Mùi cà phê của bố

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mùi cà phê của bố

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Mùi cà phê của bố




    Tôi có một tuổi thơ buồn. Rất buồn. Nhưng tôi cũng có một tuổi thơ đẹp. Rất đẹp. Không giống những đứa trẻ khác, tôi có tới bốn bà mẹ. Tất nhiên tôi cũng có một ông bố, và may mắn chỉ có một ông bố thôi. Sau này khôn lớn, bản thân trải nghiệm nhiều cảnh ngộ, tôi biết ơn mẹ ruột tôi vì sự hy sinh vô bờ bến của bà để tôi có được ơn phước này. Mẹ kể bà sinh tôi rất dễ, gần như đẻ rơi tôi bên cạnh hòn đá lớn để chặn cửa cho cửa không bị gió sập vào trong mùa đông mưa gió đầy trời ở Huế. Mẹ không đau đớn khi cho tôi ra đời nhưng mẹ đau đớn nuôi tôi từ lọt lòng cho đến khi mẹ nhắm mắt ngủ giấc sau cùng.

    Tôi đã nhiều lần viết về mẹ, viết cho mẹ mỗi khi tôi nhớ bà. Những khi nhớ mà không viết, tôi ngồi khóc một mình. Những ngày cuối năm như buổi chiều sắp tàn, khiến chim nhớ tổ tìm về. Người tha hương không được như chim, đành khép đôi cánh mỏi, tạm dừng chân trên cành lạc loài chờ bình minh hôm sau và nhiều hôm sau nữa. Nói như nhạc sĩ Vũ Thành An, lâu rồi đời người cũng qua.

    Xuân đến, xuân đi, xuân bất tận. Mùa Xuân trong trời đất mãi thanh tân, nguyên vẹn từng ngày, không bao giờ tàn, không bao giờ thật hết. Con người, trái lại, thu đông từng mùa rơi rụng, không được như thiên nhiên trên dòng vô tận. Chẳng có mùa Xuân nào thực sự ấm áp và trong trẻo trong lòng người tha phương. Những lời sau đây, tôi muốn viết về Cha. Nhất là trong thời tiết nước Mỹ vừa vào thu se lạnh mấy hôm nay.

    Tôi không được gần cha nhiều, theo cái nghĩa là được có cơ hội gần gũi, chuyện trò, được ông hỏi han, săn sóc, dạy dỗ. Tôi chỉ thỉnh thoảng thấy ông trong những ngôi nhà rộng gia đình từng sống qua, biết ông là bố của tôi, thế thôi. Dẫu sao, thời bé dại, tôi cũng có vài khoảng thời gian, không nhiều, được thấy ông ở nhà lâu hơn. Đó là những ngày sauTết và những ngày mùa hè khi tôi lên sáu hay lên bẩy, không ở ngôi nhà số 72 Gia Hội mà ở ngôi nhà nghỉ mát bố tôi tự trông nom cho thợ xây cất trên đỉnh một ngọn đồi trong rặng núi Bạch Mã.

    Ngày xa xưa ấy, phương tiện di chuyển từ Huế lên Bạch Mã của bố tôi là ô tô, anh Phúc là tài xế riêng của ông, thường đưa ông xuôi ngược quốc lộ 1 từ Trung ra Bắc rồi lại từ Bắc vào Trung, ghé qua nhiều khu mỏ, đồn điền và nhà máy rải rác từ Cửa Rào, Quảng Ninh, Hòn Gai, Cẩm Phả, qua Vinh, Tour Cham, vào tới Quảng Bình, Quảng Nam, Vĩnh Điện, Nam Ô rồi dừng lại ở Huế. Trí nhớ trẻ con của tôi chỉ ghi nhận được có bấy nhiêu. Hiệp định Genève cắt đôi đất nước, tất cả tài sản của bố tôi mất theo phần lãnh thổ bắc vĩ tuyến 17. Gia cảnh khánh tận chỉ trong một cái chớp mắt, bố tôi bước vào tuổi già lẽ ra được an hưởng thành quả thời tuổi trẻ thì không còn gì, kể cả sức khỏe để có thể gây dựng lại. Anh em tôi đôi khi thì thầm: “Giá bố đi xa hơn một tí vào Nam thì bây giờ chúng mình vẫn còn của phụ ấm nhỉ?”

