Sau nhiều năm bị bạo hành, một phụ nữ Anh thiêu sống chồng mình

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Sau nhiều năm bị bạo hành, một phụ nữ Anh thiêu sống chồng mình

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Sau nhiều năm bị bạo hành,
    một phụ nữ Anh
    thiêu sống chồng mình

    _____________________________
    Krishna Khakhria - BBC - 4 tháng 4 2019



              


    Trường hợp của Kiranjit Ahluwalia đã khiến cả quốc tế chú ý quan tâm

              


    Vào một buổi tối mùa xuân 1989, Deepak Ahluwalia ấn một chiếc bàn ủi nóng lên mặt vợ, một tay khác thì nắm lấy tóc cô. Bàn ủi đốt cháy da mặt của Kiranjit Ahluwalia khi cô vùng vẫy trong đau đớn, để lại một vết sẹo trên mặt. Sau một thập kỷ bị bạo hành dưới tay chồng, Kiranjit nói chính lần tấn công đó đã đi quá giới hạn chịu đựng của cô.
    • "Tôi không thể ngủ được, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi đau đớn, cả thể xác và tinh thần," cô nói với BBC, 30 năm sau đó.
      "Tôi muốn đánh anh ta. Tôi muốn đánh anh ta theo cách anh ta đánh tôi. Tôi muốn đánh anh ta để anh ta có thể cảm thấy nỗi đau giống như tôi đang cảm thấy. Tôi không bao giờ nghĩ xa hơn. Tâm trí tôi đã hoàn toàn dừng lại."

    Đêm đó, trong khi chồng đang ngủ trên giường, cô đổ xăng vào chân anh ta và phóng hỏa. Cô ôm lấy con trai và chạy ra khỏi nhà.
    • "Tôi nghĩ rằng, tôi sẽ chỉ làm bỏng chân anh ta, vì vậy anh ta sẽ không thể chạy theo tôi. Tôi sẽ cho anh ta thấy một vết sẹo để anh ta luôn nhớ rằng cuối cùng vợ anh ta đã làm gì với anh ta. Khi nhìn thấy bàn chân đầy sẹo, anh ta sẽ nhớ đến tôi. "

    Kiranjit nói rằng cô không có ý giết chồng mình. Nhưng 10 ngày sau, Deepak đã chết vì bỏng nặng. Vào tháng 12 năm đó, Kiranjit đã bị kết án giết người và bị kết án chung thân.

              


    Kiranjit, năm 1992

              

    Kiranjit lớn lên ở Punjab, miền bắc Ấn Độ. Mặc dù cả cha mẹ cô qua đời khi cô 16 tuổi, cô nói rằng tuổi thơ của cô luôn tràn tình yêu thương. Là em út trong chín anh chị em, cô được các anh chị em của mình yêu thương, bao bọc.

    Tuy nhiên, khi độ tuổi niên thiếu sắp kết thúc, áp lực kết hôn bắt đầu tăng lên.
    • "Tôi chưa bao giờ muốn kết hôn nên tôi đã đến sống với chị gái tôi ở Canada. Tôi không muốn định cư ở Ấn Độ, kết hôn và sinh con như chị dâu tôi. Tôi muốn làm việc, kiếm tiền, sống cuộc sống của riêng tôi," cô nói.

    Nhưng đó là điều cô phải chấp nhận sau khi chị gái cô ở Anh mai mối một người cho cô.
    • "Anh ta đến gặp tôi ở Canada. Chúng tôi đã nói chuyện khoảng năm phút và tôi nói đồng ý. Tôi biết rằng tôi không thể trốn tránh mãi, tôi phải kết hôn. Thế là xong. Tự do của tôi biến mất."

    Nhớ lại những ấn tượng đầu tiên của cô về chồng, cô nói anh ta "rất đẹp trai, hấp dẫn và quyến rũ" nhưng cô không bao giờ biết anh ta sẽ nổi cáu khi nào. Phút trước anh ta ngọt ngào, phút sau anh thật kinh khủng.





    Chiếc nhẫn vàng

    Cô nói tình trạng bạo hành bắt đầu từ ngày đầu tiên họ kết hôn.
    • "Nếu anh ta mà tức giận, coi như xong." cô nói. "Quát tháo, đánh đập, ném đồ đạc, xô đẩy tôi, đe dọa tôi bằng dao. Rất nhiều lần, anh ta bóp cổ tôi. Kết cục tôi thường bị bầm tím và không thể nói trong vài ngày."
      "Tôi nhớ đó là sinh nhật của anh ta và tôi phải làm việc ngoài giờ và tôi đã mua một chiếc nhẫn vàng cho anh ta làm quà sinh nhật. Cùng tuần đó, anh ta đã mất bình tĩnh và với chiếc nhẫn đó, anh ta đã làm gãy răng tôi. Anh ta đã đấm vào mặt tôi."

    Kiranjit nói rằng mỗi khi cô cố gắng rời đi, chồng cô sẽ tìm thấy cô, đem cô về nhà và đánh đập cô.

    Năm năm kể từ khi kết hôn, cặp đôi đã đến thăm Ấn Độ nơi Kiranjit nói với anh trai cô về sự bạo hành mà cô phải chịu đựng. Gia đình cô ban đầu rất buồn, nhưng sau một lời xin lỗi từ chồng, họ thuyết phục cô trở về nhà. Vài tháng sau, khi trở lại Anh, tình trạng bạo hành lại tiếp diễn.

    Deepak bắt đầu có những mối quan hệ ngoài hôn nhân và đòi tiền từ vợ - điều này dẫn đến nhiều cuộc cãi vã trước vụ hỏa hoạn.
    • "Tôi không thể trốn thoát, không thể ly hôn. Có nhiều áp lực từ gia đình về việc phải có con. Mọi người đều nói, nếu có con, có thể anh ấy sẽ thay đổi. Anh ấy sẽ trở thành một người đàn ông có trách nhiệm.
      "Anh ta không bao giờ thay đổi. Anh ta chỉ trở nên tồi tệ hơn."


