“Nhà Báo Nói” Huyền Vũ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

“Nhà Báo Nói” Huyền Vũ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    “Nhà Báo Nói” Huyền Vũ




    Ký giả Huyền Vũ (1914-2005)



    Ở miền Nam chúng ta ngày trước, người viết thể thao hay nhất là Thiệu Võ, còn "nhà báo nói" thể thao kiệt hiệt nhất là Huyền Vũ. Trong những kỳ đại hội bóng tròn thế giới hay Euro 4 năm một lần, thuyết mình viên bóng tròn danh tiếng được mời là Martin Tyler hay là Gary Bloom. Tôi không dám đưa ra một sự so sánh vì các ông M. Tyler và G. Bloom là nhà bình luận bóng tròn cho truyền hình tầm cỡ thế glới. Còn nhà báo nói Huuyền Vũ của chúng ta là thuyết mình viên bóng đá cho vô tuyến truyền thanh ở Việt Nam mà thôi. Nhưng các nhà bình luận kể trên chỉ trình làng giọng nói mà không có xuất hiện trên màn hình, nên tôi mới có một sự liên tưởng. Tất nhiên cái tiếng Anh hạn chế của một người di dân già là tôi chắc không thưởng thức được hết cái tinh túy của các nhà bình luận M. Tyler và G. Bloom nên đối với tôi, người tường thuật bóng đá ly kỳ nhất, linh động nhất, say mê nhất... chỉ nghe chuyện bóng đá trên radio mà vung chân muốn sút, chính là Huyền vũ.


    Không phải mình tôi nghĩ thế mà tôi chắc toàn thể miền Nam ai cũng nghĩ thế. Bóng đá là môn thể thao vua của miền Nam nên từ già đến trẻ, khắp chợ cùng quê đâu đâu cũng nghe tiếng Huyền Vũ. Anh nổi tiếng đến nỗi ban hài kịch Tùng Lâm đã phải nhái giọng Huyền Vũ trình bày một màn gay cấn. Còn dân nhậu miền lục tỉnh mỗi khi cụng ly, ngay cả bây giờ cũng vẫn luôn miệng hò la "Dzô, Dzô". Trăm phần trăm. Dzô... dzô.... Đó là âm hưởng sống động quen thuộc của Huyền Vũ ngày nào còn vọng lại. Ý thức hay vô thức người ta không quên Huyền Vũ. Huyền Vũ đã thực sự đi vào đời sống dân gian.

    Ngồi nghĩ lại, tôi thấy cái "ăn tiền" nhất nơi Huyền Vũ là giọng nói. Trời cho anh một giọng nói trầm ấm, rõ ràng và đặc biệt hấp dẫn. Những bài viết thể thao của anh thì thẳng thắn nhà nhận xét nó cũng bình thường thôi. Nhưng những lời bình thường ấy qua giọng nói Huyền Vũ nó lại trở nên vô cùng sinh động. Cứ nghe qua giọng nói Huyền Vũ cũng biết cục diện trận đấu lúc ấy nó thế nào. Nghe anh nói năng chậm chạp huỡn đãi là lúc ấy banh đang quanh quẩn ở giữa sân. Trái banh mà trôi đến vùng cấm địa đe dọa khuôn thành là giọng Huyền Vũ bỗng nhiên khẩn trương, cấp thiết hẳn lên, rõ ra cảnh dầu sôi lửa bỏng. "Banh từ Vinh lật cánh cho Thuận. Thuận xâm nhập vùng cấm địa, giật lại cho Ngôn. Ngôn qua 1, qua 2 hậu vệ, tới chấm phạt đền... dứt mạnh..." Giọng Huyền Vũ cứ mỗi lúc mổi nhanh lên, cao lên... đến "dứt mạnh" là đỉnh điểm. Nếu trái banh vào lưới là một loạt những "dzô, dzô..." rền rĩ và sướng thỏa. Nếu không vô thì câu "trái banh ra ngoài" đuốc Huyền Vũ nói trầm và thấp như vừa xuống 1 octave, đầy tiếc nhớ.

