Nước lũ mùa Thu

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Nước lũ mùa Thu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Nước lũ mùa Thu






    Mạc Ngôn sinh năm 1955, nhà văn Trung Hoa, Nobel 2012, nổi tiếng với những truyện Cao Lương Đỏ, Phong Nhũ Phì Đồn (Báu Vật Của Đời), Đàn Hương Hình….Ông có tài mô tả chi tiết hiện thực, nhưng nhấn mạnh cảm thụ trực giác, tạo được một hiện thực mới mẻ có đủ mầu sắc mùi vị. Truyện là cái khung để ông kết hợp tả thực với tượng trưng, biến hình, huyền ảo khoa trương, không theo lối tự sự cổ truyền, tạo được cảm giác và đột biến hấp dẫn.

    Thu Thủy là truyện ngắn nhưng bao gồm hầu hết các đặc điểm nêu trên. Phạm Đức Thân chuyển Việt ngữ từ bản Anh dịch Autumn Waters của Richard F. Hampsten và Maorong Cheng.



    Một sáng mùa xuân đẹp trời, năm ông tôi 88 tuổi, mọi người trong làng thấy ông ngồi trên chiếc ghế xếp, dựa lưng vào tường của vườn rau, mắt nhắm, nghỉ dưỡng thần. Khoảng trưa, mẹ sai tôi ra mời ông vào ăn trưa. Tôi chạy tới ông kêu to mời ông, nhưng không thấy phản ứng gì. Tôi lay ông và chỉ khi đó mới nhận ra ông không thể cục cựa. Tôi chạy vào báo mọi người. Họ túa ra, vây quanh ông, vừa lắc lắc vừa lớn tiếng gọi ông, nhưng rốt cuộc mọi cố gắng đều vô hiệu. Ông đã chết một cách hết sức đường hoàng, mặt hồng hào như còn sống, chết một cách khiến mọi người phải kính nể. Trong làng ai cũng bảo hẳn kiếp trước ông đã tích lũy được nhiều việc thiện, bởi vì chỉ có thế người ta mới hưởng được cái chết thanh thản như vậy. Mọi người trong gia đình tôi cũng được dự phần vinh quang cái chết của ông.

    Nghe nói khi còn trẻ, Ông đã giết ba người, nổi lửa đốt nhà và chạy trốn cùng với một cô gái. Họ đã từ Bảo Định chạy tới đây và trở thành người tiên phong đầu tiên định cư tại làng chúng tôi trong Quận Cao Mật. Lúc đó phần đông bắc của Cao Mật vẫn còn là đất chưa khai hoang, hầu hết là đầm lầy, cỏ dại mọc cao tới đầu gối. Một số ao đầm nối kết với nhau, quê hương của thỏ nâu, chồn đỏ, vịt đốm, diệc trắng, và nhiều sinh vật không tên khác, nhan nhản trên mảnh đất đầm lầy này ít người đặt chân tới. Chính nơi đây Ông đến đem theo cô gái.

    Cô gái đó sau này trở thành bà của tôi. Họ tới đây vào mùa xuân, và sau khi ẩn náu trong cỏ được ít ngày, Bà rút cái trâm cài tóc bằng vàng trên đầu, cởi cái vòng ngọc thạch ở cổ tay, bảo Ông tới một nơi hẻo lánh để bán và mua nông cụ cũng như đồ gia dụng cần thiết. Rồi họ chuyển tới một cái đồi nhỏ hình dáng kỳ kỳ nằm ngay giữa đầm lầy, và dựng lều để ở. Xong, Ông bắt đầu vỡ đất và Bà thì bắt cá, phá tan cái tĩnh lặng của đầm lầy. Chuyện họ đang làm dần dần được đồn rộng, nghe có vẻ như chuyện thần tiên: một cặp vợ chồng trẻ giữa đầm lầy, nam đen sậm, cao, người khỏe mạnh, nữ da trắng, xinh đẹp; và còn có một đứa nhỏ không đen cũng không trắng….Sau này có những đám thảo khấu theo nhau chuyển tới vùng, dựng nên làng ấp, tạo thành một thế giới riêng của họ – nhưng sự kiện này đến sau trong câu chuyện.

    Tới lúc tôi đủ tuổi để hiểu sự việc thì cái đồi nhỏ hình dáng kỳ kỳ đã được san bằng bởi những nông dân “nghèo và trung lưu cấp thấp” của mười tám làng chung quanh, nhờ vậy đầm lầy đã phát triển. Năm này qua năm khác mưa thưa dần, và giờ đây khó tìm được nước. Cách bốn hay năm dặm mới có một làng. Tôi nghe mấy người thuộc thế hệ Ông nói về quá khứ của chốn này, từ mô tả địa hình của môi trường đến các chuyện lạ kỳ, và tôi luôn cảm thấy trong những chuyện này bùng lên mạnh mẽ những cơn mưa ma quái, những luồng gió siêu nhiên, ẩn hiện chỗ này chỗ kia giống như ma trơi. Đúng hay sai? Làm sao tôi biết?

    Ông bà tôi vỡ đất và trồng trọt, bắt cá tôm, săn chồn thỏ. Lúc đầu họ hơi sợ, và thường nằm mơ thấy lại những đầu người nhỏ máu. Nhưng ngày qua ngày, hình ảnh mờ dần rồi biến mất. Ông tôi bảo trong đầm lầy lớn không có binh lính hay quan chức, trời thì cao vua thì xa, nhưng có những đàn lớn muỗi. Những ngày trước khi mưa, người ta trông thấy hàng đàn muỗi bay sà sà như khói đen trên đầu ngọn cỏ và mặt nước trống. Với tay ra có thể chộp được một nắm nhỏ. Có những lúc để tránh muỗi, Ông và Bà phải lặn dưới nước, chỉ để thò lỗ mũi ra. Ông cũng bảo khi chiều buông xuống, giữa đám cỏ ướt phát ra ánh mờ mờ mầu lục pha chút lam, dải này nối tiếp dải kia, lượn chảy như nước. Cua sống trong bùn đầm lợi dụng cái ánh lân quang này để săn mồi và nếu sáng ra anh tới nhìn cát bùn dưới nước, anh sẽ không thấy gì ngoài những dấu càng cua. Cua to như móng ngựa. Phần tôi, tôi chưa bao giờ nhìn thấy các cua này, nói chi đến ăn. Nghe Ông nói về đất đầm lầy hồi xưa như vậy tôi bị mê hoặc: Tôi ước chi mình sinh ra sớm, sáu chục năm trước.

