Nhà văn Philip Roth vừa qua đời

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Nhà văn Philip Roth vừa qua đời

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Nhà văn Philip Roth vừa qua đời





    Nhà văn Philip Roth, một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20, là người khổng lồ của văn học Hoa Kỳ. Ông cùng với John Updike và Saul Bellow là ba tác giả biểu tượng cho văn học Hoa Kỳ. Ông cũng là người giành được nhiều giải thưởng nhất trong thế hệ của mình hai lần nhận giải National Book Award và National Book Circle, ba lần đoạt giải PEN/Faulkner và giải Putlizer năm 1997 với tác phẩm American Pastoral. Cũng với cuốn The Human Stain nhận giải WH Smith Literary của Anh và giải Frank Kafka của Cộng Hòa Czech năm 2001. Ông vừa từ trần ngày 22 tháng 5 năm 2018 thọ 85 tuổi. Đã được nhiều người mến mộ và tiếc thương ông trên báo giấy và trên mạng internet. Như nhà văn Mark Harris viết trên Twitter: “85 năm là một quãng đường đời dài nhưng tôi vẫn thấy chống váng một cách bất ngờ khi nghe tin ông Philip Roth từ trần. Ông ấy là một người khổng lồ. Có thể có nhiều người độc giả hoặc nhà văn không thích ông nhưng không một ai mà không học hỏi được bất cứ một điều gì từ những tác phẩm của ông”.

    Dù ông đoạt được nhiều giải thưởng văn học nhưng lại là một nhà văn nổi tiếng cả thế giới nhưng không phải là khôi nguyên của giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển. Bởi thế nên nhà văn Maris Kreizman đã phát biểu một câu chua chát: “Hy vọng người ta sẽ trao giải Nobel ở kiếp sau cho ông!”.

    Dù rằng khi còn sinh thời ông cũng không quan tâm nhiều đến giải thưởng văn học này.

    Có trường hợp mấy năm liền nhiều tác giả được mong chờ là sẽ đoạt giải nhưng kết quả lại trái ngược với sự tiên đoán ấy. Thí dụ như Haruki Murakami, như Philip Roth…

    Trường hợp Philip Roth, trước khi công bố giải Nobel văn chương năm 2008, ông Horace Engdahl, nhà phê bình văn học và cũng là một thành viên của hội đồng tuyển chọn của Hàn Lâm Viện Thụy Ðiển đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng Âu Châu vẫn là tâm điểm tượng trưng cho nền văn học thế giới và văn học hiện đại của Hoa Kỳ không đạt được vị trí như thế bởi vì các nhà văn Hoa Kỳ bị ảnh hưởng quá nhiều vào các khuynh hướng phổ quát, bình dân hóa. Ông cho rằng văn học Hoa Kỳ quá biệt lập, tự kỷ và không chú trọng đến dịch thuật từ các nền văn học trên thế giới cũng như không tham dự vào các cuộc thảo luận về văn chương với cả thế giới. Do đó tạo thành tình trạng ít hiểu biết khiến họ như bị biệt lập lại và không có lối đi xa hơn.

    Ðã có nhiều phản bác và cho rằng nhận xét của ông Hàn Thụy Ðiển Horace Engdahl có tính kỳ thị quốc gia. Website Quaterly Complete Review đã có nhiền bài cho rằng những ý kiến ấy đầy chất chủ quan và không phóng chiếu được cái nhìn bao quát và sâu rộng của văn chương. Do đó, những giải thưởng văn chương dù có tạo được truyền thống tốt nhưng nhiều trường hợp đã trao giải cho những nhà văn thực sự không xứng đáng.

    Có hai nhà văn Hoa Kỳ nhiều năm mà năm nào cũng được chọn trong “final list” của những nhà văn có hy vọng trúng giải. Ðó là Philip Roth và John Updike.

