Đảo quốc Nauru: khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt!

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đảo quốc Nauru: khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt!

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đảo quốc Nauru: khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt!





    Mới đây đảo quốc nhỏ bé mất hút trong Thái Bình Dương là Nauru đã làm cho người khổng lồ Trung Cộng phải giận dữ. Số là tại Hội nghị của Diễn Đàn Các Đảo Quốc Thái Bình Dương gọi tắt là PIP (Pacific Islands Forum) được tổ chức tại Nauru hồi đầu tháng Chín vừa qua, trưởng đoàn ngoại giao của Trung Cộng tại Hội nghị đã yêu cầu ban tổ chức phải sắp xếp cho mình được phát biểu đầu tiên. Trung Cộng muốn được ưu tiên như thế vì đã bỏ ra gần hai tỷ Mỹ tim để viện trợ cho nhiều nước thuộc Diễn Đàn Các Đảo Quốc Thái Bình Dương. Nhưng vốn là nước chủ nhà, lại không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Cộng, cho nên Nauru đã thẳng thừng bác bỏ đòi hỏi này của Trung Cộng. Được biết Nauru vẫn giữ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, một nước mà Trung Cộng chỉ xem như một tỉnh phản loạn. Vì Nauru không có quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Cộng cho nên tổng thống nước này, ông Baron Waqa đã xem thái độ của trưởng đoàn ngoại giao Trung Cộng là “xấc xược” và “lợi dụng sức mạnh để bắt nạt”.

    Thế giới có lẽ biết đến Nauru qua thái độ cứng rắn của tổng thống nước này trước lối hành xử “xấc xược” của Trung Cộng. Nhưng tên của Nauru lại quá quen thuộc với người dân Úc, bởi vì nói đến Nauru, ai cũng nghĩ ngay đến trung tâm giam giữ người tầm trú tại Nauru do Chính phủ Úc cho thiết lập và trả tiền cho Chính phủ Nauru để quản lý. Trung tâm giam giữ người tầm trú Nauru nổi tiếng không những vì một chính sách di trú gây tranh cãi của Chính phủ Úc, mà còn vì đây là nguồn thu nhập chính của Nauru.

    Trước đây nền kinh tế èo uột của Nauru chỉ dựa vào việc khai thác quặng mỏ phosphate. Với dân số chỉ vỏn vẹn có 10.000 dân, vậy mà kể từ thập niên 1970, khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt, nền kinh tế của Nauru hầu như đang trên đà sụp đổ.

    Hiện dưới lòng biển Nauru vẫn còn những quặng mỏ có chứa một số kim khí như nickel, cobalt và manganese là những chất rất cần cho kỹ nghệ năng lượng sạch. Đây có thể là cái phao cứu hộ cho một nền kinh tế đang hấp hối. Nhưng phải chờ cho đến năm 2025, một số công ty ngoại quốc như DeepGreen của Gia Nã Đại mới khởi công khai thác.

    Trong khi chờ đợi, Nauru chỉ còn biết trông chờ vào một nguồn thu nhập èo uột từ trung tâm giam giữ người tầm trú do Úc Đại Lợi cho thiết lập trên chính lãnh thổ của mình. Kể từ năm 2013, khi trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú được mở cửa trở lại, Úc Đại Lợi đã và đang cung cấp khoảng hai phần ba tổng sản lượng của Nauru trị giá khoảng 170 triệu Mỹ kim. Đây là tiền viện trợ cũng như phí tổn phải trả cho Chính phủ Nauru để mướn đất và thuê người quản lý trung tâm.

    Tuy nhiên, con số người tầm trú được Chính phủ Úc đưa đến trung tâm giam giữ và thanh lọc tại Nauru ngày càng thưa dần. Một số được đi định cư ở Mỹ, một số được đưa trở lại Úc. Trung tâm ngày càng trống, điều đó có nghĩa là thu nhập của Nauru cũng ngày càng ít hơn. Nền kinh tế vốn đang sống dựa vào thu nhập này lại phải lao đao.

    Trước đây, Nauru vốn là một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới nếu tính theo thu nhập đầu người. Nhưng nay, đảo quốc này chỉ còn gợi lên cho thế giới lịch sử của một thời thực dân bóc lột, đê tiện và quản lý kém.

    Năm 1968, Úc Đại Lợi trao lại chủ quyền cho Nauru sau khi Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Anh Quốc đã khai thác đến cạn kiệt quặng mỏ phosphate của nước này và gây ra những thảm họa tồi tệ nhất về môi sinh.

