Từ Dung - Tùy bút

Trả lời
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Từ Dung - Tùy bút

Bài viết bởi thiên thanh »

          
          
M ẹ  t ô i  
____________________________________________________
người viết: TỪ DUNG, con gái út HOÀNG ĐẠO




Hình ảnh
Bà Hoàng Đạo
Tôi không biết phải bắt đầu ra sao khi viết về mẹ tôi, vì có rất nhiều điều để nói. Cũng có thể dưới con mắt chủ quan, tôi nghĩ bà là một trong những người phụ nữ phương Đông tuyệt vời nhất trên cõi đời này. Người mẹ dịu hiền mà tôi được may mắn biết đến, với đầy đủ những đức tính về công, dung, ngôn, hạnh của một người đàn bà Á Đông, đã hy sinh cả một cuộc đời mình cho chồng, cho con và cho những nghĩa cử từ thiện ngoài xã hội với nụ cười luôn trên môi cùng chiếc răng khểnh duyên dáng.



Công, Dung, Ngôn, Hạnh

Về mặt dung nhan, vẻ đẹp dịu dàng và đằm thắm của mẹ tôi đã hơn một lần làm rung động những người phái nam có địa vị quan trọng trong nhiều lãnh vực xã hội. Bà cao dong dỏng, thân hình đều đặn thanh tú, nước da mịn màng trắng trẻo, dáng đi yểu điệu và uyển chuyển, khuôn mặt trái soan, cặp mắt hơi hiếng (lé kim), mơ màng nhưng sâu sắc, miệng cười duyên dáng với chiếc răng khểnh và cặp môi đầy đặn. Tôi có đọc vài cuốn sách viết về mẹ tôi với những lời mô tả thiên lệch bắt nguồn từ những ghen ghét nhỏ mọn. Những người viết này cố tình hạ thấp dung nhan, phẩm hạnh của bà vì đố kị nên những người từng được tiếp xúc với bà vô cùng bất mãn vì những dối trá trắng trợn đó. Theo ý một số những người có dịp tiếp xúc với bà, bà là một trong những người đẹp và hợp thời trang nhất tại Hà Nội vào những thập niên 1930-40. Ngay cả về sau, khi đã trên bốn mươi tuổi và có bốn người con lớn, bà vẫn là một phụ nữ có vẻ đẹp sang trọng và thanh lịch có tiếng ở Sài Gòn.

Tôi còn nhớ, trong lúc ở giá để nuôi các con ăn học thành tài, mẹ tôi đã từ chối khéo léo và khiêm nhượng những người đàn ông theo đuổi bà và về sau họ vẫn quý mến và nể phục tư cách của mẹ tôi. Một trong những người này đã qua đời đã giữ lòng thương quý mẹ tôi ngay cả khi bà đã tạ thế. Khi ra đi nước ngoài, ông gửi thơ về nhờ tôi đặt lên mộ mẹ tôi một bó hồng đỏ thắm mỗi tuần lễ, như ông vẫn thường làm trước khi ra đi!

Mẹ tôi đã từ chối tất cả những người đàn ông đến sau, vì trong trái tim của bà chỉ có hình bóng của một người yêu duy nhất, đó là ba tôi, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long.

Về công, tức là tài năng khéo léo, ít có người phụ nữ nào có tài nấu nướng những món ăn Việt cũng như Pháp tuyệt xảo như mẹ tôi. Nào canh bóng, vây, bào ngư, nấm nhồi giò, chả nem rán, bánh chưng gói, món Tây thì súp legume, bò hầm đậu, cua phá xi...

Các ngày giỗ chạp, tiệc rượu linh đình, một mặt mẹ tôi nấu ăn và chỉ dẫn cho người giúp việc, một mặt tiếp đãi khách với nụ cười hiền thục trên môi. Ai cũng phải mến yêu bà. Chị Thu tôi đã lớn thì giúp một tay, còn tôi bé út nhất nhà (cách anh Lân đến 9 tuổi) chỉ chạy chơi và chực ăn trứng luộc trên bàn thờ!

Sau này mẹ tôi mở tiệm Chả Cá Thăng Long (1959) ở đầu đường Phan Thanh Giản. Tiệm rất đắt khách và là một trong những tiệm ăn sang trọng thanh lịch và ngon lành tinh khiết nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.

Về ngôn, khoa ăn nói, mẹ tôi ăn nói nhã nhặn, điềm đạm và nhu thuận, lúc nào cũng giữ vẻ bình tĩnh. Bà cũng dạy các con phải ăn nói đàng hoàng. Ngoài phái nam ra, phái nữ cũng thương mến bà, bạn bè và các bà cô, dì hai bên họ đều tìm đến bà khi hoạn nạn, nhưng cũng có một số nhỏ đem lòng ganh tị và tìm cách bôi nhọ thanh danh bà.

Về phẩm hạnh, không ai có thể chối cãi rằng mẹ tôi là một phụ nữ đảm đang, hy sinh cả cuộc đời cho chồng, cho con mà không hề phàn nàn, than vãn.



THỜI THƠ ẤU CỦA MẸ TÔI BA MẸ TÔI GẶP GỠ NHAU

Sinh ra trong một gia đình quý phái, trưởng giả, mẹ tôi lại có những đức tính đơn giản, tốt bụng hay thương người. Ông ngoại tôi làm tham tá công chánh dưới thời Pháp thuộc, bà ngoại tôi là một mệnh phụ đài các nhưng khôn ngoan, biết quản lý tài sản của ông tôi, biết tiết kiệm. Mẹ tôi lại là con một nên được lo toan rất chu đáo, quá chu đáo đến nỗi mẹ tôi cảm thấy ngộp thở. Bà ngoại tôi tính tình độc đoán, muốn chồng con phải phục tùng theo cách sinh hoạt của bà. Thậm chí mẹ tôi chỉ được quyền chơi những đồ chơi bà ngoại cho phép. Mẹ tôi kể lại rằng một lần ông ngoại lén cho mẹ một con búp bê mà mẹ tôi thích, khi bà ngoại biết được, bà lập tức vứt đi. Mẹ tôi khóc và nhớ mãi chuyện ấy. Bà ngoại rất yêu mẹ tôi, nhưng cụ vẫn giữ tính khắc nghiệt đó nên có những đụng chạm cãi vã không thể tránh được giữa hai mẹ con.

Khi ba mẹ tôi gặp gỡ nhau, họ bị tiếng sét ái tình đánh choáng váng. Một bên cảm vì sắc, một bên mến vì tài. Ba tôi tuy ít nói, nhưng có lối châm biếm khôi hài thật duyên dáng và sâu sắc đã chinh phục được trái tim trong trắng của mẹ tôi. Tính cách khôi hài này được thể hiện trong tập “Trước vành móng ngựa”. Mối tình của ba mẹ tôi là nguồn hứng khởi của mối tình của Duy và Thơ trong “Con đường sáng”. Là một phụ nữ có tâm hồn nhạy cảm và chịu ảnh hưởng phong trào văn hóa mới vì mẹ tôi theo học trường Pháp và tốt nghiệp trường Pháp, bà thông cảm và hỗ trợ chí hướng phi thường của ba tôi, người đã từ chối chức tri huyện khi tốt nghiệp cử nhân luật, sau lại bỏ chức biện lý vì chống lại tòa án Pháp thuộc ngày đó. Điều này thể hiện trong tác phẩm “Trước vành móng ngựa”.

Phải là một phụ nữ phi thường mới thấu hiểu và tôn trọng một tâm hồn phi thường như ba tôi, và mới hy sinh tuổi xuân sắc để giúp đỡ chồng một cách đắc lực trong quá trình tranh đấu cho dân tộc và đất nước.

Lần đầu khi đi xem mắt mẹ tôi tại tòa biệt thự của bà ngoại tôi ở bãi biển Sầm Sơn, ba tôi đã bị tiếng sét ái tình. Mối tình đẹp như thơ đó đã bị cả hai bên gia đình phản đối, bên nội vì lý do bà nội tôi không chuộng gia đình trưởng giả, bên ngoại vì không cho là đủ môn đăng hộ đối. Nhưng ba mẹ tôi đã vượt thắng tất cả để tìm đến nhau và lập gia đình!



