Thành phố Cape Town đang cạn nước, một cảnh báo cho thế giới

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thành phố Cape Town đang cạn nước, một cảnh báo cho thế giới

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Thành phố Cape Town đang cạn nước,
    một cảnh báo cho thế giới






    Chính quyền thành phố Cape Town đang có kế hoạch tắt tất cả vòi nước dành cho 4 triệu dân cư. Đây chỉ là một trong nhiều nơi trên thế giới đang đối diện với một tương lai bất ổn khi số lượng nước càng lúc càng khan hiếm.




    Thành phố Cape Town chụp từ trên không (Reuters)


    Không có nước sẽ không có sự sống trên hành tinh này. Khi một thành phố cạn nước, con người sẽ chết dần. Chết không phải chỉ vì khát và đói mà còn vì những bệnh dịch truyền nhiễm.

    Trong lịch sử thế giới đã từng xảy ra những cuộc chiến vì nước. Cuộc tranh chấp về nguồn nước của dòng sông Jordon River giữa Do Thái và các quốc gia láng giềng Lebanon, Jordan, Palestine vẫn chưa chấm dứt. Ba nước Ai Cập, Ethiopia và Sudan vẫn tranh chấp về nguồn nước của dòng sông Nile từ nhiều thập niên qua. Vào năm 1979, Tổng thống Anwar Sadat của Ai Cập đã từng tuyên bố nếu Ai Cập có lâm chiến thêm một lần nữa thì cuộc chiến đó sẽ là cuộc chiến về nước. Vào năm 1995, Phó Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), ông Ismail Serageldin cảnh báo: “Chiến tranh của thế kỷ 21 sẽ là chiến tranh về nước” (The war of the 21st century will be fought over water).

    Mặc dầu những tiên đoán của ông Seregeldin chưa xảy ra nhưng một điều chắc chắn mà mọi người đang nhìn thấy: khi mà dân số thế giới gia tăng và số lượng nước ngọt càng lúc càng ít đi do hạn hán và biến đổi khí hậu thì những sự tranh chấp về nguồn tài nguyên quý giá này chắc chắn khó có thể tránh khỏi trong tương lai.

    Trong mấy tháng qua, dư luận thế giới đặc biệt chú ý đến thành phố Cape Town – nơi đang xảy ra cuộc hạn hán tệ hại nhất kể từ khi thành phố này được thành lập và trong tương lai không xa chính quyền địa phương không có cách gì khác hơn là bắt buộc phải tắt tất cả các vòi nước nếu như không có những trận mưa lớn.

    Đôi nét về Cape Town

    Cape Town là thành phố đông dân thứ nhì của Nam Phi sau Johannesburg với dân số 4 triệu người và là một trong 3 thủ đô của Nam Phi(1), tòa nhà Quốc hội và cơ quan lập pháp của Nam Phi đặt ở đây.

    Đối với thế giới, Cape Town là thành phố được nhiều người biết đến vì đây thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Nam Phi với nhiều danh lam thắng cảnh như núi Table Mountain hùng vĩ, như Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) với nhiều huyền thoại, nhiều bãi biển cát trắng và đẹp không thua bất cứ nơi nào. Đồng thời vì đây là thành phố cổ nhất của Nam Phi cho nên có nhiều di tích lịch sử. Nhiều du khách đánh giá Cape Town là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Vào năm 2014 tờ báo lớn của Mỹ, The New York Times, đã chọn Cape Town là thành phố tốt nhất trên thế giới để thăm viếng (the best place in the world to visit). Do điều kiện khí hậu, Cape Town có nhiều nông trại nho và nhiều công ty sản xuất rượu nho.

    Dưới thời Apartheid, Cape Town là nơi sản sinh ra nhiều lãnh tụ tranh đấu chống lại chế độ phân biệt chủng tộc. Đảo Robben Island, chỉ cách Cape Town 10 cây số, là nơi cựu Tổng Thống Nelson Mandela từng bị giam trước đây. Sau khi được trả tự do vào năm 1990, ông đã chọn Cape Town để đọc bài diễn văn đầu tiên.