    Riêng John Updike từ trần ngày 27 tháng giêng năm 2009 nên về sau không có tên trong những người có hy vọng đoạt giải vì giải Nobel không vinh danh những tác giả đã quá cố. Có dư luận cho rằng ông Horace Engdahl chủ trương nhận xét văn học đầy chất tự kỷ và biệt lập bắt nguồn từ nhận xét về hai nhà văn Hoa Kỳ nổi tiếng này. Philip Roth thường viết nhiều về đời sống chung quanh mình, ở môi trường đời sống văn học và đại học, cũng như những kinh nghiệm về tình dục của người Mỹ gốc Do Thái. Còn John Updike thì lấy đề tài từ những người Hoa Kỳ da trắng trung lưu theo đạo Tin Lành.

    Philip Roth từ trong tuyển tập gồm một tân truyện và 5 truyện ngắn kể về đời sống của một gia đình Mỹ gốc Do Thái trung lưu trong “Goodbye, Colombus” đến tiểu thuyết viết mười năm sau như một chuyện kể đầy tính thủ dâm mà người kể chuyện đã đi tìm tự do bằng xử dụng dục tính như một con đường để vượt thoát “Portnoy’s Complaint” rồi đến hiện nay, tiểu thuyết mới xuất bản năm 2008 “Indignation”, tất cả như quanh quẩn từ một môi trường để nhìn ngắm một xã hội mà tác giả đang sống ở Bắc Mỹ.

    Philip Roth sinh năm 1933 ở Newark, tiểu bang New Jersey, là con mà cha mẹ sinh trưởng ở Mỹ và là cháu của ông bà thuộc lớp người Do Thái di dân từ thế kỷ 19. Ông lớn lên tại một thành phố trung bình Weequahic và học tai trường trung học công lập ở Newark. Sau đó ông học tại Bucknell University và tốt nghiệp cử nhân và rồi tiếp tục học tại University of Chicago để tốt nghiệp cao học, Sau đó ông dạy Anh văn và sáng tác tại đại học Iowa và Princeton, rồi dạy nhiều năm môn tỉ giảo văn chương tại University of Pennsylvania.

    Philip Roth viết văn đã mang đời sống thực của mình vào văn chương nên nhiều khi đã làm độc giả lẫn lộn giữa tự truyện và tiểu thuyết. Tiểu thuyết của ông nhiều khi có chất tự truyện, có lúc là hồi ký, có lúc là chuyện thực, có lúc là lời thú nhận như trong bộ bốn cuốn “The Fact” (Việc xảy ra), “Deception” (Sự lừa dối), “Patrimony” (Di sản) và “Operation Shylock” (Nhiệm vụ Shylock) thì chỉ có Deception được tác giả gọi là tiểu thuyết mà thôi, còn The Fact là hồi ức, Patrimony là chuyện thực, và Operation Shylock là lời thú tội.

    Ông viết về những thảm kịch của con người, có lúc có chất kịch tính hài hước có lúc muốn đào sâu vào những trạng thái tâm lý nhất là khi ông viết về dục tính.

    Phần đông các nhân vật của Philip Roth là người Hoa Kỳ gốc Do Thái. Có khi là phản ảnh của chính chân dung tác giả nhưng đa phần là giả tưởng, nhưng lại chất chứa nhiều sự thực của sinh hoạt hàng ngày.

    Ở giai đoạn cuối của văn nghiệp ông, lúc ông đã trên bảy chục tuổi, ông liên tiếp viết bốn tác phẩm tuy hơi ngắn nhưng là phản ánh của một cái nhìn và suy tư như tra vấn những câu hỏi mà bất cứ một người nào ở tuổi già đều quan tâm. Khi cuối đời, vấn nạn đa mang có phải là sự già lão trong đời sống và cái chết gần đến. Dù tùy theo mỗi người nhưng mang mang vẫn là những tâm tư mệt mỏi, những tâm sự dù muốn quên mà phải nhớ.

    Bốn tác phẩm ấy là Everyman (Người thường), Indignation (Phẫn Nộ), The Humbling (Sự hạ nhục) và Nemesis (Báo ứng).

