Tây Tạng: Đô thị trên không bị Trung Cộng phá hủy

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tây Tạng: Đô thị trên không bị Trung Cộng phá hủy

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Tây Tạng: Đô thị trên không bị Trung Cộng phá hủy





    Larung Gar là Học viện Phật Giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới. Nằm ở phía Đông Cao nguyên Tây Tạng, tu viện này được xem như biểu tượng của văn hóa, tôn giáo và lịch sử nước này.

    Tu viện là nơi cư ngụ của từ 10.000 đến 40.000 dân, gồm có nam nữ tu sĩ và sinh viên từ khắp nơi đến tu học. Vì tọa lạc ở cao độ gần 4.000 thước, Tu viện Larung Gar thường được gọi là “đô thị trên không”.

    Nhưng dạo tháng Sáu năm 2016 vừa qua, Chính quyền Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh đã ra lệnh phải hạ giảm dân số của đô thị xuống tối đa còn 5.000 người vào tháng Mười tới đây, vì cho rằng dân số tại tu viện đã quá cao.

    Chỉ trong vòng vài tuần lễ, các toán làm việc đã xông vào tu viện và bắt đầu đập phá và bình địa mọi nơi cư ngụ trong tu viện. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ tu viện chỉ còn là một đống gạch vụn và gỗ xơ xác. Các cư dân bị buộc phải ký tên vào các văn kiện để xác nhận rằng họ đồng ý sẽ không trở lại tu viện và để “xây dựng sự thống nhất quốc gia”.

    Mọi người được đưa lên xe buýt và chở đi.

    Năm ngoái đã có khoảng gần 4.000 người bị cưỡng bách phải ra đi, 172 nơi cư ngụ của các tăng sư và trên 1.300 nhà ở của các sư nữ bị phá hủy. Tổng cộng đã có khoảng 1.500 nhà ở bị tàn phá. Công tác phá hủy Tu viện Larung Gar được tiếp tục vào đầu năm nay.

    Theo một phát ngôn viên của Tổ chức “Vì Một Tây Tạng Tự Do” (Free Tibet) cho biết tiến trình phá hủy Tu viện Larung Gar, từ việc đập phá nhà cửa cho đến cưỡng bách lên xe buýt để ra đi, đang diễn ra một cách “nhất quán”. Theo phát ngôn viên này, chính quyền địa phương đã không hề mở miệng cho biết số phận của những người bị bắt mang đi như thế nào. Dân chúng chỉ biết rằng sau khi tu viện phá hủy, một số gia đình bị buộc phải đón tiếp bất cứ người thân nào bị bứng ra khỏi tu viện.

    Nhưng qua một số hình ảnh rò rĩ từ việc phá hủy tu viện, các nhóm tranh đấu cho nhân quyền và các tổ chức quốc tế đã gọi đích danh đây là một cuộc đàn áp tôn giáo và phá hủy biểu tượng văn hóa của Tây Tạng do Chính quyền Cộng sản Trung Quốc chủ trương.

    Nhưng vì lệnh cấm không cho du khách, các cơ quan truyền thông và các tổ chức viện trợ nước ngoài được bén mảng tới khu vực của tu viện cho nên thế giới không thể biết được chính xác điều gì đã và đang diễn ra.

    Tuy nhiên mới đây một người Gia Nã Đại tên là David Chan, vì là người gốc Hoa và nói được thông thạo tiếng Quan Thoại, đã có thể đặt chân đến Tu viện Larung Gar.

    Đầu năm nay, ông Chan đã đặt chân đến Thành Đô, Thủ phủ của Tỉnh Tứ Xuyên, một trong những thành phố lớn của Trung Quốc gần với Tu viện Larung Gar nhất. Tại đây, ông Chan đã gia nhập vào một đoàn du khách Trung Quốc.

    Công dân Trung Cộng được phép viếng thăm Tây Tạng. Trung Cộng khuyến khích dân chúng viếng thăm Tây Tạng để biến vùng này thành một địa điểm du lịch và định cư. Ông Chan đã liên lạc được một số người Hoa lục địa muốn đi thăm Tây Tạng. Thông thường du khách người Hoa viếng thăm Tây Tạng được tổ chức thành những nhóm nhỏ từ 3 đến 5 người. Phương tiện di chuyển là những chiếc Holden SUV. Tài xế thường là một người thông thạo về lộ trình đến Larung Gar. Nếu không tìm được một tài xế và một nhóm du khách như thế, rất khó có thể đến được tu viện.

