Gia sản trong bóng đêm

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Gia sản trong bóng đêm - Gia sản dưới ánh trăng - Đêm muôn màu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Gia sản trong bóng đêm


    Nhà văn Cung Tích Biền



    Truyện ngắn dưới đây là truyện được sáng tác gần đây nhất [2015] trong chùm 3 truyện liên hoàn, nhân 40 năm sau Biến cố Tháng 4-75, khi Tác giả sắp bước vào thềm của tuổi 80. Truyện, một cưu mang khí hậu của hiện thực huyền ảo, đứa con sinh đôi của một dòng thời sự dai dẳng, dài dặc quái đản được gọi chung, là lịch sử.

    1.
    Bát tiên là tám vị tiên, trong đó có một tiên Bà. Mỗi người ở một động đá trong đảo Bồng Lai, nơi của trường sinh bất tử. Trương Quả Lão là một trong tám vị tiên. Trương có một cái trống cơm và một con lừa. Lúc cỡi lừa Lão tiên thường quay mặt về phía đuôi con lừa. Con lừa đi tới, Lão nhìn lui. Lúc không cỡi, Trương Quả Lão thu nhỏ con lừa bỏ vào cái bị cói, rồi mang kè kè.

    Câu chuyện thần tiên ấy đã mấy nghìn năm trôi. Tôi thì hiểu theo một cách khác: “Phép thuật không do nơi Thuật sĩ Trương Quả Lão. Chỉ là do con lừa biết tự thu nhỏ để rúc vào cái bị cói mà thôi”.

    ***

    Con người cùng vịt chó, heo gà, ngựa bò, mèo trâu, cùng sống chung dưới một mái nhà, chung cùng khu vườn, làng xóm, thân ái như người với người. Đêm mùa đông mưa lạnh, cháu đắp thêm cho ông nội tấm chăn, người chủ ra chuồng trâu bò quầy bọc thêm một lớp màn nhựa chỗ phên mành, cho con vật nuôi của mình bớt run rẩy. Cả thảy là tình thân, mối âu lo giữa những thân hình còn máu chảy châu thân trên mặt đất.

    Bốn mươi năm đi qua cây cầu số phận, cùng chung nhìn dòng nước bạc, cuộc đời chóng vánh đổi trắng thay đen, tôi yêu thương con Đốm với con Ung vô cùng, dù chúng không là “tài sản” của riêng tôi. Nó là của Bóng Đêm.

    2.
    Từ bé chí lớn, là người hay đi đó đây, gặp nhiều biết nhiều, tôi chưa từng thấy một con chó dòng-giống-nội-địa nào to lớn một cách kỳ dị như con chó Ung. Nó cao cỡ một con bò nghé, mập vừa đủ để khen là mập-đẹp. Tia mắt nhìn, sáng quắc lẫn một chút đượm buồn, như mắt người. Mỗi lần Ung nhìn, là, như có cái nhìn tâm sự của con người từ trong một con chó nhìn ra.

    Điệu dáng Ung hiền hòa. Bộ lông đặc biệt dài như bờm ngựa, đều đặn, mịn như tơ, có một màu hòa hợp giữa Vàng với Đỏ. Đó là Màu Da cam.

    Hai màu Vàng-Đỏ hòa chung với nhau ắt màu vàng cầm chắc cái “thiệt thòi”. Nhưng màu đỏ, màu đã đã đánh gục màu vàng, khi hòa chung, nó cũng bị phỉ báng, chẳng còn nguyên là Đỏ. Nó bị ung ung, mơ hoặc trong sắc nâu. Sự phôi pha trong cuộc hóa màu này làm cho thân hình vốn khác lạ của con Ung càng thêm khác lạ, nửa thực nửa ảo. Màu vàng đã mất, nhưng nó giữ được cái hồn trong màu tái sinh.

    3.
    Buổi chiều, ngược ánh nắng, con chó Ung ngồi đắm đuối nhìn cõi tà huy mông lung, ta thấy nó như một vật-thiên-nhiên, như được trời đất dùng khói núi, mây mù của biển, pha màu mà vẽ ra.

    Vì mệnh đời mau chóng đổi thay, còn đó mất đó, lên voi xuống ngựa tức thì, người đời gọi ví von đó là bức-tranh-vân-cẩu, là hoạt hình có từ mây hoàng hôn, vào mỗi lúc chiều tà. Con chó do mây đen xám tạo hình bay lãng đãng nơi chân trời, biến ảo khôn lường kia, khi chó khi mây, rất khác con Ung. Ung ngồi đây, một định vị rõ thật, máu và màu chiều hãy còn chảy trong châu thân. Nó biết nhìn mặt trời lặn, chờ đêm tới, một cách vọng-minh-nguyệt.

    Tôi gọi đùa, Con chó tương tư.

    4.
    Ung có một thân mình dài, bờ lưng và mông mập khỏe, bốn chân thon cao, thoạt trông như thân hình một con ngựa non. Rất lạ là dọc hai bên sống lưng của Ung gồ lên mỗi bên một vạch dài như một đôi cánh, có tượng hình mà không mọc ra được. Tiếc cho một hóa kiếp chưa thành. Nếu đôi cánh mọc ra đầy đủ, Ung sẽ là một con vật thần thoại, ngựa-có-cánh, thời nhân loại có con lân mặt người, thánh nữ giao hợp với thần linh đẻ ra những thần nhân.

    Con Ung rất cần đôi cánh, rất muốn bay về trời, mà kiếp này đành ngồi đây, nhìn Sàigòn trong tư thế bốn chân.

    5.
    Bây giờ, người ta gọi cái Ngã Năm Chuồng Chó của Sàigòn xưa kia, trước 1975, là ngã Sáu Gò Vấp, vì nay nó được mở thêm một con đường thứ sáu vào ngã năm này.

    Sở dĩ ngày ấy có tên Ngã Năm Chuồng Chó vì nơi đây, ngay giao lộ, phía đầu đường hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, có một trường nuôi dạy chó của quân đội Cộng Hòa, gọi là trường Quân Khuyển. Các khuyển binh được nuôi riêng rẻ trong mỗi chuồng. Có thể do một cách gọi nào đó có trước chăng, hay có thể do dân ta giàu hí lộng, hoặc do cách chịu chơi Nam bộ, nên gọi cái ngã năm đô hội, mình son phấn ngày ngày đi qua là Ngã Năm Chuồng Chó.

    Tôi quen biết vài sĩ quan của trường này, có lúc ghé chơi. Nhìn những khuyển binh bốn cẳng to lớn, hầu hết được nhập nội từ các xứ da trắng, tôi có phần nghi ngại.

    Được nuôi dạy rất kỷ luật, lính khuyển rất tinh khôn. Tập họp đứng ngồi theo đúng hàng lối. Có chó lính, chó chỉ huy. Chó đàn anh đàn em. Chó xếp, chó tép riu đàng hoàng. Lỗ mũi, con mắt, hai vành tai bọn nó tinh tường hơn con người. Biết nhận ra mùi cốt mìn, thuốc nổ, chất ma túy, mùi của …quân thù, nói rõ hơn, là mùi tư bản khác với mùi vô sản.

    Nhưng nhìn chung, trong bọn chó to lớn, hùng tráng của trường Quân Khuyển, chẳng con nào sánh bằng Ung, một con chó vĩ đại.

    6.
    Ung là con vật nuôi của Phiêu Thiền Dật sĩ. Một lần tới chơi tôi ngạc nhiên thấy Ung nhìn khách lạ, không sủa tiếng nào. Nó lặng lẽ từ hiên nhà đi thong thả vào trong, nằm ung dung dưới chân ghế của Phiêu Thiền.

    Phiêu Thiền trong bộ bà ba trắng, thường uống trà, mê say đọc sách, có khi đánh cờ tướng với tôi suốt buổi. Ung vẫn nằm yên, lâu lâu nó đưa bộ răng trắng nõn gặm vào ống quần của Phiêu Thiền lôi nhẹ, ý là, Cũng già rồi, ông chủ nên ngưng tí chút mà dưỡng sức khoẻ. Con chó Ung có một bờ môi đỏ, bộ răng tuyệt đẹp, tự nhiên, không nhờ vả gì vào kem đánh răng.

