SINH HOẠT CALI – “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5433
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

SINH HOẠT CALI – “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    SINH HOẠT CALI – “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”



    Tự Lực: Sách vở trình bày cạnh dược thảo, trà Nhật và mỹ phẩm.



    Tôi đã có dịp đi nhiều tiểu bang, ghé nhiều thành phố lớn Mỹ, nơi có cộng đồng người Việt, cũng có lúc tìm hiểu sinh hoạt văn chương, sách báo của những nơi này. Thời buổi bây giờ, nhiều thành phố nổi tiếng đông người Việt nhất cũng không tìm ra một nhà sách, có nơi những nhà sách trước đây, bây giờ đã dẹp chỗ, dành quầy cho chỗ để băng nhạc, DVD hay CD.

    California là nơi quy tụ đông người Việt Nam nhất, cũng không tránh khỏi tình trạng sách báo đang trên đường về chiều. Sacramento, thủ phủ của California, chỉ có một nhà sách, nơi đặt trụ sở của tuần báo Làng. San Jose có nhà sách Tự Do, trong khu Lion Plaza nay chỉ còn trưng bày một ít sách, là nơi bán đĩa nhạc và các dụng cụ văn phòng. Nam Cali, nơi có người gọi khu Bolsa, thời thịnh đạt của sách vở, là năm 1990, khi có đợt di dân gọi là H.O. đến Mỹ, mang theo những thành viên gia đình đông đúc đang có nhu cầu đọc sách báo.

    Hai mươi năm trước đây, khu Bolsa có 5 nhà sách lớn, chỉ chuyên bán sách là Tự Lực, Văn Khoa, Văn Nghệ, Tú Quỳnh, Văn Bút. Nay Văn Nghệ đã giã từ phố thị từ lâu, Văn Khoa (trong khu Phước Lộc Thọ) đã đóng cửa cách đây hơn 5 năm, Văn Bút đang chịu trận vì càng ngày càng vắng người đọc sách báo, mặc dầu có địa điểm rất tốt, ngay trước cửa thương xá Phước Lộc Thọ. Hiện nay còn hai nhà sách tương đối sống nhờ sách, khách các tiểu bang xa thường có dịp ghé mua hay order qua online là Tự Lực và Tú Quỳnh, nhưng Tự Lực phải bán kèm trà Nhật, dược thảo và cả mỹ phẩm, trong khi Tú Quỳnh thì chuyên bán vé ca nhạc, khách đến đây là vì cần vé đi xem show hơn là có nhu cầu đọc sách.

    Tình trạng này thì chỉ vài năm nữa, khi quý cụ cao niên mắt mờ, lú lẩn hay qua đời, con cháu lớn lên không biết tiếng Việt, thì không còn tìm đâu ra sách vở.



    Một sạp báo ở Bolsa.


    Người viết sách

    Hoa hồng cho nhà sách trung bình là 50-50. Nhiều tác giả “non tay” chỉ nhận được 40%. Tác giả ăn khách như LM Nguyễn Hữu Lễ trước đây hay Nguyễn Tiến Hưng bây giờ, con số bán ra lên đến hơn 10,000 cuốn mới có được con số 60%.
    Nhà sách có hoa hồng từ 40 đến 60% mà còn ngắc ngoải, thì tác giả với số thu phần trăm còn lại, trang trải tim gan, với chi phí đèn dầu, máy móc, in ấn, làm sao sống nổi.

    Trước năm 1975, thời báo chí văn chương thịnh hành của miền Nam, nhà văn Ðặng Trần Huân in sách “Chuyện Cấm Ðàn Bà,” Tô Thùy Yên lập nhà xuất bản mà mua được xe hơi hạng sang, viết feuilleton như Văn Quang, Hoàng Hải Thủy, Lê Xuyên… đều thuộc loại phong lưu công tử, nhưng ở Mỹ sau năm 1975, ít có nhà văn nào sống bằng “nghề” viết văn, mà không cần đến một nghề chính khác.

    Lẽ cố nhiên, ở Hoa Kỳ, vấn đề viết sách, in ấn không phải là chuyện gì to lớn, nên ai cũng in sách được. Không ít tác giả viết sách, in sách rồi để trong garage, không đủ điều kiện để quảng cáo hay gửi các nhà sách. Chủ nhân các nhà sách cũng có thói quen “xem mặt, đặt tên,” thường từ chối bán sách cho các tác giả chưa có tên tuổi, dù là chỉ nhận dưới dạng ký gửi. Trước hết nhà sách không nhận bán thơ, trừ một hay hai nhà thơ quen tên, quá nổi tiếng.

