Hợp pháp hóa An Tử hay không ?

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Hợp pháp hóa An Tử hay không ?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Hợp pháp hóa An Tử hay không ?
    ____________________________
    18/12/2018

              

              




    Hiện nay, theo dữ kiện vào tháng Ba 2018, các quốc gia đã hợp pháp hóa an tử tự nguyện trên thế giới gồm có
    • Bỉ Quốc (từ 2002),
    • Hà Lan (từ 2002),
    • Luxembourg (từ 2008),
    • Columbia (từ 2014),
    • Gia Nã Đại (từ 2016).
    Các quốc gia chỉ hợp pháp hóa trợ tử (trong khi an tử tự nguyện vẫn bất hợp pháp)
    • Thụy Sĩ,
    • Đức
    • và Hoa Kỳ (chỉ ở những tiểu bang Washington DC, California, Colorado, Oregon, Vermont và Washington).


    Ở Úc, là nơi an tử tự nguyện và trợ tử được hợp pháp hóa đầu tiên trên thế giới ở Lãnh Thổ Phía Bắc (Northern Territory) vào tháng Ba 1996. Tuy nhiên chỉ trong vòng một năm sau đó đạo luật nầy lại bị kháng cáo thành công nên bị hủy bỏ vào tháng Ba 1997. Ngay hiện nay, cả an tử lẫn trợ tử đều bất hợp pháp ở Úc.
    Tuy nhiên trợ tử sẽ trở thành hợp pháp ở tiểu bang Victoria bắt đầu từ giữa năm 2019.

    Ở những nơi an tử chưa được hợp pháp hóa, các tranh cãi về vấn đề nầy vẫn tiếp diễn nóng bỏng.

    Chú thích:
    Theo định nghĩa, chúng ta có thể thấy hai chữ
    • “an tử” (euthanasia)
    • và “trợ tử” (assisted suicide)
    mang những giá trị pháp lý khác biệt nhau rõ rệt.

    Tuy nhiên, trên phương diện xã hội và con người, khi nói về việc có nên hợp pháp hóa “an tử” hay “trợ tử” hay không thì cả hai đều đưa đến những nỗi quan ngại giống nhau. Do đó để làm giản tiện việc phân tích và thảo luận trong bài nầy, trừ khi nào cần thiết phải phân biệt hẳn hòi, tôi sẽ dùng cụm từ “hợp pháp hóa an tử” để bao gồm luôn ý nghĩa của cả “hợp pháp hóa trợ tử”.





    Đa số lý luận của phe ủng hộ hợp pháp hóa an tử chú trọng vào hoàn cảnh, vị thế và quan điểm của những cá nhân trực tiếp liên quan trong cuộc. Đồng thời các lý luận nầy cũng mang tính chất và màu sắc của
    • chủ nghĩa duy ích (utilitarianism),
      có nghĩa là những gì mang đến lợi ích cho nhiều người sẽ được xem là “đúng”, hay “đạo đức”,
      mặc dù một số ít người khác có thể đồng thời bị thất lợi.


    Trong khi đó, những quan điểm của phe chống đối an tử nói chung đòi hỏi những suy xét vượt ngoài mức độ cá nhân và duy ích kể trên. Theo họ, thảo luận về “hợp pháp hóa an tử” là thảo luận về một phạm trù liên quan đến ý nghĩa và bản chất của đời sống con người trong vị Trong khi phe ủng hộ chú trọng đến hiện tại, thảo luận của phe chống đối liên quan đến quá khứ, hiện tại và tương lai.
    • Quá khứ ở đây có nghĩa là những truyền thống về văn hóa, phong tục, đạo đức, luật pháp thế cộng đồng nhân loại đã được lưu lại trong gia đình và xã hội;
    • hiện tại là về việc chúng ta sẽ thay đổi những truyền thống trên ra sao;
    • và tương lai là về những thay đổi nầy sẽ ảnh hưởng các thế hệ sau nầy ra sao.

    Theo phe chống đối, điều nầy có nghĩa là các ảnh hưởng của việc hợp pháp hóa an tử cần phải được cân nhắc chẳng những ở tầm mức cá nhân và gia đình mà còn ở tầm mức xã hội, chính quyền và hiến pháp. Có nghĩa là chúng ta chẳng những cần suy nghĩ về các hiện tượng thực tế khả dĩ mà việc hợp pháp hóa an tử có thể dẫn đến (thí dụ như vấn đề lạm dụng và ngược đãi) mà còn về các ảnh hưởng đến các giá trị và biểu tượng nền tảng nhất mà xã hội nhân loại đã dựa vào để thành hình như ngày nay.




