Trang 5/6
Re: Vũ thế Thành
Đã gửi: Thứ năm 27/06/19 19:48
bởi Bạch Vân
-
Viên phấn gãy
Ăn vụng luôn luôn là điều hấp dẫn. Thường thì ăn vụng chỉ để thỏa mãn nhu cầu ẩm thực chốc lát, nhưng nếu ăn vụng là phương tiện để tìm cảm giác mạnh thì khoái hoạt vô cùng.
Hồi học đệ lục (lớp 7 bây giờ), thỉnh thoảng tôi mang theo đậu phộng da cá vào lớp. Cô giáo dạy lý hóa, trẻ đẹp và ít cười. Bả cười ở đâu không biết nhưng rất hà tiện với học sinh, và tôi thường chọn giờ của bả để hành động.

Lũ học trò năm xưa giờ đây ngậm ngùi xin thưa :
“ Lương sư chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hưng quốc”.
Động tác che tay đưa đậu phộng vào miệng và nhai cầm chừng để qua mặt đối tượng là điều quá dễ. Tôi không chọn cách đó. Tôi chờ lúc bà cô cầm phấn, vừa quay mặt vào bảng là tung hạt đậu phộng lên cao, rồi giơ miệng ra hứng. Nhiều lần trót lọt, và tôi yên chí mình là diễn viên xiếc tiềm năng.
Đi đêm có ngày gặp ma, kẻ cắp gặp bà trẻ mới đau. Lần đó bà cô vừa chạm phấn vào bảng, thì phấn gãy. Bả quay lại lấy viên phấn khác…
Một cô giáo trẻ đẹp thường nghĩ ra những hình phạt mới lạ và quái lạ. Bà phạt tôi đứng, không phải đứng trên đất, trên ghế, mà là đứng trên bàn. Ở tuổi 13 tôi đã cao lêu khêu, và từ vị trí đắc địa tôi có thể quan sát tận tường lũ bạn vừa viết bài, vừa ngước nhìn chế diễu.
Sự nghiệp làm xiếc của tôi coi như kết thúc từ đó. Cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao mình lại nghĩ ra được cái trò ăn vụng ngu dại như thế.
Mới đây một thằng bạn Việt kiều đề nghị họp mặt tại Sài Gòn để mừng thọ tập thể, trên dưới 60 cả rồi còn gì, và còn mời luôn thầy cô đến “chúc thọ học trò” để thêm lộc trời. Cái mốc 75 đã làm ly tán tứ phương, kẻ còn người mất, trò đã đầu hói tóc bạc, thì thầy cô cỡ nào đây? Vậy mà kiên nhẫn “truy nã” cũng tìm ra được 2 vị: bà cô phấn gãy và ông thầy Việt văn.
Ngày hội ngộ lùm xùm, phải đến nhà đón vì thầy cô đi không nổi. Bốn mươi năm trôi qua như giấc mộng với bao nhiêu là biến cố. Ngày xưa chung lớp, cùng chơi đánh đáo, cùng xem xi nê, … Giờ đây, kẻ thành danh, đứa thành ma, kẻ là kỹ sư, bác sĩ, đứa thì bán phở, quà nhà cơm vợ. Thằng đã có cháu nội ngoại, đứa còn chăm con mọn. Tồn tại và biến mất đủ kiểu.
Khi những chuyện quá khứ được lôi ra để khoe khoang trí nhớ (là chính) và cũng để bôi bác nhau (là phụ), mấy bà vợ Việt kiều mới hiểu ra rằng, ông chồng ba bốn chục năm của mình đã “hoàn lương” một cách kỳ diệu. Bỏ đi Tám! Đừng thấy người ta khờ khờ mà làm tới.
Đám con cháu Việt kiều, tiếng Việt lõm bỏm, hiếu kỳ nhìn bậc cha chú thưa bẩm thầy cô, cái kiểu ứng xử thầy trò gì lạ hoắc không giống ở Tây ở Mỹ chút nào, chỉ là giao dịch mua bán kiến thức thôi mà.
