Đức quốc: giáo dục chống chủ nghĩa cực đoan

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5416
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đức quốc: giáo dục chống chủ nghĩa cực đoan

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đức quốc: giáo dục chống chủ nghĩa cực đoan





    Chemnitz là thành phố lớn thứ ba của Tỉnh bang Saxony, miền Đông Đức Quốc, sát biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Tiệp. Từ năm 1953 đến năm 1990, thành phố này thường được mệnh danh là Karl-Marx-Stadt, nghĩa là thành phố của Karl Marx, ông tổ của chủ nghĩa Marxít. Được đặt tên theo Karl Marx bởi vì thành phố này là một trong những thành phố của Đức được kỹ nghệ hóa rất sớm và do đó cũng có một lịch sử lâu dài về phong trào lao động.

    Mới đây, thành phố Chemnitz đã được các cơ quan truyền thông tại Đức cũng như nước ngoài chú ý tới. Tối thứ Bảy ngày 25 tháng Tám 2018 vừa qua, một nhóm đàn ông trong thành phố đã có một cuộc cãi vã nhau. Không ai biết nguyên do và nội dung của cuộc cãi vã, nhưng bất thần một người trong nhóm đã rút từ trong túi ra một con dao. Cuộc cãi vã đã biến thành bạo động và kết quả là ba người bị thương và một người đã chết sau khi được mang vào nhà thương để chữa trị. Không mấy chốc, câu chuyện đã được loan truyền lên các trang mạng xã hội và dân tộc tính của những người nhóm đàn ông được làm nổi bật. Người bị đâm chết là một người Đức da trắng 35 tuổi. Hai người bị tình nghi gây ra án mạng là một người Syria 23 tuổi và một người Iraq 22 tuổi.

    Sang ngày thứ Hai, 2 nghi phạm đã bị bắt giữ và bị gán cho tội ngộ sát. Chi tiết của biến cố và những động lực đàng sau cuộc xô xát chưa được biết rõ. Phía Công tố vẫn giữ thinh lặng. Tuy nhiên, các nhà điều tra nói rằng việc đâm chém không phải là một hành động tự vệ.

    Ngày chủ nhật , tức sáng ngày sau khi xảy ra án mạng, một nhóm “côn đồ” (hooligan) cực hữu đã loan báo địa điểm và giờ giấc của một cuộc họp mặt của những “ủng hộ viên và cảm tình viên” để cho mọi người thấy “ai là người ngồi ở ghế sau trong thành phố”, nghĩa là ai mới thực sự là người làm chủ tình hình trong thành phố.

    Liền sau khi lời loan báo của nhóm cực hữu được phổ biến, đã có 800 người xuất hiện. Trong số này có rất nhiều thành phần thuộc nhóm cực hữu trong thành phố. Những thước phim được ghi lại cho thấy những người biểu tình không những đe dọa mà còn rượt đuổi bất cứ người nào họ cho là người ngoại quốc.

    Qua ngày thứ Hai, Chính phủ Đức đã lên tiếng tố cáo hành động xách nhiễu của nhóm cực hữu. Chính phủ Đức nói rằng một hành động như thế “không thể diễn ra trên các đường phố của chúng ta”.

    Cảnh sát đã nhận được nhiều lời than phiền. Một thiếu nữ Đức 15 tuổi và người bạn A Phú Hãn 17 tuổi của cô nói rằng họ đã bị tấn công. Một thanh niên Syria 18 tuổi cho biết anh đã bị hành hung. Và một người đàn ông Bảo Gia Lợi 30 tuổi cũng tố cáo rằng ông đã bị bắt giữ và đe dọa. Các thước phim thu được cũng cho thấy những người biểu tình còn tấn công ngay cả các cảnh sát viên. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để tái lập trật tự.

    Cũng trong ngày thứ Hai, hàng ngàn người đã tập trung tại trung tâm thành phố Chemnitz. Cảnh sát ước tính số người biểu tình ủng hộ nhóm cực hữu lên đến 6000 người. Trong khi đó cũng có khoảng 1.500 người khác tập trung lại để phản đối nhóm cực hữu. Những người này được cho là thuộc nhóm tả khuynh. Hai bên đã ném pháo, ve chai và ngay cả thuốc nổ vào nhau. Cảnh sát đã phải huy động đến 600 nhân viên và sử dụng súng nước để chống lại đám biểu tình.

