Mật thật, người thật

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mật thật, người thật

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Mật thật, người thật





    Đi thăm bà con bạn bè ở xa, tìm cho được một món quà thích hợp quả là trần ai. Như trong chuyến đi Mỹ vừa rồi chẳng hạn, vợ chồng tôi đã phải bù đầu bứt tóc và cãi cọ nhau cũng vì chuyện mua quà. Trái cây của Úc quả là đặc sản, nhưng đâu dễ mang vào Mỹ. Đồ kỷ niệm của Úc cũng đâu có thiếu, nhưng lật lưng lên xem thấy toàn “made in China”. May quá, giữa lúc đang gặp nguồn cơn bối rối, vợ chồng tôi được mấy chị ong thợ nuôi trong vườn “cứu bồ”. Dò trước hỏi sau, biết mật ong không bị cấm mang vào Mỹ, chúng tôi giảm bớt quần áo và các thứ lỉnh kỉnh khác trong hành lý để dành chỗ cho gần cả chục ký mật ong.

    Đến ngày trình diện món quà đặc sản của mình cũng chẳng khác nào đi thi nấu ăn: hồi hợp chờ đợi gia chủ thưởng thức và đưa ra phán quyết! Gia đình cô em gái tôi thuộc loại sính mật ong. Liếc nhìn vào kệ tủ trong nhà bếp, tôi thấy có đến 2 hũ mật. Tôi nghĩ bụng: vậy là mình mang củi về rừng rồi! Nhưng cô cháu út trong nhà, vốn là một tay sành điệu, đã mở ngay một hũ mật của tôi ra, nếm thử và tuyên bố: mật ong của cậu mợ khác với mật mua ở Mỹ, không ngọt gắt lại có hương vị đặc biệt!

    Mở cờ trong bụng, tôi mới làm một màn quảng cáo về Úc Đại Lợi quê hương mới của tôi. Rừng ở Úc Đại Lợi chỉ trồng toàn là bạch đàn (khuynh diệp) với trên 2 ngàn loại khác nhau. Do đó, mật ở Úc được loài ong hút từ nhụy của hoa bạch đàn. Riêng nhà tôi lại nằm sát một lâm viên quốc gia dĩ nhiên cũng chỉ có cây bạch đàn. Lâm viên này lại hoàn toàn biệt lập với các nông trại cho nên mật ong của tôi không hề bị nhiễm bất cứ thuốc trừ sâu bọ nào. Ngoài ra, trong vườn của tôi cũng gần như có đủ các loại cây trái và rau tươi. Đi theo trào lưu “hữu cơ” (organic), chúng tôi không dùng phân hóa học và cũng chẳng đụng tới bất cứ thuốc trừ sâu bọ nào. Đám ong thợ từ 2 tổ ong trong vườn của tôi có lẽ chia nhau đi làm ăn: có toán chuyên đi xa, có toán chỉ lẩn quẩn trong vườn của tôi. Pha trộn nhụy hoa bạch đàn với các loại hoa trong vườn của, nhứt là hoa thanh long, các chị ong thợ của tôi đương nhiên phải sản xuất được một loại mật “đặc sản” mà thôi!

    Tôi giải thích cho gia đình cô em gái tôi hiểu về nguồn gốc món quà đặc sản của tôi, với chút hãnh diện ngầm rằng mật ong của tôi là thứ mật tinh tuyền, mật không pha chế, mật thật một trăm phần trăm!

    Lâu nay, tôi tưởng chỉ có ở Trung Cộng hay Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có đồ giả hay người tiêu thụ chỉ “chết bởi tay Trung Cộng” mà thôi. Nào ngờ mới đây, như hầu hết các cơ quan truyền thông trên thế giới đã loan tải, mật ong mà tôi nhìn thấy bày bán trong các siêu thị ở Úc, ở Mỹ hay tại rất nhiều nước trên thế giới, lại là mật ong giả.

    Tại Diễn Đàn Kinh Tế được tổ chức ở Krynica, miền Bắc Ba Lan từ ngày 4 đến 6 tháng Chín vừa qua, ông Andreij Borovsak, thuộc Hiệp hội những người nuôi ong tại Slovenia, khẳng định rằng mật ong được bày bán trong các siêu thị đã được Ủy Ban Âu Châu liệt kê vào danh sách của 6 loại thực phẩm nguy hiểm nhứt. Ông Borovsak giải thích rằng sở dĩ mật ong bán trên thị trường bị xem là nguy hiểm là vì được làm giả bằng cách cho “lai tạo” với đường mía, mạch nha và nhiều loại mật được làm từ các loại củ khác nhau. Được làm giả như thế cho nên mật ong được bán trong các siêu thị rẻ hơn mật ong nguyên chất và người tiêu thụ không thể nhận ra được sự khác biệt.

