Thi sĩ Du Tử Lê, tác giả của ‘Khúc Thụy Du,’ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi

Trả lời
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Thi sĩ Du Tử Lê, tác giả của ‘Khúc Thụy Du,’ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi

Bài viết bởi nắng thủy tinh »



Cố thi sĩ Du Tử Lê. (HÌnh: Uyên Nguyên)
GARDEN GROVE, California (NV) – Thi sĩ Du Tử Lê vừa qua đời lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai, 7 Tháng Mười, tại tư gia ở Garden Grove, hưởng thọ 77 tuổi.

Tin này được cô Orchid Lâm Quỳnh, ái nữ của ông, cho nhật báo Người Việt biết lúc 11 giờ tối Thứ Ba.

Cô kể: “Em báo tin này hơi trễ vì bây giờ mọi việc mới xong. Thực ra, tim bố ngừng đập lúc 8 giờ 6 phút tối Thứ Hai. Lúc đó, em vẫn gọi 911 và đưa bố vào bệnh viện. Bây giờ thì bố đã thật sự vĩnh viễn ra đi.”

Theo trang nhà dutule.com, nhà thơ Du Tử Lê, tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam.

Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào miền Nam.

Ông là cựu học sinh trường Chu Văn An, Trần Lục, rồi đại học Văn Khoa Sài Gòn, nguyên sĩ quan QLVNCH.

Ông làm việc tại Cục Tâm Lý Chiến trong vai trò phóng viên chiến trường, trước khi làm thư ký tòa soạn nguyệt san Tiền Phong.

Năm 1969, ông theo học khóa tu nghiệp báo chí tại thành phố Indianapolis, tiểu bang Indiana.

Năm 1973, ông được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn Thi Ca, với thi phẩm: “Thơ Du Tử Lê 1967-1972.”

Ông định cư tại Hoa Kỳ sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975.

Khởi sự làm thơ rất sớm, từ năm 1953 tại Hà Nội, với nhiều bút hiệu khác nhau, bút hiệu Du Tử Lê được ông dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai.

Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983, và New York Times, 1994.

Năm 1993, Giáo Sư Neil L. Jaimeson chọn dịch và phân tích một bài thơ của Du Tử Lê in trong cuốn “Understanding Vietnam,” do hai đại học UC Berkeley và UCLA và nhà xuất bản London ấn hành, là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Hoa Kỳ và Âu Châu.

Vẫn theo tác giả này, cùng với Nguyên Sa, sự đóng góp trí tuệ của Du Tử Lê cũng như Linh Mục Thanh Lãng và Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam là điều không cần phải hỏi lại (Understanding Vietnam, trang 344).

Du Tử Lê là một trong sáu nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ 20, có thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi Ca Thế Giới Từ Thời Thượng Cổ Tới Ngày Nay” (World Poetry – An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time) do nhà xuất bản W.W. Norton New York, New York, ấn hành năm 1998.

Thơ của ông cũng được một số đại học dùng để giảng dạy cho sinh viên từ năm 1990.

Ký giả Jean Claude Pomonti, một nhà báo hàng đầu của tạp chí Le Monde của Pháp, đã chọn một bài thơ của Du Tử Lê để dịch sang Pháp ngữ và phê bình trong tác phẩm “La Rage D’Être Vietnamien” do Seuil de Paris xuất bản năm 1975.

Du Tử Lê là một trong bảy nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là “Bảy Vì Sao Bắc Đẩu” của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam. Sáu người kia là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, và Tô Thùy Yên.

Du Tử Lê là tác giả của trên 70 tác phẩm đã xuất bản.

Thi phẩm đầu tiên của ông xuất bản năm 1964.

Tùy bút của ông bao gồm “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời,” do công ty Văn Hóa Cổ Phần Phương Nam, Sài Gòn, ấn hành Tháng Tư, 2017; “Mẹ về Biển Đông,” do Hội Nhà Văn Việt Nam, Hà Nội, xuất bản Tháng Sáu, 2017; Tuyển tập thơ “Khúc Thụy Du,” do Phanbook, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018; Tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” và truyện dài “Với nhau, một ngày nào” (in lần thứ ba), do Saigon Books xuất bản Tháng Bảy, 2018.

