Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em



    Bà Nguyễn Đình Toàn (Ảnh chụp Nov. 2014 – T.Vấn)



    1.

    Lưu Na từ California gọi điện thoại báo tin chị Hồng Ngọc, phu nhân nhà thơ Nguyễn Đình Toàn vừa qua đời,* sau một thời gian dài lâm bệnh. Cái tin đến với tôi vừa ngạc nhiên vừa không ngạc nhiên. Ngạc nhiên là vì tôi mong đợi một cái tên khác ‘vừa qua đời”, chứ không phải cái tên chị Hồng Ngọc. Không ngạc nhiên vì đây là những ngày tháng người ta đã mất hẳn sự bất ngờ khi nghe tin có một ai đó quen biết vừa qua đời. Ai đó có thể là bất cứ ai, già trẻ lớn bé, nổi tiếng hay không nổi tiếng, trong giới văn chương hay ngoài văn chương.


    Vậy là tác giả “Mật Đắng” của chúng ta đã trở thành góa bụa. Tôi không nghĩ trong đầu ông, trong tim ông, trong cõi lòng già nua héo úa của ông, có giây phút nào nghĩ đến rồi đây mình có thể thành “góa bụa”.


    Trong lần gặp gỡ cách đây khoảng dăm bẩy năm, trong căn phòng chung cư quen thuộc đơn sơ, tôi và người bạn trẻ Lưu Na đã có dịp cùng nghe ông đọc những dòng thơ rất riêng tư gởi người bạn đời, mà tôi nghe như lời trăn trối, có nghĩa là ông đang nghĩ đến ngày ông ra đi, bỏ lại người vợ một mình giữa cõi đời:


    “. . . tôi nhìn thấy sự chịu đựng trong dáng dấp ông ngồi, tay không ngừng vân vê cái ống vố mà có một thời tôi cũng đã coi nó là vật thiết thân không thể tách rời. Bên cạnh, người bạn đời của ông ngồi lặng lẽ suốt buổi chiều cũng mang dáng vẻ cam chịu. Thỉnh thỏang, bà đứng lên châm thêm nước nóng vào bình trà và cất giọng nhẹ nhàng mời khách.


    Buổi chiều Cali xuống chậm ngòai kia. Những gịot nắng cuối cùng rồi cũng tắt. Giữa sự tịch mịch của căn phòng, Nguyễn Đình Tòan như trong cơn mộng du đột nhiên cất giọng nhẹ nhàng đọc như cách đây hơn 40 năm ông ngồi trước máy vi âm mỗi tối thứ năm giới thiệu chương trình nhạc chủ đề trên đài phát thanh Sài Gòn. Người bạn trẻ Lưu na đã kịp ghi lại một đọan như sau:


    • “Đời có còn dành cho ta
      Một ngày nhìn lại thấy nhau
      Giọt nước để lại trên hoa
      Lời giã từ yêu dấu
      Nắng sẽ khô
      Và buồn sẽ đưa
      Ta sẽ gặp lại nhau
      Trong cát bụi mù
      Em đừng khóc
      Đừng thương nhau
      Cho lòng thêm héo sầu
      Đời như giấc mơ đã tan
      Nước mắt khôn hàn
      Rừng cháy rồi cũng tàn
      Biển bão rồi cũng êm
      Ngày tháng qua
      Vết thương nào rồi cũng lãng quên
      Đường em đi
      Từ nay không có anh
      Không còn ai
      Đón chờ vui mừng
      Con đã lớn khôn
      Hay chim bầy giã đàn
      Một mình em
      Làm sao giang cánh che đầy
      Họa phúc mênh mông
      Còn có cây cao nào
      Cho em về nương bóng
      Hay gió mưa đã dập vùi
      Hết cả ngày xanh
      Đời nếu còn dành cho ta một ngày
      Nhìn lại thấy nhau
      Đừng nỡ bạc đầu nghe em
      Dù cho lòng khô héo
      Ta sẽ nuôi lại mộng đớn đau
      Cho dẫu rằng tình ta bóng đã xế chiều . . .”


    Tôi cũng kịp mở iphone ghi giọng ông như sợ mình sẽ chẳng bao giờ còn có dịp.


    Đừng nỡ bạc đầu nghe em / Dù cho lòng khô héo. Người phụ nữ có cái cổ cao như trong bao lời thơ Nguyễn Đình Tòan đưa mắt nhìn chồng kèm theo nụ cười hạnh phúc. Quả là lời tỏ tình cuối đời tuyệt vời.


