39 người

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

39 người

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Vụ 39 người chết:
    Những người Việt liều mạng để vào Anh

    _________________________________
    Lucy Williamson _ BBC News _ 26 tháng 10 2019



              

    Người Việt Nam chờ hành trình đến Anh

              

    Cách bờ biển Pháp khoảng một giờ lái xe, khoảng mười người đàn ông Việt Nam uống trà bên lửa trại trong khi chờ cuộc điện thoại từ một người đàn ông mà họ gọi là "ông chủ". Một người Afghanistan, họ cho biết, sẽ mở các thùng chứa hàng trong bãi xe tải gần đó và nhốt họ vào trong.

    Đức đã trả trước 33.200 đôla cho hành trình từ Việt Nam đến London - qua Nga, Ba Lan, Đức và Pháp. Chuyến đi này, Đức nói, do một đầu mối ở Việt Nam tổ chức.
    • "Tôi có một vài người bạn người Việt ở Anh, họ sẽ giúp tôi tìm việc khi tôi đến đó," Đức nói với tôi.
      "Những bạn này giúp tôi lên xe tải hoặc xe chở hàng đi qua biên giới."


    An ninh trong khu đậu xe tải gần đó lỏng lẻo hơn so với các bãi xe quanh các cảng xa hơn ở phía bắc. Nhưng rất ít người ở đây vượt qua được lực lượng kiểm soát biên giới.

    Chúng tôi được cho biết đường giây đưa người nhập cảnh lậu có hai hạng dịch vụ;
    • người trả nhiều tiền hơn cho chuyến đi đến Anh thì không cần phải tìm vận may trong những thùng xe tải, mà sử dụng bãi xe này như một trại trung chuyển trước khi được hộ tống đi chặng cuối hành trình.


    Một tay buôn lậu người Việt, được một tờ báo Pháp phỏng vấn vài năm trước, mô tả ba cấp gói 'vượt biên' này.
    • Cấp cao nhất cho phép người di cư lên xe tải và ngủ trong khách sạn.
      Cấp thấp nhất được đặt biệt danh là "không khí", hay còn gọi là "CO2" - ám chỉ việc thiếu không khí trong các thùng hàng.


    Một tình nguyện viên địa phương trong trại nói với chúng tôi rằng họ đã thấy những người đàn ông Việt và Anh lái xe Mercedes đến thăm người di cư ở đây. Và rằng một khi người di cư đến được Anh quốc, một số phải đi làm trong các trang trại cần sa, sau đó mọi liên lạc đều chấm dứt.



    Đức cho tôi biết anh cần một công việc ở Anh để trả nợ tiền vay cho hành trình của mình.
    • "Chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì", anh nói,
      "công việc xây dựng, quán bar hay làm móng, nhà hàng hoặc các công việc khác."


    Báo cáo của một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất của Pháp mô tả những kẻ đưa người nhập cảnh lậu nói với người di dân Việt Nam rằng xe tải đông lạnh giúp họ có nhiều cơ hội tránh bị phát hiện hơn và đưa cho mỗi người một túi nhôm để phủ trên đầu khi đi qua máy quét ở biên giới.

    Không ai ở đây nghe nói về 39 người được phát hiện đã chết trong tuần này. Hành trình này là hành trình tới tự do, một người nói.




    https://www.bbc.com/vietnamese/world-50191926
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vụ 39 người chết: Nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt Nam

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Vụ 39 người chết:
    Nỗi đau tột cùng của những gia đình Việt Nam

    _________________________________
    Jonathan Head _ BBC _ 28 tháng 10 2019



              

    Một phụ nữ Việt đứng bên cạnh một ngôi nhà đang xây ở Yên Thành

              


    Nỗi tuyệt vọng dâng trào trong ngôi nhà nhỏ khiêm tốn của anh Lê Văn Hà, ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, khi người thân ngày càng phải chấp nhận điều mà họ không muốn tin là sự thật, rằng Hà có thể là một trong 39 thi thể tìm thấy trong container ở Essex.

    Bà của Hà thẫn thờ nhìn vào khoảng không, dấu mặt vào đôi bàn tay. Còn vợ anh, ngồi lặng yên, nhất định không ăn thứ gì, mặc mọi lời nài nỉ. Cha anh, ông Lê Minh Tuấn, ôm người cháu trai còn rất nhỏ, và chỉ khóc trong nỗi tuyệt vọng.

    Chuyện của Hà là câu chuyện điển hình của một chàng trai trẻ, từ một vùng quê nghèo làm nông nghiệp ở Việt Nam.

    Hà cũng như hàng ngàn người lao động khác, đã quyết định tìm đường ra nước ngoài mưu sinh, với giấc mơ có thể kiếm được một công việc khá lương. Anh ra đi ba tháng trước, với đích đến là châu Âu, ngay trước ngày đứa con trai thứ hai của anh chào đời.

    Chuyến đi ấy sẽ phải mất 20 ngàn bảng Anh (tức khoảng 25 ngàn đôla) trả cho đường dây đưa người ra nước ngoài. Đây là một khoản tiền không nhỏ, mà gia đình họ phải cầm thế hai lô đất mới vay được.

    Tất cả dồn hết cho một hy vọng, rằng Hà sẽ kiếm được một công việc tốt, và sau đó, dành dụm trả nợ. Nhưng tất cả những hy vọng ấy nay tan tành hết cả.

    • "Hà để lại cho chúng tôi một khoản nợ khổng lồ," ông Tuấn nói.
      "Tôi chẳng biết đến khi nào chúng tôi mới có thể trả hết nợ. Tôi thì bây giờ đã già, sức khỏe kém, và từ giờ, tôi sẽ còn phải giúp nuôi dạy mấy đứa cháu."

    Ông Tuấn đoan chắc rằng con trai mình đã qua đời. Ông nhận được một tin nhắn của con trên Facebook ngay trước thời điểm mà anh Hà nói rằng đang chuẩn bị vào Anh.

    Nhiều người cho rằng, rất nhiều trong số các nạn nhân trên chiếc container định mệnh ấy đến từ cùng một huyện - huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.






    Trong khi đó, tại nhà của chị Bùi Thị Nhung, cũng ở Nghệ An, bà con láng giềng đến giúp đỡ, chia buồn và thắp nhang trước bàn thờ có bức ảnh của người mất tích. Đó là bức chân dung tươi cười của Nhung, 19 tuổi. Gia đình Nhung vẫn đang khấn nguyện cho một hy vọng rằng, Nhung không ở trong chiếc container định mệnh đó.

    Chị gái của Nhung, Bùi Thị Loan cho biết, chị đã nhận được tin nhắn ngắn của Nhung trên Facebook vào ngày 21/10 viết rằng, Nhung đang ở 'trong kho.'

    • "Chưa thông tin nào được xác minh," chị Loan nói.
      "Chỉ có những thông tin trên internet và mạng xã hội, nên chúng tôi vẫn chưa nguôi hy vọng.''

      "Chúng tôi biết rằng, có ba chiếc xe tải khác nhau sẽ đến Anh vào cùng thời điểm đó. Bởi vậy, chúng tôi vẫn hy vọng vào một phép lạ nào đó, rằng Nhung hoá ra đang ở trên một chiếc xe tải khác."

    Chị Loan cho biết, Nhung là người thông minh nhất trong số bốn anh chị em. Bạn bè Nhung, rất nhiều người đã giúp cô gom tiền chuẩn bị cho cuộc hành trình. Bởi vậy, gia đình Nhung không phải thế chấp nhà hay bán bất cứ thứ gì.

    Còn bây giờ, họ bám vào hy vọng rằng tin tốt lành sẽ đến. Hay trong trường hợp có tin xấu nhất, họ sẽ được giúp đỡ để đưa thi thể của Nhung về Việt Nam.





    Những ngôi nhà mới xây tại huyện Yên Thành là bằng chứng cho những khoản tiền được người lao động làm việc ở nước ngoài tiết kiệm gửi về. Anh quốc dường như là một điểm đến rất được ưa thích. Một số người khác làm việc một thời gian ở Nga hoặc Romania nói rằng, ở đó rất khó tìm được việc làm lương cao.

    Họ cũng mô tả là phải vất vả như thế nào ở Pháp do cảnh sát liên tục truy quét vì tình trạng cư trú và lao động bất hợp pháp. Nhưng ở Anh, đã hình thành một cộng đồng người Việt khá lớn, thêm vào đó, có nhiều việc như làm ở các tiệm nail (làm móng), làm trong nhà hàng hoặc làm nghề nông nghiệp.

    Kẻ môi giới đưa họ ra nước ngoài là một phần trong thế giới ngầm của một mạng lưới toàn cầu. Những kẻ này đã thu của họ một khoản tiền rất lớn để đưa người qua biên giới một cách bất hợp pháp. Họ phải trả những số tiền khác nhau, dao động từ khoảng 10 ngàn bảng đến hơn 30 ngàn bảng. Số tiền cao hơn được cho là dành cho "dịch vụ VIP."

    Nhiều người trong số họ ra khỏi Việt Nam qua ngả Trung Quốc. Nhưng khi đến English Channel (eo biển Manche), cho dù mức phí là bao nhiêu chăng nữa, thì con đường duy nhất vào Anh vẫn là phải trốn vào các container, để tìm cách vượt biên lậu.

    Sau thảm kịch ở Essex, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu điều tra về các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các vi phạm. Nhưng từ lâu nay, buôn người đã là một vấn đề nghiêm trọng, thường liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Năm nay, Việt Nam đã bị hạ xuống bậc thứ hai, trên Danh sách các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, trong hệ thống ba bậc của phúc trình thường niên về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam bị hạ xuống bậc này kể từ năm 2012.

    Bất chấp những nỗ lực mà chính phủ Việt Nam đang có, khoản tiền khổng lồ kiếm được từ việc buôn người khiến nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở và đang tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam.




    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50204761
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Người Việt di cư bất hợp pháp: Những giấc mơ không thành

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Người Việt di cư bất hợp pháp:
    Những giấc mơ không thành

    _________________________________
    Lê Viết Thọ _ BBC _ 29 tháng 10 2019



              

    Những lao động di cư phần lớn xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam

              


    Vụ phát hiện 39 thi thể trong chiếc container ở Essex (Anh) mà trong đó có nhiều người Việt Nam đang dấy lên những hồi chuông báo động về tình trạng lao động di cư bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.

