S ư ơ n g b á m c ỏ m a y

Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20007
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: S ư ơ n g b á m c ỏ m a y

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           










    X Ó M B À Đ Ồ
    q u ê N ộ i

    ____________________________________________________________________________




    Từ Cần Thơ lên, qua khỏi chợ Bình Thủy non hai cây số thì tới Xóm Bà Đồ, nằm trải dài trên hai bên mé lộ Cần Thơ Long Xuyên khoảng ba, bốn trăm thước. Ở xa tới, dù đường bộ hay đường thủy, hể thấy vọi hai cây dương cao thì biết đó là Xóm Bà Đồ. Đi lên phía Bắc chừng 600 thước, tới Xóm Cái Sơn. Nơi đây có một ngôi chùa cổ tên Thanh Giang Tự, vì rạch Cái Sơn còn có tên Thanh Giang. Tiếp tục lên phía Bắc chừng 400 thước nữa là chợ Trà Nóc, nằm trên vàm rạch cùng tên.





    địa danh Xóm Bà Đồ

    Vào thập niên 1930, tôi còn nghe các bực trưởng thượng trong thân tộc truyền khẩu hai câu đối mà tôi chỉ còn nhớ được 3 vế như sau:

    • Thăng Long thành tiên tổ vi hoàng,
      tam bá tải cơ đồ tại Bắc;
      Gia Định tỉnh đệ huynh đồng xữ,
      (_______, tôi không nhớ được vế này)


      Đại ý rằng:
      Tổ tiên đời trước vốn từ thành Thăng Long,
      cơ đồ tại Bắc ba trăm năm
      Anh em cùng nhau vào ở tỉnh Gia Định,
      _____________________

    dựa vào ba vế đối này, tổ tiên tôi từ Bắc vào Quảng Nam trước, đến đời thỉ tổ tôi mới vào Gia Định.

    Theo gia phả, ông Thỉ Tổ tôi (Nguyễn Phước Khoa) từ phủ Điện Bàn, Quảng Nam tòng vong chúa Nguyễn (Hiếu Duệ Vương và Cao Hoàng tức là vua Gia Long sau này) luân lạc trong Nam, vào thời tẩu quốc, làm quan đến chức Khâm Sai Cai Cơ. Ông được Chúa Nguyễn tứ tánh, cho theo họ Nguyễn Phước và phong tước Khoa Ngọc Hầu. Chúa ban hai chữ Ngọc Hầu sau tên ông; cũng như quan Bảo Hộ Nguyễn Văn Thoại được phong Thoại Ngọc Hầu. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi, ông có về triều hai lần, được vua ban yến hai lần.
    • Dấu tích còn lại của hai lần dự yến là hai cái chén sứ được thưởng cho mang về. Lòng chén tráng men trắng; quanh chén có hình giao long hí thủy (rồng giởn nước); trôn chén có in hai chữ Nguyễn Ngọc (ngọc quý của nhà Nguyễn). Sau 200 năm, một cái còn nguyên vẹn, một cái bị khờn mẻ.
      • Cái chén bị khờn mẻ phải nạp cho một cán bộ cộng sản thích sưu tầm đồ cổ, sau trận hồng thủy 1975.
        Cái chén còn nguyên được giao cho con cháu cất giữ làm của gia truyền.

      Dấu tích thứ hai: một cái hủ sành, giống như cái nậm rượu lớn, bên ngoài tráng men đen. Đó là hủ thuốc cao do ông bà tôi ngày xưa mang theo từ “ở ngoãi vô đây”.
      • Cái hủ này và cuốn gia phả được dấu kỷ trên đòn giông (thượng lương) nhà Bác Năm tôi, đều cùng chung số phận: cháy không còn một chút tro sau trận lính Tây bố rồi đốt Xóm Bà Đồ năm 1948.

    Ông thỉ tổ tôi không theo Nguyễn Vương về đế đô, mà ở lại lập nghiệp ở cù lao Ông Chưởng. Ông mất năm 1804 và được chôn tại đây. Khoảng năm 1940, bác Năm tôi và ba tôi có lần đi thăm mộ Ông. Trên đường vào mộ, ba tôi đạp nhằm xương rắn độc, gan bàn chơn bị sưng đau phải đi cà nhắc mấy tháng trời.

    Ông cao tổ tôi (Nguyễn Phước Thành 1781-1826) cũng sanh trưởng và thất lộc tại cù lao Ông Chưởng. Bà cao-tổ tôi tên Nguyễn Thị Nguyệt tự Hằng Nga (1788-1850) sinh ra tại xóm quê chưa có địa danh trên Bình Thủy 2 cây số. Lớn lên, bà theo chồng (ông cao tổ tôi) về cù lao Ông Chưởng. Góa chồng năm 39 tuổi, bà ở quê chồng thủ tiết nuôi con. Sau vì hai em ruột của bà là Án Sát Nguyễn Viễn Du và Sanh Đồ Nguyễn Viễn Mô đi làm quan, tổ quán không ai coi giữ. Hai ông em đã đến nhà Cai Cơ Vĩnh Hùng Nguyễn Ngọc Bút (Bút Ngọc Hầu, trưởng tộc, cậu ruột cao tổ tôi) mà tỏ trần sự vắng vẻ, xin rước bà chị về quản thủ. Bởi cớ ấy nên bà để người con trai lớn là ông Nguyễn Văn Diệu ở lại với ông Vĩnh Hùng... Bà chở nhà cửa gia tài và con cái về xứ mà cai quản tổ nghiệp.

