hương Tổ Quốc.
Phóng Viên Chiến Trường Đinh Quân
Đinh Văn Tiến Hùng
(*) Ghi chú thêm của tác giả Đinh Văn Tiến Hùng, bút hiệu Đinh Quân.
- Và tại nơi đây hơn 1 năm sau, trên ngọn đồi Abia đã xảy ra trận chiến ác liệt giữa Quân đội Hoa Kỳ và Cộng Sản Bắc Việt kéo dài từ 1/7 đến 23/7/70, mà người Mỹ đã gọi là Ngọn đồi Thịt Băm (Hamburger Hill )
- Năm 1987, đạo diễn John Irvin đã dựng thành phim mang cùng tên.
- Rồi mới đây, trong dịp kỷ niệm 40 năm Quốc Hận, cuốn phim Ride The Thunder đã được công chiếu rộng rãi và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt. Phim dựa theo tác phẩm của Richard Botkin, do đạo diễn Fred Koster thực hiện, nói lên tinh thần chiến đấu can trường của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đinh Văn Tiến Hùng
https://hon-viet.co.uk/DinhVanTienHung_ ... nAshau.htm
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:17
bởi Hoàng Vân
Gió đã đổi chiều?
Câu chuyện 48 năm sau…
________________________
Nguyễn Văn Lục
Cách đây 48 năm, trên chiến hạm chỉ huy Blue Ridge cùng với 30 chục chiến hạm đủ loại của hạm đội 7 đang đậu ở ngoài khơi bờ biển VN, cách Vũng Tàu khoảng 30 dặm vào lúc miền Nam đang hấp hối.
Họ đang chờ đợi để đón lính Mỹ và người Việt từ đất liền. Sứ mạng lần này không giống với 21 năm về trước tại vịnh Hạ Long.
GS. Nguyễn Văn Lục
Trên phòng chỉ huy của viên đô đốc Hạm đội thứ bảy, người ta thấy tề tựu đông đủ các ký giả nhà báo Mỹ đã từng có mặt trên các chiến trường VN như Stanley Karnov, David Halberstam, Neil Sheehan, John Kenneth Galbraith và nhiều người khác v.v… Dầu vậy được biết còn 125 người nhà báo trong số họ, đủ quốc tịch tình nguyện ở lại để chứng kiến cơn hấp hối của miền Nam Việt Nam.
Bên cạnh đó còn có phụ tá Trùm mật vụ là Frank Snepp đã từ Đài Loan đến đây được vài giờ sau khi hộ tống ông cựu tổng thống NVT ra đi trước đó mấy ngày. F. Snepp đến đây để đón tiếp một nhân vật quan trọng nhất- đại diện cho nước Mỹ- trong giờ phút này:
Đó là đại sứ Martin. Ông là người Mỹ cuối cùng rời VN mà trên tay chỉ ẵm theo một gói nhỏ: Đó là lá cờ nước Mỹ. Lá cờ đã được cuốn lên có nghĩa là nước Mỹ đã không còn ở đó nữa.
Ngay khi vừa đặt chân lên boong tàu vào lúc 2 giờ 47, giờ Sàigòn, ông đại sứ nhận được một điện tín chúc mừng của H.Kissinger với nội dung như sau: Với lời khen ngợi nồng nhiệt vì ông đã chu toàn toàn trách nhiệm. Nước Mỹ đến như thế nào thì lúc ra đi cũng như thế!!!
Nhìn từ trên boong tàu, các ký giả ngoại quốc đã thấy hàng ngàn những chiếc thuyền nhấp nhô như lá tre trôi trên biển. Đó là những thuyền đủ loại, đủ cỡ của những người Việt Nam đầu tiên bỏ chạy Cộng Sản. Họ là ai, số phận họ sẽ ra sao sau này? Chẳng ai trong số những ký giả trên và ngay cả những người ngồi trên những chiếc thuyền đó có thể tiên đoán đuợc điều gì.
Chỉ biết bỏ chạy đã. Chữ bỏ của chạy lấy người diễn tả đúng trong hoàn cảnh như thế này. Số phận họ ra sao không ai dám nghĩ tới, ngay cả đối với kẻ lạc quan nhất. Và đã có hơn 100.000 ngàn người trong số 250.000 ngàn người như thế đã được vớt đi định cư từ các chiến hạm của hạm đội 7. Cuộc ra đi thật bi tráng và tuyệt vọng đến tức tưởi.
Số phận họ có khác gì những con thuyền lênh đênh trên biển cả như những lá tre? Vâng những lá tre trên một đại dương mà lẽ sống chết đang chờ đợi họ. Bằng mọi giá họ đã ra đi mà nếu nay ngồi nghĩ lại, nhiều người không mường tượng nổi, họ đã có thể làm một điều như vậy. Nhưng cái “sô” vớt người trên biển trong tuần lễ cuối cùng của tháng tư và đầu tháng năm của người Mỹ cũng nói lên được cái gì:
Người Mỹ có thể làm được tất cả mọi việc một cách quy mô, ngay cả việc trốn chạy.
Nhận xét trên ăn khớp với điều mà Sir Robert Thompson, một chuyên gia về du kích dưới thời đệ nhất cộng hòa đưa ra lời tiên đoán trước đó vào ngày 23 tháng 3.1975 như sau: “Chúng ta sắp chứng kiến một cuộc đầu hàng chiến lược của Hoa Kỳ… Cuộc triệt thoái của người Mỹ khỏi Đông Dương là cuộc rút lui lớn nhất mà thế giới nhìn thấy từ khi Napoléon rút lui khỏi Moscow”.
Cuộc rút lui chiến lược ấy lôi kéo hàng trăm ngàn người Việt đi theo. Đó là những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên chạy trốn làn gió chướng ở giờ thứ 25 từ trong đất liền đã thổi giạt họ ra biển..
Nhìn cảnh tượng đó,- cảnh tượng quá bi tráng- Stanley Karnov quay sang David Haberstam vừa cười vừa nói một cách mỉa mai: Công việc đang xảy ra trước mắt chúng ta đây, ngày hôm nay, chúng ta như những chứng nhân lịch sử vào những giờ phút cuối cùng của miền Nam, tôi nghĩ rằng trong đó có phần đóng góp của ông đấỵ!
Haberstam trả lời:
– Ông nói không sai, nhưng chỉ xin xác định cho rõ tôi chỉ là một ký giá làm việc cho quyền lợi nước Mỹ trên mảnh đất nghèo nàn và khốn khổ này. Mỗi người Mỹ đến đây hẳn mang theo mình một trách nhiệm, một sứ mệnh. Ông cũng đồng ý chứ, ông bạn của tôi? Chẳng hạn sứ mệnh của E. Lansdale và tôi- mặc dầu khác nhau- Nhưng tất cả, chúng ta đều làm vì nước Mỹ!!
– Như thế chắc là ông hãnh diện lắm.
– Đương nhiên, vì thế mà tôi có mặt ở đây trong giời phút này. Thôi, mời ông nhìn xem cảnh tượng dưới kia như màn chót của tấn bi kịch mà chúng ta đã dựng lên, tốn kém hằng trăm tỉ đô la.
Ông cứ tưởng tượng, trong số hằng trăm ngàn người dưới kia, ít ra cũng đến phân nửa ở tuổi vị thành niên. Cái hình ảnh ngưới lếch thếch, lang thang với từng đoàn người nối đuôi nhau chạy trốn. Nếu tôi là họa sĩ, tôi chỉ vẽ lên cái cảnh này đũ diễn tả cái hiện trạng người Việt bỏ chạy. Và nếu cần nói một điều gì về lúc đó, về tâm trạng những người bỏ chạy thì có thể tóm tắt trong một câu: Tất cả đều hoang mang và không có một chút hy vọng gì về tương lai cả.
Những điều nhận xét của ký giả Haberstam sau này chỉ đúng có nửa phần đầu của câu chuyện.
Trong lúc đó, một sĩ quan đang trình với viên đô đốc chỉ huy chiến hạm 7 là có một vị tướng lãnh VN vừa đáp trực thăng của ông xuống boong tàu muốn được gặp. Vị đô đốc ra lệnh một cách gắt gỏng là: Ông nói với ông ta là tức khắc cởi bộ quân phục, lột bỏ lon của ông ấy ra và không được tuyên bố điều gì.
Đây là nước Mỹ trên biển chứ không phải là VNCH nữa.
Nhiều người sau này cho biết là viên tướng VN sau đó đã quỳ xuống, ngửa mặt lên trời và hét to lên: Ta thề với trời đất là ta sẽ trở về… Sau này được biết là ông đã giữ đúng lời thề, ông đã về.
Ông đã về theo cái cách mà Phạm Duy đã về!!
Vấn đề không phải là cởi bỏ bộ quân phục, cởi bỏ lon chậu vốn chỉ là cái bề ngoài. Câu chuyện viết về ông tướng có thể chỉ là một câu chuyện hư cấu. Vấn đề hôm nay, chính là nhiều người đã cởi bỏ cái danh xưng người Việt Quốc gia- cái biểu tượng của 48 năm nay -.
