Tại sao người Việt không thể liên kết?

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tại sao người Việt không thể liên kết?

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Tại sao người Việt không thể liên kết?





    43 năm đã trôi qua từ khi biến cố 30/4/1975, một thời gian đủ dài để đánh dấu một thế hệ mới trưởng thành tại hải ngoại. Một câu hỏi quan trọng là người Việt đã học được tinh thần liên kết hoặc “làm việc đồng đội’’ (team work) của người bản xứ hay chưa, đặc biệt là trong sinh hoạt đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam.

    Trong thập niên 80 khi người Việt tỵ nạn mới chân ướt chân ráo tới định cư tại Úc, cộng đồng người Úc gốc châu Âu chẳng hạn như Ý, Hy Lạp và Nam Tư lúc đó cũng đã định cư tại Úc trên 4 thập niên sau Đệ Nhị Thế Chiến. Nhưng họ đã có những tập đoàn luật sư và kế toán gia hùng hậu. Lớn thì có tới hàng chục thành viên và nhỏ hơn thì là vài thành viên. Họ hiểu được và tận dụng nguyên lý kinh tế vi mô. Nhờ vậy mà họ dễ dàng tạo được sức mạnh và hội nhập một cách thành công và hiệu quả. Ngày nay, những người di dân đó đang nắm các vai trò lãnh đạo trong chính quyền, hệ thống tư pháp, hành chánh, giáo dục cũng như truyền thông. Khoảng cách giữa họ với người Úc gốc Việt ngày càng cách xa.

    Trong khi đó, tuyệt đại đa số chuyên gia và thương gia gốc Việt vẫn còn là hình thức đơn thương hoặc trong phạm vi gia đình. Văn hóa làng xã, tiểu nông cố hữu vẫn chưa thoát khỏi tư duy của người Việt ly hương mà còn muốn di truyền xuống các thế hệ nối tiếp.

    Một điều không thể chối cãi là để thực hiện bất cứ công việc nào hiệu quả thì phải cần có ít nhất 4 điều kiện đó là: tổ chức, lãnh đạo, nhân sự và tài chánh. Trong 4 yếu tố này thì cái đầu tiên – tổ chức là quan trọng nhất. Vì phải có tổ chức thì mới đẻ ra được lãnh đạo rồi từ đó vận động nhân sự và tài chánh. Hay nói một cách khác, câu hỏi đặt ra không phải là cái gì mà làm sao thực hiện được nó hiệu quả nhất mới là quan trọng.

    Một vấn đề mà có đông người Việt hải ngoại chia sẻ là làm sao để giúp biến Việt Nam từ một chế độ độc tài chuyên chế cộng sản thành một quốc gia dân chủ, đa đảng, đa nguyên và tam quyền phân lập. Khi chúng ta ngồi xuống thảo luận những công tác cần phải là thì có rất người đưa nhiều ý kiến khác nhau về những công tác nên làm nhưng chúng ta thường không đặt câu hỏi làm sao xây dựng tổ chức để thực hiện những công tác cần thiết đó. Ai cũng có thể liệt kê một danh sách rất dài những việc nên làm nhưng làm sao để có người và tiền để thực hiện những công tác đó thật mới là quan trọng. Dân chủ và tam quyền phân lập có thể là những lý tưởng trừu tượng nhưng phương pháp phải thực tế và cụ thể thì mới có hiệu quả. Bằng không thì chỉ là nói suông cho vui miệng.