    Hạ chuyển sang thu. Cao lương ông tôi trồng chín đỏ dưới mặt trời, thân cây kê nặng trĩu đầu, râu bắp khô ran, và có vẻ chắc chắn được mùa lớn. Bố tôi vẫn còn trong bụng Bà, đang mọc lông và cánh để nở, chỉ đợi đúng ngày là bay ra và phấn đấu thành công trong cái thế giới này. Vài ngày trước mùa gặt một cơn nóng hầm hập kéo đến: nhiều mây sáng chói lơ lửng trên đầm lầy, những cụm mây to trôi nhanh không định hướng, giống như gia súc chạy loạn xạ nhốn nháo, và nước trong đầm lầy phản ánh hình ảnh chuyển động mau lẹ của mây. Mưa đổ như thác trong mấy ngày và đầm lầy trương phình những nước. Mưa xối xả và sương mù trắng dâng lên, lần mò len lỏi quanh khắp, ngày đêm không ngừng, và không thể bay cao. Ông tức giận rủa trời đất. Bà cảm thấy từng cơn đau nhói trong bụng. Bà nói với Ông. “Tôi e tôi sắp sanh.” Ông bảo: “Tới lúc thì việc phải đến sẽ đến thôi. Cái thời tiết chết tiệt này, tôi ước chi có thể chọc thủng một lỗ vào nó!”. Ngay giữa khi Ông đang chửi rủa, ông thấy mặt trời ló ra qua lỗ hổng của mây, thoạt đầu hơi lưỡng lự, nhưng liền sau đó phóng ra hai ba tia sáng trắng rực rỡ, quét bầu trời cho trong để rọi xuống.

    Ông chạy ra khỏi lều, cảm khái nhìn bầu trời và lắng nghe tiếng mưa giảm dần trên đầm lầy: một số ít dải mưa trắng bạc vẫn còn rơi chênh chếch giữa khoảng không. Trên đất lầy, nước đã dâng cao trải rộng không ngừng; cỏ vàng và xanh lục cất cao đầu mệt mỏi giữa nước ngập. Tiếng mưa ngừng, và bây giờ là tiếng gió giật mạnh từng cơn. Trên cao Ông đứng nhìn mùa màng của mình: cao lương và bắp trông vẫn còn tốt. Mặt Ông hiện vẻ vui mừng. Theo với tiếng gió, muôn vàn ếch nhái bắt đầu đồng loạt kêu vang – toàn thể đất lầy rung rinh. Ông trở vào lều, báo tin Bà mây đang tan và mặt trời đang ló dạng. Bà bảo đau ở bụng càng lúc càng tệ hơn, và bà sợ. Ông cố trấn an Bà: “Có gì phải sợ? Quả dưa chín thì sẽ rụng thôi.” Trong khi đang nói, họ nghe từ mọi phía bên ngoài một âm thanh kỳ lạ, bùng nổ ầm ầm như sấm động, và hình như đè nén lại toàn thể tiếng kêu của ếch nhái. Ông vụt chạy ra khỏi lều và thấy những lớp sóng lớn vàng đục cao như đầu ngựa đang dâng tràn từ mọi phía, rầm rầm quét tới để hội tụ trên ngọn đồi nhỏ. Trong thoáng chốc nước trong đầm sâu thêm vài mét. Hình như tất cả ếch nhái đều đã bị nhận chìm. Đầu cỏ dại ngập trong nước; chỉ cao lương và bắp của Ông là chưa chìm. Nhưng rồi một lát sau chúng cũng ở dưới nước. Anh nhìn bất cứ hướng nào cũng thấy toàn nước vàng đục – không gì khác.

    Ông thở nặng nề một hơi dài và quay lại lều. Bà trần truồng nằm rên rỉ và thở dốc trên nệm cỏ, tóc rối bời dính đầy cọng cỏ, mặt xám nhạt như tro. “Nước lũ đang tràn tới.” Giọng Ông nặng nề và lo lắng. Bà thôi rên rỉ, nhỏm dậy chậm rãi bước ra ngoài để ngó. Bà quay vào ngay, mặt tái nhợt, nhăn nhó vì sợ hãi. Một lúc lâu Bà không nói gì; và khi Bà mở miệng thì đó là một tiếng kêu khô khan: ” Ôi! Ôi! – Thế là hết, Lão Tam, chúng ta không thể sống sót qua nổi nạn này!” Ông đỡ Bà nằm xuống, nói: “Bà sao lạ vậy? Bà và tôi đã từng giết người, đã từng nổi lửa đốt nhà, vậy thì còn gì để sợ chứ? Ngay từ đầu chúng ta đã bảo nhau chúng ta chỉ cần sống bên nhau một ngày thôi, rồi cùng chết bên nhau cũng vui. Tới nay thì đã qua bao nhiêu ngày chúng ta sống bên nhau? Nước lũ cao đến mấy cũng không thể ngập đồi; cây cao đến mấy cũng không thể chọc trời. Bà cứ yên tâm, sanh đứa bé – tôi ra ngoài xem nước thế nào.”

    Ông bẻ một cành cây, theo con đường xiên xiên xuống đồi, sải vài chục bước dài tới chỗ nước, cắm chắc cành cây xuống đất, cạnh một lưỡi nước đã liếm lên tới đó, rồi leo ngược lên đỉnh đồi quan sát. Hướng về phía mặt trời, ông chỉ nhìn được một khoảng cách ngắn phía trước vì tầm nhìn bị ngăn bởi ánh phản chiếu trên nước của măt trời. Tuy nhiên nhìn phía khác thì tầm nhìn không bị giới hạn. Mắt chỉ thấy toàn nước vàng đục bùn, đến từ đâu chỉ có Trời biết và chảy đi đâu cũng chỉ có Trời biết, bờ tiếp bờ, đập vào đồi, dội cuộn vào nhau, tạo thành những cuốn xoáy đen ngòm, to có nhỏ có, mà ông thấy thỉnh thoảng lại có ếch nhái nhẩy vào đấy. Một khi đã nhẩy vào không thấy con nào nhẩy ra. Cây gậy ông cắm vào đất giờ đã ở dưới nước, chứng tỏ nước còn dâng nhanh. Nhìn nước mênh mông tràn lan, chính ông cũng lo lắng. Có lúc ông cảm thấy trong tim là khoảng trống lớn, biến nó thành dải đất hoang heo hút; có lúc nó lại đầy ắp, như thể lục phủ ngũ tạng đã cô đọng thành một khối. Trong khi ông đứng đó há miệng bần thần, nước đã dâng thêm cả tấc, và ngọn đồi nhỏ chìm theo từng chút. Nhận ra điều này, ông thấy lạnh tim. Ông nhìn lên và thở dài nặng nề. Trên trời, qua kẽ mây, ông thấy những mảng lớn bầu trời trong xanh lam, và những cụm mây viền vàng đang bay thục mạng trước luồng gió mạnh. Ông ấn một cành cây khác xuống đất chỗ mép nước, và các thớ thịt trên mặt dịu xuống khi ông trèo ngược trở lại lều. Thấy Bà đang chốc chốc giơ lên hạ xuống cặp giò, Ông nói: “Bà sắp sanh cho tôi thằng cu?”

