Các loại visa xin tị nạn

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Các loại visa xin tị nạn

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Các loại visa xin tị nạn






    Theo yêu cầu của nhiều độc giả tại Úc cũng như một số đồng hương Việt Nam đang xin tư cách tị nạn tại Thái Lan, trong bài viết tuần này, tôi xin trình bày chi tiết về các loại visa tị nạn mà quý đồng hương, nếu đủ tiêu chuẩn, có thể xin.

    Trước hết xin trình bày về loại visa xin tị nạn định cư (Permanent Protection visa).

    Với loại visa này, những người đến Úc hợp pháp, tức là đến Úc với một trong các loại visa mà bộ phận di trú của Úc cấp cho người đó, có thể nộp đơn xin. Visa này là visa định cư. Cho nên nếu được cấp visa người xin visa sẽ trở thành thường trú nhân ngay lập tức và có thể có đủ mọi tiêu chuẩn và quyền lợi như những thường trú nhân khác.

    Tiêu chuẩn chính của loại visa tị nạn định cư này là chính phủ Úc, bộ phận di trú của Bộ nội vụ Úc (Department of Home Affairs) công nhận rằng đương đơn là một người, mà theo các Công Ước mà nước Úc đã ký, thì nước Úc có trách nhiệm phải bảo vệ đương đơn.

    Trách nhiệm này của nước Úc phát sinh từ việc ký Công Ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc và các hiệp ước khác có liên quan đến người tị nạn, mà nước Úc đã từng ký. Nó cũng phát sinh từ đạo luật di trú Migration Act 1958 của nước Úc.

    Điều khoản 1A(2) của Công ước về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc ghi chú như sau: Người tị nạn là một người có một nỗi sợ hãi có căn cứ về những sự ngược đãi vì những lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, thành viên của một nhóm xã hội đặc biệt hay vì chính kiến….Người này đang ở bên ngoài quốc gia nguyên quán của đương đơn và vì nỗi sợ hãi nói trên không thể được bảo vệ bởi quốc gia nguyên quán, hay đương đơn là người không có quốc tịch, đang ở bên ngoài quốc gia sinh quán, và do có nỗi sợ hãi bị ngược đãi không dám trở về quốc gia sinh quán của đương đơn.

    Điều khoản 36(2)(a) của đạo luật di trú Migration Act 1958 của Úc cũng nêu ra những tiêu chuẩn mà đương đơn cần phải có để đáp ứng những đòi hỏi của loại visa xin tị nạn định cư này. Cho nên đương đơn trên mọi phương diện, phải thỏa mãn các yêu cầu của các Công Ước quốc tế và đạo luật Migration Act 1958 của Úc, mới có thể được chính phủ Úc đồng ý bảo vệ, và cấp loại visa tị nạn định cư này. Vì nếu thỏa mãn các Công Ước và đạo luật Migration Act 1958 thì rõ ràng đương đơn là người tị nạn thực sự và nước Úc có trách nhiệm phải bảo vệ họ, vì nếu những người như thế này mà bị trả về lại quốc gia nguyên quán hay sinh quán, là những quốc gia đã ngược đãi họ, thì số phận của những người này có thể sẽ rơi vào những tình huống nguy hiểm.

    Ngoài ra đương đơn xin loại visa tị nạn định cư này cũng phải chứng minh được rằng họ không thể và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính phủ của quốc gia nguyên quán hay sinh quán, vì họ biết chắc rằng những chính phủ này sẽ từ chối hay không đồng ý bảo vệ họ. Họ phải chứng minh được rằng sự ngược đãi của chính quyền tại các quốc gia nguyên quán hay sinh quán khiến họ có một nỗi sợ hãi ghê gớm và họ không thể tránh khỏi sự ngược đãi nói trên tại bất cứ nơi đâu trong quốc gia nguyên quán hay sinh quán. Nếu sự ngược đãi chỉ đến từ chính quyền địa phương và đương đơn có thể an toàn chuyển đến sống tại một vùng khác tại quốc gia nguyên quán hay sinh quán, thì đương đơn không phải là người tị nạn theo định nghĩa của Công ước và đạo luật Migration Act 1958.