    Anh còn điểm rất hay là trí nhớ tốt. Cầu thủ ra sân anh thuộc nằm lòng. Cầu thủ trong nước quen tên nhớ mặt không nói làm gì nhưng cầu thủ nước ngoài vừa tới miền Nam anh cũng nhớ tên nhớ tuổi rõ ràng, đâu ra đấy. Nhiều người ở nhà nghe Huyền Vũ tường thuật đá banh, khi nghe thấy anh nhắc tên cầu thủ ngoại quốc nhuần nhuyễn như vậy mới phát ngôn rằng: "Ông ấy có nói sai thì cũng không làm sao mà biết. Có ở sân đâu mà phân biệt được". Nhưng mà tôi là đồng nghiệp của anh, ở gần anh khi anh hành nghề, tôi biết anh không nói sai. Tên cầu thủ nước ngoài, người Hoa, người Mã Lai, người Pháp, người Đức, người Thụy Điển... anh nói đâu trúng đó, không sai chạy mà cũng không vấp váp. Phải nói đây là một cái tài ít có. Do vậy nên vào khoảng thập niên 60, khi radio bán dẫn được nhập vào miền Nam tràn lan, dân ghiền bóng tròn đi xem thể thao ở sân Cộng Hòa, nhiều người còn đem theo một cái radio bỏ túi. Vừa xem đá banh bằng mắt, tai còn mắc "écouteur"nghe Huyền Vũ phê thuật bóng tròn. Ghiền bóng đá phải tai nghe, mắt thấy như vậy mới là "tới bến".

    Như đã nói ở trên, danh tiếng Huyền Vũ ở miền Nam vang dậy khắp nơi. Chỗ nào có radio bóng đá là chỗ đó có Huyền Vũ. Nhưng lũ ký giả thể thao chúng tôi lại không gọi anh là Huyền Vũ. Lúc đó ở miền Nam có hãng làm kem đánh răng Hynos có quảng cáo khắp nơi trên các đường phố lớn, trên báo chí, trên tivi hình ảnh một ông "Tây nâu" nhe răng cười trắng nhởn. Nụ cười rất sáng, rất đẹp. Anh Huyền Vũ y hệt ông "Tây nâu" đó nên chúng tôi gọi anh là anh Tư Hynos. Lúc đầu còn gọi lén sau rồi "chết tên" luôn. Anh nghe thấy chỉ cười. Lại càng thấy giống ông Tây Hynos...

    Tôi được biết anh từ lâu. Từ khi từ biệt nghề lội ruộng (1956) về Tổng Tham Mưu làm PIO (Public Information Officer: Sĩ quan thông tin báo chí). Lúc bấy giờ anh còn là Trung úy Nhung, phục vụ tại ban Thể dục, Thể thao (Phòng 3, TTM) dưới quyền Thiếu tá Cư, đệ tứ đẳng Thái cực đạo, cùng với Thiếu úy Phan Nhựt Sâm cựu vô địch xe đạp Đông Dương. Các anh là sĩ quan đồng hóa (officer assimilés) lo về thể dục thể thao, về cận chiến cho Quân đội. Sau rồi anh lo viết, lo nói bóng tròn nên anh mới từ dịch khỏi Quân đội và trở nên ông Huyền Vũ.

    Tôi có một kỷ niệm - Không, một câu chuyện vô cùng đáng tiếc mà chưa bao giờ tôi kịp nói nới anh. Năm ấy tháng 10 năm 1974, là năm tổ chức giải Quốc Khánh (lần cuối cùng). Như thường lệ miền Nam mời các quốc gia thân hữu đến tham dự. Có Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan... (không nhớ hết). Đội tuyển miền Nam lúc này tre già mà măng chưa lớn. Một lứa cầu thủ trẻ đang định hình. Về thủ môn, Phạm Văn Rạng đã nghỉ đá từ lâu. Lâm Hồng Châu đã treo giày. Đỗ Lễ cũng đã mất phong độ. Thủ môn mới của đội tuyển miền Nam là Quốc Bảo, nguyên giữ thành cho đội Hải Quân. Quốc Bảo chính là con trai của anh Huyền Vũ.

