Chuyện rắn Tàu bành trướng

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Châu Âu thức tỉnh trước những tham vọng bành trướng của Trung Quốc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Châu Âu thức tỉnh
    trước những tham vọng bành trướng của Trung Quốc

    _________________________
    Thanh Hà - 21-03-2019



              


    Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker (P) tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
    tại Bruxelles, Bỉ ngày 18/03/2019.

              





    Lần đầu tiên thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu đưa hồ sơ Trung Quốc vào chương trình nghị sự. Tối ngày 21/03/2019, lãnh đạo 28 nước trong Liên Âu xem xét một kế hoạch nhằm "cân bằng hóa" quan hệ giữa Bruxelles và Bắc Kinh, đúng vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu công du Ý và Pháp, kéo dài từ ngày 21 đến 26/03/2019.

    Đỉnh điểm của vòng công du châu Âu lần này của lãnh đạo Trung Quốc là lễ ký kết bản ghi nhớ với Roma về dự án « Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21 ». Ý là quốc gia đầu tiên trong khối G7 – nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – hưởng ứng dự án kết nối Trung Quốc với những châu lục khác trên toàn thế giới. Với Bắc Kinh, việc lôi kéo được Ý tham gia dự án đầy tham vọng này của ông Tập Cận Bình là một « thắng lợi » quan trọng.

    Nhưng đúng vào lúc chủ tịch Trung Quốc dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu với 500 doanh nhân và 130 phóng viên từ Hoa Lục đổ bộ vào Roma, tại Bruxelles, lãnh đạo 28 nước trong Liên Âu tuy bị chi phối về hồ sơ Brexit, nhưng sẽ dành thời gian để thảo luận về chiến lược mới đối với Trung Quốc.

    Trong một báo cáo được công bố hôm 12/03/2019, Ủy Ban Châu Âu lần đầu nhìn nhận Trung Quốc vừa là một « đối tác chiến lược » vừa là một « đối thủ quan trọng » của Bruxelles. Về mặt chính trị, Bruxelles lo ngại trước việc Bắc Kinh có tham vọng áp đặt « những mô hình quản lý mới ».

    Trên phương diện kinh tế, Liên Hiệp đánh giá Trung Quốc là một đối thủ « cạnh tranh đáng gờm », có « tham vọng thống lĩnh thế giới về mặt công nghệ ». Do vậy báo cáo của Ủy Ban Châu Âu cho rằng, đã đến lúc Bruxelles cần bớt ngây thơ và phải có những công cụ pháp lý để tự vệ, giới hạn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhắm vào những lĩnh vực nhậy cảm đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu. Một thí dụ cụ thể là tài liệu này nêu đích danh tập đoàn viễn thông Hoa Vi và viễn cảnh Trung Quốc nắm trọn trong tay hệ thống 5G trên Lục Địa Già.

    Cũng trong tinh thần thận trọng đó, đầu tuần này, ủy ban đặc trách về chính sách chiến lược của Liên Hiệp CESP công bố một báo cáo thứ nhì, kêu gọi các nước thành viên « thức tỉnh » trước « những thực tế về chính sách công nghiệp và những chuyển biến về địa chính trị của toàn cầu ». Đứng đầu trong số đó là tham vọng của Bắc Kinh không chỉ về ngoại giao, về lãnh thổ mà cả về kinh tế, công nghệ cao.

    Việc Bắc Kinh và Roma trong hai ngày nữa ký bản ghi nhớ về dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 càng minh họa cho ý đồ của Trung Quốc chen chân vào những lĩnh vực nhậy cảm đối với châu Âu.
    • Sau khi đã mua lại cảng Pirée của Hy Lạp,
    • đầu tư vào cảng Sines của Bồ Đào Nha,
    • hải cảng Trieste ở miền bắc nước Ý đang bị coi là « con ngựa thành Troie » để Trung Quốc chinh phục châu Âu.

    Vậy liệu rằng có quá trễ để Bruxelles « cân bằng hóa » quan hệ với Bắc Kinh ?
    • Câu hỏi này được đặt ra khi biết rằng, Trung Quốc luôn thực hiện một chiến lược rất lợi hại, đó là chia để trị.
    • Trong khi đó, kế hoạch hành động của Ủy Ban Châu Âu đòi hỏi Liên Âu phải đoàn kết để ngăn chặn các tham vọng của Bắc Kinh.
      Nhất là như báo động của nhà Trung Quốc học, ông François Godement thuộc viện nghiên cứu độc lập Institut de Montaigne, Trung Quốc luôn đem tiền ra dụ dỗ các đối tác, nhưng người khổng lồ châu Á này
      • « hứa hẹn thì nhiều, mà đầu tư thật sự thì chẳng bao nhiêu ».

    Còn theo chuyên gia về Đông Nam Á, bà Sophie Boisseau du Rocher, tác giả tập sách « Trung Quốc và/là Thế giới - La Chine e(s)t le Monde », nhà xuất bản Odile Jacob,
    • Liên Hiệp Châu Âu cần nhanh chóng đưa ra một chính sách rõ ràng với Trung Quốc,
      bởi vì hiện tại Bắc Kinh còn đang cần công nghệ của châu Âu. Đó là một lá bài quan trọng để Bruxelles mặc cả với Bắc Kinh.


    Đòi hỏi tìm được một tiếng nói chung để đàm phán với Trung Quốc càng cấp bách hơn nữa trong bối cảnh hai ông khổng lồ thế giới là Bắc Kinh và Washington đang đọ sức trên bàn cờ thương mại. Một nghiên cứu gần đây của quỹ Eurofound cho thấy
    • càng bị Donald Trump dồn vào chân tường,
      Tập Cận Bình lại càng dốc toàn lực vào châu Âu,
    và như vậy, Trung Quốc lại càng trở thành một mối cạnh tranh nguy hiểm trên Lục Địa Già.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190321-lhca-t ... trung-quoc
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Ý mở rộng cửa đón Trung Quốc bất chấp cản lực từ Mỹ và Liên Âu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Ý mở rộng cửa đón Trung Quốc
    bất chấp cản lực
    từ Mỹ và Liên Âu

    _________________________
    Mai Vân - 22-03-2019



              


    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, lúc đến phi trường Fiumicino, Roma.
    Ảnh 21/03/2019.

              


    Tại sao Ý cứ tiến bước trên Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc bất chấp phản đối của Mỹ và thái độ dè dặt của đồng minh châu Âu ? Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh hôm nay, 22/03/2019 chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức thăm Ý và hai nước ký thỏa thuận về việc Ý tham gia dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » của Trung Quốc.

    Trong một bài phân tích ngày 21/03, nhật báo Anh Financial Times đã thử tìm hiểu lý do thúc đẩy nước Ý bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo của đồng minh để chạy theo Trung Quốc. Đối với tờ báo, hành động của Rôma đang làm dấy lên những mối quan ngại sâu sắc từ cả Washington lẫn Bruxelles.

    Tính chất hệ trọng của sự kiện đã được Financial Times nêu bật với ghi nhận rằng Ý là thành viên đầu tiên của nhóm G7 – tức 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới - chính thức tham gia sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Bắc Kinh.
    • Ý định của Rôma, khi bị tiết lộ, đã khiến cho các đồng minh truyền thống của Ý phải sững sờ, đặc biệt là Hoa Kỳ, hiện đang có tranh chấp gay gắt với Trung Quốc trên bình diện thương mại.

      Còn đối với châu Âu, trong bối cảnh chính phủ liên minh dân túy-cực hữu tại Rôma đang đối đầu với Bruxelles về ngân sách quốc gia và nhập cư, việc nước Ý bám vào Trung Quốc đặt ra câu hỏi phải chăng đó là dấu hiệu về sự chuyển hướng lâu dài của nền ngoại giao Ý.

    Theo Financial Times, chuyến công du nước Ý của ông Tập Cận Bình là dịp để Trung Quốc thâm nhập vào một loạt những lãnh vực mà Liên Hiệp Châu Âu xem là chiến lược. Trong một bài xã luận công bố trước ngày lên đường qua Ý, chủ tịch Trung Quốc cho biết ông hy vọng hai nước sẽ có thể hợp tác trong các lãnh vực
    • hải cảng,
      vận tải biển,
      viễn thông
      và dược phẩm
      trên tinh thần « cả hai bên đều có lợi ».

