Phong trào tố cáo “sách nhiễu tình dục” và sự lạm dụng của một số người

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Phong trào tố cáo “sách nhiễu tình dục” và sự lạm dụng của một số người

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Phong trào tố cáo “sách nhiễu tình dục” và sự lạm dụng của một số người




    Cậu bé đang đứng khóc và bà Klein đang gọi cho cảnh sát



    Xứ Mỹ là xứ của kiện tụng, bất cứ chuyện gì cũng có thể kiện được. Hiện tại nước Mỹ có khoảng 1.2 triệu luật sự đang hành nghề, đứng đầu thế giới về tỉ lệ luật sư trên đầu người (cứ 265 người có một luật sư). Vì số lượng luật sư đông đảo như thế, cho nên có những luật sư chuyên xúi giục người ta đi kiện, theo kiểu không thắng không lấy tiền. Chính lực lượng hùng hậu này đã góp phần tạo nên một đặc tính văn hóa của người Mỹ – có những tranh chấp nhỏ thay vì hai bên có thể tự giải quyết với nhau một cách dễ dàng thì họ thường chọn giải quyết ở tòa án. Nhiều người nói rằng sự khác biệt khá rõ nét giữa người Ý và người Mỹ là ở Ý mỗi khi gặp phải một vấn đề cần phải suy nghĩ thì người Ý thường hay nói “để tôi hỏi ý kiến của mẹ tôi”, trong lúc đó thì người Mỹ sẽ nói “để tôi hỏi ý kiến luật sư của tôi”.

    Tại Mỹ có những vụ kiện tụng ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Điển hình như vụ luật sư Roy Pearson kiện tiệm giặt ủi Custom Cleaners ở Washington DC do ông bà Soo Chung (người Mỹ gốc Nam Hàn) làm chủ vào năm 2005.

    Do sơ suất chủ tiệm đã làm mất của thân chủ hai quần tây (trị giá khoảng vài trăm đô la) và đã bị kiện đòi bồi thường 67 triệu đô la cho những thiệt hại về vật chất và tinh thần.

    Ông bà Soo Chung đồng ý bồi thường 12,000 đô la nhưng ông Pearson cương quyết từ chối.

    Chỉ mất 2 quần tây mà đòi bồi thường số tiền lên đến 67 triệu đô la, một đòi hỏi hết sức vô lý, thế nhưng tòa án ở Washington DC vẫn phải giải quyết. Vụ kiện này kéo dài 2 năm. Đến giữa năm 2007 tòa án có phán quyết cuối cùng. Mặc dầu ông bà Soo Chung thắng kiện nhưng vụ kiện này đã làm cho hai người này suy sụp tinh thần và quyết định đóng cửa thương vụ.

    Câu hỏi cần đặt ra là tại sao một vụ kiện với đòi hỏi bồi thường vô lý như thế nhưng tòa án ở Mỹ vẫn những phải bỏ công giải quyết, gây tốn kém nhiều tiền thuế của dân và làm tổn thương tinh thần cho nhiều người trong cuộc?

    Phong trào #MeToo ra đời tại Mỹ vào tháng 10 năm 2017 sau khi nhà đạo diễn Harvey Weinstein bị tố cáo quấy rối tình dục đối với một số nữ diễn viên điện ảnh. Ngay sau đó đã tạo thành một phong trào lan rộng ra khắp thế giới làm cho một số chính trị gia, thương gia, tài tử, đạo diễn… thân bại danh liệt.

    Dĩ nhiên không ai có thể chối cãi phong trào #MeToo đã góp phần làm cho xã hội lành mạnh và công bằng hơn. Thế nhưng bên cạnh những tích cực đó đã có nhiều trường hợp các cô các bà đã lợi dụng tâm lý dễ dãi của dư luận để tố cáo các ông chỉ vì động cơ chính trị, vì tiền hay vì tư thù cá nhân…

    Hai trường hợp tố cáo “sách nhiễu tình dục” mới đây đã gây chú ý dư luận thế giới.

    1/ Tân Thẩm phán Kavanaugh bị bà Christine Blasey Ford tố cáo xâm phạm tình dục.

    Chuyện xảy ra gần 40 trước, ông Kavanaugh lúc đó là câu học sinh trung học 17 tuổi, dự một party nhảy đầm của một nhóm học sinh trung học. Uống say xỉn, cậu Kavanaugh kéo cô Christine Ford, lúc đó 15 tuổi vào phòng, hôn hít và tìm cách đi xa hơn. Chưa kịp làm gì thì một người bạn cùng nhóm nhảy vào nhập cuộc, cô Christine Ford phản ứng bằng cách xô cả hai người ra, rồi chạy ra khỏi phòng.