    Các tranh cãi về đề tài an tử nói chung thường nằm trong 3 phương diện chính:
    • 1/ nhân quyền và pháp lý,
      2/ triết lý,
      và 3/ ứng dụng thực tế.
    Tuy nhiên, các phân loại nầy nhiều khi liên quan mật thiết và trộn lẫn vào nhau như chúng ta sẽ thấy trong những lý luận ủng hộ và chống đối dưới đây.



    Dựa trên nhân quyền và pháp lý,
    những người ủng hộ hợp pháp hóa an tử cho rằng:
    • – Mỗi người là một cá thể độc lập và tự chủ có toàn quyền định đoạt về đời sống lẫn cơ thể của họ.

      – Nhân quyền căn bản của con người, và của mỗi người, bao gồm quyền tự do để chết nếu họ muốn hay cần.

      – Sự chết của mỗi cá nhân là một sự việc riêng tư của họ, và không ai khác được can thiệp. Có nghĩa là họ có quyền quyết định chết lúc nào và bằng cách nào, kể cả do ai gây ra, nếu họ muốn hay cần; miễn là đầu óc họ minh mẫn và hiểu biết thấu đáo lý do và hậu quả của việc mình đang làm; và miễn là việc làm nầy không có hại đến ai khác.

      – Khi bệnh nhân đang chịu đựng thể xác đau đớn kéo dài vô ích thì cắt ngắn giai đoạn nầy để chấm dứt sự đau đớn đó là một quyết định nhân đạo, Những ai có khả năng và điều kiện (thí dụ như các bác sĩ) nên giúp đỡ họ thực hiện ước nguyện trên.

    Phe chống đối phản biện lại rằng:
    • – Bất cứ vì lý do gì đi nữa (vì “thương xót”, hay “tránh kéo dài sự đau đớn vô ích và vô vọng”, hay “duy trì hay bảo vệ phẩm cách của bệnh nhân”, v.v.) thì chữ “an tử” trong thực tế vẫn diễn tả sự giết chết mạng sống của một người khác. Do đó hợp pháp hóa an tử thật ra là hợp pháp hóa “quyền được giết chết người khác”.

      – Những thuật ngữ như “an tử” hay “ân sát” chỉ là những mỹ từ để thay đổi cái nhìn và thái độ của mọi người về ý nghĩa thực tế của chúng. Nói cách khác, những lý luận ủng hộ an tử thường trá hình dưới lập luận “mỗi người cần được toàn quyền tự chủ về bản thân của mình, kể cả quyền được chết”. Tuy nhiên, lập luận nầy thật ra chỉ để cho “quyền được giết” được dễ dàng ẩn núp dưới mỹ từ “quyền được chết”.

      – Tuy chúng ta có thể nói về quyền tự chủ và quyền tự do quyết định của mỗi người, an tử không phải là một hành vi riêng tư hoàn toàn. Việc một bệnh nhân quyết định tự sát và yêu cầu người khác giúp họ tự sát thường có ảnh hưởng lớn (thí dụ như sự đau buồn, thương tiếc, cảm giác tội lỗi, v.v.) đến gia đình, thân nhân, bạn bè và các nhân viên y tế chăm sóc cho họ. Quyền cá nhân và quyết định của người bệnh do đó cần phải có giới hạn và cân bằng với các ảnh hưởng trên đến những người chung quanh họ.

      – Bệnh nhân cũng cần cân nhắc giữa quyền được chết của họ và những ảnh hưởng xấu có thể dẫn đến cho xã hội. Thí dụ như giá trị và ý nghĩa cơ bản về sự quý báu, lẫn nhiệm mầu, của mạng sống con người sẽ bị suy giảm đi nếu việc kết liễu sự sống được cho phép xảy ra một cách có chủ định và hệ thống hóa như vậy.