    Theo dự đoán của nhật báo Anh, kết quả thấy trước của việc xích lại gần nhau giữa Ý và Trung Quốc, là sự hiện diện của Bắc Kinh trong những địa hạt mà Liên Hiệp Châu Âu cho là chiến lược,
    • mà nổi bật nhất là các hải cảng của Ý, cụ thể là việc Trung Quốc tăng phần hùn trong hai cảng Trieste và Genoa,
      cũng như các thỏa thuận với các đại tập đoàn công nghiệp
      và ngân hàng Ý.

    Tất cả những điều trên lại xẩy ra đúng vào lúc mà Bruxelles đang gia tăng việc giám sát đầu tư nước ngoài vào Liên Hiệp Châu Âu.




    Tại sao Ý không sợ làm cho châu Âu và đồng minh bất bình ?

    Financial Times đã tìm cách giải thích vì sao nước Ý ngày nay lại có thể phớt lờ phản ứng bất bình của các đồng minh thân thiết của mình khi chạy theo Trung Quốc.

    Theo tờ báo, các chính quyền Ý trước đây cũng từng cố xích lại gần Trung Quốc, nhưng không dám phá vỡ sự đoàn kết trong khối G7 bằng cách xé lẻ, tham gia sáng kiến Vành Đai và Con Đường. Tuy nhiên, chính quyền liên minh ở Rôma giữa phe dân túy của Phong Trào 5 Sao và Liên Đoàn Phương Bắc cực hữu đã có một cách tiếp cận khác về đối ngoại từ khi lên cầm quyền vào năm ngoái, 2018.

    Lãnh đạo của hai đảng trên đã luôn cho thấy Ý muốn phớt lờ quy ước ngoại giao cũng như bất chấp nguy cơ làm cho các đồng minh bất bình.
    • Matteo Salvini, lãnh đạo Liên Đoàn đã xây dựng hình ảnh chính trị của mình qua những đòn tấn công mãnh liệt nhắm vào Bruxellles và Paris về chính sách di dân, nhập cư.
      Còn lãnh đạo phong trào 5 Sao, Luigi Di Maio, đã gây ra căng thẳng ngoại giao với Paris vào đầu năm nay khi gặp các lãnh đạo trong phong trào Áo Vàng, khiến Pháp triệu hồi đại sứ ở Rôma để phản đối.

    Cho dù hai lãnh đạo trên có quan điểm khác nhau về mức đầu tư của Trung Quốc vào Ý, nhưng họ giống nhau ở chỗ không mấy e ngại làm phật lòng đồng minh của mình. Việc đối đầu với Ủy Ban Châu Âu trên vấn đề ngân sách vào năm ngoái đã khiến chính quyền Ý quyết tâm hơn trong việc tìm nguồn tài chính và đầu tư mới.

    Lãnh đạo trong hai đảng cầm quyền này đã đặt trọng tâm cổ vũ cho sản phẩm gọi là “made in Italy” xem như then chốt cho kinh tế Ý. Trung Quốc được công nhận là một trong những thị trường quan trọng nhất nói chung cho những ngành như thời trang, hàng xa xỉ, thực phẩm mà Ý rất nổi tiếng.

    Trước chuyến viếng thăm, chủ tịch Trung Quốc đã nêu bật sự mến chuộng sản phẩm Ý của người Trung Quốc như một nét văn hóa quan trọng gắn liền hai nước khi nói rằng :
    • « Made in Italy đã trở thành đồng nghĩa với sản phẩm chất lượng cao,
      thời trang và đồ nội thất Ý hoàn toàn hợp sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc,
      thanh niên Trung Quốc rất thích pizza và tiramisu ».

    Tuy nhiên, theo Financial Times Nội bộ chính phủ Ý không nhất trí với nhau trong việc xích lại gần hơn với Trung Quốc.

    Trong lúc thủ tướng Giuseppe Conte và ông Di Maio hoan nghênh quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc như là một thắng lợi lớn đối với chính quyền Ý, thì ông Salvini dè dặt hơn. Từ khi Ý có kế hoạch tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới, ông Salvini đã luôn cảnh báo là những ngành công nghiệp chiến lược, nhạy cảm của Ý phải được bảo vệ. Vào đầu tháng này ông đã nói :
    • « Các dữ liệu của người Ý, phải ở lại tại Ý, do các định chế Ý kiểm tra. Tôi không muốn dữ liệu điện thoại di động của tôi lại bị chuyển sang Bắc Kinh. An ninh phải đi trước mọi lý do kinh tế ».

    Ông Salvini bị đặt trong thế khó xử vì ông muốn xây dựng quan hệ gần gủi hơn với tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi mà ông Trump cho đến lúc này vẫn duy trì quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh.




    Con Đường Tơ Lụa đầy rủi ro của Ý

    Quyết định của chính phủ Ý tiến bước trên con đường tơ lụa của Trung Quốc tuy nhiên đã bị đánh giá là đầy rủi ro. Theo giáo sư kinh tế thế giới Paola Subacchi thuộc trường Đại Học Queen Mary (Luân Đôn),
    • cho dù quan hệ sâu hơn về đầu tư và thương mại với Trung Quốc có thể thúc đẩy kinh tế đình trệ của Ý,
      nhưng Rôma nên quan hệ với Bắc Kinh trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu, chứ không nên tiến hành song phương với Trung Quốc.

    Trong bài phân tích « Con đường tơ lụa đầy rủi ro » đăng trên trang mạng Project Syndicate ngày 20/03, giáo sư Subacchi nhắc lại đánh giá của thủ tướng Ý Giuseppe Conte, cho rằng Ý phải nhảy lên con tàu Trung Quốc vì kế hoạch hàng tỷ đô la hạ tầng cơ sở là “cơ may” đối với nước Ý.

    Đối với bà Subacchi, chưa nói gì đến việc gây tổn hại đến quan hệ với các đồng minh Châu Âu và Mỹ, riêng việc mở cửa cho đầu tư Trung Quốc vào nước Ý cũng hàm chứa nhiều rủi ro đối với Rôma.

    Đúng là việc dấn thân sâu hơn vào thương mại với Trung Quốc là điều hiển nhiên đối với Ý,
    • vào lúc mà tăng trưởng kinh tế của Ý chưa bao giờ thấp như thế từ cuối thập niên 1990,
      và dự kiến còn xuống thấp nữa, từ 1% năm 2018, xuống 0,2% năm nay.
    • Trong lúc đó thì Trung Quốc đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ,
      đồng thời là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới,
      ngày càng đầu tư nhiều ở nước ngoài và đang điều chỉnh mô hình tăng trưởng, hướng về tiêu thụ nội địa.

    Với kim ngạch thương mại hàng năm giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia BRI, ước lượng hơn 2.500 tỷ đô la trong vòng 10 năm tới, quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc có thể thúc đẩy xuất khẩu của Ý. Hơn nữa, khi làm đối tác của Trung Quốc, Ý sẽ thu hút được thêm nguồn vốn mà Ý đang rất cần…
    • Ý đã nhận 14 tỷ euro đầu tư của Trung Quốc từ năm 2000,
      các tập đoàn Trung Quốc đã đầu tư 10,5 tỷ euro vào 55 quốc gia thuộc sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường chỉ trong 10 tháng đầu năm 2018,
      và đã ký những hợp đồng trị giá hơn 80 tỷ đô la trong khuôn khổ đề án này.





    Những lý do khiến Ý nên thận trọng…

    Tuy nhiên, theo giáo sư Subacchi, có nhiều lý do quan trọng mà Ý không nên đi một mình, mà nên tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới với tư cách một thành phần của Chiến Lược Châu Âu 2016 về Trung Quốc.

    1. Trước hết, là quyền lợi của Ý có thể không trùng hợp với quyền lợi của Trung Quốc.
      Con Đường Tơ Lụa là chiến lược nhằm cung cấp thị trường ở nước ngoài cho các công ty Trung Quốc, là kênh cung cấp nguồn lợi thông qua các trung tâm tài chính quốc tế và cơ sở quốc tế sử dụng đồng nhân dân tệ.
      Những mục tiêu đó chưa hẳn đã phù hợp với quyền lợi của Ý.
                
    2. Lý do thứ hai là Ý sẽ chỉ là một đối tác thứ yếu, tầm vóc kinh tế quá nhỏ so với Trung Quốc, lớn hơn gấp 6 lần.
      Ý lại đang yếu kém, nợ công lên 130% GDP, các công ty Ý gặp khó khăn, kể cả những tập đoàn hàng đầu như hãng hàng không Alitalia, cần tái cấu trúc và vốn mới.
      Cho nên Ý khó có thể có quan hệ đối tác bình đẳng với Trung Quốc.
                