    Về quê cũ, bà mở trường dạy học để nuôi đàn con côi. Do đó, dân làng Long Tuyền gọi xóm này là Xóm Bà Đồ. Xóm bắt đầu có địa danh và một thời từng được xem là chốn tao đàn của các bậc danh nho tại địa phương. Thời gian hưng thịnh của Tao Đàn là hồi cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa về mở trường dạy học ở Bình Thủy. Sau khi cụ khuất rồi (1872) cụ cử Phan Văn Trị ở Phong Điền vẫn tới lui với Tao Đàn. Nơi nhóm họp của các vị danh nho thuộc nhóm Tao Đàn Bà Đồ là một ngôi nhà ngói ba gian hai chái kiểu xưa, không phải gian nhà lá vẽ theo tưởng tượng trong quyển Cần Thơ Xưa và Nay của tác giả Huỳnh Minh. Quyển sách này phát hành cuối năm 1966, xóm Bà Đồ đã thành bình địa: sau mùa thu kháng chiến, bị lính Pháp đốt phá (1945-1948). Khi Việt Nam lấy lại được chủ quyền, quân đội lần lượt trưng dụng đất đai để xây cất căn cứ quân sự, nên dấu tích không còn.





    Xóm Bà Đồ

    Nói chung, bà con trong xóm phần đông là người miền Trung vào. Cho đến thập niên 1940, khi Dượng Mười Bằng (chồng cô Mười tôi) mở xưởng guốc sơn mài, mới mời vài ông thợ Bắc chuyên nghiệp về tiếp tay và tạm cư ở đây.

    Xóm gồm khoảng 20 ngôi nhà nhỏ lớn cất dọc theo con rạch cùng tên. Nhà nào cũng có một cây cầu bắt trên mé rạch. Có nhà bắt cầu ván với bốn trụ đàng hoàng. Phần nhiều, cầu là chỉ thân một cây dừa hay một thân cây mù u có đẻo nhiều ngàm làm chỗ bám chưn, thả dài trên sình, từ bờ ra lòng rạch. Rạch Bà Đồ khởi từ vàm trổ ra Hậu Giang, uốn quanh co qua xóm, chạy dài theo lộ hơn 200 thước, rồi xuyên ngang lộ vào trong ngọn. Chỗ rạch xuyên ngang lộ là cây cầu sắt lót ván, cũng gọi là Cầu Bà Đồ, do Sở Trường Tiền cất cho xe chạy thông thương đường Cần Thơ – Long Xuyên.

    Trước chiến tranh 1945, từ Bình Thủy đi lên, vừa qua khỏi chỗ quẹo thì thấy cổng của biệt thự Vĩnh Lộc nằm bên phải. Anh Hai con Bác Năm tôi, Cô Hồng Nguyễn Phước Trạch, có làm câu thơ bất tường khi biệt thự Vĩnh Lộc vừa hoàn tất: Vĩnh Lộc chắc gì Vĩnh Lộc đâu. Câu thơ này ứng nghiệm vì biệt thự này cũng không còn dấu tích.

    Qua cầu Bình Thủy chừng 400 thước, tới nhà Cô Sáu Sang nằm bên phải. Từ nhà Cô Sáu Sang, đi lên khoảng 500 thước phải là bắt đầu vào xóm Bà Đồ.
    Bắt đầu, bên trái ba cái nhà cất liền nhau: đầu tiên của Chú Năm Nguơn (các con là Quới, Chuộng, Đa, Lầu, Các), kế đến của ông bà Bảy Chánh; sau cùng là nhà của Cô Dượng Mười tôi nằm ngay trên mé rạch.
    Bên phải chỉ có nhà chú hai Chức cũng nằm dựa mé rạch.
    Ông Bà Bảy Chánh còn nói rặc giọng miền Trung. Nhà ông bà là sòng bài tứ sắc quanh năm. Ông Bà Bảy Chánh có bốn người con. Người con cả tên Bằng tức Dượng Mười tôi. Kế đến là Cô Ba Còn, Chú Năm Nguơn, Cô Sáu Tiền (chồng là Dượng Sáu Bé, cũng người miền Trung). Trường hợp ngộ nghĩnh, khi về ở xóm Ngã Ba Thới An, nhà ba má tôi lại gần nhà ông bà Chín Huế, cũng người miền Trung, cũng chuyên chứa bài tứ sắc quanh năm.

    Tiếp sau bốn nhà này là Cầu Bà Đồ.
    Qua khỏi cầu, dọc mé lộ trái, lần lượt là nhà gạch nền đúc của bác năm tôi, một khu vườn cây ăn trái. Kế đến là nhà ngói ba căn rộng rãi của Chị Ba Sửu (chồng là Phạm Văn, thơ ký Sở Giây Thép, sau này gọi là Bưu Điện), một khu vườn cau và mấy chục cây dâu. Sau đó, là ngôi nhà thờ do Bác Ba trai tôi ở, đến nhà Bác Ba gái lớn, rồi đến hai cây dương đứng hai bên con đường đất dẫn nẽo vào nhà Thiếm Tư Thiện (con trai là anh Xã); Chú Thiếm Ba Ứng (con trai là Thế cỡ tuổi tôi), sau cùng là Chú Bảy Quỳnh (hậu duệ của ông Án Sát Nguyễn Viễn Du). Chú Thiếm Bảy có nhiều con: Anh Hai Nhứt, Anh Ba Hào, Anh Sáu Kiếm, Chị Bảy Hạp, Chị Tám Gấm. Ba anh lớn cất nhà ở gần đó.