Nếu không kể những tác phẩm được tái bản thì tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu” là tác phẩm thứ 73 của họ Lê, tính đến Tháng Bảy, 2018.

Là một trong những nhà thơ lớn của văn học Việt Nam, thơ của ông cũng được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và trở thành những bài nhạc nổi tiếng như “Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn,” “Hạnh Phúc Buồn (Trong Tay Thánh Nữ Có Đời Tôi),” “Giữ Đời Cho Nhau (Ơn Em),” “Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển,” “Khúc Thụy Du,” “K Khúc Của Lê,” “Khi Cuộc Tình Đã Chết,”….

Từ năm 1981 tới nay, nhà thơ Du Tử Lê có nhiều buổi thuyết trình tại một số đại học tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức, và Úc. Ông từng hai lần được mời đến Harvard University để nói chuyện về thơ của mình.

Từ năm 2009 tới 2012, mỗi năm Du Tử Lê đều có ít nhất một lần thuyết trình về thơ tại đại học UC Berkeley và đại học Cal State Fullerton.

Ngoài thi ca, Du Tử Lê còn là một họa sĩ.

Kể từ Tháng Bảy, 2011, nhiều tranh của ông được dùng làm bìa sách cũng như in nơi trang bìa của một số tạp chí xuất bản tại Hoa Kỳ.

Tính tới 2012, ông đã có hai cuộc triển lãm cá nhân, một tại Houston, Texas, và một tại Seattle, Washington.

Cuộc triển lãm cá nhân lần thứ ba của Du Tử Lê, vào Thứ Bảy, 30 Tháng Ba, 2013, tại Virginia, là triển lãm mở đầu cho năm.

Và năm 2014 của họ Lê được đánh dấu bằng cuộc triển lãm bỏ túi ở Coffee Lover, San Jose, California, với bảy tác phẩm hội họa, được bán hết trong vòng 45 phút.

Cuối năm 2012, với sự hướng dẫn của Giáo Sư Diêu Thị Lan Hương, cô Trần Thị Như Ngọc, cư dân Hà Nội, đã chọn thơ Du Tử Lê cho luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, chuyên ngành Lý Luận Văn Học, với tựa đề “Thơ Du Tử Lê Dưới Góc Nhìn Tư Duy Nghệ Thuật,” được hội đồng giám khảo chấm đậu và được phép dùng để giảng dạy. Luận văn này hiện được lưu trữ tại Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, thuộc Đại Học Quốc Gia Hà Nội, mã số: 60 22 01 20.

Chưa hết, thi sĩ Du Tử Lê còn viết văn và biên khảo văn học.

Bước vào năm 2015, tác phẩm truyện dài “Với nhau, một ngày nào” (tái bản lần thứ nhất) của nhà thơ, và bộ sách dầy 700 trang, tựa đề “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt 1975-2015” – tập 1, được cơ sở H.T. Productions xuất bản, công ty Amazon in và phát hành. Ngoài ra, bộ sách “Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật Việt 1975-2015” – tập 2, đầu sách thứ 67, của nhà thơ Du Tử Lê cũng được công ty Amazon in và phát hành giữa Tháng Chín.

Riêng năm 2018, tại Sài Gòn, đã có bốn đầu sách của Du Tử Lê được xuất bản cũng như tái bản, trong số đó, có các tuyển tập như:

-Tuyển tập thơ “Khúc Thụy Du,” tác phẩm thứ 72, do PhanBooks, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018.

-Tuyển tập thơ “Trên Ngọn Tình Sầu,” tác phẩm thứ 73, do Saigon Books xuất bản Tháng Bảy, 2018.

-Tuyển tập tùy bút “Giữ Đời Cho Nhau” II, do PhanBooks, Sài Gòn, xuất bản Tháng Sáu, 2018. (Đỗ Dzũng)



Liên lạc tác giả: [email protected]
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thi sĩ Du Tử Lê, tác giả của ‘Khúc Thụy Du,’ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi

Bài viết bởi Bạch Vân »

          






          
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Thi sĩ Du Tử Lê, tác giả của ‘Khúc Thụy Du,’ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Khúc Thụy Du

Thơ Du Tử Lê

như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng(1) nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển


Khúc Thụy Du nghĩa là gì?

