Vì sao ở Anh mưa nhiều mà vẫn không đủ nước dùng

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vì sao ở Anh mưa nhiều mà vẫn không đủ nước dùng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Vì sao ở Anh mưa nhiều
    mà vẫn không đủ nước dùng

    _____________________________
    Tim Smedley _ BBC Future _ 13 tháng 3 2019




              


    Nước Anh là điển hình của trường hợp là
    vì sao một nước mưa nhiều mà đột nhiên lại ngày càng thiếu nước trong tương lai.

              


    Mặc dù nổi tiếng là mưa nhiều nhưng nguồn nước ở Anh gặp khó khăn nghiêm trọng-
    và nhu cầu vô độ ở đây cũng đang gây áp lực lên các quốc gia khác.



    Nói đến thiếu nước thì có lẽ nơi cuối cùng trên trái đất ta nghĩ đến là nước Anh luôn sũng mưa. Mùa đông ở đây lạnh và ẩm ướt. Trời mưa rả rích hàng tuần. Bãi cỏ lép nhép vì đất ướt sũng, thùng chứa nước mưa chảy tràn và chẳng dùng đến cho tới tháng tư.
    • Lượng mưa trung bình hàng năm của Anh là 1200mm,
      so với trên 300 ở Afghanistan,
      hoặc chỉ là hai con số ở Ai Cập.


    Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, ở hầu hết nước Anh, các thùng chứa nước mưa đã cạn. Phần lớn lượng mưa trung bình bốn con số đó là nhờ ở vùng cao nguyên hay mưa ở Scotland, Wales và Bắc England.
    • Ở Đông Nam nước Anh, lượng mưa trung bình hàng năm kéo dài khoảng 500-600mm
      - ít hơn cả Nam Sudan, hoặc Perth, Tây Úc.
    Điều này cũng xảy ra ở khu vực đông dân nhất của Anh, khoảng 18 triệu dân sống chỉ trên diện tích 19.000 km2 (bằng kích thước New Jersey), gồm cả thủ đô London. Và khu vực này khô đi nhanh chóng.

    Năm ngoái, 2018, đã chứng kiến 6 tháng liên tiếp có lượng mưa dưới mức trung bình ở Anh, khiến nhiều hồ chứa giảm một cách nguy hiểm. Đây không phải là một sự kiện bị một lần.
    Năm trước, 2017, đã chứng kiến giai đoạn 10 tháng khô nhất trong hơn 100 năm.

    Kế hoạch khai thác nước cuối cùng của Chính Phủ cho thấy
    • 28% các tầng chứa nước ngầm ở Anh,
      và tới 18% các sông và hồ chứa,
      bị khai thác không bền vững.
    Chỉ có 17% các con sông của Anh được đánh giá là có mức độ sinh thái tốt.

              


    Phần lớn lượng mưa ở Anh là ở Scotland, Wales và miền Bắc England

              

    Tuy nhiên, phần lớn công chúng vẫn không biết vấn đề này.
    • Phần lớn (55%) nước ngọt ở Anh được sử dụng sinh hoạt gia đình,
      so với chỉ 1% cho nông nghiệp.

    • Người Anh trung bình sử dụng 150 lít nước mỗi ngày, để tắm, xả nước vệ sinh, rửa bát đĩa, giặt và tưới cây.
    • So sánh với Cape Town, nơi mà lượng mưa hàng năm trung bình khoảng 500mm nhưng cư dân chỉ giới hạn sử dụng ở mức 50-70 lít mỗi ngày.

    • "Người dân không coi nước là thứ phải tiết kiệm .… họ quan niệm rằng họ đang ở một nước mưa nhiều",
      Hannah Freeman, cán bộ cao cấp của chính phủ cho tổ chức từ thiện Wildfowl & Wetlands Trust (WWT), thở dài nói.
      "Nhưng những dự báo mới nhất về biến đổi khí hậu cho biết khả năng bị mùa hè khô sẽ tăng lên tới 50%."
    Mùa đông cũng sẽ ấm hơn. Vương quốc Anh vừa trải qua một tháng 2 nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ lên tới 21,2C tại London - lần đầu ghi nhận được trên 20C vào mùa đông. Những người Anh ngỡ ngàng đi ra đường mặc soóc, áo phông và tắm nắng ở công viên, đáng lẽ ra họ phải quấn khăn quàng cổ.