    Đó là những gì bà Christine Ford kể lại nhưng không đưa ra được một bằng chứng nào cụ thể. Cả ông Kavanaugh và nhân vật thứ ba đều phủ nhận chuyện này. Nhiều người cho rằng bà Christine Ford tố cáo vì động cơ chính trị.

    Vì không có bằng chứng gì cụ thể và những người bị tố cáo đều phủ nhận, cho nên chúng ta không thể biết được chuyện này có thật hay không.

    Nhưng dù chuyện này có thật chăng nữa thì có thể coi đây là một sự sách nhiễu tình dục hay không? Một cậu học sinh 17 và một cô học sinh 15, cả hai đều trong tuổi chưa trưởng thành, đều say xỉn trong một buổi party, rồi kéo nhau vào phòng, hôn hít nhưng chưa có chuyện gì đáng tiếc xảy ra – những hành động thiếu ý thức như thế là chuyện thường tình xảy ra đối những người trẻ tuổi vị thành niên trong những buổi party, không lẽ những “tội lỗi” như thế đều do phái nam gây ra, còn các cô chỉ là những nạn nhân!

    2/ Cậu trai 9 tuổi bị tố cáo “sách nhiễu tình dục”

    Chuyện xảy ra bên trong cửa tiệm tạp hóa The Sahara Deli, thuộc vùng Brooklyn, New York vào ngày thứ Tư, 10 tháng 10 vừa qua.

    Teresa Sue Klein, một phụ nữ da trắng, 53 tuổi, tố cáo bé trai da đen 9 tuổi về tội sách nhiễu tình dục (sexual harassment).

    Theo bà Klein, trong lúc bà đang bên quầy hàng thì từ phía sau cậu trai này đã bóp mông bà “the son grabbed my ass”.

    Dĩ nhiên điều này làm cho người mẹ của cậu bé phản kháng. Hai bên cãi nhau, rồi bà Klein đi ra ngoài dùng điện thoại di động gọi số khẩn cấp (911) cho cảnh sát Brooklyn: “I want the cops here right now! The son grabbed my ass, and she decided to yell at me” (Tôi muốn cảnh sát đến đây ngay bây giờ. Đứa trai đã bóp mông tôi, và người mẹ đã la hét tôi).

    Trong lúc bà Klein nói chuyện với cảnh sát thì Jason Littlejohn, một người tình cờ đang có mặt tại đó dùng điện thoại di động thâu lại sự kiện rồi post lên facebook vài giờ sau đó.

    Chỉ vài ngày sau đã có hàng triệu người xem youtube này (1) và Littlejohn đã viết trên facebook của anh như sau: “Khi tôi đi ngang qua cửa tiệm tôi thấy người ta cãi nhau, hình như một đứa bé trai đi ngang qua đụng một người phụ nữ và bà này nói là cậu trai đã bóp mông bà và quyết định gọi cảnh sát. Như các bạn đã thấy trong video, đứa bé trai đứng khóc và người mẹ thì rất tức giận.”

    Littlejohn đã nói với phóng viên của tờ The New York Time: “Đứa bé trai khóc vì nghĩ rằng cậu sẽ vào tù vì cái tội mà cậu không làm. Tôi nghĩ bà này đã gọi cho cảnh sát vì những lý do không cần thiết, đặc biệt đối với một đứa trẻ. Làm sao bạn có thể bị sách nhiễu tình dục bởi một đứa trẻ 9 tuổi khi đứa bé này chỉ đi ngang qua bạn. Bạn nghĩ rằng những chuyện này chỉ xảy ra ở Miền Nam nước Mỹ nhưng nó xảy ra trên khắp thế giới. Đứa bé này sẽ bị chấn thương trong suốt cuộc đời của nó.”

    Sau khi bà Klein gọi xong điện thoại và đứng chờ cảnh sát đến thì một số người phụ nữ đang có mặt đã nói thẳng cho bà biết là bà đang làm một chuyện vớ vẩn, một việc hàm ý kỳ thị đối với người da đen.

    Khoảng gần 20 phút sau cảnh sát đến nơi nhưng không thể làm biên bản vì mọi người đã bỏ đi.

    Sau khi về nhà bà Klein vẫn tiếp tục liên lạc với cảnh sát. Hai ngày sau, thứ Sáu 12/10, cảnh sát yêu cầu bà Klein trở lại cửa tiệm The Sahara để xem những gì đã thâu trong máy thu hình (CCVT footage) (2) trước sự chứng kiến của các phóng viên nhà báo, TV và những người láng giềng.

    Hình ảnh từ máy thu hình cho thấy là trong lúc bà Klein đang đúng ở quầy hàng thì cậu trai 9 tuổi cùng mẹ và em gái đi ngang qua và ba lô đi học của cậu đã đụng nhẹ vào người của bà Klein.