    Trước khi đứng dậy xin phép kiếu từ, tôi và người bạn trẻ Lưu Na cũng đã kịp chia nhau cạn chai rượu vang mà bà Tòan để dành từ bao giờ. Món quà mang về lại Wichita còn có một tập tài liệu hơn 100 bài đọc sách với giọng đọc Nguyễn Đình Tòan và Hồng Ngọc, người bạn đời lặng lẽ bên cạnh nhà thơ. . .”.


    Dạo ấy, khi về lại Wichita, tôi đã bắt tay ngay vào việc tái thực hiện chuyên mục Đọc Sách của Nguyễn Đình Toàn trên trang văn học T.Vấn & Bạn Hữu, vừa vì muốn giới thiệu giọng đọc mượt mà êm ái của chị Hồng Ngọc đến với đông đảo thính giả Việt Nam, vừa vì muốn lưu giữ giọng đọc Nguyễn Đình Toàn (dù chương trình này đã được phát trên đài VOA từ những năm đầu thế kỷ 21, nhưng đài VOA không chú trọng đến việc lưu giữ làm tài liệu), sợ rằng rồi chúng sẽ bị mất mát như những chương trình nhạc chủ đề Vũ Thành An năm nào.



    Trong bài giới thiệu chuyên mục Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn, Lưu Na đã viết về giọng đọc Hồng Ngọc như sau:


    “. . . Với riêng mình, tôi còn thấy đã hời được một khám phá, một phụ bản đặc biệt chưa từng có. Đó là giọng đọc, sự đóng góp đầu tiên và duy nhất của Hồng Ngọc, phu nhân NĐT . Sống nơi tập trung nhiều người Việt, nghe radio hằng ngày mới biết, không dễ có một giọng xướng ngôn viên chuẩn và trình độ như giọng Hồng Ngọc. Làm chương trình với nhau hằng ngày và lâu dài thì nhịp nhàng ăn ý như Vũ Kiểm và Quỳnh Anh đài Little Sài Gòn Radio đã đành, Đọc Sách của NĐT và Hồng Ngọc là việc không dự trù không chuẩn bị không kinh nghiệm với nhau từ trước, cái nhịp nhàng có được có lẽ do tình phu thê, do đồng cảm hơn là một bề dày nghề nghiệp với nhau. Đó là một đóng góp khá thú vị và giá trị…”(Lưu Na: TIẾNG ĐỒNG VỌNG).


    Nhớ lại, lần ấy, đối diện tôi là một người phụ nữ tuy lớn tuổi, nhưng vẫn còn nguyên vẹn dáng dấp của một người “đầy cá tính” của thời tuổi trẻ. Nụ cười lúc nào cũng ở trên môi mỗi khi bà nhìn người đối diện. Bà không tham gia câu chuyện, chỉ thỉnh thoảng đứng dậy đi châm bình trà mới mời khách. Dầu vậy, bà vẫn ngồi đó, bên cạnh chồng, suốt một buổi chiều cho đến khi khách đứng dậy lưu luyến ra về.


    Nhà văn Ngô Thế Vinh, trong bài viết: “Nguyễn Đình Toàn từ Đồng Cỏ tới Áo Mơ Phai”, cho tôi biết được nhiều hơn nữa về người phụ nữ đã gây cho tôi một ấn tượng khó quên ngay buổi đầu gặp gỡ. Theo ông, bà “Tú Xương Thu Hồng” (tức Hồng Ngọc ) đã từng là một xướng ngôn viên của một chương trình cho đài phát thanh Sài Gòn trước 1975. Thảo nào giọng đọc Hồng Ngọc trong hơn 100 bài phát thanh của “Đọc Sách với Nguyễn Đình Toàn” mềm mại dịu dàng đến như thế, quyến rũ đến như thế.


    2.

    Nguyễn Đình Toàn nay đã quá tuổi 80. Cái tuổi mà, theo ông, còn sống là một cực hình. Nhưng dù cực hình, ông vẫn phải sống. Ít nhất cho đến khi chị Hồng Ngọc qua đời, dù chị trẻ hơn chồng vài tuổi. Mới 3 năm trước, vợ chồng tôi gặp lại nhà thơ, chị Hồng Ngọc và nhà văn trẻ Lưu Na cũng tại căn phòng chung cư cũ kỹ, chị Hồng Ngọc đã xuống sắc khá nhiều và trí nhớ không khá hơn được chút nào. Ngoài nụ cười vẫn tươi, vẫn ròn rã. Khi chia tay, chúng tôi nhìn nhau thở dài, chỉ nghĩ vụng trong lòng lần gặp nào cũng có thể là lần gặp cuối. Sau lần gặp ấy, nhà tôi trải qua một cuộc giải phẩu não thập tử nhất sinh. Tôi cũng vào bệnh viện gắn máy trợ tim. Đến nay, người duy nhất tạm gọi là khỏe mạnh chỉ còn Lưu Na. Còn lại đều ngáp ngáp, sống qua ngày, chờ qua đời.


