Tất cả hồ sơ xin tị nạn tại Úc đều bị bác. Vì sao?

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tất cả hồ sơ xin tị nạn tại Úc đều bị bác. Vì sao?

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tất cả hồ sơ xin tị nạn tại Úc đều bị bác. Vì sao?





    Gần đây có rất nhiều người Việt Nam bị từ chối tư cách tị nạn chính trị tại đã liên lạc với tôi, xin được giúp đỡ về mặt pháp lý. Đại đa số các trường hợp này đều đối diện với một tương lai rất khó khăn. Trong bối cảnh đó, tôi thấy rằng độc giả người Úc gốc Việt và cả những đồng hương Việt Nam nên có những nhận thức đúng đắn về vấn đề xin tị nạn chính trị tại Úc. Tất cả những người Việt bị từ chối tư cách tị nạn chỉ vì họ không có một lý do gì để ra đi cả. Hay họ đưa ra những lý do mơ hồ, không có căn cứ, không có bất cứ một bằng chứng cụ thể gì để chứng minh cả.

    Mục đích của bài viết hôm nay, nhằm giúp quý vị có được những thông tin căn bản, cần thiết. Tuy nhiên những thông tin này không thể thay thế một luật sư di trú hay nhân quyền có kinh nghiệm, vì xin được công nhận tư cách tị nạn chính trị không hề là một vấn đề đơn giản.

    Nói tị nạn chính trị là nói một cách chung chung. Nhưng tị nạn chính trị thật ra bao gồm nhiều lý do, trong đó tị nạn chính trị chỉ là một trong số các lý do để công nhận một người là tị nạn theo Công ước Người Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc.

    Chính phủ Australia là một trong những quốc gia đã ký công ước quốc tế về người tị nạn năm 1951 và do đó, có nhiệm vụ phải bảo vệ những người đến Australia xin tị nạn. Tuy nhiên để bảo vệ biên giới, và bảo vệ nước Úc khỏi bị tràn ngập bởi những người tầm trú đến bất hợp pháp bằng thuyền ( thuyền nhân, chính phủ Úc có những chính sách riêng đối với những người xin tư cách tị nạn.

    Australia là thành viên đã phê chuẩn Công ước về người tị nạn 1951 và đương nhiên có trách nhiệm phải bảo vệ và giúp đỡ những người nộp đơn xin tị nạn. Hai loại visa của bộ di trú Úc dùng cho những người tị nạn gồm loại visa tị nạn ( refugee visa ). Loại visa này dùng cho những người đã rời bỏ quốc gia nguyên quán đến tầm trú tại một quốc gia khác ( không phải Australia ) và từ đó nộp đơn xin visa tại nạn để đến định cư tại Úc. Loại visa thứ hai không gọi là visa tị nạn mà gọi là visa bảo vệ ( protection visa ). Loại này dành cho những người đến Úc bằng các loại visa hợp pháp và sau đó nộp đơn xin visa bảo vệ tại Úc.

    Tuy nhiên để được chính phủ Australia bảo vệ và cấp visa định cư thì người tị nạn cần phải chứng minh họ là những người tị nạn theo đúng định nghĩa về người tị nạn được ghi rõ trong Công ước.

    Nhằm giúp quý độc giả Việt Luận cũng như quý đồng hương tại Australia và Việt Nam nắm được những điểm cơ bản của Công ước này, trong bài viết này tôi xin trình bày một số điểm quan trọng về công ước.

    Trước hết theo định nghĩa của Công Ước thì người tị nạn phải là những người: “Có một nỗi sợ hãi có căn cứ rằng họ bị chính quyền nơi họ sinh sống đàn áp, ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của những nhóm xã hội nào đó, hay vì lý do có chính kiến đối nghịch với chính quyền. Vấn đề có chính kiến này có thể là thực sự có chính kiến đối nghịch với chính quyền hay chỉ là những chính kiến do chính quyền ngụy tạo, áp đặt chứ thật ra người đó không có chính kiến gì cả.

    Vì nỗi sợ hãi nói trên đã họ đã trốn ra nước khác, họ tìm kiếm sự che chở của quốc gia khác và không thể quay trở về quốc gia nguyên quán vì sợ sẽ bị tiếp tục đàn áp và bức hại.

    Người tị nạn có thể ra đi để tìm kiếm sự bảo vệ của một quốc gia khác, nếu khi còn sống ở tại quốc gia nguyên quán, họ đã bị chính quyền này hăm dọa, đàn áp, ngược đãi, bị bắt, bị giam phi lý, bị tra tấn, bị tước đoạt quyền công dân, bị tước đoạt cơ hội học hành, công ăn việc làm, bị tước đoạt quyền có được một cuộc sống bình yên như mọi người khác trong xã hội, hay thậm chí bị đe dọa đến sinh mạng của bản thân và gia đình.

