Tản Đà

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Tản Đà

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Chén rượu   
    _____vĩnh biệt

    _______________________________
    Nguyễn Tuân




    Cữ thượng tuần tháng tư năm nay, tôi có chút việc phải về làng Mọc. Tôi nghĩ ngay đến việc ghé thăm ông Tản Đà. Từ chỗ ông ở đến làng Mọc tôi, cách nhau độ năm trăm thước. Sẵn có bó đóm diêm gỗ bồ đề, tôi gói đi gọi là làm chút quà cho ông bạn già vốn đặt cái thú hút thuốc lào ngang với cái thú uống rượu. Con người ta chơi với nhau, đã mến được nhau, đã kính nhau, thường hay có những cái tỉ mỉ như thế. Cái thanh đóm dùng để châm thuốc lào, ở người khác tôi không hiểu nó như thế nào, nhưng giữa ông Tản Đà và tôi, thanh đóm đã là một cái gạch liên lạc nối một trẻ vào một già.

    Lần đầu tiên tôi giáp mặt ông Tản Đà là ở tòa soạn An Nam tạp chí phố Hàng Da. Đầu năm 1932 gì đó, sau cái hồi rời bỏ phố Hàng Khoai, lúc ông Hiếu còn cộng sự với ông Cử Ngô Thúc Địch. Sau bài thơ trường thiên của tôi gửi đăng ở An Nam tạp chí lấy tên là Tương Tư Hành, Vũ Lang đưa tôi lại giới thiệu cùng ông Tản Đà. Tôi còn nhớ buổi đầu đó, chúng tôi nói rất nhiều về bản dịch bài Tỳ bà của Bạch Cư Dị, mà nhiều người gán cho Nguyễn Công Trứ và một số người nữa thì bảo là của ông Đồ Phù Long (?) Những đoạn nhắc đến chữ dịch hay quá, hay đến nỗi hóa được cả chữ của nguyên văn như chữ tẩm

    (biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt)
    mà dịch là dầm
    (nước mênh mông dầm vẻ trăng trong)


    chẳng hạn, ông Tản Đà hút một điếu thuốc lào, tôi cũng hút một điếu thuốc lào.

    Chúng tôi thông điếu lẫn cho nhau và người hút thuốc thường giữ một thanh đóm lúc vẫn cháy để chờ người sau kịp rịt một mồi thuốc thứ hai vào nõ điếu. Lẽ cố nhiên, tôi thông điếu và giữ thanh đóm cháy nhiều hơn ông Tản Đà.

    Tôi rất vui vẻ giữ cái địa vị đàn em như thế có đến nửa giờ đồng hồ vì hai cớ: cớ thứ nhất là trước mặt tôi, tôi có cả một cái tài hoa già dặn của thời đại; cớ thứ nhì là ông Tản Đà cao hơn tôi những hai chục tuổi đầu. Lúc đứng dậy xin cáo, ông Tản Đà tay sẵn thanh đóm còn cháy dở, nèo tôi hút một điếu thuốc lào nữa và cười khà khà:

    • - Ngon nhất là cái điếu thuốc lào hút thế nào cho được nhất khí.


    Thấy bao diêm của tôi đã vơi hết ruột, ông sẻ cho mấy chục que ở cái bao đầy của ông.

    • - Ngài cầm ít que dừng tạm. Bên đầy quá bên vơi quá.


    Tôi lĩnh mươi cái que đóm diêm sinh, cảm tình vô hạn cái buổi đầu gặp ông Tản Đà, buổi đó, để lại cho tôi nhiều thiện cảm. Nhớ đến cái tàn lửa đóm của ngày cũ năm 1935, hồi ông Tản Đà thất thế lùi về Khê Thượng, tôi có gửi lên cho tiên sinh một bó đóm diêm gỗ bồ đề. Có người bạn quen, bắt gặp tôi ra nhà dây thép gửi cái bưu kiện đóm diêm lên tận tỉnh Đoài cho thi nhân, người đó đã đùa nhả một câu:

    • - Anh định diễn lại cái kịch rau sắng chùa Hương, có phải thế không?


    Bó đóm đi không bao lâu thì ông Tản Đà gửi lại một bài thơ lục bát trong đó có hai câu:

    Tay cầm bó đóm con con,
    Nhớ người xa nước xa non như gần.


    Đã có bao nhiêu đêm đông lạnh, tôi ngồi xổm khoác mảnh chăn bông lên bả vai, châm một thanh đóm, và nhớ đến người xa xa tôi cất tiếng ngâm một bài "Thề non nước" giữa một vùng khói thuốc lào dầy đặc, như màn đất núi.