    Giờ thì chị Hồng Ngọc đã trả xong nợ đời. Nhà thơ của chúng ta hẳn cũng sẽ yên tâm ra đi bất cứ lúc nào. Vì, như lời căn dặn của ông, dù cho lòng khô héo, bà đã không nỡ bạc đầu.


    Như lời thơ dăm bẩy năm trước:


    • Ta sẽ gặp lại nhau
      Trong cát bụi mù



    Thác là thể phách còn là tinh anh. Tinh anh Hồng Ngọc vẫn còn đó, hòa quyện với tinh anh Nguyễn Đình Toàn, sẽ còn ở lại với đời qua gần 100 episodes của chuyên mục đọc sách với Nguyễn Đình Toàn, thứ hòa quyện tuyệt vời mà Lưu Na cho rằng đó là kết quả của tình nghĩa phu thê Nguyễn Đình Toàn Nguyễn thị Hồng Ngọc.


    Xin cầu cho linh hồn người về được nơi sẽ đến.


    T.Vấn

    Ngày 26 tháng 2 năm 32021



    *Maria Nguyễn Thị Thu Hồng qua đời ngày 24-02-2021, hưởng thọ 78 tuổi.




    Nguồn:https://vietbao.com

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Bạch Vân »

          




Thành Kính Phân Ưu cùng tang quyến
Nguyện xin Chúa nhân từ sớm đưa linh hồn Bà Maria
về hưởng Nhan Thánh Chúa






          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          

          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          

          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Bà Tú Xương Nguyễn Thị Thu Hồng
              
    và Nhà Văn
    Nguyễn Đình Toàn
    Tác Giả Áo Mơ Phai

    _________________________
    Ngô Thế Vinh _ 08/03/2021




    Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, vợ của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, còn có nghệ danh là Hồng Ngọc, sinh ngày 12 tháng 8 năm 1943, là mẹ của một gia đình 4 con 3 trai 1 gái đều đã trưởng thành. Chị Thu Hồng mất ngày 24 tháng 2 năm 2021 tại Little Saigon. Tang lễ sẽ được cử hành vào ngày 15 tháng 3 năm 2021 tại Westminster Memorial Park. Sau đây là một trích đoạn viết về Chị Thu Hồng từ một bài viết về nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả Áo Mơ Phai, như một nén nhang tưởng nhớ Chị.

              

    Bà Tú Xương Thu Hồng và nhà văn Nguyễn Đình Toàn,
    Huntington Beach Library 2014 [photo by Đặng Tam Phong]

              




    BÀ TÚ XƯƠNG THU HỒNG

    Tôi quen Nguyễn Đình Toàn có lẽ khởi đầu từ những trang sách Chị Em Hải, rất sớm khi còn là sinh viên Khoa học. Quán cà phê La Pagode thường là nơi có thể dễ dàng gặp Toàn và các bạn văn nghệ của anh, cũng là nơi hình thành nhóm Đêm Trắng sau này. Nguyễn Đình Toàn ngoài giờ làm ở đài phát thanh, hầu như thường ngày ra ngồi viết nơi quán Cái Chùa này.

    Chỉ được gặp chị Toàn khi tới thăm căn nhà rất nhỏ của anh chị, trước nhà có hàng cây trứng cá, trong một con hẻm cũng rất nhỏ phía sau đài phát thanh Sài Gòn. Chị Thu Hồng, tên người bạn đời tấm cám hơn 60 năm của Nguyễn Đình Toàn, chị nhỏ hơn Nguyễn Đình Toàn sáu tuổi, chị có vẻ đẹp với cá tính mà các hoạ sĩ rất muốn vẽ, một thứ người mẫu cho những bức tranh của Modigliani cộng thêm với cái trán cao bướng bỉnh khi chọn lựa và chấp nhận sự thách đố của số phận. Chị cũng là xướng ngôn viên cho một chương trình của đài phát thanh Sài Gòn. Thời kỳ ấy, Toàn bị lao phổi khá nặng, lại mới có một đứa con đầu lòng. Thuốc chữa bệnh lao lúc đó rất hiếm hầu như chỉ có hai thứ: thuốc viên Rimifon, và thuốc chích Streptomycin có thể gây điếc. Toàn thường ho ra máu, sức khoẻ suy kiệt và thường xuyên bị ám ảnh bởi cái chết giữa tuổi mới ngoài 20 ấy. Tập thơ Mật Đắng được sáng tác trong giai đoạn đen tối và gần như tuyệt vọng này. Võ Phiến khi viết về thi phẩm Mật Đắng của Nguyễn Đình Toàn, thay vì bốn cái khổ: sinh, bệnh, lão, tử
    • "trong Mật Đắng không có cái lão, nhưng thay bằng cái ái, càng tệ hơn... Sinh, bệnh, ái, tử, nghe có hơi lạ tai một chút, dù sao cũng là chuyện của mọi nơi chốn, mọi thời đại".
      [Văn Học Miền Nam, Thơ, Nxb Văn Nghệ 1999].