MỘT CUỘC HÔN NHÂN ĐẦY HY SINH VÀ CHIA LY

Chị cả tôi, chị Minh Thu, ra đời năm 1934, là tác phẩm đầu tiên của sự kết hợp tuyệt vời đó. Năm kế là anh Nguyễn Tường Ánh và cách một năm nữa là anh Nguyễn Lân. Ba mẹ tôi những tưởng anh Lân là con út rồi vì lúc đó ba tôi rất ít khi ở nhà, ông đã bị quay vào guồng máy thời cuộc lúc ấy. Khi ba tôi bị bắt, bị tra tấn tại sở mật thám và sau bị đi đày ở Vụ Bản, Chân Lạp Sơn, mẹ tôi rất lo buồn và đi lại tiếp tế nhiều lần. Tháng Tám, 1946, ba tôi cầm đầu phái đoàn hòa giải, trong đó có cả người của Việt Nam Quốc Dân Đảng, của bên Việt Minh, và có nhân viên bộ Công Chính là kỹ sư Đỗ Xuân Dung để xem tình hình nước lụt ở Việt Trì (ngã ba sông Hồng Đào) và ba tôi bị bắt. Khi được thả ra, ba tôi sang Trung Hoa gặp gỡ bác Nguyễn Tường Tam và các anh em khác. Thời gian đó mẹ tôi thường xuyên mang vật phẩm và tiền bạc sang tiếp tế cho ba tôi và các anh em khác. Ngoài ra, một tay bà lo dạy dỗ các con, chăm sóc mẹ già và cũng một tay bà lo toan hỗ trợ người chồng cách mạng lưu vong nơi xứ người. Phụ nữ như thế không phải ở thời đại nào cũng có!

Ba mẹ tôi lúc ấy như Chức Nữ Ngưu Lang, chẳng được thường xuyên gặp gỡ nên mỗi lần trùng phùng thật quý giá vô cùng! Tôi là kết qủa của một trong những lần gặp gỡ đó. Ba tôi gởi thư về dặn mẹ nếu là con gái thì đặt tên Từ Dung, con trai thì Duy hoặc Giản. Như vậy Từ Dung là tên cúng cơm của tôi chứ không phải tên hát xướng đặt theo một nhân vật khác! Từ Dung có nghĩa là hình Dung giống mẹ, vì ba tôi lúc nào cũng tưởng nhớ mẹ tôi.

Tôi ra đời ngày 30 tháng Mười năm 1946 tại Hà Nội trong tình thương yêu của cả nhà. Ba tôi vẫn ở biền biệt bên Trung Hoa nên chẳng thấy mặt tôi, chỉ nhận được tin tức qua thư tín gia đình.

Lần gặp gỡ cuối cùng của ba mẹ tôi năm 1948 tại Hongkong rồi sau đó ba tôi bị một cơn đau tim tạ thế trên đường đi xe lửa về Quảng Châu, lúc đó tôi được 19 tháng. Được tin sét đánh, mẹ tôi phải lo tiền bạc quay trở lại chôn cất ba tôi tại Quảng Châu. Hiện nay không còn biết mộ phần nằm đâu nữa vì các nấm mồ đều bị khai quật dưới chế độ Cộng Sản!

Kể từ đó, mẹ tôi ở vậy nuôi con cho đến khi các con khôn lớn. Bố con tôi chỉ biết nhau qua hình ảnh thư từ. Tôi được nghe kể lại về ba tôi qua lời nói của mẹ, của anh chị và của cậu tôi, Như Phong Lê Văn Tiến.

Tôi nghĩ rằng tôi được thừa hưởng óc khôi hài châm biếm của ba tôi, cũng như dòng máu văn chương chảy cuồn cuộn trong tim óc!

Tại Hà Nội, gia đình tôi sống tại đường Lý Thái Tổ, Hàng Vôi. Trường Hàng Vôi là ngôi trường đầu tiên trên con đường học vấn của tôi. Năm 1990, trước khi rời Việt Nam, tôi ghé thăm ngôi nhà gia đình và ngôi trường thơ ấu. Ngôi nhà xinh đẹp hai tầng có cây bàng trước sân giờ đây ngăn ra cho tám hộ ở, phòng ngăn bằng vải rideau. Bàn thờ tổ tiên vẫn còn nguyên chỗ cũ nhưng chỉ còn một ông lão còn nhớ về nguồn gốc căn nhà.

Trở lại năm 1954, chúng tôi rời căn nhà thân yêu lên đường vào Nam trên một chiếc phi cơ quân đội. Tôi mới có 8 tuổi nên chỉ nhớ là mẹ tôi vội trở lại miền Bắc để thanh toán mấy căn nhà ở Hà Nội của bà tôi và gom tiền bạc để sinh sống trong Nam. Lúc đó sắp sửa đóng cửa ra vào hai miền nên các anh chị, tôi lo lắng sợ mẹ tôi bị kẹt lại Hà Nội.

Khi mẹ về, chúng tôi hết sức mừng rỡ. Chúng tôi tạm ở chia với họ hàng bên ngoại một căn nhà đường Đặng Dung, Tân Định. Đó là thời gian đẹp nhất của đời tôi! Mẹ con, anh chị em đoàn tụ yêu mến nhau. Tôi ở tuổi bắt đầu ý thức được tình cảm quý báu của gia đình. Ý nguyện của tôi là anh chị em tôi sẽ trở lại quây quần như thời đó!

Khi đến học lớp Tư trường Huỳnh Thị Ngà thì tôi gặp khó khăn với cô giáo Nam Kỳ với giọng đọc chính tả mới lạ. Tôi có đến mười lỗi trong bài “Lạc vào rừng” vì tôi không hiểu gì cả. Các bạn chế nhạo accent Bắc kỳ và gọi tôi “Bắc kỳ ăn rau muống”. Đó là bài học đầu tiên của tôi về kỳ thị địa phương dạy tôi sau này chống lại mọi thứ kỳ thị trên cõi đời này!



ĐỜI SỐNG TẠI SAIGON

Cùng lúc ấy, mẹ tôi mở tiệm phở và chả cá Thăng Long trên đường Trần Quang Khải, Tân Định, sau chuyển về tiệm chả cá Thăng Long trên đường Phan Thanh Giản. Sau này ngẫu nhiên quán cà phê nhạc Từ Dung của tôi mở năm 1978 cũng lại tọa lạc trên con đường Trần Quang Khải và người hầu bàn trưởng tại chả cá Thăng Long tên là anh Tư lại trở thành người pha cà phê chính của quán Từ Dung.

Tiệm chả cá Thăng Long do họa sĩ Nguyễn Gia Trí trang hoàng có một vẻ Á Đông trang nhã với những chiếc cột đỏ, những tấm bình phong và hình vẽ đặc biệt Việt Nam rất mỹ thuật. Một tấm tranh dân gian của Phạm Tăng treo dọc cả bức tường trong căn phòng riêng của quán. Bức tranh này sau tôi bị một tay văn sĩ hạng b, c gì đó lừa lấy mất!

Căn nhà mẹ tôi mua rộng lớn, một bên mở tiệm, còn một bên gồm năm phòng để gia đình tôi ở. Tiệm luôn đông khách tấp nập và các danh nhân, nghệ sĩ như Mặc Thu, Nguyễn Hoạt, bác Nhất Linh, Chu Tử thường xuyên đến ăn chả cá. Thế nhưng vấn đề tài chính không mấy khả quan vì mẹ tôi quá tốt bụng, luôn nuôi ăn ở và trả lương cho 6,7 người giúp việc nên tiền vào tuy khá nhưng ra cũng lắm. Mẹ tôi không bao giờ từ chối mở hầu bao giúp cho những người đến cầu cứu gia đình tôi!

Lúc đó chị Minh Thu, anh Tường Ánh lập gia đình nhưng lúc đầu anh Ánh vẫn ở chung với mẹ tôi. Các anh chị có gia đình riêng nên không còn gần gũi nhau như xưa. Tôi cảm thấy mẹ buồn nhưng không biết an ủi mẹ ra sao, chỉ biết rúc vào lòng mẹ. Khi anh Ánh và vợ dọn đi ở riêng trong một căn nhà mẹ mua cho anh, tôi được thừa hưởng căn phòng trống cạnh phòng anh Lân. Trước mặt hai căn phòng là một sân cement nhỏ trồng vài cây cảnh như cây trúc đào, cây mận sai trái vì tôi chôn xác con mèo dưới gốc cây.