Và cứ như thế, không phải chỉ có đêm 29 tháng tư, mà tiếp câu chuyện đêm nay còn được tiếp diễn dài dài. Các con số thuyền nhân trốn khỏi Việt Nam càng gia tăng theo nhịp độ của những chính sách tàn bạo và trả thù của Hànội như “đi vùng kinh tế mới”. “học tập cải tạo”, “đánh tư sản, mại bản”, và cuối cùng “đi bán chính thức” nhằm vào giới Hoa Kiều.
Cứ mỗi một đợt chính sách lại thêm số người trốn ra đi khỏi nước.
Tổng cộng đã có gần hai triệu người trốn đi như thế. Đấy là còn chưa kể những nguời để lại xác trên biển cả. Con số này chẳng ai biết là bao nhiêu? Và cũng chẳng ai có thì giờ tìm hiểu làm gì. Người chết thì đã chết.
Phải vậy không? Tiếc nuối rồi cũng khuây khoa, người Việt đến được xứ người đều quyết tâm cật lực để lo sinh kế, miếng ăn trước đã.
Tất cả những chính sách vừa kể trên là nhằm đánh vào những thành phần phản động, ngụy quân, ngụy quyền, tay sai Mỹ Ngụy. Nước nhà đã độc lập, nay bỏ nước ra đi thì không phản động thì còn là cái gì?
Nhưng chính thức thì có thể quả quyết rằng, nhà nước không cưỡng bức một ai phải bỏ xứ ra đi, và cũng không giữ một ai muốn ra ra nước ngoài sinh sống. Và cuối cùng để giữ thể diện, vừa loại bỏ được những thành phần “rác rưởi” muốn vứt, vừa kiếm được tiền hoặc để trao đổi trong thương thuyết, nhà nước Cộng Sản đã đồng ý với Liên Hiệp Quốc theo một chương trình “ra đi trong vòng trật tự” (Orderly Departure Program).
Thảm cảnh thuyền nhân trên biển vì thế đã giảm mức độ đi nhiều.
Tất cả câu chuyện, những thảm cảnh trên biển cả nay đảo ngược trở thành cái mà Michel Tauriac trong Hồ sơ đen của Cộng sản (Le dossier noir du Communisme) (*1) tóm tắt đầy đủ ý nghĩa tóm gọn trong một câu “Những con bò sữa thuyền nhân”.
Gió đã đổi chiều, gió chướng đã thổi họ ra biển, nay ngọn gió nào đã đưa họ về ?
Hình ảnh thật biểu tượng và gợi hình. Thật vậy, tất cả những con bò sữa thuyền nhân đã ra đi với hai bàn tay trắng để lại tiền bạc, nhà cửa ruộng vườn. Họ đã vắt được bao nhiêu sữa ở những con bò đó: Vắt lúc ra đi và nhất là vắt lúc trở về.
Nói chi đâu xa, tôi có căn nhà kiểu biệt thự ở số 224B Nguyễn Huỳnh Đức, quận Phú Nhuận. Căn nhà đó lúc mua là 5 triệu 300 ngàn trước 75. Tính theo trị giá vàng thời đó là khoảng 80 chục cây. Ra đi hợp pháp, có giấy tờ hẳn hoi, đi bằng cửa chính ra Tân Sơn Nhứt.
Giấy tờ xuất cảnh có thể chỉ là tấm giấy nhỏ viết tay nguệch ngoạc mấy chữ là: Nhà này do nhà nước quản lý!! Quản lý là trông coi, giữ dùm mà thật ra là tịch thu, là hôi của! Cả miền Nam, hai triệu người bỏ nước ra đi đã bị “quản lý” như thế. Nói toạc ra là đã “bị cạo lông” sạch như thế .
Việc ra đi theo diện người Hoa, bán chính thức hay việc quản lý nhà cửa đất đai, tài sản nằm trong tay Bộ nội vụ. Công việc bộ này là đảm trách và tổ chức nhằm “nhổ sạch lông” những bọn người lưu vong này. Kẻ dỗi hơi ngồi tính nhẩm chuyện nhổ sạch lông này đem lại cho nhà nước ít nhất là 25 tấn vàng. Tôi không tin vào con số, đúng sai khó đoán vì không biết tính toán. Nhưng ấn tượng trong đầu tôi là nhiều lắm, nhiều lắm lắm. Nhưng 25 tấn vàng vẫn là chuyện nhỏ. Vẫn là chuyện vắt đi. Vắt lại mới là quan trọng.
Và để gọi những thuyền nhân thì có nhiều tên gọi tùy theo thời kỳ: lúc đầu là bọn bán nước, bọn tay sai. Bán được bao nhiêu nhà nước thu cả. Cho mãi đến năm 1990 cũng còn có người gọi Việt kiều là những tên Việt gian. Nói chung họ coi đó là thành phần rác rưởi của chế độ cũ, muốn thải loại, muốn tống đi cho rảnh mặt. Và gọi một cách vô tội vạ nhất là người nước ngoài. Nghĩa là có sự phân biệt đối xử giữa người trong nước và ngoài nước. Sau này chữ được dùng hơn cả là Việt Kiều.
Rồi cứ như thế sau thời kỳ mở cửa mà số lượng người Việt về nước cũng như kiều hối đã bắt buộc mọi người phải thay đổi lại thế nhìn, thế bắn. Không ai có thể từ chối được những món quà, không phải 10 đô la trong ngày lễ Noel mà là 13 tỉ đô la. 13 tỉ đô la!
Không phải chỉ 13 tỉ đô mà nay nhiều lần hơn, chiếm tỉ trọng một phần ba ngân sách nhà nước. Nhờ đó tình nghĩa hàn gắn những vết sứt sẹo, những lời nói mà bình thường chỉ được coi như kẻ thù. Gió đã đổi chiều nên ngôn ngữ cũng đã đổi theo.
Những chiếc thảm đỏ đã trải dài từ phi trường Tân Sơn Nhứt đến Nội Bài chạy thẳng vào Bắc bộ Phủ. Thật là trớ trêu đến nực cười ra đi trốn chui, trổn nhủi, lúc trở về thảm đỏ dưới chân.
Những thành phần rác rưởi ta vừa nói ở trên, những con bò sữa đã vắt cạn chẳng bao lâu sau trở thành rác quý mà người ta có thể chế biến thành những sản phẩm, những vật liệu để xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh. Đã chẳng ai ngờ điều đó đã xảy ra.
Rác rưởi cứ thể đổi hình đổi dạng mà tính ra tiền bằng những sản phẩm mới.
Những anh thuyền chài có thể ra đi vỏn vẹn chiếc quần đùi nay chễm trệ ngồi Mercedes. Những mệnh phụ nói tiếng Mỹ oe oé mà nếu không có cuộc đổi đời này thì cùng lắm chỉ là những người đàn bà làm vợ, làm mẹ, là nội trợ bình thường trong gia đình.
Nhưng kể làm gì đến những chuyện nhỏ nhoi đó.
Đã có rất nhiều thay đổi mà không ai tiên đoán trước được- những thay đổi tràn đầy hy vọng như thế đối với giới người Việt di tản-nhất là nơi người trẻ.
Họ không còn là cô nữ sinh cười e lệ, hỏi không dám mở lời mà nay là những chuyên viên hàng đầu của xã hội Mỹ. Có những người trong bọn họ đã làm ra số vốn bạc tỷ. Có người trong bọn họ cùng với bạn đầu tư nửa tỷ đô la tại nơi mà trước đây được coi là thánh địa của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Củ Chi với những địa đạo, nơi tự hào về cuộc chiến thần thánh trong tương lai trở thành biểu tượng “thung lũng của ngành tin học”.
Đã chẳng ai từ hai phía, người trong nước cũng như người nước ngoài nhìn thấy được điều đó ngay từ đầu.
Chuyện kể ra như một giấc mơ hay như câu chuyện thần thoại.
Và cái kim chỉ đường cho người Việt tương lai là hãy nhìn vào giới trẻ đang lên. Họ chiếm đa phần. Tương lai thuộc về họ, đời sống thuộc về họ, cộng đồng VN là họ. Không phải do một thiểu số những người lớn tuổi như tôi. Những người bỏ nước ra đi đã chỉ nhớ cái phần đầu câu chuyện mà chưa thuộc hết phần cuối.
Đó là những người không biết kể chuyện và những câu chuyện kể càng ngày càng nhạt phèo như nước ốc. Thời của họ đã hết. Ngay cả Thời của Thánh thần hay Thiên đường mù của những kẻ bất đồng chính kiến cũng bị bỏ quên lãng.
Những người còn bám víu vào quá khứ có thể được coi là những người không thức thời? Nhưng nếu không bám víu vào đó thì họ còn gì là họ? Quá khứ là chính họ là cái làm nên bản thân họ. Họ bị coi như loài “củi mục” trong đám cây rừng đang xanh lá. Củi mục thì làm gì? Đốt làm củi cũng không xong.
Nhưng chắc hẳn nhiều người như tôi không nghĩ như thế. Bản thân tôi cũng thế- không chấp nhận được lối xếp loại ấy -.
Trong 48 năm qua, chúng ta- những người Việt di tản- đã không ngừng tranh đấu không ngơi nghỉ cho điều mà tôi gọi là trận chiến cho một biểu tượng, trận chiến cho một hình ảnh (bataille de l’image) là người Quốc Gia.
Bao nhiêu công sức đã bỏ vào đấy!! Bao nhiêu thời giờ còm cõi ngồi trơ trọi một mình trên bàn máy điện tử để viết!!
