Trang 3/4

Cáo Phó - Nguyễn Đình Toàn

Đã gửi: Thứ ba 05/12/23 11:10
bởi Hoàng Vân
          



          

          


https://www.nguoi-viet.com/cao-pho/ong- ... dinh-toan/
          

Phân Ưu - Nguyễn Đình Toàn

Đã gửi: Thứ ba 05/12/23 11:24
bởi Hoàng Vân
          



          

          


https://www.nguoi-viet.com/phan-uu/nha- ... dinh-toan/
          

Trà đàm văn nghệ (tại căn gác hẹp của nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn)

Đã gửi: Thứ tư 06/12/23 18:49
bởi Hoàng Vân
  •           
    T.Vấn & Bạn Hữu:
              
    Trà đàm văn nghệ
    (tại căn gác hẹp
    của nhà văn nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn)

    __________________
    T.Vấn





              

              

    ……………
    Gọi là trà đàm, nhưng thực ra hôm đó chỉ có nhạc của Nguyễn Đình Tòan “nói” nhiều nhất. Những bài nhạc đã nói đủ được tâm tình 3 thế hệ chúng tôi cùng ấp ủ (thế hệ Nguyễn Đình Tòan, thế hệ tôi, và thế hệ Lưu Na). Trong cái tĩnh lặng của khu chung cư dành cho người già và buổi chiều rất ít nắng, chúng tôi đã ngồi nghe trọn vẹn dĩa nhạc “Hiên Cúc Vàng” của Nguyễn Đình Tòan với giọng hát Khánh Ly mà chính Nguyễn Đình Tòan cũng phải xác nhận không ai hát nhạc của ông đạt hơn Khánh Ly và ông cũng đồng ý với tôi “tiếng hát Khánh Ly đã chứng tỏ sự thành công cuối đời của bà gắn liền với nhạc Nguyễn Đình Tòan, như cách đây 50 năm, sự thành công đầu đời của bà đã gắn liền với nhạc Trịnh Công Sơn.”. Tôi cũng có dịp để nói trực tiếp với ông rằng, người ta (tôi) nghe *nhạc Nguyễn Đình Tòan không phải để giải trí mà là để đắm mình trong nỗi đau trước sự tàn nhẫn của lịch sử. Và trang T.Vấn & Bạn Hữu lưu trữ dòng nhạc Nguyễn Đình Tòan để cho người đời sau có dịp “lắng nghe tiếng kêu bi thương của một thời đại và nhỏ đôi giòng nước mắt cho những tiền nhân rất không may trong lịch sử.”. Người nhạc sĩ đáp lại bằng nụ cười nhẹ không thành tiếng. Và tôi nhìn thấy sự chịu đựng trong dáng dấp ông ngồi, tay không ngừng vân vê cái ống vố mà có một thời tôi cũng đã coi nó là vật thiết thân không thể tách rời. Bên cạnh, người bạn đời của ông ngồi lặng lẽ suốt buổi chiều cũng mang dáng vẻ cam chịu. Thỉnh thoảng, bà đứng lên châm thêm nước nóng vào bình trà và cất giọng nhẹ nhàng mời khách.

    Buổi chiều Cali xuống chậm ngoài kia. Những gịot nắng cuối cùng rồi cũng tắt. Giữa sự tịch mịch của căn phòng, Nguyễn Đình Tòan như trong cơn mộng du đột nhiên cất giọng nhẹ nhàng đọc như cách đây hơn 40 năm ông ngồi trước máy vi âm mỗi tối thứ năm giới thiệu chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn. Người bạn trẻ Lưu na đã kịp ghi lại một đọan như sau:

    • “Đời có còn dành cho ta
      Một ngày nhìn lại thấy nhau
      Giọt nước để lại trên hoa
      Lời giã từ yêu dấu
      Nắng sẽ khô
      Và buồn sẽ đưa
      Ta sẽ gặp lại nhau
      Trong cát bụi mù
      Em đừng khóc
      Đừng thương nhau
      Cho lòng thêm héo sầu
      Đời như giấc mơ đã tan
      Nước mắt khôn hàn
      Rừng cháy rồi cũng tàn
      Biển bão rồi cũng êm
      Ngày tháng qua
      Vết thương nào rồi cũng lãng quên
      Đường em đi
      Từ nay không có anh
      Không còn ai
      Đón chờ vui mừng
      Con đã lớn khôn
      Hay chim bầy giã đàn
      Một mình em
      Làm sao giang cánh che đầy
      Họa phúc mênh mông
      Còn có cây cao nào
      Cho em về nương bóng
      Hay gió mưa đã dập vùi
      Hết cả ngày xanh
      Đời nếu còn dành cho ta một ngày
      Nhìn lại thấy nhau
      Đừng nỡ bạc đầu nghe em
      Dù cho lòng khô héo
      Ta sẽ nuôi lại mộng đớn đau
      Cho dẫu rằng tình ta bóng đã xế chiều . . .”


    Tôi cũng kịp mở iphone ghi giọng ông như sợ mình sẽ chẳng bao giờ còn có dịp.
              
    (Bấm vào hình dưới đây
    để nghe nhà thơ NĐT đọc lời tỏ tình cuối đời – Tháng 11, 2014)





              
    Đừng nỡ bạc đầu nghe em / Dù cho lòng khô héo. Người phụ nữ có cái cổ cao như trong bao lời thơ Nguyễn Đình Tòan đưa mắt nhìn chồng kèm theo nụ cười hạnh phúc. Quả là lời tỏ tình cuối đời tuyệt vời.

    Trước khi đứng dậy xin phép kiếu từ, tôi và người bạn trẻ Lưu Na cũng đã kịp chia nhau cạn chai rượu vang mà bà Tòan để dành từ bao giờ. Món quà mang về lại Wichita còn có một *tập tài liệu hơn 100 bài đọc sách với giọng đọc Nguyễn Đình Tòan và Hồng Ngọc, người bạn đời lặng lẽ bên cạnh nhà thơ. Thế là độc giả TV&BH sẽ có dịp nghe lại giọng đọc quen thuộc của tác giả chương trình nhạc chủ đề hơn 40 năm trước .

    Người bạn trẻ Lưu Na cũng ưu ái gởi theo thế giới ảo cho tôi đôi dòng viết vội trên máy tính Nguyễn Đình Tòan:
    • “ Buổi chiều với Trương Vấn nơi căn gác Nguyễn Đình Toàn là một điều không mong mà được. Đại ca đến nơi này, như một ngày trong mát sau mùa nắng hè gay, để nghe tiếng ủ ê buồn hát một khúc nhạc xưa, nghe lại một niềm đau. Trong ánh chiều hắt hiu, tiếng nói từ trái tim của một người sống gần hết một đời khổ đau như chút hương tàn chút nắng phai trói mọi hồn lưu lạc vào với nhau. Tiếng đã khan, lời đã quên, nhưng em chưa nỡ bạc đầu nên lời được chắp nối. Tôi nhìn chút nắng úa tàn qua song cửa, uống với anh chút rượu, nghe cùng anh một khúc đàn, dẫu vui hạnh ngộ mà thấy nỗi gì như khô héo, cái tiếng lẻ loi ấy như dội trả vào đất trời nỗi quạnh hiu. Đại ca về. Tôi về. Khi chúng tôi quay bước, cái giọng ủ ê buồn ấy vẫn vang hoài, vẫn rung hoài một nhịp trong lòng tôi. Không biết mình sẽ còn được bao lần ngồi lại bên nhau nên không dám quay đầu ngó lại. Bóng tối đã sập xuống tự bao giờ. . .”.