Quà tặng thầy cô là bức trướng, viết thư pháp Lương Sư Hưng Quốc. Ông thầy Việt văn nhìn bức trướng đăm chiêu, Ai nghĩ ra trò này đây?. Hồi học ở Đại học Khoa học Sài Gòn, tôi thường gửi xe ké bên Sư Phạm. Trường hàng xóm này treo cái bảng thật to ghi bốn chữ đó, ra vào là đập ngay vào mắt. Bốn mươi năm sau chợt nhớ lại và mang ra xài.
Có ý kiến nên tặng thầy cô phong bì cho tiện. Cũng có lời cảnh giác, hồi đó thầy cô mình đâu có ai dạy thêm. Cái văn hóa phong bì đã ngấm sâu vào người hồi nào không hay. Họp báo phong bì, hội nghị khoa học cũng phong bì. Mới đây, một giáo sư đi dự họp góp ý về đổi mới sách giáo khoa đã nói (công khai), ông phát biểu 7 phút, và nhận được phong bì trong đó có 450.000 đồng.
Giọng ông thầy bùi ngùi, chụp ảnh nhớ gửi cho thầy tấm này. Tôi hiểu ông giáo già đó cần cái gì. Ông thầy Việt văn là người đã bắt bọn tôi phải học thuộc lòng bài thơ Kẻ sĩ, mà ngay sau đó, nhân đề luận về tình thầy trò ngày nay, tôi đã múa bút y như viết bản cáo trạng để trả đũa. Vậy mà thầy vẫn cho tôi 16 điểm (/20).
Mấy cái đầu già, già non, già khú, tụm lại để ôn lại chuyện của một thời, kẻ mất người còn, rồi lạng sang đề tài giáo dục thời nay hồi nào không hay. Nấp sau những cái gọi là hội phụ huynh, thành tích, học chuyên, tăng tiết,… chỉ là điều thực dụng và bạc bẽo. Chính Danh lạng quạng, Trọng Đạo chưa xong nói gì đến tôn sư. Tiên học lễ chỉ là thứ màu mè đi ngược với tinh thần giáo dục hiện đại? Đau quá! Mấy cái đầu già cổ lỗ xĩ thở dài…
Bà giáo già buồn buồn, mấy năm trước khi về hưu, cô được đổi về trường cũ. Khác xưa nhiều lắm, kiến trúc tây xen với kiến trúc ta, nhìn thấy xa lạ. Cô nhớ phòng giáo viên xưa, muốn vào xem. Bà y tá nói, đó là cái nhà kho. Cô cần gì?
Thưa cô, bụi phấn không còn rơi nữa rồi. Thưa thầy, kẻ sĩ đã mờ nhạt trong thơ văn. Lũ học trò năm xưa giờ đây ngậm ngùi xin thưa, Lương sư chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ để hưng quốc.
Vũ Thế Thành
Nguồn:https://vuthethanh.com
Re: Vũ thế Thành
Đã gửi: Thứ tư 24/07/19 18:13
bởi Bạch Vân
Re: Vũ thế Thành
Đã gửi: Thứ tư 24/07/19 18:18
bởi Bạch Vân
Re: Vũ thế Thành
Đã gửi: Chủ nhật 12/01/20 10:12
bởi Bạch Vân
-
Trở về cát bụi
Cả năm toàn viết về an toàn thực phẩm rồi, khô, nhạt, và chán… Tết đến tới nơi rồi, định post một bài ăn chơi, rượu chè chẳng hạn, cho có không khí…
Mấy ngày nay báo nói về vụ Đồng Tâm, một Đồng Tâm tang thương. Tôi đọc giữa 2 hàng chữ, không đành lòng nói chuyện vui chơi rượu chè nữa, dù là có hơi hám của attp.
catbui-2Chợt nhớ đến bài hát “Trở về cát bụi” của Lê Dinh. Có lần tôi nói đến một chút cảm nhận của mình về ca khúc này trong tùy bút “Già đầu còn mê nhạc sến”. Xin trích lại,
Trích : “….Tình huống dưới đây là giọt nước tràn ly khiến tôi nhảy vọt qua nỗi “sợ hãi”. Cách nay đã lâu, tôi đi dự đám tang của người thân. Đội kèn Tây được mời đến để thổi nhạc vào lúc di quan đã chơi bài Trở về cát bụi của Lê Dinh. Bản này tôi đã nghe sơ xịa ở đâu đó rồi. Hôm đó ban nhạc đang chơi bỗng nhiên dừng thổi và cả chục tay nhạc công bỗng cất tiếng hát.