Đằng sau phòng tôi là một cây trứng cá trái mọng nước và rất ngọt. Căn phòng này đã ghi một ấn tượng sâu đậm về thời thơ ấu của tôi sống êm đềm trong tay mẹ hiền. Có phòng riêng rồi nhưng tôi vẫn đòi ngủ với mẹ để được hít mùi da thịt của bà, thơm mùi nước hoa Guerlain và mùi phấn. Tôi cũng đòi mẹ ngâm thơ Kiều hoặc hát quan họ cho nghe như lúc còn bé tí. Cũng vì vậy mà tôi rất thuộc Kiều và những bài thơ ru em. Mẹ tôi yêu nhạc Đông phương nhưng cũng mê nhạc cổ điển Tây phương, nên khi mẹ mất, gia đình tôi mở nhạc Bach và Beethoven bên quan tài để hương hồn mẹ tôi về thưởng thức, thay vì giọng ê a của các vị sư hay kinh của các cha cố!

Sau này mẹ tôi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính nên phải bán đi một số nữ trang. Lúc đó là đầu thập niên 1960, quân đội Mỹ đổ sang Việt Nam nên mẹ tôi theo trào lưu cũng dẹp tiệm chả cá và cho Mỹ thuê một bên nhà để mở nhà hàng có âm nhạc tên là Kontiki. Đêm nào tôi cũng được nghe tiếng đàn hát vọng sang từ bên nhà hàng của ban nhạc Đăng Tiến, thỉnh thoảng tôi cũng sang hát chơi những bản như Autumn leaves, A very precious love, Mona Lisa....

Tôi khoảng 16 tuổi, tuổi đầy mộng đẹp và bắt đầu mơ đến tình yêu!

Mấy năm sau mẹ tôi bán căn nhà rộng lớn đường Phan Thanh Giản và mua căn nhà nhỏ hơn có ba phòng ngủ và một căn gác ở Ngã năm bình hòa đường Chu Văn An. Nhiều người ngăn cản bà mua căn nhà này vì nó nằm cuối ngõ cụt và có mộ phần đằng sau nhà nên theo địa lý rất xấu. Không biết có phải là mê tín không mà sau này mẹ tôi bị ung thư nặng và chết tại nhà đó, bà ngoại tôi cũng chết theo ở tuổi 98 vì quá đau đớn, mẹ tôi là con duy nhất của cụ, cậu tôi Như Phong Lê văn Tiến bị bắt giam cũng ở đó, gia đình vợ chồng tôi thì phân tán, chia ly. Năm Mậu Thân 1968 nơi này là tử địa của tàn quân Việt Cộng, sau khi VC thất bại trong trận tổng công kích Saigon đã rút lui về nơi đây. Ngôi nhà chúng tôi bị đạn bắn từ máy bay xuống lỗ chỗ đầy những vết đạn, cũng may là khi cả khu phố bốc cháy như một con rồng lửa thì bỗng dừng lại khi tới nhà chúng tôi. Thật là một phép lạ!

Tôi giúp mẹ, bà ngoại và hai mẹ con bác giúp việc chạy khỏi nhà, chân phải chạy lung tung tránh xác VC nằm đầy ngõ và tránh tầm đạn của hai bên bắn nhau. Một ông hỏi ông khác «ai đánh ai?», ông kia trả lời «quân mình đánh quân ta»!

Từ lúc đó mẹ tôi bị ung thư bên cánh tay trái và căn bệnh kéo dài tới năm 1975 thì mẹ tôi mất. Người y sĩ đã hết lòng chữa chạy cho mẹ là bác sĩ Trần Ngọc Ninh, một người bạn thân của gia đình. Hai bác sĩ khác của gia đình tôi là bác sĩ Phan Huy Quát và bác sĩ Kỳ Quan Thân.

Cánh tay xinh đẹp, nuột nà, trắng bóc của mẹ tôi chỉ để đeo những nữ trang qúy giá nay đã bị cắt đi đến hai lần, và sau cùng căn bệnh quái ác đã ăn vào tủy sống làm mẹ hôn mê trong 24 tiếng đồng hồ trước khi từ gĩa cõi đời. Trước khi bị hôn mê, căn bệnh ăn vào tủy làm bà thấy mọi vật nhuộm muôn màu muôn sắc.

Không có gì diễn tả nổi nỗi đau đớn của người mắc bệnh ung thư. Lầu 5 của viện ung thư ở Gia Định phải rào lại vì nhiều người trong cơn đau đã nhảy xuống tự vận. Trong khoảng cuối cùng của cuộc đời đầy hy sinh, chịu đựng, đau đớn, bà vẫn tiếp tục làm phước, giúp người. Bà bảo trợ cho một số người bị ung thư trong viện, trong số đó có một anh binh sĩ trẻ, đẹp trai như Alain Delon. Anh bị ung thư xương chân, chỉ trong vài tháng là từ trần. Mẹ tôi, lúc đó đã phải dùng tới codein cho bớt đau và bò lết dưới đất rên la, cũng vẫn lo cho anh trong những ngày chót của cuộc đời anh!

Tại sao một phụ nữ hiền hậu như mẹ tôi và có lòng thương người lại phải chịu một số phận đớn đau như vậy? Khi mẹ tôi chết đi, bà không bám víu vào một niềm tin tôn giáo nào cả vì bà không tìm thấy đức tin nơi cuối đời. Lúc gần chết, bà cảm thấy hoang mang...

Khi nhìn ngắm xác mẹ trong chiếc áo trắng tôi mặc cho bà và cành hoa lan trắng trước ngực bà, tôi mới ý thức được nỗi mất mát lớn lao đến thế nào. Đã quá muộn để chiều chuộng mẹ, để nói rằng mẹ ơi con yêu mẹ, để cám ơn bà cho tôi đời sống hôm nay và niềm tin ngày mai.

Có một con bướm trắng bay quanh quan tài của mẹ nhiều lần trước khi hạ huyệt, có phải chăng linh hồn mẹ muốn từ giã các con lần cuối?

Từ Dung xin thay mặt người quá cố cũng như các anh chị gửi lời cám ơn anh Sơn con của cô Thế đã lo việc rải tro xuống biển cho bà và mẹ chúng tôi tại Việt Nam để linh hồn bà và mẹ chúng tôi được siêu thoát và xin Chuá ban phước lành cho anh và gia đình anh.

Chấm hết
TỪ DUNG



        • __________________________________
          Lời giới thiệu về tác giả của bài tùy bút Mẹ Tôi :
          Nguyễn Từ Dung, sinh năm 1946 tại Hà Nội, con gái út của nhà văn Hoàng Đạo, là tác giả một số bài viết trên Diễn Đàn Thế Kỷ.
          Nguyễn Từ Dung tốt nghiệp Văn Khoa năm 1970 với bằng cử nhân Anh Văn và Đại Học Sư Phạm Cấp Tốc Anh Văn tại Sài Gòn.
          Ngoài ra, Nguyễn Từ Dung còn được nhiều người biết đến qua tiếng hát của nữ ca sĩ Từ Dung ở Quán Văn trong khuôn viên của Đại Học Văn Khoa Sài Gòn; vợ đầu của Nhạc sĩ Từ Công Phụng.
nguồn diendantheky.net
          
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5433
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Re: Tùy bút: Mẹ tôi

Bài viết bởi Bạch Vân »

          
cám ơn TT, mới vào đó đọc thêm 1 bài nữa " Cậu tôi " của cô Từ Dung :flwrhrts:
          
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Re: Tùy bút: Mẹ tôi

Bài viết bởi thiên thanh »

Bạch Vân đã viết:          
cám ơn TT, mới vào đó đọc thêm 1 bài nữa " Cậu tôi " của cô Từ Dung :flwrhrts:
          
để em đi tìm rồi mang về :lo5:
merci anh chủ nhà dể thương luôn trang trí lại bài vở của em thêm đẹp :applaud: :thanks2:

          
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Từ Dung - Tùy bút

Bài viết bởi thiên thanh »

          


          
C ậ u  t ô i
___________________________________________________________________
Từ Dung



Hình ảnh
Ông Như Phong Lê Văn Tiến tại Little Saigon năm 1997
CẬU NHƯ PHONG LÊ VĂN TIẾN LÀ AI?
CON NGƯỜI –CÁ TÍNH


Thật ra, Như Phong Lê văn Tiến là nhân vật như thế nào?