    T.Vấn
    (Trích: T.Vấn & Bạn Hữu – Một Chặng Đường)


    *Trong bài, chúng tôi có “kèm đường dẫn” (những chữ đổi màu) đến hai chuyên mục đặc biệt NHẠC NGUYỄN ĐÌNH TOÀN và ĐỌC SÁCH VỚI NGUYỄN ĐÌNH TOÀN – HỒNG NGỌC do chính tác giả chọn lọc và gởi gấm đến trang TV&BH.

    https://t-van.net/t-van-ban-huu-tra-dam ... dinh-toan/

Nhớ Chú Nguyễn Đình Toàn Và Những Năm Tháng Không Bao Giờ Quên

Đã gửi: Thứ tư 13/12/23 06:55
bởi Hoàng Vân
  •           





    Nhớ Chú Nguyễn Đình Toàn
    Và Những Năm Tháng
    Không Bao Giờ Quên

    ____________________
    08/12/2023 _ Doãn Hưng




              

    Vợ chồng Nguyễn Đình Toàn và Doãn Quốc Sỹ tại căn nhà ở thành phố Westminster.

              


    • Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm, ngọn nổi
      Gió xa lộ lúc thổi, lúc ngừng
      Gặp nhau tay bắt mặt mừng
      Vui thì vui vậy, biết chừng nào xa… (Nguyễn Đình Toàn -1984)


    Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.

    Lúc đó chú Toàn cũng không ngờ người bạn vong niên của mình sắp chia tay để đi xa, nhưng không phải là đi vượt biên. Vào đầu Tháng Năm 1984, Doãn Quốc Sỹ cùng một số văn nghệ sĩ Miền Nam khác bị bắt lần thứ hai, vì tội chuyển các tác phẩm của mình ra nước ngoài để phổ biến. Thời điểm đó cũng khép tạm khép lại những ngày tháng khốn khó nhưng cũng là đẹp nhất trong giai đoạn sau 1975 của gia đình tôi và một số gia đình thân hữu văn nghệ sĩ khác, trong đó có chú Nguyễn Đình Toàn.

    “Những Ngày Xưa Truyện Đẹp” của chúng tôi, theo cách nói của nhà báo Trần Đại Lộc, kéo dài từ đầu năm 1980 cho đến Tháng Năm 1984. Nó bắt đầu từ lúc bố tôi được trả tự do từ trại tù Gia Trung Pleiku ngay trước tết nguyên đán, và kết thúc khi bố tôi đi tù lần thứ hai. Trong bốn năm ngắn ngủi này, căn nhà của bố tôi là nơi gặp gỡ của nhiều văn hữu Miền Nam: Nhã Ca, Hoàng Hải Thủy, Duy Trác, Dương Hùng Cường, Thái Thanh, Trần Quang Lộc… Chúng tôi gần gũi, thân thiết với gia đình chú Toàn cũng trong thời gian này. Trước 1975, bố tôi chắc chắn có biết nhưng không thân với chú Toàn. Sau biến cố Tháng Tư Đen, giới văn nghệ sĩ vì chung hoàn cảnh thất thế trước thời cuộc, cho nên gần gũi với nhau hơn. Bố tôi đi tù lần đầu tại trại Gia Trung, ăn cơm tù chung với Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng… Doãn Quốc Sỹ được thả lần đầu năm 1980, chú Duy Trác được tự do khoảng một năm sau đó. Những người mới trở về làm cái nhân để kết nối sự gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ khác, tạo nên một khoảng thời gian đặc biệt cho một số văn nghệ sĩ ở lại Việt Nam sau 1975, như lời bài hát Ở Lại Để Thấy mà chúng tôi vẫn thường ngân nga trong giai đoạn đó:

    • …Ở lại để thấy những nỗi vui không đến tình cờ
      Ôi nỗi vui nào cũng âu lo…


