Trang 3/3

Biển Đông : Trung Quốc lại bác bỏ thẩm quyền của tòa án quốc tế

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 06:19
bởi Quy Nam
  • Biển Đông :
    Trung Quốc lại bác bỏ thẩm quyền của tòa án quốc tế

    ______________________________________________
    Mai Vân - 24-11-2015





    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi.





    Bắc Kinh vào ngày 24/11/2015, lại tái khẳng định lập trường « không chấp nhận » phán xét của tòa án quốc về tranh chấp Biển Đông. Tuyên bố bác bỏ này được đưa ra vào lúc Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) chuẩn bị tiếp tục nghe điều trần về vụ Philippines kiện Trung Quốc từ hôm nay cho đến cuối tháng.

    Nhân buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, một lần nữa đã lập lại :
    • « Quan điểm của chúng tôi rất rõ :
      Không tham gia hay chấp thuận việc phán xét này »

    Trung Quốc tự nhận chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng Đông Nam Á, từ Việt Nam, Philippines cho đến Malaysia, Brunei.
    Vấn đề là Bắc Kinh luôn luôn duy trì thái độ mập mờ về các yêu sách chủ quyền rộng khắp của họ.


    Trước các hành động càng lúc càng hung bạo của Bắc Kinh nhằm áp đặt yêu sách biển đảo, Manila đã yêu cầu Tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye phán xét về cuộc tranh chấp, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc cũng đã ký kết.

    Philippines hy vọng là một phán xét thuận lợi cho mình sẽ gây sức ép lên Trung Quốc để buộc Bắc Kinh có một vài nhượng bộ. Tuy nhiên, dù là thành viên Công ước về Luật Biển, Trung Quốc vẫn không chấp nhận để tòa án phán xét trên hồ sơ này.

    Cho đến nay, Bắc Kinh đã tẩy chay tiến trình tranh tụng, với lập luận là Tòa án Trọng tài không có thẩm quyền trên hồ sơ Biển Đông, điều đã bị định chế tư pháp quốc tế bác bỏ trong một phán quyết gần đây, khi tiếp tục xúc tiến các cuộc điều trần về đơn Philippines kiện Trung Quốc.

    Theo chương trình dự kiến, Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye sẽ mở một cuộc điều trần mới từ ngày 24/11 đến ngày 30/11, để tiếp tục nghe lập luận các bên liên quan trong vụ Philipines kiện các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.

    Cuộc điều trần mới này là hệ quả của phán quyết ngày 29/10 vừa qua của Tòa án Trọng tài Thường trực, theo đó họ xác định có đủ tư cách xem xét một số nội dung đơn kiện của Philippines, qua đó bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Tòa án không có thẩm quyền xét xử.



    nguồn: vi.rfi.fr

Biển Đông: Trung Quốc dọa Philippines về đơn kiện

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 06:26
bởi Quy Nam
  • Biển Đông :
    Trung Quốc dọa Philippines về đơn kiện

    _______________________________________
    Trọng Nghĩa - 11-11-2015






    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị quy trách nhiệm cho Philippines gây căng thẳng





    Ngoại trưởng Trung Quốc đã cho rằng vụ Philippines kiện Bắc Kinh trước một tòa án trọng tài quốc tế về các đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông
    • đã làm quan hệ song phương căng thẳng
      và trách nhiệm của Manila là phải hàn gắn rạn nứt.
    Một thông báo đăng trên trang Web Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay 11/11/2015, đã trích lời ông Vương Nghị cho biết như trên.

    Thông báo trích lời Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định rằng vụ kiện Trung Quốc tại tòa án La Haye là « một cái nút thắt đã cản trở việc cải thiện và phát triển của quan hệ Trung Quốc-Philippines ». Đối với ông Vương Nghị, Trung Quốc « không muốn cái nút đó càng lúc càng chặt hơn để thậm chí biến thành một nút chết ». Do vậy, « về cách nới lỏng hay tháo gỡ hẳn cái nút này, cần phải nhìn về phía Philippines ».

