30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          




- 30/04/2018 -
tưởng niệm 43 năm
người Việt mất miền Nam Tự Do





          



Nước mất nhà tan,

nhưng đoàn người ly hương vẫn nâng cao biểu tượng của Tự Do
mọi nơi, mọi lúc
như một lời thề cho con cháu
đem cờ này trở về quê hương


để ánh Tự Do
trải vàng từ Cà Mau cho đến Nam Quan

để dòng Nhân Ái
thắm mãi lòng người Nam Trung Bắc




:flwrhrts: :flwrhrts: :flwrhrts:
          


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Tháng Tư về,
    tôi mặc niệm tháng Tư

    _____________________
    VietTuSaiGon





    Những ngày tôi còn nhỏ, lúc đó quê hương mới vừa thay đổi (mà bây giờ tôi hiểu đó là một biến cố lịch sử), bà thường không bao giờ mua cá biển vào tháng Tư, cả nhà không ăn cá cho đến hết tháng Tư, qua giữa tháng Năm bà mới cho ăn cá trở lại. Bà không giải thích điều này, nhưng bà nói đó là một việc tâm linh, sau này lớn lên con sẽ hiểu!




    Cũng như lúc còn nhỏ, tôi nhớ đinh ninh cái bến xe khách quốc doanh cùng những chiếc xe chạy bằng than, khói bốc mù mịt, bám đầy hai lổ mũi, người ngồi xe sợ nhất là phải ngồi cuối băng ghế trái (phía tài xe, gần lò than). Bà dắt tôi đi thăm ông cậu, ra đến thành phố, tôi ở nhà ông cậu (em ruột của bà) chơi với mấy bà dì (con ông cậu). Mỗi lần đi, bà mang đùm đề gạo, chuối bồ hương, gà cho ông. Và đương nhiên là bà phải xin giấy phép của ủy ban xã để khỏi bị thuế vụ tịch thu, phạt tiền khi khám xe.

    Và cũng trong hàng chục lần thăm ấy, có một lần, sau đó bà đã không bao giờ đến thăm em trai của mình nữa. Tôi nhớ lần đó ông cậu đưa tôi và bà ra bến xe bằng chiếc Honda Đam (tịch thu được ‘sau giải phóng’) về nhà. Đến nơi, như mọi lần, ông đứng chơi, trò chuyện với bà một chút cho đến lúc xe chạy thì vẫy tay tạm biệt bà cháu tôi. Thời đó xài tiền kên (từng đồng xu bằng nhôm, loại năm xu, một hào, hai hào, năm hào và một đồng). Thường thì đi xe chừng vài hào, cao nhất cũng chỉ năm hào. Hai bà cháu đang đứng thì có hai người đàn ông cụt chân ghé đến ngửa tay xin tiền bà, bà nhìn họ rồi lấy ra hai hào cho hai người. Ông cậu thấy vậy, quát:
    • “Sao chị lại cho tiền bọn thương binh ngụy này! Để chúng nó chết đói đi là vừa!”.
    Bà im lặng, không nói gì, bà chỉ xoa đầu tôi, nói:
    • “Ông cậu nói chơi đó con, không có chi đâu!”.
              
    Và đó cũng là lần cuối cùng tôi và bà đi thăm ông cậu, sau này lớn lên, rồi làm ăn, có vợ con, tôi đi ra phố cũng nhiều, nhưng chưa có lần nào tôi mời hay rủ mà bà chịu đi ra phố. Mãi cho đến khi bà bệnh, đưa bà ra bệnh viện thành phố, bà cũng chỉ nằm cho đến khi thấy khỏe đôi chút là bằng mọi giá phải về nhà. Và, buồn nhất của tôi, có lẽ là cái lần bà nằm lâu, thật lâu ở bệnh viện thành phố, cho đến khi tôi đưa bà về trong im lặng, mặc dù bà chẳng đòi về như mọi lần, trên đường đưa bà về, mọi ký ức thành phố, ký ức hai người thương binh chế độ cũ nhìn bà đầy chia sẻ và cảm thông sau khi bà bị người em (vốn là quan chức to trong chế độ Cộng sản) la mắng chỉ vì bà tặng tiền cho họ. Và, không hiểu sao lúc đó, trên xe cứu thương chạy chậm, để đèn báo hiệu “người về”, tôi lại nhớ đến tháng Tư không ăn cá của bà!




    Mãi cho đến bây giờ, trong những gì tôi hiểu biết về tháng Tư, tôi mới thấy điều bà đã nhìn thấy và đã mang theo nơi cỏ xanh, rằng biển tháng Tư buồn lắm, và những con cá tháng Tư cũng buồn, chúng mang một điều gì đó thật khó nói. Bởi biển tháng Tư, dù bây giờ, lúc đó hay một ngàn năm nữa, những tiếng kêu, những nỗi đau nơi đáy sâu đại dương hay những oan khuất lịch sử sẽ còn đau, mãi đau chẳng thể nguôi. Đau như những ngôi mộ trên bờ biển An Dương, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nơi mà bên này doi đất, cồn cát là phá Tam Giang, bên kia là trùng dương xa lắc, đây cũng là nơi mà tháng Hai năm 1975, có hàng triệu người chen chúc nhau lên tàu và có hàng trăm ngàn người thoát ra đại dương, hàng vài chục ngàn người bỏ mạng giữa đại dương và có hàng ngàn người không ra kịp trùng dương, phải bỏ mạng trên ngọn sóng, xác của họ xô dạt vào bờ, người dân thôn An Dương đã tìm họ trên khắp bờ biển để đào hào, chôn qua quýt khi đêm về.

    Mãi đến hơn ba mươi năm sau, ông Nguyễn Công Thiện, một người giàu lòng nhân ái đã tự bỏ một số tiền không nhỏ, sau đó kêu gọi mọi người trong làng góp thêm tiền để cải táng khu mộ tập thể cả trăm người, trong đó toàn sắc phục lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có một xác nữ quân nhân được chôn riêng, những người nam quân nhân đều chôn chung trong một túi vải bạt lớn. Những vị này sau đó được cải táng lên đồi cao, được nhang khói mỗi dịp Rằm, đầu tháng và lễ lạc, Tết nhứt.

    Ông Thiện không kể gì với chúng tôi mặc dù ông từng khẳng định đã chứng kiến cả một chiếc tàu chưa kịp ra khơi thì bị pháo kích và chìm, họ chết rất nhiều, xác trôi dạt vào bờ, xác trôi theo gió mùa Tây Nam, vào tận Đà Nẵng, Quảng Nam, đặc biệt Cù Lao Chàm, Hội An cũng có rất nhiều xác mang quân phục… Chúng tôi nghe nhiều thông tin khác nhau, nhiều nguồn tin nói về cái chết của họ, có người nói vài trăm người chết, có người nói cả ngàn người chết, có người nói chừng một trăm người… Nhìn chung, số lượng người chết thì người già kể khác, trung niên kể khác. Nhưng nguyên nhân chết thì chung, đó là bị pháo kích chìm tàu, xác trôi khắp nơi.





    Tháng Tư về, tự dưng tôi thấy buồn, thấy yêu và đau vì biển, biển mang nặng máu, thân xác và linh hồn của thế hệ đi trước, của những tâm hồn yêu tự do hay sợ hãi trận gió mới có gì đó tựa như thù hận và man rợ, của những linh hồn vĩnh viễn tự do nơi đại dương, tiếng hát tự do của họ hòa cùng lời ca của đại dương ẩn mật mà thiên thu sầu hận.

    Tháng Tư về, tự dưng tôi thấy buồn vì nhớ bà của tôi, bà đã đi xa, thật xa, tôi không bao giờ có thể gặp bà nữa, và cũng không bao giờ được nghe bà nói đầy vẻ bí mật rằng
    • “Con nhớ lớn lên, có vợ có con rồi cũng cố gắng đừng ăn cá vào tháng Tư nghe con, tháng đó tội lắm…”.

    Và tôi càng không thể hiểu hơn vì một nỗi buồn khác của bà, đầy mâu thuẫn mà tôi không tiện nêu ra ở đây. Dường như với bà, không có biên kiến, không có thù hận, không có bên thắng bên thua, chỉ có những con cá đói, vô tình đã ăn những đồng loại ngang tuổi bà hoặc đáng tuổi em út, con cháu bà trong một mùa tháng Tư. Và bà không ăn cá vào tháng này như để nhắc cho riêng mình một điều gì đó thật đau, khó nói!

    Tháng Tư về, tôi buồn nhưng cũng có chút nguôi ngoai vì bà đã đi xa, thật xa trước khi biển chết, trước khi bà phải chứng kiến con cháu của bà không những ngưng ăn cá vào tháng Tư mà cả năm nay, chẳng có con cá nào trong cái nồi kho cá của bà để lại.

    Tháng Tư về, biển quê hương đã chết, nó chết và mang màu tang tóc, bởi quá khứ, bởi hiện tại, bởi đâu đó vi vu trong gió chiều, trên đồi thông, bên bờ biển, tôi đã nghe những khúc hát, tôi nghe tiếng rì rào của lá, tôi nghe tiếng vi vu của điều gì đó tựa như có người đang thì thầm kể lại mỗi nỗi buồn, một nỗi oan khuất nào đó giữa trùng dương.