Mặc dầu thâm tín và phải nhìn nhận rằng quá khứ định hình và làm nên người Việt di tản thế hệ thứ nhất thì tương lai sẽ định hình thế hệ người việt thứ hai, thứ ba, nghĩa là con cháu chúng ta!!
Còn lại vấn đề kế thừa là vấn đề bi quan nhất của người Việt hiện nay!!
Nhưng cho dù bi quan đến đâu, cho dù vứt bỏ vấn đề chính tri, lịch sử xã hội qua một bên thì vẫn còn lại vấn đề nhân cách, vấn đề đạo lý con người. Và lúc ấy cho thấy rằng: Củi mục thì cũng vẫn là củi.
Người khác cho rằng nhìn cây thì thấy rừng, nhưng nhìn củi mục thì thấy gì?
Họ nghĩ rằng thà là như anh thuyền chài, thà là như chị X, Y nói tiếng Mỹ oe éo. Thà là như thế. Phải nhớ rằng cuộc ra đi bất hạnh đã trở thành đại hạnh cho chính mình, cho con cháu mình, cho cái nơi mình đi tới và cả cái nơi mà từ đó mình đã ra đi.
Tháng tư đen thật ra chính là tháng hy vọng!!
Hành lý quá khứ mang đi càng nhẹ thì họ về VN càng nhanh.
Hãy nhìn vào những con số để nhận ra câu chuyện thần thoại về người Việt di tản. Năm 1987, có 8 ngàn người về thăm quê hương, đến năm 1993 thì con số tăng lên 160 ngàn người, đến năm 2002 là 380 ngàn người. Con số tự nó nói lên điều gì rồi và người ta bắt đầu vỡ lẽ ra.
Bên cạnh đó, kiều hối đem lại một sốn tiền tươi là 2 tỷ 6 đôla trong năm 2003. Hãy làm một so sánh cho rõ. Năm 2003, Việt Nam xuất cảng được 20 tỉ đôla, trừ vốn liếng cho sản xuất, lời ròng của 20 tỷ vị tất đã được 5 tỷ?
Có một điều, nhiều người vô tình quên là năm nay có 2 triệu lượt khách đến Việt Nam. Cứ giả dụ, mỗi người khách tiêu 2000 đô la đầu người. Số tiền thu được sẽ là bao nhiêu? Trong số 300.000 người Việt về thăm quê hương, cứ cho là vừa tiêu xài, vừa cho bà con họ hàng, ở từ hai tuần đến một tháng, mỗi người đổ đồng chi tiêu 4000 đô la cho một chuyến về thăm quê hương, cán cân ngân sách cũng như nền kinh tế Việt Nam đã được kích cầu lên không nhỏ.
Tiềm năng thật lớn. Tương lai cũng đầy hứa hẹn.
Đó là nền kinh tế sống nhờ trên những kỹ nghệ không khói.
10 năm nữa, dự đoán số khách du lịch là 10 triệu người-năm như Thái Lan hiện nay, với các đường bay thẳng Sàigòn-Mỹ, Sàigòn-Âu Châu. Chuyện đã xảy ra và chắc sẽ xảy ra. Lúc đó tiền đổ vào qua du lịch không phải là nhỏ nên hiện nay trên hầu hết 60 tỉnh thành của VN đều có khu du lịch đủ kiểu.
Điều đáng nói hơn nữa là nay có một số Việt Kiều về nước kinh doanh đầu tư với hàng trăm dự án được chấp nhận với số vốn lên đến trên một tỉ đô la..
Những Việt kiều như Nguyễn Chánh Khê với phát minh chế tạo thành công than Nano áp dụng vào việc sản xuất mực không phải là hiếm. Dự án khu khách sạn Vinpearl Resort- Spa, 5 sao, tại đảo Hòn Tre, Nhatrang đã khánh thành với số tiền đầu tư là 500 tỉ đồng. Phần lớn các số tiền đầu tư này tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, tin học, lắp ráp, du lịch.
Cũng vì thế, nhà nước đã chẳng tiếc lời gọi Việt Kiều là những người con của đất nước.
Những lời lẽ trân trọng mật ngọt đã hẳn là không thiếu. Gió chướng đã không còn nữa.
Gió đã đổi chiều, ngôn ngữ đổi chiều, giọng lưỡi đổi giọng. Không còn có chữ nghĩa làm đau lòng nhau nữa. Trên tất cả các sách báo, trên các trang nhà, không còn có thể tìm thấy bất cứ thứ chữ nào nói xa nói gần đến chế độ miền Nam trước đây nữa. Những chữ như bọn ngụy quân, ngụy quyền và bọn tay sai đã không tìm thấy trong tự điển của bộ chính trị nữa. Ngược lại không thiếu những chữ mật ngọt như “Tổ quốc Việt Nam, quê hương thân thiết luôn giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ.”
“Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt nam định cư ở nước ngoài giữ gìn quan hệ gắn bó với quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
Luật quốc tịch điều hai thì viết rõ ràng thế này: “Người Việt Nam ở nước ngoài là công dân Việt Nam” “Người Việt nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”
Nhà nước lại còn trích dẫn câu nói của ông Hồ mà không ai tự hỏi xem ông nói lúc nào và bao giờ: “Tổ quốc và chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Đất nước hòa bình..” – bác nói với kiều bào ở Thái lan về nước năm 1960.
Kiều bào năm 1960 thì không phải là người di tản!! Thật rõ chán.
Hình như người ta đã quên cái cảnh bồng bế xô đẩy nhau lên máy bay và bằng bất cứ giá nào phải đi bằng được. 48 năm sau, câu chuyện kể về thuyền nhân chỉ còn là dĩ vãng mà cả bên này bên kia đều đã quên hoặc cố tình quên.
Nhưng còn những người như tôi sẽ không quên. Never. Never!!!
Thật ra không hẳn là như vậy. Nhà nước chính quyền hoan hỉ nhận những đồng tiền Đôla từ mọi nơi gửi về cũng như người Việt mang tiền về nước. Mang tiền về thì được chứ đừng mang chữ về. Chữ hiểu theo nghĩa rất rộng là sách báo, tư tưởng, âm nhạc, nghệ thuật. Từ khi có nhà nước Cộng Sản đến nay.
Chữ vẫn là độc quyền tuyệt đối nằm trong tay đảng. Nó nằm trong một hệ thống khép kín: Chủ nghĩa hay ý thức hệ – bạo lực khủng bố – và một chính quyền toàn trị. (ideology, terror and totalitarian government).
Chẳng lạ gì, trước khi về VN, người ta thường khuyên có một điều duy nhất: anh muốn làm gì thì làm:
– chẳng hạn anh có thể cờ bạc, chơi bời đủ kiểu, tắm đủ kiểu, phòng trà đủ kiểu, âm nhạc đủ kiểu, cà phê đủ kiểu, gái đủ kiểu, sex đủ kiểu, ngủ trưa đủ kiểu, ngủ tối đủ kiểu, ăn đủ kiểu, vừa ăn vừa chơi đủ kiểu, đĩ điếm đủ kiểu, hối lộ đủ kiểu, lưu manh lường gạt đủ kiểu, gian trá đủ kiểu, buôn bán mánh mung đủ kiểu, làm giầu đủ kiểu, đầu cơ đủ kiểu, công an đủ kiểu, phường khóm đủ kiểu, công ty đủ kiểu, cơ quan đủ kiểu, chính quyền địa phương đủ kiểu, chính quyền trung ương đủ kiểu, luật pháp đủ kiểu, thằng ăn cắp xử thằng ăn cướp đủ kiểu và cuối cùng xã hội loạn đủ kiểu.
Ta có quyền đủ kiểu hết, miễn là đừng đụng đến chính trị.
Vì trên hết, vẫn có một nhà nước toàn trị ở trên tất cả những đủ kiểu đó. Trước khi lên máy bay về nước, còn dặn với theo: nhớ nhé đừng đụng đến chính trị.
Phải nhìn nhận rằng, sự suy đồi đạo đức xã hội ở VN đã đi quá xa đến mức nó xuống cấp, vượt xa những nước tư bản Phương Tây. Đến nỗi phải kêu lên một câu: Có nước nào như nước ấy không?
Phát triển kinh tế không đồng nhịp với cải tiến xã hội và đạo đức. Về Xã hội, chỉ nhìn giao thông đường phố Sàigòn, Hànội là đủ hiểu. Về đạo đức, chỉ nhìn thực trạng học đường ở VN là đủ hiểu.
Mặc dầu vậy, ngày nay, có nhiều bà con Việt Kiều tính về ở hẳn VN. Có người trong đám này về Việt Nam dưỡng già với xe hơi SUV.
Có những ông già lấy tiền xã hội của Mỹ về tậu nhà, tậu cửa, líu lưỡi khen ngọng và hãnh diện nói: mấy chục năm không sáng tác được, nay về ở VN nhờ đó mới hoàn thành được tác phẩm. Có ông Nhà văn “tiến bộ” nay trở thành thứ “Chim hót trong lồng”.
Tất cả đều thuộc loại người không biết ngượng, quên cái trận chiến biểu tượng, hình ảnh.