    Tuyên bố hàm ý đe dọa của Bắc Kinh được ông Vương Nghị đưa ra ít lâu sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực ở Hà Lan phán quyết rằng họ có đầy đủ thẩm quyền thụ lý đơn Manila kiện Bắc Kinh, và sẽ tiếp tục xúc tiến các cuộc điều trần.

    Philippines đã hoan nghênh quyết định trên và Bộ Ngoại giao Philippines vào hôm nay xác định sẽ theo đuổi vụ kiện "cho đến khi có kết luận hợp lý ».

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho rằng : « Yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc quá rộng, quá đáng và không có cơ sở theo luật quốc tế… Nếu không kiện thì Philippines có thể bị mất khoảng 80 phần trăm của vùng đặc quyền kinh tế của mình ».

    Trung Quốc đã tẩy chay các thủ tục tố tụng pháp lý và bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye trong vụ này nhưng vô hiệu.




    nguồn: vi.rfi.fr

Vụ kiện Biển Đông : Trung Quốc phản đối Tòa Trọng tài

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 06:38
bởi Quy Nam
  • Vụ kiện Biển Đông :
    Trung Quốc phản đối Tòa Trọng tài

    ______________________________
    Thụy My - 30-10-2015






    Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân.





    Trước việc Tòa án Trọng tài Thường trực (CPA) tuyên bố có thẩm quyền xử vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông,
    • Bắc Kinh ngày 30/10/2015 khẳng định sẽ bác bỏ mọi kết luận của tòa trong bất kỳ trường hợp nào.
      Tuy vậy Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Manila đối thoại.


    Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (Liu Zhenmin) trong cuộc họp báo cho biết : « Chúng tôi sẽ không tham gia phiên tòa này và sẽ không chấp nhận các phán quyết ».

    Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án Trọng tài Quốc tế, viện cớ là việc này phương hại đến « chủ quyền » của Trung Quốc.

    Theo ông Lưu Chấn Dân :
    • « Philippines đã yêu cầu Tòa Trọng tài xét xử mà không có sự thuận tình từ phía Trung Quốc. Đó không phải là một phiên tòa thiện chí,
      Manila cầu viện đến không phải để giải quyết các bất đồng mà để chối từ các quyền lãnh thổ của Trung Quốc ».


    Ông khẳng định :
    • « Quyết định của Tòa án Trọng tài Thường trực (về thẩm quyền của Tòa) hay kết quả thủ tục trọng tài này sẽ không làm thay đổi quan điểm của chúng tôi,
      cũng không ảnh hưởng đến chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc » tại Biển Đông.


    Trong khi đó theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng kêu gọi Philippines hãy quay lại « con đường đúng đắn » là đối thoại, để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

    Chính quyền Philippines tất nhiên là hoan nghênh quyết định của CPA. Florin Hilbay, luật sư chính của Philippines trong vụ kiện này nhận định đây là « một bước tiến ý nghĩa trong quá trình tìm kiếm một giải pháp hòa bình và công bằng trong tranh chấp giữa các bên ».

    Về phía Hoa Kỳ, một quan chức quốc phòng cao cấp đã hoan nghênh tuyên bố của Tòa án Trọng tài Thường trực, nói rằng việc này cho thấy « các tranh chấp lãnh thổ có thể được giải quyết trên cơ sở công pháp quốc tế ».

    Một quan chức Mỹ khác nhận xét, như vậy Trung Quốc từ nay
    • « Không còn có thể nói rằng đường lưỡi bò 9 đoạn là không thể tranh cãi, vì khi tuyên bố có thẩm quyền xét xử, Tòa án cho thấy rõ quả nhiên đây là một vụ tranh chấp ».


    Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ tuyên bố :
    • « Quyết định hôm nay là một bước quan trọng về hướng tôn trọng luật pháp quốc tế, đối phó với các khẳng định chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc » tại Biển Đông.


    Hôm qua tại Bắc Kinh, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã nhấn mạnh:
    • « Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một cuộc xung đột nghiêm trọng.
      Tôi luôn có chút ngạc nhiên là tại sao trong trường hợp này, các tòa án quốc tế lại không được coi là một giải pháp ».
    Các phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực mang tính ràng buộc.
    Năm ngoái, CPA đã tuyên phạt chính phủ Nga phải bồi thường 50 tỉ đô la cho các cổ đông cũ của tập đoàn dầu khí Loukos,
    và hôm qua phần hùn của Nga trong kênh truyền hình Euronews đặt tại Pháp đã bị tịch biên.




    nguồn: vi.rfi.fr

Biển Đông : Manila phản bác quy chế đảo của nhiều thực thể địa lý

Đã gửi: Thứ sáu 27/11/15 06:56
bởi Quy Nam
  • Biển Đông :
    Manila phản bác quy chế đảo của nhiều thực thể địa lý

    ___________________________________________
    Trọng Nghĩa - 26-11-2015






    Tàu tuần duyên của Trung Quốc chặn một tàu tiếp liệu của Philippines trên Biển Đông ngày 29/03/ 2014.
    - REUTERS/Erik De Castro/Files




    Trong ngày điều trần thứ hai hôm qua, 25/11/2015, trước Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, đại diện Philippines đã lần lượt bác bỏ quy chế hải đảo mà Trung Quốc áp dụng cho các thực thể địa lý mà họ chiếm đóng và bồi đắp tại Biển Đông.


    Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, phó phát ngôn của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết là phái đoàn Philippines đã tập trung phản bác các lập luận Trung Quốc dùng để biện minh cho yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông.

    Giáo sư luật quốc tế Philippe Sands thuộc trường đại học University College London xác định rằng các thực thể như
    • Vành Khăn (Mischief Reef),
      Xu Bi (Subi Reef),
      Ken Nan (Mckennan Reef),
      Ga Ven (Gaven Reef),
      và cả Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hiện do Philippines kiểm soát,
    đều là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.
    Do vậy, các thực thể này không được hưởng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.


    Luật gia quốc tế Lawrence Martin cũng lập luận rằng trong bản tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh của UNCLOS, điều 121 nói rõ là
    • các thực thể thuộc diện đó không thể được hưởng các quyền về lãnh hải,
      cho dù Trung Quốc đã xây dựng công trình trên các thực thể đó.


    Luật gia Martin cũng nhấn mạnh rằng
    • để được công nhận là đảo, một thực thể địa lý phải có khả năng tự thân duy trì đời sống của con người trên đó.


    Các hành động
    • cản trở sinh hoạt bình thường của ngư dân trên biển trong khu vực tranh chấp
      và hủy hoại môi trường tự nhiên
    do Trung Quốc tiến hành cũng bị phái đoàn Philippines đả kích.

    Theo lời bà Valte, Giáo sư Sands đã nêu bật các hành vi can thiệp của Trung Quốc,
    • ngăn không cho Philippines thực hiện các quyền chủ quyền của mình
      • đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông
        và được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép.


    Giáo sư Sands dẫn ra ví dụ về
    • các vụ công ty tư nhân bị Trung Quốc ngăn cản không cho thăm dò dầu khí,
      cũng như các vụ ngư dân Philippines ở vùng bãi cạn Scarborough bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc sách nhiễu.


    Phía Philippines cũng cho rằng
    các hoạt động nạo vét của Trung Quốc tại Biển Đông đang gây tổn hại cho môi trường.

    Một đoạn video minh họa đã được trình chiếu trước tòa, cho thấy rõ là đáy biển bị hủy hoại ra sao khi bị một tàu cuốc nạo vét để hút cát chuyển đến một nơi khác. Đây là loại công cụ được Trung Quốc sử dụng trong hoạt động xây dựng gần đây tại Trường Sa.

