-
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Viết bởi Nguyễn Mộng Giác
Năm 1977 sau khi được chuyển từ Long Giao lên Gia Rai, trại chúng tôi được phép thăm nuôi. Giấy phép được ban quản huấn gửi thẳng về gia đình, chúng tôi tràn trề hy vọng. Tên tôi vần N nên phải chờ đến ngày thứ 29 mới đến lượt tôi. Suốt 28 ngày trước, toàn trại rộn rịp như ngày hội. Tối hôm trước, không ai ngủ được. Buổi sáng người đến phiên hồi hộp ra gặp gia đình thì những bạn bè cùng láng cũng hồi hộp chờ bạn về. Người mang được tin vui. Không ít thất thểu xách giỏ thăm nuôi trở về với bộ mặt dàu dàu, ai hỏi gì cũng không nói. Buổi tối, những thức ăn phải ăn liền như xôi, bánh mì, bánh bao, thịt quay được bày ra, từng nhóm vừa ăn uống xì xụp vừa kháo chuyện nhà. Thuốc lá thơm chuyền từ môi này đến môi khác, khói un mù mịt cả đêm rừng. Lòng từng người dù đã thăm nuôi hay chưa đều mở hội, quà cáp thứ gì không thuộc loại lương khô (như mì ăn liền, cốm dẹp, mắm ruốc, muối đỗ, bánh tráng…) đều trở thành tài sản chung.
Ngày thăm nuôi của tôi đã đến. Thú thật vì đã sống suốt 28 ngày nôn nao rộn rã cùng với bạn bè nên đến lượt mình, tôi bình thản hơn. Tôi còn độc thân, các anh chị đã lập gia đình bận bịu vợ con nên chắc chắn chỉ có mẹ và đứa em gái út lên 14 tuổi lên thăm tôi thôi. Những người khác chờ mong nhìn lại mặt người vợ yêu dấu, âu yếm nắm bàn tay đã hao gầy, vuốt đôi má hóp, lùa tay vào mái tóc đã thưa để bồi hồi thương xót vợ con. Người trăn trở suốt đêm chờ gặp lại người yêu. Người nao nức muốn trời mau ngả chiều để hôn đứa con sinh ra lúc mình vắng nhà. Phần tôi, chỉ chờ một người mẹ và đứa em gái. Thứ quan hệ tình cảm đó đậm đà nhưng đơn giản, lim lĩm vào chiều sâu chứ không bồng bột sôi nổi như tình lứa đôi. Nó như nước trà chứ không như cà phê, muốn ví nôm na thì nói thế cũng được.
Toán vần NG của tôi lại thuộc buổi chiều, nên tôi càng có đủ thì giờ trấn tĩnh. Vì được lệnh chính thức nên chúng tôi lục bộ quần áo dân sự lâu nay nhét dưới đáy xắc ra mặc lại. Nếp áo còn nhăn, hăng hắc mùi băng phiến pha lẫn ẩm mốc với mồ hôi, kích thước lại quá rộng, nhưng ai cũng có cảm giác hân hoan như được mặc áo mới đi hái lộc đầu xuân. Một lần nữa cảm tưởng (hoặc ảo tưởng) được dứt khoát với quá khứ để lập cuộc đời mới, được vứt bỏ bộ quân phục dày cộm khoác áo nhẹ về quê xây nhà lập vườn trở lại với chúng tôi. Ðúng hai giờ chiều, tôi xếp hàng cùng các bạn theo cán bộ quản giáo ra cổng trại. Nhà thăm nuôi nằm sát bên trong rào kẽm gai, đứng đó có thể nhìn rõ nhà ga và cảnh thân nhân các nơi đổ về đây. Chúng tôi được lệnh ngồi theo hàng ngũ dưới một gốc sấu già, ai được gọi tên mới xách bao xách túi ra khu tiếp tân. Lệnh thật nghiêm: không được nói chuyện, không được đứng dậy chỉ trỏ, không được ra dấu hoặc nhờ vả nhắn nhủ kẻ đi trước. Vì sợ bị phạt, chúng tôi răm rắp tuân theo. Nhưng lòng chúng tôi có yên đâu. Vắng cán bộ quản giáo một lúc là tiếng xì xầm nổi lên ngay. Nhiều người thấy vợ con xách giỏ đi vào cổng, mừng quá reo lên, hoặc đứng hẳn dậy gọi ơi ới. Biết làm sao được! Hơn hai năm nay chúng tôi không được biết gì hết ngoài việc học chính trị và làm rẫy, tin tức gia đình và những gì xảy ra bên ngoài vòng kẽm gai đều mù mịt. Ở vào cảnh huống đó mới thông cảm được chúng tôi.
Tôi lóng ngóng chờ đợi mãi vẫn chưa thấy bóng mẹ và em tôi vào cổng. Ba giờ. Ba giờ rưỡi. Rồi bốn giờ. Chỉ còn nửa giờ nữa! Bốn giờ mười, rồi bốn giờ mười lăm. Toán của tôi hầu hết đều đã gặp thân nhân và hớn hở xách giỏ lương thực nặng trở vào. Bốn giờ hai mươi. Chỉ còn tôi và một cụ già thiếu tá bảo an hồi hưu ngồi lại. Cụ thiếu tá thất vọng ra mặt, hết đứng lên ngóng ra cổng trại hoặc tận ga xe lửa lại ngồi xuống ho sù sụ. Tôi cố giữ trầm tĩnh ngồi bó gối nhưng trong lòng như có ai đốt lửa. Nhà tiếp tân vắng dần. Bốn giờ 23, rồi bốn giờ 24 phút. Ðúng 4 giờ 25 thì chuyến tàu chợ từ Sài Gòn lên xình xịch đỗ ngoài ga. Niềm hy vọng của tôi đây. Không dằn được nữa, cả tôi lẫn cụ thiếu tá đều đứng bật dậy dợm chạy ra nhà tiếp tân. Tôi đã không lầm. Lúc hồi kẻng báo hiệu giờ thăm nuôi đã hết uể oải điểm đều từng tiếng, tôi thấy mẹ và em tôi vội vã xách hai cái giỏ lát khá lớn chạy từ nhà ga vào cổng trại. Em gái tôi gầy gò, mẹ tôi già yếu, nên thấy dáng hối hả của hai mẹ con, tôi xúc động quá bất giác kêu lớn:
- Mẹ, con đang chờ đây!
Có lẽ tiếng gọi của tôi bị gió rừng bạt mất, vì tôi không thấy mẹ và em tôi quay lại. Anh vệ binh đứng tuổi mang kính râm giữ việc kiểm soát giấy phép đã đứng dậy ra về, toán thân nhân đến trễ đang bu quanh anh, nét mặt người nào cũng khẩn khoản, chới với. Họ năn nỉ gì đó, nhưng tôi thấy anh vệ binh cứ lắc đầu. Một bà cụ nắm tay anh nói một hồi. Anh ta chăm chú nghe, nhưng đưa tay lên xem đồng hồ, rồi cương quyết lắc đầu. Ðến phiên mẹ tôi chen vào. Mẹ tôi nói gì tôi không rõ, chỉ thấy mẹ tôi vừa nói vừa trỏ về phía nhà ga. Có thể bà cụ đang đổ lỗi cho chuyến tàu chợ trễ nãi. Anh vệ binh vẫn lắc đầu. Nóng ruột quá, tôi liều lĩnh bỏ chỗ gốc sấu chạy đến khu thăm nuôi. Tôi nghe rõ mồn-một giọng Nghệ Tĩnh giận dữ tức tối của anh ta:
- … Các người còn muốn đòi gì nữa? Chồng con các người mang tội với nhân dân phải học tập cải tạo nhưng còn có ngày được về. Còn tôi đây này, nhập ngũ từ 1965, đi khắp các chiến trường cho đến lúc về ở cái xó rừng này, biết bao giờ tôi mới được về? Chồng con các người còn được tiếp tế giỏ này giỏ nọ. Còn tôi đây, vợ con không có đủ tiền gửi cho lấy một cái kẹo. Các người có dư tiền để mua vé xe lửa lên đây thăm nuôi. Vợ tôi biết tôi ở đây từ hơn hai năm nay, chưa thấy mặt tôi gần bảy năm rồi mà không có đủ tiền mua lấy cái vé xe hạng chót! Các người còn đòi gì nữa!
Nghe lén được mấy câu đó, tôi sững sờ đến nổi gai ốc. Tôi va đầu vào cái tường sự thật tàn nhẫn nên choáng váng. Người tôi ngây ngây, quên cả ý định lên tiếng để mẹ và em tôi trông thấy. Có lẽ các thân nhân đến trễ cũng có tâm trạng y như tôi, nên nghe anh vệ binh nói xong, họ tản ra hết. Ðã nói đến nước đó thì nằn nì cũng vô ích, nên tôi thấy mẹ và em buồn bã xách đồ ra ga mà không biết phải làm gì. Cuối cùng tôi chỉ còn biết sợ! Tôi nháy mắt ra hiệu cho cụ thiếu tá hồi hưu, rồi se sẽ nép vào các gốc cây để trở lại chỗ cũ. Chúng tôi về trại tay không, lòng vừa buồn rầu vừa hoang mang thật khó tả. Anh vệ binh già cầm xấp giấy phép hướng dẫn chúng tôi vào. Nét mặt anh lầm lì, bước chân nặng nề, đầu cúi xuống. Chiều ở rừng buốt lạnh. Chuyến tàu chợ ngược về Sài Gòn xình xịch đỗ ở cái ga xép. Tiếng còi tàu khao khao hơi nghẹn. Cổ họng tôi cũng nghẹn. Buổi tối hôm đó tôi nằm riêng một góc không tham dự cuộc vui chung. Các bạn tưởng vì không được thăm nuôi tôi buồn, nên ân cần đem đến tận chỗ tôi nằm mời ăn hết thức này đến thức khác. Tôi cầm cho họ vui lòng, nhưng không thể nói hết lý do nỗi hoang mang của tôi.
Tôi tiếp tục được hưởng sự ân cần mời mọc của bạn bè suốt nửa tháng thăm nuôi còn lại. Thật ngược đời! Trong láng, tôi và cụ thiếu tá bảo an hồi hưu trở thành hai đứa trẻ được nuông chiều. Tôi ăn uống sang trọng phủ phê còn hơn cả những người được thăm nuôi đầy đủ. Nhưng “sự phồn thịnh ấy giả tạo” đúng như bài học chính trị chúng tôi học thuộc làu trong năm đầu. Lúc các thức ăn chơi đã cạn và trong giỏ xách từng người chỉ còn lương khô, thì ai ai cũng lo tính đến đường xa. Kỳ thăm nuôi sắp tới chưa biết lúc nào, sức mang, xách, khiêng, đội, gánh gồng của những người vợ héo hon những bà mẹ già nua những đứa em yếu ớt thì có hạn. Cho nên ai cũng phải dè xẻng tính toán từng mẩu bánh khô, từng nắm cốm dẹp. Không muốn ích kỷ cũng phải đâm ra ích kỷ. Tôi trở lại sống nghèo đói đúng 100% nghĩa đen giữa đám bạn bè tương đối đầy đủ. Tinh thần tôi còn sa sút hơn trước. Không còn sự bình đẳng trong thiếu thốn nữa, nên tôi và cụ thiếu tá thui thủi một mình, mỗi lần thấy ai mở giỏ lương thực hoặc nấu nướng thứ gì, phải tìm cách lánh đi chỗ khác để họ khỏi khó xử. Và thành thực hơn, phải nói thêm là để đỡ thèm thuồng! Ðã thế hình như ban quản giáo ỷ y vào đồ thăm nuôi nên lặng lẽ rút bớt tiêu chuẩn cấp phát xuống. Tôi đói mà không kêu ca than van với ai được! Kêu ca với các cán bộ hoặc vệ binh ư? Lỗi tại mẹ và em tôi đi trễ chứ đâu phải tại tổ chức! Than van với bạn bè thì có khác nào xin khéo để buộc họ bố thí. Cụ thiếu tá đã trên 60 ăn uống nhỏ nhẻ và giỏi chịu đựng như đã từng chịu đựng cuộc đời 60 năm dài. Còn tôi, sức tôi còn trẻ. Tôi cần ăn nhiều. Tôi mới 24 tuổi. Nhưng lấy gì bỏ vào mồm bây giờ?
May cho tôi là khoảng ba tuần sau, tôi được chuyển sang toán làm rẫy!
Tôi xin nhấn mạnh ở chữ ÐƯỢC, vì làm rẫy bắp đúng là một ân huệ. Thung lũng Gia Rai đất đỏ phì nhiêu chẳng kém gì vùng Xuân Lộc, Long Khánh, nhưng vì thiếu nước nên chỉ làm rẫy được trong mùa mưa. Trước đây nhà nước có đưa dân lên lập một khu kinh tế mới, do các cán bộ chuyên viên qui hoạch lỡ quên vấn đề sống còn kém quan trọng là nước. Cũng có thể các chuyên viên ấy tin tưởng tuyệt đối vào ý chí con người: Không có nước ư? Thì hãy xắn tay áo lên, “vắt đất ra nước thay trời làm mưa”. Khổ nỗi mồ hôi của dân kinh tế mới không đủ tưới cây, và các cán bộ hướng dẫn lại không chịu đổ mồ hôi lao động, cho nên chẳng bao lâu khu kinh tế mới vỡ. Một số dắt díu bồng bế nhau trở về thành phố che lều ở bất hợp pháp ngay trên nền nhà cũ. Một số thành tiều phu. Ðàn bà con nít bán hàng rong, bán củi bó dọc theo đường xe lửa. Trên thung lũng gió hú chỉ còn lại đơn vị bộ đội lãnh phận sự quản giáo và các sĩ quan học tập cải tạo. Chúng tôi không được quyền giữ lại mồ hôi trong người. Mùa nắng phá rừng, mùa mưa tỉa bắp. Chẳng bao lâu hai bên đường xe lửa, từng nương bắp ngút ngàn lần lượt lấn chiếm cây rừng và những bụi gai dại. Dù là những tên tù bị cưỡng bách lao động, nhưng nhìn những chồi bắp vô tội nhú lên khỏi lớp đất đỏ, từng ngày theo dõi cách nó nức lá, trổ hoa, như trái, lòng người nào cũng nao nức rộn rã. Có thế chứ! Chúng tôi không phải là đồ phế thải. Có một niềm hãnh diện khắc kỷ trong lòng từng người, và chỉ cần có bấy nhiêu, chúng tôi cũng đủ sức mạnh tinh thần chịu đựng mọi gian khổ thiếu thốn.