    Theo Công ước, có năm lý do được công nhận. Thứ nhất là lý do chủng tộc. Ví dụ người H’mong ở Việt Nam từng được biết đến như một sắc tộc bị chính quyền cộng sản đàn áp và ngược đãi dữ dội. Hay là người gốc Hoa bị chính quyền Việt Nam đàn áp vào những năm 1979-1981 khi có chiến tranh biên giới với Trung Quốc. Gần đây nhất là sắc tộc Rohingya bị chính quyền Miến Điện đàn áp dữ dội.

    Thứ hai là lý do tôn giáo. Ví dụ những người theo đạo Tin Lành, Thiên Chúa, hay Hồi Giáo hay những tôn giáo nhỏ khác như Cao Đài, Hòa Hảo tại Việt Nam, bị các chính quyền độc tài, kỳ thị đàn áp với mục đích xóa sổ, tiêu diệt. Không nhất thiết là tất cả những người theo các tôn giáo đó bị đàn áp kỳ thị trên phạm vi toàn quốc, mà có thể chỉ một cộng đồng nhỏ, ở một nơi nào đó, bị chính quyền đàn áp, cưỡng bách, trừng trị vì một lý do bất công nào đó, khiến những thành viên của cộng đồng đó phải chạy trốn. Các tín đồ của giáo phái Pháp Luân Công bị đàn áp tại Trung Quốc và Việt Nam…

    Thứ ba là vì lý do quốc tịch. Ví dụ những người Israel kỳ thị những người có quốc tịch Ả rập đang sinh sống trên lãnh thổ của Israel, hay những người có gốc gác Do Thái bị người Đức phát xít kỳ thị trong thời gian trước và trong Thế chiến 2.

    Thứ tư là do xuất thân từ một thành phần xã hội nào đó. Ví dụ nổi bật nhất là chính quyền cộng sản Việt Nam đã đàn áp, ngược đãi thậm tệ những người xuất thân từ các gia đình viên chức, quân đội của chính quyền VNCH sau năm 1975. Những người đồng tính bị kỳ thị cực kỳ khốc liệt tại Nga…

    Thứ năm là vì lý do chính kiến. Riêng về lý do chính kiến, có hai loại chính kiến. Thứ nhất là thực sự có chính kiến và lên tiếng công khai hay không công khai về chính kiến của mình. Ví dụ những người đang bị đàn áp vì nói lên chính kiến của mình trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, và lên tiếng hoàn toàn bằng những cách thức hòa bình bất bạo động. Thứ hai là những người không có chính kiến gì cả, mà lại bị chính quyền vu cáo, chụp mũ là có tư tưởng, lời nói, hành vi chống lại chính quyền. Ví dụ một học sinh có cha chỉ là lính trước năm 1975, nhưng do em có một nhận xét thơ ngây về bác Hồ mà nhà trường không đồng ý và bị nhà trường quy chụp là phản động và đuổi học và cả gia đình đều bị liên lụy.

    Nếu điều kiện hoàn cảnh đàn áp ngược đãi đã chấm dứt thì người xin tị nạn có thể trở về. Hay người xin tị nạn phải chứng minh rằng họ không thể trở về vì họ có một nỗi sợ hãi có căn cứ rằng nếu họ trở về, họ lập tức trở thành nạn nhân của chính quyền do một hay nhiều trong năm lý do nêu trên. Trong trường hợp này việc đàn áp ngược đãi chưa xảy ra, nhưng phải chứng minh rằng họ sợ những sự đàn áp ngược đãi trong tương lai là có căn cứ.

    Nói nôm na, sợ hãi có căn cứ là một nỗi sợ hãi được chứng minh bằng bằng chứng giấy trắng mực đen, bằng những sự kiện đã, đang hay có nguy cơ cao là sẽ xảy ra trong tương lai. Ví dụ bằng chứng giấy tờ khi bị bắt, bị xét xử phi công lý, bị tù giam không xét xử, bị đưa đi lao động cải tạo, bị công an hành hung gây thương tích có giấy chứng thương. Nỗi sợ hãi cũng có thể do nhìn thấy những gì trên thực tế đã xảy ra cho người có hoàn cảnh giống hệt như mình.

    Do đó khi nói rằng mình sợ, phải chứng minh rằng sự đe dọa là có thật, đã xảy ra, đang xảy ra cho những người có hoàn cảnh giống mình và sẽ xảy ra cho mình nếu mình bị đưa về lại quốc gia đó.

