Đừng nghe, hãy nhìn …

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đừng nghe, hãy nhìn …

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Đừng nghe, hãy nhìn …




    Emad Hajjaj / Jordan




    Câu nói bất hủ của cố Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu giờ đây không chỉ riêng dân miền Nam mới nhớ và nhắc nhở mà đã trở thành ‘châm ngôn’ của tất cả người Việt trong nước. Điển hình như 1 nhà thơ suốt đời ở miền Bắc, Thái Bá Tân, năm nay đã ngoài 70 viết thế này:

    • Tôi không biết ông Thiệu,

      Yêu mến lại càng không,

      Nhưng buộc phải thừa nhận

      Một thực tế đau lòng,

      Rằng ông ấy nói đúng,

      Thời còn ở Miền Nam:

      “Đừng nghe cộng sản nói.

      Hãy xem cộng sản làm!”

      Tôi sống ở Miền Bắc

      Sáu mươi lăm năm nay,

      Và buộc phải thừa nhận

      Một thực tế thế này:

      Rằng ta, đảng, chính phủ,

      Thường hay nói một đàng

      Mà lại làm một nẻo.

      Nhiều khi không đàng hoàng...


    Chẳng riêng gì CSVN mà cứ Cộng sản nào thì cũng chung một bản chất. Đem ‘chân lý’ này ‘rọi’ vào chuyện bán đảo Triều Tiên thì thấy ngay!

    Trong khi công luận đang chờ đợi chứng kiến cuộc họp tay đôi giữa Chủ tịch CSBH Kim Jong-un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump dự trù sẽ diễn ra vào giữa tháng Sáu tại Singapore (dù cả hai bên chưa chính thức xác nhận hoặc tuyên bố gì) sau khi Kim Jong-un và Tổng Thống Nam Hàn Moo Jae-in có cuộc gặp mặt lịch sử tại khu vực Bàn Môn Điếm ngăn cách hai miền thì đột nhiên hôm Thứ Tư 16/5, Bình Nhưỡng hăm dọa hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh hai lãnh tụ Bắc Hàn –Hoa Kỳ vào tháng tới, nếu Hoa Thịnh Đốn đòi hỏi Bình Nhưỡng phải ‘đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân’ và ‘phải có hành động cụ thể chứng minh’.

    Hãng thông tấn chính thức của nhà nước Bắc Hàn KCNA trích lời Thứ trưởng Ngoại giao CSBH Kim Kye Gwan kịch liệt chỉ trích Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã ‘ngạo mạn’ đòi Bình Nhưỡng phải ‘cụ thể tiến hành chương trình giải trừ hạt nhân theo mô thức Libya’. Kim Kye Gwan gọi đó là ‘âm mưu đen tối’ nhằm đẩy Bắc Hàn vào cảnh ‘chịu chung số phận của Libya và Iraq trước kia’. Thứ trưởng Ngoại giao CSBH cũng bác bỏ đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là Hoa Kỳ sẵn sàng bảo đảm an ninh cho chế độ Bình Nhưỡng và viện trợ kinh tế cho Bắc Hàn nếu họ thực tâm thi hành chủ trương phi hạt nhân hóa.

    Bên cạnh đó, CSBH cũng tuyên bố ‘ngưng vô thời hạn cuộc gặp gỡ hàng cao cấp với Nam Hàn, theo lịch trình ấn định là ngày 16/5 để phản đối cuộc thao dượt quân sự thường niên phối hợp Hoa Kỳ -Nam Hàn mang tên Max Thunder.

    Bình Nhưỡng gọi cuộc tập trận này là hành động ‘gây hấn công khai’ với mục tiêu giả tưởng là ‘tấn công Bắc Hàn’. Cuộc thao dượt Max Thunder phối hợp Hoa Kỳ -Nam Hàn khởi sự hôm 11/5 với hàng trăm chiến đấu cơ, trong đó có cả loại chiến đấu cơ tối tân Raptor F22 có khả năng ‘tàng hình’ không bị radar phòng không khám phá –tuy nhiên không có các pháo đài bay B52 tham dự như một vài năm trước!

    Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay họ vẫn tiếp tục chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim và nói rằng không biết về bất kỳ thay đổi nào từ Bắc Hàn.

    Hoa Kỳ và Nam Hàn cùng nói cuộc tập trận hỗn hợp thường niên chỉ đơn thuần vì mục tiêu quốc phòng chứ không nhằm ‘khiêu khích hay gây hấn’ đối với Bình Nhưỡng!

    ***


    Hôm Chủ nhật 13/5/2018, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố “Hoa Kỳ sẵn sàng đưa ra đề nghị bảo đảm an ninh cho chế độ CS Bắc Hàn nếu Bình Nhưỡng thực lòng từ bỏ chương trình hạt nhân” .

    Trả lời cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Fox, Ngoại trưởng Pompeo thừa nhận là Hoa Kỳ ‘cần phải chấp nhận thỏa hiệp bảo đảm an ninh cho chế độ CS Bắc Hàn’, hay nói cách khác, Mỹ cam kết sẽ không toan tính nhằm lật đổ chế độ CS của Kim Jong-un. Ngoại trưởng Pompeo tỏ ý lạc quan rằng ‘nếu Bình Nhưỡng đồng ý giải trừ hoàn toàn khả năng nguyên tử thì đây là một thành quả lịch sử vì trên thực tế, suốt 25 năm qua không một Tổng Thống Mỹ nào có thể thuyết phục được những lãnh tụ CSBH tin rằng họ có thể ‘thỏa hiệp’được với Mỹ để từ bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy bảo đảm an ninh chính trị. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh là Hoa Kỳ chỉ sẵn sang cam kết như vậy với điều kiện Bình Nhưỡng phải ‘triệt để hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, với cách thức cụ thể có thể kiểm chứng được và với kết quả không thể đảo ngược’.

    Vì vậy, theo Ngoại trưởng Mỹ, cho tới khi có kết quả cuộc họp thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Donald Trump vào ngày 12/6 tới tại Singapore, lệnh trừng phạt kinh tế vẩn tiếp tục được duy trì cho đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa CS Bắc Hàn. Ông Pompeo tin rằng ‘giới lãnh đạo CS Bắc Hàn sẽ ‘chia sẻ’ mục tiêu này với Mỹ!

    Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, John Bolton cũng nhắc lại lời khuyến cáo Bình phải hoàn tất việc phi hạt nhân hóa trước khi nhận được viện trợ về kinh tế!

    Hãng thông tấn Nam Hàn Yonhap hôm 13/5/2018 loan tin, trong các cuộc thảo luận song phương để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong Un dự trù vào ngày 12/6/2018 tại Singapore, Hoa Kỳ yêu cầu CSBH phải chuyển ra khỏi lãnh thổ Bắc Hàn một phần vũ khí hạt nhân, các bộ phận của loại hỏa tiễn đạn đạo có thể tách rời. Việc vận chuyển những thứ này sang Hoa Kỳ để được giám sát phải được tiến hành trong những tháng tới, sau khi hoàn tất cuộc họp giữa Trump và Jong-un. Phía Mỹ khẳng định sẽ không giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế nếu lời yêu cầu trên không được đáp ứng.

    Rõ ràng phía Mỹ muốn nắm đằng chuôi vì không chấp nhận việc CSBH cam kết ngưng thử nghiệm hạt nhân và hỏa tiễn là đủ mà Mỹ muốn Bình Nhưỡng phải có hành động cụ thể nhiều hơn nữa để chứng tỏ thiện chí từ bỏ chương trình hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo.

    ***


    Trước đó, hôm 12/5 CSBH đã loan báo chi tiết kế hoạch phá bỏ khu thí nghiệm hạt nhân Punggye Ri. Chương trình phá dỡ khu thí nghiệm Punggye Ri dự trù bắt đầu trong khoảng ngày 23 đến 25/5. Bình Nhưỡng cho biết sẽ mời các phóng viên Nam Hàn, Trung Cộng, Nga, Mỹ và Anh đến theo dõi.