Ðược đi rẫy tức là được đại diện anh em đón nhận trọn vẹn niềm kiêu hãnh thầm kín của kẻ thất thế. Nhưng ân huệ không chỉ là phần thưởng tinh thần. Nó còn là phần thưởng vật chất. Chúng tôi được chuyển về Gia Rai không bao lâu thì khách đi lại trên các chuyến xe lửa xuyên Việt dần dần biết chúng tôi là ai. Tin “lành” bay xa và vội, nên khi chúng tôi bắt đầu ra khu vực dọc theo đường xe lửa phá rừng thì nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Ban đầu chúng tôi tưởng mình bị đồng bào căm thù quăng đá như các bản báo cáo lên lớp của chính trị viên. Phản cách mạng, gây tội ác với nhân dân, ác ôn côn đồ, kẻ thù giai cấp, những kẻ dám quay ngược bánh xe tiến hóa tất yếu của lịch sử, chúng tôi quá xứng đáng lãnh nhận lòng căm thù của nhân dân tiến bộ. Xứng quá rồi. Nhưng ơ kìa! Chờ cho vệ binh đi tìm bóng mát, vài người lén lượm những viên đá căm thù đó lên, tâm trạng cay đắng như tử tội muốn được nằm ngửa để nhìn lần cuối lưỡi máy chém. Không phải đá! Chỉ là những bức thư chữ viết chi chít, nhiều lá còn nguyên các ngấn lệ, gói bên trong một hòn cuội nhỏ tròn trĩnh. Lời thư làm thơm thêm hương cuội. Rồi sau đó không phải chỉ có thư nhà: nào bánh ú, kẹo đậu phộng, mía hấp, cam quít. Một lần tôi lượm được cả cà phê sữa đá bọc bằng nhiều lớp ni lông dày. Thế này là thế nào? Những kẻ vô danh quăng đồ ăn thức uống cho chúng tôi biết rõ quà cáp gửi theo lối may rủi ấy rất ít may mắn đến được tay thân nhân. Nhưng họ vẫn gửi, tự ý gửi đồ thăm nuôi theo lối tự phát. Anh em chúng tôi xì xầm bàn tán về chuyện đó nhiều lắm. Người nhẹ dạ vô tư liền tin rằng đó là một hình thức phản đối chính trị. Một lời nhắn nhủ thâm trầm, tha thiết, cụ thể. Ði xa hơn, có người mắt sáng rỡ cho đó là một lời kêu cứu. Phần tôi không ngây thơ tin quàng như vậy. Tôi có quá ít tin tức bên ngoài, nên chỉ phỏng đoán cầm chừng. Tôi nhớ một lần đi chợ về, qua công viên lỡ thấy mấy cái xác du kích đã chương phình trên người chỉ có cái quần đùi đen và mo cơm thiu cột ở thắt lưng, mẹ tôi hớt hải về nhà thắp hương cúng Phật. Mẹ nghẹn không nói được gì hết, lâu lắm mới rơm rớm nước mắt lẩm bẩm “Mô Phật, tội nghiệp quá. Không biết con cái nhà ai? Chết thì thôi làm gì tội nghiệp vậy hỡi Trời!” Tôi cho rằng chuyện ném quà chỉ là biểu lộ của lòng bất nhẫn, ai không thương xót kẻ đã ngã ngựa. Lòng cao thượng, tinh thần hiệp sĩ, cốt tủy của bản tuyên ngôn nhân quyền, hay nền tảng của hội hồng thập tự quốc tế, có lẽ chỉ là cái ngọn của lòng lân ái đối với kẻ thất thế bất hạnh mà thôi. Mẹ tôi, những hành khách xe lửa, đã sống đúng với mơ ước của đấng tạo hóa, mơ ước được thấy tình thương thay thế cho hận thù, được thấy cây nhân sinh trổ toàn trái ngọt. Nếu đi xa hơn một chút, muốn khoác cho hành động đó mầu áo chính trị, thì có thể nghĩ thế này: chị hàng mía đi lậu tảo tần nuôi con dám quăng cả bọc mía chẻ sẵn cho chúng tôi vì vừa bị ông xếp ga đội mũ cối mang dép râu nạt nộ đòi quẳng xuống đường rầy. Chị khóc lóc năn nỉ, nhưng ông xếp ga quay gót thì chị đã quắc mắt nhìn theo. Giá chị có đủ quyền và đủ sức, chị đã quẳng “hắn” xuống đường sắt cho xe lửa cán dẹp như tờ giấy vấn thuốc. Nghĩ cho oai thế thôi chứ làm sao chị làm thế được. Không làm thế được thì làm gì? Chị đành quẳng bọc mía cho chúng tôi vậy! Lan man nghĩ ngợi như thế, tôi có thể thấy dấu tay của chị buôn hàng chuyến vừa vét cả vốn lẫn lời đóng thuế trên lớp lá thơm chiếc bánh ú, ngấn lệ người vợ đi thăm nuôi để nhận giấy báo tử trên miếng kẹo đỗ, dấu móng tay giận dữ của cậu bé lý lịch xấu vừa bị đuổi khỏi trường trên vỏ trái quít… Những liên tưởng đó có thể có thực, phải có thực. Nhưng từ đó thổi phồng thành một phong trào, hoặc một lời thúc giục, thì hơi quá! Quá đáng chẳng khác nào buộc AQ trở thành lãnh tụ công nhân như Lénine.
Tôi nghĩ nôm na như thế, nhưng chắc chắn ban quản giáo vốn quen suy nghĩ theo biện chứng pháp không nghĩ thế. Cái gì cũng thuộc vào hệ thống, biểu lộ nào cũng là hình thức rõ ràng hoặc tế vi của một kế hoạch, âm mưu. Hành động ném quà thay vì ném đá của hành khách các chuyến xe lửa thật đáng ngại. Làm gì? Phải chờ chỉ thị của cấp trên! Trong khi chờ đợi, từ cấp cao đến anh vệ binh làm ngơ giả vờ như không thấy gì hết.
Một lần lượm được hai cái bánh ú, tôi vừa thành thật, vừa tinh nghịch mời cậu vệ binh tuổi khoảng 19, 20 ăn. Tôi tinh nghịch muốn thử lại một bài toán đã biết đáp số, còn thành thật vì thấy khuôn mặt cậu hiền hậu quá, trên mép mới mọc lông măng và cái liếc nhìn về phía tôi có vẻ thèm thuồng. Một lính sữa vừa mới nhập ngũ sau ngày “giải phóng”, tôi đoán vậy. Thấy tôi chìa cái bánh ú về phía mình, cậu vệ binh lắc đầu quầy quậy:
- Không.
Rồi như sợ tôi hiểu lầm, anh ta thêm:
- Tôi no rồi. Anh ăn đi!
Câu nói thêm khiến tôi có cảm tình với anh vệ binh trẻ tuổi ngay. Hình như anh ta muốn xác định rõ: việc từ chối không phải là xác định lập trường, dứt khoát phân biệt bạn thù, kiên quyết theo con đường chính thống. Nó thuộc về phạm vi tiêu hóa, bạn thù đều có bao tử, thế thôi. Tôi bạo dạn đưa ra nhận xét:
- Anh từ chối cũng phải. Hôm qua bạn tôi kể một trường hợp tương tự. Em gái bạn tôi đang mang thai nhưng tính lém lỉnh y như thời con gái. Cô ta phải ì-ạch xách cái giỏ thăm nuôi nặng từ nhà ga vào khu tiếp tân. Cô nhìn quanh định nhờ vả, nhưng ai cũng lo phần mình cả. Cô ta bắt gặp một anh vệ binh trẻ đang nhìn cô, ánh mắt ngập ngừng, ái ngại. Cô đánh bạo nói: “Anh ơi, xách giùm cái giỏ cho em với!” Anh vệ binh chợt đổi mặt nghiêm lại đáp “Tôi là vệ binh, giúp cô sao tiện!”
- Nếu cô ta nhờ tôi, tôi cũng đáp y như vậy.
Một lần nữa tôi yêu sự chân thật của cậu vệ binh.
Tôi nói ngay không do dự:
- Tôi thích sự sòng phẳng của anh. Cũng như tôi thích sự thẳng thắn ruột ngựa của ông quản đốc. Hôm chúng tôi mới tới, ông ấy nói ngay: “Các anh là tù, tù chứ không phải cải tạo viên cải tạo viếc gì ráo trọi. Các anh phải răm rắp nghe lời. Ngày trước các anh làm cha rồi, bây giờ đến lượt chúng tôi làm cha, nghe chưa!” Ðấy, thà nói quách như vậy cho dễ xử trí với nhau. Hình như ông ta gốc Nam bộ thì phải?
Cậu vệ binh cười hô hố một cách thoải mái, tôi cũng cười. Bức tường vô hình ngăn cách giữa cai tù và phạm nhân biến mất. Cậu vệ binh bảo tôi nghỉ thêm một lát, rồi chân thành hỏi:
- Trong này gọi con rô-ti là con gì nhỉ?
Tôi ngớ ra, hỏi lại:
- Con rô-ti à?
- Phải, con rô-ti.
Tôi đáp liền:
- Có lẽ một loại súc vật mới lai giống, như trâu sữa Mura, heo Yorkshire. Nhưng anh thấy nó ở đâu? Hình thù thế nào?
Cậu vệ binh đỏ mặt, sau một hồi ngập ngừng mới đáp:
- Tôi đã trông thấy nó đâu! Hôm qua tôi được phân công kiểm soát đồ thăm nuôi. Một chị có chồng bên khu C biên vào tờ kê: “Gà rô-ti: 2 con”. Tôi hỏi: Gà có đây, còn con rô-ti đâu? Chị ta cười phá lên. Rồi cả khu tiếp tân đều cười.
Thú thật tôi ngượng quá, nhưng không hiểu tại sao.
Tôi nhìn cậu vệ binh, ái ngại. Tôi thấy thương cậu như thương một đứa em hiền lành. Không sợ cậu tự ái vặt, tôi giải thích cho cậu ta hiểu. Cậu đỏ mặt, gật gù:
- À ra thế! À ra thế!
Ðể vớt vát, cậu than:
- Nhưng việc gì phải dùng chữ Pháp cho rắc rối. Nói gà quay, có tiện hơn không. Trong này lai căn đến kỳ!
Tôi công nhận cậu vệ binh nói đúng. Lỗi không phải ở cậu. Tôi nghĩ cái cười ở khu tiếp tân cũng giống như hành động ném quà của chị hàng mía, chị buôn hàng chuyến, cậu học sinh mất học… Cậu thay mặt ông xếp ga, chú thu thuế trên xe lửa, cán bộ tổ chức tuyển sinh, để đưa lưng chịu đòn hội chợ. Tôi bị đà cảm tình lôi cuốn đến nỗi tỏ ra bất công với chị nhà giàu dám mang cho chồng một lúc hai con gà quay. Tôi nói lúc bụng bắt đầu cồn cào:
- Anh nói phải. Việc gì phải xài mót thứ tiếng Tây lỗi thời! Có lẽ trước đây hai cô cậu đều học trường Tây cả, cậu ở Rousseau, còn cô thì Marie Curie. Trong nhà ăn toàn muỗng nĩa, cha con gọi nhau bằng “toa moa”. Họ không hề biết Nguyễn Du là ai, nhưng thuộc lòng thơ Ronsard như cháo. Tại sao trước kia họ sướng, mà bây giờ họ vẫn còn tiếp tục xé gà quay ăn với bánh mì sandwich nhỉ?
Tôi giật mình tự thẹn. Quá lắm rồi! Chẳng lẽ cái bụng cồn cào đã xui tôi đến chỗ hận thù nhỏ nhen thế sao? Nước dãi tôi trào ra khi nghĩ đến hai chú gà quay vàng rộm béo ngậy. Tôi liếc về phía cậu vệ binh. May quá, ánh nhìn thân thiện của cậu khiến tôi yên tâm. Cậu không cười mỉa mai xem tôi như một kẻ phản bạn bần tiện. Cậu ta nhìn tôi như nhìn một kẻ đồng cảnh ngộ. Lúc đó có hai cán bộ quản giáo đi tới. Cậu ta bảo tôi tiếp tục làm cỏ bắp. Từ đó về sau, tôi không có dịp nói chuyện với anh ta nữa. Vô tình gặp nhau ở đâu đó, chúng tôi mỉm cười chào nhau, ngầm thông cảm.
Mùa bẻ bắp đã tới. Ban quản giáo phân công rất đông anh em học tập cải tạo chúng tôi đi gác rẫy. Sự khác thường ấy lại khiến cả trại xôn xao bàn tán. Làm gì có chuyện ly kỳ đến thế? Ban ngày được ra làm cỏ bắp đã là một ân huệ. Bây giờ ban đêm dám cử chúng tôi ra khỏi trại giữ bắp? Giữ ai đây? Khỉ chăng? Ðuổi heo rừng chăng? Bộ đội có súng còn chưa giữ được huống chi chúng tôi! Chỉ có một lối giải thích độc nhất: chúng tôi sắp được cho về, và ban quản giáo muốn thử thách lập trường của chúng tôi trước khi lựa chọn. Mừng hơn cả thuở bé đón mẹ về chợ! Anh em chúng tôi tự tin sẽ vượt thử thách một cách dễ dàng. Nhờ có đồ thăm nuôi, chúng tôi không bị đói như trước. Trong xắc còn mì khô, cốm dẹp, gạo sấy, lại sắp được về, việc gì phải đi ăn trộm bắp rẫy của nhà nước cho mang lụy vào thân?
Ðêm ấy tôi đi gác với một người nữa. Hai chúng tôi chịu trách nhiệm nặng nhất: canh chừng rẫy bắp sây trái ở sát mé rừng rậm phía nam. Sau khi bắt thăm, bạn tôi may mắn chịu trách nhiệm từ 7 giờ tối đến khuya. Tôi từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Tôi nằm chờ đến phiên mình bên đống lửa lập lòe, vừa lạnh vừa đói không sao ngủ được. Tôi phải bò dậy ra nói đủ thứ chuyện đầu cua tai nheo với bạn tôi. Ðến khuya, có lẽ chưa đến 12 giờ, bạn tôi buồn ngủ quá giao phận sự lại cho tôi. Tôi sẵn sàng nhận lời với chủ tâm xấu. Hãy ngủ say đi, anh bạn! Hãy nằm ôm đống lửa cho ấm. Ngoài kia nếu cần tôi sẽ nhen đống lửa khác! Bạn tôi cảm ơn tôi rối rít. Chờ cho bạn ngủ xong, tôi… tôi làm chuyện gì, chắc các bạn đoán ra rồi. Tôi hổ thẹn không dám kể thẳng. Tôi đó, tôi yếu đuối, tôi không đủ ý chí qua cơn thử thách, hãy thông cảm cho tôi. Nếu chuyến tàu chợ Sài Gòn-Phan Thiết đến Gia Rai không trễ, tôi đã có đủ cơm gạo để nuôi sống ý chí!
