Trang 1/1

Hồ Chí Minh và pháp lệnh "Trừng trị các tội phản cách mạng”

Đã gửi: Thứ ba 23/06/15 07:45
bởi Quy Nam
  • Hồ Chí Minh và pháp lệnh "Trừng trị các tội phản cách mạng”
    __________________________________
    nguyễn thị từ huy - 21/06/2015



    Các điều luật 78, 79, 88, 258 của bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành đang được chính quyền sử dụng làm cơ sở pháp lý để, trong một số trường hợp, biến những người vô tội thành có tội; đó là trường hợp của những người yêu nước và những người đấu tranh cho dân chủ bị biến thành tội phạm.

    Mục đích của tôi ở bài này không phải là nhằm chỉ ra sự vô lý hay tính chất phản dân chủ của các điều luật nêu trên đây.

    Mục đích của tôi ở đây là giới thiệu với quý độc giả văn bản pháp lý đầu tiên, cơ sở cho các điều luật ấy.

    Văn bản đó là pháp lệnh "Trừng trị các tội phản cách mạng” do Hồ Chí Minh ký và ban hành tháng 11 năm 1967. Mặc dù pháp lệnh này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua, và do Trường Chinh ký trước khi trình lên chủ tịch nước, nhưng Hồ Chí Minh là người ký và ban hành trên toàn quốc, nên Hồ Chí Minh phải chịu trách nhiệm về mọi nội dung trong văn bản.

    Có thể tìm thấy văn bản này trên website của chính phủ. Tuy nhiên, văn bản trên website của chính phủ là văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Trường Chinh ký ngày 30/10/1967. Văn bản này được đệ trình lên Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký và ban hành ngày 10/11/1967. Pháp lệnh này được công bố trên báo Nhân dân ngày 21/3/1968. Những thông tin này dẫn theo nguồn của Céline Marangé, trong cuốn “Le communisme vietnamien (1919-1991) ». Vì sao website của chính phủ đăng bản đệ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà không đăng Pháp lệnh chính thức do Hồ Chí Minh ban hành ? Điều này có lẽ chỉ có Bộ Chính trị mới trả lời được.

    Văn bản của Hồ Chí Minh không còn hiệu lực, bởi nó đã được luật hóa bằng các điều luật trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, do Nông Đức Mạnh ký và ban hành năm 1999. Dĩ nhiên trước đó còn có những Bộ luật hình sự khác, nhưng chúng tôi không đề cập đến ở đây. Bộ luật hình sự 1999 là bộ luật hiện hành.

    Ở đây tôi chỉ trích dẫn một số điều khoản tiêu biểu trong Pháp lệnh của Hồ Chí Minh, và đem so sánh với các điều khoản đã nêu ở trên, trong Bộ luật Hình sự.

    • “Điều 1.
      Tội phản cách mạng là tội chống lại Tổ quốc, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phá hoại quốc phòng, phá hoại sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. »


    Nội dung điều 1 của Pháp lệnh Hồ Chí Minh về cơ bản được chuyển vào trong nội dung điều 78 của Bộ luật Hình sự 1999:

    • “Điều 78. Tội phản bội Tổ quốc
      1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lực lượng quốc phòng, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.”


    Ngay ở điều 1 của Pháp lệnh, ta thấy rằng:
    để định nghĩa “tội phản cách mạng”, Hồ Chí Minh đã đồng nhất tội danh này với tội chống lại Tổ quốc, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội… Tuy nhiên không định nghĩa rõ như thế nào thì bị xem là « chống ».

    Mặc nhiên, “cách mạng” ở đây phải được hiểu là “cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, vì sao có thể đồng nhất cách mạng xã hội chủ nghĩa và Tổ quốc? Thời điểm này tôi chưa có câu trả lời. Thời điểm này tôi chưa hiểu được vì sao Hồ Chí Minh có thể đồng nhất cách mạng xã hội chủ nghĩa và Tổ quốc.

    Vì sao đem một thứ chủ nghĩa ngoại lai về du nhập vào Việt Nam rồi đem nó đồng nhất với Tổ quốc? Và vì sao biến những người bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa đó thành tội phạm chống lại Tổ quốc ? Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để có một câu trả lời khả dĩ.