    Mặc dầu nói chung Nam Phi là xứ sở khô cằn, thế nhưng riêng thành phố Cape Town được ví như một ốc đảo giữa sa mạc, một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi. Thành phố này nằm ở cuối mũi phía nam của Nam Phi, bên trái là Đại Tây Dương, bên phải là Ấn Độ Dương. Tiếp giáp với biển, phần còn lại được bao bọc bởi rặng núi Table Mountain, chính nhờ vị trí địa lý này mà người dân của Cape Town từ xưa đến nay chưa từng biết đến hạn hán. Vào mùa Đông, từ tháng 6 đến tháng 9 (thuộc Nam Bán Cầu giống như Úc), gió lạnh từ Nam Cực thổi lên gặp rặng núi Table Mountain chận lại, bên kia gió nóng từ phương bắc thổi xuống dễ dàng tạo điều kiện cho mưa.

    Thuyền trưởng người Hòa Lan, Jan Van Riebeek, đặt chân lên Cape Town vào tháng 4 năm 1652. Nhận thấy nơi đây cây cỏ xanh tươi, đất đai trù phú, vừa giáp biển vừa có nhiều suối nước ngọt từ rặng núi Table Maintain chảy xuống, ông đề nghị với công ty của mình, Dutch East India Company, dùng nơi đây làm nơi cung cấp nước ngọt và lương thực cho tàu bè đi lại từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương hay ngược lại. Thành phố Cape Town được thành lập kể từ đó và liên tục phát triển cho đến ngày nay.

    Trong lịch sử gần 400 năm, Cape Town chưa bao giờ biết thiếu nước. Vào năm 2014, sáu hồ chứa nước dành cho thành phố đều đầy. Thế nhưng sau đó thành phố này bị hạn hán liên tiếp trong 3 năm, số lượng mưa trong ba năm qua không bằng một năm ẩm ướt trước đây. Hiện tại mực nước của 6 hồ này chỉ còn chưa tới 25% và chính quyền địa phương cho biết một khi mực nước xuống còn 13.5% họ bắt buộc phải tắt hết tất cả các vòi nước, ngày đó được gọi là ngày “Day Zero”.

    Ngày cạn nước “Day Zero” đang đến gần



    Người dân xếp hàng để lấy nước suối ở Cape Town (Reuters)


    Vào đầu năm nay, chính quyền thành phố Cape Town ban hành đạo luật “Day Zero” đối với tất cả cư dân và các cơ sở thương mại, thế nhưng ngày này được dời lại nhiều lần. Mới đây nhất, chính phủ cho biết sẽ áp dụng “Day Zero” từ ngày 15 tháng 7 năm nay ngoại trừ có những trận mưa lớn.

    Một khi ngày này được áp dụng, 4 triệu cư dân của Cape Town phải đứng xếp hàng tại 20 địa điểm được chỉ định trong thành phố, nơi có lính mang súng giữ trật tự để nhận 25 lít nước mỗi ngày cho mỗi người.

    Bà Helen Zille, cựu thị trưởng thành thành phố Cape Town, hiện đang là Tỉnh trưởng của Western Cape (Cape Town là thủ phủ của Western Cape), mới đây đã viết trên một tờ báo địa phương: “Mỗi sáng thức dậy, tôi luôn luôn nghĩ đến câu hỏi là khi nào ngày “Day Zero” sẽ đến và làm sao chúng tôi có thể phân phối nước trong trật tự mà không bị hỗn loạn”.

    Trong lúc đó một chuyên viên về quản trị tài nguyên quốc gia, ông Anthony Turton, cho biết: “Tôi lo sợ rằng chúng ta đang sống trong giờ thứ 11, không còn đủ thời gian cho một giải pháp nào, chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào Thượng Đế.”

    Từ 3 năm qua tình trạng thiếu nước tại thành phố này càng lúc càng tệ hơn. Bắt đầu từ một năm qua, chính quyền địa phương không cho phép cư dân rửa xe, tưới cây, châm nước hồ bơi… Hiện nay mỗi cư dân chỉ được sử dụng 50 lít nước một ngày, chỉ bằng một phần sáu mức xài trung bình của một người Úc(2). Đương kim Thị trưởng của thành phố Cape Town, bà Patricia de Lille cho biết: “Chúng tôi không còn kêu gọi người dân đừng phung phí nước. Chúng tôi phải bắt buộc họ” (We can no longer ask people to stop wasting water – we must force them).