      – Một khi đã có một tiêu chuẩn chính thức đưa ra xác định lằn ranh giữa “đáng sống” và “không còn đáng sống” thì giá trị và ý nghĩa cơ bản về sự sống của con người sẽ bắt đầu bị lung lay. Đó là vì tiêu chuẩn pháp lý nào cũng có thể thay đổi theo hoàn cảnh xã hội và quan điểm của nhà cầm quyền hiện hành. Lấy chiến dịch euthanasia của Đức Quốc Xã thời Đệ Nhị Thế Chiến làm thí dụ. Và đó là một đe dọa trầm trọng cho nhân quyền, của mỗi cá nhân nói riêng và của toàn thể nhân loại nói chung.

      – Ngay như khi nếu có cái gọi là “quyền được chết” đi nữa thì điều đó không có nghĩa là bác sĩ có nhiệm vụ phải làm, hay giúp, một bệnh nhân chết. Có nghĩa là không bác sĩ nào nên bị bắt buộc phải trợ giúp một bệnh nhân thực hiện quá trình an tử.




    Dựa trên phương diện triết lý,
    những người ủng hộ hợp pháp hóa an tử cho rằng:
    • – “Quyền được sống” không phải chỉ là “quyền được hiện hữu” mà còn là “quyền có một sự sống với những tiêu chuẩn và giá trị tối thiểu”. Có nghĩa là nếu sự sống của một bệnh nhân chỉ là một chuỗi dài đau đớn cực độ triền miên không có hy vọng hồi phục, hoặc chỉ là một thân xác thực vật nằm trần truồng hôi thối vĩnh viễn thì bệnh nhân, hoặc người đại diện của họ, có quyền cho rằng cái gọi là sự sống đó chỉ là một sự hiện hữu không có đủ phẩm chất đáng giá đủ để đánh đổi các cực hình cho thân thể, hay sự đánh mất phẩm giá con người của họ.

      – Sự chết không phải lúc nào cũng là một sự việc ghê gớm cần phải tuyệt đối trốn tránh bằng mọi giá. Tuy rằng sự chết là một trạng thái đối nghịch với trạng thái sống, quá trình chết là một phần mật thiết của quá trình sống. Và sự chết, lẫn quá trình chết, là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Do đó bệnh nhân có quyền chọn lựa thời điểm chết và phương cách chết nào thích hợp và tốt đẹp nhất cho hoàn cảnh họ.

      – Nếu một hành vi mang đến lợi ích cho mọi người trong cuộc và không gây hại cho ai cả thì đó là một hành vi thuận với đạo đức. Trong nhiều trường hợp, như đã trình bày, an tử giúp bệnh nhân tránh khỏi phải chịu đựng sự đau đớn thể xác lâu dài một cách vô vọng và vô ích, hoặc bảo tồn nhân phẩm của họ (khỏi phải sống cuộc đời thực vật, vô lợi ích, ý nghĩ và mặc cảm trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, v.v.). An tử cũng có thể giúp gia đình bệnh nhân thu ngắn thời gian đau buồn, xót xa (vì chứng kiến sự khổ sở của bệnh nhân, v.v.) Do đó an tử là một hành vi đạo đức.


    Phản biện của những người chống đối an tử:
    • – Một người đang lâm bệnh cận tử có thể cho rằng quyết định an tử là lối thoát tốt nhất cho cá nhân lẫn gia đình của họ. Tuy nhiên chúng ta ai cũng có những khi nhận thức sai lầm về những gì tốt nhất cho mình và cho người thân của mình.

      – Theo thống kê, khi một người bị bệnh cận tử nói rằng họ muốn chết, thật ra rất ít khi là vì đau đớn thể xác không chịu nổi mà thường là vì sự cô đơn, buồn khổ, tuyệt vọng của tinh thần, sự vô nghĩa lý của đời sống và mặc cảm vô dụng trở thành gánh nặng cho người thân và xã hội. Biết rằng mình sắp chết, khi đối diện với sự kết thúc của tất cả mọi thứ, thường là một cảm giác hãi hùng khủng khiếp. Chúng ta cần phải tìm cách cảm thông, chia sẻ và làm giảm thiểu các cảm giác trên của bệnh nhân thay vì, trực tiếp hay gián tiếp, dồn đẩy họ đi đến tuyệt lộ một cách nhanh chóng hơn. Mở lối cho một bệnh nhân cận tử đến con đường an tử là tước đoạt sự chủ định cuối cùng của họ ngay trong giai đoạn mà họ không hoàn toàn làm chủ được mọi sự việc trong đời họ.