    Trong bài thơ Úp Mặt, Nguyễn Đình Toàn viết:

    Bàn tay vuốt mặt xương lồi
    Hai mươi tư tuổi một đời cũng xong
    Có lẽ sức sống toả sáng nơi căn nhà nhỏ chật của vợ chồng Nguyễn Đình Toàn lúc ấy là nụ cười luôn luôn rạng rỡ và cả ẩn nhẫn của chị Thu Hồng, vợ Toàn. Với tôi, chị là hình ảnh nguyên mẫu của một bà Tú Xương lúc ấy và cho tới suốt cả những năm về sau này, chị bền bỉ đảm đương một gia đình bốn con và cả thăm nuôi Nguyễn Đình Toàn trong suốt thời gian tù đày.

    "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều", bà Tú Xương của thời hiện tại đã đảo nghịch lời tiên tri Mật Đắng, và Nguyễn Đình Toàn thì nay cũng đã vượt xa cái ngưỡng tuổi "cổ lai hy" ở tuổi 85.






    Rồi vợ chồng Nguyễn Đình Toàn cũng sang được Mỹ tuy khá trễ 1998. Và kể từ sau những năm 2000, sau bao tháng năm thăng trầm, chị Thu Hồng vẫn là hình ảnh một bà Tú Xương ngày nào, nhưng chị đã bắt đầu quên nhiều điều, quên những chuyện nhân sinh hiện tại. Nhưng mỗi khi phone tới nhà không gặp Toàn, xin nói chuyện với "bà Tú Xương" thì bên kia đầu dây là một giọng cười ròn rã, chị nhận ra ngay ai đang nói chuyện với chị và nhớ lại đủ mọi điều.

    Một hôm tới thăm anh chị cách đây không lâu, nửa buổi sáng câu chuyện rộn rã, khi ra về anh chị xuống thang đưa tiễn tôi ra xe, chị Toàn nói hồn nhiên: "hôm nào anh Vinh tới nhà tụi này chơi". Toàn nhắc chị, “anh ấy vừa mới từ nhà mình xuống đây mà”. Chị Toàn thì vẫn cười hồn nhiên. Tôi vẫn nghĩ nếu không có bà Tú Xương, có lẽ Toàn chẳng thể sống sót cho tới hôm nay. Toàn đã không phủ nhận điều ấy và dí dỏm nói, "cũng vì vậy mà bây giờ tôi đang trả nợ cho bà ấy", Toàn nói tới vai trò không thể thiếu hàng ngày phải chăm sóc người bạn đời của mình. Hai vợ chồng sống như đôi chim liền cánh, từ bấy lâu nay, Toàn không thể để chị ở nhà một mình.


    • Quanh năm buôn bán ở ven sông,
      Nuôi đủ năm con với một chồng.
    Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.

    Bài viết này gửi tới bà Tú Xương Thu Hồng như một nén nhang tưởng nhớ vào ngày ra đi của Chị và gửi tới nhà văn Nguyễn Đình Toàn tác giả Mật Đắng như một lời phân ưu, khi anh đã bước vào tuổi 85 gần như một phép lạ.



    NGÔ THẾ VINH
    Little Saigon 08/03/2015 – 24/02/2021



    https://vietbao.com/a307232/ba-tu-xuong ... ao-mo-phai




    Nguyễn Đình Toàn (bìa phải) ngồi bên cạnh hiền thê của mình, bà Tú Xương Nguyễn Thị Thu Hồng,
    trong “Đêm Nhạc Nguyễn Đình Toàn,” tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt năm 2019.
    (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          

          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          

          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


          

          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đừng Nỡ Bạc Đầu Nghe Em

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



Người đã về lòng đất
Chắc là Ông không còn suy tư trong căn gác nhỏ ấy nữa
Xin thành thật chia buồn và mong Ông cố giữ sức khỏe




Trả lời

Quay về “Nguyễn đình Toàn”