              


    Cuộc đời của Kiranjit đã được chuyển thành phim, do nữ diễn viên Ấn độ Aishwarya Rai đóng

              

    Khi Kiranjit bị đưa ra xét xử vì giết chồng, cô nói rằng sự bạo hành mà cô phải chịu bao lâu qua đã bị coi thường và cô cảm thấy tức giận khi nghe bản án. Công tố cho rằng cô ghen tuông về các mối quan hệ của chồng và thời điểm xảy ra các trận cãi vã và vụ hỏa hoạn là khá xa nên cô đã đủ bình tĩnh và suy nghĩ hợp lý về hành động của mình.
    • "Tôi hoàn toàn tin tưởng vào luật pháp của nước Anh. Tôi đã nghĩ luật pháp nước Anh hiện đại và họ sẽ hiểu tôi, về sự chịu đựng của tôi bao lâu nay. Họ đã không bao giờ hiểu được tôi đã chịu đựng như thế nào suốt bao nhiêu năm qua."

    Khi ở trong tù, Kiranjit nói rằng cô cảm thấy tự do, tránh xa chồng. Cô chơi cầu lông, tham gia các lớp học tiếng Anh và thậm chí đồng sáng tác cuốn sách của mình, sau đó được dựng thành phim về cuộc đời cô. Trường hợp của cô đã được nêu lên bởi Southall Black Sisters (SBS), một dịch vụ vận động cho phụ nữ da đen và châu Á.
    • "Chúng tôi đã cố gắng nói chuyện với các luật sư của cô ấy vào thời điểm đó và cố gắng giáo dục họ về bối cảnh văn hóa của cô ấy.

    Nhưng cô nói rằng các tòa án "không lắng nghe" và các luật sư "không quan tâm" trong việc tìm hiểu văn hóa của cô.

    Thông qua chiến dịch và đấu tranh pháp lý của SBS, đơn kháng cáo của Kiranjit đã được chấp nhận vào 1992. Tòa án đã nghe thêm các bằng chứng mới về chứng trầm cảm lâu dài của cô do nhiều năm bị bạo hành và lạm dụng. Họ chấp nhận lập luận rằng khoảng thời gian giữa cuộc cãi vã và vụ hỏa hoạn chỉ khiến Kiranjit thêm "sôi sục" hơn là "hạ nhiệt". Một cuộc tái thẩm diễn ra, và lời nhận tội ngộ sát của cô được chấp nhận. Cô bị kết án 3 năm 4 tháng tù giam, chính xác là khoảng thời gian cô đã thụ án. Kiranjit đã được thả ra ngay lập tức.

              


    Kiranjit Ahluwalia (thứ hai từ trái sang) nắm tayPragna Patel (thứ hai từ phải sang) sau khi cô được trả tự do

              

    Việc trả tự do cho cô đã tạo nên một tiền lệ lịch sử -
    • tòa án chấp nhận rằng phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bạo hành có thể có nhiều phản ứng "âm ỉ" khi bị khiêu khích, thay vì phản ứng ngay lập tức.

    Nó cũng gửi thông điệp rằng những phụ nữ giết người do bạo lực gia đình không nên bị coi là những kẻ giết người máu lạnh.
    • "Chúng tôi đã thay đổi được thái độ trong cộng đồng của chúng ta," Pragna nói. "Mọi người đang ôm lấy Kiranjit và xem cô ấy như một anh hùng, thay vì thù địch và tẩy chay cô ấy.
      "Đó là một thời điểm quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống bạo lực của phụ nữ ở đất nước này, đặc biệt là liên quan đến phụ nữ thiểu số vì đây là lần đầu tiên các cộng đồng thiểu số phải phản ánh, chấp nhận và nhận ra rằng bạo lực trên cơ sở giới tồn tại và cách chúng ta đối xử với phụ nữ là một phần trách nhiệm."






    Một dấu ấn quan trọng

    Đơn kháng cáo của Kiranjit vẫn là dấu ấn quan trọng nhất của SBS kể khi được thành lập 40 năm trước. Khi nhóm kỷ niệm ngày thành lập, SBS đã chiếu bộ phim làm về vụ án, được gọi là Provoking, vào cuối tuần qua như một phần của Liên hoan phim châu Á Vương quốc Anh, sẽ diễn ra trên toàn quốc cho đến tháng Năm.

    Pragna nói rằng vấn đề bạo lực đối với phụ nữ trong các cộng đồng thiểu số không giảm. Thậm chí dường như đã tăng lên.
    • "Liệu sự gia tăng đó là vì có thêm nhiều người dám báo cáo về tình trạng bạo lực hay là do tình trạng này gia tăng thực sự, thì đó là một câu hỏi khó."

    Bà nói rằng việc cắt giảm phúc lợi đồng nghĩa với việc nguồn lực cho những phụ nữ này trở nên khó khăn hơn và nạn phân biệt chủng tộc đang gia tăng khiến phụ nữ dễ bị tổn thương và lo lắng hơn.

    Trong khi đó, Kiranjit, người vẫn sống ở Anh, nói rằng cô tự hào về cách cô xây dựng lại cuộc đời của mình trong ba thập kỷ qua.
    • "Tôi làm việc chăm chỉ, tôi có một công việc, hai đứa con trai của tôi đều tốt nghiệp và bây giờ tôi đã làm bà.
      "Ba mươi năm, bạn biết đấy. Nó cảm giác như chỉ là một cơn ác mộng."





    nguồn: bbc
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”