    Mãi đến đầu năm ngoái, tôi mới có dịp gần ông Tản Đà luôn luôn. Mỗi dịp gần nhau lại là một dịp để say sưa, để hút thuốc lào với thanh đóm cũ, để nói chuyện dịch Liễu trai, dịch Đường thi và phê bình về người và việc trong Đông chu liệt quốc.

    Biết là đóm đã hết, cữ này về làng Mọc, tiện đường qua nhà ông Tản Đà ở Cầu Mới, tôi đem về biếu một bó đóm nữa.

    Bấy giờ vào quãng chín giờ sớm. ông Tản Đà đang uống nước trà, thấy tôi vào đã vội cười với một câu:

    • "Cố nhân lai!"
    Cái mừng rỡ này xiết bao thành thực. Đúng như vậy, đã mấy hôm nay rồi, ông Tản Đà đang khát gặp người nói chuyện. Những bạn năng lui tới thường đã rõ ông Tản Đà vì sao phải rời xóm Bạch Mai chạy về vùng Ngã Tư Sở. Mở ngôi hàng xem số tử vi Hà Lạc, không có khách. Mở lớp quốc văn hàm thụ và lớp Hán văn diễn giảng cũng lại không có học trò nốt. Rốt cùng đến thiếu tiền nhà, chủ nhà đuổi người thuê nhà và giữ lấy đồ đạc.

    Chỉ tay vào chồng sách cũ xếp trên cái ghế mọt dài, chỉ tay vào hai chiếc ghế mây đã gần thành bảy chân choãi, ông Tản Đà vẫn còn hài hước:

    • - Nhiều lắm mà làm gì. Hai chiếc ghế cũng đủ chán. Chủ ngồi một chiếc, khách ngồi một chiếc.


    Tôi bâng khuâng. Tôi cố tìm trong đầu tôi, lục lại trong cái mớ truyện Đông Tây cổ kim, để tìm lấy tên một thi sĩ giàu có. Thì ra, cái nghèo của thi nhân đã là một nghiệp dĩ. Sự giàu sang người ta chỉ thấy ở một kẻ buôn bán, ở một nhà viết tiểu thuyết. Có bao giờ, có mấy khi, một thi nhân được nằm lên đống vàng mười. Tôi muốn bỏ đi ngay, để được phơi những ý nghĩ đen ngòm này ra một chỗ thoáng.

    Ông Tản Đà giữ tôi lại:

    • - Này, đi đâu? Lâu lắm không uống với nhau một chén nào cả. Ở đây rồi ta tiểu ẩm.


    Rồi ông chỉ cái thẩu rượu có ngâm đôi ba con cáp giới còn nguyên hình:

    • - Của một ông bạn ngoài Quảng Yên làm quà cho. Để đợi hôm nào khỏe, chúng ta sẽ dùng hết. Cái giống này tráng dương lắm. Lai ơi!


    Lai là tên một người hầu cận thi nhân, cũng là người Khê Thượng, theo ông từ ngày ông lùi về quê vùng Bất Bạt. Trước kia Lai thất học, nhưng từ ngày ở với ông Tản Đà đã biết đọc, biết viết và nhiều khi ngồi bên bếp lửa thăm dòm một bát canh, một niêu cơm, còn ngâm nga(!) nữa. Đã từ bốn năm năm nay, mọi việc chuyên trà, xào nấu món ăn và những lúc đêm hôm phải cầm cái hũ đi lấy rượu từ đầu làng đến cuối làng những lúc có khách, nhất nhất mọi việc đều qua tay Lai cả. Nếu ông Tản Đà ở lùi vào thời trước, thì nhất định Lai phải để hai trái đào như một hề đồng ngày ngày đeo một cái lẵng hoa quả theo thầy lên núi lau một cái sườn đá cho thầy đề mấy vần thơ. Chiều cho được ông Tản Đà, tôi tưởng cũng chỉ có một mình Lai thôi. Lai lúc nào cũng vui vẻ đứng hầu rượu. Với những phong tục rất êm đềm ấy ở trong một khung cảnh rất thanh bạch ấy, hai thầy trò ông Tản Đà đã gần như chọn nhầm thế kỷ.

    Lai đã bưng siêu nước ra, đứng vòng tay chờ ông Tản Đà sai bảo:

    • - Này Lai, con chạy ra đầu phố xem có cái gì mua về uống rượu. Con tùy tiện lấy.


    Nghe mà thấy đài quá! Nghe mà thấy sang quá! Ai dám bảo ông Tản Đà là luôn luôn túng quẫn. Tôi tủm tỉm cười.

