Trần mộng Tú

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Trần mộng Tú

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Rừng U Minh
    _______________________
    Trần mộng Tú - 04/2018

              
    Gửi thi sĩ Nguyễn Tiến Cung và ca sĩ Khánh Ly

              




    Cơn mưa tháng Tư mang theo những cánh hoa đào bay lả tả, lòng tôi cũng bay lả tả, đây là thời điểm lòng tôi chùng xuống như cái lưới nhện mong manh, bị ai đó ném vào một vật gì, cái mạng không đứt hẳn, nó chũng xuống, rồi lại bật lên. Tôi lao đao cả phận đời mình theo nó.

    Khi tháng Tư về tôi nhận được từ các bạn rất nhiều những hình ảnh, thơ văn, nhạc, về cuộc chiến, về quê hương nước Việt. Mỗi bài gửi vào lòng người di tản một nỗi đau khác nhau, với tôi, những câu hát Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ U Minh của Nguyễn Tiến Cung (*) chúng ở lại trong tôi lâu nhất, tôi nhớ và hay hát một mình trong những ngày “một mình đi dưới mưa.” (Tôi không biết có bao nhiêu người bạn của tôi biết về bài thơ này)
              
    • Ta không thấy em từ bấy lâu nay
      Mùa mưa làm rừng đước dâng đầy
      Trên cao gió hát mây như tóc
      Tràm đứng như em một dáng gầy

              
    Bài thơ này được phổ nhạc và với giọng hát của Khánh Ly đã làm tôi mỗi lần nghe là một lần ứa nước mắt. Khánh Ly có giọng hát của một người kể chuyện, khi Khánh Ly hát một bản nhạc tình thì nghe như cô kể chuyện tình yêu của cô hay của bạn hữu. Khi cô hát một bài có tiếng đại bác, có hỏa châu thì đúng là cô kể chuyện chiến tranh. Nhưng riêng bài Rừng U Minh này, không hề có tiếng súng, tiếng đạn (có chăng chỉ là tiếng đạn nổ lùng bùng trong cái nòng ướt,) không một ai chết cả, cũng không có cả hỏa châu, khăn tang, máu và nước mắt nhưng bài hát được cất lên, ta được nghe cả tác giả và ca sĩ cùng kể chuyện chiến tranh. Cả hai kể chậm rãi, bình thản nhưng người nghe thấy xót xa, cảm nhận được cái buồn, cái bất lực của một cuộc chiến và thương cho những con người đang mắc trong cái chuyện kể rất buồn này.

    Người lính kể chuyện chiến tranh chỉ quẩn quanh về tiếng đạn nổ lùng bùng trong nòng súng ướt, anh than cái quần trây-di (treillis) của anh bị nhuộm vàng vì nước phèn, anh kể lể về những con rạch, những giòng sông anh đi qua, để lại xót xa, nhưng anh không nói rõ cái xót xa từ đâu đưa tới.

    Anh nói về mùa mưa làm nước dưng lên ướt ngập cánh rừng tràm anh đi qua. Anh nói về những cơn gió và đám mây như tóc của một người con gái, những cây tràm gầy gầy như em, chữ em anh thốt lên cho ta biết anh có một người yêu và anh đã không được gặp người yêu trước khi anh đi, rồi anh tự an ủi mình, đừng nhớ nữa về một tình yêu đã xa.
              
    • Ta không thấy em một lần đi
      Nước phèn vàng nhuộm quần trây-di
      Đạn nổ lùng bùng trong nòng ướt
      Tình đã xa rồi thôi nhớ chi

              
    Anh viết những dòng về chuyện chiến tranh nhưng không có hình ảnh chiến tranh, không nghe tiếng khóc, cái vết thương chiến tranh của anh nó lạnh lùng, tàn nhẫn một cách kín đáo. Nó xóa mất những thành phố ồn ào, nó lấy hết sinh lực tuổi trẻ. Cuộc chiến già nua hay chính anh già nua theo cuộc chiến.
              
    • Mỗi con lạch là mỗi xót xa
      Mỗi giòng sông là mỗi tuổi già
      Thành phố đâu đây hình mất dạng
      Cuộc chiến già nua theo tiếng ca…

              
    Và Khánh Ly đã rời rã, tiếng một, kể chuyện chiến tranh anh ghi chép đó. Chuyện chiến tranh không hề có bom rơi, lửa cháy, mà nó chỉ lạnh lùng xóa đi những thành phố.

    Bây giờ anh ở đâu sau 43 năm?
    Cuộc chiến không còn già nua nữa, nó đã chết hẳn, nó đã chôn theo bao nhiêu khẩu súng, bao nhiêu bộ quần áo treillis nhuộm phèn mục nát. Người con gái gầy gầy như cây tràm, người lính trẻ buồn bã đó, cả hai còn sống hay đã chết. Tôi mong là anh đã chết, như thế thì đỡ đau đớn cho anh hơn vì nếu sống sót cái “rừng U Minh ngập nước những ngày mưa” đó không bao giờ ra khỏi anh được. Cái thành phố mà anh nghĩ là mất hình mất dạng đó thì nó vẫn còn, nhưng đã thay xương đổi thịt, anh sẽ chẳng thể nào nhận diện ra và người con gái ngày đó của anh bây giờ cũng bằng cách này hay cách khác không còn hiện hữu nữa. Chiến tranh đã đốn ngã cả những gốc tràm gầy và đẹp nhất.

    Nếu bằng một phép lạ nào đó anh hãy còn sống, xin anh hãy quên đi, quên tất cả đi.






    Trần Mộng Tú
    Tháng 4/2018

    (*) Thơ U Minh - Nguyễn Tiến Cung trong Thơ Miền Nam Thời Chiến


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Rừng U Minh Ta Không Thấy Em
    ________________
    Nguyễn Tiến Cung


    • Ta không thấy em từ bấy lâu nay
      Mùa mưa làm rừng đước dâng đầy
      Trên cao gió hát mây như tóc
      Tràm đứng như em một dáng gầy


      Ta không thấy em một lần đi
      Nước phèn vàng nhuộm quần trây-di
      Đạn nổ lùng bùng trong nòng ướt
      Tình đã xa rồi thôi nhớ chi


      Mỗi con lạch là mỗi xót xa
      Mỗi giòng sông là mỗi tuổi già
      Thành phố đâu đây hình mất dạng
      Cuộc chiến già nua theo tiếng ca...
              



              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Ở rừng U Minh
    ta không thấy em

    _________________________
    thơ: Nguyễn Tiến Cung - nhạc: Phạm Duy
              












              
    _____________________________________

    Không biết Trần mộng Tú nghe phiên bản nào của Khánh Ly?
    Chứ phiên bản mà tôi nghe trên Net thì KL không hay bằng Duy Quang,
    và anh Nguyễn phúc Huy lại truyền cảm hơn Duy Quang cho dù không đúng hẳn những nốt của Phạm Duy ... :flwrhrts:

              

    Khánh Ly



    Duy Quang



    Nguyễn phúc Huy
              

              
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Ngoc Han »

Anh Hoàng Vân
Nghe bài nhạc phổ thơ của PD, như thấy lại hình ảnh rừng U Minh ngày nào, trước 1975, có dịp đến cũng như sau 75. Rừng tràm, rừng đước và nước hai màu, sông Trẹm (màu nâu và xanh đọt chuối muà mưa) khi muà mưa về thì " buồn não nuột "..... :sad3:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           



    :flower: .. anh Hân ...

