Ông Khai Trí của ‘Sài Gòn, một thời vang bóng’

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ông Khai Trí của ‘Sài Gòn, một thời vang bóng’

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ông Khai Trí của ‘Sài Gòn, một thời vang bóng’




    Ông Khai Trí ngồi trên giường đầy sách



    Cách đây 13 năm khi nghe tin ông chủ nhà sách Khai Trí Nguyễn Hùng Trương mất đi, giới yêu sách Sài Gòn ai cũng bùi ngùi thương mến. Ngày 4 tháng 11, 2018 vừa qua, người vợ đầu ấp tay gối của ông Khai Trí cũng đã mãn phần theo gót ông về cõi tịnh, cùng ông an giấc ngàn thu. Cụ bà Phùng Thị Bông hưởng thọ 89 tuổi, mất tại Little Sài Gòn vào cuối mùa thu.

    Tôi đến viếng tang lễ của cụ bà và gặp gỡ những người thân của đại gia đình họ Nguyễn. Những tấm ảnh slide show chiếu trên màn hình nhà tang lễ đã ghi lại những kỷ niệm đẹp của gia đình và cụ ông, cụ bà như một nhắc nhở ân cần đến hình bóng của kẻ ra đi.

    Tôi được dịp trò chuyện với người con trai thứ của cụ là anh Nguyễn Hùng Tâm và tỏ lòng ngưỡng mộ cụ ông Khai Trí cùng đức độ của cụ khi còn sinh thời. Tiếng vang thơm ngát về lòng yêu thiếu nhi và mối tình gắn bó của cụ với sách vở đã khiến tôi quý trọng con người cụ dù tôi chưa gặp cụ bao giờ.

    Dù đang có tang chế, anh Hùng Tâm vẫn vui vẻ nghe tôi trò chuyện và hỏi han về những kỷ niệm đẹp còn lưu dấu của song thân anh, hai người đã khuất. Anh kể:

    “Đối với cha tôi, những điều tôi trân trọng, lưu giữ trong trí, mến quí và yêu nhất là những giờ phút cuối của cụ. Trong hai tấm hình chụp ông cụ trên giường, tôi thấy lúc nào quanh ông cũng tràn đầy sách vở. Hình ông cụ ngồi có một cái võng vắt ngang, sách vở cũng đầy giường tủ. Cụ luôn luôn miệt mài cùng sách vở kể cả những phút lâm chung.”

    “Đối với mẹ tôi, bà là người vợ lúc nào cũng tận tụy với chồng kể cả từ những ngày ban đầu mới thành lập nhà sách Khai Trí. Thuở hàn vi, dẫu không có người làm phụ giúp, bà vẫn hết lòng cùng chồng gánh vác những khó khăn, gian khổ buổi đầu. Những cuốn sách nào có giá trị cha tôi lúc nào cũng đưa cho bà đọc để có cùng một chí hướng với chồng và cùng tạo dựng sự nghiệp.”



    Ông Khai Trí đứng bên kệ sách nhà ông



    Anh Nguyễn Hùng Tâm nguyên là chủ nhân và hiệu trưởng của một trường đại học TTL College ở San Jose, California. Anh tâm sự, sở dĩ anh mở trường đại học kỹ thuật này là do dòng máu văn hoá Việt Nam của cha anh để lại. Do đó anh muốn thành lập một trường chuyên môn dạy nghề hầu giúp cho người Việt hải ngoại có một cái nghề để sinh sống, không những cho bản thân mà có thể giúp đỡ gia đình nữa. Ngoài ra anh còn muốn giúp cho những người Việt mới định cư và những người muốn thăng tiến nghề nghiệp có được một trình độ cao hơn. Các giáo sư trong trường đều là người Việt Nam.

    Khi chụp hình tang lễ, tôi nhận ra gia đình cụ Khai Trí là một đại gia đình như đa số các gia đình Việt Nam với nhiều người con. Tôì trộm nghĩ đây có lẽ là lý do cụ rất yêu thiếu nhi và bỏ nhiều tâm huyết vào việc mở mang trí tuệ cho các thế hệ măng non Việt Nam trước năm 1975. Để trả lời câu hỏi của tôi về tình yêu thiếu nhi, anh Hùng Tâm cho biết:

    “Lúc đương thời, ông cụ luôn có chí hướng muốn tiến lên mãi và muốn làm cái gì đó cho thế hệ mai sau . Quan trọng nhất là thế hệ thiếu nhi nên cụ bỏ ra rất nhiều thì giờ vào thế hệ này. Cụ đã để một gian hàng sách thiếu nhi cho những đứa trẻ vào đọc mà không cần phải mua. Khi cụ thấy các em đứng đọc trông thật tội nghiệp, cụ cho lập một hàng ghế để các em ngồi đọc thoải mái từ sáng tới chiều. Những em nào không có tiền mua sách, có thể đến gặp cụ, cụ viết cho một tấm thiếp có tên cụ, giống như một tấm chi phiếu. Lúc nào cần sách cứ tới gặp nhân viên, họ sẽ đưa sách đem về nhà mà không cần phải trả tiền. Trên con đường tiến xa hơn nữa, nguyên thủy nhà sách Khai Trí có hai căn, cụ đã mua thêm hai căn sát bên với mục đích nối liền bốn căn với nhau để có diện tích rộng gấp hai nhà sách cũ. Với dự án xây lầu cao hơn, cụ dành một tầng cho sách tiếng Việt, một tầng cho sách ngoại quốc và một tầng cho sách thiếu nhi. Ước vọng của ông cụ không chỉ có thế, cụ còn có chương trình thành lập bộ sách ‘Encyclopedia’ cho Việt Nam. Cụ thấy các quốc gia khác có, tại sao Việt Nam chưa có. Cụ đang chuẩn bị để thành lập với những người cộng tác và họ sẽ được cụ trả lương ngồi viết cho đến khi bộ sách hoàn tất. Tuy nhiên những ước mơ của cụ đã bị ngưng vào năm 1975.”



    Ông Bà Khai Trí trong toà soạn báo Thiếu Nhi trước 75


    Nghe anh Hùng Tâm kể, tôi cảm thấy sững sờ và kính phục cụ Khai Trí với nhiệt tâm và công sức của chỉ một cá nhân mà vẫn muốn thực hiện những dự án lớn lao như Encyclopedia. Anh Hùng Tâm kể tiếp:

    “Sau năm 1975, cha tôi bị đi tù. Khi ở trại cải tạo về, ông lại có ý định trở lại với ngành sách vở. Ông đã bỏ ra thì giờ, tiền bạc, đi tìm mua lại những sách cũ đã bị thất lạc, bị tịch thu hay thất thoát ra ngoài đem về cất giữ. Lúc nhận được giấy bảo lãnh qua Mỹ, ông đã có trong tay trên 3000 cuốn sách thuộc nhiều loại khác nhau. Ông đã cố gắng chuyển số sách ấy ra hải ngoại với mục đích mang tiếng Việt ra hải ngoại cho người Việt. Ra đến hải ngoại ông đi thăm tất cả các tiệm sách ở đây và nhận ra 90% số sách ông mang qua đều đã được tái, xuất bản và đang bày bán. Ông vô cùng thất vọng, vì cảm thấy không còn làm gì được nữa đành phải trở về lại Việt Nam. Lần này, ông đi mua tất cả những cuốn sách được xuất bản ở hải ngoại sau 75 trong kỳ vọng đem về cho dân trong nước có cơ hội được đọc sách hải ngoại. Tuy nhiên khi về đến Việt Nam, ông bị chận lại và bị bắt bỏ tù lần nữa. Tất cả số sách ông mang về bị tịch thu và ông vào tù với tội danh ‘mang văn hoá đồi trụy vào trong nước’.”

    “Vào những giờ phút bất lực cùng cực, ông vẫn chưa chịu thua, ông tiếp tục tự mình soạn ra những cuốn sách để lại cho hậu thế. Đó là cuốn Thơ tình Việt Nam và thế giới. Ông tập trung những lá thư tình của Việt Nam và thế giới, Bắc, Trung, Nam về để soạn thảo. Ông muốn nói lên một điều là thơ tình hay tình yêu không phân biệt quốc gia hay cộng sản. Ông đã yêu cầu được in và xuất bản tại Sài Gòn. Buổi ra mắt sách được tổ chức tại Thư Viện Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn vào dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn. Trong ngày ra mắt sách, ông đã yêu cầu không có chào cờ cộng sản và những người lên lãnh giải cho cuốn sách ấy là những người đã từng ngồi tù trong trại cải tạo. Mục đích ông muốn cho họ thấy, là họ làm việc có chính nghĩa và trong đất cộng sản họ vẫn được quyền lãnh quyển sách được trao giải đó. Đây là việc làm đáng giá và đáng ghi nhớ ở Việt Nam, tại một quốc gia cộng sản không có tự do mà ông cụ vẫn làm, mà làm được. Đằng sau cuốn sách có ghi tên ông, chủ nhà sách Khai Trí soạn và xuất bản.”

    “Ngoài ra còn một việc làm thứ hai mà ông đã làm được ở Việt Nam là đi đòi tiền bản quyền cho một số tác giả viết trước 1975, mặc dù các tác giả đã xuất ngoại, nhưng ông vẫn đòi được. Ông đã gởi tiền đòi được qua cho tôi ở hải ngoại và tôi cầm tiền trao lại cho các tác giả ấy.”

    Câu chuyện anh Hùng Tâm kể về cụ Khai Trí làm tôi vô cùng xúc động. Không biết tỏ nỗi cảm phục cách nào hơn, tôi chỉ biết thắp nén hương lòng gởi đến cho cụ ông, cụ bà Khai Trí và cầu nguyện cho hai cụ mãi mãi thong dong ở cõi yên bình.


    Trịnh Thanh Thủy



    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”