    Qua khỏi Cầu Bà Đồ, dọc theo mé lộ bên phải, đầu tiên là ngôi biệt thự tân thời nhứt hồi giữa thập niên 1930 của Bác Mười Thiền, thơ ký Sở Trường Tiền Cần Thơ (sau gọi là Ty Công Chánh). Kế đến là nhà Chị Hai Tý (con Bác Ba tôi, chị lớn tuổi hơn ba tôi) cất trên nền nhà cũ của Cô Chín tôi cạnh bờ ao có cây đào tiên (đã bị đốn mất).
    Bà con trong xóm cất nhà dọc theo bờ rạch chạy quanh co từ vàm vào ngọn:
    • dọc bờ rạch, bên trái nhà Chú Sáu Tâm (con trai là Anh Vịnh), nhà Bác Tư Biện (anh cô cậu ruột của ba tôi), nhà Chú Sáu Ngà với hai con trai (Anh Tư Dĩ và Anh Sáu Thị).
      Nằm tại vàm rạch bên phải là nhà Chú Hai Hưng. Cách đó, hơn 100 thước, nơi con rạch vừa giáp bờ lộ, là nhà Ông Bà Bảy Hương (trùng tên với Bà Sáu cạnh nhà Bà Ngoại tôi ở Thới An). Ông Bà Bảy Hương có mấy người con tôi còn biết tên: Cô Tư Kiệm, Chú Năm Giảng, Cô Sáu Niệu. Ông Bà Bảy Hương có nuôi mấy con bò; ban ngày thì ông và Chú Năm Giảng gát ách đi cày, bừa, trục cho những nhà có ruộng trong làng Long Tuyền và lân cận. Chiều chiều, bầy bò được lùa vô chuồng, thả mùng xuống che quanh, rồi nổi bếp trấu ung khói bên ngoài đuổi muổi.

    Ở cuối ngọn rạch là nhà Ông Tư Cánh, Cô Ba Còn và Cô Sáu Tiền.

    Bà con trong xóm đều làm ruộng tùy theo sức mỗi nhà (nhiều thì 50 hay 60 công, ít thì 20 hay 30 công). Hết mùa lúa, thì trồng khoai gieo đậu như nhiều nơi khác. Nhà nào cũng có một miếng vườn hoặc lớn hoặc nhỏ, trồng đủ mọi thứ rau cải và cây ăn trái. Nhiều nhà còn kiếm thêm huê lợi phụ bằng cách chất một hay nhiều đống chà dọc bờ sông cái để làm chỗ tụ cho tôm cá các loại, có khi rắn nước, đẻng (một loại rắn) cũng núp theo. Mỗi lần dở chà, ai thấy con đẻng thì sợ lắm, vì nọc nó độc, và được truyền miệng với nhau rằng: “đẻng là ngựa của Bà Thủy”.







    Khu Lào Táo

    Xóm Bà Đồ nằm về phía Tây sông cái Hậu giang. Bên kia sông cái là Cồn Linh. Con lộ Cần Thơ - Long Xuyên nằm song song với sông Hậu Giang và cách bờ sông này chừng hai trăm thước. Từ mé Nam vàm Rạch Cái Sơn xuống gần tới Xóm Bà Đồ, có một khu rừng hoang nhỏ chừng chục mẫu gọi là “lào táo” che một khúc bờ sông Hậu Giang. Ba tôi kể lại nhiều lần rằng: có một cặp trăn khổng lồ trong khu lào táo này. Bề to lớn của cặp trăn này được truyền khẩu như sau: khi nước ròng, lòng sông cạn bày sình bờ bên này gần đường, và bờ bên kia là Cồn Linh. Đôi trăn trườn đi từ lào táo sang cồn, để dấu trên sình như dấu hai chiếc xuồng lớn, bề ngang mỗi con ước chừng lớn hơn cái khạp da bò. Hai con trăn này có nhiều chỗ nhắc đến. Nghe đâu trong năm 1995, đài số 8 (PBS Houston), có đoạn video ngắn nói về hai con trăn lớn cở này trong Đồng Tháp Mười. Khu lào táo năm xưa, còn hoang vu, cỏ cây rậm rạp, ít người lai vãng (sau này nằm lọt vào trong khu kỹ nghệ của La Thành Nghệ dọc theo sông Hậu Giang từ Trà Nóc xuống gần Bình Thủy náo nhiệt hơn nhiều, vì chiều chiều nam thanh nữ tú hẹn nhau dọc bờ sông).

    Ông Tằng Tổ (cố) tôi (Nguyễn Hữu Tình 1820-1883) và Bà Cố tôi tiếp tục gìn giữ sự nghiệp tổ tiên. Ông Cố tôi rất rành Kinh Dịch, còn lưu lại những bài do ông chú giải bằng chữ nho. Thủ bút của ông còn nằm trong tay một người cháu tên Vinh khá rành chữ nho. Vinh (lớn tuổi hơn tôi) là con Chị Hai Tý. Theo vai vế, Vinh gọi tôi bằng cậu.

    Ông Nội tôi (Nguyễn Phước Dương 1851-1919) sinh ra và lớn lên trong xóm này. Ông từng là bạn đồng song với cai tổng Lê Quang Chiểu, môn đệ cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa cho đến năm 20 tuổi (1871). Qua năm sau (1872) cụ Thủ Khoa Nghĩa quy tiên. Khi gần qua đời, cụ Thủ Khoa gởi gấm ông nội tôi cho Đốc Học Nguyễn Thanh Trưng giáo huấn.