… Tôi đang cố len sâu để bẻ vài trái bắp đem nướng thì nghe có tiếng sột soạt phía trước. Tôi chùn lại, thu mình im lặng. Không nghe thấy gì! Có lẽ tại gió rừng dữ quá! Yên tâm, tôi bẻ liên tiếp ba trái bắp. Tiếng lá va chạm nhau, tiếng cuốn bắp gãy khỏi thân mẹ như được khuếch âm vang xa khắp thung lũng. Hình như vì tình liên đới mà khắp nơi mọi cây bắp đều xào xạc thương cảm. Nhưng ơ kìa! Tại sao trước mặt tôi cũng có tiếng lắc rắc và tiếng lá bắp chạm? Tôi cố giữ yên lặng, phía trước lại yên lặng. Tôi kiên nhẫn chịu kiến cắn ngồi yên thật lâu thì nghe rõ mồn một tiếng thân bắp gãy: ai ăn trộm bắp nhà nước thế này? Tôi. Dĩ nhiên trước tiên tôi là thằng “chủ tâm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa với đầy đủ dự mưu”. Nhưng ngoài thằng tôi ra còn ai nữa. Các bạn tôi chăng? Không có lẽ. Họ được thăm nuôi no đủ, đi gác còn bọc theo bánh mì khô để nhai cho vui miệng. Tình cảnh tôi thật khó xử. Thằng ăn cắp hô hoán để cảnh sát bắt một thằng ăn cắp khác, thì có khác nào kê họng súng vào đầu tự vận! Nhưng ai? Ai? Ai? Không chịu đựng được sự mơ hồ, tôi se sẽ vạch lá bò về phía có tiếng động. Trí tôi hoang mang cực độ, thế mà bàn tay trái của tôi, a tòng với bao tử vẫn không chịu buông ba trái bắp. Cho nên khi sững sờ chạm mặt với bóng đen phía trước, tôi đang quả tang phạm pháp. Sợ quá tôi ù té chạy. Bóng đen cũng chạy, khác hướng. Về chỗ nhóm lửa, tôi run cầm cập, dáo dác nhìn quanh. Nhìn về phía bạn tôi, bạn tôi vẫn ngủ yên. Phía bóng đen, chỉ có đêm và gió núi. Nhìn lại mình. Trời hỡi! Tay trái tôi còn nắm chặt ba trái bắp. Chỗ nhóm lửa, gặp khoảng củi khô nên ngọn lửa đột nhiên bùng sáng. Ðúng là thứ ánh sáng đáng ghét của công lý và lương tâm! Tôi bậm môi lại, đâm liều, đã trót thì trét! Tôi vùi ba trái bắp vào đống lửa đỏ, tôi đói quá, tôi lấy quyền được ăn để tự cho phép. Trái bắp đầu, tôi chỉ cạp vài cái là hết. Trái thứ hai tôi ăn từ tốn hơn, cẩn thận lấy tay lảy hết những hạt còn sót cho vào miệng. Ðang lảy chầm chậm theo hàng dọc trái bắp thứ ba, vừa nhai vừa thưởng thức vị ngọt của chính mồ hôi mình, thì tôi thấy một bóng đen tiến lại gần. Các bạn khỏi phải lo âu giùm tôi. Chính cậu vệ binh hôm nọ! Biết rõ chính tôi đang canh lửa, cậu ta mang bắp đến nướng nhờ. Còn cách biểu lộ lòng tin cậy nào trọn vẹn và cao cả cho bằng!
Chúng tôi cảm động cầm lấy tay nhau. Ánh lửa rừng soi đôi mắt rớm lệ của anh, và nhờ cảm giác nhột nhạt ở đầu mũi, tôi biết mình cũng sắp khóc.
Tôi phân bua trước:
- Kỳ thăm nuôi vừa rồi, mẹ và em tôi lên trễ. Kẹt quá!
Cậu vệ binh thì kín đáo hơn:
- Ðược ăn bắp chính mình trồng, ngon đấy chứ.
Giành quyền làm chủ ngang xương như vậy, kể cũng bạo! Cậu ta mời tôi thêm trái nữa. Tôi e dè nhìn về phía người bạn tù. Cậu vệ binh cũng lo ngại. Chúng tôi không hẹn mà cùng quay lưng về phía bạn tôi, rồi mới mời bắp nhau. Khi đã khá no, cậu ta hỏi:
- Sao hôm ấy anh không tìm gặp tôi?
- Lúc ấy tôi đã quen với anh đâu! Vả lại…
- Vả lại thế nào?
- Vả lại nếu có quen cũng không dám nhờ. Ông ấy dữ quá.
- Ông nào dữ?
- Cái ông giữ phần kiểm soát giấy thăm nuôi trên khu tiếp tân. Ngồi ở cái bàn sát cổng vào.
- Nhiệm vụ ấy luân phiên, anh nói thế khó xác định lắm.
Có phải cậu thanh niên nói giọng Bùi Chu?
- Không. Ông này khá lớn tuổi. Khoảng trên 30.
- Ông ta có cái sẹo dài trên trán?
- Không. Hình như ông ấy bị đau mắt, phải mang kính râm.
- A, ông Lâm đấy. Có phải ông ấy nói tiếng Nghệ?
- Phải.
Cậu vệ binh bật cười:
- Anh suýt rờ tổ kiến rồi. Hôm ấy anh bị xát xà phòng ghê lắm phải không?
- Không, tôi lén đứng ngoài nhà trạm để nghe. Một số thân nhân lên trễ sau giờ thăm nuôi, trong đó có mẹ và em tôi. Nằn nì mãi, ông ấy vẫn không chịu.
- Ông ấy nói sao?
Tôi cố ý thêm mắm muối cho chuyện đậm bi đát:
- Ông ấy chỉ tay về phía chúng tôi hằn học nói: “Chúng nó toàn bọn ác ôn có nợ máu nhưng đi học tập còn có ngày về. Còn tôi đây nhập ngũ từ hơn hai mươi năm, biết bao giờ mới được nhìn lại mặt vợ con”.
Cậu vệ binh chồm về phía tôi hỏi vội:
- Từ bao lâu? Ông ấy nhập ngũ từ bao giờ?
- Từ năm 1956!
- Năm nay ông Lâm 34. Chẳng lẽ mới 13 tuổi đã làm nghĩa vụ quân sự à.
- Chẳng lẽ ông ta nói dối!
- Không nói dối. Chỉ nói quá! Ông ấy đi B năm 1969, lúc vừa lấy cô vợ làm mậu dịch viên. Ði một lượt với anh cả tôi, lầm lẫn sao được. Ông ấy còn nói gì nữa?
Tôi tiếp, vẫn thêm chút gia vị:
- Ông ấy còn nói: “Các người ở Sài Gòn ăn sung mặc sướng lên thăm nuôi chúng nó giỏ này giỏ nọ, xách đến trật xương vai. Tiền thăm nuôi tốn nghìn này nghìn khác. Còn vợ tôi đây không đủ tiền gửi cho tôi mấy miếng kẹo lạc”.
- Bà ấy bán ở cửa hàng mậu dịch thiếu gì kẹo lạc. Chỉ tại bà ấy không muốn gửi ấy chứ!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao thế?
- Thong thả đã. Ông ấy còn nói gì nữa?
- Ông ấy còn bảo vợ biết chồng đóng quân ở đây từ bao năm mà không thể mua nổi cái vé hạng chót để vào thăm.
- “Không thèm” mua chứ không phải “không thể” mua!
- Tại sao thế?
- Ông vừa được phép về thăm nhà tháng 12 năm ngoái.
- Sao ông ấy bảo suốt bảy năm trường vợ chồng chưa được gặp mặt?
- Ông ấy về lần trước năm 1970 sau khi bị thương ở mắt phải. Tính từ đó đến nay đúng bảy năm. Lần sau có mà như không. Cho qua cũng phải, anh ngạc nhiên chứ gì? Ðể tôi kể anh nghe. Năm ngoái, chờ đợi sốt ruột suốt một năm rưỡi sau ngày “giải phóng”, ông Lâm mới nắm được tờ giấy phép. Ðời bộ đội kham khổ, anh hiểu. Ông ấy dành dụm bao nhiêu năm được 200 đồng, trước khi về phép quá giang xe đơn vị về Sài Gòn để mua một ít quà cho vợ. Những thứ rẻ tiền thôi: cái gương soi hình trái tim, một tá kẹp tóc, hai cái nịt ngực may ở Chợ Lớn chóp nhọn hoắc như nón khỉ, một cái khăn thêu, kim chỉ, quần lót và cái ống bơm xe đạp. Trước khi lên xe lửa, ông ấy dàn ra khoe mọi thứ với tôi. Thấy ông ta hí hửng quá, tôi không dám nói hơn phân nửa những thứ ông mua đều là đồ giả. Thấy ông lăng xăng thấp thỏm, tội nghiệp lắm. Ông ấy còn giở kính đen nhờ tôi xem con mắt bị thương có bị lé không. Tôi bảo không hề gì. Ông yên tâm ra ga. Bọn chúng tôi thì không yên tâm chút nào. Trước đó đã có nhiều lời xì xầm, nhưng chúng tôi nửa tin nửa ngờ. Mà dù có tin thật cũng không dám nói gì với ông ấy. Hạn về phép là một tháng. Tinh thần phục vụ xứng đáng với cái phép đặc biệt ấy. Ông ta về chưa được mười ngày đã vào. Anh em kín đáo quan sát thái độ ông Lâm, thấy rõ những lời đồn đại không phải hoàn toàn bịt đặt. Ông vẫn giữ vẻ trầm tĩnh nghiêm túc như trước kia, nhưng hay cau có gắt gỏng hơn. Chuyện vặt bằng một sợi tơ ông ta cũng giận. Anh em nhịn làm lành, ông ấy càng giận hơn. Ông ấy không chịu được lòng thương hại. Không ai bắt chuyện được với ông ngoài tôi, anh có biết chuyện gì đã xảy ra ngoài Nghệ không?
Ông ấy đến ga Vinh xuống đi thêm nửa ngày xe khách nữa mới đến quê nhà. Hăm hở vào cổng thì nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc. Ông ấy khựng lại, không dám tin trí nhớ của mình. Nhưng rõ ràng đây là căn nhà hai vợ chồng. Cái sân gạch ấy, mái tranh ấy, cái cửa sổ ván tạp sơn xanh ấy, giàn hoa lý vẫn như cũ tuy bây giờ rườm rà và tiêu điều hơn. Một người đàn bà quàng khăn sản phụ từ nhà trong bước ra: “Ðúng là chị mậu dịch viên vợ anh”. Chị cũng ngó ra. Hai vợ chồng bàng hoàng nhìn nhau, chưa biết phải làm gì, nói gì. Tiếng trẻ thơ khóc càng thống thiết hơn, âm thanh chói chang xoắn vào lỗ tai ông ấy. Chị vợ chộp ngay cơ hội nói mau: “Anh mới về! Cho em vào ru con chút”. Ông ấy cảm thấy lơ lửng, không dám bước tiếp bước nào. Trong nhà, chị vợ à ơi hát ru:
… Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Tôi xúc động vội hỏi:
- Làm sao anh biết chuyện đó?
- Chính ông Lâm kể cho tôi nghe vào một đêm ngồi ăn bắp nướng như tôi với anh đêm nay. Khỏi cần dặn anh cũng biết không nên kể lại chuyện đau lòng này cho ai khác. Tôi phải kể cho riêng anh, để anh khỏi oán ông ấy. Từ lâu, tôi vẫn nghĩ lẩn thẩn: không biết người nghệ sĩ nhân dân nào đặt ra hai câu ca dao đó (để hát trống quân đêm rằm hay hát quan họ hội Lim) có tiên đoán tác phẩm của mình về sau lại được sử dụng vào hoàn cảnh oái oăm như thế không? Tôi nghĩ rằng có, vì đôi mắt nghệ sĩ có thể nhìn suốt chín cõi. Kể cả cảnh hai chúng ta lén ăn bắp nướng, phải không?
Nguyễn Mộng Giác
Nguồn http://nguyenmonggiac.info/
Ngựa Nản Chân Bon
Re: Ngựa Nản Chân Bon
Re: Ngựa Nản Chân Bon
-
Trở lại gánh xiếc
Viết bởi Nguyễn Mộng Giác
Tôi do dự khá lâu mới lấy đủ bạo bước vào trụ sở Hội văn nghệ. Khuôn viên rộng có thảm cỏ xanh và bóng cổ thụ. Biệt thự giữ vẻ bên ngoài cổ kính nhưng bên trong đầy đủ tiện nghi của cuộc sống Mỹ: máy điều hòa không khí, bộ salon uy nghi đồ sộ bọc nhung, tranh tĩnh vật, nền trải thảm len mầu rêu... Hình như đây đúng là biệt thự của bà mẹ ông Thiệu. Giữa phòng khách mênh mông có kê hai cái bàn gỗ ván ép có lẽ được khuân từ nhà bếp lên. Hai cán bộ mặc quần áo bộ đội ngồi tiếp khách trên ghế dựa gỗ cẩm lai. Một chân họ đè lên chiếc dép râu, chân kia gác lên ghế theo thói quen đặc biệt ở rừng.
Người ngồi bên phải cắm cúi viết, trước mặt có ba bốn người khách ăn mặc kiểu thành phố đang ngoan ngoãn chờ.
Tôi tiến về phía bàn bên trái vì cán bộ giữ phận sự đăng ký đang tươi cười tiếp chuyện một anh ca sĩ tôi có quen.
Anh cán bộ rít một hơi thuốc lào rồi ngửng lên hỏi tôi:
- Chắc anh đến đăng ký?
Tôi nuốt nước bọt rồi đáp:
- Vâng.
Anh cán bộ ngồi ngay ngắn trở lại như chuẩn bị viết, hỏi tôi:
- Anh ở ngành nào?
Tôi ấp úng chưa biết trả lời sao cho đúng. Anh ca sĩ chen vào nói:
- Ông ấy chuyên làm xiếc đấy mà! Ðột nhiên tôi nổi giận. Tôi cãi lại:
- Không! Tôi là nhạc sĩ chuyên đàn vĩ cầm. Anh ca sĩ không chịu nhượng bộ:
- Tôi chỉ thấy anh chuyên làm xiếc ở các đại nhạc hội. Không phải anh thường lộn ngược người trồng chuối trên cái gối đỏ để kéo vĩ cầm hay sao? Kia kìa, anh vẫn còn giữ hai cái kim găm ở ống quần. Tôi nói có sai đâu!
