Chuyện không ngờ - Kawabata Yasunari - Nguyễn Nam Trân

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20163
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Chuyện không ngờ - Kawabata Yasunari - Nguyễn Nam Trân

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Chuyện không ngờ
              
    Hijô, 1924
    tác giả Kawabata Yasunari - dịch giả Nguyễn Nam Trân

    ______________________________________________________________







              

              
              
    I

    Khi ba người bước ra khỏi quán ăn, con đường mới đây còn ban ngày mà nay đã biến thành một khu phố tắm trong ánh điện. Anh Yoshiura, một nhà văn có lối viết tiền vệ, chào từ biệt chúng tôi rồi đi xuống con dốc.

    Ông Imazato [1] vẫn đứng giữa dòng người qua lại, móc từ chiếc ví to mấy tờ giấy bạc và trao cho tôi. Đó là món tiền để ngày mai tôi chi vào việc dọn nhà.

    Hai chúng tôi cùng bước về hướng Ueno. Ông Imazato khổ người thấp bé nhưng có đôi vai tròn và rộng gấp đôi đang đi sát vào mà như muốn ủn tôi. Ông đang cao hứng. Lên tới con dốc Yushima, bỗng nhiên ông bảo :
    • -Này cậu. Đề tài cái truyện ngắn hôm trước coi bộ hơi nhẹ ký đấy. Có lẽ chỉ thích hợp với độc giả của tạp chí phụ nữ.
      -Vâng, tìm ra cách viết cho hợp thật là khó.
      -Tóm lại đó là câu chuyện một người vợ bị chồng ngược đãi, chà đạp trong từng ấy năm, không còn đủ sức thoát thân. Đến lúc đó, tình cờ lại xảy ra một việc không ngờ là anh chồng lâm trọng bệnh. Người vợ bèn mừng rỡ, khấn vái sao cho anh chồng chóng chết. Nàng mơ tưởng nếu chồng chết đi, mình sẽ được giải phóng và có thể sống trở lại cuộc đời thiếu nữ vui vẻ trẻ trung thêm lần nữa.

    Tôi định nói cho ông đôi điều. Thực ra, tôi định bụng sẽ lấy vợ trong thời gian sắp tới nên đang nuôi nhiều mộng đẹp cho cuộc hôn nhân. Tôi chỉ để tâm tới tình cảm của những thiếu nữ đang muốn sống cuộc đời bình thường như mọi người đàn bà bình thường.
    • -Ngược lại, chuyện trớ trêu là cô vợ ấy đã bị người chồng lây bệnh và chết trước.

    Hiện nay, về mặt tình cảm, tôi bắt đầu dễ xúc động từ khi có những dự tính cho cuộc hôn nhân trong tương lai. Tôi không thể nào viết theo một cốt truyện diễn tả những cảnh đời thô bạo, trong đó, người này trở mặt với người kia.
    • -Thế nhưng người đàn bà đó nào có trách nhiệm gì với cuộc hôn nhân ấy! Bà ta đâu muốn kết hôn, đúng hơn chỉ bị bắt phải kết hôn. Từ bên Tây cho đến bên ta, ở đâu thì các cô gái còn non nớt cũng đều bị cha mẹ ép uổng. Lại là ở cái tuổi mười sáu nữa !
      -Mười sáu !

    Tôi lẩm bẩm. Bởi vì tuổi của người con gái tôi hứa hôn cũng là mười sáu [2]. Từ lâu, tôi đã có một sở thích lạ lùng và hơi bệnh hoạn là không tìm thấy nơi những nàng con gái trọng tuổi hơn mười sáu, mười bảy một sức hấp dẫn nào cả. Thế nhưng, đối với xã hội, việc lấy nhau ở tuổi mười sáu được coi như là một chuyện bất thường. Dù vậy, tôi đã tìm thấy trong trường hợp bất thường này những viễn tượng đẹp đẽ và thích thú.
    • -Ít có người nào lấy chồng ở tuổi mười sáu cả. Lấy như thế là lấy kiểu nào ?
      -Này cậu ! Cứ tưởng tượng cảnh một ông tỉnh trưởng (kenchiji) vừa được bổ nhiệm làm người đứng đầu một tỉnh thành xưa kia vốn là phiên trấn [3]. Và cậu con trai ông tỉnh trưởng đó muốn cưới cô con gái của viên thư lại quèn ngày xưa làm việc ở phiên trấn đó. Cấu tứ theo kiểu đó là ổn. Dạng tiểu thuyết đại chúng ấy mà !

    Ông Imazato giải quyết vấn đề một cách vô đấu pháp. Tôi chỉ còn biết im lặng.

    Khi chia tay ông Imazato ở quãng trường Ueno Hirokoji, tôi lấy xe điện đến con dốc Dangozaka để thăm một người bạn là anh Shibata. Tôi rủ anh ra ngoài, cùng đi mua năm tấm đệm ngồi (zabuton) cho mùa đông. Tôi còn phải sắm thêm các thứ như bàn kính để trang điểm (kyôdai). gối dành cho phụ nữ, dụng cụ khâu vá...cho kịp ngày Michiko lên đây.

    Khi tôi ghé ngôi nhà mà sáng mai tôi sẽ dọn lên gác hai và đang đứng ngoài cổng dặn với vào là khi mấy tấm nệm ngồi được đem tới, hãy nhận giùm rồi để qua một bên cho tôi, thì từ bên trong nhà có tiếng chủ nhân hối hả gọi ra :
    • -Thầy Kitamura ! Thầy Kitamura !
      -Lên chơi một chút đi ! Bà nhà tôi muốn gặp để chào thầy đấy.

    Tôi bèn đẩy cánh cửa kiểu Tây phương và bước vào bên trong gian phòng lót chiếu. Bà chủ nhà, tôi mới gặp lần đầu, có một khuôn mặt dài thỏng, xanh xao và đường nét không được rõ ràng. Người đang nằm tựa lên đầu gối của bà là một đứa bé gái, ai nhìn cũng sẽ thấy là nó có đôi má rất xinh. Đứa bé từ từ mở mắt nhìn tôi. Tôi thấy trong đôi mắt đó có những tia máu nhỏ li ti.
    • -Con bé này ngày nào cũng hỏi bao giờ chị mới dọn tới, bao giờ chị mới dọn tới đó ! Nó còn nói, lúc ấy, hai chị em sẽ vào bồn tắm ngâm nước nóng với nhau. Chưa chi mà nó đã bày vẽ đủ chuyện.

    Ông chủ nhà trong tấm áo bông bám đầy bụi cũng đang vui đùa bằng cách vuốt ve chòm râu đỏm đáng của mình. Ông nói với tôi bằng một giọng thân thiện :
    • -Khi vợ thầy dọn đến, nếu hai ông bà thân sinh có đi theo để tiễn con thì xin mời họ qua đêm ở đây. Giường chiếu chăn đệm không thiếu đâu.
      -Thưa không ai hết ạ. Chỉ có mình tôi đi đón về thôi.
      -Thế thì ngày mai thầy cô sẽ tới cùng ?
      -Thưa ngày mai tôi dọn đến một mình. Bốn năm hôm nữa, tôi sẽ xuống dưới Gifu [4] đón cô ấy lên

    Trên thực tế thì đúng là trong vòng bốn năm hôm nữa tôi sẽ phải đi đón nàng. Tôi đang đợi bức thư của Michiko nói về ngày giờ. Chỉ cần nhận được lá thư thì coi như xong và chỉ cần Michiko có mặt ở Tôkyô là mọi sự đâu đã ra đấy.




