Trang 5/11
Cảm nghĩ nhân Ngày Quốc Hận thứ 49: 30-4-1975
Đã gửi: Chủ nhật 28/04/24 11:30
bởi Hoàng Vân
Cảm nghĩ
nhân Ngày Quốc Hận thứ 49:
30-4-1975
Nguyễn Quốc Đống
Cựu SVSQ K13/TVBQGVN

Lúc này đã là giữa tháng Tư năm 2024, thời điểm mà người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại đều lui về quá khứ để ôn lại và tưởng niệm những đau thương đã qua, sau ngày 30 tháng 4.1975, ngày lịch sử sang trang.
Vào ngày này, một nửa nước Việt (miền Bắc) “say men chiến thắng” sau khi công cuộc “giải phóng miền Nam” của họ hoàn thành, nhưng một nửa nước Việt (miền Nam) lại đau đớn, phẫn hận, vì nước mất, nhà tan. Bên nào cũng có lý do để vui hay buồn. Họ không chia sẻ cùng một tình cảm, suy nghĩ, vì khác lý tưởng, khác mục tiêu tranh đấu.
Đất nước ngưng tiếng súng, người Việt thôi giết nhau ngoài trận địa, nhưng lòng người Việt miền Nam không hưởng được vị ngọt của “hoà bình”, mà chỉ có vị đắng của “thua cuộc”.
49 năm, nửa thế kỷ, gần trọn một đời người, cũng là một thời gian khá dài, và nhiều ý nghĩa; để chúng ta nhìn lại quãng đời mà nhiều người vẫn là những nhân chứng sống.
Các diễn biến quan trọng của lịch sử năm 1945 dồn dập xảy ra trên chính trường quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến quê hương VN của chúng ta, một trong 3 nước Đông Dương Việt, Miên, Lào đều là các thuộc địa của thực dân Pháp. Thời gian này, Việt Nam (VN) đang chịu sự thống trị của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật; một cổ hai tròng, chịu muôn vàn khổ cực, cao điểm là nạn đói cuối năm 1945 đã lấy đi mạng sống của gần 1 triệu người dân miền Bắc.
Biết được kế hoạch của Pháp là muốn chiếm lại quyền lực tại Đông Dương, Nhật đã làm cuộc đảo chánh chớp nhoáng ngày 9 tháng 3.1945, hất cẳng Pháp, nắm trọn quyền cai trị tại Đông Dương. Nhật bất ngờ trả lại nền độc lập của VN cho hoàng đế Bảo Đại triều Nguyễn, nhưng Nhật thua trận khi thế chiến thứ hai chấm dứt (tháng 8, 1945), nên chính phủ Trần Trọng Kim, do Vua Bảo Đại thành lập còn non yếu, đã bị Việt Minh (cộng sản trá hình) cướp mất chính quyền ngày 19-8-1945, rồi thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ngày 2-9-1945, sau khi áp lực Vua Bảo Đại phải thoái vị và trao quyền lãnh đạo đất nước cho họ.
Thời gian cuối 1945, lực lượng Việt Minh (VM) chưa đủ mạnh nên phải “thỏa hiệp”, đầu tiên là mua chuộc quân Tàu Tưởng (quốc gia, không cộng sản) để họ rút về Tàu; sau đó là ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Pháp, đồng ý cho Pháp trở lại VN, giải giới quân đội viễn chinh Nhật tại Đông Dương. Mục đích của VM là để có thời gian củng cố lực lượng, và rảnh tay tiêu diệt các lực lượng quốc gia (chống Pháp, nhưng không theo đường lối cộng sản của Hồ Chí Minh, người mà họ nhận diện chỉ là tay sai của đệ tam quốc tế cộng sản).
Nhận thấy Việt Minh chính là cộng sản trá hình, không thể cộng tác với họ được, Pháp đã tìm giải pháp thay thế, đề nghị cựu hoàng Bảo Đại đứng ra đại diện VN điều đình với Pháp về một nước VN độc lập, không cộng sản, trong Liên Hiệp Pháp.
Việt Minh bị hất cẳng, bị Pháp đàn áp mạnh, phải rút khỏi Hà Nội, và thành lập chiến khu tại Việt Bắc, kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đầu cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Việt- Pháp 1946-1954). Sau nhiều nỗ lực thương thuyết giữa Pháp và Vua Bảo Đại, “Quốc gia Việt Nam” được thành lập năm 1949 với cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng, quy tụ các đảng phái quốc gia, chống Pháp nhưng không chấp nhận đường lối cộng sản của Hồ Chí Minh.
Kể từ 1948, cuộc chiến Việt Nam đã từ từ thay đổi bản chất, không thuần túy chỉ là “cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp” mà còn là cuộc chiến của người Việt quốc gia “chống ý thức hệ cộng sản, chống chủ thuyết Mác – Lê” do Hồ Chi Minh (HCM) du nhập vào VN, một chủ thuyết mà ông ta tin là con đường cứu quốc duy nhất lúc bấy giờ.
Cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất (1946-1954) giữa hai phe “cộng sản “ và “quốc gia” chấm dứt với chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) của phe cộng sản. Hiệp định Geneve được ký kết (20-7-1954), chấm dứt chiến tranh; nhưng nước VN bị chia đôi ở vĩ tuyến 17, miền Bắc thiết lập chế độ cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo; miền Nam thành lập quốc gia Việt Nam Cộng Hòa do tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo, được thế giới tự do hỗ trợ. Một đất nước, hai quốc gia, hai chế độ; khởi đầu cho một cuộc chiến tranh mới, chiến tranh “Quốc-Cộng” giữa 2 miền Nam-Bắc, kéo dài thêm 20 năm nữa (1956-1975). Cuộc chiến này là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2, còn được gọi là “Chiến tranh Việt Nam”.
Theo Hiệp định Geneve, 2 phe “quốc gia” và “cộng sản” phải đưa lực lượng của mình về 2 vùng: Bắc cho phe cộng sản, và Nam cho phe quốc gia; nhưng CS đã để lại nhiều cán bộ và chôn giấu các kho vũ khí tại miền Nam, chuẩn bị cho việc xâm lăng miền Nam sau này, mục đích là hoàn thành “Cách mạng xã hội chủ nghĩa” trên toàn lãnh thổ VN.
Hoa Kỳ và các đồng minh trong thế giới tự do nỗ lực giúp VNCH ngăn chặn làn sóng đỏ từ miền Bắc, nhưng đến đầu thập niên 70, vì quyền lợi quốc gia (Hoa Kỳ bắt tay được với Tàu cộng, muốn chia rẽ hai nước cs Nga và Tàu), Hoa Kỳ đã thu xếp để các bên tham chiến phải ngồi vào bàn hội nghị để chấm dứt chiến tranh.