    Tháng Tư về, tôi mặc niệm tháng Tư!

              
              

    VietTuSaiGon
              
                         
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          







          
                     
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




              
              
    Nửa Hồn Xuân Lộc
    _________________________
    một bài thơ bi hùng của người lính Sư Đoàn 18BB
    khi phải nhận lệnh rút quân khỏi Xuân Lộc
    vào trung tuần tháng 4/1975




    Nếu được như bố già thượng sĩ
    Nghe tin lui quân chỉ nhìn trời,
    Vỗ về nón sắt, cười khinh bạc,
    Chắc hẳn lòng ta cũng thảnh thơi.

    Còn ta nhận lệnh rời Xuân Lộc
    Lại muốn tìm em nói ít lời,
    Nhưng sợ áo mình đầy khói súng
    Cay nồng mắt người gục trên vai.

    Vì chắc ôm nhau em sẽ khóc,
    Khóc theo, vợ lính cả trăm người!
    Em biết dù tim ta sắt đá
    Cũng vỡ theo ngàn giọt lệ rơi.

    Mây xa dù quen đời chia biệt
    Ngoảnh mặt ra đi cũng ngậm ngùi.
    Rút quân, bỏ lại hồn ta đó
    Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời!

    Bí mật lui quân mà đành phụ
    Mối tình Long Khánh tội người ơi.
    Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
    Núm ruột miền Trung càng xa vời.

    Sáng mai thức dậy, em buồn lắm
    Sẽ khóc trách ta nỡ phụ người.
    Lòng ta như trái sầu riêng rụng
    Trong vườn em đó vỡ làm đôi!

    Đêm nay Xuân Lộc vầng trăng khuyết
    Như một vành tang bịt đất trời!
    Chân theo quân rút, hồn ta ở
    Sông nước La Ngà pha máu sôi

    Thương chiếc cầu tre chờ thác lũ
    Cuốn qua Xuân Lộc khóc cùng người
    Ta đi, áo nhuộm màu đất đỏ
    Cao su vướng tóc mãi thơm mùi,

    Tiếc quá nắng vàng phơi áo trận,
    Vườn nhà em chuối chín vàng tươi.
    Ta nhớ người bên đàn thỏ trắng,
    Cho bầy gà nắm lúa đang phơi,

    Chôm chôm hai gốc đong đưa võng,
    Ru nắng mùa xuân đẹp nụ cười…
    Nếu được đưa quân lên Định Quán
    Cuối cùng một trận cũng là vui

    Núi Chứa Chan kia sừng sững đứng
    Sư đoàn 18 sao quân lui?
    Thân ta là ngựa sao không hí
    Cho nỗi đau lan rộng đất trời.

    Hồn ta là kiếm sao không chém
    Rạp ngã rừng xanh, bạt núi đồi.
    Hỡi ơi! chân bước qua Bình Giã
    Cẩm Mỹ nhà ai khói, ngậm ngùi!

    Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
    Xóm làng Gia Kiệm nhớ khôn nguôi.
    Đêm nay Xuân Lộc, đoàn quân rút
    Đành biệt nhau, xin tạ lỗi người.

    Chao ơi tiếng tắc kè thê thiết
    Kêu giữa đêm dài sợ lẻ loi,
    Chân bước, nửa hồn chinh chiến giục
    Nửa hồn Xuân Lộc gọi quay lui.

    Ta biết dưới hầm em đang khóc
    Thét gầm pháo địch dập không thôi
    Em ơi Xuân Lộc, em Xuân Lộc
    Xích sắt nghiến qua những xác người.





    Nguyễn Phúc Sông Hương
    Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3, Sư Đoàn 18BB

              




              
              


              
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Trận Xuân Lộc,

    chiến thắng cuối cùng của QLVNCH

    _____________________
    Trọng Đạt - 03/04/2017






    Đầu tháng 4 năm 1975, QK1 và QK2 đã lọt vào tay cộng sản (CS).

    Hai phòng tuyến chính của VNCH phía Đông Bắc Sài Gòn bấy giờ là Phan Rang và Xuân Lộc thuộc Long Khánh. Từ 25-3-1975 Bộ chính trị CSBV quyết định đốt giai đoạn cuộc tổng tấn công, tập trung các lực lượng binh khí kỹ thuật đánh chiếm Sài Gòn trước mùa mưa.

    Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 80 cây số, cửa ngõ của Thủ đô, phòng tuyến Xuân Lộc rất quan trọng vì nó là vị trí yết hầu, các đơn vị lớn của BV từ miền Trung nếu chiếm được Xuân Lộc sẽ đổ xuống Sài Gòn. Xuân Lộc được coi như vòng đai bảo vệ phi trường Biên Hòa và Thủ Đô. Từ đầu tháng 4-1975 Sư đoàn 18 BB, các đơn vị Thiết giáp, Biệt động quân, Pháo binh tăng cường đã được đưa lên trấn đóng trên một tuyến dài 20 km. BV mở đầu chiến dịch Hồ chí Minh bằng cuộc tấn công Xuân Lộc từ ngày 9-4, trận chiến đẫm máu kéo dài 11 ngày, đây là một chiến thắng cuối cùng của QĐVNCH trước ngày đất nước lọt vào tay CS.

    Bài này chúng tôi dựa theo sách của Phạm Huấn, Nguyễn Đức Phương, có tham khảo thêm tài liệu phía CS và các bài viết của Hồ Đinh, Phan Nhật Nam… cũng như của các nhân chứng, ký giả chiến trường …






    Chiến tuyến Xuân Lộc được thiết lập dọc theo Quốc lộ 1 dài độ hơn 10 km về phía Tây và 8 km về phía Đông. Chiến đoàn 52 (gồm Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 + các đơn vị tăng phái) và Thiết đoàn xe tăng giữ mặt Tây tại ngã ba Dầu Giây trên đường đi Đà Lạt, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 18 BB) và Liên đoàn 7 BĐQ phòng thủ mặt Đông từ núi Chứa Chan, Giá Rai đến Xuân lộc.

    Thị xã Xuân Lộc do Trung đoàn 43 (Sư đoàn 18 BB) và các Tiểu đoàn ĐPQ Long Khánh bảo vệ. Các lực lượng tăng phái gồm Trung đoàn 8 (SĐ-5), Lữ đoàn 3 Thiết Kỵ, Liên đoàn 7 BĐQ, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, Lữ Đoàn 1 Dù, Sư đoàn 4 Không quân từ Cần Thơ yểm trợ… Tướng Lê Minh Đảo Tư lệnh Sư đoàn đóng tại Tân Phong phía Nam Xuân Lộc 3 cây số.

    CSBV đưa vào mặt trận Sư đoàn 6 (2300 người), Sư đoàn 7 (4100 người), Sư đoàn 341, Sư đoàn 1 (3400 người), Sư đoàn 325 (5000 người), Trung đoàn 95B (1200 người), tổng cộng khoảng 17,000 người. Tư Lệnh Thiếu Tướng Hoàng Cầm, Chính uỷ Thiếu Tướng Hoàng Thế Hiệp.

    Biết trước BV sẽ tấn công Xuân Lộc Long Khánh, Tướng Đảo đã chuẩn bị trận địa chờ địch, ông khuyến khích dân chúng di tản, cho di chuyển các trại gia binh, bệnh viện, thương binh cùng các cơ sở chuyên môn về hậu cứ, ông cũng cho sửa sang các phòng tuyến, đào giao thông hào chuẩn bị chiến đấu. Theo Hồ Đinh, truyền tin của ta tại chiến trường rất lành nghề, đã bắt và giải mã được tần số CS, biết trước lệnh tấn công của địch nên đã tránh được nhiều tổn thất cho phía VNCH.

    Năm giờ sáng 9-4 Cộng quân pháo kích thị xã Xuân Lộc trong 2 tiếng đồng hồ, khoảng 300 quả đại bác giết hại vô số thường dân, tại nhà thờ thị xã dân chúng đang hành lễ bị trúng đạn pháo kích, nhiều người chết. Pháo vừa ngưng tức thì bộ binh, xe tăng CS ào ạt tiến vào, quân trú phòng chống trả mãnh liệt, hơn 10 xe tăng địch bị bắn hạ sau 6 tiếng đồng hồ giao tranh. Hai Tiểu đoàn đặc công bị thiệt hại nặng, hơn 100 tên bỏ xác tại trận, BV rút lui giữa ban ngày bị máy bay, pháo binh ta truy kích dữ dội. Địa phương quân Long Khánh phòng thủ mặt Bắc chiến đấu dũng cảm.

    Trưa hôm ấy địch chém vè, sáng hôm sau 10-4 Sư đoàn 6, Sư đoàn 7 CS tấn công tuyến phòng thủ Long Khánh, hai Trung đoàn CS giao tranh ác liệt với chiến đoàn 52, một số tiền đồn tại các cao điển trên Quốc lộ 20 bị mất, tuyến phòng thủ của Chiến đoàn nay thu ngắn lại còn chừng 10 km. Trên phòng tuyến chính từ 10-4 những trận đánh cấp Trung đoàn đã diễn ra tại phía Bắc, phía Đông và Đông Nam Long Khánh.