    Số liệu trong báo cáo 'Precarious Journey' (tạm dịch: 'Hành trình chông gai') của Ecpat UK, Anti-Slavery International và Pacific Links Foundation cho thấy, các năm từ 2009-2018, riêng tại Anh, đã có 3.187 người lớn và trẻ em Việt Nam được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.

    Trong vài năm qua, người mang quốc tịch Việt Nam được xác định là nằm trong nhóm ba nước đứng đầu về số lượng nạn nhân của nạn buôn người ở Anh.

    Còn năm nay, Việt Nam tụt xuống bậc thứ hai, trên danh sách các nước cần được theo dõi về tình trạng buôn người, trong hệ thống ba bậc của phúc trình thường niên về tình trạng buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

    Theo báo cáo 'Precarious Journey' nói trên, có nhiều mạng lưới với những tuyến đường khác nhau để đến Anh.
    • Một số qua ngả Trung Quốc và Nga,
    • một ít người khác có thể đi máy bay trực tiếp đến Paris nếu họ có được thị thực Schengen qua Séc hoặc Hungary. Họ sẽ đến Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc, nơi có cộng đồng người Việt ở đó và sau đó, tìm đường sang Anh.
    • Nếu bay đến Nga, họ sẽ qua Belarus bằng xe tải rồi đi bộ qua các khu rừng để đến biên giới Ba Lan. Ở đó, một chiếc xe tải đang đợi và họ sẽ tiếp tục đến Warsaw, trước khi đi qua Đức và Bỉ để đến Paris.


    Tại Paris, những lao động di cư phải chờ đợi trước khi chuyển đến một trại gần khu vực xe tải đậu trên đường cao tốc ở Angres. Họ chờ ở đó để rồi náu mình trong những chiếc xe tải đi đến Calais và sau đó là qua Anh theo các gói, với giá khác nhau, tuỳ vào mức độ an toàn và sự hỗ trợ của những kẻ trong đường dây buôn người.

    Điều kiện của hành trình vô cùng khó khăn, nhất là chặng từ Nga đến Ba Lan, vì họ phải chịu đói và lạnh, báo cáo cho biết thêm.





    Nhưng không chỉ có một con đường sang Anh bằng cách qua Trung Quốc và Nga. Trên thực tế, nhiều nước khác đã được giới buôn người chọn làm điểm chuyển tuyến, thậm chí ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Malaysia.

    Chị Hoa Nguyen-Adam, chuyên gia với 25 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ hành động chống tệ nạn buôn người cho BBC News Tiếng Việt biết qua điện thoại hôm 28/10 rằng,
    • Malaysia - nơi chị đang làm việc - cũng là một điểm chuyển tuyến được nhiều đường dây lựa chọn. Từ Malaysia, người lao động sẽ mua vé sang Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và từ đấy bắt đầu vào châu Âu, Đức, Hà lan, Bỉ.
    • Nhưng Trung Quốc vẫn là tuyến phổ biến hơn, để từ đó làm giấy tờ vào châu Âu.


    Cũng theo báo cáo 'Precarious Journey,' bên cạnh các tuyến nói trên, gần đây, còn có một tuyến vận chuyển mới
    • đi qua Peru (Lima), Brazil hoặc Cộng hòa Dominican ở Nam Mỹ
    • sau đó sẽ đến châu Âu, nhất là Pháp.


    Chẳng hạn, tháng 12/2018, cảnh sát Tây Ban Nha với sự hỗ trợ EUROPOL, đã bắt giữ 37 thành viên của một tổ chức buôn người quốc tế bị cáo buộc đưa 730 người Việt Nam vào Tây Ban Nha qua điểm chuyển tuyến Nam Mỹ. Mỗi người phải trả 18 ngàn Euro và được đưa đi theo nhóm từ 6 đến 12 người.

    Chị Hoa Nguyen nhận xét:
    • "Chưa nói đến những nguy hiểm của những người từ châu Âu sang Anh như trường hợp 39 nạn nhân vừa phát hiện mà ngay cả với những người đi du lịch sang Malaysia, để từ đó, kiếm đường sang nước khác cũng đã rất nguy hiểm rồi. Không có ngoại ngữ, đường đi nước bước thì không biết, họ sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào những kẻ buôn người. Tôi đã gặp những trường hợp qua Malaysia, sau đó bị lừa bán vào các điểm mại dâm ở đây. Để rồi khi không còn làm được việc cho chúng thì bị chúng vất ra đường, không có giấy tờ gì cả. Có trường hợp đã học đại học mà vẫn bị lừa sang đây, rồi bị bắt và ra toà."






    Giấc mơ đổi đời

    Nghiên cứu 'En route to the United Kingdom' (Tạm dịch 'Đường đến Anh') của Viện nghiên cứu Đông Nam Á đương đại ở Bangkok và France terre d'asile (Pháp) thực hiện trong năm 2017 cho thấy, rất nhiều trong số những lao động di cư đến Anh xuất phát từ tỉnh Nghệ An, đa số họ sống ở vùng nông thôn.

    Những người di cư Việt Nam này mơ ước có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu, nhất là Anh được họ coi như 'miền đất hứa.' Ở Anh vốn đã có một cộng đồng người Việt và những kẻ buôn người hứa hẹn, họ sẽ dễ dàng tìm được việc trong các tiệm nail hay các nhà hàng. Hơn nữa, lao động di cư hy vọng, người quen của họ đã sang Anh từ trước sẽ giúp họ tìm việc.

    Mục tiêu của họ là
    • làm việc vài năm,
    • trả hết nợ vay để làm lộ phí,
    • gửi tiền về cho gia đình ở Việt Nam để giúp con cái học hành, xây nhà
    • và tiết kiệm một khoản để nay mai trở về, bắt mở đầu cuộc sống mới.


    Thừa nhận không phải tất cả những người ra đi đều là những người có hoàn cảnh quá khó khăn, kể cả khi hầu hết họ đều xuất phát từ các khu vực nghèo ở Việt Nam như miền Trung hoặc miền núi phía Bắc, chị Hoa Nguyen nhận xét:

    • "Có những người ở TP Hồ Chí Minh nữa chứ có phải chỉ toàn vùng sâu, vùng xa. Trên thực tế, để kiếm được ngần ấy tiền bỏ ra chi phí cho chuyến đi, nhiều người trong họ không nghèo. Thậm chí có những bạn mà tôi gặp ở Malaysia, bị bắt và đưa về Việt Nam, khi gửi ảnh qua cho tôi, ngôi nhà của họ rất khang trang. Có những bạn xài những chiếc iphone xịn,"
      chị Hoa Nguyen nói.


    Các nghiên cứu về lao động Việt Nam di cư xác nhận nhận xét này. Những người di cư Việt Nam phải bỏ ra một khoản tiền lớn để có thể đến Anh, có thể lên tới 33 ngàn bảng Anh. Khảo sát của AAT (tổ chức phi chính phủ quốc tế hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ và có hoàn cảnh khó khăn) cho thấy, những người di cư bị bắt quay về Việt Nam có mức sống trung bình, thậm chí một số gia đình có thể được coi là giàu có. Họ có nhà cửa khang trang, thậm chí ô tô hay sở hữu một doanh nghiệp, và có thể bỏ tiền ra cho con đi học ở Úc. Chỉ 10% hộ gia đình thực sự nghèo ở khía cạnh, họ không có nhà, sống cùng các thành viên khác trong gia đình hoặc nhà của họ đã bị chủ nợ xiết.





    Có phải 'miền đất hứa'?

    Dễ dàng tìm công việc lương cao, ít khi bị cảnh sát kiểm tra và dễ dàng tìm kiếm con đường ở lại hơn so với các nước châu Âu khác là những hứa hẹn, hy vọng và cũng là động lực chính khiến họ chọn Anh thay vì các quốc gia châu Âu khác.

    Chị Hoa Nguyen nói:
    • "Nếu họ sống ở các vùng xa của Việt Nam, thu nhập của họ sẽ rất thấp hoặc khó kiếm được việc làm. Nhưng sang Anh, ngay cả đi làm nail thì họ cũng có thể kiếm hàng trăm ngàn mỗi ngày. Đấy là sự khác biệt rất lớn và là động cơ chính thôi thúc họ tìm đường ra đi.

      "Hơn nữa, tâm lý của người Việt Nam là họ chỉ thấy nước Anh qua tấm ảnh hào nhoáng, còn những người đã đi thành công khi về, toàn kể về những mặt tốt đẹp của đời sống ở nước ngoài, chứ không ai nói về những ngày trốn chui trốn lủi, về những chuyến đi băng rừng trong đói khát để tìm miền đất hứa, về nỗi cơ cực của nghề làm móng hay cảnh bị ép sống trong những căn nhà trồng cần… Những kẻ buôn người thì chỉ toàn vẽ nên những viễn cảnh tươi đẹp.

      "Ngay cả như sự việc 39 người này, có ảnh và những lời kể của gia đình trên các phương tiện truyền thông, nhưng nhiều người vẫn không tin đó là sự thật, và đi Anh là giấc mơ với nhiều người. Thường họ đi cả gia đình, trong đó có cả trẻ em sang trồng cần sa. Khi ở Anh, tôi đã từng gặp các em như vậy. Có em bảo, cả nhà sang, từ trẻ đến già còn đi được là kiếm tiền đưa sang,"
      chị Hoa kể.


    Nhưng thực tế luôn khác với mơ mộng. Theo khảo sát của AAT,
    • 80% trong số họ đã không có được công việc như đã được hứa hẹn.
      Không biết tiếng Anh, không được giúp đỡ, họ chấp nhận làm bất kỳ công việc nào, ngay cả công việc có rủi ro cao nhất, như trồng cần sa, vì họ còn phải trả nợ.





    Chiêu thức của những kẻ buôn người

    • "Thực sự là những kẻ buôn người rất khôn, chúng tận dụng các mối quan hệ quen biết, qua người thân hay làm quen trên Facebook, rồi gửi vé qua Zalo… Hầu hết giúp các trường hợp mà chúng tôi giúp đỡ đều môi giới với bọn buôn người qua quan hệ thân quen.

