Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang – Vấn Đề Đặc Khu Kinh Tế tại Việt Nam

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang – Vấn Đề Đặc Khu Kinh Tế tại Việt Nam

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Việt Luận phỏng vấn Ls Lưu Tường Quang -
    Vấn Đề Đặc Khu Kinh Tế tại Việt Nam






    Việt LuậnChính quyền CSVN đang dự định xây dựng 3 đặc khu kinh tế: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), và Phú Quốc, khiến cho người Việt Nam trong và ngoài nước phản ứng dữ dội bằng những cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi, ông có nghĩ rằng việc xây dựng những đặc khu kinh tế này nằm trong âm mưu thôn tính VN của Trung Quốc và tại sao chính quyền CSVN có thể chấp thuận điều này?

    Ls Lưu Tường Quang: Câu hỏi này gồm hai phần. Thứ nhất là đặc khu kinh tế nằm trong âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh. Tôi không tìm thấy tài liệu, chứng cứ cụ thể để có thể xác quyết một cách trực tiếp như vậy. Có nhiều tin đồn về Mật Ước Thành Đô (ngày 3-4.09.1990), nhưng chúng ta không phải dựa vào Mật Ước Thành Đô mà chúng ta chưa có bằng chứng chính xác.

    Trong “Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường” (The Belt and Road Initiative – BRI) mà Ông Tập Cận Bình đã đẩy mạnh từ năm 2013, Việt Nam nằm trong kế hoạch kết nối toàn cầu Đông Tây Nam Bắc mà Hoa Lục giữ vị trí trung tâm chủ động. Cùng lúc, Bắc Kinh, Hà Nội và Asean đã thảo luận kế hoạch Hợp tác Kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng – và trên căn bản song phương giữa hai nước, còn có phương thức kiểm soát chung biên giới (Two Countries, One Inspection) mà một trong hai vị trí khởi đầu là Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, tức là không xa với Vân Đồn, một trong 3 đặc khu kinh tế mà Việt Nam dự định thành lập.

    Bởi vậy, theo ý tôi, có hay không có âm mưu của Bắc Kinh chỉ là nghi vấn về mặt lý thuyết, còn về mặt thực tế, Bắc Kinh có thể chụp thời cơ, khi thời cơ nầy thuận tiện cho kế hoạch toàn cầu của họ – là sử dụng Nước Việt của chúng ta làm con đường tiến về phương Nam và Châu Đại Dương, và kế hoạch cục bộ của họ là gậm nhắm đất nước chúng ta như tằm ăn đâu, mà giới chuyên gia phương Tây mô tả như là salami slicing.

    Phần hai là tại sao Cộng sản Việt Nam lại chấp thuận điều này. Theo nguồn tin chính thức, Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam (CPV) đã cứu xét và quyết định kế hoạch nầy cả chục năm về trước, nhưng tại sao bây giờ mới đem ra thi hành, mà không cho biết lý do.

    Chúng ta chỉ có thể suy diễn. Một là Bộ Chính Trị muốn thực hiện những dự án đơn (tức là từng ngành) trước. Hai là Bộ Chính trị có thể muốn có thời gian để học hỏi kinh nghiệm (nói một cách lạc quan) trước khi bắt đầu dự án phức tạp bao gồm nhiều lãnh vực. Và Ba là Bộ Chính Trị muốn mở rộng đầu tư nước ngoài, nhưng lại chọn mô thức không còn hấp dẫn và hợp thời theo đà phát triển hiện nay và tương lai.

    Việt Luận Một số quan chức Cộng Sản cho rằng những đặc khu kinh tế này cũng tương tự như những đặc khu kinh tế khác trên thế giới chẳng hạn như Hồng Kông, Ma Cao…ông nghĩ thế nào về những lập luận này?

    Lưu Tường Quang: Hồng Kông và Ma Cao không phải là đặc khu kinh tế theo nghĩa mà chúng ta đang thảo luận. Cả hai đều là nhượng địa hay đúng hơn là thuộc địa, khi Triều Đình Mãn Thanh phải chấp nhận đòi hỏi của Vương Quốc Anh và Bồ Đào Nha. Vào cuối thập niên 1990, Bắc Kinh tiếp thu Hồng Kông và Ma Cao và biến thành Đặc Khu Hành Chánh của Hoa Lục, nhưng được tiếp tục thừa hưởng cấu trúc kinh tế tư bản đã phát triển và một số quyền tự trị hạn chế dưới hình thức “One Country Two Systems” trong vòng 50 năm.

