Bia và môi trường

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20159
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Bia và môi trường

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Bia và môi trường
    _________________________
    Huy Lâm






    Trong suốt hơn một thập niên, bắt đầu từ năm 1920, với đạo luật cấm bia rượu ở Mỹ do sự vận động bởi nhóm người Phản thệ giáo, người dân Mỹ không được quyền sản xuất, nhập cảng, chuyên chở và bán bất kỳ thức uống nào có chứa chất cồn. Đã gọi là cấm những việc làm trên thì đương nhiên người ta cũng cấm luôn uống. Và cũng giống như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới, khi bị cấm đoán thì người dân Mỹ bèn xoay sở để biến những thứ hàng cấm đó thành hàng lậu. Người nào biết móc nối giỏi thì khi thèm hoặc lên cơn nghiền thì vẫn có thể tìm được những thứ hàng cấm hàng lậu ấy.

    Nhưng đến năm 1933 thì đạo luật này được bãi bỏ và bia lại bắt đầu được sản xuất hàng loạt theo lối dây chuyền tại Mỹ. Nhờ vậy mà bia Mỹ đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường bia toàn cầu, và mở đường để những loại thức uống khác sau đó cũng làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu như thế.

    Bia được biết đã có từ thời cổ đại, và người xưa đã biết cách tích trữ nó từ hàng ngàn năm nay rồi. Thời xưa chưa có chai lọ thủy tinh thì người ta tìm cách chứa bia trong những vò, lọ sành, thùng gỗ, túi da v.v… và thường là uống ngay sau khi chưng cất xong để tránh bị hư vì chưa biết cách để giữ được lâu. Vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, có người đã biết kỹ thuật để thổi thành được những chai thủy tinh. Tuy nhiên, qua suốt thời kỳ trung cổ, chai thủy tinh là mặt hàng xa xỉ và người ta vẫn phải chứa bia trong những thùng gỗ sồi hay những loại thùng lớn khác. Đến năm 1900, Michael Joseph Owens phát minh ra chiếc máy làm chai thủy tinh tự động và nhờ vậy mang lại nhiều tiện lợi hơn cho người uống bia.

    Mặc dù bằng sáng chế dành cho loại hộp/lon thiếc được công nhận từ năm 1810, người ta vẫn gặp nhiều trục trặc kỹ thuật để làm bia lon trong suốt một thế kỷ sau đó. Là vì bia có hơi ga và tạo áp suất, và với kỹ thuật thô sơ lúc đầu, lon bia dễ bị nứt rách và đồng thời bia đựng trong những lon thiếc lúc đó có mùi kim loại rất khó uống. Năm 1923, công ty American Can Company đã tìm được kỹ thuật để giải quyết hai vấn đề trên và chính loại lon mới của công ty đã được sử dụng để sản xuất 2,000 lon bia đầu tiên cho công ty bia Krueger. Sự hợp tác này kéo dài suốt một thập niên sau đó và người Mỹ không chỉ làm quen với loại bia lon mà họ còn ưa thích loại bia được đóng hộp này. Theo một cuộc thăm dò lúc ấy, có tới 85% người tiêu thụ bia cho biết vị của bia lon gần với bia thùng hơn là bia đóng chai, và đương nhiên là ngon hơn. Hơn nữa, bia lon giúp cho các công ty sản xuất bia dễ dàng chuyên chở và phân phối tới người tiêu thụ hơn trước kia.

    Năm 1935, Pabst là công ty sản xuất bia loại lớn lần đầu tiên làm bia lon, đưa ra chiến dịch quảng cáo rầm rộ để tạo một thương hiệu mới cũng như biến việc uống bia lon thành một thứ thời thượng lúc đó. Những lon bia nguyên thủy này khi cầm trên tay khá nặng; lúc đầu người ta làm lon bằng thiếc, sau đó bằng thép, để rồi cuối cùng là bằng nhôm ở thành của lon nhưng hai mặt thì vẫn bằng thiếc. Mặt trên của lon bia nhẵn thín chứ không như loại lon ngày nay và chỉ có thể mở ra uống bằng cách dùng một dụng cụ đặc biệt đục một lỗ tròn trên bề mặt này.