    Các thước phim quay được cũng cho thấy những người biểu tình thuộc nhóm cực hữu đã giơ tay chào theo kiểu Đức Quốc Xã. Cảnh sát đã tiến hành truy tố ít nhất 10 vụ bạo động. 18 người thuộc cả hai phía và hai cảnh viên đã bị thương tích. 4 người biểu tình thuộc nhóm cực hữu bị tấn công và bị thương khi đang trên đường về nhà. Có người phải được đưa vào bệnh viện để chữa trị.

    Các chính trị gia Đức đã có những phản ứng khác nhau trước cuộc bạo động. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Deutschlandfunk, Alexander Dierks, Tổng thư ký của Đảng Dân Chủ Kitô Giáo tại Tỉnh bang Saxony, bác bỏ những cáo buộc cho rằng chính quyền tiểu bang đã xem thường mối đe dọa từ nhóm cực hữu. Đề cập đến cuộc bạo loạn trong thành phố Chemnitz, ông nói rằng cảnh sát tiểu bang đã được chuẩn bị để đối phó và đã thực sự thi hành luật pháp và tái lập trật tự.

    Về phần mình, ông Atila Karaborlu, đại diện của Cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, một trong những người đã phải khiếp sợ trước cảnh hàng ngàn người biểu tình thuộc nhóm cực hữu diễn hành xuyên qua thành phố Chemnitz, nói rằng “Kể từ thập niên 1990, rất tiếc là những cuộc tấn công như thế (nhắm vào người ngoại quốc) đã diễn ra liên tục trong xứ sở của chúng ta”.

    Ông Karaborklu nhắc đến cuộc bạo động tại Rostock-Lichtenhagen hồi năm 1992. Cuộc bạo động đã diễn ra nhiều ngày và làm cho một trung tâm tiếp cư người tầm trú bị đốt cháy. Theo người đại diện cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, “có liên hệ giữa những cuộc bạo động trong thập niên 1990 và thái độ thụ động của chính quyền cũng như giữa những cuộc sát nhân do Tổ chức Đức Quốc Xã Thầm Lặng chủ trương và thái độ của chính phủ vốn xem các nạn nhân như tội nhân”.

    Tỉnh trưởng Tỉnh bang Saxony, ông Michael Kretschmer thì lại khẳng định rằng chính quyền tiểu bang sẽ không để cho mình bị tước đoạt quyền hành. Ông gọi nhóm cực hữu là những người gieo rắc hận thù.

    Về phần mình, Chính phủ Đức cũng đã tỏ rõ lập trường cứng rắn đối với nhóm cực hữu. Bộ trưởng Tư pháp Đức, bà Katarina Barley, tuyên bố với báo Handerlsblatt rằng bất cứ ai đe dọa và tấn công người khác cũng như khích động chống lại các nhóm thiểu số phải “bị tức khắc truy tố ra trước pháp luật. Bà khẳng định rằng sẽ không bao giờ để cho “việc xách nhiễu và thói côn đồ” diễn ra tại Đức.

    Riêng Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel tuyên bố: “Không nên để cho bạo động xảy ra ở bất cứ công trường và đường phố nào”.

    Tỉnh bang Saxony đã nổi tiếng về những vụ bạo động. Trong nhiều năm qua, tỉnh bang có 4 triệu dân này đã bị hoen ố vì những cuộc bạo động do các nhóm cực hữu và bài ngoại tổ chức. Tổ chức khủng bố Tân Đức Quốc Thầm Lặng từ lâu đã ẩn núp trong tỉnh bang này. Họ chỉ được vạch mặt chỉ tên vào năm 2011. Còn phong trào cực hữu có tên là PEGIDA thì lại thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình tại thành phố Dresden kể từ năm 2014. Năm 2015, tại một thành phố khác trong Tỉnh bang Saxony là Heidenau, những người tranh đấu cực hữu đã đụng độ với cảnh sát vì một trung tâm tiếp cư người tỵ nạn đã được thành lập trong một nhà kho cũ.

    Đầu tháng Tám 2018 vừa qua, cảnh sát Saxony đã bị chỉ trích vì đã ngăn cản một toán phóng viên truyền hình đến làm phóng sự về một cuộc biểu tình chống Thủ tướng Merkel. Một trong những người biểu tình đã đứng ra phản đối sự hiện diện của toán phóng viên. Về sau người ta mới biết người này là một nhân viên cảnh sát.