    Ung đưa một đôi mắt rất người, nhìn khách, trong lúc chúng tôi uống rượu, hàn huyên. Chúng tôi trò chuyện trăm sự đời, có khi vui khi buồn, khi cười cợt, khi buông trầm, cung bật tri âm. Con Ung nghe ngóng, vễnh hai vành tai, mắt liếc nhìn người này sang người kia theo câu chuyện dẫn. Chừng như nó đắc ý hay buồn bã theo mỗi câu chuyện. Nó rung chân, quẫy đuôi nhẹ nhàng. Ý chừng nó hiểu cái thế thái nhơn tình, cái màu đời đỏ-đen-vàng-nâu đang rung chuyển trong tâm dạ chúng tôi. Nhưng nó có chút tôn trọng, nghĩa là nó hiểu ra cái quyền tự do phát biểu nơi mỗi con người, Ung tuyệt không “hồ hởi” mà “đột xuất phát biểu ý kiến” chen vào.

    Sủa, cũng là một góp ý, lời phát biểu.

    7.
    Chó là con vật tình nghĩa, giữ nhà, bảo vệ chủ là trên hết. Cả bóng trăng đêm khuya lay động trong cành cây góc lá chúng cũng nghi ngờ kẻ trộm, phát ngôn gâu gâu. Tôi thắc mắc, hỏi chủ nhà về sự im lặng của con Ung, một “hàm thanh” mang tính Đạo này. Giải thích sự “ngậm tiếng” đáng nể của Ung, Phiêu Thiền phán một câu độc:

    “Đời cha ông nó sủa khản tiếng rồi, nay nó làm một sinh vật tịch mịch”.

    Nói xong, Phiêu Thiền giật mình nhìn tôi. Đây không là một ứng xử có nhân từ.

    Cho rằng mình nhỏ mọn, cay đắng không đáng với một con vật, ví đời con chó với thân phận luân hồi của một con người là phỉ báng tính hồn nhiên của loài vật, nên Phiêu Thiền trở nên từ tốn, một gởi gắm tâm tình, kể với tôi về lai lịch con Ung.

    Câu chuyện ông kể khúc mắc, có chỗ lạ lùng, rất ư huyễn hoặc, nhưng tựu trung là chỗ huyền-nhiệm-của-Đạo-Trời, rằng hãy còn một mối dây vô hình, rất ư thiêng liêng, giữa con người và vạn vật để cùng nhau, nương nhau, tồn vong trên mặt đất này.

    8.
    Câu chuyện mẹ và con.

    Con Ung là con của con Đốm. Đốm là sản phẩm của một câu chuyện truyền kỳ.

    Rằng, trước cái ngày toàn diện đổi trắng thay đen sẽ xảy ra đối với người Miền Nam, hồi ấy tôi – Phiêu Thiền Dật sĩ – còn ở trong một làng ngoại ô giáp ranh phía bắc Sàigòn

    Chỉ một thời gian ngắn sau là toàn cõi hình chữ S này ngưng tiếng súng, nhưng đêm ấy súng nổ qua trời. Hai bên như cố tình bắn cho hết đạn kẻo hòa bình là cách xa cái cò súng.

    Đêm không trăng vào cuối tháng ấy, qua khung cửa nhà, trong một khu vườn rộng, Phiêu Thiền vẫn thấy xa xa trong đêm tối một chân trời hừng sáng. Đó là ánh đèn kinh thành, Sàigòn của ông. Ánh sáng ấy, thuở ấy, dư thừa dội lên từng trời, luôn như một ánh hào quang.

    Đêm chiến trận, cháy hết nửa số nhà trong làng. Hòa với tiếng súng lớn nhỏ, mìn lựu đạn, tiếng rên rỉ, khóc than của đàn bà trẻ nít, Phiêu Thiền nhận ra có tiếng sủa loạn cuồng của một con chó, chừng nó hóa điên. Nó chạy đầu xóm cuối làng, chui vào vườn nhà này lại chạy sang nhà khác, tránh lửa thì gặp đạn. Sau này khi cứu cấp, người ta biết nó, con Đốm, đang mang đứa con trong bụng.

    Không khiếp sợ tiếng súng đạn mà nằm im thin thít như những con chó khác, Đốm loạn động. Cái điên không phải điên dại cắn càn. Một cái loạn cuồng đau đớn, cái thường thấy ở một con người. Cái đau của một người mẹ đang mang bào thai trong bụng lúc lâm nguy. Người mẹ không sợ cái chết riêng mình, chỉ sợ cái dị dạng của bào thai, qua cơn chấn động thay trời đổi đất. Sợ cái rùng mình hoảng loạn trong đêm đau, hình hài đứa trẻ kia sẽ lạc hướng, thay đổi vị trí trên chính hình hài đứa trẻ. Có khi nào khuôn mặt một hài nhi có đôi mắt nằm dưới hai gò má!

    9.
    Tiếng súng rồi cũng ngưng. Nhưng xóm làng không còn cái bình yên của đêm về sáng nơi thôn dã. Chưa thể chữa mái nhà cháy dở vì mãi lo cứu cấp người bị thương, khóc than đứa trẻ đã chết. Người ôm người mà khóc, chẳng biết đạn từ bên nào gây ra. Ai giết ai. Sáng ra, mặt trời lên cao, trời soi tỏ, mới thấy màu Đỏ là đáng sợ. Đỏ bờ tường, trên thân súc vật, đỏ mặt người, máu vũng hòa với đất và nước trở nên một loại bùn nhão. Mùi tanh tưởi dần dà hiện rõ qua gió bay đi, lớn nhanh như một con quái vật, gầm thét, hăm dọa.

    ***

    Con Đốm loạn cuồng chạy kiệt sức, nó chui qua cổng, cố bò lết tới đầu sân nhà tôi – đương nhiên “tôi” là Phiêu Thiền – thì nằm ngay đơ. Mồm phều phào, nước dãi bọt trắng đục. Tôi vuốt bàn tay lên mớ lông con vật. Có dính máu. Nó rất bẩn, tội nghiệp. Xương thì nhiều, cái bụng tròn đầy. May mắn cho tôi, con Đốm còn thở thoi thóp.

    Hai đứa cháu hè nhau khiêng nó vào nhà. Trải một tấm chăn trên nền đất, nó nằm chết như một con vật vừa bị cắt tiết xong. Đắp cho nó một tấm mền. Hòa một chén sữa, cạy mồm nó đổ vào. Trời mờ sáng nó tỉnh dần, chân cử động nhẹ. Từ nay gia đình tôi có một kẻ tị nạn cần cưu mang.

    Gắng nuôi nó mập ra một chút. Cho nó chỗ nằm êm ả một chút. Nó đẻ con Ung vào một ngày, tôi nhớ có một cuộc lễ lớn, nhà nhà phố phố cờ xí rộn ràng. Một thế gian đỏ rực màu máu đẻ,

    10.
    Mẹ con Ung là một con chó trắng, toàn thân có những đốm lông đen tròn trông rất đẹp, nên có tên là Đốm. Con Ung khi chào đời đã to xác, không biết có quỷ ma nào giao hợp, con Ung lai một màu lông khác lạ.

    Không như các loại chó con khác, lọt lòng mẹ còn nhắm mắt nhiều ngày, mù mờ tìm vú mẹ, con Ung lìa bụng mẹ là mở to mắt nhìn quanh sự đời. Nó sáng mắt tức thì.

    Mấy hôm sau khi lọt lòng mẹ, Ung đứng thẳng bốn chân mạnh khỏe, hai chân trước nhổm cao khỏi mặt đất, phần thân trước bung cao như con ngựa tung vó. Ung như muốn bay thoát, nhưng đôi cánh tượng hình trên lưng nó không mọc ra.

    ***

    Càng ngày mọi người nhận ra con Ung như bị câm. Câm mà không điếc. Nó nghe, nó hiểu đủ cả. Nó làm đủ thứ cử chỉ, vui mừng, tức tối, sợ hãi, qua cách nhảy cỡn, dúi mũi vào ống quần một ai đó, nó cười, hoặc bỏ chạy, rúc vào một chỗ tối trú ẩn khi nghe lời hăm dọa, Tao giết mày, tao thịt mày con vật dị tướng.

    Nếu là người, câm mà không điếc là chết toi. Vì mất quyền phát biểu. Vì nghe đủ mọi điều dao găm mã tấu, đặt điều, vu oan, những “hố xí ngôn ngữ” người người thân ái xài xả láng cho nhau. Nghe, cảm, hiểu, máu trăm độ lên não, mà không cãi lại được, không giải bày được, tức thì “hộc mớ máu mà rồi đời”. Chết cái rẹt khi máu chưa kịp lạnh trong thân người.