- “… Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó.
Trời đã ban cho ta cám ơn trời cuộc sống hôm nay.
Mai kia mốt nọ, trở về cát bụi giàu khó như nhau
Nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ cho…
Giọng hát ồm ồm của mấy ông thổi kèn nghe như tiếng loa trầm rách màng, vậy mà tôi nghe như mới, nghe như nuốt từng lời, tưởng như người quá cố đang tâm tình với mình trước giờ vĩnh biệt.
“… Người ơi xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng phai…”
Trịnh Công Sơn cũng có bản nhạc Cát bụi với lời lẽ hoa mỹ đầy tính triết học hơn nhiều, nhưng tôi phải thu hết can đảm để thú nhận rằng, bài Trở về cát bụi của Lê Dinh đã thấm vào người tôi nhiều hơn. Bây giờ nghe lại, vẫn thấy phê, vẫn thấy gần gũi trong từng cách ứng xử của đời người. “ (ngưng trích)
Tết đang đến, sao lại có thể bất cận nhân tình ở Đồng Tâm thế này???
Bây giờ, tôi nhẩm trong đầu câu hát “…Này nhà lớn, lầu vàng son, này lợi danh, chức quyền cao sang có nghĩa gì đâu … sao chắc bền lâu! Xem như nước trôi qua cầu….”
Tôi share bài hát “Trở về cát bụi”, như là lời tiễn biệt đến cụ Lê Đình Kình ở Đồng Tâm – R.I.P
Vũ Thế Thành , 11/1/2020
Nguồn:https://vuthethanh.com
Re: Vũ thế Thành
Đã gửi: Thứ bảy 13/06/20 17:40
bởi Bạch Vân
Re: Vũ thế Thành
Đã gửi: Chủ nhật 30/08/20 16:27
bởi Bạch Vân
Mì gói ung thư – Luật chơi mỗi nơi mỗi khác
Đã gửi: Thứ tư 06/10/21 18:56
bởi Bạch Vân
-
Mì gói ung thư – Luật chơi mỗi nơi mỗi khác
Ethylen oxide (EtO) là chất khí, không có trong tự nhiên mà do con người tạo ra cho nhiều mục đích khác nhau. EtO chủ yếu được dùng trong kỹ nghệ dệt, lạnh, plastic… Trong y học, EtO dùng để sát khuẩn các dụng cụ y tế, trong thực phẩm để bảo quản nông sản các loại.
Bài này chỉ nói về ứng dụng của EtO trong thực phẩm, các điểm lợi – hại và luật chơi về an toàn thực phẩm.
Ethylen oxide gây ung thư qua đường hô hấp
Ethylen oxide không phải là phụ gia thực phẩm để đưa vào chế biến. Nó được dùng ở dạng khí dung để phun vào nông sản như các loại hạt, đậu để diệt khuẩn và nấm mốc. Vì là chất khí, EtO sẽ bay hơi, một số ít còn tồn đọng trong thực phẩm.
Hít thường xuyên khí EtO có thể gây kích ứng da, mắt mũi, cuống họng, phổi, gây tổn thương não và hệ thần kinh, và sau cùng có thể gây ung thư cho người nếu EtO hiện diện với nồng độ cao trong không khí. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), ung thư do EtO gây ra được ghi nhận chủ yếu là ung thư máu, dạ dày và vú.
EtO là chất gây ung thư qua đường hô hấp đã được khẳng định, không còn là điều tranh cãi trong giới khoa học nữa.
Tuy nhiên, khí EtO tản mác rất nhanh trong không khí, nên tác hại của khí EtO có tính nghề nghiệp, chủ yếu xảy ra trong môi trường sản xuất EtO hoặc dùng EtO làm nguyên liệu. Còn trong bảo quản nông sản, tác hại của khí EtO nhiễm qua đường hô hấp không được quan tâm nhiều.
Qua đường tiêu hóa lại là chuyện khác
Thế dư lượng EtO đọng lại trong nông sản thì sao? Nói cách khác, EtO lây qua đường tiêu hóa, ăn uống có tác hại không? Đây còn là vấn đề tranh cãi.