    Vui sướng - âu lo là hai phạm trù trái ngược. Nhưng có âu lo thì nỗi vui mới được hân hưởng thực sự. Trong những năm tháng đầu tiên sau 1975, nỗi lo lớn nhất là cơm áo gạo tiền. Khi những người văn nghệ sĩ bị tịch thu ngòi bút, việc bương chải kiếm sống khó khăn hơn nhiều so với tầng lớp khác trong xã hội. Khi các ông đi tù, thì thường các “bà Tú Xương” và các con phải tự tìm cách xoay xở, chỉ cho nhau kế sinh nhai trong thời buổi gạo châu củi quế. Trong khoảng thời gian đầu thập niên 1980s, cô Oanh vợ của chú Dương Hùng Cường đã khởi xướng cho một nghề thú vị, giúp cho nhiều gia đình văn nghệ sĩ có kế sinh nhai: nghề bán “căn tin” (canteen) trường học. Cô Oanh dạy ở trường Hồng Bàng, nhận ra rằng mỗi năm trường có đấu thầu để chọn người bán thức ăn uống cho học sinh ở căn tin trường. Thấy người bán thức ăn với giá khá mắc, cô nghĩ đến chuyện đấu thầu căn tin, bán với giá rẻ hơn nhưng vẫn đủ tiền nuôi con và nuôi chồng đi tù. Cô làm năm đầu tiên thấy thành công, từ đó kêu gọi các gia đình văn nghệ sĩ khác làm điều tương tự ở những trường khác. Gia đình chú Duy Trác bán căn tin trường Mạch Kiếm Hùng Quận Năm; gia đình tôi bán tại trường Petrus Ký- Lê Hồng Phong, có gọi con của chú Toàn đến bán phụ. Thời đó, các gia đình liên lạc với nhau đều đặn, chỉ nhau những mối lấy thức ăn ngon và rẻ, truyền nhau kinh nghiệm bán hàng sao cho có lãi. Thân với nhau thêm là vì vậy. Cực, nhưng vui vì đỡ lo gánh nặng kiếm việc làm.

    Bán được một thời gian thì chú Dương Hùng Cường mất trong tù. Cô Oanh mất sau đó không lâu vì tai nạn xe cộ. Họa vô đơn chí! Chúng tôi tìm mọi cách để vực dậy tinh thần các em con của cô chú, đùm bọc lẫn nhau. Cũng may mắn, con cái cô chú Cường vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, về sau này vươn lên thành công trong xã hội Việt Nam. Chúng tôi nói rằng chắc nhờ cô chú phù hộ.

    Trở lại với chú Toàn, chú đến nhà tôi chơi nhiều nhất cũng trong khoảng thời gian 1980-1984, sau khi bố tôi và chú Duy Trác đi tù đợt một trở về. Đó là giai đoạn mà chú thỉnh thoảng đạp xe về Sài Gòn để thăm bố tôi, chú Trác; và chúng tôi thường xuyên hơn đạp xe lên lên Làng Báo Chí để chơi với con chú Toàn, con bác Thanh Thương Hoàng. Trong những buổi họp mặt, chú Toàn luôn là một con người trầm mặc. Tôi còn nhớ điều gây ấn tượng mạnh nhất của chú Toàn đó là phong thái nhã nhặn, lịch sự. Điều mà người ta hay nhắc đến với những người Hà Nội thuộc năm tháng cũ. Hình ảnh chú cầm ống pip, châm lửa, thở khói thuốc đều rất khoan thoai, nghệ sĩ. Phong cách đó của chú vẫn giữ nguyên trên bàn mạc chược. Khoảng năm 1977, gia đình giáo sư Nguyễn Tư Mô mang một cái bàn mạc chược đến nhà tôi. Sau đó vài năm, cái bàn mạt chược này trở thành nơi gặp gỡ của nhiều văn nghệ sĩ trí thức Miền Nam: chú Trác, chú Toàn, nhà báo Lê Đình Điểu, Hà Tường Cát, Trần Đại Lộc. Có lần có cả bác Vũ Đức Duy nữa. Chú Toàn đánh mạt chược thường thua nhiều hơn thắng. Chúng tôi còn nói đùa rằng người hào hoa lịch thiệp như chú thì nhất định phải “đen bạc”, bởi vì “đỏ tình” là điều khó tránh khỏi.