    Con Ung không phải là người, nên nó hạnh phúc hơn con người. Nó có cái Đạo cao khiết của nó. Cứ nghe mọi sự đời, bình thản như chưa từng nghe.

    Cuộc đời của Ung cũng thảnh thơi tự tại, nhờ nó câm.

    11.
    Phần con Đốm.

    Đã là 1976. Thời hòa bình mà, lai rai hạnh phúc. Lẽ ra thôi điên, con này lại điên tiếp. Một cái điên kỳ ảo, khó giải mã. Một cái điên của món ngon vật lạ, của sóng dữ, của mơ màng bức tranh thủy mặc.

    Chừng thời đại thái hòa, trù phú những ngôn ngữ hạnh phúc trên khẩu hiệu, thừa mứa những thỏa mãn điều mơ ước của chúng ta trên giấy tờ, thời đại của lời hứa, và mong gió mang đi, nó đẻ ra trong nhân gian những niềm tin hoang dại, mang lại những đợi chờ rất dài lâu nhưng không mong đợi thì có gì/ còn gì ngoài đợi mong.

    Tôi chẳng hạn. Tôi luôn nghĩ và tin vào những điều có thật, sự thật, và luôn sống với nó. Củ khoai là củ khoai, sờ vào biết mình có thật cái đầu gối, tôi không thể ngủ với vợ mình bằng một cái dương-vật-ảo, ho cảm sổ mũi thì nước mũi không thể chảy ra từ cái lỗ rốn, và vân vân. Mọi sự đã có tình tự, trật tự. Có từ tự nhiên, thiên nhiên. Có từ xếp đặt do xã hội con người.

    Sự thật khó thể đục rỗng.

    Nhưng khi tiếp cận với thời đại con Đốm thì mọi sự thật bị tẩy xóa, tôi bị sự huyễn hoặc lay chuyển. Tôi phải lấy điều không-thật làm thật. Và, vừa bước đi vừa nhắm mắt, đi trong thế giới của Đốm.

    12.
    Thế giới ấy ướt đẫm tiếng kèn đồng ủy mị phát ra từ cổ họng một con vật. Chưa quá nửa đêm tịnh vắng đã nghe con chó Đốm vội vã gáy ra tiếng gà thanh thót, lanh lảnh. Đó là lời kêu xin mặt trời hãy trồi lên, sớm một giây là hoan hỉ một giây.

    Tôi mơ màng tin một điều mà khi mở mắt biết rằng vô lý, rằng:

    “Chừng trong con chó Đốm có chứa một vài triệu cử tri, có nhiều triệu các loài chim chóc, hổ mang, sâu bọ, bò chét, bồ câu, phượng hoàng, thằn lằn, cọp trắng, rồng xanh trong nó, nên cứ nửa đêm về sáng là nó lồng lộn, đau đớn lẫn hân hoan, gào thét liên hồi.

    Chừng nó không chịu được cái bóng tối, cái làn gió, cái hơi người, sũng ướt hay khô cằn quá, nó điên”.

    ***

    Loài chó trong thế gian có một thứ thống nhất, đó là tiếng sủa. Chó ông Obama, chó ông Tập Cận Bình đều sủa na ná nhau. Chẳng con nào vì tự ái đông tây, vì bản sắc dân tộc mà tạo ra cái cách đặc trưng Tàu hay Mỹ.

    Nhưng cái thế giới đẫm tiếng kèn đồng này, tiếng sủa lẫn giọng sủa của con Đốm kỳ quặc lắm. Nó giăng ra cái lưới hão huyền. Khi gắt gỏng gấu gấu. Khi than thở, gầu gầu trong cổ họng. Khi khóc rống như con heo bị thọc huyết. Đúng là giọng con heo khi bị treo ngược, tuôn máu họng. Tiếng kêu sắc như lưỡi dao, hụt hẫng, cháy bùng.

    13.
    Người bà con hàng xóm lắm khi bàng hoàng nghe con Đốm hí vang tiếng ngựa. Trong cổ họng của nó như có lắp sẵn một cái micro. Nó sủa ra nhịp lục lạc ngựa. Nó cục tác cục tác. Rồi Đốm phát ra ầm ầm tiếng trống giục giã. Nó làm tiếng quạ kêu nghe ghê rợn, như có tin báo cái chết gần kề.

    Hiện đại hơn con lừa trong đảo Bồng Lai, con Đốm không tự thu mình rúc vào cái bị cói.

    Đốm là đại điện bát ngát cho muôn loài cùng lên tiếng ở nơi này, hôm nay. Nó facebook, liên kết, hòa mạng, một cách tuyệt vời.

    Con Đốm có thể biến một mùa đông ra một mùa hè cho bọn học trò mơ mộng bằng cách phát ra nghìn tiếng ve, làm ra âm thanh lá, rào rạt xao xác trong gió thoảng.

    14.
    Cứ nghe tiếng sủa/ kêu/ hí/ gáy/ hú/ hống/ gầm của con Đốm, ta phong phú hình dung, mỗi đầu người là một ngọn cây xanh lá, triệu người triệu cây. Giữa chốn đại-ngàn-sinh-linh-rừng-rú-đầu-người ấy, con cọp đang về ngồi gần con quạ, con chuột thân ái bên cạnh con mèo, con gà đang đứng trên lưng con sư tử, gà gáy phần tao sư tử hống phần mày. Mồm sư tử ngôn ngữ sư, lưng sư tử ngôn ngữ gà. Phụ chú thêm là tiếng than đau của những loài bị săn đuổi trên đường chạy, tuyệt lộ tuyệt chủng, tê giác bị giết lấy sừng, đàn voi bị đốn hạ lấy ngà, con cọp lăn quay để con dao lột da, lóc thịt lấy xương nấu hổ cốt, cá mập loại xịn chỉ còn vài trăm con bơi mệt nghỉ nơi đại dương để trốn cái lưới người. Nghĩa là, như thể, dù giọt nắng cuối cùng, dù cơn mưa ít hạt, bọn vạn vật cùng thân ái tụ họp trên một sân khấu chung, mở một dàn đồng vọng.

    Trong tháng ngày âm u, rừng âm thanh này là cây cao bóng cả tỏa bóng. Cái thế giới tối đen trở nên nóng bức và rạo rực, chờ cháy. Cái lực vô hình được huy động, qua âm thanh, có thể biến ra động đất, sóng thần, những lửa thiêu hủy tối tăm.

    Con Đốm là thu tập thiên thu Tiếng Động, tụ gom núi cao, hang động, sông hồ, thân cây ngọn cỏ, bùn và sỏi, xương khô, đất mục về một nơi, viên tròn, và nhả chúng ra từ duy nhất một cổ họng.

    ***

    Đó đây có khi một đôi người lắm tài vặt, giả giọng đủ thứ tiếng loài vật chim chóc, đủ thứ âm thanh nhạc cụ, lên sân khấu trình diễn kiếm tiếng vỗ tay, tiền bỏ túi. Đó là góp vui cho đời.

    Đằng này con Đốm, con chó “khổ nạn qua hai thời kỳ” là bạn của con người, nhưng nó không góp vui theo kiểu con người. Chỉ là cái cách của muôn loài. Chỉ là mong chờ cái Ánh dương, cái Bóng tối, cái Tận cùng thăm thẳm hư vô may ra chia sẻ.

    15.
    Bà con chòm xóm lắm người thích thú cái “đa tài” của Đốm, mang cho đủ thứ thức ăn. Có người may cho một bộ quần áo, và bảo Phiêu Thiền:

    – Mặc vào cho nó. Nó xứng đáng mặc bộ đồ vét.

    Phiêu Thiền cười nói:

    – Con Đốm thắt cà vạt? Từ xa nhìn, tưởng con chó có…năm cái chân.

    Nhưng cũng lắm người nhìn con Đốm với nỗi sợ, ngờ ngợ nó là con quái vật, hoặc giả có ma ám từ cổ họng một thằng người giấu mặt trong nhà Phiêu Thiền.

    Gia đình Phiêu Thiền bị kiểm điểm, vì con chó lắm lời, vi phạm an ninh trật tự, làm ô nhiễm lỗ tai nhân dân. Giết nó đi.