    Được biết đến với tên chính thức là Cộng hòa Nauru, quốc gia hải đảo này đã từng là nơi định cư của người Micronesia và Polynesia từ cả một ngàn năm trước Công nguyên. Vào Thế kỷ 19, Nauru bị sáp nhập và xem như một thuộc địa của Đế quốc Đức. Sau Đệ nhất Thế chiến, Nauru được giao ba nước Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Vương quốc Anh đồng cai trị. Trong thời Đệ nhị Thế chiến, Nauru bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng. Sau chiến tranh, Nauru được giao cho Liên Hiệp Quốc điều hành và năm 1968, nước này mới chính thức trở thành một quốc gia độc lập.

    Thoạt nhìn, Nauru trông chẳng khác nào một thiên đàng trong Thái Bình Dương. Nhưng việc khai thác phosphate đã biến Nauru thành một vùng đất lồi lõm không những không còn phù hợp cho việc canh tác mà cũng khó khăn cho cả việc xây cất.

    Ít nhất hai lần, vào năm 1963 và năm 1970, Chính phủ Úc đã đề nghị đưa 10.000 dân Nauru đến định cư tại một vùng đảo ngoài khơi tiểu bang Queensland, nhưng kế hoạch này đã bị dân chúng Nauru phản đối.

    Vào cao điểm, thu nhập từ quặng mỏ phosphat có thể lên đến 1.7 tỷ Úc kim. Nhưng kể từ ngày Nauru được độc lập, khoản thu nhập này đã bị phung phí.

    Vào khoảng năm 2002, lấy lý do đồng Úc kim xuống giá, Nauru tuyên bố phá sản và không đủ khả năng để trả nợ. Tài sản ở nước ngoài như tòa nhà Nauru House tại Melbourne và Downtowner Motel tại Carlton và Khách sạn Mercure tại Sydney bị truất hữu. Nhiều chính phủ kế tiếp nhau vừa tham nhũng vừa tiêu pha công quỹ một cách hoang phí. Ngân hàng Trung ương vỡ nợ, bất động sản ở hải ngoại bị truất hữu, ngay cả máy bay cũng bị tịch thu ngay trên phi đạo.

    Trong tình thế tuyệt vọng như thế, Nauru chỉ còn biết đưa ra lá bài “chủ quyền quốc gia”. Trong thập niên 1990, quốc gia hải đảo này đã biến thành một nơi rửa tiền. Chính phủ Nauru bán tất cả những gì còn bán được như sổ thông hành, thông hành ngoại giao với quyền miễn tố. Khách hàng của Nauru dĩ nhiên là Mafia Nga và ngay cả tổ chức khủng bố Al-Qaida. Chỉ trong năm 1998, đã có khoảng 70 tỷ Úc kim của Mafia Nga được rót vào các ngân hàng của Nauru.

    Năm 2002, cùng với Ukraine, Nauru đã bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách những nước chuyên rửa tiền và bị áp đặt những trừng phạt kinh tế nặng nề. Theo Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ, Nauru nổi tiếng về việc cho phép thành lập những ngân hàng ma.

    Phải mất một thời gian điều tra và làm việc với Chính phủ Nauru, Cơ quan Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế gọi tắt là FATF mới có thể đưa nước này trở lại “khuôn phép” của thế giới tài chính thế giới. Năm 2002, Nauru đã thông qua luật chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Các ngân hàng ma cũng nhanh chóng bị xóa sổ.

    Tuy nhiên, năm 2016, nại lý do Nauru chưa tuân thủ các quy định của thế giới về việc rửa tiền, ngân hàng Westpac đã gởi thư cho các khách hàng để loan báo rằng ngân hàng chấm dứt các dịch vụ tại Nauru. Hiện nay tại Nauru ngân hàng duy nhất còn hoạt động là ngân hàng Bendigo, vốn chỉ mới khai trương vào năm 2015.

    Cách đây vài tuần lễ, Bộ trưởng Tài chính Nauru, ông David Adeang, loan báo rằng Nauru hoàn toàn tuân thủ các quy định về an ninh tài chính và thuế khóa của Ủy ban Âu Châu và đã được đưa ra khỏi danh sách những nước chuyên rửa tiền.

    Bộ trưởng Tài chính Nauru khẳng định rằng kể từ khi ông Waqa được bầu làm tổng thống, Nauru đã nỗ lực để gỡ lại danh dự vốn đã bị làm cho hoen ố bởi các chính phủ trước vì tham nhũng.

    Kinh tế của Nauru cũng đã có phần khởi sắc kể từ năm 2013 nhờ cho phép Úc tái lập trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trù trên lãnh thổ của mình.