    Lai ở chợ đã về và đã nhanh nhảu bày lên bàn những món tửu hào. Trên mặt cái bàn gỗ mộc tròn vốn dùng luôn làm bàn giấy (!) - những lúc dịch thơ Đường bán cho báo Ngày nay, những lúc dịch Liễu trai bán cho nhà Tân dân, những lúc chấm số Hà lạc bán cho khách bốn phương trời - trên cái bàn gỗ mộc, Lai đã đặt lên đấy một cái hỏa lò than hồng. Một đĩa bún Thanh Trì trắng phau điểm vài ngọn rau húng láng xanh ngát. Và mươi gắp chả thịt lợn ba dọi có bóp riềng mẻ. Cái "tác phẩm" xinh xắn, gọn gàng này là của Lai.

    Khói mỡ bay đầy phòng
    Ngoài đường nắng chang chang.
    Gió nồm quạt lửa hạ vào nhà.

    Lai cũng phành phạch quạt nan quạt lửa than hồng vào người chúng tôi. Rượu nặng phân bắt đầu ngấm, bốc mãi nhiệt độ trong người. Nếu không yêu và kính chủ nhân, thì có mà phải tội mới ngồi hầu một bữa rượu chín được người như thế này. Cũng như bao giờ, ông Tản Đà là người nói nhiều nhất trong những lúc cử tửu. Giữa cái nóng nực của bữa rượu trời hè, tôi, mồ hôi chảy ròng ròng, ngồi nghe ông Tản Đà luận bàn về người trong thanh sử.

    Nói xong cái tâm trạng Khổng Minh lục xuất kỳ sơn, ông quay sang cái cảnh Phạm Lãi chu du Ngũ Hồ. Rồi ông chê người Đại phu Văn chủng, rút những câu trong sách cũ về đoạn ấy:

    • "Cao điếu tận, lương cung tàn, giảo thỏ tử, tẩu cẩu phanh, địch quốc phá, mưu thần vong...".
    • - Con người ta ở đời, có hai thái độ đáng quý, một là làm thánh hiền, hai là làm hào kiệt. Nhưng đem so sánh thì làm hào kiệt vẫn sướng hơn. Cái cuộc đời ấy mới là ồ ạt.

    Rồi không cần câu chuyển, ông Tản Đà đổi sang một câu chuyện khác.

    • - Nội trong loài cá, chỉ có con diếc là sạch nhất và khó câu nhất. Giống nó chỉ hay ở chỗ nước trong và ăn toàn bọt nước. Thả cái mồi gì nó cũng chê cả. Định lấy một cái mồi thơm mà dử nó như là người ta thường dử một con rô hay một con chuối, thực cái anh đi câu đã làm một việc tối vụng về.


    Tôi liên tưởng mang máng nhớ tới câu tản văn của tiên sinh viết trong cuốn "Giấc mộng con":

    • "Có người, cho cái áo vải thì chê, đợi cho đến cái áo gấm mới mặc..."
    Vừa ăn, vừa triết lý, vậy mà mặt trời đã đứng bóng. Nhìn đồng hồ, ông Tản Đà nói:
    • - Đến một giờ, tôi phải ra ga. Hôm nay Nguyễn Tiến Lãng ở Huế về. Trước khi theo Hoàng hậu đi Tây, hắn muốn về qua nhà, để bàn tính cùng ông cụ Huyện cho nó xong cái việc vợ con đi. Tôi muốn gặp mặt Lãng vì có tí chuyện.


    Thế rồi ông Tản Đà đưa tôi xem một lá thư. Lá thư của ông Nguyễn Tiến Lãng gửi về giục ông Tản Đà gửi sách (?) vào để ông tâu với vua Bảo Đại "trợ cấp" cho một số tiền năm trăm đồng.

    Tôi cũng biết thế vậy. Tôi lặng lẽ trao lại lá thư cho ông Tản Đà. Vẫn lặng lẽ, tôi nhấp một chén rượu. Rượu lúc này sao cay, sao đắng lạ - ông Tản Đà sắp được triều đình Huế ban cho năm trăm đồng! Thi sĩ lúc túng còn gì bằng. Nhưng có phải lần này ông Tản Đà mới được cầm một số tiền to đâu. Từ năm xửa, năm xưa, có người hiệp khách ở Nam Kỳ đã biếu ông Tản Đà một số tiền lớn hơn thế. Những nghìn đồng. Người hiệp khách có bụng liên tài ấy đã biếu không số tiền đó và trái lại, không có đòi hỏi ông Tản Đà một điều kiện gì cả. Với số tiền ấy, thi nhân đã làm những gì? Thi nhân đã uống được mười vò rượu bồ đào, dùng thêm được mấy mươi thạp trà tàu, và du lịch thêm được ít vùng nữa với sự thừa thãi hàng mấy tháng ròng. Giở lại tập thơ làm vào thời kỳ ấy, đã thấy nhẹ hẳn phần tiêu sắt. Và có nhiều người đã không lấy làm thích lắm vì, đọc lên nó đã không làm cho người ta lạnh và rùng mình như cái khối thuở tình xa xôi. Số bạc ngàn lúc trước dùng cũng được có thế thì bây giờ nếu có thêm được nửa cái số trước nữa, đã chắc hơn gì chưa? Mà rồi từ giờ trở đi, người ta sẽ đưa thi nhân của chúng ta vào cái thế giới nào đây? Tôi tin rằng từ nay trở đi, cái đời văn chương của một thi nhân sẽ bước sang một giai đoạn khác. Tôi ngờ rằng, với một số tiền trợ cấp kia, ông Tản Đà sẽ không già tay để hạ những vần rất sái và tác phẩm sau này sẽ nhan nhản những câu thơ rất có "hậu'.