              


              


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Chén Nước Mắm và Bao Vải Bột Mì




    LTS. Bài này của tác giả Trần Mộng Tú đã được đăng trên DĐTK ngày 17 tháng Năm, 2014. Hôm nay chúng tôi quyết định đăng lại vì vấn đề nước mắm đang lên cơn sốt tại Việt Nam. Bài viết sẽ góp thêm một mảng tình cảm của một người Việt Nam với nước mắm, là một thứ thực phẩm lâu đời mà ông bà tổ tiên chúng ta vẫn dùng, và người Việt Nam vẫn sản xuất cho tới tận ngày nay. Và “ngày nay”, với những gì đang xảy ra tại Việt Nam, nó đang có nguy cơ bị xóa sổ.







    Sang Mỹ cả gần bốn mươi năm rồi, thế mà mỗi lần dọn cơm lên bàn cho chồng con tôi vẫn lúng túng với chén nước mắm. Hôm nay có cần không? Bao giờ nhìn bữa ăn dọn ra, cũng chần chừ giữa có và không một phút. Cuối cùng thế nào cũng phải rót một chút nước mắm vào cái chén nhỏ, đặt giữa bàn. Có khi suốt bữa ăn không ai chấm vào, nhưng không có nó, hình như bữa ăn chưa gọi được là hoàn tất. Dù sau này các con đã ra riêng, chỉ có hai vợ chồng, đã bỏ thói quen ăn mặn, thế mà chén nước mắm vẫn luôn luôn hiện diện trong bữa ăn.

    Thập niên đầu, khi các con còn nhỏ chưa dùng nước mắm chấm trong bữa ăn thì tôi còn cha mẹ. Cha mẹ ăn cơm bao giờ cũng có chén nước mắm, chanh, ớt để bên cạnh như một thói quen, một điều ắt có như cái bát, đôi đũa vậy. Dù bất cứ hôm đó ăn món gì, có cần đến nước mắm chấm hay không?

    Rót chút nước mắm ra cái chén nhỏ, mùi thơm mằn mặn bốc lên, như ngửi thấy cả quê nhà, sao mà nó gợi tình, gợi cảnh thế, nó Việt Nam quá đỗi. Không có chén nước mắm, bữa ăn không gọi là đầy đủ được và lại càng không phải bữa ăn của một gia đình Việt Nam. Đĩa thịt, đĩa cá, bát canh, đĩa xào, bầy đầy bàn. Nhìn đi, nhìn lại, vẫn như thiêu thiếu một cái gì? À, thì ra thiếu chén nước mắm. Thế là chưa ngồi xuống ghế được.

    Ai đó cất tiếng:

    Chưa có nước mắm.

    Hôm nay, có món nào cần chấm đâu.

    Sao lại không, cứ mang nước mắm ra đây, thế nào cũng cần đến.

    Thế là người đi tìm chén rót nước mắm, người đi kiếm chanh ớt đem ra. Chưa có chén nước mắm, bữa ăn chưa bắt đầu. Chén nước mắm sao mà quan trọng thế!

    Trong những truyện viết về quê nhà nghèo khổ, bao giờ mâm cơm nhà nghèo, không có thịt cá gì, cũng được tả bằng chén nước mắm để cạnh đĩa rau cho cả nhà cùng chấm vào ăn với cơm hẩm. Chén nước mắm là phần bổ dưỡng nhất cho cả nhà vì nó có chất đạm từ cá. Nó giúp cho miếng rau trở nên đậm đà để miếng cơm hẩm dễ ăn hơn.

    Chén nước mắm đó nhiều khi được chắt ra từ một cái tĩnh nước mắm đặt ở trong bếp, hay ngoài mái hiên nhà. Tĩnh nước mắm mẹ làm bằng những con cá cha đánh lưới đem về. Những con cá nhỏ sót lại sau khi đã lựa những con cá lớn mang ra chợ bán để mua gạo, mua vải may quần áo, mua thuốc đề phòng ốm đau.

    Đôi khi chén nước mắm đó là chén cuối cùng làm ra từ những con cá cha đem về. Vì lần đi biển vừa qua cha đã không trở lại bờ nữa. Cả nhà chấm chung chén nước mắm đó thì làm sao mà quên được. Nếu một người nào đó trong gia đình, thoát được cảnh cơ hàn, có đời sống khá giả hơn, ăn những món ngon hơn, chắc đôi khi hồi tưởng lại, khó lòng mà quên được cái chén nước mắm ngày xa xưa đó. Những giọt nước mắm thơm và mặn như những giọt lệ.

    Sống đời văn minh, phú quý nên sinh lễ nghĩa. Bây giờ trong gia đình ăn cơm chung với nhau, rất nhiều nhà không còn chấm chung một chén nước mắm nữa. Không biết từ bao giờ, người ta nhiễm thói quen, chén nước mắm của ai người đó chấm, chấm chung không lịch sự, không vệ sinh dù là giữa những người trong một gia đình.

    Từ chỗ riêng tư này chén nước mắm thành ra lạc lõng, nó không được đặt ở giữa bữa ăn nữa, nó mất hẳn cái địa vị quan trọng cho bữa ăn của cả gia đình. Chấm chung một chén nước mắm mới thấy cái ấm cúng, cái tình chia sẻ trong bữa ăn.

    Chỉ có mâm cơm của người Việt mới có chén nước mắm. Nói không ngoa, chén nước mắm nhất định góp phần làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.

    Từ chuyện ăn sang đến chuyện ngủ. Tôi nhớ ở quê nhà, anh, chị, em, trai gái, lên bốn, lên năm thường được ngủ chung với nhau, có khi đến bảy, tám tuổi vẫn ngủ chung giường. Gia đình khá giả một chút thì có phòng riêng cho con trai, con gái, nhưng vẫn không có chuyện mỗi người một giường. Với gia đình nghèo, khi còn bé, anh chị em đều nằm chung giường không phân biệt trai gái. Nghèo hơn nữa thì cả cha mẹ và con cái nằm chen chúc ngủ với nhau trên một cái giường trong gian nhà một phòng. Mùa hè quạt cho nhau, mùa đông ủ hơi ấm cho nhau. Chuyện ngủ như thế thì chuyện ăn, chấm chung một chén nước mắm là lẽ đương nhiên.

    Những cô cậu của thời chấm chung chén nước mắm, anh chị em nằm chung một giường này, khi đi xa họ có bao nhiêu điều để nhớ. Nhớ lúc ăn thì phải nhường từ miếng cơm, phải nhịn từ giọt nước chấm. Lúc ngủ chị co người lại nhường chỗ cho em nằm, anh chịu lạnh nhường chăn cho em đắp. Kỷ niệm mặn và ngọt ùa vào đời sống, theo họ mỗi ngày, nhắc họ bổn phận phải bù ngang, đắp dọc, sống sao cho đời sống có ý nghĩa hơn.

    Chuyển sang đời sống Âu Mỹ hiện tại, mỗi người phải có một phòng riêng. Nhất là trẻ em, trai và gái, chúng không phải chung phòng. Ngay cả những người xin hưởng trợ cấp nhà cửa, nhà nước cũng xếp cho một căn nhà có đủ phòng cho các em khác phái tính. Các em được học từ nhỏ: Cái này là của tôi, không phải chia với ai cả. Sự riêng tư phải được tôn trọng.

    Căn buồng nhỏ của cậu bé hay cô bé là chỗ riêng tư, không ai có quyền được bước vào. Muốn vào, phải gõ cửa, phải xin phép mới được vào. Vào rồi, cũng không được nhìn với cặp mắt kiểm soát. Ngay cả bố mẹ chỉ làm việc này khi con không có mặt ở đó. Khi ăn thì miếng ăn nào đã chạm tay vào là phải cầm lên, không được đặt xuống, miếng nào đã bỏ vào đĩa mình không gắp sang đĩa người khác dù thân đến đâu.