Trong vòng 10 năm nữa, khi xa lộ đông tây hoàn thành, khi 6 tuyến xe điện ngầm xây dựng xong, khi đường hầm Hải Vân nối liền Nam Bắc nay đã hoàn tất, thành phố Sàigòn sẽ thay mặt đổi tên chẳng còn ai nhận ra nó nữa.
Nay ở Sàigòn, đã có những khu nhà “Làng Việt Kiều”. Người ta dự trù có 4 khu như thế, với những biệt thự sang trọng, đủ tiện nghi như ở Mỹ, Canada. Người ta thấy những Việt Kiều lái những chiếc xe SUV, hay ngồi nhâm nhi ly rượu cocktail bên bờ sông Sàigòn. Những căn nhà có những bãi cỏ xanh, mái nhà mầu cam kiểu California, những hồ bơi với những cây dừa với những hàng chữ tiếng Anh Welcome.
Đây là, chẳng phải ai khác, mà là những người di tản, những rác rưởi 48 năm trước chạy trốn Cộng Sản, hoặc đã bị đi tù, đi cải tạo. Gió chướng đẩy họ ra đi, nay gió nào đẩy họ về?
Chẳng hạn, anh chàng Võ Q, kèm theo cái tên Larry, nay đã 65 tuổi, trước đây là một sĩ quan không quân, quân đội VNCH. Anh ta ta đã rời bỏ vùng Southern California cách đây 2 năm cùng với vợ, còn có tên cúng cơm là Linda để về ở đây. Anh ta khoe căn nhà với vẻ hãnh diện không cần dấu diếm với đồ dùng toàn bằng Inox, phòng tắm lớn có vòi tắm hơi, thiết trí theo kiểu Jacuzzi của Ý. Sàn nhà mầu hồng bóng lộn. Anh còn chỉ cho thấy và nói thêm: Không phải cẩm thạch đâu nhé, đá hoa cương thứ thiệt đấy. Thiệt là quá rẻ, còn rẻ hơn ở Hoa Kỳ rất nhiều. “Thiệt là Việt Kiều”.
Một anh khác tên Hoàng Tiến, chả bù cho lúc ra đi lếch thếch, lang thang, nay anh trở thành chủ nhà thầu đang có những kế hoạch xây cất nhà cho Việt Kiều với những dự án “thành phố xanh” (Green city).
Cái điều oái ăm đến quái gở là khi ở Mỹ, người ta tìm cách đặt tên Little Saigon, Phở Bắc, bánh mì Tân Định, bánh cuốn Đakao, Restaurant Hoài Hương để nhớ về; nay ở Việt Nam thì người ta lại muốn đặt tên cho những khu thương xá là “tiểu Cali”, “tiểu Fairfax” để nhớ đến. Và cứ như thế, sẽ có một số người Việt gốc Mỹ sống riêng biệt trong những tiểu quốc của họ bên cạnh những người Việt bản xứ.
Khi ở Mỹ thì họ nhớ Việt Nam, khi ở Việt Nam họ lại tiếc lối sống Mỹ. Họ trở thành người ngoại quốc trước mắt những người đồng loại của họ. Họ tưởng về quê thật, nhưng lại mang tâm trạng một thứ chủ nhân, cách biệt với dân bản xứ. Và điều rõ rệt là Hoàng Tiến đã bực tức về một căn nhà hàng xóm đã vứt những bao rác ra đường ngay cổng nhà anh ta, đã mở nhạc Karaoké tùy tiện ầm ĩ cả lên. Anh bực tức nói :
– Như thế không phải lối sống Mỹ, không biết tôn trọng luật pháp.
Như thế là thiếu văn minh. Khi ở Mỹ thì anh muốn bảo tồn văn hóa Việt, không muốn trở thành Melting pot hay Salát Mỹ. Anh bắt con đi học tiếng Việt. Về VN, đụng mở mồm là anh xổ tiếng Mỹ cho oai. Quả là về sống ở Việt Nam thì lại là câu chuyện khác.
Trong tương lai, Hoàng Tiến sẽ còn phải bực tức nhiều về những điều trái tai gai mắt: chẳng hạn một anh cán bộ phường cứ xồng xộc vào nhà chẳng điện thoại trước.
Riêng Nguyễn Anh, năm nay mới 35 tuổi về Việt Nam làm việc cho một công ty nước ngoài. Ra đi từ nhỏ, kể như không biết gì về Việt Nam, anh cũng không có ý ở hẳn VN. Nhưng anh cũng có một vài nỗi khổ vặt khác. Nguyễn Anh sững sờ khi làm một việc gì giúp người khác không nhận được một tiếng thanh kiu, thanh kiếc gì hết. Anh cũng khó chịu khi mọi người chen lấn không xếp hàng khi trả tiền. Nhất là các cô thiếu nữ trông khả ái, dịu hiền, nhưng cũng huých tay chân như ai.
Gần như mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy sống chen lấn chụp giựt. Nguyễn Anh có hơi buồn về con người Việt Nam vốn có tâm hồn, vốn thương người mà một tai nạn xe cộ xảy ra đến chết người mà mọi người dửng dưng.
Quả thực, tuy là người Việt Nam, nhưng anh lại không hiểu gì về người mình.
Lại nói đến giải trí, Nguyễn Anh không hiểu được là người Việt Nam “Xem thể thao” chứ không chơi thể thao. Mấy triệu người thức đêm, bỏ công ăn việc làm, bỏ học để dán mắt vào đài truyền hình theo dõi một trận đá banh. Thật là vô lý vì hại sức khỏe. Chỉ có 22 cầu thủ thực sự chơi thể thao, còn cả nước chỉ ngồi xem thể thao, chưa kể còn cá độ.
Hình như cái gì ở Việt Nam cũng có thể trở thành cờ bạc. Lại một điều nữa, Nguyễn Anh không hiểu được.
Nguyễn Anh thì chỉ thích đi đánh golf. Nhưng muốn chơi ngon, Nguyễn Anh phải lấy vé máy bay ra Phan Thiết chơi, vì ở đó có sân chơi nổi tiếng là đẹp. Ít ra thì điều đó cũng làm Nguyễn Anh vui lòng.
Nhưng có người thấy như thế thì lấy làm kỳ cục. Họ chép miệng, tội tình gì mà phải cất công như thể để chơi Golf. Chơi đâu chả được. Phí tiền nữa. Nguyễn Anh không đáp lại, vì anh có cái lý của anh.
Đúng là anh thấy người Việt mê đá banh một cách kỳ cục. Nhưng ngược lại, họ cũng thấy anh không giống ai.
Còn về thanh niên, thiếu nữ thì chửi thề không biết ngượng mồm, nhất là thanh niên, thiếu nữ gốc Bắc. Mở mồm ra là “địt”. Sáng ra, chỉ hỏi giá cả món hàng đã bị một người con gái xinh đẹp phạng cho một câu.
Nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ. Thời gian sẽ xóa nhòa tất cả vết tích cũ: thời gian cứ trôi qua, nhiệt tình chống Cộng giảm xuống và tình hoài hương lại trỗi dậy.
Những vị lãnh đạo trong nước thì nghĩ rằng: Nhân dân muốn quên hết mọi thứ. Những người này hiện ở đây vì đất này là tổ quốc của họ. Chúng ta không có quyền trách mắng họ. Chúng ta tiếp đón họ. Chúng ta không muốn để Việt kiều gây chiến tranh lần nữa.
Tự nhiên bật ra một câu hỏi: Nhưng nhân dân là ai mới được cơ chứ ?
Nhưng tôi cho rằng lịch sự trớ trêu có những bài học không bao giờ chúng ta học hết được.
Chiếc soái hạm Blue Ridge 37 năm trước trong vai trò chở binh lính Mỹ và người tỵ nạn VN ra khỏi miền Nam thì hiện nay đang đậu ở bãi Tân Sa, Hải Phòng!! Đố ai biết được ngày hôm nay vai trò của Blue Ridge đến VN với mục đích gì? 37 năm trước và 37 năm sau có điều gì khác biệt?
Gió đã đổi chiều. Gió nữa lên …
Nguyễn Văn Lục
—————–
(1*) Cuốn sách Le livre noir du Communisme, Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản, do nhà Robert Laffont xuất bản, Paris, năm 1997, 846 trang do Stephane Courtois cầm đầu với 11 tác giả.
https://hon-viet.co.uk/NguyenVanLuc_Gio ... NamSau.htm
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:20
bởi Hoàng Vân
Re: Tưởng niệm 50 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ hai 31/03/25 18:35
bởi Hoàng Vân
“Bốn mươi tám năm
tội ác Việt Cộng
Ở trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng tôi,
mỗi ngày là Ngày 30 tháng Tư Đen”
_________________
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Bốn mươi tám năm trước, ngày 17 tháng Tư năm 1975, Phnom Penh, thủ đô nước Cam Bốt rơi vào tay cộng sản Khmers đỏ. Pol Pot và nhiều tên cầm đầu bọn sát nhân tập thể này vốn là đồng chí, đàn em và học trò của Hồ Chí Minh từ năm 1953. Hai nước trung lập Lào và Cam Bốt bị cộng sản Bắc Việt cài người, lấn chiếm, biến đường mòn thành xa lộ. Giao nửa phần đất nước cho Bắc Kinh “bảo hộ” và “kinh doanh”, các lãnh tụ Việt cộng đưa hết lính chính quy chủ lực vào Nam, đóng dọc theo bên kia biên giới Lào-Cam Bốt. Được Trung cộng đào tạo và võ trang, được Liên Sô cung cấp chiến xa và hỏa tiễn, được chỉ huy bởi đông đảo cố vấn Trung-Sô, lính đánh thuê Cuba, Đông Đức.
Đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975, bộ đội cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam tự do, chiến xa Nga sô viết tiến vào Sài Gòn. Báo cộng sản Pháp ngạc nhiên không thấy “nhân dân đồng khởi”. Và truy tìm không thấy một văn kiện nào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chuyển nhượng hay bán đứng một phần đất nước cho Hoa Kỳ hoặc bất cứ một nhà nước nào khác. Cộng sản rao truyền rằng chúng lấy được miền Nam Việt Nam không có “biển máu”. Nhưng chúng tôi biết có nhiều con “suối máu”. Lịch sử mai sau, những nhân chứng và chứng tích, tuyên thệ trước đất trời, sẽ nói lên sự thật đầy đủ hơn. Người dân miền Nam bị lưu đày ngay trên quê hương, trong nhà tù lớn nhứt thế giới. Chỉ vì yêu nước nhưng không theo cộng sản, nhiều trí thức, triết gia, tu sĩ và người cầm bút, nhiều tài năng quốc gia bị cộng sản sát hại, thủ tiêu. Hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Bị công an bắt lại, câu lưu để tống tiền. Bị hải tặc cưỡng hiếp và tàn sát. Bị xua đuổi, chết đuối, chết đói khát, chết vì kiệt sức. Hơn nửa triệu người tị nạn bằng thuyền mất tích trên các biển phía Nam, biển Đông và Thái bình dương. Thay vì “biển máu”, Việt cộng đã tạo nên “biển xác”, xác người và xác thuyền...
Cần nhắc lại : Việt Nam bị chia cắt hồi tháng Bảy năm 1954. Lần đầu tiên trong lịch sử, gần một triệu đồng bào liều chết, bỏ Thăng Long Thành, bỏ đất Bắc sắp bị lính đánh thuê cho tập đoàn cộng sản quốc tế cưỡng chiếm. Đồng bào chen chúc trên bãi biển, bến cảng, tìm ghe thuyền, tàu bè cứu vớt chạy ra biển Đông để di cư vào miền Nam Quốc Gia. Còn ở lại đằng sau, dưới chế độ cộng sản Bắc Việt, hơn 200 ngàn đến gần nửa triệu người dân vô tội đã chết uất trên các đấu trường trong cái chiến dịch khủng bố có tên gọi là “Cải Cách Ruộng Đất” (1953-1956).
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Ðảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt (thơ Tố Hữu).
Dù tin tức bị phong tỏa, che giấu, chúng ta vẫn biết trung tuần tháng Mười Một năm 1956, nhiều sư đoàn bộ binh và công an đã đàn áp trong máu lửa cuộc nổi dậy của nhân dân Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Vì đối kháng chế độ cộng sản cai trị độc tài dã man, ít nhứt có gần một ngàn người dân bị giết và 6000 người bị bắt, bị tra khảo và đưa đi lưu đày. Đồng thời Cộng sản tiếp tục tiêu diệt những người bị kết tội “trí thức tiểu tư sản”, Phong trào “Nhân Văn Giai Phẩm”, những thành phần xã hội chưa chịu sự lãnh đạo của giai cấp “vô sản”.
Khác với Nam Hàn và Tây Đức, hòa bình và an ninh lâu dài không hề được bảo đảm cho Việt Nam Cộng Hòa. Hòa bình chân chính vẫn chưa đến sau cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hai mươi năm từ khi quê hương bị chia cắt, lấy sông Bến Hải làm giới tuyến. Một cuộc chiến vô cùng dã man và bất công đã ám sát chế độ tự do dân chủ và nhân bản ở Miền Nam, dù còn non trẻ nhưng đầy hứa hẹn tương lai, và sự chôn vùi hàng triệu đồng bào tị nạn bằng thuyền nhỏ dưới lòng đại dương sau Ngày 30 Tháng Tư năm 1975 và trong những năm tháng tiếp theo.
Chúng ta cũng cần phải xác quyết rằng cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam tự do sau tháng Bảy năm 1954 đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không phải là một cuộc nội chiến. Lại càng không phải là cuộc chiến của Hoa Kỳ. Tấn công miền Nam Tự Do, Cộng sản Bắc Việt chỉ là một thứ lính đánh thuê cho đế quốc cộng sản Trung Hoa – Nga Sô Viết. Mục tiêu tối hậu là để thống trị ba nước Cam Bốt, Lào và Việt Nam trên bán đảo Đông Dương. Cho nên, trong suốt ba thập niên 50, 60, 70, chỉ có cuộc Kháng Chiến của dân tộc Việt Nam chống lại các đạo quân viễn chinh cộng sản được tập huấn từ Trung Hoa đỏ. Chúng tôi biết ơn hơn năm vạn thanh niên Hoa Kỳ và những chiến hữu đồng minh đã hy sinh để giúp đỡ nhân dân miền Nam Việt Nam. Về người lính Việt Nam Cộng Hòa, họ đã chiến đấu và hy sinh cho Chính Nghĩa Quốc Gia Dân Tộc. Tổ Quốc Việt Nam trước nhứt và trên hết. Được ủy thác Trách Nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam là một niềm Danh Dự cho người lính Việt Nam Cộng Hòa. Họ không tuyên thệ trung thành với bất cứ một đảng phái chính trị, một nhân vật, lãnh tụ chính trị Việt Nam hay ngoại quốc nào. Cuộc Kháng chiến chống cộng dù đơn độc nhưng dũng cảm, chịu nhiều tổn thất đau thương, trước biển người cuồng tín “sinh Bắc tử Nam”. Hàng chục triệu thanh thiếu niên đã bị bọn lãnh tụ cộng sản lừa gạt, cưỡng bức, lùa vào cỏi chết thảm khốc. Những nạn nhân đó cũng là đồng bào, bà con, anh chị em, con cháu chúng ta, chẳng may bị buộc phải ở lại miền Bắc sau khi cộng sản tạm chiếm Hà Nội.
May mắn được sống sót trở về đất Bắc sau cuộc chiến tranh bất nhân và phi nghĩa của cộng sản Hà Nội, nhà thơ và nhà văn cựu chiến binh Bộ đội Bắc Việt Trần Đức Thạch là nhân chứng của những vụ cộng sản thảm sát thường dân miền Nam Việt Nam vào tháng 4 năm 1975. Bị hội nhà văn Nghệ An khai trừ, ông Trần Đức Thạch là tác giả hồi ký «Hố Chôn Người Ám Ảnh». Năm 2008, ông bị kết án 3 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội «Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa». Bị hành hạ trong tù, ông mắc nhiều bệnh và sức khỏe của ông rất suy giảm. Kể từ khi ra tù, bất chấp nhiều cơ nguy của một vụ bắt giữ mới nữa, ông Trần Đức Thạch tiếp tục viết trên mạng xã hội. Năm 2010, ông Trần Đức Thạch được vinh danh bằng Giải thưởng Quốc Tế Nhân Quyền Human Rights Watch / Hellman Hammet. Ngày 23 tháng 4 năm 2020, ông lại bị bắt và bị buộc tội « Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Ông Trần Đức Thạch bị đưa ra xét xử trong phiên tòa sơ thẩm tại Nghệ An và bị tuyên án 12 năm tù giam và ba năm quản chế.
Thủ phạm của tấn đại thảm kịch đầy máu và nước mắt của quê hương chúng ta chính là những lãnh tụ cộng sản Bắc Việt. Chúng gồm có trước hết là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẫn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Nguyễn Văn Linh, Đổ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng. Chỉ huy cơ quan an ninh, sử dụng guồng máy trấn áp, khủng bố nhân dân, từ Chính trị bộ xuống Trung ương đảng, Trần Quốc Hoàn và đám tướng tá công an được ủy nhiệm như Phạm Hùng, Mai Chí Thọ, Bùi Thiện Ngộ, Lê Minh Hương, Lê Hồng Anh, Trần Đại Quang, Tô Lâm. Cùng với các “thái tử đỏ”, “công tử đỏ”của triều đại phong kiến cộng sản. Thêm vào đó, bí thư đảng, xứ ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy, các đại gia “tư bản đỏ”, thủ phạm lẫn đồng lõa, vô tình vô tâm vô cảm trước nỗi thống khổ của dân tộc. Hầu như tất cả các văn nghệ sĩ trong chế độ cộng sản Hà Nội đều biết “sợ” để có chén cơm manh chiếu, biết trung với “đảng” và hiếu với “chủ dân” vốn là những tên “đồ tể cách mạng” để có thể được thưa thốt, được viết lách, được in sách, được vịn vào chân ghế Hội nhà văn Việt Nam. Để miễn cưỡng sơn phết, miêu tả, ngợi ca những bộ mặt của tội ác cộng sản Hà Nội trong cuộc chiến tranh xâm lăng nước Việt Nam Cộng Hòa.
