Trong sinh hoạt ca nhạc Việt Nam, có những nhạc sĩ, khi nhắc đến thì người thưởng ngoạn nghĩ ngay đến tên của một ca sĩ nào đó, mặc dù, người ca sĩ này không phải là người đầu tiên hay duy nhất hát nhạc của vị nhạc sĩ đó. Chúng ta thường nghĩ đến ca sĩ Thái Thanh khi nhắc đến âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy; tương tự, khi nhắc đến Trịnh Công Sơn thì người ta hay nghĩ đến ca sĩ Khánh Ly. Trường hợp của nhạc sĩ Vũ Thành và ca sĩ Kim Tước cũng không ngoại lệ. Đối với nhiều người yêu nhạc Việt Nam, âm nhạc của Vũ Thành qua giọng hát của ca sĩ Kim Tước đã là một huyền thoại!
Theo tài liệu trên mạng internet, ca sĩ Kim Tước gọi nhạc sĩ Vũ Thành là chú dượng. Họ cùng có chung điểm xuất phát là Hà Nội và theo dòng người di cư vào nam sau hiệp định Genève năm 1954. Họ tìm đến Sài Gòn để tỏa sáng và mang hương sắc của đài phát thanh Hà Nội vào góp phần xây dựng một nền tân nhạc đa dạng và phong phú ở miền nam tự do.
Nhạc sĩ Vũ Thành đến với tân nhạc Việt Nam từ những ngày đầu phát triển. Ngay từ cuối thập niên 30s, ông đã là một trong hai nhạc công gốc Việt chơi nhạc cho ban nhạc hòa tấu. Người ta nhắc đến ông như người nhạc trưởng ban “Việt Nhạc” tại đài phát thanh Hà Nội cho đến ngày di cư vào nam. Có lẽ nhờ vào mối duyên văn nghệ này mà âm nhạc của ông đã bay bổng khắp nơi từ đài phát thanh Hà Nội đến Huế. Những sáng tác của ông từ thập niên 40s như Tình Xuân, Nhớ Bạn, Ngày Tái Ngộ và những sáng tác của ông vào đầu thập niên 50s như Say Nhàc Canh Tàn, Hoài Hương Dạ Khúc, Gió Thoảng Hương Duyên, Thầm ước một chiều, và thậm chí tác phẩm thành công nhất của ông Giấc Mơ Hồi Hương, đã được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Nhạc sĩ Vũ Thành là người rất nghiêm túc trong âm nhạc. Ông có một hoài bão được mang cái mình đã học giúp nâng cao trình độ cảm âm của đại chúng. Người không thích có thể cho ông là kẻ không thực tế nhưng các ca khúc của ông thể hiện rất rõ quan điểm của ông về âm nhạc.
Có sáng tác ra đời từ thập niên 40s, ông xứng đáng được liệt vào hàng những nhạc sĩ tiền chiến. Nhưng ông không theo số đông nhạc sĩ thời bấy giờ, chọn nét u uất là cách bày tỏ cảm xúc của mình trong âm nhạc. Dù là vui hay buồn, các sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thành luôn vẻ ra một khuôn thước nhất định, ở đó, ngôn ngữ âm nhạc là phương tiện để bộc lộ cảm xúc của ca khúc và lời nhạc, nếu có, là sự tô đậm lại màu sắc âm thanh mà ông đã vẻ ra trong ca khúc của mình. Đó là phong cách sáng tác ước lệ của văn học cổ. Điều này có lẽ cũng đã giải thích vì sao ngôn ngữ trong các ca khúc của ông rất chọn lọc và trau chuốt. Mỗi một sáng tác của ông thật sự là một tác phẩm mang tính nghệ thuật sâu sắc!
Khi nhạc sĩ Vũ Thành đã bắt đầu tạo được một chỗ đứng nhất định trong làng ca nhạc thì ca sĩ Kim Tước vẫn còn là giọng ca triển vọng. Nhiều ca sĩ nổi danh đã hát và hát rất hay những sáng tác mới của nhạc sĩ Vũ Thành. Họ là Minh Đỗ, Thanh Hiếu, Minh Ngọc của đài phát thanh Hà Nội; Minh Trang của đài phát thanh Huế và sau này Anh Ngọc, Thái Thanh, Mộc Lan, Duy Trác, Lệ Thu, Khánh Ly, Mai Hương, Quỳnh Giao … của đài Sài Gòn. Viết như vậy để hiểu rằng ca sĩ Kim Tước không phải là người đầu tiên, và càng không phải là người duy nhất hát thành công các ca khúc của nhạc sĩ Vũ Thành. Ca sĩ Kim Tước hát nhạc Vũ Thành theo một cách riêng của cô.
Ca sĩ Kim Tước có một giọng ca thiên phú để hát nhạc thính phòng. Đó là một giọng ca quãng rộng; có âm sắc trong và cao vút, nhưng cũng có một bề dày nhất định để khi lên những nốt cao thì vang rộng mà lúc xuống những nột trầm thì lại rất rõ và chắc chắn. Cô lại có cơ duyên tiếp xúc với nhạc cổ điển từ lúc còn bé nên đã tạo cho mình một nền tảng thanh nhạc vững vàng. Giọng hát của ca sĩ Kim Tước từ đó như viên kim cương đã được mài giũa khéo léo nên hấp dẫn giới thưởng ngoạn bằng những màu sắc óng ả đầy quyến rũ của mình mà không cần bất cứ một động tác phụ nào.
Không phải ai cũng thích nghe âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành và giọng ca của ca sĩ Kim Tước. Người ta cho rằng giọng ca của cô Kim Tước khô quá và âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành thường khó hiểu. Họ quen với loại nhạc phổ thông với giai điệu dễ nghe và lời nhạc đơn giản, dễ hiểu..
Người thích giọng hát của ca sĩ Kim Tước và âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành lại trân trọng phong cách cổ điển từ giai điệu và lời nhạc của ca khúc đến cách hát của ca sĩ. Những âm thanh đó, kỳ diệu và huyền hoặc, đưa người nghe đến một thế giới khác.-thế giới của ngôn ngữ âm nhạc thuần khiết. Đó là sự quý giá của lọai vàng ròng nguyên chất chứ không phải nhờ kỹ xảo của kẻ trưng bày.
Đến một lúc nào đó, chúng ta rồi cũng sẽ trở về với cát bụi. Nhưng âm nhạc của nhạc sĩ Vũ Thành qua giọng hát của ca sĩ Kim Tước sẽ còn mãi với thời gian. Những âm thanh đó đã, đang, và sẽ tiếp tục góp phần gìn giữ một kiểu mẫu âm nhạc đậm tính nghệ thuật cho đời sau. Đó là niềm tự hào vì họ là người Hà Nội. Đó cũng sẽ là niềm tự hào vì họ đã làm sáng sinh hoạt âm nhạc nghệ thuật của Sài Gòn; và đó cũng là niềm tự hào vì họ là người Việt Nam.
Viết xong tại Vancouver ngày 20 tháng 11 năm 2023.
Chu Văn Lễ
Thanh Thúy hát Tình Đêm Phố Cũ của Thanh Sơn
Đã gửi: Thứ hai 08/01/24 17:58
bởi Hoàng Vân
Thanh Thúy hát Tình Đêm Phố Cũ của Thanh Sơn
Thái Thanh hát Suối Mơ của Văn Cao
Đã gửi: Thứ hai 08/01/24 18:01
bởi Hoàng Vân
Thái Thanh hát Suối Mơ của Văn Cao
Hoàng Lang hòa âm và điều khiển ban đàn dây "Hương Xưa".