    Mặc dù Thành Đô là thành phố gần với Tu viện Larung Gar nhất, chuyến đi cũng đòi hỏi nhiều thời gian. Ông Chan cho biết sau khi đã làm quen với những người đồng hành, ông mới lân la hỏi thăm về tình hình Tây Tạng. Tất cả những thông tin mà ông nhận được đều là những bài tường thuật trên các cơ quan truyền thông công cụ của Trung Cộng. Những người bạn đồng hành với ông Chan khẳng định rằng người dân Tây Tạng hiện nay rất thịnh vượng, giàu có, rằng Chính quyền Trung Cộng luôn quan tâm lo lắng cho phúc lợi của họ, rằng chính quyền Trung Cộng cho họ tiền để mua đất và gia súc của họ có thể được bán cho Trung Cộng với giá rất cao, rằng họ được hưởng một quy chế thuế má đặc biệt v.v…

    Các du khách đi cùng chuyến với ông Chan nói rằng “người dân Tây Tạng không có lý do gì để chống lại Chính quyền Trung Quốc bởi vì cuộc sống của họ rất tốt đẹp”. Họ nói rằng “những người chống đối chỉ là những kẻ phá rối” mà thôi!

    Kể từ năm 1950, sau khi Trung Cộng đem quân sang xâm chiếm xứ sở của họ, người Tây Tạng đã không ngừng mở những chiến dịch để đòi lại tự do. Chính quyền Trung Cộng cho rằng những cáo buộc về việc họ đàn áp Tây Tạng chỉ là một huyền thoại. Họ nói rằng việc Tây Tạng trở thành một phần của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là một điều hoàn toàn tốt đẹp cho nhân dân Tây Tạng.

    Thật vậy, ngày nay nếu chỉ nhìn vào sự phát triển kinh tế người ta có thể nói rằng Trung Cộng đã có lý khi nói rằng họ đã cải thiện tình trạng của Tây Tạng khi xây dựng được xa lộ, hệ thống hỏa xa, khách sạn và điện khí hóa xứ sở này.

    Nhưng đó chỉ là cái nhìn ở bề mặt. Trong thực tế, điều có thể đập ngay tức khắc vào mắt của du khách nước ngoài chính là tình trạng kỳ thị chủng tộc và xã hội. Thành phần được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế nhiều nhất không ai khác hơn là những người thuộc Hán tộc. Một bản phúc trình của tổ chức “Freedom House” (Ngôi Nhà Tự Do) hồi năm 2016 đã ghi nhận: “Theo Hiến pháp Trung Cộng, những khu tự trị có quyền đặt ra những qui định riêng của họ và thực thi luật pháp quốc gia cho phù hợp với tình hình địa phương. Tuy nhiên trong thực tế, quyền làm quyết định lại được tập trung vào tay của các viên chức thuộc Đảng Cộng Sản Trung Quốc”

    Theo tổ chức “Freedom House”, một số rất ít người dân Tây Tạng được trao cho những chức vụ cao trong chính quyền địa phương, nhưng họ cũng chỉ là những chiếc “loa phường” của Đảng Cộng Sản Trung Cộng mà thôi.

    Những ngành nghề như du lịch, xây dựng hạ tầng cơ sở và các dự án xây cất đều nằm trong tay các di dân người Hán cũng như chỉ được thực hiện trong những khu có đông di dân người Hán và trong đó người dân Tây Tạng chỉ còn là một thiểu số.

    Bất cứ một hành động chống đối nào cũng đều bị trừng phạt. Người dân Tây Tạng có thể bị bắt giữ và trừng phạt vì những “tội” như trưng bày lá cờ Tây Tạng hoặc công khai lên tiếng chống đối.

    Từ Thành Đô, ông Chan và những người bạn du khách Trung Hoa của ông phải mất hai ngày mới đến được Tu viện Larung Gar. Chiếc xe chở họ đã phải dừng lại hai trạm kiểm soát được quân đội canh giữ. Dù vậy, nhờ nói được tiếng Quan Thoại, ông Chan đã được xem như một du khách từ lục địa. Đoàn du khách đã đặt chân đến Larung Gar vào giữa mùa đông. “Công cuộc” phá hủy tu viện đang tạm ngưng.

    Theo ghi nhận của ông Chan, nhiều ngôi nhà trong khu tu viện Larung Gar đã hoàn toàn bị phá hủy. Một số còn chỉ còn lại một phần. Nhiều ngôi nhà đã được đánh dấu sẽ bị phá hủy. Đi đâu ông Chan cũng thấy những đống gạch vụn và những chiếc xe ủi. Ngoài ra bên cạnh những ngôi nhà bị phá hủy, chính quyền cũng đã cho xây lên những ngôi nhà mới bằng xi măng cốt sắt.

    Ông Chan cho rằng mục đích chính của việc phá hủy Tu viện Larung Gar là để giảm bớt con số tu sĩ.