    Every man có hình tượng của một người bình thường của thời hiện đại, là một nghệ sĩ làm việc chuyên môn cho một hãng quảng cáo ở NewYork, có ba cuộc hôn nhân thất bại với ba người vợ hoàn toàn khác biệt và sự chia ly cũng không giống nhau. Nhân vật ấy có hai đứa con trai căm ghét ông nhưng cũng có một đứa con gái lại yêu thương ông quá mức bình thường. Nhân vật ấy cũng có một thời tuổi trẻ sống động nhưng lại có một thời bệnh hoạn kéo dài dai dẳng đến một tuổi già héo hắt trải qua nhiều cuộc giải phẫu cơ thể đau đớn. Cuộc đời ấy có thể là những chung mang của một kiếp người và hầu như là một vấn đề mà ai cũng cảm thấy và cũng chia sẻ nên có sự đồng cảm rất cao.

    Với tác phẩm Nemesis, Philip Roth đã suy tư về tuổi già và nỗi chết từ một nhận thức khác. Nhân vật chính là Eugene Bucky Cantor, một thầy giáo dạy môn thể dục và trông nom một sân chơi trẻ em ở khu vực Weequahic của người DoThái. Từ đầu câu truyện, là một nhân vật khỏe mạnh cả về cơ thể lẫn tâm hồn, và là một mẫu người coi như thần tượng tuổi trẻ của khu vực. Lúc ấy vào năm 1944 đang Thế Chiến Thứ Hai và hầu như tất cả mọi thanh niên đều nhập ngũ và đang ở trên các chiến trường xa. Nhưng Bucky vì bị bệnh mắt yếu nên không phải nhập ngũ làm nhiệm vụ công dân nên sinh mặc cảm là một kẻ đứng bên lề cuộc sống. Nhưng rồi anh bị mắc bịnh bại liệt thành kẻ tàn phế và muốn tìm cách tự giải quyết cuộc đời mình.

    Trong những tiểu thuyết này, Philip Roth hình như muốn nêu ra một câu hỏi và là vấn nạn chung của nhân loại. Có phải con người không thể cưỡng chống lại hoàn cảnh và lịch sử và khó có thể chọn lựa. Nếu có, thì cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên.

    Nhà văn Philip Roth bắt đầu nổi tiếng với “Goodbye Columbus” và sau đó đã quay thành phim ảnh. Một tác phẩm có nhiều nét đặc biệt với lời đối thoại sống động, của những nhân vật của người Do Thái trung lưu với những quan niệm sống tuy thực tiễn nhưng có nhiều chất bi đát, có sự mâu thuẫn đối nghịch giữa tình yêu trai gái và tình yêu gia đình. Tiểu thuyết ngắn chỉ gồm 8 chương sách kể về một mối tình ngắn ngủi chỉ trong một mùa hè giữa một chàng trai Do Thái nghèo sống tự lập và cô con gái của một gia đình sống ở thành thị thuộc giai cấp trung lưu. Chàng trai luôn luôn cảm thấy một tương lai không đẹp cho một mối tình tan vỡ nhưng thực ra, trở ngại chính là lối sống thực dụng và những thành kiến của gia đình cô gái…



    Tác phẩm “Portnoy’s Complaint” (Lời than thở của Portnoy) viết năm 1969 đã làm tên tuổi ông vang dội cả thế giới và được kể là một trong 25 tác phẩm vĩ đại nhất của văn chương thế giới thế kỷ 20. Là những lời kể độc thoại của nhân vật Alexander Portnoy một thanh niên Do Thái trẻ mang bịnh “mother-addicted” với bác sĩ phân tích tâm lý Dr. Spielvogel. Tác phẩm được viết với một văn phong trần trụi lột tả đến từng chi tiết dục tính đến nỗi có người đã cho rằng tác phẩm này là một porno khiêu dâm táo bạo. Sex đã ám ảnh nhân vật này ngày đêm, nhìn thấy đàn bà là nghĩ ngay đến làm tình dù là đàn bà Do Thái hay chủng loại khác. Cộng đồng người DoThái phẫn nộ vì họ cho rằng bị bôi nhọ vì những chi tiết mà Philip Roth mô tả. Giới phê bình văn học và một số độc giả cũng phản ứng mạnh mẽ về chuyện của một cậu con trai đang tuổi dậy thì lại bệnh hoạn loạn luân với bà mẹ ruột của mình.