    Ngoài ra, một phương pháp làm mật giả khác là pha trộn nhiều loại mật khác nhau và ghi một nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn giả mạo.

    Nhưng theo các chuyên gia, làm mật ong giả không phải là vấn đề duy nhứt. Ông Borovsak cảnh cáo rằng “thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi trong nông nghệp vốn đang sát hại loài ong, hiện đang là một tai họa” cho thế giới.

    Theo ông Borovsak, kết quả của các nghiên cứu cho thấy có đến 75 phần trăm các mẫu mật ong được xét nghiệm có chứa đựng dấu vết của ít nhứt một loại thuốc trừ sâu thuộc nhóm “neonicotinoid”. Cũng may, mức độ nhiễm thuốc trừ sâu chưa đến mức báo động cho sức khỏe con người, nhưng loài ong thì ngày càng bị nhiễm độc bởi các hóa chất khác nhau được dùng để sản xuất thuốc trừ sâu. Thuốc trừ sâu có thể ăn sâu vào trong sáp ong được ong sản xuất để làm nơi chứa mật và nuôi ong con. Ngoài ra chất neonicotinoid còn góp phần tiêu diệt loài ong.

    Ong mật hiện đang là những người thợ chính giúp thụ phấn cho cây cối và hoa quả từ 30 đến 50 phần trăm. Dù vậy, theo ông Peter Kozmus, phó chủ tịch của Hiệp hội nuôi ong tại Slovenia, ong có lẽ là loài sinh vật yểu mệnh nhứt. Tuổi thọ của ong mật chỉ kéo dài khoảng 6 tuần lễ. Vậy mà chúng giúp thụ phấn cho khoảng một phần ba cây trái và rau quả trên toàn thế giới. Ông Kosmus khẳng định: “Xóa sổ loài ong mật sẽ dẫn đến mất mùa, đói kém và một tai họa chưa từng có trong lịch sử nhân loại”.

    Úc Đại Lợi là một trong những nước sản xuất mật ong nhiều nhứt và cũng nổi tiếng nhứt thế giới. Tuy nhiên kể từ năm 2015, con số tổ ong và những người nuôi ong mật đã giảm đi 25 phần trăm. Lý do có sự giảm sút như thế là vì mật ong được nhập cảng vào Úc được bán với giá chỉ bằng một phần ba giá của mật ong nội địa. Nuôi ong để sản xuất mật không còn là một nguồn lợi kinh tế lớn đối với nhiều người Úc nữa.

    Ủy ban theo dõi giá cả thị trường đã mở một cuộc điều tra về kỹ nghệ nuôi ong mật tại Úc Đại Lợi. Kết quả cuộc điều tra cho thấy mật ong giả được bán trên thị trường Úc là một vấn đề nghiêm trọng.

    Mới đây, một cuộc điều tra do cơ quan truyền thông Fairfax thực hiện đã sử dụng một phương pháp của phòng thí nghiệm QSI của Đức để thử nghiệm các loại mật ong được bày bán trong các siêu thị tại Úc. Kết quả cuộc điều tra cho thấy khoảng phân nửa các mẫu mật ong được phân chất đều được pha chế (adulterated), mặc dù vẫn đề nhãn hiệu “nguyên chất”.

    Mặc dù không phải là lục địa sản xuất nhiều mật ong, nhưng Âu Châu lại là nơi tiêu thụ mật ong nhiều nhất và Trung Cộng là nước cung cấp đến 50 phần trăm lượng mật ong nhập cảng vào Âu Châu. Ba nước nhập cảng mật ong của Trung Cộng nhiều nhứt là Anh Quốc, Bỉ và Tây Ban Nha. Trung Cộng là quốc gia sản xuất nhiều mật ong nhứt thế giới, với trung bình gần 500 triệu tấn mỗi năm. Theo các số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới, giữa năm 2000 và 2014, mức sản xuất mật ong của Trung Cộng tăng thêm 88 phần trăm. Dù vậy cũng trong khoảng thời gian này, số tổ ong lại giảm đến 21 phần trăm. Sở dĩ có tình trạng sút giảm này là vì dân số ong tại Trung Cộng đã giảm đi rất nhiều do bị thuốc trừ sâu và tình trạng ô nhiễm khủng khiếp sát hại và vùng đất sống của chúng bị thu hẹp vì chính sách đô thị hóa của Trung Cộng. Số tổ ong giảm, nhưng số lượng mật sản xuất lại gia tăng: nếu không sản xuất mật ong giả thì lấy đâu để bù vào sự sút giảm năng xuất!