Hiệp định Paris ký ngày 27 tháng 1.1973, Hoa Kỳ từ từ rút quân khỏi Nam VN, khiến quốc gia VNCH rơi vào tay cộng sản Bắc Việt ngày 30-4-1975, sau 2 năm miền Nam đã chiến đấu đơn độc chống lại cộng sản Bắc Việt (được cả khối cs yểm trợ.)
Lịch sử sang trang, miền Nam rơi vào cảnh điêu linh, quân và dân đều hứng chịu sự trả thù tàn bạo của “đoàn quân giải phóng”: nhà cửa, của cải, tiền bạc của người dân bị chiếm đoạt qua các đợt đánh tư sản, đổi tiền, dân bị đuổi đi kinh tế mới; “ngụy quân, ngụy quyền” đi “học tập cải tạo” nhiều năm...
Nước mắt và máu người dân lại tiếp tục đổ trong các chuyến vượt biên, vượt biển hãi hùng, chạy trốn chế độ sắt máu của cộng sản. Những người tỵ nạn cộng sản (TNCS) này sống lưu vong tại nhiều quốc gia trong thế giới tự do, nhiều nhất là tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, và một số quốc gia Âu châu như Pháp, Đức...
Với hai bàn tay trắng, họ xây dựng lại đời sống mới tại quê hương thứ hai, nuôi dạy con cái theo lý tưởng mà quốc gia VNCH đã dạy dỗ họ: yêu tự do, dân chủ, nhân quyền, bảo tồn văn hoá dân tộc… Các cộng đồng người Việt TNCS được thành lập tại nhiều quốc gia, họ xem lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ VNCH là biểu tượng của Cộng Đồng và người Việt TNCS vẫn tiếp tục cuộc tranh đấu chống cộng sản tại hải ngoại, “vì một đất nước VN tự do, dân chủ Và một cuộc sống hạnh phúc cho người dân Việt”.
Chúng ta rút ra được những bài học nào từ biến cố lịch sử 30-4-1975?
1- Vai trò của Hồ Chi Minh ( HCM) trong chiến tranh chống thực dân Pháp (từ 1920 đến 1954 tại VN), và chống Mỹ tại Nam VN (1954-1975):
Sách báo cộng sản mô tả ông ta là một người yêu nước, muốn tìm đường cứu VN thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, một giấc mơ mà mọi người VN yêu nước đều mong muốn, nhưng các cuộc khởi nghĩa chống Pháp giành độc lập đều thất bại.
HCM xuống tàu Pháp Amiral La Touche Treville năm 1911, làm phụ bếp; không phải để “tìm đường cứu nước”, mà để tìm kế sinh nhai do hoàn cảnh khó khăn của gia đình (cha bị bãi chức quan vì phạm tội đánh chết người).
Tại Pháp, ông ta đã từng làm đơn xin học Trường Thuộc Địa tại Pháp, hy vọng sau này sẽ làm “quan”, phục vụ cho chính quyền thực dân Pháp tại VN; nhưng không được thu nhận. Một người “yêu nước” không thể có hành động như vậy. Thời gian đầu lưu lạc tại Pháp, HCM được tiếp cận những nhà ái quốc như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền… nên chịu ảnh hưởng của họ và chú tâm đến các vấn đề hệ trọng của đất nước lúc bấy giờ: độc lập nước nhà, giải phóng dân tộc…. Tuy nhiên, sau này HCM không đồng ý với đường lối tranh đấu của các nhà ái quốc đương thời, cho là không có hiệu quả. HCM (lúc đó còn mang tên Nguyễn Ái Quốc) gia nhập đảng cộng sản Pháp năm 1920, sau đó được đảng cộng sản Nga đào tạo thành một đảng viên cộng sản đắc lực của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản năm 1923. Kể từ khi tuyên thệ gia nhập Q’T’CS, HCM không còn hoạt động như một “nhà ái quốc dân tộc” nữa. Ông ta phải tuyên thệ trung thành với Q’T’CS, mà đường lối của CS không chấp nhận ý niệm “quốc gia” ; đảng viên cs hoạt động vì quyền lợi quốc gia bị coi là “phản đảng”, là có tội. Nhưng để có thể hoạt động tại VN và quy tụ toàn dân theo mình, HCM phải che giấu thân phận cộng sản, đội lốt “người yêu nước” , dùng chiêu bài “giải phóng dân tộc” để thực hiện mục tiêu của Q’T’CS là nhuộm đỏ các nước Đông Dương sau này.
Cuộc chiến tranh xâm lược Nam VN, khởi đầu năm 1956 nằm trong chính sách này. Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CSVN đã thẳng thắn tuyên bố: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, cho Trung quốc”.
Chúng ta phải xoá bỏ huyền thoại: “HCM là nhà cách mạng dân tộc, là người yêu nước, là cha già dân tộc”.
2- Các chính sách mà đảng cộng sản thực hiện tại Nam VN sau ngày 30-4-
1975 chứng tỏ họ đi đúng đường lối “Cách mạng xã hội chủ nghĩa”, theo chủ nghĩa Mác - Lê. Họ phải thực hiện “đấu tranh giai cấp”, tiêu diệt giới tư sản, đưa giới “vô sản” (đại diện là đảng cộng sản VN) lên nắm quyền. Không có vấn đề “hòa hợp, hòa giải” với những người đã từng cầm vũ khí chống lại họ, nên họ mới gọi dân miền Nam là “ngụy quân, ngụy quyền, ngụy dân”. Tất cả những ai không tin theo họ đều bị coi là “kẻ thù” cần bị tiêu diệt. Điều đó vẫn đúng cho đến ngày nay, dù cuộc chiến “giải phóng miền Nam” đã chấm dứt gần 50 năm rồi.
Sau 30-4-1975, một số người đã lạc quan, xem đây là cơ hội “đoàn kết dân tộc” để xây dựng lại quê hương sau bao năm dài chinh chiến.
Không bao giờ chúng ta tin được là người cộng sản thực tâm muốn “hòa hợp, hòa giải” với người Việt yêu tự do, dân chủ đang sống trong nước hay đang sống lưu vong tại hải ngoại. Chúng ta với họ như nước với lửa, dứt khoát không thể nào có cùng một mẫu số chung.
3- Hàng năm , người Việt TNCS tại hải ngoại đều làm lễ Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 với các mục đích chính là:
a- Ghi nhớ công ơn các anh hùng, chiến sĩ trong Quân Lực VNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam (1954-1975) chống cộng sản xâm lăng.
b-Tưởng niệm các nạn nhân của cộng sản chết trong chiến tranh và sau cuộc chiến (tại các vùng kinh tế mới, trong các trại tù “cải tạo”, trên đường vượt biên, vượt biển tìm tự do…)
c-Tố cáo tội ác của cộng sản đối với đất nước và người dân Việt, bán nước cho Tàu , bần cùng hóa người dân, buôn dân Việt đi khắp thế giới…
d- Giáo dục thế hệ trẻ ý thức trách nhiệm phải tiếp nối công việc chưa hoàn thành của cha, ông.