Tôi đau đớn vì hổ thẹn. Nếu có thể độn thổ được như trong chuyện Phong Thần, có lẽ tôi đã làm rồi. Phải. Anh bạn ca sĩ nói đúng. Trước đây tôi kiếm ăn bằng nghề làm xiếc. Tuy tôi có kéo vĩ cầm đấy nhưng cái thế trồng chuối lạ mắt lúc đàn, không thể chối cãi được, đúng là tiết mục xiếc. Tôi có muốn thế đâu! Tôi đã từng nổi tiếng thần đồng âm nhạc ngay từ tấm bé. Sáu tuổi tôi đã chơi vĩ cầm cho giàn nhạc giao hưởng thành phố. Bảy tuổi, cả giàn nhạc gần 40 người đệm đàn cho tôi độc táu. Tám tuổi, tên tôi viết lớn bằng chữ đỏ trên các bích chương quảng cáo, ngay bên cạnh tên Chopin, Beethoven, Bach. Rồi những đêm lạc phúc bất tận với chiếc áo đuôi tôm kim tuyến và những vòng hoa. Danh vọng, tiền bạc đến với tôi quá sớm. Nhưng càng lớn lên, tôi càng thua thiệt. Tôi chỉ là thần đồng âm nhạc khi ôm chiếc đàn bé bỏng đi lạc vào thế giới người lớn và nhắm mắt say đắm với tác phẩm các thiên tài. Khi đã lớn lên rồi, tôi trở thành tầm thường không có gì đáng chú ý. Vì vậy tôi đã phải tìm cách để thỏa mãn óc hiếu kỳ quái ác của khán giả. Bao nhiêu năm trời tôi âm thầm chịu đựng đau đớn, nhiều hôm nước mắt ràn rụa ướt trán để cắn răng trồng chuối lên chiếc gối đỏ và tiếp tục đàn vĩ cầm. Năm 17 tuổi tôi “tái xuất giang hồ” và lại được hoan nghênh như một tài tử xiếc. Khổ nỗi khán giả lại mau nhàm cái trò lạ của tôi. Diễn lần thứ 20, khán giả còn vỗ tay. Diễn lần 30, vỗ tay rời rạc chen lẫn tiếng huýt sáo. Ðến lần thứ 40 thì bị la ó. Tôi lại cắn răng chịu đau đớn tìm trò lạ mới, và trước hôm “giải phóng”, tôi trình diễn ở đại nhạc hội tiết mục cuối cùng: vừa trồng chuối để tấu nhạc Chopin, vừa dùng hai bàn chân chuyền một quả bong bóng ngũ sắc. Thói quen dùng kim găm chặt ống quần vào bít tất là méo mó nghề nghiệp do phải lộn đầu làm xiếc lâu năm của tôi. Ngoài các buổi trình diễn, tôi phải chuẩn bị sẵn sàng để làm trò chào hàng các ông chủ rạp hát béo phệ. Hai cái kim găm từ lâu trở thành đồ nghề của tôi, như chiếc vĩ cầm và cái gối nhung đỏ. Trời hỡi! Tại sao đúng vào hôm nay, hôm đến đăng ký ở hội văn nghệ giải phóng để sinh hoạt như một nhạc sĩ vĩ cầm, tôi lại hớ hênh găm thêm hai chiếc kim định mệnh.
Anh ca sĩ vẫn mỉm cười chế giễu tôi. Anh cán bộ kiên nhẫn dừng bút chờ đợi. Tôi cố vớt vát lần cuối khi phân bua:
- Tuy tôi phải lộn đầu làm xiếc vì cơm áo, nhưng ý nghĩa đời tôi, niềm kiêu hãnh thầm lặng của tôi là cây đàn. Hai chân tôi chuyền quả bóng, nhưng hồn tôi giao trọn cho âm nhạc. Tôi là nhạc sĩ, tôi không phải là anh hề gánh xiếc. Anh cán bộ suy nghĩ một lúc, rồi chậm rãi nói:
- Như vậy thì anh nên đăng ký vào phân hội âm nhạc. Tôi mừng quá, suýt chút nữa lộn ngược trồng chuối để cảm ơn anh cán bộ như đã từng làm để cảm ơn mấy ông chủ béo phệ, tôi dừng lại kịp. Tôi khỏi phải chào hàng ai nữa. Từ đây tôi có thể yên tâm nghiêng đầu bên cây đàn vĩ cầm yêu dấu của tôi, để nghe những lời tâm sự thầm thì của Bach!”
Ðọc xong truyện ngắn đăng năm 1976 trên tạp chí văn nghệ thành phố, chàng bồi hồi tiếc nuối. Tiếc cái gì, chàng chưa định rõ. Có cái gì đẹp lắm của quá khứ đã tan đi, như một lần chàng vô tình gặp lại người yêu đầu đời với một nhan sắc đã tàn phai.
Người đàn ông trước mặt vẫn kiên nhẫn đợi. Chàng nhìn kỹ người khách lạ lần nữa. Tóc hoa râm, khuôn mặt hốc hác và nụ cười vừa khinh miệt vừa cay đắng. Ông ta đến đây làm gì? Tại sao ông ta mang tờ tạp chí cũ đến khẩn khoản xin chàng đọc lại cái truyện cũ của chàng! Khách lạ không chờ thêm được nữa, lên tiếng hỏi:
- Ông chưa nhận ra tôi ư?
Chàng ngập ngừng, nói lơ mơ:
- Tôi nhận ra chứ, nhưng không ngờ qua mới có mấy năm...
Khách lạ mừng rỡ cắt lời chàng:
- Phải. Ông không ngờ mà tôi cũng không ngờ. Tôi già đi nhiều. Ông không nhận ra cũng phải. Năm 1975 lúc tôi kể chuyện mình để ông viết truyện ngắn này, tóc tôi còn xanh. “À, té ra thế. Tôi nhớ ra rồi”. Chàng thầm nghĩ. Nhìn kỹ khách lạ lần nữa, chàng bắt đầu nhận ra đôi mắt ấy, cái hàm bạnh vì “lao lực” ấy, nụ cười ấy... Chàng nhìn xuống ống quần người khách. Ông ta hiểu, hỏi chàng:
- Ông tìm đôi kim găm chứ gì?
Bị bắt quả tang lúc đang làm một việc thiếu tế nhị, chàng bối rối đỏ mặt. Ông nhạc sĩ vĩ cầm xua tay nói:
- Ông khỏi cần áy náy. Tuy tôi không cẩn thận cài kim vào ống quần, nhưng tôi vẫn làm xiếc đấy. Không chờ chàng hỏi, ông ta tiếp:
- Hồi ấy tôi sinh hoạt bên ngành nhạc một thời gian, sau đó “phòng tổ chức” khuyên tôi nên trở lại ngành xiếc. Vì ở đâu cũng là phục vụ, tôi vâng theo.
Chàng hỏi:
- Ông vẫn biểu diễn tiết mục nhồi banh đấy chứ?
- Không. Tôi tưởng khi không tìm thấy đôi kim găm, ông đã đoán ra. Gần đây tôi biểu diễn mục “vừa đi dây vừa kéo đàn”. Chán lắm, tuy các anh bên Tuyên huấn rất bằng lòng.
- Vì sao chán ạ?
- Trồng chuối tuy đau đầu nhưng còn có đôi chân giữ thăng bằng, mình chủ động được. Ði dây thì phải luôn luôn hồi hộp lo lắng, như mộng du giữa phải trái, thực giả, trong lúc đôi tay bận bịu với cây đàn. Tôi xanh xao sa sút đến thảm hại vì vậy. Tôi đến đây để xin ông chắp thêm cho cái truyện cũ một cái đuôi. Tôi van ông, chịu khó viết thêm cho. Nếu không, tôi phải mang tiếng là người dối trá.
Thấy ông khẩn khoản quá, chàng làm vừa lòng ông ta vậy!
Nguyễn Mộng Giác
Nguồn http://nguyenmonggiac.info/
Re: Ngựa Nản Chân Bon
-
Một mảng mây bay
Viết bởi Nguyễn Mộng Giác
Chiếc thuyền vượt biên cập bến đảo Kuku chiều hôm đó có một cô gái khoảng 16, 17 tuổi được nhiều người chú ý, không phải vì cái nhan sắc thường thường bậc trung của cô! Tóc thề hơi rối thả đến nửa lưng, mặc cái quần lụa đen đã cũ và chiếc áo sơ mi mầu nâu đã dỉ mồ hôi, tay xách cái túi vải nhỏ may bằng bao đay loại thông dụng ở Sài Gòn, cô không có điều gì đặc biệt để bắt mắt. Cô được chú ý nhờ vẻ dung dị lạc lõng giữa những cô gái ăn mặc sang trọng quần jean áo polo đi cùng chuyến, và vẻ mặt bơ vơ ngơ ngác khi mới lên bờ. Lúc mọi người đã được bác sĩ khám bệnh tổng quát và đứng chờ đăng ký vào sổ nhập trại trước văn phòng cầu tàu, cô đứng riêng một mình, buồn rầu nhìn quanh đảo. Mặt biển màu bạc hiệp với màu bầu trời mênh mông lấp mất con đường về.
Rừng rậm trước mặt lặng lẽ và âm u như tương lai. Những túp lều của dân tị nạn đến trước nằm dọc theo bãi cát, mái lều và tường che gió chằm vá chểnh mảng bằng lá dừa và vải bạt ni lông mầu xanh lá cây do cơ quan UNICEF cấp. Cuộc sống tạm bợ buông thả hiện rõ trong cảnh những lon đồ hộp rỗng nằm vương vãi quanh các lều, lá vàng rơi rụng trên lối đi, thân cây rừng vỏ xám xù xì chôn chân xuống cát chống đỡ những căn lều nghiêng và cách ăn mặc của đám người tò mò bu quanh những người bạn mới. Theo thủ tục, cô phải chờ những hộ gia đình ghi danh trước rồi mới đến lượt mình. Cô thuộc loại hộ độc thân, hộ độc thân độc nhất của thuyền CN 1234. Cô là con số lẻ thừa thãi của chiếc thuyền ba mươi mốt người. Cho nên khi lãnh lương thực, ba mươi người cùng đi với thân nhân vác nguyên ba bao bố lương thực mỗi bao chứa sẵn 10 khẩu phần. Cô được trao một bao ni lông khẩu phần lẻ. Lên bệnh viện lãnh đồ đạc cá nhân, cô lại lãnh riêng một chiếc chiếu, một cái mền bông hiệu Trung Quốc, một cái đèn dầu hỏa, kèm theo bao ni lông khác chứa đôi dép Nhật màu vàng cỡ lớn, ống kem đánh răng hiệu Prodent, cục xà phòng thơm Novia, hai bánh xà phòng giặt, cái gương tròn, lược và cái bót đánh răng màu đỏ.
Sự đơn độc bắt đầu gây bối rối bẽ bàng khi trở lại nhà kho UNHCR để lãnh dụng cụ nấu ăn. Mỗi đơn vị năm người được phát một cái xô nhựa đựng nước, hai cái son, một cái vá dài, hai cái vá cán ngắn, năm cái bát gỗ dán ép màu nâu và năm cái muỗng thiếc sơn màu lá cây. Ba mươi người may mắn kia mau chóng chia thành sáu cái bếp nấu ăn chung. Cô lại trở thành người thừa thãi. Những người đồng hành e ngại nhìn cô, định giá bộ quần áo cũ, đoán non đoán già những thứ núp kín trong cái túi đay nhỏ và nhẹ. Những gì sượng sùng giấu mặt chứ không phơi mình khoe khoang tất nhiên chẳng được bao nhiêu tiền. Người ta sợ phải bao bọc nặng nợ một cô gái nghèo. Bếp này đưa nhường “phần ưu tiên” cho bếp kia. Tình thế đang khó xử thì một cậu thanh niên khoảng 24, 25 tuổi từ căn lều gần đấy cầm đôi dép Nhật màu xanh cỡ nhỏ số 9 ra vồn vã hỏi cô:
- Ðôi dép của em số 10 phải không? Cô định xé bọc ni lông để xem số trên cái quai dép, cậu thanh niên đã ngăn lại:
- Khỏi cần. Anh nhìn qua cũng biết là số 10. Mang không vừa đâu. Anh có đôi số 9 mang chật lắm. Chịu đổi không?
Họ thỏa thuận với nhau nhanh chóng, ai cũng cho rằng mình may mắn. Dường như cảm thấy mình thiếu sòng phẳng vì đôi dép nhỏ số 9 hơi cũ, cậu thanh niên ân cần hỏi thăm:
- Em đã tìm ra chỗ ở chưa?
Cô gái nhìn quanh khắp các cô bạn đồng hành. Ai cũng tránh nhìn cô, sợ phải khó xử trước cái nhìn van lơn, chới với. Cô tủi thân rơm rớm nước mắt. Cậu thanh niên vội nói:
- Nếu chưa có chỗ hãy đến lều bọn này. Chỗ nằm con em gái anh còn rộng. Ðồng ý nhé? Ba mươi người kia cùng reo lên:
- Phải đấy. Cô về đó cũng tiện.
- Lều chúng tôi cũng ở gần đây thôi. Em đến nhận phần chén bát đi.
- Nếu cần liên lạc gì, chúng tôi sẽ xuống cho cô hay liền!
Nếu cô gái không tức giận lừ mắt nhìn quanh, có lẽ họ còn nói nhiều nữa. Cô nhìn đống mền chiếu và lương thực dưới chân mình, nhìn biển mênh mông và rừng trùng điệp, đưa tay gạt mồ hôi trán, do dự một lúc, rồi gật đầu. Từ căn lều kế cận nổi lên nhiều tiếng cười ồ. Ai đó đằng sau bức tường vải bạt la lớn:
- Tài thật, thằng Minh lại trúng mánh rồi!
Một người khác có giọng nói khao khao:
- Thế là mất toi đôi dép. Ðứa nào còn để dành dép nhựa Sài Gòn cho tao mượn với! Cô gái biết mình vừa sa vào một thứ bẫy nào đó. Cô quay lại nhìn các bạn đồng hành cầu cứu. Họ đang cười nham nhở. Giận quá, cô mím môi cúi xuống ôm đống đồ đạc, đi theo cậu thanh niên tên Minh.