    Sau trận đánh mở đầu thất bại, hôm sau 10-4 BV đem 2 Sư đoàn 6, 7 cùng với xe tăng đại bác tiến đánh toà Hành chánh và Tiểu khu, sân bay thị xã và Tây Bắc Long Khánh, hai bên giành nhau từng căn nhà. Trưa 10-4 Cộng quân di chuyển trên tỉnh lộ từ Định Quán xuống bị máy bay trinh sát của VNCH phát hiện, không quân liền được gọi tới oanh kích gây nhiều thiệt hại nặng cho địch, hàng chục xe tăng, hằng trăm tên VC bị tiêu diệt. Hai Trung đoàn địch từ hướng bắc Long Khánh ồ ạt tấn công vị trí phòng thủ của BĐQ và Trung đoàn 48 BB nhưng bị thảm bại, hàng trăm tên bỏ xác tại trận.

    Đêm 11-4 Tiểu đoàn 2 của Chiến đoàn do Đại úy Út chỉ huy đã phục kích tiêu diệt một đoàn xe CSBV gần Suối Tre. Một Tiểu đoàn CS đang di chuyển trên đường từ đồn điền Bình Lộc về Xuân Lộc trên một đoàn xe 30 chiếc đầy bộ đội, đạn dược lương thực, quân dụng… đoàn xe bị lọt ổ phục kích của Tiểu đoàn 2/52. Hàng ngũ quân CSBV bị rối loạn vì hoàn toàn bất ngờ, địch bị bắn hạ ngay trên xe cũng như nhẩy xuống đất, cả Tiểu đoàn bị chận đánh tơi bời, hằng trăm tên bỏ xác tại trận, nhiều vũ khí bị tịch thu.

    Sang ngày thứ tư 12-4 mặt trận Long Khánh được tăng cường Lữ đoàn Dù và một Tiểu đoàn pháo, cuộc đổ quân bằng trực thăng vận vĩ đại đã được Sư đoàn 3 và 4 Không quân thực hiện đúng thời gian qui định. Lữ đoàn Dù đã giao tranh dữ dội với Cộng quân để yểm trợ cho các lực lượng trú phòng. Hai Tiểu đoàn BV đã đột nhập thị xã chiếm được một số cơ sở hành chánh quân sự, ĐPQ và Trung đoàn 43 đã dũng cảm đẩy lui địch, nhờ sự chiến đấu anh dũng của các đơn vị trú phòng Xuân Lộc vẫn còn đứng vững.

    Tỉnh trưởng Long Khánh Đại tá Phạm Văn Phúc, sĩ quan BĐQ mới nhậm chức từ cuối tháng 3-1975, kiên quyết giữ vững vị trí chiến đấu bảo vệ Long Khánh, ông đã cho lệnh bắn bỏ những kẻ đào ngũ khiến cho tinh thần binh sĩ được nâng cao, ai nấy chiến đấu dũng cảm cho tới khi Bộ chỉ huy Tiểu khu phải rời về phía Nam Xuân Lộc.

    Tướng Smith đã tường trình về Mỹ, ông đã ghi nhận Không quân VNCH đã chứng tỏ ý chí kiên cường gây thiệt hại nhiều cho đối phương. Trận giao tranh nhằm kiểm soát Xuân Lộc, CS quyết tâm tiêu diệt các đơn vị phòng thủ VNCH để lấy cửa ngõ vào Biên Hoà và Sài Gòn bằng bất cứ giá nào.

    Sáng ngày 13-4 QĐVNCH vẫn giữ vững vị trí, nhờ sự yểm trợ chính xác của Không quân, lực lượng phòng thủ đã gây thiệt hại nặng nề cho BV. Phòng tuyến Tây Xuân Lộc, kể từ tối 13-4 co lại chỉ còn khoảng 6 cây số dọc theo Quốc Lộ 20.

    Sáng ngày 14-4, 15-4 Chiến đoàn 52 (khoảng 2,000 người gồm Trung đoàn 52 (SĐ-18), Lữ đoàn 3 Thiết Kỵ, ĐPQ Kiệm Tân, Long Khánh) đã bị thiệt hại và mệt mỏi vì giao tranh liên tục với Cộng quân. Tại Ngã ba Dầu Giây trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt, BV tung thêm nhiều Sư đoàn có xe tăng yểm trợ cùng với pháo binh để chọc thủng phòng tuyến của ta tại ngã ba Dầu Giây của Chiến đoàn 52. Trong trận đánh cuối cùng này các chiến sĩ ta phải đương đầu với một lực lượng địch đông gấp 10 lần cùng với sự yểm trợ dữ dội của pháo binh và xe tăng T-54.

    Trận chiến rất ác liệt tàn khốc ngay từ lúc mới giao tranh, những đợt xung phong biển người của Cộng quân đã tràn ngập các vị trí chiến đấu của VNCH, địch chọc thủng phòng tuyến và chia cắt các lực lượng ta, 4 xe tăng M-48 của VNCH bị trúng pháo kích, trời tối nên máy bay cũng không yểm trợ được. Chiến đoàn 52 đã bị BV đánh tan đêm 15-4, chỉ có hai đại đội khoảng 200 người chạy thoát về hướng Long Bình, khoảng 1500 người thuộc Chiến đoàn 52 BB bị thiệt hại, đánh tan tác trong 6 ngày cuối cùng tại mặt trận Dầu Giây. Phòng tuyến của Chiến đoàn tại ngã ba Dầu Giây Long Khánh tan vỡ đêm 15-4-1975, Pháo binh, Thiết giáp tại đây bị tiêu hủy hết.

    Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân khu 3 xin Bộ TTM cho ném bom Daisy Cutter (Hồi 1975 người ta gọi nhầm là CBU) để ngăn sức tiến của Cộng quân. Hôm sau 16-4 vào lúc 11 giờ sáng hai trái bom khổng lồ đã được thả xuống vị trí đóng quân của BV, một đoàn xe dài đầy những xe tăng đại bác trên quốc lộ 20 từ Định Quán trở xuống. Theo lời Tướng Toàn có vào khoảng 2 Sư đoàn, 10 ngàn cán binh CS bị tiêu diệt, hằng trăm thiết giáp, đại bác bị phá huỷ, BV bị chận đứng tại Dầu Giây.

    Ngày 20-4 Tướng Toàn bay vào Long Khánh gặp Tướng Đảo bàn kế hoạch rút quân bỏ Xuân Lộc. Sau này tại Hải ngoại, Tướng Toàn đã trả lời Phạm Huấn trong một cuộc phỏng vấn về chiến trường Long Khánh.
    Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn cho biết sau khi phòng tuyến của Chiến đoàn 52 bị CS tràn ngập đêm 15-4, ông đã xin lệnh Bộ TTM cho ném bom Daisy Cutter vì địch tập trung rất đông đảo trong vùng này, BTTM đã chấp thuận đề nghị và cho thi hành ngay hôm sau.
    • “Hỏi:
      Trung Tướng có được báo cáo về kết quả sau khi những trái bom này được thả?
                
    • Đáp:
      Vâng, khoảng hai sư đoàn Cộng sản bị loại khỏi vòng chiến (hơn 10 ngàn quân) và rất nhiều chiến xa T-54, đại pháo của Bắc Việt bị hủy diệt khi đang di chuyển trên Quốc lộ 20, từ Định Quán xuống ngã ba Dầu Giây. Tôi đã đề nghị thả 5 bom ‘Daisy Cutter’ nữa xuống nhiều vùng tập trung quân khác của Cộng Sản Bắc Việt trên chiến trường Quân Đoàn III sau khi biết chắc rằng những pháo đài bay B- 52 của Mỹ không còn trở lại ViệtNam, và để quân ta có thể bung ra phản công, tiêu diệt địch, nhưng chỉ có 2 quả được thả xuống phía Bắc Dầu Giây mà thôi.
                
    • Hỏi:
      Lý do?
                