    Thật ra, trong lịch sử đấu tranh tại hải ngoại thì có một vài sự kiện đáng ghi nhận khi có nhiều người Việt quyết định kết nối để thành lập tổ chức. Đáng kể nhất là khi 3 tổ chức là Tổ Chức Người Việt Tự Do, Phục Hưng và Lực Lượng Quân Dân Việt Nam sáp nhập và thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam vào ngày 30/4/1980. Theo lời kể của Học Giả Đỗ Thông Minh trong bài “Niên Biểu Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam”, Mặt Trận tổ chức một loạt Đại Hội Đồng Tâm vào năm 1983 tại Anaheim Convention Centre, Nam Cali với trên 8,000 người tham dự. Mặt Trận mở chiến khu và xây dựng lực lượng với khoảng 240 kháng chiến quân. Sau các chiến dịch Đông Tiến I vào năm 1985 và Đông Tiến II vào năm 1987, hầu hết toàn bộ chỉ huy bị tử thương và Chủ Tịch Hoàng Cơ Minh bị trọng thương và tự sát. Tổng kết, có hơn 100 trong tổng số 240 kháng chiến quân đã hy sinh. Số còn lại bị bắt và ở tù với những bản án dài hạn. Vào năm 2004, Mặt Trận giải thể và công khai hóa Đảng Việt Tân. Ước lượng có khoảng 800 đảng viên Việt Tân sinh hoạt khắp nên trên toàn thế giới và hiện đang là tổ chức đấu tranh lớn nhất của người Việt. Có điều đáng tiếc là có một số thành viên trong cộng đồng nhìn Đảng Việt Tân với một ánh mắt nghi kỵ vì những lý do khác nhau. Nhưng lại không trực tiếp đối thoại để giải tỏa khúc mắc. Xem ra chính sách “3 không” không chỉ áp dụng riêng cho Đảng CSVN mà ngay cả trong nội bộ cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

    Sự kiện thứ hai diễn ra vào năm 1995 khi Hội Nghị Liên Kết Người Việt Tự Do lần thứ nhất được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn quy tụ 10 tổ chức đấu tranh và cộng đồng gồm có Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, Liên Minh Việt Nam Tự Do, Hội Đồng Việt Nam Tự Do, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, Liên Minh Quang Phục Việt Nam, Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu và các cộng đồng tại Mỹ, Nhật và Hòa Lan. Nhưng sau Hội Nghị lần thứ tư diễn ra vào năm 2000 thì không thấy có sinh hoạt gì khác.

    Tới năm 2008, một vài thành viên đại diện cho một số đoàn thể đứng ra tổ chức Hội Nghị Liên Kết Đấu Tranh Tự Do Cho Việt Nam. Nhưng rồi Ban Tổ Chức cũng chỉ ra “Quyết Nghị Và Tuyên Bố Giải Thể Chế Độ Độc Tài CSVN, Thiết Lập Thể Chế Tự Do Dân Chủ tại Việt Nam”. Có nghĩa là Ban Tổ Chức cho biết ý muốn nhưng không cho biết làm cách nào để thực hiện được ý muốn đó.

    Tới tháng 10 năm 2015, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại Hoa Kỳ mở Hội Nghị Liên Kết Người Việt Quốc Gia Hải ngoại. Hội Nghị thành lập 2 ủy ban là Ủy Ban Vận Động Liên Kết Ban Liên Lạc và Phối Hợp. Trong bài “Vấn đề ‘Liên Kết Người Việt Hải Ngoại’”, Bs Nguyễn Quyền Tài (một thành viên của Ban Liên Lạc và Phối Hợp) ghi nhận là sau 40 năm ly hương, mọi nỗ lực liên kết người Việt hải ngoại hầu như chỉ chuốc lấy thất bại và khiến cho nhiều người tin rằng việc xây dựng tổ chức và tinh thần đoàn kết giữa người Việt hải ngoại là không còn khả thi nữa. Nói một cách khác, cộng sản đâu cần tốn công đánh phá gây chia rẽ vì chính người Việt hải ngoại đã tự gây chia rẽ rồi. Để rồi câu nói “người Việt luôn chia rẽ” trở thành chân lý di truyền xuống các thế hệ trẻ Việt Nam tại hải ngoại trong mọi lãnh vực sinh hoạt kinh doanh, xã hội và chính trị.