Nhà thơ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Hà Nam, hiện đang định cư tại Hoa Kỳ. Bài thơ Khúc thụy du được ông sáng tác vào tháng 3 năm 1968, viết về cuộc tình có thật trong thời tao loạn của chính ông với người con gái vốn là một sinh viên trường Dược Sài Gòn mang tên Thụy Châu (tên thật là Huỳnh Thị Châu) - người sau này trở thành bạn đời của nhà thơ.

Theo chia sẻ của Du Tử Lê, Khúc Thụy Du là tên ghép giữa chữ Thụy - tên lót của cô gái (Thụy Châu) và chữ Du - tên đầu trong bút danh Du Tử Lê của ông. Khác với giai điệu êm ái da diết mang nặng dấu ấn về thân phận tình yêu khi được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc, bài thơ gốc Khúc Thụy Du được Du Tử Lê sử dụng những ngôn từ đầy đau thương gào thét. Đọc bài thơ, độc giả có cảm giác như một kinh ru buồn, một nỗi ám ảnh về thân phận con người trước chia ly mất mát trong chiến tranh. Những câu thơ u uẩn oằn mình trong cô đơn quạnh quẽ cùng những tiếng gào thét đau thương trong thời ly loạn.

Ngày 30-01-2010, nhà thơ Du Tử Lê đã có những chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ Khúc Thụy Du trên website cá nhân của ông như sau:

"Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn khởi đầu. Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải tỏa khu Ngã Tư Bảy Hiền.

Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.

Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.

Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải tỏa khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….

Trên đường về, khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…

Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.

Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại - - Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.

Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng. Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…

Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi. Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!

Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 bài thơ.

Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)
Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thơ của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ - bày quạ rỉa xác người - (của tươi đời nhượng lại) - bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…

Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?

Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai họa, một tuyệt lộ.

Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).

Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 1973.

Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…
Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (tọa lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thụy Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”

Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.

Khi ca khúc “Khúc Thụy Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thụy Du”…

Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông..."


Thụy bây giờ về đâu?

Thụy của Khúc Thụy Du tên thật là Huỳnh Thị Châu (có tài liệu khác ghi là Huỳnh Thụy Châu), hiện là chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Sài Gòn Nhỏ, tòa soạn đặt tại California, Hoa Kỳ. Cái tên Thụy Châu chỉ là một trong những bút danh của bà (các bút danh khác còn có Hoàng Dược Thảo, Đào Nương, Nghé Ngọ, ...). Ngoài ra, bà Huỳnh Thị Châu còn có họ tên tiếng Pháp là Brigitte Lauré Huỳnh, mang quốc tịch Pháp. Hiện cái tên phổ biến để gọi bà là Đào Nương Hoàng Dược Thảo.

Du Tử Lê và Đào Nương Hoàng Dược Thảo từng là vợ chồng và có với nhau 2 người con. Năm 1975 khi Du Tử Lê sang Hoa Kỳ thì năm 1978, nhờ có quốc tịch Pháp, bà Châu đi Pháp rồi qua Hoa Kỳ.

Năm 1980, Huỳnh Thị Châu và Du Tử Lê ly dị, sau đó bà tái giá mấy lần.

Khoảng năm 2005, Thụy của Khúc Thụy Du ngày xưa của Du Tử Lê cũng nhận mình là ...Hoàng Thị Ngọ, tức là nguyên mẫu của nhân vật Hoàng Thị trong Ngày xưa Hoàng thị của thi sĩ Phạm Thiên Thư. Tuy nhiên, việc mạo nhận này của bà đã bị chính nhà thơ Phạm Thiên Thư phủ nhận sau đó.

Nguồn: http://www.atabook.com/blog/khuc-thuy-du-tho-du-tu-le
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Thi sĩ Du Tử Lê, tác giả của ‘Khúc Thụy Du,’ qua đời, hưởng thọ 77 tuổi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Du Tử Lê, một cõi cho mình


    Nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019)



    Tôi kính trọng những nhà thơ. Trong mắt tôi, họ là những người dũng cảm bậc nhất. Hoặc gan lì, cũng bậc nhất luôn.