    Không chứng minh được sự sợ hãi thì không thể được công nhận là người tị nạn. Tôi xin đơn cử một trường hợp chứng minh được sự sợ hãi. Một người Việt, theo đạo Thiên Chúa Giáo, đã tham gia các hoạt động biểu tình chống Trung Quốc, chống cướp đất, ủng hộ dân oan và các sự kiện này đã được báo chí Việt nam đưa tin. Bản thân người thanh niên này xuất hiện hàng ngày trên Facebook với các bài viết phê bình đảng cộng sản. Nhân một cuộc biểu tình gần nhất, người này bị công an ghép tội phá hoại trật tự an ninh công cộng và có lệnh bắt. Tuy nhiên người này thật ra không có phá hoại an ninh trật tự gì cả, mà chỉ vì anh ta là một người nổi bật trong số những người đấu tranh và chế độ cần phải bỏ tù anh này để làm gương cho người khác. Người này vì thế được nhiều người giúp đỡ trốn ra nước ngoài và từ đó nộp đơn xin tị nạn chính trị. Đó là một trường hợp điển hình là người này lo sợ thật sự nếu anh ta ở lại anh ta sẽ bị tù đày ngược đãi vì những hoạt động chính đáng.

    Cái quan trọng là lời khai này phải được khẳng định ngay từ đầu và không thay đổi. Nếu người xin tị nạn lúc ban đầu khai khác, mà sau này lại đổi lời khai thì độ khả tín từ cao sẽ thành thấp, do tạo ra nhiều nghi ngờ.

    Ghi nhớ rằng chống lại chính quyền bằng vũ khí và bạo lực thì sẽ không rơi vào định nghĩa của Công ước về người tị nạn. Vì theo lẽ tự nhiên khi quý vị chống lại chính quyền bằng vũ lực thì chính quyền có quyền đáp trả bằng bạo lực. Do đó người tị nạn trước có chính kiến thì chính kiến đó phải được bày tỏ bằng biện pháp hòa bình. Dù thế họ vẫn bị đàn áp bằng bạo lực, ngục tù, tra tấn…

    Tôi xin đưa ra một số yếu tố quan trọng trong một hồ sơ xin tị nạn:

    • 1.Người xin tị nạn thuộc thành phần nào ở Việt Nam? Có bằng chứng gì chứng minh không? Ví dụ là người có đạo Thiên Chúa, người viết bài chính trị thường xuyên trên Facebook, người đã công khai tham gia nhiều cuộc biểu tình, người công khai đấu tranh cho dân oan…

      2.Trong quá khứ đã tham gia những hoạt động gì? Có bằng chứng gì chứng minh không? Không thể chỉ chứng minh bằng lời nói được. Có thể chỉ có tham gia một hoạt động duy nhất và bị nguy hiểm với chế độ ngay,nhưng phải có đầy đủ chi tiết, bằng chứng để chứng minh.

      3.Có bị bắt bớ, tù đày vì những hoạt động này bao giờ chưa? Có bằng chứng gì không? Có giấy triệu tập không, có lệnh bắt chưa? Nếu mình chỉ là thân nhân của người trực tiếp hoạt động và mình không có tham gia gì cả, thì khó mà nói rằng mình cũng bị nguy hiểm.

      4.Nếu có tham gia hoạt động thì đóng vai trò gì trong các hoạt động này? Nếu chỉ là những vai trò không quan trọng hay gián tiếp thì không thể bị chính quyền lưu ý và tìm cách bắt bớ được. Có bằng chứng gì về vai trò của mình trong các hoạt động này không?

      5.Nếu chưa bị bắt, thì có bằng chứng gì là chắc chắn sẽ bị bắt nếu không ra đi không?

      6.Những hoạt động này có được báo chí Việt Nam ghi nhận, thông tin không? Nếu những sự kiện không chứng minh được thì sự kiện đó khó được chấp nhận. Những sự kiện được chấp nhận gồm sự kiện được tin tức trong nước, ngoài nước đăng tải, hay xuất hiện trên Facebook được nhiều người biết đến.

      7.Có chứng minh được tư tưởng và quá trình hoạt động chính trị của mình không? Có bằng chứng về tư tưởng và hoạt động chính trị không? Ví dụ bằng chứng tham gia tổ chức, bằng chứng có tư tưởng chính trị, ví dụ viết bài trên mạng, trên Facebook. Không chứng minh được có tư tưởng chính trị thì không thể nói là có hoạt động chính trị được, ngoại trừ chứng minh được là mình hoạt động trong các tổ chức bí mật và không thể công khai được.

      8.Nếu mình không phải là nhân vật nổi bật, trực tiếp hoạt động, hay tổ chức, tham gia các sự kiện thì khó nói rằng mình bị chế độ ghi hồ sơ đen để bắt bớ, ngược đãi. Nếu vì lý do nào đó mình không làm gì, nói gì cả, mà vẫn bị chế độ đưa vào hồ sơ đen thì cũng phải giải thích được, chứng minh được vì sao việc này xảy ra.

      9.Không có bằng chứng giấy trắng mực đen thì có thể nói là không chứng minh được gì cả. Nếu không có bằng chứng thì phải có nhân chứng.

      10.Lời khai ban đầu với bộ di trú phải là lời khai xuyên suốt quá trình xin tị nạn, có đầy đủ bằng chứng để chứng minh.


    Ls Lê Đức Minh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”