    II

    Khi tôi trở về nhà mình đang trọ ở Asakusa thì vừa có thư Michiko. Tôi bèn phóng như bay lên gác. Nhìn lá thư, tôi có cảm tưởng như nàng đã có mặt ở Tôkyô.

    Thế nhưng nội dung lá thư không phải là cái tôi chờ đợi. Tôi chợt đứng bật dậy khiến cho tay nải trên đầu gối rớt tuột xuống sàn và vội chạy khỏi nhà trọ. Cái nón thì vẫn đội nguyên trên đầu như lúc vừa bước vào cửa. Ra đến đường xe điện, không thấy gần đó có chuyến nào sắp tới, chỉ có mỗi con đường sắt nằm trơ trẽn bên dưới.

    • -" Một hai, một hai ! ",
    tôi vừa đếm vừa muốn bấm đầu ngón chân để tung bay khỏi mặt đất. Tôi cố gắng phóng ra đằng trước bằng những cái bước càng dài càng tốt. Vừa đi, tôi vừa đọc bức thư thêm lần nữa.

    Bề gì, tôi cũng sẽ đánh điện tín hỏa tốc cho gia đình nàng dưới Gifu và làm đơn xin cảnh sát Tôkyô mở một cuộc truy lùng ....thế nhưng tôi đã quên mang theo tấm ảnh dùng để nhận diện nàng. Tôi hãy còn để một tấm ảnh khác ở nhà anh Shibata ...Giờ đây tôi phải lấy chuyến tàu đêm xuống Gifu... và chắc là phải lên chuyến xe cuối trong ngày ...Tôi có nên rủ Shibata theo không đây? Đến nước này chắc tôi phải quì sụp trước mặt cha mẹ nuôi của Michiko van xin ông bà tiếp tay tôi bắt cô ấy đem về. Ngoài ra tôi chưa nghĩ ra cách nào khác !

    Trong đầu óc tôi lúc đó, kế hoạch đã được dựng lên theo một thứ tự rõ ràng như vậy. Ngoài mấy chuyện đó ra, tôi cũng không biết mình còn phải làm gì nữa hay không ? Ký ức và tưởng tượng của tôi rối ren như mớ bòng bong, còn lý trí và tình cảm thì đã cô đặc thành một tảng cứng nhắc.

    Tôi vội vã tìm đến nhà Shibata. Chẳng mấy chốc, tôi đã cuốc bộ đến được trạm đổi tàu trên quãng trường Ueno Hirokoji. Tôi bèn phóng ngay lên tàu điện.

    Bức thơ của nàng được bỏ trong một phong bì kiểu con gái làm bằng giấy có vẽ hình những đóa hoa chuông (kikyô. bellflower) đang nở. Trong xe điện, tôi đã đọc nó thêm lần nữa. Trước mắt mọi người, tôi vẫn tỉnh táo như không. Thư này được bỏ vào thùng thư ngày nào đây nhỉ ? Tôi bèn dò lại dấu nhà bưu điện đóng lên đó :
    Gifu, khoảng giữa 6 giờ chiều và 8 giờ tối, ngày 7 tháng 11 năm (Taishô) thứ 10 (1921).

    Tối hôm qua ! Thế thì tối hôm qua Michiko ngủ ở đâu ?

    Chắc chắn là chiều hôm qua nàng đã có mặt ở Gifu.Thế nhưng có phải nàng đã bỏ nó vào thùng thư giữa đường sau khi đã trốn khỏi nhà? Sau khi bỏ thư xong, nàng có quay về nhà thêm lần nào nữa hay không ?

    Hiện nay nàng đang ở đâu ? Tối nay nàng sẽ ngủ nơi nào? Nếu như tối hôm qua nàng lấy chuyến tàu đêm, có lẽ lúc ấy thân thể nàng vẫn chưa bị nhơ nhuốc. Hay là chuyện đó chỉ vừa xảy ra đêm nay ? Bây giờ là chín giờ tối. Mới giờ này mà Michiko đã buồn ngủ thì có lẽ người nàng không được khỏe đâu!

    • -Chuyện " không ngờ " (hijô) ! Chuyện " không ngờ " ! Cái mà nàng bảo " không ngờ " đó là chuyện gì vậy nhỉ ? Chuyện không bình thường à ? Nó đã xảy ra bên ngoài những gì được gọi là thường thức trong cuộc đời này à ?

    Mấy tiếng " không ngờ " âm vang như những giọt mưa không ngừng nhỏ lên đầu tôi. Xuống xe điện xong, tôi bèn leo lên dốc Dangozaka, vừa mượn ánh sáng đèn khí đốt của một sạp hàng đêm để đọc bức thư đó lần nữa.

    " Anh Yuuji mến nhớ !

    Em cảm ơn lá thư anh gửi cho em. Em xin lỗi vì đã không hồi âm. Em tin là anh vẫn sinh hoạt và mạnh khỏe như thường.

    Giờ đây, em có một chuyện phải từ khước anh. Em đã có lời giao ước chắc chắn với anh, nhưng nay, một chuyện không ngờ đã xảy đến cho em. Còn chuyện không ngờ ấy là gì thì em không thể thưa anh hay dù bất cứ giá nào. Thấy em nói năng như thế này, anh hẳn ngạc nhiên lắm. Chắc anh muốn bảo em hãy cho anh biết chuyện bất ngờ đó là cái gì. Thế nhưng nếu phải tiết lộ ra, thà em chết chắc còn hạnh phúc hơn.

    Em xin anh hãy xem em như một kẻ không có ở trên đời này. Lần sau khi anh gửi thư cho em thì em không còn ở Gifu nữa đâu. Xin hãy coi em như đang sống ở một đất nước nào khác.

    Những gì (O... O ...) đã có giữa chúng mình với nhau, cho đến chết, em sẽ không bao giờ dám quên. Em thật đã có lỗi với anh.

    Bức thư này là bức thư cuối cùng của em. Cho dù anh có gửi thư về chùa [5] thì em cũng không còn ở đây nữa. Em chào anh. Suốt đời, em sẽ luôn khấn nguyện để anh có hạnh phúc.

    Em chưa biết mình sẽ đi đến vùng đất nào để sống...nhưng xin chia tay và vĩnh biệt anh.

    Gửi đến anh Yuuji với lòng mến nhớ.


    Ðây là lá thư của một cô con gái mười sáu tuổi và chỉ được học chữ cho đến mùa thu năm thứ ba bậc tiểu học. Cách viết của cô chỉ là bắt chước kiểu viết thư của các truyện đăng trong tạp chí phụ nữ nhưng tôi không hiểu là qua lời thư, cô đã diễn tả được điều mình suy nghĩ đến mức độ nào ? Còn mấy chữ " không ngờ " cô đã dùng là để nói điều chi ? ...Tuy nhiên tôi đã ghi sâu vào ký ức từng câu từng chữ của lá thư ấy.

    Còn mấy chỗ khoanh tròn (O ...O...) mà cô ấy dùng như ám hiệu (fuseji) có nghĩa là gì vậy nhỉ ? Cô định dấu diếm điều chi ? Nếu là những chữ Hán như " thương " (luyến) hay " yêu " (ái), làm gì mà cô chẳng biết ? Cô nghĩ thế nào mà lại dùng ám hiệu ở đây ?