    Ăn riêng, ngủ riêng, mỗi con người trưởng thành có một ốc đảo cho riêng mình.

    Có buồn không nhỉ? Có người cho rằng, như thế là dậy đứa trẻ đời sống văn minh, kỷ luật và tự lập. Nhưng đôi khi, sự ích kỷ cũng đi theo nó.

    Chẳng biết ở những vùng thôn quê Âu Mỹ, người ta sống thế nào nhỉ. Có cái gì chung đụng mỗi ngày để làm hành trang nhét vào túi trên đường tha hương không? Khi trưởng thành nơi xa lạ, có gì để nhớ?

    Có chứ, chồng tôi lớn lên ở nông trại Mỹ, thuộc vùng Dillon bang Montana (1949-1957). Anh kể cho tôi nghe về chuyện đi học. Từ lớp một đến lớp năm học trong một phòng học (One-room school). Mấy nông trại liền nhau chỉ có một cô giáo. Học trò nào may mắn ở trong nông trại có lớp đó tọa lạc thì không phải đi xa, còn những trò ở nông trại khác cũng phải dậy từ sáng tinh mơ để đến trường, học mấy tiếng và khi về thì trời cũng sắp sang chiều. Khi các con lớn lên, nhiều gia đình gửi con ra tỉnh học, hoặc bán trại đi như trường hợp gia đình chồng tôi, vì họ biết là họ sẽ có việc làm ở tỉnh (Mẹ chồng tôi là Trung Úy Y Tá thời Đệ Nhị Thế Chiến).

    Những thầy hay cô dạy ở “Một phòng học cho cả trường” đó chắc chắn sẽ được học trò của mình nhớ đến khi họ đi xa, họ đã trưởng thành.

    Có khác gì lắm đâu với những lớp học của Thầy Đồ ngày trước ở quê nhà Việt Nam.

    Thời Suy Thoái Kinh Tế Thế Giới (Great Depression 1929-1939) những bà mẹ Mỹ ở nông trại đã biết truyền tay nhau những công thức nấu ăn không có muối, làm bánh rất ít đường. Biết mỗi chủ nhật, mọi người mang thức ăn đến nhà thờ ăn chung với nhau để người có nhiều hơn chén đường, muỗng muối chia sẻ cho người không có chút muối, đường nào (do đó có chữ pot luck).

    Những bà mẹ Hoa Kỳ khôn ngoan còn biết dùng bao bột mì, bao thực phẩm gia súc may quần áo cho con mặc đi học. Họ nói người chồng nông phu của mình đòi hỏi nơi bán bột mì, bán thực phẩm cho gia súc phải in hoa vào bao thì họ mới mua. (Nên những xưởng bán thực phẩm đã cho in hoa vào những bao vải). Tiền bạc vào thời kỳ khủng hoảng đó rất khó khăn nên công thương, nông nghiệp phải nhượng bộ với nhau.

    Trong cái trường chỉ có một phòng học đó có rất nhiều em thấy mình mặc quần áo giống bạn (dù không phải là đồng phục) nên các em hiểu thế nào là cùng chung sự thiếu thốn.

    Hóa ra ở đâu những nông gia, những người nghèo cũng có những nét đáng yêu trong đời sống khổ cực.

    Đôi lúc làm vườn, nhớ đến quê nhà tôi hay nghêu nghao câu hát: Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói/ Có những cánh đồng cát dài/ Có luỹ tre còm tả tơi/ Ruộng khô có nhưng ông già rách vai/ Cuốc đất bên đàn trẻ gầy/ Có người bừa thay trâu cày/ Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói/ Những mái tranh buồn nhớ người/ Xơ xác điêu tàn vì ai/ Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai/ Có tiếng o nghèo thở dài/ Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi. (Quê nghèo- Phạm Duy)

    Đôi lúc tôi nghe chồng tôi kể chuyện nông trại ở quê nhà, ngày còn trẻ, tôi cũng nhớ đến câu hát của anh học trò nghèo: When I was just a youngster and hardly in my teens/ I went to school on many a day with my faded old blue jeans/ The patches they were many the seat was all thread bare/ But a poor girl didn’t notice and a poor boy didn’t care. (Life of a poor boy- E.C McCarty)

    Từ chén nước mắm trong mâm cơm Việt Nam đến những chiếc áo may bằng bao bột mì trong nông trại Mỹ là một chặng đường thật xa nhưng cho tôi nhìn thấy cái đẹp của sự chung đụng chia sẻ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhất là cái chung trong hoàn cảnh túng nghèo. Cái đẹp đó đi vào văn chương và âm nhạc rung động mình suốt cả một đời.

    Trần mộng Tú

    Tháng 5/2014


    Nguồn:https://www.diendantheky.net



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Bàn Tay Mới




    Hình minh hoạ, Hulton Archive/Getty Images



    Tôi sinh ra trong một gia đình lao động ở một tỉnh nhỏ. Cha tôi là một thợ mộc rất khéo tay, ông được thuê mỗi khi thành phố cần một món đồ gỗ trưng bày ở các công viên, hay các cửa tiệm tư nhân cần làm đẹp cho mặt tiền. Ông đóng được cả giường tủ theo đơn đặt hàng riêng của khách hàng. Bất cứ việc gì liên quan đến gỗ, ông cũng làm tuyệt đẹp.

    Năm tôi mười hai tuổi cha tôi muốn truyền nghề cho tôi, nhưng tôi chẳng bao giờ muốn lớn lên thành một người thợ mộc. Ngay từ nhỏ, tôi đã muốn trở thành một người chơi dương cầm giỏi như bà Sơ ở nhà thờ. Cha tôi nói, nhà đông con, ông không có khả năng tài chánh để cho tôi học một cái nghề phù phiếm đó. Chơi dương cầm không thể kiếm sống được, chưa kể là liệu tôi có khả năng xuất sắc hay không.

    Mặc dù không vui, tôi cũng miễn cưỡng đứng học, khi cha tôi trạm trổ những con gấu, con hổ vào những thân cây to cho những công viên thành phố. Mới đầu tôi làm thợ phụ cho cha tôi sai vặt, rồi dần dần cha dậy tôi trạm những cái cành, cái lá nhỏ dưới chân con vật, dậy tôi đóng những góc giường, góc tủ. Tôi học khá nhanh, chăm chỉ và bắt đầu thấy yêu nghề. Cũng có người thuê tôi làm những món đồ chơi nho nhỏ bằng gỗ cho trẻ con. Nhưng thành thật nói, tôi không được khéo bằng cha tôi, dù bấy giờ thị giác của cha tôi kém nhiều. Nhưng những vết cắt của ông vẫn ngọt ngào, những cái đinh ông đóng xuống vẫn rất thẳng, và nhất là ông chọn gỗ cho từng vật dụng vẫn rất chính xác.


    Nhưng thời gian thay đổi được mọi việc trong đời. Tôi lớn dần và cha tôi già đi. Tôi bắt đầu thay thế cha tôi. Cha tôi trong những năm cuối đời, ông chỉ đi nhận việc, định giá cho tôi.

    Rồi một mùa đông cha tôi mất đi. Người trong tỉnh mỗi khi có việc mộc cần làm, họ gọi tôi là Little Joe, để thay cho (và nhớ đến) cha tôi là Big Joe. Họ nhận thấy, bây giờ tôi đã hoàn toàn thay thế được cha tôi.