    Giữa thời thiên hạ tối tối dán mắt vào ti vi, sáng sáng lướt rao vặt trên báo chợ, ngốn tiểu thuyết trinh thám trên xe điện ngầm, trên máy bay… mà vẫn cứ có những nhà thơ, những nhà thơ này vẫn bình tĩnh làm thơ được, mới lạ. Ngó vào số lượng in ở trang cuối mỗi tập thơ lại càng thêm kính phục họ. Các nhà thơ hậu duệ của Beaudelaire, Verlain, Apollinaire, của Goethe, Schiller… đều ngán ngẩm khi nói đến tình trạng thê thảm của sự đọc thơ thời bây giờ – đời thuở nhà ai mà một tập thơ bán được một ngàn bản đã là của hiếm trên đất nước đông đúc bảy tám chục triệu dân cơ chứ. So với họ, các nhà thơ Việt của chúng ta ở hải ngoại còn dũng cảm hơn nhiều. Và cũng may mắn hơn nhiều, nếu so số lượng xuất bản trên tỷ lệ số dân.

    – Dũng cảm gì đâu. – Du Tử Lê cười hiền lành – Không hề. Gàn dở, thì đúng hơn, ông ạ. Khốn nạn, tôi, và tất cả tụi làm thơ chúng tôi, chạy không nổi khỏi nó. Nó là cái nghiệp, là sự chìm đắm vừa đau đớn vừa êm đềm, một thống khoái khó hiểu, đối với nhiều người, không trừ chính kẻ làm thơ…

    Chúng tôi ngồi ở một bàn ngoài của một quán cà phê với một loạt ghế trên hè, rất Paris, ngay trước tượng Thần Tự Do giương cánh trên đài kỷ niệm Bastille. Quán cà phê bình dân này không phải là La Rotonde ở Montparnasse, nơi những danh nhân lịch sử của nước Pháp từng lai vãng, nhưng vào buổi chiều thu ấy cũng đông nghịt, bên trong không còn một bàn trống. Du Tử Lê xuề xoà, nói ngồi ở các bàn ngoài thú hơn, giống ở Sài Gòn hơn. Vừa nhàn nhã nhâm nhi ly expresso, ngắm cảnh xe cộ bá tính tấp nập ồn ào trên quảng trường ghi dấu cuộc cách mạng vĩ đại 1789, vừa bàn về văn chương thơ phú, thật thú vị.

    Hình như các nhà thơ đều hiền lành. Tôi chưa gặp một nhà thơ dữ tợn nào. Những người dữ tợn không làm thơ. Tôi đòi Du Tử Lê đọc một bài thơ mà anh ưng ý hơn cả. Du Tử Lê nhìn tôi như cách người ta nhìn một con quạ trắng.

    – Bài nào tôi cũng khoái, nhưng chỉ trong lúc đang làm ra nó thôi. Bài ưng ý nhất là bài mà mình sắp làm cơ, ông ạ.

    Ấy là người đã có một lượng tác phẩm đồ sộ, hơn bốn chục thi phẩm, nếu tôi không nhầm, nói thế. Nhưng chiều tôi, Du Tử Lê ngâm se sẽ vài câu:

    • đêm về theo bánh xe qua
      nhớ em Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh
      nhớ em kim chỉ khứu tình
      trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
      nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
      nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
      nhớ nghĩa trang quê bạn bè
      nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
      đêm về theo vết xe lăn
      tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào…


    Nhớ Sài Gòn khi Paris sống động trước mặt là trúng lắm. Chẳng có nơi nào gợi nhớ những thành phố quê hương bằng Paris. Cách chúng tôi mấy bước là một cái nắp cống bằng gang in hệt những nắp cống trên hè Hà Nội hay hè Sài Gòn, đọc những hàng chữ trên nắp cống mới biết chúng cùng một lò sản xuất. Mấy chiếc lá vàng lềnh bềnh trên dòng nước rãnh dọc hè, y như ở Hà Nội.