    Còn chuyện ngắn, chuyện dài, tôi có một chuyện khó quên. Có lần, tôi dẫn một người bạn viết văn từ một tiểu bang xa về, giới thiệu cho một nhà sách ở Bolsa để bạn tôi gửi sách bán. Bà chủ xem sách xong, tuyên bố chỉ nhận cho gửi ba cuốn. Ði với tôi ra xe, bạn tôi gần như muốn khóc. Tôi nghĩ, từ đó, anh sẽ không còn can đảm in sách nữa.

    Tuy vậy có ba loại sách còn bán chạy trên thị trường:

    • 1.Những cuốn sách có liên quan đến Ðệ I Cộng Hòa và TT Ngô Ðình Diệm, biến cố miền Trung 1966 hay 30/4.
      2.Hồi ký của các nhân vật chính trị hay tướng lãnh.
      3.Hồi ký chiến trường, hồi ký tù “cải tạo” hay sách liên quan đến người lính của quân đội VNCH.


    Nhưng những đợt sách này qua thời gian cũng đã cạn đề tài và lỗi thời.


    Tú Quỳnh: Nơi bán vé ca nhạc.


    Nhà xuất bản

    Trước đây có hai nhà xuất bản lớn ở Nam Cali là Văn Nghệ của ông Từ Mẫn Võ Thắng Tiết và Văn Mới của ông Nguyễn Khoa Kha. Bây giờ, một trước một sau, đều đã giã từ chuyện văn chương, in ấn. Cách đây chừng 6 năm, nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, người đã có sách in từ nhiều nhà xuất bản đã nói về chuyện sách: “Sách in 500 cuốn: bán mãi vẫn còn thừa. Có khi in 300 cuốn: vẫn thừa. Không cần thông thạo thị trường, chỉ cần tính nhẩm, sau khi trừ tiền in và chi phí phát hành, kể cả tiền cước phí, với số lượng như thế, anh không thể có lãi được.”

    Như vậy nhiều khi sách giao cho nhà xuất bản, với những tác giả chưa nổi tiếng nhiều, in xong, tác giả chỉ nhận được năm, bảy chục cuốn gọi là “tác quyền”, không đủ tặng bạn bè. Vì chuyện “lỗ, lãi” như vậy nên ít có nhà xuất bản sống được lâu, hay chỉ in một số sách rất chọn lọc.

    Do vậy nhiều tác giả phải tự in sách mình gọi là “Tác Giả Xuất Bản” hay đặt tên cho sách mình một nhà xuất bản (không cần có giấy phép.)

    Những năm gần đây, nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Virginia do Nhà Văn Uyên Thao và một số bạn hữu, và nhà xuất bản Người Việt (Công Ty Người Việt) ở Nam Cali đã phát hành một số sách đáng kể. Nhiều tác giả có sách in đang ở trong nước như Bùi Ngọc Tấn, Huy Ðức, Trần Ðĩnh… đã tạo ra một số độc giả mới, những người muốn tìm hiểu thực trạng về chế độ Cộng Sản và những nhân vật cầm quyền trong nước, đang lần lượt được phơi bày sau bao nhiêu năm bị bưng bít.

    Những nhà xuất bản nhỏ như Huyền Trân, Hợp Lưu, Chương Văn, HT Production, Sống, Nam Việt, Khởi Hành… chỉ thỉnh thoảng mới có sách in, hay chỉ in sách cho “người nhà.”

    Trong khi Nam Clifornia có hơn 10 đài truyền hình tiếng Việt (local), hai chương trình phát thanh 24 tiếng đồng hồ, báo chợ phát không cũng còn, thì ai còn mê đọc sách, xem báo làm gì nữa! Người ta có thể bỏ ra $100.00 để mua một cái vé đi xem ca nhạc, xa nhà hơn 50 miles, hay nằm ở tiểu bang khác, trước khi đi xem còn làm tóc, ăn mặc đẹp, trang điểm kỹ càng, nhưng rất ít người bỏ ra $20.00 để mua một cuốn sách.

    Các chủ tiệm sách ở vùng Little Saigon đều có chung một nhận định: “Không lẽ đóng cửa nằm nhà, thôi thì cứ cố gắng được lúc nào hay lúc đó! Âu cũng là cái nghiệp đã gắn bó với sách vở, văn chương!”


    Nhà xuất bản Người Việt với những đầu sách bán qua online hay tại chỗ.



    Huy Phương


    Nguồn: http://baotreonline.com

              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”