      "Một cô gái mà tôi từng tham gia hỗ trợ để đưa về nước còn bảo, ôi bạn trai em sẽ cứu em, tức những kẻ môi giới thậm chí còn làm giả dạng làm bạn trai của các nạn nhân nữa. Có những trường hợp ra toà ở Malaysia, nhưng sau cả 6 tháng đến 1 năm chúng tôi tiếp xúc để hỗ trợ, họ vẫn một mực tin vào những người đã đưa mình đi.

      "Có những bạn thất bại, ra toà rồi được hỗ trợ để về tái hoà nhập ở Việt Nam, nhưng rồi lại quay lại. Họ lại đi với hy vọng là sẽ không gặp thất bại như lần trước. Lại có những bạn ra đi thất bại nhưng lại được chính đường dây đã đưa đi huấn luyện để trở về chiêu dụ những con mồi mới,"
      chị Hoa cho biết tiếp.





    Chống một tội ác

    Bất chấp những nỗ lực của các chính phủ và các tổ chức phi chính phủ khác, khoản tiền khổng lồ kiếm được từ việc buôn người khiến nó trở thành một ngành kinh doanh béo bở và tiếp tục phát triển mạnh ở Việt Nam. Rất khó để các hoạt động tầm soát hay truy quét những kẻ buôn người hiệu qủa nếu không có sự phối hợp của cộng đồng. Trong khi, theo như chị Hoa nhận xét, các hoạt động tuyên truyền vẫn chưa tới được với nhiều người ở các khu vực có nguy cơ cao.

    Mặt khác, trong khi bọn buôn bán người đang săn mồi và tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để hoạt động; còn những nạn nhân bị lôi kéo hay dụ dỗ qua mạng, thì các hoạt động nâng cao nhận thức vẫn theo kiểu cũ mà chưa tận dụng loại hình truyền thông này, theo chị Hoa.

    Mặt khác, chính phủ ở nhiều nước châu Âu trên đường trung chuyển có xu hướng xem nạn nhân của bọn buôn người như tội phạm hoặc không xem đó là chuyện của nước mình, theo báo cáo 'Precarious Journey,' cũng là điều khiến việc phòng chống trở nên khó khăn.

    Nhưng quan trọng nhất vẫn là
    • cải thiện đời sống,
      tạo cơ hội phát triển
      và giảm bất bình đẳng xã hội ngay tại Việt Nam.
    Mà điều này đòi hỏi chính quyền nhận lãnh trách nhiệm của mình.

    Không thể mãi xem những bi kịch như vụ 39 người tử nạn trên xe tải ở Anh là một "chuyện đáng tiếc."






    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50218875
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Lao động xuất khẩu VN vỡ mộng ở xứ người

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Lao động xuất khẩu VN
    vỡ mộng ở xứ người

    _________________________________
    Mỹ Hằng _ BBC _ 30 tháng 10 2019



              

    Nhiều người bỏ ra số tiền lớn để đi lao động ở nước ngoài với mộng đổi đời.
    Nhưng thực tế khắc nghiệt khiến họ vỡ mộng (Ảnh minh họa)

              



    Cách đây ba năm, tôi tình cờ gặp Quỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi), chủ một hiệu làm móng ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Anh Quốc. Một lần khi tôi ghé thăm, Quỳnh nói muốn nhờ giúp đỡ cho một người bạn của mình là An (tên nhân vật đã được thay đổi) mới sang. Người này bỏ một khoản tiền để sang Anh theo diện du lịch nhưng muốn trốn ở lại để đi làm. Quỳnh nghĩ rằng tôi có thể giúp 'môi giới', tìm cho An một khóa học nào đó và nhân đó may ra được ở lại lâu hơn.

    • "Nhưng nó không có tiền đâu. Có bao nhiêu tiền đã chi hết cho chuyến bay và mấy tuần đầu ăn ở đây," Quỳnh nói.

    Theo Quỳnh, nếu giúp được An ở lại lâu hơn thì Quỳnh có thể tạo điều kiện cho An làm ở tiệm móng. Nhưng vấn đề là An không biết tiếng, và tiền cũng đã hết sạch thì không hiểu sẽ học được khóa học nào.

    Tôi còn chưa kịp hiểu ai có thể giúp được An trong những điều kiện như vậy thì mấy ngày sau, Quỳnh thông báo rằng An đã bỏ trốn 'biệt tung tích' khỏi nơi ở trọ.

    Những trường hợp như An không phải hiếm. Họ tìm mọi đường sang Anh, như
    • thăm người thân,
      đi du lịch,
      hoặc đi học ngắn hạn, nhưng sau đó không về.
    Chưa biết có kiếm được việc làm không nhưng tương lai bấp bênh và họ luôn sống trong sợ hãi bị cảnh sát bắt. Nhiều trường hợp sau một thời gian trốn chui lủi đã bị bắt, bị giam, rồi trục xuất về nước. Tiền mất tật mạng.





    Một trường hợp khác là Mai (tên nhân vật đã được thay đổi), đang thất nghiệp ở Việt Nam thì có người giới thiệu sang Hàn Quốc hái nho kiếm khá tiền, lại không vất vả gì. Mỗi tháng ít nhất kiếm được 30 triệu, theo lời tư vấn. Thêm nữa, người tư vấn nói cảnh ở Hàn Quốc đẹp, đồ ăn ngon, như thế vừa đi làm vừa kết hợp du lịch luôn… Mai liền mua vé máy bay rồi đi luôn, nhưng sang đó thì vỡ mộng.

    Nói chuyện với BBC News Tiếng Việt hôm 29/10, Mai cho hay tưởng sang đó 'sướng lắm', hóa ra phải làm hùng hục từ sang sớm tới chiều. Làm luôn tay, chỉ nghỉ vài phút giữa các ca rồi lại làm. Mỗi ngày lương tính ra khoảng một triệu đồng tiền Việt. Nhưng tháng đầu phải nộp cho người môi giới bảy ngày lương. Nhà thuê không rẻ, nên để tiết kiệm phải thuê ở chung với nhiều người rất bất tiện. Làm không có ngày nghỉ thì mới mong kiếm được chút tiền tiết kiệm.

    Nếu ốm hay muốn nghỉ thứ Bảy Chủ nhật thì sẽ không có lương những ngày nghỉ. Mang tiếng ở Hàn Quốc nhưng Mai chỉ biết mỗi ruộng nho chứ không có thời gian và cũng không đủ tiền để đi chơi ở đâu. Ngày mùa hè phơi nắng ngoài ruộng cả ngày rát mặt. Nếu làm mùa đông thì mưa tuyết lạnh thấu xương. Đó là chưa kể cứ ba tháng lại phải ra khỏi Hàn Quốc để gia hạn visa rất tốn kém. Tính ra số tiền để dành được chẳng là bao. Mai thấy quá cô đơn và chán nản nên bỏ về Việt Nam.





    'Nhiều hệ lụy ở quê nhà'

    Đi làm ở xứ người đã vất vả, lại để lại 'nhiều hệ lụy ở quê nhà', như lời ông Trần Trung Thực, 47 tuổi, quê Bắc Giang, hiện đang lao động ở Đài Loan. Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 29/10 về cuộc sống ở xứ người, ông Thực nói:
    • "Tôi tham gia vào đội quân được gọi mỹ miều là xuất khẩu lao động, thực chất là đi làm 'cu li' (lao động chân tay) ở Đài Loan,.. từ năm 2016. Trước đó, tôi là nông dân. Nhưng ruộng ít quá, cấy cầy hay nuôi gà vịt thu nhập ít, lại bấp bênh, nên tôi cùng nhiều người trong xóm đã ra đi."

    Trước khi đi, ông Thực phải vay ngân hàng 160 triệu đồng trả tiền môi giới. Sau khi sang Đài Loan, ông nhận mức lương 23.100 Đài tệ, trừ mọi khoản chi phí chỉ còn 12.000 Đài tệ, tương đương 8 triệu đồng một tháng.
    • "Như vậy, sau ba năm đi làm, tiết kiệm lắm tôi để dành được gần 300 triệu VNĐ. Nhưng lại phải trừ tiền gốc 160 triệu vay mượn lúc đi (chưa tính lãi suất), nên còn vỏn vẹn 128 triệu VNĐ."

    Để có hơn 100 triệu đồng ấy gửi về nuôi vợ con ở quê, hơn hai năm trời ông Thực phải làm công việc mạ kim loại rất độc hại. Ngày làm tám tiếng liên tục không nghỉ, chỉ thay phiên nhau nhau ăn cơm rồi lại làm tiếp. Ông Thực sau hai năm đã mắc bệnh đau bao tử, đã có lần phải nhập viện. Mãi gần đây ông Thực mới được chuyển sang làm ở xưởng làm trống, đỡ độc hại hơn.

    Để dành dụm được số tiền ấy trong ba năm không phải dễ, theo lời ông Thực. Vì đó là chưa nói tới lúc ốm đau, bệnh tật,
    • "anh em bạn bè cũng có lúc phải chén rượu, chén trà... Ngoài ra, còn những khó khăn khác như bị chủ soi xét, ghét bỏ, bị trù dập và những va vấp khác trong cuộc sống...," ông Thực tâm sự.

    Ông Thực cho hay ông không mơ mộng gì làm giàu, và trước khi đi, ông cũng tiên liệu được những khó khăn để chuẩn bị tâm thế đón nhận, nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
    • "Tôi gặp vô vàn những anh em lao động di công như tôi. Họ đều nói, phải đi 'ba cuốc' (tức là đi ba lần, tổng cộng là chín năm) mới mong tiết kiệm để cất được gian nhà, gian cửa."

      "Với những người chấp nhật bỏ quê hương ra đi lâu như vậy để kiếm tiền cho tương lai, thì cũng có vô số hệ lụy như vợ chồng xa cách, không chung thủy, con vắng tình yêu thương của cha mẹ. Có gia đình đã tan nát vì thế."