    Người đọc biết đến Du Tử Lê không phải với tư cách nhà thơ lục bát truyền thống, hoặc thơ mới các kiểu hàng loạt. Du Tử Lê được thiên hạ biết đến, được nhớ đến, là nhờ những bài thơ không vần với những chấm, phẩy, gạch nối, ngoặc đơn, ngoặc kép và những ký hiệu toán học. Những cái đó là tốt, là xấu, là hay, là dở, tôi không bàn. Trong địa hạt này tôi là kẻ ngoại đạo. Nhưng điều tôi thấy rõ là Du Tử Lê đã và đang làm một cái gì đó chưa từng có. Anh là kẻ khai phá. Cái mà anh đang khai phá rồi đi đến đâu là chuyện về sau. Nhưng ngay bây giờ tôi đã bắt gặp đâu đó những người theo chân anh. Như thế, anh không hề đơn độc.

    • như / con sông / sẽ không ra biển!??
      nhan sắc đi / về ngang vết thương.
      thịt / da từng tấc chăm, nuông nghiệp –
      mỗi ngón tay:
      – thơm một nỗi niềm.
      như mưa / nắng / sẽ không cư, ngụ!?!
      lọn tóc xin tình mãi thiếu niên –
      nuôi vai chia nhánh vào ly, biệt…
      thương, nhớ nào xanh(?)
      những mặt bằng!?!!!

    Tôi không hỏi Du Tử Lê vì sao những dấu chéo (/) đặt giữa những chữ như / con sông / sẽ không ra biển…; vì sao giữa từ kép ly biệt lại phải có một dấu phẩy ngăn cách để thành ly, biệt; cũng như tôi không hỏi vì sao sau câu như / con sông / sẽ không ra biển!?? lại có một dấu than với hai dấu hỏi, mà ở câu thương, nhớ nào xanh(?)[xuống dòng] những mặt bằng!?!!! sau một dấu than, một dấu hỏi lại có đến ba dấu than nữa?

    Tôi không hỏi vì không muốn Du Tử Lê phải dằn lòng cắt nghĩa cho tôi rằng thơ là cái để mà cảm, chứ không phải cái để mà lý giải. Trong cái sự cảm ấy, tôi thấy, hoặc tôi lơ mơ hiểu dường như Du Tử Lê muốn dùng những ký hiệu toán học, những dấu biểu cảm ngữ nghĩa như một cách chơi nhạc, để ngắt chữ ngắt câu, để nhấn mạnh, để khêu gợi, để bắt người đọc đi tiếp con đường suy tưởng của/cùng anh (tôi dùng một dấu chéo theo cách Du Tử Lê rồi đấy). Cái “thi tại ngôn ngoại” của Du Tử Lê phong phú, nó gọi ta bước qua những chữ cụ thể để lướt đi xa hơn nữa trong liên tưởng, như từ một nốt nhạc nẩy lên ta nghe vang vọng một toàn hài.

    Cái mà người đọc cảm được, thấy được trong thơ Du Tử Lê là những cảm giác Du Tử Lê cũng là cảm giác của mình, dù đó là những suy tưởng về ý nghĩa thời gian, tình nhân loại, những niềm vui hồn nhiên, những phút buồn vô cớ.

    • rất nhiều khi tôi khóc một mình
      những hạt lệ không giúp ai no
      những hạt lệ không làm ai đỡ đói,
      nhưng nó vẫn là những giọt lệ
      chính nó,
      một mình –
      không có tôi đứng cạnh.
      thay vì cloning cho tôi con cừu
      hãy tạo sinh vô tính cho tôi buổi chiều,
      quê cũ.
      một lần trong đời nhau
      đêm, nghìn sâu tiếng gọi
      ngọt ngào gối, chăn đau
      thịt, da gào kiếp mới
      soi mặt gương đời, sau
      giọt máu còn chói lọi
      một lần thân thể nhau
      tôi rạng ngời: địa ngục!?!
      nuốt trọng chính mình, như ngọn lửa
      cháy một tôi: kẻ tự lột da
      nhìn em: chảy máu trong yên, ắng
      nghe giữa bọng cây: rộ đoá hoa.