Từ một người quen biết sơ giao, từ một người bạn thân tình, từ một người cùng hay không cùng chí hướng, tất cả đều nhìn ngắm con người cậu tôi dưới những khía cạnh, những quan điểm khác biệt, để rồi dẫn đến những kết luận, ý kiến có tính cách cá nhân, cũng giống như nhiều anh mù được dẫn đến sờ nắm những bộ phận khác nhau của một con voi, anh thì cho con voi là cái quạt, cái cột đình... vân vân...

Nhưng, có một điểm chung, dù là người Việt Nam hay ngoại quốc, dù là bạn hay thù, ai cũng phải kính nể cậu tôi, cũng tìm đến, ngồi xuống bên cậu để được lắng nghe những lời bình luận sắc bén, những lời khuyên bảo thẳng thắn chân thành của cậu.

Một nhà ái quốc chân chính? Không ai có thể phủ nhận điều đó. Cả tuổi trẻ, cả cuộc đời của cậu, cậu đã cống hiến cho tình yêu thương tổ quốc, dân tộc, không màng danh lợi cho chính bản thân mình. Cả tới hạnh phúc riêng tư, cậu tôi cũng gạt bỏ qua một bên để sống trọn vẹn cho lý tưởng của cậu.

Một nhà cách mạng lão thành? Nếu thế thì những tư tưởng mới mẻ cải tiến về chính trị xã hội có tính cách đi trước tương lai cuả cậu có đủ sức thuyết phục được những đầu óc bảo thủ chỉ lo thủ lợi cho cá nhân? Ở phương diện này, quả cậu tôi đã vấp phải nhiều trở lực khó khăn. Cuộc đời tù tội liên miên của cậu là bằng chứng hùng hồn của sự thất bại này trong đời cậu. Nhưng trong sự thất bại có thành công, thành công ở chỗ thông điệp của cậu có thể được truyền bá cho thế hệ mai sau, cũng như mỗi người chúng ta có trách nhiệm chuyển giao thông điệp của cậu, một khi thấm nhuần được tư tưởng sâu sắc ấy!

Một chính trị gia lỗi lạc? Nhưng mà cậu chính là người nói với tôi: «Cậu không làm chính trị, cậu không thích danh từ đó cũng như những biện luận để bảo vệ cho danh từ đó. Cậu, cũng như ba em(lối xưng hô của cậu đối với tôi vì cậu dạy tôi học từ nhỏ) chỉ có một chí hướng là làm việc hết sức mình để đem lại hạnh phúc cho đồng bào, góp phần dù nhỏ bé thế mấy cho công cuộc xây dựng đất nước».

Đúng thế, thần tượng của cậu về mọi phương diện của cuộc đời cậu là ba tôi, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long. Có những lúc tôi nhìn thấy đôi mắt của cậu chiếu lên những tia sáng rực rỡ như ánh lửa trong đêm mới hiểu được ảnh hưởng sâu đậm của ba tôi với cậu và những người cùng thế hệ cậu...

Một nhà văn, một nhà báo có tài, có nhiệt tình với nghề cầm bút? Những bút tích do cậu tôi để lại là chứng minh hùng hậu cho lập luận đó!

Hình ảnh
Tác giả (lên 6) với cậu Tiến tại Hồ Gươm trước khi di cư vào Nam năm 1954
Một người bạn tốt, chân thành, đáng tin cậy? Có thể gọi là tuyệt đối như thế! Những người bạn thân thiết, đồng nghiệp như ông Đinh Trịnh Chính, Nguyễn Ngọc Linh, Nghiêm Xuân Hàm, P.G.Honey hoặc cộng sự nhỏ tuổi hơn cậu như ông Trần Như Tráng, Tạ văn Tài, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Mạnh Hùng, Phan Lâm Hương... đều ngưỡng mộ cậu, ở một khía cạnh hay nhiều khía cạnh khác nhau. Đêm nào, ở căn nhà chúng tôi trên đường Phan Thanh Giản, cũng có ít nhất năm hay mười nhân sĩ, nhỏ tuổi có, lớn tuổi có, ngồi quây quần quanh cậu để bàn luận chuyện quốc sự, quốc tế cho đến ít nhất là 12 giờ đêm, rồi mới luyến tiếc ra về.

Về cá tính con người cậu? Cậu là một người thẳng thắn, cương trực, đầy nhiệt huyết, nóng tính đôi lúc đi đến cực đoan nếu phải bảo vệ lập trường. Có lúc cậu thích diễu cợt khôi hài, lối châm biếm của cậu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, tưởng thế mà không phải thế. Nhiều khi người bị đùa giỡn phải về đến nhà mới hiểu được ý nghiã thâm thúy của câu nói đùa và mới cảm thấy đau. Mặc dù cậu tự cho mình là Khổng Minh Gia Cát Lượng mềm dẻo khôn khéo, thật ra, tính cương trực của cậu đôi khi dẫn đến tính cách cực đoan, do đó lời tiên tri của cậu dễ đụng chạm và bị phản kháng bởi xã hội.


MỐI LIÊN HỆ của CẬU NHƯ PHONG với GIA ĐÌNH NGUYỄN TƯỜNG

Có phải cậu là một người cậu thương cháu, biết lo lắng cho gia đình, giúp đỡ bà chị tần tảo nuôi các cháu lớn khôn? Không ai bằng cậu tôi. «Cậu giáo bê bê», đó là danh từ chính tôi đặt cho cậu lúc tôi 7 tuổi, vì cậu đã dạy tôi học phụ thêm tại nhà từ những ngày tôi mới cắp sách đến trường, với những vần mẫu tự a,b,c...

Lọt lòng mẹ không có may mắn được có cha bên cạnh vì ba tôi đã đi sang Trung Hoa hoạt động cách mạng cùng các bác, các chú, tôi được bù đắp bằng tình thương của mẹ, của bà ngoại, của cậu tôi và các anh các chị. Cậu là bàn tay đầu tiên đã bế ẵm tôi khi tôi mới chào đời, là người đầu tiên được tôi «tưới hoa rửa tội». Cậu cũng đã thay thế ba tôi để hướng dẫn tôi từ những bước đi chập chững thời thơ ấu cho đến lúc lớn khôn. Dù tên cúng cơm Từ Dung do ba tôi viết thơ gửi về cho tôi, nhưng công nuôi dưỡng cho đến thành nhân một phần lớn là nhờ công sức của cậu. Ba tôi mất vì bệnh tim trên chiếc xe lửa về Quảng Châu sau khi gặp gỡ mẹ tôi vào năm 1948, lúc đó tôi được 19 tháng và chưa một lần được nhìn mặt bố.

Tôi không được biết sự kiện nào đã đưa đẩy cậu Tiến đến với gia đình Nguyễn Tường, chỉ qua lời thuật lại của cậu, là cậu bất mãn với hoàn cảnh gia đình và người vợ hai của bố nên đã bỏ nhà ra đi, mang theo cơn bệnh phổi ngặt nghèo. Lúc đó vào khoảng 1945, cậu cũng có một người em tên là cậu Nguyễn Ngọc Ấn, thỉnh thoảng có đến thăm cậu và cũng là người ở gần cậu lúc cậu hấp hối.

Từ lúc ba tôi mang cậu về, ba mẹ tôi đã cưu mang cậu dưới mái ấm gia đình của chúng tôi. Cũng nhờ lòng thương người của bà ngoại tôi, vì ba tôi và sự săn sóc chu đáo của ba mẹ tôi, bệnh tình cậu đã hồi phục. Kể từ đó, cậu trở thành một thành phần trong gia đình tôi, sự có mặt của cậu không thể thiếu vắng được nữa!

Cùng với bà cô tôi, bà Cả, và mẹ tôi, cậu tôi đã thay mặt ba phụng dưỡng bà ngoại tôi trong thời gian ba đi họat động cách mạng bên Trung Hoa. Cậu gọi bà ngoại tôi là mẹ nuôi của cậu. Ông ngoại tôi làm tham tá thời Pháp thuộc nên người ta gọi bà ngoại là cụ Tham Bình.

Song song với sự gia nhập vào gia đình tôi, cậu cũng được ba tôi hướng dẫn về tinh thần, hun đúc ngọn lửa nhiệt tình với dân tộc đã cháy sẵn trong tâm hồn cậu. Cậu tôi bước vào sự nghiệp báo chí cũng do sự hướng đạo của ba tôi. Lý tưởng của cậu là dùng những phương tiện truyền thông để phổ biến trong dân chúng những tin tức quốc nội, quốc ngoại cũng như thẳng thắn phê bình và sửa đổi những trật tự xã hội sai lầm mang lại sự đau khổ cho dân chúng. Khi tôi bước vào ngành nghệ thuật ca hát song song với nghề dạy học, cậu tôi bảo rằng: «Con đã chọn lầm nghề rồi, nghề của con phải phục vụ cho quần chúng bằng media mới đúng».