    Năm 1868, Ông Đinh Sâm khởi nghĩa kháng Pháp ở vùng Ba Láng Trà Niềng rồi thất bại. Cụ cử nhân Phan Văn Trị ở Phong Điền, một văn thân kháng Pháp, làm hai câu đối truy niệm như sau:
    • Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu hận huyết
      Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đái sầu nhan

    Nghe kể lại: bấy giờ, cụ bị tay sai của Pháp tầm nả; nên có một thời gian ngắn, cụ rời Phong Điền về Xóm Bà Đồ lánh nạn. Ông Cố tôi đưa cụ ra trú ẩn, nấn ná trong khu lào táo. Ông nội tôi năm đó khoảng 17 tuổi, đã có dính dấp vào vụ này.
    Bác Năm tôi thường kể lại sự kiện trên và thêm rằng: có thể, vì nể nang Cụ Cử Phan Văn Trị là bực danh nho được trọng vọng trong vùng, nên họ chỉ tìm cụ sơ sài trong vùng Phong Điền, không thấy thì thôi. Chớ rừng hoang hơn chục mẫu nằm dọc sông cái chừng 200 thước, đâu phải là khó tìm, nếu họ thật sự muốn bắt một văn thân để lập công với Pháp.





    khu Mộ Bà Đồ

    Từ hai cây dương lớn đứng sững hai bên bờ đường đất vô nhà Chú Bảy Quỳnh, trở lên phía Bắc chừng 100 thước, là khu mộ tổ của chúng tôi, nằm sát đường lộ Cần Thơ - Long Xuyên hiện nay. Vào khoảng thập niên 1830, bà Cao Tổ tôi (Bà Đồ Nguyễn Thị Nguyệt tự Hằng Nga) cải táng đưa ông Cao Tổ tôi (Nguyễn Phước Thành 1781-1826) từ vàm dưới rạch Ông Chưởng về chôn tại đây.

    Nghe kể lại, khi cải táng xong thầy địa lý cho biết: dù lúc đó khu mộ đang là một gò đất cao duy nhứt trong vùng ruộng sâu, nhưng về sau, có một thời nó sẽ giống như cái nghiên mực. Thầy còn ghi thêm cho khu đất này tám chữ:
    • Phú bất quá thiên, bần vô chí đức.

    Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần về quê nội đều ra thăm mộ tổ. Thấy có hai cây mai trổ hoa vàng trên đầu mộ hai ông bà Cao Tổ tôi. Hai cây mai không cao lắm cũng không có nhiều hoa, nổi bật trên khu đất vốn đã cao mà còn được dọn dẹp cỏ rậm, nhứt là vào những ngày trước Tết.

    Cuộc kháng chiến 1945 làm cho Xóm Bà Đồ tiêu điều, khu mộ cũng không còn được thường xuyên chăm sóc. Bác Năm tôi (với Chị Ba Sồ Oanh và Chị Tư Thâu) và ba tôi thì tha thiết với cơ nghiệp của ông cha, nên vẫn tới lui thăm viếng quê cũ trong vùng đất độn “đậu nhiều hơn xôi” này. Thực ra, tha thiết với quê cha đất tổ có ba phần, mà tha thiết với mồ mã ông bà đến bảy phần.

    Năm 1962, tôi được đổi về làm đại đội trưởng Đại Đội Quân Cụ ở Cái Khế. Ba tôi và tôi xin phép và được Bác Năm tôi thuận cho làm rào quanh khu đất với cửa ra vào bằng sắt, không động chạm gì đến mồ mã.