    Buổi chiều Ông lại ra ngoài xem nước. Những đám mây nhiều mầu phủ đầy trời hình như cũng trôi mờ mờ trong nước bùn, đỏ đối đỏ, vàng đối vàng. Mực nước đã đứng yên tại chỗ ông đánh dấu và Ông cảm thấy nhẹ người. Trên mặt nước bao quanh ngọn đồi từng đàn lớn chim trắng bạc bay lượn và sà xuống trong khoảng không. Ông không biết loại chim gì. Tiếng kêu của chúng vừa the thé vừa kỳ lạ. Lông cánh chim phản chiếu ánh mặt trời. Ông quan sát chúng, từng con một chúi xuống nước, và bay lên lại, miệng mỗi con đều ngậm một con cá trắng. Ông chợt cảm thấy bụng trống rỗng và bước trở vể lều đế nhóm lửa cho bữa chiều. Mặt Bà đẫm mồ hôi nhưng Bà không quên hỏi ông tình hình nước lũ. Ông bảo mực nước đang bắt đầu hạ xuống, bà đừng quan tâm, hãy lo sanh con. Bà liền òa khóc, bảo: “Lão Tam, tôi già rồi. Xương chậu không mở nữa, tôi sợ đứa bé không ra được!” Ông nói: “Làm gì có chuyện đó. Bà đừng lo.”

    Củi nhóm lửa ướt, và khi bắt lửa nó tỏa khói đen khắp lều. Bóng tối buổi chiều đến chầm chậm, giống như khói từ từ lan tỏa phủ trùm cái thế giới ngập nước. Chim gọi nhau, từng đàn một tới đậu trên phần đất ngọn đồi. Bà bận nhiều việc, chưa ăn được, cho nên Ông nuốt vài miếng, dạ dày như đầy cỏ mục. Lúa mạch ông hầm với mấy lát cá đã trở nên nguội và cô đọng trong nồi. Đêm đó Bà thỉnh thoảng bị đau nhói, và chốc chốc lại rên rỉ – nhưng bố tôi bướng bỉnh cứ nấn ná, không chịu hạ xuống nệm cỏ. Bà mất kiên nhẫn, bảo bố tôi: ” Con ơi, ra đi con! Đừng hành hạ Mẹ ác như vậy.”

    Ông ngồi bên giường cỏ, nhấp nhỏm không yên vì bất lực không giúp được gì, đầu óc đang mơ hồ tính toán chuyện khác, ầm ừ nhát gừng phát ra như tiếng ợ, và rồi bỏ cuộc không nói nữa. Ánh trăng vàng nhạt rụt rè tỏa khắp lều, nhuộm cái đầu nhẵn thín của Ông và thân thể trắng như ma của Bà. Dế đang lẩn khuất giữa cỏ khô trong lều, cọ cánh vào nhau kêu loạt soạt khô khan. Bốn bề nước va đập, giống như đàn ngựa điên, giống như đám sói rừng – đôi khi giống như ngựa đang phi nước đại, nhưng không hẳn là vậy, đôi khi giống như nước gầm, nhưng cũng không hẳn là vậy, lúc xa lúc gần, lúc yếu lúc mạnh, biến đổi không ngừng. Ông quan sát kỹ ngoài lều: trăng đang chiếu sáng ngọn đồi đầy những chim hoang, mầu trắng của chúng loang loáng. Trên đồi rải rác một số cây hạt dẻ, rõ ràng không do người trồng, cây nhỏ chưa có trái. Ban ngày người ta có thể thấy mùa thu đã rơi trên lá, nhưng bây giờ dưới ánh trăng Ông không thể thấy lá, mà tại những chỗ tôi tối lẽ ra là lá, Ông lại hình dung một loại quả kỳ lạ treo trên cây, mỗi trạc mỗi cành cong xuống vì sức nặng, làm lá rung xào xạc. Nhìn gần Ông mới biết cây đầy những chim lớn. Ông và Bà cảm thấy tê cóng và thiếp đi lúc nào không biết.

    Rạng sáng hôm sau họ thấy nửa nồi cháo lạnh biến mất, chuột đã liếm sạch, và trong lều vài chục con dài cả gang còn đói đang chạy tới lui như con thoi. Bà không bụng dạ nào nhìn chúng, vật vã trên giường, mồ hôi khô còn đọng thành vệt trên mặt. Ông nhặt một cái gậy và bắt đầu đuổi chuột. nhưng chúng thách thức chống cự và cả gan tính nhẩy lên xà nhà. Sau khi ông đã giết cả chục con chúng mới hậm hực rút lui khỏi lều và chạy túa lên đồi tìm ăn. Nãy giờ chim đang bay trên nước bắt cá, để lại dưới cây hạt dẻ những mảng lốm đốm trắng đen những lông và phân. Mặt trời bắt đầu ló ra dưới nước vàng đục, giống như quả hồng đỏ máu, sẽ rụng nếu anh lấy que chọc. Rồi phía đông trời và nước trở thành đồng mầu, ép ở giữa là quả cầu xoay đỏ rực. Có lúc quả cầu thành vàng kim, có lúc thành trắng bạc và rồi hình dạng biến đổi từ thô kệch vụng về thành thanh lịch đẹp đẽ. Mặt trời bé nhỏ, bầu trời và nước thì mênh mông. Ông soát lại tình trạng nước, thấy rằng cây gậy ông cắm hôm qua vẫn còn ở mép nước, nước bây giờ lặng yên và không dâng nữa, không chỗ nào có sóng lớn cuốn điên cuồng; nước trơn phẳng như gương, còn chuyển động nhưng chỉ trên mặt nước. Trên nước rác rưởi, mảnh vỡ, vòng nọ tiếp vòng kia, vây quanh ngọn đồi. Ông lấy cây gậy cán dài có móc, xắn tay áo, để lộ bắp thịt cuồn cuộn, di chuyển dọc mép nước, kéo đồ lềnh bềnh vào bờ. Hòm, tủ trạn, xà nhà, hàng rào gỗ, cây trôi, chậu sắt – đồ vật đủ loại nằm thành hàng phía sau ông. Bà vẫn rên liên tục, nhưng không lớn như trước. Hàm ông bạnh ra, vẻ cương quyết, Ông cố gắng gấp đôi, như thể làm vậy ông có thể tập trung đầu óc vào chuyện khác. Vài đầu ngọn cây hạt dẻ nhô khỏi mặt nước, to có nhỏ có, lá trông có vẻ đã chết. Gần những cây này ông chú ý một đồ vật bập bềnh lên xuống, lờ mờ hai mầu trắng và đen. Khi ông gom sức, ném cái móc sắt ra, ông nghe trong nước hai tiếng – poof poof – và rồi thấy trong nước hai vết loang đỏ xám đen tách rời nhau ra. Ông cố gắng kéo vào đồ mình móc được, rồi ruột gan thắt lại, ộc ra từng ngụm từng ngụm nước vàng.