Nhắc lại, năm 1960, dùng tay sai giấu mặt dựng lên cái gọi là “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”, cộng sản Bắc Việt theo đuổi đường lối cướp chính quyền miền Nam Tự Do bằng phá hoại, khủng bố, xúi giục bất ổn chính trị và mở cuộc chiến tranh du kích. Chuẩn bị cuộc xâm lăng, Cộng sản Bắc Việt tổng động viên toàn diện nhân lực và tài lực. Hai mươi triệu người dân miền Bắc biến thành nô lệ. Dân công, lao công, hộ lý, nghệ sĩ nhân dân, mẹ chiến sĩ, gia đình liệt sĩ, tất cả cho cuộc chiến khủng bố ở miền Nam. Từ những mật khu trên đất Lào và Cam Bốt, Cộng sản Bắc Việt không ngừng gởi đạo quân đặc công khủng bố vào miền Nam Tự Do. Chúng điên cuồng phá hoại tài nguyên và những công trình, cơ sở giáo dục, kinh tế và an sinh xã hội của một nền Cộng Hòa mới giành được tự do độc lập, thu hồi chủ quyền quốc gia. Chúng nhẫn tâm khủng bố đồng bào ruột thịt nổi tiếng bao dung, nhân ái và hiếu hòa ở miền Nam.
Không thể xóa nhòa hết được những chứng tích cộng sản tàn sát, hành hình, chôn sống nhiều ngàn đồng bào. Cảnh tượng kinh hoàng nhứt là ở cố đô Huế, trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Đồng bào đã trải qua 26 ngày đêm trong địa ngục tử thần khủng bố của Việt cộng. Cộng sản lùng bắt, tập trung các nạn nhân, trói chân tay, cột chùm với nhau, đốt cháy bằng xăng, ngồi trên mìn cho nổ, đập đầu bằng báng súng, lưỡi cuốc, bắn vào ót, đóng cọc đến cổ, xô đạp xuống hố, chôn sống tại chỗ. Mỗi hố chôn tập thể từ 5 đến 7 người. Riêng ở Khe Đá Mài, quân khủng bố cộng sản đã dùng đủ loại súng đại, trung, tiểu liên, lựu đạn và mìn giết hơn 400 người. Tại đây còn tìm thấy 430 sọ và xương các nạn nhân chưa bị nước dưới khe cuốn đi. Tổng cộng, chỉ riêng ở tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, đồng bào đã tìm thấy và nhận diện 2326 sọ người trong số gần 6 ngàn nạn nhân bị khủng bố cộng sản hành quyết tại chỗ hoặc ám sát, thủ tiêu, bắt đi biệt tích. Trong số thường dân ngoại quốc bị sát hại, chúng ta phải nhớ đến các tu sĩ người Pháp và các bác sĩ người Đức cùng thân nhân của họ.
Một trong nhiều bản cáo trạng về hành vi tội ác cộng sản : Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã kiểm chứng bản Báo cáo năm 1960 tổng kết những vụ Cộng sản phá hoại và khủng bố. Thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều : gần 300 trường học, trạm y tế, trụ sở hành chánh, cơ quan xã hội, nơi thờ phượng tổ tiên, biểu dương đức tin tôn giáo, nhà cửa, tài sản thường dân bị đốt phá. Hàng vạn học sinh phải nghỉ học hoặc đổi trường học ở xa. Hàng trăm cô, thầy giáo, giáo sư bị sách nhiễu hung bạo, bị thương tích hoặc bị sát hại. Nhiều công chức hành chánh ở các địa phương xa bị bắt cóc, thủ tiêu. Những năm kế tiếp cho tới khi miền Nam thất thủ, đặc công cộng sản đã gia tăng khủng bố nhắm vào dân chúng không có võ trang, bất kể phụ nữ, người già và trẻ con. Như những vụ Cộng sản ném lựu đạn, gài mìn, pháo kích vào các trường học, sân chơi, phòng chiếu bóng, khách sạn, bãi đậu xe hoặc cầu đường giao thông, bến tàu, quán ăn, nhà hàng v.v…
Chỉ kể lại vụ thảm sát bằng đạn súng cối bắn vào trường Tiểu học Cai Lậy, tỉnh Định Tường (Mỹ Tho) cũng đủ phơi bày những bằng chứng tội ác của đặc công, hung thần cộng sản. Trang sử viết bằng máu và nước mắt của tuổi thơ : khoảng ba giờ trưa ngày 9 tháng Ba năm 1974, tại trường Tiểu học Cộng đồng Cai Lậy, giờ ra sân chơi của các em học sinh. Gần 40 trẻ em ngây thơ vô tội đã chết thảm khốc và 65 đến 70 trẻ em bị thương phải đưa vào bệnh viện. Trong số những nạn nhân được biết tiếng bị cộng sản ám sát bằng chất nổ và lựu đạn ném vào xe hơi trên đường phố Sài Gòn, chúng ta không thể quên : nhà trí thức Nguyễn Văn Bông, nguyên Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Cố vấn Tối Cao Pháp Viện, bị sát hại ngày 10 tháng Mười Một 1971 và bác sĩ Lê Minh Trí, Bộ trưởng Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, ngày 6 tháng Giêng 1969. Và còn nhiều, rất nhiều người yêu nước thương dân, nhiều tài năng quốc gia đã sớm ngã gục vì quân khủng bố cộng sản Bắc Việt.
Những hành vi tội ác đó của bọn đặc công cộng sản Bắc Việt được coi là khuôn mẫu, bài học thực tập cho các tổ chức khủng bố hồi giáo cực đoan và cuồng tín sau này. Như Taliban, djihad al-Qaïda hay salafist Daech, như Boko Haram, Hezbollah hay là Hamas. Nhưng là người Việt Nam, chúng ta có bổn phận phải nhớ và phải nói cho thế giới biết rằng hàng vạn, hàng trăm ngàn đồng bào đã chết hay mang thương tích suốt đời vì cộng sản Bắc Việt khủng bố. Trước khi thế giới bắt đầu thức tỉnh, biết xúc cảm, đau buồn, chịu tang : gần 3000 người đã thiệt mạng trong những vụ khủng bố của al-Qaïda ngày 11 tháng Chín năm 2011 ở New York, Hoa Kỳ. Biến cố thảm khốc đó đã xảy ra 6 năm sau vụ khủng bố ở Luân Đôn, vương quốc Anh khiến cho hơn 50 người thiệt mạng và 800 người bị thương. Trước khi có gần 200 người chết và 2 ngàn người bị thương vì bom của bọn khủng bố hồi giáo ở Madrid, thủ đô Tây Ban Nha. Rồi những năm gần đây, ở Paris, thủ đô Pháp với tòa báo Charlie Hebdo, với phòng ca vũ nhạc Bataclan, đầy máu và xác người bị hành quyết giữa ban ngày. Dài theo bờ biển Nice, Côte d’Azur, hơn 80 người chết, rất nhiều trẻ con, như vụ khủng bố giáo sư và học sinh tại trường học tư giữa Toulouse. Và ở phi cảng Bruxelles, vương quốc Bĩ, 22 tháng Ba 2016, chợ Giáng Sinh Bá Linh, Đức quốc ngày 19 tháng Mười Hai 2016, tổng cộng hơn 50 người chết, nhiều trăm người bị thương. Kể từ năm 2001, ở Moscou, liên bang Nga, đại hí viện, phi trường, xe lửa, xe điện hầm, hàng trăm người chết, hàng ngàn người bị thương. Hàng ngày, hàng tuần, khủng bố ở Afghanistan, Irak, Syrie, Liban. Khủng bố ở Mali, Nigeria, Somalie, Cameroun, Algérie, Niger, Côte d’Ivoire, Burkina Faso, Libye, nói chung lục địa Phi Châu, chỉ riêng năm 2017, hơn 350 vụ khủng bố, 2700 nạn nhân, so với châu Âu gần 120 người chết trong 35 vụ khủng bố.
Sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm bất hợp pháp bằng bạo lực phi nhân, tâm hồn và trí tuệ của một dân tộc hiếu hòa, cởi mở và chân thật bị quản chế, biệt giam, che mắt, bịt tai, bóp nghẹt tiếng nói. Nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ mấy ngàn năm bị thui chột bởi một ý thức hệ ngoại lai, độc ác và không tưởng. Con người bị tẩy não, mất nhân tính, biến thành vong thân vong bản. Bọn vệ binh đỏ Việt cộng đã tàn phá nhiều thư viện lớn, nhiều tủ sách hiếm quý vô giá của miền Nam Việt Nam tự do. Vô số tác phẩm văn chương, biên khảo triết học, nhân văn và tôn giáo đã bị tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm đoán. Hàng trăm tác giả văn học bị đấu tố, kết tội độc đoán. Hàng chục vạn tù nhân bị nhục hình, hàng ngàn người đã chết hoặc mất tích trong hàng trăm trại tù tập trung lao động khổ sai. Cộng sản Hà Nội phải bị truy tố về tội ác đã gây ra những cái chết bi thảm được biết của một số nhà trí thức, sử gia, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ tài danh của miền Nam Việt Nam tự do. Như trường hợp thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhà trí thức Hồ Hữu Tường, nhà giáo dục Nguyễn Duy Xuân, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, sử gia Phạm Văn Sơn, nhà văn Dương Hùng Cường, nhà thơ Thục Vũ, nhà văn Chu Tử, nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, nhà thơ Hồ Đình Phương, nhạc sĩ Minh Kỳ, nữ nghệ sĩ Hồ Điệp và còn nhiều người nữa.