    Sao lại không như thế được?

    Cái buồn của tôi vẫn không vợi, khi ông Tản Đà đọc lại mấy câu lục bát rất hay làm từ những bao giờ.
    Cho vơi hũ rượu, cho đầy túi thơ
    Trăm năm thơ túi, rượu vò,
    Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai.
    San sẻ cho tôi một gắp chả sốt, ông Tản Đà nói đến kế sinh nhai.

    • - Tôi có lên trên báo Ngày nay, nói chuyện cùng Trần Giư để lại dịch thơ Đường. Nhưng ông ta có bảo công việc ấy bây giờ giao cả cho ông Thạch Lam.


    Chuyến tàu điện Hà Đông đã nổi hiệu chuông ra gần tới Ngã Tư Sở. Tôi lặng lẽ cầm tay ông Tản Đà, hẹn một ngày khác rất gần đây, sẽ xin trở lại.

    Cái ngày khác rất gần đấy mà tôi lại trở lại căn nhà 71, Ngã Tư Sở, là ngày hai mươi tháng tư, tây lịch là ngày 7 Juin 1939. Tôi trở lại để không bao giờ gặp lại ông Tản Đà nữa. Tôi, một kẻ ở, đến để ngắm chủ nhân đã là một người về. Lúc bấy giờ quá giờ Ngọ.

    Sớm nay (7-6) ở thư viện ra, Vũ Bằng rủ tôi đi uống, một cốc rượu mạnh. Dọc đường phố Hàng Bông, người trưởng nam ông Nguyễn Khắc Hiếu mếu máo tin cho tôi biết rằng ông già cậu vừa mất. Thế là từ phút này, làng rượu đất Bắc mất một tửu đồ và tao đàn mất một vị nguyên soái. Và cái bữa rượu bún chả tôi uống hôm đầu tháng ở Cầu Mới với ông Tản Đà là bữa rượu vĩnh biệt một thi nhân mà từ bây giờ chúng ta có quyền gọi xách mé là Tản Đà, là Nguyễn Khắc Hiếu không cần chữ đệm.

    Ngồi ở một tửu điếm Bờ Hồ tôi vừa quấy cốc rượu Borgia cho nổi bọt lên, tôi vừa nghĩ đến một câu mà ông Tản đã gở miệng nói giữa bữa rượu hôm trước.

    • "- Này bác Tuân, làm thế nào mà lúc chết được để mả ở chỗ Hàm Rồng Thanh Hóa, ngay chỗ bên cầu treo. Ở đấy mát lắm".


    Rồi nghĩ đến cái việc trợ cấp năm trăm bạc chỉ một chút nữa là thành sự thực, tôi lại mừng cho cái thơm tho của một thi nhân. Có lẽ ông trời muốn giữ cho thi nhân được trong sạch nên đã sớm gọi ông Tản Đà về.

    Người trích tiên đánh vỡ cái chén ngọc ở Tiên cung đã đến lúc mãn hạn đi đày? "Cái hạc" đã "bay lên vút tận trời"!

    Năm mươi mốt tuổi đầu, thế cũng là đến cõi. "Của trời, tham được có ngần ấy thôi". Tôi nâng cốc rượu còn đầy chỉ định nhớ chứ không thương thi nhân vừa đặt chân vào cõi bất diệt.

    Nhưng lúc tôi vào nhà 71 Cầu Mới, lòng tôi thắt lại. Ông Tản Đà còn hấp hối và đang thở hắt ra. Cứ đều đều, cứ nhẹ thế cho đến hơi thở cuối cùng. Hai môi mím khít lại ông Tản Đà có nét mặt răn rúm của một người chết khó khăn. Phải, chung thân làm một người bất đắc chí, sống đã chẳng được toại lòng, người nằm sóng sượt đây khó mà đi cho nó nhẹ nhõm được. Tôi bắt đầu cảm thấy hơi lạnh. Ở đầu giường bệnh, vẫn bên chồng sách bừa bãi đây đó mấy trang bản thảo. Tập di cảo! Trời? Và lẻ loi ở góc bàn vẫn cái hũ rượu cáp giới ngày nọ. Tất cả, chỉ có thế thôi, với một đoàn thê tử yếu và đuối!