Khi EtO có mặt trong thực phẩm, nó dễ dàng chuyển hóa thành ethylen glycol, hoặc các halogenur như 2-chloroethanol (2-CE) và 2-bromoetanol. Những chất này (kể cả EtO), dù chưa có bằng chứng gây ung thư, nhưng thí nghiệm cho thấy có thể gây ngộ độc gen.
Đây là điều mà một số nhà khoa học lo ngại, dẫn đến mỗi quốc gia có những quy định khác nhau về EtO trong thực phẩm.
Châu Âu (EU) không cho phép dùng EtO trong khử trùng nông sản, như một giải pháp “giết lầm hơn bỏ sót”, và xem chất EtO như là thuốc trừ sâu (dù chưa nghe nói EtO diệt được sâu, được rầy, nhưng diệt khuẩn và nấm mốc là điều chắc chắn). Năm 2003, Úc cũng theo chân EU, cấm dùng EtO.
Hoa Kỳ và Canada vẫn cho phép dùng EtO trong bảo quản nông sản, với giới hạn dư lượng nới rộng hơn nhiều so với EU. Còn các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Ủy Ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) cũng cho phép dùng EtO, và không có ngưỡng giới hạn. Tiêu chuẩn Việt Nam đi theo Codex, nên cũng không giới hạn EtO.
Như vậy, hiện nay chỉ có EU và Úc là cấm dùng EtO trong bảo quản nông sản, còn các nước khác thì thả lỏng.
Từ vụ ethylen oxide trong hạt mè ở châu Âu…
Năm ngoái (2020), dù vẫn còn đang giãn cách về dịch Covid, châu Âu cũng dính vào vụ việc khá ồn ào lên quan đến EtO. Khoảng 268 tấn hạt mè nhập từ Ấn Độ đã bị thu hồi ở Bỉ vì có dư lượng EtO. Khá nhiều trong số lô hàng hạt mè này có giấy chứng nhận nông sản hữu cơ do tổ chức đánh giá ở châu Âu cấp.
Vì không phải là phụ gia thực phẩm nên EtO không được phép đưa vào chế biến, nhưng trong thực tế, EtO được dùng để phun vào nông sản như các loại đậu, hạt có dầu để diệt khuẩn và nấm mốc. Các loại gia vị như bột tiêu, bột nghệ, bột gừng, ớt khô, mè, các gói gia vị hỗn hợp…, hoặc các loại bánh có hạt như hạt điều, hạt óc chó, hạt dẻ… rất được các cơ quan an toàn soi mói về nguy cơ nhiễm khuẩn như Salmonella, E. coli, nấm mốc, men. EtO lại là chất lý tưởng để tiêu diệt những mầm bệnh này mà không gây tổn hại đến mùi vị sản phẩm như các phương pháp diệt khuẩn khác như chiếu xạ.
Thế giới hiện nay đi theo chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi EtO có gây ung thư hay không chưa có bằng chứng, mà EU lại chơi nghiệt kiểu dung sai bằng 0 (zero tolerance) như thế thì chỉ còn nước họ tự sản tự tiêu.
Nhiều nước thành viên trong khối EU cũng thấy điều đó không ổn. Trong thực tế, một khi đã cấm dùng EtO trong bảo quản nông sản, thì không cần đặt ra ngưỡng giới hạn làm gì cho tốn công. Chỉ cần test: Yes or No là cho qua hay loại bỏ.
Dù sao cũng nên có chút gì đó… “thông cảm” chứ, nếu không thì chơi với ai? Do đó, EU đành phải đưa ra ngưỡng giới hạn, dù rất thấp. Nghĩa là ngầm ngầm làm lơ chuyện xài EtO với các nước xuất khẩu, miễn là dư lượng EtO không được vượt mức cho phép.
Hiện nay quy định của châu Âu về EtO như sau với mức giới hạn tùy thuộc vào loại sản phẩm:
- Gia vị, trà, ca cao do sử dụng rất ít nên chỉ được phép có mức cao nhất: 0,1 mg/kg.
Các loại hạt có dầu quy định gắt hơn với mức 0,05 mg/kg.
Các thực phẩm được tiêu thụ nhiều hơn như trái cây, mứt, rau, ngũ cốc ở mức gắt gao nhất: 0,02 mg/kg.
