- ở nơi cổ tự
_______________________
Nguyễn Đạt - 09/11/2015
Tặng thi sĩ Phạm Thiên Thư
Tiếng rào rào như ai ném mớ đá răm lên mái tôn. Căn phòng ở lầu hai của dãy nhà trong khuôn viên Viện Hóa Đạo ở Sài Gòn.
Ngưng giây lát, tiếng rào rào tiếp tục, sau đổ ào mạnh mẽ. Rõ ràng không còn là mớ đá răm ai ném lên mái tôn căn phòng.
Tôi ngồi bất động, nhìn ra cửa sổ. Mưa kéo nghiêng phía ngoài, bầu trời một màng đục lờ mềm mại vữa dần và rơi xuống khoảng không mù mịt, mưa đổ từ tấm màng rất dày lớp. Những tiếng chân chạy ngoài hành lang.
Tiếng một người: “Sao tui cứ mang banh ra là ổng khóc ròng.”
Tiếng huýt gió, rồi tiếng hát: “Tháng sáu trời mưa trời mưa hổng dứt… Trời hổng mưa tui cũng lạy trời mưa…”
Thầy Tuệ Hải loay hoay với chiếc bếp điện cũ, thầy muốn nấu nước sôi pha trà, hẳn là vậy. Bây giờ tôi mới nhìn thấy bóng đèn điện nhỏ ở lưng tường, có chóa chụp màu lục diệp che bớt ánh sáng. Bóng đèn này tỏa ánh sáng khiến tôi nhầm lẫn ánh sáng tự nhiên của căn phòng, vẫn xanh mờ màu xanh lá cây, như lúc nãy ánh nắng chiếu qua đám cây cảnh trên bệ cửa sổ. Hơi lạnh lùa vào căn phòng, đôi lúc mưa bay tạt phủ trên mặt bàn lấm tấm như bụi. Những hạt bụi trong suốt, những hạt châu báu li ti. Không, chỉ là nước thôi. Tôi chợt nhớ lời thoại trong cuốn phim tôi không thể quên, Les dimanches de Ville d’Avray.
Hình như cánh cửa ra vào bị lỏng, và tiếng va lập cập có lẽ do cơn gió xô đẩy.- – Ai đó?
Tôi uể oải đứng dậy, rời khỏi chiếc ghế ở cái bàn sát bên cửa sổ, đi tới cửa ra vào vừa có tiếng gõ. Chiếc áo mưa kéo một đường dài thõng đen sũng nước, cô gái đứng sát bên cửa đến nỗi tôi tưởng đã chạm phải.
Thầy Tuệ Hải cười ra tiếng, nói:- – Cô Nhã rét cóng ngoài cửa, bọn này lại cứ nghĩ tiếng gõ cửa là tiếng mưa đá đập vào.
Cô gái treo áo mưa ở cái móc phía trong cánh cửa, dáng thanh thoát; chiếc áo dài màu sậm thấm ướt nhiều chỗ, những chỗ ấy sậm hơn màu áo. Nước mưa đằm trên tóc nhỏ xuống, khuôn mặt cô gái lấm tấm những hạt nước mưa. Cô gái càng trắng, hơi tái xanh với áo dài xanh đậm và cơn giá lạnh.
Thầy Tuệ Hải lại cười, nói:- – Vừa pha trà xong, hân hạnh tiếp khách quý.
Cô gái tới ngồi trên chiếc ghế tôi ngồi khi nãy, sát bên cửa sổ, tóc vẫn ướt như lúc cô gái xuất hiện. Tôi buột miệng, như tiếng kêu:- – Lạnh lẽo quá!
Cô gái nhìn tôi sau tiếng kêu ấy. Thầy Tuệ Hải kéo tôi ngồi trên chiếc ghế thầy vừa lấy ở đâu ra, nói:- – Ngồi xuống đây, chàng Lã Vi Phủ.
Thầy cũng ngồi trên một chiếc ghế cùng phía tôi, không rõ thầy lấy từ xó nào trong căn phòng xanh lá cây. Từ lâu thầy Tuệ Hải gọi tôi là Lã Vi Phủ, nhân vật mệt mỏi trong truyện ngắn Cố Hương của nhà văn Lỗ Tấn.
Cô gái cầm chén trà lên uống, những ngón tay gầy nhợt nhạt. Tôi muốn ngỏ lời đổi chỗ, nơi cô gái ngồi sát bên cửa sổ, chỉ nhìn cũng cảm nhận nỗi giá lạnh, nhưng tôi vẫn ngồi im. Cô gái hỏi thầy Tuệ Hải, lúc này thầy lại tiếp tục với cây bút, cuốn vở dày cộm và quyển kinh Phật:- – Thầy viết gì thế?
Thầy Tuệ Hải không trả lời, chỉ cười lục cục trong cổ họng, tiếp tục viết và gạch xóa, chắc là thầy thay đổi sửa chữa câu chữ trên cuốn vở. Thỉnh thoảng nhà sư cầm chén trà bằng bàn tay trái, đưa lên uống nhậm lẹ từng ngụm nhỏ.- – Anh Đăng có viết văn?