    Đầu năm 1964, tôi được Cục Trưởng Cục Quân Cụ tân nhiệm cho đi Qui Nhơn vì nhu cầu công vụ. Thời này, quân đội Hoa Kỳ vào Việt Nam khá đông, phi trường Trà Nóc đang cần mở mang. Liên tiếp mấy năm, điền sản của cả họ Nguyễn Phước ở Bà Đồ đều bị Khu Tạo Tác Cần Thơ trưng dụng, xây doanh trại quân sự, đặc biệt là Căn Cứ Chuyển Vận Vùng IV. Khu Tạo Tác đuổi những người còn sót lại ở Xóm Bà Đồ dời nhà đi nơi khác. Còn ra lịnh cho họ chúng tôi cải táng khu mộ này để lấy trọn khu đất. Đang ở Nha Trang, nhận được hung tin, tôi chạy về, đến gặp thiếu tá Lê Quan Phải, Trưởng Khu Tạo Tác để trình bày. Rằng:
    • “Quân đội có nhu cầu thì trưng dụng. Cả họ chúng tôi đã bị thất tán rồi. Người sống di chuyển còn dễ, sống ở đâu cũng được. Đất đã bị trưng dụng hết rồi; bây giờ anh ra lịnh cải táng thì chúng tôi đem hàng chục bộ xương cốt ông bà cô bác chúng tôi đi đâu? Gánh họ tôi có nhiều người phục vụ đất nước: bên hành chánh cũng có, mà trong quân đội nhiều hơn, anh cũng đã biết. Anh xem lại thử, rồi chừa bớt một mẫu đất cho khu mộ tổ chúng tôi được bình yên.”
    Thiếu tá Phải vốn có quen trước, anh cũng là người sùng đạo, hiểu phong tục và nễ trọng mồ mã. Anh bèn chừa khu mộ tổ của chúng tôi, đồng thời đề nghị ngưng vụ bắt phải cải táng. Tôi yên tâm trở ra Qui Nhơn. Gần một năm sau, có dịp về thăm ba má tôi; tôi lại lên Bà Đồ thăm khu mộ tổ như những lần trước. Đến nơi đứng bên lề đường, ngẩn ngơ nhìn vào khu mộ tổ bị ngập nước gần bằng mé lộ. Sau cùng, tôi lội đại thử vào xem sâu cạn ra sao? Mới chừng ba bước, thì nước ngập tới bụng. Lấy cây với dò thử, thì thấy sâu cả nửa tầm. Vì Công Binh đắp đê làm ven chừa khu mộ ra, cho xáng thổi sình lên bồi mấy chục mẫu đất chung quanh để làm nền cho nhiều kho xưởng. Ba bề là đất cao do xáng thổi sình lên cho đầy bờ ven, một bề là tỉnh lộ Cần Thơ - Long Xuyên. Khu mộ biến thành một cái trủng sâu gần hai thước. Mưa luôn mấy trận, bao nhiêu nước chung quanh dồn vào khu trủng này thành cái hồ hình vuông dài một mẫu ta, chiều ngang 40 thước, chiều dọc gần 90 thước. Từ một gò đất cao nay bỗng nhiên biến thành một cái hồ chữ nhựt, quả nhiên là giống như cái nghiên mực. Tôi mang nguyên bộ đồ ướt lên xe, về thẳng Khu Tạo Tác Cần Thơ (còn ở bên kia đầu Cầu Sáu Thanh), xin gặp trung tá Phải (anh đã thăng cấp sau 01/11/1963). May mắn cho tôi, hôm đó anh có mặt ở văn phòng. Anh hỏi tôi đi đâu mà ướt loi ngoi vậy. Tôi thành thật trình bày nỗi bất mãn cũa một sĩ quan QLVNCH đang bị giao động tinh thần vì công sự của Khu Tạo Tác nhận chìm khu mộ và làm ngập nước xương cốt ông bà! Anh Phải vốn rất tốt bụng, nghe qua tự sự, cũng thông cảm với tôi. Anh kêu văn phòng mang hồ sơ lên cho anh xem; rồi hứa với tôi sẽ giải quyết vấn đề trong ba ngày. Quả thật, trưa ngày hôm sau, tôi trở lên xem thì thấy một toán Thổ Công Binh đang xẻ rảnh ngang đường lộ cho nước tháo chảy ra sông cái. Vị sĩ quan đặc trách cho biết, rảnh xẻ xong, lập tức đặt ống cống đúng tiêu chuẩn kiến tạo cho đường liên tỉnh Cần Thơ-Long Xuyên hội đủ điều kiện lưu thông cho các loại xe nặng nhẹ kể cả chiến xa, cơ giới công binh v.v... Đến đây là xong phần khu mộ có một thời gian giống cái nghiên mực, đúng như ông thầy địa lý gần 140 năm trước. May mà, xương cốt ông bà tôi dưới mộ chỉ bị cầm thủy trọn một mùa mưa mà thôi.

    Về tám chữ:
    • Phú bất quá thiên, bần vô chí đức
    của ông thầy địa lý ghi cho cuộc đất khu mộ, đại để nghĩa là:
    • “Giàu không quá ngàn; nghèo không cạn đức”.
    Ông không cho biết là ngàn gì! Ngàn mẫu đất? Ngàn lượng vàng? Ngàn quan? Ngàn hộ (ngôi nhà)? Có điều chắc chắn là cả họ Nguyễn Phước gốc Bà Đồ, ở hoạn lộ hay thương trường, người thành công dù được giàu có (phú) cũng chỉ ở mức trên trung bình (bất quá thiên = không quá một ngàn). Ngược lại, kẻ thất bại sa cơ, lâm cảnh truân chuyên lưu lạc, trăm nổi ngàn chìm ở xứ người, cam chịu túng thiếu nghèo khó (bần) ở quê nhà, cũng không tới mức cạn đức của ông bà để lại (Vô chí đức = không tới mức cạn hết đức).

    Theo bác Năm tôi và ba tôi kể lại:
    Ông Nội tôi từng theo văn thân chống Pháp, nhưng thất bại may mà không bị bắt, cũng khỏi bị thương vong.
    Ông theo học với cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa cho đến năm 20 tuổi thì thôi học về lập gia đình. Nhưng số ông lận đận phải tục huyền ba lần. Ông buồn gia thất, có bài vịnh rằng:
    • Hai vợ tầm tiên, một vợ đi.
      Nợ duyên duyên nợ, nợ duyên gì?
      Duyên xưa vắng vỏi ra duyên cũ!
      Nợ cách xa xuôi hoá nợ lỳ!
      Chích gối năm canh đau tử biệt!
      Mỏi trông ngàn dặm tức sanh ly!
      Mẹ già con dại nhà hiu quạnh!
      Lấy rượu làm khuây uống ít bì!

    Ông còn có bài thơ Con Tôm:
    • ......
      Mang gươm giữ thế chơi sông rộng
      Mặc giáp che mình ẩn vũng sâu
      Kẹp chắc chi sờn cơn sóng gió
      Bắn lùi ra khỏi chỗ chài câu
      ......
      Thà chịu còng lưng chẳng cúi đầu

    để nói lên chí khí bất khuất của ông.