Hoa Kỳ có mức giới hạn EtO rất hào phóng, cho phép EtO cao gấp cả vài trăm lần so với EU, từ 7 cho tới 940 mg/kg, tùy loại sản phẩm
… cho đến vụ ethylen oxide mì Hảo Hảo – Thiên Hương
Báo chí mới đây đang ồn ào về vụ mì gói Hảo Hảo bị thu hồi ở Ireland vì dư lượng EtO, rồi lại “băn khoăn” về mì gói Hảo Hảo, liệu có chất gây ung thư trong đó hay không. Gần đây hơn nữa, mì gói Thiên Hương cũng bị EU “vịn” vì dư lượng EtO
Ireland là quốc gia thành viên EU. Công ty Acecook xuất hàng sang EU phải tuân thủ luật chơi của EU, nên vi phạm bị thu hồi cũng không có gì lạ. Vấn đề đặt ra là, đây là lỗi vô tình hay cố ý.
Như đã nói ở trên, EtO không có trong danh mục phụ gia thực phẩm, và cũng chẳng có công dụng gì trong chế biến thực phẩm, ngoại trừ diệt khuẩn, nấm mốc, nên rất có thể, EtO nhiễm vào các gói gia vị hoặc gói dầu. Đây là những thứ nguyên liệu tiêu hành ớt tỏi… đặt mua bên ngoài (outsource); nên khâu kiểm soát chất lượng đầu vào có thể bị hớ hênh. Xin nhấn mạnh, đây chỉ giả thuyết. Acecook đang rà soát, kiểm tra lại từng khâu. Hãy chờ xem họ kết luận sơ sót xảy ra ở đâu.
Nhưng đó là hớ hênh khi xuất mì Hảo Hảo sang châu Âu thôi, chứ còn xuất đi Nhật Bản, Hàn Quốc hay tiêu thụ ở Việt Nam… không có mức giới hạn EtO thì sai sót chỗ nào để phải “băn khoăn” về mì gói?
Quy định về an toàn thực phẩm mỗi nước khác nhau là chuyện thường, không thể căn cứ vào đó để đánh giá nước này quy định ngặt hơn, nước kia lỏng lẻo hơn để tôn vinh hay lên án. Đơn cử một thí dụ mới đây thôi. Đó là vụ tương ớt Chinsu dùng chất bảo quản benzoate bị cấm ở Nhật, xuất qua đó, bị thu hồi sản phẩm hồi năm ngoái. Nhưng châu Âu và Mỹ lại không cấm dùng benzoate trong tương ớt, kể cả Việt Nam. Chẳng lẽ nói Mỹ và EU cẩu thả về an toàn thực phẩm hơn Nhật Bản?
Tâm tư mì gói làm gì cho mệt
Nhược điểm của mì gói là thiếu cân bằng dinh dưỡng, vì chủ yếu là chất bột và chất béo, thiếu đạm, xơ và vitamin, nên chỉ ăn chơi hay ăn uống dã chiến thì được, chứ lấy mì gói làm bữa ăn chính thì không tốt cho sức khỏe. Nếu ăn mì gói, nên bổ sung thêm rau củ, trứng thịt cá… cho đủ dinh dưỡng.
Còn nói mì gói gây ung thư, phải đưa bằng chứng khoa học được thừa nhận rộng rãi. Quy định cấm dùng EtO của EU không phải là bằng chứng, mà chỉ là chính sách “giết lầm hơn bỏ sót”. Đa số các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ngay cả Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (Codex) không chấp nhận quy định về EtO của EU.
Trước khi lên án nhà sản xuất làm ra thực phẩm độc hại, cần phải xem lại quy định an toàn của mỗi nước sở tại.