    Tôi viết: Du Tử Lê không đơn độc trong sáng tạo, trong khai phá một lối đi mới cho chính anh, độc đáo trước hết cho chính anh, không cần ai chấp nhận. Cũng cái cung cách như thế ở trong nước có Dương Tường, một hồn thơ gần gụi với Du Tử Lê. Dương Tường cũng khai thác âm hưởng của những con chữ trong thơ, với những hàm ý không dễ hiểu, và dường như không cần ai hiểu. Dương Tường có những câu thơ thế này:

    • tôi nhìn nước Mĩ
      qua mềm mại em phi lí
      chéo
      qua phụ khoa em hơ hớ
      chéo
      qua nhục dục em ngao ngán
      chéo
      qua thân hình em ngạo ngược
      chéo
      qua năng động em vô vọng
      chéo
      qua nụ bè he em bối rối
      chéo


    Có Trời hiểu những chéo in đậm nọ mang nghĩa gì. Trong tập “Thơ Dương Tường” (xuất bản năm 2005) có một câu “chẳng thể nào xuất” với hai gạch chéo hình chữ V nằm ngang (<) đi tiếp chỉ vào hai chữ “tinh” và “thần” để ta có thể đọc theo hai dị bản “xuất tinh” và “xuất thần”, hoặc gộp cả hai lại: “xuất tinh thần”; trông cứ như một công thức cấu tạo phân tử. Có khác gì Du Tử Lê với những ký hiệu toán học đâu. Trong tình hình nhiều năm mọi kênh thông tin trong ngoài bị đóng kín, hai người không được đọc thơ của nhau, nhưng Dương Tường và Du Tử Lê đều có những hoài bão khai phá như nhau và lối khai phá khá giống nhau. Về sự sử dụng nhạc tính trong thơ hai người hơi khác nhau chút ít. Có thể nói nếu thơ Du Tử Lê là euphonic thì thơ Dương Tường thiên về cấu trúc dodecaphonic. Dù sao thì ở đây ta cũng thấy hiện tượng những trí lớn gặp nhau.

    Ở đây vấn đề muôn thuở được đặt ra: ở đâu, cái cảm giác chừng mực của sự biểu cảm? Chưa tới thì không được. Một chút quá là hỏng.






    Nhưng với chủ thể của sự sáng tạo Du Tử Lê vấn đề trên bất thành vấn đề. Tôi quen Du Tử Lê chưa đủ lâu để có thể nói rằng tôi hiểu anh thật nhiều. Nhưng tôi dám nói như thế từ những quan sát của mình qua những lần gặp gỡ bao giờ cũng ngẫu nhiên và hồn nhiên.

    Tôi hỏi Du Tử Lê:

    – Khi viết ông có nghĩ tới người sẽ đọc thơ ông không?

    – Hoàn toàn không.

    – Vậy ông nghĩ gì khi làm thơ.

    – Tôi chẳng nghĩ gì cả. Một tứ thơ chợt đến, và tôi cầm lấy bút.

    Thế đấy. Du Tử Lê không làm thơ, có thể hiểu như thế. Thơ tự đến với Du Tử Lê, như cái duyên số phận, có đi tìm cũng không thấy, muốn chế tạo cũng không được. Trong Du Tử Lê mọi điều kiện cần thiết cho thơ đã có sẵn để cho thơ nảy nở. Cái sự khai phá mà tôi nói đến ở trên cũng nằm trong cái duyên ấy, không phải do một ý chí nào. Chính vì vậy mà Du Tử Lê làm thơ không quan tâm đến đối tượng sáng tạo, không cần biết họ hiểu được hay không hiểu, cảm được hay không cảm được.

    Du Tử Lê làm thơ như Du Tử Lê thở, như Du Tử Lê cười, Du Tử Lê khóc, nói tóm lại, như Du Tử Lê sống.
    Trong cõi riêng của mình.


    Vũ Thư Hiên



    Nguồn:https://www.facebook.com/thuhienvu22222


              
Trả lời

Quay về “Người Việt hải ngoại”