    Chính phủ Úc Đại Lợi đã thử nghiệm việc giam giữ và thanh lọc người tầm trú tại Nauru kể từ năm 2001, sau biến cố thường được mệnh danh là cuộc khủng hoảng Tàu Tampa. Tháng Tám năm 2001, một chiếc tàu hàng của Na Uy tên là MV Tampa vớt 433 thuyền nhân, phần lớn là người Hazara từ A Phú Hãn. Chính phủ Úc đã từ chối thỉnh cầu của Tàu Tampa được phép đi vào lãnh hải Úc. Do đó, khi tàu Tampa đi vào lãnh hải Úc, Thủ tướng John Howard đã ra lệnh cho lực lượng đặc nhiệm của Úc xông lên tàu. Chính phủ Na Uy đã nại đến công pháp quốc tế để tố cáo chính phủ không thi hành nghĩa vụ phải cứu giúp những người đang gặp nạn trên biển. Chỉ vài ngày sau đó, Chính phủ Úc đã thông qua Luật bảo vệ biên giới (Border Protection Bill) theo đó, để khẳng định chủ quyền của mình, Úc Đại Lợi có quyền “quyết định ai được phép vào và cư ngụ tại Úc Đại Lợi”. Song song với luật này, chính phủ Úc cũng đưa ra điều được gọi là “Giải pháp Thái Bình Dương” (Pacific Solution) theo đó người tầm trú sẽ được đưa qua Đảo quốc Nauru để được thanh lọc. Úc Đại Lợi đã thương lượng với Chính phủ Nauru và Papua New Guinea để thành lập hai trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú.

    Tại Nauru, trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú đã hoạt động cho đến năm 2007. Trong suốt thời gian này, việc thanh lọc cho thấy hầu hết những người tầm trú không phải là những người phạm pháp hay khủng bố, mà là những người đã trốn chạy các cuộc bách hại cần được bảo vệ. Phần lớn đã được cho tái định cư tại Úc Đại Lợi.

    Dưới thời Chính phủ Lao Động, trung tâm giam giữ và thanh lọc người tầm trú tại Nauru được mở cửa trở lại. Năm 2012, khi trở lại cầm quyền, Chính phủ Liên Đảng cũng tiếp tục cùng một chủ trương, nghĩa là giam giữ người tầm trú tại Nauru với hy vọng họ sẽ bỏ cuộc và xin định cư tại đảo quốc này. Chính sách này bị chỉ trích từ nhiều phía. Các ký giả ngoại quốc không được phép vào trung tâm để làm phóng sự.

    Việc giam giữ người tầm trú tại Nauru rất tốn kém. Năm 2017, một Ủy ban Thượng viện Úc nhận được một bản phúc trình cho biết kể từ năm 2012, việc giam giữ người tầm trú tại Nauru và đảo Manus của Papua New Guinea (PNG) đã ngốn của ngân sách liên bang ít nhất 5 tỷ Úc kim.

    Từ số tiền khổng lồ này chỉ có một số nhỏ góp phần vào việc phát triển kinh tế của Nauru và PNG. Phần lớn được chi cho việc bảo trì, trả lương cho nhân viên làm việc trong trung tâm, phí tổn pháp lý và y tế v.v.

    Nhưng dù sao Nauru vẫn là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất. Chính phủ Nauru nhận được tiền cho việc định cư người tầm trú, các dịch vụ công cộng, công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nói chung, kinh tế của Nauru gia tăng nhờ trung tâm giam giữ người tầm trú.

    Kinh tế của Nauru hầu như hoàn toàn lệ thuộc vào Úc Đại Lợi và chính sách giam giữ người tầm trú tại Nauru của nước này. Ngân sách 2018-2019 của Nauru cho thấy Úc Đại Lợi phải gánh lấy ít nhất hai phần ba thu nhập của Nauru. Năm vừa qua, sự đóng góp của Úc vào tổng sản lượng của Nauru lên đến 165 triệu Úc kim. Ngoài ra, trong năm tài khóa 2018-2019, Úc viện trợ cho Nauru 26 triệu Úc kim.

    Khách du lịch Úc cũng mang lại một sức sống mới cho hãng hàng không Nauru Ailines. Hiện nay, Ngân hàng Phát triển Á Châu và Úc Đại Lợi đang tài trợ cho Nauru để tân trang hải cảng duy nhất của Nauru. Trong khi chờ đợi, phương tiện di chuyển duy nhất để đến quốc gia hải đảo này là máy bay.

    “Lộ phí” hàng không hiện đang là một nguồn thu nhập đáng kể đối với Nauru. Nhưng một khi nguồn khoáng sản đã cạn kiệt, một khi chỗ dựa là trung tâm giam giữ người tầm trú không còn hoạt động nữa, thì liệu nguồn thu nhập từ “lộ phí” hàng không có đủ để vực dậy nền kinh tế của quốc gia hải đảo này không?


    Đoàn Thi


    (theo: https://www.theguardian.com/world/2018/ ... -rags-tale)


    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”