    • Đáp:
      Tôi được thông báo cho biết loại bom ‘Daisy Cutter’ tùy thuộc vào đầu nổ, và các chuyên viên của Mỹ. Mình có bom, nhưng không có đầu nổ và chuyên viên xử dụng cũng như không!
    (Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước trang 164.)
    Về điểm này Tướng Trần Văn Nhật, cựu Tư lệnh Sư đoàn 2 có viết trong cuốn hồi ký của ông:
    “Cũng chính Tướng Toàn là Tư Lệnh chiến trường đã chấp thuận cho xử dụng 2 trong số 6 trái bom (vì chỉ còn có 2 đầu đạn) Daisy Cutter nặng 15 ngàn cân Anh, do phi cơ C-130 thả xuống yểm trợ cho mặt trận Xuân Lộc. Loại bom này có sức tàn phá khủng khiếp hơn cả B-52. Nổ 200 thước trên đầu ngọn cây nên được dùng để phá những khu rừng rậm làm bãi đáp cho trực thăng tiếp tế, tản thương. Đáng lý ra chúng ta có đến 27 trái bom loại này theo quyết định của Đại Tướng F.Weyand trong chuyến viếng thăm Việt Nam tháng 2/75 cùng với ông Phụ tá bộ trưởng Quốc phòng Eric Von Marbod. Ông đề nghị cấp tốc gửi qua Việt Nam vào giữa tháng 4/75 một số Daisy Cutter cùng một số chuyên viên kỹ thuật vì theo ông nghĩ vị trí của Cộng Quân càng ngày càng xuất đầu lộ diện, nên cần phải xử dụng loại bom tàn phá này rất thích hợp mà Không quân Việt Nam có thể thả bằng phi cơ bay chậm C-130 và tác dụng của nó còn khủng khiếp hơn B52. Rất tiếc chỉ có 6 trái đến được Việt Nam vào cuối tháng 4/75 và không hiểu sao chỉ có hai ngòi nổ”

    (Cuộc Chiến Dang Dở trang 248.)
    Cũng theo ông có một sự ngộ nhận loại bom này với CBU-55 (Cluster Bomb Unit) nặng 500 cân Anh thường được thả bằng máy bay A-37 hay A-1, hay OV 10 (quan sát) loại bom này rớt xuống đất sẽ tung ra nhiều trái bom bi nhỏ hơn trái banh tennis màu da cam, có thể lọt xuống hầm cá nhân, địa đạo, khi nổ nó sẽ tiêu thụ hết dưỡng khí trong khu vực từ 60 đến 200 thước , làm cho các sinh vật chết ngạt trong 24 giờ.

    Theo tác giả Nguyễn Đức Phương, năm quả bom Daisy Cutter khác đã được đề nghị xử dụng tại Quân khu 3 nhưng vì Hà Nội đã cực lực tố cáo Mỹ đã ném loại bom này trước dư luận thế giới nên Mỹ không tiếp tục cung cấp ngòi nổ cho những quả còn lại. Cũng có giả thuyết cho rằng người Mỹ chỉ cho ném hai quả để ngăn chận bớt đà tiến quân quá nhanh của BV ngõ hầu di tản kịp thời. Có người cho rằng họ chỉ cho ném hai quả để thử nghiệm vũ khí, ý kiến trên và hai giả thuyết sau đều có vẻ đúng.

    Về lý do rút bỏ Long Khánh Phạm Huấn đã phỏng vấn Tướng Toàn như sau.
    • Hỏi:
      Thưa Trung Tướng, ai đã ra lệnh rút bỏ Long Khánh ngày 20-4-1975, Trung Tướng hay Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh?
                
    • Đáp:
      Tôi quyết định ra lệnh rút bỏ Long Khánh, sau khi bay lên Xuân Lộc, thảo luận với Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh .
                
    • Hỏi:
      Lý do đưa đến quyết định rút bỏ Long Khánh của Trung Tướng? Tôi có được tiếp xúc, phỏng vấn các cấp chỉ huy Tiểu Đoàn Trưởng, Đại Đội Trưởng, Lữ Đoàn I Nhẩy Dù , họ nói sáng ngày 20-4, Lữ Đoàn Dù và Lực Lượng Thiết Giáp giao tranh giữa ban ngày và thắng lớn, tiêu diệt gần 2 Trung Đoàn Việt Cộng, thì được lệnh rút?
                
    • Đáp:
      Tôi quyết định rút Long Khánh vì biết rằng phòng tuyến này không thể giữ được nữa, ở lại thêm ít ngày, Sư Đoàn 18 Bộ Binh và Lữ Đoàn I Nhẩy Dù sẽ bị đánh tan, bị thiệt quân vô ích. Lực Lượng địch dù bị thiệt hại rất nặng, nhưng vẫn còn 4 Sư Đoàn quân chính qui Cộng Sản Bắc Việt. Sau khi thả 2 quả bom “Daisy Cutter”, tôi đã ra lệnh tăng cường cho mặt trận Long Khánh thêm một Thiết Đoàn Chiến xa nữa, nhưng 4 ngày sau, Thiết Đoàn Chiến xa này vẫn chưa thoát đi được khỏi khúc Ngã ba Dầu Giây. Trong khi đó Cộng quân đã chuẩn bị xong chiến dịch 2 tiến về Sài Gòn, với 5 Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt ở mặt trận phía Đông sẽ tấn công thẳng vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III ở Biên Hoà, và các căn cứ quân sự như Trường Thiết Giáp, Trường Bộ Binh Long Thành. Ba Sư Đoàn Cộng Sản Bắc Việt khác ở mặt trận Tây Bắc Sài Gòn sẽ tấn chiếm Tây Ninh. Do đó, tôi quyết định rút bỏ Long Khánh, lui quân về lập phòng tuyến mới phòng thủ Biên Hoà.
    (Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước trang 164, 165.)
    Cũng theo lời Tướng Toàn cuộc lui binh đã diễn ra tốt đẹp, chỉ có một đại đội của của Sư đoàn 18 và một pháo đội Dù bị thiệt hại.

    Quyết định bỏ Xuân Lộc là một quyết định đúng, lúc khởi đầu cuộc chiến Xuân Lộc là cửa ngõ Đông Bắc để vào sài Gòn, đúng như tầm quan trọng mà BV đã nhận định, Sư đoàn 18 đã cầm chân được cả một Quân đoàn BV và gây thiệt hại nặng cho đối phương. Nhưng tại Xuân Lộc nay ta không còn trừ bị để đưa vào mặt trận, vả lại tuyến phòng thủ Phan Rang đã bị Quân đoàn 2 CS phá vỡ, họ đang theo Quốc Lộ 1 tiến về Sài Gòn, vị trí của Xuân Lộc không còn quan trọng như trước.

    Sư đoàn 18 BB và các lực lượng tăng phái, ĐPQ đã rút lui về về phía Nam theo liên tỉnh lộ 2 nối liền Long khánh và Phước Tuy rất có trật tự, an toàn, ít thiệt hại. Rút kinh nghiêm ở sự thất bại của cuộc triệt thoái Cao nguyên, gia đình binh sĩ đã được di tản từ trước trận đánh nên đã không xẩy ra tình trạng náo loạn như tại miền Trung tháng 3-1975. Trung đoàn 48 rút lui trước về đến Long Giao đặt pháo tại đây để yểm trợ tổng quát cho cuộc lui binh, tiếp theo là các đơn vị yểm trợ như công binh, truyền tin, quân y… Bộ chỉ huy Tiểu khu Long Khánh, Trung đoàn 43, Lữ đoàn Dù đi sau cùng bị thiệt hại nặng.

    Theo Hồ Đinh kế hoạch lui binh có tổ chức và các cấp đều sát cánh với nhau.
    “ Tóm lại cuộc lui quân coi như thành công, nhờ có tổ chức, kế hoạch và trên hết, chính Tướng Đảo cũng như tất cả các đơn vị trưởng từ Tỉnh Trưởng Phạm Văn Phúc, Đại Tá Đỉnh, Lữ đoàn trưởng Dù..đều đi bộ và tác chiến như lính. Thử hỏi sao không đạt được chiến thắng?
    (Sư Đoàn 18 Bộ Binh Và Những Ngày Tử Chiến Tại Xuân Lộc.)
    Sư đoàn 18 BB bị thiệt hại khoảng 30% quân số, chiến đoàn 52 bị thiệt hại tới 60%, ĐPQ, nghĩa quân bị thiệt hại nhiều nhất, hơn 5000 quân CSBV bị tử thương cùng 37 chiến xa bị bắn cháy, chưa kể hai sư đoàn đã bị bom Daisy Cutter tiêu diệt.

    Nói về tinh thần chiến đấu của sư đoàn 18 BB tại Long Khánh tháng 4-1975, ông Dawson, trưởng nhóm phóng viên hãng thông tấn UPI viết:
    “…Trận đánh kéo dài một ngày nữa, rồi lại một ngày nữa, và cứ thế. Tướng Đảo và binh sĩ của ông đã đánh một trận đánh mà ít người dám nghĩ rằng họ có thể làm được. CS tung vào Xuân Lộc một sư đoàn nữa. Sư đoàn 18 vẫn tiếp tục chống cự. Ngày 10 tháng 4. Cộng quân lại đánh vào giữa thị xã và lại bị đẩy lui. Ngày 12, quân CSBV vẫn không tiến thêm được chút nào. Hai trung đoàn của quân đội nam Việt Nam không những đã giữ vững được vị trí mà còn phản công dữ dội hơn… Thêm 2000 đạn nữa rót vào Xuân Lộc, xé nát mọi vật. Sư đoàn 18 vẫn đứng vững. Tướng Đảo ở lại bên các binh sĩ của ông và tiếp tục chiến đấu”.
    Nguyễn Đức Phương, Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, trang 790.
              