*
Từ khi có người đẹp tên Eve, Adam người đàn ông đầu tiên ở vườn Ðịa Ðàng mới biết cảm ơn Thượng Ðế vì Ngài đã sáng tạo ra loại lá nho to bản. Từ khi Thương về ở căn lều xập xệ ấy, năm cậu thanh niên chủ nhà mới bắt đầu biết thẹn. Người đầu tiên là Minh. Thương vừa đặt đống chăn màn đồ đạc xuống cái sạp ghép bằng thân dừa, Minh đã nói:
- Anh phải xin lỗi em trước, nếu không, em sẽ nghĩ tụi này là một bọn mất dạy. Không. Ðây chỉ l à một trò đùa không có ác ý. Tụi này đang than nhà thiếu bàn tay đàn bà nên bề bộn dơ dáy quá, thì thuyền của em tới. Tụi này theo dõi từ đầu đến cuối, thấy cả đám chỉ một mình em đi cô độc.
Thằng Vĩnh gợi ý nên rủ em về ở chung. Nó nói cho vui vậy thôi, nhưng bàn tán một hồi, cuối cùng tụi này đi đến chuyện thách thức. Ai mời được em về đây? Nếu có người làm được thì cả bọn bất tài còn lại chịu mất gì? Thằng Vĩnh có sáng kiến đầu tiên, nên sẵn sàng chịu mất đôi dép Nhật để làm phần thưởng, anh đã được cuộc. Phải xin lỗi em trước, vì anh nói dối một điểm nhỏ cho em yên tâm về đây: anh không có cô em gái nào cả. Lều chỉ có năm đứa con trai lười như hủi, và nghèo mạt rệp. Không đứa nào ra đi mà đem theo được một phân vàng hộ thân. Ðấy, anh đã nói tất cả sự thật. Bây giờ tùy em định liệu.
Bốn cậu trai còn lại thấy Thương thất vọng xịu mặt và lo âu nhìn căn lều bừa bộn dơ dáy, nên vội lên tiếng van lơn thành thực:
- Cô ở lại với chúng tôi đi.
- Cô đừng ngại. Chỉ vì chúng tôi chán, nên nhà cửa mới ra nông nỗi. Nếu cô muốn, chỉ nháy mắt là khá lên ngay.
- Cô đừng thấy mấy bộ mặt cô hồn mà đâm sợ. Anh em chúng tôi, trước khi đến đây, không ai quen ai. Chỉ vì đều là dân cầu bơ cầu bấc nên mới tìm đến ở với nhau mà thôi.
- Chúng tôi không để cho cô nhọc thân về chuyện chợ búa bếp núc đâu. Chúng tôi tự làm lấy cả. Cô chỉ việc làm cây cảnh cho đẹp cửa đẹp nhà. Cô ở lại với chúng tôi nhé?
Nghe họ cầu khẩn tha thiết quá, Thương bắt đầu mềm lòng. Nhưng sợ họ khinh, nên cô nói vớt:
- Một mình em là gái, ở đây, thấy bất tiện lắm! Minh vội chỉ tay về phía một cậu thanh niên da sạm nắng, có cái mũi lân và đôi hàm răng hô, vui mừng nói:
- Khỏi lo. Thằng này tên Tiến, thợ mộc. Chỉ cần nửa giờ đồng hồ, nó lên văn phòng cao ủy mượn cưa, dao búa về dựng ngay cho em một cái phòng khuê riêng biệt với đầy đủ cửa sổ, cửa lớn, bàn phấn, rèm che. Hay em chịu khó ngồi chờ nửa giờ nữa xem tụi này có làm đúng lời hứa không. Nếu em thấy tụi này xạo, thì có quyền ra đi. Rán chờ nửa giờ thôi, em... em tên gì cho tụi này biết với. Cô gái bật cười, vui vẻ đáp:
- Em tên Thương.
Tiến nói rổn rảng như lân gầm:
- Nửa giờ sợ không kịp. Cô Thương cho tôi 45 phút đi.
Bốn người kia sợ Thương ra đi, vội nói:
- Có tụi tao phụ chứ đâu phải một mình mày làm. Nửa giờ dư sức.
Thương hãnh diện thầm vì được săn đón nài nỉ, nhưng cứ làm bộ ngần ngại. Cô nhìn quanh, nhận xét lơ lửng:
- Các anh để nhà cửa thế này... Hùng, anh chàng cao lớn tóc dài chuyên mổ heo ở lò sát sanh Chánh Hưng vội đáp:
- Tất nhiên là chưa được gọn ghẽ mấy. Nếu Thương không vừa mắt, chỉ cần nửa giờ. Lạc thợ lò bánh mì quốc doanh Thắng Lợi chữa lại:
- Làm gì tới nửa giờ. Mười lăm phút là cùng. Vĩnh thợ may con người ốm yếu, ăn nói nhỏ nhẻ, quen tính cẩn thận, nói y như khi tỉ mỉ đơm từng cái khuy áo:
- Mười lăm phút? Cột nhà xiêu hết cả. Nền lại toàn rác là rác. Nửa giờ sợ dọn chưa xong đâu. Thương bị lòng chân thành của đám con trai thuyết phục. Không do dự gì nữa, nàng xắn tay áo lên, đứng dậy nói:
- Ðể em giúp các anh một tay.
Năm cậu thanh niên nhận được thắng lợi bất ngờ nên ngớ ra một lúc. Khi hiểu, họ reo lên:
- Hoan hô cô em gái.
- Có thế chứ! Nào, nói được phải làm được.
- Bắt tay làm liền đi anh em. Người đẹp đã bắn phát súng lệnh rồi.
- Làm nhanh kẻo không kịp nấu cơm chiều. Mình đã hẹn nửa giờ cộng với nửa giờ là một giờ. Phải rán “vượt chỉ tiêu” và “đạt yêu cầu” mới được.
Họ hăng hái bắt tay vào việc. Lon đồ hộp, bao ni lông, lá dừa khô, giẻ rách, tàn thuốc, củi cháy dở, giấy vụn, moi từ gậm giường ra vun thành đống cao. Chuột, dán, ruồi, muỗi mất chỗ trú thuận lợi. Bụi bay mù mịt, Thương ra ngoài dây thép phơi quần áo mang vào năm cái khăn hôi và bẩn bắt buộc bọn con trai phải bịt mũi lại. Vì tay người nào cũng bẩn nên họ phải nhờ Thương buột khăn hộ: Trừ Vĩnh thợ may thấp bé, bốn anh con trai kia phải khuỵu chân xuống, Thương mới với tay tới tầm mặt họ. Khuôn mặt, ánh nhìn cả bọn rạng rỡ, bẽn lẽn y như nét mặt trẻ con được mẹ săn sóc ở chốn đông người. Chưa đầy một tiếng đồng hồ, căn lều xập xệ bề bộn đã vươn vai đứng thẳng dậy: mấy cây chân chống không cần thiết được anh thợ mộc cưa ra làm “khuê phòng”, những tấm bạt còn lành lặn dành riêng cho phái yếu. Cái giường mặt ván phẳng phiu và cái bàn không gãy chân đặt ngay ngắn phía sau tấm rèm xanh. Chỗ ăn ngủ dành cho phái nam cũng trở nên ngăn nắp thứ tự. Chiếu trải ngay ngắn, mền gối xếp lại đặt thẳng sát tường, bàn ăn được phủ một tấm ni lông có sọc xanh đỏ. Ðể thay thế cho hai cái băng xiêu vẹo, bốn cậu tình nguyện mượn cưa rán sức cưa thân cây dừa đổi bên cạnh thành sáu chiếc ghế đẹp. Không cần ai nhắc, từng người len lén nhét hết mớ quần đùi dơ, áo may dô rách, khăn bẩn vào xách riêng. Chưa yên tâm, họ còn dồn những túi quần áo hôi hám ấy vào một góc lều xa “khuê phòng” nhất. Xong công việc, họ kéo nhau ra suối tắm. Trở về, họ đã thấy một bó hoa sim tím cắm sẵn trong hộp cá sardines. Lọ hoa đặt trang trọng vào chính giữa chiếc bàn ăn. Lòng cả năm người đều nở hoa từ giờ phút ấy.
*
Chẳng hiểu xưa kia Adam có bực bội vướng víu gì không khi phải mang chiếc lá nho, chứ năm cậu con trai ở Kuku Camp dạo đó thì chẳng bực bội vướng víu vì cuộc sống mới chút nào. Họ hí hửng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hí hửng như trẻ con hí hửng trước giỏ quà mẹ vừa mang từ chợ phiên về. Cuộc sống của họ bị đảo lộn dữ dội, tuy thế, dù có bị lộn nhào như anh võ sinh nhu đạo tập tò học vài thế ngã sơ đẳng, họ vẫn cứ vui. Sau chuyện nhà cửa, cách ăn uống của họ bị đảo lộn. Trước kia, người nào lo phần nấy. Bọc lương thực cấp cho mỗi người ăn năm ngày gồm có bảy lon rưỡi gạo, một lon cá hộp, một lon thịt, một bao muối, một bao đường, một gói trà, một gói đậu xanh, kèm thêm những thứ gia vị như tiêu ớt, bột ngọt... Khẩu phần có thể thay đổi tùy theo kỳ nhưng căn bản vẫn bấy nhiêu gạo, đồ hộp, đường và muối. Ăn sáng khi thì được hai gói mì ăn liền, khi thì được một bọc miến 200 grams. Cái son nhỏ được phát họ dùng để nấu nước trà. Chỉ còn cái son lớn. Họ đành phải nấu cơm chung, nấu xong xới ra chia đều làm năm bát vun. Ðồ ăn thì tùy ý từng người. Vì chỉ có hai lon đồ hộp để làm thức ăn suốt năm ngày nên họ áp dụng một lối “nội trợ” đặc biệt: ngày đầu tiên ăn cơm với cá hộp, ngày thứ hai ăn với đường, ngày thứ ba ăn thịt hộp, ngày thứ tư ăn muối và ngày cuối cùng ăn với canh miến hoặc mì sợi. Thứ tự phân chia thức ăn tùy thuộc tính từng người. Minh Chợ Trời, và Hùng Ðồ Tể tính tình vô tâm sốc nổi, chủ trương: Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối, Hơn nghìn năm le lói suốt năm canh. nên ăn liền tù tì hai lon đồ hộp dù phải ăn đường và ăn muối vào những hôm còn lại. Tiến thợ mộc và Vĩnh thợ may quen sự tỉ mỉ hài hòa của nghề nghiệp nên theo giải pháp hợp lý ban đầu. Lạc thợ lò bánh tính trẻ con thích ăn nhín, nên dành đồ hộp cho hai ngày cuối cùng. Lối ăn xỗi ở thì ấy chỉ dành cho bọn đàn ông chưa ăn trái cấm. Họ đã biết thẹn, nên đành phải răm rắp tuân theo lệnh của cô gái lạ. Tại sao không đem cá hộp ra đổi cá tươi của thổ dân Nam Dương để về nấu canh với rau trai rau dền mọc đầy quanh lều? Không có tiền ư? Tại sao không bớt gạo mỗi bữa nấu đem đổi rau về ăn có chất tươi? Năm cậu con trai hơi lo cái bao tử lưng lửng của mình, nhưng nghĩ đến dĩa rau muống bốc khói, nồi canh chua thơm tho, họ yếu lòng do dự, từ do dự đến buông xuôi chỉ có nửa bước. Thương trở thành thủ kho kiêm chuyên viên kế hoạch. Minh quen nghề chợ trời ở Sài Gòn phụ trách việc mua bán đổi chác với thổ dân Nam Dương.
Lạc theo nghề cũ, chỉ đổi nhiệm vụ chút xíu từ làm bánh mì sang làm cơm. Hùng Ðồ Tể và Tiến thợ mộc quen dao cưa lo việc củi lửa. Cái lối vơ đâu chụm đó trước kia không đẹp mắt người đẹp.
Phải làm cái gì cho “hùng” cho “tiến”. Thế là cả hai vác cưa lên rừng cưa cả những cây đước lớn khiêng về, đổ mồ hôi cưa ra từng khúc ngắn, rồi vươn vai lấy gân bổ những nhát rìu cật lực để chẻ nhỏ đem phơi. Nếu còn ở Sài Gòn, họ đủ sức mở Cửa hàng chất đốt phục vụ cho trọn một phường đông dân.
Vĩnh thợ may yếu sức lo việc quét dọn sạch sẽ căn lều mỗi sáng, và trước mỗi bữa ăn, tự nguyện làm giờ phụ trội chẻ củi khô thành những cây đóm nhỏ cho người đẹp dễ nhen lửa.
- Hình như độ rày muỗi nhiều quá phải không các anh?
Thế là sáng hôm sau “hình như” mọi người đều đột nhiên nhớ đến cái hại của bệnh sốt rét rừng, đều căm thù sâu sắc loài muỗi nên không ai bảo ai kẻ mượn dao kẻ mượn cào phát quang khoảng cây dại cỏ lát mọc um tùm sát bên chái phải của túp lều. Ðàn muỗi trả thù bằng cách liều chết xông vào đốt sưng cả tay chân năm cậu trai, nhưng ai nấy đều xem những vết sưng ấy là mề đay tưởng thưởng cho tinh thần phục vụ.
- Gớm! Hễ đến chiều xế là chỗ vòi nước không còn chỗ chen chân. Em chờ lấy hai xô nước về tắm mãi không được!
Gớm thật! Sao lại có nhiều hạng người bất lịch sự đến thế. Nghe nói bên Tây phương ở chỗ công cộng như ga xe lửa, trên xe buýt, phòng đợi sân bay mọi người đều phải nhường quyền ưu tiên cho phụ nữ, trẻ em, người già, kẻ tàn tật. Phải làm quen với nếp sống văn minh ngay lúc này, tại đây. Bắt đầu từ căn lều này trước. Thế là năm cậu trai lên rừng chặt cây, rảo khắp trại vơ vét vải bạt về 'xây” cho cô gái một phòng tắm. Ðể Thương khỏi phải nhọc lòng đi mượn xô chờ nước, Minh và Tiến tìm đâu được một cái thùng phuy cũ đã rỉ sét hết nửa trên. Họ lấy dao đục bỏ phần trên, phần dưới lấy cát chà sạch rồi mới khuân đặt vào phòng tắm.