    ***

    Cần phải cứu sống con Đốm. Mỗi khuya khoắt, lúc tối trời, có khi trăng lên, mưa gió chẳng hạn, là lúc “khát vọng trào dâng” trong nỗi niềm của Đốm; là Đốm bắt đầu muốn “thể hiện tâm tư”, là nó đang “trạng thái”; nghĩa là sẽ “có vấn đề” với xã hội, Phiêu Thiền bèn ngồi xuống bên nó phủ dụ, an ủi, để “giới hạn cái cần cổ trong trật tự mới”.

    Rất may, con Đốm giàu tình cảm, nó nghe lời chủ. Nhưng một lúc nó quằn quại lăn lộn.

    ***

    Đau buồn nhất là ngày nó sinh con Ung. Một con chó bình thường mang một cái thai quá lớn, lúc sinh nở càng thêm một cơn đau đớn. Nó cần phải được mở rộng miệng mà thở, cần nhiều không khí trong lành.

    Một ngày của hôm nay không như mọi ngày. Con Đốm không là con lừa trong đảo Bồng Lai.

    Hôm ấy, Đốm rên rỉ, cố đẩy cái bào thai mang tên Ung ra ngoài. Có nước-người trào ra chỗ cái lỗ Mẹ đang nở to dần. Huyền Tẫn chi môn. Có máu từ đó. Rồi, con Đốm chết ngạt.

    16.
    Phiêu Thiền kể xong câu chuyện Đốm và Ung, chừng tinh anh đã kiệt, da mặt bỗng tái nhợt, ánh mắt như có bụi mù hòa lẫn, giọng nói trở nên xa xôi như bên kia suối.

    Chừng như chuyện về loài vật, về sỏi/đá/cỏ/lá, cũng có chỗ hiển linh của nó. Con vật có những vạch trên lưng đã mở tâm linh cho Phục Hy, gầy ra bát quái. Con ngựa Đích Lư, được cho là loài phản chủ, đã từng bay qua vực thẳm để cứu sống Lưu Bị. Chiếc lá khô từng thay thuyền đưa Bồ-đề Đạt-ma qua Trường Giang, thuở trên sáu nghìn cây số nước rộng bờ xa chưa một cây cầu. Con Rùa vàng đã thu lại kiếm báu từ tay một bậc Đế vương…

    Phiêu Thiền đứng không vững. Chúng tôi lây lất như mây, mà không bay được như mây.

    ***

    Để tiễn khách, con Ung dẫn tôi ra cổng. Cánh cổng khép hờ. Nó dùng cái mõm đẩy rộng cánh cổng cho tôi bước ra. Tôi lặng lẽ nhìn cái cách nó làm thay người, một con chó câm lầm lụi.

    Tôi rời cổng chừng mươi bước, quay nhìn lại. Con Ung vẫn đứng trước cổng nhìn lung trời đất, nắng vàng. Ung như chờ đợi một ai, một điều gì. Tôi chợt hối lỗi vì mình quá lỗ mãng với con chó, đã nợ nó một lời cảm ơn, hay ít ra một cái vuốt ve.

    Từ xa, tôi miệng cười, mắt nhìn Ung, một cánh tay đưa cao, tôi vẫy tay chào nó. Bye nhé! Ung lặng lẽ quay vào. Vào phía trong, nó áp cái mông tròn đầy vào cánh cổng, lui vài bước đẩy cánh cổng về vị trí cũ.

    Con này điệu nghệ, mở cổng bằng mồm, đóng cổng bằng mông.

  • Cung Tích Biền
    Xóm Gà Gia Định, tháng Tư 2015.
  • Là liên hoàn, cần nên đọc liền nhau trong chùm 3 truyện, [2] Gia sản dưới ánh trăng, và [3] Đêm muôn màu.

    Nguồn:https://sangtao.org


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Gia sản dưới ánh trăng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Gia sản dưới ánh trăng



    Nhà văn Cung Tích Biền



    1.
    Nhiều đêm không ngủ, nằm hoang trống trong bóng đêm, lòng buồn nhớ nổi trôi. Lá trong vườn cũ, cỏ may quanh bia mộ, nhớ ngọn gió đầu mùa gợi cho ta cái khang khác chờ mong một đổi mùa, nhớ đôi mắt một người điên, nhớ chuột.

    Thay vì dùng cái bẫy chuột cồng kềnh, lại tốn công lắp miếng mồi, ngày nay người dùng tấm keo dính chuột, để giết chuột.

    Tôi từng ngồi rất lâu một sớm mai nhìn con chuột vùng vẫy trên tấm keo dính chuột, lúc nó còn sức vẫy vùng. Bi kịch ấy không quá một ngày, nhưng cực là dằn dai, đúng điệu nghệ của cách tạ từ.

    Buổi trưa, con chuột yếu dần, nó nằm im, hai con mắt tội nghiệp nhìn tôi, mong cứu rỗi. Không có gì chứa chan sự tuyệt vọng lẫn hy vọng bằng đôi mắt chuột này.

    Qua xế chiều, đôi mắt hết mong chờ, đã nhắm tít, đã từa tựa một xác chết. Chọc cây que xem thử, còn thở. Kéo dài một cái chết chậm. Tối đến, là phải tính sổ. Con chuột còn thoi thóp thở cũng đành gói lại, cho vào thùng rác. Ấy là Bóng Đêm chan hòa, hầm rác là tụ họp mọi nẻo đời.

    Trước khi gói cái thi thể còn thoi thóp tôi nhìn bên cạnh nó, trên tấm keo dính chuột có một cái chân của một con chuột khác.

    Vậy, không phải con chuột nào cũng “đầu hàng” cái mùi hương ma mị từ tấm keo dính chuột. Nhưng con chuột thoát chết kia phải để lại một cái chân bị đứt lìa.

    2.
    Phải nhiều năm lưu lạc tôi mới có dịp gặp lại Phiêu Thiền, người có hai con vật đáng nhớ là Đốm và Ung.

    Chúng tôi đã không còn tuổi trẻ. Đã tóc mây trắng, răng song cửa. Tâm ý chập chùng những nghi hoặc, tiêu dênh cái lưu linh mộng tưởng một thời, mất cái điên, cái liều, mất sự vô tâm trước hiểm nguy chết sống một thời. Tất cả chỉ là ngập ngừng, là đọng lại một lớp cặn thời gian.

    Sống lâu trên cõi đời, sở hữu một lớp bùn khô chỗ đáy não, những âm hưởng xa xăm, ta cứ tưởng đó là kinh nghiệm đời, là cao lương trí tuệ, đã đạt cái đạo an nhiên; lầm cả thôi, đó chỉ là một chỉ dấu cáo biệt, rằng ta không còn cái lưỡi lương thiện và cái lòng chân thành, mất đâu rồi cái sức nóng trẻ trung đó thôi.

    Chào biệt quê hương, tấm keo dính chuột. Rất quằn quại, đắng cay, rất mấy mùa vùng vẫy vẫn dính chặt vào lớp keo ấy.

    Quê hương là cái bẫy. Còn đôi chân đi trong ấy mới hiểu ra tình quê hương, nghĩa đồng bào, ơn huệ tổ tiên, dù đôi khi ta vẫn thấy trong mỗi nắng mưa là mỗi vết thương chan hòa.

    Quê hương, keo dính chuột.
    Quê hương, cái bẫy nồng nàn.

    Đẹp biết bao mà cũng buồn xiết bao trong mù mưa một bầy cò trắng trên dòng nước bạc. Chúng cũng như chúng tôi, đứng yên chờ dòng nước trôi. Lại như, một đám cò mồi chờ cháy, do người nhà nông làm bằng rơm cỏ, trên ruộng đồng cuối mùa.

    Nghe trong gió tương lai, mỗi tre trúc còn mỗi linh hồn xanh biếc. Sẽ còn nhiều cánh rừng mai sau, trong ấy hươu nai thảnh thơi. Trong những mai sau, có thể tuổi thanh xuân được trong lành. Sẽ còn gió trong những chiều em đến…Những chiều dòng nước bạc đã trôi qua thân cò.

    3.
    Phiêu Thiền lúc này có thêm một “Kỷ vật của chiến tranh”. Đó là một hài nhi dị dạng, hậu quả từ thuốc khai quang của quân đội Mỹ.

    Kỷ vật không là phẩm vật ngoại lai. Nó được chào đời ngay tại Đất nước tôi. Là máu tủy Việt Nam. “Đánh đuổi ngoại xâm, quét sạch quân thù”, nhưng nơi đây không thể đuổi khỏi quê nhà một loại “quân thù” cốt căn, đó là “Sự tàn tật”.

