Khí hậu Thay đổi: chuẩn bị đối phó với Đại nạn Hồng thủy!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Khí hậu Thay đổi: chuẩn bị đối phó với Đại nạn Hồng thủy!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Khí hậu Thay đổi: chuẩn bị đối phó với Đại nạn Hồng thủy!






    Cách đây vài tuần, Loane Teitiota, một cư dân của đảo quốc Kiribati, một quốc gia nhỏ bé trong Thái Bình Dương, đã cùng với 6 người đàn ông khác leo lên một chiếc thuyền đánh cá để đi thăm bà con của họ tại 3 ngôi làng có tên là “London”, “Paris” và “Ba Lan”. Phải mất 8 ngày nhóm ngư phủ này mới đến nơi. Nhưng khi đến nơi, họ mớibiết 3 ngôi làng này đã hoàn toàn trống vắng.

    Nằm trong rặng san hô ở phía đông Kiribati, 3 ngôi làng được nhà thám hiểm James Cook đặt tên theo 2 thành phố và một quốc gia nổi tiếng ở Âu Châu hiện đã ngập nước đến một nửa. Mặc dù đã cố gắng trồng cây đước cũng như dùng đá và xi măng để dựng lên một bức tường ngăn nước, nhưng cả 3 ngôi làng trên đây vẫn không tránh khỏi tình trạng ngập lụt ngày càng thêm trầm trọng. Dân làng đành bỏ mặc nhà cửa, đất đai và ruộng vườn của họ cho đại dương.

    Kiribati là một đảo quốc nhỏ với dân số chỉ có vỏn vẹn 110.000 người sống rải rác trên các rặng san hô và một hòn đảo chính. Nhìn trên bản đồ, Kiribati chỉ là những chấm nhỏ li ti trong một đại dương rộng lớn bằng diện tích của cả nước Ấn Độ. Đây là một đất nước không có núi: độ cao trung bình cách mặt nước biển không quá 2 thước!

    Cách chiếc thuyền đánh cá của ông Teitiota 14.000 cây số, ở bên kia thế giới là London, Paris và Ba Lan. Hai thành phố lớn và quốc gia Âu Châu này đều tọa lạc ở một độ cao cách mặt nước biển tương đối an toàn. Đây là một thế giới hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, dù ở Kiribati, London, Paris hay Ba Lan…ở đâu con người cũng được nối kết với nhau bằng biển. Biển là một và nước biển ở đâu cũng giống nhau. Giống nhau hơn nữa là bởi vì khắp nơi trên mặt địa cầu, hiện mức nước biển đang dâng lên. Không ai biết được mức nước biển sẽ dâng lên bao nhiêu. Nhưng có một điều chắc chắn là:dù ở đâu, ai cũng biết rằng mực nước biển đang dâng lên và sẽ từ từ dâng lên cao hơn!

    Hôm thứ Hai mùng Ba tháng Mười Hai vừa qua, đại diện của hầu hết các nước trên thế giới đã tụ họp về Katowice, Ba Lan, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu Thay đổi do Liên Hiệp Quốc tổ chức.Mục đích của Hội nghị là để duyệt xét việc thi hành Thỏa Hiệp Paris mà các nước đã ký kết cách đây 3 năm. Điều đáng chú ý là Hội nghị đã diễn ra sau một mùa hè bị nhận chìm trong hỏa hoạn và bão lụt chưa từng thấy.

    Cách đây 3 năm, tại Paris, cộng đồng thế giới đã thỏa thuận sẽ làm cho nhiệt độ trái đất giảm bớt 2 độ C như đã từng có trước cuộc cách mạng kỹ nghệ. Quả thật, hiện tượng trái đất ngày càng hâm nóng khiến cho các tảng băng tan rã và làm cho mực nước biển dâng lên là một thực tế không thể chối cãi được.

    Dĩ nhiên có lẽ phải mất cả ngàn năm các tảng băng trên mặt đất mới hoàn toàn tan rã hoặc cũng có thể chúng sẽ không bao giờ biến mất khỏi mặt đất. Nhưng không thể phủ nhận sự kiện trái đất ngày càng hâm nóng và các tảng băng ngày càng tan rã.

    Hiện tượng này diễn ra theo đúng các định luật vật lý: nước giãn nở khi nó bị hâm nóng. Kể từ cuộc cách mạng kỹ nghệ, trái đất đã nóng thêm khoảng một độ C. Trong những thập niên vừa qua, mức độ hâm nóng ngày càng gia tăng. Theo các tính toáncủa Cơ quan Không gian NASA của Hoa Kỳ, nếu cộng đồng thế giới có biện pháp tức khắc để giảm bớt khí thải nhà kính, trái đất sẽ hâm nóng thêm 1.5 độ C vào giữa thế kỷ 21 này. Nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 3 độ C nữa thì mực nước biển có thể sẽ dâng lên đến 5 thước. Lúc đó, không riêng gì đảo quốc Kiribati nhỏ bé, mà tất cả mọi thành phố nằm dọc theo duyên hải các nước sẽ rơi vào nguy cơ bị ngập lụt. Nói cho cùng, trái đất là một, biển là một và tất cả mọi người đều đồng hội đồng thuyền theo đúng nghĩa!