    Mặt khác quân đội được điều động đến những suối nước, canh gác 24/24 để ngăn chận nước bị ăn cắp và ngăn chận người ta đánh nhau để giành nước. Đồng thời chính quyền cũng phạt những người buôn bán lợi dụng tình trạng này để tăng giá nước bình.

    Nguyên nhân gây ra tình trạnh thiếu nước ở Cape Town

    Theo những quan chức của chính phủ cho biết, có hai nguyên nhân chính gây ra tình trạnh thiếu hụt nước trầm trọng tại Cape Town hiện nay:

    1/ Sự biến đổi khí hậu

    Hiện tại ở Cape Town có 6 hồ chứa nước. Vào năm 2014, sáu hồ này đều đầy nước, chứa một số lượng dự trữ lên đến 870 tỷ lít, thế nhưng đột nhiên thành phố này bị hạn hán liên tiếp trong ba năm.

    Hiện tại các nhà khoa học chỉ có thể giải thích hiện tượng hạn hán này là do biến đổi thời tiết (climate change) mà không thể đưa một nguyên do nào rõ ràng và chính xác hơn, họ cho biết đó một hiện tượng xảy ra một lần trong triệu năm (once-in-a-millenium).

    2/ Dân cư tăng quá nhanh

    Chính vì vị trí địa lý, khí hậu tốt và kinh tế phát triển, khiến cho dân số của Cape Town tăng quá nhanh, kể từ năm 1995 đến nay dân số của Cape Town tăng đến 79% (từ 2.4 lên 4 triệu người), trong lúc đó số lượng dự trữ nước chỉ tăng có 15%.

    Đây cũng là bài học cho tất cả các nước đang phát triển – dân số gia tăng nhưng hạ tầng cơ sở không theo kịp. Chính quyền Cape Town nhìn nhận lầm lỗi của họ trong chính sách phát triển đô thị – không có kế hoạch lâu dài – dân số gia tăng nhưng không xây thêm chỗ chứa nước một cách cân xứng và không nghĩ đến việc hạn hán có thể xảy ra.

    Thật ra đây là vấn đề chung của thế giới. Hiện tại có nhiều thành phố lớn trên thế giới như Sao Paulo (Brazil), Bangalore (Ấn Độ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Cairo (Ai Cập), Jakarta (Nam Dương)… cũng đang bị khủng hoảng về nước, chỉ khác nhau là những thành phố này chưa bị hạn hán trầm trọng giống như trường hợp của Cape Town mà thôi.

    50 lít nước đủ để làm gì?

    Theo Liên Hiệp Quốc, để bảo đảm những nhu cầu căn bản, mỗi người phải cần từ 50 đến 100 lít nước mỗi ngày (According to the World Health Organization (WHO), between 50 and 100 litres of water per person per day are needed to ensure that most basic needs are met and few health concerns arise).

    50 lít nước là một số lượng rất ít, chỉ đủ để làm một trong những việc dưới đây:

    – Tắm trong 5 phút

    – Dội toilet 5 lần

    – Rửa chén bằng tay hoặc bằng máy

    – Sử dụng máy giặt

    – Tưới cây trong 10 phút

    – Một lần rửa xe

    -…

    Hậu quả sau ngày “Day Zero”


    Chính quyền Cape Town thừa hiểu rằng áp dụng việc phân phối nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội, an ninh, kinh tế… của thành phố, thế nhưng họ bất đắc dĩ phải sử dụng biện pháp này khi không còn một chọn lựa nào khác.

    Cape Town là thành phố văn minh lịch sự nhất ở Nam Phi, tại đây những từ ngữ “please, sorry, thank you” được người sử dụng thường xuyên trong giao dịch hằng ngày. Nhiều người lo ngại rằng văn hóa lịch sự đó sẽ không còn được gìn giữ khi người dân phải sắp hàng hàng giờ để nhận 25 lít nước mỗi ngày.

    Mặt khác, ông Greg Pillay, Chủ tịch Trung Tâm Quảng Trị Thiên Tai (Disaster Management Centre) của thành phố Cape Town còn lo ngại những điều khác có thể xảy ra sau ngày “Day Zero”: vệ sinh xuống cấp, bệnh dịch lan tràn, hỗn loạn xã hội do tranh giành nước. Ông nói thêm: “Chúng tôi đã có kế hoạch đối với tình trạng thiếu hụt nước nhưng vào lúc này chúng tôi không có giải pháp cho tình trạng hoàn toàn hết nước” (We have always had plans in place for shortages, but at no stage did we have to seriously consider a no-water situation).