    3. Những điều đáng lo khác nằm ở vấn đề thực hiện đề án :
      • Trung Quốc đã khởi động Con Đường Tơ Lụa từ nhiều năm qua, nhưng khuôn khổ chung chưa định rõ, mục tiêu mập mờ, quản lý không rõ ràng
        và thay vì được nâng đỡ thông qua các định chế đa phương mà Trung Quốc cầm đầu như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Châu Á AIIB hay New Development Bank,
        thì sáng kiến này dựa trên các thỏa thuận song phương với Trung Quốc cũng như các quan hệ đối tác trực tiếp và liên doanh với công ty Trung Quốc mà phần lớn là các tập đoàn nhà nước.
    4. Một rủi ro thứ tư là bản thân Ý là một nước có định chế kém cỏi, có nhiều định chế tư nhân và nhà nước điều hành tồi, hệ thống thuế khập khiễng, tham nhũng tràn lan, đứng hàng 53 trong bảng xếp hạng của cơ quan Minh Bạch Quốc Tế, thấp xa các nền kinh tế chủ yếu của Châu Âu.
      Do đó, Ý ở trong vị thế không thể đòi hỏi Trung Quốc tuân theo quy củ của Châu Âu. Châu Âu đang quan ngại trước việc nhiều tập đoàn Trung Quốc trong tay nhà nước lũng đoạn thị trường, cạnh tranh bất chính.
                
    5. Rủi ro cuối cùng là vấn đề gián điệp mạng cũng như những hành động mờ ám, sai lệch khác của các tác nhân Trung Quốc sẽ phá hoại uy tín các công ty Ý trong các lãnh vực như thông tin và viễn thông, hạ tầng cơ sở và quốc phòng.


    Có điều là, theo giáo sư Subacchi, tâm lý nghi kỵ đối với Châu Âu đã che mắt nhiều người trong giới lãnh đạo Ý, không thấy những rủi ro cũng như thực tế là nước Ý cần đến tất cả bạn bè ở Bruxelles.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190322-y-mo-r ... va-lien-au
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoa Vi : Trung Quốc tận dụng các quyền dân chủ không hề có trong nước

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hoa Vi :
    Trung Quốc
    tận dụng các quyền dân chủ
    không hề có trong nước

    _________________________
    Trọng Nghĩa - 07-03-2019



              


    Giám đốc tài chính Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou)
    trước tư dinh ở Vancouver, Canada, ngày 06/03/2019.

              



    Với cuộc phản công đang diễn ra trên bình diện tư pháp của tập đoàn Hoa Vi,
    • kiện chính quyền Mỹ tại Mỹ hôm 07/03/2019,
      và chính quyền Canada tại Canada trước đó hai hôm,
    Trung Quốc đã cho thấy rõ hai cách hành xử.
    • Ở ngoài nước thì biết tranh thủ tối đa các thể chế dân chủ,
      nhưng trong nước thì phủ nhận các quyền cơ bản đối với các đối tượng cần trả đũa.

    Vụ kiện do Hoa Vi khởi động nhắm vào chính quyền Mỹ cho thấy rõ là tập đoàn Trung Quốc biết lợi dụng thể chế dân chủ tại Hoa Kỳ.
    • Nội dung khiếu kiện nhắm vào một điều khoản trong đạo luật liên bang National Defense Authorization Act (NDAA), cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Hoa Vi và ZTE, một tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc.
      Đối với các luật sư của Hoa Vi, quy định của đạo luật NDAA vi phạm Hiến Pháp Mỹ vì việc tuyên bố một cá nhân hay một nhóm cụ thể nào phạm tội và trừng phạt họ mà không dựa trên thủ tục pháp lý, là một hành động vi hiến, vi phạm quyền tố tụng của Hoa Vi, tước bỏ quyền của Hoa Vi được nghe các chứng cứ và quyền biện hộ trước tòa.

    Còn tại Canada, các luật sư của bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi
    • kiện chính quyền Ottawa đã vi phạm các quyền cơ bản của thân chủ họ, khi câu lưu bà để chuẩn bị xem xét yêu cầu của Washington, muốn dẫn độ bà qua Mỹ.

    Trong cả hai trường hợp, về hình thức thì bên nguyên đơn là tập đoàn Hoa Vi chứ không phải là Nhà nước Trung Quốc. Thế nhưng, trong thực tế mọi người đều cho rằng chính quyền Bắc Kinh đứng sau các vụ kiện.

    Đối với giới quan sát, quả là Trung Quốc biết tranh thủ các quyền tự do tại các nước như Mỹ và Canada, điều không thể xẩy ra tại Trung Quốc, vì khó có khả năng một cá nhân, hay một pháp nhân nước ngoài nào đưa đơn kiện chính quyền Trung Quốc.

    Trong các tuyên bố của mình, Hoa Vi đều tỏ ý tin tưởng rằng họ sẽ thắng kiện. Điều này phản ánh một sự tin tưởng vào tính công minh của tư pháp Mỹ hay Canada. Thế nhưng, tại Trung Quốc, nơi nền tư pháp bị cho là bị lệ thuộc vào chính quyền, khả năng thắng kiện chính phủ hầu như không có.

    Một yếu tố thứ ba nêu bật khác biệt trong cách hành xử của Trung Quốc trong vụ Hoa Vi. Trung Quốc bị tố cáo là đã ngược đãi những công dân Canada bị họ bắt giữ ngay sau khi bùng lên vụ Mạnh Vãn Châu.
    • Chính thủ tướng Canada hôm 04/03 đã lại tố cáo Bắc Kinh « giam giữ tùy tiện » hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor, bị cáo buộc là đã có hoạt động gián điệp.

      Chính quyền Ottawa còn cho rằng Bắc Kinh đã vi phạm quyền miễn trừ ngoại giao của ông Kovrig, việc Trung Quốc thẩm vấn ông đã vi phạm Công Ước Vienna về quan hệ ngoại giao… Một nguồn chính thức của Canada còn nói với hãng tin Pháp AFP rằng hai ông Kovrig và Spavor đã phải chịu « các cuộc thẩm vấn gần như hàng ngày » của an ninh Trung Quốc.

    Cách đối xử khắc nghiệt nói trên đối lập hoàn toàn với cách xử sự rất đàng hoàng của chính quyền Canada đối với bà Mạnh Vãn Châu.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190307-hoa-vi ... trong-nuoc
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hoa Vi : Chiến thuật phản công để thủ của Trung Quốc

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hoa Vi :
    Chiến thuật phản công để thủ
    của Trung Quốc

    _________________________
    Tú Anh - 21-03-2019



              


    Chủ tịch luân phiên của Hoa Vi, ông Quách Phi,
    phát biểu trong một buổi họp báo tại Thẩm Quyến, ngày 07/03/2019

              




    Bị Mỹ cáo buộc 23 trọng tội
    • từ đánh cắp công nghệ thông tin,
      vi phạm lệnh cấm vận Iran
      cho đến làm gián điệp,
    Hoa Vi không thụ động chịu đòn.

    Chính quyền Bắc Kinh lên tuyến đầu bảo vệ mũi nhọn chiến lược với các biện pháp đe dọa và trả đũa phương Tây trong khi đích thân Hoa Vi phản công lại Mỹ qua tòa án tại Texas, kiện Mỹ vu khống và đòi bồi thường thiệt hại, với dụng ý gì ?

    Trước hết, trong chiến dịch tấn công tập đoàn Trung Quốc, Washington tố cáo Hoa Vi, với trang thiết bị của hệ thống di động tối tân 5G, làm gián điệp cho chế độ Trung Quốc.
    Hoa Kỳ cũng muốn truy tố lãnh đạo số hai của Hoa Vi, bà Mạnh Vãn Châu ra tòa về tội vi phạm lệnh cấm vận Iran. Bị bắt tại Canada vào tháng 12/2018, con gái của nhà sáng lập Hoa Vi, Nhậm Chính Phi, đang chờ tư pháp Canada xem xét có dẫn độ sang Mỹ hay không. Và ngày 08/05 tới đây, bà Mạnh Vãn Châu sẽ được đưa ra trình diện thẩm phán.




    Bắc Kinh hù dọa Canada ?