    ***

    Dưới ánh trăng, Kỷ vật được người mẹ vừa ngoài hai mươi bồng ẵm, đùa chơi. Mẹ đẹp như trăng. Tên cô là Mành Mành. Mành bận áo trắng, mái tóc đen quá dài, như cái lưới quấn lấy đứa con xanh mướt trong ánh trăng. Mành cười. Nụ cười thường thấy trên khuôn mặt một nạn nhân, trót cưu mang nỗi đau đời làm niềm vui thường hằng cho riêng mình.

    Mẹ muốn con vui bằng cách dùng hai tay dồi đứa con lên cao một chút, như ta dồi trái banh. Rồi túm gọn khi dị dạng rơi xuống. Mẹ lại cười. Nụ cười trắng và mỏng, có cái lạnh căm của sự bất thường. Âm thanh như bầy rắn bò/bay, len lỏi trong không gian đầy ánh trăng óng vàng. Rồi mẹ Mành Mành bồng ngửa, chìa khuôn mặt hài nhi dị dạng về phía ánh trăng. Này trăng, xem này. Này trăng, con thỏ ngọc của trăng này…

    4.
    Mành Mành ẵm chặt con trước ngực, ngồi thềm nhà nhìn lung trong đêm. Đêm miền Nam nhiều gió, thiếu sương mù. Sân trước nhà nền gạch, chen lẫn bóng cây. Mẹ trải một tấm chiếu hoa. Mẹ tập “Kỷ vật” bò. Gần hai tuổi chưa biết bò. Có thể tới năm bảy tuổi đứa bé chưa thể phát âm để gọi “Cha, cha ơi”.

    Kỷ vật bắt đầu bò bằng hai cánh tay yếu đuối, xiêu vẹo dưới ánh trăng. Thoạt trông như hình một con cua trắng nõn bò ngang, vì hai bắp đùi em nằm ngang chỉa ra hai bên hông, thẳng góc với thân mình. Đôi chân dị tật. Khớp háng với xương đùi liền một cái xương hình góc vuông, không có khớp, nên đùi không thể di động xuống lên ra vào. Chỉ cử động được là từ khớp đầu gối trở xuống bàn chân. Hai đùi vế chỉa ngang, mỗi lần trong đêm muốn ẵm con, mẹ phải nằm ngửa đặt úp con lên bụng. Nằm ôm con như thường lệ, đầu gối Kỷ vật thọc thẳng vào bụng mẹ.

    Xưởng máy của Nhựt Bổn chế ra những robo kỳ diệu, xưởng hóa học của người Huê Kỳ chế ra những hài nhi dị dạng bật thầy.

    Khoa học Mỹ tạo ra những “tinh trùng bột”, từ máy bay rải xuống quê hương này, sinh ra “Một Sinh vật, biểu hiện hình hài của Sự Sống trên nhiều Nỗi Đau, song hành cùng Nỗi Chết”.

    Sự quằn quại này, được hiểu, sự Hiểu nằm ngoài đạo lý, là “Nó nằm ngoài trách nhiệm của người Mỹ”. Sự tàn tật này không được ghi trong sổ tay lịch sử về Hạnh phúc thời Hòa bình.

    5.
    Dưới ánh trăng một đêm trời miền Nam trong vắt, một màu vàng trong suốt mông lung, một lần nữa mẹ cố tập con bò.

    Mẹ ngồi đằng đầu, tóc mẹ đen dài, mẹ đẹp lắm nghe con, hai bàn tay mẹ vỗ nhẹ vào nhau, như nhịp hát. Mẹ rất hy vọng đứa con hai tuổi di chuyển chừng được…“một vài tất đất trên quê hương”, là mẹ mừng vui. Con của tôi không thể là cái điểm cố định, bất động, nơi quy tụ những chia xẻ xót đau từ tứ phương tụ gom về. Con của tôi không thể là đề tài để kêu gọi lương tri con người.

    Kỷ vật nhìn mẹ, cười. Hai bờ môi em thay vì đỏ màu son non trẻ lại bạc thết, úa tàn, màu của những bờ cỏ rừng cây chết đứng dưới trời sau mùa thuốc khai quang, thời chinh chiến, của/ từ lực lượng Không quân Mỹ. Một cõi đất quê nhà, tới đá, nước, sỏi bụi cũng đổi màu, con cá con tôm, sò hến cũng đồng loạt mất máu. Con tinh trùng sâu trong xương tủy con người cũng biến ra dị dạng.

    Kỷ vật nghẹo đầu cố nhìn trăng. Hai bờ môi em chênh chếch, so với chiều thẳng của cần cổ. Một khóe miệng dưới vành tai bên này, lệch với một khóe kia trên vành tai bên kia. Nếu em không cười, sẽ ít khổ sở hơn, vì không phải tự hành hạ khuôn mặt của mình. Nếu em biến ngay ra một cái tượng đá/gỗ/đồng/ximăng/thạch cao, ta có thể trân trọng đặt em trong viện bảo tàng.

    Kỷ vật cố trườn bò. Chỉ vài cử động là đuối sức. Em nằm úp trên nền hoa văn xanh đỏ của chiếc chiếu hoa. Dưới ánh vàng mơ hoặc, một cái đầu xiêu vẹo, hai cánh tay sãi dài bất động, hai cái đùi chỉa ngang, em như một cái ngôi sao năm cánh không đều đặn. Nếu em có thêm một cái đuôi cụt, là rất giống một cái ngôi sao sáu cánh, được chia đều dưới ánh trăng.

    6.
    Ở góc vườn trăng có một gốc cây khô, cỡ ba bốn người ngồi trên đó còn rộng rãi. Lúc Kỷ vật dị dạng tập bò, có một cô gái – là Manh Manh, em gái Mành Mành – tới ngồi trên gốc cây khô, nhìn thảm kịch.

    Từ ngày dời nhà về nơi này, trong khu đất rộng hãy còn một cổ thụ chừng hơn trăm tuổi. Lúc đầu Phiêu Thiền lấy làm thú vị vì trong vườn nhà đầy bóng mát. Về sau trong nhà có nhiều chuyện lạ lùng, cổ quái xảy ra, chó sủa ra tiếng lục lạc ngựa, sủa tiếng quạ báo tử trong đêm khuya, chó thổi ra tiếng kèn du dương giống hệt tiếng kèn đồng. Phiêu Thiền đâm nghi ngờ cây cao bóng cả.

    Dưới gốc đa kia, Phiêu Thiền nghĩ rằng xưa kia, cái thời ông còn bé, nhân gian còn thơ dại, người thôn quê thường mang những ông-táo-bình-vôi-hưu-trí đặt dưới gốc thay vì ném chúng đi, bà con có thể lập cái am thờ, đèn nhang cúng vái. Âm binh tụ hội. Trong cõi âm u có lắm điều thánh thần yếu thế hơn quỷ ma. Những thánh thiện của lời dạy đạo lý thường không ép phê bằng con dao tổ chảng nhứ nhứ chỗ cái mỏ ác, Tao phụp mày.

    Phiêu Thiền nhờ người đốn bỏ cây. Gốc để lại trong vườn, vì Phiêu Thiền thấy gốc rễ tạo hình như một tượng mỹ thuật.

    ***

    Lúc Kỷ vật được mẹ vỗ nhịp cổ động, gắng lên nào, con thỏ ngọc của mẹ, thì cô Manh Manh tay đang cầm một nắm nhang cháy đỏ, ngồi gốc cây khô. Những đóm nhang dưới trăng lập lòe, làn khói bay vẩn vơ, gần mà như xa xôi. Như viễn mộng hụt hơi, thu nhỏ cuối viễn mộng, cái đóm tàn.

    Hóa ra đêm nay đêm rằm. Manh Manh đốt nhang thắp khắp nơi, bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà, ông thần tài, táo quân, tới bàn thiên thờ trời ngoài sân vườn. Lúc đi thắp nhang, cô chợt thấy con cua trắng nõn, thằng Cuội em tập bò. Cô rất mong chờ cháu của mình bò được dăm ba tất đất dưới trời trăng là cô vui, nên cô vội vàng ngồi ngay xuống, tay vẫn còn cầm mớ nhang cháy đỏ, chưa kịp cắm vào nơi nào.

    Manh Manh hồn nhiên như đứa bé mẹ đưa tiền đi mua đồ gia vị, nửa đường ham xem đám xiếc, cầm tiền trên tay ngồi coi, quên nơi cần tới.