    Điều 36(2c) của đạo luật Migration Act 1958 của Úc ghi rõ những yếu tố khiến một đương đơn có thể sẽ bị nước Úc từ chối ra tay bảo vệ. Những yếu tố này gồm có:

    Đương đơn đã phạm phải một tội danh hình sự nghiêm trọng, tội ác chiến tranh hay một tội ác chống lại nhân loại, ví dụ tội diệt chủng, một tội danh được ghi rõ trong các văn bản pháp luật quốc tế và được nhắc đến trong đạo luật Migration Act.

    Đương đơn đã phạm phải một tội nghiêm trọng không có liên quan gì đến chính trị trước khi vào nước Úc.

    Đương đơn đã bị kết tội vì một hành vi, hay tội ác chống lại những mục tiêu và nguyên tắc của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

    Nước Úc có quyền từ chối sự bảo vệ cho một nguyên đơn nào đó nếu bộ phận di trú của chính phủ Úc cho rằng đương đơn là một mối nguy cho an ninh của nước Úc, hay đương đơn đã bị kết án chung cuộc một tội hình sự nghiêm trọng nào đó, hay đương đơn là một người nguy hiểm nếu được sống trong xã hội Úc.

    Nói tóm lại để được công nhận là một người tị nạn theo luật pháp của nước Úc, đương đơn phải chứng minh rằng họ có một nỗi sợ hãi thật sự rằng họ sẽ bị ngược đãi nghiêm trọng tại quốc gia nguyên quán hay sinh quán của họ vì những lý do như chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, chính kiến hay là thuộc về một nhóm xã hội đặc biệt nào đó (ví dụ như các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa và gia đình của họ sau năm 1975 tại miền Nam Việt Nam).

    Để được công nhận là một người mà nước Úc có trách nhiệm phải bảo vệ, đương đơn phải chứng minh rằng họ sẽ bị nguy hiểm đến sự an nguy, đến tính mạng, nếu họ không may bị trục xuất về lại quốc gia nguyên quán hay sinh quán. Những nguy hiểm mà họ có thể đối diện bao gồm tước đoạt cơ hội sinh sống bình thường, đối diện án tử hình, bị tra tấn, trừng phạt hay đối xử vô nhan đạo, trừng phạt hay đối xử theo cách hạ thấp nhân phẩm con người.

    Dĩ nhiên đương đơn cũng phải thỏa mãn những tiêu chuẩn khác như chứng minh được nhân thân, đủ tiêu chuẩn sức khỏe và hồ sơ tội phạm trong sáng.

    Một người sẽ không được cho phép nộp đơn xin loại visa tị nạn định cư này nếu người đó

    Vào nước Úc bất hợp pháp, tức là vào Úc mà không có visa hợp pháp, không đi qua cửa hải quan ở hải cảng hay phi trường, đến Úc bằng những cách thức bất hợp pháp bằng đường biển, đường bộ hay đường hàng không.

    Hay đương đơn đã nộp đơn xin tị nạn một lần và đã bị nước Úc từ chối.

    Hay visa tị nạn định cư của đương đơn đã được cấp nhưng đã bị chính phủ Úc hủy bỏ vì lý do nào đó.

    Hay đương đơn có hai hay ba quốc tịch

    Hay đương đơn đã được một quốc gia thứ ba nào đó đồng ý bảo vệ hay cho định cư.

    Hay đương đơn trước đây đã được chính phủ Úc cấp visa tị nạn lưu trú tạm thời (Temporary Safe Haven visa).

    Hiện tại nếu bị chính phủ Úc từ chối cấp visa tị nạn định cư, đương đơn có thể đưa sự vụ ra xin tại xét tại Tòa di dân – di trú (Migration & Refugee Division) thuộc Cơ quan thụ lý kháng cáo dân sự (Administrative Appeals Tribunal).

    Visa này còn được gọi là visa 866. Nếu bị tòa di dân-di trú từ chối thì đương đơn có thể kháng cáo lên các cấp tòa cao hơn như tòa liên bang hay Tối Cao Pháp Viện Úc.

    Visa tị nạn tạm thời (Temporary Protection Visa)

    Visa tị nạn tạm thời còn gọi là visa 785. Visa này được cấp cho đương đơn, người đã đến Úc bất hợp pháp bằng thuyền, và thời hạn của visa này là 3 năm nếu lời khai xin được bảo vệ của đương đơn được coi là có căn cứ và khả tín.