    Sự lịch thiệp còn thể hiện qua các sinh hoạt văn nghệ ngay trong thời buổi kinh tế khó khăn, và công an thường xuyên theo dõi giới văn nghệ sĩ. Hồi đó, chúng tôi thường có những buổi văn nghệ bỏ túi ở nhà tôi, nhà chú Duy Trác. Hát ở nhà chưa đủ thấy lãng mạn, có người nghĩ đến việc ngồi trên đò ra giữa sông Gài Gòn để hát. Những buổi hát trên đò như vậy thường xuất phát từ nhà họa sĩ Nghiêu Đề ở cư xá Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn, bên kia bờ là Làng Báo Chí. Tay đàn chính là nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Gia đình chú Duy Trác, chú Toàn, vợ chồng bác sĩ Dũng-Lệ, hoạc sĩ Vũ Trong Khôi… là những người thường có mặt. Trong những đêm trăng, ngồi trên một con đò nhỏ, hát cho nhau nghe bằng cây đàn thùng. Sự thanh tao thể hiện rõ qua cách chơi, trong thời buổi mà cả xã hội chỉ lo đến cơm áo gạo tiền…

    Đối với tôi, một trong những dịp thể hiện rõ nét về phong cách của chú Toàn đó là khi chú cầm đàn tự đàn và hát những ca khúc của mình. Là thế hệ sinh sau, đẻ muộn, tôi không có dịp biết nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn trước 1975, cái thời mà chú làm mê mẩn cả nước với chương trình Nhạc Chủ Đề. Nhưng tôi thực sự cảm nhận tính chất thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ của chú trong những buổi chiều cuối tuần, chỉ có hai chú cháu, chú cầm đàn hát những ca khúc mới của mình sau 1975. Chú bình luận về nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến… rồi giải thích về những ca khúc mình mới sáng tác. Có nhiều người nói rằng bác Phạm Duy hát một số ca khúc của mình là hay nhất. Tôi nghĩ rằng điều này cũng đúng với chú Toàn. Bởi vì không có ai có thể hiểu hơn tác giả tại sao chọn ca từ này, giai điệu kia trong ca khúc. Trong một buổi chiều khi nói về những bạn bè đã và sắp vượt biên, chú cầm đàn và hát:
              
    …Yêu em lửa đỏ thiêu ta
    Yêu em địa ngục than tro
    Yêu em khi đất nước không còn chi
    Ai đi đi mất không người quay về
    Không ai còn nhận ra ai
    Sao em vào được tim tôi
    Đêm qua ai trốn ra ngoài phương trời
    Bao nhiêu thân xác chôn vui giữa khơi…

              
    Rồi nhắc đến một Sài Gòn hoa lệ trước 1975, nhớ những người bạn văn nghệ sĩ nay ở khắp chốn phương trời, chú hát:
              
    …Sài Gòn ơi, đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi
    Tay cầm tay nói nhỏ câu gì
    Đâu quầy hoa, quán nhạc đêm về
    Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly
    Sài Gòn ơi, thôi hết rồi, những ngày hát bên nhau
    Đâu Phạm Duy với tình ca sầu
    Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
    Còn gì đâu…

              
    Chú đàn chầm chậm, thường là nhịp điệu theo cảm hứng. Giọng chú hát thật nhỏ, ngân nga trầm bổng giai điệu, như kể lể về những niềm nhớ không tên của mình, bằng cái giọng mê hoặc của chương trình Nhạc Chủ Đề thuở nào. Thật là một cảm xúc khó tả…

    Sau đó một thời gian, không nhớ rõ vì sao mà chúng tôi có được cuốn cassette từ hải ngoại gởi về, Tắm Mát Ngọn Sông Đào qua giọng hát của Khánh Ly. Vào thời điểm đó, nghe Khánh Ly hát những ca khúc từ trong nước gởi thì chỉ có “đứt ruột!”, như cách nói của người bạn Đ.K trong nhóm. Lúc đó, không mấy ai biết tác giả của nhiều ca khúc trong cassette là của Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn. Khánh Ly hát hay thì không phải bàn thêm, nhưng tôi vẫn nhớ nhất những bài hát đó qua chính giọng hát của chú Toàn, độc nhất vô nhị…