    Sau đó là bộ ba: American Pastoral (Điền dã Hoa kỳ) giải Pulitzer năm 1997, I Married a Communist (Tôi kết hơn với một người Cộng sản) và The Human Stain (Vết nhơ nhân loại) đã đem lại cho Philip Roth sự tôn vinh từ giới phê bình văn học và dư luận độc giả. Riêng The Human Stain được dựng thành phim với diễn viên Anthony Hopkins và nữ tài tử giải Oscar Nicole Kidman.

    Philip Roth còn có những tác phẩm mà ông gọi là “Tự truyện giả thuyết” với một nhân vật hư cấu đặc biệt là Nathan Zukerman. Ba tác phẩm này là “The Ghost Writer” (Người viết ảo), “Zuckerman Unbound” (Tháo mở ra Zuckerman) và “Anatomy Lesson” (Bài cơ thể học). Trong The Ghost Writer, nhân vật Nathan Zuckerman đến thăm nhà cố vấn văn học của mình, nơi gặp một khách mời đầy nét bí ẩn mang tên Amy Belette – người nữ mà ông tin là của Anne Frank xa xưa sống lại. Còn Zuckerman Unbound thì kể khi ông nổi tiếng với tiểu thuyết Carnovky và trở thành nạn nhân của danh vọng nên tạo nhiều tai tiếng và cuối cùng tình yêu cũng bị phá nát và cuộc sống cũng tan vỡ theo với quan hệ rạn nứt của gia đình. The Anatomy Lesson, Zuckerman phải chịu đựng sự đau đớn dầy vò của thể xác với chứng bịnh đau vai và cổ đồng thời chìm ngập trong nỗi đau thương nhớ về quê hương cũng như sự ra đi của người mẹ. Zuckerman quyết định rời bỏ nghề viết lách và trở thành bác sĩ.

    Trong tiểu thuyết “The Plot Against America” (Kế hoạch phá hoại nước Mỹ) xuất bản năm 2004, ông đã dựng một nhân vật độc đáo là phi công Charles Lindberg đắc cử tổng thống với chủ trương được quảng bá rầm rộ “Nước Mỹ trên hết”, kích động chủ nghĩa dân tộc ích kỷ, xúi giục các nhóm dân bản xứ chống lại các nhóm di dân cũng như dùng mọi cách lợi dụng những nguyên tắc dân chủ để tổng thống có thể mặc quyền hành động theo chủ kiến cá nhân riêng mình.

    Nhân vật Lindberg một phi công đã trở thành anh hùng sau khi đã bay một chuyến bay dài nhất từ New York đến Paris năm 1927. Ông từng hợp tác với Đức Quốc Xã Nazi và được Hitler tặng huân chương cao quý nhất. Vào đầu thập niên 1940, Lindberg trở thành phát ngôn viên chính thức của ủy ban “Nước Mỹ Trước Hết” chủ trương một nước Mỹ biệt lập trên thế giới.

    Với khẩu hiệu cực đoan, dân túy, Lindberg đắc cử tổng thống kế vị Franklin D. Roosevelt, một người có cá tính hiền hòa với chủ trương chính trị hòa bình và hòa giải. Trong nhiệm kỳ tổng thống, nhân vật của tiểu thuyết Philip Roth Charles Lindberg với vai trò đứng đầu ngành hành pháp Hoa Kỳ đã có cảm tình và thường xuyên kết bạn với những lãnh tụ độc tài phát xít và có khuynh hướng ủng hộ những lãnh tụ ấy. Cũng may là Lindberg chỉ làm tổng thống có một nhiệm kỳ và trong nhiệm kỳ kế tiếp của Roosevelt, nước Mỹ tránh được thảm họa độc tài và trở lại vai trò cầm chịch trên thế giới.