    Mật ong của Trung Cộng tràn ngập thị trường Âu Châu là bởi mật ong của Trung Cộng rẻ như bèo. Các con buôn Âu Châu mua lại, pha chế và dán lên nhãn hiệu “cây nhà lá vườn” (x.https://www.dw.com/en/hi-honey-im-not-f ... a-45403408).

    Năm 2011, giáo sư kinh tế tại đại học San Diego, California, ông Peter Navarro, nay là Giám đốc Hội đồng Thương mại Tòa Bạch Ốc, đã cùng với tác giả Greg Autry, cho xuất bản một cuốn sách có tựa đề “Death by China, Confronting the Dragon- A Global Call to Action” (Chết bởi Trung Cộng, Đối đầu với Con Rồng – Một lời kêu gọi toàn cầu hãy hành động). Trong cuốn sách, các tác giả đã tố cáo việc Trung Cộng đầu độc cả thế giới bằng những sản phầm độc hại của họ. Chuyện ấy thì đã rõ như ban ngày. Nhưng thế giới không chỉ bị đầu độc bằng những sản phẩm độc hại của Trung Cộng, mà còn bởi cả chính sự dối trá của họ. Trước kia có lẽ chỉ có Trung Cộng mới sản xuất mật ong giả. Nay nhiều nơi trên thế giới mua lại thứ mật ong giả ấy và có lẽ đã học được lề thói dối trá cố hữu của Trung Cộng để cũng tái chế và bán lại thứ mật ong giả với với nhãn hiệu giả mạo của mình!

    Ngày nay, khi vị cố vấn pháp lý chính của Tổng thống Donald Trump là ông Rudy Giuliani tuyên bố “sự thật không phải là sự thật” (truth is not truth), tôi cho rằng độc tố dối trá mà Trung Cộng đã bơm vào thế giới trong suốt mấy chục năm qua, nay đã ngấm vào mọi tế bào của các cơ cấu xã hội từ thương mại đến chính trị. Lộng chân thành giả dường như đang trở thành luật sống đối với nhiều người.

    Khi “sự thật không phải là sự thật” thì đương nhiên tôi có quyền nói ngược lại mọi thứ: chiến tranh là hòa bình, tự do là nô lệ, dốt nát là sức mạnh. Hay nếu sử dụng thứ “sự thật” bị đảo lộn của những người cộng sản được tiểu thuyết gia Anh George Orwell (1903- 1950) mô tả trong hai quyển tiểu thuyết “1984” và “Animal Farm” (Trại súc vật), thì “tất cả mọi người đều là kẻ thù”, “ tất cả mọi súc vật đều bình đẳng, nhưng có những súc vật bình đẳng hơn những súc vật khác”, “báo chí là kẻ thù của nhân dân”, “có 4 cẳng là tốt”, “có 2 chân là xấu”…

    Dường như trong quyển tiểu thuyết có tựa đề “Rhinoceros” (Những con tê giác), nhà văn Pháp gốc Lỗ Ma Ni, ông Eugene Ionesco (1909-1994) muốn tố giác tình trạng dối trá của xã hội chăng khi ông tưởng tượng ra những biến cố kỳ quái trong một thành phố nhỏ, trong đó mọi người dân đều biến thành những con tê giác. Chỉ trừ có một người đàn ông tên là Berenger. Không rõ nhờ một phép lạ nào đó, ông đã thoát được cuộc dị biến tập thể của cư dân thành phố. Nhờ vậy ông mới có thể kể lại cho mọi người biết đã từng có một đại họa như thế cho cả một thành phố. Thế giới cũng luôn cần có những con người biết thức tỉnh để lên tiếng cảnh cáo về cơn đại họa mà sự dối trá có thể gây ra cho nhân loại.

    Tôi bị tiểu đường cho nên không mấy hảo mật ong. Nhưng hầu như sáng nào cũng vậy, tôi có thói quen đứng “thiền” bên 2 tổ ong trong vườn của tôi. Làm việc cật lực để cung cấp cho con người thứ mật ong tinh tuyền, dường như ngày nào loài ong cũng nhắc nhở tôi phải sống cho sự thật, cho lương tri, cho từ ái, cho cao thượng. Nói như nhà văn bất đồng chính kiến Dương Thu Hương trong một bài viết mới đây: “Một mai đây, nếu hành tinh này còn có thể tồn tại được, chắc chắn nhờ ơn phước của những con người từ ái, cao thượng, những người có Trái tim vàng chứ không thể là các lãnh tụ tôn giáo hoặc các kĩ trị gia” (x.sự cứu rỗi cuối cùng, Đàn Chim Việt Online 5/9/2018)

    Chu Thập


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”