    Những người có visa này được cấp thẻ Medicare, có thể được phép làm việc kiếm tiền hay đi học. Tuy nhiên người có visa này không được phép đoàn tụ với gia đình tại Úc. Sau thời hạn 3 năm, đương đơn phải tiếp tục chứng minh rằng nỗi sợ hãi bị ngược đãi tại quốc gia nguyên quán hay quê quán vẫn chưa chấm dứt, và họ tiếp tục xin nước Úc bảo vệ họ. Những tiêu chuẩn căn bản để thõa mãn yêu cầu của loại visa tị nạn tạm thời này cũng tương tự như các tiêu chuẩn của loại visa tị nạn định cư như đã trình bày ở trên.

    Như vậy quý vị có thể thấy sự khác nhau của hai loại visa vừa trình bày. Visa tị nạn định cư là visa thường trú dành cho những người đến Úc bằng con đường hợp pháp và đơn xin tị nạn của họ thõa mãn tiêu chuẩn của Công ước và đạo luật Migration Act 1958 của Úc. Visa tị nạn tạm thời dành riêng cho những người đến Úc bằng thuyền hay còn gọi là thuyền nhân, và visa này chỉ có thời hạn tối đa 3 năm, sau đó phải làm đơn xin gia hạn 3 năm khác.

    Visa tị nạn lưu trú tạm thời (Safe Haven Enterprise visa)

    Đây là loại visa tị nạn tạm thời dành riêng cho những người đến Úc bằng thuyền bất hợp pháp nhưng lại có thời hạn đến 5 năm, và phải sống, làm việc hay học hành tại những vùng nông thôn của Úc. Dĩ nhiên trước tiên lý do họ xin tị nạn cũng thõa mãn được các yêu cầu của Công Ước và đạo luật Migration Act 1958. Những người này không được phép xin tiền trợ cấp của Centrelink.

    Đương đơn có thể có thẻ Medicare, làm việc kiếm sống và học hành. Nhưng gia đình của họ sẽ không được phép đoàn tụ với họ tại Úc. Và sau 5 năm, những người có visa phải tiếp tục chứng minh là quốc gia nguyên quán hay quê quán vẫn chưa an toàn cho họ quay về, và nước Úc có trách nhiệm phải tiếp tục bảo vệ họ.

    Nếu một đương đơn có visa tị nạn lưu trú tạm thời trong khoản thời gian ít nhất 3.5 năm và trong giai đoạn này họ sống tại vùng nông thôn của Úc, không nhận tiền trợ cấp của Centrelink, làm việc hay học toàn thời trong một trường nào đó tại Úc, thì những người này có thể xin một trong các loại visa thường trú, có trong danh mục.

    Visa tầm trú khu vực (Territorial Asylum)

    Đây là loại visa tị nạn diện đặc biệt rất ít khi được cấp bởi bộ trưởng ngoại giao Úc, dành riêng cho những người thực sự là những người tị nạn chính trị được bộ ngoại giao Úc công nhận. Những người này không cần làm đơn xin, chỉ cần họ báo cho chính phủ Úc biết họ xin bảo vệ và họ thường là các nhà ngoại giao của các nước khác làm việc tại Úc.

    Visa tị nạn nhân đạo tạm thời (Humanitarian Stay Temporary)

    Đây cũng là một trong những loại visa hiếm khi được cấp, thường là do chính phủ Úc chủ động đề nghị. Visa này tạm thời và người có visa này không được phép xin visa tị nạn định cư.

    Visa nhân chứng (Trafficker Visa)

    Loại visa nầy cấp cho một người để họ ở lại Úc ra tòa cung cấp bằng chứng về các tội danh buôn người hay ma túy. Tùy theo từng trường hợp nếu chính phủ Úc tin rằng vì sự hợp tác ra tòa cung cấp bằng chứng, mà họ có thể bị nguy hiểm đến tính mạng khi trở về quốc gia nguyên quán hay sinh quán, thì họ có thể được cho phép nộp đơn xin visa tị nạn định cư.

    Ls Lê Đức Minh

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”