    Cái mà móc ông kéo vào là một xác người. Áo quần tả tơi và các mảnh vải hầu như không bám nổi vào cái xác căng phình như cái trống. Cặp giò đã cứng ngắc, mười ngón chân xòe rộng cũng cứng đơ, bụng trương phình, như quả bóng đầy hơi, rốn lõm sâu xuống. Phía trên, tay phải xác chết co cụm thành một nắm, tay trái xoắn theo một góc kỳ lạ, chỉ có ngón cái và ngón trỏ – ba ngón kia chỉ còn là mấy mẩu thịt. Cổ xác chết gầy và dài. Móc của ông đã chọc thành hai lỗ ở bả vai, và từ hai lỗ này chảy ra nước bẩn làm thành vệt ở cổ. Trên cằm là một chòm râu hơi bạc bết bện vào nhau. Miệng nhe hai hàm răng đen khỏe; cả môi trên lẫn môi dưới hẳn đã bị sinh vật dưới nước rỉa gọn. mũi hãy còn nhô cao và sạch như búp măng. Hốc mắt trái là một lỗ hổng đọng những cát bùn; đồng tử mắt phải treo tòn ten nhờ những dây thần kinh trắng như tuyết xuống tới tai, đang trừng trừng nhìn thế giới hắc bạch. Giữa hai lông mày là một lỗ tròn. Tóc xám, trắng đen lẫn lộn, da trên sọ nhăn nheo như tằm đã nhả hết tơ. Xác chết hấp dẫn đàn ruồi bay đến tức thì và bắt đầu bốc lên một mùi lợm giọng. Ông nhắm mặt lại, đẩy trả cái xác xuống nước. Không còn bụng dạ vớt đồ dưới nước, ông rửa sạch kỹ cái móc, rồi chống móc, lê bước trở về lều, vừa đi vừa nôn ọe.

    Bà giờ hoàn toàn kiệt sức, nằm đó như cá mắc cạn, thỉnh thoảng lại giật người đùng đùng. Khi Ông vào lều, Bà nhìn ông gượng cười yếu ớt: ” Lão Tam, làm ơn thương tôi – hãy giết tôi! Tôi không có sức sinh cho ông đứa bé đâu.”

    Ông nắm tay Bà xiết chặt: hai người mắt long lanh lệ. Ông nói: “Erxiaojie, tôi là người đã làm hại đời bà. Tôi chẳng nên bao giờ đưa bà đến chốn này.” Nước mắt chảy thành dòng trên mặt Bà. Bà bảo: ” Đừng gọi tôi Erxiaojie.” Khi Ông nhìn Bà, ông chợt nghĩ về quá khứ. Những cơn đau nhói lại đến, Bà khóc lớn, kêu ngắt quãng từng câu:” Lão Tam…thương tôi…giết tôi…” Ông nói: “Erxiaojie, bà không được nghĩ quẩn. Hãy nhớ kỹ điều này: chúng ta đã trải qua sướng khổ có nhau. Khi tới lúc phải giết mấy người đó, bà đã đưa dao cho tôi; khi tới lúc phải phóng lửa, bà đã bưng cho tôi những bó cỏ. Hành trình của chúng ta dài hàng nghìn dặm, đôi chân nhỏ bé của bà đã đi được. Có phải bà muốn nói bà không thể sanh đứa bé không lớn hơn con mèo?” Bà nói; ” Tôi không còn chút sức lực nào.” Ông bảo: “Bà đợi chút. Tôi nấu cái gì cho bà.”

    Ông lóng ngóng nấu nửa nồi cháo, múc hai bát và đưa cho bà một bát. Bà nằm đó yếu ớt lắc đầu. Ông nổi giận. Ông ném một bát ra ngoài cửa, rống lên:” Được rồi, nếu bà muốn chết, chúng ta sẽ cùng chết! Bà chết, đứa bé chết, và tôi chết.” Bà gắng hết sức, cục cựa người, gượng ngồi dậy, cầm lấy bát cháo và bắt đầu lùa cháo xuống. Bà ăn, nước mắt chẩy đầm đìa trên má. Ông cảm động, chìa bàn tay to ra và bắt đầu vuốt vuốt lưng Bà.

    Ngày hôm đó Bà xỉu ba lần, và buổi chiều Bà nằm trên giường, ngửa mặt, ngay đơ như xác chết. Ông lo chăm sóc Bà, người đẫm mồ hôi, mặt đầy vệt nước mắt. Tới tối, mắt Ông sâu trũng, mặt không cạo, đầu óc lơ mơ.

    Bóng tối dần dần bao phủ căn lều. nhiều chim lớn đang bay trở lại đồi. Như chiều hôm trước, dế rung cánh phàn nàn nỉ non. Đám chuột ngoài lều thỉnh thoảng ngẩng đầu, đôi mắt bé tí lấp lánh như than.