Chúng ta làm lễ tưởng niệm Ngày Quốc Hận 30-4 hàng năm, không phải vì oán thù, không phải để đau buồn, than khóc vì đã mất nhà cửa, địa vị, tài sản, chức quyền… mà vì người Việt yêu nước chưa hoàn thành trách nhiệm với tổ quốc VN, vì giới “lãnh đạo” VN hiện nay đang đưa đất nước vào tình trạng bế tắc và diệt vong.
4- Chúng ta có thể làm được gì trong cuộc tranh đấu trường kỳ chống cộng vẫn tiếp diễn trong nhiều thập niên qua (từ 1975 đến nay):
Trước tiên hãy bảo vệ “Căn cước tỵ nạn chính trị” của mình: sự hiện diện tại hải ngoại với tính cách là người tỵ nạn cộng sản (cụ thể là các cựu quân nhân của QL/ VNCH, những người dân miền Nam có mặt tại hải ngoại do di tản, vượt biên, được thân nhân vượt biên bảo lãnh đoàn tụ gia đình hay được chính phủ sở tại cho định cư lánh nạn cs qua chương trình cựu tù nhân chính trị).
Người TNCS đừng bao giờ làm hoen ố căn cước “tỵ nạn chính trị” của mình, vì chúng ta phải đổi nó bằng máu, mồ hôi, nước mắt của chính bản thân, dù ngoài mặt trận trong thời chiến hay trong trại tù cs, sau ngày 30-4-1975. Đã là người TNCS thì không thể vô tình “tô hồng, chuốt lục” cho chế độ hiện hữu tại VN bằng cách về VN như mặc nhiên công nhận chế độ cs hiện hữu đã “lành hóa”, không còn là mối đe dọa hay là một cái nạn để chúng ta phải đi tỵ nạn nữa! Đây là nhận định sai lầm, vì cs chẳng bao giờ thay đổi, chỉ có một số đông người TNCS đã thay đổi lòng dạ, nên thoải mái về VN với nhiều lý do: cưới xin, giỗ chạp, buôn bán, làm từ thiện, du lịch, nhớ nước, thăm gia đình… Thực ra chẳng có lý do nào “đủ mạnh” có thể biện minh cho việc “làm mất căn cước tỵ nạn chính trị” như thế cả; khi chế độ cầm quyền trong nước vẫn “hèn với giặc, ác với dân”; khi đồng bào và chiến hữu vẫn đang nhọc nhằn chiến đấu với tà quyền cộng sản tại quê nhà và với bọn tay sai tại hải ngoại.
Người TNCS tại hải ngoại cũng đừng thờ ơ với chính trị, vì nghĩ rằng tham gia sinh hoạt chính trị là dính vào tranh cãi, là mất thì giờ, là tốn công sức, là mất “tình anh em” trong tập thể. Không có gì sai lầm hơn suy nghĩ này, nhất là đối với những cựu quân nhân đã từng được đào tạo tại các quân trường danh tiếng của miền Nam VN.
Ngại sinh hoạt chính trị, chỉ muốn tập thể của mình sinh hoạt như một hội “ái hữu”, thì khác gì tự nguyện buông bỏ lý tưởng quốc gia, chối bỏ căn cước “tỵ nạn chính trị”, nhường sân chơi hoàn toàn cho kẻ thù cộng sản chiếm lãnh?
Đừng quên chúng ta đã gánh chịu tiếng oan “thua” kẻ thù cộng sản trên trận địa do thiếu vũ khí, đạn dược nhưng thật ra chúng ta đã thắng họ nhờ có lý tưởng quốc gia cao đẹp. Nay bỏ cả lý tưởng quốc gia thì chúng ta trắng tay, còn lại cái gì để mà tự hào và để làm gương cho hậu duệ? Cộng sản sẽ mừng lắm, nếu những người TNCS gốc cựu quân nhân không tha thiết với lý tưởng ngày xưa, thôi không hoạt động chính trị, thôi có biện pháp với bọn Việt gian chống phá Cộng Đồng tại hải ngoại nữa. Chúng chỉ mong có thế thôi!
* * *
Mùa Quốc Hận năm nay: 30-4-2024, cũng là lúc các cựu quân nhân QL/ VNCH tham dự cuộc chiến ngày xưa đã bước vào lứa tuổi 70, 80, hay 90 cả rồi. Chúng ta không còn tuổi trẻ, và sức lực như xưa nên chẳng cáng đáng được những việc to lớn như ước muốn. Tuy nhiên, nếu còn nhiệt huyết, chúng ta vẫn có thể làm được những việc nho nhỏ trong tầm tay: điều gì có lợi cho kẻ thù cộng sản, chúng ta nhất quyết sẽ không làm, gây mất danh dự của tập thể, làm suy yếu lực lượng chống cộng, khiến nội bộ bị chia rẽ, ví dụ như: về VN làm từ thiện, đầu tư, du lịch, làm lợi cho kinh tế VC.v.v…) Tất cả những việc này đều “có lợi” cho cộng sản, và làm tổn hại cho công cuộc tranh đấu chung của cộng đồng TNCS. Chúng ta hãy dành nhiều thì giờ để giáo dục giới trẻ trong Cộng Đồng, gần gũi các em để tạo nhịp cầu thông cảm giữa các thế hệ cha, chú và con, cháu, chắt của chúng ta. Bởi, chính các em, các cháu sẽ tiếp nối thế hệ cha, anh đi tiếp con đường mà chúng ta đã chọn.
Hãy giúp thế hệ trẻ giữ vững niềm tin vào chính nghĩa quốc gia, duy trì ngọn lửa đấu tranh cho đến ngày Việt Nam thành một nước độc lập, tự do, hạnh phúc thực sự.
Đó chính là lúc giấc mơ của người lính VNCH năm xưa thành hiện thực và chúng ta sẽ không còn ân hận điều gì khi rời xa thế giới này khi những lần tưởng niệm 30 tháng tư trong tương lai sẽ mang một ý nghĩa hoàn toàn mới!
Mùa Quốc Hận Tháng Tư.2024
Nguyễn Quốc Đống
Cựu SVSQ K. 13/TVBQGVN
https://hon-viet.co.uk/NguyenQuocDong_C ... Tu1975.htm
Xin hãy ghé
Đã gửi: Chủ nhật 28/04/24 11:33
bởi Hoàng Vân
Xin hãy ghé
Dạo:
Hỡi người “du lịch” quê hương,
Có còn nhớ chuyện đau thương năm nào?
Bạn lại bảo sắp về quê du lịch,
Và lần nào cũng thích thú như nhau,
Được chen chân vào những chốn “sang giàu”,
Lòng thơ thới, chẳng bao giờ thấy chán!