- Em thấy ăn muỗng kỳ kỳ thế nào ấy! Trông như trẻ con chưa biết cầm đũa! Ờ! Kỳ thật! Sao đến bây giờ mình mới thấy kỳ! Một tay bưng bát, một tay cầm cái muỗng thiếc, xúc cơm đưa vào miệng, chẳng ra cái thể thống gì cả. Mỗi lần muốn vẽ cá cứ trầy trật mãi. Nứa mọc đầy hai bên rừng, dao bén có sẵn trên văn phòng cao ủy, sao không vót lấy vài đôi đũa mà dùng cho đúng cách quê hương. Cái việc vặt ấy một mình chú Vĩnh thợ may ốm yếu cũng làm nổi. Nhưng tinh thần trách nhiệm chung để đâu? Thế là đủ cả phái nam trong nhà vác dao lên rừng chặt nguyên một cây nứa dài về, chẻ ra, vót đũa đủ cho cả trại. Mọi người đoán ý để làm vui lòng “cô thủ kho” kiêm “chuyên viên kế hoạch”, sau đó kiên nhẫn lặng lẽ chờ đợi một nụ cười. Ðúng là lòng họ nở hoa!
*
Từ hôm có Thương về ở chung, họ quên cái thói quen ngủ sớm dậy trễ. Trước đây họ biết làm gì đâu mà chẳng đi ngủ sớm. Ăn cơm xong, họ ngồi bần thần mỗi người một góc, không ai nói chuyện với ai. Họ ở lại đảo này đã gần hai tháng. Chuyện đời đã kể cho nhau nghe đến tận cặn. Chuyện tiếu lâm kể đi kể lại mãi hóa nhàm, chỉ mới tằng hắng lấy hơi đã biết người nào sắp kể chuyện gì. Râu rờ mãi không mọc nổi. Lông mũi đã nhổ hết. Ráy tai đã cạo sạch. Cái thú thay nhau đấm bóp để chờ giấc ngủ diễn đi diễn lại hóa thành cái nợ đời. Ăn cơm xong, họ không cần thắp cây đèn bão, mỗi người nằm một chỗ im lặng chờ nghe tiếng ngáy của người kia. Họa hoằn lắm Lạc mới nổi hứng ông ổng hát mấy câu đầu bài vọng cổ không tên nói đến một cảnh ly biệt.
Ðau đớn bấy kẻ đi người ở
Dạ quan hoài cách trở sơn khê
Kẻ đi da diết nhớ người ở lại, nhưng “dạ quan hoài” cần sự im lặng để lan man thấm dần vào từng hơi thở dài. Cho nên về sau, mỗi khi anh thợ lò bánh mì mới “đau đớn bấy...” đã nhiều lời phản đối nổi lên khắp các xó tối:
- Thôi, câm mõm lại cho tao nhờ.
- Rầu thúi ruột còn phải nghe mày rên rỉ, chán lắm!
- Rán chờ qua Mỹ hãy làm học trò Hùng Cường. Ở đây xin ông cho các con yên! Thương về ở chung, năm cậu con trai vẫn đi ngủ sớm, nhưng họ chỉ nằm lơ mơ, giả vờ ngủ mà thôi. Không phải ánh sáng cây đèn bão trong “khuê phòng” đã làm họ mất ngủ. Không, không. Xin đừng vội nghĩ cô em gái chung của họ bất lịch sự, thiếu tế nhị trong cách cư xử. Ngay đêm đầu khi phải thức khuya để viết thư gửi về nhà, Thương đã ái ngại hỏi họ:
- Em để đèn sáng, các anh có khó ngủ không? Cả năm đều mau mắn đáp:
- Không, không hề gì.
- Thương đừng ngại. Mặt trời soi vào mặt tôi vẫn ngủ được.
- Ở Sài Gòn tôi ngủ ngay trước cửa lò nướng bánh.
- Cả đàn heo eng éc bên tai tôi vẫn ngủ ngon... Thương nhận thấy cần phải phân bua thêm:
- Em nhớ nhà quá. Biết có viết cũng không gửi thư được, nhưng cứ viết cho đỡ nhớ. Cả năm cậu con trai đều thấy lòng mình man mác buồn. Không ai bảo ai, họ đổi thế nằm. Cái thế nằm nghiêng giúp họ, lâu lâu, hễ lim dim hé mắt là họ có thể thấy được cái bóng nhỏ nhắn thân yêu in trên tấm vách nhựa xanh của phòng khuê. Họ thao thức theo dõi tâm trạng người em gái qua dáng điệu của cái bóng ấy. Sáng hôm sau, họ thì thào bảo nhau:
- Ðêm qua em chống cằm ngồi đến khuya.
- Phải nói là quá khuya, vì đêm 23 âm lịch trăng chỉ lên sau 12 giờ.
- Lúc trăng nhú ở đầu núi, em vẫn chưa đi ngủ.
- Buổi chiều đến phiên đứa nào nấu nước? Em cầm chai rót nước không có lấy một giọt.
- Kể ra con gái mười bảy mà đôi vai như vậy cũng hơi gầy. Ðáng lẽ phải no tròn hơn kia. Nhận xét hơi phàm tục ấy liền gặp phải nhiều lời phản đối:
- Con gái nhà lành đều thế cả. Ðâu phải dân lao động mà đòi vai u thịt bắp.
- Tóc xõa thì làm sao biết vai gầy vai mập. Chỉ đoán hão!
- Lúc em viết xong, hình như có khóc vì mái tóc hơi run run.
- Ờ, tao nghe hình như có tiếng thút thít.
- Chỉ đoán mò. Mày nằm xa nhất, nghe sao được!
- Mày ở gần mà ngủ khì, biết gì!
- Sao mày biết tao ngủ?
Cuối cùng họ đều thú nhận không ai ngủ được. Không phải họ thú nhận thành lời. Họ chỉ cười bẽn lẽn. Thế thôi.
Từ đêm thứ năm kể từ lúc đổi thay nếp sống, họ bắt đầu nghe thấy tiếng cô em gái thì thào trong “phòng khuê”. Tiếng thì thào đều đều, buồn buồn, hơi ngân nga như tiếng cầu kinh. Họ có một niềm thao thức mới. Họ loại bỏ ngay giả thuyết cô gái đọc kinh tối vì không thấy Thương đi lễ nhà thờ hoặc đeo thánh giá. Tụng kinh Phật giọng khác hẳn, họ biết. Vài người vốn yêu cái thú đau thương, nghĩ đến lời thì thầm của một người yêu nhờ gió đêm mang đến một người yêu tận nơi “Sơn khê cách trở”. Dĩ nhiên trong số đó có Lạc, lâu nay ấm ức vì không được hát “đau đớn bấy...” Họ nể vì cô em gái đến nỗi tuy thắc mắc nhưng không ai dám hỏi Thương thì thầm điều gì. Có thể cả năm người đều sợ chạm mặt với thất vọng. Thà cứ để lơ mơ như thế, nỗi thấp thỏm như vị cay của bữa ăn giúp thêm hương vị cho đời sống nhàm chán của họ. Giữa tiếng gió rừng vù vù thổi qua mái tranh, tiếng chuột rúc ở giỏ lương thực, tiếng sóng biển ì ầm, tiếng vượn hú trên rừng, tiếng mọt đục ở đầu kèo, đối với họ, tiếng thì thào bên kia vách nhựa vẫn mang nhiều ma lực quyến rũ hơn hết. Họ không cần hiểu rõ. Dù Thương không thì thào cho họ, vì họ, nhưng đó vẫn là âm thanh của mến thương.
Cái thú được ru ngủ đêm đêm bằng tiếng thì thào huyền diệu bí mật ấy tạm chấm dứt khi Minh khám phá ra rằng cô gái đang học Anh văn. Họ hơi khựng lại, để sau đó chuyển từ thương cảm sang kính phục. Cả năm đều là dân lao động ít học. Lúc ở bên nhà, họ chỉ nghĩ đến chuyện đi tìm một cuộc sống mới. Sang đến đây, họ mới âm thầm lo lắng không hiểu lúc được định cư ở một nước thứ ba, họ ăn nói làm sao đây. Họ nghe nói bên xứ người các nghề chân tay kiếm được nhiều hơn nghề làm ở bàn giấy. Mà chân tay họ khỏe, họ biết.
Nhưng sống giữa một tập thể nói tiếng Anh, họ không thể làm người câm, điếc. Họ phục lăn mấy anh thông ngôn làm việc trên văn phòng cao ủy tuy xem nhẹ mái tóc dài, thân thể ốm nhách và đôi kính cận của những người hay chữ ấy. Bây giờ, họ “sắm riêng” một cô em gái hay chữ trong nhà. Ðáng hãnh diện biết chừng nào! Lần này cũng chính Minh lãnh nhiệm vụ đứng ra đánh giá trình độ Anh văn của cô em gái. Minh ngập ngừng mãi mới hỏi:
- Ðêm qua em học thứ gì mà thức khuya thế? Thương đáp:
- Ở đây không có sách vở gì cả, nên em mượn được tờ báo tiếng Anh đem về học ôn một số từ ngữ.
- Báo tiếng Anh mà em đọc được à? Thương thành thực nói:
- Em chỉ hiểu được những bài dễ. Những bài viết về kỹ thuật có nhiều từ khó, thì em chịu!
- Thương cho anh xem qua có được không? Cô gái hỏi rất thành thực:
- Anh đọc được các bài kỹ thuật chứ? Minh đỏ mặt đáp:
- Tôi chỉ coi hình. Chữ Anh tôi có học đâu!
Thương tưởng Minh nói nhún, đưa bốn trang báo Sunday Times cho Minh.
Minh xem qua thấy có mấy cái truyện bằng tranh, một bức hình chụp ba cô gái Tàu tươi cười cầm ba chai nước giải khát đã mở nắp, một bức quảng cáo chiếc xe hơi hiệu Peugeot 305, và một ảnh quảng cáo hai cái đồng hồ Thụy Sĩ. Những cột chữ khác thì rối rắm, nằm chật cả phần giấy còn lại. Minh chỉ một đoạn chữ nghiêng in thưa, hỏi:
- Họ nói cái gì trong này?
Thương giải thích:
- Họ giới thiệu hai bài thơ được giải. Bài đầu nhan đề là Singapore được ban tuyển thơ của tờ báo tặng 40 đồng. Nhưng em thích bài thứ hai nhan đề Dejection hơn.
- Thương đọc cho tôi nghe thử.
- Anh đừng chê em đọc sai nhé.
Minh lại đỏ mặt, rồi thành thực nói:
- Tôi có biết gì đâu mà nói đúng sai. Cứ đọc xem tiếng Anh nghe thế nào.
Thương bắt đầu tin Minh thành thực, nên đọc: Dejection
- In the still jungle of myself
I'm lost, and try to find
A bird, a deer, a human face
To touch my empty mind.
I wander past the silent trees
And know that I should fly
Beyond the prison of this earth
Towards the darkening sky.
For even thunder is voice
And storms may be sublime
And while I'shelter here alone
It is a waste of time
- (Clare Meiklejohn)
Bài báo cũ rồi. Tận 13 tháng 7 năm 1980. Sự thán phục của Minh không lấy gì đo hết. Anh chàng khen:
- Em đọc hay quá. Nghe như ngâm thơ. Thương cười:
- Thì đúng là thơ. Còn “nghe như” gì nữa!
- Em dạy cho tụi này học đi, đừng dạy thơ. Tụi này chỉ cần biết những câu đại khái như: “Chào ông, chào bà”. “Chúng tôi cần việc làm”. “Vâng, chúng tôi rất mạnh khỏe”. “Lương hàng tháng được bao nhiêu?” “Còn ít lắm. Thêm chút ít có được không?”. “Cảm ơn”. “Cho tôi gửi gói này về Việt Nam”. “Tốn hết bao nhiêu?”. Ðấy, cần thiết nhất là những câu ấy.
Thương bật cười tưởng Minh nói đùa, hỏi lại:
- Anh không cần học các câu như: “Tôi mệt lắm cho tôi nghỉ việc vài ngày”. “Xin bác sĩ cứu tôi”, “Làm ơn đừng báo tin buồn cho gia đình tôi biết” hay sao?
Minh nghiêm mặt đáp:
- Không cần. Tụi này còn trẻ và khỏe mạnh. Tụi này khỏi cần gặp bác sĩ. Em tin đi, tôi còn sống cho đến ngày về lại được Việt Nam. Thương hỏi:
- Chắc không?
- Chắc chứ! Năm nay tôi mới 24 tuổi. Bốn đứa kia tuổi từ 20 đến 23. Nhất định tụi này còn sống được ít ra đến năm 70 tuổi. Gần 50 năm nữa, tức là nửa thế kỷ. Chẳng lẽ mọi sự cứ dẫm chân tại chỗ như hôm nay?
Thương suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Nếu còn ngày rộng tháng dài như vậy, thì việc gì các anh phải học vội mấy câu. Các anh cứ học từ từ.
Minh vui mừng reo lên:
- Thương nhận lời dạy tụi này rồi nhé, bài bản tùy cô giáo định.
Từ đêm hôm ấy, năm cậu trai thôi thao thức nhìn về bức vách nhựa màu xanh của phòng khuê. Cái đèn bão được chuyển ra chỗ bàn ăn của phòng ngoài. “Cô giáo” nhỏ vỡ lòng cho năm “ông anh học trò” bằng những từ ngữ cần thiết như: bãi biển, con suối, rừng cây, bầu trời, đám mây, đóa hoa, nụ cười, và một chữ đơn sơ mà khó hiểu nhất: hạnh phúc.
*
Vâng, quả nhiên hạnh phúc happiness là từ ngữ đơn sơ mà khó hiểu nhất, vì nó mong manh như một mảng mây bay.
Năm cậu học trò vừa thuộc được chữ CLOUD và đang bập bẹ học đọc chữ HAPPINESS thì một chiếc thuyền vượt biên nữa cập bến đảo Kuku. Như thông lệ, mọi người đổ xô ra cầu tàu để hy vọng tìm ra thân nhân trên chiếc thuyền may mắn. Những người mới đến được tàu khoan dầu vớt, nên khi chiếc tàu tiếp vận ống khói sơn xanh mang ngôi sao vàng đậu ngoài cửa vịnh hú còi, không khí khắp trại tị nạn rộn rịp hẳn lên. Nhân viên phòng cao ủy, ban an ninh chính quyền Nam Dương, bác sĩ y tá của hội hồng thập tự lo chuẩn bị đón tiếp. Người lo giăng dây trước cửa văn phòng tiếp đón ở cầu tàu. Ban đại diện Việt Nam sửa soạn sổ đăng ký nhập trại.