    Có lẽ với một linh tính nào đó, Philip Roth đã tạo ra một giả tưởng lịch sử mà sau này hiện nay trong nhiệm kỳ của Donald Trump cũng có nhiều sự kiện tương tự. Trump cũng chủ trương dân túy, cũng có liên hệ thân mật với các lãnh tụ độc tài như Putin, như Tập Cận Bình, như Erdogan… và đôi khi xem thường các quy chế dân chủ theo truyền thống của nước Mỹ.

    Trong bài phỏng vấn của Hermione Lee đang trên Paris Review “The Art of Fiction No. 84” (Nghệ thuật tiểu thuyết) Philip Roth đã nói về công việc viết văn của mình.

    Trả lời câu hỏi ông đã bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết mới ra sao Philip Roth cho rằng ông bắt đầu với sự không vừa ý: “Tôi hoàn toàn phân vân về nhân vật và những nét căn bản cũng như về nhân vật với những nét chủ yếu mà tôi sẽ phải bắt đầu tạo dựng. Thật là không tốt đẹp nếu không rõ chủ đề và lại phải vật lộn để luận giải về điều ấy. Như vậy là xếp lại và chấm dứt tất cả. Rồi tôi khởi sự đánh máy lại và rất lo lắng với rất nhiều bắt chước vô ý thức từ những sách trước đây tôi viết mà tôi muốn tách rời ra theo chủ ý của mình. Tôi cần những điều gì để xoáy vào trung tâm của cuốn sách mới như là nam châm để phác họa những ý tưởng mới mẻ và đó là những điều tôi tìm kiếm trong tháng đầu tiên để viết. Tôi thường thường viết cả trăm trang giấy hoặc nhiều hơn thế nữa để bắt đầu cho những dòng chữ viết sinh động khởi đầu. Ðược rồi, tôi tự nhủ một mình, đây là những bước đầu tiên, những câu văn mở đầu một cuốn sách. Tôi sẽ phải tốn tới 6 tháng đầu làm việc và gạch đỏ những mệnh đề, những phân đoạn, đôi khi không dài hơn một câu văn mà chứa đựng những đời sống trong đó và rồi tôi đánh máy tất cả những sơ thảo ấy vào một trang giấy. Thường thường thì tôi chỉ chọn lọc được ít hơn một trang nhưng nếu tôi may mắn thì khởi đầu được một trang sách. Tôi nhìn theo những dòng chữ sinh động ấy để tạo dựng một âm vực riêng cho tác phẩm. Sau những quan tâm lo lắng để khởi đầu tôi bắt đầu tháng kế tiếp vòng quay của diễn tiến câu chuyện và sau những diễn tiến có nhiều biến động, lại trở về những nguyên liện có sẵn với cả những điều không vừa ý”.

    Người phỏng vấn hỏi bao nhiêu cuốn sách ở trong tâm trí trước khi bắt đầu viết một tiểu thuyết thì câu trả lời là: “những sự kiện phần đông không sử dụng hết và tôi cũng không để ý lắm về việc giải quyết những trở ngại mà vấn đề cốt lõi chính từ nguyên gốc của nó. Anh hãy ngắm nhìn như khi bắt đầu và điều gì khăng khăng không rời trong anh, Anh đã nhìn thẳng vào những trở ngại. Thỉnh thoảng trong khi bắt đầu phân vân nổi lên không phải vì viết văn khó khăn mà vì những trở ngại không đủ sức kích thích suy nghĩ. Tỏ ra thông thạo có thể là dấu chỉ của sự vô hiệu và có thể là dấu hiệu của sự ngừng lại và khi sự tối tăm từ câu chữ này đến câu chữ khác khiến tôi xác tín rằng phải đi sâu hơn vào sự sáng tạo. Tất cả các trường hợp tôi hiểu rõ rằng tôi khởi đầu với sự chấm dứt trong khi viết. Trang sách thứ nhất của tôi có thể hoàn thành cả năm sau tới trang số hai trăm khi sự kiện ấy cứ xoay vòng trong tôi. Và tôi cũng chẳng bao giờ nhìn ngó lại những trang sách bỏ đi ấy. Dù tôi viết miệt mài cả ngày từ sáng sớm, buổi trưa đến buổi chiều nhưng dù có ngồi vào bàn viết như thế mỗi cuốn sách tôi phải mất từ hai đến ba năm làm việc”.