    Sau khi xem xong video bà Klein nhìn nhận là cậu trai này đã vô tình đụng bà và bà chính thức xin lỗi nạn nhân trước mặt các phóng viên:

    “Tôi đã sai. Tôi không biết tên cậu bé nhưng tôi xin lỗi” (I was wrong. Young man… I don’t know your name but I’m sorry).

    Bà Klein không phải là người bình thường, bà tốt nghiệp cử nhân về xã hội học (sociology) và lấy bằng tiến sĩ về sinh hóa (biochemistry) tại Đại Học Missouri vào năm 2008. Không biết trong quá khứ bà làm gì nhưng hiện tại bà đang thất nghiệp.

    Theo nhiều người, bà Klein là người có đầu óc kỳ thị từ nhiều năm qua.

    Các làng giềng của bà nói với tờ The Post rằng đây không phải là lần đầu bà Klein có hành vi kỳ thị, bà đã làm điều này nhiều lần trong quá khứ. Vài người cho biết bà đã từng viết những khẩu hiệu kỳ thị trên tường.

    Nahounha Alexandre, đang làm việc cho nhà thờ Baptist nói với tờ The New York Times là lời xin lỗi của bà Klein vẫn chưa đủ: “Bà ấy đã làm tổn thương tất cả chúng tôi trong cộng đồng này bởi vì khi bạn kết tội một đứa trẻ không đúng sự thật, có nghĩa là bạn đang kết tội tất cả chúng tôi”.

    Michael Skolnik, một người chứng kiến tai nạn này đã mở ra trang web GoFundMe page để gây quỹ giúp cho nạn nhân: “Thật sự cá nhân tôi không biết cậu trai 9 tuổi này là ai, nhưng tôi không thể ngủ được tối nay mà không làm điều gì cho cậu ấy.”

    Rất may cho cậu trai 9 tuổi này là bên trong cửa tiệm The Sahara có máy thu hình. Nếu không có những bằng chứng từ máy thu hình không biết số phận của cậu bé sẽ ra sao! Có thể sẽ dẫn một vụ kiện tụng hay một cuộc điều tra của cảnh sát. Trong lúc chờ đợi kết quả chắc chắn cá nhân và gia đình của cậu bé phải sống trong cảnh hồi hợp lo âu và cuối cùng cho dù cậu bé được trắng án thì sự tổn thương về tinh thần đối với cậu không thể nào bù đắp được.

    Không lẽ trong tương lai tại mỗi cửa tiệm, tại mỗi con đường, gốc phố… đều phải trang bị máy thu hình, không phải để nhận diện tội phạm mà còn để có những bằng chứng cho những cáo buộc liên quan đến chuyện sách nhiễu tình dục như câu chuyện nêu trên…

    So với trước đây, xã hội Tây Phương ngày nay phức tạp hơn rất nhiều, giới tính đang là một vấn đề nhạy cảm, không phải chỉ có nam và nữ mà còn có thêm giới tính thứ ba. Một lời nói, hành vi không khéo có thể bị coi là kỳ thị giới tính. Riêng đối với phái nữ, một câu nói bông đùa hay một sự va chạm vô tình của các ông có thể bị kết tội là “sách nhiễu tình dục”.

    Một xã hội mà người khác phái khi giao tiếp phải đề phòng, phải cẩn thận từ hành động đến lời ăn tiếng nói có phải là một xã hội văn minh, hài hòa và hạnh phúc như con người từng mơ ước hay không?

    Và cuối cùng một câu hỏi cần phải nêu ra là tại sao một người đàn ông phạm một tội nhỏ liên quan đến sách nhiễu tình dục (cho dù vô tình hay cố ý), nếu không vào tù thì cũng có thể tiêu tan danh dự sự nghiệp… trong lúc đó một phụ nữ tố cáo vu vơ, không đúng sự thật, như trường hợp của bà Klein, cùng lắm chỉ nói một lời xin lỗi. Có phải như thế mới là bình đẳng giới tính?

    Cái khốn khổ nữa của đàn ông thời nay là cho dù là nạn nhân của vụ tố cáo sách nhiễu tình dục, hiếm có một chính trị gia nào dám bênh vực, bởi vì điều đó đi ngược lại trào lưu của thời đại, là một hành động không “phải đạo chính trị”, sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp chính trị của họ.

    Đó là những gì đang xảy ra, khó có thể hình dung xã hội Tây Phương sẽ thay đổi ra sao trong vài thập niên tới, nhưng một điều mà người ta có thể nhìn thấy được là trước những đòi hỏi “bình đẳng” của các phong trào nữ giới và giới tính thứ ba, thân phận đàn ông tại đây trong tương lai sẽ còn “bi đát” hơn nhiều.

    Phạm Hoài Nam
    Sydney 16/10/2018


    Ghi chú: (1) https://nypost.com/2018/10/14/man-behin ... r-apology/
    (2) https://nypost.com/2018/10/12/cornersto ... s-to-kids/



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”