    Về sau này, khi ở Mỹ, khi chú cho xuất bản tác phẩm Thơ & Ca Từ vào năm 2022. Nhờ vậy tôi mới biết lời của nhiều bài nhạc là thơ của chú sáng tác. Đọc thơ, nghe nhạc, hát lời ca của Nguyễn Đình Toàn, thật khó mà đoán cái nào được sáng tác trước. Hình như đối với ca khúc Nguyễn Đình Toàn, lời hát đã là một bài thơ, và trong giai điệu đã có sẵn ca từ. Một sự thể hiện trọn vẹn tính cách thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ chỉ trong một con người…

    Bây giờ chú Toàn đã đi xa. Đã có rất nhiều bài viết nói về người văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ tài hoa này. Nhưng đối với gia đình tôi, chú Toàn vẫn gắn liền với những ngày tháng khốn khó nhưng đầy kỷ niệm sau 1975 ở Sài Gòn. Những “Ngày Xưa Truyện Đẹp”, những năm tháng không bao giờ quên…



    https://vietbao.com/a317664/nho-chu-ngu ... o-gio-quen

Phỏng vấn Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn _ 03 Dec 2021

Đã gửi: Chủ nhật 17/12/23 15:55
bởi Hoàng Vân





Phỏng vấn Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn _ 03 Dec 2021




Tưởng nhớ Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhạc Sĩ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN

Đã gửi: Thứ hai 18/12/23 03:16
bởi Hoàng Vân





Tưởng nhớ Nhà Văn, Nhà Thơ, Nhạc Sĩ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN




Tang lễ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đầy tình thương và tiếc nuối _ 17/12/2023

Đã gửi: Thứ hai 18/12/23 11:09
bởi Bạch Vân
  •           

    Tang lễ nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đầy tình thương và tiếc nuối
    December 17, 2023



    WESTMINSTER, California (NV) – Đông đảo đồng hương có mặt tại nghĩa trang Westminster Memorial Park hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Mười Hai, để dự tang lễ của nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn với đầy tình thương và tiếc nuối.





    Chân dung nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn trên bàn thờ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)
    Từ lúc 10 giờ sáng, nhiều người có mặt tại nhà tang lễ trong nghĩa trang để viếng và tiễn đưa ông Nguyễn Đình Toàn, một người có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật Việt Nam.

    Ông qua đời tại bệnh viện Fountain Valley vào tối ngày 28 Tháng Mười Một, hưởng thọ 87 tuổi.

    Vì có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật quê nhà và còn là một bằng hữu được nhiều người trong cộng đồng yêu quý, đông người có mặt tại là nhà tang lễ, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ và những người từng gắn bó với ông trong nhiều năm, cùng nhiều người ngưỡng mộ.

    Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, đại diện gia đình, đón chào cộng đồng đến dự buổi tiễn biệt “một nhà thơ, một nhà văn và bằng hữu” Nguyễn Đình Toàn, sau đó mời một số người từng có quan hệ thân thiết với ông lên phát biểu.



    Một số người thắp nhang cho nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


    Nữ tài tử Kiều Chinh cho biết bà đến tiễn một người bà rất kính mến, và nói bà không biết phải gọi ông là nhạc sĩ, văn sĩ hay nhà thơ vì ông là người đa tài, nhưng luôn gọi ông là “anh Toàn.”

    Bà chia sẻ bà không muốn đào sâu vào văn thơ và nhạc của ông vì có nhiều người tiếp theo sẽ trình bày, nên chỉ nói về tình bạn giữa bà và ông.

    Bà nói rất thích truyện “Ngày Tháng” của ông, nên từng xin phép ông để chuyển thể thành phim có bà và đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đứng sau dự án. Nghe vậy, ông Nguyễn Đình Toàn nói bà không cần phải phép tắc như vậy, chỉ cần báo thôi là ông mừng lắm rồi.

    Bà cho biết ông còn rất vui khi nghe bà và ông Hoàng Vĩnh Lộc đứng sau dự án phim này, nhưng không thực hiện được vì Sài Gòn thất thủ. Vẫn theo bà, khi định cư ở Mỹ, ông nói với bà “ở Mỹ làm đi chưa muộn,” nhưng bà nói bà không còn làm chủ hãng phim nữa và không còn đạo diễn nữa.



