Rác nhựa

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Rác nhựa

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Rác nhựa





    Chỉ mới hơn một thế kỷ trước đây thôi hầu như không ai nghe nói tới nhựa là cái gì. Nhưng nay những sản phẩm chế tạo từ nhựa có mặt ở khắp nơi, đóng một vai trò mật thiết trong đời sống của chúng ta, từ những thiết bị y khoa dùng để cứu người tới những vật liệu nhẹ dùng để chế tạo trong xe hơi, trong máy vi tính, điện thoại, những túi xách đi chợ, thậm chí trong những phi thuyền không gian, vân vân và vân vân.

    Với tất cả những tiện nghi mà nhựa mang lại thì cũng chính nó đã và đang trở thành một tai hoạ cho môi trường – đặc biệt là các đại dương trên trái đất, được ví như đoạn cuối của hệ thống cống rãnh của thế giới nơi rác tuôn về.

    Trong tổng số sản phẩm làm bằng nhựa, có tới 40 phần trăm trong số đó chỉ được dùng một lần rồi vất đi, trở thành rác trôi theo các đường nước. Một số làm nghẹt đường cống thoát nước, một số khác trôi ra biển, theo các dòng hải lưu chu du khắp nơi rồi tấp vào bất cứ bờ biển nào đó.

    Có một nhóm nhà nghiên cứu đã từng đến một hòn đảo nhỏ tí xíu nằm giữa Thái Bình Dương có tên là đảo Henderson, không người ở, nằm cách những đô thị lớn đông người gần nhất cũng 3,000 dặm. Mặc dù diện tích của đảo Henderson chỉ bằng một nửa khu vực Manhattan của thành phố New York, ở đó có hơn 19 tấn rác, hầu hết là nhựa, phủ đầy dọc khắp bờ biển cát trắng mịn của hòn đảo, biến nó thành một trong những nơi chứa rác của thế giới.

    Các nhà nghiên cứu phỏng đoán nơi đây có số lượng rác tập trung cao nhất so với bất cứ nơi nào trên thế giới, với tổng cộng hơn 37 triệu mảnh rác nằm vương vãi trên hòn đảo bé tí này. Tính ra cứ mỗi một mét vuông, các nhà nghiên cứu tìm thấy trung bình có 672 mảnh rác. Và cứ mỗi một mảnh rác người ta nhìn thấy trên bề mặt thì có hai mảnh khác nằm vùi bên dưới lớp cát trắng. Nhìn hình ảnh bờ biển đảo Henderson đầy rác như trên thì người ta cũng có thể mường tượng ra số lượng rác tuôn ra biển nhiều tới cỡ nào.

    Có người tưởng tượng ra câu chuyện rằng nếu như nhựa được phát minh ra vào lúc các di dân Pilgrims giong buồm đi từ Plymouth, Anh Quốc qua Bắc Mỹ – và trên con tàu Mayflower đó mang theo nước uống và thức ăn đựng trong những chai và bao bằng nhựa – thì những thứ rác nhựa đó đến nay, bốn thế kỷ sau, vẫn còn lênh đênh trên mặt nước hay táp vào một bờ biển nào đó và vẫn chưa hoàn toàn bị phân huỷ.
    Nếu những di dân Pilgrims đó cũng có thói quen giống như nhiều người trong chúng ta ngày nay là ăn uống xong thì vất những chai và bao nhựa đó xuống ngay nơi đang đứng. Sóng của biển và ánh nắng mặt trời sẽ làm vỡ những thứ rác nhựa đó ra thành những mảnh vụn rất nhỏ. Và những mảnh vụn đó đến nay có thể vẫn trôi lênh đênh quanh khắp các mặt biển trên thế giới, hút những độc tố thêm vào những độc tố đã có sẵn trong rác nhựa rồi chờ đó để những loài cá loài sò vô tư không hay biết ăn vào những rác độc đó, và cuối cùng là chính chúng ta lại ăn những loài cá sò đó.

    Cũng may là di dân Pilgrims thời đó chưa có nhựa. Là vì mãi đến cuối thế kỷ 19 con người mới phát minh ra nhựa, và việc sản xuất nhựa mới chỉ thật sự tăng mạnh khoảng thập niên 1950, và đến nay đã có gần 9.2 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất. Trong số đó, hơn 6.9 tỷ tấn trở thành rác. Và trong số rác đó, có khoảng 6.3 tỷ tấn là không đến được thùng tái chế – một con số không chỉ làm cho các nhà khoa học mà ngay cả bất cứ ai quan tâm đến môi trường cũng phải kinh ngạc.

    Không ai biết rõ là có bao nhiêu tấn rác nhựa không được tái chế đó đã trôi ra biển. Năm 2015, giáo sư Jenna Jambeck, thuộc Đại học Georgia, đã gây được sự chú ý của mọi người khi bà đưa ra một con số phỏng chừng từ 5.3 đến 14 triệu tấn rác nhựa đổ ra biển mỗi năm chỉ từ những khu vực duyên hải của thế giới. Hầu hết trong số rác đó không phải do thuỷ thủ vất xuống từ trên những tàu bè đi biển mà do người ta xả một cách cẩu thả trên đất liền hoặc trong những sông rạch, phần lớn là ở khu vực châu Á. Sau đó bị gió thổi hay nước cuốn trôi ra biển. Thử tưởng tượng cứ mỗi một bộ Anh (foot) đường biển quanh thế giới là có năm túi nhựa đi chợ đựng đầy rác nhựa nằm ở đó – tính ra là vào khoảng 8.8 triệu tấn rác nhựa, con số phỏng đoán trung bình của giáo sư Jambeck, mà con người thải ra biển mỗi năm. Hiện vẫn chưa rõ phải mất bao lâu thì rác nhựa mới hoàn toàn phân huỷ và tan vào trong nước biển. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính phải mất ít nhất 450 năm.