Người như bạn, giờ nơi đây nhan nhản,
Đủ loại từ tỵ nạn đến di dân
Qua đường nhân đạo, qua ngả hôn nhân,
Hay may mắn được người thân bảo lãnh.
Bạn bảo bạn có tiền và quá rảnh,
Nên về quê ngoạn cảnh với vui chơi
Thật nhiều lần cho đầu óc thảnh thơi,
Để quên hết nhọc nhằn thời vượt biển.
Lâu lâu rải ra ít đồng “từ thiện”,
Để người nghèo phải luôn miệng cám ơn,
Để thấy mình bỗng chốc “vĩ đại” hơn,
Rồi hể hả lơn tơn đi du lịch.
Bạn cứ việc làm điều gì bạn thích,
Chẳng còn ai dám chỉ trích bạn đâu,
Tôi chỉ xin nhờ bạn mỗi một câu:
Hãy thăm viếng trước sau giùm mấy chỗ.
*
* *
Xin hãy ghé thăm đoạn đường khốn khổ,
Được đặt tên là Đại Lộ Kinh Hoàng,
Nơi dân lành xưa tay xách nách mang,
Bị Cộng pháo chết không toàn thân thể.
Xin hãy ghé, nếu có về qua Huế,
Thăm mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân,
Nơi oan hồn vô tội của người dân,
Bao năm vẫn còn âm thầm kêu khóc.
Xin hãy ghé thăm chiến trường An Lộc
Để biết về trận đánh khốc liệt xưa,
Nơi hàng ngàn dân với lính sớm trưa,
Hứng đạn pháo như mưa rào tuôn dội.
Xin hãy ghé thăm nghĩa trang quân đội
Để thấy vô số tội của bạo quyền,
Đã say men “chiến thắng” đến cuồng điên,
Đập phá nát các đền đài bia mộ.
Xin hãy ghé Trường Thiếu Sinh Quân cũ,
Nơi vài trăm khóa sinh nhỏ hiên ngang,
Cuối Tháng Tư quyết chẳng chịu đầu hàng,
Liều sinh mạng để bảo toàn chính khí.
Xin hãy ghé thăm Cổ Thành Quảng Trị,
Nơi năm xưa, các binh sĩ can trường
Của miền Nam đã chẳng tiếc máu xương,
Giành lại được từ tay phường xâm lược.
Xin hãy ghé thăm Hoàng Sa, nếu được,
Để tỏ tường lòng yêu nước tận trung
Của Hải Quân với bao vị anh hùng
Đã dũng cảm giao tranh cùng lũ Chệt.
Xin hãy ghé tìm thăm nơi tuẫn tiết
Của năm vì Tướng trung liệt sắt son,
Theo gương xưa, quyết chẳng chịu sống còn,
Chọn cái chết để giữ tròn tiết tháo.
Xin hãy ghé thăm trại tù “cải tạo”,
Nơi xưa kia bạn bị bạo quyền giam,
Bị đọa đầy hành hạ biết bao năm
Mới được thả về kiếm ăn xuôi ngược.
Xin hãy ghé thăm bến tàu ngày trước,
Nơi bạn tìm đường bỏ nước ra đi,
Dù lắm khi mất cả lưới lẫn chì,
Nhưng nhờ mãi kiên trì nên thoát khỏi.
Xin hãy ghé thăm nhà giam tăm tối
Đã cầm tù bạn về tội vượt biên,
Để rõ thêm cái bộ mặt bưng biền
Của bè lũ cầm quyền đang đắc thế.
Rồi muốn ghé chỗ học xưa thì ghé,
Nhưng chớ lầm gọi “Trường Mẹ”, trường con,
Sau Bảy Lăm, “Trường Mẹ” đó đâu còn,
Sớm đã bị lũ cáo chồn cướp xác!
*
* *
Nếu chỉ biết toàn rong chơi chỗ khác,
Thì qua đây đừng mang rác tìm tôi,
Để khoe khoang cùng quảng cáo lôi thôi,
Rồi giở giọng cười chê tôi “ngoan cố”.
Đừng ngụy biện bảo rằng về bên đó,
Cốt cho mình được biết rõ quê hương!
Sao ngày xưa phải van vái tứ phương,
Chui nhủi kiếm cho được đường bỏ xứ?
Quê hương cũ giờ đây còn đâu nữa,
Chỉ là nơi bầy quỷ dữ lộng hành,
Khiến triệu triệu dân lành
Luôn tiếc nhớ cảnh thanh bình thuở trước.
Kể từ Tháng Tư mất nước,
Quê nhà bước bước tang thương,
Vẫn văng vẳng đêm trường,
Tiếng than khóc từ đại dương vọng lại.
Trần Văn Lương
Cali, đầu Mùa Quốc Hận 4/2024
https://hon-viet.co.uk/TranVanLuong_thoXinHayGhe.htm
Miệng Lưỡi Cộng Sản
Đã gửi: Chủ nhật 28/04/24 12:36
bởi Hoàng Vân
Miệng Lưỡi Cộng Sản
24 Tháng Tư 2024 _ Người Gom Gió

* Miệng lưỡi cộng sản như rắn độc...
- HCM xuống tầu đi tìm việc, làm bồi cho Tây thì chúng gọi là “Xuống tầu tìm đường cứu nước”!
- Giật mìn xe khách, pháo kích bừa bãi vào nhà dân, đặt chất nổ nơi đông người, bắt cóc, thủ tiêu, khủng bố… chúng gọi là “Hoạt động cách mạng.”
- Dùng vũ lực súng đạn giết dân chúng gọi là “Giải phóng nhân dân.”
- Cướp đất đai của các điền chủ, chúng gọi là “Cải cách ruộng đất.”
- Ngày nay để cướp đất toàn dân, chúng gọi là “Khu Quy Hoạch” hay “Cưỡng chế.”
- Đập phá nhà dân oan, chúng gọi là “Giải phóng mặt bằng.”
- Cướp trắng trợn tài sản của các thương gia, chúng gọi là “Đánh tư sản mại bản.”
- Cấm người dân buôn bán, chúng gọi là “Cải tạo thương nghiệp.”
- Bỏ tù quân nhân, công chức của chế độ cũ (VNCH), không rõ ngày về, chúng gọi là “Học tập Cải tạo.”
- Lấp liếm sự khan hiếm xăng dầu, xe hơi (ô-tô) đang chạy xăng thì chuyển ngược về chạy bằng hơi than thì Cộng Sản gọi là “Cải Tiến.”
- Vượt biên nếu bị bắt thì chúng gọi là “Thằng phạm, Con phạm”…
- Vượt biên nếu thoát thì chúng âu yếm gọi là “Khúc ruột ngàn dặm”…
- Để sống sót, Cộng Sản trở lại với nền kinh tế tư bản từ bước đầu, từ ABC chúng gọi là “Đổi mới.”
- Để biến dạng thành bọn “Tư bản Đỏ” độc tài thống trị, bóc lột nhân dân thì chúng gọi là “Kinh tế thị trường định hướng XHCN.”