Bác sĩ Tra-quýt mang ống nghe chực sẵn ở phòng chẩn bệnh. Hai quân cảnh người Nam Dương khiêng tấm vải bạt ra trải sẵn trên cầu tàu để chuẩn bị khám xét hành lý. Chiếc thuyền mang tên Tân Thành nhổ neo ra khơi. Mọi người nao nức chờ đợi. Người lớn ra sát bờ nước để nhìn cho rõ. Trẻ con bất chấp lời cảnh cáo của quân cảnh Nam Dương, leo cả lên cầu tàu.
Mười lăm phút sau, chiếc Tân Thành quay vào, trên thuyền lố nhố nhiều bóng người mặc quần áo mầu sẫm. Thương và năm cậu học trò ngoan cũng có mặt trong số người chờ đợi. Chiếc Tân Thành cập bến. Bước lên trước tiên là bốn thủy thủ của chiếc tàu tiếp vận hãng khoan dầu. Người ta dễ nhận ra họ vì cách ăn mặc sang trọng, sặc sỡ khác hẳn lối ăn mặc của người Việt. Giờ phút quan trọng sắp đến. Vài người tị nạn bắt đầu leo lên cầu tàu. Con nít, đàn bà được khám xét qua loa nên vào trước. Mấy đứa nhỏ ngơ ngác nhìn quanh đảo, rồi chăm chú bước vì sợ lọt chân xuống những kẽ cầu ghép bằng thân cây. Một chị đàn bà mang thai mệt lả phải vịn vai hai người đàn bà khác. Một chị mặc áo len xanh mạnh dạn đứng lại ở khúc ngoặc cầu tàu giơ tay nói lớn với mọi người.
- Xin chào bà con cô bác. Ðến được đây thật quá mừng.
Nhiều tiếng lao xao hỏi từ bốn phía.
- Từ đâu đi đấy?
- Trên ghe có mấy người?
- Ði bao nhiêu ngày mới được vớt? Câu trả lời bị gió bạt mất. Nhưng cần gì! Họ dồn đến gần hơn để hỏi người khác. Một người nhận được câu trả lời, thế là chỉ cần một phút sau cả trại đều biết các chi tiết. Ðàn ông được khám xét kỹ hơn nên thường lên sau cùng.
Một cụ già mặc quần đùi và chiếc áo thun in hình sặc sỡ có lẽ xin được trên tàu khoan. Một thanh niên chỉ mặc cái quần tây dài bị rách toạc một ống, và ở trần, vì cái áo treillis cũ đã bị tịch thu ngoài cầu tàu theo luật của chính quyền Nam Dương. Một người đàn ông tóc muối tiêu ôm mớ quần áo ướt vì cái túi vải Kaki xanh rêu cũng bị tịch thu. Hai thanh niên dìu một bé trai khoảng 10 tuổi chân bị băng bột. Cuối cùng là một chàng trai vạm vỡ mặc bộ đồ công nhân dính đầy dầu mỡ có dáng đi vững chắc tự tín. Người ta đoán anh ta là tài công.
Thương vừa trông thấy anh ta, liền mừng rỡ kêu lớn:
- Anh Thành, anh Thành, em đây này! Chàng trai bỡ ngỡ không tin có người biết mình, nên chỉ khựng lại một chút, rồi tiếp tục bước. Thương leo hẳn lên thành cầu tàu gọi lớn hơn:
- Anh Thành! Thương ở đây!
Thành dừng hẳn lại. Anh nhận ra cô gái. Nước mắt Thương ràn rụa. Thành ngồi xuống nhìn cô gái sững sờ, chưa dám tin ở mắt mình.
- Em đấy ư, Thương? Có phải em đấy không? Thương đáp trong nước mắt:
- Em đây chứ còn ai! Làm sao anh thoát được? Rồi làm sao anh tìm ngay được chiếc này? Vậy mà bao lâu nay em cứ tưởng anh bị bắt trở lại rồi. Nếu người quân cảnh Nam Dương không hối thúc, có lẽ họ còn bíu lấy nhau, một người ngồi trên cầu tàu, một người rướn người níu lấy thành cầu, để hỏi cho đến tận đầu nguồn. Cô gái chới với chạy dọc bờ cát nhìn theo chàng trai lúc ấy phải lần lượt vào phòng chẩn bệnh và chờ đăng ký nhập trại. Năm cậu học trò ngoan ái ngại nhìn cô giáo, chưa biết phải xử trí thế nào. Họ ngập ngừng giữa hoang mang. Thương vẫn tức tưởi khóc. Cuối cùng, lại chính Minh lãnh phận sự khó khăn. Anh tiến về phía Thương, hỏi nhỏ:
- Em gặp được người quen ư?
Thương ngửng lên, vừa cười vừa khóc, giọng đứt quãng:
- Vâng. Người quen.
Minh rụt rè hỏi:
- Ai thế?
- Chồng chưa cưới của em. Tụi em đi với nhau, nhưng taxi của anh ấy bị công an biên phòng rượt bắt, em đã tưởng anh ấy không thoát. Ai ngờ... Rồi chợt nhớ đến hiện tại, Thương vui vẻ nói:
- Thế là chiều nay em phải dọn nhà. Cảm ơn năm anh đã giúp đỡ Thương nhiều. Anh Thành đã ra kìa. Xin lỗi, em đi nhé!
Anh Thành, em đây!
*
Tối hôm đó, năm người không thắp đèn. Mỗi người nằm một góc nghe muỗi vo ve và tiếng sóng vỗ ì ầm. Lạc thợ lò bánh nghĩ đến cái bánh cưới phải làm cho kẻ phụ bạc. Vĩnh thợ may nhớ lại cảm giác xót xa khi do ngẫu nhiên đã may chiếc áo cô dâu cho người yêu cũ. Tiến thợ mộc nghĩ đến những chiếc giường cẩm lai gắn kính. Hùng Ðồ Tể ngậm ngùi nhớ lại những lần được thuê mổ heo với giá cao mà lòng không vui. Còn Minh thì không quên được những lúc mua được chiếc áo cưới hàng tốt, thương cho cặp tân hôn sa sút rồi chạnh lo cho mình, ngần ngừ không nỡ bán lại. Happiness, chỉ có 9 chữ và 3 âm, nhưng sao rắc rối quá lắm!
Nguyễn Mộng Giác
Nguồn http://nguyenmonggiac.info/ - In the still jungle of myself
Last edited by Bạch Vân on Thứ hai 21/09/15 19:04, edited 1 time in total.
Re: Ngựa Nản Chân Bon
-
Thư Gởi Đám Mây Xa
Viết bởi Nguyễn Mộng Giác
Tối hôm đó, hai bà cháu lo viết thư gửi về Việt Nam. Ngoại dặn cháu:
- Hà nhớ viết thư cho rõ nghe. Chữ cháu viết xấu khó đọc lắm.
Thằng bé kinh ngạc hỏi:
- Ngoại xem vở của cháu hồi nào? Ngoại biết chữ rồi à?
- Ðâu có. Ngoại nghe má cháu bảo vậy. Ngoại từng này tuổi còn học gì nữa.
Thằng Hà thắc mắc:
- Tại sao hồi trước ngoại không đi học?
- Hồi trước chỉ có con trai đi học, con gái ở nhà lo chuyện bếp núc thêu thùa. Ngoại làm bánh cũng giỏi lắm. Cả vùng không có cô gái nào làm bánh giỏi và thêu đẹp bằng ngoại.
Bà cụ mơ màng nhớ lại thời còn trẻ. Thằng Hà hỏi:
- Ngoại buồn ngủ hở ngoại?
- Không. Ngoại nhớ hồi… nhưng thôi, lo viết thư đi.
Ðứa cháu không chịu được điều gì thiếu rõ ràng, nên thắc mắc:
- Nhớ hồi nào hở ngoại?
Ngoại mỉm cười, giọng run run vì xúc động:
- Hồi trước ngoại thật ngơ. Ông ngoại theo mai dong đến xem mắt mà ngoại có biết gì đâu. Lúc đó ngoại đang chơi ô làng. Nghe bà cố gọi vào pha nước mời khách, ngoại bọc đống hột me bằng vạt áo trước, để hở cả rún. Bưng nước lên mời khách mà tay vẫn cứ khư khư giữ túi hột me. Không ngờ do thế mà được ông ngoại khen là da dẻ trắng trẻo.
Thằng Hà cười thích thú. Nó không thể tưởng tượng ra cảnh bà ngoại ham chơi ô làng đến nỗi giơ rún cho ông ngoại ngắm. Nó cười đến chảy nước mắt. Ngoại gắt:
- Cười cái gì? Hồi nhỏ ai chẳng thế. Thôi lo viết đi.
Hà nín cười nhưng cây viết trên tay cứ run run. Nó hoãn binh bằng cách vuốt lại tờ giấy, vặn cho tim đèn dầu hỏa cao lên một chút. Nó sơ ý làm cho dầu dính lên một góc giấy viết thư. Sợ ngoại la, nó lấy tay che vết dầu bẩn lại. Hà hỏi:
- Viết gì hở ngoại?
Ngoại đằng hắng rồi nói:
- Viết dặn má mày đêm nào cũng nhớ thắp hương trên bàn thờ ông ngoại.
Thằng Hà ngớ ra, lo âu hỏi:
- Viết cách sao ngoại?
Ngoại bực:
- Thì viết dặn má nhớ thắp hương.
- Nhưng đầu tiên phải viết cái gì đã chứ. Chưa gì đã nói chuyện thắp hương, đâu có ra lá thư.
Ngoại gật gù bảo cháu:
- Ờ phải. Cháu liệu viết vài dòng cho ra lá thư. Hà học lớp sáu, biết cách viết thư rồi.
Hà không dám thú nhận bài luận viết thư của mình bị cô giáo đọc cho cả lớp cười giải lao. Thú nhận như vậy mất mặt quá. Cho nên Hà lặng lẽ viết mấy hàng mở đầu:
Thư của ngoại – và của con – gửi má.
Ngoại và con đến đảo Kuku hôm 5-12-82. Ði biển gặp sóng lớn dữ quá, má à. Con bị ói, ngoại cũng bị ói. Chắc má lo cho ngoại dữ lắm. Bữa đó con cũng sợ dữ lắm. Ngoại vừa dặn: Qua bên đó rán học giỏi và nghe lời cậu Liễn, thôi ngoại về, thì súng nổ dễ tè. Ngoại sợ con bị đạn lạc ôm cứng lấy con. Mấy chú trên ghe hối thúc dữ lắm, hai bà cháu mới leo lên được. Ra ngoài xa ngoại mới nhớ phải về, kêu mấy chú cho xuống…
Bà ngoại thấy cháu viết một mạch không thèm hỏi ý kiến mình, đâm lo, vỗ vai cháu hỏi:
- Cháu viết gì nhiều vậy?
Hà hãnh diện đáp:
- Ðầu tiên cháu kể lại hôm mình lên ghe cho nhà biết. Cho má đỡ lo chứ ngoại.
- Cháu kể được à?
- Ðược chứ ngoại. Ðể cháu đọc cho bà nghe.
Hà bắt đầu đọc. Càng đọc, nó càng thấy mình viết dữ quá dữ lắm đến thừa thãi. Còn hai chữ dễ tè học được của tụi bạn bụi đời ở Sở Thú thì Hà rất khoái nhưng má lại rất ghét. Nhưng lỡ viết rồi, làm sao đây? Ngoại gật gù khen cháu viết ngắn gọn mà đầy đủ. Phải. Chưa chi đã căn dặn thắp hương. Má thằng Hà đang lo không biết mình lạc đi đâu, chết sống thế nào sau khi bãi bị vỡ, một số bị bắt, không nói ngay cho con yên lòng, đã dặn chuyện cúng tế. Tuổi nhỏ thời nay thông minh thật. Hà hỏi:
- Con viết chuyện thắp hương được chưa ngoại?
Bà cụ hoàn toàn tin tưởng sức cháu, mau mắn đáp:
- Ðược. Cháu liệu viết sao cho má cháu nhớ. Ngoại sợ má cháu đi làm về lo đủ thứ chuyện mệt quá, quên đi.
Hà lại tự tin, nó viết:
Ngoại và con qua đây nhớ nhà dữ lắm…
Hà giật mình ngưng lại. Lại dữ lắm. Nó xóa hai chữ thừa thãi đi, suy nghĩ một lúc, rồi viết thêm hai chữ ghê lắm. Bà ngoại thấy Hà khựng lại, tưởng cháu quên, nhắc nhở:
- Cháu viết đi. Dặn má dù mệt cũng nhớ…
- Con nhớ mà ngoại.
Rồi Hà nói dối lấy oai:
- Con suy nghĩ xem nên viết thế nào cho má nhớ lâu.
Thằng bé gặm cán bút một lúc cho đúng với lời nói dối, mặt đăm chiêu. Ngoại yên lặng kính trọng phút suy tư thâm trầm của cháu. Một lúc sau, Hà viết tiếp:
Thật tức cười. Ngoại vừa kể con nghe chuyện hồi nhỏ vì ham chơi ngoại lỡ để cho ông xem rún. Ngoại có kể chuyện đó cho má nghe chưa? Ngoại cứ lo ở nhà má nấu ăn xong, mệt ngủ vùi, quên thắp hương trên bàn thờ ông ngoại. Nhớ thắp hương nha má!…
Sau khi chấm dấu than theo đúng lời dạy cô giáo dạy văn, Hà ngừng lại. Nó đắc chí hỏi:
- Con đọc lại cho ngoại nghe nha?
Ngoại lắc đầu:
- Khỏi cần. Viết nhanh kẻo đèn hết dầu. Con nhắc má mỗi lần thắp hương nhớ khấn ông ngoại rằng bà ngoại đã qua đây rồi, ông ngoại không nên lo quá. Khấn thêm rằng hồn ông có thiêng thì xin theo ngoại cho ngoại dễ hương khói. Bên đó xa quá, ngoại muốn nói gì với ông cũng không nói tới được.
Thằng Hà thấy ý của bà hay thật. Ừ nhỉ. Sao ông không theo bà để má nó nếu có quên thắp hương cũng không đến nỗi mang lỗi nặng. Mỗi lần Hà ham ra bờ biển câu cá lượm vỏ ốc, bà ngoại có người để tâm sự, khỏi phải thấp thỏm đi vô đi ra. Nó hỏi:
- Ông qua đây được hở ngoại? Ði cách nào cho đỡ nguy hiểm, chứ như chuyến hai bà cháu mình, ghê quá.
Ngoại trầm ngâm nghĩ đến lúc có thể thắp hương tâm sự thỏa thuê với vong hồn ông, không nghe được câu hỏi của Hà. Thằng bé hiểu được tâm trạng của ngoại.