    Từ hồi nãy đến giờ, những khoanh tròn đó, to có nhỏ có, như đang thi nhau nhảy múa trước mắt tôi.

    Tôi leo lên từng bậc cái cầu thang ọp ẹp nơi gác trọ của Shibata và lần đầu tiên mới nhận ra rằng đôi chân mình đang run rẩy.




    III

    Shibata đọc lá thư mà mặt cứ tái dần dần như anh muốn chia sẻ cái tình cảm tôi đang có. Còn tôi thì sau khi rít một hai hơi đã vứt điếu thuốc lá quấn vào cái lò sưởi than và tiếp tục vứt những điếu thuốc lá mới châm không biết đến bao nhiêu lần.

    Tôi nhìn vào mặt Shibata rồi cất tiếng hỏi :
    • -Có trai à?
      -Tớ cũng nghĩ như thế. Chuyện người đàn bà muốn tránh nói đến chỉ có thể là chuyện họ bị mất trinh.
      -Hay là một khuyết tật của cơ thể ?
      -Hừm, khuyết tật của cơ thể!
      -Hay là một chứng bệnh di truyền.
      -Hừm, một chứng bệnh di truyền !
      -Hay là một sự xấu hổ của gia đình, anh chị em hay thân tộc không thể giải bày?
      -Hừm, một sự xấu hổ trong gia đình !
      -Thế nhưng chắc không phải những thứ chuyện như thế !
      -Ở thời điểm này, tớ nghĩ chuyện Michiko bị đàn ông lường gạt là không có đâu. Tuổi còn vị thành niên này mà cô ấy đã hết sức đứng đắn, chững chạc.
      -Dù sao, có lẽ cô ấy không còn ở trong chùa nữa, đúng không ?

    Thế rồi, Shibata đưa mắt nhìn về phía xa xôi và nói như đang tự nhủ thầm:
    • -Hôm trước, khi cô ấy bảo sẽ lên Tôkyô, nếu cậu bắt cô ấy lên ngay thì giờ đây, làm gì xảy ra chuyện như thế này. Vì cậu không nắm chóp[6] nên mới ra nông nỗi !
      -Nhưng mà...
      -Nên cô ấy mới vuột ra [7] và chạy mất đấy !

    ...Thật ra thì khoảng giữa tháng mười, Michiko có viết cho tôi một bức thư. Cô bảo là ngày 1 tháng 11 tới, cô sẽ trốn khỏi Gifu và xin tôi ít tiền mua vé xe lửa. Thế thì tốt quá. Khi đó Michiko lại nói là mình muốn kéo theo một cô hàng xóm lớn hơn mình năm tuổi đi cùng. Việc này hơi khó cho tôi. Nó làm tôi cảm thấy là mình có thêm trách nhiệm đạo đức với cô con gái kia. Khi họ lên Tôkyô, tôi chỉ muốn tiếp đón Michiko và sẽ phải bỏ rơi cô thứ hai. Đó là điều khiến tôi thấy mình bị lâm vào thế kẹt. Cô gái kia đã có ý định kiếm việc ở quán Cafe [8] . Trường hợp một cô gái trẻ như cô bị rơi vào cái bẫy sa đọa của đời sống đô hội, lẽ đâu tôi lại ngoảnh mặt làm ngơ. Thế nào cô cũng sẽ trở thành một gánh nặng cho tôi. Hơn nữa, cha mẹ cô ấy hãy còn đầy đủ cả. Không thể nào họ để cho cô ấy tự tiện bỏ nhà ra đi mà không can thiệp. Nếu Michiko lên Tôkyô một mình thì không sao, có thể không bị bắt về và xong chuyện, nhưng nếu hai người đi cùng, có khi Michiko sẽ mắc ách giữa đường vì cớ cô ta, và bị gửi trả về Gifu. Chuyện đó không phải không thể xảy ra. Hơn nữa khi họ lên Tôkyô, tôi chỉ muốn giữ lấy một mình Michiko thôi. Tôi chỉ muốn làm tất cả và chấp nhận mỗi mình cô ấy chứ không muốn cuộc sống của mình bị xáo trộn bởi một người thứ ba. Do đó, tôi mới tính là sẽ ẩn nhẫn đợi đến lúc Michiko có thể lên đây một mình. Khi tưởng tượng ra khuôn mặt đầy hứng khởi của nàng khi đang đáp chuyến tàu đêm dài dằng dặc để lên đây, tôi không thể nào ghìm được ước muốn xuống tận Gifu để đón về. Có thể là khi trốn ra khỏi nhà, nàng đã phải mặc thường phục. Tôi thương hại vì khi đi đường, nàng không có lấy kimono để mặc cho cho đàng hoàng....Tôi đã phản đối việc cô hàng xóm muốn làm bạn đồng hành với nàng là vì những lý do như thế.

    Gần đây, trong khi bàn về chuyện đó, Shibata có lần nói:
    • -Tưởng cái gì chứ ! Nếu chỉ là một cô gái thôi thì tớ có thể lo liệu giúp cậu.

    Bây giờ nghĩ lại là hồi đó, nếu tôi không cần tỏ ra chu tất vì thể diện mà chỉ tập trung vào việc đón tiếp Michiko khi nàng lên Tôkyô thì có phải tốt bao nhiêu. Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy có gì nghèn nghẹn.

    Anh Shibata nói như an ủi :
    • -Cứ coi trong đám sinh viên chúng mình, có thể nói mười chuyện yêu đương thì chưa có một được thuận buồm xuôi gió. Khi thấy cậu cứ phom phom lướt tới như vậy, tớ đã nghi sẽ có cái gì không ổn. Những chuyện trục trặc có thể xảy ra ở bất cứ giai đoạn nào.

    Dù cậu ta nói như vậy nhưng tôi tự hỏi tại sao lại phải đem trường hợp cá nhân của mình ra so sánh với những cảnh thất bại trong thiên hạ.

    • -Bây giờ cậu tính sao ?
      -Dù thế nào, tớ cũng phải xuống Gifu cái đã.
      -Ừ, được đấy !
      -Tớ chưa chuẩn bị gì hết. Cậu có thể cho tớ mượn tập giấy viết thư, bút chì hay bút máy và một vuông khăn làm tay nải không ? Cả tấm ảnh Michiko nữa.
      -Còn khăn mặt và bàn chải đánh răng ?
      -Tớ sẽ mua ở đâu đó thôi.....Có sẵn tiền không ? Tớ có mang một ít nhưng việc phải tiêu pha nhiều cũng có thể xảy ra. Nếu tớ đến gặp ông Imazato, thế nào ổng cũng cho vay nhưng giờ này chắc cổng đã đóng, tớ ngại đi đường vòng tốn thời giờ.
      -Tớ không sẵn tiền. Trên đường ra bến xe, tớ sẽ ghé đứa bạn vay cho cậu.
      -Chuyện đã trễ tràng nhưng tớ sẽ thử đánh điện tín về chùa.

    Tôi vội vã ra khỏi nhà trọ. Mùa đông sắp về nên những ngọn gió đêm gây gây lạnh. Shibata vòng ống tay áo măng-tô rộng như một quả chuông treo (tsurigane) choàng lấy người tôi. Thấy bạn bày tỏ tình cảm tương thân, tôi đâm ra xấu hổ. Tôi với bạn chia nhau tấm áo khoác và cùng nhau bước. Tôi thấy mình đã trấn tĩnh trở lại, không còn phải thở hào hển nữa.