    Thật ra cực đoan và bài ngoại không chỉ là vấn đề riêng của Tỉnh bang Saxony. Những cuộc tấn công nhắm vào người di dân và ngoại quốc đã xảy ra trên toàn nước Đức. Theo tổ chức bênh vực người tầm trú Pro Asyl và Sáng hội Amadeu Antonio Foundation, hồi năm ngoái, đã có tổng cộng 1.713 vụ tấn công nhắm vào người tỵ nạn. Chỉ riêng trong Tỉnh bang Saxon có đến 240 vụ. Nhưng nhìn chung, con số các vụ tấn công nhắm vào người tỵ nạn đã có phần thuyên giảm.

    Chính phủ Đức đang nỗ lực giáo dục dân chúng, nhất là giới trẻ chống lại chủ nghĩa cực đoan. Một tuần sau khi xảy ra vụ bạo động tại thành phố Chemnitz, bà Franziska Giffey, Bộ trưởng Gia đình đã đến thăm thành phố này. Vị bộ trưởng được xem là trẻ nhất trong nội các của Thủ tướng Merkel đã nói chuyện với các đại diện của xã hội dân sự về sự cần thiết phải có một nền công dân giáo dục tốt hơn. Trong cuộc thảo luận với các đại diện dân sự, Bộ trưởng Gia đình Đức nhấn mạnh rằng công dân muốn chính phủ phải làm việc với giới trẻ để đề phòng chủ nghĩa cực đoan và giáo dục họ về dân chủ. Bà cũng nói rằng bà hiểu được nguyện vọng của người dân là phải được cảm thấy an toàn trên đường phố.

    Theo bà Giffey, đã đến lúc Chính phủ Đức cần phải có một luật về giáo dục về dân chủ và các giá trị, nhờ vậy giới trẻ mới thấy được họ cũng là công dân trong một cộng đồng.

    Nhưng theo ông Franz Knoppe, chủ tịch của một tổ chức giáo dục văn hóa địa phương, cần phải đưa vào các trường học những chương trình để giúp học sinh học cách thực tập những tiến trình dân chủ.

    Từ hàng chục năm qua, Chính quyền Tỉnh bang Saxony chưa bao giờ đặt vấn đề công dân giáo dục như thế trong các trường học. Đây là lý do khiến cho các cơ cấu Tân Đức Quốc Xã đã thành hình trong tỉnh bang.

    Trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, Đảng Cực Hữu có tên là Alternative for Germany (AFD) đã chiếm được 27 phần trăm số phiếu tại Tỉnh bang Saxony, qua mặt Đảng Dân Chủ Kitô Giáo của bà Merkel.

    Điều gì đã khiến cho nhiều người chạy theo phong trào cực đoan bài di dân và bài ngoại trong Tỉnh bang Saxony? Có lẽ cần phải nhìn lại lịch sử để tìm câu trả lời. Về mặt kinh tế, Đông Đức lúc nào cũng lẹt đẹt chạy theo sau Tây Đức. Nhưng theo các nhà nghiên cứu, đó chưa hẳn là lý do khiến cho nhiều người dân ở Saxony chạy theo chủ nghĩa cực đoan.

    Một cuộc nghiên cứu hồi năm ngoái đã chỉ ra rằng chính tâm thức mà Chế độ Cộng sản Đông Đức đã tạo ra khiến cho người dân Đông đức ngày nay có thái độ bài ngoại. Theo kết quả của cuộc nghiên cứu, người dân Đông Đức đã từng được nhồi sọ về nhu cầu phải có sự hài hòa hòa, tập thể, trật tự và tinh ròng về bản sắc dân tộc. Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng người dân Đông Đức vẫn không muốn xóa bỏ quá khứ của thời cộng sản cũng như di sản Đức Quốc Xã cho nên hễ gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, họ đổ lỗi cho người ngoại quốc.

    Dĩ nhiên, hơn bất cứ tiểu bang nào khác ở Đức Quốc, Saxony là nơi chủ nghĩa cực đoan, cách riêng Tân Đức Quốc dễ hồi sinh và hình thành hơn cả là bởi di sản cộng sản cũng như tình hình kinh tế yếu kém. Tuy nhiên, theo một số phân tích gia, chính chính quyền tỉnh bang Saxony, vốn do Đảng Dân Chủ Kitô Giáo lãnh đạo trong một thời gian dài, đã không lưu tâm đến vấn đề và do đó không hành động đủ để ngăn chận sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan.

    Đoàn Thi

    (theo:
    -https://www.dw.com/en/violence-in-chemn ... -of-events
    -https://www.dw.com/en/in-chemnitz-minis ... -extremism)


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”