      • Cuối thế kỷ trước, một buổi chiều Avril 1899, tại Paris, nhà viết kịch trứ danh Henry Becque đã nhắm mắt giữa cảnh nghèo nàn và cô chiếc. Không có vợ, không có cha anh, không có thừa tự. Becque đã để lại cho đời vẻn vẹn có mấy vở kịch Les Corbeaux, La Parisienne, v.v.. Cứ lời viên thừa phát lại thời bấy giờ làm bản kê khai, thì ngoài tác phẩm kể trên, gia sản của nghệ sĩ để lại, còn có mấy khoản này:
        • Một cái tượng bán thân do Rodin nặn cho, một cái nồi nấu, một cái nệm, tất cả bán đấu giá được 0f50;
          Một chồng sách in, bán được 30f,
          Một cái va li, bốn chiếc khăn mặt: 2f,
          Và ba chai rượu vang Mariani (vẫn rượu);
          Và năm vạn ba nghìn quan tiền nợ.

        Cái đám ma của Bacque, lẻ tẻ vài lăm người.




    Tao Đàn số đặc biệt ngày 1-7-1939 .

    nguồn: vietmessenger.com
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5433
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tản Đà và Tự lực văn đoàn

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Tản Đà và Tự lực văn đoàn






    Sau khi từ Pháp trở về với mảnh bằng cử nhân khoa học, Nhất Linh (1906-1963) ý thức được nhu cầu đổi mới trong xã hội ta và bước đầu ông quyết tâm làm là canh tân về văn học.

    Ông muốn ra một tờ báo trào phúng hy vọng dùng nụ cười để phê phán hủ tục và hô hào việc canh tân, nhưng giới hữu trách thực dân ngày ấy có lẽ cảm thấy Nhất Linh là nhân vật có tiềm năng phản kháng chế độ nên tìm cách ngăn cản ông ra báo.

    Cơ may tới tay khi tờ Phong hóa của Phạm Hữu Ninh chủ trương sắp đình bản vì lỗ vốn, Nhất Linh đã mua lại tờ báo này và cho tục bản Phong hóa bộ mới từ số 14 vào năm 1932 với những cây viết trẻ của thời đại như bản thân ông và hai em là Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long, 1907-1948) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân, 1910-1942). Tờ báo lại có sự góp mặt của Thế Lữ và hai cây viết tây học khác dù lớn tuổi hơn là Khái Hưng (1896-1947) và Tú Mỡ (1900-1976).

    Năm 1934, Tự lực văn đoàn ra đời và đánh dấu đỉnh cao của nhóm nhà văn quy tụ quanh Nhất Linh, với hai tờ báo trong tay Phong hóa và Ngày nay với một nhà xuất bản có tiếng: nhà Đời nay. Đây là lúc tiểu thuyết mới, kịch nghệ mới và thơ mới thành tựu rực rỡ với sự góp mặt của những cây viết trong Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam (về tiểu thuyết), Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận (Thơ), Khái Hưng (kịch), Thạch Lam (phê bình văn học), Hoàng Đạo (cải cách xã hội)…

    Trong lúc ấy, sau 1932, khi An nam tạp chí của Tản Đà vĩnh viễn đóng cửa, nhà thơ ở lại đất Bắc và sống trong cảnh phải than “đem văn lên bán chợ trời” vì văn ế, độc giả chuộng thơ cũ thưa dần. Có thể nói những năm cuối thập niên 1930, nhà thơ đã sống trong những ngày hoàng hôn của cuộc đời, đành dùng tài văn mặc, kinh nghiệm văn chương mở lớp dạy làm thơ, xem lý số hà lạc. Nhưng vắng khách tri âm. Bước vào tuổi gần ngũ tuần thì thi nhân mòn mỏi, “chán cả giang hồ hết cả ngông”, bệnh hoạn triền miên thế mà rượu vẫn là bạn đồng hành khuya sớm. Ông quay sang dịch thơ Đường và Liêu trai chí dị. Nhưng tờ báo nào có thể giúp Tản Đà có thể trụ nổi trong hoàn cảnh cơ hàn những năm 38 và 39? Hà nội tân văn đã có Nhượng tống, Phụ nữ tân văn đã có Phan Khôi, Đào Trinh Nhất. Cũng may Tản Đà có duyên nợ với Tự lực văn đoàn có lẽ qua Khái Hưng (Trần Khánh Giư) nên đăng thơ dịch trên Ngày nay. Vào cuối đời trong lần gặp Nguyễn Tuân, nhà thơ tâm sự về kế sinh nhai:

    “Tôi có lên trên báo Ngày Nay, nói chuyện cùng Trần Giư để lại dịch thơ Ðường. Nhưng ông ta bảo công việc ấy bây giờ giao cả cho ông Thạch Lam…”

    Tự lực văn đoàn chủ trương đổi mới và sở trường về thơ trào lộng, tranh châm biếm như đối với Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và từng hý họa những cây viết đàn anh từ Tản Đà đến Nguyễn Văn Tố bên cạnh những bức tranh Lý Toét, Xã Xệ nổi tiếng. Tuy nhiên, thơ, họa trào phúng trên Phong hóa hay Ngày nay nhắm giễu cợt hủ tục, nhân vật cổ hủ, thoái hóa nên nhiều khi chỉ là nụ cười vô hại, không hề có ác ý. Riêng với Tản Đà (1889-1939), trong nhóm Tự lực văn đoàn có Khái Hưng và Tú Mỡ là hai cây viết tuy tây học nhưng có gốc cựu học và có giao tình thân thiết với thi nhân trong văn chương cũng như trong đời sống. Họ được kể là những bạn vong niên của Tản Đà.

    Người ta không ngạc nhiên khi nghe những giai thoại chứng tỏ giữa thi nhân và văn đoàn có mối dây liên hệ bề trong rất khắng khít trong những năm tháng cuối cùng cuộc đời thi nhân.

    Tú Mỡ thường xướng họa với Tản Đà chẳng hạn bài sau đây của Tản Đà Gửi ông Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, giọng thực thân mật và cảm động:

    • Tôi bác, sao mà bác Tú ơi

      Cùng tên, ta lại ở đôi nơi!

      Khói mây non Tản tôi gầy lắm

      Bơ sữa Thành Long bác béo hoài

      Cốt có rượu thơ người sống nổi

      Quản chi mưa gió cuộc đời trôi

      Thơ này Hiếu gửi đăng “Phong Hóa”

      Hiếu có thanh nhàn thử họa chơi


    Khi An Nam tạp chí đình bản, Tú Mỡ vào năm 1933 còn làm một bài văn tế đăng trên tờ Phong hóa có tên Văn tế An Nam tạp chí:

    • Ngày 12 tháng Năm dư năm Quý Dậu

      Ngu hữu là Phong Hóa tuần báo đứng trước linh vị An Nam tạp chí hậm hực mà than rằng:

      Đỉnh non Tản mây đen mù mịt, quấn băng tang lặng lẽ âu sầu.

      Giải sông Đà nước xám lờ đờ, cuộn dòng lệ rĩ rền buồn bã.

      Than như không mà khóc cũng như không,

      Im cũng dở mà nói ra cũng dở.

      Nhớ bạn xưa:

      Giấy trắng mực đen,

      Nhà không tiếng cả.

      Dựng tiểu nghiệp văn chương đất Bắc, kế sinh nhai khen đã cố công thay!

      Lấy đại danh tạp chí nước Nam, tuyên chủ nghĩa thực đà to chuyện quá!

      Duy trì đạo đức, giương Đông kích Tây,

      Bồi bổ văn mình, dung Âu hợp Á.

      Nhồi độc giả năm pho kinh sử, nhai đi nhai lại, chi, hồ, giả, dã, rõ cơ quan tiến thủ giật lùi,

      Ru quốc dân hai hũ thơ sầu, mơ màng tiên, cuội, trời trăng, khiến niên thiếu liên miên bả lả.

      Ố kim, nệ cổ đã từng phen nắm đuôi ngựa Phan Khôi,

      Ghét cợt, chê cười còn nhớ trận vuốt râu hùm Phong Hóa.

      Dằng dai như đỉa đói, chết đi sống lại bao lần,

      Siêu bạt tựa vịt trời, nay đó, mai đây mấy thủa.

      Hơn bảy, tám năm lăn lóc khi Hà thành khi Nam định ngoẻm trăm ấy, veo ngàn khác, than ôi thua vẫn hoàn thua,

      Non ba mươi tháng vật vờ, hết Hàng lọng đền Hàng khoai thay dạng nọ đổi dạng kia ngán nỗi khá không thấy khá.

      Vẻ vang thay nghìn rưỡi số in,

      Hân hạnh lắm được một trăm độc giả.

      Cứ tưởng tạm ngơi ít bữa, lấy đà dưỡng sức, cho qua thời kinh tế lung lay,

      Nào hay đánh giấc ngàn thu, bặt tiếng im hơi, chẳng thoát nạn lý tài trắc trở.