    Thông cáo của bộ Ngoại Giao CSBH về chương trình này khá chi tiết và cụ thể. Bước đầu tiên, các đường hầm của cơ sở thí nghiệm hạt nhân Punggye Ri sẽ được san lấp bằng thuốc nổ, các lối vào khu đường hầm sẽ bị chặn, các cơ sở quan sát và trung tâm nghiên cứu trên mặt đất sẽ bị phá hủy và cuối cùng, các chuyên viên nghiên cứu và lính canh sẽ được rút đi hết, và khu thí nghiệm chính thức đóng cửa. CSBH hứa sẽ cung cấp cho các nhà báo ngoại quốc mọi phương tiện cần thiết để quan sát và tường trình như cho phi cơ đón từ Bắc Kinh tới Wonsan, rồi di chuyển bằng xe lửa tới khu thí nghiệm nguyên tử Punggye Ri và sẽ có cả một trung tâm báo chí đầy đủ tiện nghi để các ký giả, phóng viên trú ngụ và làm việc.

    Ngay sau khi CSBH thông báo kế hoạch từng bước tháo dỡ trung tâm thí nghiệm nguyên tử Punggye Ri, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố (qua mạng xã hội twitter như ông vẫn thường làm liên tục từ khi lên cầm quyền đến nay) rằng (nguyên văn) “Bắc Hàn thông báo sẽ tháo dỡ trung tâm thử hạt nhân trong tháng này, trước thềm sự kiện thượng đỉnh ngày 12-6. Cảm ơn các bạn, đó là một cử chỉ rất thông minh và tử tế“. Tiếp theo đó, Văn phòng Tổng thống Nam Hàn cũng theo bước Tổng thống Trump khen ngợi Bắc Hàn rằng “điều này thể hiện thành tâm của Kim Jong-un phi hạt nhân hóa bằng hành động chứ không chỉ bằng lời nói”.

    Thế nhưng Bình Nhưỡng không nói rõ là họ có mời các nhà điều tra nguyên tử quốc tế đến quan sát không và quan trọng hơn nữa là có cho phép các chuyên viên kiểm soát quốc tế được hoạt động độc lập hay không?

    Nhiều chuyên viên quốc tế vốn có quá nhiều kinh nghiệm với Bắc Hàn đã tỏ ý nghi ngờ Bình Nhưỡng. Theo họ, nếu CSBH phá hủy cơ sở hạt nhân, mà không cho các nhà khoa học lấy mẫu nghiên cứu, có nghĩa là Bình Nhưỡng đã tiêu hủy mọi thông tin về các vụ thí nghiệm mà họ đã tiến hành.

    Một số nhà quan sát thì lưu ý rằng sau 6 lần thí nghiệm phản ứng hạt nhân, Bình Nhưỡng đã làm chủ được các công nghệ cần thiết và không cần thí nghiệm thêm nữa. Chính vì thế, theo các nhà quans át và chuyên viên này, cần đón nhận thông báo của CSBH (về việc tháo dỡ trung tâm Punggye Ri) một cách thận trọng’.

    Theo nhiều nhà quan sát, rất có thể Bình Nhưỡng đang quay lại chiến thuật quen thuộc “vừa đàm vừa dọa” và nhất định CSBH sẽ tận dụng việc từ bỏ một phần vũ khí nguyên tử làm ‘lá bài tẩy’ cho các cuộc thương lượng.

    Riêng nhà cựu ngoại giao CSBH Thae Yong Ho, từng là Phó Đại sứ Bắc Hàn tại Luân Đôn đã ly khai tỵ nạn tại Hán Thành từ hai năm qua, khẳng định ‘chế độ Bình Nhưỡng sẽ mãi mãi không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân vì đó chính là ‘cột trụ’ bảo vệ chế độ.