    Năm đó tôi ba mươi tuổi, bằng cái tuổi khi cha tôi nổi tiếng. Tôi đã vào được địa vị của cha tôi lúc đó: “Một người thợ mộc khéo nhất tỉnh”, thì một tai nạn xẩy đến.

    Trang nhất của tờ báo địa phương Helena-Montana vừa đăng một tin gây xúc động và sửng sốt trong cộng đồng:

    Người thợ mộc xuất sắc của chúng ta: Little Joe, sau ba năm bị tai nạn cưa máy cắt đứt bàn tay phải, đã được ráp tay mới ngày hôm qua.

    Sau 14 tiếng giải phẫu của 20 bác sĩ. Các bác sĩ đã phải ghép 2 xương, 23 dây chằng, 2 động mạch, 4 mạch máu và ít nhất 3 dây thần kinh. (*)

    Sau sáu tháng được hướng dẫn bởi một chuyên viên về vật lý trị liệu (Therapist) bàn tay được ráp của tôi đã làm việc bình thường. Những ngón tay đã không còn một trở ngại nào khi tôi nhặt, nắm, cầm lên, bỏ xuống một vật gì. Tôi bắt đầu trở lại công việc của người thợ mộc. Người ta lại gõ cửa nhà tôi đến đặt bàn, ghế. Nhiều nhất là trạm trổ súc vật trên những khúc cây để trưng bầy, đồ chơi với những hình súc vật cho trẻ em, là sở trường của tôi.

    Tôi mang những miếng gỗ ra, bắt đầu làm việc. Bàn tay mới của tôi cầm lên, bỏ xuống rất dễ dàng. Nhưng khi tôi bắt đầu uốn lượn khúc gỗ để làm một góc cạnh đẹp thì bàn tay bắt đầu có phản ứng, hình như những ngón tay, dao bào và khúc gỗ không cộng tác với nhau. Những ngón tay cưỡng lại khi tiếng búa chạm vào con dao, khi con dao chạm vào miếng gỗ vang lên. Tôi không thể trạm khắc tỉ mỉ hay làm những góc cạnh gì vào gỗ được. Tất cả, tôi chỉ có thể cầm gỗ lên, đưa vào cưa máy, cắt thành khúc.

    Tôi hoàn toàn thất vọng, phải tạm ngưng nhận đặt hàng, báo cho các khách hàng biết là tôi chưa sẵn sàng.

    Tôi đóng cửa, nhốt mình trong gian nhà kho, cả ngày tập trạm và đục lên gỗ như cách đây hơn hai mươi năm trước cha tôi bắt đầu dậy bảo tôi. Cái đầu và bàn tay phải của tôi luôn luôn không hợp tác với nhau. Những ngón tay của tôi khi chạm vào gỗ không có búa và đục nó rất mềm mại, tôi có thể lướt trên mặt gỗ như người ta chơi đàn. Nhưng khi tôi cầm búa, cầm đục, chạm vào gỗ thì những ngón tay cứng đơ ra làm rơi đồ nghề xuống đất.

    Sự thất bại này kéo dài cả tuần, rồi cả tháng. Tôi mất hết kiên nhẫn. Có những đêm, tôi thức dậy trong bóng tối, tay trái sờ soạng, cầm sang tay phải của mình. Chao ôi! Một bàn tay rất mềm mại, ấm áp. Tôi hỏi nho nhỏ: Sao không chịu hợp tác với tôi? Bàn tay rung nhẹ lên, rồi lại im lặng, mềm mại, ấm áp. Tôi thấy nước mắt mình rơi trên lưng bàn tay vừa thân thiện vừa xa lạ đó.

    Tôi liên lạc với bệnh viện, nơi tôi được ráp tay, liên lạc với cơ quan cung cấp nội tạng, ngoại tạng. Khó khăn lắm! Theo luật, người ta không cho tôi biết tiểu sử của người qua đời đã hiến tặng. Nhưng với tất cả cố gắng, cuối cùng tôi chỉ được biết một điều. Bàn tay tôi nhận được là của một Dương Cầm Thủ.

    Chao ôi! Sao tôi nỡ bắt những ngón tay đặt trên phím ngà kia đi cầm búa, cầm đục. Sao tôi nỡ thay tiếng nhạc thánh thót bằng tiếng kim loại đập vào nhau của búa và đục.

    Trước cửa nhà Little Joe, một tấm bảng được treo lên: “Kể từ hôm nay, tôi không nhận đặt hàng nữa.”

    Nghe nói, Little Joe bắt đầu đi học dương cầm.


    Trần Mộng Tú

    7/7/2015

    (*) Sáng tác lấy ý từ chuyện thật của: Emily Fennell mất bàn tay phải trong tai nạn xe hơi năm 2006. Được ráp tay mới năm 2011. Emily bắt đầu đi Tour thuyết trình về bàn tay mình vào tháng 6/2015.

    Nguồn:https://www.diendantheky.net


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Bình Thủy 1969





    Buổi tối của một ngày đầu tháng 8 năm 1969, khi tôi đang ngồi xem những tấm ảnh mầu đám cưới gửi từ Mỹ về, xắp xếp để làm một cuốn album, thì nghe tiếng chuông cửa. Tôi ra mở cửa, hết sức ngạc nhiên khi thấy Carl và anh Huân là hai người ở Sở trước mặt. Anh Huân làm phòng tối, phụ trách về rửa phim, in hình và Carl vừa là phóng viên vừa là nhiếp ảnh viên. Cả hai người này chẳng bao giờ đến nhà tôi vào giờ này, càng chắc chắn là không phải gọi tôi đi làm. Tôi lúc đó làm thư ký cho hãng Thông Tấn The Associated Press, công việc của tôi là lo tất cả những việc linh tinh cho hãng: Từ phát lương cho nhân viên, giữ sổ chi thu, mua bán hình ảnh, thư ký cho ông chánh văn phòng, đi nghe họp báo bỏ túi, v.v. Những việc này không bao giờ phải làm cuối tuần, cũng như không bao giờ làm ca đêm.

    Cả hai người bước vào buồng khách, cả hai nhìn tôi, rồi cả hai nhìn nhau, không ai muốn là mình nói trước. Tôi linh tính có điều không tốt, nhưng không hiểu chuyện gì. Cuối cùng Carl nói:

    “Sở nhận được điện thoại từ Rạch Giá gọi về chiều nay, nói là Cung, chồng của cô đã tử trận.”

    Tôi đứng ngẩn người, nhìn lại cả hai, không nói được tiếng nào, Carl nói tiếp:

    “Suốt từ chiều, chúng tôi liên lạc được với Rạch Giá (Kiên Giang), xác định tin rõ ràng, có gọi điện thoại nói chuyện với bà giám thị của đại học xá Trần Quý Cáp, mẹ Cung, cụ cũng nhận được tin rồi.”

    Tôi ngồi xuống hai gót chân mình, không nghe được gì tiếp, ngoài tiếng xôn xao của cha, mẹ và gia đình.

    Chúng tôi mới cưới nhau sau lễ Phục Sinh vào tháng Tư, Cung tử trận 30 tháng 7, năm 1969. Cung không phải là quân nhân chính gốc, anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, ban Pháp Văn và đã đi dậy được 1 năm, anh bị gọi trong chương trình Tổng Động Viên. Khi nhận giấy báo phải nhập ngũ, anh đến xin cha mẹ tôi cho làm hôn thú, vì sợ sau này sẽ khó khăn khi ở quân đội. Trên giấy tờ, tôi có chồng từ tháng 6-1968. Lúc làm đám hỏi chú rể tương lai không có mặt (đang đóng ở chi-khu Trà Bồng) chỉ có mẹ chồng mang trầu cau sang. Nghĩ cũng tủi thân, nhưng thời chiến mà, làm sao được.

    Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung được biệt phái về dậy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.

    *


    Chiếc máy bay vận tải Mỹ đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ. Người phi công phụ quay xuống nói với anh trai của Cung và tôi, đang ngồi cạnh chiếc quan tài.

    “Chúng tôi rất tiếc là phải thả hai người và quan tài xuống đây, vì đây là máy bay quân đội Mỹ chở dầu, chúng tôi chỉ đi tới Cần Thơ chứ không về đến Sàigòn.”

    Đuôi máy bay mở ra, một chiếc forklift tiến đến trục quan tài ra khỏi máy bay để giữa lòng phi đạo. Anh chồng tôi dặn:

    “Em đứng đây, anh vào gặp ông xếp của phi trường này may ra được giúp đỡ.”

    Buổi trưa tháng Tám, mặt trời tóe những chùm nắng rát bỏng, chói chang trên sân bay, cái sân bay rộng lớn chổng chơ một chiếc áo quan có phủ sộc sệch lá quốc kỳ, mấy giọt nến đóng thành mảng khô cứng trắng đục trên màu vàng của lá cờ, một vài chiếc lá quăn queo sót lại của vòng hoa chiều qua còn dính ở đó. Tôi tự thấy mình bé nhỏ, mỏng manh trong chiếc áo dài màu xanh nhạt, áo nhầu nát, tóc bơ phờ, mặt ngơ ngác đứng nhìn chung quanh mình. Cái sân bay trông sao mông mênh thế mà cái áo quan thì bé tí, tôi đứng bên cạnh trông lại càng bé hơn. Sân bay không một bóng người, vài ba chiếc máy bay quân sự đậu rải rác bên cạnh những phuy dầu chưa kịp xếp vào kho. Hình như đã có mùi hôi bốc ra từ áo quan, tôi đứng lui ra một tí nữa, xoa tay lên ngực, thấy mình nghẹn thở, ngực nặng và đau buốt, đau thấu xuống tận bụng, tôi muốn ngất đi.

    Hai ngày, một đêm ở Kiên Giang đã làm tôi đuối sức. Tôi có làm gì đâu. Tôi chỉ không ăn, không ngủ, không khóc, không cả vệ sinh. Chắc trong người tôi không còn nước. Bà mẹ chồng một bên, ông anh chồng một bên, họ đổ sữa ông Thọ cho tôi. Bà mẹ chồng tôi thật giỏi, bà có kinh nghiệm với chiến tranh, kinh nghiệm với chết chóc, nên đi đón xác con mà bà còn nhớ đem theo hộp sữa ông Thọ cho cô con dâu tiểu thư, cô con dâu còn mới như vuông lụa chưa thêu.

    “Con uống đi. Con mà gục xuống đây nữa thì mẹ biết nói làm sao với cha mẹ con.”

    Tôi không uống được, cái mùi tử khí trưa nay của mấy chục cái xác xếp chất lớp trước cửa nhà xác vẫn ràn rụa trong thân thể tôi. Nó phủ chụp từ đỉnh đầu xuống hai bàn chân, khi tôi len lỏi bước qua những xác lính bên ngoài để vào bên trong chỗ người ta để xác sĩ quan. Tôi đã phải bước qua từng cái túi có bọc thây người ở trong, có cái thòi hai bàn chân còn nguyên đôi giày saut ra một đầu, có cái thì lòi ra ở đầu kia một đỉnh tóc bết đất, có cái thòi nguyên một khuôn mặt tái mét vàng khè có mấy con ruồi đậu trên đôi mắt chưa khép kín hẳn. Tôi đi theo bàn tay dắt của người anh chồng, xúc động và kinh hoàng đã làm tôi không còn cảm giác nữa. Không biết tôi có dẫm phải ai không. Tôi cố gắng không dẫm lên những người đàn ông nằm đây. Vào được đến bên trong thì tôi có nhìn thấy gì đâu. Tôi chỉ nghe tiếng bật khóc của mẹ chồng, tiếng anh chồng bảo “Đúng là Cung rồi.”

    Tôi thấy hình như tôi được bế lên, được đặt ngồi xuống một cái bậc thềm, gió ở sông thổi vào mặt tôi, giúp tôi tỉnh lại, tôi mở mắt ra, nhìn xuống. Tôi thấy một giòng nước đục chẩy lờ đờ bên dưới. Thì ra nhà xác của bệnh viện Kiên Giang nằm sát cạnh bờ sông. Tôi không dám nhìn vào những người đàn bà đang đi lật từng cái poncho quấn thây người để tìm chồng, tìm con họ trước cửa nhà xác. Tôi thấy tôi còn may mắn hơn họ.

    Người ta đem xác Cung về trại gia binh tiểu khu để làm lễ. Tôi được bầy đứng cạnh áo quan cho ông Phó Tỉnh Trưởng đọc diễn văn, trong khi ông đọc thì tôi đứng nhìn mấy cây nến chẩy, nhìn vòng hoa đã bắt đầu héo, có cả chén cơm đã khô và quả trứng luộc có mấy con ruồi bay lên bay xuống, tàn nhang rơi phủ đầy trên đó. Ông Phó Tỉnh đọc diễn văn xong, hấp tấp ra về. Chắc ông hơi thất vọng vì không thấy tôi khóc để có dịp nói lời an ủi. Mấy người vợ lính trong trại gia binh, chạy sang thăm hỏi, mấy đứa nhỏ con lính chạy loanh quanh áo quan với mấy con chó gầy trơ xương, trụi cả lông, cái áo chúng mặc ngắn cũn, bụng ỏng ra ngoài, mũi thò lò cũng chẳng chùi. Chúng tròn mắt nhìn mấy người Sài Gòn, mặt mũi có vẻ khang khác với nhưng người trong trại lính này. Có người cũng từ xa đến chưa tìm ra xác chồng, xác con đến hỏi han bà mẹ chồng tôi với con mắt nặng trĩu và gương mặt thất thần.

    Tôi đứng đó lơ mơ nghe lao xao những tiếng nói chồng lên nhau, mỗi người kể một cách, giống như ở nhà tôi mỗi khi đi xem một cuốn phim về, chị em tôi vẫn thường tranh nhau nói như thế. Hình như họ nói về trận đánh ngay ở xã Vĩnh Thanh Vân. Xã này, tôi không biết ở đâu nhưng chắc là rất gần. Họ nói đánh ba bốn hôm rồi, và vẫn còn đánh nên xác không kéo ra hết được, phải ngồi chờ thôi. Cứ ngồi chờ thế nào cũng gặp, họ bảo nhau.

    “Không thấy người thì thấy xác. Thế nào cũng gặp mà!”