      – Nói về “đau đớn khổ sở không chịu nổi” thì phần lớn đây là một cảm nhận tâm lý chủ quan. Con người là một sinh vật có khả năng sinh tồn mãnh liệt. Nếu các bệnh nhân trên được đoái hoài và chăm sóc đầy đủ, họ vẫn có thể tìm ra ý nghĩa sống và ngay cả thưởng thức được sự sống trong khi chịu đựng những thương tật tàn khốc nhất. Trong bệnh viện có rất nhiều người tuy không mang bệnh cận tử nhưng thương tật của họ vẫn mang đến những đau đớn tột cùng hàng ngày, hàng giờ. Không lẽ những người nầy cũng đều cần đi đến con đường an tử sao?

      – Khi đứng trước một bệnh nhân đang “đau đớn khổ sở không chịu nổi” thì chúng ta, xã hội, cần làm gì? Tại sao nhiệm vụ và trách nhiệm của các bác sĩ và nhân viên y khoa không là tìm mọi phương cách để xoa dịu sự đau đớn hay nỗi khổ sở của họ mà bây giờ lại chuyển qua thành giúp đỡ họ chết? Sự sống chưa bao giờ là một căn bệnh. Và sự chết chưa bao giờ là một phương pháp chữa dứt bệnh.




    Dựa trên thực tế,
    những người ủng hộ hợp pháp hóa an tử cho rằng:
    • - Luật an tử, và trợ tử, nếu được soạn thảo cẩn thận nói chung có thể được áp dụng và thực thi hiệu quả trong thực tế. Dĩ nhiên là đôi khi cũng sẽ có vài khía cạnh không hoàn hảo, thí dụ như về vấn đề kẻ xấu lợi dụng luật an tử giết người để phục vụ tư lợi.

      – Tuy nhiên, vấn đề vừa kể trên cũng không khác gì bất cứ luật hình sự nào khác. Thí dụ như luật pháp cấm không cho trộm cắp, nhưng luật nầy vẫn không ngăn chận được kẻ xấu làm việc đó.


    Phe chống đối an tử cho rằng:
    • – Việc hợp pháp hóa sẽ đưa đến một hậu quả là khi thủ tục an tử càng trở thành dễ dàng và “bình thường hóa” thì càng dễ có nhiều trường hợp kẻ xấu vì tư lợi lạm dụng thủ tục nầy để thúc đẩy các bệnh nhân cô thế chết sớm hơn. Thực tế chứng minh rõ ràng là rất khó để kiểm soát và ngăn ngừa tất cả mọi trường hợp khi thân nhân hay người quản lý dùng áp lực tâm lý đẩy ép các bệnh nhân cô thế hay suy nhược tâm thần lựa chọn con đường chết.

      – Ngay cả trong các trường hợp không có kẻ xấu lợi dụng, bệnh nhân vẫn có thể bị đặt vào một hoàn cảnh “chẳng đặng đừng”. Chúng ta sai lầm khi nghĩ rằng bệnh nhân có toàn quyền tự do quyết định và lựa chọn con đường an tử. Đó là vì mọi quyết định của một người thật ra đều chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh đương thời, trạng thái tâm thần và sức khỏe, cũng như bởi phong tục tập quán và lề thói xã hội của họ. Thống kê cho thấy hầu như 80% bệnh nhân già yếu đều không còn có khả năng suy luận sắc bén và quyết định sáng suốt ngay cả trong việc giao dịch thông thường hàng ngày chớ đừng nói chi đến một vấn đề phức tạp và đầy xúc cảm như an tử.

      – Trong luật an tử ở một số quốc gia hiện nay, như Hà Lan chẳng hạn, đòi hỏi phải có hai bác sĩ khác nhau cùng độc lập chứng nhận rằng bệnh nhân hội đủ điều kiện (bệnh cận tử đau đớn không chịu nổi, tinh thần minh mẫn, quyết định độc lập, v.v.) trước khi tiến hành thủ tục an tử. Tuy nhiên điều kiện nầy cũng không hoàn toàn bảo đảm vấn đề bảo vệ quyền sống của bệnh nhân. Đó là vì bác sĩ cũng chỉ là con người và cũng có thể lầm lẫn, sai trái, lạc hướng, hay khùng điên giống như bao nhiêu người khác.