Còn để xác định ăn thực phẩm nào đó gây ngộ độc mãn tính do có chứa chất gây ung thư (dư lượng trong giới hạn theo quy định) là điều rất khó khăn trong khoa học, vì phải theo dõi lâu dài, mà trong suốt thời gian dài đó họ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Do đó, khoa học chỉ đưa ra thống kê có tính tham khảo và khuyến cáo nên hạn chế ăn nhiều, chẳng hạn ăn bớt thịt nướng, khoai tây chiên (vì có độc chất acrylamid)…
Người tiêu dùng nên bình tĩnh chờ thông tin chính thức từ cơ quan thẩm quyền. Đừng hoang mang trước những phán xét như thánh của những KOLs trên mạng xã hội, không có kiến thức về an toàn thực phẩm. Dù là thuyết âm mưu đi nữa, cũng không loại trừ chiêu bài “đánh dưới thắt lưng” của giới kinh doanh với nhau…
Đang lúc giãn cách vì dịch, không thể ra ngoài, mì gói đắt hàng vì là món ăn tiện lợi, trữ được lâu. Nhè lúc này mà gây khủng hoảng “mì gói ethylen” thì đúng là… ác ôn.
Vũ Thế Thành
Nguồn:https://khoahocnet.com
Kiều lão Đà Lạt
Đã gửi: Thứ bảy 21/05/22 22:04
bởi Bạch Vân
Trăm nghìn nhánh khổ
Đã gửi: Thứ tư 19/04/23 18:01
bởi Bạch Vân
-
Trăm nghìn nhánh khổ
Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng Tư 75, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để đối phó với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt được qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại như tôi, tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.
Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sài Gòn – Đà Lạt. Có khi Hà Bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết. Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, Xứ này không ăn dơ như thế.
Cũng có người đi làm nail, “tiền tươi thóc thật”, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con; hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt. Khi con thành tài, thân mẹ cũng tàn tạ. Tiền gửi về nhà, người thân trong nước nhiều khi tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng không mua bảo hiểm y tế.
Nhưng cũng có nhiều người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh. Nơi xứ người, dù sao vẫn có nhiều cơ hội hơn trong nước, vấn đề là có chịu nắm bắt hay không mà thôi.
Trong nước thì coi như bế tắc. Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm năm, bảy học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ bãi gửi xe. Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Thời điểm này không dung những tiềm năng như em… Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị.
Những năm sau 75, giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, chạy xe ôm, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, mở quán cà phê vỉa hè, buôn hàng lạc xon… Người nào lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô-la…
Năm 78, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, quý phái, không quá ba mươi, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê hai bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi hai bao than này xuống. Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C.V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Tác giả đã mô tả đôi mắt của bà, cũng buồn và nhẫn nhục như thế.
Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng(3), ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, Cho trẫm điếu thuốc. Hoàng thượng đã chiếu cố dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc, cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, Cho lui… Lui rồi, ngoái cổ lại, vẫn thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.
Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi. Sau 75 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?
Mà Sài Gòn lúc đó sao dễ gặp “người điên” thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre…
Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng ký rưỡi, kèm bức thư ngắn: Gửi mày mấy hộp thuốc Tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại?
Sau 75, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng có khi tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước chậm nhịp, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.
Cả đất nước đã có lúc “sống” bằng khẩu hiệu. Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?
Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì. Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.
Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo. Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.
Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong thánh.
Tháng Tư năm nay, Sài Gòn nóng khủng khiếp. Sài Gòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng Tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.
Đà Lạt, tám giờ tối đã như mười hai giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà thường kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm. Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân.
Cuối tháng Tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sài Gòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này không nói về những ngày sau 75 trong mắt tôi là như thế nào, lòng dạ chưa yên…
Đời trăm nghìn nhánh khổ, nhánh nào cho người, nhánh nào cho mình? Năm 75 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù ở phương trời nào, Tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn đời người.
Tháng Tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu…
Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người,
Khi mình còn đôi tay…(1)
Vũ Thế Thành
https://vuthethanh.com/2018/10/01/tram-nghin-nhanh-kho/
Chuẩn ơi là chuẩn ...
Đã gửi: Thứ bảy 15/07/23 19:45
bởi Bạch Vân
-
Chuẩn ơi là chuẩn ...

Hồi tôi học Đệ Lục (lớp 7 bây giờ), cô giáo Việt Văn người Bắc (chắc là dân 54) đọc chính tả, “đập cửa rầm rầm” thành “đập cửa dzầm dzầm”.