    Thái độ do dự của Canada, theo suy đoán của giới chuyên gia, bắt nguồn từ sự kiện Trung Quốc bắt giam hai công dân Canada và kết tội họ vi phạm an ninh quốc gia Trung Quốc. Tuy Bắc Kinh phủ nhận, báo chí và giới phân tích phương Tây xem đây là những biện pháp trả đũa của Bắc Kinh và qua đó có thể khẳng định là Hoa Vi có « liên hệ mật thiết » với chế độ Cộng Sản Trung Quốc.

    Ý thức được sơ hở này, đích thân ông Nhậm Chính Phi, nguyên là một cựu sĩ quan sáng lập viên Hoa Vi, phải lên tiếng cải chính :
    • « Tôi không thấy có mối quan hệ nhân quả gì giữa quan điểm chính trị cá nhân và hoạt động của Hoa Vi ».
    Nhậm Chính Phi còn cam đoan là
    • « Hoa Vi từ chối mọi yêu cầu hợp tác của Bắc Kinh cung cấp thông tin nhạy cảm ».
    Vấn đề là theo một đạo luật về an ninh của Trung Quốc ban hành năm 2017, tất cả công dân và doanh nhgiệp Hoa lục đều có bổn phận phải trợ giúp các cơ quan gián điệp Trung Quốc. Nhận định về vụ việc này, ủy viên châu Âu Andrus Anship đặc trách công nghệ số của châu Âu tuyên bố với Bloomberg :
    • chúng ta không thể tiếp tục ngây thơ với Trung Quốc.

    Nhiều nước châu Âu đã tính đến giải pháp triệt để như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand hoàn toàn tẩy chay Hoa Vi, cấm cửa mạng lưới 5G của tập đoàn Trung Quốc.




    Hoa Vi : Không hợp tác 100% với an ninh Trung Quốc ?

    Thế nhưng, với lập luận là phải có bằng cớ mới buộc tội được, Hoa Vi phản pháo và kiện ngược lại Hoa Kỳ tại một tòa án ở Texas. Quách Phi, một trong những chủ tịch luân phiên của Hoa Vi lý giải :
    • « Quốc Hội (ủy ban điều tra) không đưa ra được một bằng chứng nào để biện minh cho việc cấm một số sản phẩm của Hoa Vi. Chính phủ Mỹ tìm mọi cách để phỉ báng Hoa Vi. Chúng tôi sẽ đòi bồi thường. »
    Trái lại, cố vấn pháp lý của Hoa Vi là luật gia Tống Lưu Bình (Song Liu Ping) nhìn nhận tập đoàn có « đáp ứng » một số yêu cầu của công an tình báo, nhưng để chống « khủng bố và tội ác hình sự ». Cũng theo Tống Lưu Bình, Hoa Vi mà cài đặt « backdoors » để đánh cắp thông tin thì xem như « tự sát thương mại » nếu vụ việc bị bại lộ.

    Theo nhận định của nhật báo kinh tế La Tribune, chính quyền Trung Quốc phải « vươn móng » bảo vệ Hoa Vi, vũ khí chiến lược quan trọng cạnh tranh với Hoa Kỳ trong lĩnh vực công nghệ viễn thông tương lai. Nếu Hoa Vi bị suy yếu thì kinh tế Trung Quốc sẽ bị vạ lây.




    Kiện Mỹ : Không cần thắng chỉ cần trường kỳ lấn tới

    Câu hỏi đặt ra là vụ phản công của Hoa Vi trên lãnh vực tư pháp sẽ đi đến đâu ? Rất khó dự đoán nhưng theo tuần báo Le Point, tổng thống Donald Trump vẫn có thể ra sắc lệnh cấm tập đoàn Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

    Trong bối cảnh Hoa Kỳ bước vào mùa bầu cử cộng với đe dọa của chính quyền Trung Quốc, chiến thuật của Hoa Vi, đưa vấn đề ra pháp lý, có vẻ thuận lợi theo nghĩa « yên tâm kéo dài thời gian giằng co với Mỹ ».

    Từ Houston, Texas, nhà báo Hà Ngọc Cư, chủ tịch Tổ hợp báo Ngày Nay phân tích chuyện phim gay cấn nhiều tập này :
    • « Chúng ta phải nhìn về khía cạnh rộng lớn hơn. Hoa Kỳ trước hết có ba kẻ thù.
      • Thứ nhất là mối đe dọa nguyên tử của Nga.
      • Thứ hai là rối loạn tại Trung Đông, đó là Iran
      • và thứ ba là đe dọa về thương mại của Trung Quốc.
      Nhưng vấn đề thương mại chỉ là một khía cạnh của chiến tranh mới, chiến tranh kỹ thuật « Tech war ».

      Tập đoàn Hoa Vi và Trung Quốc nói chung tiến tới giai đoạn G5, internet thế hệ thứ 5. Những sản phẩm của Hoa Vi, điện thoại di động có thể được cài đặt chip để giúp cho Trung Quốc có thể đánh cắp những bí mật không phải chỉ có bí mật quốc phòng, quốc gia mà còn cả bí mật thương mại nữa.

      Cái vấn đề đem ra tòa án, sẽ rất nhì nhằng kéo dài không biết đến bao giờ và đó là chiến lược của Trung Quốc. Có thể họ không thắng kiện ở tòa án nhưng sẽ kéo dài thời gian đối đầu với nhau để có thời giờ chuẩn bị cho chiến tranh kỹ thuật.

      Bây giờ trận chiến giữa ông Trump và Quốc Hội về vấn đề ông tuyên bố tình trạng đất nước khẩn trương để lấy tiền xây bức tường biên giới làm mờ nhạt vụ Hoa Vi. Thứ hai là mùa bầu cử 2020 cho nên vụ Hoa Vi chìm xuống và tôi không biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ dùng bao nhiêu nỗ lực để đánh tập đoàn Hoa Vi… »





    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190321-hoa-vi ... trung-quoc
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Liên Hiệp Quốc : Lào nợ nhiều, dân đói vì theo con đường tơ lụa

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Liên Hiệp Quốc :
    Lào nợ nhiều,
    dân đói
    vì theo con đường tơ lụa

    _________________________
    Tú Anh - 31-03-2019



              


    Một nạn nhân lũ lụt ở tỉnh Attapeu nhận đồ cứu trợ hôm 27/07/2018.

              




    • Chiến lược phát triển kinh tế của chế độ Xã hội Chủ nghĩa Lào phục vụ một thiểu số đặc quyền lợi trong khi thành phần dân chúng còn lại nghèo đi.
    Trên đây là nhận định của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và nạn nghèo khó Philip Alston.
    • Vientiane được khuyến cáo nên bớt tập trung vào dự án "con đường tơ lụa " của Trung Quốc để lo cho trẻ con và dân nghèo.

    • Những đập thủy điện khổng lồ, những tài nguyên thiên nhiên nhượng cho Trung Quốc khai thác trong dự án "con đường tơ lụa mới"
      chỉ tạo rất ít công ăn việc làm
      nhưng làm cho đất nước mang nợ chất chồng.
    Trên đây là nhận định của đặc sứ Liên Hiệp Quốc từ thủ đô Vientiane được hãng tin Asian News tường thuật trong bản tin ngày 30/03/2019.

    Chuyến công tác của vị chuyên gia người Úc về nhân quyền và nghèo khó của Liên Hiệp Quốc kéo dài 11 ngày từ 18 đến 28/03/2019 tại thủ đô và các tỉnh Champasack, Xiên Khoang, Houaphanh và Attapeu, nơi xảy ra tai nạn vỡ đập hồi năm 2018. Quan chức Liên Hiệp Quốc đã tiếp xúc, thu thập thông tin với chính quyền mọi cấp, công nhân, nông dân và người buôn bán.

    Đánh giá kinh tế Lào có tăng trưởng, đặc sứ Philip Alston chỉ trích chính phủ Lào
    • chỉ chạy theo "con số"
      mà không tập trung cải thiện đời sống người dân.
    Ít nhất 40% lãnh thổ quốc gia nằm trong kế hoạch sang nhượng phục vụ các dự án đầu tư hạ tầng, vào đập thủy điện, đường xe lửa với hệ quả là nhà cửa đất đai của người dân bị cưỡng chế.

    Tại một nước mà có đến
    • 80% dân chúng sống dưới mức 2,5 đô la mỗi ngày,
      tỷ lệ trẻ em thiếu cân lên đến 20%,
      một trên mười suy dinh dưỡng,
    đặc sứ Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu ý tình trạng phụ nữ Lào bị xem nhẹ, không có quyền lựa chọn cuộc sống và tương lai.

    Thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 50% dân số, còn bất hạnh hơn. Thu nhập của bộ phận dân cư này rất thấp, con cái ít có cơ hội đi học, không được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau.

    Đặc sứ Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Lào nên tập trung lợi nhuận kinh tế phục vụ phúc lợi cho người dân Lào.




    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190331-lien-h ... ong-to-lua
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Biển Đông : Philippines phản đối Trung Quốc đưa nhiều tàu áp sát đảo Thị Tứ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Biển Đông :
    Philippines phản đối Trung Quốc
    đưa nhiều tàu áp sát đảo Thị Tứ

    _________________________
    Trọng Thành - 01-04-2019



              


    Ảnh vệ tinh chụp ngày 13/08/2017
    cho thấy nhiều tàu cá Trung Quốc (số màu đỏ) và ít nhất 2 tàu "chấp pháp" Trung Quốc (số màu vàng),
    sát đảo Thị Tứ (Trường Sa) ở Biển Đông.

              






    Trả lời báo chí, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines hôm 01/04/2019, cho biết chính quyền Philippines sẽ có công hàm phản đối Trung Quốc đưa nhiều tàu đến sát khu vực đảo Thị Tứ (Pag-asa Island), như thông báo của quân đội Philippines mới đây.

    Báo Philippines Philstar cho hay, người phát ngôn phủ tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo,
    • khẳng định bộ Ngoại Giao sẽ có phản đối chính thức gửi đến Bắc Kinh,
      thể theo yêu cầu của bộ Tư lệnh miền Tây quân đội Philippines.
    Người phát ngôn phủ tổng thống Philippines cho biết sẽ nêu vấn đề này trong cuộc gặp với đại sứ Trung Quốc tại phủ tổng thống chiều hôm nay.

    Thứ Sáu tuần trước, 29/03/2019, báo chí Philippines loan tải thông tin từ báo cáo của quân đội, theo đó tổng cộng hơn 600 tàu thuyền Trung Quốc đã áp sát, « bao vây » đảo Thị Tứ, một trong các thực thể địa lý lớn nhất của quần đảo Trường Sa, do Manila kiểm soát, kể từ đầu năm đến nay.

    ABS-CBN News cho biết cụ thể là thời gian tàu Trung Quốc có mặt đông đảo nhất là vào ngày 10/02/2019, khi quân đội Philippines vận chuyển các phương tiện đến đảo Thị Tứ để chuẩn bị cho một số công trình xây dựng, tôn tạo, trong đó một đường băng máy bay trên đảo này.

    Theo trung tá Elpidio Factor, một sĩ quan bộ Tư lệnh miền Tây, các tàu Trung Quốc thuộc lực lượng dân quân biển - thường được tuần duyên hỗ trợ - đã áp rất gần đảo Thị Tứ, sát với khu vực bãi cát bao quanh hòn đảo. Cùng với đảo Thị Tứ, thuyền Trung Quốc cũng « bao vây » hai đảo
    • Kota (đá Loại Ta/Loaita Island)
      và Panata (đảo An Nhơn/Lankiam Cay),
    do Philippines kiểm soát.

    Trả lời ABS-CBN, giáo sư Jay Batonbacal, giám đốc Viện An ninh Hàng hải và Luật Biển thuộc Đại học Philippines College of Law, nhận định là
    • Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng biện pháp dùng tàu dân sự lấn dần, dễ gây mất cảnh giác này,
      để xâm nhập vào các nhiều khu vực mà họ vốn không có cơ hội xâm nhập trước đó.
    • Có thể bây giờ đã đến giai đoạn họ trực tiếp tiếp cận với khu vực đất liền của các đảo.







    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190401-bien-d ... dao-thi-tu
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Khi Mỹ - Trung lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Khi Mỹ - Trung lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao
    _________________________
    Minh Anh - 02-04-2019



              


    Hoa Vi nằm giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ và Trung Quốc.

              






    Báo Les Echos (02/04/2019) trên mục Ý Kiến có bài nhận định sâu sắc đề tựa
    • « Khi Washington và Bắc Kinh lại lao vào cuộc chiến giữa các vì sao »
    để nói về cuộc cạnh tranh chiến lược và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay.

    Về bản chất giống như cuộc chiến giữa các vì sao mà tổng thống Mỹ Ronald Reagan tiến hành chống lại Liên Xô vào đầu những năm 1980. Đương nhiên, chiến tranh giữa các vì sao thời Reagan tập trung vào vấn đề quân sự, còn giờ đây, Donald Trump chú trọng đến các hồ sơ kinh tế.

    Theo báo Les Echos, cần nhìn nhận dưới góc độ này để phân tích về sự thay đổi cơ bản trong học thuyết của Washington khi tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Bắc Kinh trên mọi phương diện, kinh tế, tiền tệ, thương mại, công nghệ và quân sự. Một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được mở ra, với đặc trưng là sự đối đầu giữa hai siêu cường để giành giật quyền lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21.

    Thực ra, mục đích chủ chốt của chính quyền Trump là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến. Do vậy, chính sách này đôi khi được gọi là « cuộc chiến giữa các vì sao », có được sự đồng thuận rộng rãi tại Hoa Kỳ.

    Và chính quyền Washington sử dụng mọi phương tiện để tiến hành « cuộc chiến » này, như
    • không cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi tham gia các dự án quan trọng sử dụng tài chính công tại Mỹ,
    • vận động ngoại giao mạnh mẽ, thuyết phục các đồng minh gạt bỏ Hoa Vi ra khỏi các thị trường Tây Âu,
    • yêu cầu Canada bắt giám đốc tài chính, con gái nhà sáng lập Hoa Vi để cho dẫn độ sang Mỹ,
    • tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để cố gắng tạo thế cân bằng về quân sự tại Biển Đông,
    • nâng mức thuế hải quan đối với nhiều hàng nhập khẩu, vượt ra ngoài các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO)…

    Rõ ràng, cuộc chiến thực sự của Donald Trump không phải là thương mại, mà là công nghệ. Theo xếp hạng gần đây của Tổ Chức Sở Hữu Trí Tuệ Thế Giới, năm 2018, nhìn trong tổng thể, Hoa Kỳ và Trung Quốc có số lượng bằng phát minh, sáng chế được đăng ký ngang nhau. Thế nhưng, Hoa Vi của Trung Quốc là doanh nghiệp có số lượng bằng phát minh đăng ký đứng đầu thế giới, trước cả Mitsubishi, Intel, Qualcomm và ZTE. Điều này giải thích vì sao việc ngăn chặn Hoa Vi trở thành mối ám ảnh của chính quyền Trump.

    Có thể nói, Hoa Kỳ đã chậm phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn và quyết tâm cao đến mức khác thường, trong cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo này. Do vậy, cho dù Donald Trump và Tập Cận Bình có ký được một thỏa thuận thương mại, cho phép làm giảm căng thẳng giữa hai nước nhưng không giải quyết được thực chất của vấn đề : đó là cuộc chạy đua công nghệ dài hơi giữa hai nước.

    Trong phiên bản mới của « cuộc chiến tranh giữa các vì sao » này, châu Âu đóng vai trò quyết định, bởi vì chính sách và các lựa chọn công nghệ của châu Âu sẽ làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng, nghiêng về Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc.





    Con đường khúc khuỷu của Tập Cận Bình tại châu Âu

    Báo Le Monde trở lại với chuyến công du châu Âu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình qua ngòi bút của nhà bình luận Jean-Michel Bezat cho rằng
    • « Con đường khúc khuỷu của Tập Cận Bình tại châu Âu ».

    Theo nhà bình luận, trong chuyến công du Ý và Pháp vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm được hai việc thành công :
    • Thứ nhất là dự án mua 300 máy bay Airbus, trị giá 30 tỷ,
      làm cho châu Âu phấn khởi,
    • và thứ hai là ký với Ý một thỏa thuận,
      tạo điều kiện cho Trung Quốc thâm nhập vào châu Âu, thông qua dự án « Con đường tơ lụa ».

    Trước mặt tổng thống Pháp, thủ tướng Đức và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, nguyên thủ Trung Quốc đã có những phát biểu ca ngợi, đề cao vai trò của châu Âu, như
    • « một châu Âu đoàn kết và thịnh vượng tương thích với tầm nhìn của chúng ta về một thế giới đa cực »,
      và « Trung Quốc sẽ luôn luôn ủng hộ châu Âu nhất thể hóa »…
    Đáp lại, bộ ba Pháp-Đức-châu Âu kêu gọi Trung Quốc
    • « tôn trọng sự đoàn kết của Liên Hiệp Châu Âu »
    , thể hiện rõ sự e ngại, dè chừng đối với Bắc Kinh.