    Theo Bác Năm tôi và ba tôi kể lại:
    Ông nội tôi không cam tâm khuất phục ngoại bang, nên thường hội họp cùng các chí sĩ tiếp tục mưu toan kháng Pháp. Mỗi năm nhà có Giỗ Chạp, ông mượn cớ này để họp bằng hữu. Ban ngày thì cùng nhau thù tạc, bàn luận văn chương vịnh ngâm thi phú, vì Tao Đàn Bà Đồ vẫn tồn tại từ lâu ở vùng này. Nhưng đến đêm, quý vị cùng nhau luyện tập võ nghệ chờ ngày khởi lên đánh Pháp. Hỡi ơi! côn quyền đao thương chẳng thắng được súng ống của đội quân viễn chinh Pháp, dù thời đó họ chỉ có những cây súng "chọc xoài" hoặc mousqueton cổ lổ.

    Nghe kể lại, sau lần thua cuối cùng ở đồn Sa-Đéc, ông thất chí nằm nhà, dốc túi dạy chữ nho cho ba tôi, vì ông sợ dạy không kịp và thường than cha già con muộn. Ba tôi là nạn nhân của cuộc dạy rút này: ông dọn bài mà không thuộc thì ông trở ống vố khỏ đầu ba tôi.






    Thời đó, làng Long Tuyền khuyến khích học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Như trường hợp ông Cả Nhứt là một trong những người theo tân học đầu tiên, ông đậu bằng cao học thương mãi ở Pháp. Khi thành tài về nước, đứng đầu chi nhánh ngân hàng Đông Dương tại Cần Thơ. Vì muốn xây dựng thôn xã sinh quán, ông nhận đứng ra làm Hương Cả, mời những vị cùng trang lứa tân học đảm nhiệm Ban Hội Tề trong làng. Do đó, mà làng Long Tuyền có một thời hưng thịnh, được thực dân nể nang, không chen lấn hay dòm ngó gì vào nội bộ Ban Hội Tề.

    Bác Ba tôi cũng thuộc hạng thức thời, nên cho con trai lớn của bác (anh Năm Liệp) theo học chữ quốc ngữ và chữ Pháp sớm. Bác trình và nhắc Ông Nội tôi:
    • - Cả (danh xưng của Ông Nội tôi trong nhà) nên cho chú út đi học trường Bình Thủy;
      con cho thằng Liệp vô trường rồi.
      - Con mày; mày cho học sao thì cho.
      Con tao, tao dạy nó học chữ nho.

    Cùng tuổi Mậu Thân (1908), mà anh Năm Liệp theo học chữ Tây sớm, sau đậu bằng Thành Chung, rồi thi Thơ Ký Chánh Phủ (Sécrétaire du Gouvernement) làm công chức thăng huyện khi hưu trí. Còn ba tôi đến năm 11 tuổi, sau khi ông nội tôi qua đời, mới bắt đầu vào lớp chót trường tiểu học Bình Thủy. Do ông đốc học Cao hiểu rõ hoàn cảnh, cho ba tôi theo học hết ba năm trong quyền hạn của ông. Nhờ đó, ba tôi thông thạo quốc ngữ và một ít chữ Pháp, đặc biệt ông viết chữ rất đẹp. Nhưng vì học trễ như vậy, nên ba tôi không được dự thi lên học tiếp lớp nhì một năm (Cours Moyen 1ère Année) tại Cần Thơ, bởi chương trình giáo dục thời đó bị Pháp kiểm soát, đặt những hạn chế tuổi tác rất gắt gao.