    Cũng dựa trên ích lợi thực tế,
    phe ủng hộ an tử cho rằng:
    • – An tử mang đến cho gia đình bệnh nhân một “lối thoát” về tinh thần lẫn vật chất. Dù muốn công nhận hay không, việc chăm sóc một bệnh nhân cận tử và đau đớn cực độ hay đang hôn mê không hy vọng hồi tỉnh vẫn ảnh hưởng trầm trọng đến mọi khía cạnh sinh hoạt của gia đình họ. Giai đoạn nầy càng kéo dài thì tất cả thân nhân càng mệt mỏi hơn về thể chất và suy lụn hơn về tinh thần. Đó là chưa kể trong đa số trường hợp việc chăm sóc kéo dài nầy đưa đến chật vật tài chính cho gia đình, và những nợ nần không bao giờ có thể trang trả nổi.

      – An tử giúp việc phân phối tài nguyên và nhân lực của xã hội hữu hiệu hơn. Trong hầu hết mọi quốc gia đều có tình trạng thiếu hụt tài nguyên y tế. Vì vậy có nhiều người bệnh mặc dù có thể chữa trị được nhưng không được cung cấp các phương tiện chữa trị thích ứng mà họ cần. Trong khi đó, tài nguyên y tế của quốc gia được sử dụng cho nhiều bệnh nhân khác đang mắc bệnh nan y và cận tử, mà ngay chính những bệnh nhân nầy, vì các lý do riêng của họ, không còn muốn tiếp tục sống nữa. Do đó, thủ tục an tử và trợ tử chẳng những cho phép những bệnh nhân không còn muốn tiếp tục sống toại ý mà còn giúp nhiều bệnh nhân khác được chữa trị bình phục.

      (Chú thích: Lý luận nầy chưa bao giờ được sử dụng, chính thức hay công khai, bởi một chính quyền hay cơ quan y tế nào. Tuy nhiên đây là một lý luận được nhiều tác giả chú trọng và nhìn nhận.)


    Những người chống đối an tử phản biện rằng:
    • – Khi các lập luận dạng thực dụng kể trên được dùng để làm nền tảng cho sự hợp thức hóa an tử thì nhiều bệnh nhân trong các tình cảnh nầy sẽ không khỏi cảm thấy có trách nhiệm phải lựa chọn con đường an tử bất kể họ có thật sự muốn hay không. Đó là vì họ nghĩ rằng mọi người chung quanh dự liệu, và ngay cả mong đợi, họ sẽ làm như vậy. Cảm giác vô dụng và là gánh nặng cho gia đình và xã hội sẽ thúc đẩy phần lớn họ làm chuyện nầy. Không có luật lệ hay điều kiện nào và cũng không có hội đồng bác sĩ kiểm soát nào có thể ngăn chận được những sự thúc đẩy vô hình trên. Và do đó bệnh nhân rất có thể sẽ đồng ý để chết trong khi thật sự tình trạng thể xác và tinh thần của họ chưa đến nỗi phải như vậy.






    Một lý luận nữa ủng hộ việc hợp pháp hóa an tử là:
    • – Đàng nào thì trợ tử vẫn đã và đang luôn xảy ra thường xuyên. Từ nhiều cuộc phỏng vấn với các bác sĩ chuyên môn chăm sóc những bệnh nhân cận tử, việc an tử tự nguyện, hay chính xác hơn là việc trợ tử, xảy ra rất nhiều mặc dù không chính thức, ngay trong những quốc gia mà an tử và trợ tử được xem là bất hợp pháp.

      – Thực tế cho thấy, như ở Úc chẳng hạn, những trường hợp nầy tuy bị phác giác nhiều nhưng rất ít khi bị truy tố; và nếu có bị truy tố đi nữa thì đại đa số người phạm pháp bị án rất nhẹ và thường chỉ là án tù treo toàn bộ. Điều nầy có vẻ cho thấy một sự cảm thông của giới hành pháp (tức là các quan tòa) đối với những người vì lý do đạo đức và nhân ái đã bất đắc dĩ phải phạm luật.

      – Nếu quan điểm trợ tử có nhu cầu cao, xảy ra sâu rộng và có vẻ như được nhìn nhận (dù chỉ là “ngầm”) bởi nhiều tầng lớp trong xã hội như vậy thì tại sao không hợp thức hóa nó để đưa đến một sự quản lý chu đáo và hiệu quả hơn?