    Khi có câu hỏi ông có nghĩ những người viết khác cũng phải bỏ ra thời gian dài để hoàn tất một tác phẩm thì Philip Roth trả lời ông không để ý đến thói quen và phong cách của những người khác và chẳng bao giờ đi hỏi câu hỏi ngớ ngẩn như thế. “Joyce Carol Oates sẽ nói nếu có một bạn văn cật vấn một bạn văn khác thời gian bắt đầu và thời gian chấm dứt của một cuốn sách và thời gian ăn một bữa an trưa thì tôi đã cố gắng tìm kiếm để nói “Có phải đó là một người điên giống như tôi” và tôi thấy không cần thiết lắm có câu trả lời cho câu hỏi này”.

    Bài phỏng vấn đã cho thấy một phần cá tính của Philip Roth. Khi viết ông luôn luôn là người đối kháng với chính độc giả của mình. Và ông hay tự hỏi “Ðộc giả sẽ ghét mình ở những vấn đề nào” và ông thật can đảm cần có khi cầm bút.

    Philip Roth là nhà văn nổi tiếng của nền văn học hiện đại Hoa Kỳ với nhiều giải thưởng đã đoạt được (Ngoại trừ giải Nobel văn chương mà ông chỉ vào tới vòng chung kết cuối cùng nhưng không đoạt giải). Ông hai lần được giải National Book Award, hai lần nhận giải National Book Critics Circle Award và ba lần nhận giải PEN/ Faulkner Award. Năm 1989 ông nhận giải Pulitzer cho tiểu thuyết American Pastoral với nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng của ông Nathan Zuckeman.

    Năm 2001 The Humain Stain một tiểu thuyết khác cũng với nhân vật Nathan Zuckeman, đoạt giải WH Smith Literary Award của Anh, Năm 2005 Philip Roth trở thành nhà văn Hoa Kỳ thứ ba được Thư Viện Quốc Gia Hoa Kỳ xuất bản toàn tập ngay từ khi còn sống.

    Trong các tác phẩm đã xuất bản những cuốn nổi danh là American Pastoral, The Humain Stain, Poertnoy’ Complaint và Goodbye, Columbus.

    Năm 1959 ông xuất bản tác phẩm đầu tay “Goodbye, Columbus” và ngay lập tức được nhận giải thưởng sách quốc gia nhờ tác phẩm này. Tiểu thuyết đầu tay “Letting Go” ra mắt độc giả vào năm 1962. Năm 1969, xuất bản “Portnoy’ Complaint” cũng được nhiều người nhắc tới. Một trong những cuốn sách trở thành best-seller là “The Plot Against America” xuất bản vào năm 2004 kể về chuyện giả tưởng chính trị khi nước Mỹ bị rơi vào tay một chế độ thân phát xít mà viên phi công Charles Lindbergh đã dựng lên sau khi giành được chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 1940 trước thời Roosevelt.

    Khi xuất bản xong cuốn tiểu thuyết Nemesis, ông tuyên bố đây là cuốn sách cuối cùng của ông: “Tôi nói là tôi sẽ thực hiện. Tôi không muốn viết nữa. Hầu như tôi đã giành hết cả đời mình cho làm văn để sáng tác. Tôi đã học, đã đi dạy học, tôi đã viết và đã đọc và hầu như chẳng làm một công việc nào khác. Như vậy là quá đầy đủ rồi. Thật sự, tôi không còn muốn viết nữa”.