    Bên cạnh các yếu tố nêu trên, phái đoàn Philippines vẫn tập trung
    • vạch trần tính chất vô căn cứ của các yêu sách chủ quyền « lịch sử » mà Trung Quốc viện ra.
    Một bản đồ từ năm 1784 đã được trình bày để chứng minh rằng
    bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng luôn luôn thuộc chủ quyền Philippines.




    nguồn: vi.rfi.fr

Vụ kiện Biển Đông: Tòa quốc tế cho Bắc Kinh 1 tháng để phản biện

Đã gửi: Thứ năm 03/12/15 06:23
bởi Quy Nam
  • Vụ kiện Biển Đông:
    Tòa quốc tế cho Bắc Kinh 1 tháng để phản biện

    ____________________________________________
    Trọng Nghĩa - 01-12-2015





    Philippines tin tưởng thắng kiện Trung Quốc về chủ quyền một số đảo trên Biển Đông.
    - REUTERS/Erik De Castro/Files




    Vòng điều trần thứ hai của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye về vụ Philippines kiện đường lưỡi bò Trung Quốc tại Biển Đông đã kết thúc vào hôm qua, 30/11/2015 sau năm ngày nghe phái đoàn Manila trình bày luận cứ. Dù Bắc Kinh đã tẩy chay vụ kiện, và không tham gia phiên điều trần, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn yêu cầu Trung Quốc trả lời các cáo buộc của Philippines trong vòng một tháng.

    Trong một bản thông cáo, định chế này đã
    • tóm lược các luận cứ đã được phái đoàn Philippines trình bày trong vòng điều trần lần này,
      đồng thời xác định rằng Manila có thể tiếp tục bổ sung tài liệu và trả lời các câu hỏi của Tòa trong phiên điều trần dự trù vào ngày 18/12 tới đây.


    Riêng đối với Trung Quốc, dù nước này tẩy chay toàn bộ vụ kiện, Tòa án Trọng tài Thường trực vẫn
    • quyết định dành cho Bắc Kinh cơ hội viết phản biện và gởi đến định chế này trước ngày 01/01/2016.


    Trong bản thông cáo báo chí, Tòa án Trọng tài Thường trực ghi nhận lập luận của Philippines theo đó
    • tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc nhân danh chủ quyền lịch sử hoàn toàn trái ngược với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.


    Tòa án cũng nhắc đến việc Philippines tố
    • Trung Quốc không làm tròn bổn phận « ngăn chặn công dân của mình khai thác nguồn tài nguyên mà Philippines có chủ quyền,
      cũng như không tôn trọng quyền đánh cá truyền thống tại bãi Scarborough ».


    Bắc Kinh cũng bị Philippines tố cáo
    • không bảo vệ môi trường biển khi sử dụng các phương pháp đánh bắt hủy diệt như dùng chất độc xyanua và chất nổ,
      trong khi tàu Trung Quốc trở thành mối hiểm họa trên biển.






    Philippines tin trưởng vào thắng lợi

    Sau năm ngày trình bày luận cứ, phản bác tất cả các luận điểm của Bắc Kinh, phía Philippines đã tỏ ý tin tưởng chắc chắn sẽ giành phần thắng khi định chế tài phán quốc tế ra phán quyết vào giữa năm tới 2016.

    Trả lời hãng tin Anh Reuters, bà Abigail Valte phó phát ngôn viên của Tổng thống Philippines nhận định :
    • « Chúng tôi đã có điều kiện trình bày tất cả các luận cứ của mình... để chứng minh ý tưởng chính trong đơn kiện là đường chín đoạn (của Trung Quốc trên Biển Đông) không có cơ sở trong luật pháp quốc tế ».