    Ba tôi rất tinh thông chữ nho, rất rành tánh dược, có chẩn mạch hốt thưốc bắc cho bệnh nhân trong thân bằng quyến thuộc, nhưng ba tôi không chịu xướng danh làm thầy đông y. Ba tôi có học bộ mạch để chẩn biết bịnh chữa được hay không chữa được. Và khi biết bịnh không chữa được thì ông thẳng thắn từ chối, không ra toa, mà khuyên nên sớm tìm thầy khác đừng chần chờ. Khi bị ba tôi chê rồi, thì thường thường bịnh nhơn chỉ còn chờ ngày!!! Trong chỗ thân thiết, ba tôi còn cho biết khoảng tháng nào thì "nhập quan", để gia đình chuẩn bị cho khỏi bối rối. Do đó, những người tin dị đoan trong làng, rủi trong nhà có bệnh nhân, không dám nhờ ba tôi xem mạch.
    Có lần tôi hỏi ba tôi bộ mạch gì mà lạ vậy. Ba tôi bảo đó là bộ mạch đòi ăn đồ cúng. Tôi càng tò mò hơn hỏi bộ mạch sao mà tên kỳ cục. Ba tôi cười:
    • Nó là bộ mạch Thái Tố. Bộ mạch này có dạy cách chẩn bệnh và cúng kiến liên quan đến phần âm. Như mạch như thế này thì mắc bà thủy (đàng dưới), mạch như thế kia thì mắc bà thượng động (đàng trên), mạch như thế nọ thì mắc quan cựu trào (đàng binh). Con nghĩ coi, nếu ba nói bệnh này phải cúng gà, bệnh kia phải cúng vịt, bệnh nọ phải cúng tam sên hay cúng heo v..v..thì có phải là bộ mạch 'ăn đồ cúng' không? Ba quyết không đi con đường này, bởi rất tổn âm đức, dù kiếm ăn rất khá.
    Ngoài ra, ba tôi thường nhắc cho tôi câu:
    • Nhứt thế y, tam thế suy. Nhứt thế lại, tam thế bại
    và giảng rằng:
    • Một đời làm thầy thuốc (vô tâm bất lương), ba đời con cháu phải chịu suy tàn.
      Một đời làm quan (bất minh, bất liêm), ba đời con cháu phải chịu lụn bại.
    Ngụ ý rằng: Ông cha làm mà con cháu phải chịu, vì khi hành nghề đã làm những chuyện tổn âm đức. Do đó, ba tôi không làm thuốc đông y theo lối chẩn mạch cho toa lấy tiền, hoặc hốt thuốc thang, hay chế tán tể cho thân chủ rồi tính giá cao. Tuy nhiên, ba tôi rất tận tâm: chẩn mạch, nhận tiền đi hốt thuốc dùm hầu chọn đúng thuốc tốt, chỉ cách sắc thuốc và theo dõi bịnh tình cho đến khi lành. Dù mát tay, nhưng chuyên làm công không quanh năm, nên vẫn nghèo.
    Ngoài việc chửa trị các bịnh thông thường, ba tôi còn có toa thuốc để giúp những người đàn bà hiếm muộn sanh con, nhưng ít phổ thông vì thang thuốc cần các chủ vị mắc tiền như sâm, nhung v.v... và cách chế rất công phu biến thang thuốc này thành tể; tức là tùy theo vị thuốc mà tẩm (ngâm), sao, phơi nắng phơi sương, sấy, tán, nhồi với đường hay mật, rồi vò viên bằng ngón tay cái, cho uống dài hạn có khi vài tháng hay nửa năm. Tôi có dự vào việc tẩm, ngâm, sao thủy thổ vài vị thuốc trong thang này. Khi còn nhỏ, ở quê nội, đêm đêm tôi nghe ba tôi đọc sách thuốc. Ông đọc rất nhiều nhưng bây giờ tôi chỉ còn nhớ có ba chữ "...tỳ tịch tỳ" trong một đoạn nào đó. Tôi thực là thằng con bất mục, không theo nghề của cha, bỏ học nho, không học thuốc, mà lại đi theo võ nghiệp của Thỉ Tổ. (Tôi nhập ngũ từ tháng 9 năm 1952).






    Trở lại ngôi nhà thờ quê nội của tôi ở Bà Đồ, cách Bình Thủy chừng 2 cây số, dưới Trà Nóc chừng 1 cây số. Đây là một ngôi nhà nền đất, ba căn, lợp ngói đỏ, vách ván. Mặt tiền quay về hướng Đông, nhìn ra đường lộ cái đi Cần Thơ - Long Xuyên. Dọc bờ lộ có một hàng xoài, đến mùa trái rất sai. Sau một trận gió lớn, thì tôi thường ra dọc lộ lượm xoài. Lượm vì tôi thích làm như vậy, chớ không ăn được bao nhiêu vì xoài chua quá. Trong một góc sân gần chái phía tây có một cây quế gốc lớn bằng vòng tay ôm của trẻ con. Mỗi năm lột vỏ một đoạn trên thân cây theo nhu cầu dùng quế trong nhà. Từ lộ cái vào nhà, là con đường đất hai bên trồng bông phấn ba màu vàng trắng đỏ. Giữa nhà treo một cái đèn có khung sắt tạc hình ba con khỉ đở cái chụp bằng kiến trắng. Đêm về, đèn được thắp lên toả ánh sáng cho cả nửa gian nhà trước. Bà nội tôi thường chỉ cái đèn bảo rằng:
    • Sau này bà chết, thì cái đèn này bà để cho con.
    Bà chỉ có mình ba tôi là trai, nên bà rất thương hai đứa cháu nội. Bà thường ẳm Điểm và dắt tôi ra sân, ngồi dưới mái hiên trước, có bóng một cây nhãn lão che mát. Bà hay chăm sóc cây nhãn nầy, đến mùa nhãn có trái thì bà bảo ba tôi đan giỏ bọc những chùm nhãn lại kẻo chim hay dơi ăn hết. Tôi có thấy nhãn trong giỏ, nhưng chưa kịp được ăn, thì bà nội tôi quy tiên.

    Sau đó, má tôi đùm túm đưa ba anh em tôi về tá túc bên ngoại, vì ba tôi rời xóm đi tìm việc làm. Thời kỳ này, Sở Trường Tiền đang xây cất cầu Cái Răng. Ba tôi vào đó, ở đậu nhà Bác Ba Cự, lãnh làm cặp rằng (có thể phát âm theo chữ corporal) trông coi dân phu đắp đất mang cá hai đầu cầu.


    Từ bấy, thỉnh thoảng chúng tôi mới được ba tôi đưa về thăm quê nội. Thường thì mỗi năm được một lần, vào dịp đám giỗ Bà Nội của tôi. Rời Xóm Bà Đồ, anh em tôi không còn chiều chiều đi bộ lang thang dọc trên con lộ cái lúc ấy vắng xe bộ hành Cần Thơ - Long Xuyên.
    • Không còn dịp nhìn hàng trăm bông dầu, bông sao khô rụng, vừa bay vừa xoay tròn theo gió, từ trên cao đáp xuống mặt đường, lên đám cỏ bên lề.

      Không còn những dịp thủng thỉnh đi bộ từ hai cây dương, dọc xuống phía cây cầu sắt.