    Lúc Kỷ vật cố gượng dậy dưới ánh trăng, Manh Manh quá vui mừng, cổ động bằng cách tay đưa cao nắm nhang khói quơ qua lại trong trời trăng, như người ta cầm “cờ tổ quốc” mừng đoàn xe đua đang tới.

    Mày điên hả Manh Manh? Con của tao đâu là hồn hoang rằm tháng Bảy!

    Ôi, em xin lỗi chị, em vẫn mong Kỷ vật an lành như những đứa trẻ khác.

    Manh Manh tới chỗ bàn Thiên gần hàng rào mặt tiền nhà, cô bái mấy bái, thắp mấy cây nhang. Cô lại hát vè:

    “Con ai đem bỏ nơi đây,
    Thế gian đâu chỉ một này mà thôi”

    Có một con tắc kè kêu trong gốc cây khô. Cây chừng có chỗ rỗng trong ruột. Giọng tắc kè khàn đục. Chừng con này bị viêm họng.

  • Cung Tích Biền
    Xóm Gà, Gia Định tháng Tư 2015
  • Truyện này nằm trong chùm bộ ba liên truyện. Là liên hoàn, cần thiết nên đọc liền nhau với [1] Gia sản trong Bóng Đêm, và [3] Đêm muôn màu.


    Nguồn:https://sangtao.org

              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đêm muôn màu

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đêm muôn màu



    Nhà văn Cung Tích Biền



    Con ai đem bỏ nơi đây,
    Thế gian đâu chỉ một này mà thôi”
    [CTB]


    1.
    Hồ sơ về Kỷ vật:

    Thư của Manh Manh:

    “Chị Mành Mành thân yêu,

    Kỷ vật là con của chị? Em biết.

    Chị say đắm trong một tình thương hiếm có của tình mẹ con? Em biết.

    Nhưng em phải viết ra/ ghi lại những dòng này, vì quanh đây còn ánh mặt trời. Kỷ vật phải được soi sáng, rõ thực là từ đâu tới.

    Ngoài thương yêu, dâng hiến cho đứa con từ tình mẹ, chị không có một quyền năng gì để thay đổi được sinh mệnh của cháu.

    Kỷ vật chỉ là một Hậu quả, không là một Tương lai. Hôm nay, xã hội người đã một mực đi tới tương lai, quên những gì đã tạo, và để lại, từ quá khứ.

    Có nên xem Quá Khứ là một cái hố sâu nay đã được sang bằng, để an nhiên trồng cây hái trái? Cây trái ngọt, hoa lá tươi, vì may mắn có quá khứ bón màu?

    “Chị hãy nhớ bản kê khai này:

    Bốn giờ sáng, một ngày của năm 1980, em đang say ngủ thì con chó Ung đánh thức em dậy, qua vài cái cào nhẹ vào cánh tay em.

    Ung dẫn em ra cái gốc cây khô. Ai đã đặt vào chỗ đó một cái bọc vải. Nghe có tiếng khóc yêu ớt của một hài nhi trong đó.

    “Thời này mọi thứ thiếu thốn. Thiếu điện nước gạo cơm. Trời đất hãy còn tối đen trong một khu vườn không đèn đốm. Em hoảng sợ. Nhìn con Ung, em liếc mắt ra dấu cho nó, là, Mày hãy vào nhà gọi thêm người.

    Con chó Ung vào nhà, thức chị dậy. Lát sau Ung dẫn chị ra theo. Chị cầm một cây đèn bấm gần hết pin. Chị như cầm trên tay một cây nhang soi đường.

    Cái bọc vải được mở ra. Một cái gì rối rắm mù mờ, một hình người thịt xương sắp xếp lộn xộn. Em sợ quá, bỏ đi chỗ khác. Những chòm sao khuya đêm không trăng sáng rực rỡ hơn mọi đêm vì, có thể, dương gian này đang cần thứ ánh sáng ấy.

    “Chị ẵm đứa bé vào nhà.

    Trông chị như một con người cha mẹ đúc ra bằng sắt thép, không sợ hãi, không buồn vui. Bật ngọn đèn sáng hơn. Em thét lớn “quái thai”.

    Chị vả mạnh một cái vào cái mồm ăn nói bậy bạ của em.

    Lúc chị đi tìm khăn lau, Con Ung thè lưỡi liếm quanh em bé dị dạng. Làm như con của nó. Con chó này cái gì của con người nó cũng cặm cụi tham dự. Nó câm mà nặng tình.

    “Người em bé đầy những gì quanh người như nhớt con cá lóc mới chộp được từ sông hồ.

    Chị đập con Ung một cái nhẹ, nạt nó, Không phải việc của mày, ra chỗ khác chơi.

    Chị dùng nước ấm lau nhẹ nhàng cái hình dạng vừa nhìn thấy đã đau lòng. Chị âu yếm sợ nó tan vỡ như ta gìn giữ lau chùi cẩn thận một cái lọ thủy tinh quý hiếm.

    Trời đất sẽ cảm ơn chị nuôi dưỡng thương yêu Kỷ vật còn hơn những người-mẹ-thường-tình nuôi/thương đứa-con-bình-thường.

    “Chị Mành Mành,

    Em nhớ hồi ấy trong bọc vải có một lá thư ngắn, có thể người mẹ đã viết sẵn trước khi mang đứa con thân yêu đặt vào chỗ góc vườn nhà chúng ta.

    Đây là nội dung lá thư từ người Mẹ bỏ con thuở ấy:

    Tôi xin chịu tội với trời đất đã không nuôi được đứa con chính mình đẻ ra. Kiếp sau, tôi xin làm kẻ tôi tớ, trúc mai đền bù cho những ai đã nuôi dưỡng đứa bé bất hạnh này. Đa tạ.

    Một người mẹ đã mất nhân lương.”

    2.
    Trời đã chiều lung. Chỗ cổng nhà có một người đàn ông đứng nhìn vào bên trong. Cổng vườn nhà Phiêu Thiền không bao giờ khóa, một khe hở luôn trống giữa hai cánh khép hờ. Người đàn ông vẫn đứng đợi. Không có chuông reo. Anh ta đập nhẹ tay vào cánh cổng lần nữa.

    Anh đã nhìn thấy cái gốc cây khô trong vườn, thầm nghĩ: “Có thể cô Nhàn nói đúng”

    Bước lên mấy bậc thềm nhà, người đàn ông tên Khôi, chỉ vừa tuổi bốn mươi đã cảm thấy đuối sức, mệt từng hồi, cánh tay ốm o vịn vào thành cửa cho bớt run. Trời chiều tháng sáu, đầy nắng, anh vẫn thấy lạnh, cần một chiếc áo ấm.

    Bị ung thư di căn vào thời kỳ cuối, theo lời khuyên của bác sĩ, Khôi phải nằm tại nhà, nhất mực được chăm sóc. Ra đi anh có thể gục chết giữa đường. Nhưng anh trốn nhà ra đi. Khôi cần làm một việc cuối đời, trong những ngày ngắn ngủi còn lại.

    Anh đi tìm một kết luận. Anh luôn bị ám ảnh bởi một quá khứ rẫy đầy những ám ảnh.

    Câu hỏi được đặt ra, từ cái đêm người vợ ôm đứa con vừa lọt lòng, trốn nhà ra đi. Vừa sinh con, cô con yếu lắm, cần chăm sóc, nhưng cô trốn biệt.

    Hồi ấy anh đi xa, chưa thấy mặt con. Khi trở lại, mọi việc đã trở nên hoang mị. Mọi người, cả cha mẹ, anh em trong nhà đều câm lặng, những tiếng thở dài, hoặc có nói là nói khác đi những gì đã xảy ra với vợ con anh. Họ tình nguyện chôn mình trong một bí mật, nhất mực đẩy anh ra khỏi sự tuyệt vọng. Mong anh có một giấc mơ khác hơn cái hiện thực tàn tật, cái tương lai khốn cùng trong hoàn cảnh.

    “Anh ơi, con chúng ta, cái kết quả tình Bắc duyên Nam không như chúng ta mong đợi” Đó là vỏn vẹn một dòng thư của vợ anh để lại.

    Lá thư ngắn ngủi này do cô Nhàn, một người bạn gái của vợ anh giữ gìn, mãi lâu sau mới trao cho anh. Nhàn, vì nỗi ăn năn, vì hiểu rằng Khôi cũng đã tới cuối con đường, nên cô trao lá thư, và thuật lại cho Khôi tường tận sự việc, cả địa chỉ mà vợ của anh đã bỏ đứa con tại đó.