      "Chưa kể, nhiều đêm, đi qua các nhà ga ở Đài Loan, tôi thấy các thanh niên Việt Nam ôm hộp giấy xin tiền bố thí, hảo tâm để giúp đỡ đồng hương bị tai nạn chết. Những cái chết của công nhân di công Việt Nam ở Đài Loan nhiều lắm, nào là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chết do kiệt sức, do cảm... không thể kể hết được."

    Riêng trong xóm của ông Thực đã có khoảng 30 người đi xuất khẩu lao động, còn riêng trong toàn xã thì rất nhiều, ông Thực nói ông không thể thống kê.
    • "Với tư cách là người trong cuộc, tôi mong các bạn trẻ trước khi ký vào hợp đồng xuất khẩu lao động sang Đài Loan hay bất cứ nước nào hãy cân nhắc để không vỡ mộng," ông Thực cảnh báo.

    Gần đến hạn hết hợp đồng lao động, ông Thực nói ông quyết định sẽ về, dù chưa biết sẽ làm gì ra tiền ở quê nhà.
    • "Con cái tôi đã đến tuổi dậy thì, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Vợ chồng lâu ngày xa cách cũng thiếu gắn kết. Tôi rất lo lắng. Tôi sẽ về."


    Tuy vậy, ông Thực nhận định rằng trong tình cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn như hiện nay,
    • "dòng chảy lao động xứ người sẽ không ngừng tại đây", ông Thực nói với BBC từ Đài Loan.







    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50230551
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

BPSOS: Các đường dây buôn người rất ‘tinh vi’ và ‘tàn ác’

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    BPSOS:
    Các đường dây buôn người rất ‘tinh vi’ và ‘tàn ác’

    _________________________________
    01/11/2019 _ Ngọc Lễ



              

    Cảnh sát đang khám nghiệm hiện trường chiếc xe container nơi phát hiện 39 thi thể di dân lậu ở Essex, Anh quốc

              


    Các đường dây buôn người, vốn bị cáo buộc là thủ phạm đằng sau thảm kịch 39 người chết trong thùng xe đông lạnh ở Anh, có ‘hoạt động hết sức tinh vi’ nhằm đưa nạn nhân vào tròng và ‘kiếm được rất nhiều tiền’, một chuyên gia về phòng chống buôn người nói với VOA.

    Thảm họa 39 người xảy ra vào cuối tháng 10 ở Essex, Anh quốc, khi người ta phát hiện trong một chiếc xe container đông lạnh có thi thể của 39 người nhập cư lậu. Mặc dù phía Anh vẫn chưa kết luận về quốc tịch các nạn nhân nhưng nhiều khả năng phần đông trong số này là người Việt Nam đi từ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.




    ‘Đường dây nhiều mắt xích’

    Trao đổi với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc tổ chức Ủy ban Cứu người Vượt biển (BPSOS) có trụ sở ở tiểu bang Virginia, Mỹ, nhận định rằng 39 người này là nạn nhân của nạn buôn lậu người (human smuggling) hoặc buôn người (human trafficking).

    Theo lời ông Thắng giải thích thì những người này từ đầu đã đi theo đường dây buôn lậu người, tức là chỉ đưa người nhập cư lậu từ nước này sang nước khác. Nếu như họ còn sống và được đưa vào Anh trót lọt thì rất có thể họ sẽ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, tức là bị bóc lột, bạo hành và lạm dụng.
    • “Nạn nhân buôn người là những người cư trú bất hợp pháp. Họ hoàn toàn không được sự bảo vệ của luật pháp, không có công ăn việc làm, hoàn toàn bị khống chế,” ông giải thích.

      “Họ đã vay nợ rất nặng ở Việt Nam nên phải làm việc trả nợ. Họ phải lao động quần quật theo lệnh chủ, nếu không người nhà của họ ở Việt Nam sẽ bị xiết nợ và bị mất hết nhà cửa,” ông nói thêm.

    Ông mô tả các đường dây buôn người/buôn lậu người này là hoạt động theo nhiều tầng:
    • thấp nhất là cò,
      rồi đến môi giới
      và cuối cùng là đường dây vận chuyển người xuyên biên giới.


    ‘Cò’ là những người sâu sát nhất ở các làng xóm, thôn quê.
    • “Họ đi vào các làng, gặp gỡ những người quen biết rồi rỉ tai, rủ họ đi qua bên Anh kiếm việc chẳng hạn,” ông nói.

    Một khi nạn nhân đã mắc bẫy của cò thì họ sẽ được chuyển qua cho cấp môi giới vốn là ‘người đứng ra điều động tất cả mọi chuyện’, theo ông Thắng.
    • “Trong các đường dây xuất khẩu lao động thì môi giới là người làm việc chính thức với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động còn trong các đường dây buôn người thì môi giới chính là bọn xã hội đen,” ông giải thích.

    Đến khi nạn nhân nộp tiền xong thì những kẻ môi giới này ‘sẽ kết nối với đường dây lo cho họ đi từng chặng’. Mỗi chặng có một đường dây vận chuyển, thường là một tổ chức tội phạm ở nước đó, đứng ra chịu trách nhiệm, chẳng hạn như
    • từ Việt Nam sang đến biên giới Trung Quốc,
      rồi đường dây ở Trung Quốc,
      đường dây ở Nga,
      đường dây ở Ukraine…,
    ông Thắng giải thích.

    Do tổ chức theo kiểu mắt xích ‘hàng ngang’ không có sự lãnh đạo, điều hành thống nhất nên ông Thắng gọi là ‘rắn không đầu’ mà theo ông ‘rất khó diệt’.
    • “Tiêu diệt trọn vẹn mạng lưới buôn người này đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên lạc của nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nga và Ukraine mà điều này rất hiếm khi xảy ra,” ông cho biết.
      “Trong mỗi quốc gia này chúng đều có sự bảo kê của giới chức’.

      “Ngay như ở Việt Nam chẳng hạn nếu chúng ta chặn được đầu này thì ngay lập tức sẽ có các nhóm khác tái lập lại đường dây để móc nối sang Trung Quốc,” ông giải thích.






    Tung hỏa mù

    Các nạn nhân, nhất là người dân quê thiếu hiểu biết, rất dễ trở thành nạn nhân của bọn buôn người vì phương thức lừa đảo ‘rất tinh vi’, ông Thắng nói.

    Trước hết, họ có người làm ‘chim mồi’ đi trước để làm bằng chứng dẫn dụ những người khác tin theo, ông Thắng mô tả. Họ lôi kéo một nạn nhân nào đấy đã qua được Anh vào đường dây của họ. Người đấy sẽ viết thư, gửi tiền về cho gia đình thông báo về cuộc sống mới của họ bên Anh.
    • “Người cò sẽ lấy đó mà đi nói với mọi người trong làng rằng
      ‘Đấy thấy chưa, gia đình đấy có con đi rồi đây này, nó kiếm được mấy ngàn đô la một tháng. Quý vị đi theo đi’,”
      ông Thắng nói.

      “Người dân quê đâu có biết gì.
      Họ thấy có người gửi tiền về xây nhà cao cửa rộng thì đinh ninh rằng gia đình mình cũng có thể được như vậy mà đâu biết rằng chính gia đình ấy hay người con của gia đình ấy cũng nằm trong đường dây buôn người.”



    Trong bài viết “Những cái chết đến từ thôi thúc ‘thoát nghèo’” đăng trên VOA, tác giả trích dẫn từ cuốn sách Poor Economics từng được dịch sang tiếng Việt là ‘Hiểu Nghèo Thoát Nghèo’ của hai kinh tế gia Abhijit Banerjee và Esther Duflo. Cuốn sách nói về những điều chính yếu về người nghèo và sự nghèo. Trong đó hai điều đầu tiên là:
    1. Người nghèo thường thiếu thông tin cấp thiết và dễ tin vào những điều không thật. Niềm tin không đúng sẽ dẫn đến những lựa chọn sai lầm với những hệ lụy bất lường.
    2. Thứ nhì là người nghèo phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm, đời sống và công việc bấp bênh và phải tự lo toan mọi chuyện so với người giàu có.

    Hai kinh tế gia Abhijit Banerjee và Esther Duflo vừa được giải thưởng Nobel Kinh Tế năm nay cho nghiên cứu của mình.




    Trở lại với vấn nạn buôn người. Theo giải thích của tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, những nạn nhân đầu tiên sau đó lại ‘trở thành thủ phạm’. Họ gia nhập vào đường dây buôn người và lấy mình làm mồi để nhử thêm những người khác ở trong làng, thậm chí ở trong họ của mình, ông Thắng nói và cho biết ông ‘biết rất nhiều trường hợp như vậy’.

    “Đó là cách mà họ kiếm thêm được thu nhập, có ăn chia để họ có tiền mà trả nợ,” ông nói và giải thích rằng những ‘nhà cao cửa rộng’ ở các làng quê Việt Nam mà dân làng Việt Nam thấy là ‘của những người tham gia vào đường dây buôn người’ còn thu nhập lên đến vài ngàn đô la một tháng mà những kẻ buôn người hứa hẹn ‘là không thể nào có được’.

    Khi được hỏi tại sao những người sang đến bên Anh trở thành nạn nhân của nạn buôn người không thông báo tình trạng của họ về cho gia đình ở Việt Nam biết để cảnh tỉnh những người khác, ông Thắng nói rằng hoặc là ‘họ bị mất liên lạc’ hoặc ‘họ đâu dám lên tiếng’.
    • “Nếu lên tiếng thì họ sẽ bị thủ tiêu ngay, còn thân nhân của họ ở trong nước cũng có thể bị sách nhiễu vì bọn môi giới, bọn xã hội đen sẽ cử người đến đe dọa,” ông nói.
      “Còn nếu không tiếp tục làm việc, nếu bỏ trốn thì không có thu nhập để trả nợ. Cả dòng họ có thể sẽ bị mất hết tài sản vì họ đã thế chấp toàn bộ nhà cửa ruộng vườn để có tiền ra đi.”

    Ông cũng nói rằng chỉ cần 1, 2 người trong làng gửi tiền về ‘cũng đủ làm chim mồi rồi’.




    Có sự bảo kê?