    Đông đảo đồng hương đến dự tang lễ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)



    Giáo Sư Trần Huy Bích cho biết ông và ông Nguyễn Đình Toàn có nhiều điểm giống nhau và nhiều điểm bổ túc cho nhau. Ông nói hai người cùng tuổi, nhưng ông Toàn là nhà thơ, nhà văn, và nhạc sĩ, có lời văn và lời nhạc đẹp. Vì vậy, ông bổ túc cho ông Toàn bằng tình yêu ông dành cho thơ văn và âm nhạc.

    Giáo sư còn nói ông và ông Nguyễn Đình Toàn gặp nhau từ lâu và lúc nào cũng quý mến nhau, nên rất xúc động khi nghe tin ông ra đi, nhưng hy vọng ông tìm được niềm vui vì được gặp lại người vợ qua đời trước ông hai năm là bà Thu Hồng.

    Nhạc sĩ Nam Lộc cho biết ông đến tiễn đưa một người ông, một người cha và một người bạn đáng quý. Ông nói ông coi ông Toàn như một người thầy trong văn chương, trong âm nhạc, còn học được ông chân lý sống và các đạo lý trong đời.

    Nhạc sĩ Nam Lộc còn khen ông Toàn là một người sống sạch trong tù, sống đẹp trong đời, và luôn chung thủy với vợ con.



    Một số hình ảnh của ông Nguyễn Đình Toàn tại nhà tang lễ. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)



    Ông kể ông từng về Thủ Đức sau khi được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giao cho một số công việc về HO, sau đó đi thăm ông Nguyễn Đình Toàn và không quên được cảnh hai anh em “mừng mừng tủi tủi” sau khi gặp lại nhau, rồi nói ông sẽ sống mãi trong lòng mình.

    Nhà văn Phan Nhật Nam cho biết ông Toàn là một người có nội lực, và hai người tuy ở độ tuổi 80 và 90 nhưng vẫn cầm bút để tiếp tục cuộc chiến bằng ngòi bút.

    Nhà thơ Đỗ Quý Toàn nói ông Nguyễn Đình Toàn là một người đa tài, là một trong những người tiên phong đưa văn học lên đài phát thanh và được nhiều người quý mến.

    Ông cho hay ông Toàn là một người “dễ thương” và xin chào tạm biệt người quá cố.

    Anh Nguyễn Đình Thức, trưởng nam của cố nhà văn và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, thay mặt gia đình cảm ơn cộng đồng và nhiều người ở khắp nơi đã tri ân, rồi xin ghi lại những cảm xúc họ dành cho cha mình.



    Anh Nguyễn Đình Thức, trưởng nam của cố nhà văn Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)



    Anh còn đọc một đoạn trong bài thơ “Mai Tôi Đi” để tiễn biệt thân phụ lần cuối:

    • “Mai tôi đi như máu chảy ngoài tim

      Xin khấn nguyện cả mười phương tám hướng

      Cho quê hương u mê ngày thức tỉnh

      Để dù xa có chết cũng vui mừng.”


    Tang lễ của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đầy tình thương và có nhiều sự rung động của những người có mặt vì ai cũng tiếc thương khi thấy một người có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật Việt Nam ra đi.



    Nhiều người đợi thắp nhang và viếng nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)


    Theo Wikipedia, ông Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông còn có bút hiệu Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Năm 1954, ông di cư vào Nam.

    Ông là tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975.

    Ông đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973.

    Ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến.

    Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Năm 1998 ông cùng gia đình xuất cảnh sang Mỹ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. [đ.d.]

    Thiện Lê/Người Việt

    nguồn:https://www.nguoi-viet.com

              

Tang lễ Nhạc sĩ Nguyễn đình Toàn

Đã gửi: Thứ hai 18/12/23 11:11
bởi Bạch Vân
          




          

Một nén nhang cho Nguyễn đình Toàn

Đã gửi: Thứ tư 20/12/23 11:42
bởi Hoàng Vân
  •           




    Một nén nhang
    cho Nguyễn đình Toàn

    _____________________
    Bùi Chí Vinh _ 30/11/2023






    Thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời tối 28-11 tại bệnh viện Fountain Valley, California hưởng thọ 87 tuổi.