- Muốn bỏ tù người tranh đấu cho tự do, dân chủ, chúng gọi họ là “Phản động”…
- Sách báo bàn về Dân chủ, Tự do thì chúng gọi là “Tài liệu phản động / Công cụ khủng bố.”
- Biểu tình đả đảo Trung Cộng xâm lược thì chúng nói là: “Có sai phạm về tư tưởng và nhận thức chính trị.”
- Biểu hiện lòng yêu nước thì chúng nói là “Kích động bạo lực; Tuyên truyền chiến tranh xâm lược; Gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước anh em.”
- Ra trát đòi một người nào đó để điều tra và có thể tống giam, chúng gọi là “Giấy mời lên làm việc.”
Một số cách nói khác theo giọng điệu tai ngược của cộng sản:
* Quốc hội CS: Danh từ này thường gọi tắt là “Quốc hội” để chỉ tập hợp những người thiếu tư cách, được bầu bởi những người thiếu thiện chí và để làm những việc không cần thiết. Đặc điểm là gây hao tốn rất nhiều thời gian và tiền của người dân.
* Công An Nhân Dân: Danh từ thường gọi là “Công An” để chỉ tập hợp những cá nhân thiếu đạo đức, trình độ học vấn thấp, sở trường là có sức mạnh, được đảng tổ chức và huấn luyện sử dụng vũ khí. Đặc điểm nổi bật là chúng có đặc tính trung thành của loài chó nên được đảng dùng trong việc ăn cướp, đàn áp, khủng bố người dân khi quyền lợi của đảng viên bị xâm phạm.
* Quần chúng tự phát: Danh từ nay dân chúng ít dùng, chỉ thấy trên báo đảng. Để chỉ những cá nhân không có đạo đức, thường là thành phần cặn bả của xã hội. Đặc điểm là liên quan đến các hoạt động trong bóng tối như là: mại dâm, ma túy, cho vay nặng lãi, bảo kê bến bải. “Quần chúng tự phát” là thành phần được đảng sử dụng nhưng không chính thức, trả chi phí theo từng vụ việc mang tính chất là kín đáo.
Ví dụ: Ném chất thải vào nhà dân; khiêu khích để gây chuyện hay theo dõi, canh chừng tại các nhà thờ, chùa chiền. Ngoài ra quần chúng tự phát còn được đảng dùng như phương tiện thủ tiêu người khác qua: tai nạn giao thông, ngộ độc ăn uống trong nhà hàng, uống hoặc tiêm thuốc quá liều trong bệnh viện, nhảy lầu tự tử hay tự sát ở nơi hẻo lánh chẳng ai biết (?)
* Đánh nguội, khổ hình gọi là “Điều tra."
* Hối lộ gọi là “Trao, nhận quà trên mức tình cảm.”
* Kinh tế thê thảm gọi là “Quá độ lên xã hội chủ nghĩa.”
* Cán bộ đảng chui vào mùng vợ dân gọi là “Tìm hiểu sự vụ ngoài cơ quan.”
Hết biết!
Người Gom Gió
https://hung-viet.org/p22826a30177/mieng-luoi-cong-san
Một vết cắt
Đã gửi: Chủ nhật 28/04/24 12:42
bởi Hoàng Vân
Một vết cắt
Viên đá cũ lót đường năm đó
tuổi trẻ xưa rực lửa trong lòng
những cuộc đi với nắm tay không
nước mất thành tan, đời vô vọng
Thảng thốt gọi tên người nằm xuống
từ những trại tù dọc Trường Sơn
xác đã bón rừng cho xanh hơn
hồn quanh quẩn nuôi hoài chí lớn
Nửa kỷ khóc than mòn nghiệp cả
đám tù xưa đang chết âm thầm
tuổi tên thay “tù nhân lương tâm”
một vết cắt ngọt dòng máu thấm
Chính nghĩa lập lờ như gian lận
oán hận gì bày cuộc bể dâu?
người xưa chết chậm, chết từ lâu
sống sót cũng không nơi nương náu
Đòn thù da vàng sao đau vậy?
hận đó tình này rót về đâu?
tháng tư bất hạnh bạc mái đầu
vết nội thương càng thêm chảy máu
Tháng tư nhắc một thời đứng dậy
viên đá nào còn lại hôm nay?
có buồn không những nhúm hình hài
một đi – cả đời không quay lại
nguyễn thanh khiết
04-04-2024
viết cho những bạn tù đang trôi nổi
https://hung-viet.org/p22826a30171/mot-vet-cat
Tôi có người anh tử trận…!
Đã gửi: Thứ ba 30/04/24 06:25
bởi Hoàng Vân
Tôi có người anh tử trận…!
Đoàn Xuân Thu
Má về với Ba khi còn rất trẻ. Ba, hai mươi tuổi. Má, mười tám tuổi. Má dứt sữa anh Nhiên không lâu thì có mang tôi. Tôi cách anh Nhiên hai tuổi.
Người khác thường gọi anh mình bằng thứ: chẳng hạn anh hai, anh ba. Riêng tôi, tôi gọi anh mình bằng tên: anh Nhiên.
Anh Nhiên là con đầu lòng, sức khỏe kém, quặt quòa quặt quẹo, nay đau, mai yếu, nay ấm đầu, mai sổ mũi. Bịnh hoạn rề rề làm anh nhỏ con, ốm nhom ốm nhách, nên đi chơi hoặc đi học thường hay bị những thằng, không biết thế nào là phải trái, xúm lại hiếp đáp.
Một tối anh dẫn tôi đi xem truyền hình công cộng trong xóm, có thằng lớn con hơn giành chỗ, lấn tôi té xuống đất. Anh Nhiên tôi binh em, nhào vô ăn thua đủ. Tội nghiệp! Anh Nhiên tôi nhỏ con, ốm yếu bị nó bự con, khỏe mạnh, đè gần chết. Tôi nóng mũi, binh anh mình, hốt một bụm cát vụt vô mặt nó. Thằng mắc dịch đó hét lên vì không thấy đường, lo lấy hai tay dụi mắt. Tôi thừa cơ nhảy vô đấm, đá tưng bừng, rồi hai anh em chạy tuốt về nhà. Bữa sau Ba nó đến mắng vốn. Ba nó nói: hai anh em tôi ỷ đông đánh con ổng. Ba tôi chỉ giả lả cho qua chuyện. Sau đó Ba tôi hỏi đầu đuôi gốc ngọn. Anh chỉ nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Con chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được!”
Lớn lên, hai anh em cùng học chung trường Petrus Trương Vĩnh Ký. Anh học trước tôi hai lớp. Không biết bao nhiêu lần anh bị buộc phải đánh nhau với mấy thằng bạn học hay ăn hiếp anh, tôi đều nhào vô ăn thua đủ, đến nỗi phải bị gọi lên văn phòng, thầy Tổng giám thị hỏi: “Sao hai anh em tụi bây quánh nó?”