    Một tia lớn ánh trăng hờ hững rọi vào lều và chiếu lên ông tôi, bà tôi. Ông là một hình ảnh đẹp của nam nhi: dưới ánh sáng mặt trời đôi mắt đen như chim ưng nhíu lại, hai tay ôm lấy cằm, người khom khom tạo thành hình một con chim ưng đang rình mồi – lúc ấy ông có vẻ rất giống một anh hùng thấm mệt. Bà, cổ thiên nga, ngực nở, vai xinh xắn, bàn chân nhỏ thon búp măng, bụng phình to cưu mang bố tôi. Lúc bố tôi sanh ra có một số điềm đột biến, hiếm gặp, nhưng bố tôi vẫn lớn lên thành một nông dân hiền lành lương thiện. Ánh sáng mặt trời lặn hướng tây và ánh sáng mặt trăng mọc hướng đông đã phủ lên ông tôi, bà tôi, khiến họ trông sạch sẽ như đã tắm. Chuột thăm dò, tìm đường vào lều, thấy ông ngồi đó bất động, thì chạy tứ tung. Mắt ông nhìn mọi vật trong lều mờ mờ, không phân biệt được. Nằm trong ánh trăng, khi giơ tay lúc đạp chân, Bà như con chim lớn bị thương. Tiếng nước chẩy và tiếng chim bay xé sóng nước. Tới tám giờ, Ông chợt cảm thấy ớn lạnh dọc sống lưng và ông run run. Giương mắt nhìn kỹ ông thấy một sinh vật to lớn đang lảo đảo lần theo ánh trăng tiến vào lều. Ông sắp lên tiếng thì nghe thấy giọng người phát ra từ sinh vật. Một giọng phụ nữ: “Đại huynh….cứu tôi!….”

    Ông nhỏm ngay dậy. Nhờ ánh sáng leo lét của cây nến quý giá, ông thấy một phụ nữ đang nằm sấp mặt trên sàn, thở khó nhọc. Ông giúp nàng đứng dậy và đặt ngồi xuống một đống cỏ. Người phụ nữ trông như một tảng bùn: nàng ngồi đó, vai thõng xuống, cổ ngoẹo từ bên này sang bên kia, tóc đen xõa dài xuống vai dính những cọng cỏ. Nàng mặc đồ mầu tía, y phục dán sát vào người. Cặp vú nhô ra như hai cái bánh bao – chắc, mát, và nhẵn. Phía trên, đôi mắt cách xa nhau, lông mày cong hướng lên; sống mũi cao và miệng rộng.

    “Cô từ đâu đến?” Hỏi xong, ông biết ngay đúng là một câu hỏi ngốc nghếch: sũng nước từ đầu tới chân như thế kia thì còn từ đâu nữa nếu không phải là từ nước.

    Người phụ nữ không trả lời; đầu nàng ngoẹo về một bên vai, và nàng ngã theo phía đó. Ông vội đỡ nàng và nghe mấy chữ nàng lí nhí: “….Đại huynh, cho tôi cái gì ăn…” Khi bà tôi nhận ra có người vừa vào tới, bà nhất thời quên buồn phiền của mình. Bà nhích qua một bên để Ông đưa người phụ nữ lên giường. Bà cởi quần áo ướt cho nàng và lấy quần áo của mình đắp lên người nàng, bảo nàng nằm xuống cạnh bà. Ông bước tới nồi, múc ra một bát thức ăn và lấy đũa gắp nàng ăn từng miếng. Thay vì nhai đồ ăn, nàng chỉ nuốt trọn miếng, dạ dầy kêu lục bục, và thoáng cái đã hết sạch. Ông múc bát khác. Người phụ nữ ngồi dậy trên giường, lấy quần áo quấn quanh người, đón lấy bát đũa, tự mình và lấy. Ông Bà đã rất lâu chưa gặp ai và thoạt tiên thấy nàng ăn như sói, họ cảm thấy sợ sệt trong lòng – đây là người hay ma? Khi nàng đã ăn xong bát thứ hai, nàng nhìn Ông khẩn khoản. Ông đưa nàng bát nữa. Cách ăn của nàng dần dần từ tốn hơn, và khi nàng xong bát thứ ba, Bà bảo: “Tốt hơn cô không nên ăn nữa”. Người phụ nữ nhìn Bà ngạc nhiên, chỉ khi ấy mới nhận ra có một phụ nữ khác trong lều. Nàng bỏ bát xuống và không xin thêm. Mắt nàng ánh lên nét u uẩn. Nàng ngồi chết trân một lát rồi cám ơn ông bà mãi. Ông hỏi thêm vài câu, nhưng nàng tránh né bằng mấy lời lí nhí nghe không rõ nên ông không hỏi nữa.

    Cơn đau lại hành hạ Bà. Người phụ nữ nhìn Bà và hiểu liền tức thì. Nàng nhỏm dậy. vặn mình qua lại, lúc lắc cặp giò mấy cái, rồi nghiêng qua Bà, bắt đầu vuốt vuốt bụng Bà. Người phụ nữ mỉm cười, nhưng không nói gì. Nàng lôi ra một nắm cỏ của nệm và rải khắp sàn, mỗi chỗ một tí. Nàng cúi xuống và từ đống quần áo ướt lôi ra một khẩu súng đen, dí vào ngực Ông. Nàng quát to với Bà; “Đứng dậy! Nếu không, tôi giết ông ấy!” Bà tôi vội vàng lăn khỏi giường và đứng, trần truồng, trước mặt người phụ nữ.

    “Cúi xuống và nhặt hết các cỏ tôi rải trên đất – mỗi lần chỉ nhặt một cọng thôi, và đứng thẳng lên sau mỗi lần nhặt!” người phụ nữ ra lệnh. Bà ngần ngừ. Người phụ nữ nói: ” Bà có chịu nhặt hay không? Nếu không, tôi bắn.” Mắt nàng hung tợn, và lời nói đanh gọn phát ra nghe như tiếng viên bi sắt rơi trên chảo đồng. Ánh nến loang loáng trên khẩu súng.

    Lúc này, Ông Bà như thể mất hồn, đầu óc nhiều phần sững sờ sửng sốt hơn là sợ hãi, như đang trong mộng. Bà cúi xuống, nhặt lên mỗi lần một cọng cỏ, đặt nó trên mặt bàn bếp. Bà lập đi lập lại như thế bốn, năm chục lần. Nước tiểu vãi ra rỉ xuống giữa hai cẳng chân. Ông dần dần định thần lại và trố mắt sáng ngời nhìn người phụ nữ, thở hồi hộp. Người phụ nữ quay nhìn Ông, mỉm cười dịu dàng, má đỏ như hoa, và nói khẽ: “Đừng cử động.” Nàng cao giọng nói với Bà: “Nhặt tiếp đi và nhanh lên!”

    Cuối cùng bà tôi cũng nhặt hết cỏ, và vừa khóc thổn thức vừa chửi: “Đồ chó cái!”

    Người phụ nữ cất súng đi, cười hơi lớn, bảo: ” Xin đừng hiểu lầm, tôi là y sĩ. Đại huynh, đưa tôi con dao, cái kéo và mấy miếng vải sạch. Tôi sắp đỡ cho bà sanh cháu bé”.