THỜI KỲ DI CƯ VÀO NAM

Ba tôi, Hoàng Đạo, mất vào năm 1948 lúc tôi được 18 tháng. Thời gian này, để an ủi gia đình tôi, cậu Tiến đã có mặt thường xuyên bên cạnh mẹ nuôi (bà ngoại tôi, tức cụ Tham Bình), chị và các cháu để nâng đỡ tinh thần. Không biết chúng tôi sẽ ra sao nếu không có cậu lúc ấy.

Không ai trong gia đình vào thời điểm ấy không nghĩ về cậu như cậu ruột. Trước năm 1954, cậu đã nhìn trước sự việc và thuyết phục mẹ và bà tôi chuẩn bị di cư vào Nam. Bà tôi sợ sự thay đổi và còn luyến tiếc mấy căn nhà ở Hà Nội khó thanh toán, nhưng sau cùng cũng xiêu lòng.Thế là, mùa Xuân năm 1954, chúng tôi vội vã ra đi, nước mắt rưng rưng nhìn ngoái lại căn nhà quét vôi trắng số 18 bis Lý Thái Tổ, nhìn lại cây bàng lá xum xuê đỏ trong khuôn sân nhỏ, nhìn lại lão bộc trung thành tên Lui, nhìn lại căn phố quen thuộc đầy kỷ niệm thuở ấu thời. Lúc đó tôi mới được 7 tuổi, vẫn còn là em bé bêbê của cậu giáo.

Vào đến Nam, mẹ tôi phải trở lại Hà Nội để thu xếp vội vã mấy căn nhà. Cậu tôi lãnh nhiệm vụ trông nom bà ngoại và chúng tôi. Lúc đó gia đình tôi rất lo lắng mẹ tôi sẽ kẹt lại miền Bắc vì cửa ngõ phân chia hai miền sắp bắt đầu đóng. Nhưng mẹ tôi trở về kịp lúc. Bà mua một căn nhà rất rộng ở mặt tiền đường Phan Thanh Giản (bây giờ là Điện Biên Phủ) số nhà 20. Sau này mẹ tôi mở tiệm Chả Cá Thăng Long, rất được khách hàng ưa chuộng thời bấy giờ. Thời gian sau, bà cho thuê mở bar restaurant tên Kontiki.


VAI TRÒ của CẬU TIẾN trong GIA ĐÌNH TÔI

Tôi có hai người anh và một người chị. Chị lớn tên là Nguyễn Minh Thu, người anh thứ hai là Nguyễn Tường Ánh, anh thứ ba là Nguyễn Lân. Tôi là con út, nên ai cũng thương yêu chiều chuộng, nhất là mẹ tôi và cậu tôi. Nhưng cậu cũng rất nghiêm khắc khi phải uốn nắn dạy dỗ tôi về mọi mặt. Cậu luôn luôn nhắc nhở tôi về chí khí, lý tưởng của ba tôi và dòng họ Nguyễn Tường.

Tôi vốn thích thơ văn từ thuở 7, 8 tuổi. Tôi thuộc lòng nhiều đoạn trong thơ Kiều, còn cố gắng làm trường thi ca bắt chước các bậc tiền bối. Tôi trót thương thầm một chàng hàng xóm cùng tuổi hay chơi đánh bi nhà bên cạnh và làm một bài thơ như sau cho chàng:

Nhưng cũng không ai biết mối tình
Lặng thầm giữa đôi lứa thư sinh
Vì họ cũng không hề hé miệng
Tỏ cho nhau biết nỗi lòng mình


Bài thơ này làm tôi ăn đòn của cậu Tiến và vì cậu đã mất nên sau này không ai tin tôi đã làm thơ tình từ 7 tuổi!

Đi chơi với bạn về trễ 15 phút, đôi khi cũng ăn bạt tai!

Khi tôi lớn lên và tiếp tục làm thơ tình, cậu chỉ lắc đầu và nói:«Hỏng, hỏng thật»!

Trong gia đình tôi, cậu Tiến giữ địa vị của một người con, người em, người cậu thay mặt cho người cha quá cố để giúp đỡ chị nuôi dưỡng các cháu còn thơ dại. Cho đến nay, chị em chúng tôi đều khôn lớn, cũng là nhờ công của cậu rất nhiều và tôi nghĩ chúng tôi không thể nào phủ nhận công ơn ấy. Chị Minh Thu tôi là người lớn nhất trong bốn chị em, cũng góp phần giúp mẹ dạy dỗ các em mồ côi bố từ lúc còn bé bỏng.

Trong thời gian đó, cậu được nhiều nhóm khác nhau mời tham dự các tổ chức như Hội Đồng Nhân Sĩ, một ghế bộ trưởng trong chính phủ Phan Huy Quát, nhưng cậu chỉ thích đứng ngoài đóng góp ý kiến, làm quân sư quạt mo, như một thời gian cậu cũng giúp tướng Kỳ. Niềm đam mê của cậu là tờ báo Tự Do cũng như hoàn thành trường thiên tiểu thuyết «Khói sóng» mà cậu còn viết dang dở cùng thời gian với tiểu thuyết« Tị Bái» của nhà văn Nguyễn Hoạt. Cậu cũng giữ mục điểm tin ngoài Bắc với bút hiệu Cô Thần, nên một số người gọi cậu là chuyên viên về Cộng Sản Bắc Việt nhưng cậu phủ nhận danh hiệu này. Cậu thường nói cùng tôi: «Nhược điểm của cậu là chuyện tình cảm nam nữ, cậu viết chuyện đó dở vì không có nhiều kinh nghiệm thực tế, truyện cậu thiên về biện luận hay phê bình thì có chất lượng hơn».

Quả thực là đời sống tình cảm cậu nghèo nàn ít ỏi. Theo tôi biết có một cô Thu nào đó rất thương cậu nhưng không thành. Cậu chỉ miệt mài làm việc với đống sách vở cao tận trần nhà, hoặc họp mặt cùng bè bạn bàn chuyện quốc sự, hoặc đi nước ngoài dự hội nghị.

Về phần gia đình tôi, lúc đó mẹ tôi «gà mái nuôi con» cùng bà mẹ già nên rất khó khăn. Tuy có một số vốn do bán đổ bán tháo mấy ngôi nhà ngoài Hà Nội, nhưng vì tính tình bà rộng rãi và hay thương người giúp đỡ, chia sẻ những gì bà có nên mẹ tôi không giàu được. Cậu tôi cũng cố gắng giúp gia đình trong khả năng của cậu.

Có những dư luận đồn đại không hay về sự liên hệ giữa mẹ tôi và cậu Tiến, bắt nguồn từ sự ganh ghét của người ngoài họ hoặc trong họ. Những dư luận này bóp méo và bôi nhọ tình cảm trong sạch và đẹp đẽ mà người tầm thường không hiểu nổi. Gia đình tôi rất phẫn nộ vì những dư luận xấu xa đê tiện đó!
Hình ảnh
Tác giả và cậu Tiến.
SỰ CHUYỂN MÌNH của THỜI ĐẠI

Thời gian ở Saigon dưới chế độ của ông Ngô Đình Diệm êm đềm trôi. Nếp sống của người dân trong lúc đó tương đối đầy đủ và no ấm. Năm 1960, nhờ cậu Tiến nói giúp, tôi được mẹ cho tháp tùng sang Nhật Bản, Hồng Kông và Thái Lan chơi. Ở Thái Lan, chúng tôi cư ngụ tại nhà ông Đại Sứ Việt Nam tại Thái Lan là ông Đinh Trịnh Chính. Bà Chính rủ chúng tôi trở lại Hồng Kông cùng bà nhưng chúng tôi từ chối để trở về Việt Nam. Tin như sét đánh ngang tai, trong chuyến bay đi Hồng Kông, chiếc máy bay đã rớt xuống biển và bà Chính đã bỏ mình cùng với tất cả hành khách trong chuyến bay định mệnh ấy.