    Về vai trò của chính quyền trong con đường di dân lậu ồ ạt này, ông Thắng khẳng định ‘chắc chắn có sự bảo kê’ với mục đích là ‘được chia chác’ trong miếng bánh lợi ích quá lớn.
    • “Chính quyền cộng sản Việt Nam theo dõi rất kỹ lưỡng vấn đề lưu trú, đi lại của người dân, nhất là ra khỏi biên giới quốc gia,” ông phân tích.

      “Đi cả 100 người có khi cả ngàn người một lúc thì không thể không có bảo kê (của chính quyền địa phương).”
      “Chắc chắn giới chức trong xã ấy, trong làng ấy đều biết nhưng họ vẫn cho đi bởi vì có sự trao đổi này kia về quyền lợi,”
    ông nói thêm và lưu ý rằng cho mỗi chuyến đi mỗi nạn nhân phải trả phí từ 30.000 đến 60.000 đô la Mỹ tùy theo dạng đi thường hay đi VIP.

    Qua thảm kịch ở Essex, ông Thắng nói rằng nếu chính quyền Việt Nam thật sự muốn điều tra mạng lưới buôn người thì ‘đó là điều rất dễ’.
    • “Chỉ cần truy từ những người cò trở lên là ra hết đường dây thôi vì cò phần lớn là người ở địa phương,” ông nói.
      “Chúng tôi còn biết huống hồ các cơ quan công lực ở Việt Nam lại không biết à?”
      “Qua vụ 39 người này, dư luận cần phải lên tiếng ép chính quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương phải khui ra tất cả các đường dây buôn người này. Tất cả các quan chức dính líu phải bị xử trị, các thủ phạm phải bị đi tù và tài sản của họ phải bị tịch thu để bồi thường cho các nạn nhân đã chết,”
      ông yêu cầu.





    ‘Kế hoạch toàn diện’

    Ông Thắng cho biết tổ chức BPSOS của ông đã từng ‘dự đoán trước nhiều người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ trở thành nạn nhân buôn người sau thảm họa môi sinh hồi năm 2016 (do tập đoàn Formosa xả thải gây ra)’.
    • “Ngư nghiệp hoàn toàn không thể khôi phục. Nhiều người bán hết tàu thuyền đánh cá của họ. Họ làm ruộng không được chứ đừng nói lên thành phố làm những việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng mà họ hoàn toàn không có. Họ phải sống làm sao đây,” ông nói.

      “Khi đó họ thấy có đường dây hứa hẹn rất nhiều. Tuy đóng 60.000 đô la nhưng chỉ một năm là trả hết nợ sau đó còn có tiền dành dụm để gửi về giúp gia đình. Do đó, họ vay nợ, gom góp tiền bạc của thân nhân và vay nặng lãi với lãi suất có chỗ đến 60% một năm để đi nước ngoài,” ông nói thêm.

    Ông chỉ trích chính quyền là ‘không đền bù thỏa đáng’ sau thảm họa Formosa, ‘không tạo công ăn việc làm cho người dân mà để họ tự lo’.
    • “Đó là lỗ hổng để bọn xã hội đen nhảy vào khai thác,
    ông cho biết và nói rằng ngay sau sự cố Formosa tổ chức của ông ‘đã báo động cho các giáo xứ ở Nghệ An, Hà Tĩnh biết’ để đề phòng ‘kẻ gian trục lợi’.
    • “Các vị linh mục biết nhưng không có đủ năng lực và không có kinh nghiệm để đưa ra chương trình (phòng chống).”
      “Nếu không làm gì sẽ có thêm nhiều nạn nhân nữa,”
    ông nói và kêu gọi các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự cùng hành động để ‘tìm cách giải cứu và phá vỡ tất cả các đường dây buôn người và buôn lậu người’.

    Ông Thắng nói một trong những việc cần làm ngay là ‘giáo dục người dân, nói cho họ hiểu’. Ông cũng đưa ra những lời khuyên cho người dân để tránh thành con mồi của bọn buôn người.
    • “Thứ nhất, nếu được rủ rê đi lao động bên Anh nhưng là đi lén đi lậu bằng thị thực du lịch chẳng hạn thì chắc chắn mình bị lừa vì đi xuất khẩu lao động phải có hợp đồng đâu ra đó,” ông nói.

      Lời khuyên thứ hai mà ông Thắng đưa ra là ‘phối kiểm những chỗ hay công ty mà người dân được hứa hẹn sẽ cho họ chỗ làm việc’ và cho biết BPSOS có thể giúp phối kiểm nhờ vào mạng lưới cộng tác viên của họ ở khắp nơi trên thế giới.

      “Thứ ba trước khi lên đường phải nắm được một số địa chỉ, email, facebook, số điện thoại cầu cứu nếu mọi việc không như dự tính,” ông nói thêm.
      “Thân nhân cũng phải nắm các đầu mối liên lạc này để phòng khi người thân mình bị mất liên lạc hay bị bóc lột thì thậm chí có thể liên lạc ngay để nhờ giải cứu.”







    https://www.voatiengviet.com/a/bpsos-c% ... 48943.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

“Em phải đến nước Anh trồng cần sa”!

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    “Em phải đến nước Anh
    trồng cần sa”!

    _________________________________
    Tre _ 2019-11-01



              

    Hình minh họa. Những căn nhà được xây mới ở Đô Thành, Nghệ An Reuters

              



    Tại sao có một tỷ đồng không ở Việt Nam làm ăn mà lại đi?
    Tại sao đã đến Ba Lan, Đức, Pháp… không ở đấy làm ăn mà lại đi (đến Anh)?
    Tại sao bao nhiêu nghề không làm mà lại đi trồng cần?
    Tại sao biết nguy hiểm chết người vẫn cứ đi?

    Cách đây nhiều năm, tôi có dịp đi qua vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình - ba địa phương nổi bật nhất trong số những tỉnh có nhiều người nhập cư bất hợp pháp sang châu Âu, mà điểm đến cuối cùng là Anh, và công việc cuối cùng là trồng cần sa.

    Hai địa phương kia là Quảng Ninh và Hải Phòng, thuộc dạng khác.

    Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nổi tiếng với đặc sản gió Lào; riêng Quảng Bình có thêm combo “cát trắng-gió Lào”, đến nỗi ngày xưa khi an táng thì ngôi mộ trên cát phải dằn hàng chục cục đá lên, kẻo sau một mùa gió thổi cát bay lộ cả xương trắng.

    Gió Lào là trải nghiệm kinh khủng. Nó là thứ hơi nóng quần quật như bốc lên từ chiếc chảo rang khổng lồ mà con người chỉ là những hạt bắp bị đảo lộn xoay vần. Hơi nóng xoáy cuồn cuộn hầm hập hút khô mọi sinh lực, tóe lên trong không khí những quầng lửa sáng lóa liên tục. Chúng tôi phải hủy lộ trình định sẵn vì bị lả đi trong cái hỏa diệm sơn đó. Chỉ có thể ngồi gục xuống trong một cái quán dọc đường, đeo kính mát bảo vệ mắt, đắp khăn lên trán, uống nước liên tục và cố gắng không nhìn ra ngoài trời để khỏi lóa mắt và đau đầu. Chờ cho đến khi nắng chiều nguội hẳn, chúng tôi mới dám lên đường.

    Những ngày trong mùa gió Lào, tôi nghĩ chỉ còn ở thành thị nơi có nhà cao che chắn và những chiếc máy lạnh còn có thể mang lại niềm an ủi cho dân công sở. Ở những vùng giáp biên giới, đồi chè, đồng ruộng… mùa gió Lào dường như sự sống chỉ bắt đầu khi tắt mặt trời.





    Sinh ra ở những vùng khí hậu khắc nghiệt như vậy, ai lớn lên mà chẳng khát khao rời khỏi? Đến nỗi có những động từ xuất hiện phổ biến theo từng giai đoạn lịch sử. Thời “xây dựng xã hội chủ nghĩa” là “thoát ly”, và mấy chục năm nay, cụ thể hơn, là “xuất khẩu lao động”.

    Cách đây sáu bảy chục năm, thoát ly phần nhiều bằng con đường đi du học bằng học bổng Nhà nước, trở về làm các chức to trong các cơ quan Nhà nước-hồi ấy chỉ tập trung ở Hà Nội. Sau đó là bằng con đường đại học, hoặc theo chồng, theo vợ rời bỏ quê hương, sống ở các địa phương khác có điều kiện tự nhiên ưu đãi hơn, có nhiều việc làm hơn. Quảng Ngãi ở miền Trung, Nghệ An ở miền Bắc có truyền thống đoàn kết, có câu đùa là cứ có bằng tiếng Nghệ hay tiếng Quảng thì được nhận vào làm.

    Xuất khẩu lao động, rộ lên từ khoảng 20-30 năm nay, là con đường vất vả hơn nhưng kết quả lại nhanh chóng và rỡ ràng hơn.





    Con đường cần sa

    Con đường thứ tư - con đường cần sa, trở thành những người “chuyên cần”, theo các báo cáo của tổ chức chống buôn người, cũng hình thành từ độ hai, ba chục năm nay.

    Tại sao 90% người Việt nhập cư lậu vào Anh đều trở thành công nhân trồng cần sa, sau đó lên level thành chủ trại?

    Theo các báo cáo của các tổ chức chống buôn người và tường trình từ những người trong cuộc, các trại trồng cần sa thu hút người đến vì hai lý do: chủ động và bị động. Chủ động là từ những mối quen biết từ Việt Nam, người cùng làng, cùng xã, cùng họ… đã đi trước và đang “hành nghề” ở Anh, dẫn người đi sau sang. Mấu chốt là lòng tin để đảm bảo một công việc nguy hiểm và bất hợp pháp được diễn ra an toàn, trót lọt.

    Bị động, thì đang là thắc mắc của không ít người là tại sao có khoản tiền lớn như vậy, hoặc, đã sang được Anh sao không làm nghề hợp pháp, mà đâm đầu đi trồng cần?

    Thực ra, họ không đâm đầu mà bị bắt phải đâm đầu. Theo các báo cáo chống buôn người của IOM, các đường dây luôn luôn vẽ ra tương lai chắc chắn và giàu có cho những con mồi.