    Ông nín thinh, nghĩ đây là một đấng siêu nhiên giáng trần. Ông vội tìm dao kéo cùng mấy thứ khác, và theo lệnh nàng cọ rửa sạch nồi, đun nước. Thoáng chốc luồng hơi nước bắt đầu bốc lên qua nắp nồi. Người phụ nữ rũ nước gột áo vét và quần của mình, vắt mạnh, rồi bước ra ngoài thay y phục dưới ánh trăng; ông thấy rõ thân hình nàng, trắng tuyền như lụa, và lòng đầy tôn kính, như thể đang ngắm một tượng thánh. Nước giờ đang sôi. Người phụ nữ thay đồ xong quay vào lều và bảo Ông; “Ông ra ngoài. ”

    Ông tôi đứng bên ngoài dưới ánh trăng, nhìn mặt nước bạc dưới con trăng nửa vành, thỉnh thoảng có sương mù trong suốt bay lãng đãng giữa nước và trời. Khi ông lắng nghe tiếng râm ran của nước vỗ, lòng ông dấy mạnh hơn niềm tôn kính. Sau cùng ông quỳ xuống, ngẩng đầu lên cầu nguyện với trăng.

    Từ trong lều cỏ vẳng ra tiếng oa! oa!. Cha tôi đã chào đời. Ông mắt đẫm lệ, chạy vụt vào. Người phụ nữ đang rửa sạch máu ở tay.

    “Trai hay gái?” ông hỏi.

    ” Con trai.” người phụ nữ đáp.

    Ông tôi quỳ ngay xuống, nói với người phụ nữ: “Đại tẩu, đời này tôi không thể trả ơn lòng tốt của cô, nhưng đời sau, tôi vui được làm con chó, hoặc con ngựa cho cô sai khiến.”

    Người phụ nữ mỉm cười yếu ớt và vừa ngã nghiêng xuống, đã ngủ như chết. Ông nâng nàng lên giường, vuốt ve bà tôi và chăm chăm nhìn bố tôi, rồi rón rén bước ra khỏi lều. Trăng bây giờ đã ở đỉnh, và có tiếng phóng trên nước của một con cá lớn.

    Ông lần theo tiếng động để tìm con cá, nhưng cái ông thấy là một vật mầu cam đang nổi bập bềnh, nhấp nhô trôi vào đồi. Ông chợt cảm thấy sợ. Ông hạ người xuống, quan sát kỹ, thấy nó tròn và nhẵn, vỗ vào nước kêu wha! wha! lala!. Nó tới gần hơn, gần hơn, hiện rõ mầu trắng của cừu và mầu đen của than, đen đang đẩy trắng đi tới, tung mặt nước thành những vẩy bạc và mảnh ngọc.

    Buổi sáng đầu tiên sau khi bố tôi chào đời, ngọn đồi bao quanh bởi nước lũ mùa thu trở nên rất bận rộn. Trong lều, Ông đang đứng, Bà vẫn còn nằm, Bố thì đang ngủ, phụ nữ y sĩ dựa lưng vào tường, một ông áo đen đang ngồi xổm, một cô bé áo trắng đang ngồi.

    Vật trôi lềnh bềnh ông tôi thấy hồi đêm là một cái vại gốm bóng loáng, chứa cô bé áo trắng, đẩy tới trước bởi một ông áo đen.

    Ông áo đen thấp lùn, mặt nhiều xương hơn là thịt, hốc mắt sâu, đồng tử trắng như gốm sứ, hai tai cứng vểnh ra như hai cái quạt. Ông ta ngồi xổm, nói lí nhí giọng mũi: ” Huynh có thuốc lá không? Thuốc tôi bị ướt hư hết.”

    Ông tôi lắc đầu nói: ” Nửa năm rồi, ngay ngửi khói thuốc tôi cũng không.”

    Ông áo đen ngáp, vươn dài cổ ra, trông giống như cái cột rào đen. Quanh cổ đeo hai dây vải đen, hai đầu dây có hai vật đen nhét vào thắt lưng. Ông áo đen đứng lên, duỗi người mấy cái. Mắt ông tôi nhìn sợ sệt chăm chăm vào hai khẩu Mauser ở thắt lưng ông ta – lòng bàn tay ông tôi nhơm nhớp mồ hôi. Ông áo đen liếc xuống thắt lưng, nhe răng cười rộ và nói: “Huynh, làm đại cái gì ăn: chúng ta tất cả đều là bạn hữu anh em trong cái thế giới này. Tôi đã trải qua hai ngày, hai đêm ngập trong nước, tất cả chỉ vì cô bé.”

    Ông áo đen chỉ ngón tay về phía cô bé áo trắng, đang ngồi thẳng lưng. Người cô to nhưng cô có khuôn mặt của một đứa trẻ, các nét trên mặt tụ hợp với nhau, sống mũi thẳng, miệng nhỏ xinh với đôi môi ướt đỏ, mắt rất to nhưng không có ánh sáng. Nhờ thấy tay cô quờ quạng, anh mới biết cô bị mù. Cô mặc áo lụa mỏng mầu trắng, ôm cây đàn qin ba dây ở ngực. Cử động của cô chậm chạp, nhẹ nhàng, lơ đãng, giống như người đang trong mộng.

    Ông tôi đổ hai lon gạo vào nồi, thêm mười con cá, rồi nhóm lửa. Khói trắng và lửa đỏ bùng lên chỗ lỗ lò. Ông áo đen ho, đứng thẳng lên, và ra khỏi lều. Từ cái vại gốm lớn ông lôi ra một bọc, đổ ra một đống đạn đồng. Ông chà chà đuôi đạn, rồi nhét chúng vào một cái băng đạn.

    Phụ nữ áo tía, người đã tự nhận mình là y sĩ, không thể quá 25 tuổi. Sau khi ngủ như chết suốt cả đêm, giờ cảm thấy tỉnh táo, sung sức. Nàng đang dựa lưng vào tường, dùng cả hai tay bện tóc, và lạnh lùng quan sát thái độ, cử chỉ của ông áo đen. Ông tôi không thể quên khẩu súng đáng sợ của nàng, mắt cứ hướng về thắt lưng nàng, nhưng không thể thấy chỗ nào gồ ghề ở đó. Lần lượt trong một đêm ba nhân vật kỳ lạ đã xuất hiện trên ngọn đồi. Mặc dù ông tôi đã từng giết người, nhưng ông không thể không cảm thấy lo lắng. Trong khi nấu ăn ông cố nghĩ xem bí mật của họ.. Bà tôi còn yếu, nhìn chung quanh hồi lâu, rồi bỏ cuộc, nhắm mắt lại.