Tôi trả lời: “Tại nó ăn hiếp anh con”.
Còn anh Nhiên tôi thì lại nói: “Con hổng muốn quánh nhau với nó. Con chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được.”
Một chiều, tan học, từ trong lớp tôi tà tà ra nhà giữ xe đạp bên hông trường để anh Nhiên chở tôi về. Trận đánh lộn mới vừa tan. Cái thằng học cùng lớp với anh, cái thằng vừa mới đánh anh, đã chạy mất tiêu. Mấy thằng khác chỉ bàng quan thản nhiên đứng nhìn, không nói, không can ngăn gì hết; có đứa còn nhẫn tâm hò reo inh ỏi trong khi anh Nhiên tôi bị đánh chảy máu mũi và bị bầm tím một bên mắt.
Tôi tức mình quá, vừa giận vừa thương anh, nên cự nự: “Sao anh không đợi tui ra rồi hãy quánh?” Tôi xé một tờ giấy tập, vò cho nhầu, mềm, chậm máu mũi cho anh. Tôi giận mình sao lại tà tà ra trễ. Tôi giận mấy thằng kia chỉ khoanh tay đứng nhìn, không làm gì hết, mà còn khoái chí đứng xem một đứa hung hăng, mạnh bạo bức hiếp một người thế cô yếu đuối. Tôi giận luôn cả anh nên suốt đường về, tôi không thèm nói với anh lấy một câu.
Về nhà má tôi nấu nước sôi, pha muối, thấm vảo hai miếng bông gòn, miếng thì lau máu mũi cho anh, miếng thì chậm lên con mắt bị bầm.
Tôi thì đi tới, đi lui, hậm hực nói: “Lần sau anh đợi tui ra tới rồi hãy quánh. Anh với tui cho nó một trận để cho nó bỏ cái tật cà khịa.”
Anh nằm trên chiếc đi-văng, nhìn lên trần nhà bằng một con mắt, có vẻ suy nghĩ lung lắm, rồi lẩm bẩm: “Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mình chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được!”
Năm 1968, khi anh đang học Đệ nhứt, thì Tổng công kích Tết Mậu Thân bùng nổ. Hình ảnh con nít, bà già chết còng queo trong lửa đạn, nhà cửa tan hoang cháy làm anh xúc động. “Mình hổng muốn quánh nhau với nó. Mình chỉ muốn yên thôi mà nó hổng cho yên. Hổng quánh hông được!”
Anh trầm ngâm, ít nói hẳn đi; suy nghĩ gì lung lắm: phải làm một cái gì đó. Phải làm một cái gì đó là: bỏ học giữa chừng năm Đệ nhứt, không thi Tú tài hai và đăng lính.
Ba năm sau, năm 71, anh Nhiên tôi tử trận ở Quảng Trị. Xác anh được mang về Huế, bỏ vô hòm kẽm, cò chì, đưa lên máy bay chở về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Ba Má tôi nhận tin báo tử. Chỉ một đêm chờ sáng, lên nhận xác anh Nhiên mà tôi thấy Ba, Má tôi già háp, gầy sọm hẳn đi.
Anh Nhiên tôi chết trẻ, hai mươi hai tuổi, chưa lập gia đình, chưa vợ, chưa con. Vì không có vợ, con nên không có ai để chít cho anh một vành khăn tang trắng. Ngược lại, theo phong tục mà ông Ngoại tôi biểu: trên đầu chiếc quan tài của anh Nhiên tôi có một vành khăn tang trắng dành cho anh để tang cho Ba Má.
Trước giờ di quan, ông ngoại tôi cầm cây roi bằng nhánh cây dâu giá giá lên đầu chiếc quan tài của anh giả bộ làm như đánh, để trị anh tội bất hiếu: chết trước khi Ba Má mình qua đời.
Ba tôi đang đứng kế bên, đột nhiên đôi mắt hằn lên tia lửa cuồng nộ, giằng lấy cây roi dâu trong tay ông Ngoại, bẻ làm hai quăng xuống đất, rồi giận dữ nói: “Thằng Nhiên, nó chết trận, nó đền nợ nước. Nó có tội gì đâu? Sao Ba lại đánh nó?”
Tôi có một người anh tử trận.
Anh là:
Cố Trung uý Đoàn Xuân Hòa
Đại đội 1 - Tiểu đoàn 6 TQLC - “Thần ưng cảm tử”
Đoàn Xuân Thu
Melbourne.

https://hon-viet.co.uk/DoanXuanThu_ToiC ... TuTran.htm
Re: - 30/04/2024 - tưởng niệm 49 năm người Việt mất miền Nam Tự Do
Đã gửi: Thứ ba 30/04/24 06:46
bởi Hoàng Vân
“Vâng! chúng tôi hãnh diện đã có một cấp chỉ huy như thế!”
Đã gửi: Thứ ba 30/04/24 06:56
bởi Hoàng Vân
Ngày nầy, năm 1975. Mỹ thật... đểu…
Đã gửi: Thứ ba 30/04/24 07:05
bởi Hoàng Vân
Ngày nầy, năm 1975. Mỹ thật... đểu…
Tiểu Tử (Võ Hoài Nam)
Năm nay tôi 85 tuổi. Vợ tôi thường nói với mấy con: “Ông bà mình nói người già hay sanh tật, đúng quá! Bây coi: ba bây bây giờ sáng nào uống cà phê xong cũng lại đứng trước tấm lịch tháng treo ở phòng khách, nhìn trầm ngâm một chút rồi lấy bút gạch tréo ô vuông đề ngày hôm qua! Chi vậy hổng biết? Hỏi ổng thì ổng nói gạch để nhớ rằng đến ngày nầy tháng nầy mình vẫn còn trôi sông lạc chợ! Trời đất! Định cư ở Pháp từ hơn ba mươi năm chớ phải mới đây đâu mà đi gạch lịch từng ngày! Ổng còn nói gạch để coi chừng nào mình mới thôi gạch để về lại Việt Nam …”
Câu nói của tôi là sự thật nhưng vì vợ tôi không hiểu nên cho là tôi già sanh tật! Làm sao giải thích được mỗi lần tôi gạch tréo một ngày như vậy tôi có cảm tưởng như là tôi vừa nhích lại gần quê hương một chút – một chút thôi – đủ để nuôi hy vọng thấy một ngày nào đó mình vẫn còn sống mà trở về…
Sáng nay, cũng giống như mọi ngày, tôi cầm bút gạch tréo ô vuông ngày hôm qua. Ô vuông ngày hôm nay đập vào mắt tôi làm tôi giật mình: ngày nầy, năm 1975! Tôi bỗng nhớ ra, nhớ rõ, những gì đã xảy ra ngày đó, nhớ như in. Rồi sợ “cái ngày đó” nó vuột khỏi ký ức vốn đã quá hao mòn của tuổi già, tôi vội vã lấy giấy bút ghi lại…
* * *
…Hồi thời trước 75, tôi làm việc cho một hãng dầu ở Việt Nam, phụ trách nhập cảng xăng dầu từ Singapore vào kho dầu Nhà Bè để cung ứng cho thị trường dân sự và quân sự miền nam Việt Nam. Vì trong xứ có giặc nên thị trường quân sự chiếm 60%, trong đó xăng máy bay dẫn đầu. Các bạn tôi trong quân đội giải thích cho tôi biết rằng ở chiến trường miền nam sự yểm trợ của không lực là quan trọng nhứt. Do đó, tôi luôn luôn theo dõi sát tình hình dự trữ xăng máy bay ở các kho dầu miền nam, từ kho Nại Hiên Đà Nẵng dẫn xuống kho Cần Thơ thông qua kho lớn ở Nhà Bè…
Vào cuối tháng 3 năm 1975, sau lịnh triệt thoái cao nguyên, tình hình quân sự trở nên ồ ạt. Sợ trở tay không kịp, tôi còm-măng Singapore một tàu xăng máy bay. Hay tin nầy, hãng bảo hiểm có hợp đồng với hãng dầu tôi làm việc đánh điện phản đối, không cho tàu dầu qua Việt Nam viện cớ tình hình bất ổn. Đánh điện qua, đánh điện lại, cù cưa cả tuần họ mới bằng lòng cho tàu dầu qua, với điều kiện phải có hộ tống của Navy Mỹ họ mới cho tàu vào sông Sàigòn để cập kho Nhà Bè!