    Những người chống đối việc hợp thức hóa an tử phản biện lập luận trên như sau:
    • – Nếu nói rằng “đàng nào việc trợ tử cũng xảy ra thường xuyên thì tại sao không hợp pháp hóa nó để dễ quản lý hơn” thì tại sao không dùng cùng lý luận trên để nói rằng “đàng nào việc giết người, trộm cắp, bạo hành trong gia đình, v.v. cũng xảy ra thường xuyên thì tại sao không hợp pháp hóa chúng để dễ quản lý hơn”.





    Như vừa thấy ở trên, tuy phe ủng hộ và phe chống đối việc hợp pháp hóa an tử có các quan điểm và lập luận đối nghịch nhau, cả hai bên đều có vẻ cùng hướng về một mục đích chung giống nhau đó là
    • bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân,
    • cũng như những người liên quan trực tiếp đến bệnh nhân.


    Theo nhận xét của tôi, lý do những quan điểm và lập luận đối nghịch nhau kể trên xảy ra là vì mỗi bên nói chung chú trọng vào việc bảo vệ một nhóm người hơi khác nhau.

    1. Bên ủng hộ việc hợp pháp hóa an tử chú trọng đến việc làm giảm sự đau đớn và đau khổ cho những người đang trải nghiệm trực tiếp các tình cảnh đó. Nhóm nầy gồm những bệnh nhân cận tử, nhất là những bệnh nhân còn đầy đủ khả năng tri thức để tự quyết định con đường an tử cho chính mình. Nhóm nầy cũng gồm gia đình của các bệnh nhân kể trên cũng như của các bệnh nhân không còn đầy đủ tri thức để tự quyết định cho họ. Trong khi ấy, bên chống đối việc hợp pháp hóa an tử có vẻ đặt nặng việc bảo vệ cho những người khác nằm bên ngoài nhóm người vừa nói trên.

      Những bệnh nhân có đầy đủ tri thức là những người có thể phát biểu trực tiếp tiếng nói của họ và do đó dễ có tác động mãnh liệt nhất trong việc vận động hợp pháp hóa an tử. Đó là vì chính họ là những người đang chịu đựng sự đau đớn, khổ sở. Dưới cái nhìn của họ, và thân nhân họ, họ là nhân vật chính và quan trọng nhất trong sự việc nầy. Do đó họ tha thiết muốn, và đòi hỏi rằng họ phải có quyền, giải quyết vấn đề nầy trước nhất cho chính họ (để chấm dứt đau đớn thể xác, khổ sở vì mất nhân phẩm), kế đến là cho gia đình họ (để hạn chế gánh nặng tâm lý và vật chất). Ngoài ra, những ảnh hưởng đến ai khác, đến xã hội và nhân loại, dù có quan trọng cách mấy cũng chỉ là thứ yếu. Cái nhìn trên phản ảnh rõ rệt trong chủ điểm các lập luận của phe ủng hộ hợp pháp hóa an tử.

      Hơn nữa, những bệnh nhân nầy thường có (hay được xem là có) đủ khả năng để quyết định độc lập những gì họ muốn, hay không muốn. Vì vậy việc thiếu hoàn hảo trong vài khía cạnh về sự áp dụng, thực thi và giám sát luật an tử trong thực tế (thí dụ như vấn đề kẻ xấu lợi dụng luật an tử để giết người và phục vụ tư lợi) không phải là một vấn đề trọng yếu lắm đối với phe ủng hộ hợp pháp hóa.
                
                
    2. Trong khi đó, chủ điểm các lập luận của phe chống đối hợp pháp hóa tập trung vào những bệnh nhân hoặc trong tình trạng hôn mê, hoặc không còn đủ khả năng suy xét sáng suốt (vì sức khỏe yếu kém hay vì tinh thần suy nhược) để tự quyết định một cách hoàn toàn độc lập cho chính mình. Phe nầy cũng lo lắng đến một lãnh vực lớn rộng hơn, và có phần mơ hồ hơn, là những ảnh hưởng của việc hợp pháp hóa an tử đến xã hội và văn hóa của quốc gia và nhân loại, chẳng những ở hiện tại và còn trong tương lai.