    Trong thời kỳ Thế chiến II xảy ra, việc sản xuất bia lon bị tạm đình chỉ vì tất cả phải dành cho tiền tuyến, và mọi thứ kim loại phải dành ưu tiên cho cuộc chiến. Sau chiến tranh, công ty Aluminum Corporation of America, thường được biết đến với cái tên ngắn hơn là Alcoa, giúp làm giảm bớt giá thành của nhôm và mở rộng thị trường cho thứ kim loại này do trong suốt một thập niên chiến tranh, thị trường kim loại đã bị co cụm lại vì những luật lệ gắt gao.

    Năm 1958, công ty sản xuất bia Hawaii Brewing Company lần đầu tiên tung ra thị trường loại bia lon hoàn toàn bằng nhôm, làm cho việc chuyên chở thêm thuận tiện hơn trước nhờ lon nhôm nhẹ hơn loại lon thiếc trước đó hơn một nửa trọng lượng. Tuy nhiên loại lon này vẫn còn gặp vấn đề là đường nối không chuẩn làm cho lon bia hay bị méo mó, và đó có lẽ là lý do chính làm cho công ty bị phá sản không lâu sau đó. Năm 1962, công ty bia Iron City Beer of Pittsburg giới thiệu loại lon có nút mở. Một năm sau, công ty Schlitz tung loại bia lon có nút mở này ra khắp nước, và năm 1965, nút có lỗ tròn để dùng ngón tay mở lon được giới thiệu. Đến năm 1969, lần đầu tiên, số bán của bia lon chính thức qua mặt bia đóng chai.

    Người Việt mình hầu như ai cũng biết nhôm được làm từ tinh chất bô xít, thứ này có rất nhiều ở những khu vực gần đường xích đạo. Do đó ta không mấy ngạc nhiên khi Việt Nam mình cũng có quặng bô xít. Nguyên liệu bô xít thô được đãi ra để lấy chất alumina, sau đó được tinh lọc lần nữa để thành chất bột. Chất bột này được nấu chảy thành chất nhôm lỏng và kế đến được đúc thành từng thanh một. Những thanh này sau đó được cán mỏng thành những tấm nhôm dày khoảng 0.30 mm, mỏng như tờ giấy, và những tờ nhôm này được uốn thành lon.

    Do chất bô xít thường được tìm thấy rất nông, gần trên bề mặt trái đất, nên các quặng bô xít thường là lộ thiên. Người ta tính cứ mỗi hai tấn bô xít thì để lại một tấn chất kiềm cặn (alkaline), thường ở dưới dạng bùn đỏ, do qua quá trình tinh lọc, và chất bùn đỏ này rất độc hại, không thứ cây gì trồng được trên đó. Theo một báo cáo của cơ quan bảo vệ môi sinh (EPA), riêng ở Mỹ, đã có hơn 65,000 mẫu đất tại những tiểu bang Arkansas, Missouri, Kansas, Iowa và Oklahoma do nước thải từ quặng bô xít làm ô nhiễm; những hồ chứa nước thải nhân tạo này có lượng lưu huỳnh rất cao, gần như không một sinh vật hay giống cây nào có thể sống được tại đây trong vòng 50 năm.