    Thượng tuần tháng 4-1975, đài phát thanh và truyền hình tại Sài Gòn ca ngợi chiến thắng Long An (Thủ Thừa) “Chiến thắng Long An và Long Khánh là những nhát búa đập lên đầu bọn chủ bại”, mục đích nâng cao tinh thần quân dân.

    Lê Đức Thọ cũng phải công nhận thất bại tại trận Thủ Thừa, Long An và Xuân Lộc, Long Khánh.
    “Sau hai lần B2 xin quân thì tôi vào chiến trường gặp lúc hội nghị miền vừa kết thúc. Tôi được nghe anh em báo cáo lại là đã bàn về việc đánh Xuân Lộc. Lúc ấy tôi cũng được biết trước đó, theo chủ trương của Miền, anh em đã đánh Thủ Thừa, đường số 4, nhưng bị thiệt hại nặng nề, không giải quyết được chiến trường? Ngoài ra, còn có bọn địch ngoan cố chống cự như trận đánh vào Đồng Dù (Củ Chi), Nước Trong (Trường Thủ Đức, Trường Thiết Giáp) là các trận đánh ác liệt tại miền Đông, thương vong của ta không phải ít. Do đó tôi mới có ý toan bàn với các đồng chí ngưng đánh Xuân Lộc lại. Nhưng nghe anh Dũng nói, tôi cũng nghĩ có thể mình mới vào chưa rõ hết tình hình; cứ để các đồng chí đánh vậy. Kết cục là anh em ta không đánh được Xưân Lộc, bị thương vong nặng phải rút ra”.
    CTVNTT, trang 791, 792
    Darcourt, sử gia người Pháp nhận xét:
    “Trong hai ngày pháo binh CSBV tác xạ hơn 8000 trái đạn vào các vị trí của sư đoàn 18. Liên lạc vô tuyến với Bộ Chỉ Huy của Tướng Đảo bị gián đoạn rồi lại được tái lập. Quân của ông bám sát trận địa, chiến đấu cực kỳ dũng mãnh và nhất định không lùi, mặc cho những trận mưa lửa cứ trút lên đầu họ”
    CTVNTT, trang 791.
    Các nhà báo, nhà quân sự ngoại quốc không ngớt lời ca ngợi chiến thắng Long Khánh như dưới đây:
    “Với ba sư đoàn 7, 341 và 16, Văn Tiến Dũng tin tưởng sẽ chiếm được Xuân Lộc một cách dễ dàng. Ông đã lầm, sư đoàn 18 chưa bao giờ được xem là một sư đoàn thiện chiến của miền Nam VN. Trái lại, có lần sư đoàn này còn được xem là sư đoàn tệ nhất. Thế mà trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN, sư đoàn này đã chiến đấu một cách dũng cảm. Không những họ đã giữ vững được trận địa mà lại còn phản công mỗi ngày”
    (D,Warner, người Úc) CTVNTT, trang 790, 791.
    Tướng Smith, trưởng phòng DAO Mỹ tại Sài Gòn đã phúc trình cho TMT lục quân:
    “Chúng tôi đã tạo được một chiến thắng. Tại chiến trường Long Khánh, rõ ràng QĐVNCH đã chứng tỏ sự quyết tâm và anh dũng chống lại địch quân đông hơn gấp nhiều lần. Mặc dù chiến trường chỉ mới qua giai đoạn một, chúng tôi có thể nói không ngần ngại rằng QĐVNCH đã thắng vòng đầu”
    CTVNTT, trang 791
    Văn Tiến Dũng, người chỉ huy chiến dịch Hồ chí Minh đã phải công nhận tinh thần chiến đấu dũng mãnh của QĐVNCH tại mặt trận Long Khánh như sau:
    “Các sư đoàn 7, sư đoàn 6 và sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc tập kích của địch. Trung đoàn 43 địch bị tổn thất nặng. Pháo binh chiến dịch và pháo binh đi cùng các sư đoàn của ta đã phải dùng thêm cơ số đạn. Xe tăng, xe bọc thép của ta một số bị hỏng, một số phải trở về vị trí xuất phát tiến công để bổ sung xăng dầu, đạn dược.
    Kế hoạch tiến công Xuân Lộc của Quân đoàn 4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch. Tính chất giằng co ác liệt qua trận đánh này không phải trong phạm vi của Xuân Lộc-Long Khánh nữa rồi…
    Đại Thắng Mùa Xuân trang 174.
    Sau khi QK-1 và QK-2 bị thảm bại trên đường triệt thoái, những lực lượng còn lại tại QK-3 ai nấy đều xúc động tủi nhục cho danh dự quân đội và quyết tâm phản công lại CSBV tới cùng. Tại Long Khánh từ ông Tướng Tư lệnh cho tới người lính, từ bộ binh chính qui cho tới Địa phương quân, nghĩa quân, ai nấy đều chiến đấu rất kỷ luật can trường. Theo Phạm Huấn, Đại Tá Phạm Văn Phúc Tỉnh trưởng Long Khánh đã tử trận cùng hằng nghìn chiến sĩ khác, nhưng theo Hồ Đinh, ông Phúc đã bị VC bắt sống tại trận.

    Chiến thắng Xuân Lộc, Long Khánh được coi như chiến thắng cuối cùng của miền Nam trước ngày mất nước, mặc dù có gây được tiếng vang và lấy lại được uy thế cho QĐVNCH nhưng cũng không cứu vãn nổi tình thế đã quá bi đát.

    Bom Daisy Cutter vào khoảng tháng 4-1975 thường được dân Sài Gòn gọi nhầm là bom CBU. Chiều 21-4-1975 chúng tôi được nghe một ông bạn làm dân biểu, có chức vụ lớn tại Hạ viện cho biết:
    • “Mặt trận cuối cùng sẽ là mặt trận Biên Hòa, CSBV sẽ mất 10 sư đoàn, mình đã chuẩn bị bom CBU đầy đủ cả rồi chỉ chờ chúng đến.”
              
    Ông ấy cũng cho biết tin này do một ông Tướng nói lại. Có thể do “xịa” tung ra để ru ngủ đồng bào ngõ hầu họ dễ bề cuốn gói ra đi êm thắm.

    Theo lời Tướng Toàn như đã nêu trên, người Mỹ chỉ cho ngòi nổ để ném hai quả bom Daisy Cutter, họ nắm đằng chuôi từ đầu chí cuối tất cả mọi chuyện và không bao giờ đếm xỉa tới xương máu của cả hai miền Nam Bắc. Sinh mạng của nhân dân ta chẳng qua cũng chỉ là vật thí nghiệm cho một cuộc chiến tranh phản bội.






    Trước khi cuộc lui binh khỏi Xuân Lộc bắt đầu, ngày 18-4 Uỷ ban Quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ biểu quyết bác bỏ đề nghị viện trợ khẩn cấp cho VNCH của Tổng thống Ford, họ chỉ cho tiền cứu trợ di tản. Bản tin được loan đi mau chóng, ai nấy đều thở dài thất vọng thấy rõ tấn tuồng hề chính trị đã đến lúc hạ màn, tinh thần chiến đấu của binh sĩ đột nhiên xuống thấp khi được biết sự thật đã quá phũ phàng tàn nhẫn: Án Tử hình đã được tuyên bố trên đồi Capitol.

    Mấy hôm sau cuộc lui binh, ngày 23-4-1975 tại Đại học Tulane, New Orléans, Tổng thống Ford tuyên bố “Đối với Hoa Kỳ chiến tranh VN đã kết thúc” ….

    Sư đoàn 18 BB, ĐPQ Long Khánh cùng các đơn vị tăng phái đã liều thân sống chết chống trả cuộc tấn công vũ bão của BV, đã chận đứng cuộc tiến quân của địch tại Dầu Giây, Xuân Lộc hơn một tuần lễ. Nhưng tất cả mọi nỗ lực và hy sinh gian khổ của binh lính để giữ vững phòng tuyến, xương máu của biết bao nhiêu chiến sĩ cuối cùng cũng chỉ là “dã tràng xe cát”, nước lã ra sông…
    “Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu Tướng Lê Minh Đảo dừng quân trên xa lộ Biên Hoà, nhìn vào hướng Trường Bộ Binh Thủ Đức, Long Thành Bà Rịa, và xa kia Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn Trung Liệt Đài của Nghĩa Trang Quân Đội, Long Bình. Ông thấy thấp thoáng bức tượng Tiếc Thương tạc hình Người Lính Chờ Đợi in hình trong không gian mờ khói đạn. Người lính cuối cuộc chiến chợt thoáng nhớ những lời thơ ngắn:
    “ vì anh là lính áo rằn
    Ra đi nào biết mấy trăng mới về…’
              
    Những câu thơ của em ông, Trung tá Lê Hằng Minh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến ’Trâu Điên’, người lính đã ra đi từ một ngày Hè năm 1966 nơi chiến trường Thị-Thiên……
    ..rất nhiều người lính đã ra đi, không trở về từ những vùng đất không hề biết. Hôm nay sáng 30 tháng Tư năm 1975, rất nhiều người lính không còn chốn trở về…

    Phan Nhật Nam, Những Người Lính Chiến Trường Xưa.
              