    Bất chợt nhớ ra, tôi mới hỏi Shibata:
    • -Không phải là cô ta là đồng bọn của nhóm đào tẩu (ochikake) mà tờ báo kia vừa loan tin hay sao ?
      -Hả ? Nhóm đào tẩu nào thế ?

    Ðó là ký sự đăng trên tờ báo buổi chiều cách đây hai hôm. " Một cuộc đào tẩu chưa từng có ". Có một nhóm học sinh trung học nam nữ 12 người ở tỉnh Gifu đã cùng nhau trốn nhà ra đi. Trong đó có sáu nam sinh và sáu nữ sinh. Khi nghe tới cái tên Gifu, tôi hơi giật mình. Tuy nhiên, vì lúc đó, ký sự về cuộc ám sát Thủ tướng Hara Takashi [9] đang lấp đầy trang nhất các tờ báo nên bản tin này không cho biết nhiều chi tiết. Vả lại, việc đăng tải tin tức cũng bị chậm đến hai, ba hôm. Trong số các cô nữ sinh, tôi thấy chép người trẻ nhất là học sinh năm thứ hai, mười lăm tuổi. Tên cô ta là Michiko, trùng tên với Michiko tôi quen. Chẳng lẽ tờ báo ấy đã viết nhầm ?

    Cho nên đến hôm nay tôi mới cảm thấy giữa ký sự này và bức thư của Michiko có một mối liên hệ. Thế nhưng Michiko đã 16 tuổi, không phải là nữ sinh trung học, lại không chơi với đám học trò nhà quê và bỏ đi bụi với mục đích mua vui như họ đâu. Hơn nữa, cuộc đào tẩu đã xảy ra từ bốn năm hôm trước, trong khi tối qua, Michiko vẫn có mặt ở Gifu.....Tuy nhiên, cho dù nàng đã rời Gifu, tôi khó lòng nghĩ rằng nàng đã tham gia vào cuộc đào tẩu đại qui mô này. Không hiểu nàng có bị bắt và giải về Gifu không ? Nếu bị bắt, nàng sẽ không còn được phép lưu lại Gifu cũng như trong nhà của cha mẹ nuôi và có khi phải bỏ nhà ra đi một lần thứ hai. Ôi chao, nếu thế thì quá quắt! Nhưng tôi không thể coi thường khả năng này.

    Khi đến trước nhà bưu điện khu Komagome, bỗng nhiên Shibata rút tay ra khỏi ống tay áo măng-tô rồi ấn cái áo xuống vai tôi :
    • -Cậu mặc măng-tô này mà đi đường !





              
    Mi-chi-ko-i-e-de-su-ru-to-ri-o-sa-e-yo
    (Hãy ngăn không để cho Michiko trốn ra khỏi nhà)
    Tôi không đề tên người gửi bức điện tín. Kẻ trước đây từng xúi giục Michiko trốn khỏi nhà là tôi, chả lẽ bây giờ tôi lại là người bảo họ phải ngăn cô làm chuyện ấy!

    Người bạn mà Shibata muốn đến vay tiền hộ tôi lại vắng nhà nên khi gặp nhau ở chỗ hẹn, tôi đã cùng anh leo lên xe điện. Trên xe, chúng tôi gặp một người bạn học. Shibata bèn nói ngay :
    • -Này cậu, cho tớ vay tí tiền với. Sắp sửa đi du lịch đây.

    Thế nhưng anh bạn này cũng không có tiền.

    Tôi để ý rằng mình đang đội cái mũ đồng phục nhà trường. Đến Gifu, chưa chắc tôi sẽ không làm một việc tổn hại đến danh giá. Vì vậy tôi đã muốn mượn Shibata một cái nón mềm (soft hat) gập lại được, nhưng nó lại rộng thùng thình và che đến mang tai làm tôi không biết phải làm sao.

    • -Cái đêm Watase với Michiko đi xem buổi biểu diễn chim cồng cộc (ukai) [10] , hắn có tý toáy Michiko gì không nhỉ ?

    Nghe nhắc đến Watase, tôi nhớ lại anh chàng sinh viên trường Luật có làn da xanh xao mà mỗi khi hắn chạm vào người, đều tạo ra cho tôi một cảm giác lạnh lẽo.
    • -Chắc là không. Nếu có thì Michiko đâu kể lại câu chuyện hôm đó một cách cặn kẽ như vậy!
      -Còn hòa thượng, biết đâu chẳng đã làm gì đó !

    Hình ảnh ông bố nuôi của nàng, lực lưỡng như một tăng lữ thời Viện Chính (Insei) [11] , hiện ra sừng sững trước mắt tôi.
    • -Cha ruột của Michiko đã viết thơ giải thích rõ rồi mà. Ông ta xem như chấp nhận hết những thỏa thuận với nhau hồi đó.
      -Tớ cũng có cảm tưởng như vậy đấy.

    Trả lời xong, trong lòng tôi bỗng hiện ra hình ảnh buồn bã ủ dột của một viên thư lại nhỏ trong một ngôi trường tiểu học vùng Đông Bắc (Kitaguni). Ôi, cái người đàn ông kia, không biết ông ta có phủ một cái bóng tối tăm nào lên gia đình của ông không?

    Trong phòng đợi xe của ga Tôkyô, tôi gấp rút thảo một bức thư gửi ông Imazato. Tôi cho biết đã nhờ anh Shibata làm người liên lạc đến xin ông cho vay ít tiền.

    Thò đầu ra cửa sổ nhìn bên ngoài xe hỏa, tôi vẫn nói với một giọng đầy tự tin:
    • -Nếu Michiko chưa bị nhơ nhuốc, tớ sẽ đưa cô ấy lên Tôkyô bằng đủ mọi cách. Còn trường hợp việc đã hỏng, tớ sẽ tạo điều kiện cho cô ấy về quê sống bên cạnh người cha ruột.
      -Ừ được. Cứ làm như thế xem !

    Thế rồi khi đoàn xe bắt đầu chuyển bánh, Shibata bèn chìa bàn tay ra. Tôi đã nắm chặt lấy bàn tay ấy.




    IV

    Trên sân ga Tôkyô, tôi có cảm tưởng Michiko đang ở đâu quanh đây. Khi lên xe rồi, tôi vẫn còn cảm thấy Michiko cũng vừa mới vào trong toa. Khi con tàu chạy ngang qua những cái kè sáng sủa của hai ga Shimbashi và Shinagawa , tôi đã nhìn chăm chú, hầu như không bỏ sót một bóng phụ nữ nào, đến độ mắt tôi đâm ra nhức nhối. Một chuyến xe lên đi ngược chiều với những khung cửa sổ màu vàng như đang bay qua. Bên trong những cánh của sổ ấy, hình ảnh một dòng hành khách như được nối theo bằng cái đuôi dài màu xám đang lướt qua trước mắt tôi. Tôi nghĩ mình phải sẵn sàng lấy đà để có thể phóng qua chiếc xe đối diện bởi vì có khi đó là chuyến tàu có Michiko ngồi bên trong.