    Theo người phát ngôn của phái đoàn Philippines tại La Haye, diễn tiến vụ kiện rât thuận lợi, và sau vòng điều trần vừa kết thúc, Philippines « hy vọng sẽ bảo đảm được một quyết định của tòa án trong khoảng sáu tháng tới đây ».

    Đối với bà Valte,
    • vụ kiện của Philippines không đơn thuần là về chủ quyền lãnh thổ,
      mà thực sự là « đứng ra bảo vệ những gì được cho là đúng trước một diễn đàn thích hợp ».
    Theo bà,
    • Philippines không thể đứng lên chống lại sức mạnh quân sự khổng lồ của Trung Quốc,
      nhưng « điều quan trọng là có được một phán quyết về mặt pháp lý ».




    nguồn: vi.rfi.fr

Biển Đông : Trung Quốc lại bác bỏ mọi can thiệp của bên thứ ba

Đã gửi: Thứ năm 03/12/15 06:38
bởi Quy Nam
  • Biển Đông :
    Trung Quốc lại bác bỏ mọi can thiệp của bên thứ ba

    _______________________________________________
    Trọng Nghĩa - 02-12-2015




    Dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc
    bên lề Thượng đỉnh APEC tại Manila 11/2015 - REUTERS /Ezra Acayan





    Không đầy 24 tiếng đồng hồ sau khi Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye kết thúc vòng điều trần thứ hai về vụ Manila kiện Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh ngày hôm qua, 01/12/2015 đã lập tức lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tái khẳng định
    • rằng Bắc Kinh phủ nhận thẩm quyền của Tòa quốc tế,
      không chấp nhận bất kỳ giải pháp của bên thứ ba nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.


    Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập lại quan điểm của Bắc Kinh :
    • « Tòa án Trọng tài được thành lập theo yêu cầu của Philippines không có thẩm quyền » xem xét vấn đề Biển Đông,
      Trung Quốc sẽ không tham gia hoặc chấp nhận bất kỳ kết quả nào của tiến trình trọng tài.


    Phát ngôn viên Trung Quốc tiếp tục đổ lỗi cho Manila là cố tình gây chuyện khi kiện Bắc Kinh :
    • « Hành động đơn phương của Philippines là một sự khiêu khích chính trị dưới vỏ bọc luật pháp,
      • không phải là một nỗ lực để giải quyết tranh chấp
        mà là một mưu toan phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông »
    . Và bà Hoa Xuân Oánh tiên đoán rằng mưu toan của Philippines « sẽ không đi đến đâu ».

    Cũng trong cuộc họp báo, bà Hoa Xuân Oanh đã nhấn mạnh rằng
    • Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ giải pháp áp đặt nào về chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải,
      cũng như sẽ không chấp nhận việc một bên tranh chấp đơn phương tìm giải pháp nơi một bên thứ ba.


    Quan điểm xuyên suốt của Bắc Kinh từ trước đến nay vẫn là bắt các nước bị Trung Quốc tranh giành lãnh thổ phải trực tiếp đàm phán với Trung Quốc để tìm giải pháp, một chủ trương thường xuyên bị giới phân tích cho là để dễ bắt nạt các quốc gia nhỏ yếu hơn mình.

    Cũng chính vì thế mà Trung Quốc
    • luôn luôn tố cáo nước ngoài, đặc biệt là Mỹ và Nhật, xen vào hồ sơ Biển Đông,
      cũng như phủ nhận vai trò của các định chế quốc tế và khu vực.




    nguồn: vi.rfi.fr

Trung Quốc phải trả giá đắt vì coi thường tòa quốc tế về Biển Đông

Đã gửi: Thứ năm 03/12/15 06:48
bởi Quy Nam
  • Trung Quốc phải trả giá đắt vì coi thường tòa quốc tế về Biển Đông
    ____________________________________
    Trọng Nghĩa - 02-12-2015





    Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, Hà Lan - DR





    Vào hôm qua, 01/12/2015, Bắc Kinh lại lên tiếng bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye trong việc xét đơn Philippines kiện Trung Quốc về các hành động quá đáng trên Biển Đông.
    • Đối với phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vụ kiện đó sẽ « không đi đến đâu ».
      Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, giới chuyên gia hầu như đều cho rằng Bắc Kinh sẽ phải « trả giá » trên trường quốc tế, nhất là khi tòa quốc tế phán quyết có lợi cho Manila.