    Tôi nhớ có một lần trong mùa hè, bố tôi thu xếp lên Bạch Mã nghỉ ngơi. Như thường lệ, tôi thường được theo xe bố đi cùng. Chị Nụ có bổn phận làm va li cho Mẹ trẻ tôi và anh tôi nhưng phần tôi, khi có lệnh của bố, thì mẹ ruột tôi phải gói ghém mọi thứ cho tôi để tôi ôm lấy, tự mang theo. Lần đó, chắc bố tôi bận gì nên xe chạy mà không có tôi. Lên tới Bạch Mã, qua hôm sau bố tôi mới nhớ là đã bỏ quên tôi ở nhà. Ông nhắn về, bảo mẹ tôi đem tôi ra gara ông Nghè, gửi tôi lên bằng xe đò của ông Nghè.

    Như mọi khi mẹ tôi gửi hoa quả, trái cây hay các vật dụng khác theo xe đò của gara ông Nghè lên Bạch Mã, xế trưa ngày hôm ấy, tài xế bỏ tôi xuống ngay dưới chân đồi. Tôi vừa leo vừa đếm đúng 125 bậc thang bằng đất nện để lên tới cổng. Giống như ngôi nhà nghỉ hưu của bố tôi ở Tả Duệ, nhà Bạch Mã cũng mở ra với khu vườn hình tay ngai trồng nhiều loại hoa. Tôi thích nhất và nhớ nhất những cụm hoa violette thấp lè tè, tôi phải ngồi xổm mới ngắt được cái cuống hoa nhỏ xíu của nó e lệ nấp dưới đám lá xanh để đưa hoa lên mũi, hít những hơi dài mùi thơm nhẹ mà say của nó. Hoa violette mầu tím thẫm, hương dìu dặt, nở kín đáo nên trông nó sang trọng hơn đám hoa me sum suê, nở tênh hênh đầu gió. Thỉnh thoảng, tôi cũng ngắt mấy cái cọng hoa me mềm oặt, không để thưởng thức hương mà để nhấm nháp vị chua chua của chúng qua kẽ răng.

    Thú vui của tôi với cháu Ki, gọi tôi bằng dì nhưng chúng tôi sàn sàn tuổi nhau, là chơi trốn tìm quanh những bụi tú cầu, hoa lá rậm rạp, cao hơn chúng tôi và to lắm, phải mấy người lớn mới ôm xuể. Những khi chỉ có một mình, tôi hay la cà với những cây hoa mộc. Tôi thích màu trắng xanh của những cánh hoa tí hon lẫn vào thân nhánh, mùi thơm nồng nàn nhưng không hắc. Mẹ tôi thường hái hoa mộc và hoa sói, để riêng chúng vào những cái rổ con để ướp trà cho bố tôi uống.

    Vườn hoa của bố tôi có cả dâu. Những quả dâu từ xanh đến chín đỏ hay được tôi hỏi thăm. Tôi thích nhìn chúng mướt mát, lớn như thổi nhưng tôi không hẩu. Chỉ hôm nào mẹ tôi từ Huế lên, bà hái đem vào bếp làm món tráng miệng cho cả nhà thì tôi được mẹ nhón cho một nửa quả đã ngâm đường và rượu rhum. Hình như mùi thơm mát của dâu tươi lẫn với mùi thơm gắt của rượu lên men làm thành cái vị ngọt đắng dịu dàng khiến trẻ con như tôi ngày ấy, nếm thử một lần là nhớ mãi. Tuy vậy, tôi nhớ mẹ nhưng không nhớ dâu. Cả đời, tôi vẫn mãi không thích dâu.

    Ngôi nhà của bố tôi ở Bạch Mã kiến trúc theo kiểu gì tôi không biết nhưng từ cổng nhìn vào, hai bên là hai cái tháp nhọn. Bố tôi ở bên cánh phải với mẹ trẻ tôi và anh tôi. Bên cánh trái dành cho cả nhà và họ hàng mỗi khi họ lên chơi núi. Hôm tôi một mình theo xe ông Nghè lên, tha thẩn ngoài vườn cả buổi chiều rồi ra nhìn suối thấp thoáng bên dưới, vểnh tai nghe tiếng nước rơi đều, nhẹ, róc rách quanh những phiến đá nhẵn, đủ to cho tôi nằm nhìn trời mông lung trên cao những trưa hè có người lớn cùng xuống suối. Trong bóng chiều bảng lảng hôm ấy, đang vơ vẩn cùng hoa cỏ và tiếng chim ríu rít về tổ trong rừng cây quanh nhà, tôi bỗng cảm thấy hai mi mắt nóng bừng và người bải hoải. Tôi vào nhà, leo lên buồng ngủ ở tháp bên trái, gần suối. Như một con mèo hoang tiếng chân không làm ai kinh động. Cảm giác thương tâm của một đứa trẻ không biết trông cậy vào ai khi cần làm tôi khóc lặng lẽ một lúc rồi ngủ thiếp đi trên cái sàn gỗ trải nệm mờ mờ tối. Có lẽ đến giờ ăn cơm không thấy tôi, bố tôi mới cho người đi tìm.