Năm 1963 cậu Tiến bị bắt giam vì tờ báo Tự Do có những lời lẽ chống chế độ. Mẹ tôi và tôi đi từ nơi này sang nơi khác, từ An Ninh Quân Đội sang Tổng Nha Cảnh Sát để thăm nuôi cậu. Thời gian này, ông P.G.Honey, một ký giả nổi tiếng từ Anh quốc thường xuyên lui tới hỏi thăm sức khoẻ cậu. Nhà văn Chu Tử cũng bị bắn thủng họng trong thời gian này, chúng tôi cũng lui tới thăm ông vì con gái ông là Chu Vỵ Thủy là bạn thân tôi.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ám sát, cậu tôi được thả về và tiếp tục hoạt động. Mẹ tôi bán căn nhà ở đường Phan Thanh Giản, mua một căn nhà nhỏ ở Chu Văn An, Ngã Năm Bình Hòa.

Năm 1963 đến 1968 là thời gian cậu tôi lại miệt mài làm việc, gặp gỡ rất nhiều nhân vật quan trọng trong chính trường. Cậu tôi thường xuyên nhắc đến Nguyễn Chánh Thi và sau là Nguyễn Cao Kỳ. Dù thời gian đầu, cậu tìm được đôi chút phấn khởi khi làm việc với ông Kỳ nhưng về sau, tôi thấy rõ ràng là cậu đã bị thất vọng có lẽ những lời khuyên của cậu không đủ sức thuyết phục đường lối làm việc của tướng Kỳ và những người cộng sự của ông.

Năm 1968: Saigon vùi dập dưới «Khói sóng» của tết Mậu Thân. Cả gia đình chúng tôi phải di tản tạm thời sang một căn nhà ba tầng ở đường Nguyễn Thiện Thuật vì căn nhà ở Ngã Năm Bình Hòa đã bị bắn nát cả mái ngói và lửa cháy đen sạm.

Năm 1969: tôi lập gia đình và sanh con gái đầu lòng tên Từ Công Ý Uyên. Cậu Tiến tôi rất yêu qúy cô bé này. Những năm trong tù Cộng Sản, tấm hình của bé Uyên luôn luôn được ông nhìn ngắm mỗi ngày, tấm hình giúp ông sức mạnh tinh thần từ mái ấm gia đình để duy trì tinh thần bất khuất dưới áp lực của gông cùm Cộng sản.

Thời gian này, tôi tức là Nguyễn Từ Dung, tên thật do ba tôi đặt cho từ lúc ông ở Trung Hoa, tham gia những chương trình hát cho sinh viên từ các trường đại học, những buổi đại nhạc hội, những hộp đêm như Ritz, Lê Lai, Quán Tre, Khánh Ly... những chương trình truyền hình như Văn Phụng, Phạm Mạnh Cương...

Cậu tôi lắc đầu: «Con đi lạc đường rồi, nghiệp của con là viết văn, viết báo, là phục vụ cho media».

Tôi có nhà riêng nên chỉ lui về nhà mẹ mỗi ngày để thăm hỏi nên ít có dịp gần gũi chuyện trò với cậu như trước. Mãi cho đến 1975, tôi bán căn nhà riêng về ở với mẹ để trông nom bà vì bà đã bị ung thư nặng và cưa đi một cánh tay, tôi mới lại được chia xẻ cùng một mái nhà với cậu tôi. Sau đây là một đoạn chuyện trích từ tập truyện «Hồi Tưởng» của Từ Dung viết cùng với giáo sư Trần Hoài Bắc:


ĐÊM KINH HOÀNG vào THÁNG TƯ NĂM 1976 (trích trong tập truyện Hồi Tưởng)

«Tại ngôi nhà nhỏ với một vườn lan đơn sơ phía trước trong ngõ hẻm Chu Văn An của xóm Ngã Năm Bình Hòa, người ta thấy một ông trung niên tóc ngả bạc, vận một bộ đồ bà ba vải đen, đi đi lại lại chăm sóc những chậu lan Tiên Hài, Catlaya rực rỡ.

Dân trong xóm cũng mang máng biết rằng trước năm 1975, ông Ba Tốc là một nhân vật quan trọng. Mặc dù không ai biết chính xác ông làm chức vụ gì trong chính quyền, ngoài nghề viết văn làm báo. Bây giờ chỉ thấy ông sống một cách lặng lẽ, mộc mạc, với vườn lan của ông. Nụ cười thân thiện, phúc hậu luôn nở trên khuôn mặt quắc thước. Có ai nhìn kỹ thì mới thấy sau cặp kính trắng, đôi mắt hiền hậu đôi khi sáng quắc lên như ngọn đuốc bùng lên trong đêm.

Trước đó, ông Ba Tốc đã giục giã con cháu ra đi bằng bất cứ cách nào, tìm đường trốn chạy khỏi ách Cộng Sản. Ông đã gửi con trai trưởng của Nguyễn Tường Ánh tên là Nguyễn Tường Kiên đi cùng với em ruột ông là cậu Nguyễn Ngọc Ấn. Nhưng bản thân ông, ông phải ở lại vì những lý do đặc biệt sau đây:
Thứ nhất: Ông chọn lựa đối mặt thực sự với «Cộng sản», đối tượng mà ông đã dày công sưu tầm tài liệu, nghiên cứu các dữ kiện để đưa lên mặt báo. Người ta gọi ông là «chuyên viên về Cộng sản Bắc Việt» với bút hiệu Cô Thần, thì hiện tại, giờ phút này, chính là một dịp may để ông sống thực sự trong thể chế Cộng sản, làm một nhân chứng cụ thể cho những biến cố của xã hội chủ nghĩa. Đó là một thử thách mà một nhân vật tầm cỡ như ông Ba không thể bỏ qua. Đó cũng là nỗi ám ảnh về ý thức hệ, về nhân sinh quan của những người cầm bút. Văn hào Soljenitsin của Liên Xô sau khi thoát khỏi ách Cộng sản Nga đã tuyên bố rằng đời sống hiện tại của ông ở xã hội tự do quá đầy đủ, ông không còn thấy hứng thú để viết, để sáng tác những tuyệt tác như hồi còn ở bên Nga Xô!

Lý do thứ hai là chị nuôi của ông, bà Nguyễn Tường Long đã trở bệnh ung thư ngặt nghèo, cánh tay trái của bà đã bị cưa đi hai lần để tránh sự lan rộng của tế bào ung thư. Bà được chữa chạy trong 9 năm trời với sự điều trị tận tâm của bác sĩ Trần Ngọc Ninh, nhưng căn bệnh quái ác cứ lan dần như cục u nơi cánh tay bà cứ mọc rễ lan dần ra. Trong những cơn đau đớn quằn quại của cơn bệnh, phải có mặt người thân để săn sóc bà.

Trở lại chuyện ông Ba, dĩ nhiên, ông không thể ngây thơ đến độ không biết rằng, Cộng sản đã và đang theo dõi, rình rập những nhân sĩ, những nhà văn nhà báo, những nhân vật có liên hệ đến chế độ trước mà chưa nằm trong trại cải tạo của họ. Sau vụ kiểm tra văn hóa tại Saigon năm 1975, ông đã đốt sạch nhiều tài liệu sưu tập từ bao năm, báo chí hình ảnh, sách vở với những giá trị lịch sử vô cùng quý báu. Nhưng ông vẫn giữ lại được một số, trong số đó, có một tấm hình bác Hồ đứng ngạo nghễ trên đống xương người ngổn ngang.»

«Màn đêm đã buông xuống trên xóm nghèo Ngã Năm Bình Hòa. Tất cả đã chìm trong yên lặng, một sự im lặng dày đặc và đen tối. Không gian ngột ngạt khó thở. Ông Ba đang thiu thiu bỗng giật mình, tim ông bỗng nhói đau. Một tiếng xe thắng rít lên, rồi tiếng người lao xao trước ngõ. Ông Ba biết chuyện gì phải đến đang đến, trong tận cùng sâu thẳm của tâm tư ông, ông vẫn chờ đợi ngày hôm nay trong sự chối từ ý thức.

Hơn ba mươi người vũ trang súng ống đầy đủ ập vào khi cửa mở ra. Với bộ mặt nghiêm trọng, họ đọc án lệnh rất dài, buộc ông tội phản động, phản cách mạng. Khi xưa, khi đọc cuốn Quần Đảo Gulag của Soljenitsin, ông đã mường tượng cảnh đọc án lệnh y như cảnh đang diễn ra cho ông bây giờ. Lịch sử lại tái diễn ở đây, dù ở thời gian nào, không gian nào, cũng không khác biệt là mấy!