    Cô gái kia trông giống Michiko. Ðúng rồi. Nhưng không, làm sao lại có thể như thế được. Vừa nuôi những ý nghĩ như vậy, tôi lơ đãng nhìn về phía búi tóc và bờ vai của cô gái đang ngồi cách tôi năm, sáu hàng ghế đằng trước và ngắm nghía. Một anh học trò ngồi ghế đối diện gợi chuyện với tôi. Anh đến Tôkyô để chuẩn bị kỳ thi vào trường Cao Đẳng nhưng giờ đây đang trên đường trở về quê ở đảo Shikoku. Do đó, khi thấy trên cái kệ đặt hành lý tôi có máng cái mũ sinh viên đại học, anh đã tỏ ra kính cẩn.

    Cô gái với mái tóc búi vừa chuyển động thân thể, để lộ ra bộ ngực trắng. Thì ra cô đang cho con bú. So với Michiko, có lẽ cô phải lớn hơn độ mười tuổi.

    Tôi cuộn người trong chiếc áo măng-tô, ngồi ngửa mặt trên ghế mà ngủ. Tôi mất định hướng, không còn phân biệt được biên giới giữa cái có thể có và cái không thể có. Trong đầu tôi, những huyễn ảnh tha hồ biến hiện....Tôi nhìn thấy một căn phòng giam chật hẹp bọc bằng bốn bức tường trắng. Tôi cũng thấy Michiko với vẻ mặt xanh xao cùng một anh con trai đang đứng tựa vào tường và tôi không hiểu nơi đó có đèn điện hay không nữa. Hai người này đã bị bắt đem về sau khi gia đình cha mẹ nuôi của cô làm đơn xin cảnh sát truy lùng....Để đi tìm dấu vết Michiko, tôi đã bước vào cuộc đời lang bạt. Tôi nghe có tiếng sóng vỗ và ngửi thấy mùi nước tương đậu nành trên cái bàn thấp dùng để dọn cơm (chabudai). Trên chuyến đi này, tôi đã gặp lại một Michiko thân thể rã rời và tàn tạ....Michiko khóc, bảo với tôi cô không phải là một người đàn bà. Sinh hoạt giữa tôi và Michiko chưa phải là một cuộc sống vợ chồng và nó quá thuần khiết (platonic)....Một hồi còi rúc lên. Tôi muốn Michiko bị bánh xe của con tàu đang đưa tôi cán cho chết đi vì nàng đã ôm ấp bao người con trai khác...Trời miền Bắc bây giờ đầy tuyết. Tôi nhìn thấy cảnh Michiko mệt mỏi vì cuộc sống đã trở về với cha mình và tôi đang cúi sụp đầu trên sàn chiếu trước mặt hai người.....
    • -Có thể con đàn bà này có giao ước với mi nhưng nó là của tao !
      -Không ! Kẻ biết cách yêu người đàn bà này chỉ có mỗi tôi thôi !

    Thế nhưng Michiko đã bênh vực người đàn ông đó, nhướng đôi mày lên cao, cất tiếng cười lanh lảnh như muốn chế nhạo tôi.

    Tôi chợt nhớ hồi nhỏ từng đọc loại truyện kiểu Kôdan [12] và tiểu thuyết phiêu lưu mạo hiểm. Trong đó xuất hiện nhiều phép lạ, cả Ninjutsu (thủ thuật của Ninja) và pháp lực chư thần cũng như sức mạnh kỳ quái của ma vương.
    • -Nào !

    Tôi muốn gồng mình để hóa thành một luồng khói bay lên trên bầu trời. Tôi sẽ đến nơi và đột ngột xuất hiện trước mặt người đàn ông đang ôm ấp Michiko.

    Chỉ cần một tiếng quát của tôi, thân thể hắn sẽ cứng đờ, không sao cử động nổi. Thế rồi hắn sẽ buồn ngủ đến độ phải gục lên gục xuống. Thêm vào đó, sấm sét sẽ đánh xuống đầu hắn.

    Nhưng dù sao thì dù...Mắt nhắm nghiền, tôi đưa bàn tay phải ấn lên trán. Nếu như tôi tập trung tất cả sức lực vào cái trán này và khấn nguyện, có lẽ nguyên khí của tôi sẽ bắt đầu từ đấy mà bay vào trong không gian thăm thẳm để truyền tới chỗ Michiko. Chuyện như thế thật khó tin. Thế nhưng tại sao tôi lại không chịu tin vào điều đó nhỉ ? Vì không tin nên tôi mới sai lầm. Chỉ cần tin thôi, nó sẽ biến thành sự thực kia mà!

    Tuy nhiên, tôi thấy tinh thần con người sao mà quá yếu ớt. Chuyện ấy sẽ không thể nào thực hiện. ...Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy lòng mình lắng lại rồi dần dần tôi chìm vào trong giấc ngủ. Tôi cảm thấy mình đã gửi hồn về một chốn rất xa xôi, cái còn lại nơi đây chỉ là sự trống rỗng.

    Tôi đọc bức thư của Michiko thêm lần nữa. Khi cất nó lại vào ống tay áo, tôi đã vô ý để cái ví của mình tuột ra và rơi xuống nhưng tôi không động đậy gì hết. Anh học trò ngồi trước mặt đã nhặt nó lên cho tôi. Tôi cầm lấy một cách lơ đãng. Vạt măng-tô không cài nên áo đã tuột xuống sàn xe. Cậu học trò bèn nhặt lên và choàng lại cho tôi. Trong lòng tôi dậy lên một tình cảm muốn được nuông chiều (amaeru) và xem hành động giúp đỡ của cậu như chuyện đương nhiên. Thế rồi sau đó, bao lần cậu học trò đó đã nhặt tay áo măng-tô của tôi lên. Tôi chẳng nói với cậu một lời cảm ơn nào. Làm như tôi đang có một tình cảm muốn nương cậy cậu học trò đó và hoàn toàn phó mặc mình cho cậu ấy. Tôi bây giờ là một con người yếu đuối và cảm thấy trong lòng bình thản, đến độ không còn bày tỏ nổi một phản ứng nào trước hảo ý của người khác. Vì tôi mà cậu học trò này đã không ngủ để làm người canh giấc. Có lẽ vì suy nghĩ kiểu đó mà tôi như được thể, đã lên tiếng dặn dò cậu:
    • -Tôi xuống Gifu đấy nhé. Nếu thấy tôi ngủ, nhớ đánh thức hộ !

    Ðôi khi mở mắt, tôi chỉ thấy ánh sáng đèn bão của nhân viên nhà ga đang bước trên những kè ga không một bóng người. Có khi tôi chợt đứng hẳn lên, đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ để tìm Michiko.

    Khi tàu đến Toyohashi [13] , tôi đã thức hẳn. Tám giờ sáng rồi. Giữa những dao động tình cảm tối hôm qua và tâm trạng sáng hôm nay, tôi không thấy có một mối liên hệ nào. Tôi hầu như quên khuấy là mình cũng có tay có chân, cứ đứng ngơ ngác một chỗ. Tuy nhiên, giống như một cố tật, tôi lại đảo mắt nhìn những người đang di động trên những sân ga như muốn dò xét từng người một.

    Gifu đây rồi ! Ôi chao ôi ! Chỗ xe ngừng được trang hoàng lộng lẫy. Mấy cột trụ trên kè ga đều được quấn bằng vải hai màu đỏ và trắng như thể là chúng được mặc quần áo lên trên. Vòm cửa ở những lối lên xuống trên cầu cũng được trang trí bằng hai màu như vậy. Thế nhưng, không phải vì muốn tiếp đón tôi, người khách mang một tâm sự ngổn ngang vừa mới đặt chân tới đây mà thành phố đã trang hoàng như thế đâu !. Cũng không phải vì Michiko, cư dân vừa bỏ nó ra đi. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy trong người có một sự hào hứng hết sức tươi mới.