    Tôi được sờ đầu, được cho ăn cháo, được bố cho uống aspirine vì không ai biết mẹ tôi thường cho tôi uống thuốc gì để chữa cảm sốt. Chị bếp nghiêm nghị dặn tôi hôm sau không được dậy sớm, không được ra ngoài cho đến khi tôi khỏi ốm. Không biết có ai nhắn gọi gì không mà mẹ tôi lên ngay, mang theo rất nhiều nhãn từ vườn nhà ở Huế. Biết tôi thích nhãn, mẹ tôi cho riêng tôi một chùm lớn và dặn dò: “Em ăn dần thôi nhé, hết sốt, chị cho nữa.” Không biết nhờ gói Tiêu Ban Lộ, nhờ nhãn hay nhờ hơi áo mẹ, tôi khỏi ngay, lại được ăn cơm với món tôm càng kho tiêu mẹ làm rất ngon. Khôn lớn, tôi không bao giờ quên những con tôm càng mẹ mua tươi soi sói ở Cầu Hai, thịt tôm đỏ ong, chắc và thơm phức. Khi ăn, mẹ tôi thường cắt tôm thành từng khoanh nhỏ và dọn ra đĩa. Tôi được nhìn tự do nhưng ăn thì phải chờ người lớn gắp vào bát cho, không thỏa thích như anh tôi.

    Ngoài mẹ già, mẹ trẻ, mẹ ruột, bà mẹ thứ tư của tôi là mẹ thiên nhiên, ấp ủ phần hồn tôi qua suốt thơ ấu và thời niên thiếu. Mùa hè ở Bạch Mã là ký ức quý giá của tôi những ngày tháng qua nhanh ấy.

    Những hôm có mẹ tôi từ Huế lên vì công việc, ngủ lại một tối để trưa hôm sau về theo xe ông Nghè, sáng sớm tôi được mẹ cho theo bà ra tiệm Chaffanjons cách nhà một quãng đường ngắn bên kia cái cầu bắc qua con suối dưới chân đồi. Tiệm Chaffanjons của người Pháp, chuyên bán thức ăn nguội, sữa tươi, đồ hộp, rượu, bánh kẹo và cà phê của Pháp. Họ có lò làm bánh mì nóng mỗi ngày. Ngoài baguette, họ làm những cái bánh mì vòng tròn màu nâu hồng, tôi thường xâu vào hai cánh tay nhỏ xíu của tôi, nghe mùi bột nướng còn nóng thơm ngào ngạt tỏa ra từ vỏ bánh đặc biệt dòn mà không vỡ. Tôi được ăn “chay” nguyên một cái trên đường về lại nhà, tung tăng theo mẹ leo lên đúng 125 bậc thang đất, không bao giờ có thể quên hương vị những cái “bánh tây” ngon đến thế trong đời. Bố tôi thường điểm tâm bằng bánh mì với trứng ốp-la, jambon, pâté, fromage và cà phê sữa hộp. Có hôm, buổi sáng tôi lang thang vào phòng ăn không còn ai, chỉ còn cái khay thức ăn sáng của bố tôi người làm chưa kịp dọn.

    Tôi tò mò nhìn những thứ còn sót lại. Tôi dí mũi vào cái tách men sứ trắng còn đọng ở đáy chút cà phê màu nâu nhạt, mùi thơm béo, ngọt, cảm thấy bị kích thích muốn nếm thử. Cà phê bố tôi uống ngày đó, lúc nhấc cái phin ra khỏi tách, màu cà phê nâu vàng ánh lên như màu rượu trước khi bố tôi dùng thìa nhẹ nhàng quấy sữa đặc thành những vòng tròn làm cà phê đổi mầu. Hương vị chút cà phê nguội mà sao ngỡ như ấm, ngọt dịu dàng, thấm trên đầu lưỡi của đứa bé lên sáu, lên bảy là tôi ngày ấy, ở lại mãi với tôi cho đến tận bây giờ. Sau này, thỉnh thoảng có dịp uống cà phê, tôi thấy cà phê ở đâu cũng có hậu vị gắt và chát, có khi thoảng mùi khét của mẻ rang bị quá lửa, khiến tôi tự hỏi hay là tôi nhớ cà phê của một thời bé dại, ôm giữ nhiều kỷ niệm như gỗ cũ lên nước, bóng màu thời gian và gợi nhắc hơi hướm của cha mẹ tôi nay không còn nữa?

