Triển lãm Picasso.Mania tại Grand Palais

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Triển lãm Picasso.Mania tại Grand Palais

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Triển lãm Picasso.Mania tại Grand Palais
    ___________________________________________________
    Tuấn Thảo - 27-10-2015




    Hình ảnh
    Đối chiếu tác phẩm bậc thầy với các tác giả thời nay
    như George Condo, Julian Schnabel (trái), Jean-Michel Basquiat & Georg Baselitz (phải)
    - Siegfried Forster / RFI



    Kể từ trung tuần tháng Mười năm 2015 đến cuối tháng Hai năm 2016, Viện bảo tàng Grand Palais tổ chức một cuộc triển lãm lớn theo chủ đề ‘’Picasso.Mania’’, hiểu theo nghĩa Picasso được tôn vinh, sùng bái để rồi trở thành một huyền thoại.

    Một trăm tấm tranh và bức điêu khắc của danh họa Tây Ban Nha, trong đó có khoảng 10 bức tranh chưa bao giờ được phổ biến của Picasso, được trưng bày lần này bên cạnh 300 tác phẩm của giới nghệ sĩ đương đại.

    Qua việc đối chiếu các tác phẩm của danh họa Picasso với các tác giả thuộc nhiều thời kỳ cũng như thuộc nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau, ban tổ chức triển lãm đã muốn cho thấy cùng lúc hai điều :
    • tính sáng tạo tiên phong, cú đột phá khai phóng,
    • cũng như tầm ảnh hưởng rất lớn của Pablo Picasso đối với lớp nghệ sĩ đi sau ông, trong khá nhiều lãnh vực : hội họa, nhiếp ảnh, video, đồ họa, thiết kế, truyện tranh, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt …..

      • Chẳng hạn như các tác phẩm của họa sĩ David Hockney, qua việc chụp hàng loạt tấm hình polaroid, rồi cắt dán, lắp ghép lại thành một tác phẩm. Lối tiếp cận ấy tuy không sử dụng cùng một chất liệu, nhưng làm cho ta liên tưởng đến các bức tranh tĩnh vật theo khuynh hướng lập thể của Picasso.

    • Andy Warhol thì dựng nhiều màn hình video, cũng như người bạn đồng nghiệp Roy Lichtenstein, nghệ sĩ người Mỹ gợi hứng từ bậc thầyTây Ban Nha trong cách khai thác bố cục lệch trọng tâm, tái tạo một không gian nghệ thuật đầy tính thử nghiệm mà trong đó không chỉ có một tâm điểm duy nhất mà là đa tâm, đa cực. Khách đến xem triển lãm không chỉ dán mắt vào một chỗ mà có thể nhìn từ nhiều góc khác nhau.


    Chỉ riêng ở điểm này, danh họa Picasso thật sự được xem như là một nghệ sĩ tiên phong do tác phẩm của ông đã ra đời cách đây gần một thế kỷ. Tác phẩm trở nên đa nghĩa, đa chiều do có nhiều cách đọc, cách hiểu. Cùng một tác phẩm, nhưng người xem tùy theo thời điểm cảm nhận có thể thay đổi triệt để lối tiếp cận.

      • Họa sĩ Jasper Johns từ năm 1985 hoàn tất bộ tranh bốn bức mang tên là Four Seasons (Bốn Mùa), thay đổi bố cục màu sắc nhưng vẫn giữ nguyên cái bóng của một người đàn ông ở trong mỗi tác phẩm như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Bộ tranh này gợi hứng từ tác phẩm L’Ombre (Chiếc Bóng) mà danh họa Picaso đã vẽ vào năm 1953. Picasso đã truyền cảm hứng cho Jasper Johns, họa sĩ này đã phóng tác thành bốn bức tranh khác nhau, trong khi Picaso thường thu gọn không gian đa chiều vào khung của một tác phẩm.

    • Về phần mình, vào đầu những năm 1990, họa sĩ Martin Kippenberger gợi hứng từ các bức nhiếp ảnh chân dung của Picasso (của David Douglas Duncan) để thực hiện một loạt tranh khá khôi hài dí dõm. Tuy gọi là tranh vẽ chân dung nhưng ít khi nào ta có thể thấy mặt, chẳng hạn như bức vẽ một người đàn ông đang ngồi, nhưng lại cầm trong tay một quả bong bóng, che hết khuôn mặt. Khai thác những chi tiết bất thường trong một khung cảnh rất bình thường, Martin Kippenberger vẽ nửa thân một người đàn ông, nhưng lại bỏ vào trong một tủ đựng quần áo, hay trên một kệ trưng bày đồ đạc …..

      • Trong số hàng chục nghệ sĩ có tác phẩm được trưng bày bên cạnh Picasso tại Viện bảo tàng Grand Palais ở Paris, có họa sĩ người Mỹ George Condo. Các bức vẽ của anh từng được trưng bày tại Bảo tàng Guggenheim, Kunsthalle de Bielefeld hay là Bảo tàng Museum of Modern Art (MoMA) tại New York. Theo lời họa sĩ George Condo, tính sáng tạo của Picasso nằm ở chỗ ‘’biến đổi không ngừng’’. Picasso cọ xát hấp thụ từ nhiều trường phái khác nhau, để rồi đưa ra một lối tiếp cận táo bạo, diễn giải độc đáo.