      Hay là ngán trần tục, viết văn không kẻ hiểu, luống uổng công phu,

      Cho nên thăng thiên đường tái bản để Trời xem cho cao phẩm giá.



      Than ôi!

      Cùng làng ngôn luận tân cựu đôi đường,

      Nửa kiếp kinh doanh, âm dương hai ngả.

      Bâng khuâng luống xót xa lòng,

      Thương nhớ thêm ngao ngán dạ.

      Vừa độ nào, ta đây bạn đó, điều phải chăng còn giũa bút luận bàn,

      Mà bây giờ kẻ khuất người còn, thơ chua chát biết cùng ai xướng họa.

      Thôi! Chẳng may mỏng phận, ngắn đời,

      Song nay đã yên mồ đẹp mả.



      Ngu hữu gọi là lễ mọn vi thiềng:

      Rượu lậu một bầu, trứng tươi hai quả

      Mực nướng vài con, sò huyết một tá

      Bạn có khôn thiêng

      Xin về chứng quả!

      Thượng hưởng!

    Bài văn tế tuy thể hiện nụ cười, với lời hóm hỉnh pha vị chát chua nhưng toàn bài cũng bày tỏ được mối cảm thông và tương thân tương ái giữa hai kẻ tài hoa đều có tâm huyết với nghề văn mặc.

    Khi Tản Đà mở phòng lý số ở Hà nội, Tú Mỡ cũng giễu bậc đàn anh trong bài Tản đà cốc tử và Tản Đà cũng vui vẻ đáp lại lời bông đùa của bạn.

    Trong Tự lực văn đoàn thân với Tản Đà còn có Khái Hưng. Khái Hưng là người đầu tiên nhận thơ dịch của Tản Đà cho đăng trên Ngày nay. Tác giả Hồn bướm mơ tiên còn kể lại một vài kỷ niệm về Tản Đà trên báo Ngày nay ra ngày 24/4/1939 trong bài Thi sĩ và cô đào hát.

    “Con người thi sĩ trong Tản Đà ai cũng biết hết, nhưng ít người biết còn có một người kịch sĩ ở trong ông nữa. Hai vở “Người cá” và “Tây Thi” của Tản Đà đã diễn trên sân khấu mà không xuất bản thành sách.

    Hai vở tuồng trên đều diễn ở nhà hát Thắng Ý phố Hàng Quạt. Khái Hưng đều xem không phải vì thích tuồng nhưng vì người dàn cảnh là Trần Quì. Trần Quì kéo Khái Hưng đi và đưa cả vào hậu trường. Nhờ thế, họ biết được một chuyện tình kín của thi sĩ.

    Trần Quì nói với Khái Hưng:

    – Hỏng bét cả! Con Liên có biết hát hỏng gì đâu mà anh Tản Đà cứ nhất định bắt nó đóng vai chính.

    Khái Hưng mỉm cười:

    – Thì đừng để nó đóng vai chính nữa.

    – Đừng để! Đừng để! Khốn nhưng anh ấy không cho diễn vở tuồng của anh ấy nữa.


    Thế là Đào Liên đóng vai chính Tây Thi.

    Liên là một đào hát quá trẻ, khoảng 16 tuổi. Giọng Liên đờn đợt, the thé. Điệu bộ Liên cứng nhắc và trơ trẽn. Xưa nay, Liên chỉ được đóng vai phụ, vai thị tì, vai vợ vua Phiên ra ngồi làm vì trên sân khấu.

    Nhưng Tản Đà có cần gì biết điều đó, ông chỉ thấy Liên đẹp nên để đóng vai Tây Thi. Trần Quì lại cho rằng Tản Đà viết Tây Thi là vì Liên. Hôm diễn “Người Cá” nhà thơ đã lưu ý đến cô đào hát xinh tươi, thế rồi ông về soạn vở “Tây Thi”.

    Không rõ cuộc tình đi xa đến đâu: thi sĩ cùng cô đào hát có ngao du sơn thủy như Phạm Lãi với Tây Thi hay không, nhưng từ khi sắm vai Tây Thi, Liên nổi tiếng và nghiễm nhiên trở nên một đào chính của rạp Thắng Ý.”

    Khái Hưng cũng là một trong những thân hữu gặp Tản Đà lúc thi nhân sắp mất vào ngày 6 tháng 6 năm 1939:

    “Hôm mồng sáu, được tin ông Tản Đà mệt nặng, tôi (Khái Hưng) đến Ngã Tư Sở thăm ông tại nhà riêng.

    Một người đàn bà có tuổi ra mở cửa. Bà mếu máo bảo tôi: “Nguy mất rồi, ông ạ!’’

    Tôi cảm động nghẹn ngào, nhất là khi thấy bóng thi sĩ nằm co quắp trên tấm ghế ngựa quang dầu buông chiếc màn sô trắng, trong gian phòng trống trải trơ trọi một cái bàn siêu và hai cái ghế nát.