    Người anh chồng thì thỉnh thoảng lại biến mất, không biết đi đâu, chắc là đi tìm cách đưa mọi người về nhà. Tôi thấy trong những người đi nhận xác chỉ có 3 người trong gia đình này ít khóc nhất. Bà mẹ chồng tôi thì vừa mếu máo vừa lo xin nước sôi pha sữa cho con dâu uống. Con bé này vốn đã gầy, hai hôm rồi nó chẳng ăn, chẳng nói gì làm bà phát hoảng, giá nó cứ khóc sướt mướt như mấy người vợ lính đang khóc ngoài kia thì bà lại đỡ lo. Không biết còn kẹt ở đây đến bao giờ? Bằng vốn liếng tiếng Pháp bà nói chuyện với một ông sĩ quan Mỹ cho bà quá giang máy bay quân sự về Sàigòn, rồi bà sẽ thuê máy bay dân sự xuống đây đón mấy đứa con. Bà giỏi lắm. Mấy chục năm trước, còn trẻ măng mà bà đã một mình thuê đò ở Nam Định đi tìm chồng. Chồng bà đang đêm được Việt Minh đập cửa mời đi, rồi cả tháng không thấy về. Ông được mời vì lúc đó ông có một ngôi trường nhỏ dậy học tiếng Pháp ở Nam Định. Bà đi đò, đi bộ cả bao nhiêu cây số, đến tận chỗ không ai dám bén mảng đến hỏi tin tức chồng. Họ bảo về đi, bắn chết rồi. Bà lại thuê đò về, tính ngày đi của chồng dùng làm ngày giỗ vì bà không biết ông bị xử bắn vào hôm nào. Mấy hôm sau bà bỏ nhà ở Nam Định, dắt ba thằng bé, đứa lớn nhất chưa quá 10 tuổi tìm đường ra Hà Nội. Đi làm, nuôi con ăn học. Rồi lại dắt con di cư vào Nam. Ai làm được gì thì bà cũng làm được như vậy. Bà cũng khóc chứ. Nhưng nước mắt thì vốn chóng khô vì nó không chảy hết ra một lúc, nó chảy rỉ rả ít một. Chảy suốt một đời. Cô con dâu bà mới cưới được có ba tháng, còn trẻ lắm, lại chưa có con, đi đón xác chồng lại có mẹ chồng, anh chồng bên cạnh. So với bà cô còn may mắn chán.

    Mà đúng thật, bà mẹ chồng tháo vát của tôi số khổ hơn con dâu. Bà xin lên được máy bay về trước các con một hôm thì cũng bị thả xuống phi trường Bình Thủy đêm hôm đó, máy bay không về đến Sài Gòn. Một cơn mưa tháng Tám bất chợt ập xuống làm bà ướt sũng, thất thểu tìm một nhà thờ vào xin ngủ qua đêm, bà không cần khóc nữa, trời đất khóc hộ bà rồi. Sáng hôm sau bà đi xe đò về Sàigòn. Trong khi đó thì các con của bà: Con sống, con chết cũng bị thả xuống chỗ mẹ ngày hôm qua, nhưng không phải buổi tối mưa sũng nước mà một buổi trưa đầy nắng.

    Cuối cùng thì cũng đưa được quan tài về Sài Gòn. Khi xuống đến phi trường Tân Sơn Nhất thì cả người và cảnh trông thật bắt mắt. Nếu có cần quay một cảnh phim cho chiến tranh thì hay quá. Cái quan tài cũng không cần phải trang trí cho ra vẻ tang thương hơn nữa. Lá cờ phủ trên nó nhầu nát, xộc xệch, cô đơn, đã đủ vẻ tang thương. Hai nhân vật thất thểu xác sơ đứng cạnh không cần phải hóa trang hay diễn xuất, họ đi đứng như người mất hồn, ngơ ngác, thất lạc, rơi ra từng mảnh như những người lính vừa bại trận trở về. Cứ dựng máy quay phim lên, quay họ như thế vào phim cũng tuyệt lắm rồi.

    Sau này tôi nghĩ lại vẫn tự hỏi. Tại sao lúc đó mà mình tỉnh khô như vậy, sao mình không phát rồ, phát điên, không đập đầu vào tường?

    Cả trăm câu hỏi cứ chạy lung tung trong đầu tôi bao nhiêu năm trời.

    Một chiếc xe nhà binh đón chở áo quan từ phi trường đến nhà xác bệnh viện Grall. Đã bảo bà mẹ chồng tôi là người tháo vát mà! Bà còn xin được miếng đất chôn Cung trong Mạc Đĩnh Chi để bà thăm viếng cho tiện, chứ lên tận Nghĩa Trang Quân Đội thì làm sao bà có thể đi thăm thường xuyên được.

    Họ cho Cung đi qua nhà, dừng lại cho Cung nhìn chỗ mình đã sống, đã lớn lên một lần chót. Chẳng biết ai là người nghĩ ra cái tục không được chết ở nhà thì phải ghé qua nhà trước khi ra đi hẳn mà hay thế! Tôi thấy những người lân cận và một vài người họ hàng đã đứng chờ sẵn trước cửa nhà. Ho nhìn tôi, nhìn quan tài như xem phim chiếu chậm, họ quen quá rồi cái cảnh này những năm gần đây. Tôi còn trẻ quá, họ nghĩ. Thế nào rồi cũng quên đi, cũng lại lấy chồng, chỉ tội cho bà mẹ anh ta.

    Họ nghĩ cũng chẳng sai mấy. Khi tôi bị đẩy ra khỏi nước, gia đình chồng cũng bỏ đi, chỉ có Cung là người ở lại. Cung cũng chẳng khác gì những người còn sống, cũng bị đuổi nhà, bị chiếm đoạt tài sản. Người anh họ ở lại tìm cho anh một nơi cư ngụ mới trong nhà thờ Tân Định.

    Tôi trôi mãi rồi cũng phải giạt vào một chỗ. Bảy năm sau tôi lấy chồng, sanh con, tôi sống bình thường như tất cả mọi người đàn bà khác trên một đất nước không có chiến tranh. Tôi cũng vui, cũng buồn với những thăng trầm của đời sống. Ở đời sống hàng ngày, tôi quên dần cái bất hạnh của tôi mấy mươi năm về trước. Nhưng tôi nhớ rất rõ ràng là cái bất hạnh đó nó có hiện diện trong kiếp người của mình. Thỉnh thoảng Cung vẫn về trong giấc mơ, dù suốt ngày hôm trước tôi không hề nghĩ đến. Cung về như còn sống hay về như đã chết thì khi tỉnh dậy, nước mắt tôi vẫn lặng lẽ trào ra trên gối. Tôi cố gắng không làm giao động người nằm bên cạnh đang ngon giấc. Buổi sáng, thức dậy, tôi thay áo gối, rồi lại thản nhiên bước vào đời sống trước mặt: Giặt giũ cho chồng, cơm bánh cho con.

    Thời gian cứ thản nhiên trôi, buồn và vui đầy ắp hai tay. Ngày trắng tóc rồi cũng đến.

    *


    Lần đầu tiên về thăm lại Việt Nam năm 1998, sau 23 năm, tôi đi tìm Cung ở nhà thờ Tân Định.

    Tôi đi len lỏi giữa những dẫy kệ, đọc từng cái tên, đi đến vần “T” là họ của Cung. Tôi nhìn thấy một cái hộc nhỏ, không có hình chỉ có ghi Họ, tên, ngày sinh, ngày mất. Tôi đứng lặng người, run rẩy chạm những ngón tay mình lên mặt chữ. Cái cảm giác chạm tay vào đầu áo quan của năm 1969 bỗng hiện ra dưới những ngón tay tôi. Một tiếng nấc đưa lên thanh quản, vỡ òa ra, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc. Nước mắt của bao nhiêu năm tụ lại một ngày, nước mắt của những ngày đi đón xác ở Kiên Giang khô lại bây giờ nứt ra như một mạch ngầm của suối bật lên trên mặt đất nứt nẻ. Tôi khuỵu chân ngồi xuống giữa lối đi của hai hàng kệ, khóc như chưa bao giờ được khóc.