    Biết ông có chủ đề xoay quanh đời sống của Hoa Kỳ nên có câu hỏi cật vấn ông về tình trạng xã hội Hoa Kỳ hiện nay: “Tôi không biết gì về xã hội Mỹ hiện nay, tôi chỉ thấy được qua màn ảnh truyền hình nhưng tôi cũng không sống trong xã hội ấy nữa”.

    Tờ báo Anh The Guardian đã trích dẫn lời tuyên bố của Philip Roth cho rằng trong vòng 25 năm kế tiếp nữa, tiểu thuyết sẽ chỉ còn là đối tượng ưa chuộng của một thiểu số độc giả tinh hoa còn hầu như đại đa số người đọc sẽ không quan tâm tới tiểu thuyết nữa mà thay vào đó sẽ giải trí ở rạp chiếu bóng, trên màn ảnh của máy truyền hình hay trên mặt hình của máy điện toán. Theo ông, vấn đề là chính ở đối tượng sách vốn cần sự tập trung chú ý khi đọc và cũng phải đòi hỏi tấm lòng yêu quý sách vở thực sự. Những độc giả có đầy đủ những phẩm cách như vậy càng ngày càng hiếm hoi theo thời gian. Sự xuất hiện của những dụng cụ mới giúp đọc sách thuận tiện và sinh động hơn như Kindle cũng không cải thiện được tình hình vì thực sự về nguyên tắc cũng như thực tế sách không thể cạnh tranh được với màn ảnh truyền hình. Ðó là lời ông tâm sự với độc giả khi phát hành tiểu thuyết thứ 30 của ông The Humbling.

    Nhưng theo nhà văn Anh Anthony Powell thì lại cho rằng măc dù cái nhìn về tiểu thuyết của Philip Roth đầy nét bi quan của một nền văn học đang bị chết dần mòn thì chính Roth lại là người chiến thắng trên cả hai mặt trận phê bình và độc giả. Và nhà phê bình văn học Allan Massie của The Sunday Times và The Daily Telegraph cũng cho rằng tất cả chỉ là một sự tự thương hại, một thuộc tính đi kèm hầu như không bao giờ thay đổi của những cuốn sách bán chạy nhất.

    Một bài viết trên Wall Street Journal đã viết về Philip Roth:

    “Philip Roth là một nhà văn viết liên tục không ngừng nghỉ trong sự tăm tối bi quan nhưng luôn tìm kiếm những chất liệu sống của thực tại để viết ra những thiên hài kịch có nét điên cuồng và khuấy động mọi thứ. Ông thích tự lớn giọng tranh luận với mình và với những người chung quanh. Trải qua 50 năm sáng tác với gần 30 tiểu thuyết ông đã viết về những lời hứa hẹn, cũng như sự hiện thực hóa và sự mục nát cûa nếp suy tư Mỹ với những cuộc đụng độ giữa khát vọng cá nhân và nhu cầu hạn chế của xã hội.

    Trong mỗi cuốn tiểu thuyết của ông, bao giờ ông cũng giữ một vai trò của một vị trí nhất định dành cho chủ quan tác giả. Tiểu thuyết của ông đôi khi vượt qua khỏi nước Mỹ, thí dụ như hai cuốn “The Prague Orgy” và “Operation Shylock” lấy bối cảnh chủ yếu ở Israel nhưng ông chưa bao giờ rời khỏi quốc gia mình một cách thực sự. Thế nhưng không bao giờ để bản thân tụt hậu lại. Trong tiểu thuyết “The Counterlife” nhân vật người em của Roth tự hỏi: “Hãy nói với em điều gì đó. Rằng tất cả đều có thể, ít nhất là bên ngoài những cuốn sách kia, em sẽ có đuợc một mục tiêu lớn hơn cái bàn ăn ở dưới bếp một chút?” Ðiều đó là hoàn toàn có thể trong khi tác giả Philip Roth vẫn luôn hồi tưởng lại thời thơ ấu ở New Jersey với những cuộc bàn cãi tranh luận về đạo đức bên chiếc bàn gia đình….