Lịch sử sẽ ghi đậm nét : bạo quyền Việt cộng đóng đô ở Hà Nội đối xử cực kỳ tàn ác, bất nhân với đồng bào miền Nam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 cho đến hôm nay, 48 năm qua. Tồi tệ, kinh khiếp hơn thời thực dân Pháp. Dân cả nước cũng phải gánh đại khổ nạn cộng sản. Nhưng dân miền Nam vì bất khuất, biết liêm sỉ và ngay thẳng, bị cộng sản hành hạ, làm nhục, giết hại nhiều hơn hết. Cả nước bị nghiền nát dưới sức nặng của quân đội, công an và mật vụ. Bạo hành và trấn áp, thay vì phục vụ nhân dân và bảo vệ tổ quốc, những lực lượng võ trang cộng sản bị sử dụng để duy trì một chế độ độc tài hung ác và tham nhũng nhứt thế giới. Kể sao cho hết những trường hợp người dân bị buộc tội là thù nghịch, phản động, thuộc đủ mọi giới tính, tuổi tác và giai từng xã hội. Bị tra tấn, biệt giam, bỏ đói và đau ốm nặng không thuốc men, đày xa gia đình, nhiều nạn nhân đã chết cô đơn trong địa ngục cộng sản.
Làm sao quên được tình cảnh đồng bào bị chà đạp nhân phẩm, lao công là hàng xuất cảng rẻ tiền, trẻ con và phụ nữ bị rao bán ra ngoại quốc làm nô lệ, các bà mẹ dân oan bị chiếm nhà cướp đất. Làm sao không phẫn nộ, đau xót khi những người yêu nước, nam nữ thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, nhà báo, tu sĩ, luật sư bị công an đội lốt côn đồ hành hung, đánh đập tàn nhẫn giữa ban ngày. Tội của họ chỉ là đã dám tuần hành để bày tỏ sự bênh vực nhân quyền, tố cáo một chế độ độc tài, bất công và tham nhũng nổi tiếng thế giới. Và tội của người dân phản kháng hành vi xâm lược của Trung cộng, cùng thái độ khiếp nhược, đầu hàng và đồng lõa của bạo quyền Việt cộng. Trong lúc đi triều cống, các lãnh tụ cộng sản Hà Nội cúi đầu nhìn xuống đất, không biết nhục nhã, hổ thẹn trước gót sắt của lãnh chúa đỏ Bắc Kinh kênh kiệu.
Ba Mươi Tháng Tư năm nay, chúng ta cùng nhau nhìn rõ mặt nạn ngoại xâm. Từ đe dọa, áp lực, trải biển người chiếm đất, thu tóm tài nguyên, tràn ngập hàng tiêu dùng và thuốc men giả mạo, thực phẩm độc hại, lũng đoạn kinh tế, đến hủy hoại môi trường môi sinh, hán hóa giáo dục và ngôn ngữ (được tăng cường với Học viện Khổng Tử tại đại học Hà Nội). Từ lâu, là hung thần đối với ngư dân Việt Nam, giặc xuất quân từ một “nước lạ” mà mọi người dân Việt Nam đều biết là Trung Cộng. Chúng chiếm dần lãnh thổ, lãnh hải bao gồm trước nhứt các quần đảo Hoàng Sa Trường Sa và vùng trời quê hương chúng ta. Đến nay, các lãnh chúa Việt cộng ở Hà Nội vẫn ôm chặt cái chế độ CHXHCNVN với một đảng cộng sản vong thân, nhũng lạm từ hạ từng lên đến đỉnh cao. Chúng cam phận chư hầu của Bắc triều, đồng lõa với ngoại bang, nhứt là chế độ Nga độc tài phát xít đỏ Vladimir Poutine, để tiếp tục độc chiếm quyền lực và vơ vét tài sản của nhân dân. Chế độ cộng sản Hà Nội chỉ sống qua ngày bằng dối trá, ngu dân và bạo lực áp bức. Không, cộng sản Hà Nội không phải là một chính quyền của Dân, bởi Dân và vì Dân.
Những lãnh tụ độc tài Hà Nội tiếp tục nhạo báng Công Lý mặc dầu các chuyên gia Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc từng lên tiếng tố cáo nhà nước cộng sản vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế về Nhân Quyền. Họ tố cáo những phiên tòa vi luật và bất công ở Việt Nam. Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về sự Giam Cầm độc đoán, xét hồ sơ khiếu tố Việt Nam, đã kết luận nhiều lần rằng việc Cộng sản Hà Nội giam cầm là tùy tiện, vi luật. Cộng sản Hà Nội không tôn trọng các cam kết quốc tế của họ trong các cuộc Khảo sát Nhân Quyền Định kỳ Phổ thông. Bạo quyền Cộng sản tiếp tục hình sự hóa các nhà văn, nhà báo, dịch giả, những người bảo vệ nhân quyền và môi trường đã dám hành sử quyền tự do ngôn luận của mình. Cộng sản áp dụng kiểm duyệt đi kèm với sự hăm he, sách nhiễu, hành hung, đe dọa, cưỡng bức mất tích và bắt cóc kể cả ở ngoại quốc.
Trong các trại lao động cưỡng bách, tù nhân bị ngược đãi, suy dinh dưỡng, không được chăm sóc y tế và bị tội phạm hình sự hành hung. Nhiều người bị tra tấn và thường xuyên bị biệt giam kỷ luật. Mặc dù bị đàn áp nghiệt ngả, có nhiều cuộc tuyệt thực được phát động nhằm chống lại các điều kiện giam cầm vô nhân đạo.
Cộng sản Hà Nội không giấu được thảm trạng nhiều người đã chết lúc đang thi hành án tù bất công trong lúc những nạn nhân đó không bao giờ có thể bị giam nhốt một ngày nào. Cũng như Cộng sản Hà Nội coi những người bất đồng chính kiến, những người đối kháng bạo quyền độc tài Cộng sản là «mắc bệnh tâm thần». Cộng sản Hà Nội bắt nhốt họ trong bệnh viện tâm thần và cưỡng bức họ dùng thuốc trị bệnh.
Hàng trăm vụ bắt giữ độc đoán và những bản án bất công với những hình phạt tù giam nặng nề trong những năm gần đây. Nhà cầm quyền của nước CHXHCNVN luôn luôn phủ nhận có tù nhân chính trị, tù nhân ngôn luận và lương tâm. Sự thật là những người này bị kết án rất nặng (5, 10, 15, 20 năm hay hơn nữa), bị giam cầm trong điều kiện khốn khổ, nhục hình và vô nhân đạo. Họ bị cộng sản Hà Nội dùng như con tin để thương lượng với các quốc gia dân chủ lấy viện trợ kinh tế hoặc quân sự. Tù nhân “con tin” của cộng sản Việt Nam bị bắt buộc đổi sự tự do của họ bằng cách phải sống tha hương, trong khi bản án tù bất công và phi pháp vẫn không được xoá. Hoặc là họ rời bỏ quê hương, xa gia đình, hoặc là tiếp tục ở tù và chết dần chết mòn!
Những hành vi tội ác dã man của bạo quyền cộng sản Hà Nội hiện hữu chưa bị trừng phạt theo công pháp quốc tế. Tuy nhiên, không một ai, một thế lực nào có quyền và có thể xóa bỏ tội ác của chế độ “phát xít đỏ”, ngụy trang dưới tên Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cộng sản Hà Nội sẽ phải trả lời trước Tòa Án Nhân Loại về những Tội Ác vô cùng dã man, kinh khiếp, chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam, mà chúng đã gây ra đối với ba dân tộc anh em láng diềng Việt Nam, Lào và Cam Bốt. Cộng sản Hà Nội cũng sẽ phải trả lời trước Tòa Án Nhân Loại về sự đồng lõa với Vladimir Poutine, lãnh tụ chế độ độc tài phát xít đỏ Nga, thủ phạm của những Tội Ác vô cùng dã man, kinh khiếp, chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh hiện đại mà chúng đã và đang gây ra đối với dân tộc Ukraine. Thế giới, nhân dân và chánh phủ Ukraine đã cho thấy họ biết rõ vì sao bạo quyền cộng sản Hà Nội chưa bao giờ dám lên án hay chỉ trích những hành vi tội ác của chế độ Vladimir Poutine trong các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc, nhứt là tại các khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền ở Genève.
Tạm thay lời kết:
“Chế độ thực dân đã là xấu xa nhứt, nhưng bạo quyền Cộng Sản còn tệ hại hơn nhiều”. Đó là tựa đề lớn của một bài viết mà nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã phổ biến và được nhiều nhựt báo ở Thụy Sĩ cho đăng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Genève năm 1954. Biến cố lịch sử đó đã khiến cho hàng triệu đồng bào đã phải lìa bỏ miền Bắc, liều chết, tìm đường vào miền Nam Quốc Gia, và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa.
Nhà thơ Việt Nam lưu vong đã viết từ gần 20 năm trước :
(…) Khi xưa, Hiệp định Munich cũng đem lại “hòa bình”! Thứ hòa bình của Thần Chết trong các trại diệt chủng Auschwitz. Và tiếp theo là “trật tự và ổn định”, thứ trật tự và ổn định kiểu cộng sản tại Varsovie, Bucarest, tại Sofia, tại Tirana và Belgrade. Rồi các cuộc “tái lập trật tự và ổn định” đẫm máu của cộng sản tại Berlin 1953, Hà Nội 1954, Budapest 1956, Lhassa 1959, tại Prague và Huế 1968, rồi Vientiane, Phnom Penh và Sài Gòn 1975. Tiếp theo là cuộc diệt chủng Cam Bốt với Khmers Đỏ!