    Tại sao người Việt lại nặng đầu óc chia rẽ ? Có nhiều lý do nhưng tựu chung là do thái độ nghi kỵ quá mức. Có nghĩa là không tin hoặc không thích cá nhân hoặc đoàn thể khác. Đa số không phải là vị mục tiêu trái nghịch nhưng vì bất đồng quan điểm về phương pháp đấu tranh. Thông thường là mang tính cá nhân. Có nghĩa là vì do không thích ông A, bà B hoặc hội C nào đó. Nhiều lúc không làm mà còn dèm pha hoặc đánh phá. Người Việt hải ngoại đã bị cộng sản lường gạt quá nhiều đến nỗi cái ảm ảnh sợ hãi bị gạt đó vẫn theo đuổi cho tới bây giờ. Thậm chí có người lập luận một cách ngớ ngẩn rằng những nhà đấu tranh trong nước bị tù đày đều là cuội. Đó là họ dùng khổ nhục kế hòng tạo uy tín với người Việt hải ngoại.

    Một số hình thức sinh hoạt không trong sáng hoặc nhập nhằng của một vài tổ chức chính trị làm tăng thêm môi trường đầy nghi kỵ trong sinh hoạt đấu tranh. Chúng ta vẫn thường nghe những lời to nhỏ ví dụ như “ông/bà A này là đảng viên ngầm của Đảng B” hoặc “nhóm X này là do tổ chức Y dựng ra”…Cứ thế mà không ai có thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn.

    Trong thời đại internet hiện nay, hiện tượng “fake news” không chỉ ảnh hưởng riêng tới cộng đồng người Việt mà cả thế giới. Phát biểu “loạng quoạng” là có thể bị chụp cho cái mũ “thân cộng” hoặc “hòa hợp hòa giải”. Những hình thức ngôn từ này quá dễ dàng thoát ra khỏi miệng ngay cả của một vài người đóng vai trò lãnh đạo.

    Thứ hai là thái độ đố kỵ. Có thể là cá nhân hoặc đoàn thể mình không làm được việc nhưng không muốn nhìn thấy cá nhân hoặc đoàn thể khác có khả năng hơn được nổi bật, nhất là khi mình đã không thích họ. Cái ‘tôi’ quá lớn làm ‘tập thể’ trở thành bé nhỏ.

    Nói chung, người Việt chúng ta khó liên kết với nhau vì những lý do mang tính “hết sức con người” mà trong đó, thẳng thắn mà nói, tâm lý nhỏ mọn đóng một vai trò quá lớn. Nói như vậy không phải là để bày tỏ một thái độ chê bai hoặc quan điểm tiêu cực mà là một gợi ý để tất cả mọi người chúng ta thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết về mặt văn hóa hoặc thói quen (đúng ra là những cái tật) để khắc phục. Làm việc đồng đội là một sinh hoạt tiêu biểu nhất của sinh hoạt dân chủ. Nếu chúng ta không làm được một điều căn bản nhất của sinh hoạt dân chủ thì làm sao có thể hô hào tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam?

    Dĩ nhiên là người Việt chúng ta không có “độc quyền” sở hữu thói quen nghị kỵ và đố kỵ. Chắc chắn là trong đời sống và văn hóa của người Tây Phương không thiếu những món này. Nhưng họ đã vượt qua được những rào cản tâm lý cá nhân bằng cách xây dựng cơ chế và tổ chức với điều lệ và quy định nghiêm minh. Do đó, nếu người Việt hải ngoại thật sự muốn góp phần tranh đấu có hiệu quả thì chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận khiếm khuyết và học hỏi từ người tây phương văn hóa và phương pháp xây dựng tổ chức. Hay nói một cách khác, việc đầu tiên là phải ghi nhận mình có bệnh và chấp nhận đi tìm thuốc giải.


    Ls Nguyễn Văn Thân
    4/4/2018



    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Tại sao người Việt không thể liên kết?

Bài viết bởi NTL »

*

Mỗi quốc gia, cho dù là hàng xóm láng giềng thì dân tộc tánh y hinh cũng có khác, vì phong tục tập quán và môi trường hoàn cảnh đất nước đã hổng giống nhau.
Từ khoảng 15 năm đổ lợi, dân tứ xứ kéo sang đây lập nghiệp khá đông. Các đợt di dân thường tẻ lẻ, còn bằng như áo ạt là vì đã xảy ra một biến cố chi đó tại phần đất nhà, rồi di dân đã được mở cửa cho vào định cư gọn lẹ.
Dân á châu, đông âu, trung đông, hải đảo (haiti) và gần đây phi châu, rủ nhau dồn dập kéo tới. Đợt di dân hiện nay đang và sẽ tiếp diễn là đám tàu cộng, tuy không thành phong trào nhưng rỉ rả lai rai và có thể âm ỉ tới tết công gô chưa hết, bởi đất đai nơi đó đã không còn đủ rộng để chứa dòng dõi con trời !