    Bà Tản Đà ở phòng trong bước ra. Phòng trong có nghĩa là nửa gian nhà, cách gian ngoài một bức tường mỏng mảnh và một cái cửa không cánh không rèm.

    Bà vừa mặc một cái áo lương vào người vừa bảo tôi: “Hôm qua tưởng đi rồi ông ạ! Phải tiêm thuốc hồi sinh mới tỉnh lại”.

    Rồi bà đến bên giường, mở màn cúi xuống nói với chồng: “Ông Khái Hưng đến thăm.”

    Thi sĩ trừng trừng nhìn tôi, mắt không chớp trong mấy giây: “Ông Khái Hưng đấy mà!”

    Tản Đà gật đầu rồi giơ tay ra hiệu bảo anh người nhà vắt màn lên. Anh người nhà hầu chủ từ khi còn nhỏ đã khiến nhiều lần tôi tưởng tượng ra chú tiểu đồng mang bầu thơ túi rượu đi theo sau một thi sĩ trong các bức tranh thủy mặc của Tàu.

    Tản Đà vẫn yên lặng nhìn tôi. Tôi hỏi bà Tản Đà:

    – Thưa bà, ông mệt từ hôm nào?

    – Thưa ông đã lâu. Nhà tôi đi ăn giỗ rồi bị cảm. Đã khỏi rồi phải lại.

    Anh người nhà nói chen:

    – Thưa ông, ông con mệt đã mười bốn hôm. Từ hôm mồng năm, hôm nay mười chín vị chi đúng mười bốn hôm.

    Câu nói tỏ hết lòng của người đầy tớ trung thành. Anh đã tính nhẩm từng ngày ốm của chủ, và có lẽ đêm nào anh cũng túc trực bên giường bệnh.

    Tôi đưa tay sờ trán người ốm. Một thứ lạnh ướt làm tôi rùng mình. Tôi có cảm giác như sờ vào một cái thây ma. Nhưng tôi gượng cười bảo thi sĩ:

    – Không sao, thế nào rồi cũng khỏi. Trông sắc mặt bác tươi tắn và nhất là mắt bác còn tinh thần. Thế nào cũng khỏi!

    Một nụ cười hé nở trên cặp môi nhợt nhạt của nhà văn. Đó là lời cám ơn lặng lẽ. Hay đó là một câu thơ trào phúng...?

    Nhưng hy vọng dần dần trở lại trên nét mặt nặng nề. Và cả mắt lẫn miệng nhìn tôi đăm đăm. Tôi đoán đó là một câu hỏi và tôi trả lời:

    – Bác đau gan. Trông da vàng đủ hiểu. Bệnh đau gan ngày nay người ta đã tìm được thuốc chữa rất công hiệu.

    Cặp mắt mở to, thi sĩ lắng hết tinh thần chăm chú nghe tôi. Rồi ông thốt ra một câu nói khẽ, lời nói thứ nhất mà tôi nghe thấy:

    – Uống sâm có được không?

    Tôi lắc đầu:

    – Không được, bác ạ. Sâm trệ. Vả sâm thực tốt khó mua. Uống sâm giả hiệu chỉ thêm nguy hiểm.

    Bà Tản Đà đỡ lời bảo chồng:

    – Phải đấy mình ạ. Phần nhiều là sâm xấu.

    Thi sĩ lại hỏi:

    – Ăn cháo có được không bác?

    Tôi cảm động, nhận thấy người sắp chết cố níu lấy sự sống:

    – Được chứ! Ăn súp cũng được.

    Rồi tôi giơ tay từ biệt, nắm trong mấy giây bàn tay ướt lạnh như miếng thịt ướp nước đá:

    – Chịu khó ăn cho chóng khỏe nhé. Mà khỏi rồi thì phải uống ít rượu thôi đấy!

    Một nụ cười thứ hai lặng lẽ và tươi tắn đáp lại tôi.

    Trưa hôm sau tôi đến thăm một lần nữa, lần cuối cùng thì Tản Đà đã mê man sắp từ trần.”

    Sự giao thiệp của người xưa theo tiêu chuẩn “quân tử đạm nhược thủy” (người quân tử giao thiệp với nhau không tỏ ra quá nồng nàn nhưng vẫn hàm sự chân thiết và mênh mông như nước). Đọc lại hồi ức của Khái Hưng có thể thấy rõ điều này, ông tỏ ra thương xót và cảm thông với một nhà thơ mà mình kính mến trong phút lâm chung trong cảnh ngộ cơ hàn.



    Hoàng Yên Lưu


    Nguồn: http://thoibao.com



          
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”