    Trận miền Nam gặp Thái Lan, khán đài dành cho nhà báo chật hơn thường lệ. Ngoài ông bà Thiệu Võ thường thấy, bữa nay có thêm một nữ khán giả trên khán đài. Vị nữ khán giả trông đường hoàng phúc hậu nhưng ăn vận theo kiểu chân quê, khăn rằn, áo bà ba, nhai trầu bỏm bẻm. Tôi đưa mắt nhìn đồng nghiệp ra ý hỏi ai? Anh bạn nghiêng đầu sang tôi mà nói khẻ: "Chị Tư Hynos". Bao nhiêu năm ra sân banh, bữa nay mới thấy bà Huyền Vũ. Bà Thiệu Võ với bà Huyền Vũ là hai thái cực; bà Thiệu Võ ăn diện điểm trang son phấn mượt mà. Bà Huyền Vũ thì giản đơn, chân chất. Tôi nghĩ bữa nay bà Huyền Vũ đến sân Cộng Hòa vì đây là lần đầu con trai bà Quốc Bảo được vinh dự đứng trong thủ môn đội tuyển. Hai ông bà muốn chia sẻ với nhau phút thành danh của đứa con trai vừa mới trưởng thành.

    Sân Cộng Hòa chật cứng khán giả, người ta muốn chứng kiến sự vượt trội của đội nhà vì Thái Lan xưa nay vẫn "dưới chân" đội tuyển miền Nam. Nhưng bữa nay không hiểu sao đội Thái Lan đá hay vượt bực. Thành trì đội miền Nam bị vây hãm tơi bời. Một sự dồn nén nào đó đã thấy hiện ra nơi khán giả với những tiếng ồn ào bất mãn khi thấy cầu thủ miền Nam đá vụng về tan nát. Một trái sút xa của Thái Lan từ 30m không có vẻ gì nguy hiểm. Trung vệ Cư không "cắt" để cho thủ môn Quốc Bảo bắt trái banh này. Nhưng không hiểu vì hốt hoảng trong một trận cầu quan trọng hay xúc động vì có những cặp mắt của những người thân yêu nhất đời anh đang theo dõi nên Quốc Bảo bắt "ói" trái banh này. Tiền đạo Thái Lan tràn đến, trung vệ Cư phải tackle hết mình mới đưa được trái banh ra khỏi đường biên cuối sân chịu phạt góc. Khi trái banh sắp được câu vào trong cái yên lặng nặng nề của một cầu trường đang ẩn ức, Quốc Bảo bỗng trở thành đối tượng cho sự bất bình của khán giả. Một lời phê bình nặng nề đâu đó vang lên nơi khán đài bình dân: "Quốc Bảo về đi". Ngay sau đó vài tiếng chửi thề đột ngột văng theo... "ĐM thằng Quốc Bảo". Đó là phản ứng thường thấy nơi đám đông, độc ác một cách vô tình, a dua một cách vô ý thức. Tôi nhìn lên anh Huyền Vũ, anh là người quen thuộc với đám đông nên vẫn thấy anh bình tĩnh theo dõi trận đấu. Nhưng khi nhìn đến chị Huyền Vũ thì tôi thấy chị gục đầu xuống, chiếc khăn bông che lấy mặt. Hình như chị không dám nhìn ai.

    Lần dầu tiên đến sân vận động định chia sẻ cùng chồng con một chút tiếng tăm, không ai ngờ chị lại phải chịu một sự mạ ly công khai nặng nề đến thế. Đối với người quen thuộc với cầu trường, với đám đông vô danh thì lời khen tiếng chê, câu tuyên dương cũng như điều xỉ vả cũng chỉ nên coi như là mưa bóng mây, đến rồi đi, mưa đấy rồi nắng đấy, chả nên chú ý làm gì. Nhưng người đàn bà chân chất như chị Huyền Vũ, ít khi đến cầu trường, làm sao chị chịu được những sự trở chứng bất thường của đám đông như vậy. Cho nên tôi ân hận cho chị quá, tôi buồn cho chị quá mà cũng không biết phải chia sẻ với chị thế nào.