        Thời còn trẻ, George Condo thường hay trao đổi về quan niệm sáng tạo với Jean-Michel Basquiat và Keith Haring. Các nghệ sĩ này quen nhau thời họ mới lập nghiệp ở New York. Giới nghệ sĩ trẻ thời ấy đồng ý trên một điểm : Picasso luôn đi tìm cho mình một góc nhìn mới lạ, vì ông quan niệm chính nhãn quan của người nghệ sĩ mới làm nên tác phẩm nghệ thuật, có lẽ cũng vì thế mà một chiếc yên xe đạp hay một cái đầu con bò mộng trở nên thật sự khác thường qua lối vẽ của ông. Picasso không bao giờ trích dẫn hay phản ánh đơn thuần thực tế cảnh quan nằm ở trước mắt.





    Một điểm độc đáo khác nữa là trong hệ thống ngôn ngữ hội họa của mình, Picasso luôn cài và trong tác phẩm nhiều biểu tượng, ẩn dụ hay ngụ ý. Chẳng hạn như trong bức tranh kiệt tác ‘’Les Demoiselles d’Avignon’’, Picasso qua các bức phác thảo đã thử nghiệm lối vẽ khuôn mặt của năm nàng Kiều bằng cách gợi hứng từ các mặt nạ bằng gỗ, một hình tượng truyền thống của nghệ thuật châu Phi. Trong suốt cuộc đời sau đó, ông không bao giờ giải thích vì sao ông chọn một lối vẽ như vậy, ông để cho người xem tranh tự diễn giải, tự tìm câu trả lời. Đó là dấu ấn của một nghệ sĩ bậc thầy, không bao giờ khép lại những cánh cửa, đánh vào sự tò mò để rồi khách xem tranh nào có tính hiếu kỳ, tha hồ mà tưởng tượng.

    Lúc sinh tiền, Picasso đã đi rất xa trên con đường thử nghiệm và trong quá trình tìm tòi nghệ thuật. Điều đó dĩ nhiên tác động mạnh mẽ đến các thế hệ nghệ sĩ đi sau, nhưng đồng thời đặt ra cho họ nhiều thách thức lớn. Ảnh hưởng lớn nhất mà Picasso đã để lại là cái tư duy buộc mỗi nghệ sĩ phải đi tìm cho mình một nhãn quan riêng biệt, vắt óc sáng tạo để chứng minh rằng nghệ thuật vốn thiên hình vạn trạng, và giới nghệ sĩ vẫn có thể tiếp tục thử nghiệm sau Picasso. Dĩ nhiên là rất nhiều nghệ sĩ trẻ thời nay khi lao vào sáng tác thì đến một lúc nào đó, lại nẩy sinh ý tưởng : dường như cái này Picasso hay Marcel Duchamp đã làm rồi …..




    Cuộc triển lãm Picasso.Mania tại Viện bảo tàng Grand Palais hứa hẹn là một trong những sự kiện văn hóa có tầm cỡ hàng đầu tại thủ đô Paris nhân dịp thu về, và cũng vì thế mà đẩy các sự kiện khác xuống hàng thứ yếu, trong đó có cuộc triển lãm Wilfredo Lam tại trung tâm văn hóa Beaubourg cũng như triển lãm về sự nghiệp của đạo diễn Martin Scorsese tại Viện lưu trữ phim ảnh Pháp (Cinémathèque Française).

    Ban tổ chức triển lãm Picasso.Mania đã huy động đến bốn viện bảo tàng để tập hợp 100 tác phẩm của danh họa Picasso về cùng một nơi. Tuy nhiên lần này, Picasso.Mania vẫn còn thiếu vắng hai bức tranh thuộc vào hàng kiệt tác : Đó là tác phẩm đồ sộ Guernica và Les Demoiselles d’Avignon (Những nàng thơ Avignon), do cả hai kiệt tác này đang được trùng tu.

    Để bù đắp cho sự thiếu vắng ấy, ban tổ chức đã dành riêng hai gian phòng triển lãm để nói lên tầm ảnh hưởng của hai tác phẩm. Gian phòng đầu tiên dành cho các phóng tác xung quanh bức tranh Les Demoiselles d’Avignon, cho thấy là xuyên qua bao thế hệ, tác phẩm của Picasso vẫn truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ đương đại và đến phiên họ tìm cách diễn giải lại theo góc nhìn của mình, tiêu biểu nhất là các bản phóng tác của Faith Ringgold và của Robert Colescott.

    Gian phòng thứ hai kết hợp âm thanh, phim tài liệu và nhiếp ảnh để kể lại quá trình sáng tác Guernica, từ tác phẩm nguyên gốc của Picasso trở thành một bản phóng tác do nghệ sĩ người Ba Lan Goshka Macuga thực hiện vào năm 2009. Bản phóng tác này mang tựa đề The Nature of the Beast (Bản chất con quái thú) nay được trưng bày trong phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tại New York. Sau bậc thầy Picasso, liệu giới nghệ sĩ thời nay vẫn có thể tiếp tục thử nghiệm sáng tác ? Cuộc triển lãm Picasso.Mania, khi trưng bày xen kẽ tác phẩm của Picasso với nhiều nghệ sĩ khác, tự nó đã là một câu trả lời.



    nguồn: vi.rfi.fr
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Triển lãm Picasso.Mania tại Grand Palais

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          





[youtube][/youtube]

          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Triển lãm Picasso.Mania tại Grand Palais

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


David Hockney “my Mother”
polaroid composition photo collage (UK, 1982)





Marilyn - by Andy Warhol




Bull profile - Roy Lichtenstein - 1973




L’Ombre (Chiếc Bóng) - Picasso - 1953




Four Seasons (Bốn Mùa) - Jasper Johns




Picasso - by David Douglas Duncan - 1957




Self Portrait - Martin Kippenberger - 1988




Dreams and nightmares of the Queen - George Condo




Les Demoiselles d’Avignon - Picasso




Guernica- Picasso

          
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”