    Nước Anh là điển hình của trường hợp là vì sao một nước mưa nhiều mà đột nhiên lại ngày càng thiếu nước trong tương lai. Conor Linstead, một chuyên gia nước ngọt quốc tế tại WWF, cho biết nhiều quốc gia hiện "đang gặp phải vấn đề khan hiếm nước do khai thác nước quá mức vì người ta chưa suy nghĩ đầy đủ về cơ chế phân bổ nước .. . hạn hán đặc biệt sẽ trở thành quy tắc trong điều kiện biến đổi khí hậu".

    • Sao Paulo, ở Brazil - một quốc gia tự hào chiếm 12-16% lượng nước ngọt thế giới - gần như cạn hết nước năm 2014 trong đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử. Hồ chứa chính cho thành phố lớn nhất của quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn bằng 3% dung lượng (thấp hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng nổi tiếng vào năm 2018 của Cape Town, khi mà chính quyền suýt nữa phải khóa vòi nước thành phố nếu hồ chứa nước giảm dưới 13,5% dung lượng).
    • Vào tháng 8/2018, sông Danube hùng vĩ chảy qua Hungary đã giảm xuống mức mức kỷ lục thấp, chỉ còn xấp xỉ hơn nửa mét, tàu du lịch và tàu hàng phải dừng vận chuyển.


              


    London những năm gần đây bị hàng loạt đợt hạn hán

              

    Vùng London và khu vực thung lũng sông Thames của Anh được Cơ Quan Môi Trường Anh xếp hạng là 'căng thẳng nghiêm trọng về nước'.
    • "Chúng ta có tương đối ít các nguồn trữ nước",
      Steve Tuck, người quản lý khai thác cơ quan Thames Water, giải thích,
      "nghĩa là chúng tôi lấy nước từ các sông và tầng nước ngầm để cung cấp cho số lượng dân rất lớn."
    Ông thừa nhận hệ thống này có chút ít "ăn xổi ở thì".
    • Lượng mưa lớn vào mùa đông phải chứa đầy các tầng ngậm nước và từ từ ngấm vào các dòng sông vào mùa hè. Nhưng việc sử dụng quá mức của các hộ gia đình cùng với dân số tăng nhanh và mưa ít đã làm nghiêm trọng thêm vấn đề,
      Tuck thừa nhận.


    Cơ quan Thames Water thậm chí đã đầu tư một cơ sở khử mặn đầu tiên của Anh tại cửa sông sông Thames để cung cấp cho London thêm 150 triệu lít nước uống mỗi ngày.
    • "Một lựa chọn khác là sẽ tải nước từ sông Severn, bắt nguồn từ vùng núi Welsh, theo đường ống đến sông Thames",
      Tuck nói,
    điều này làm tăng triển vọng của miền nam thiếu nước sẽ hút cạn nước của phần còn lại của nước Anh.




    Cũng có một triển vọng là phía Bắc toàn cầu sẽ hút hút cạn nước phía Nam toàn cầu. Các siêu thị ở Anh bán trái cây và rau quả tươi quanh năm, bất kể là mùa nào, nó được cung cấp từ khắp nơi trên thế giới. Khoảng 24% lượng này sẽ bị ném vào thùng rác sau khi mua xong. Theo Dorcas Pratt, phó giám đốc của Water Witness International, cơ quan phát triển bền vững và từ thiện về nước, thì
    • "vấn đề lớn ở đây là 62% lượng nước sử dụng ảo ở Anh - tức lượng nước cần thiết để sản xuất ra thực phẩm chúng ta ăn và các sản phẩm chúng ta dùng - có nguồn gốc ở nước ngoài.
    • "Dấu chân nước toàn cầu của chúng ta có nghĩa là lượng nước mà Anh sử dụng được đan xen với lượng nước của các cộng đồng và các nền kinh tế trên toàn thế giới. Vì vậy, chúng ta không chỉ khai thác nước từ một số tầng chứa nước của Anh, mà thông qua mô hình tiêu thụ toàn cầu hóa, chúng ta còn đang khai thác nước (hoặc làm ô nhiễm hoặc gây xung đột nước hoặc suy thoái hệ sinh thái) ở các nước trên khắp thế giới."
    Bà nêu trường hợp các trại trồng măng tây ở sa mạc Peru làm ví dụ.