    Một bài báo Việt Nam trích lời một phụ nữ nhập cư lậu sang Anh bằng đường bộ, nghe nói làm nail được 1-2 ngàn euro mỗi tháng đã thốt lên ”Sao ít thế?”. 1.000 euro hơn 30 triệu đồng tiền Việt, ở Việt Nam, đó là lương cấp leader công ty lớn, trưởng phòng, phải ăn học năm năm trời cùng nhiều kỹ năng khác, làm việc miệt mài ít nhất 5 năm nữa mới có được. Một bác sĩ mới ra trường lương chỉ có ba bốn triệu đồng thôi. Nhưng một bà nông dân mới rời cái cuốc hôm qua, không có kỹ năng nào lại dám chê ba mươi mấy triệu là ít, là vì đã quá tin vào mức lương 8.000-9.000 euro mà đường dây vẽ ra.

    Được hứa hẹn và đảm bảo, thêm những tấm gương sát nách đi hai năm gửi tiền tỷ về xây biệt thự, những người mới dám thế chấp đất đai để có cả tỷ bạc đưa con em sang Anh.

    Cái bẫy của bọn buôn người tiếp tục giăng ra ở đây. Báo cáo của Pacific Link Foundation chỉ ra: Sang đến nơi nhưng không có việc làm vì cư trú bất hợp pháp không thể ký hợp đồng, bọn buôn người sẽ tìm việc cho họ, với “phí tuyển dụng” cực cao. Không có tiền trả? Bọn chúng cho vay, dĩ nhiên cũng với lãi suất cực cao. Vòng luẩn quẩn bắt đầu và tiếp diễn. Cuối cùng, cái đích đến mà có lẽ nhiều người ban đầu không nghĩ đến, hoặc tự tin cho rằng mình có thể né tránh, vẫn là làm công nhân trồng cần (theo lời giới thiệu). Để được có chỗ ăn ngủ, trả nợ và sống tiếp.

    Vì vậy, để trả lời câu hỏi những người vượt biên có đáng thương xót không?

    Tôi thì có. Vì họ chủ động bước vào con đường nguy hiểm này, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của nó. Nhưng những hệ lụy lớn hơn không chỉ xảy ra với chính những người đang bán thân đổi lấy tiền.





    Mầm họa của những cộng đồng điểm đích

    Những ngôi làng biệt thự miền Trung, dựng lên từ tiền “xuất khẩu lao động” theo cả hai nghĩa, về hình thức tuy đã đổi thay đến lột xác, nhưng tôi ngờ rằng trong ruột nó không được huy hoàng như thế.

    Chủ nhân của chúng hầu hết họ đi từ làng quê nghèo đến một tòa nhà trồng cần bịt bùng, ăn thức ăn đông lạnh, không dám ra ngoài và kết bạn, sống cô độc trong lo sợ luật pháp, nợ nần và ham muốn giằng xé. Không mấy ai được trải nghiệm cuộc sống văn minh ở xứ người hay thu nhận được khối kiến thức nhân loại rộng lớn. Thậm chí sống ở nước ngoài nhưng họ không có cả cơ hội học ngoại ngữ.

    Trong những năm đó, con cái họ chủ yếu sống với ông bà, lớn lên thiếu tình cảm gia đình, thiếu sự giáo dục của cha mẹ. Quãng thời gian đó sẽ tạo ra những mất mát không thể bù đắp được trong sự phát triển bình thường của chúng.

    Tôi đọc trên mạng xã hội một bài viết, trong đó người viết nói làng họ chỉ còn người già và trẻ con; lứa thanh niên, trung niên đã ở Anh gần hết. Cũng chỉ trồng cần. Cách đây 20 năm con em trong làng thi nhau vào đại học. Bây giờ không còn ai học đại học nữa, cứ hết lớp 9 là đi nước ngoài.

    Rất rõ là những đứa trẻ này tiếp tục đi bằng con đường bất hợp pháp, vì cha mẹ chúng cũng vẫn đang sống phận bất hợp pháp ở nước ngoài. Với vốn liếng vào đời như vậy, rồi thế hệ này cũng sẽ tiếp tục cuộc đời tối tăm theo một cách khác. Phần đời trước của chúng không có cha mẹ ở bên vun đắp tình cảm và giáo dục, phần đời sau lại là sống và làm ăn chui lủi phi pháp, luôn lo sợ bị trục xuất hoặc trộm cướp, luôn dùng tiền mua các mối quan hệ, mua sự an toàn, cộng với những cú sốc văn hóa chắc chắn xảy ra.

    Tiền (có thể, hoặc chưa chắc) nhiều, nhưng giá trị đời sống và giá trị làm người thì lao dốc. Và nhìn ở góc độ rộng hơn, lối sống đó chính là mầm họa cho bất cứ cộng đồng xã hội nào mà họ đến. Họ là nạn nhân, nhưng cũng chính là tội nhân.

              
    Cho nên thương, và xót.
    Nhưng không thể chấp nhận hoặc đồng tình.

              





    https://www.rfa.org/vietnamese/news/blo ... 22418.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Danh sách toàn bộ 39 nạn nhân

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Danh sách toàn bộ 39 nạn nhân
    _________________________________
    BBC _ 9 tháng 11 năm 2019






    1.Đinh Đình Bình; 15 tuổi; quê quán: Hải Phòng

    2.Võ Nhân Du; 19 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    3.Cao Tiến Dũng; 37 tuổi; quê quán: Nghệ An

    4.Nguyễn Tiến Dũng; 33 tuổi; quê quán: Quảng Bình

    5.Lê Văn Hà; 30 tuổi; quê quán: Nghệ An

    6.Nguyễn Ngọc Hà; 32 tuổi; quê quán: Quảng Bình

    7.Nguyễn Văn Hiệp; 24 tuổi; quê quán: Nghệ An

    8.Trần Ngọc Hiếu; 17 tuổi; quê quán: Hải Dương

    9.Hoàng Văn Hợi; 24 tuổi; quê quán: Nghệ An

    10.Nguyễn Bá Vũ Hùng; 34 tuổi; quê quán: Thừa Thiên - Huế

    11.Trần Mạnh Hùng; 37 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    12.Nguyễn Huy Hùng; 15 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    13.Nguyễn Văn Hùng; 33 tuổi; quê quán: Nghệ An

    14.Võ Văn Linh; 25 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    15.Trần Hải Lộc; 35 tuổi; quê quán: Nghệ An

    16.Nguyễn Đình Lượng; 20 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    17.Phạm Thị Trà My; 26 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    18.Võ Ngọc Nam; 28 tuổi; quê quán: Nghệ An

    19.Trần Thị Ngọc; 19 tuổi; quê quán: Nghệ An

    20.Nguyễn Văn Nhân; 33 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    21.Bùi Thị Nhung; 19 tuổi; quê quán: Nghệ An

    22.Trần Thị Mai Nhung; 18 tuổi; quê quán: Nghệ An

    23.Phạm Thị Ngọc Oanh; 28 tuổi; quê quán: Nghệ An

    24.Nguyễn Huy Phong; 35 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    25.Nguyễn Minh Quang; 20 tuổi; quê quán: Nghệ An

    26.Đinh Đình Thái Quyền; 18 tuổi; quê quán: Hải Phòng

    27.Nguyễn Trọng Thái; 26 tuổi; quê quán: Nghệ An

    28.Bùi Phan Thắng; 37 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    29.Phan Thị Thanh; 41 tuổi; quê quán: Hải Phòng

    30.Cao Huy Thành; 33 tuổi; quê quán: Nghệ An

    31.Lê Ngọc Thành; 44 tuổi; quê quán: Nghệ An

    32.Trần Thị Thơ; 21 tuổi; quê quán: Nghệ An

    33.Trần Khánh Thọ; 18 tuổi; quê quán: Hà Tĩnh

    34.Hoàng Văn Tiếp; 18 tuổi; quê quán: Nghệ An

    35.Nguyễn Đình Tứ; 26 tuổi; quê quán: Nghệ An

    36.Nguyễn Thọ Tuân; 25 tuổi; quê quán: Nghệ An

    37.Dương Minh Tuấn; 27 tuổi; quê quán: Quảng Bình

    38.Đặng Hữu Tuyên; 22 tuổi; quê quán: Nghệ An

    39.Nguyễn Thị Vân; 35 tuổi; quê quán: Nghệ An.





    https://www.bbc.com/vietnamese/live/vietnam-50221355
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Công bố danh tính 39 nạn nhân chết trên xe container vào Anh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Công bố danh tính 39 nạn nhân chết trên xe container vào Anh
    _________________________________
    RFA _ 2019-11-08




    Vào tối ngày 8/11, giờ Việt Nam, Bộ Công An Việt Nam đã chính thức công bố danh sách của 39 người Việt bỏ mạng trên chiếc xe container đông lạnh vào Anh hôm 23/10 vừa qua. Danh sách này được công bố sau khi Cảnh sát Essex của Anh công khai danh tính của các nạn nhân trên trang web của mình vào cùng ngày.

    Trong danh sách được công bố, địa phương có nhiều nạn nhân nhất là
    • Nghệ An với 21 người
      và Hà Tĩnh với 10 người.


    Các địa phương khác cũng có người đi chung chuyến xe là:
    • Quảng Bình – 3 người,
      Hải Phòng – 3 người,
      Hải Dương – 1 người
      và Thừa Thiên Huế - 1 người.


    Trong số các nạn nhân,
    • người lớn tuổi nhất là 44 tuổi từ Nghệ An,
      2 người nhỏ tuổi nhất là 15 tuổi từ Hải Phòng và Hà Tĩnh.
      Ngoài ra còn có một nạn nhân mới 17 tuổi từ Hải Dương.