    Theo Cơ quan Nghiên cứu Địa chất Hoa Kỳ (USGS), nước Mỹ tiêu thụ 9 triệu tấn bô xít trong năm 2015, mà gần như tất cả là hàng nhập cảng, nghĩa là người Mỹ đẩy vấn đề ảnh hưởng môi trường do khai thác bô xít sang cho những nước khác. Jamaica, Suriname và Úc là ba quốc gia đứng đầu về xuất cảng bô xít và chất alumina. Trung quốc hiện nay đang sản xuất khoảng một nửa lượng alumina trên toàn cầu. Mặc dù vậy, Trung Quốc cần quá nhiều nhôm đến nỗi tự sản xuất không đủ mà phải nhập cảng từ các nước khác, trong đó Mã Lai Á là nguồn cung cấp nhôm cho Trung Quốc nhiều nhất. Người ta vẫn chưa rõ ảnh hưởng môi trường tương lai đối với Mã Lai Á ra sao, nhưng rõ ràng đất đai đã bị hư hại và xung quanh những quặng bô xít chắc chắn là không có sự sống.

    Trung Quốc cần sử dụng nhiều nhôm phần chính yếu là để cho các công trình xây dựng, nhưng có điểm này cũng cần nên biết là Trung Quốc hiện nay sản xuất bia nhiều hơn bất kỳ quốc nào khác trên thế giới – khoảng 340 triệu thùng trong năm 2012, so với năm 1980 gần như là con số không. Nhìn vào ví dụ của trường hợp Trung Quốc thôi ta cũng thấy có một sự tương quan giữa sản xuất bia và sử dụng nhôm.

    Điểm lợi của nhôm là sau khi sử dụng người ta có thể mang tái chế ngay mà không bị hao hụt bao nhiêu. Trong khi chai lọ thủy tinh không được bền (dễ vỡ) và nếu đem vất vào đống rác thì phải mất một triệu năm mới phân hủy được, nhưng ngược lại, với nhôm thì chỉ mất độ 80 đến 100 năm là có thể phân hủy để tan vào đất. Tuy nhiên, điểm bất lợi là các lon nhôm không dùng lại được là vì những dân uống bia hay loại nước giải khát khác, sau khi uống xong chỉ cần bóp nhẹ một cái là nó bị méo mó ngay và chỉ còn cách là đem đi tái chế. Tại một số nơi ở Mỹ, các quán rượu thường đem trả các chai thủy tinh lại cho nơi phân phối, sau đó các chai này được rửa thật sạch và dùng lại để đóng chai khác.

    Cũng cần phải nói rõ ở đây là những tay chọn uống bia lon thay vì uống bia chai không hẳn vì quan tâm đến môi trường đâu mà chỉ vì, như đã nói ở trên, vị của bia lon ngon hơn bia chai đấy thôi. Các chai lọ thủy tinh, đặc biệt là loại trong suốt hay màu xanh lục, không ngăn được ánh sáng. Tia tử ngoại (UV) của ánh sáng tạo ra quá trình oxy hoá bia và làm cho vị bia có mùi hơi hôi hôi.

    Ngày nay, tất cả các loại thức uống – từ bia, nước trái cây đến các loại nước giải khát khác – là nguồn sử dụng nhôm lớn nhất trên thế giới.

    Năm 2013, trong chương trình Marketplace của đài BBC đã cho rằng các phương pháp tái chế càng ngày càng tiến bộ và không bao lâu nữa con người sẽ không còn phải đi khai phá các quặng mỏ bô xít nữa mà chỉ cần sử dụng lại loại nhôm đó. Dùng một lần xong lại đem tái chế để dùng lại, không mất đi đâu mà lo.

    Vậy thì cho đến khi cái ngày tốt đẹp mà người ta tưởng tượng ra trong tương lai có thể xảy ra, cứ mỗi khi ta cong ngón tay mở một lon bia, cho dù có cẩn thận đến mấy (không vất bừa bãi và đem đi tái chế), thì ở đâu đó trên thế giới, vẫn có người đang ra sức đào bới để tìm bô xít, đồng thời thải ra cơ man nào những chất bùn đỏ khắp quanh khu vực quặng mỏ, và như một thứ độc tố, nó lan ra tới đâu thì cây cỏ, thú vật không thể sống được và con người thì mang đủ thứ bệnh tật, sống vất va vất vưởng như loài ma trơi.

    Huy Lâm


    nguồn: thoibao.com
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”