Trong giây phút đó, lòng cảm xúc của ông lên đến tột độ. Ông đã sống như một nhân vật lịch sử kể từ giờ phút này. Ông không nghĩ tới những gì xảy ra cho ông những ngày giờ kế tiếp. Trái tim ông phập phồng, mắt ông dướm lệ. Sợ ư? Không phải sợ hãi đâu!

Cháu rể ông lúc bấy giờ mặt tái xanh vì vừa hoàn thành một lá thơ có tính cách phê phán chế độ nhưng chưa kịp gửi đi nước ngoài để ở trên bàn. Nếu bọn người này lùng xét nhà, ông mong rằng ông là người duy nhất bị buộc tội. Tội ông đã nặng ngàn cân, thêm một tội nữa cũng thế thôi. Ông kịp thấy, khi họ lui cui còng tay ông, đứa cháu gái của ông vừa mếu máo hỏi han người cầm đầu trong bọn,vừa hất lá thơ phản động xuống đất rồi lấy chân đá tận vào trong gầm bàn để cứu chồng!

Những ngày sau khi ông Ba bị bắt, cháu gái của ông tên Dung cũng bị mời lên nhiều lần tại trại giam Phan Đăng Lưu, Bà Chiểu, nơi họ giam giữ ông. Khi tới nơi, họ cho Dung vào trong một căn phòng trơ trụi, chỉ có một cái bàn và hai cái ghế gỗ đơn sơ. Chị phải đối diện với một cán bộ miền Bắc có nhiệm vụ thẩm tra chị. Anh chàng này cỡ ngoài bốn mươi, mặt lạnh như tiền nhưng thỉnh thoảng mỉm một nụ cười giả tạo để thay đổi không khí vốn căng thẳng và gượng ép.

Đây là một cuộc đấu trí ba mặt, vì những lời khai của chị về ông Ba phải phù hợp với lời khai của chính ông để cho «họ» thỏa mãn. Chị phải có một trí nhớ trên mức bình thường, vì không phải chỉ khai báo một lần mà cả chục lần, tất cả mọi lần khai phải đồng nhất. Nếu có một điểm khác biệt là anh cán bộ sẽ lôi ra hỏi đi, hỏi lại. Điều đáng kể là anh cán bộ kia, rõ ràng là rất có trình độ, và tuy anh là một người lạ mặt lần đầu tiên chị gặp, anh ta dường như ăn ở trong gia đình nhà chị, anh biết rõ từng chi tiết, từng biến cố xảy ra cho nhà chị vào năm nào, tháng nào, ngày nào, từng nhân vật trong nước và ngoài nước đã đến nhà chị tìm gặp ông cậu của chị. Chị cũng biết, lời khai của chị dù nói hay viết, họ muốn dùng để đưa đến kết luận để buộc tội ông Ba đã và đang làm việc cho CIA!

Đầu óc chị Dung lúc đó làm việc ráo riết, chị không muốn lọt ra một sơ hở nào để họ có bằng chứng buộc tội ông Ba, nhưng cũng không muốn họ cho là mình khai báo không thành thực, sẽ có hại cho ông Ba nhiều hơn nữa. Nước mắt chị đã ráo hoảnh sau ba thảm kịch xảy ra liên tiếp: Cái chết đau đớn của mẹ chị vì bịnh ung thư tháng Mười năm 1975, cái chết thảm thương của bà ngoại lúc 98 tuổi ngay một tháng sau đó vì mất đi người con duy nhất, và sau cùng, vụ bắt giam người cậu thân yêu....».


NHỮNG NGÀY THÁNG THĂM NUÔI CẬU 1976-1988

Từ Phan Đăng Lưu, rồi chuyển sang Chí Hoà, những năm tháng thăm nuôi cậu Tiến cứ kéo dài đăng đẳng như bất tận. Tôi mòn mỏi chờ ngóng, tự lừa mình bằng những nguồn tin vu vơ không căn cứ để trông mong ngày cậu trở về. Gần như lần nào xách giỏ đi thăm cũng gặp gỡ chị Đoàn Viết Hoạt. Chị lại có dịp tặc lưỡi nhìn tôi: «Cứ thế này mãi, biết bao giờ mới có lần xum họp hở cô?»!

Chúng tôi, những người đi thăm nuôi, xúc động nghẹn ngào, tim phập phồng trong lồng ngực căng thẳng. Phút mong đợi đã đến. Kìa, những người tù cấm cố đã lần lượt xếp hàng đi ra trong bộ áo tù màu xanh xám. Những hình bóng gày gò xiêu vẹo, những khuôn mặt u buồn tuyệt vọng, những cặp mắt ngơ ngác, ảm đạm như chất chứa những thảm kịch không thể diễn tả bằng lời nói. Ngày nào mũ mão cân đai, anh hùng một cõi! Những mái đầu bạc, muối tiêu, đen cúi gầm lầm lũi bước, đôi lúc ngẩng lên ngu ngơ tìm kiếm bóng người nhà đến thăm nuôi.

Bỗng tôi giật mình, tim nhói đau! Giữa những hình hài vật vờ tang thương ấy, có một mái đầu hoa râm ngửng cao bất khuất, một dáng đi thẳng đứng hiên ngang, một cặp mắt sáng long lanh sau đôi kính trắng cũ kỹ đã gãy gọng chắp nối trong một khuôn mặt gày gò hốc hác nhưng vẫn có tính thuyết phục và đầy tin tưởng. Cậu Như Phong của chúng tôi, đúng cậu rồi!

Khi được tiếp chuyện, cậu dịu dàng dặn dò tôi những điều cần thiết, hỏi thăm các anh chị, con gái tôi, họ hàng, bảo tôi không được khóc dù dưới tình huống nào chăng nữa, cũng không được quyền cho phép mình yếu đuối, gục ngã:«Em phải luôn luôn nhớ rằng em là con nhà Nguyễn Tường».

«Em không lo, họ rất nể cậu, cậu vào thất 37 ngày, họ tưởng cậu nhịn ăn nên bẻ răng cậu đổ sữa vào miệng đây này». Cậu chỉ cho tôi xem những chiếc răng cửa khấp khểnh, rồi bắt tôi nói về bé Ý Uyên yêu quý của cậu.

Trong khi đó, gia đình tôi đã trải qua nhiều trận phong ba bão tố, vào sinh ra tử vì đi vượt biên hụt nhiều lần. Cháu Ý Uyên thành thạo đến nỗi nếu tôi bảo cháu đi ngủ sớm, nó hỏi «Mai vượt biên hở mẹ?» cứ như «Mai đi chợ hở mẹ?».

Mỗi lần chúng tôi thất bại ôm đầu máu trở về, cháu Uyên phải chạy vào nhà trước để xem có bóng dáng công an canh giữ nhà chưa.

Dù cho có đói khổ, thiếu hụt đến đâu, tôi vẫn đều đều thăm nuôi cậu. Cậu có để lại một số bột làm thuốc, tôi cố gắng bán đi để có tiền thăm nuôi cậu và dùng một phần kinh doanh trong quán Từ Dung để có tiền ăn cho gia đình. Dù không còn tiền chúng tôi vẫn kiếm cách vượt biên, nhưng đều thất bại. Lần thất bại cuối cùng, tôi đã mất nhà, mất cả gia đình, không có nơi ăn chốn ở, đi lang thang bụi đời nhưng vẫn chạy vạy chút đỉnh nhờ anh Tư tài xế cho me tôi trước kia đi thăm nuôi cậu. Anh Tư này là tài xế của me tôi trước, nay lại là đầu bếp chính pha cà phê cho quán nhạc Từ Dung ở đường Trần Quang Khải, Tân Định.


NĂM 1988: RA KHỎI TRẠI GIAM

Sau khi ra khỏi trại giam, tổng cộng là hơn 12 năm tù, cậu về ở nhà tôi, lúc ấy đã mất nhà, ở thuê trong một căn nhà bằng cây trên đường Bùi Hữu Nghĩa gần Cầu Sắt với cháu gái thứ hai của tôi tên Nguyễn Hải Âu. Cháu đầu lòng của tôi tên Ý Uyên đã cùng bố vượt biên sang định cư ở Oregon, Hoa Kỳ.