    (........)





    https://www.rfa.org/vietnamese/news/vie ... 05101.html
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Việt Nam không trả tiền đưa di hài, thi hài 39 người chết ở Anh về nước

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Việt Nam không trả tiền đưa di hài,
    thi hài 39 người chết ở Anh về nước



    Thân nhân của thanh niên Nguyễn Đình Lượng rầu rĩ trước tin ông là một trong 39 nạn nhân
    thiệt mạng trong thùng hàng xe tải chở người nhập lậu ở Essex,
    Anh Quốc. (Hình: Linh Phạm/Getty Images)


    HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam sẽ không chi tiền để đưa tro cốt hay thi hài 39 người tìm thấy chết trong thùng hàng xe tải chở người nhập lậu tại Essex, Anh Quốc về nước

    Cuối ngày Thứ Sáu vừa qua, thấy Bộ Công An CSVN công bố trên mạng danh sách 39 người chết hôm ngày 23 Tháng Mười, 2019 trong chiếc xe kéo thùng hàng (người Anh gọi là lorry, Mỹ gọi là container) tại một địa điểm ở quận Essex, gần thủ đô London.


    Theo danh sách được công bố, có 3 nạn nhân quê quán tại Hải Phòng, 3 người tại Quảng Bình, 1 người tại Thừa Thiên Huế, 1 người tại Hải Dương, 21 người ở Nghệ An và Hà Tĩnh 10 người. Trong số 39 nạn nhân, có 8 người là phụ nữ. Hai nạn nhân thiếu niên 15 tuổi quê Hải Phòng và Hà Tĩnh. Nạn nhân 17 tuổi quê ở Hải Dương.




    Ảnh chụp giấy cam kết đưa tro cốt (thay vì thi hài) nạn nhân Phạm Thị Trà My bị vò nát vì phản ứng giận dữ của gia đình.
    (Hình: FB Võ Hồng Ly)




    Hà Nội đưa một phái đoàn gồm đại diện Bộ Công An và Bộ Ngoại Giao mang mẫu DNA và các tài liệu sang Anh Quốc phối hợp với các giới chức Anh quốc để nhận dạng, xác định nhân thân các nạn nhân.

    Theo tờ Tiền Phong, “Nếu muốn đưa thi hài (xác chết) hoặc di hài (lọ tro) về Việt Nam an táng, cần có các giấy tờ do cơ quan thẩm quyền nước chủ nhà cấp. Đối với thi hài, đó là giấy chứng tử, giấy chứng nhận kiểm dịch thi hài (không phải chết do bệnh truyền nhiễm), giấy chứng nhận bảo quản thi hài đúng quy chuẩn vận chuyển hàng không quốc tế (quan tài 3 lớp: vải, gỗ, kẽm), theo Cục Lãnh Sự – Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Đối với lọ tro, đó là giấy chứng tử, giấy chứng nhận hỏa thiêu, giấy chứng nhận kiểm dịch (Ở một số nước, giấy này và giấy chứng nhận hỏa thiêu là một).”

    Tờ Tiền Phong viết rõ “Đại Sứ Quán hoặc Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam ở nước ngoài không thể chi trả các chi phí cho việc chôn cất, hỏa táng hoặc hồi hương thi hài, di hài người chết, nhưng có thể giúp chuyển tiền từ người thân, bạn bè ở Việt Nam để trả cho các chi phí nêu trên thông qua Quỹ Bảo Hộ Công Dân. Cơ quan đại diện cũng không thể giúp điều tra về nguyên nhân cái chết.”

    Nghĩa là chế độ Hà Nội sẽ không bỏ tiền ra để đưa thi hài hay tro cốt của các nạn nhân nói trên về nước, ngoài những lời “chia buồn” và “thăm hỏi, động viên” các gia đình. Các nạn nhân chết đi, để lại cho thân nhân ngoài sự mất mát không thể bù đắp, còn là nột núi nợ đối với họ.



    Công văn thúc dân làm đơn “xin giúp đỡ” đưa tro cốt về nước.
    (Hình: FB Pham Minh Vu)



    Trên mạng xã hội, người ta thấy truyền đi “Đơn đề nghị” của ông Phạm Văn Thìn, bố của cô Phạm Thị Trà My, một trong 39 nạn nhân nói trên, xin các cơ quan ngoại giao CSVN “hỗ trợ đưa di hài (tro cốt) ngươi thân tử vong tại Anh Quốc về nước và gia đình xin tiếp nhận di hài (tro cốt) tại địa phương.”

    Trong mẫu đơn do nhà cầm quyền làm sẵn, gia đình người tử nạn chỉ điền danh tính, địa chỉ của mình và ký tên “nhất trí ủy quyền cho Địa Sứ Quán Việt Nam tại Vương Quốc Anh thay mặt gia đình chúng tôi làm tất cả các thủ tục cần thiết để đưa di hài người thân về Việt Nam.”

    Cũng thấy loan truyền một bản văn thư “hỏa tốc” của Sở Ngoại Vụ Nghệ An gửi cho các địa phương, thúc người ta làm đơn “đề nghị giúp đỡ” theo “mẫu đính kèm.”

    Trước đây, báo chí trong nước thuật lời một số gia đình mong muốn được hai chính phủ Anh Quốc và Việt Nam giúp đỡ đưa thi hài các nạn nhân về Việt Nam để an táng theo nghi lễ cổ truyền. Nay thì những tốn kém rất lớn và thủ tục phức tạp như tờ Tiền Phong nêu ở trên không có ai trả nên sẽ chỉ được hỏa thiêu rồi đưa tro cốt về Việt Nam.

    Theo Facebooker Christine Nguyễn “chỉ có gia đình của một nạn nhân là có nguyện vọng hỏa táng và giữ lại tro cốt ở Anh vì nạn nhân có người nhà bên Anh. 38 gia đình còn lại đều muốn mang thi hài của người thân về nhà.” (TN)

    Nguồn:https://www.nguoi-viet.com


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Người Rơm vào Anh: một căn bệnh mãn tính

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Người Rơm vào Anh:
    một căn bệnh mãn tính

    _________________________________
    David Hoàng _ Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Oxford, Anh _ 5 tháng 11 2019





    Bi kịch của Người Rơm trốn vào Anh vừa được làm mới bằng một thảm kịch kinh hoàng với 39 xác chết tìm thấy trong xe đông lạnh, dù trên thực tế vấn nạn này đã dai dẳng qua nhiều chục năm, chẳng hạn trước khi Ba Lan trở thành thành viên EU cả chục năm, hàng "binh đoàn" Ba Lan đã vào Anh theo mọi "cửa ô" và phục sẵn chờ đến ngày đẹp trời 01/05/2004, là lúc hộ chiếu Ba Lan được hợp pháp hóa.

    Nhắc như thế để thấy di cư lậu ngoài sự vi phạm pháp luật biểu kiến, nó là một nhu cầu nguyên thủy và là căn bệnh xã hội mãn tính bùng phát bất cứ khi nào có biến động liên quan tới sức đề kháng của hệ thống chính trị thông qua hàng rào biên phòng.

    Trước việc nước Anh chuẩn bị chia tay EU, thông tin khả tín cho biết cảnh sát Pháp và các nước xung quanh Anh tỏ ra rất hờ hững và bỏ mặc nên lập tức các băng đảng đưa người đang "chầu hẫu" đã khuyến mại giảm giá (5.000-7.000£) để đánh những container đầy trĩu trịt "Rơm" vào Anh. Đi lậu bằng container vào Anh đã xẩy ra hàng chục năm, nhưng đông chặt người như thảm kịch trên thì hết không khí để thở. Bài viết này phân tích thực trạng và tâm lý nhóm người Việt di cư lậu, các lỗ hổng luật pháp Anh và một vài giải pháp.




    Từ thành phố nào người đã ra đi?

    Trả lời câu hỏi này quan trọng vì nó phản ánh phương thức hoạt động tuyển mộ cũng như logistics của loại hàng này. Số liệu cho thấy từ Việt nam, nhiều ngàn Người Rơm ra đi rất tập trung từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình chứng tỏ một hệ thống dắt mối băng đảng thông qua quan hệ đồng hương, huyết thống là điểm nổi bật bắt nguồn từ văn hóa Việt nam. Dựa trên các quan hệ kiểu này, họ đã dễ dàng hơn trong việc vay mượn, giữ bí mật, huy động một nguồn tài chính nhanh chóng để quăng vào các đường dây đưa người bắt rễ tại địa phương và vì thế ý chí ra đi càng thêm mãnh liệt.

    Trên đường hành trình, các đối tượng liên tục cập nhật cho gia đình và người thân cả ở đầu đi và đích đến chứng tỏ không có một sự cưỡng bức nào hơn là một sự hợp tác di chuyển giữa các băng đảng đưa người và Người Rơm.

    "Chẳng ai ngu đâu anh ơi"
    Đó là câu bình luận người viết nhận được khi phỏng vấn nhiều Người Rơm nay đã may mắn có quốc tịch Anh về thảm kịch vừa xảy ra khi họ cho rằng đường đi nước bước đã được các băng đưa người tính toán trước và mỗi Người Rơm đều có các hoạch định cá nhân riêng là sẽ đến đâu, gặp người thân nào ở Anh và thậm chí rất nhiều trường hợp đã xác quyết từ trước là sau khi chui ra khỏi thùng đông lạnh thì chỉ một ngày sau họ sẽ chui ngay vào một cái "thùng" khác, là những căn hộ kín mít để tưới Cần Sa (trồng cỏ).

              

    Bên trong nơi ở của nhóm người Việt Nam trồng cần sa ở Wiltshire, Anh Quốc, bị cảnh sát bắt hồi tháng 2/2017

              

    Trên đường đến Anh, các quốc gia quá cảnh đều quá tải với lượng hàng hóa lưu thông nên chỉ kiểm tra theo xác suất trong khi ý chí tới Anh mãnh liệt của người di cư lậu là tận dụng mọi sơ hở của biên phòng, hải quan nên số lượng lọt lưới rất lớn thậm chí có nơi biết rằng Người Rơm Việt sẽ không kiếm tìm gì ở xứ họ nên các quá trình rà soát rất lỏng lẻo, không ít cảnh sát Pháp còn cười tươi với Người Rơm lang thang và chỉ tay về phía cảng Calais sang Anh, trở ngại sinh tử cuối cùng cho quyết tâm tới Anh của họ.

    Khi đã có những đường dây được tổ chức chặt chẽ và sâu rộng đến như thế thì không ngạc nhiên đối tượng ra đi cũng có thể bao gồm tất cả các hoàn cảnh, từ những người đánh cá bị mất cuộc sống sau thảm họa Formosa trên biển miền Trung, thanh niên sinh viên không tìm được việc làm, những mảnh đời làm ăn thất bát hay nợ nần cờ bạc cho tới những người muốn làm giàu bất chấp pháp luật nước sở tại, thậm chí là tội phạm trốn nã từ Việt nam.