    Trọng Đạt
              
                         
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Tiểu đoàn 43/LĐ4 BĐQ
    & Vị Tiểu đoàn Trưởng sau cùng
    _____________________
    BĐQ Giang văn Xẻn - 06/07/2012








    Hơn 36 năm trước, lúc 8 giờ 30 sáng ngày 29-4-1975, tại văn phòng của Liên đoàn trưởng Liên đoàn 4/BĐQ trong căn cứ Long Bình, Biên Hòa, có mặt ba anh Tiểu đoàn trưởng (Khang 42, Xẻn 43, và Quang 44).
    Trung tá Sáu, Liên đoàn trưởng nói:
    • - Lý do mời ba anh lên đây, vì sáng sớm hôm nay Bộ Chỉ Huy BĐQ/Sàigòn có công điện cho Liên đoàn, phải cắt ra một Tiểu đoàn tăng cường ngay cho Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (Hốc Môn).
      Ai trong các anh tình nguyện đi?
    Một phút im lặng, không nghe ai trả lời. Trung tá Sáu tiếp:
    • - Vậy đề nghị cho các anh bốc thăm?
    Vừa nghe bốc thăm, tôi phản ứng:
    • - Thưa Trung tá, nếu anh Khang, anh Quang không đi, tôi, Tiểu đoàn 43 tình nguyện đi.
    Liên đoàn trưởng liền quyết định:
    • - Nếu vậy, anh Xẻn về chuẩn bị Tiểu đoàn ngay.
      Đến 10:30 sẽ có đoàn quân xa đến trình diện anh. Xuất phát càng sớm càng tốt. Khi rời đây và tới nơi, anh phải báo về Liên đoàn.
    Tôi đáp nhận và chào Liên đoàn trưởng. Anh Khang và anh Quang chúc tôi may mắn.

    Dù Tiểu đoàn trong tình trạng ứng chiến, nhưng với thời gian chuẩn bị cấp bách như vậy nên việc gom quân có ít nhiều khó khăn. Với quân số gần 300, tôi phân lên 25 xe GMC, lệnh ra Xa Lộ Biên Hoà trực chỉ hướng Saigon - Quang Trung. Bấy giờ hơn 11 giờ trưa ngày 29-4-1975.

    Khi đoàn xe chạy đến ngã tư Thủ Đức và Trường Bộ Binh, tiểu đoàn bị một chốt Quân Cảnh chận lại bảo không thể vào Sàigon bằng lối Xa Lộ nầy vì đang đang có trận đánh nhau giữa hãng Xi Măng Hà Tiên và Cầu Tân Cảng. Đoàn xe buộc phải quẹo phải đi qua chợ Thủ Đức, nhưng đến gần Cầu Bình Lợi thì lại gặp một đơn vị Nhảy Dù kéo kẽm gai không cho qua. Tôi phải lên đầu đoàn nói chuyện với anh Đại đội trưởng ở đó và được phép qua cầu.

    Có một điều khá may mắn cho tôi, nếu chọn Xa Lộ Đại Hàn đi Quang Trung ngay từ đầu hay khi gặp đơn vị Dù tôi quẹo phải hướng Lái Thiêu rồi quẹo trái qua Quang Trung, có thể chúng tôi đã bị VC phục kích hoặc tao ngộ chiến với họ và nhiệm vụ đi Quang Trung đã không đơn giản.

    Sau khi qua Cầu Bình Lợi, qua Ngã Tư Xóm Gà, ra Đường Chi Lăng, vượt Ngã Tư Phú Nhuận, qua Bộ Tổng Tham Mưu tới Ngã Tư Bảy Hiền, quẹo phải 400 mét hướng Quang Trung, tôi ra lệnh cho đoàn xe ép sát lề phải dừng lại. Một cảnh tượng bất thường hiện ra, mới hơn 1 giờ chiều mà đường vắng tanh, không một bóng người qua lại, không một xe cộ lưu thông. Tôi bảo tài xế lái vào gần sát một xe bán thuốc lá lẻ bên đường và hỏi cô bán thuốc:
    • - Cô ơi, cho tôi hỏi thăm, tình trạng không bình thường thế nầy xãy ra từ lúc nào vậy cô?
    Được cô trả lời:
    • - Thưa ông, lúc 10 giờ sáng mọi sinh hoạt đều bình thường, nhưng đến gần 12 giờ trưa thưa dần, thưa dần và vắng luôn như hiện nay.
      - Cám ơn cô. Cô có nghe ai nói từ đây đến Vina Texco, đến ngã tư An Sương có Việt cộng không?
      - Dạ, không nghe.
    Kinh nghiệm nghề nghiệp cho tôi biết như vậy là đoạn đường từ đây đến Quang Trung không còn an ninh, đã có địch rồi. Tôi gọi ngay các Đại đội trưởng lên đầu máy gặp tôi và tôi ban một Lệnh hành quân ngắn gọn:
    • - “Sau khi nghe lệnh tôi, các anh cho lính để hết ba lô xuống sàn xe, súng đạn nón sắt mang vào người sẵn sàng tác chiến, đứng dọc hai bên thành xe, súng quay ra 2 phía. Khi di chuyển mỗi xe cách nhau tối thiểu 30 mét với tốc độ trung bình. Đang di chuyển nếu bị địch bắn, chúng ta vừa bắn trả lại vừa đi. Khi bị địch bắn, xe nào bị trúng đạn hư, lính tự động xuống xe tìm vị trí chiến đấu; đoàn xe trước chạy lên một đoạn, dừng lại, xuống xe, bố trí chờ lệnh; đoàn xe sau dừng ngay tại chỗ, xuống xe, bố trí chờ lệnh. Chuẩn bị xong các Đại đội báo cáo Tiểu đoàn và Đại đội đi đầu cho xe lăn bánh”
    Sau đó đoàn xe lần lượt qua Hãng dệt Vina Texco, tại đây thấy có một đơn vị Nhảy Dù đang bố trí, rồi tới ngã tư An Sương, qua hậu cứ Biệt Kích 81. Binh sĩ trong đó giơ tay chào chúng tôi và họ đang ở các tháp canh, giao thông hào tư thế sẵn sàng chiến đấu. Đến ngã tư Trung Chánh đoàn xe quẹo phải vào cổng số 1 của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, nhưng bị kẽm gai và lính gác chận lại, phải trình Sự vụ lệnh và Công điện tăng cường họ mới mở cổng cho vào. Bấy giờ khoảng 2 giờ chiều 29-4-1975. Khi đoàn xe vừa đậu tại Vườn Tao Ngộ (chỗ tiếp tân của anh em quân dịch) thì bên ngoài Trung Tâm một đoàn xe Việt Cộng dẫn đầu bằng mấy chiếc T54 trên Quốc Lộ I, từ Hốc Môn xuống, cũng đến ngang Trung Tâm, bắn nhau đì đùng với các chốt của Quân Trường bên kia đường. Sau một chập bắn nhau, tiếng súng ngưng. Hai xe T54 đã vào chiếm Trường Dạy Lái Xe, sát Quốc lộ I.