    Chung quanh tôi vắng lặng. Tôi trầm mình vào nước mắt, vào bất hạnh, vào nỗi cô độc của mình. Cái hộc nhỏ đựng tro than bên trên đầu tôi vẫn thản nhiên, im lìm nhìn như trước khi tôi đến.


    Trần mộng Tú

    Bình Thuỷ, 30-07-1969
    Tân Định, tháng 11-1998



    Nguồn:https://hopluu.net



              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Một thời để yêu một thời để chết








    Chiến Tranh và Hòa Bình là hai mặt của tấm gương trên trái đất, trong thế giới loài người. Quốc gia nào cũng có thời kỳ đi chinh phục và có thời kỳ bị xâm chiếm. Cá nhân nào cũng có Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết

    Với tất cả vạn vật trên mặt đất đều có mùa của nó.


    • Dưới mặt trời mọi mục tiêu đều có riêng mùa
      Một thời để sinh ra và một thời để chết
      Một thời trồng trọt một thời gặt hái
      Một thời chém giết một thời chữa lành
      Một thời để thổn thức một thời để cười vang
      Một thời khóc than một thời nhẩy múa
      Một thời để ôm ấp một thời để buông tay
      Một thời để mất mát một thời để kiếm tìm
      Một thời để xé nát một thời khâu lại
      Một thời lặng thinh và một thời lên tiếng
      Một thời để yêu và một thời để ghét
      Một thời chiến tranh một thời hòa bình.

      (tmt dịch-Kinh Thánh- Ecclesiastes 3:1-8)


      a time to live a time to die

      To everything there is a season,
      a time for every purpose under the sun.
      A time to be born and a time to die;
      a time to plant and a time to pluck up that which is planted;
      a time to kill and a time to heal ...
      a time to weep and a time to laugh;
      a time to mourn and a time to dance ...
      a time to embrace and a time to refrain from embracing;
      a time to lose and a time to seek;
      a time to rend and a time to sew;
      a time to keep silent and a time to speak;
      a time to love and a time to hate;
      a time for war and a time for peace.
      ecclesiastes 3:1-8


    Trên thế giới có cả ngàn bài thơ về Chiến Tranh về Hòa Bình đã được viết xuống từ trái tim của thi sĩ, trái tim của những người sống sót với chiến tranh, của những người biết thế nào là cái mong manh giữa sống và chết, giữa tiếng cười và nước mắt.

    Tất cả cái hạnh phúc và đau khổ đó, những người lính, những người cầm súng dưới danh nghĩa đi bảo vệ hay đi xâm chiếm, là những người đau khổ hay hạnh phúc đều vượt lên trên tất cả những chịu đựng mà người khác khó hình dung ra được, cho dù chúng ta có mất mát đến thế nào.

    Bài thơ HE của Harekrishna Deka, thi sĩ và nhà văn Ấn, đã kể lại về cái chết của người lính được chôn bên vệ đường vẽ ra một hình anh cô đơn và đầy xúc động, làm ta liên tưởng đến những cái chết trên dọc đường đào thoát của những quân nhân VNCH trong tháng 3 và tháng 4 năm 1975.

    Những quân nhân đó chết bằng đủ mọi cách. Họ vừa ngã xuống bằng chính viên đạn bắn vào ngực mình hay viên đạn của kẻ thắng trận bắn thẳng vào đầu anh hay viên đạn bay từ một nơi nào tới trong trận chiến cuối cùng. Anh chết một mình hay chết cùng đồng dội. Họ rủ nhau cùng tự sát, hay mình cô đơn bắn chính mình.

    Có ai đủ thời giờ mà đứng lại đắp trên xác tử sĩ một lá cờ tổ quốc?

    Có. Lá cờ không hiện diện nhưng lá cờ đó đã phủ rất linh thiêng không hình, không sắc trên ngực người lính vừa gục xuống.

    • Chính họ đã đắp
      Một lá cờ rủ
      trên ngực chàng


    Thân xác gục xuống, dòng người hoảng loạn dẫm lên, con đường nào anh vừa súng đạn chạy qua, trưa nắng rát hay buổi chiều vừa xập xuống, hay trong bóng tối đêm đen.

    Anh gục xuống trong trận đụng độ cuối cùng. Ai đó đã vùi vội trong đêm thân xác anh ở bìa rừng hay thân xác anh bên quốc lộ, sau vườn nhà ai hay giữa chợ, trước cửa giáo đường hay trong sân chùa…

    Anh được vùi nông một nấm mộ bất cứ chỗ nào dưới những gót chân của đồng bào anh đang hỗn loạn chạy đạp lên. Thân xác anh, những bàn tay cầm súng, ném đạn, đã vùi chôn trong lòng đất.

    Và những ngón tay khô khốc đang nở từng cánh hoa sao, trong bóng đêm, trong bóng tối của đất phủ trên thân anh. Một chùm hoa sao nở.

    • Và cũng chính họ
      Đã chôn hai bàn tay chàng
      Trên con đường hành quân vừa qua
      trong bóng tối của đêm


    Chuyện họ chôn hờ những người lính bên đường là chuyện có thật. Chuyện Chiến tranh là có thật.

    • Họ kể lại như thế
      những chùm hoa sao nở
      trên những ngón tay khô
      Không ai biết cả
      Có ai tin không?


    Chắc chẳng ai biết đâu. Những bàn chân trên mặt đất của dân của quân thuộc bên bại trận đang hốt hoảng chạy như bầy châu chấu bị rang trong chảo nóng, hay của những con bò cạp thắng thế đang bò nhôn nhao trên xác người vừa nằm xuống.

    Thế rồi, ba mươi năm sau, bốn mươi năm sau, người ta hầu như đã quên đi nhiều lắm. Quên những người lính chết bên đường, quên những người lính chết xác tạt vào bãi biển, quên những người lính ngã xuống trên một mảnh đất nào đó của quê hương.

    Thân xác họ mục nát, còn chăng một tấm thẻ bài.

    Không đâu, anh không mất tất cả được, thân thể ấy, chân tay ấy vẫn còn giấu trong những mạch nước ngầm, đang nằm cạnh những viên sỏi lăn vào một cõi âm u.

    • Rằng hai bàn tay đó
      và cũng con đường đó
      giấu trong một dòng sông
      của những viên sỏi nhỏ
      chẩy qua hầm âm u


    Và từ thân xác đó một sự màu nhiệm đã về, anh là thảo nguyên anh là cánh rừng, là những chùm lá xanh bất tận. Anh dệt trên chính ngực mình cái tấm màn màu xanh đó, không phải chỉ riêng cho anh ngắm nghía mà cho tất cả đồng đội của anh, tất cả đồng bào thân yêu của anh được hưởng cái màu xanh an bình đó. Cái tấm màn màu xanh đó sẽ che đi cái màu đỏ khủng khiếp, đỏ như máu của những người dân đáng thương trong cuộc chiến anh vừa đi qua và vẫn loang xa, loang xa….


    • Và rồi điều gì nữa
      chàng dệt trên ngực mình
      một chiếc màn mầu xanh
      cho chàng niềm riêng lẻ
      cho những người chung quanh.



    Hãy nằm yên anh nhé, chiến tranh đã kết thúc hơn bốn mươi năm rồi. Anh đã chết thật rồi, anh chết trước khi chiến tranh chết, và lá cờ vô hình của Tổ Quốc VNCH vẫn đắp trên ngực anh.

    Một lá cờ rủ xuống
    được đắp trên ngực chàng (*)



    Trần mộng Tú
    30-4-2019



    (*) Tất cả những câu thơ được dịch từ bản English bài thơ HE của Harekrishna Deka sinh năm 1943, thi sĩ và nhà văn Ấn.