    Theo các chuyên gia pháp lý, giả thuyết về khả năng Philippines chiến thắng như đã được dự báo từ đầu, khi Tòa án Trọng tài Thường trực xem xét về thẩm quyền của mình, và đã công bố những luận cứ chi tiết nhằm bác bỏ lý lẽ Trung Quốc đưa ra nhằm phủ nhận thẩm quyền của toà án quốc tế.

    Và một khi Tòa án phán quyết có lợi cho Philippines, Trung Quốc sẽ phải chịu những sức ép nặng nề về cả phương diện ngoại giao lẫn pháp lý, vì nếu xem nhẹ kết luận của định chế trọng tài quốc tế - điều mà Bắc Kinh hoàn toàn có thể làm – Trung Quốc sẽ xuất hiện như là một quốc gia coi thường luật pháp quốc tế.

    Khi Philippines bắt đầu thủ tục pháp lý chống Trung Quốc vào năm 2013, ít ai chú ý đến vụ kiện, ngoại trừ các nước bị Trung Quốc trực tiếp chèn ép, hay các cường quốc có quan tâm đến Biển Đông như Hoa Kỳ hay Nhật Bản. Tuy nhiên, dần dần nhiều quốc gia Châu Á đã bắt đầu chú ý hơn và ngày càng tỏ thái độ ủng hộ tiến trình pháp lý do Manila khởi xướng.

    Một số quốc gia đã yêu cầu được làm quan sát viên theo dõi vụ kiện tại La Haye, trong số này có hai nước cũng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là Việt Nam và Malaysia. Ngoài ra còn có Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Úc và gần đây nhất là Vương quốc Anh.

    Washington đã ủng hộ vụ kiện, và vào tháng Mười vừa qua, nhân viếng thăm Bắc Kinh, Thủ tướng Đức bà Angela Merkel đã khuyên Trung Quốc chấp nhận ra trước các tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông.

    Cũng như vậy, sau cuộc hội đàm 2+2 tại Sydney vào ngày 22 tháng 11 vừa qua, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Úc và Nhật Bản cho biết họ ủng hộ quyền của các bên tranh chấp ở Biển Đông để tìm kiếm sự phân xử quốc tế.

    Theo một chuyên gia phân tích được Reuters trích dẫn, nếu phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực chống lại những điểm chính trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì chắc chắn các nước phương Tây sẽ có một sự thống nhất về lập trường và sẽ gây áp lực trên Bắc Kinh, cả trong những cuộc họp song phương lẫn trên các diễn đàn quốc tế.

    Chuyên gia về Biển Đông Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore dự đoán :
    • « Các nước khác sẽ sử dụng phán quyết như một cây gậy để đánh Bắc Kinh. Đó là lý do tại sao Trung Quốc lại nhạy cảm với toàn bộ vấn đề này như vậy ».


    Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington cũng cùng quan điểm :
    • « Phía Trung Quốc từng cho rằng họ có thể dễ dàng phớt lờ và bác bỏ phán quyết.
      Theo tôi, trên thực tế, họ sẽ phải trả một cái giá quốc tế cho điều đó ».


    Đối với nhiều nhà ngoại giao, việc Philippines thắng kiện Trung Quốc về Biển Đông, sẽ góp phần thúc đẩy Bắc Kinh chấp nhận các chuẩn mực pháp lý quốc tế trong khu vực cực kỳ quan trọng cho ngành vận tải đường biển này.



    nguồn: vi.rfi.fr