      Không còn dịp ngừng lại một chút trước nhà cô chín tôi, chỗ cái ao cạn đầy tăm cá, nhìn những chùm trái sai hoằng nhánh của cây đào tiên mọc hoang. Đào tiên gì mà kỳ cục: trái tròn, vỏ cứng, đem đập bể ra thấy ruột màu trắng có hột như hột bầu, nhưng có mùi hôi khó tả. Vì tên nghe đẹp, khi có trái xem cũng hay hay, cây nầy đứng cạnh bờ ao được ít lâu, rồi phải đốn bỏ.

      Không còn những lúc nhẩn nha ngừng lại một chút bên cạnh bụi bứa rừng mọc ngay ven đường mà cũng là bờ rạch. Ngắt vài lá bứa non, nhai chơi cho vui miệng: lá bứa non chua chua ngòn ngọt không phải ngày nào cũng có.

    Đi xa xuống chút nữa, đến ngang nhà Bác Năm tôi, leo lên cây cầu ván có lan can (bắt ngang con rạch) nối liền biệt thự "lộng lẫy" của Bác Mười Thiền vào lộ cái. Tại đầu cầu này, một buổi trưa, tôi thấy một người đờn ông và một cô con gái nhỏ đạp xe máy (xe đạp) từ Cần Thơ lên, chầm chậm chạy ngang qua xóm. Cô con gái nhỏ hơn tôi, nhưng đã biết đạp xe máy hồi đó là điều khiến tôi phục lăn rồi không thể quên được. Tôi đâu có biết rằng được thấy thoáng qua cô gái nhỏ lần đó là khởi duyên tiền định cho cả một cuộc đời.





    Cuối năm 1945, khởi đầu Nam Bộ kháng chiến, tuy không là đảng viên cộng sản, nhưng nhờ chút vốn chữ nghĩa (Nho, Việt, Pháp), có uy tín trong hai xóm, ba tôi được cử làm chánh trị viên của đội võ trang nhận nhiệm vụ giữ khu Bà Đồ -Cái Sơn. Ba tôi giữ gìn không cho ai lạm dụng gây thiệt hại cho bà con xóm giềng tản cư vắng mặt. Vì tận tụy gìn giữ tài sản cho bà con trong xóm, ba tôi bị Việt minh gây nhiều khó khăn, đành phải lìa xóm Bà Đồ lánh nạn. Năm 1946, khi thực dân Pháp trở lại, nhà cửa trong xóm còn nguyên vẹn.

    Mãi đến năm 1948, vì ở vùng ít xôi nhiều đậu, Xóm Bà Đồ trở thành bất an: ban ngày thì lính partisans hay lê dương Pháp ruồng bố, ban đêm thì Việt minh làm chủ. Dằng co được vài tháng, sau những đợt mấy cây sao, mấy cây dầu, mấy cây dái ngựa rồi tới hai cây dương lớn tuổi bị kháng chiến hạ nằm ngang lộ để chặn xe thiết giáp mở đường mỗi sáng, có lần lính partisans bị phục kích trên chặn đường Bình Thủy Trà Nóc, quân Pháp ra lệnh đốt Xóm Bà Đồ, đuổi hết dân cư ra chợ. Nguyên gánh họ của tôi đều tản cư xuống Bình Thủy, đi Cần Thơ hoặc lên Sài Gòn. Thực là oái oăm mà cũng là oan nghiệt. Ông nội tôi không chịu theo Pháp, chỉ 26 năm (1919-1945) sau khi ông mất, khu Bà Đồ mà ông thừa hưởng của tổ tiên rồi góp công gầy dựng, lại bị tay của giặc Pháp mà hoang tàn. Con cháu ông cũng chia làm hai phe: một nhóm nhỏ lâm vào thế kẹt theo luôn kháng chiến, một số nhiều dứt khoát không chịu theo kháng chiến, về sống trong vùng quốc gia.

    Nguyên gánh họ của tôi ở Bà Đồ là nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến thê thảm kéo dài 30 năm (1945-1975). Các ngôi nhà trong xóm đều thành tro than, hoặc phải dở xuống và dời đến những khu do quân đội Pháp kiểm soát gần chợ Bình Thủy. Dù có nhiều lần, bà con tôi liều mạng hồi cư, mong cố gắng xây dựng lại nếp sống bình thường của Xóm Bà Đồ, nhưng chỉ cố gắng dựng lại được vài ba ngôi nhà lụp xụp tạm bợ ít lâu, rồi những biến cố khác xảy ra, lại bị tàn phá tan hoang và sau cùng đất đai bị QLVNCH trưng dụng, bị ép buộc dời nhà xuống chợ, hay đi lập nghiệp ở nơi khác.

    Mấy năm sau cùng của cuộc đời, ba tôi thường nhắc chuyện cũ Xóm Bà Đồ. Và thường ngậm ngùi kết luận bằng câu:
    • Bây giờ cả Xóm Bà Đồ đã bị tụi Tây nó đốt cháy rụi. Bà con xiêu lạc, cảnh vật cũng đổi thay hết, như ông bà ngày xưa vẫn nói 'Tam thập niên nhứt biên'. Chỉ còn khu mộ tổ là dấu tích lưu lại, cho con cháu sau này biết có gốc mà tìm về!






    L o n g T u y ề n
    Khởi từ năm 1996
    Duyệt lại xong 08 giờ 30 sáng, ngày 17 tháng 11 năm 2005


    nguồn: etetet
              
Trả lời

Quay về “Cần Thơ”