Nhận xét sau đây là của nú, đúng với nú thôi heng.
Lãnh vực y tế nơi nú ở hiện nay, đám tóc đen nhiều chi kể. Nurse, aid-nurse và orderly tuyền philippine, ả rập và haitian, hiếm khi thấy các sắc dân khác. Họ xúm xít họp bày, tuy ngôn ngữ anh pháp là chánh, nhưng rồi chẳng may lọt vào giữa họ thì bảo đảm ta sẽ thành người ngoại cuộc liền. Philippine nói tagalog, ả rập nói tiếng..."hồi", và haitian nói creole.

Philippine thoái mái ôn hoà, chăm chỉ vừa phải trong công việc làm, nhưng giao chi làm nấy, chớ tuyệt nhiên hổng để ý tìm kiếm thêm cho công việc tốt hơn lên, nên rồi chuyện thăng ngạch trật trong nhóm ni thường khi ít thấy.
Ả rập xông xáo, agressive, tháo vác. Chăm chỉ trung bình hay trên trung bình. Đám này nếu muốn thường tiến lẹ trên nấc thang nghề nghiệp.
Bẹt dèm trong trỏng là haitian. Nói có trời làm chứng, lầu bịnh trại bịnh cảng đông đám nhơn viên này chừng mô thì công việc càng lề mề chừng nớ. Khổ cái... đám ni ngày càng nhiều. Xui nữa là, chẳng may do hoặc kẹt người, hoậc bè đảng phe phái, thinh không có một trự haitian được cử vào làm xếp, dù chỉ là xếp nhỏ và có khi tạm thời, y phép công việc đình trệ liền, đình ngay tấp lự tới loa phóng thanh hay alarm hổng kịp báo động nữa cà !

Giữa chúng với nhau thì môi trường thường khi sống động huyên náo, người ngoài (là nú heng) có nghe cũng hổng thể hiểu chuyện chi. Nếu là đang cãi thì... cãi một chập như mổ bò xong, chúng kéo nú ra đậng phân bua sự thể, nhưng nghe xong biểu giấy trắng mực đen báo cáo để xử thì chúng... lắc - ức nên phân chớ thưa thì hổng thưa - Công việc trại hổng tiến nổi vì leadership không có, nhưng mạnh ai nấy nín, xếp lớn ngó xuống cũng phải chịu thua, chưa kể là đám nghiệp đoàn lao động còn nhào vào bảo vệ thành viên nếu có việc phải quở trách bất kể. Thế là... vũ như cẩn !
Chê quá phải tội, thỉnh thoảng trong đám ni, thinh không nổi bật những nhơn vật xuất chúng. Mà chừng xuất chúng rồi, thì chúng xuất lẹ lắm, vừa tới trại, thoắt cái ngồi vào ghế chỉ huy, mình hoan hỉ vừa thở phào cái, vài tuần sau nghe tin chúng thăng ngạch trật và được chuyển lên trên rồi. Khổ biết nhiêu nói.

Chê rồi thì phải khen kẻo bất công : Đám haitian cái chi cũng chậm, nhưng tụ họp ăn chơi thì nhặm lẹ vô cùng. Đang lù đù mơ màng, đứng đâu dựa đó thiếu điều ngủ mở mắt - chưa kể còn chun vô phòng bịnh nhơn, lắm khi chun luôn vào tủ quần áo bịnh nhơn mà nghỉ mệt cho an toàn, hay lôi cellphone tỉnh bơ hành sự - Đang đờ đẫn kiểu thiếu thuốc vậy, mà rồi bỗng phải tính chuyện parties (christmas, new-year, sanh nhựt, nghỉ hè, nghỉ đẻ...) thì y phép chúng tỉnh giấc nồng, tụm lợi sốt sắng nhặm lẹ hân hoan lên chương trình kế hoạch, hăng tới nỗi còn có thể sanh cãi cọ.