    Trong phòng đợi của nhà ga, tôi hối hả đọc lướt qua mấy trang báo. Người chung quanh nhìn tôi với cặp mắt lạ lùng. Đúng là nhật báo địa phương nên trong đó đầy ký sự về cuộc đào tẩu. Hai toán nam và nữ tuy có cùng điểm hẹn nhưng đã trốn theo hai hướng riêng rẽ. Sáu cô nữ sinh trung học đã bị chận bắt ở Yokohama, còn sáu cậu nam sinh hình như đang kéo dài cuộc đào tẩu về hướng Hokkaidô. Tờ báo nào cũng đều nhắc là trong nhóm có một nữ sinh tên Michiko, mười lăm tuổi.

    Ra khỏi gian phòng đợi, tôi đứng dưới một cái cổng chào (Arch) ngay lối vào nhà ga. Ngẩng đầu lên vòm cổng để nhìn, tôi thấy có hàng chữ " Chúc thăng hạng " màu đậu đỏ (azuki) [14]
    • -" Thăng hạng " à ?. Thế thì trường nào vừa được thăng hạng đây ? Có phải là trường Canh Nông nằm gần đằng sau ngôi chùa, nhà của Michikô không nhỉ ? Anh bồ mới của Michiko có phải là học sinh trường này ? Thành phố đang chúc mừng trường của anh chàng à ?

    Thế nhưng cái thành phố thấp lè tè như thế này sẽ phải chịu lạnh vào mùa mưa. Nó đang chết dần đây. Ðể đến được ngôi nhà trọ có bức tường màu đỏ nằm trước nhà ga, tôi đã phải băng qua một đám mưa.
    • -Ô kìa ! Mời thầy vào cho !

    Một cô giúp việc từ bên trong nhà trọ phóng ra. Cô kéo mà làm như muốn xách người tôi lên.
    • -Chao ôi! Thầy đến đúng lúc quá !

    Cô ta reo lên với một giọng vui mừng và trong sáng. Cô đẩy nhẹ lưng tôi, hai chân bước như bay, kéo tôi vào cái hành lang nằm sâu bên trong. Tôi còn nghe tiếng chân của hai ba cô khác chạy lúp xúp đằng sau mình.

    Tôi hơi sửng sốt. Chưa nói được một câu đã bị người ta bắt mình làm theo ý họ. Tôi chưa bao giờ được các cô giúp việc ở đây ăn nói và đối xử một cách thân mật như lần này. Tôi còn không nhớ cả mặt của cô giúp việc vừa lôi kéo tôi vào đây nữa là. Hồi tháng chín, tôi đến trọ ở đây một đêm, sang tháng mười, tôi có ăn một bữa trưa nhưng chưa bao giờ nói một lời nào với các cô giúp việc mà cũng chưa bao giờ biếu họ tiền nước cả. Tôi hoàn toàn không hiểu thái độ thân mật của các cô bắt nguồn từ đâu !
    • -Thầy chịu khó ngồi đợi trong phòng này một tí nhé ! Chúng em đang quét dọn một căn phòng tốt dành cho thầy.

    Tôi chưng hửng không biết nói gì. ...Thực tình tôi chỉ cảm thấy kỳ lạ trước một loạt cử chỉ khác thường của họ.

    Vừa lúc đó, bức điện tín chuyển tiền của anh Shibata đến nơi. Ðến lượt cô giúp việc nói cho cô đồng nghiệp bên ngoài hành lang :
    • -Quét dọn hộ mình gian buồng số một......Thế à ? Bây giờ đã mời thầy vào đó được rồi à ?





    V

    Tôi phải đi qua mấy chậu cảnh được đặt đằng trước mới vào tới gian buồng số một. Từ nơi đây, tôi có thể nhìn xuống quảng trường nằm trước mặt nhà ga.

    Xuyên qua những cành cây trước sân, tôi canh chừng lối ra vào. Nhưng tôi lại lo lắng là khi đảo mắt xem chừng như vậy, nếu có bóng Michiko đang đi vào trong ga thì thật là nguy.

    Bữa cơm gọi là sẽ dọn ngay nhưng đến gần giữa trưa tôi mới có mà ăn.

    Tôi húp một hớp chawan-mushi [15] nhưng ngạc nhiên khi cảm thấy mình lợm giọng. Đói lả đến nơi nhưng cổ họng không thể nuốt trôi một miếng đồ ăn.

    Cô hầu bàn không phải là cô giúp việc khi nãy.
    • -Trường nào được thăng hạng vậy cô ?
      -Trường nào đâu ?
      -Không phải là có dựng cổng chào à ? Đằng kia kìa !
      -À không. Của nhà ga đấy. Cổng đó để chúc mừng ga Gifu được thăng hạng mà !
      -Ra là thế !....Hừm ! Của nhà ga cơ à ? Vì tôi là sinh viên nên cứ thấy thăng hạng là nghĩ ngay đến trường học.
      -Vâng.
      -Còn cái vụ đào tẩu vẫn chưa kết thúc sao?
      -Thế hở thầy ?
      -Cô không biết gì hết à ? Báo chí họ đăng tùm lum mà ! Chuyện ở ngay Gifu này đó.
      -Trời ơi ! Thật vậy hở thầy ? Em có bao giờ đọc báo đâu mà biết.
      -Còn cái vụ cô gái ở ngôi chùa xóm X... bỏ nhà ra đi, cô có biết không ?
      -Hoàn toàn không, thầy ạ ! Chùa tên gì vậy thầy ?
      -Trừng Nguyện Tự (Tôganji) !
      -Ôi, em không biết gì hết. Ông chủ nhà trọ này là thầy giáo ở trường Nữ học nên chắc ổng biết. Khi nào ông ấy về, em sẽ hỏi giùm thầy.
      -Thôi thôi, không sao. Gọi ngay cho tôi một chiếc xe đi !
      -Vâng.

    Vì tôi thấy mình hơi buồn nôn nên đã siết lại thắt lưng hakama cho chắc. Làm xong mới thấy là không ổn bèn nới nó ra trở lại.

    Tôi mượn nhà trọ cây dù đắp bằng giấy dầu (bangasa) rồi leo lên xe.

    Ra khỏi thành phố Gifu và chạy thêm được một đoạn ngoài đồng, tôi thấy có nhiều nhà chuyên làm dù bangasa, một sản phẩm thủ công địa phương nổi tiếng. Ngày xưa đây là một khu buôn bán nhỏ dưới chân thành (jôkamachi). Đến trước một cửa hàng tạp hóa (aramonoya) thì xe ngừng. Một bà trạc bốn mươi đang đứng đó. Hình như đây là một người " cô " của Michiko. Nàng thường đi lại cửa tiệm này để học khâu vá và cắm hoa. Và có lẽ đây là người thầy duy nhất ở Gifu đã có lòng tốt thu nạp nàng làm đệ tử. Chính nàng từng kể như thế. Cửa hiệu này cũng là địa chỉ trung gian nhận thư từ của tôi để chuyển lại cho nàng/

    • -Thưa cháu là người trên Tôkyô mới xuống ạ ...
      -À...
      -Cháu muốn hỏi thăm cô Michiko ở Trừng Nguyện Tự ạ...