Tôi báo cáo với ban giám đốc vì lúc đó ở kho lớn Nhà Bè trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ có bày ngày tác chiến của không quân. Ban giám đốc chấp thuận điều kiện của hãng bảo hiểm. Tôi vội vã gọi điện thoại lại cơ quan yểm trợ Mỹ để xin họp khẩn. Ông trưởng sở trả lời: “Tôi sẽ đến ngay văn phòng ông. Cho tôi mười phút!”. Tôi quen ông nầy – tên W, thường được gọi là “Xếp” – nhờ hay đi họp chung. Ông ta dễ thương nhã nhặn, biết chút đỉnh tiếng Pháp nên lần nào gặp tôi cũng nói: “Bonjour! çà va?” (Chào ông! Mạnh hả?)
Xếp W đến văn phòng tôi với hai người phụ tá. Tôi đã làm sẵn hồ sơ nên sau khi mời ngồi, tôi trao ngay cho họ để họ dễ theo dõi những gì tôi sẽ trình bày. Mười phút sau, tôi kết luận xin can thiệp gấp để tàu dầu xăng máy bay của hãng tôi được hộ tống, không quên nhắc lại điểm chánh yếu là trữ lượng xăng máy bay chỉ còn đủ để chiến đấu trong vòng có bảy bữa!
Nghe xong, Xếp W xin phép bước ra ngoài gọi radio về trung ương. Một lúc sau, ông trở vào, nét mặt và giọng nói vẫn tự nhiên như chẳng có gì quan trọng hết: “Rất tiếc! Chúng tôi không giúp được! Thôi! Chúng tôi về!”. Tôi đang nghe nghẹn ngang ở cổ thì ông W vỗ vai tôi nói nhỏ bằng tiếng Pháp: “Allez vous en!” (Ông hãy đi, đi!) Ra đến cửa phòng, ổng ngừng lại nhìn tôi, gật nhẹ đầu một cái như để chào nhưng tôi nghĩ là ổng muốn nhắc lại câu nói cuối cùng “Allez vous en!” (Ông hãy đi, đi!) …
Tôi ngồi bất động, nghe tức tràn lên cổ vì thấy mình bất lực quá và cũng nghe thương vô cùng cái quê hương nhỏ bé của mình, nhược tiểu đến mức độ mà khi cần nắm tay để kéo đi theo thì “họ” dán… đầy đường cái nhãn “hai bàn tay nắm lấy nhau” để chứng tỏ sự thật tình “khắn khít”, rồi khi không còn cần nữa thì cứ tự nhiên buông bỏ không ngượng tay giấu mặt, vì biết mười mươi rằng “thằng nhược tiểu đó không làm gì được mình”!
Tôi ráng kềm xúc động, bước qua phòng họp của ban giám đốc, chỉ nói được có mấy tiếng: “Chánh quyền Mỹ từ chối!”. Sau đó, tôi đánh điện qua Singapore, cũng chỉ bằng một câu: “Không có hộ tống”. Họ trả lời ngay: “OK! Good Luck!” (Nhận được! Chúc may mắn!) Hai chữ cuối cùng, trong hoàn cảnh nầy và vào thời điểm nầy, nghe sao thật đầy chua xót!
Thấy mới có ba giờ chiều, nhưng không còn lòng dạ đâu để ngồi lại làm việc nên tôi lái xe về nhà. Tôi lái như cái máy, cứ theo lộ trình quen thuộc mà đi. Về đến trước nhà, tôi bỏ xe ngoài ngỏ, đi bộ vô. Vợ tôi chạy ra, ngạc nhiên: “Sao về vậy anh?”. Tôi không nói được gì hết, chỉ gục đầu vào vai vợ tôi rồi bật khóc. Vợ tôi chưa biết những gì đã xảy ra nhưng chắc nàng đoán được rằng tôi phải đau khổ lắm mới phát khóc như vậy. Cho nên nàng vừa đưa tay vuốt vuốt lưng tôi vừa nói, giọng đầy cảm xúc: “Ờ…Khóc đi anh! Khóc đi!”
Ngày đó, tháng tư năm 1975… Đúng là ngày nầy!
Tiểu Tử

https://hon-viet.co.uk/TieuTu_NgayNayNa ... hatDeu.htm
Nước Mắt Cho Sài Gòn
Đã gửi: Thứ ba 30/04/24 07:08
bởi Hoàng Vân
Quốc Hận 30 tháng Tư

Nước Mắt Cho Sài Gòn
Nguyễn Đình Toàn - Bạch Vân
Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’
Đã gửi: Thứ ba 30/04/24 07:14
bởi Hoàng Vân
Chuyện người con gái có tên ‘Nguyễn Thị Di Tản’
Hoàng Thị Tố Lang
Tôi là họ Nguyễn. Chỉ riêng họ Nguyễn đã chứng tỏ tôi là người Việt Nam. Nhưng lúc rời Việt Nam tôi chỉ là cái bào thai trong bụng mẹ, theo mẹ trên đường di tản và chào đời trên đảo Guam. Từ ngày ấy, tên tôi là Nguyễn Thị Di Tản.
Đến nay 48 năm qua, tôi đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg, buồn hắt hiu như tâm sự “Người Di Tản Buồn” – bản nhạc của nhạc sĩ Nam Lộc mà mẹ rất yêu thích.
Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ nói đêm nào không nghe bài hát ấy thì tôi không ngủ. Đến lúc tôi bập bẹ biết nói, mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát những câu cuối cùng:
“Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi!”.
Bạn bè đến chơi, mẹ đem “con sáo” của mẹ ra khoe, bảo tôi hát. Mỗi lần hát xong các bạn của mẹ đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi:
“Sao con hát hay mà mẹ với các bác lại khóc?”
Mẹ ôm tôi vào lòng và nói: “Bao giờ lớn lên, con sẽ hiểu.”
Trí óc non nớt của tôi mơ hồ cảm nhận có điều khác thường ở mẹ, một sự mất mát lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói:
– Con là người nước nào?
– Dạ thưa, con là người Việt Nam.
– Con tên gì?
– Con tên là Di Tản.
– Con có yêu nước Việt Nam không?
– Con yêu Việt Nam lắm, vì đó là quê hương của con.
Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen với cái tên Di Tản, thấy nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao á.
Khi tôi 5 tuổi, mẹ dắt tôi đến trường gần nhà ghi tên đi học. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt xa lạ.
Cô giáo cũng thế. Lúc mẹ chào cô ra về, tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi ngồi cô đơn trong góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi:
“What is your name?” (Tên con là gì?)
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt “Dạ .. Di Tản.”
Cô giáo chừng như không hiểu, xem lại quyển sổ và nói: “Your name is Đaithen.”
Tôi lắc đầu và lặp lại “Di Tản”. (DiTan). Cả lớp rộ lên cười. Và tôi bật khóc!
Sau buổi học, mẹ đón tôi về. Suốt quãng đường về nhà tôi lặng thinh, không nói điều gì. Mẹ âu yếm hỏi:
– Con đi học có vui không?
Chừng như chỉ chờ mẹ hỏi, tôi òa lên khóc và nói:
– Sao mẹ không đặt cho con cái tên nào dễ kêu như Helen, Cindy hay Linda như tụi nó mà lại đặt tên là Di Tản? Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con!
Mẹ tôi dịu dàng, từ tốn bảo:
– Con có biết cả nước Canada có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không? Còn tên Di Tản chỉ có mỗi mình con. Con không thấy con đặc biệt sao? Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải chứ! Tôi nũng nịu pha chút hờn dỗi:
– Mà cô giáo đọc là Đaithen Mẹ thấy có kỳ không?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
– Tại cô không biết cách phát âm của người Việt mình thôi. Con phải đọc lại cho cô biết, rồi từ từ cô sẽ đọc đúng mà!
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt:
– Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi! Chỉ còn cái tên Việt Nam mà mẹ gởi cho con, con biết không?
Đầu óc của một đứa bé lên năm làm sao hiểu được hết những gì mẹ nói, song tôi biết mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ hôn và nói:
– Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ buồn lắm phải không?
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ:
– Không phải đâu, con của mẹ ngoan lắm!
Đó là chuyện ngày tôi 5 tuổi. Mãi cho đến những năm sau này, tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Nhưng chọc ghẹo cho vui chớ không có ác ý nào cả.
Lúc vào Highschool (Trung học) tôi đã lớn rồi. Tôi hiểu những u uất của đời mẹ và thương mẹ hơn bao giờ hết.
Thấm thoát tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái, mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất.
Lại thêm cái tên Di Tản nữa. Lúc này tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ đã biết cách phát âm tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ nhưng tạm được.
Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế, ngập ngừng hồi lâu mới đọc.
Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư Canada, đọc cái tên lạ hoắc chưa bao giờ nghe thấy. Trên tay cầm bài test của tôi, ngập ngừng rồi thầy gọi “Đai then”. Cả lớp ồ lên: “Oh, my god”. Giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh. Cả lớp nhao nhao như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, “nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò” mà. Con Linda ngồi cạnh hích cùi chỏ vào tôi khẽ bảo:
– Di Tản, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm:
– Di Tản, Di Tản not Đai then!Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ, biết là mình phát âm sai, ông gục gặc đầu nói xin lỗi và lập lại “Di Tản, Di Tản”…
Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây, Tàu, Gia Nã Đại, đều “cứu bồ” mỗi lần có tình trạng như trên xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương.
Đến giờ nhớ lại những lời mẹ nói ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng. Quê hương Việt Nam gắn với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng, “dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương nhưng không thể nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được”.
Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của cha tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng cha còn sống và sẽ có ngày gia đình tôi đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài.
Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản, cha hứa sẽ gặp lại mẹ sau.
Vậy là, mẹ bụng mang dạ chửa lên phi cơ theo đoàn người di tản và mong có ngày gặp lại. Nhưng niềm hy vọng đó vơi dần theo năm tháng, cho đến ngày mẹ được tin cha đã nằm xuống nơi trại tập trung cải tạo. Cuộc sống của mẹ đã thầm lặng từ bấy lâu, nay càng thầm lặng hơn.
Ngoài giờ ở sở, về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi lát rồi mẹ vào phòng. Cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm ngọc ngà ngày nào của cha và mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Mỗi lần nhắc tới cha, mẹ như trẻ lại, mắt long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho tôi chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng sĩ quan hải quân.
Tôi thuộc nhiều bài hát Việt lắm nên ghẹo: “Mẹ và cha giống em hậu phương và anh nơi tiền tuyến quá!.”
Ngoài tình mẹ con, tôi như người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để mẹ trang trải nỗi niềm. Nào là “con biết không, cha con hào hoa, đẹp trai lắm.” …
Tôi nịnh Mẹ: “Cha không đẹp trai làm sao cua được mẹ!”.
Mẹ cười thật dễ thương. Một điều mà tôi biết chắc chắn rằng không ai có thể thay thế hình bóng cha trong tim mẹ. Tôi muốn cùng mẹ nâng niu, gìn giữ những kỷ niệm dấu yêu, ngọc ngà của mẹ và cha đến suốt cuộc đời.
Hôm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 44 của cha, con muốn thưa với cha một điều: Con cám ơn cha mẹ đã tạo cho con nên vóc nên hình.
Dù chưa một lần gặp mặt, cha đã nằm xuống, đã đi thật xa, không trở lại với mẹ với con. Song với con, cha vẫn hiện hữu bên con từng giờ, từng phút. Con nghĩ cha đã che chở mẹ con và con hơn một phần tư thế kỷ nay. Xin cha hãy giữ gìn, che chở mẹ trong suốt quãng đời còn lại. Con mong ngày nào đất nước thật sự thanh bình, mẹ sẽ đưa con về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ.
Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương, con sẽ thấy cha mỉm cười và nói với con: “Cha sung sướng lắm, con biết không? Con yêu dấu…!”
Hoàng Thị Tố Lang
https://hon-viet.co.uk/HoangThiToLang_C ... iDiTan.htm