    Theo tác giả, Mỹ và phương Tây đã phải trả giá về sai lầm khi cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), năm 2001. Vào lúc đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton khẳng định
    • việc kết nạp Trung Quốc sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tôn trọng các quy định thế giới.

    Còn ông Pascal Lamy, lúc đó là ủy viên châu Âu phụ trách thương mại (và sau này là tổng giám đốc WTO) thì hồ hởi trấn an :
    • Trung Quốc chỉ sản xuất các mặt hàng tầm thường,
      còn chúng ta sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
    Và vừa qua, trước mặt tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập hãnh diện nêu ra một thực tế :
    • Trong bốn mươi năm, chúng tôi đã làm được những việc mà quý vị phải mất đến 3 trăm năm.




    • Để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc,
      châu Âu đề ra các tiêu chuẩn lựa chọn đầu tư ngoại quốc trong các lĩnh vực chiến lược.
      Trong lúc đó,
      • Trung Quốc không cho báo chí chính thống nói đến dự án đầy tham vọng « Made in China 2025 » nữa, để không làm cho các đối tác châu Âu lo sợ,
      • nhưng không hề từ bỏ tham vọng sẽ cường quốc lãnh đạo thế giới trong một thập niên tới,
      • vẫn tiếp tục dự án « Con đường tơ lụa » hướng vào châu Âu và châu Phi.

    Đương nhiên,
    • con đường thâm nhập châu Âu của Trung Quốc gập ghềnh, khúc khuỷu,
      nhưng Bắc Kinh không lùi bước.
    Đầu tháng Tư này, nhân hội nghị thượng đỉnh với châu Âu, Trung Quốc sẽ lại ra sức trấn an.

    Cũng trong tháng Tư này, sẽ có hội nghị thượng đỉnh 16+1 thường niên tại Dubrovnik, Croatia.
    Đó là 16 nước trước kia thuộc khối Cộng Sản và trong đó có 11 quốc gia là thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Tất cả các nước này đều ngóng trông vào túi tiền khổng lồ của Bắc Kinh trong lúc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã cắm rễ ở phía đông và đông nam châu Âu.

    Điều trớ trêu cho châu Âu là
    • tại Dubrovnik, có dự án xây một cây cầu dài 2,4 km, với tổng đầu tư là 420 triệu euro, trong đó châu Âu tài trợ tới 85%.
      Thế nhưng, một doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc đã được lựa chọn,
      trong khi đó, công ty Strabag của Áo, nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thì bị gạt ra bên lề và ngậm ngùi tố cáo tình trạng dumping thương mại.









    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190402-khi-my ... cac-vi-sao
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thương mại Trung Quốc: Đối sách mạnh của Trump được ủng hộ rộng rãi

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Thương mại Trung Quốc:
    Đối sách mạnh của Trump
    được ủng hộ rộng rãi

    _________________________
    Mai Vân - 02-04-2019



              


    Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, Washington, ngày 01/04/2019.

              




    Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng sử dụng vũ khí thuế quan nhằm áp đặt quan điểm « Nước Mỹ Trên Hết » của ông trong lãnh vực thương mại đã khiến nhiều người tức giận, từ giới điều hành doanh nghiệp cho đến các chính phủ đồng minh, chưa kể đến các nghị sĩ thuộc cả hai đảng trong Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên, ông Trump đã có một nỗ lực thu hút được sự ủng hộ rộng rãi từ những người vốn phản đối ông trên hầu hết lãnh vực khác :
    • Đó là nỗ lực buộc Bắc Kinh phải từ bỏ các hành vi bị mọi người xem là
      • trợ cấp doanh nghiêp Trung Quốc một cách bất chính
      • và lũng đoạn thị trường quốc tế.

    Trong bài phân tích ngày 25/03/2019, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật thực tế này qua hàng tựa
    • « Việc ông Trump thúc ép Trung Quốc cải cách thương mại
      được hậu thuẫn rộng rãi trong nước và ngoài nước ».

    Đối với Reuters, vào lúc đàm phán Mỹ-Trung để chấm dứt chiến tranh thương mại đang đến hồi kết, giới chính khách, lãnh đạo doanh nghiệp và ngoại giao nhiều nước đang thúc giục tổng thống Mỹ Donald Trump và ê kíp duy trì sức ép để buộc Trung Quốc tiến hành các cải cách cơ cấu có ý nghĩa nhằm giải quyết các vấn đề trầm kha trong quan hệ, đã và đang tác hại đến Mỹ cũng như các doanh nghiệp và công nhân nước ngoài khác.

    Theo ông Steven Gardon, phó chủ tịch phụ trách vấn đề thuế gián thu và hải quan tại tập đoàn điện máy Mỹ Lear Corp, cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi động đã « mở nút chai giải tỏa những ức chế bị kìm nén từ lâu », làm gia tăng kỳ vọng theo đó cuộc chiến thương mại sẽ buộc Trung Quốc cải cách các chính sách mà các doanh nghiệp và chính phủ nước ngoài coi là không công bằng. Tập đoàn Lear của ông Gardon là doanh nghiệp có nhà máy ở 39 nước, trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Phát biểu trên một diễn đàn của Đại Học Luật Georgetown tại Mỹ trong tháng Ba này, ông Gardon nhận xét rằng từ khi các vấn đề liên quan đến Trung Quốc được nêu bật, hậu thuẫn chính trị tại Mỹ đòi khắc phục các vấn đề đó càng lúc càng tăng, đến mức mà ngày nay không ai có thể dửng dưng được. Theo nhà quan sát này:
    • « Hiện đang có áp lực về mặt chính trị đòi phải giải quyết vấn đề một cách lâu dài. »






    Chuyển biến trong cách đánh giá về Trung Quốc

    Nhận xét của ông Gardon, theo Reuters, phản ánh một chuyển biến quan trọng trong cách đánh giá của giới kinh doanh Mỹ và quốc tế, về các chính sách kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Đây là một cách nhìn nhận phù hợp với mục tiêu, nếu không phải là chiến thuật, đối phó với Bắc Kinh của ông Trump.

    Ê kíp thương mại của tổng thống Mỹ cho biết là họ đang trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận liên quan đến kinh tế thương mại quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Tám tháng trong cuộc chiến thương mại vừa qua đã làm gián đoạn dòng chảy của hàng tỷ đô la hàng hóa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thế nhưng cho đến giờ vẫn không rõ là liệu hai bên có đạt được một thỏa thuận khả dĩ chấp nhận được cho cả hai hay không.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bị cho là đã phải miễn cưỡng thực hiện một số cải cách kinh tế dưới áp lực từ Hoa Kỳ, trong lúc tổng thống Mỹ vẫn nói rằng ông có thể duy trì thuế quan trên hàng nhập từ Trung Quốc trong « một thời hạn đáng kể » ngay cả khi thỏa thuận được ký kết.

    Vấn đề là
    • ông Tập Cận Bình dễ dàng chấp nhận việc bị Donald Trump áp thuế
      hơn là thay đổi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc.

    Để chiêu dụ Washington, Bắc Kinh từng đề nghị mua một khối lượng lớn hàng Mỹ để giảm bớt phần thâm thủng mậu dịch kỷ lục. Ê kíp của tổng thống Trump cho biết là Trung Quốc sẵn sàng mua thêm hơn một nghìn tỷ đô la trong khoảng sáu năm.

    Có điều là ngoài giao dịch lớn đó có thể hấp dẫn chính quyền của ông Trump, Bắc Kinh sẽ không làm gì khác để giải quyết những gì mà các công ty Mỹ đang cạnh tranh ở Trung Quốc hoặc với các công ty Trung Quốc, nói là các vấn đề cơ cấu của một hệ thống chèn ép họ.

    Hoa Kỳ đã phàn nàn về việc
    • Trung Quốc bỏ ra số tiền lớn để trợ cấp cho ngành công nghiệp của mình,
      can dự vào các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ có hệ thống,
      buộc các công ty nước ngoài giao nộp bí mật thương mại nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
    Việc giải quyết những khiếu nại đó đòi hỏi những cải cách chính sách ở cấp cao nhất từ phía Đảng Cộng Sản của Tập Cận Bình đang cầm quyền ở Trung Quốc.