    Từ trước tới nay, suốt từ thời lãnh tụ tiền nhiệm Kim Jong-il, cha đẻ của Kim Jong-un , Bắc Hàn vẫn khăng khăng ‘cần phải tự vũ trang nguyên tử để chống lại âm mưu của Hoa Kỳ cố tìm cách bóp nghẹt kinh tế làm suy yếu Bắc Hàn để lật đổ nhà nước CS Bình Nhưỡng’!

    ***


    Chuyện nghi ngờ -hoặc khó lòng tin tưởng thiện chí của Bình Nhưỡng không phải là điều vô căn cứ. Trong thực tế, Bình Nhưỡng từng nhiều lần –chứ không phải một lần- đã đồng ý “kiến tạo hòa bình” và “từng bước tiến đến việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” ! Tháng 1/1992, theo quy định Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Bình Nhưỡng ký thỏa ước với Cơ quan nguyên tử năng quốc tế (IAEA), qua đó thanh sát viên IAEA được phép vào Bắc Hàn để kiểm tra hoạt động các nhà máy hạt nhân. Tuy nhiên, đầu năm 1993, Bắc Hàn dọa rút khỏi NPT. Năm 1994, cựu Tổng thống Jimmy Carter, thay mặt Tổng thống Bill Clinton, đến Bình Nhưỡng. thương thảo và Kim Jong-il hứa ngưng tất cả chương trình sản xuất hạt nhân. Một hiệp định khung được ký ngày 21/10/1994; theo đó, CSBH ngưng sản xuất plutonium, để đổi lại được giảm áp lực cấm vận kinh tế và được Mỹ giúp xây dựng hai nhà máy hạt nhân nước nhẹ để sản xuất năng lượng! Tuy nhiên, vài năm sau, Bình Nhưỡng tái hoạt động chương trình làm giàu uranium với kỹ thuật ly tâm mua được từ 1 từ khoa học gia Pakistan là A.Q. Khan . Từ thời điểm đó trở đi, cuộc khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng. Năm 2002, chỉ 2 năm sau chuyến thăm viếng Bình Nhưỡng của Tổng thống Nam hàn Kim Dae-kung, một phần trong chính sách Ánh Dương của ông này, Bình Nhưỡng lại trở mặt! Họ tháo dấu niêm phong của IAEA tại lò Yongbyon; tắt tất cả các camera giám sát trong Yongbyon và trục xuất thanh sát viên IAEA về nước. Ngày 10/1/2003, Bình Nhưỡng chính thức rút khỏi NPT và tái khởi động lò phản ứng 20 MWe tại Yongbyon.

    Phải mất thêm 5 năm, tới năm

    2007, công luận lại xôn xao với hy vọng “hòa bình” trở lại “trong tầm tay”, gần hơn bao giờ hết sau khi Tổng giám đốc IAEA, sau chuyến đi Bình NHưỡng ngày 14/3/2007 loan báo CSBH “tái cam kết” đóng cửa lò phản ứng hạt nhân chính, với điều kiện Hoa Kỳ phải hứa hủy lệnh trừng phạt tài chính. Trước đó một tháng, trong cuộc đàm phán 6 bên tại Bắc Kinh ngày 13/2/2007, Bình Nhưỡng đã hứa đóng cửa lò phản ứng 5 megawatt tại khu phức hợp hạt nhân Yongbyon; đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ được cung cấp thêm 950.000 tấn nguyên liệu nước nặng trong tổng cộng 1 triệu tấn (một nửa đòi hỏi của Bình Nhưỡng).

    Bình Nhưỡng cũng hứa mở cửa cho thanh tra IAEA trở lại giám sát và thỏa thuận tiếp tục bàn nhiều vấn đề trọng yếu, như bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Nhật. Nam Hàn hứa sẽ chủ tọa một diễn đàn về nhu cầu năng lượng cho CSBH (trong đó có yêu cầu sản xuất 2 triệu megawatt điện năng). Ngoài ra, sẽ có hội nghị quốc tế bàn về một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn, thay thế hiệp ước đình chiến ký tháng 7/1953 tại Bàn Môn Điếm. Lúc bấy giờ, nhiều nhà quan sát đã lạc quan nghĩ rằng “CSBH đã thay đổi chỉ muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ và có thể có một quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ” .