    Đặc Khu Kinh tế quan trọng và được coi là thành công là Shenchen Special Economic Zone (Đặc Khu Kinh Tế Thẩm Quyến), do Đặng Tiểu Bình thành lập hồi năm 1980, nhưng ngày nay đặc khu kinh tế không phải là một mô hình mới mẻ, và không phải lúc nào cũng thành công.

    Việt Nam đã có 18 đặc khu kinh tế sinh hoạt dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu lấy các ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên và biến chế công nghệ, thì dự án

    khai thác Bô-xit Nhân Cơ 2007 (Tỉnh Dak Nông, Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam) do tư bản Trung Quốc làm chủ thầu và Đặc Khu Hà Tĩnh Formosa 2008 với nguồn đầu tư từ Đài Loan, là những thí dụ thất bại, thảm họa môi trường.

    Vấn đề được đặt ra là cộng sản Hà Nội đã học hỏi được gì từ những thất bại ấy và vào thời điểm hiện nay, nền kinh tế Việt Nam phải tìm hướng đi như thế nào bên ngoài khẩu hiệu vô nghĩa “nền kinh tế thị trường với đặc tính xã hội chủ nghĩa”. Cả 3 dự án đều ghi nhận công nghệ cao nhưng không định nghĩa thế nào là cao? Kể từ thời Đổi Mới 1986, Việt Nam phần lớn vẫn theo đuổi công nghệ lắp ráp, may mặc không tạo được nhiều giá trị gia tăng vào sản phẩm. Nguy cơ đối với Việt Nam là Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư ồ ạt để biến nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc và bổ túc cho nền kinh tế Trung Quốc. Thí dụ cụ thể là kỹ nghệ may mặc Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc.

    Nguy cơ khác là năng suất lao động Việt Nam hãy còn rất thấp và hiện nay còn thấp hơn cả Lào thì làm sao có đội ngũ nhân công chuyên môn phục vụ ngành công nghệ cao? Thẩm Quyến đã lột xác từ thiên đường hàng nhái/hàng giả để trở nên một thành phố công nghệ hiện nay. Nhưng giả sử như Thẩm Quyến được khởi đầu vào thời Tập Cận Bình năm 2018 thay vì thời Đặng Tiểu Bình năm 1978, thì mô thức đặc khu kinh tế này có tồn tại được chăng?

    Việt LuậnMới đây, trước áp lực của quần chúng nhà cầm quyền cộng sản ra thông báo lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp Quốc Hội lần tới, ông có nghĩ đây là một nhượng bộ tạm thời của chính quyền CSVN?

    Lưu Tường Quang: Dự thảo Luật Đơn Vị Hành Chánh Kinh Tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc được Quốc Hội cộng sản Việt Nam cứu xét trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV mà Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân từng nói là sẵn sàng bấm nút thông qua vào ngày 15 tháng 6 này để Luật có thể bắt đầu hiệu lực vào ngày 01.01.2019.

    Tuy nhiên, khi vấn đề cho thuê đất (và biển) 99 năm được nêu lên và thảo luận, các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức dân sự và đặc biệt là quảng đại quần chúng đã lên tiếng phản đối. Phong trào phản đối này đã lan rộng trong giả thiết rằng Bắc Kinh hoặc các tổng công ty có liên hệ với Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ trúng thầu. Hàng nhiều ngàn người đã bắt đầu xuống đường vào ngày Chủ Nhật 10/6 tại nhiều địa phương và thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Mỹ Tho, Bình Dương, Nha Trang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang và đặc biệt riêng tại Thành Phố Sài Gòn cả chục ngàn người và tại Bình Thuận, hàng trăm người đã chiếm đóng trụ sở Ủy Ban Nhân Dân.

    Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng đã lên tiếng phân trần là Trung Quốc không hề được ghi vào Dự Thảo Luật. Điều nầy đúng về mặt văn bản, nhưng quần chúng Việt Nam không còn tin vào lời nói của Đảng và Nhà Nước. Khi Dự Thảo Luật này được thông qua, và với giả thiết Bắc Kinh sẽ coi 3 đặc khu phù hợp với kế hoạch BRI, chúng ta có thể tin là các tổng công ty quốc doanh hoặc “độc lập” trá hình và có dây mơ rễ má với Đảng Cộng Sản sẽ trả giá cao để trúng thầu. Trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, Bắc Kinh và những tổng công ty “độc lập” trá hình không nhất thiết phải vận hành trên cơ sở kinh tế là lợi nhuận tài chánh vì mục đích của họ còn bao gồm ảnh hưởng chính trị.

    Trong vùng Nam Thái Bình Dương và trong bối cảnh cạnh tranh với Nước Úc và New Zealand, Trung Quốc đã tung hàng chục tỉ dollars để thực hiện những dự án hạ tầng cơ sở không đem lại phúc lợi kinh tế cho các Đảo Quốc. Gần đây nhất là Canberra đã phải cấp viện cho Đảo Quốc Solomon Islands thiết lập đường dây cáp dưới biển nối liền Đảo Quốc này với cảng Sydney, để loại Tổng Công Ty Trung Quốc Huawei ra khỏi dự án, vì lý do an ninh.

    Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam tham nhũng có thể loại công ty Trung Quốc ra khỏi các cuộc đấu thầu vì lý do an ninh hay không? Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều là những địa điểm thiết yếu về mặt an ninh quốc phòng.

    Một điểm quan trọng khác trong Dự Thảo Luật nầy mà công luận chưa để ý đến: Đó là vấn đề giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài (chẳng hạn như Trung Quốc) và đối tác Việt Nam hoặc chính phủ Việt Nam, khi mà Dự Thảo Luật nầy dự trù thẩm quyền xét xử của tòa án nước ngoài. Thật ra, đây cũng không phải là một vấn đề mới mẻ, vì trong rất nhiều thỏa hiệp song phương và đa phương quốc tế – chẳng hạn như Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP-12 và TPP-11 tức là CPTPP mà Việt Nam là thành viên, vấn đề tranh chấp gọi là Investor/State Dispute Settlement (ISDS) đã được nghiên cứu rất kỹ.

    Trước phản ứng chống đối mạnh mẽ từ nhiều từng lớp quần chúng, Văn Phòng Chánh Phủ và Quốc Hội đã loan báo đình hoãn Dự Thảo Luật đến tháng 10 năm 2018. Một khi Bộ Chính Trị đảng đã quyết định, tôi tin rằng Quốc Hội bù nhìn sẽ chấp hành và việc đình hoãn chỉ là một chiến thuật tạm thời để giảm nhiệt.

    Việt Luận CĐNVTD/NSW sẽ biểu tình trước Lãnh Sự Quán vào ngày thứ Bảy 16/6 tới, ngoài việc biểu tình phản ứng, theo ông, cộng đồng người Việt ở Úc nói riêng và hải ngoại nói chung nên làm gì để ngăn chận hành động của chính quyền CSVN rất có hại cho đất nước nếu nghĩ về lâu về dài?

    Lưu Tường Quang: Trong tuần nầy, ít nhất là tại Canberra, Sydney và Melbourne, cộng đồng Người Việt biểu tình phản đối Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế và Luật An Ninh Mạng vừa được thông qua, trước trụ sở ngoại giao và lãnh sự của công sản Việt Nam và Trung Cộng. Luật An Ninh Mạng là một bước lùi tồi tệ về mặt tự do ngôn luận tại Việt Nam vốn đã bị hạn chế rất nhiều. Chính yếu, đây là các vấn đề quốc nội và quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Tuy vậy, cộng đồng Úc nói chung có thể quan tâm, nếu cộng đồng Việt Úc có thể nhấn mạnh đến tham vọng của Bắc Kinh xuyên qua kế hoạch BRI mà chính phủ liên đảng Úc đã từ chối gia nhập khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Sydney hồi tháng 3 năm 2017.

    Cộng đồng Người Việt là tập thể lớn và quan trọng trong xã hội văn hóa đa nguyên Úc Châu. Trên căn bản lâu dài, chúng ta cần hội nhập chính trị nhiều hơn và trong hiện tại, lúc nào cộng đồng cũng nên sử dụng quyền tự do ngôn luận và lá phiếu cử tri để bày tỏ quan điểm với chính giới và xã hội dân sự.

    Việt Luận xin cám ơn ông.

    (Sydney,13.06.2018)

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”