    Sau đó đội tuyển miền Nam cũng qua được sự choáng váng ban đầu điều chỉnh lại thế trận, dần dần nắm lại thế chủ động. Kết quả đội miền Nam vẫn thắng Thái Lan 2-1 vào chung kết với Nam Dương. Trước khi tan trận đấu tôi không thấy chị Huyền Vũ. Hình như chị đã bỏ ra về từ lúc nào. Và ít bữa sau chung kết giải Quốc Khánh, Việt Nam đụng Nam Dương không thấy chị đến cầu trường nữa. Đây cũng là một sự vô cùng đáng tiếc. Bởi vì người ghi công cho đội tuyển miền Nam chính là Quốc Bảo. Sau khi Việt Nam dẫn 1-0, đội Nam Dương đã phản công liên tiếp, thành trì miền Nam đặt trong cảnh nghìn cân treo sợi tóc; nhưng bao nhiêu cú dứt cận thành, những trái đánh đầu hiểm hóc đều được thủ môn Quốc Bảo, trong một ngày hưng phấn lạ lùng cản phá được hết. Trận đá sau đó được kết liễu bằng 1 trái sút vô cùng độc đáo của Võ Thành Sơn, một mình dẫn banh lên bị 2 hậu vệ Nam Dương kèm riết mà vẫn sút được một trái banh tuyệt mỹ bằng chân trái sở trường; từ góc trái cách khuôn thành đến gần 30m, trái banh bay như một mũi tên chìm đụng góc xa bắn vào lưới. Võ Thành Sơn ấn định tỉ số 2-0 cho VN. Nhưng trong những giờ phút hiểm nghèo, chính Quốc Bảo giữ gôn xuất sắc nên thành trì dù bị tấn công tới tấp, VN vẫn giữ được tỉ số 1-0 tạo niềm tin cho đồng đội đá cắn răng ngậm thẻ cho đến chiến thắng cuối cùng.

    Sau trận đấu, cái đám đông khán giả kia lại tràn xuống, công kênh thủ môn Quốc Bảo lên vai mà reo hò tở mở "Hoan hô Quốc Bảo, Hoan hô Quốc Bảo". Tôi cứ lấy làm tiếc, tại sao giây phút này không có chị Huyền Vũ ở đây. Với chiến công đạt được trong ngày Quốc Khánh 1974, thủ môn Quốc Bảo chắc đã xóa đi được mối bận lòng hôm trước, nhưng đối với chị Huyền Vũ, bà thân của Quốc Bảo không biết thời gian có làm cho chị nguôi quên được vết thương xưa...

    *


    Mười năm sau ngày sụp đổ miền Nam, tôi đi tù cải tạo trở về. Miền Nam của chúng ta, Saigon của chúng ta đã trải qua bao nhiêu hệ lụy:

    "Phong trần đến cả sơn khê,
    Tang thương đến cả hoa kia cỏ này".


    Nghe tin anh Thiệu Võ đã mất trong nước. Nguyễn Ang Ca cũng đã thất lộc ở nước ngoài, ở Bỉ. Anh em kẻ mất người còn, tan tác muôn nơi. Nhà báo nói Huyền Vũ và gia đình nghe tin đã tới nước ngoài ở Mỹ. Nếu vì một cơ duyên nào đó những giòng chữ này đến được anh chị, xin anh chị Huyền Vũ coi đây như là một lời chia sẻ muộn màng.

    Ký Giả Lô Răng
    Ngày Nay Minnesota số 245, 15-8-1999

    Nguồn:http://www.diendantheky.net


              
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”