    Hành trình của ông là một con đường dài. Từ sân quần vợt quyến rũ vùng ngoại ô trong “Googbye, Columbus” đến sự giận dữ và như tuyệt vọng của những tác phẩm cuối cùng như “Everyman” và “Exit Ghost” mà trong đó ông quyết liệt chống lại sự lụi tàn của ánh sáng. Cuốn sách được coi là đột phá trong sự nghiệp cầm bút của ông “Portnoy’ Complaint” là một cuốn sách táo bạo và đẫm chất hài hước. Với lời tựa đầy nét châm biếm mỉa mai nhưng nhiều chất học thuật, nhan đề cuốn sách được mô tả là “một sự rối loạn mà trong đó sự thôi thúc của luân lý và lòng vị tha thường xuyên phải đối chọi lại với những xúc cảm nhục dục mãnh liệt của những tính có bản chất xấu”. Cuốn tiểu thuyết này vừa là một chuyến đi đầy tội lỗi của anh chàng người Do Thái vừa là một bài thánh ca về tự giải tỏa cảm xúc sinh lý của thanh niên. Cuốn sách khiến những bà mẹ Do Thái sửng sốt khi biết được những gì mà cậu con trai thiếu niên của họ có thể làm được trong phòng tắm, phòng ngủ hay thực ra là bất cứ căn phòng nào trong ngôi nhà. Câu văn mở đầu đẩy trái bóng đi bằng chất giọng hóm hỉnh: “Bà in sâu vào tiềm thức của tôi đến nỗi mà trong năm đầu trung học tôi dường như đã tin rằng mỗi giáo viên của tôi đều là mẹ tôi dưới lớp cải trang”. Mẹ là hòn đá mà một cậu con trai trưởng thành phải chui ra từ dưới nó hoặc tự thấy mình bị đè nặng cả đời”.

    Có một kết luận về chân dung nhà văn Philip Roth:

    “Philip Roth đã tuyên bố sẽ ngừng sáng tác và khiến biết bao độc giả phải kinh ngạc. Ông có thể được hoặc không thể được coi là” tiểu thuyết gia người Mỹ đang còn sống vĩ đại nhất.” Những danh hiệu thực sự ngớ ngẩn. Bạn không thể tạo dựng được một cuộc thi đấu giữa các nhà văn với nhau dù bất cứ một phương cách nào. Sách của ông thường có nhiều ý tưởng khó chịu và được xếp ở vị trí tẻ nhạt. Tầm ảnh hưởng của ông không sâu rộng và sự đồng cảm còn hạn chế. Nhiều người sẽ nghĩ rằng tính ích kỷ và tự lên tiếng của ông là không thể chấp nhận được. Những mô tả của ông về phụ nữ chắc chắn bị nhiều phản đối. Và sự lột tả của ông về tình dục giống như khiêu dâm chứ không phải là khêu gợi, Và đây cũng chẳng phải lả bản liệt kê những bất toàn để công kích ông.

    Nhưng có ai trong thời đại hiện nay của chúng ta đòi hỏi tìm kiếm nhiều hơn về những yêu cầu cần thiết để trở thành một con người đúng nghĩa và cách cưỡng bách suy nghĩ, cảm nhận rồi hành động? Ai đã mang đến những hài kịch tìm kiếm được đầy đủ nét sáng tạo và chân thực hơn? Dòng chảy hùng biện của Philip Roth đã đưa chúng ta đi cùng khắp nước Mỹ trong nửa thế kỷ vừa qua và còn hơn nữa về những gì đã tồn tại. Sức sống của ông dường như không thể nào dập tắt được trên những trang viết và thật khó lòng để tin tưởng rằng ông đã thực sự hết thời trong cuộc đời sáng tác của mình…

    Nguyễn Mạnh Trinh


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Nguyễn mạnh Trinh”