Nó cúi xuống viết:
Ngoại thường cầu khẩn nếu ông có thiêng xin qua đây cùng ngoại. Tội lắm nha má. Ngoại lên chùa cầu Phật, chưa yên lòng, ngoại còn bảo con qua bên nhà thờ cầu thêm Chúa. Con được ăn bánh thánh rồi. Bánh họ cho ít đường quá má à. Lại nhỏ xíu.
Hà vừa viết xong, ngoại đã nhắc:
- Cháu viết nhắc má nhớ cho gà uống nước. Cái chuồng heo hướng bắc bị gió, nhớ mua tấm tôn cũ dưới đường Bạch Ðằng về che lại. Heo bị cảm gió dễ chết lắm, mà má mày thì đổ biết bao nhiêu tiền mua cám với xác mì rồi.
Hà nhận thấy ngoại dặn như thế là thừa. Việc cho gà uống nước, má đã giao khoán cho em Ri. Còn chuyện nuôi heo, chính vì má đã đổ quá nhiều tiền mua cám nên bà khỏi nhắc, má cũng đã lo rồi. Vả lại, khi thư về đến Việt Nam, biết đâu má túng tiền đã kêu người tới bán heo non. Biết không thể tranh luận với ngoại được, Hà viết:
Trong hai bọc lương thực họ phát cho con với ngoại ăn năm ngày, chỉ có hai gói đường thôi. Cà phê cũng có nhưng ngoại cấm con không được uống. Ngoại để dành đem đổi cá về nấu canh. Ðồ hộp được bốn lon. Con khoái ca ry thịt gà hơn ba tê heo, tuy hộp ba tê lớn hơn hộp kỳ trước má mua về ăn bánh mì. Hơn tháng nay ăn ba tê hoài con ớn quá.
Thằng Hà liếc nhìn ngoại, sợ ngoại khám phá sự tự chuyên của nó. Cách nhìn của ngoại có vẻ ngờ vực thật. Ngoại hỏi:
- Con đã nhắc má mua tôn ở đường Bạch Ðằng chưa? Mua ở Bạch Ðằng rẻ hơn bên bến Chương Dương. Năm ngoái ngoại có đi với cậu Liễn, hồi cậu chưa đi Mỹ đó, hỏi giá hai chỗ thấy cách nhau cả trăm bạc.
Hà vội đáp để giấu lỗi:
- Con chép đủ lời ngoại dặn rồi.
Nói xong nó lấy bạo tố thêm:
- Con đọc cho ngoại nghe nha.
Bà nó lắc đầu như dự đoán của Hà. Hú vía.
Phần bà cụ, cũng nhận ra mình sơ ý. Ai đời lo cho heo gà, cho người đã khuất, mà không lo gì đến con gái mình. Mà bà cụ biết lắm, con gái bà đang mất ăn mất ngủ vì chưa biết tin tức sức khỏe con trai cưng ra sao. Ngoại liền bảo Hà:
- Thôi bây giờ nói tới chuyện cháu đi. Cho má biết tin cháu vẫn khỏe, có hơi mập thêm chút ít. Hôm qua trên bệnh viện, cháu cân tăng được một ký rưỡi phải không?
Hà vui mừng vì chờ đợi mãi, nhường ưu tiên cho ông ngoại, cho heo gà mãi, bây giờ mới đến lượt mình.
Phải gò phần này cho kỹ mới được. Sau khi suy nghĩ chín chắn nó viết:
Phần con vẫn khỏe. Hàng ngày con đi câu cá. Ở đây cá biển nhiều lắm nha má. Cá để nấu canh nhiều, mà cá vàng để chơi cũng nhiều. Hôm qua con bắt được ba chú cá đủ màu sắc tím xanh vàng đỏ. Vây dài và rộng tỏa theo hình rẽ quạt. Con còn đi lượm củi cho ngoại nấu cơm và ngày mai bắt đầu học Anh văn. Con lên được – Hà do dự một chút rồi mím môi viết – ba ký rưỡi. Má hết gọi con là Hà Ròm chưa?
Ngoại nghiêng đầu nheo mắt ngắm đứa cháu ngoan đang viết thư. Cách lập nghiêm của Hà giống y cách phụng phịu của má Hà, lúc má Hà còn là cô bé dễ thương thường làm nũng với mẹ. Ngoại cảm thấy bồi hồi, lòng lâng lâng buồn. Thời gian qua mau, thoáng một cái ngoại đã già, rồi tử biệt sinh ly, rồi nụ cười trẻ thơ héo dần cho nước mắt rỏ xuống. Bao nhiêu đổi thay ngoại từng chứng kiến, cho đến lúc hai bà cháu lưu lạc đến chốn hoang đảo này.
Ngoại đang nghĩ ngợi đủ thứ chuyện, chợt nhớ đến chuyện bên nhà, giật mình bảo cháu:
- Hà viết xong chưa? Cháu phải viết ngay, kẻo quên thì mang tiếng với người ta chết. Cháu viết cho má biết là hôm đi, ngoại còn nợ của bà Tư sét hai đồng bạc đường, và một đồng bạc ớt. Ngoài chợ thì thím Năm Cần bán rau chưa thối cho ngoại ba đồng. Hôm đó ngoại mua bảy đồng bầu với chuối, ngoại đưa mười đồng thím Năm không có tiền lẻ thối. Ngoại còn mượn của dì Bảy cái dao têm trầu chưa kịp trả. Ngoại tưởng xuống đưa cháu đi xong rồi về, ai ngờ…
Thằng Hà liền hỏi:
- Sao hôm đó ba má cháu không đưa cháu đi, hở bà?
Bà cụ nhìn quanh, thấp giọng đáp:
- Ba cháu đi học tập về chưa được trả quyền công dân đâu có đi được. Má cháu làm công nhân viên mới có thể mua gạo rẻ cho cả nhà. Ðưa cháu đi, lỡ chẳng may…
Hà thấy thương má và nhớ em Ri, buồn rầu hỏi:
- Vậy cho cháu đi làm gì? Bà ơi, cháu nhớ ba má với em Ri quá.
Ngoại xoa đầu an ủi cháu:
- Cháu là con trai phải can đảm và biết điều. Lý lịch cháu xấu, làm sao học cho được. Cháu qua với cậu Liễn nếu chăm có thể thành ông này ông nọ. Ba má và bà hy vọng ở cháu nhiều lắm. Vả lại Trời Phật xui khiến thế nào mà cuối cùng cháu có bà theo hầu hạ. Còn đòi gì nữa nào? Thôi, cháu viết tiếp đi.
- Viết gì hở ngoại?
Bà cụ ngớ ra, quên mất điều vừa dặn. Một lúc sau, cụ mới nhớ:
- Ngoại già lú lẫn mất rồi. Chỉ có bao nhiêu mà cũng quên lên quên xuống. Nhắc má ngoại nợ bà Tư Sét hai đồng đường nè, một đồng ớt nè, mượn của thím Năm con dao têm trầu chưa trả nè, bà Năm Cần chưa thối cho ngoại ba đồng nè…
Thằng Hà thấy nợ nần ngoại còn dây dưa ở Việt Nam không đáng bao nhiêu, trong khi nó chợt nhớ nợ nần ơn nghĩa của nó quá lớn. Hà vội viết vào thư:
Ngoại nhắn má trả nợ cho bà Tư Sét ba đồng, trả thím Năm cái dao và đòi bà Năm Cần ba đồng rau chưa thối. Em Ri, thằng Châu con ông Nhật Trường mượn của anh cuốn Tên Xì Trum Thứ 101 và Tintin Ở Xứ Vàng Ðen đã đem trả chưa? Em qua đòi và nhớ lật kỹ xem có thiếu tờ nào không. Sách vàng và báo Tuổi Xanh của anh, em cứ xem nhưng không được xáo lộn xộn và cho bạn bè mượn bừa bãi. Anh thấy tụi nhóc con gái ít quí sách vở. Mấy cái xe hơi nhựa em nên giữ cẩn thận, chơi xong bỏ vào hộp kẻo vô ý bể hết. Cái cặp da của anh em cứ dùng nhưng rán đừng để cho trầy uổng lắm. Tụi bồ ruột của anh như thằng Huy con bà bác sĩ Liên Hương, thằng Hà con ông cán bộ đài truyền hình, thằng hề Bảo Quốc có đến hỏi anh không? Trên trường có xôn xao bàn tán sau khi anh đi không? Ðã thi học kỳ một chưa? Nếu thi, thi xong môn nào rồi? Thầy Anh văn nghe anh đi chắc tiếc lắm lắm lắm…
Hà dừng lại, thỏa mãn dễ tè vì ba chữ Lắm cuối cùng. Ngoại ngạc nhiên, không hiểu cháu viết thứ gì mà nhiều quá, viết xong lại cười hoài, nên hỏi:
- Cháu viết xong chưa? Ngoại chỉ nợ có hai chỗ thôi mà.
Hà đỏ mặt nói dối:
- Con dặn đi dặn lại cho má khỏi quên.
Ngoại nửa tin nửa ngờ nhưng không lâu, vì bà cụ chợt nhớ tới con dao têm trầu:
- Qua đây ngoại thèm trầu quá đi mất. Không biết bên Mỹ có bán trầu không Hà?
Hà đáp liền:
- Có chứ ngoại. Con nghe dì thằng Thắng bảo có đủ cả. Nào chao, tương, nước mắm, tiêu tỏi ớt, trầu cau. Cần thứ gì có thứ nấy. Ở khu vực nhiều người Việt chỉ ra ngõ là mua đủ. Ở xa phải đi xe hơi. Nhiều người thèm bún bò lái xe cả trăm cây số ăn một tô bún rồi về.
Ngoại đâm lo:
- Phiền nhỉ. Ngoại không chịu được mùi xăng. Ði xe hơi lần nào ngoại cũng muốn nôn mửa. Qua Galang, mình đi Mỹ bằng gì hở cháu?
Hà đáp theo ước vọng chứ không phải vì thành thạo:
- Phải đi bằng máy bay chứ ngoại. Vù một cái là tới.
Giọng của ngoại thêm lo lắng:
- Có bao giờ máy bay rơi không cháu?
Hà nghĩ tới cái thú được nhảy dù, vui vẻ đáp:
- Có chứ. Rơi là thường.
Thấy ngoại quá lo, nó thú vị một cách trẻ con, thêm vào:
- Cháu nghe nói bị rớt máy bay nếu không kịp mang dù sẽ bị tan xác ra thành cám. Không còn nhận được ai ra ai hết. Mỗi người thu lại không đủ một trăm gam. Sách có nói thế.
Ngoại thì thào:
- Không đủ trăm gam. Ghê quá. Qua đó, cháu viết thêm lá thư đi Mỹ, bảo cậu Liễn đem xe qua đón bà.
Rồi muốn quên ngay ám ảnh đó, ngoại nói:
- Còn giấy không? Nửa trang thôi à? Cháu viết thêm hẹn má qua đến Galang sẽ chụp ảnh màu gửi về. Ngoại gặp cậu Liễn sẽ kể rõ tình cảnh má để cậu tìm cách giúp đỡ. Mấy loại thuốc và vải má dặn con nói với cậu, bà cũng nhớ. Cậu Liễn sẽ gửi về đều.
Thằng Hà xịu mặt. Nó thấy tự ái gia đình bị va chạm. Nó nhớ ba nó thất nghiệp nhưng thích âm thầm chịu đựng cảnh thiếu thốn hơn là lên tiếng nhờ vả. Một lần cậu Liễn gửi quà về cho ngoại, ngoại thương má khổ đem chia bớt cho má một nửa. Má mừng, đem vải đen Isofi và mấy lọ thuốc Tylenol ra khoe với ba. Ba không vui, sau đó ba má dẫn nhau ra sân trước rì rầm gì đó thật lâu. Lúc trở vào, nét mặt ba dàu dàu, còn mắt má thì đỏ hoe.
Từ đó về sau, mỗi lần ngoại hớn hở mang quà cậu Liễn xuống, má đón ngoại từ cổng và dẫn theo lối sau vào nhà bếp. Hôm Hà sắp đi, má cũng chờ ba đi vắng mới đem tờ giấy ghi tên loại vải và thuốc tây được giá tại Sài Gòn ra bắt Hà học thuộc để nói lại với cậu Liễn. Tuy thương má vô cùng, mỗi lần thấy má bần thần rầu rĩ vì túng thiếu, Hà muốn ôm má để an ủi, nhưng tận thâm tâm, Hà thích cách suy nghĩ của ba hơn. Không hiểu rõ người lớn, nhưng Hà lờ mờ cảm thấy trong lối chịu đựng của ba, có cái gì dũng cảm đáng kính. Vì thế Hà viết vào cuối thư:
Hiện ngoại và con chưa biết lúc nào mới qua Galang. Qua đó con sẽ chụp hình màu gửi về cho má ngay. Con sẽ cười thật tươi để má và em Ri thấy con vui và khỏe biết chừng nào. Ngoại nhắn má nên yên tâm. Tàu chở hai bà cháu đi Galang lớn lắm, không dễ đắm như cái ghe con nhỏ xíu dưới Bặc Liêu. Phần em Ri anh chúc em học giỏi. À quên, em sang đây thì mặc sức mà nhặt bao ni lông nộp cho đội. Anh thấy họ vứt bao ni lông khắp nơi, cái nào cũng còn trong veo và thật dày liền nghĩ lại cảnh em phải đi góp từng cái bao ni lông hôi rình mỏng dính để làm kế hoạch nhỏ mà tiếc. Qua Mỹ anh sẽ mua đồ chơi bằng thiếc gửi về cho em. Hẹn ngày gặp em trở lại, anh sẽ dẫn Ri đi mua mía và ổi hư vào Sở thú cho voi và khỉ ăn. Ri có nhớ hôm anh suýt bị chú khỉ níu tóc, còn em bị con voi già phun nước ướt cả quần áo hay không?
Ký tên: Hà và bà ngoại.
Hai bà cháu viết xong thư thì đêm đã khuya. Hà hãnh diện được ký tên như một tổng thống ký vào lời hiệu triệu quốc dân. Hà còn đề nghị bà ngoại điểm chỉ vào cạnh chữ ký của mình, nhưng ngoại bảo không cần. Bạn đọc có thể thắc mắc tại sao trong thư Hà không nhắc gì đến ba cả. Hà vẫn nhớ ba, thương ba, phục ba. Nhưng trước khi đi, má dặn nếu có viết thư, đừng nhắc gì đến ba hết. Sợ công an kiểm duyệt thư đọc được, sẽ bắt ba đi học tập trở lại. Má bảo thế.
Nguyễn Mộng Giác
Nguồn http://nguyenmonggiac.info/