    Ngoài ra, sự thiếu hụt nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nền kinh tế của thành phố này, vốn tỉ lệ thấp nghiệp đã là 25%. Kinh tế của Cape Town chủ yếu dựa vào du lịch và nông nghiệp. Để duy trì lãnh vực kinh tế này cần phải có đầy đủ nước. Hậu quả trước mắt là 30,000 công nhân làm nông trại ở Cape Town đã bị mất việc và con số này có thể sẽ còn tăng trong những ngày tới. Nghành du lịch cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

    Bốn triệu người sinh sống ở Cape Town đang phải đối phó với một tương lai bất ổn, không ai có thể hình dung được bức tranh sinh hoạt của người dân Cape Town sau ngày “Day Zero”.

    Bài học cho những thành phố/quốc gia khác

    Mới nhìn qua bạn có thể nghĩ đây là vấn đề riêng của đất nước Nam Phi, nhưng nếu nghĩ sâu hơn bạn sẽ thấy đây là vấn đề chung của toàn cầu, một lời cảnh báo cho toàn thế giới – nếu con người không biết quý trọng, gìn giữ thiên nhiên thì đến một lúc nào đó nhân loại phải trả một giá rất đắt. Đến lúc đó sợ rằng mọi giải pháp đều quá trễ.

    Đúng vào thời điểm này, ngày 22 tháng 3 là Ngày Nước Thế Giới. Liên Hiệp Quốc lập ra ngày World Water Day nhằm để vận động mọi người trên thế giới ý thức về tầm quan trọng của nước.

    Chúng ta may mắn được sống tại một xứ sở văn minh và tiện nghi. Nước Úc giàu có, đất rộng người thưa, nước có dư thừa ở tất cả mọi nơi, chính điều đó đôi khi làm cho chúng ta không biết quý nguồn tài nguyên thiên nhiên này và sử dụng nó một cách phung phí. Hiện tại ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Phi Châu, người ta phải đi thật xa để lấy nước và chưa chắc đã là nước sạch. Theo bà Maude Barlow, một nhà tranh đấu môi sinh người Canada, cố vấn về nước cho Chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, gần 1 tỉ người trên thế giới đang sống không có nước sạch, khoảng 2 tỷ người sống trong các khu vực căng thẳng về nước (water-stressed region) và khoảng 3 tỷ người không có nước dùng trong vòng 1 cây số từ nơi họ ở. Cứ 3.5 giây có 1 trẻ em chết do uống nước bẩn.(3)

    Ông Neil Collins, một cư dân của Cape Town, cho biết cảm tưởng về sự thiếu nước hiện nay nơi ông đang sống như một thông điệp muốn gởi đến mọi người: “Nước là một trong những thứ mà trước đây chúng tôi không biết quý trọng. Bây giờ chúng tôi mới nhận ra lỗi lầm này tai hại đến mức nào.” (Water is one of those things we’ve always taken for granted. But now we know just how much of a mistake this was).

    Phạm Hoài Nam

    Sydney 21/3/2018


    Ghi chú:

    (1) Nam Phi là một xứ khá đặc biệt, không phải có 1 thủ đô, mà có đến 3 thủ đô: Cape Town, Pretoria và Bloemfontein. Cape Town là thủ đô của lập pháp (Legislative Capital), Quốc hội đặt ở đây. Bloemefontein là thủ đô của tư pháp (Judicial Capital) và Pretoria là thủ đô của hành pháp (Executive Capital), dinh Tổng thống đặt ở đây. Sỡ dĩ có hiện tượng này là do hoàn cảnh chính trị phức tạp của đất nước này khi lập quốc (Union of South Africa) vào năm 1910 để dung hòa giữa các thế lực chính trị.

    (2) Trung bình mỗi người ở Úc xài 340 lít nước mỗi ngày, riêng Sydney là 300 lít, theo Average Water Use (http://www. rwcc. nsw. gov. au/save-water/average-water-use).

    (3) Our Right To Water by Maude Barlow, http://www. right2water. eu/sites/water/files/righttowater-0611. pdf.



    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”