    Có thể so sánh những Người Rơm Việt trồng cỏ tại Anh như những người đi đào vàng ở Việt nam nhưng với lợi nhuận cao hơn và rủi ro tính mạng ít hơn vì thanh niên các tỉnh miền Trung nghèo khó thường tới các bãi tìm vàng và họ rất biết về những cái chết nhan nhản do sốt rét, sập hầm, ngộ độc cyanua cũng như bị cướp bóc chém giết ở bưởng vàng.





    Lỗ hổng vào"thiên đàng"

    Đã có rất nhiều nghìn người bỏ lại làng quê Việt nam ở các tỉnh kể trên chui lọt vào Anh và chỉ dăm bảy năm quê nhà sau lưng họ mọc lên các xóm thậm chí các làng villa tiền tỷ, thứ kích thích ghê gớm thị giác và có lẽ cả vị giác đối với bà con cùng khu vực làm trỗi dậy mạnh mẽ đặc tính con gà và tiếng gáy của văn hóa Việt nam càng kích thích "anh em" lên đường.

    Nên lưu ý rằng, có thể không ít trong 39 nạn nhân trên ra đi từ những căn nhà tiền tỷ, là những căn nhà xây bằng tiền mà lớp cha anh đi trước đã gửi từ Anh về. Trớ trêu, tất cả hiện thực đó chứng tỏ đang tồn tại một lỗ hổng lớn ở nơi đến, trong hệ thống luật pháp Anh.

    Những Người Rơm vào Anh đa phần ở tuổi 19 tới 35, nhưng khi bị cảnh sát bắt họ thường khai là vị thành niên đã bị bán cho băng trồng Cần Sa hay tiệm móng tay và hệ thống cảnh sát quá tải này cũng không thèm chụp X-ray răng để xác định tuổi sinh học mà dựa vào lời khai lập tức gửi họ cho các gia đình người Anh hay cơ sở từ thiện nuôi để sau vài ngày họ lại bỏ trốn tới một bãi "cỏ" mới.

    Quay cuồng làm thuê như vậy, nhưng với lợi nhuận gấp năm lần làm móng tay, sau một vài năm đám người này thừa tiền chạy luật sư để lách vào những kẽ hở về nhân quyền của luật pháp Anh bằng cách bịa ra hàng ngàn câu chuyện về lí do phải trốn chạy từ Việt nam và kết quả rất nhiều trong số họ đã được quốc tịch Anh theo dạng nhân đạo.

              

    Chăm sóc khách hàng trong một tiệm sơn móng tay tại Anh

              

    Trong họ, những người trở thành chủ bãi trồng cỏ còn thu nhập trăm lần khủng khiếp hơn, họ thực sự là những tội phạm xuyên quốc gia khi chủ động tham gia vào các quá trình móc nối tuyển người, sản xuất và tiêu thụ Cần Sa.

    Lần tạt vào trung tâm Đồng Hới vào tháng 8 năm nay, cậu thợ sửa điện thoại trong lúc hí hoáy bửa chiếc iphone đầy nước suối của tôi vừa hỏi
    • "anh ở Anh à, anh có trồng cỏ không?"
    Tôi giật mình nhưng thấy thú vị ghê gớm như gặp được "người Rục" nên liền tiếp chuyện. Cậu ta kể rằng ở ngay ở phố cậu cũng có mấy người sang Anh trồng cỏ và gửi tiền về xây nhà lầu mua đất, đầu tư bất động sản và mỗi khi bị cảnh sát Anh vồ được, gia đình lại bán đất nền để gửi tiền sang Anh tái đầu tư.

    Đa số Người Rơm khai rằng họ bị truy sát ở Việt nam vì những vấn đề tôn giáo, nhân quyền hay đấu tranh dân chủ trong khi hài hước có người trong số họ là thành viên hội cờ đỏ xứ Nghệ. Bị bắt tại Anh họ đều khai cùng một mẫu số là trẻ em, bị mua bán, bị đánh đập, bỏ đói và lạm dụng tình dục trong các nhà trồng cỏ hay tiệm làm móng trong khi trên thức tế họ sẽ bỏ việc ngay nếu mức lương trả dưới 500-700 bảng một tuần trong các tiệm làm móng.

    Phụ nữ còn có một ưu thế vượt trội là nếu họ sinh con với một bạn tình và tìm được một người cha có quốc tịch Anh bảo lãnh, nghiễm nhiên đứa bé có quốc tịch Anh để ngay sau đó họ đẻ tiếp đứa trẻ thứ hai với bạn tình và sẽ nhập quốc tịch cho anh chàng này vì cô ta đã có giấy tờ ăn theo đứa con đầu. Vướng mắc các vấn đề nhân quyền, luật pháp Anh đã tự trói tay để Người Rơm nhộn nhịp chui qua lỗ hổng này.

              

    Tủ thuốc nhuộm móng tay trong một tiệm nail tại Anh

              

    Trong lúc hệ thống chính trị tại Anh có vẻ cần một lí do đủ ấn tượng để mạnh tay với vấn nạn Người Rơm khi họ đăng tải những chuyện đa phần nhảm nhí mà Người Rơm Việt bịa ra hòng khai thác khía cạnh nhân đạo nhưng việc chính phủ Anh bắt lại thả, rồi cấp quốc tịch cho rất nhiều người có lẽ thể hiện những lúng túng, thậm chí trống kèn xuôi ngược trong hệ thống pháp luật Anh.

    Nền pháp luật Anh bắt nguồn từ thực tiễn văn hóa và trình độ của dân tộc này, nó đã phát triển xa trong các khía cạnh nhân đạo, bảo vệ quyền con người để có thể áp dụng cho các sắc dân mà giá trị về phẩm chất trung thực, về lòng tin thường bị xem nhẹ trước các lợi ích sinh học mà trên thực tế Người Rơm Việt là một ví dụ điển hình.

    Ngoài những lỗ hổng có tính cơ chế ở trên, có một thứ quyến rũ "mềm" mà bất cứ một sắc dân nào đến Anh dù hợp pháp hay bất hợp pháp cũng thừa nhận là sự bình yên của xã hội Anh. Người Rơm Việt ra đi từ một xứ sở đầy nhũng nhiễu của công quyền, xã hội nhiều rủi ro, bạo lực và thiếu việc làm, các thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu dồn dập, ô nhiễm đến tận hang cùng ngõ hẻm thì với họ nước Anh quả là "thiên đàng" có thực vì họ chẳng bao giờ bị chặn hỏi giấy tờ trên đường, cuộc sống của họ khi đã vào được Anh là lo kiếm tiền để mua sắm, cờ bạc và gửi tiền lậu về Việt nam, đặc biệt những cái chết của họ nếu có trên đất Anh không phải vì tai nạn giao thông, đâm chém, ung thư mà đa phần do sốc thuốc ở các sàn nhảy.

    Có lẽ đó là một sức hút mãnh liệt mà người nọ bảo người kia, nên từ các ngả cuối cùng lại đổ vào Anh, nhưng dù sao thứ quyến rũ "mềm" đó không phải lỗi của đất nước này.

              

    Chừng 7.500 cụm cần sa thu được ở Wales và Bristol có giá thị trường 3,5 triệu bảng Anh theo thời giá 2015

              





    Có thể làm gì?

    Căn bệnh mãn tính nhập cư lậu sẽ không thể giải quyết được chừng nào phía Việt nam luôn có lớp lớp người sẵn sàng ra đi và quan trọng hơn những lỗ hổng luật pháp nước Anh vẫn đang tạo cơ hội cho họ. Cho tới nay chính phủ Anh có vẻ chỉ quan tâm tới các giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn Người Rơm từ Việt nam hơn là tìm các giải pháp căn nguyên cho vấn nạn này.

    Không giải pháp kỹ thuật nào có thể kiểm tra tất cả hàng trăm ngàn container dịch chuyển qua đường biên mỗi ngày và cũng khó có giải pháp kỹ thuật nào chống lại hiệu quả các băng đảng đã bắt rễ sâu rộng khắp thế giới mà chân rết của nó đa phần là những người nhập cư nay đã có giấy tờ và đang làm việc tại Anh.

    Nếu chính phủ Anh cho phép tự trồng Cần Sa ở mức độ nhỏ phục vụ cho nhu cầu cá nhân thì chắc chắn lợi nhuận từ Cần Sa sẽ giảm xuống tới mức nhập cư lậu từ Việt Nam sẽ ít đánh đổi tính mạng để kiếm một lợi nhuận không tương xứng. Tại Hà Lan hiện nay, mỗi người có thể trồng tới 7 cây để phục vụ nhu cầu cá nhân.

    Cùng lúc đó, thị trường làm đẹp rộng lớn với nghề làm móng tay vốn là sở trường của người Việt bởi sự khéo léo luôn là đích ngắm đến thứ hai của Người Rơm từ Việt Nam. Có lẽ đã đến lúc chính phủ Anh và các nhà đầu tư cần đầu tư để triển khai rộng rãi các sáng chế sử dụng những giải pháp tự động hóa cho quá trình làm móng để giảm thiểu nhu cầu nhân công lao động cũng như các đòi hỏi kỹ năng khiến người bản xứ có thể dễ dàng tham gia.

    Bản thân người viết tin tưởng chắc chắn rằng nếu các bộ móng tay tuyệt đẹp được tạo ra bằng tự động hóa, nhu cầu thợ móng tay có tay nghề cao tại Anh sẽ bớt cấp thiết đòi hỏi gia tăng nguồn lao động bổ sung từ bên ngoài, sức hấp dẫn tài chính từ nghề làm móng cho di cư lậu từ Việt nam sẽ biến mất. Như vậy các giải pháp đã có sẵn, sự lựa chọn phụ thuộc ở quyết định của chính phủ Anh.

              


    Các tuyến đường có thể được nhiều nhóm đưa người Việt vào châu Âu sử dụng
    _______________________________________

              





    https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50302212
Trả lời

Quay về “Việt Nam”