    Thế nhưng bà này tỏ ra lãnh đạm đến độ không thèm quay mặt lại nhìn tôi.

    Bà chỉ lo bán nồi soong cho mấy người khách còn đến cả sau tôi. Mãi một lúc, khi chuyện buôn bán đã xong xuôi, bà vẫn để tôi đứng trong sân và mình cũng đứng trơ trơ ra đó.
    • -Thế anh là ai vậy?
      -Cháu là Kitamura đây ạ !
      -À, anh Kitamura.
      -Cảm ơn cô đã nhiều lần giúp đỡ.
      -Ô, không có gì.
      -Cháu muốn hỏi thăm chuyện em Michiko.
      -Hỏi Michiko về chuyện gì ?
      -Muốn hỏi em ấy có sao không ạ.
      -Tôi có nghe ai nói gì đâu.
      -Cô ấy không còn ở Trừng Nguyện Tự nữa à ?
      -Ðã lâu tôi không có dịp đến đằng chùa. Làm sao tôi biết được ...
      -Thế hở cô ? Hôm qua cháu có nhận được một bức thư hơi lạ. Trong đó viết là em ấy bỏ nhà đi hoang (iede). Nhưng cô có biết gì về chuyện đó không ?
      -Nếu nó có tới đây, tôi cũng không chứa chấp đâu.

    Nghe khẩu điệu bà mạnh mẽ như vậy, bất giác tôi đưa mắt nhìn vào sâu trong nhà. Chỉ thấy mỗi cái vách trượt màu trắng. Nhưng tôi chỉ hỏi thăm thôi chứ đâu có ý định cật vấn.

    Một lúc sau, cảm thấy mệt mỏi, tôi không muốn nói gì thêm.
    • -Thôi, để cháu đến Trường Nguyện Tự hỏi thẳng vậy !

    Lên xe xong, tôi mới sực nhớ mình bỏ quên cái dù bằng giấy dầu. Trường Nguyên Tự không xa nơi này cho mấy. Tôi bảo anh xe đợi giùm trước cửa chùa.

    Cách với cái sân trong là một gian phòng không có vách ngăn. Bà mẹ nuôi của Michiko đang ngồi một mình và bày đồ ra để khâu vá. Đây là bà mẹ nuôi nhưng cũng là người mà Michiko gọi là " kẻ thù ".Tôi đã đến ngôi chùa này một lần hồi tháng chín và bây giờ là lần thứ hai.

    Chào một hai tiếng xong, bà mẹ nuôi hỏi tôi :
    • -Thế hôm nay cậu từ đâu đến vậy ?
      -Cháu từ Tôkyô và mới đến nơi sáng hôm nay.
      -Cậu đặc biệt xuống đây thôi à ?
      -Vâng. Vì có chút chuyện muốn thưa nên mới xuống đấy ạ.
      -Chuyện con Michiko phải không ?
      -Ðúng thế ạ.

    Tôi trả lời nhanh như muốn vồ lấy.
    • -Dạo này chúng tôi đã nhất định không để cho con Michiko ra khỏi nhà.
      --Vâng. Như vậy em nó có ở đây ạ ?

    Tôi như người vừa lặn chìm xuống đáy sâu nay mới được thở ra một hơi dài khoan khoái.
    • -Có khi tuổi tác cùng một trang lứa nhưng con gái được nuôi dạy ở Tôkyô với con gái nhà nhà quê khác nhau nhiều lắm. Nếu cậu nghĩ rằng con Michiko giống y các cô gái sống quanh đây là lầm to. Nó đã đủ khôn lớn và biết sống độc lập, không cần ai phải giúp đỡ nữa đâu.

    Bà mẹ nuôi này đang nói kháy tôi đây. Tuy nhiên, tôi đã biết trước là bà sẽ đối xử với tôi như vậy.
    • -Thế em ấy dạo này vẫn có mặt thường xuyên ở nhà chứ ạ ?
      -Phải. Có sai nó đi đâu, tôi cũng không bao giờ để đi một mình. Mắt tôi không bao giờ rời nó hết.
      -Em ấy đang ở đây à ?
      -Phải.
      -Michiko không bị chuyện gì hết sao ?
      -Thế Michiko có kể gì với cậu à ?
      -Vâng. Thành thử sáng nay cháu mới đến đây!
      -À, ra là thế. Thôi được, cậu lên nhà chơi.

    Vừa đặt người lên tấm đệm ngồi xong, tôi đã cúi nhẹ để chào bà thêm một lần nữa, rồi nói với một giọng khổ não :
    • -Cháu có một chuyện phải xin lỗi cô. Cùng lúc, cháu cũng xin nói lên một điều mong muốn. Tuy nhiên...

    Bà mẹ nuôi chỉ im lặng.
    • -Tối hôm qua cháu vừa nhận một lá thư lời lẽ khó hiểu. Vì quá lo lắng cho nên cháu đã vội vàng xuống đây...Thế thì không có chuyện kiểu như Michiko trốn nhà ra đi chứ ạ ?
      -Tôi hoàn toàn không biết. Thế nó nói với cậu như thế sao ?
      -Vâng. Vì vậy hôm qua cháu mới đánh điện tín xuống đây đó.
      -À, thì ra là thế ! Thảo nào tôi thấy có gì là lạ. Michiko ngủ một mình trong phòng này nên Michiko phải là người nhận bức điện tín ấy. Mấy lần tôi bảo nó cho xem, nó cứ trốn quanh. Bảo đọc cho tôi nghe, nó cũng ậm ừ, nói rằng có đọc cũng không hiểu nội dung nói gì rồi xé mất tiêu.

    Nếu như Michiko đang có mặt trong nhà thì bức điện tín kia là cái nàng không muốn để cho cha mẹ nuôi trông thấy. Chết chưa nào, tôi đã làm gì thế nhỉ ? Thế rồi, có khi chỉ là một câu nói dối, nhưng Michiko đã viết cho tôi như vậy. Vậy mà tôi đã tiết lộ cho người khác mất..

    Tôi bắt đầu đặt câu hỏi không biết bức thư ấy có gì gian dối không ? Dối đứt đuôi chứ gì nữa ! Thế mà từ đêm qua cho đến sáng nay, dù có nằm mơ, tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ là bức thư có thể chứa đựng một câu nói dối.
    • -Chúng tôi cảm ơn cậu nhiều. Xin lỗi đã làm cậu phải lo lắng và cất công từ trên đó xuống tận Gifu.

    Chả hiểu có phải bà đang muốn nâng tôi lên thành một người thánh thiện và biến Michiko thành một kẻ gian tà hay không đây ?
    • -Thật ra thì...
      -Michiko suy nghĩ như thế nào, tôi không hề biết. Có thể nào cậu thử hỏi thẳng để hiểu bụng dạ nó hay không ?

    Thế rồi bà mẹ nuôi bèn gọi :
    • -Michiko ! Michiko !

    Không có tiếng động nào. Cả người tôi cứng đơ. Bà mẹ nuôi đứng lên và đi qua phòng bên cạnh. Cái vách trượt được kéo qua một bên.
    • -Anh mới đến chơi !

    Giọng Michiko lí nhí, nhỏ như một cây kim. Cô đặt hai tay xuống sàn để chào tôi.