(…) Theo Ân Xá Quốc tế, chế độ Việt cộng đứng hàng thứ hai tại Á Châu và hạng tư quốc tế về thành tích hành quyết các tử tội. Những trò hề luật pháp, các vụ bắt bớ bừa bãi và xử án nặng nề các văn thi sĩ, nhà báo, nhạc sĩ, các vị tu sĩ, tín hữu các Giáo hội thầm lặng, độc lập và các nhà tranh đấu cho Nhân Quyền được coi là vô địch trên diễn đàn thế giới.
(…) Theo Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị Cầm Tù, nhiều nhà văn, nhà báo và trí thức đã bị giam cầm vì bị cáo buộc “tuyên truyền, làm gián điệp, gây phương hại cho an ninh quốc gia, lạm dụng các quyền dân chủ hoặc phá rối trật tự công cộng”. Rất quan tâm về tình trạng sức khoẻ suy yếu tồi tệ của nhiều tù nhân và đặc biệt là nhà luật học Lê Chí Quang 33 tuổi bị bệnh thận nặng…
(…) Theo Tổ chức “Minh Bạch Quốc tế “ (Transparency International), Việt cộng là một chế độ “tham nhũng nặng nề”, đứng hàng thứ 85 trên 102 quốc gia trong bảng xếp hạng các nước”. Tại Á Châu chỉ có hai nước Bangladesh và Nam Dương là tranh giành được thành tích này với Việt cộng! Ít nhứt 35% tiền viện trợ giúp đỡ để phát triển của quốc tế rơi vào túi tham nhũng. Không thể biết bao nhiêu tỉ âu kim Euro hay mỹ kim USD thất thoát mỗi năm. Nhưng “Quốc sách tham nhũng” của đảng Việt cộng là một tội ác kinh khiếp đối với nhân dân Việt Nam mà tỷ lệ đói nghèo chiếm từ 37 đến 50% trên tổng số dân (…).
Những biến động xảy ra năm 1989 và năm 1991 khai mở cho các dân tộc Đông Âu và Liên Sô cũ nhiều lộ trình để giành lại Tự do và Nhân phẩm. Đứng trước những biến cố lịch sử đó, cộng sản Hà Nội vẫn giữ nguyên chủ nghĩa cực đoan cuồng tín. Chúng tôn thờ Staline và Mao Trạch Đông làm kiểu mẫu. Việt cộng còn lên án gắt gao Công đoàn Solidarność ở Ba Lan. Cho nên, ông Raymond Aron đã lên tiếng tố cáo: ”Việt Nam (cộng sản), là sự áp bức đẩm máu đó”. Phát biểu của triết gia Pháp nổi tiếng làm nhớ đến câu nói của cựu bí thư đảng Xã hội Pháp, ông Jacques Huntzinger, đặc trách Quan hệ Quốc tế: “Hà Nội là đảng khắc nghiệt nhứt và áp chế nhứt trong tất cả các đảng Cộng sản”. Và còn nữa, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Ý, ông Enrico Berlinguer đã phê phán (các cựu đồng chí đang thống trị bán đảo Đông dương): ”Những người (lãnh đạo) cộng sản Việt Nam là những tên đế quốc bẩn thỉu nhứt trong lịch sử các đế quốc”. Nhân dân Lào và Cam Bốt sẽ làm chứng một ngày một tháng năm nào đó trước tòa án quốc tế xét xử những tội ác của những kẻ cầm đầu đảng Việt cộng, cùng với đàn em, đồng chí Pathet Lào và Khmers đỏ (…).
Miền Nam Việt Nam Tự Do bị bạo quyền Cộng sản chiếm đóng bất hợp pháp từ bốn mươi tám năm qua. Chúng tôi ra đi, biết chắc những người ở lại và Sài Gòn dung nhan yêu dấu, ngàn năm còn đứng trông.
Ra đi làm chứng cho lịch sử
Ra đi làm chứng cho ngày mai (…)
Đi không tìm quên hay bỏ trốn,
Đi mở đường cứu lấy quê hương (…).
Chúng tôi sẽ trở về Việt Nam, nơi mà chân trời là biên giới mới, nơi chia tay giữa con người và bóng tối, giữa yêu thương và tội ác. Ở trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng tôi, mỗi ngày là Ngày 30 của Tháng Tư Đen.
Đêm đêm dưới ánh sao Khuê, những đàn chim Việt, trên những đường bay vòng quanh trái đất, gọi nhau cùng hướng về quê hương. Chúng tôi đếm…Bấy nhiêu sao, bao nhiêu ánh mắt, bao nhiêu dòng lệ, mưa tuôn ướt xối trên những pho tượng đá, vẫn đứng đợi người sống sót trở về.
Từ Auschwitz hay Sibérie xa xăm, từ Vientiane hay Phnom Penh gần gũi, từ trại tù tập trung con tin trên đất nước Việt Nam tan vỡ…Chúng tôi đếm…bấy nhiêu ngọn nến, bao nhiêu nhánh Mặt trời Tự do sẽ mọc lại…Chúng tôi đếm…bấy nhiêu giọt sương long lanh, bao nhiêu chuổi cười ròn rã, bao nhiêu lớp người nô lệ sẽ đứng lên
Người đi góp sức với Người,
Mở đường để thấy Mặt Trời Bao Dung.
Genève ngày 30 Tháng Tư năm 2023
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
******************************************
Con Đường Chúng Ta Đi
Ra đi làm chứng cho lịch sử
Ra đi làm chứng cho ngày mai
Dân tộc hành trình tìm đất hứa
Hơn bốn ngàn năm mới đến đây
Đi vẫn còn đi tìm lẽ sống
Tìm Tự do Nhân Ái Hòa bình
Hạnh phúc Việt Nam thật giản dị
Năm ngón tay trên một bàn tay
Trong thoáng nhìn có chùm hoa nở
Buồn vui phơi ra ánh mặt trời.
Cộng sản làm sao mà đổ nát
Đổ quê hương nát cả tình người
Khủng bố khoác mỹ từ ‘Giải phóng’
Tù tập trung hầm tối khổ sai
Tuổi thơ bỏ học đi moi rác
Bụi đời mù mịt bóng tương lai
Đi vẫn còn đi tìm bằng hữu
Người ác hơn thú gọi ‘quang vinh’
Dắt dìu nhau băng rừng vượt biển
Mang theo năm mươi triệu tâm hồn
Đi vẫn còn đi qua cõi chết
Bãi mìn giặc cướp đáy vực sâu
Đi vẫn còn đi vì thế giới
Nhìn Việt Nam nhớ thân phận mình
Nhìn Lào Miên biết đâu địa ngục
‘Thiên đường đỏ’ đầy hố máu đen.
Mẹ yêu thương ơi không khóc nữa
Nước mắt dành cho mùa đoàn viên
Đau khổ nẩy mầm thành cây lúa
Các con về vàng chói cánh đồng
Cờ lau sẽ thay cờ liềm búa
Vươn lên từng mái ngói nóc tranh
Vươn lên những phố phường yêu dấu
Thăng Long Thần Kinh Gia Định Thành
Vươn lên chóp đỉnh trời xanh biếc
Niềm hân hoan tiếng chim sổ lồng
Hoa lan mọc kín mồ tập thể
Đàn trẻ thơ cười nói huyên thuyên
Bé chăn trâu ơi ngày trở lại
Đường quê không còn bóng hận thù.
Nhớ gương mặt buồn khi Tổ quốc
Nhìn vết thương trên trán đồng bào
Chiếc khăn tang phủ từng mái tóc
Vời trông tưởng chừng mây trắng bay
Đen tối nào hơn màu tuyệt vọng
Đêm tháng tư ác mộng kéo dài
Bạn ngã xuống chờ ta nối tiếp
Quang phục bình minh của đất trời.
Đi không tìm quên hay bỏ trốn
Đi mở đường cứu lấy quê hương
Ta hẹn gặp nhau ngày lịch sử
Sống một mùa Xuân, Xuân Việt Nam
Khắp ba miền vòng tay thân ái
Cao nguyên xuống đón ngàn khơi về…
Vững tay lái giữa vùng bão tố
Nhặt ánh sao để dệt niềm tin
Tin ở con người và đất nước
Biết xót thương cũng biết can trường
Qua tiếng sóng oan hồn nhắc nhở
Dân tộc hồi sinh có chúng tôi
Sấm sét bạo tàn không tắt được
Tiếng hát hò lơ trống ngũ liên
Đêm đêm thấy tấm lòng kẻ ở
Thắp sáng Trường Sơn soi biển Đông. (1979)
Nguyên Hoàng Bảo Việt
Trích Tập Thơ Dấu Tích Phượng Hoàng
Bạn Văn xuất bản – Paris 2008
và L’Empreinte du Phoénix (Version française de Mme Hoàng Nguyên).
https://hon-viet.co.uk/LienHoiNhanQuyen ... gTuDen.htm