              


    Thị hiếu của Anh thích ăn đồ của xứ lạ đang gây căng thẳng cho tài nguyên nước của các quốc gia khác

              




    Mặc dù các đợt khô hạn ngày càng trở nên thường xuyên hơn ở Anh, Catherine Moncrieff tại WWF-UK cho rằng
    • vấn đề cơ bản là người dân ở đây sử dụng nước rất lãng phí".
    Các quốc gia mưa nhiều cần kết nối lại với giá trị và chi phí của nước. Chỉ một nửa số hộ gia đình ở Anh và xứ Wales là có lắp đặt đồng hồ nước. Nửa còn lại trả một mức giá cố định hàng tháng, bất kể lượng nước họ sử dụng; người ta có thể để một vòi phun tưới bãi cỏ chạy cả ngày, hoặc tắm trong một giờ, mà không phải trả thêm tiền.

    Ngược lại, một báo cáo của Cơ Quan Môi Trường từ năm 2008 cho biết Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan, Đức và Bỉ đã lắp đồng hồ nước gần như toàn bộ - và tất cả đều có mức tiêu thụ nước theo đầu người thấp hơn rất nhiều so với 150 lít ở Anh. Phần Lan chỉ là 115 lít mỗi ngày. Nhưng đó không luôn như vậy. Vào những năm 1970, người Phần Lan phung phí khoảng 350-420 lít mỗi ngày. Theo báo cáo, xu hướng giảm là do "giá nước cao lên, do công nghệ trong nhà và dịch vụ tiện ích tốt hơn, nhận thức của người tiêu dùng tăng hơn và việc quản lý dịch vụ tiện ích tốt hơn."

    Theo Linstead tại WWF, thì
    • "hầu như mọi quốc gia đã thực hiện tốt các chiến dịch hiệu quả về nước đều có việc lắp đồng hồ nước.
      Việc lắp đồng hồ một cách phổ quát cũng giúp các công ty phát hiện được rò rỉ, nghĩa là tiết kiệm nước hơn nữa."


    Đan Mạch cũng vậy, đã từng dùng nước một cách tự do- có lẽ cũng dễ hiểu vì là quốc gia nhỏ và tự hào có tới hơn 120.000 hồ và 69.000 km sông ngòi. Vào năm 1989, người Đan Mạch trung bình phung phí 170 lít mỗi ngày, với chi phí chỉ 2 euro mỗi mét khối (1.000 lít). Việc bắt buộc lắp đồng hồ nước và tăng giá nước tới 7 euro/m3 vào năm 2012 cho thấy mức tiêu thụ cá nhân giảm xuống còn 114 lít mỗi ngày. WWF còn đi xa hơn, nói rằng 80 lít/người hiện nay là hoàn toàn có thể đạt được" ở những nhà có các thiết bị hiện đại và tiết kiệm nước.

    Một liên minh của các tổ chức từ thiện bao gồm WWF và WWT, dưới biệt danh "Blueprint for Water", hiện đang kêu gọi tiêu thụ nước bền vững hơn, cả ở Anh và các nước khác. Từ năm 2010 đến 2015, Southern Water đã trở thành công ty nước đầu tiên của Anh bắt đầu việc đo nước bắt buộc; trong cùng thời gian đó, công ty đã giảm được 16% lượng nước tiêu thụ bình quân đầu người và giảm 15% lượng nước rò rỉ.





    • Không có gì lý do để nước Anh già cỗi và sũng nước lại "không thể đảm bảo an toàn về nước",
      Freeman nói.
      "Chúng tôi có nhiều nước khi trời mưa! Chúng tôi chỉ cần sử dụng nó một cách tốt hơn."




    https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-47555406
Trả lời

Quay về “Khoa học - Kỹ thuật”