    Theo tôi, lập luận của phe ủng hộ an tử có một nhược điểm mà ngay chính họ cũng nhìn nhận, đó là vấn đề thiếu sự toàn hảo trong thực tế khi áp dụng luật lệ để bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân một cách hoàn toàn trong tất cả mọi trường hợp. Sẽ có những trường hợp mà luật lệ về an tử bị lợi dụng, hoặc lạm dụng, hoặc sử dụng một cách bất cẩn hay tắc trách. Sẽ có những bệnh nhân mà mạng sống của họ trở thành những chiếc bè bất lực bị lôi cuốn theo luồng nước vô tâm của luật lệ an tử.

    Còn về phe chống đối an tử, nhược điểm chính của họ là họ không đặt trọng tâm vào việc chấm dứt sự đau khổ của những bệnh nhân có đầy đủ khả năng tri thức tha thiết muốn chấm dứt đau đớn thể xác, hay của những gia đình đang phải chứng kiến thân nhân cận tử chịu khổ đau không cần thiết. Quan điểm nầy được biểu lộ trong lập luận của một số tác giả
    • “thà là xâm phạm nhân quyền và quyền tự quyết của cá nhân bệnh nhân chớ không để những thiếu sót trong việc hợp pháp hóa an tử có ảnh hưởng xấu đến những người khác hoặc phương hại đến giá trị triết lý của một số những quan điểm xã hội.”
    Đối với những bệnh nhân cận tử đầy đủ khả năng tri thức, hoặc đối với thân nhân của họ, thì quan điểm trên là một xúc phạm cực kỳ to lớn mà họ không muốn phải đương đầu với trong một giai đoạn vô cùng đau khổ, khó khăn cho họ và gia đình họ. Đây không những là về nhân quyền mà còn là về một nhu cầu cuối cùng tối cần thiết và mãnh liệt nhất của họ. Đây là lý do tại sao vô số những vụ an tử bất hợp pháp vẫn thường xuyên xảy ra trên nhiều quốc gia bất kể hậu quả pháp lý ra sao.





    Nếu để các nhược điểm trên qua một bên, tất cả mọi yếu tố của hai phe đưa ra nói chung đều đáng để suy xét và cân nhắc, ít hay nhiều. Tuy nhiên, như đã nói, chúng chỉ có giá trị tương đối mà thôi. Tương đối là vì mức độ quan trọng của mỗi yếu tố còn tùy thuộc vào góc nhìn và vị thế của người trong cuộc. Hoàn cảnh của mỗi bệnh nhân, của gia đình họ, của tập thể và xã hội chung quanh họ đều khác nhau. Mỗi yếu tố trên sẽ mang một giá trị khác nhau trong mỗi hoàn cảnh.

    Vấn đề ở đây là nếu muốn hợp pháp hóa an tử thì tất cả các yếu tố trên cần phải được suy xét và cân nhắc một cách “tổng quát hóa”. Không có đạo luật an tử và trợ tử nào hiện nay đi vào đủ chi tiết để cho phép tất cả mỗi hoàn cảnh nào cũng được cứu xét và thi hành theo một phương cách thích nghi riêng của nó. Có nghĩa là thay vì “nếu trong hoàn cảnh x thì chỉ chú trọng vào một số các yếu tố a, b, c nào đó mà thôi” nhưng chúng ta bị dồn đẩy vào vị thế “bất cứ hoàn cảnh nào thì vẫn phải chú trọng vào tất cả mọi yếu tố”. Tuy nhiên, không phải bất cứ yếu tố nào cũng thích hợp, và có liên quan đủ, để sử dụng khi suy xét mọi hoàn cảnh. Do đó các đạo luật trên, và rất có thể cả các đạo luật trong tương lai, luôn luôn có những khe hở và những thiếu sót. Có nghĩa là sẽ luôn luôn có người không hài lòng với chúng.

    Đó là tại sao bất kể việc hợp pháp hóa an tử có trở thành hiện thực hay không ở bất cứ quốc gia nào thì nó vẫn sẽ mãi mãi còn là một đề tài đầy tranh cãi.





    Nguyễn Nhân Trí

    Chú thích:
    • Để hiểu rõ ý nghĩa của những danh từ như “an tử”, “trợ tử”, v.v. dùng trong bài nầy, xin mời độc giả xem bài “An Tử Là Gì?” vừa đăng gần đây.

    Nguồn:




    http://vietluan.com.au/ho%CC%A3p-phap-h ... hay-khong/
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”