Hai cậu cháu và bé Hải Âu sống với sự thăm viếng thường xuyên của công an khu vực, công an phường của Ngã Năm Bình Hòa, vì hộ khẩu của hai cậu cháu vẫn ở Ngã Năm Bình Hòa, dù căn nhà đã về tay người khác.

Anh chàng công an khu vực lúc đó gốc người Nghệ An, rất thích đến uống bia với ông Ba Tốc và thường ngồi lì đến tối, mặc dù cậu tôi không uống được hơn hai hớp bia. Cậu rất kỵ uống rượu, nhưng hy sinh cho tôi, cậu bảo tôi chạy sang nhà bạn tránh mặt, để mình cậu đối phó với anh ta.

Cậu cũng phải thường xuyên đến công an phường để làm tờ khai báo những hoạt động hàng ngày. Cũng may lúc đó có sự có mặt của anh họ bên ngoại tôi là anh Lê Văn Vị, trước kia làm công an Hà Nội, sau này về hưu dạy tại trường Đại Học Công An, và anh rất qúy mến cậu Tiến.

Mặc dù ý thức hệ khác biệt, anh Vị rất thương gia đình họ hàng. Anh mời cậu Tiến đến ở nhà anh tại đường Đinh Công Tráng để bảo lãnh cho cậu về mặt pháp lý. Con dâu anh, cô Loan cũng hết lòng phụng dưỡng cậu. Tôi cũng yên lòng vì ở đây, cậu Tiến được «dù» che chở, gọi là tạm yên ổn một thời gian. Ai học được chữ ngờ, chính tại đây, cậu lại bị bắt lần thứ hai!

Thời gian này, cháu Hải Âu hay đến ở với ông để ông Tiến babysit, cả cháu Thơ Thơ, cháu Khôi con của chị Minh Thu cũng năng lui tới. Ở cùng đường có cô chú Cả Trác và con trai là Hiếu cùng con dâu tên Oanh cũng hàng ngày sang thăm viếng cậu.


TÔI LÊN ĐƯỜNG ĐI MỸ- CẬU TIẾN BỊ BẮT LẦN THỨ HAI

Tháng Tư năm 1990 tôi lên đường đi Hoa Kỳ. Cậu Tiến, chị Minh Thu và anh chị Vị đưa tôi ra sân bay. Còn đồng bạc cuối cùng nào trong túi, cả tiền Mỹ lẫn tiền Việt, tôi nhét hết vào tay cậu, dặn dò gần như cầu khẩn: «Em lạy cậu, cậu ơi, cậu đừng vào tù nữa nhé»!

Cậu cả cười: «Em cứ yên chí mà đi đi, cậu không sao đâu!»

Một đêm tháng Chạp năm 1990, tôi đang say giấc tại Hawaii thì tiếng điện thoại khô khốc reo lên kéo tôi ra khỏi giấc ngủ. Có tiếng anh Lân ở đầu giây bên kia: «Em biết chưa? Cậu Tiến bị bắt rồi!» Mấy ngày sau đó, chúng tôi cố chạy vạy cho đủ $1000 gửi về cho cô Tố Vân, bạn thân tôi, cùng với em Trần Đình Hiếu, con cô Cả để đi thăm nuôi cậu ở Phan Đăng Lưu.


ĐỜI SỐNG Ở HOA KỲ của CẬU NHƯ PHONG

Mơ ước của cậu khi sang tới bên Hoa Kỳ là trở lại quê hương để chiến đấu trong lòng quê hương, chiến đấu cho lý tưởng của ông là mang lại sự sống đầy đủ và ấm no cho dân chúng, dù ở thể chế nào. Nhưng cậu đã bị từ chối không được visa nhập cảnh, nên cậu nói:« Có lẽ cậu sẽ đi đường bộ về, lững thững rồi cũng tới». Tôi có nói lại với anh Vị về mơ ước của cậu, anh hứa sẽ kiếm cách giúp cậu toại nguyện, nhưng giấc mơ của cậu không thành vì thời gian không chiều người, tuổi tác cậu đã chất chồng với ngày tháng!

Tôi và bé Hải Âu, cả cháu gái lớn Ý Uyên lúc đó được hai mươi tuổi, sang Orange County thăm cậu ngay khi cậu đặt chân lên Hoa Kỳ. Có lúc cậu ở với cậu Ấn em cậu, rồi sang ở với anh Chiêu bạn cậu, sau cùng cậu ở một mình. Tôi đã nhiều lần cố thuyết phục cậu sang ở Hawaii để được phụng dưỡng cậu, nhưng cậu trả lời rằng ở Hawaii không có đủ đối tượng để cậu hoạt động nên chán lắm! Tôi buồn, nhưng thông cảm cậu. Ở tuổi 70 mà cậu còn hăng say làm việc như thế. Cậu đi diễn thuyết các nơi, cậu sang Anh, sang Pháp để sưu tầm tài liệu viết về lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, qua tập truyện «Như gió vào tù» mà cậu đang viết dở dang, tôi nhận thấy cậu bắt đầu có dấu hiệu lẫn lộn các nhân vật, như cũng nhân vật đó mà đầu truyện tên khác, cuối tập lại tên khác. Có lẽ cậu đã bắt bộ não làm việc quá tải ở tuổi xế chiều nên không còn sáng suốt như xưa? Tôi cũng thường xuyên điện thoại cằn nhằn cậu bớt hút thuốc đi vì cậu hút thuốc như đầu khói xe lửa! Thời gian sau đó cậu cho biết đã cai thuốc rồi.

Lúc bệnh cậu trở nặng, cậu vẫn cố tình dấu tôi, dặn các anh bạn đừng cho tôi hay, khi tôi biết được thì cặu đã yếu lắm. Tôi đã mua vé máy bay để sang Virginia nơi cậu cư ngụ lúc bấy giờ ngày 18 tháng Chạp, thì 19 cậu mất. Trong những ngày đó, tôi túc trực bên điện thoại và từng giờ từng phút, anh Chiêu và cậu Ấn em cậu cho tôi biết mọi diễn tiến về bệnh trạng của cậu. Anh Chiêu là người báo cho tôi biết lúc cậu từ trần.

Vào tháng 7 năm 1999, trước lúc cậu lìa đời, tôi và Hải Thụy (con ký giả Nguyễn Xuân Tòng) viết chung bản nhạc tên «Gió ngàn» để riêng tặng cậu Tiến. Tựa đề đó cũng là tên của ban nhạc Gió ngàn của chúng tôi ở Hawaii.

Qua điện thoại tôi đã hát tặng cậu bài đó để gửi gấm ý nghĩa của những lời tôi muốn nói với cậu:
«Gió đi về đâu, khi hồn cứ mãi lang thang trên xứ người».

Trong cuộc đời tôi, khi gặp những phút khó khăn nhất, chẳng hạn như một bài báo trên internet, rồi một lần phát ngôn bừa bãi bởi một ca sĩ hạng B tại miền Nam California, những lần đó tôi đã bị chúng bôi bác xuyên tạc bằng những lời lẽ hạ cấp vô căn cứ. Chắc chắn rằng có một bàn tay ném đá dấu tay vì thù hằn cá nhân hoặc ghen tị. Ở đời dù mình không làm gì hại ai vẫn có những lòng dạ ghen tị và thù oán thâm độc chuyên ngậm máu phun người. Những lúc như thế tôi vẫn thầm nhủ lời cậu khuyên bảo dặn dò: «Đường ta ta cứ đi, chó sủa mặc chó em ạ»!

Gió, cho dù mạnh mẽ như thế, nhưng gió đi về đâu, khi những dự tính cao quý chưa thành, khi những hoài bão không tìm được nơi để thực hiện? Gió, tuy ào ạt như thế, nhưng gió đi về đâu, khi một đời trôi nổi, chơi vơi trong niềm cô quạnh, trong số phận hẩm hiu lưu lạc gia đình.

Thực thế, mặc dù được sự ngưỡng mộ của người quen kẻ lạ, người trong và ngoài nước, cậu tôi vẫn một đời cô đơn, một đời đi tìm bến bờ không tưởng. Trên đây chỉ là những lời sơ lược về những quãng đường đời tôi được hân hạnh đi bên cậu Như Phong. Xin hẹn trong tương lai sẽ cung cấp qúy độc giả nhiều tình tiết thú vị hơn nữa.

Chấm hết.


* Tác giả Từ Dung là con út nhà văn Hoàng Đạo (chú thích của DĐTK)

nguồn diendantheky.net
          
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”