    Sau khi lệnh cho Tiểu Đoàn xuống xe bố trí chung quanh Vườn Tao Ngộ, tôi đến Trung Tâm Hành Quân của Quân Trường để gặp cấp chỉ huy. Tại đó tôi gặp được Đại Tá Huấn, Chỉ huy phó (nghe đâu Chỉ huy trưởng đã đi đâu rồi). Khi tôi chào trình diện và báo Tiểu đoàn BĐQ tăng cường đã tới nơi, Đại tá Huấn hỏi:
    • - Tiểu đoàn anh hiện giờ đang ở đâu?
      - Thưa Đại tá, đang bố trí tạm tại Vườn Tiếp Tân.
      - Anh có nghe súng nổ ngoài đường không? Xe tăng đã vào Trường dạy lái xe. Anh cho Tiểu đoàn ra đánh ngay mấy cái xe đó cho tôi.
      - Thưa Đại tá, đánh là nghề của chúng tôi. Nhưng trước khi thi hành nhiệm vụ nầy, xin Đại tá cho tôi biết một số điều căn bản cần thiết “cách phòng thủ bố trí của Quân Trường, Lực lượng Địch Bạn chung quanh gần nhất, phương tiện tiếp vận yểm trợ…”
      - Được, anh theo ông Trung tá nầy xuống hầm Trung Tâm Hành Quân.
    Tại phòng nầy tôi được xem hệ thống phòng thủ của Quân trường, nghe thuyết trình lực lượng địch bạn trong vùng, vị trí xe tăng VC đang đậu. Nhìn lên bản đồ phối trí lực lượng, thấy chi chít ô chữ nhật màu đỏ (màu cuả địch), tôi hỏi ông Trung tá về lực lượng bạn. Trung tá đó trả lời:
    • - Chi Khu Trảng Bàng, Tiểu Khu Hậu Nghĩa đã mất mấy ngày nay, Chi Khu Hốc Môn vừa mất đêm qua.
    Tôi hỏi tiếp:
    • - Thưa Trung tá, Sư đoàn 25 thấy có ký hiệu trên vùng đó, nay còn đó không?
    Tôi được trả lời:
    • - Tất cả đã phân tán về hướng Lái Thiêu – Bình Dương. Coi như mình đã bỏ ngỏ mặt trận phía Trảng Bàng, Gò Dầu. Tiền quân của VC nay đã có mặt tại chợ Trung Chánh và một số điểm chung quanh trường. Quân Trường chúng ta bây giờ trở thành tuyến đầu.
    Tôi hỏi ông thêm một vài vấn đề nữa:
    • - Bây giờ phương tiện yểm trợ gồm có những gì?
      - Chỉ còn 2 khẩu 105 ly duy nhất tại Quận Gò Vấp và một số súng cối cơ hữu của Quân Trường.
      - Không quân thì sao?
      - Chắc chắn không có, không liên lạc được với Biên Hòa, hay ngay cả Tân Sơn Nhất.
      - Tản thương có trực thăng không?
      - Không có, sẽ dùng Ambulance của trường chở đi Bệnh Viện Cộng Hòa.
      - Nếu cần thêm súng đạn, quân số thì sao?
      - Không trở ngại, chúng tôi có 10.000 tân binh đang huấn luyện tại đây, sẵn sàng giao cho anh.
      - Rất cám ơn Trung tá. Xin Trung tá cho người hướng dẫn tôi ra xem 2 cái xe tăng T54 đang ở đâu trên thực tế.
    Trong khi ngồi đợi người tới, tôi mượn điện thoại báo cáo về BCH/BĐQ. Sẵn dịp tò mò, tôi gọi Tổng tham Mưu để dò hỏi tình hình, được anh trực máy trả lời:
    • - Tôi là Hạ sĩ quan trực máy, giờ nầy Sĩ quan từ cấp Đại Úy trở lên đi hết rồi, không ai có thẩm quyền trả lời ông.
    Tôi hỏi lại, họ đi đâu và được trả lời ngắn gọn:
    • - Dạ, không biết.
    Tò mò thêm, tôi gọi Biệt Khu Thủ Đô và nhận được câu trả lời giống hệt như vậy. Buông máy xuống, trong đầu tôi tự hỏi “Bỏ chạy hết rồi sao?” và kết luận “Rắn đã mất đầu”. Với cương vị Tiểu đoàn trưởng hiện tại tôi biết tôi nên làm những gì.

    Mười phút sau có một anh Thiếu Úy đến trình diện tôi. Tôi mời anh ta ra xe ngồi ghế trưởng xa. Tôi lái, anh ta chỉ đường. Gặp tay gà mờ không biết rõ vị trí xe tăng địch, anh ta đã chỉ tôi lái tới quá gần chúng nó, đang đậu bên kia hàng rào núp sau mấy bụi tre gai. Thấy chúng tôi, chúng nổ một tràng AK chận lại. Thắng dừng xe, nhảy qua trái đứng sau một gốc cây bên lề quan sát kỹ, tôi thấy chúng có hai thằng ngồi trên nóc xe tăng đang ăn cái gì đó. Tài xế của tôi phải bò lên lùi xe lại thật xa, phần tôi theo hàng cây đi lui từng gốc. Trở lại gặp Đai tá Huấn, Chỉ huy phó, tôi nói:
    • - Thưa Đại Tá, tôi đã thấy rõ 2 cái xe VC rồi. Nó ở bên kia hàng rào. Cách chúng nó chừng 50 mét, lính mình bố trí dưới giao thông hào rất đông. Với địa hình nầy, nếu đánh tôi phải đưa Tiểu đoàn tôi ra bên ngoài Quân Trường. Chuyện đó tôi sẽ làm, bây giờ tôi đề nghị với Đại tá như thế nầy: Đại tá ra lệnh cho đơn vị nào ở gần xe tăng nhất, nhảy lên bắt sống chúng nó cho tôi.
      - Anh nói đùa, chúng nó là tân binh.
      - Thưa, tôi nói thật, giờ nầy không còn phân biệt tân binh hay cựu binh, vì khoảng cách giữa ta và địch quá gần, chỉ đánh nhau bằng lựu đạn, bằng tay và bắt sống chúng nó thôi. Tôi biết cấp chỉ huy tân binh ở đây là những sĩ quan ưu tú có nhiều kinh nghiệm chiến đấu từ các chiến trường đưa về. Nếu không thành công, tôi sẽ vào đánh ngay thay thế họ
      (Trả lời như vậy là một trường hợp rất đặc biệt trong đời binh nghiệp của tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi có nhiều lý do, nhưng thiết nghĩ không cần phải viết ra đây).
    Thấy tôi quả quyết, Đại tá Huấn nhường:
    • - Thôi đươc, Tiểu đoàn anh làm trừ bị và đợi lệnh tôi.
    Tôi trở về vị trí đóng quân tạm ngồi chờ. Đến 7 giờ tối không nghe thêm lệnh gì, tôi lên gặp lại ông Huấn hỏi nhiệm vụ tiếp trong đêm, ông nói:
    • - Đêm nay anh vẫn trừ bị, nếu Quân trường bị tấn công, thủng chỗ nào anh lấp vào chỗ đó và quan trọng nhất là bảo vệ Trung Tâm Hành Quân của tôi.
    Tôi trở lại Tiểu đoàn, họp các Đại Đội Trưởng phân công nhiệm vụ phòng thủ đêm và vào hệ thống truyền tin của Quân Trường để theo dõi diễn biến đêm đó bên trong cũng như bên ngoài Quân trường. Các tiền đồn báo cáo từ 10 giờ đêm đến sáng hôm sau, có tất cả 4 đoàn xe VC chạy ngang Quân Trường hướng về Sàigòn, và tiền quân của chúng đã vào đến Ngã tư Bảy Hiền, tiến sát Bộ Tổng Tham Mưu vào khoảng 5-6 giờ sáng ngày 30-4.




    Đến 8 giờ sáng, từ hàng rào phía Quốc lộ I, VC phát loa vào trường kêu gọi đầu hàng. Chúng nói đêm qua chúng không tấn công vì biết đây là một trường dạy lính. Nếu không cử người ra đầu hàng, 8:30 chúng sẽ tấn công. Tôi báo động Tiểu đoàn và chuẩn bị sẵn sàng phản công. Chúng tôi đợi, đợi, và đợi… Đến gần 10 giờ thì một anh Thượng Sĩ, phụ tá Ban 3 của tôi, hớt ha hớt hải chạy tới:
    • - Thiếu tá ơi, Tổng Thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi!
      - Ai bảo anh?
      Tôi hỏi.
      - Đây nè, trong Radio nè. Anh mở chiếc Radio anh đang có trong tay cho tôi nghe.
    Tôi như từ trời cao rơi xuống, không tin lỗ tai tôi vừa nghe một sự thật. Tôi phải cố nghe lại một lần nữa, rồi tự hỏi
    • “Thế là thế nào? Cuộc đời, sự nghiệp và lý tưởng chiến đấu bảo vệ Miền Nam của mình đến đây phải chấm dứt hay sao?”
    Tôi bảo anh Ban 3 mang Radio đi chỗ khác. Tôi và Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn kéo lại Tượng Đài Quang Trung Nguyễn Huệ. Tôi bước lên hai bậc tam cấp ngồi xuống phía trước dưới chân Ngài. Thân Tâm dường như tự động chia tay, tôi ngồi đó như xác không hồn. Tình trạng nầy kéo dài gần 20 phút. Tôi tỉnh lại. Việc đầu tiên, nghe mấy cái loa truyền tin của tụi VC đã vào lải nhải kêu gọi đầu hàng, tôi bảo mấy anh mang máy tắt hết các máy truyền tin. Trước mắt tôi cảnh 10.000 tân binh quân dịch rã ngũ, súng đạn vất lung tung, xe gắn máy đủ loại chen lấn ngược xuôi. Phải nói là Tiểu đoàn 43 của tôi rất kỷ luật, nằm yên tại chỗ, án binh bất động, không một Đại Đội Trưởng nào gọi hỏi tôi bây giờ phải tính sao, phải làm gì. Tôi giữ Tiểu đoàn trong tình trạng như vậy đến quá 12 giờ trưa và sau đó tôi vào Trung Tâm Hành Quân tìm Đại Tá Huấn xem ông ta đang làm gì.