    3.
    Khôi ngồi trên một chiếc ghế nhỏ trong phòng ngủ, cũng là phòng sinh hoạt của hai mẹ con Mành Mành. Phòng khá rộng. Cái lạ, cô không tiếp Khôi tại phòng khách mà đưa anh thẳng vào trong.

    Khôi đã hiểu là người phụ nữ vừa ngoài hai mươi này yêu thương đứa con tàn tật của mình biết là bao. Anh thẫn thờ nhìn quanh, nghe khóe mắt ướt, chỗ cổ họng nghẹn lại, muốn trào lên một nỗi đau đã từ lâu quặn đắng trong lòng.

    Mành Mành đã mua sắm cho con anh, dù thời buổi khó khăn, hàng chục loại đồ chơi đẹp đẽ chất đầy cả hai cái kệ. Chiếc nôi là giường ngủ của con treo những búp bê, lồng đèn, kèn nhựa, âm thanh nhỏ vang ra tiếng nhạc dịu nhẹ. Các loại áo quần, cả chiếc áo ấm Mành đều đi tự may, vì không mua đâu ra loại áo quần đặc biệt cho em bé dị hình này. Trên một chiếc bàn nhỏ ngoài những thức ăn dặm, sữa uống là vô số những lọ thuốc bổ tăng trưởng, thuốc chữa bịnh, cả thuốc cấp cứu tại chỗ. Con của anh, Kỷ vật, ngoài sự tàn tật còn mang rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo, cả bệnh tim bẩm sinh.

    Anh cũng rất ngạc nhiên thấy trên giường ngủ của Mành Mành, bên phía tường có mớ sách dạy nuôi con. Mành Mành, chưa chồng, chưa biết sinh đẻ là gì, nay phải học cách nuôi con, lại một đứa con đặc biệt trong trời đất.

    Khôi bàng hoàng khi được Mành Mành bế Kỷ vật quay về phía cha. Anh vội vàng quỳ xuống. Anh một lạy cái tình thiêng, giờ phút hội ngộ cha con hằng mong đợi. Anh một lạy thánh nữ.

    Mành Mành tay ôm con, tay vội nắm cánh tay khôi, ý bảo anh không nên làm vậy. Cô nhận ra hơi lạnh từ bàn tay người đàn ông đối diện. Anh gầy quá, sự tàn tạ này còn đau đớn hơn nỗi tàn tật vô minh của con anh.

    Mành Mành dìu người người đàn ông như đang ngất đi ngồi lại, trên chiếc ghế nhỏ. Cô lấy một chiếc khăn, tẩm nước ấm lau mặt cho anh. Cô nhận ra mùi người đẫm mồ hôi. Anh không được chăm sóc, lại qua những ngày lăn lội đi tìm. Cô hỏi:

    – Tôi chế cho anh một cốc cà phê nhé, cho tỉnh người, anh dùng được cà phê?

    – Bệnh của tôi phải kiêng cà phê, nhưng xin một cốc đêm nay.

    ***

    Mành Mành hiểu rằng con của Khôi dị dạng có nghĩa Khôi đã bị phơi nhiễm rất đậm chất độc da cam. Anh ở đâu để bị phơi nhiễm nếu không từ trong, hoặc gần rừng núi? Ai là Người-Trong-Rừng-Núi? Ai là người làm cho Sàigòn điêu linh?

    Có bị phơi nhiễm từ cha mới truyền sang qua con. Mành Mành, cả gia đình cô, đều biết rất rõ từ trước, Kỷ vật từ đâu ra. Biết rõ là như thế, nhưng ta có đành lòng phân loại, kể ra thành phần Tả-Hữu, nghịch cảnh Bắc-Nam, để loại Kỷ vật ra khỏi lương tri.

    Cô yêu thương, nuôi dưỡng Kỷ vật với toàn vẹn lòng thành, của cái tình thiêng tự nhiên như được thánh hóa giữa những con người. Tự nhiên? Vì cô hiểu ở đây không là sự ra ơn, càng không cần viện ra một thứ đạo lý hào nhoáng nào.

    Súng đạn thì có giới tuyến. Nỗi đau, sự tàn tật, là vô biên. Tình thương, dù lớn lao bao nhiêu cũng chỉ là cái bọc nhựa mong manh bên ngoài, càng trang trải càng thấy thiếu hụt bấy nhiêu.

    Mành Mành ngồi nhìn Khôi rồi nhìn đứa con của anh, cô lại nghĩ lung. Rồi cô tự hiểu, với lòng thương xót tràn đầy, đây là lúc cô cần phải cẩn trọng khi đối diện với Khôi, một linh hồn nát nẫm như triệu triệu bụi mù của bao linh hồn bị xay bột.

    Cô cố tránh những điều làm anh đau đớn. Cái tàn cuộc này, cha và con này, đã là quá lớn lao, là tận cùng của địa ngục rồi.

    Và, địa ngục vẫn đang tràn đầy những đặc sản chính nó cho bất cứ ai, được nó mang tới, biếu không.

    4.
    Khôi ẵm con một cách vụng về. Đầu gối hình gần góc vuông với thân mình của Kỷ vật thọc vào hông, bụng anh hoài. Cha không nói gì, đứa con hai tuổi chỉ ú ớ vài nguyên âm.

    Qua khung cửa sổ, bên ngoài sân vườn một đêm không trăng. Bóng đêm được chia chát với vài ánh đèn thiếu điện nhập nhòa.

    Chừng như có ai đi quanh đây trong đêm, bước nhẹ hơn cả tiếng lá rụng. Lúc này, một người xa lạ tới nhà một ai đó, tức thì một người quen thuộc trong tổ dân phố quanh đây có thể sẽ tới gần, có khi sẽ nhòm lén qua cửa sổ theo dõi, có khi cố lắng nghe, cả nỗi đau tận cùng trong tâm can kẻ khác. Bóng Tối này không của riêng ai.

    ***

    Mành Mành bảo Manh Manh:

    – Kiếm cho tao hộp kem đánh răng, cái bàn chải, xà phòng, một cái khăn lau mặt, tất cả đều phải mới nguyên.

    – Chi vậy?

    – Đêm nay có khách. Sớm mai đánh răng.

    – Ông ấy có ngủ trong phòng dành cho khách không? Em dọn chỗ nằm?

    – Ngủ luôn trong phòng của tao.

    – Ngon quá chời, đêm nay có chồng.

    – Cái con khỉ, bộ chung phòng là anh này trên bụng cô kia hà?

    – Đương nhiên cả hai chị em mình là gái “chưa có dấu tay trên ngực”. Bao nhiêu lần chị bảo đau đẻ là cái đau hạnh phúc của người đàn bà mà tụi mình chưa biết nó đau ra làm sao. Phải có cái chi bỏ vô trong buồng trứng mới có cái đau xanh trời đỏ đất đó chứ!

    – Thôi bớt cải lương rườm rà đi con nhỏ.

    Manh Manh lại đùa:

    – Rồi có tí tẹo gì trong đêm thâu không?

    – Cái con khỉ này, đồ tanh hôi.

    ***

    Đêm mềm như lụa. Mành Mành thầm nghĩ, “Cha con họ phải được nằm chung, ngủ chung với nhau.”

    Giường ngủ của Mành Mành rất rộng. Cô dọn dẹp mớ sách bên trong, phía sát bờ tường, đặt một cái gối đầu, một chiếc mền. Suy nghĩ một chút cô lấy cái gối ôm của mình giao luôn cho Khôi. Cô nói:

    – Anh nằm phía trong tôi nằm hầu phía ngoài này, còn phải pha sữa, làm vệ sinh cho thằng nhóc, có khi nó khóc thâu đêm.

    Cô vặn nhỏ tiếng nhạc. Tắt đèn. Căn phòng chìm trong ánh sáng dịu nhẹ của ngọn đèn ngủ.

    Kỷ vật chừng mơ hồ cái hơi cha, cái hòa hợp huyết thống, đồng điệu màu máu độc, em ngủ một giấc ngon lành. Khôi không sao ngủ được, nhìn con, sờ con, lại nằm ngửa nhìn trần nhà, phút gặp nhau sau mong đợi sao mà trắng nõn, bạc lòng.