    Khác với các du khách người Hoa từ Thành Đô, ông Chan không tha thiết đến việc chụp ảnh cho bằng trực tiếp nói chuyện với các tu sĩ Phật Giáo hiện chưa rời khỏi tu viện. Ông đã dừng lại hỏi han khoảng ít nhất 20 vị, nhưng chẳng có vị nào muốn nói chuyện với ông. Ông chợt nhớ lại cuốn phim có tựa đề “7 năm tại Tây Tạng” ( Seven Years in Tibet) do tài tử Brat Pitt thủ vai chính. Cuốn phim kể lại chuyện hai người leo núi Âu Châu đã thành công trong việc tiếp xúc được với một vị thôn trưởng tại Tây Tạng. Sở dĩ 2 người này đã có thể nói chuyện được với ông thôn trưởng là vì đã cho ông xem hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Biết như thế cho nên ông Chan mới mở điện thoại và cho cư dân Larungga xem hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhờ vậy mà một vị sư nữ mới cởi mở tấm lòng để nói chuyện với ông. Vị sư nữ này nói được tiếng Quan Thoại. Bà nói rằng dân chúng chỉ biết đứng nhìn cảnh phá hủy tu viện, nhưng không làm gì được vì Trung Cộng quá mạnh. Theo bà, phá hủy tu viện vì dân đông là một lý do không đủ thuyết phục, bởi vì nếu dân đông thì tại sao lại không xây thêm nhà ở bên cạnh sườn núi. Đất đai vốn còn mênh mông mà!

    Tổ chức “Vì Một Tây Tạng Tự Do” cho rằng nếu vì dân cư đông đúc mà phá hủy Tu viện Larung Gar và cưỡng bách người dân phải dời đến một chỗ xa xôi là một lập luận không vững chắc, bởi vì nếu chỉ vì dân cư đông đúc mà giải tỏa một khu vực sinh sống thì tại sao không áp dụng một chính sách như thế với những thành phố lớn tại lục địa.

    Dựa trên những điều mắt thấy tai nghe, ông Chan nói rằng việc phá hủy Tu viện Larung Gar là một trường hợp điển hình cho thấy vì kinh tế và phát triển chính quyền cộng sản Trung Quốc muốn phá hủy di sản văn hóa và lịch sử của cả một dân tộc. Cách riêng đây là một bất công đối với các tu sĩ Phật Giáo tại Larung Gar, bởi vì tiếng nói của họ không hề được chính quyền Trung Cộng lắng nghe và cứu xét.

    Cả vị sư nữ mà ông Chan đã tiếp xúc lẫn người tài xế đều khẳng định rằng chính quyền cộng sản vẫn biết rằng Larung Gar là một điểm du lịch đặc biệt của thế giới. Để đạt mục tiêu này, họ vẫn giữ lại lối kiến trúc nền tảng đặc thù của Tây Tạng khả dĩ phản ảnh phần nào lịch sử của dân tộc này. Nhưng lối kiến trúc được chồng lên đã hoàn toàn xóa bỏ hình ảnh nguyên thủy của tu viện.

    Bộ mặt nguyên tuyền của tu viện đã hoàn toàn biến mất để nhường chỗ cho các khách sạn được dựng lên tại Serhar, một thành phố chỉ cách tu viện chừng 5 phút lái xe.

    Theo Tổ chức “ International Campaign for Tibet”( Vận động quốc tế cho Tây Tạng: ICT) có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, các khách sạn mọc lên gần tu viện Larung Gar là một phần của một dự án rộng lớn hơn. Trong một bản phúc trình được cho công bố hồi tháng Ba vừa qua, tổ chức này nói rằng việc phá hủy tu viện Larung Gar và tu viện Yachen Gar, một tu viện Phật Giáo khác tại Tứ Xuyên, nhằm mục đích biến hai học viện Phật Giáo nổi tiếng nhất thế giới này thành những địa điểm du lịch. Tổ chức này cũng cho rằng lấy lý do dân cư đông để phá hủy các tu viện này là một ngụy biện.

    Về phần mình, ông Chan nói rằng Trung Cộng không chỉ phá hủy những di tích lịch sử và văn hóa của Tây Tạng mà còn muốn tiêu diệt chính nền văn hóa của dân tộc này. Ông cho biết : trước đây Serthar là một thành phố của người Tây Tạng. Nay những khách sạn tại đây đều được những người không nói được một tiếng Tây Tạng nào xây cất và hàng hóa được bày bán tại thành phố này đều là hàng hóa của Trung Cộng. Không riêng gì Larung Gar hay Yachen Gar, toàn bộ miền đông Tây Tạng ngày càng bị Hán hóa. Đa số dân cư tại miền đông Tây Tạng không phải là người Tây Tạng mà là người Hán.

    Người dân Tây Tạng ai cũng đều biết thế, nhưng là thành phần ngày càng bị đẩy ra bên lề, tiếng nói của họ không còn đủ trọng lượng để được lắng nghe.

    Cả một nền văn hóa lâu đời và cả một dân tộc đang bị tiêu diệt. Nhưng theo ông Chan, “ không ai dám nói tới điều đó và cũng chẳng ai làm được điều gì”.


    Đoàn Thi

    (Theo : http://thediplomat.com/2017/08/china-te ... in-the-sky)



    Nguồn:http://vietluan.com.au

              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”