    Mới nhìn thấy bóng cô, lòng tôi bỗng trắng bệt ra. Trong một giây, tôi không còn nhận ra trong tôi dấu vết của giận hờn hay vui buồn gì nữa. Ngay cả tình yêu lẫn sự thất vọng cũng không nốt. Tình cảm muốn tạ lỗi nàng khiến người tôi như thu nhỏ lại.

    Có chỗ nào trong con người này là của một Michiko mới tháng trước không đây ? Hãy cho tôi thấy được một nơi nào đó trên thân thể này là của cô gái trẻ mà tôi từng biết! Trước mặt tôi, không phải là hình ảnh của tất cả sự thống khổ đang tích tụ lại đó hay sao ?

    Sắc diện của nàng không còn gì cái tươi tắn của một con người vì đã khô se và mốc trắng như trét phấn. Da nàng sần sùi như vảy cá khô. Cặp mắt thì mơ mơ màng màng như đang nhìn vào bên trong đầu mình. Tấm áo dệt có pha sợi bông vải nay đã bạc và tróc đi hết, không còn thấy đâu màu bóng láng trước đây.

    Tôi không còn nhìn thấy nàng hình ảnh người con gái mà tôi yêu dấu, tôi cũng không thấy đâu là người con gái đang rắp tâm phụ bạc tôi. Nhìn Michiko chẳng khác nào tôi nhìn vào hư không, nó chỉ khiến cho đầu mình đau nhức.

    Hình dáng đó không phải là kết quả những thống khổ mới xuất hiện từ hôm qua hay hôm nay đâu. Cả tháng rồi, không có ngày nào mà nàng không phải gây gổ với cha mẹ hay khóc lóc. Nàng đã viết về những điều đó trong hàng chục bức thư gửi cho tôi. Nó là nguồn gốc của những sự thương cảm đến từ trí tưởng tượng vu vơ của tôi. Michiko là nỗi thống khổ được cụ thể hóa. Và giờ đây, trí tưởng tượng của tôi đang đối diện với hiện thực. Cuộc hôn ước của tôi đang được nhìn một cách khách quan.

    Tôi vẫn không hình dung ra chuyện " không ngờ " kia là cái gì. Thế nhưng Michiko đã phá hủy lời giao ước giữa chúng tôi. Bức thư trên nếu được viết ra chắc chỉ vì nàng đã không kham nổi gánh nặng đó ?

    Một nỗi thống khổ đang ở sát bên tôi, nó ngồi cứng nhắc phía đối diện và chỉ cách tôi bởi một cái lò sưởi bằng than (hibachi).











    Dịch ngày 7/8/2023
    Bên lề tác phẩm :
    • " Chuyện không ngờ " (Hijô, 1924) là một tác phẩm quan trọng nhưng nó chỉ là một trong rất nhiều " tiểu thuyết tự thuật " nghĩa là những lời tự thuật đã hư cấu hóa (sau này được các nhà nghiên cứu gọi là autofiction) của ông về mối tình đầu. Câu chuyện hủy hôn là một tiếng sét nổ giữa thanh thiên bạch nhật trên cuộc đời của Kawabata và đã làm ông đau khổ tột bậc. Thế nhưng cùng lúc, nó đã giúp ông sáng tạo được một dòng văn học gọi là " Tình Đầu " trong văn nghiệp. Nó đã được in thành một quyển sách khá dày và mà trong mỗi truyện, các nhân vật đều mang những cái tên khác nhau. Ở đây là Kitamura Juuji và Michiko nhưng ta biết tất cả đều là hóa thân của Kawabata Yasunari và Itô Hatsuyo..

      Nói chung, có nhiều tác phẩm tự thuật đã được viết ra nhưng thay vì trình bày sự thật, nó là cơ hội để tác giả của chúng phản biện, bào chữa hay khoa trương cho nên có một sác xuất cao là đưa vào đó những dữ kiện bên ngoài sự thật. Trong khi đó, tiểu thuyết " tự thuật " của Kababata đi theo một chiều hướng ngược lại. Khi pha lẫn sự thật đầu tay với các yếu tố hư cấu nghĩa là tiểu thuyết hóa các chi tiết có tính tự thuật, nhà văn đã giúp cho người đọc tìm thấy sự thật hay ít nhất, một phần nào đó của tảng băng sự thật, nếu như họ biết đọc giữa hai hàng.


    Xuất xứ :
    • Kawabata Yasunari Hatsukoi Shôsetsushuu (Tập Tiểu thuyết Tình đầu của Kawabata), Shinchô Bunko, Nxb Shinchô, Tôkyô, 2016 (trang 142-170).
      Ðã đăng trên số Tạp chí Bungei Shunjuu (Văn Nghệ Xuân Thu) số tháng 12 năm 1924. Nguyên tác Nhật ngữ.




    ____________________________

    [1] - Sao mà giống hình ảnh Kikuchi Kan (1888-1948), ông chủ báo và nhà mạnh thường quân của Kawabata đến thế ! (NNT).
    [2] - Chính ra chỉ mới 15 nếu theo cách tính hiện tại dựa trên sinh nhật.
    [3] - Với cuộc cải tổ hành chánh "phế phiên trí huyện" thời Meiji, các phiên (han) đã biến thành huyện (ken) tương đương với tỉnh trong tiếng Việt.
    [4] - Thành phố bậc trung, thủ phủ của vùng Mino, Hida, nằm ở phía Tây trung bộ đảo Honshuu. Xưa kia là một cứ điểm trên một trục giao thông xung yếu.
    [5] - Cô gái là con nuôi của một thầy trụ trì nên sống trong chùa.
    [6] - Nguyên văn: maegami wo tsukamanai" (không chụp lấy chỏm tóc đằng trước)
    [7] - Nguyên văn: hageatama wo furitateru (hất cái đầu hói lên)
    [8] - Trong bối cảnh xã hội Nhật Bản thời ấy (giai đoạn Taishô, Shôwa tiền kỳ), những nơi đây không chỉ đơn thuần bán cà phê mà còn có các thứ nước giải khát khác và cả rượu Tây nữa.
    [9] - Hara Takashi (1856-1921), nguyên là nhà ngoại giao và nhà báo, được gọi là "bình dân tể tướng".
    [10] - Một nét sinh hoạt đặc biệt của vùng Gifu. Dân chài ở đây nuôi chim cồng cộc (ukai, ugai, cormorant) để bắt cá cho họ. Mùa hè, có khi trình diễn cho công chúng xem dưới ánh đuốc..
    [11] - Ý nói chính trị viện sảnh của thời trung cổ (từ thế kỷ 11 trở đi) khi các Thái thượng hoàng đi tu mở một triều đình riêng để cai trị song song với tân quân mà không phải đụng chạm với Mạc phủ.
    [12] - Kôdan (Giảng đàm): Nghệ thuật kể truyện truyền thống của Nhật Bản bắt đầu từ năm Genroku (1688-1704) thời Edo với nội dung hấp dẫn để giúp vui và khuyến thiện trừng ác.
    [13] - Thành phố nhỏ phía đông nam tỉnh Aichi (thủ phủ là Nagoya).
    [14] - Theo tập quán Nhật Bản, màu đỏ của đậu đỏ (tiểu đậu, azuki) mang lại điềm lành.
    [15] - Món ăn khai vị, chủ yếu làm bằng trứng đánh và hấp trong một cái chén nhỏ



              
    http://chimvie3.free.fr/91/nguyennamtra ... go_091.htm
Trả lời

Quay về “Nhật”