Cô gái nhìn tôi, hỏi nhỏ giọng. Tôi vội lắc đầu, nói:- – Ồ không, không, tôi có viết lách gì đâu.
Lát sau tôi nói trước cái nhìn lặng lẽ chờ đợi của cô gái:- – Thật ra có lần tôi tập tành viết một truyện ngắn. Viết chừng vài ba đoạn thấy khó tiếp tục nên tôi bỏ dở. Lâu lắm rồi, mấy đoạn dở dang ấy tôi chả nhớ mình đã viết những cái gì nữa.
Cô gái mỉm cười khi nghe tôi nói vậy, nụ cười ẩn chứa ý nghĩa nào đó tôi chẳng hiểu, tuy nhiên tôi thấy yên tâm. Tôi nhận ra, trong lúc tôi nhìn ngó bâng quơ, nhìn ngó gì tôi cũng không biết, cô gái lặng lẽ chăm chú quan sát tôi. Tôi buột hỏi cô gái:- – Sao cô Nhã nghĩ tôi viết văn?
Vẻ mặt cô gái tư lự, cô gái nói nhỏ giọng:- – Tôi có cảm giác như vậy. Có lẽ vì tôi nghĩ anh là người tinh tế nhạy cảm. Những người như vậy dễ bị khổ đau, nát lòng trước thực tại. Nếu viết được, họ sẽ dễ chịu đựng và hy vọng vào cuộc sống.
Cô gái vừa dứt lời, thầy Tuệ Hải đặt vội cây bút giữa hai trang giấy của cuốn vở mở trên mặt bàn. Thầy cười ra tiếng, nói:- – Chắc chắn cô Nhã đã đọc cái truyện ngắn viết dở dang của chàng Lã Vi Phủ rồi đấy.
Cô gái im lặng, vẻ tư lự nhiều hơn, khuôn mặt lúc này bớt tái nhợt như lúc cô gái xuất hiện. Cơn gió giá lạnh không ngớt lùa vào căn phòng. Tôi không thể tự chủ, nói một cái cớ vu vơ để đi ra ngoài.
Tôi đi dọc hành lang xuống dưới sân, dừng lại trước đống vật liệu xây dựng nhà cửa, ngồi trên một viên đá vuông vức, một trong những viên đá không bị nước mưa đọng ướt át.
Tôi chỉ có thể nói với cô gái về việc viết lách của tôi như vậy, không thể nói gì hơn vì đúng là như vậy. Làm sao tôi có thể viết, khi điều tôi muốn viết không thể thành một câu chuyện như người ta vẫn chờ đợi ở một truyện ngắn. Tất nhiên tôi có thể viết một chuyện bâng quơ, một hình bóng một dáng vẻ như ảo tượng đã đi qua đời tôi, cô gái tôi gặp trong vườn cây rộng rinh của một ngôi chùa cổ ở Huế. Quả thật tôi vẫn muốn viết một truyện ngắn như vậy.
Cô gái ấy ngồi trên ghế đá đối diện ghế đá tôi ngồi, khoảng cách một hàng cây thưa. Tôi không hiểu vì sao tôi có cảm giác chắc chắn, cô gái ấy là người sẽ mang lại đôi chút ý nghĩa cho cuộc sống buồn bã của tôi, cuộc sống mệt mỏi và thảng thốt của người lính Hắc Báo cận kề cái chết ngoài trận địa vùng núi rừng A Sao A Lưới ở Thừa Thiên – Huế.
Thỉnh thoảng cô gái ấy như vô tình để nhìn về phía tôi, cái nhìn tôi bắt gặp vẻ chờ đợi gặp gỡ. Tôi cũng không thể hiểu vì sao tôi không đi qua hàng cây thưa tới chỗ cô gái để làm quen, trong không gian tịch mịch của ngôi cổ tự. Tôi ngồi bất động. Một lúc nào đấy bất chợt tôi nhìn về phía cô gái, chỉ còn chiếc ghế đá trống không.
*
Trở lại căn phòng, tôi không thấy cô Nhã. Thầy Tuệ Hải cười lục cục trong cổ họng, ngưng lại để nói:- – Cô Nhã gửi lời chào chàng Lã Vi Phủ. Cô ấy bảo cách đây cũng cả năm rồi, cô ấy đã gặp anh trong vườn cây một ngôi chùa cổ ở Huế.
Tôi hỏi thầy Tuệ Hải, cô Nhã thường ghé đây không. Thầy Tuệ Hải tiếp tục cười lục cục trong cổ họng, ngưng lại để trả lời:- – Làm sao biết được cô Nhã-liêu-trai có ghé đây nữa không. Có thể ngày mai cô Nhã lại ghé, có thể cả một năm sau mới ghé lại, có thể không bao giờ gặp cô Nhã nữa. Nói túm lại, bần tăng không thể tỏ tường những chuyện thế gian.
nguồn: damau.org - – Ai đó?