    Trong khi đó, rác nhựa ở biển ước tính giết chết hàng triệu sinh vật biển mỗi năm. Gần 700 giống loại, bao gồm nhiều loại có nguy cơ tuyệt chủng, được biết là bị ảnh hưởng bởi rác nhựa gây ra. Chỉ một số ít thiệt hại được thấy bằng mắt – như trường hợp bị vướng mắc vào lưới cá do ngư dân vất lại. Số đông thiệt hại khác không thấy được bằng mắt. Những sinh vật biển đủ mọi kích cỡ, từ loại bé xíu như sò ốc đến khổng lồ như cá voi, nay đang ăn những mảnh vụn nhựa trong nước biển mà chúng tưởng là thức ăn. Những mảnh vụn đó còn nằm lẫn lộn trong cát trên vô số bờ biển, không chỉ ở những hòn đảo xa như Henderson mà ngay cả những hòn đảo gần ở trong khu vực Hawaii, mà người đi bộ đạp lên có cảm giác lạo xạo như đang đi trên một lớp gạo vậy.

    Trong một đoạn video dài tám phút trên YouTube, được nhiều chục triệu người xem, quay lại cảnh một nhà sinh vật học đã dùng một chiếc kìm nhỏ để lôi một chiếc ống hút bằng nhựa bị kẹt trong mũi của một chú rùa biển. Chú rùa giãy dụa đau đớn, máu trào ra từ trong mũi. Tám phút dài đau đớn đó làm nhiều người không đủ can đảm để coi cho đến hết. Nhưng rồi cuối cùng nhà sinh vật học cũng đã lôi được chiếc ống hút nhựa dài khoảng một tấc ra khỏi ống mũi của chú rùa.

    Những cảnh thật sống động như đoạn video trên cho thấy rõ sự tác hại của rác nhựa lên những sinh vật sống ngoài thiên nhiên: Một con hải âu nằm chết, bụng vỡ ra với đầy rác nhựa. Một con rùa bị kẹt trong một chiếc vòng bằng nhựa, mai của nó bị bóp thành eo sau nhiều năm vướng trong chiếc vòng nhựa quá chắc đó. Một con hải cẩu bị mắc trong một chiếc lưới cá bị vất trên biển.

    Tuy nhiên, ở hầu hết những lần khác, sự thiệt hại thường không trông thấy được. Như một số giống chim biển làm tổ trên những hòn đảo nằm ngoài khơi Úc và New Zealand, đã ăn phải nhiều những mảnh nhựa vụn hơn so với những giống sinh vật biển khác. Các nhà nghiên cứu nói rằng những mảnh vụn có góc nhọn cứa vào ruột có thể giết chết những giống chim đó trong một thời gian rất ngắn. Nhưng thông thường thì khi ăn những mạnh nhựa vụn đó làm cho chim lúc nào cũng cảm thấy như đói cồn cào.

    Trước đây, trong một thời gian khá lâu, các nhà khoa học đã mất khá nhiều công sức để tìm cách giải đáp một điều bí ẩn về số rác nhựa trên biển mà họ không hiểu đã biến đi đâu. Lý do đưa đến thắc mắc trên là vì số lượng nhựa được sản xuất trên thế giới đã tăng lên cấp số nhân – từ 2.3 triệu tấn vào năm 1950, tăng lên đến 162 triệu tấn năm 1993 và 448 triệu tấn năm 2015 – nhưng số rác nhựa trôi lênh đênh trên biển và tạt vào các bờ biển, mặc dù là con số báo động, nhưng dường như vẫn không tương đương bằng với số lượng tăng quá nhanh trong sản xuất. Câu hỏi là: Chúng biến đi đâu?

    Mãi về sau nhờ một nhà sinh thái học về biển có tên là Richard Thompson đi tìm tòi trên các bờ biển mới khám phá ra và có câu trả lời cho điều bí ẩn trên: Số lượng rác nhựa bị biến mất đó đã bị vỡ ra thành những mảnh vụn rất nhỏ khó có thể nhìn thấy được bằng mắt thường nếu không chú ý kỹ. Thompson gọi đó là những “mảnh nhựa li ti” (microplastic).

    Khi mới phát minh ra nhựa người ta đã gọi nó như một thứ phép màu vì vừa nhẹ lại vừa bền. Vì vậy trong lãnh vực nào người ta thấy cũng có thể dùng đến nhựa. Dùng nhiều thì phải sản xuất nhiều và do đó càng làm tăng nguy cơ cho các loài sinh vật, đặc biệt là sinh vật biển. Như trên đã nói, nhựa cần một thời gian nhiều thế kỷ mới phân hủy được, và nhiều loại nhựa dễ nổi trên mặt nước làm cá và chim tưởng là mồi ăn.

    Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu biết đầy đủ ảnh hưởng lâu dài của rác nhựa lên những sinh vật sống ngoài thiên nhiên, và thậm chí là ảnh hưởng lên chính cuộc sống của chúng ta. Là vì chúng ta vẫn chưa sử dụng nhựa trong một thời gian đủ dài để các nhà nghiên cứu thu thập đầy đủ tài liệu về ảnh hưởng của nó. Tài liệu đầu tiên ghi nhận về trường hợp của giống chim biển ăn những mảnh nhựa vụn là 74 xác hải âu non tìm thấy trên một đảo san hô ngoài Thái Bình Dương năm 1966, khi ấy lượng sản xuất nhựa chỉ bằng một phần hai mươi của ngày nay. Thế nên có người đã gọi rác nhựa ngoài biển giống như một bãi mìn mà nếu chẳng may đạp vào có thể nổ bất cứ lúc nào.

    Huy Lâm


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”