    Tôi gặp anh vài lần lúc đi với Huỳnh Phan Anh, Joseph Huỳnh Văn, Nguyễn Đạt và ngồi ở quán cà phê của Vũ Trọng Quang trong con hẻm đường Cao Thắng, quận 3. Lần đầu gặp, anh dòm tôi như dòm một con khủng long từ thời tiền sử còn sót lại. Bởi đơn giản là anh quá kín đáo, quá chuẩn mực, quá ấm áp từ dáng vóc đến cách ăn nói. Anh sinh ra là để cầm bút, ôm ghi ta trong thư phòng, thính phòng sang trọng chứ không phải để đối đầu với cuộc sống man rợ như tôi.

    Con người nho nhã ấy làm sao chịu nổi sự đau đớn của bài SINH NGHI HÀNH khi Nguyễn Đạt kêu tôi đọc cho anh nghe. Tôi đọc như tra tấn tác giả những ca từ mật ngọt trong bài nhạc EM ĐẾN THĂM ANH ĐÊM 30.

    "Tay em lạnh để cho tình mình ấm - Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm - Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan - Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết".

    Vậy đó. Giờ thì nhà văn lừng lẫy của tác phẩm ÁO MƠ PHAI, của TRO THAN đã biến mất. Giờ thì muốn đọc lại SINH NGHI HÀNH hay "hành" anh đến trố mắt kinh dị cũng không được...

    BÙI CHÍ VINH





              


    LỜI THƠ CUỐI CHO NGUYỄN ĐÌNH TOÀN


    Giờ thì chàng thơ lãng mạn nhất Sài Gòn đã ra đi
    Anh bốc hơi như một làn khói trắng
    CĂN NHÀ XƯA không rơi vào quên lãng
    Nơi bàn tay anh đã vun xới dịu dàng

    Anh đã cày trên những sợi dây đàn
    Đầu ngón bật máu để đơm hoa kết trái
    Những bài thơ tình đứng im không động đậy
    Dù anh qua tận California hòng chạy trốn chính mình

    Tôi vẫn thấy "môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm"
    "trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết"
    Và tôi biết không có gì là chấm hết
    Khi trên thế gian còn văn thơ nhạc Nguyễn Đình Toàn...


    30-11-2023
    BCV





              

              
    facebook buichivinh

Người Nam kính tiễn

Đã gửi: Thứ bảy 06/01/24 18:05
bởi Hoàng Vân
          

          
..................... Người Nam kính tiễn nhà văn, nhạc sĩ, thi sĩ Nguyễn Đình Toàn ..................
Đời có còn dành cho ta Một ngày nhìn lại thấy nhau Giọt nước để lại trên hoa Lời giã từ yêu dấu Nắng sẽ khô Và buồn sẽ đưa Ta sẽ gặp lại nhau Trong cát bụi mù Em đừng khóc Đừng thương nhau Cho lòng thêm héo sầu Đời như giấc mơ đã tan Nước mắt khôn hàn Rừng cháy rồi cũng tàn Biển bão rồi cũng êm Ngày tháng qua Vết thương nào rồi cũng lãng quên Đường em đi Từ nay không có anh Không còn ai Đón chờ vui mừng Con đã lớn khôn Hay chim bầy giã đàn Một mình em Làm sao giang cánh che đầy Họa phúc mênh mông Còn có cây cao nào Cho em về nương bóng Hay gió mưa sẽ dập vùi Hết cả ngày xanh Đời nếu còn dành cho ta một ngày Nhìn lại thấy nhau Đừng nỡ bạc đầu nghe em Dù cho lòng khô héo Ta sẽ nuôi lại mộng đớn đau Cho dẫu rằng tình ta bóng đã xế chiều
(Đời có còn dành cho ta)