    Khi bước chân vào cửa phòng Chỉ huy phó, tôi thấy ông ngồi tại ghế của ông quân phục chỉnh tề, sau lưng cả chục người đứng hàng ngang, tôi đoán họ là sĩ quan trong Ban Tham Mưu của ông, tôi đưa tay lên chào và hỏi:
    • - Thưa Đại tá, bây giờ Đại tá tính sao?
    Ông ta trả lời:
    • - Anh là đơn vị tăng phái, anh muốn làm gì làm. Chúng tôi sẽ có những lệnh thích hợp cho đơn vị sau.
    Bực mình khi nghe ông nói, tôi đưa tay chào và nói,
    • - Đây là lần cuối tôi chào Đại tá, tôi sẽ không gặp lại Đại tá nữa.
    Bước ra ngoài tôi gọi Đại Úy Nghĩa, Ban 3 của tôi, thuật lại lời nói của Đại tá Huấn vừa rồi, và hỏi anh có ý kiến gì không. Anh nói:
    • - Anh, Tiểu đoàn trưởng, anh làm gì thì làm tôi không có ý kiến.
      - Thế thì anh nghe tôi quyết định đây. Vì danh dự, vì trách nhiệm với 300 sinh mạng của thuộc cấp, vì an ninh của tôi và của anh, tôi quyết định cho đơn vị rã ngũ.
    Tôi bảo truyền tin gọi tất cả các Đại đội trưởng lên máy gặp tôi ngay. Từ Trung Tâm Hành Quân cách vị trí bố trí quân khá xa tôi ra lệnh họ:
    • - “Tất cả những gì của quân đội các anh cho lên đoàn xe hôm qua, những gì riêng tư cá nhân các anh mang theo và tìm đủ mọi cách tự túc về nhà. Tôi cho đơn vị tan hàng. Tôi chịu trách nhiệm. Chào tất cả các anh ”.
    Cảnh rã ngũ của Tiểu đoàn diễn ra rất nhanh. Từ xa tôi thấy vẫn còn một số anh em binh sĩ chưa chịu đi, cứ lẩn quẩn quanh đoàn xe. Tôi nghĩ, nếu từ chỗ đứng tôi bỏ đi, sau nầy có dịp gặp lại họ, làm sao tôi chứng minh để họ tin giờ đó tôi vẫn còn có mặt với họ. Nhưng tôi tới gặp họ lúc nầy rất nguy hiểm. Biết đâu trong số họ có VC cài trong đơn vị chờ tôi tới “thịt” tôi để lập công. Do dự, ngại ngùng, nhưng tôi quyết định phải gặp họ một lần cho rõ mặt. Đề phòng tối đa, tôi bảo tài xế lái thật chậm, ngồi bên phải với khẩu M16 đạn lên nòng, mở khóa an toàn và sẵn sàng tự vệ. Cách họ 5-7 mét thấy họ không lộ vẻ gì nghi ngờ, tôi ra hiệu dừng xe. Để súng lại xe, tôi bước xuống đi tới họ, lên tiếng trước:
    • - Sao giờ nầy các anh chưa chịu đi khỏi đây?
    Một số chửi thề, đáp trống không:
    • - Đ.M. nhục quá, chưa đánh đã đầu hàng, chết mẹ nó cho rồi.
    Tôi nhắc lại, tôi khuyên các anh nên rời khỏi đây ngay.
    • - Ông đi đi, mặc kệ chúng tôi.
    Tôi tiến đến gần 2 anh hung hăng nhất, bá vai họ và nói chậm rãi:
    • - Nếu giờ nầy các anh còn coi tôi như một đàn anh, tôi khuyên các anh nên tìm cách về nhà, ở đó cha mẹ và vợ con các anh đang chờ các anh.
      - Thôi ông đi đi, nhục quá, sống sao nổi. Sống làm “đếch” gì.
      - Nầy các anh, nếu hôm nay chúng ta thấy nhục, chúng ta cần phải sống hơn ai hết, vì nếu chúng ta tự sát chết, rồi nay mai có cơ hội rữa nhục thì lấy ai làm thay cho chúng ta. Các anh nghe lời tôi, về với cha mẹ vợ con đi, vì giờ nầy họ đang đợi các anh đấy.
    Họ vẫn tiếp tục nói:
    • - Ông cứ đi đi, để mặc chúng tôi.
      - Không, các anh phải đi trước rồi tôi mới đi, hay chúng ta cùng đi, tôi khuyên các anh.
    Lần nầy có vẻ họ nghe lời, giọng dịu lại, nhưng họ đòi đốt đoàn xe trước khi chia tay. Tôi bảo để đó tôi lo và họ phân tán hai hướng gục đầu mà đi!

    Còn lại 6 thầy trò chúng tôi là những người cuối cùng rời khỏi vườn Tao Ngộ. Đến cách cổng số 2 hướng Đài Phát Tuyến vài trăm thước chúng tôi phân tán chia tay nhau. Tôi và Đại Úy Nghĩa, Ban 3, đi chung. Đi bộ một đoạn đường dài chúng tôi chứng kiến nhiều cảnh tượng thật đau lòng. Không ngờ có ngày chúng tôi phải nhục như vậy. Đến 7 giờ tối hôm đó chúng tôi mới về tới Cư Xá Thanh Đa, nhà của tôi. Nghĩa ngủ lại với tôi một đêm. Sáng hôm sau (1-5) tôi đưa Nghĩa ra Bến Xe Miền Tây về Sóc Trăng, quê hương của anh. Ba mươi sáu năm nay chúng tôi chưa gặp lại. Hiện giờ Nghĩa và gia đình đang định cư tại Atlanta, Georgia. Chắc Nghĩa chưa quên một ngày dài lịch sử nhiều tủi nhục ấy.



    Qua những tình tiết vừa viết lại, tôi rút ra được vài điều:
    • - Nếu vì một lý do gì đó, sự di chuyển của Tiểu đoàn chậm lại 30 phút, chúng tôi và Việt cộng đã có cuộc tao ngộ không đẹp tại ngã tư Trung Chánh (Hốc Môn). GMC đụng đầu với T54. Không biết ai sẽ thắng ai, nhưng chắc chắn máu BĐQ đã phải đổ nhiều, anh em BĐQ đã phải hy sinh thêm vào giờ thứ 23 và số phận của Tiểu đoàn 43 cũng không phải như thế nầy.
    • - Tài lãnh đạo chỉ huy của tôi chỉ đáng được ngồi dưới chân Quang Trung Đại Đế thôi (và tôi đã làm như kể ở đoạn trên).
    • - Giờ phút cuối cùng, thuộc cấp tôi chửi thề, nói trổng với tôi, rồi gọi tôi bằng ông, tôi cho còn khá may mắn. Đây là cái giá phải trả cho một cấp chỉ huy không hoàn thành nhiệm vụ.
    • - Một số anh em Hạ sĩ quan ở lại quyết tự sát mà không thành vì sự xuất hiện can thiệp của tôi. Trong 36 năm qua nếu họ sống thuận lợi, hạnh phúc, chắc họ đã thầm cám ơn tôi vì nhờ tôi mà họ còn sống, ngược lại họ đã trách tôi một cách thậm tệ.
    Nhưng với tôi duy nhất chỉ có một điều, nếu có một ngày nào đó trong những ngày còn lại của đời tôi may mắn được gặp lại họ, tôi vẫn hãnh diện là một đàn anh, một cấp chỉ huy không đến nỗi tồi, không đào ngũ, bỏ anh em.






    BĐQ Giang văn Xẻn
              
                         
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




              



              
    Lên đỉnh Charlie
    _________________________




    Núi trùng trùng đường rừng gai góc
    dốc lên dốc xuống – lạnh buốt da
    đồi trở mình cao theo vạt nắng
    nghe như tử sĩ khóc bên ta

    ôi Charlie đỉnh cao ai nằm lại
    đất đá tan hoang – chinh chiến tàn
    gió thét gió gào – mây sà xuống
    trên nắm xương vùi không khói nhang

    châm điếu thuốc cho người chết trẻ
    cô đơn giữa đá núi ngổn ngang
    lòng ta đau – đau gần nửa kỷ
    chưa phai dù lấm bụi thời gian

    Charlie! Yankee! Delta! mù trong núi đá
    mỗi bước chân – ớn lạnh sống lưng
    hố này, vực kia người chết trận
    trên đó dưới đây – chết lưng chừng

    anh hùng ngã xuống trong bão lửa
    có sá gì một nấm mồ ma
    hồn thiêng sông núi còn nghiêng ngửa
    thương cho người và tội cho ta

    nửa đời – ta mơ lên chóp núi
    đứng hát ru người giữa cheo leo
    bài ca vang dội vào vách đá
    như thuở nào ngàn tiếng quân reo

    rời Charlie ngước nhìn mây trắng
    tụ trên đồi như tiễn như đưa
    một lạy biệt người – hồn tử sĩ
    ta xuống đồi – giọt nắng lưa thưa





    Nguyễn Thanh Khiết
    Đồi Charlie 14-03-2018

              




              
              


              
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi thiên thanh »

          
"Mùa Xuân của đất trời đang về bao trùm vạn vật với nắng chan hòa, khí hậu ấm áp...Nhưng riêng với người Việt Nam miền Nam VN Cộng Hòa thì cũng thấm đẫm nỗi đau thương vì ngày 30 Tháng Tư Đen oan nghiệt.
Hãy cùng mở lại trang sử thương đau đó..."
(trích Facebook Bich Huyen Pham)

Chương trình thơ nhạc đặc biệt nhân dịp 30-4 của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ do nhà văn Bích Huyền thực hiện khoảng hơn mười năm trước


          
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Re: 30/04/2018 - tưởng niệm 43 năm người Việt mất miền Nam Tự Do

Bài viết bởi thiên thanh »

          
          
Trả lời

Quay về “Tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/04/1975”