Sở nú là vậy, sở tướng công y chang. Tường công đặt cho chúng hỗn danh "slow-motion", và tránh chúng tối đa nếu đậng. Ai đời, BS mũ găng mask xong, đã "trải champ" đâu vào đó sửa soạn rạch, chừng hỏi tới dụng cụ đã order thì... trời thần ơi, không thiếu cũng trật. Mà sai ra ngoài lấy thì... sai đứa nào mất luôn đưa đó. BS cời găng mũ mask đi tìm, thấy chúng đang ghé mắt coi soccer, coi video hay đang tán dóc giải lao ! Méc xếp chúng hở, xếp chúng y chang hổng khác, cũng đang mắc thuyết pháp giữa hành lang chuyện chánh trị xã hội quê nhà - nó là tổng thống, hay bộ truởng của... nội các tương lai - vậy nên... thà rằng vạch đầu gối méc ngó chừng còn hay hơn !

Méc lên xếp lớn tuốt trên dĩ nhiên phải mở hồ sơ với đầy đủ tang chứng. BS đâu rảnh đậng mội chút mỗi ghi chép làm bằng. Chừng có ghi ra, xếp lớn phải lập uỷ ban điều tra đúng thủ tục, điều một chập hổng kết quả, vì uỷ ban xuống trại hỏi thăm nhơn viên liên hệ dinh líu, thì y phép nhơn viên hổng biết hổng thấy hổng nhớ nên hổng thể khai ra đặng. Nghiệp đoàn lao động bèn nhảy vô ý kiến ý cò, lobby rằng... hồ sơ thiếu cơ sở và có hơi hướm... kỳ thị, chết cha hông ! Vũ như cẩn nó là thế !

Để đi bà nội cái rồi tối diếc tiếp heng.
....................

Wow... viết đã đời, quay đi quay lợi. màn hình trắng tinh ! Chừ hổng nhớ đã viết cái chi nữa lận
Cứ nhắc tới nghiệp đoàn lao động là y phép nú bị cao máu nhức đầu, phải kiếm miếng nước uống cho hạ hoả.
Để mang bài ni về phần đất nhà rồi thủng thẳng viếc tiếp cho bớt stress heng.
Viết trong đây phải serious mới hạp chủ đề !

*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Tại sao người Việt không thể liên kết?

Bài viết bởi Hoàng Vân »

NTL đã viết: Thứ bảy 14/04/18 03:30 .........
Wow... viết đã đời, quay đi quay lợi. màn hình trắng tinh ! Chừ hổng nhớ đã viết cái chi nữa lận
Cứ nhắc tới nghiệp đoàn lao động là y phép nú bị cao máu nhức đầu, phải kiếm miếng nước uống cho hạ hoả.
Để mang bài ni về phần đất nhà rồi thủng thẳng viếc tiếp cho bớt stress heng.
Viết trong đây phải serious mới hạp chủ đề !
*
  •           

    • ... màn hình trắng tinh ...
    tui cũng bị hoài, và hình như Nắng Thủy Tinh và nhiều người nữa cũng đã mất bài viết một cách oan ức tức tối như vậy ...
    tui nghĩ là nếu bài của mình để lâu quá (lâu không biết thời gian là bao nhiêu ???)(mà không submit) thì diễn đàn nó tưởng mình không còn đó nữa nên nó tự động log mình out. Đến khi mình submit bài thì nó nói: mày phải login mới quote hoặc submit được. Thế là mình phải login, và login xong thì bài mình cũng đã mất ... :md: ...
    Hiện nay tui cũng chưa biết sửa chỗ nào và sửa làm sao để cho nó giử tình trạng login của mình lâu hơn.
    Điều tui có thể đề nghị là mình "save draft" trước khi rời bàn phím 1 thời gian dài. Khi trở lại thì mình "load draft" và tiếp tục viết ....


    • ... Viết trong đây phải serious mới hạp chủ đề ! ...
    chị đừng có ngại ... :cafe: ...


              
Trả lời

Quay về “Người Việt hải ngoại”