Với môn luận văn, tả tình tả cảnh thì tôi dốt nát, nhưng môn chính tả thì tôi khó…thua, ngay từ thời tiểu học, tôi luôn luôn dẫn đầu môn chính tả. Lần đó, tôi quyết định viết “dầm dầm” y như phát âm của cô giáo. Kết quả là tôi bị bắt lỗi. Sai hai lỗi giống nhau, nên bà cô ra ơn, trừ một điểm. Chỉ chờ có thế, tôi khiếu nại. Cô giáo chẳng nói gì, nhưng vẫn trừ điểm.
Người Bắc thường phát âm nặng , vần “tr” thành “ch” ( “trời” thành “chời”) như tác giả Huyền Chiêu “bắt lỗi” trong bài Bắc kỳ di cư. Bắt lỗi người ta mà trong lòng lại… thích thú với lỗi đó.
Người Bắc cũng hay đọc vần “r” thành “dz” như “Năm năm rồi không gặp”, nhiều ca sĩ Bắc (cả ca sĩ trong Nam nữa) đều hát thành “Năm năm “dzồi” không gặp”…
Dân Nam và Trung phát âm còn trớt quớt hơn nữa, nhất là dân Miền Trung, tới miệt Quảng Bình, phát âm nghe không hiểu nổi. Có lần ở một bến đò xứ Huế, bà chủ đò chắc bị ai đó giựt mối, nổi cơn la hét chửi rủa một tràng, tôi ngây người, không hiểu được câu nào… (May mà tôi không hiểu).
Đâu đó cách nay 15 năm, tôi ra Đà Nẵng dự hội thảo, nhân tiện ghé Huế thăm bè bạn. Cậu tài xế biết Huế là gì nên tôi dẫn vào thăm Đại Nội. Tình cờ gặp một cô hướng dẫn viên du lịch, trạc ngoài 30, mặc áo dài tím, đội nón lá đang thuyết minh cho du khách, giọng lúc trầm, lúc bổng, nhẹ như hơi gió… Tôi vốn không tin gì lắm vào thuyết minh du lịch ở VN, nên tiếp tục đi. Quay lại, tài xế mất tiêu. Đi tìm, thấy cậu ta đang đứng ngẩn người nghe thuyết minh. Tôi khều, anh ta miễn cưỡng đi theo như người mất vía. Hỏi, nghe có hiểu gì không? – Thẩn thờ lắc đầu. Anh tài xế quê gốc gác Mỹ Tho. Cho mày chết! Nghe giọng con gái Huế thủ thỉ con trai miền Nam như bị chích thuốc tê, bất kể nội dung.
Hồi xuống An Giang, theo đoàn làm phim tài liệu nước mắm cá đồng, tôi phỏng vấn một bà làm nước mắm cá linh. Bả nói, năm nào mùa nước lên thu được cá linh gặt… Tôi ngắt lời, cá linh gặt là loại cá linh thế nào? Ngữ Yên, kẻ lê la ăn vặt miền Tây phá lên cười, dù đang ghi âm thu hình. Té ra, “gặt” là “rặt”. Cá linh “gặt” nghĩa là “rặt” toàn là cá linh, tỉ lệ cá tạp ít.
Với tôi, đó là chỉ là phát âm riêng vùng miền. Tôi luôn luôn tôn trọng kiểu phát âm của họ, dù họ có nói, “lạnh lùng” thành “nạnh nùng”, hay “cá rô” thành “cá gô”,… Đôi khi tôi còn cảm thấy khó chịu khi có người nhại giọng vùng khác hàm ý chê bai người ta quê mùa.
Nói cho cùng, chẳng có vùng miền nào phát âm tiếng Việt đáng gọi là “chuẩn”cả. Vùng nào ít ra cũng phát âm vài từ không đúng. Điều này tạo ra đặc trưng của giọng Hà Nội, giọng Sài Gòn, giọng Nẫu, giọng Huế,…
Từ “chuẩn” chỉ xuất hiện sau năm 75 để chỉ sự độc tôn kiêu hãnh, phát âm phải như thế này…này mới gọi là…“chuẩn”. Đành thế, ngay cả phương ngữ cũng phải… chuẩn, “chả lụa” phải nói là “giò lụa” , chả giò phải gọi là nem rán mới…chuẩn. Tính đa dạng của ngôn ngữ bị cầm tù.
Rốt cuộc “chuẩn” là cái gì, tôi không biết.A
Vũ Thế Thành
nguồn:https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/