    Nguồn:https://www.diendantheky.net


              
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Trần mộng Tú

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Trứng luộc và “ông ngoại”






    Mọi người vào góc nệm của mình. Những chiếc nệm xếp thành hàng ngang hàng dọc trong căn Phòng Hội của nhà thờ. Tối nay phòng kín cả, chẳng có tấm nệm nào dư. Bên ngoài trời đang mưa, tháng Tư, Seattle ban đêm vẫn còn lạnh, tìm được một chỗ ngủ ấm áp như thế này không phải dễ, lại còn được cả bữa cơm chiều.

    Con bé An gần 5 tuổi, vít cổ mẹ nó xuống thầm thì:

    – Sáng mai có trứng luộc không mẹ?

    Mẹ nó cũng nói khẽ vào tai nó:

    – Có, hồi tối mẹ thấy “ông ngoại” mang trứng vào rồi.

    Cả hai mẹ con bé cùng gọi ông già mang trứng vào là ông ngoại. Ðó là tên họ đặt cho người đàn ông Á Ðông khoảng 70, tóc trắng, hay mang trứng luộc vào cho trung tâm tạm trú của người “homeless”. Hai mẹ con họ cũng là hai người Việt duy nhất trong những người tới đây. Người mẹ không có nói chuyện với ông cụ mang trứng tới bao giờ, nên không biết ông là người nước nào, chỉ nhận ra ông cụ cũng là người Á Ðông như mình trên màu mắt, màu da và dáng dấp nhỏ bé hiền từ và chị ước chừng ông bằng tuổi cha chị ở quê nhà. Người mẹ không muốn ai biết tới gốc gác của mình, tại sao hai mẹ con lại như lá bị thổi dạt tới đây, nên chị không dám chào hỏi ông già trứng luộc (Thỉnh thoảng chị cũng gọi ông như thế).

    Cách hai ba hôm ông cụ lại mang một hộp to đựng 60 trứng vừa luộc xong đến đây. Bao giờ cũng nghe cụ nói một câu giản dị với nhóm phụ trách: “Ðể sáng mai khi họ đi họ có quả trứng mang theo”.

    Bao giờ chị cũng nhìn theo cụ với ánh mắt biết ơn, vì con bé An được quả trứng cho vào túi buổi sáng nó thích lắm. Hai mẹ con chị được hai quả.

    Trung tâm này dành riêng cho phụ nữ và trẻ em, những bà mẹ bị bạo hành trong gia đình có thể mang con tới đây tạm trú ban đêm, ban ngày thì họ phải ra khỏi đây lúc 7 giờ sáng, cuối ngày họ được vào lúc 8 giờ tối, được ăn bữa cơm chiều và ngủ lại. Ðúng 10 giờ tối trung tâm tắt đèn và đóng cửa.

    Trung tâm phục vụ mỗi tối khoảng dưới 30 người. Ðây là trung tâm tạm trước khi sở Xã Hội tìm được chỗ cư ngụ lâu dài cho họ.

    Chị kéo con nằm sát vào mình, nghĩ đến ngày mai, khi đưa con bé vào trường cho trẻ nhỏ xong chị không biết đi đâu? Ði lang thang xin việc, xin việc mà không có địa chỉ thì ai nhận? Nhưng chị vẫn cố gắng đi tới những nhà hàng Việt xin một chân dọn dẹp, rửa bát vài tiếng, đợi tới 2 giờ đến trường đón con. Hai mẹ con lại lang thang cho tới chiều tối, với hai gói hành lý nhẹ trên vai. Nhảy lên, nhảy xuống hai ba trạm xe buýt, tìm trung tâm Tạm Trú Ban Ngày vào tắm rửa. Hai mẹ con lang thang như thế có hơn 1 tháng rồi. Cũng đã gặp nhân viên xã hội vài lần, họ đang cố thu xếp cho mẹ con chị một chỗ ở cố định, nhưng hình như cái danh sách những người có hoàn cảnh như mẹ con chị khá dài. Chị phải chờ tới phiên mình thôi.

    Chồng chị, một Việt kiều Mỹ, hơn chị 20 tuổi đã về Việt Nam cưới chị, đã hứa hẹn cho chị một tương lai tốt đẹp ở nước Mỹ này, nhưng khi sang tới đây anh ta không cho chị đi ra ngoài gặp bất cứ một ai. Anh sợ họ mách đường cho chị bỏ người chồng gấp hai tuổi mình. Chị không được đi học nghề hay học sinh ngữ, không được đi ra ngoài một mình. Buổi sáng anh đi làm chị loanh quanh trong nhà cơm nước, thỉnh thoảng anh mang chị đi chợ Mỹ, anh tránh mang chị tới chỗ đông người Việt. Cứ thế chị kéo dài đời sống với chồng hơn 5 năm, đẻ cho anh một đứa con. Con bé An là niềm hạnh phúc duy nhất chị có. Hai mẹ con thui thủi trong nhà cho tới khi con bé đi học. Sáng anh đưa đi, tan trường anh nhờ người đón về, chị căn giờ ra cửa đón con.

    Một ngày có hàng xóm mới là người Việt Nam, chị mừng như bắt được vàng. Anh đi làm, chị sang làm quen với họ nhưng không cho anh biết. Hai vợ chồng trẻ bằng trạc tuổi chị, vào một tối cuối tuần, người vợ mau mắn chạy sang gõ cửa chào hỏi. Khi khách về chồng chị đã hành hung chị để áp đảo tinh thần, cấm không cho chị kết bạn. Chị đã ôm con vừa chạy ra đường vừa khóc với khuôn mặt sưng vù và chuyện gì đến phải đến. Cảnh sát bắt giữ người chồng và đưa mẹ con chị vào ngủ tạm trong trung tâm này.

    Cái kết của câu chuyện về người phụ nữ trẻ ở Việt Nam lấy chồng Việt kiều gấp hai tuổi mình ở Mỹ là chị ôm con và trở thành người vô gia cư.

    Tối nay ông cụ Á Ðông lại mang trứng tới trung tâm, con bé An mon men tới gần ông. Không biết ông để ý tới nó từ bao giờ, khi con bé tới cạnh, ông cúi xuống cầm bàn tay bé xíu của nó, nói bằng tiếng Việt:

    – Ông có cái này đặc biệt cho con.

    Con bé chưa kịp phản ứng thì ông thò tay vào trong túi lấy ra hai quả trứng đặt vào cả hai tay nó, hai quả trứng có vẽ những bông hoa xanh đỏ, và một quả có đề “Bé An”.

    Chị tròn mắt ngạc nhiên lẫn vui mừng, ông là người Việt, nhưng sao ông lại biết tên con bé nhỉ? Chắc là ông đã hỏi mấy người trong trung tâm, vì họ đều biết tên con bé, nó gần như là một người homeless trẻ nhất trong nhóm người tới đây.

    Chị chỉ cho con cái tên của nó trên quả trứng, rồi nói con khoanh tay cám ơn ông đi. Ông cụ cúi xuống gần như chụm đầu vào con bé. Con bé vòng tay cúi đầu nói thỏ thẻ:

    – Cám ơn ông ngoại.

    Ông cụ ngẩn người ra một giây rồi ôm con bé sát vào bộ ngực già nua của mình, hai mắt ông ứa lệ.

    Ông đang cho hay ông đang nhận một món quà hạnh phúc trong tháng Tư bất hạnh này.


    Trần Mộng Tú




    http://saigonecho.info


              
Trả lời

Quay về “Thời luận - Xã luận - Phiếm luận - Tạp ghi”