    Phụ nữ áo tía khoan thai bước tới trước cô bé mù, ngồi xổm xuống và hỏi, giọng nhẹ nhàng: “Tiểu muội, em từ đâu tới?”

    “Em từ đâu tới?….Em từ đâu tới?…” Cô bé mù lập lại mấy chữ, rồi đột nhiên chuyển thành cười mỉm, và đôi má cô lộ rõ hai đồng tiền.

    “Tên em là gì?” Phụ nữ áo tía lại hỏi, vẫn với giọng nhẹ nhàng.

    Như lần trước, cô bé mù không trả lời, và trên mặt cô lại xuất hiện nụ cười mỉm ngọt ngào, như thể cô đang trong một thế giới nhiều hạnh phúc, xa tít tắp.

    Bố tôi chợt oà khóc, lớn tiếng, mắt không mở và chẳng có giọt nước mắt nào. Bà nhét một núm vú nâu vào miệng Bố, và Bố thôi khóc. Thỉnh thoảng có tiếng lách tách của cành cây và cỏ đang cháy, khiến cho tiếng nước ngoài xa hình như xa hơn và bí hiểm hơn. Ông áo đen đang tắm trong ánh sáng rạng đông: trên mặt và cổ ông như mới mọc một lớp rỉ sét. Mầu vàng kim của đạn thỉnh thoảng loang loáng, đập vào mắt những người trong lều.

    Phụ nữ áo tía chậm rãi bước ra ngoài lều, và tới ông áo đen. Nét mặt trông như nhút nhát, nàng rụt rè hỏi: ” Đại thúc, những cái này là gì vậy?”

    Ông áo đen ngẩng đầu lên liếc nàng, cười âm u, nói: “Đồ để phát hỏa.”

    “Ông có thổi nó không?” nàng hỏi ngớ ngẩn.

    Ông áo đen ngừng tay và hất cao cằm. Mắt ông lóe như ánh chớp trong mây; trên cằm nhọn vang lên tiếng cười râm ran như thú vật: “Thổi thử một cái đi, sẽ thấy!”

    Phụ nữ áo tía nói, vẻ sợ hãi: “Tôi không dám, tôi chỉ sợ thử rồi sẽ không dứt ra khỏi miệng được!”

    Ông áo đen nhìn nàng nghi hoặc. Vội vàng thu nhặt đạn, ông đứng lên và chậm rãi đi chân vòng kiềng trở lại lều, nơi đang bay ra mùi thơm của cá trong không khí.

    hỉ có hai cái bát. Sau khi múc đầy, ông tôi trân trọng đưa một bát cho phụ nữ áo tía. Ông nói: “Đại tẩu, mời dùng thức ăn của chúng tôi. Chúng tôi nghèo, không có gì khá hơn để mời cô. Đợi khi nước xuống, tôi sẽ tìm cách khá hơn để cảm ơn cô.”

    Đôi mắt nàng nheo lại bởi nụ cười. Nàng đón nhận cái bát và trao lại bà tôi: “Bà ấy là người khó nhọc nhất. Ông phải đi bắt thêm cá, nấu thêm canh cho bà: cá chép bồi bổ sức khỏe, và cá chép bạc cho nhiều sữa.”. Bà tôi mắt đẫm lệ, hai tay run run đón lấy bát. Môi bà mấp máy, nhưng bà không nói nên lời, và khi bà cúi đầu một giọt nước mắt nhỏ xuống mặt bố tôi. Bố mở to đôi mắt đen, lười biếng ngó những hạt bụi nhỏ bay trong không khí.

    Ông tôi cầm bát khác lên, ném một cái nhìn về phía ông áo đen, nói như xin lỗi: ‘Đại huynh, tôi rất tiếc – ông phải đợi một chút.” Ông tôi bước tới người phụ nữ, và trao bát cho nàng. Tuy nhiên mới nửa chừng, ông áo đen đã chợt vươn tay ra đón lấy bát thức ăn, nụ cười lạnh lùng hiện trên mặt. Ông tôi cố nén sự khó chịu, trút tức giận vào một cơn ho – từng tiếng, từng tiếng tiếp theo nhau.

    Ông áo đen đã chộp được bát thức ăn, nhưng ông không ăn. Ông đến ngồi xổm trước cô bé mù, bát tay phải, đũa tay trái. Ông đút thức ăn vào miệng cô bé. Vẫn ôm cây đàn qin ba dây ở ngực, cổ vươn dài ra trước, cằm ngửng hơi cao, cô giống như con chim sẻ non đang đợi mớm mồi. Vừa ăn cô vừa đồng thời khẩy đàn bu lung doong, bu lung doong.

    Sau khi đút cô ăn hai bát liên tiếp, ông áo đen hầu như thấm mệt. Ông vén tay áo chùi miệng cô bé mù. Rồi ông quay người, thẩy cái bát tới trước phụ nữ áo tía: “Nè! Cô! giờ tới phiên cô.” ông nói.

    Phụ nữ áo tía nói: “Có lẽ ông nên ăn trước.”

    Ông áo đen bảo:” Tôi đã có làm gì đặc biệt đâu, vậy tôi sẽ ăn sau.”

    Phụ nữ áo tía nói: ” Ông cẩn thận, kẻo súng cướp cò bất tử.”

    Ông tôi thuật lại cho ông áo đen chuyện phụ nữ áo tía đã làm đêm trước, nghĩ rằng ông ta sẽ hiểu đôi phần. Nụ cười khinh khỉnh không hề rời mặt ông ta.

    Ông tôi hỏi: “Ông cười gì? Ông cho là tôi nói dối?”

    Người đàn ông chợt trở nên nghiêm túc, đáp: “Tôi không dám. Nhưng không có gì khác thường trong đó. Tất cả chúng ta ai mà chẳng phải có một chút gì đặc biệt để sống còn trong cái thế giới này sao?”

    Ông tôi nói: ” Ừm, tôi không.”

    Ông áo đen nói: ” Có, ông có. Nếu không ông đã chẳng thể nào đào bới kiếm sống tại cái đầm lầy hoang vắng này.”