    Một khảo sát công bố vào cuối tháng 2 của Phòng Thương Mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Mỹ ủng hộ việc tăng hoặc duy trì thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, và số doanh nghiệp muốn chính phủ Mỹ ép Bắc Kinh mạnh mẽ hơn trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng, cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

    Áp lực bằng thuế quan của Hoa Kỳ thậm chí còn khuyến khích một số quan chức và nhà điều hành doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc kêu gọi đẩy nhanh hơn nữa tốc độ cải cách ở Trung Quốc vào lúc nước này kỷ niệm 40 năm bước đầu tiến lên chủ nghĩa tư bản.

    Cuối tháng Hai vừa qua, đại diện thương mại Lighthizer nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng giới doanh nhân Mỹ gốc Hoa đã thúc giục ông « kiên quyết » trong các cuộc đàm phán và không « bán rẻ mọi sự chỉ vì đậu nành ».





    Lập Pháp đòi tổng thống Mỹ duy trì áp lực

    Khi tổng thống Trump dời việc tăng thuế mà ông từng đe dọa nếu Trung Quốc không thỏa thuận trước ngày 01/03, ông đã khiến mọi người lo ngại rằng ông có thể bị đơn đặt hàng khổng lồ của Bắc Kinh lung lạc mà không giải quyết các vấn đề cơ cấu lâu dài. Thế là từ giới vận động hành lang, giám đốc công ty, cho đến các nhà ngoại giao nước ngoài, các nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng, tất cả đều thúc giục ông Trump tiếp tục theo đuổi các yêu cầu về cải tổ cơ cấu.

    Dân biểu bang Texas Kevin Brady, một trong những người Cộng Hòa ủng hộ thương mại nhất và là người chỉ trích mạnh mẽ quyết định đánh thuế của ông Trump, gần đây đã tham gia vào phong trào kêu gọi đó. Chỉ vài ngày sau khi việc hoãn áp thuế được công bố, tại một phiên điều trần của Ủy Ban Chuẩn Chi Hạ Viện, ông Brady khẳng định :
    • « Mặc dù chúng ta muốn Trung Quốc mua thêm hàng hóa Mỹ ...
      nhưng điều quan trọng hơn đối với chúng ta là
      • buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cao về quyền sở hữu trí tuệ,
        chống nạn trợ cấp, sản xuất quá tải
        và bãi bỏ những thủ đoạn mà họ sử dụng để lũng đoạn nền kinh tế toàn cầu ».

    Lãnh đạo đảng Dân Chủ ở Thượng Viện Mỹ Chuck Schumer, vốn dĩ từ lâu nay là một con diều hâu chống thương mại Trung Quốc, đã lên diễn đàn Thượng Viện để kêu gọi ông Trump đừng « lùi bước » và đừng chấp nhận thỏa thuận chủ yếu bao gồm việc mua đậu nành và các hàng hóa khác của Mỹ.

    Hôm thứ Năm 21/03, thượng nghị sĩ Schumer đã gởi một tin nhắn twitter với nội dung :
    • « Bây giờ không phải là lúc để bỏ 200 tỷ đô la thuế quan chỉ vì Trung Quốc sắp ký một thỏa thuận. »






    Liên Hiệp Châu Âu kín đáo ủng hộ Donald Trump

    Các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, đồng minh truyền thống của Mỹ, hiện vẫn bực bội về sắc thuế đánh trên thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ mà ông Trump đã áp đặt từ năm ngoái. Liên Hiệp Châu Âu cũng lo lắng trước việc ông sẽ đánh thuế trên ô tô. Thế nhưng khối này lại chia sẻ với tổng thống Mỹ nhiều nỗi thất vọng trên chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ và các hạn chế tiếp cận thị trường của Trung Quốc.

    Tại Bắc Kinh, một quan chức châu Âu tiết lộ với Reuters rằng ngày nào họ cũng nhận được khiếu nại từ các công ty châu Âu. Quan chức này lưu ý rằng mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết giúp cuộc sống của các công ty nước ngoài dễ dàng hơn, nhưng thực tế rất ít thay đổi.

    Đánh giá của Ủy viên Thương Mại châu Âu, bà Cecilia Malmstrom về hành vi của Trung Quốc nghe có vẻ giống như văn bản của Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, cho rằng Trung Quốc đã lạm dụng các quy tắc thương mại toàn cầu. Trong một bài phát biểu tại Washington vào tháng Ba, bà Malmstrom cho rằng Trung Quốc đã
    • « xóa nhòa ranh giới giữa khu vực Nhà nước và tư nhân, và Nhà nước đã có một ảnh hưởng lẽ ra không nên có…
      Tài sản trí tuệ của các công ty bị đánh cắp.
      Trợ cấp của Nhà nước, trực tiếp hoặc gián tiếp, là điều phổ biến. Và những tác động này được cảm nhận trong và ngoài nước. »

    Theo bà Malmstrom, trong khi « đồng ý về chẩn đoán », Mỹ và Liên Âu lại khác nhau về chiến thuật đối phó với Trung Quốc. Bà chủ trương cách tiếp cận đa phương, nêu bật ví dụ về việc bộ ba Liên Hiệp Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản phối hợp giải quyết các vấn đề, thông qua việc cải cách các quy tắc của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.

    Một số người lo ngại rằng châu Âu có thể thua cuộc nếu Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận mua thêm hàng tỷ đô la sản phẩm để cố gắng thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Một quan chức châu Âu thứ hai, cũng hoạt động tại Bắc Kinh cho biết :
    • « Nếu Trung Quốc mua nhiều hơn từ Mỹ
      thì chắc chắn họ sẽ mua ít hơn từ châu Âu »,
    điều có thể ảnh hưởng đến các công ty đa quốc gia lớn ở châu Âu.

    Tuy nhiên, giới ngoại giao và quan chức châu Âu thừa nhận rằng họ cũng ủng hộ các mục tiêu của Trump đối với Trung Quốc, cho dù họ không thích chiến thuật thẳng thừng của ông. Nhiều người đang ngấm ngầm mong đợi tổng thống Mỹ thành công.

    Một nhà ngoại giao Liên Âu tại Bruxelles xin ẩn danh xác định :
    • « Chúng tôi chống lại các biện pháp đơn phương, nhưng chính xác ra là không ai thấy tội nghiệp cho Trung Quốc.
      Về nội dung, chúng tôi nghĩ rằng ông Trump có lý… Bắc Kinh phải hiểu rằng nếu không có cải cách, hệ thống chỉ có thể là ngừng hoạt động mà thôi. »


    Các quan chức trong chính quyền Trump nhấn mạnh rằng tổng thống Mỹ đã nghe thấy thông điệp và đang tiến hành những « thay đổi cấu trúc » trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, cùng với việc hình thành một cơ chế thực thi buộc Trung Quốc phải giữ đúng cam kết.

    Tại một diễn đàn của Trường Luật Georgetown, Clete Willems, một cố vấn thương mại của Nhà Trắng, nói rằng tổng thống Trump quyết tâm khắc phục các vấn đề trong quan hệ thương mại với Trung Quốc mà ông từng chống lại trong nhiều năm, trước cả khi ông lên làm tổng thống. Đối với người đã loan báo hôm 22/03 quyết định rời Nhà Trắng vì lý do gia đình thì :
    • « Ý kiến cho rằng tổng thống Mỹ đột nhiên chấp nhận một thỏa thuận xấu hoàn toàn không chính xác.
      Tổng thống sẽ tránh xa các thỏa thuận tồi ».








    http://vi.rfi.fr/chau-a/20190402-thuong ... o-rong-rai
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Trung Quốc hỗ trợ điện than, gây lo ngại biến đổi khí hậu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Trung Quốc hỗ trợ điện than,
    gây lo ngại biến đổi khí hậu

    _________________________
    David Shukman - 23 tháng 11 2018



              

              



    Khi nồng độ khí nhà kính đạt một kỷ lục mới, lo ngại gia tăng về vai trò của Trung Quốc trong sự nóng lên toàn cầu. Trong nhiều năm, việc Trung Quốc gia tăng số lượng các nhà máy điện than đã bị chỉ trích. Nay, các nhóm môi trường nói rằng Trung Quốc cũng đang ủng hộ hàng chục dự án nhiệt than bên ngoài biên giới nước này.

    Than là loạt nhiên liệu hóa thạch gây phá hủy nhất do lượng khí carbon dioxide thải ra khi nó bị đốt cháy. Năm ngoái, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đạt mức cao nhất trong 3-5 triệu năm qua, theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc. Tháng trước, hội đồng khoa học khí hậu của Liên Hiệp Quốc cho rằng than phải được loại bỏ vào năm 2050 nếu thế giới có cơ hội hạn chế sự tăng nhiệt độ.