    Đảo quốc Kiribati đã từng là một thiên đàng. Nhưng ông Teitota vừa hì hục khiêng đá và cát để đấp tường xung quanh nhà, vừa trách biển như thể biển đang nổi giận. Ông nói: “Biển bắt chúng tôi phải nhịn ăn, nhịn khát và cuối cùng thì phải chết đuối”.

    Ông cho biết vườn tược của ông đã bị nhiễm mặn. Nguồn nước uống cũng bị ô nhiễm và dĩ nhiên bao nhiêu bệnh tật vì truyền nhiễm cũng ùa tới. Ông chỉ tay về cái giếng phía sau nhà. Từ nhiều năm nay, giếng chỉ còn toàn là nước mặn. Rừng dừa được trồng dọc theo bờ biển, trước kia là nguồn lợi chính của gia đình, nay chỉ còn lại những tàu lá xơ xác và khô đét. Có lẽ cũng như nhiều người dân Karibati, ông Teitota không biết tại sao mực nước biển ngày càng lên cao và đe dọa nhà cửa, ruộng vườn và mạng sống của ông.

    Nhưng các nhà khoa học thì biêt rõ nguyên nhân. Viện Nghiên cứu về Ảnh hưởng của Khí hậu ở Potsdam của Đức quốc (The Potsdam Institute for Climate Impact Research viết tắt PIK) là một trong những trung tâm nghiên cứu về Khí hậu Thay đổi hàng đầu của thế giới. Kể từ năm 1992, các nhà nghiên cứu tại Viện Potsdam đã từng cảnh cáo về những hậu quả của hiện tượng trái đất hâm nóng. Họ đã cảnh cáo Chính phủ Đức và gởi đến Ủy Ban Âu Châu và nhiều chính phủ khác những kết quả nghiên cứu của họ.

    Tiếng nói của các nhà nghiên cứu của Viện Potsdam và nhiều nhà nghiên cứu khác trên khắp thế giới nay đã được lắng nghe. Hiện nay mỗi buổi sáng có khoảng 200 nhà nghiên cứu về khí hậu của Đức, hầu hết đều sử dụng xe đạp như phương tiện di chuyển, đến các trung tâm nghiên cứu của họ để làm việc hầu không những đưa ra những lời cảnh báo, mà còn gợi lên các giải pháp.

    Những nước giàu có như Đức hay Hòa Lan có lẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với mực nước biển đang lên cao. Nhưng đối với những nước nghèo thì đây là cả một đại nạn. Bangladesh là một trong những nước nghèo ấy. Đây là đất nước mà diện tích không bằng một nửa của Đức, nhưng dân số lại đông gấp hai lần. Hai phần ba lãnh thổ của Bangladesh lại chỉ nằm cách mặt nước biển vài thước và phần lớn dân số lại sống dọc theo các vùng duyên hải.

    Tại Thủ đô Dhaka, nhiều vùng không những không có hệ thống thoát nước mà các ống cống cũng nghẹt vì rác rưởi và các bao nhựa. Thành phố ngày càng bị lún sâu.

    Mỗi năm, khi mùa mưa trở lại, một phần tư Bangladesh chìm ngập trong nước. Nếu ở một nơi nào đó có vỡ đê thì các làng mạc bị nhận chìm trong nước có khi vài năm. Đội sách vở trên đầu, lội nước sâu đến ngực để đến trường là chuyện bình thường đối với học sinh Bangladesh.

    Lũ lụt có thể mang cá về cho dân đánh cá. Lũ lụt cũng kéo phù sa về làm cho đất đai thêm mầu mỡ. Tuy nhiên bên cạnh đó lũ lụt lại làm sập cầu cống và nhà cửa cũng như nhận chìm trong nước bao nhiêu con người và thú vật. Chu kỳ và cường độ của lũ lụt tại Bangladesh lại ngày càng gia tăng. Hồi năm ngoái, đã có khoảng 150 người bị thiệt mạng vì mưa bão, hàng triệu người phải chịu bao nhiêu hệ quả của lũ lụt.

    Khi mặt nước biển dâng cao, nhiều vùng có thể bị nhận chìm trong nước trong hàng 30 năm. Nông nghiệp thất thu, thực phẩm ngày càng khan hiếm khiến hàng triệu triệu người phải rời bỏ quê hương của họ.

    Tại Thủ đô Dhaka hiện có Trung tâm Quốc tế về Khí hậu Thay đổi và Phát triển. Cơ quan này đã bắt đầu cố vấn cho các nông dân Bangladesh nuôi vịt thay vì nuôi gà, nuôi cá thay vì trồng lúa và trữ nước mưa bởi vì nguồn nước ngọt ngày càng trở nên quý hiếm. Cách đây vài năm, các nhà nghiên cứu cũng đã bắt đầu phát triển một loại lúa có thể sống trong nước mặn.