    Trong khi nói, ông ta kín đáo quan sát mấy con chuột lớn đang thò mũi qua tường, hấp dẫn bởi mùi thức ăn. Miệng vẫn nói, nhưng tay ông hạ xuống thắt lưng và rút ra khẩu Mauser: pang! pang! Hai tiếng nổ đanh, khói xanh tỏa ra từ nòng súng, mùi thuốc súng lan khắp phòng, xác hai con chuột trét bẩn ngưỡng cửa lều, những mảnh thịt trắng đỏ văng tứ tung. Ông tôi giật mình, đánh rơi cái bát, còn bà tôi thì trợn to mắt nhìn. Phụ nữ áo tía dán mắt nhìn xoáy vào ông áo đen. Bố tôi đã ngáy từ lâu. Cô bé mù khẩy đàn bu lung doong, bu lung doong!

    Ông tôi không còn nén giận được, la lên: “Ông điên rồi!” Ông áo đen bật cười lớn, lắc lư đi tới đứng cạnh cái nồi, lấy muỗng múc ít đồ ăn và bắt đầu ăn như thể không có ai khác hiện diện. Ăn no rồi, ông không một lời cám ơn. Ông cúi xuống, vỗ vỗ đầu cô bé mù, rồi cầm tay cô, dẫn cô loạng choạng ra cửa. Ông đặt cô ngồi sưởi nắng mặt trời, rút hai khẩu súng ở thắt lưng ra, và bắt đầu bắn chơi mấy con chim lớn đang nhởn nhơ tìm mồi dưới nước bao quanh đồi. Phát nào cũng trúng đích. Chẳng mấy chốc, cả tá xác chim nổi lềnh bềnh trên nước, máu đỏ loang chung quanh. Đàn chim hoảng hốt cố bay thật cao, thật xa, nhưng vài con nữa cũng bị trúng đạn rơi thẳng xuống, văng ra những mảnh đỏ trên nước.

    Mặt phụ nữ áo tía nhợt nhạt khi nàng lại gần ông áo đen. Ông không để ý đến nàng, khuôn mặt đen sậm chênh chếch hướng lên mặt trời và lấp lánh như thép. Ông ta đang ca hay hát không biết, được đệm những tiếng bu lung doong, bu lung doong từ đàn của cô bé mù: “Châu chấu xanh, dế tía, chuồn chuồn đỏ, bò trắng, sẻ lam, chìa vôi vàng“.

    “Ông hẳn phải là Lão Thất rất nổi tiếng?” phụ nữ áo tía nói.

    Ông áo đen liếc nhanh nàng: ” Tôi không phải Lão Thất.”

    “Nếu ông không phải Lão Thất, thì tại sao ông bắn giỏi như vậy?”

    Ông áo đen nhét hai khẩu súng vào thắt lưng, giơ hai tay cho thấy cả mười ngón tay: “Cô nhìn nè…. Tôi có phải Lão Thất?” Ông nhổ xuống nước, mấy con cá nhỏ vây quanh bãi đờm.

    “Nghĩa nữ yêu dấu, con hãy hát tiếp chỗ ta bỏ dở,” ông nói với cô bé áo trắng, ” con hát đi: bò trắng, sẻ lam, chìa vôi vàng….”

    Cô bé mỉm cười yếu ớt và bắt đầu hát. Cô hãy còn giọng một đứa trẻ, và gây cảm động với nét ngây thơ “Châu chấu xanh ăn cọng cỏ xanh. Chuồn chuồn đỏ ăn trùng đỏ. Dế tía ăn kiều mạch tía.”

    “Ông nói Lão Thất chỉ có bẩy ngón tay? ” cô áo tía hỏi.

    Ông áo đen nói: “Lão Thất có bẩy ngón tay. Người nào có mười ngón tay thì không phải là Lão Thất. ”

    “Quạ trắng ăn dế tía. Sẻ lam ăn châu chấu xanh. Chìa vôi vàng ăn chuồn chuồn đỏ. ”

    “Vì ông bắn giỏi như vậy ông phải được kể là số một ở Quận Cao Mật. ”

    “Tôi không bằng Lão Thất. Lão Thất có thể bắn xuyên cánh ruồi. Tôi thì không. ”

    “Thế bây giờ Lão Thất sao rồi? ”

    “Tôi khử ông ta rồi. ”

    “Châu chấu xanh ăn bò trắng. Dế tía ăn sẻ lam. Chuồn chuồn đỏ ăn chìa vôi vàng.”

    Ánh nắng mặt trời tràn ngập ngọn đồi. Chim bay khắp hướng. Mặt nước phản chiếu sáng ngời và bình lặng. Những cây hạt dẻ, nửa thân ngập trong nước, đứng im lìm. Phụ nữ áo tía xoa tay vào nhau, và không biết từ đâu, nhanh như chớp, khẩu Luger đã nằm gọn trong tay. Nàng nhắm ông áo đen bóp cò, và viên đạn trúng ông ngay ngực. Ông ngã sấp xuống, từ từ xoay người, ngước nhìn lên mỉm cười hạnh phúc: “…..cháu gái ta…. đã làm được việc….. cháu và mẹ cháu đúng là đúc cùng một khuôn….”

    Phụ nữ áo tía vừa khóc vừa la lớn: “Tại sao ông giết cha tôi?”

    Ông áo đen cố gắng giơ cao một ngón tay chỉ cô bé mù áo trắng. Có tiếng òng ọc trong cổ họng ông, rồi bàn tay ông thõng xuống và đầu ông quay về phía mặt đất.

    Một con gà trống lớn lông đen, khệnh khạng đến và vươn cổ ra gáy: “ó! ò! o! –o!” Cô bé mù vẫn đang khẩy đàn và hát.

    Và nước lũ bắt đầu rút.

    Khi tôi là một đứa trẻ rất nhỏ, Ông tôi dậy tôi bài hát ru:

    • Châu chấu xanh. Dế tía. Chuồn chuồn đỏ
      Bò lớn trắng. Sẻ lam. Chìa vôi vàng
      Châu chấu xanh ăn cọng cỏ xanh.
      Chuồn chuồn đỏ ăn trùng đỏ đỏ.
      Dế tía ăn kiều mạch tía
      Bò trắng lớn ăn dế tía. Sẻ lam ăn châu chấu xanh.
      Chìa vôi vàng ăn chuồn chuồn đỏ
      Châu chấu xanh ăn bò trắng lớn. Dế tía ăn sẻ lam.
      Chuồn chuồn đỏ ăn chìa vôi vàng
      Một gà trống lớn đến, vươn cổ ra gáy ó ò o – o!

    Mạc Ngôn

    Phạm Đức Thân dịch bản tiếng Anh Autumn Waters do Richard F. Hampsten và Maorong Cheng chuyển ngữ từ nguyên tác Thu Thủy của Mạc Ngôn.

    Nguồn:https://sangtao.org


              
Trả lời

Quay về “của người”