    Các dự án than do Trung Quốc hỗ trợ đang được tiến hành hoặc được lên kế hoạch ở các nơi xa xôi như Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Nam Á và Balkan. Các hợp đồng và tài trợ cho các dự án này thường không hoàn toàn minh bạch nhưng các nhóm vận động bao gồm Bankwatch đã cố gắng theo dõi.
    • "Bạn không thể là một nhà lãnh đạo thế giới trong việc kiềm chế ô nhiễm không khí và đồng thời là nhà tài trợ lớn nhất thế giới của các nhà máy điện than ở nước ngoài", điều phối viên nhóm năng lượng Ioana Ciuta nói với BBC.

      Bà nói: "Khi Trung Quốc đầu tư vào hơn 60 quốc gia dọc theo Sáng kiến Vành đai và Đường bộ, họ đang duy trì một nguồn ô nhiễm đã được chứng minh là có hại không chỉ đối với khí hậu mà còn cho các nền kinh tế".




    Nhà máy điện than khổng lồ ở Serbia

              


    Trung Quốc đang hỗ trợ hàng loạt dự án điện than ở nước ngoài

              
    Tại Serbia, một trong những nhà máy điện than lớn nhất của nước này đang được mở rộng nhờ một khoản vay từ Trung Quốc và do một công ty xây dựng lớn nhất Trung Quốc thực hiện. Nhà máy điện hiện có do công ty điện lực quốc gia Serbia, EPS, điều hành, cung cấp khoảng 70% điện cho quốc gia từ đốt than, phần còn lại là từ các công trình thủy điện.

    Hiện tại, theo hợp đồng trị giá 715 triệu đô la được chính phủ Serbia và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký kết, một nhà máy nữa đang được bổ sung, sẽ mang thêm 350MW điện cho nước này. Tuy nhiên, công trình này không được trang bị bất kỳ công nghệ thu giữ carbon nào. Đây là một trong những mô hình dự án do Trung Quốc hậu thuẫn góp phần vào sự gia tăng nồng độ carbon dioxide trong khí quyển.




    Bệnh đường hô hấp

    Dự án điện than mới với Trung Quốc cung cấp khoảng 3.500 việc làm cho người dân địa phương tại Serbia. Nhưng nhiều người ngày càng trở nên lo ngại về ô nhiễm trong khu vực.
    • "Chất lượng không khí và nước của chúng tôi rất kém. Chúng tôi không thể trồng trái cây và rau quả. Ngoài ra còn có rất nhiều tiếng ồn. Tất cả điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của những người sống ở đây, nhiều người trong số họ mắc bệnh hô hấp,"ông Momir Savic nói.

    EPS cho biết đã chi hàng trăm triệu Euro cho bảo vệ môi trường nhưng hồ sơ theo dõi rõ ràng cho thấy điều này không đáng tin.







    https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46313124
              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

TQ là thủ phạm chính đang thải chất CFC làm thủng tầng ozone

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    TQ là thủ phạm chính
    đang thải chất CFC
    làm thủng tầng ozone

    _________________________
    BBC - 22/05/2019



              


    Khói thải ra ở một nhà máy năng lượng Trung Quốc.
    Hình minh họa

              



    Giới nghiên cứu cho biết họ phát hiện ra Trung Quốc chính là thủ phạm chính gây ra sự gia tăng bí ẩn gần đây của loại hóa chất CFC vốn đang phá hủy tầng ozone.
    • "Tôi nghĩ với nghiên cứu này, không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc là nguyên nhân đằng sau sự gia tăng bất ngờ của khí thải này và chúng tôi hy vọng rằng Trung Quốc sẽ truy quét sạch toàn bộ hoạt động sản xuất CFC-11," Clare Perry từ Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) nói.

    Tầng ozone, hay còn gọi là tầng bình lưu giúp che chắn bảo vệ Trái đất và con người khỏi phóng xạ cực tím từ mặt trời.

    • Việc sử dụng CFC đã tạo lỗ thủng trong tầng ozone,
      gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư da và bệnh về mắt.

      Khí CFC còn góp phần gây ra hiệu ứng nhà kính, gây biến đổi khí hậu.
      Một tấn khí CFC tương đương 5000 tấn CO2.


    Vào 1987, cộng đồng quốc tế đã đồng ý hạn chế sản xuất và sử dụng hóa chất này và dự kiến các chất CFC gồm CFC-11 sẽ hoàn toàn bị xóa bỏ vào 2010. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của EIA cho thấy
    • khoảng 40-60% sự gia tăng lượng khí CFC-11 đang thải ra
      đến từ các công ty ở tỉnh Đông Bắc Trung Quốc





    Sử dụng trong vật liệu ốp tường nhà

    Nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty xây dựng ở Trung Quốc đã sử dụng CFC-11 trong vật liệu ốp tường nhà. CFC-11 rất hiệu quả để làm bọt polyurethane, giúp giãn nở thành vật liệu cách nhiệt cứng để cắt giảm hóa đơn tiền điện và giảm lượng khí thải carbon.

    Các nhà nghiên cứu đã liên hệ với các nhà máy sản xuất bọt ốp tường ở 10 tỉnh khắp Trung Quốc, và kết luận rằng CFC-11 được sử dụng phần lớn trong vật liệu ốp tường các nhà máy này sản xuất. Một công ty ước tính khoảng 70% doanh số bán hàng nội địa của họ sử dụng hóa chất cấm này. Lý do là vì CFC-11 chất lượng hơn và rẻ hơn các hóa chất khác.

    Sử dụng các trạm giám sát không khí ở Hàn Quốc và Nhật Bản, các nhà nghiên cứu thấy lượng CFC-11 tăng lên kể từ 2012. Thêm vào đó, lượng khí thải CFC-11 ở Trung Quốc giai đoạn 2014-2017 đã tăng lên 110% so với giai đoạn 2008-2012.
    • "Nghiên cứu mới này dựa trên những đột biến trong dữ liệu về không khí đến từ Trung Quốc", tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Matt Rigby tại Đại học Bristol, nói với BBC Inside Science.

              


    Thùng hóa chất chứa CFC-11 ở một nhà máy ở Trung Quốc mà các nhà điều tra phát hiện

              

    Họ phát hiện ra so với 2012, ở Trung Quốc xuất hiện thêm 7000 tấn khí CFC-11. Tuy nhiên, cũng có khả năng các lượng khí CFC-11 này được thải ra ở nhiều khu vực khác của Trung Quốc. Hoặc có thể đến từ Ấn Độ, Châu Phi, Nam Mỹ vì có rất ít trạm giám sát tại những khu vực này.

    Trung Quốc nói đã bắt đầu kiểm soát các công ty "giả mạo" sản xuất CFC-11. Tháng 11 năm ngoái, một số nghi phạm sở hữu 30 tấn CFC-11 đã bị bắt tại tỉnh Hà Nam.




    CFC-11 là chất gì?

    CFC-11 là một trong số các hóa chất CFC. Ban đầu được dùng để làm chất làm lạnh trong những năm 1930. Nhưng đến 1980, các nhà khoa học phát hiện ra khí CFC khi phân hủy trong khí quyển, sẽ giải phóng nguyên tử Clo, làm phá hủy tầng ozone vốn giúp bảo vệ chúng ta khỏi tia cực tím độc hại.

    Cộng đồng quốc tế đã thống nhất trong Nghị định thư Montreal vào 1987, đồng ý hạn chế sản xuất và sử dụng chất này. Nghiên cứu gần đây cho thấy lỗ hổng tầng ozone ở Bắc bán cầu có thể được vá lại hoàn toàn vào những năm 2030 và lỗ hổng ỡ trên Nam Cực có thể vá lành vào những năm 2060.

    Các nhà khoa học nói thêm rằng việc gia tăng lượng khí CFC-11 sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu.
    • "Toàn bộ lượng khí CFC được thải ra từ phía đông Trung Quốc tương đương với khoảng 35 triệu tấn CO2 được thải vào khí quyển mỗi năm, tương đương với khoảng 10% lượng khí thải của Anh, hay của cả toàn bộ London,

    Lượng khí thải gia tăng bất ngờ đến từ Trung Quốc đã khiến quy trình vá lỗ hổng ozone bị chậm lại.




    https://www.bbc.com/vietnamese/world-48364757
              
Trả lời

Quay về “rắn Tàu”