    Mành Mành nằm ngoài, quay lưng về phía Kỷ vật, nhường con cho cha nó ôm một lúc. Khó ngủ quá chời. Cô lại thấy cái bụng lạnh lạnh, cái ngực trống vắng, hai cái vú thiếu cái gì đè lên, bàn tay thiếu cái gì để cầm nắm, à …thì ra thiếu cái gối ôm thường quen. Cô cười trong đêm.

    5.
    Đêm miền Nam, cả Khôi và Mành Mành có khi tự hỏi, “Tôi nằm chung giường với ai đây?”

    Mành Mành nhìn Khôi và con. Hai nụ cười héo úa. Không là của hân hoan gặp gỡ. Trong bóng tối muôn năm tối này đó là dị dạng từ những nỗi đau. Là cô đọng từ những máu không may mắn thành máu. Là tiếng hát sâu bọ từ tim sang não người.

    Cô nghe hơi thở rất khó khăn của Khôi trong giấc ngủ. Anh không thể đuổi cái định mệnh, cái đã phải cam chịu trong đời mình ra khỏi giấc ngủ.

    Mành Mành quay vào trong, định đặt bàn tay lên người Kỷ vật như cô đã thường âu yếm ru con ngủ. Chỗ đó đã có một bàn tay người đàn ông xa lạ. Cô đặt bên cạnh. Một lúc Khôi cựa mình, úp bàn tay mình lên tay Mành Mành. Những da thịt âm dương chồng lên nhau trên một thân thể tàn tật. Mành Mành để yên, cô muốn Khôi tìm một chút ấm lòng.

    Cô lại thấy cơ thể mình hoang trống, cái bụng, vú, cái ngực. Cô rất muốn ôm con siết vào lòng lúc này tìm chút lửa ấm. Nhưng Kỷ vật đang chỉa hai cái đùi dị tật về phía cả cha lẫn mẹ. Kỷ vật luôn nằm ngửa hoặc nằm úp, không thể nằm nghiêng. Không nghiêng về một bên nào được. Em như cái thế trung lập, cái lực lượng thứ ba tật bệnh chia cách.

    6.
    Mành Mành rất sợ những đêm khó ngủ. Khuya khoắt, trôi nổi bồng bềnh với không gian trắng toát hoặc vàng cháy trong mắt nhắm, nhắm để cố ngủ, để bình yên né tránh ác mộng. Những đêm, nàng thường mơ thấy anh trai mình trở về. Thuở ban đầu anh mặt đồ lễ phục của sĩ quan Quân trường, rất đẹp. Về sau là đồ trận. Lần cuối cùng anh trai trở về, lại rất khác. Khuôn mặt hào hoa xinh đẹp của anh bị bể một mảng xương cằm… Rồi cô lại nhớ người yêu, một luật sư đang tập sự dở dang rồi gặp cuộc Đổi Đời. Anh vượt biên không tới nơi, không trở lại, anh mất tăm. Cô chẳng thể nào, dù tưởng tượng, cũng chẳng thể hiểu ra “Đường Đi Của Biển” ra sao. Có thể biển là cái lỗ đen kỳ ảo.

    Cô thu mình, bó gối ngồi góc giường. Cô nhắm mắt, bàng bạc những cái chết chập chờn. Nỗi đau thì có thật, lai láng chảy cùng máu chân thân. Là rầy nâu, những linh hồn héo úa màu da cam, tiếng chim câm trong máu tủy.

    Đây là thế giới một dòng giống chung giường. Khôi, người cha của con nàng đang thở. Kỷ vật, con của nàng đang thở bên cha. Những tình ái hụt hơi. Những nỗi đời bị treo cổ.

    Mành Mành rất sợ phải run rẩy trong cái bóng tối luôn đụng phải xác chuột chết, thấy tượng Phật phát cháy sáng rỡ, cháy luôn chùa chiền, đầu trọc phát hỏa, vì phật tử đốt nhang khói quá mạng, rồi thằn lằn đứt đuôi, cái đuôi một mình run mãi…Cô vớ một quyển sách ngôn tình. Con khỉ Manh Manh ưa tha về nhà những thứ chữ nghĩa hoa lá cành, tình ái mít ướt. Cô đọc không quá vài trang, những hàng chữ đã xiêu vẹo, nhạt nhẽo. Những mối tình đắm say dạng rau cải. Những éo le, chia ly boléro cập nhật. Văn chương ướt đẫm tinh khí tinh trùng chỗ đùi mông…Mành Mành lại sờ ngực mình. Tự bóp vú thì chẳng thú vị gì.

    7.
    Ba giờ sáng, chẳng ai ngủ được. Mành Mành pha hai ly sữa. Cả hai cùng ngồi trên ghế, nơi bàn làm việc của Mành Mành. Khôi yên lặng, cố giấu tiếng thở dài.

    Mành Mành cắc cớ lại hỏi:

    – Anh nghĩ gì về thân phận mỗi con người chúng ta?

    Khôi thực lòng:

    – Tôi chưa có dịp làm người. Chúng tôi chỉ là Cái-được-dùng. Giống như súng đạn, xe cộ, tấm ván lót cây cầu, là một khối cốt mìn.

    Mành Mành có phần kinh ngạc về cái phẩm hạnh hiếm thấy trong nhân loại là, “tình nguyện làm vật dụng” nơi một con người.

    Cô lại hỏi:

    – Hiện tại anh màu gì?

    Khôi chậm rãi, có phần buồn nãn nhưng rất thân mật khi gọi Mành Mành là em. Anh dùng ngón tay lần lượt chỉ vào đầu, vào ngực, rồi chỉ xuống dưới, và nói:

    – Tôi ấy à, thằng người Đỏ chuyển màu. Một chuyển màu khó khăn vì nó đã là da thịt. À, trong châu thân lẻ loi này à? Một cái đầu hoang mang hối tiếc, một trái tim máu độc. Và, một nhiệm vụ lưu giống truyền nòi, nối tiếp tương lai, nhưng tôi đang để lại cho em cái gì em hẳn biết.

    8.
    Trong lúc đang trò chuyện Khôi bỗng co quắp, run giật như bị một cơn động kinh, ngã gục trên đôi tay nhanh chóng đỡ của Mành Mành. Cô ôm chặt Khôi để anh khỏi va xuống nền nhà.

    Anh lại bắt đầu những cơn đau thường nhật. Nó làm anh ngất đi mau chóng. Bọn tế bào vô lại đã làm ung vỡ, bấy nát những tế bào chân chính, bọn giặc máu cuồng điên lộng hành, gây bão trong cuộc đời Khôi.

    Lúc đầu, mới thấy chuyện lạ lùng, Mành Mành hoảng hốt chưa biết cứu cấp ra làm sao. Cô gọi Manh Manh. Manh Manh bận bồ đồ ngủ chạy vội tới. Cô sợ hãi, đứng như đinh đóng chỗ bậc cửa ra vào.

    – Lẹ đi, nhào vô đỡ dùm một tay con khỉ. Tao đi lấy thuốc. Tiêu đời rồi.

    Hai chị em đặt Khôi nằm trên giường, bên cạnh Kỷ vật. Em bé dị dạng lúc này đã thức giấc. Em nhìn quanh một cách khó khăn.

    Mành Mành nhặt vội cái xắc vải của Khôi, đặt dưới ánh đèn bàn lục tìm, thuốc uống anh mang theo phòng ngừa. Manh Manh ôm người Khôi, tay cô đỡ chỗ cần cổ để Mành Mành bỏ mấy viên thuốc, chẳng biết là thuốc gì, móc trong túi rết ra, là bỏ vào miệng Khôi. Cho anh uống nước, dùng khăn lau nước miếng thều thùa, vài lời nói mềm mại an ủi. Hai chị em đặt anh lại vị trí giữa giường, nằm yên ổn.

    Một lúc, Khôi cố gượng dậy, anh chỉ tay về phía Kỷ vật, ngầm muốn ẵm con. Mành Mành bảo anh nằm yên. Nàng bế đứa con dị dạng đặt úp lên ngực của Khôi. Anh lim dim mắt.

    Bóng tối không giúp ích được gì. Ánh sáng càng vô dụng. Ngày lên, mặt trời bảnh bao phần mặt trời. Mớ nắng tươi rói. Có ai ngợi ca, “Bình minh đã sáng ngời…”. Khôi vẫn nhắm nằm yên, như đang bất tỉnh, như đang mơ một giấc mơ dài.


  • Cung Tích Biền
    Xóm Gà Gia Định, tháng Tư, 2015.



    Nguồn:https://sangtao.org


              
Trả lời

Quay về “của người”