    Ngoài quãng đường từ nhà đến tiệm Chaffanjons cùng mẹ đi về những buổi sáng mùa hè sương mù hay khói núi mờ mờ lan tỏa, trong túi áo lạnh có mấy con sâu đá cuộn tròn như hạt giẻ, tôi nhớ những buổi trưa trên đồi cao đầy nắng, mấy dì cháu lau hau rủ nhau xuống suối. Tôi không nghịch nước mà chọn một phiến đá đủ cho tôi nằm khểnh nhìn trời thấp thoáng qua những tàn cây rừng đan vào nhau thành vòm, xếp hàng hai bên ven suối, lắng nghe tiếng gió luồn qua những tầng lá rậm, tiếng chim hót, tiếng nước êm ả chảy dưới lòng khe trong veo, tất cả lẫn vào tiếng hò hét âm vang của lũ cháu vui đùa với nước trên đầu dốc. Cách tôi một khoảng, cháu Ch. ngồi cắm cúi đọc sách trên một phiến đá khác.

    Sau này khôn lớn, cả hai dì cháu cùng theo nghề dạy học. Sau nhiều năm xa cách, gặp lại nhau tại hội đồng thi Tú Tài đặt tại trường Petrus Ky đầu thập niên 60, chúng tôi cùng ngậm ngùi nhớ lại những mùa hè và con suối Bạch Mã năm xưa, mắt Ch. trong vắt như nước suối ngày ấy.

    Tôi cũng yêu những buổi tối đi ngủ có mẹ để rúc vào ngực áo mẹ tìm hơi ấm, cả những buổi tối nằm co ro một mình trong căn phòng trên gác tuyệt đối yên lặng, mắt mở thao láo nhìn mấy cái đà gỗ của cái trần nhà hình chóp nhọn sáng mờ mờ nhờ ánh đèn từ phòng bên cạnh, nghĩ vẩn vơ, tưởng tượng những trò chơi ngày hôm sau hoặc một trăm điều đọc dở dang trong cuốn sách tôi còn giấu trên cái hộp nước dội cầu trong phòng vệ sinh của bố tôi ở Huế. Giấc ngủ nào của tôi cũng lao xao bắt đầu như thế để rồi chập khuya sẽ bị đánh thức vì tiếng hót thiết tha, buồn bã của những con chim từ quy gọi nhau đến khàn cả giọng, vang vọng từ đầu hôm đến sớm mai, qua rừng cây, qua khe núi, tìm bạn của nó ở phương trời nào khác có lẽ cũng đang gọi tìm nó. Không ai biết chúng nó có gặp được nhau trước khi trời rạng sáng hay không nhưng không ai còn nghe tiếng chim từ quy vào lúc hừng đông nữa.

    Giờ đây, tôi chắc tiếng chim từ quy ở Bạch Mã vẫn mãi còn hàng đêm dai dẳng cất lên từ nửa khuya tới tinh sương để đi tìm hạnh phúc luôn là giấc mơ như giấc mơ của loài người, khiến tôi có lúc thấy mình giống như loài chim từ quy, đêm đêm vẫn nghe thao thức riêng mình tiếng gọi thầm những người thân yêu của một thời nay chỉ còn là kỷ niệm…

    Bùi Bích Hà


    Nguồn:https://www.diendantheky.net


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Mùi cà phê của bố

Bài viết bởi Bạch Vân »

          




Nhà văn, nhà truyền thông Bùi Bích Hà,
sau một cơn đột quỵ, đã qua đời vào ngày 14 tháng 7, 2021 tại Quận Cam,
miền Nam California.





          
Last edited by Bạch Vân on Thứ hai 19/07/21 20:29, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Mùi cà phê của bố

Bài viết bởi Bạch Vân »

          





Thành Kính Phân Ưu cùng tang quyến






          
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Mùi cà phê của bố

Bài viết bởi Ngoc Han »

" Những hôm có mẹ tôi từ Huế lên vì công việc, ngủ lại một tối để trưa hôm sau về theo xe ông Nghè, sáng sớm tôi được mẹ cho theo bà ra tiệm Chaffanjons cách nhà một quãng đường ngắn bên kia cái cầu bắc qua con suối dưới chân đồi. Tiệm Chaffanjons của người Pháp, chuyên bán thức ăn nguội, sữa tươi, đồ hộp, rượu, bánh kẹo và cà phê của Pháp."

Xin chia buồn cùng tang quyến.
Hình ảnh
Trả lời

Quay về “của người”