    Ngày 8/8/2007 tin chính thức từ cả Bình Nhưỡng lẫn Hán Thành xác nhận một cuộc họp thượng đỉnh giữa 2 nguyên thủ Roh Moo-hyun và Kim Jong-il tại Bình Nhưỡng vào ngày 3/10/2007 để “đem lại yếu tố căn bản cho việc thiết lập hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mở ra một giai đoạn mới cho hòa bình, cùng hợp tác và thịnh vượng cũng như hòa hợp dân tộc”.

    Đó là lần thứ hai trong 54 năm, lãnh tụ 2 bên gặp nhau. Nền tảng cho cuộc gặp gỡ này được khai triển từ cuộc gặp lần thứ nhất từ 13 đến 15/6/2000 giữa ông Kim Dae-jung và Kim Jong-il. Lần đó, hai bên đã đồng ý một số điểm chính là (1) Hai miền Nam-Bắc Hàn đồng ý giải quyết vấn đề hòa hợp dân tộc một cách độc lập và qua các hoạt động liên kết giữa công dân hai nước; (2) Hai bên đồng ý giải quyết các vấn đề nhân đạo như cho các gia đình bị chia cắt gặp gỡ, thăm viếng qua lại vào dịp Ngày giải phóng (khỏi đế quốc Nhật 15/8; (3) Hai bên thể hiện lòng tin nhau qua hợp tác kinh tế và trao đổi nhiều mặt như thể thao, y tế, môi trường, văn hóa…

    Ngày 14/11/2007có cuộc gặp cấp Thủ tướng 2 bên bàn về các dự án hợp tác sẽ được thực hiện để “cùng phát triển thành một cộng đồng kinh tế với sự hợp tác kinh tế ngày càng được mở rộng” và còn bàn thêm cả vấn đề lập khu vực hợp tác khai thác biển ở vùng biên giới phía Tây từng gây tranh cãi; và thành lập khu vực kinh tế chung tại bờ biển Tây Nam Bắc Hàn, cũng như dự trù mở tuyến hỏa xa vận chuyển hàng hóa thường kỳ xuyên biên giới và lập các xưởng đóng tàu liên kết tại Bắc Hàn … chương trình hòa hợp dân tộc…

    Nhiều nhà quan sát Nam hàn vui mừng tin rằng “đó là nền tảng để chấm dứt chiến tranh lạnh và thiết lập một thể chế hòa bình”.

    Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào trước thời điểm Tổng thống George W. Bush mãn nhiệm, trắng, vấn đề đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng lại rơi vào ngõ cụt. Và chỉ vài tháng sau khi ôngBarack Obama nhậm chức tổng thống, tháng 5/2009, Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-il đã phát đi một “tín hiệu chúc mừng” đến tân Tổng thống Mỹ bằng vụ thử vũ khí hạt nhân lần hai (thành công hơn lần đầu năm 2006). Tháng 11/2010, Bình Nhưỡng còn công khai phô bày khả năng hạt nhân bằng việc mời khoa học gia Mỹ Siegfried Hecker (ĐH Stanford) đến thăm một nhà máy làm giàu uranium mà họ đã xây trong nhiều năm.

    Từ đó cho tới khi Kim Jong-il chết (17/12/2011), không ai còn hy vọng gì về chuyện hòa đàm với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Hoa Kỳ vẫn nỗ lực kiềm tỏa CSBH các “biện pháp ôn hòa “, trong đó có đề nghị viện trợ 240.000 tấn thực phẩm để đổi lại, Bình Nhưỡng phải ngưng chương trình làm giàu uranium và cho phép thanh sát viên quốc tế trở lại Yongbyon để giám sát. Tuy nhiên, kết quả chẳng đi đến đâu cho tới khi Kim Jong-un liên tiếp cho nổ thí nghiệm hạt nhân và nhiều lần bắn thử hỏa tiễn đạn đạo, với lời khoa trương “đã đủ khả năng bắn tới California, bờ Tây Hoa Kỳ”!