    • “Điều 4. Tội âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân
      Kẻ nào thành lập hoặc tham gia tổ chức phản cách mạng nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị, kinh tế và xã hội đã được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định thì bị xử phạt như sau:
      • a) Bọn chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, bọn hoạt động đắc lực thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;
        b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

      Trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm. »


    Điều 4 này chính là điều 79 trong Bộ luật Hình sự của Nông Đức Mạnh:

    • “Điều 79. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân
      Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau:
      1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình;
      2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”


    Dưới thời Hồ Chí Minh, chính quyền được gọi là “chính quyền dân chủ nhân dân”; đến thời Nông Đức Mạnh, “dân chủ” đã biến mất, chỉ còn là “chính quyền nhân dân” (dĩ nhiên chữ “nhân dân” được dùng với chức năng gì thì cần được làm sáng tỏ vào một dịp khác).Ngoài ra có thể thấy ngôn ngữ văn bản hành chính dưới thời Hồ Chí Minh mang tính khẩu ngữ, thiếu chuẩn mực của văn phong hành chính, ví dụ sử dụng từ “bọn”.

    • “Điều 15. Tội tuyên truyền phản cách mạng
      Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:
      1. Tuyên truyền, cổ động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;
      2. Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, phao đồn tin nhảm, gây hoang mang trong nhân dân;
      3. Tuyên truyền cho chính sách nô dịch và cho văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc;
      4. Viết, in, lưu hành, cất giấu sách, báo, phim, tranh, ảnh hoặc mọi tài liệu khác có nội dung và mục đích phản cách mạng;
      thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm. »


    Điều 15 này của Pháp lệnh, khi đi vào Bộ luật hình sự, đã trở thành điều 88:

    • “Điều 88. Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
      1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
      • a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
        b) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;
        c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hoá phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

      2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.”


    Ở đây có thể thấy: “Phản cách mạng” ở điều 15 Pháp lệnh của Hồ Chí Minh đã được cụ thể hóa thành “Chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” ở điều 88 trong Bộ luật hình sự của Nông Đức Mạnh. Mặc dù thế, điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến tinh thần chuyên chế của cả Pháp lệnh lẫn Bộ luật hình sự, chẳng ảnh hưởng gì đến bản chất của sự việc: dưới thời Hồ Chí Minh cũng như dưới thời Nông Đức Mạnh và cho đến hiện nay, luật pháp được sử dụng như một công cụ để bảo vệ chế độ, chứ không phải để bảo vệ con người.

    Như vậy, pháp lệnh “Trừng trị tội phản cách mạng”, do Hồ Chí Minh ban hành hai năm trước khi ông mất, chính là nguồn gốc của mọi sự đàn áp mà những người yêu nước không theo cách của chính quyền và những người bất đồng chính kiến hiện nay đang phải gánh chịu, trong đó có tôi (những đe dọa đối với cá nhân tôi và những người khác vẫn tồn tại trên các website mang tên và chức danh những lãnh đạo đương nhiệm thuộc hàng cao cấp nhất).

    Khi đồng nhất chủ nghĩa xã hội với Tổ quốc có lẽ Hồ Chí Minh không hình dung được rằng,
    • Việt Nam sẽ nhanh chóng đi tới một giai đoạn mà những người kế nhiệm của ông sẽ phải đối diện với nan đề của lịch sử:
      muốn bảo vệ chủ nghĩa xã hội thì không thể nào bảo vệ được Tổ quốc,hay nói cách khác là sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội sẽ đẩy quốc gia tới chỗ mất độc lập.
    Tuy nhiên, chính quyền đương nhiệm, bộ máy đảng, bộ máy nhà nước, bộ máy quốc hội, đang bộc lộ ý chí mạnh mẽ bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chế độ. Vì thế nhân dân không thể biết được số phận của Tổ quốc Việt Nam tới đây sẽ như thế nào. Trừ phi chính nhân dân tự thức tỉnh và tự giành cho mình quyền quyết định số phận của Tổ quốc.

    Ngoài số phận mù mịt của Tổ quốc thì vẫn còn nhiều câu hỏi cần phải trả lời :
    • Vì sao Pháp lệnh này được ban hành năm 1967 ?
    • Trong điều kiện cụ thể nào ?
    • Vì sao phải đặt ra « tội phản cách mạng » ?
    • vì sao phải đồng nhất tội phản cách mạng với tội phản bội Tổ quốc ?
    • Vì sao đồng nhất chủ nghĩa xã hội với Tổ quốc?






    Paris, 21/6/2015
    Nguyễn Thị Từ Huy
    nguồn: rfavietnam.com