    Trong vài năm vừa qua, Bangladesh đã xây cất được hơn 2000 trung tâm tạm trú dọc theo hàng ngàn cây số bờ đê. Người ta cũng đã thiết kế được những ngôi vườn nổi, bệnh viện nổi và nhà sàn. Tại nhiều vùng, người dân Bangladesh đã bắt đầu tập sống với lũ và dĩ nhiên với mực nước biển ngày càng cao.

    Mực nước biển ngày càng dâng cao là bởi vì các tảng băng ở hai đầu trái đất hiện đang tan rã. Đây là hiện tượng thấy rõ nhất tại Nam Cực. Tính đến năm 2012, mỗi năm Nam Cực có lẽ đã mất đi khoảng 76 tỷ tấn nước đá. Kể từ đó, theo một bản phúc trình mới đây được phổ biến trên tạp chí Nature, tiến trình này tăng tốc lên đến 219 tỷ tấn mỗi năm. Điều này có nghĩa là một khi đã tan chảy các tảng băng của Nam Cực góp phần làm cho mực nước biển trên toàn trái đất tăng thêm một phần tư. Nếu toàn bộ các tảng băng của Nam Cực đều tan chảy thành nước, mực nước biển sẽ dâng cao thêm hơn 3 thước.

    Đây là một hiện tượng mà vào hai thập niên 1950 và 1960, các nhà nghiên cứu về các tảng băng không bao giờ nghĩ tới.

    Mặt nước biển dâng cao không chỉ tác hại đến cuộc sống của người dân ở những nước nghèo. Thiên tai cũng không tha người dân của những nước giàu. Trong 30 năm vừa qua, nhà địa vật lý học Ernst Rauch chuyên theo dõi các thiên tai để cố vấn cho công ty bảo hiểm Munich Re của Đức. Một trong những thiên tai khiến ông phải bù đầu bứt tóc là trận bão Sandy. Khi trận bão Sandy rời khỏi Thành phố New York vào buổi chiều ngày 30 tháng Mười năm 2012 vừa qua thì mọi sự đều thay đổi. Phần lớn khu phố thương mại và kinh doanh nổi tiếng Manhattan đều bị ngập lụt, các đường hầm đều chìm trong nước và ngay cả viện bảo tàng tại khu tưởng niệm cuộc khủng bố ngày 11 tháng Chín năm 2001 cũng không tránh khỏi ngập lụt. Điện bị cắt, các chuyến xe lửa bị đình chỉ và Trung tâm tài chính Wall Street cũng ngưng hoạt động. Chỉ riêng tại New York, trận bão Sandy đã làm cho 43 người thiệt mạng, 90.000 nhà cửa bị ngập lụt; tổng số thiệt hại về vật chất lên đến 20 tỷ Mỹ kim.

    Dĩ nhiên có nhiều yếu tố gia tăng cường độ hủy hoại của trận bão. Nhưng tai họa chỉ đạt được những kích thước khủng khiếp như thế là bởi vì mực nước biển đã dâng lên từ nhiều thập niên qua. Tại Công viên Battery Park ở phía nam Manhattan chẳng hạn, mực nước biển đã dâng lên 35 centimet trong vòng 93 năm qua và hiện mỗi năm vẫn còn tiếp tục cao hơn.

    Giàu có và hùng mạnh như nước Mỹ mà vẫn không tránh khỏi thiên tai. Một bài học mà nhân loại có thể học được từ vô số thiên tai đang xảy ra trên thế giới hiện nay là: con người không thể bảo vệ được tất cả mọi sự! Nhưng bởi vì thiên tai lại cũng là nhân họa, nghĩa là do chính con người ít hay nhiều đã góp phần tạo ra, thì đã đến lúc con người cần phải ý thức hơn về trách nhiệm của mình.

    Ioane Teitiota, người công dân của đảo quốc nhỏ bé Karibati, hoàn toàn bất lực trước hiện tượng mực nước biển ngày càng dâng cao. Có lẽ chỉ có một điều mà ông cảm thấy mình có thể làm được: đó là xin tầm trú tại Tân Tây Lan và tuyên bố trước thế giới rằng ông là người đầu tiên được nhìn nhận là tỵ nạn vì Khí hậu Thay đổi. Với hành động này, ông muốn cho thế giới biết rằng không chỉ ngôi nhà tồi tàn của ông, quốc gia nhỏ bé của ông, mà toàn thế giới đang có nguy cơ bị Đại nạn Hồng thủy hủy diệt, nếu không ý thức về trách nhiệm làm cho trái đất bị hâm nóng khiến cho mực nước biển ngày càng dâng cao.

    Đoàn Thi

    (nguồn:http://www.spiegel.de/international/wor ... 890-2.html)

    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”