    ***



    Cuộc hội kiến với Tổng thống Nam Hàn vừa rồi và cuộc gặp Tổng thống Mỹ sắp tới cho thấy Kim Jong-un không phải là một tay mơ!

    Kim Jong-un thừa biết rằng không thể để rơi vào hoàn cảnh như Saddam Hussein và Muamar Gaddafi. Ngược lại, Kim Jong-un chứng minh được rằng “không như Iran vừa bị Tổng thống Mỹ tẩy chay mà cứ làm cứng thì sẽ kéo được Mỹ đến nói chuyện tử tế!”

    Như thế, nhiều nhà quan sát cho rằng Kim Jong-un đã tính có thể chấp nhận một chương trình giải giới càng kéo dài càng tốt, cho đến khi chuyện vũ khí hạch tâm không còn là một vấn đề quan trọng nữa.

    Vì mục đích tối hậu của Kim Jong-un là tiếp tục cai trị Bắc Hàn và vũ khí nguyên tử là một phương tiện để đạt mục đích đó. Bình Nhưỡng suốt bảy mươi năm qua vẫn nhồi sọ người dân rằng “Mỹ vẫn âm mưu xâm lấn và chế độ của dòng họ Kim có vũ khí hạt nhân để bảo vệ họ!”

    Và hơn ai hết, CSBH học được kinh nghiệm của Bắc Kinh rằng “chế độ Cộng Sản vẫn yên ổn nắm quyền cai trị, nếu nâng đời sống kinh tế của dân chúng lên cao”. Kim Jong-un đã bắt đầu nới lỏng cho kinh tế tư nhân trong mấy năm gần đây và theo gót Trung Cộng từ 1979, cho các doanh nghiệp nhà nước được nhiều quyền tự quyết định. Sau cuộc gặp gỡ lần thứ nhì ở Đại Liên, Tập Cận Bình đã khen Kim là đã công bố “từ nay chỉ tập trung vào phát triển kinh tế.”

    Nay thì Mỹ cũng hứa hẹn với Kim Jong Un điều đó. Như Ngoại trưởng Pompeo mới tuyên bố, sau khi gặp Kim Jong Un lần thứ nhì, rằng “Nếu CSBH hành động mạnh bạo giải giới bom nguyên tử nhanh chóng, Hoa Kỳ sẵn sàng cộng tác để giúp cho được thịnh vượng không khác gì các bạn tốt của Mỹ ở Nam Hàn!”

    Kim Jong-un liên tiếp 2 lần gặp Tập Cận Bình (trước và sau khi gặp Tổng thống Nam Hàn) có thể để nhờ Tập Cận Bình đồng ý giúp thuyết phục Donald Trump. Nếu TT Mỹ đồng ý, việc giải giới bom hạt nhân sẽ diễn từng bước, song song với việc nới lỏng kinh tế, xóa bỏ lệnh cấm vận từng bước một. Khi vòng vây kinh tế được giải tỏa, từng bước một, Kim sẽ thi hành chính sách “đổi mới” cũng từng bước, có các cố vấn Tập Cận Bình đưa qua giúp. Và cứ thế, Jong-un sẽ vẫn tiếp tục cưỡi cổ dân Bắc Hàn và lâu lâu lại giở ‘lá bài tẩy’ ra làm eo!

    Nên nhớ, trong tiếng Việt từ TIN vừa là “thông tin, tin tức” vừa là “tin tưởng”.

    Hãy nghe, phân tích và kiểm chứng TIN cho kỹ trước khi TIN cộng sản!


    Phạm thạch Hồng


    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”